THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

NĂM BÍ MẬT THƯƠNG XÓT 2019

 

HÀNH HƯƠNG THÁNH ĐỊA - TUẦN THÁNH VƯỢT QUA

(12-22/4/2019)

Biên soạn - TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

kèm theo hình ảnh trong máy chụp điện thoại sumsung 8 của mình

 

Thứ Hai Tuần Thánh Ngày 15/4

Thăm Nazarét, Lên Núi Tabor, Ghé Thành Meggido,

Thăm Cánh Đồng Belem và Về Ở Jerusalem

 

Bình minh vào lúc 5-6 giờ sáng từ thang máy lầu 5 và phòng ăn

của Khách Sạn Leonardo ở Thành Phố Tiberia Bắc Israel

Điểm tâm từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa ở khách sạn Leonardo Tiberia

So với khách sạn Leonardo ở Jerusalem là nơi phái đoàn TĐCTT sẽ trú ngụ 7 đêm còn lại

thì 2 đêm ở khách sạn Tiberia này khá hơn về cả khung cảnh lẫn thực phẩm, nhưng đều thuộc về hạng sang (first class) như nhau.

Kinh nghiệm cả 3 chuyến hành hương (2014, 2017 và 2019) qua cùng một travel agency này thì không chê được về vấn đề ăn uống và ngủ nghỉ...

tất nhiên trừ những ai mất ngủ gây ra bởi trái múi giờ v.v. như trong bất cứ chuyến hành hương nào!

Thế nhưng, nhờ ăn uống đầy đủ và ngon lành nên vẫn sung sức hành hương cho tới ngày về thì mới thật sự cảm thấy thấm mệt... là bình thường!

Nhìn vào và thưởng thức các món ăn Do Thái kiểu buffet, tiêu biểu như bữa tối hôm qua và điểm tâm hôm nay,

mới hiểu được tại sao có những chị mang theo đủ thứ đồ ăn Việt Nam, như mì tôm, chà bông và cơm cháy v.v.

cho đến ngày về vẫn còn dư, đến độ phải để lại cả 3-4 thùng cho các thày Việt Nam đang du học ở Thánh Địa.

Tuy nhiên, dư đây không phải là không ăn một tí nào, mà là đã ăn mà ăn không hết thôi...

ăn vào sáng sớm vì không ngủ được, hay vào ban tối vì vẫn còn thèm thuồng chất vị quê hương.

Trong phòng nào cũng có một bình nước trống, chỉ cần cho nước nào đun sôi lên là xong,

thay vì pha trà hay cà ohê uống thì pha mì tôm ăn liền.

Có chị đã khoe ngay trong bữa điểm tâm đầu tiên ở Israel này rằng "chưa bao giờ ăn mì tôm ngon như hôm nay".

Trong chuyến hành hương lần này, trong 3 lần làm linh hướng cho phái đoàn TĐCTT,

Cha Đức Minh nói cho tôi nghe một cảm nhận chí lý của ngài như thế này: "Đi với các bà thì không sợ đói mà chỉ sợ bội thực!"

Cái thèm thuồng tự nhiên chất vị Việt Nam ở một khách sạn với đủ mọi thứ ăn uống ngon lành cả bữa tối lẫn bữa sáng như thế này

nơi anh chị em hành hương TĐCTT chúng ta mới thông cảm được cái thèm thuồng đòi hỏi của dân Do Thái 40 năm trong sa mạc,

cho dù được ăn manna với đủ thứ mùi vị tùy ý và chẳng phải vất vả làm ăn nấu nướng,

thế mà họ vẫn nhớ đến "củ hành củ tỏi (onions and garlic) ở Ai Cập" (Dân Số 11:4-5),

và cứ động một tí là họ nhất quyết đòi trở về với đời sống nô lệ của họ hơn là tìm về mảnh Đất Hứa tự do "chảy sữa và mật"

do chính Thiên Chúa đã hứa ban cho họ qua tổ phụ Abraham của họ (Khởi Nguyên 12:1,7).

