THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

 

Năm Thánh Gia Huynh Đệ 2021

 

Niềm Vui Yêu Thương: "Họ hết rượu rồi" (Gioan 2:3)

 

đề tài thời sự phụ họa cho các Khóa LTXC 2021

TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh

 

Tiệc cưới Ca-na

1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su.2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: "Họ hết rượu rồi."4 Đức Giê-su đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến."5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo."

6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.7 Đức Giê-su bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi! " Và họ đổ đầy tới miệng.8 Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông.9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại10 và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ."11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.12 Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày.

 Maryknoll Missioners on Twitter: "In today's gospel, the Blessed Mother  informs Jesus of a potentially embarrassing situation: “They have no more  wine.” Although his “hour had not yet come” Jesus performs his

Dấu chỉ

Nếu trong bộ Phúc Âm Nhất Lãm chỉ có một lần thuật lại sự kiện Mẹ Maria và anh em Chúa Giêsu muốn gặp Người trong giai đoạn Người đang thi hành sứ vụ thiên sai của Người, thì trong Phúc Âm Thánh Gioan, một Phúc Âm được viết cho Giáo Hội và về Giáo Hội này, lại có 2 lần xuất hiện Người Mẹ của Chúa Giêsu, và cả 2 lần đều có cả Mẹ lẫn Con hay Con lẫn Mẹ. Lần nhất ở trong tiệc cưới Cana và lần hai ở trên Đồi Canvê. Lần nhất có cả Mẹ lẫn Con: "Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự"; và lần thứ hai cả Con lẫn Mẹ: "Đứng kề bên Thánh Giá Chúa Giêsu có Mẹ của Người" (Gioan 19:25).  

Cả 2 lần Mẹ Con có nhau và bên nhau trong Phúc Âm Thánh Gioan này đều có liên hệ mật thiết với nhau, vì đều liên quan đến Giáo Hội. Thật vậy, nếu Mẹ Maria đứng kề bên Thánh Giá Chúa Giêsu trên Đồi Canvê như một Người Mẹ Giáo Hội, như lời tuyên bố của Chúa Giêsu "Này là con của Bà" và "Này là Mẹ của con" (Gioan 19:26-27), thì ở tiệc cưới Cana Mẹ Maria đã thực hiện vai trò làm Mẹ Giáo Hội của mình như vậy, ở chỗ, nhờ vai trò môi giới của mình, giữa Chúa Giêsu và nhóm phục tiệc, Mẹ đã khéo léo sắp xếp cho giờ của Chúa đến, đó là lúc: "Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người" (Gioan 2:11). 

Đúng thế, "dấu lạ đầu tiên này" được Chúa Giêsu thực hiện vì Mẹ của Người nhưng cho thành phần môn đệ tiên khởi của Người, để các vị tin vào Người, hơn là chỉ để cứu vãn tình huống hết rượu của tiệc cưới Cana, một nhu cầu trần tục về thể chất tầm thường, nhưng lại được Người sử dụng để tỏ mình ra cho các môn đệ của Người. Đó là lý do Thánh ký Gioan thường sự dụng chữ "dấu lạ" (Gioan 2:11;4:54;11:47) hơn là "phép lạ", cho dù "dấu lạ" ấy thực sự là phép lạ được Chúa Giêsu làm, như phép lạ biến nước lã thành rượu ngon ở tiệc cưới Cana này. "Dấu lạ" ở đây có chất chứa tất cả ý nghĩa và mục đích của "phép lạ", bao gồm cả "dấu lạ vĩ đại" Maria nữa (xem Khải Huyền 12:1). 

