THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

 

Năm Thánh Gia Huynh Đệ 2021

 

Niềm Vui Yêu Thương: Thời Điểm Thương Xót

 

đề tài thời sự phụ họa cho các Khóa LTXC 2021

TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh

 

1- "Thế giới ngày nay cần đến LTXC biết bao"

2- "Thương đến chúng con và toàn thế giới"

3- "Chớ gì anh chị em là những chứng nhân cho tình thương!"

 

 

1- "Thế giới ngày nay cần đến LTXC biết bao" (ĐTC Gioan Phaolô II bài giảng Lễ Cung Hiến Đền Thờ LTXC ở Balan ngày 17/8/2002, đoạn 5)

Thời Điểm Thương Xót, thật ra, đã có từ đời đời, chứ không phải từ thời điểm của nữ tu Dòng Mẹ Thương Xót Balan Faustina (1905-1938), nhất là từ thập niên 1930, ngay trước Thế Chiến Thứ II, thời gian Chúa Giêsu hiện ra với chị và sử dụng chị như sứ giả cho sứ điệp về lòng thương xót của Người. Bởi vì, ngay từ đời đời Thiên Chúa đã có ý định nhập thể làm người ở cùng nhân loại vô cùng hèn hạ chúng ta, hoàn toàn chỉ vì thương xót chúng ta bất toàn, bất xứng và bất lực, và cũng chỉ vì thương xót chúng ta mà Ngài đã cứu chuộc loài người tội lỗi khốn nạn chúng ta, nơi Người Con mà Ngài đã không dung tha một phó nộp Người cho phần rỗi của chúng ta (xem Roma 8:32).

Thời Điểm Thương Xót, tuy nhiên, có thể nói "nếu ở đâu tội lỗi gia tăng thì ở đó ân sủng càng chứa chan" (Roma 5:20) thì không có giai đoạn lịch sử nào của loài người đáng gọi là Thời Điểm Thương Xót hơn giai đoạn lịch sử cho thấy con người đáng thương hơn bao giờ hết và hơn ai hết, bởi vì càng văn minh về vật chất và văn hóa về nhân bản, con người càng băng hoại, càng trở nên vô thần và duy vật, càng hiện sinh hưởng thụ, càng lạnh lùng lãnh đạm như cái xác vô hồn, càng hận thù ghen ghét sát hại nhau, bằng 2 Thế Chiến I và II trong thế kỷ 20, mà còn khủng bố đồng loại của mình, thậm chí cả sự sống chưa kịp sinh hay già yếu vô dụng, và khủng bố cả thiên nhiên tạo vật trên trái đất là ngôi nhà chung của mình nữa.

Thật vậy, chính vị giáo hoàng thương xót Phanxicô lần đầu tiên đã gọi tên thời điểm này là Thời Điểm Thương Xót, trong lần đầu tiên gặp gỡ hàng giáo sĩ Roma vào đầu Mùa Chay ngày 6/3/2014:  "Chúng ta không phải ở đây để thực hiện một cuộc tĩnh tâm vào đầu Mùa Chay, mà là lắng nghe tiếng của Vị Thần Linh đang nói cùng toàn thể Giáo Hội trong thời điểm thực sự là thời điểm thương xót của chúng ta đây. Tôi chắc chắn như thế. Nó không phải chỉ trong Mùa Chay. Chúng ta đang sống trong thời điểm thương xót đã 30 năm hay hơn thế nữa, cho đến hiện nay... Ngài đã có cái trực giác này trong việc cầu nguyện của ngài"

Đúng thế, vị giáo hoàng này đã ám chỉ đến vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của mình, vị giáo hoàng sứ giả thương xót "30 năm" trước. Nghĩa là cả 2 vị giáo hoàng Gioan Phaolô II và Phanxicô đều cảm nhận thời điểm của mình đều là Thời Điểm Thương Xót, một Thời Điểm Thương Xót mà vị tiền nhiệm "đã trực giác thấy". Tuy nhiên, làm sao cả 2 vị giáo hoàng đều cảm thấy hay trực giác thấy Thời Điểm Thương Xót này? Căn cứ vào những lời của 2 vị, nếu Đức Gioan Phaolô II trực giác được Thời Điểm Thương Xót là vì ngài thấy "mầu nhiệm lỗi lầm / gian ác" dữ dội nơi loài người thời của ngài, thì Đức Phanxicô cảm thấy được Thời Điểm Thương Xót là vì ngài thấy "rất ư là nhiều vết thương" nơi loài người, như sau:

Thời Điểm Thương Xót vì "mầu nhiệm lỗi lầm / gian ác" - Đức Gioan Phaolô II trong bài giảng phong 4 tân chân phước Balan Chúa Nhật ngày 18/8/2002, đoạn 3:

"Thiên Chúa đã chọn thời đại của chúng ta cho mục đích này. Có lẽ vì thế kỷ 20, mặc dù có những thành đạt không thể chối cãi về nhiều lãnh vực, cũng đã bị ghi dấu một cách đặc biệt bởi mầu nhiệm lỗi lầm / gian ác 'mystery of iniquity'. Chúng ta đã tiến vào ngàn năm mới với di sản vừa thiện vừa ác này. Những chân trời mới trong việc phát triển đang mở ra trước nhân loại, kèm theo đó có cả những cái nguy hiểm chưa từng có. Con người thường sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, thậm chí đặt mình vào vị thế của Thiên Chúa nữa. Họ tự cho mình quyền hành của một Vị Tạo Hóa trong việc can thiệp vào mầu nhiệm sự sống con người. Họ muốn định đoạt sự sống con người bằng cách léo lái việc truyền giống cũng như muốn thiết định giới hạn sự chết. Khi loại trừ lề luật thần linh và những nguyên tắc luân lý, họ công khai tấn công cơ cấu gia đình. Bằng những cách thức khác nhau, họ cố gắng làm cho Thiên Chúa phải im hơi lặng tiếng nơi tâm can của con người; họ muốn làm cho Thiên Chúa 'hoàn toàn khuất dạng' nơi văn hóa và lương tâm các dân tộc. 'Mầu nhiệm lầm lỗi / gian ác' tiếp tục đánh dấu cái thực tại của thế giới này.

"Cảm nghiệm được mầu nhiệm ấy, con người mới sống trong nơm nớp lo sợ về tương lai, lo sợ về tình trạng trống rỗng, lo sợ phải khổ đau, lo sợ bị hủy diệt. Có lẽ chính vì lý do này mà Chúa Kitô, qua việc sử dụng chứng từ của một Nữ Tu thấp hèn, đã đến với thời đại của chúng ta để tỏ cho chúng ta thấy một cách rõ ràng nguồn mạch sống khuây khỏa và hy vọng ở nơi tình thương đời đời của Thiên Chúa". 

Thời Điểm Thương Xót vì "rất ư là nhiều vết thương" - Đức Phanxicô trong bài huấn dụ hàng giáo sĩ Roma ngày 6/3/2014:

"Linh mục được kêu gọi để học biết điều ấy, để có được một tấm lòng cảm xúc. Các vị linh mục, thành phần là - tôi có thể nói - 'chất tẩy trùng' những cái 'của phòng thí nghiệm', làm sao cho tất cả trở nên sạch sẽ, tất cả trở nên tốt đẹp, đều không giúp ích cho Giáo Hội. Ngày nay, chúng ta có thể nghĩ về Giáo Hội như là 'một bệnh viện lưu động / dã chiến - a field hospital'. Điều này, xin tha cho tôi, tôi xin lập lại, vì tôi thấy nó như thế, tôi cảm thấy là như vậy: 'một bệnh viện lưu động / dã chiến'. Cần phải chữa trị các vết thương, rất ư là nhiều vết thương! Rất ư là nhiều vết thương! Có rất nhiều người bị thương, bởi các vấn đề về vật chất, bởi gương mù gương xấu, cả ở trong Giáo Hội nữa... Thành phần bị thương bởi những ảo tưởng của thế gian... Chúng ta là các linh mục cần phải ở đó, gần gũi với những con người này.

"Tình thương trước hết là chữa trị các vết thương. Khi một người bị thương thì họ cần được chữa trị lập tức, chứ không phải là các thứ phân tích, như tầm quan trọng của vấn đề cao mỡ, cao đường... Thế nhưng vết thương ngay đó, hãy chữa trị vết thương đã, sau đó chúng ta mới lưu ý tới việc phân tích. Bấy giờ người chuyên viên ra tay chữa trị, thế nhưng cần chữa trị các vết thương hở (open wounds) trước. Đối với tôi, vào lúc này đây, đó là những gì quan trọng nhất. Rồi cũng có cả các vết thương sâu kín nữa, vì có những con người rời xa khiến không thấy được các vết thương của họ... Hãy nhớ đến tục lệ về những người phong cùi thời Chúa Giêsu, theo luật Moisen, là thành phần bao giờ cũng sống xa cách để khỏi gây lây nhiễm... Có những con người rời xa vì hổ thẹn, vì ngại ngùng để lộ ra vết thương của họ.... Và họ rời xa có lẽ mang một bộ mặt lầm lỡ khác với Giáo Hội, nhưng tận thâm tâm họ mang một vết thương đau... Họ cần một vỗ về nào đó! Còn anh em, quí đồng bạn linh mục thân mến - tôi xin hỏi anh em nhé - anh em có biết được các vết thương của giáo dân trong xứ của mình hay chăng? Anh em có trực giác thấy được chúng hay chăng? Nó là một vấn đề duy nhất..."