Kitô giáo ngày nay cũng thế, một Kitô giáo đang phá sản đức tin và văn hóa Kitô giáo,

nhất là ở thế giới Tây Phương nói chung và Âu Châu nói riêng, được tín đồ Hồi giáo đồng hóa với Kitô giáo,

hơn bao giờ hết, họ chẳng những mang nặng khuynh hướng "củ hành củ tỏi Ai Cập" theo ý thích và có tính cách nhân tạo của họ như dân Do Thái xưa,

mà thật sự là họ đã về lại Ai Cập và sống ở Ai Cập từ sau Thế Chiến Thứ II, để có thể hoan hưởng những món họ thích nhất, những món do chính họ tạo ra,

như các món ly dị, phá thai, đồng tính hôn nhân, triệt sinh an tử, triệt sinh trợ tử, tạo sinh ống nghiệm, tạo sinh thai mướn, chuyển giới, nguyên tử v.v.

thay vì các món "chảy sữa và mật" do chính Thiên Chúa ban cho họ là Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền...

Và vì thế, chẳng lạ gì càng văn minh về vật chất (tư bản) và tự do (nhân bản)

con người càng điên cuồng bạo loạn đến độ họ đang sẵn sàng "ôm bom khủng bố" tự diệt lẫn nhau và cả chính bản thân mình là vậy!

 

Sửa soạn ra xe hành hương và về Jerusalem

Vì hôm nay, ngày thứ hai của chuyến hành hương tại Thánh Địa, ở miền bắc Israel là Galilêa, và cũng là ngày cuối cùng ở đây,

sau đó, vào buổi chiều, sẽ xuống miền nam Giuđêa tiếp tục hành hương ở dưới đó, nhất là ở Jerusalem và Jericho,

nên hành lý lại phải chuyển xuống xe ngay từ sáng sớm từ 6 giờ 30, trong lúc phái đoàn điểm tâm.

Tuy nhiên, cho dù được nhân viên khách sạn chuyển đồ từ từng phòng xuống xe,

mỗi người phải tự kiểm và xác nhận đồ của mình trước khi nó được đưa vào lòng xe.

 

Đường từ thành phố Tiberia đến Nazarét để dâng Lễ Sáng ở Nguyện Đường Truyền Tin vào lúc 9 giờ

 

ĐẤT HỨA được Thiên Chúa nói là "chảy sữa và mật" (Xuất Hành 3:8; Dân Số 13:27; 14:8), đến độ thân thể của dân địa phương khổng lồ và hoa trái của họ quá to lớn, như cành nho và chùm nho được hai trong 12 thám thính viên gánh về chứng thực (xem Dân Số 13:23,27), nhưng thực ra hiện nay, hầu hết là khô cằn và gập ghềnh đồi núi, bao gồm chung Giuđêa miền Nam và riêng Khu Vực lân cận Thành Giêrusalem. Phải chăng ý nghĩa "sữa và mật" đây, theo tôi, ám chỉ "sự sống (sữa) và sự sống viên mãn (mật)" (Gioan 10:10).

Bởi vì, Thiên Chúa đã cứu dân Do Thái được Ngài tuyển chọn làm dân riêng của Ngài khỏi Ai Cập - tiêu biểu cho thân phận nô lệ, một thân phận làm tôi cho thế gian và ma quỉ sau nguyên tội, để đưa họ vào Đất Hứa - tiêu biểu cho thân phận tự do làm con cái Thiên Chúa, một thân phận được tham phần vào sự sống thần linh viên trọn của Ngài.

Hành Hương Thánh Địa chính là Hành Hương về Đất Hứa hay đến Đất Hứa, một miền đất Canaan xưa kia của Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái, là để tái nhận thức và xác tín hơn nữa về thân phận làm con Thiên Chúa của Kitô hữu chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Làm Người, một Nhân Vật Giêsu Lịch Sử đã Giáng Sinh, Mạc Khải và Vượt Qua ở đó! 

Đất Hứa đã trở thành quê hương của dân Do Thái cũng có 3 miền bắc trung nam như ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nhỏ hơn Việt Nam rất nhiều.

Vì chỉ mất 2 tiếng có thể lái xe từ miền nam lên miền bắc hoặc ngược lại (nếu không bị kẹt xe) ở Thánh Địa.

Đức Mẹ đi thăm người chị họ Isave của mình (Luca 1:39-40), từ Nazarét ở miền bắc xuống miền nam Giuđêa,

hay Thánh Gia xuống dự lễ Vượt Qua của dân Do Thái (Luca 2:41-42), nếu đi bộ và liên tục, thì cũng phải mất mấy ngày.

Cả ở miền bắc Galilêa lẫn miền nam Giuđêa, Thánh Địa hiện lên một phong cảnh ấn tượng là có nhiều đồi núi

và các nhà được xây cất ở trên các ngọn đồi hay các sườn đồi dốc dác.

