THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

 

Năm Thánh Gia Huynh Đệ 2021

 

Chia Sẻ Trực Tuyến Chủ Đề "Fatima - Thánh Mẫu Thương Xót"

 

 

5- Fatima - Kinh Nguyện Thương Xót

 

 

TĐCTT - HSTTM Đaminh Maria cao tấn tĩnh

 

Chia sẻ Online ngày 13/9/2021

https://youtu.be/hUAqA489BNA

 

Lời Chúa

 

Phúc Âm Thánh Luca

 

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.


28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.


30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."


34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "


35 Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
  

 

Kinh Kính Mừng

Trong bài Phúc Âm về biến cố Truyền Tin Lời Nhập Thể cho Mẹ Maria, chúng ta chỉ cần lưu ý tới lời chào của sứ thần Ga Biên: "Kính mừng đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng người".  Lời chào này của sứ thần Ga Biên là đoạn đầu của Kinh Kính Mừng, và đoạn sau của Kinh Kính Mừng là lời chào mừng được thoát ra từ cửa miệng một con người "đầy Thánh Linh" (xem Luca 1:41) là Bà Chị họ Isave của Mẹ Maria: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc" (Luca 1:42). Ghép cả hai đoạn lại là những gì chúng ta vẫn đọc: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ".  

Thật ra chúng ta hay nói đến Kinh Kính Mừng và đọc Kinh Kính Mừng, một kinh vốn bao gồm 2 phần, phần trên và phần dưới, phần trên là Kinh Kính Mừng, và phần dưới là Kinh Thánh Maria, nhưng cả 2 phần này chỉ được gọi chung là Kinh Kính Mừng, còn Kinh Thánh Maria là phần phụ họa của Giáo Hội từ Công Đồng Chung Epheso năm 431, khi Công Đồng Chung thứ 3 này của Giáo Hội tuyên bố tín điều Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa đã thêm vào với Kinh Kính Mừng. Nghĩa là Kinh Kính Mừng bao gồm cả trời cao, được tiêu biểu nơi vị thiên sứ, lẫn đất thấp, được tiêu biểu nơi một con người, và Giáo Hội, tiêu biểu nơi Công đồng Chung Epheso 431, cả 3 đều đầy tràn Thánh Linh. Nơi phần trên của Kinh Kính Mừng, bao gồm câu của thiên sứ và câu của bà Isave, chúng ta thấy được hình ảnh và ý nghĩa của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, ấn tín của Biến Cố Thánh Mẫu Fatima. 

Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, như đã được suy diễn ở đề tài Fatima - Trái Tim Thương Xót, ám chỉ Trái Tim Đầy Ơn Phúc, vì Trái Tim Mẹ ám chỉ đức tin tuân phục của Mẹ, và đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội ám chỉ Thiên Chúa đã ở cùng Mẹ ngay từ giây phút Mẹ được hoài thai, ở chỗ Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ cho khỏi nguyên tội, khi Ngài cho Mẹ được hưởng trước ơn cứu độ của Con Mẹ. Mẹ đầy ơn phúc, tên gọi đích thực của Mẹ đúng như lời chào của thiên sứ, không phải chỉ ở chỗ "Thiên Chúa ở cùng Mẹ", nhưng nếu Mẹ không ở cùng Thiên Chúa thì Mẹ sẽ không còn đầy ơn phúc nữa, nên Đức Mẹ đầy ơn phúc còn ở chỗ "em có phúc vì đã tin" (Luca 1:45), nghĩa là "có phúc hơn mọi người nữ" ám chỉ hơn tất cả mọi tạo vật nói chung và loài người nói riêng, do đó từ Mẹ mới trổ sinh "quả phúc Giêsu", "Con lòng bà gồm phúc lạ". 