Mẹ Maria quả thực là "dấu lạ" ở tiệc cưới Cana mà không ai nhận ra. Trước hết, Mẹ là "dấu lạ" ở tiệc cưới Cana vì Mẹ, theo bản chất âm thầm, kín đáo, khiêm hạ của mình, Mẹ ít khi xuất hiện ở những nơi công cộng, nhất là ở những chỗ tiệc tùng ồn ào náo nhiệt và nhậu nhẹt; có thể nói Mẹ chưa bao giờ đi dự tiệc cưới, và có thể nói lần này là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất của Mẹ, lý do chính yếu và chính đáng là vì có Chúa Giêsu Con Mẹ cũng ở đó. Sau nữa, Mẹ là "dấu lạ" ở tiệc cưới Cana là vì Mẹ biết cách làm sao cho "giờ của Tôi chưa tới" (Gioan 2:5), có thể tới để Con Mẹ đạt được ý định tỏ hiện vinh quang của Người ra cho các môn đệ tiên khởi của Người tin vào Người. 

Ngoài ra "dấu lạ" ở đây còn bao hàm cả những gì về thể chất được chất chứa trong chính phép lạ nữa, chẳng hạn như "rượu" và "nước". Phép lạ của Chúa Giêsu làm được gọi là "dấu lạ" là như thế, bởi nó giống như một thứ dụ ngôn Nước Trời bao gồm các hình ảnh cụ thể ám chỉ một thực tại và ý nghĩa nào đó. "rượu" và nước" ở phép lạ Cana lần đầu tiên này cũng thế. "Rượu" đây ám chỉ cái gì và "nước" đây ám chỉ điều chi? Chúng ta sẽ nói đến "nước" ở đề tài sau: "Hãy đổ nước đầy các chum" (Gioan 2:7). Ở đây, trong đề tài "họ hết rượu rồi" (Gioan 2:3), chúng ta thử hỏi đâu là ám dụ của "rượu" được dùng trong bữa tiệc cưới đây, và sự kiện tiệc cưới bất ngờ bị "hết rượu" có ý nghĩa gì? 

 

Hết rượu.......

Nếu "rượu" ở tiệc cưới, chứ không phải ở bất cứ một bữa nhậu tầm thường nào khác, thì có thể ám chỉ là tình yêu hôn nhân. Nếu tiệc cưới không thể thiếu rượu, dù thiếu món này món kia cũng chẳng sao, thì hôn nhân cũng không thể nào thiếu tình yêu, bằng không, không thể nào thành hôn nhân, đến độ bí tích hôn phối linh thiêng sẽ không thành, nếu một người trong cặp nam nữ ngần ngừ thưa rằng mình bị ép buộc, khi được vị linh mục chủ sự bí tích đặt vấn đề "anh chị có tự nguyện lấy nhau hay chăng"? Chính vì tình yêu mới làm nên hôn nhân như thế mà tình trạng hôn nhân không hạnh phúc hay bị đổ vỡ là vì tình yêu ban đầu làm nên hôn nhân ấy đã vơi dần cho đến khi hoàn toàn cạn kiệt. 

Tình trạng "họ hết rượu rồi" ở tiệc cưới Cana không phải chỉ ở chỗ "hết rượu rồi", mà còn ở chỗ họ "hết rượu rồi" mà chẳng ai biết gì cả, cứ tưởng rằng mình vẫn còn rượu, có thể là vì thành phần có trách nhiệm như vị quản tiệc, hay nhân vật chính là chàng rể, cả hai đã say túy lúy rồi, chẳng còn biết gì nữa, cứ thế tiếp tục vui vẻ hoan hưởng như chẳng có gì xẩy ra, say đến độ cái ly rượu của mình đã hết rượu từ hồi nào mà cứ tiếp tục uống như thể vẫn còn vậy, và cho dù uống hơi uống khí bấy giờ mà vẫn còn hả hả cười vui như tết, như những kẻ điên khùng mất trì, một tình trạng và thái độ đang phản ảnh nơi cơ cấu hôn nhân trong thời đại văn minh tân tiến và nhân bản nhân quyền ngày nay. 