Phái đoàn hành hương TĐCTT hôm nay đang xuôi nam, từ thành phố Tiberia ở miền nam Biển Hồ Galilêa tiến xuống Thành Nazarét,

nơi hiện nay không còn là một thôn làng hẻo lánh vô danh của trinh nữ Maria (Luca 1:26) nữa, mà là thủ đô của cả bắc bộ Galilêa.

Không biết Đất Hứa "chảy sữa và mật"

(Xuất Hành 3:8,17;13:5;33:3; Levi 20:24; Dân Số 13:27;14:8;16:13-14; Nhị Luật 6:3;11:9;26:9;15;27:3;31:20; Gio Duệ 5:6)

ở chỗ nào vào thời dân ngoại còn đang cư ngụ ở đó,

vì đất đai ngày nay có vẻ cũng khô cằn không được tươi tốt như ngày dân Do Thái sắp vào chiếm ngụ,

thời mà phải 2 người mới gánh nổi một chùm nho (Dân Số 13:23).

Hành Hương Thánh Địa, ở một nghĩa nào đó, là cuộc Hành Trình về Đất Hứa, một mảnh đất tranh chấp giữa dân Do Thái là dân được Chúa tuyển chọn và tỏ mình ra trong suốt giòng Lịch Sử Cứu Độ của họ, với dân Palestine, một trong thành phần dân thuộc thế giới Ả Rập. Hai dân tộc này: trong khi dân Do Thái xuất thân từ đứa con theo lời hứa là Isaac, đứa con trai duy nhất của tổ phụ Abraham, thì dân Ả Rập, theo suy diễn Thánh Kinh (xem Khởi Nguyên 16:12), xuất thân từ Ismael, đứa con sinh bởi xác thịt, giữa tổ phụ Abraham và "nữ tỳ của Sara" (Khởi Nguyên 16:7), vợ của tổ phụ Abraham son sẻ, một người nữ tỳ người Ai Cập là Hagar.

Hai đứa con Ismael theo xác thịt và Isaac theo lời hứa này đều được sinh ra tại Đất Hứa, một mảnh đất Thiên Chúa ngay từ ban đầu đã kêu gọi Abraham từ bỏ nơi ông đang sống để đến đó (xem Khởi Nguyên 12:1-6). Mảnh đất đó chính là "đất Canaan" (Khởi Nguyên 12:5). Tuy nhiên, vào thời xẩy ra nạn đói ở xứ Canaan này (xem Khởi Nguyên 41:54, 42:1-2), toàn thể 12 chi tộc của dân Do Thái, gồm 70 người, đã theo tổ phụ Giacóp sang Ai Cập, nơi có Giuse đã được Thiên Chúa quan phòng thần linh sai đến trước để cứu đói chẳng những dòng tộc của mình mà còn cả Ai Cập nữa. Sau 430 năm sinh sống ở Ai Cập (xem Xuất Hành 12:40), trở thành một dân tộc đông đúc tràn đầy ở Ai Cập đến độ khiến vị vua mới của Ai Cập hoảng sợ nên âm mưu tiêu diệt dân Do Thái (xem Xuất Hành 1:7-10).

Thế nhưng, đúng như những gì Thiên Chúa đã tự hứa với tổ phụ Abraham, liên quan chẳng những đến Đất Hứa giành cho dân Do Thái là miêu duệ của ông (xem Khởi Nguyên 12:7), mà còn liên quan đến việc giải phòng dân Do Thái khỏi Ai Cập về Đất Hứa nữa (xem Khởi Nguyên 15:13-14). Tuy nhiên, trong thời gian 430 năm dân Do Thái ở Ai Cập ấy, ở Xứ Canaan cũng phát triển các thứ dân khác, to con lớn tướng hơn dân Do Thái rất nhiều (xem Dân Số 13:1-2, 27-29, 32-33), đến độ khiến dân Do Thái khi nghe các thám tử thuật lại những gì họ thấy thì tỏ ra hoảng sợ muốn trở về lại Ai Cập (xem Dân Số 14:1-4, 10).

Cuối cùng, họ vẫn vào được Đất Hứa sau khi băng qua Sông Dược Đăng / Jordan (xem Gio-Duệ đoạn 3), một mảnh đất không phải của họ, mà của các dân tộc khác, được Thiên Chúa giành cho họ (xem Gio-Duệ 1:1-6), và thậm chí còn trực tiếp ra tay giúp họ chiếm đoạt, như trường hợp Thành Giêrico là một thành kiên cố nhất và là thành đầu tiên họ cần phải đương đầu (xem Gio Duệ đoạn 6). Sau Thành Giêrico đến các dân tộc khác vẫn ở mảnh đất trước dân Do Thái (xem Gio-Duệ các đoạn 7-12), cho đến khi chiếm trọn Đất Hứa mới phân chia Đất Hứa cho từng chi tộc (xem Gio-Duệ các đoạn 13-21).