Chính vì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là Trái Tim Đầy Ơn Phúc, Đầy Ơn Phúc đến tột độ khi Mẹ đứng kề bên Thánh Giá Chúa Con Mẹ (xem Gioan 19:25), một Trái Tim là ấn tín của Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, mà Biến Cố Thánh Mẫu Fatima này mới liên quan mật thiết và bất khả phân ly với Kinh Mân Côi, một kinh nguyện Thánh Mẫu được làm nên bởi hai yếu tố bất khả phân ly là Mầu Nhiệm Mân Côi (tâm nguyện) và Kinh Nguyện Mân Côi (khẩu nguyện). Kinh Nguyện Mân Côi chính yếu là Kinh Kính Mừng, và Mầu Nhiệm Mân Côi chính yếu là Chúa Giêsu Kitô Nhập Thể và Vượt Qua. Hiện ra ở Fatima lần nào Mẹ Maria cũng kêu gọi 3 thiếu nhi Fatima thụ khải "hãy cầu Kinh Mân Côi hằng ngày - pray Rosary daily", và lần cuối cùng hiện ra vào ngày 13/10/1917, Mẹ đã tự xưng "Mẹ là Đức Bà Mân Côi", nghĩa là Mẹ Đầy Ơn Phúc. 

 

Kinh Mân Côi

Thật ra ở Fatima còn một số kinh nguyện khác nữa, như kinh đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể được Thiên Thần hòa bình dạy cho 3 thiếu nhi Fatima thụ khải vào mùa xuân năm 1916, cũng như kinh xin Chúa Ba Ngôi thương đến các tội nhân vì Chúa Giêsu Thánh Thể, được cùng vị thiên thần dạy cho các em vào mùa thu năm 1916, và kinh xin Chúa Giêsu tha tội cùng cứu rỗi các linh hồn, được Mẹ Maria dạy cho các em ngay sau khi cho các em thấy toàn bộ Bí Mật Fatima, vào lần hiện ra thứ 3 ngày 13/7/1917. Tuy nhiên, chính yếu nhất vẫn là Kinh Mân Côi, một Kinh Nguyện Fatima cần chúng ta đáp ứng lời kêu gọi của Mẹ ở Fatima một cách trung thực đúng như ước nguyện của Mẹ là:  

1- Trước hết, Mẹ Maria kêu gọi 3 thiếu nhi Fatima thụ khải, và qua các em, kêu gọi cả các con cái của Mẹ nữa rằng "hãy cầu Kinh Mân Côi - Pray Rosary", nghĩa là cầu nguyện bằng lòng, chứ không phải là "hãy đọc Kinh Mân Côi - Say Rosary", chỉ cầu nguyện bằng môi miệng hời hợt bề ngoài; 

2- Sau nữa, Mẹ còn căn dặn là "hằng ngày - daily / every day", chứ không phải 2 ngày một lần, mỗi tuần một lần, hoặc mỗi tháng một lần, hay hứng lên thì làm còn không hứng thì thôi, cần cầu xin với Mẹ ơn này ơn kia thì đọc, khi không cần nữa hay xin được ơn rồi thì thôi. Tại sao phải "hằng ngày", là vì việc "cầu Kinh Mân Côi" này liên quan đến Chúa Giêsu Kitô là Con của Mẹ, cũng là "Chúa của chúng ta", của Mẹ cũng như của Kitô hữu con cái Mẹ, "vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi", như Mẹ kêu gọi ở lần hiện ra cuối cùng ngày 13/10/1917, bởi thành phần con cái đã tỏ ra vô ơn bội nghĩa với công ơn cứu chuộc vô cùng cao quí của Người, một công ơn cứu chuộc cần con người đã được cứu độ nơi Bí Tích Thánh Tẩy tái sinh luôn nhớ đến và đền đáp, ít là bằng cách "cầu Kinh Mân Côi hằng ngày", như thể đáp ứng chính lời Chúa Giêsu kêu gọi trong Bữa Tiệc Ly khi Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể "các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày" (Luca 22:19). 

2- Sau hết, Mẹ Marai kêu gọi chúng ta qua 3 thiếu nhi Fatima thụ khải năm 1917 là "cầu Kinh Mân Côi - pray Rosary", chứ không phải "cầu Kinh Kính Mừng - Pray Hail Mary", bởi vì Kinh Mân Côi liên quan đến Mầu Nhiệm Mân Côi là yếu tố chính yếu làm nên Kinh Mân Côi, như linh hồn của Kinh Mân Côi, bằng không, "cầu Kinh Mân Côi" mà không suy niệm Mầu Nhiệm Mân Côi thì chỉ như cái xác vô hồn , như Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã đề cập tới trong Tông Huấn Marialis Cultus 2/2/1974 về lòng tôn sùng Mẹ Maria, đoạn 47. Tuy nhiên, vì Kinh Mân Côi bao gồm cả khẩu nguyện mà Kinh Kính Mừng là kinh chính yếu, nên từng chục kinh, trong khi tâm trí chiêm niệm từng Mầu Nhiệm Chúa Kitô thì miệng lại đọc Kính Mừng Maria Đầy Ơn Phúc. Thật đúng như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã cảm nhận thật chính xác trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria - Rosarium Virginis Mariae 16/10/2002, đoạn 3, đó là "Việc lần hạt Mân Côi không là gì khác ngoài việc cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô".  