Vâng, chính vì "họ hết rượu rồi", hết yêu thương nhau rồi mà thế giới càng văn minh vật chất con người càng bạo loạn, bạo loạn với nhau và với cả thiên nhiên vạn vật, và càng nhân bản nhân quyền càng tàn sát lẫn nhau, bao gồm cả đời sống hôn nhân gia đình, đến độ trở thành dửng dưng lãnh đạm và sẵn sàng sát hại thân nhân ruột thịt của mình. Đó là lý do, để cứu vãn tình thế vô cùng nguy hiểm cho vận mệnh của chung nhân loại hiện nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chẳng những ban hành Thông Điệp Laudato Sí để kêu gọi con người tôn trọng hệ sinh thái của trái đất là ngôi nhà chung của họ, mà còn ban hành thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ để giải quyết khủng hoảng. 

Cả cảm nghiệm tâm lý cũng như kinh nghiệm thực tế cho thấy "đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết". Mọi cuộc khủng hoảng xẩy ra trong lịch sử loài người, ngay từ ban đầu cho tới tận thế là ở chỗ con người chia rẽ nhau, tức không còn biết yêu thương nhau nữa, hoàn toàn ngược lại với bản chất bẩm sinh và chiều hướng thiên phú của yêu thương là đoàn kết hiệp thông. Nguyên tội nơi hai nguyên tổ xẩy ra là vì hai vị đã chia rẽ với vị Thiên Chúa Hóa Công tạo dựng nên các vị, bằng hành động tỏ ra bất tuân phục Ngài, làm theo ý riêng mình, từ đó, hậu quả là loài người là dòng dõi của các vị cũng chia rẽ luôn với nhau, Adong đổ lỗi cho Evà, Cain giết Abel, và với cả thiên nhiên vạn vật nữa. 

Tình trạng "họ hết rượu rồi" liên quan đến tình yêu thương hôn nhân này, đã được các vị giáo hoàng thời đại lưu tâm, đến độ, từ sau Công đồng Chung Vatican II (1962-1965), mới có 15 thượng nghị giám mục thường lệ (1967 - 2018), thế mà đã có 2 thượng nghị giám mục thế giới thường lệ này bàn đến vấn đề hôn nhân gia đình; Thượng nghị giám mục thế giới năm 1980 và năm 2015, cách nhau 35 năm. Sau mỗi thượng nghị giám mục thế giới, bao gồm cả 2 thượng nghị về hôn nhân gia đình này, đều có một văn kiện được gọi là Tông Huấn: Tông Huấn Familiaris Consortio - Tình Nghĩa Gia Đình (1981) và Tông Huấn Amoris Laetitia - Niềm Vui Yêu Thương (2016). 

 

"Họ hết rượu rồi" trong Tông Huấn Tình Nghĩa Gia Đình (1981): Đoạn 6 về Tình Trạng Gia Đình trong Thế Giới Ngày Nay    

"Tình trạng gia tăng con số các vụ ly dị; nạn phá thai; vấn đề sử dụng đến việc triệt sản thường xuyên hơn bao giờ hết; việc xuất hiện của một tâm thức muốn thực sự ngừa thai.  

"Ở cội gốc của những hiện tượng tiêu cực này thường là một thứ bại hoại nơi ý niệm và cảm nghiệm về tự do, một tự do được cho rằng không phải là khả năng để nhận biết sự thật về dự án của Thiên Chúa đối với hôn nhân và gia đình, mà như là một quyền lực độc lập của vấn đề định vị cho phúc hạnh vị kỷ của con người thường phạm đến kẻ khác.  

"Bởi thế, tình trạng lịch sử gia đình đang trải qua ấy đang hiện lên như là một thứ giao hưởng giữa ánh sáng và bóng tối. Điều này cho thấy rằng lịch sử không phải là chỉ là một thứ tiến bộ nhất định hướng tới những gì tốt đẹp hơn, mà là một biến cố của tự do, và thậm chí là một cuộc đối chọi giữa các thứ tự do xung khắc lẫn nhau, tức là, theo kinh nghiệm già dặn của Thánh Âu Quốc Tinh, một thứ xung khắc giữa hai tình yêu: tình yêu mến Thiên Chúa cho tới độ khinh thường bản thân mình, và tình yêu bản thân mình tới độ khinh thường Thiên Chúa". 