Dân Do Thái khi sống trong Đất Hứa đã làm ô uế mảnh đất này của Thiên Chúa, bằng việc họ ngoại tình với các thứ ngẫu tượng của họ, một tội bất trung trắng trợn với vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ, một thứ bất trung luôn được vị Thiên Chúa chậm bất bình và hết sức khoan dung nhắc nhở và cảnh báo họ qua các vị tiên tri ngôn sứ Ngài sai đến với họ qua giòng Lịch Sử Cứu Độ của họ, và khi họ bị đi đầy, như ở Babylon trong thời khoảng 70 năm, họ lại làm ô danh Chúa giữa dân ngoại, nên Thiên Chúa lại phải mang họ về lại Đất Hứa (xem Êzêkiên 36: 16-24). Thế rồi, họ lại bị phân tán khắp nơi trên thế giới sau khi họ nổi loạn chống lại đế quốc Roma (66-70) bất thành, đến độ, Thành và Đền Thánh Giêrusalem đã bị tàn phá đúng như những gì Đấng Thiên sai cứu tinh của họ nhưng họ quyết sát hại đã tiên báo và cảnh giác (xem Luca 19:41-44).

Cho tới đầu thế kỷ thứ 20, qua phong trào và nhờ phong trào Zionism, phong trào hồi hương bắt đầu, với con số đầu tiên là 40 ngàn người, rồi vào đầu thập niên 1930 với 50 ngàn người nữa, thường từ Đông Âu là nơi phong trào bài Do Thái dữ dội. Thậm chí trong Thế Chiến Thứ II, 6 triệu người Do Thái của họ đã bị Đức Quốc Xã tàn sát. Thế nhưng, cuối cùng, họ cũng đã được quốc tế công nhận là một quốc gia trên thế giới vào năm 1948. Tuy nhiên, từ đó tới nay đã trên 70 năm, mảnh Đất Hứa cũng là Đất Thánh vẫn là một vùng đất liên lỉ tranh chấp hết sức gay go và đẫm máu, đến độ hầu như bất khả giải quyết, cho dù là Liên Hiệp Quốc, giữa người Do Thái và dân Palestine Ả Rập. Vấn đề được đặt ra ở đây là mảnh đất thuộc về ai và là của ai: dân Do Thái hay dân Palestine? Câu trả lời có thể phải dung hòa như thế này: Đất Hứa theo tự nhiên là của các dân tộc khác, nhưng theo Lời Hứa là của dân Do Thái.

Nếu Thiên Chúa đã hứa cho dân Do Thái, mà Ngài có toàn quyền trên trời dưới đất, thì Đất Hứa là đất của dân Do Thái. Đất Hứa không chỉ có ý nghĩa về địa dư và thể lý, mà còn chất chứa cả một mầu nhiệm siêu nhiên và thần linh theo lời hứa của Thiên Chúa. Bởi thế, Thiên Chúa vẫn không chỉ biết có dân Do Thái được Ngài tuyển chọn để tỏ mình ra trong giòng Lịch Sử Cứu Độ của họ, cho tới "thời gian viên trọn" (Galata 4:4) của Ngài, cũng là "thời sau hết" (xem Do Thái 1:2) hay thời cánh chung với Chúa Giêsu Kitô, Đấng là tột đỉnh mạc khải thần linh và là tất cả mạc khải thần linh, Ngài còn bao gồm tất cả mọi dân tộc trên thế giới nói chung và dân Palestine ở Thánh Địa nói riêng trong lời Ngài hứa với tổ phụ Abraham (xem Khởi Nguyên 22:18). Giáo Hội Kitô giáo bao gồm toàn thể dân ngoại khắp nơi trên thế giới, đã chứng thực và ứng nghiệm lời hứa cứu độ "từ dân Do Thái" (Gioan 4:22) này của Thiên Chúa.