 

Kinh Thương Xót Tội Nhân

Trong bộ điều kiện để hoàn trọn 5 Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng liền để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, như Mẹ tỏ cho nữ tu Lucia, một trong 3 thiếu nhi Fatima thụ khải còn sống sót, vào ngày mùng 10/12/1925, việc cầu Kinh Mân Côi một chuỗi 50 kinh và giành ra 15 phút suy niệm Mầu Nhiệm Mân Côi cũng cho chúng ta thấy "Việc lần hạt Mân Côi không là gì khác ngoài việc cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô". 

Lời nguyện Mẹ Maria bảo 3 thiếu nhi Fatima thụ khải đọc "sau mỗi một mầu nhiệm" đã cho thấy Bí Mật Fatima là một bí mật về ơn cứu độ, bởi lời nguyện này nhắm đến chính Chúa Giêsu trong việc xin Người thương cứu các tội nhân. Đức Mẹ không nói là "sau mỗi một chục Kinh Kính Mừng" mà là "sau mỗi một mầu nhiệm" Mân Côi, vì "mầu nhiệm" Mân Côi nào cũng về Chúa Kitô, ám chỉ đến ơn cứu độ, đến lòng thương xót Chúa. 

Thật vậy, Chúa Kitô là Đấng Mẹ Maria đã kêu gọi 3 thiếu nhi Fatima thụ khải ngày 13/10/1917, và qua ba em, kêu gọi thành phần Kitô hữu đã lãnh nhận ơn cứu độ vô cùng cao quí của Người nơi Phép Rửa, rằng: "Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa. Vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi". Thế nhưng, ở lời trăn trối của Mẹ làm nên Sứ Điệp Thương Xót này Mẹ không hề nói thêm Chúa Kitô đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi ra sao và bởi những thứ tội nào. 

Đúng thế, trước khi Mẹ Maria chính thức đích thân hiện ra với em năm 1917, Thiên Thần hòa bình đã hiện ra với các em năm 2016 tất cả là 3 lần để nhắn nhủ các em và dạy cho các em biết cách đền tạ "Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi", Đấng vấn liên lỉ ở cùng Giáo Hội cho đến tận thế, đặc biệt là nơi Bí Tích Thánh Thể, nhưng lại là Đấng "đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi", cần phải đền tạ, bởi những tâm hồn đơn sơ bé nhỏ trong trắng như các em.

Thiên Thần hòa bình đã hiện ra với các em trong 3 lần vào năm 2016: lần thứ nhất vào mùa xuân, lần thứ hai vào mùa hè và lần thứ ba vào mùa thu. Nếu lần thứ hai, vào mùa hè, Thiên Thần hòa bình nhắn nhủ và dạy cho các em biết hy sinh đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể, ở chỗ, "hãy biến tất cả mọi sự trở thành hy sinh", hai lần còn lại, Thiên Thần hòa bình đã dạy các em hai lời nguyện: lời nguyện đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thế bù đắp cho các tội nhân - ngài dạy các em lời cầu này vào mùa xuân, và lời nguyện đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể để xin Chúa Ba Ngôi thương cứu các tội nhân - ngài dạy cho các em lời cầu này vào mùa thu.

 

Kinh Đền Tạ Thánh Thể

Lời nguyện đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể bù đắp cho các tội nhân:

"Lạy Chúa Trời con: con tin kính Chúa, con thờ lạy Chúa, con trông cậy Chúa, và con yêu mến Chúa. Xin Chúa tha cho những người không tin kính Chúa, không thờ lạy Chúa, không trông cậy Chúa và không yêu mến Chúa".