"Họ hết rượu rồi" trong Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương (2016): Đoạn 3, 4 và 9 về Thực trạng của gia đình 

3- Cũng cần phải xét đến nguy cơ ngày càng tăng về một thứ khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa cực đoan làm biến chất các mối liên kết gia đình và kết cục coi mỗi thành viên gia đình như một ốc đảo cô lập, đôi khi còn nổi lên tư tưởng cho rằng con người tạo nên chính mình bởi các ước muốn riêng tư vốn được xem như tuyệt đối. Những căng thẳng xâm nhập từ một thứ văn hóa mang đậm tính cá nhân chủ nghĩa coi trọng chiếm hữu và hưởng thụ, làm nảy sinh trong lòng các gia đình những hành xử thiếu kiên nhẫn và hung hăng.    

4- Ngày nay người ta dễ lẫn lộn giữa sự tự do đích thực và tư tưởng cho là mỗi người có thể phán quyết thế nào tùy ý, như thể ngoài cá nhân chẳng còn đâu là chân lý, giá trị và nguyên tắc định hướng cuộc đời, người ta xem như thể mọi thứ đều như nhau, và mọi sự đều phải được phép. Trong bối cảnh đó, lí tưởng hôn nhân, vốn là một sự dấn thân trọn vẹn và bền vững suốt đời, rốt cuộc sẽ bị tiêu tan bởi những sở thích tùy hứng hoặc bởi những thói thất thường dựa trên cảm tính. Người ta sợ sự cô đơn, người ta ước muốn được sống trong một môi trường được che chở và chung thủy, nhưng đồng thời càng ngày người ta càng sợ bị vướng nhiều hơn vào mối quan hệ có thể cản trở việc thực hiện những khát vọng cá nhân của mình.

9- Rất nhiều triệu chứng khác nhau của một thứ “văn hóa tạm bợ”. Tôi nghĩ đến, chẳng hạn, lối sống tốc độ trong đó người ta thay đổi từ quan hệ tình cảm này sang quan hệ tình cảm khác. Người ta tưởng rằng tình yêu, cũng giống như các mạng xã hội, có thể kết nối hay ngưng kết nối tùy theo sở thích của người tiêu dùng và cũng có thể nhanh chóng “bị chặn”. Tôi cũng nghĩ tới nỗi sợ mà người ta cảm thấy bởi viễn cảnh của một sự dấn thân vĩnh viễn khơi lên, nghĩ tới nỗi sợ không còn thời gian tự do, nghĩ tới những mối tương quan tính toán thiệt hơn, người ta băn khoăn liệu chúng có bù đắp được sự cô đơn, có được một sự bao bọc chở che, hay được phục vụ thế nào đó hay không. Người ta chuyển đổi cách sống các quan hệ tình cảm giữa con người thành thái độ sống như khi ứng xử với các đồ vật và môi trường, đó là xem mọi sự đều có thể vứt bỏ, mỗi người dùng xong rồi bỏ, mua và hủy, khai thác và vắt kiệt. Rồi thì chia tay! Chứng tự yêu mình thái quá khiến người ta không còn khả năng nhìn thấy được gì ngoài bản thân mình, ngoài những khao khát và những nhu cầu của mình. Nhưng ai sử dụng người khác như các đồ vật, thì sớm hay muộn, sẽ bị người khác sử dụng, bị thao túng và bỏ rơi như thế.  