Biến cố và sự kiện lịch sử dân Do Thái đã hồi hương và tái lập quốc gia của mình, và vẫn trông đợi Đấng Thiên Sai của mình, cho dù là về chính trị, cho thấy họ vẫn trung thành với vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ, cho dù trong dòng lịch sử của mình, họ có bất trung với Ngài, nhất là đã cố tình giết Chúa Giêsu Kitô là Đấng Ngài sai chỉ vì theo quan niệm của họ nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét này đã lộng ngôn phạm thượng, chỉ là loài người mà dám cho mình là Thiên Chúa (xem Gioan 5:18; 10:33; 19:7). Thế nhưng, vì "Thiên Chúa không thể chối bỏ chính mình Ngài" (2Timôthêu 2:13), mà cuối cùng "cho đến khi đủ số dân ngoại, toàn thể Israel sẽ được cứu độ" (Roma 11:25-26).

 

Tiến đến Thánh Đường Truyền Tin Nazarét

Nazarét ngày nay không còn phải là một thôn làng hẻo lánh của cô trinh nữ Maria ngày xưa nữa, mà là một thủ đô và là thành phố lớn nhất của Khu Vực Miền Bắc Israel, và được biệt danh là "Thủ Đô Ả Rập của Israel", vì vào năm 2017, dân số ở đây là 76,551 người, hầu hết là người Ả Rập có quốc tịch Do Thái, trong đó có 69% là tín đồ Hồi giáo và 30.9% là Kitô hữu. Tuy nhiên, Nazarét nổi tiếng nhất không phải về chính trị và hành chính như hiện nay, mà là về tôn giáo. Bởi địa danh này gắn liền với hai tên tuổi vô cùng quan trọng đối với lịch sử loài người, đó là Maria Nazarét và Giêsu Nazarét. Nếu không có Nazarét thì cũng chẳng có Sông Jordan, có Núi Biến Hình, có Jerusalem, có Đồi Canvê, có Mồ Thánh!

Phái đoàn hành hương TĐCTT hôm nay mặc áo đồng phục đầu tiên, và là đồng ohục Mầu Xanh Thánh Mẫu,

vì đến cử hành Thánh Lễ ở Thánh Đường Truyền Tin, nơi Trinh Nữ Maria được Truyền Tin thụ thai Lời Nhập Thể

Trong khuôn viên và bên ngoài Thánh Đường Truyền Tin

Vì còn sớm, còn cả hơn 30 phút trước lễ vào lúc 9 giờ, và trong khi chờ đợi Thánh Lễ của nhóm trước đang được cử hành

phái đoàn TĐCTT nghe vị tour host hướng dẫn, tham quan và chụp hình chung quanh khuôn viên của ngôi Thánh Đường Truyền Tin này

Ngôi Thánh Đường này được kiến thiết tại chính vị trí, theo truyền thống, xẩy ra biến cố Truyền Tin Lời Nhập Thể cho Trinh Nữ Maria thôn Nazarét. Ngôi Nhà Thờ này có 2 tầng, được xây dựng vào năm 1969, trên vị trí của một ngôi nhà thờ có từ thời Đế Quốc Byzantine và thời Thánh Chiến. Ở tầng dưới có hang Truyền Tin (the Grotto of the Annunciation), nơi được cho là ngôi nhà nguyên thủy của bé Maria vào thời thơ ấu. Nhà Thờ này đã trở thành Tiểu Đền Thờ (a minor basilica), nơi thu hút chẳng những tín hữu Công giáo mà còn cả Kitô hữu Anh giáo và Chính Thống Đông Phương nữa.

 

Bên trong Thánh Đường Truyền Tin

Cung Thánh ở tầng trên

Truyền Tin ở tầng dưới

Bên trong hàng rào bằng kim loại mầu đen là nơi Trinh Nữ Maria được Truyền Tin thụ thai Lời Nhập Thể

Luca 1: Truyền tin cho Đức Ma-ri-a

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "

35 Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Đại Năm Thánh 2000, có một con người đã một mình từng phục xuống chỗ đất trời giao hòa lịch sử linh thiêng ở đây

để thờ lạy Lời Nhập Thể và Ngợi Khen Cảm Tạ LTXC với Người Mẹ Đầy Ơn Phúc từ loài tạo vật thấp hèn của mình!

Trong chuyến Hành Hương Thánh Địa - Tuần Thánh Vượt Qua 2019 lần này, 19 năm sau,

cũng con người ấy không ngờ đã trở lại tại chính vị trí lịch sử hội ngộ thần linh trên 2 ngàn năm trước đây,

để nhờ Mẹ, với Mẹ và như Mẹ xin được toàn hiến bản thân bé mọn và cuộc đời tạm gửi của mình cho LTXC:

"Này tôi là nữ tỳ Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi như lời ngài truyền" (Luca 1:38)

"Giêsu ơi, con tin nơi Chúa" - Xin hãy chiếm đoạt con.