Lời nguyện đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể để xin Chúa Ba Ngôi thương cứu các tội nhân:

"Lạy Chúa Ba Ngôi chí thánh là Cha và Con và Thánh Thần. Con sấp mình thờ lạy Chúa. Con xin dâng lên Chúa Mình và Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Chúa Giêsu đang hiện diện trong các nhà tạm trên khắp thế giới, để đền tạ những lăng nhục, phạm thánh và thờ ơ lãnh đạm mà chính Người đã phải chịu. Xin vì công nghiệp vô cùng của Thánh Tâm Chúa và của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, xin Chúa ban cho các tội nhân ơn ăn năn hoán cải".

Căn cứ vào hai lời nguyện Thiên Thần hòa bình dạy cho 3 thiếu nhi Fatima thụ khải năm 1916 chúng ta thấy được tất cả hay ít là chính yếu khiến Đức Mẹ đã phải vô cùng đau buồn mà thốt lên rằng: "Chúa là Thiên Chúa của chúng ta... đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi", ở chỗ, Người không được thành phần Kitô hữu đang hoan hưởng công ơn cứu chuộc vô cùng cao quí của Người tin kính, thờ lạy, trông cậy và yêu mến, trái lại, chính vì họ "không tin kính Chúa, không thờ lạy Chúa, không trông cậy Chúa và không yêu mến Chúa" như thế, họ đã tiến và mới tiến đến chỗ vô cùng phũ phàng và trắng trợn "lăng nhục, phạm thánh và thờ ơ lãnh đạm" đối với Đấng Cứu Chuộc của họ, những tội sẽ khiến họ phải đời đời trầm luân trong hỏa ngục.

Thực tế đã cho thấy, con người càng văn minh vật chất càng bị khủng hoảng đức tin, khi bị vật chất hóa, đến trở thành vô thần duy vật, sống hiện sinh và duy thực nghiệm, do đó tất cả những gì là đức tin, là thần linh, là ân sủng chẳng còn có ý nghĩa và giá trị với họ nữa, từ đó họ không còn tiếp tục thờ lạy Chúa nơi việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, ngược lại, họ tự cao tự đại và tự phụ về khả năng khám phá và sáng chế của họ, không còn cậy trông vào Chúa nữa, đến độ không còn kính mến Chúa là gì, để rồi đâm ra hận thù ghen ghét sát hại lẫn nhau, được tỏ hiện rõ ràng trong hai thế chiến I (1914-1918) và II (1939-1945), đều xuất phát từ Âu Châu là thế giới Kitô giáo.

Trong cuộc  khủng hoảng và phá sán 3 thần đức tin cậy mến như thế, 3 tài năng thiên phú cho thành phần Kitô hũu nơi Phép Rửa như vậy, nên chẳng lạ gì chính thành phần Kitô hữu đã chẳng còn coi Thánh Thể ra gì, trái lại, họ đã "lăng nhục" Người bằng những thứ lễ đen, đã "phạm thánh" đến Người bằng những tội trọng mà cứ lên rước lấy Người, bởi họ đã mất ý thức tội lỗi, và đã tỏ ra "thờ ơ lãnh đạm" với Người nhất là trong các viện tu là nơi các tâm hồn được Người ưu tuyển làm bạn thân của Người.

 

Tóm lại, nhân ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần thứ 5 vào ngày 13/9/1917, ngày mà 3 thiếu nhi được rất nhiều người, chưa từng thấy trong các lần trước, xin các em cầu cùng Đức Mẹ chữa cho họ khỏi bệnh, chúng ta nói đến đề tài "Fatima - Kinh Nguyện Thương Xót", những kinh nguyện thương xót liên quan đến phần hồn của con người hơn là phần xác của họ. Do đó, khi các em thay họ ngỏ lời xin chữa lành về thể lý cùng Đức Mẹ thì Người nhấn mạnh đến phần hồn hơn phần xác, đến đức tin cứu độ hơn đến sức khỏe tự nhiên: "Được, Mẹ sẽ chữa cho một số thôi, chứ không chữa cho tất cả. Họ cần phải cải thiện đời sống của họ mà xin ơn tha thứ tội lỗi cho  họ".