"Họ hết rượu rồi" - Giải quyết

Vì con người có tình yêu và biết yêu nên con người không thể nào cứ sống mãi trong tình trạng "họ hết rượu rồi", trái lại, họ phải làm sao thoát khỏi tình trạng bất hạnh ấy, chẳng những bằng cách bù đắp tái hôn nhanh bao nhiêu có thể, hay có thể giải quyết bằng những cách tiêu cực khác nữa, bởi chính các đôi phối ngẫu, như được thượng nghị giám mục thế giới  2015 nhận định sau đây:

11- Những khủng hoảng đời sống hôn nhân, thường được người ta đương đầu cách quá vội vàng và không đủ can đam để kiên nhẫn, thẩm định, tha thứ cho nhau, làm hòa lại với nhau và cũng để hi sinh cho nhau. Như thế những thất bại sẽ lại làm nảy sinh những quan hệ mới, những đôi bạn mới, các kết hợp và hôn nhân dân sự mới, tạo nên những hoàn cảnh gia đình phức tạp và bất ổn đối với chọn lựa đời sống đức tin  

Hôn nhân gia đình là trung tâm yêu thương và sự sống chưa bao giờ bị khủng bố như ngày nay, bởi chủ nghĩa hiện sinh hưởng thụ và cá nhân chủ nghĩa, nhất là qua các phương tiện truyền thông ngày nay, như được các vị nghị phụ trong Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ lần V về hôn nhân gia đình, được lập lại trong Tông Huấn Tình Nghĩa Gia Đình - Familiaris Consortio, đoạn 4 sau đây: 

"Ngoài ra cũng cần phải suy tư hơn nữa về tầm quan trọng đặc biệt ở thời điểm hiện nay. Không phải là hiếm thấy những ý nghĩ và những giải quyết rất lôi cuốn nhưng lại làm lu mờ, ở những mức độ khác nhau, sự thật và phẩm giá của con người, được cống hiến cho con người nam nữ ngày nay, nơi việc họ chân thành và sâu xa tìm kiếm một giải đáp cho những vấn đề quan trọng thường nhật, ảnh hưởng tới đời sống hôn nhân và gia đình của họ. Những quan điểm này thường được hỗ trợ bởi một thứ cơ cấu có thế lực và tràn lan, là các phương tiện truyền thông xã hội, những phương tiện đang tinh ranh hãm hại tự do và khả năng phán đoán khách quan".   

Trong khi đó, Giáo Hội, nếu không khéo lại làm cho tình trạng này thêm trầm trọng, một khi Giáo Hội, qua các vị chủ chăn, có một thái độ không phản ảnh một Chúa Kitô đến không phải để lên án và luận phạt mà là để cứu độ (xem Gioan 3:17), như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét và cảnh giác trong Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương ở đoạn 8 sau đây: 

8- Chúng ta rất thường ở trong tư thế tự vệ, và phung phí năng lượng mục vụ cho việc lên án một thế giới suy đồi, mà ít có khả năng đề ra cho người ta những con đường mang lại hạnh phúc. Nhiều người cảm thấy rằng sứ điệp của Hội thánh về hôn nhân và gia đình không phản chiếu rõ ràng lời rao giảng và thái độ của Đức Giêsu, Người đồng thời vừa đề xuất một lí tưởng rất đòi hỏi vừa không bao giờ từ chối gần gũi và cảm thương với những con người yếu đuối, như người phụ nữ xứ Samaria hay người phụ nữ ngoại tình.   

 

Tất cả những gì được 2 vị giáo hoàng, cùng với 2 thượng nghị giám mục thế giới 1980 và 2015 nhận định trên đây thật là chính xác và sâu xa, cho thấy thật sự tình trạng "họ hết rượu rồi" trong đời sống hôn nhân gia đình. Mà gia đình là nền tảng của xã hội thì một khi nền tảng bị lung lay thì xã hội không sớm thì muộn cũng bị sụp đổ thảm thương thôi. Không phải hay sao, nếu gia đình là nền tảng của xã hội, và là trung tâm yêu thương và sự sống, thì giờ đây con người càng văn minh về vật chất và càng văn hóa về nhân bản, yêu thương lại càng băng hoại và sự sống lại càng tàn rụi hơn bao giờ hết! Vậy làm thế nào để cứu vãn tình trạng gia đình càng tàn lụi thì xã hội càng tự diệt đây? 

Đó là vấn đề của đề tài thứ 2: "Hãy đổ nước đầy các chum".