 

Cử Hành Thánh Lễ Thứ Hai Tuần Thánh

Thánh lễ được kéo dài 50 phút, 9-9:50 am,

nhưng vẫn phải vừa hát kết lễ vừa chụp hình chung cuối lễ mới kịp giờ cho Thánh Lễ của nhóm tiếp theo

bé tĩnh đang chụp hình chung thì được một thiên thần vỗ tai làm hiệu đứng vào hàng ngũ để cả nhóm đều có hình 

 

Lên Núi Biến Hình - Núi Tabor

Sau Thánh Lễ ở Nazarét, trên tuyến đường xuôi nam, phái đoàn hành hương TĐCTT được dẫn đến những

danh địa gần đó và từ đó, như Núi Tabor hay Núi Biến Hình, và Thành Meggido, trước khi về Belem sau trưa

Núi Tabor được tin là nơi Chúa Giêsu Biến Hình, cao 420 mét hay 1378 bộ / feet so với đồng bằng Galilêa và cách Nazarét 7 cây số về phía đông.

Những khách hành hương đầu tiên thường phải leo 4300 bậc dốc đá mới lên tới đỉnh núi này.

Vào thời điểm Đại Năm Thánh 2000 thì còn xe taxi loại mercedes chở khách hành hương lên Núi Biến Hình,

nhưng đến nay thì các loại xe van chở cả chục người lên cùng một lúc cho nhiều và nhanh hơn

Núi Tabor này đã từng bị bỏ hoang 400 năm trước khi Dòng Anh Em Hèn Mọn của Thánh Phanxicô bắt tay vào việc kiến thiết...

cho tới nay trở thành một trong những địa danh hành hương bất khả thiếu ở Thánh Địa ở Miền Bắc Galilêa

 

Bên Ngoài Thánh Đường Biến Hình

 

Bên trong Thánh Đường Biến Hình

Trên cung thánh chính của ngôi Thánh Đường Biến Hình này có bức họa trên tường về biến cố biến hình

(một số bản dịch sử dụng chữ "hiển dung" không chính xác cho bằng "biến hình",

vì cả toàn thân, bao gồm vừa "mặt" của Người ám chỉ linh hồn Người lẫn "áo" của Người ám chỉ thân xác Người nữa.

Bởi Chúa Kitô Biến Hình là biến cố báo trước Nhân Tính của Người sẽ Vượt Qua từ Cõi Chết Tử Giá mà vào Cõi Sống Phục Sinh,

như Người đã báo trước "6 ngày" theo Thánh Mathêu và "8 ngày" theo Thánh Luca ở 2 đoạn Phúc Âm dưới đây:)

Mathêu 17: Đức Giê-su hiển dung (Mc 9:2-8; Lc 9:28 -36 )

1 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người.4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a."5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! "6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất.7 Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: "Chỗi dậy đi, đừng sợ! "8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.

Luca 9: Đức Giê-su hiển dung (Mt 17: 1-8; Mc 9:2-8)

28 Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê.29 Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà.30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a.31 Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.32 Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người.33 Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." Ông không biết mình đang nói gì.34 Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ.35 Và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người! "36 Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

Ở dưới hầm (tầng dưới) nhà thờ (từ tầng trên có thể nhìn xuống) có một bàn thờ và các mảnh tường của một nhà thờ từ thời Đế Quốc Byzantine, và nền đá của cái hầm (crypt) này được tin là nơi Chúa Giêsu đứng khi Người biến hình trên núi.

Cuồi lòng nhà thờ hay ngay lối vào từ cuối nhà thờ này,

một bên (phải) là bàn thờ trên tường có hình tiên tri Elia và một bên (trái) có hình Moisen

 

Xuống Núi

Khi phái đoàn hành hương TĐCTT đang chờ xe xuống núi thì thấy có 3 cánh diều máy đang bay lượn gần đó,

như thể 3 cái lều được Thánh Phêrô chợt hứng bày tỏ mà chẳng biết mình nói gì - nay đã được hiện đại hóa thành 3 cánh diều này chăng?

 

Ghé tham quan Đồng Bằng Meggido

Trước hết là xem phim tài liệu về địa danh này

Thành Meggido ở Đồng Bằng Esdraelon, một thành xẩy ra nhiều cuộc chiến tranh nhất trong lịch sử thế giới; ngày nay được LHQ công nhận là một trong những di sản của thế giới. Meggido chính là ARMAGEDDON, một địa danh được nhắc đến trong Sách Khải Huyền (16:12-16), nơi xẩy ra trận chiến quyết liệt cuối cùng trước tận thế.

Khài Huyền 16: Bảy chén tai ương

12 Vị thứ sáu trút chén của mình xuống sông cả Êu-phơ-rát. Nước sông ấy liền khô cạn, để dọn đường cho các vua từ phương Đông tới.13 Bấy giờ từ miệng Con Mãng Xà, từ miệng Con Thú và từ miệng ngôn sứ giả, tôi thấy ba thần ô uế nhảy ra như những con ếch.14 Chúng quả là những thần khí của ma quỷ, chúng làm những dấu lạ và đi đến với vua chúa trên khắp cả thiên hạ, nhằm tập hợp họ lại để giao chiến trong Ngày lớn lao của Thiên Chúa Toàn Năng. -15 "Đây, Ta đến như kẻ trộm. Phúc thay kẻ canh thức và giữ áo mình, kẻo phải đi đứng trần truồng và bị người ta nhìn thấy sự loã lồ của mình! " -16 Chúng quy tụ họ tại một nơi, tiếng Híp-ri gọi là Hác-mơ-ghít-đô (Armageddon)

đường xa, dốc dác, nhưng cảnh đẹp, trời mát... nên các đôi chân vẫn cứ bước tới... dù không biết còn xa tới đâu

Dù sao cũng là dịp để già trẻ, lớn bé, yếu khỏe vận động, cho dãn gân chuyển máu

 bù lại những giây phút ngồi trên xe gò bó dễ bị rút gân đọng máu trong người.

Phải hơn một dặm đường đồi thênh thang dưới bầu trời tươi sáng

mới tới một đường hầm kín ẩn để chui sang lối bên kia,

nơi xe tour bus đang chờ để đón về vị trí ban đầu

Chui qua một con đường hầm

địa danh này, có thể nói, là một nơi, tuy có dính dáng tới Thánh Kinh, nhưng lại liên quan đến tương lại hơn quá khứ

Dù sao cũng là một phong cảnh hữu tình không nên bỏ qua, nếu có dịp cũng

cần phải đến để tham quan như là một chút "du lịch" tự nhiên trong chuyến hành hương có tính cách đức tin siêu nhiên

"Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi.

Cây roi và cái trượng của Người, đó là điều an ủi lòng tôi" (Thánh Vịnh 22:4)

Tuy băng qua một cầu hầm mờ tối không biết dài bao nhiêu và dẫn đến đâu, cuộc đời của những tâm hồn chỉ biết tin vào LTXC

thì nhờ đó lại càng trở nên sáng tỏ và duyên dáng hơn bao giờ hết, trước "ánh sáng sự sống" (Gioan 8:12) của Đấng Quan Phòng Thần Linh.

"Chúa đầy xuống âm phủ rồi Chúa lại nâng lên" (1Samuel 2:6)

 

Cánh Đồng Bêlem

vì còn sớm, phái đoàn hành hương TĐCTT được dẫn đến Cánh Đồng Belem ở ngoại ô Thành Jerusalem

để thăm hang mục đồng và sau đó ghé tham quan tiệm đồ gỗ khắc ở Belem trước khi về khách sạn Leonardo ở Jerusalem

Trời bắt đầu mưa nhè nhẹ... khi phái đoàn hành hương TĐCTT tiến tới khuôn viên Mục Đồng, tâm điểm dẫn vào

Hang Mục Đồng

Đây là Hang Mục Đồng, chưa phải và không phải là Hang Belem nơi Chúa Giáng Sinh.

Luca 2: Đức Giê-su ra đời. Những người chăn chiên đến viếng thăm (Mt 1:18 -25 )

1 Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.2 Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri.3 Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.4 Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít.5 Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai.6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa.7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

8 Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.9 Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.10 Nhưng sứ thần bảo họ: "Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân:11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ."13 Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:

14 "Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."

15 Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: "Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết."16 Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.
 

Sát với Hang Mục Đồng có một hang khác gần khuôn viên Mục Đồng hơn

Có thể nói rằng theo chu vi thì dường như chẳng có nơi nào trên thế giới này có nhiều bàn thờ như ở Thánh Địa.

Đã là một nơi thánh, một di tích thánh liên quan đến Chúa Mẹ là có nguyện đường, nhà thờ, bàn thờ.

Còn nhiều hơn cả ở Hố Nai, Dốc Mơ, Gia Kiệm nữa.

14 "Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."

 

Nhà Thờ Cánh Đồng Belem

chân bàn thờ

Ghé tiệm đồ gỗ trạm khắc ở Bêlem

Tâm hồn nữ TĐCTT Lưu Ngọc Trinh này say mê "cái thú đau thương" đến độ không thể cầm mình,

đến độ tỏ ra rất hào hứng và hớn hở nhào tới mua ngay 2 Thánh Giá bằng gỗ Olive có thể để ngoài trời,

(1 ở Bêlem hôm Thứ Hai Tuần Thánh này và 1 ở Giêrusalem hôm Chúa Nhật Phục Sinh sau đó),

tổng cộng cả 2 gần 4 ngàn MK (bao gồm cả chi phí shipping)

 

Khách Sạn Leonardo ở Jerusalem và bữa tối

Bà Nawas, cháu của vị nguyên chủ của Nawas International Travel, trụ sở chính ở Jerusalem và có từ năm 1949

Nhân dịp phái đoàn hành hương TĐCTT sang Thánh Địa, và là lần hành hương thứ 3 với hãng này (2014, 2017 và 2019),

đã đến chào hỏi và cám ơn ban tổ chức cùng trao tặng một túi quà mừng 70 năm thành lập cho từng khách hành hương TĐCTT,

trong đó, ở mỗi bao nhỏ có 1 cây Thánh Giá bằng gỗ Olive ở Jerusalem và 1 cỗ Tràng Hạt cũng bằng gỗ Olive ở Jerusalem.

 

Xin mời xem video một số đoạn của ngày hôm nay

04152019

 

NỘI DUNG

 

Thứ Sáu và Thứ Bảy Ngày 12-13/4

Lên Đường ... về nguồn Kitô giáo - Đất Hứa

Chúa Nhật Thương Khó Ngày 14/4

Từ ngoại biên Biển Hồ Galilêa và

Thành Caphanaum

Rồi về Cana

Thứ Hai Tuần Thánh Ngày 15/4

Thăm Nazarét, Lên Núi Tabor,

Ghé Meggido,

Thăm Cánh Đồng Belem, Về Ở Jerusalem

Thứ Ba Tuần Thánh Ngày 16/4

Phần 1

 Đi Đường Thánh Giá Nội Bộ 

Phần 2

 Kính Viếng Các Nơi Thánh ở Cổ Thành Jerusalem 

Thứ Tư Tuần Thánh Ngày 17/4

Tham quan Giuđêa

Lễ ở Betania, Ngắm Núi Cám Dỗ,

Ghé Thành Jericho, Đến Sông Jordan,

Ngắm Hang Qumran, Chơi ở Biển Chết

Thứ Năm Vượt Qua Ngày 18/4

Phần 1  

Sáng: Hang Belem,

Trưa: Cổ Thành Jerusalem,

Chiều: Nhà Thờ Kinh Lạy Cha trên Núi Cây Dầu;

Phần 2

 Cử Hành Thứ Năm Tuần Thánh:

Chiều: Lễ Ở Nhà Thờ Chúa Khóc và Kính Viếng Vườn Câu Dầu;

Tối: Nghi Thức Đêm Thứ Năm Tuần Thánh Ở Nhà Thờ Vườn Nhiệt;

 Đêm: Theo Con Đường Bắt Giải Chúa từ Vườn Nhiệt đến Dinh Caipha

Thứ Sáu Vượt Qua Ngày 19/4

Sáng: Đi Đường Thánh Giá Cộng Đồng và

Chiều: Tham dự Cử Hành Phụng Vụ Cuộc Thương Khó

Thứ Bảy Vượt Qua Ngày 20/4

Ngày: Tĩnh Tâm Khóa LTXC "Vượt qua sự chết vào sự sống"

 Tối: Dự Lễ Vọng Phục Sinh;

Đêm: Canh Thức bên Mồ Chúa

Chúa Nhật Phục Sinh Ngày 21/4

Sáng: Mua sắm kỷ vật quà tặng Đất Thánh ở Jerusalem

 Chiều: Cử hành Lễ Phục Sinh và Tuyên hứa TĐCTT ở Nhà Thờ Tiệc Ly

Thứ Hai Bát Nhật Ngày 22/4

Trở lại ... tiếp tục Hành Trình Đức Tin:

Sống Đức Tin hơn là chỉ Cảm Nhận Đức Tin