 

2- "Xin thương đến chúng con và toàn thế giới" (ĐTC Gioan Phaolô II bài giảng Lễ Cung Hiến Đền Thờ LTXC ở Balan ngày 17/8/2002, đoạn 5)

Trong bài giảng lễ tuyên phong hiển thánh cho nữ tu Balan Faustina ngày 30/4/2000, ở đoạn 3, ĐTC Gioan Phaolô II đã cảm thấy thế giới thực sự đã đến lúc cần LTXC hơn bao giờ hết như sau "Thật vậy, chính vào khoảng giữa hai Thế Chiến 1 và 2 mà Chúa Kitô đã ký thác sứ điệp tình thương của Người cho chị. Những ai con nhớ, những ai chứng kiến thấy và những ai tham dự vào các biến cố của những năm này cùng với những khổ đau khiếp đảm chúng gây ra cho hằng triệu triệu con người mới thấy rõ là sứ điệp tình thương này cần thiết biết bao", như chính "Chúa Giêsu đã nói với Nữ Tu Faustina rằng: 'Nhân loại sẽ không tìm thấy hòa bình cho đến khi nó tin tưởng quay về với lòng thương xót thần linh' (Nhật Ký, trang 132)", một lời cảnh báo và kêu gọi quan trọng được Đức Gioan Phaolô II lập lại trong bài giảng cho lễ cung hiến Đền Thờ LTXC Balan ngày Thứ Bảy 17/8/2002.

Đúng thế, Chúa Giêsu đã khẳng định với người nư tu sứ giả cho sứ điệp LTXC của Người hai câu tiêu biểu quan trọng có tính cách vô cùng khẩn trương sau đây: “Hãy nói cho thế giới biết về tình thương của Cha; tất cả loài người hãy nhân biết tình thương khôn dò của Cha. Đó là dấu hiệu cho ngày cùng tháng tận; sau đó sẽ là ngày của công lý” (Nhật ký 848); “Từ Balan sẽ phát ra một tia sáng để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha” (Nhật ký 1732).

Thế nhưng LTXC như thế nào để con người tin tưởng mà được cứu độ trong Thời Điểm Thương Xót càng ngày càng khẩn trương cho đến nay? Chúa Giêsu cũng đã tỏ cho chúng ta biết qua chị nữ tu Faustina của Người những lời chính yếu và tiêu biểu, được chị ghi nhận trong Nhật ký của chị ở những khoản sau đây:

301- "Con hãy công bố rằng lòng thương xót là ưu phẩm cao cả nhất của Thiên Chúa. Tất cả những việc Cha làm đều do lòng thương xót tỏ hiện";

998-Cha mong muốn là Tình Thương của Cha được tôn thờ, và Cha đang ban cho nhân loại niềm hy vọng cuối cùng của ơn cứu độ; tức là việc chạy đến với tình thương của Cha. Lòng của Cha hân hoan trong ngày lễ này”.

1576- "Giữa Cha và con có một vực thẳm vô đáy, một vực thẳm phân chia Tạo Hoá với tạo vật. Thế nhưng, vực thẳm này đã được tình thương của Cha lấp đầy";

1397- “Việc hư đi của mỗi linh hồn dìm Cha vào nỗi buồn khổ chết đi được. Con luôn an ủi Cha khi con cầu cho các tội nhân. Lời nguyện cầu đẹp ang Cha nhất là lời cầu nguyện cho các tội nhân ăn năn hoán cải. Lời nguyện cầu này lúc nào cũng được lắng nghe và đáp ứng”;

1728-  “Cha xót thương theo đuổi các tội nhân dọc suốt con đường họ đi, và Trái Tim Cha hoan hỉ khi họ trở về với Cha… Cha luôn luôn chờ đợi họ, chú ý lắng nghe tiếng đập của con tim họ…, xem khi nào nó sẽ đập nhịp sống cho Cha? Cha đang nói với họ qua nỗi ray rứt của lương tâm họ, qua những thất bại và khổ đau của họ, qua những ang tố bão bùng, qua tiếng nói của Giáo Hội. 

 

3- "Chớ gì anh chị em là những chứng nhân cho tình thương!" (ĐTC Gioan Phaolô II bài giảng Lễ Cung Hiến Đền Thờ LTXC ở Balan ngày 17/8/2002, đoạn 5)

Trong chuyến tông du thứ 8 về quê hương xứ sở Balan của mình để thánh hiến Đền Thờ LTXC ở Krakow ngay khu vực của Dòng Mẹ Thương Xót, nơi Chị Thánh Fuastina đã sống đời tu trì, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chẳng những bày tỏ cảm nhân thương xót của mình đối với một thế giới loài người văn minh tân tiến nhưng hết sức đáng thương về luân lý, ngài còn kêu gọi những tâm hồn có lòng tôn sùng LTXC hãy loan truyền LTXC là phương thế cứu độ duy nhất cho thế giới càng ngày càng nguy vong, bằng cách trở thành những chứng nhân của LTXC và cho LTXC, như những câu chính yếu và tiêu biểu sau đây:

"Trong tình thương của Thiên Chúa thế giới mới tìm thấy hòa bình và nhân loại mới tìm thấy hạnh phúc! Tôi ký thác công việc này cho Anh Chị Em thân mến, cho Giáo Hội ở Krakow và ở Balan, cũng như cho tất cả mọi người sùng mộ Lòng Thương Xót Chúa đến đây từ Balan hay từ khắp nơi trên thế giới. Chớ gì anh chị em là những chứng nhân cho tình thương!" (Bài giảng ngày Thứ Bảy 17/8/2002, đoạn 5);

"Từ khi bắt đầu hiện hữu, Giáo Hội, qua việc bày tỏ mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh, đã rao giảng tình thương Chúa, một bảo chứng hy vọng và là nguồn mạch cứu độ con người. Tuy nhiên, hôm nay đây chúng ta dường như được kêu gọi đặc biệt để loan báo sứ điệp này trước thế giới. Chúng ta không thể lơ là với sứ vụ này, nếu chính Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta thực hiện sứ vụ này qua chứng từ của Thánh Nữ Faustina". (Bài giảng ngày 18/8/2002, đoạn 3).

Chính Chúa Giêsu cũng đã kêu gọi Chị Thánh Faustina, và qua chị kêu gọi cả chúng ta nữa, những tâm hồn có lòng sùng kính LTXC, thậm chí còn cảm nghiệm thấy LTXC vào một lúc nào đó trong đời, như trường hợp của người phụ nữ ngoại lai Samarita ở bờ giếng Giacóp sau khi bất ngờ được gặp Đấng đang cố ý ngồi đó chờ chị, những lời kêu gọi chính yếu này có thể tiêu biểu ở những câu sau đây:  

726- "Cha muốn con hoàn toàn biến thành tình yêu và nóng hổi như một tế vật tinh tuyền của tình yêu".


742- Con gái của Cha ơi, nếu Cha cần nhờ con để người ta tôn kính tình thương của Cha, thì con phải là người đầu tiên trổi vượt trong sự tin cậy vào tình thương của Cha. Cha đòi hỏi nơi con những việc làm của tình thương được bắt nguồn từ tình yêu đối với Cha. Ở mọi nơi và trong mọi lúc, con phải chứng tỏ tình thương đối với tha nhân của mình".

1142- “Hỡi Tông Đồ của tình thương Cha, hãy loan báo cho toàn thế giới biết tình thương khôn thấu của Cha".

1165- “Hỡi con gái của Cha, con hãy biết điều này: nếu con gắng nên hoàn thiện thì con sẽ thánh hoá được nhiều linh hồn; tương tự như thế, nếu con không chịu nỗ lực trong việc thánh hoá bản thân, nhiều linh hồn vẫn sẽ bất toàn. Nên biết rằng, sự hoàn thiện của họ lệ thuộc ở sự hoàn thiện của con, con sẽ phải gánh phần lớn trách nhiệm đối với những linh hồn này.

1446- “Con phải là phản ảnh sống động của Cha bằng yêu thương và nhân hậu” .

Trước những lời kêu gọi của Chúa Kitô qua vị mục tử đại diện Người trên trần gian và ĐTC Gioan Phaolô II từ năm 2002, những lời kêu gọi âm vang chính những lời kêu gọi của Người qua Chị Thánh Faustina, Nhóm TĐCTT (Tông Đồ Chúa Tình Thương) đã được thụ thai năm 2008 và được phát sinh năm 2009.

Thật vậy, Nhóm TĐCTT được Ơn Khởi Động bởi LTXC ngày Thứ Sáu 11/4/2008 nhờ lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở Balan ngày 17-18/8/2002, và được thành lập từ Thứ Bảy Đầu Tháng ngày 4/4/2009, tại Đền Thánh Đức Mẹ Dâng Con Corona Giáo Phận San Bernardino California, để rồi, LTXC đã thật sự đóng ấn trên Nhóm TĐCTT mới mẻ và nhỏ bé này vào đúng 10 năm sau khi được Ơn Khởi Động, ở chỗ Nhóm đã được giáo quyền Giáo Phận Orange California chính thức công nhận là một hội đoàn công giáo tiến hành trong Giáo Hội ngày 17/7/2018, một hội đoàn công giáo tiến hành có sứ vụ để loan truyền LTXC trong "Thời Điểm Thương Xót" hết sức khẩn trương hiện nay, một "Thời Điểm Thương Xót" được ĐTC Phanxicô khẳng định, nên ngài đã mở Năm Thánh Thương Xót 2016 và muốn "Giáo Hội là một bệnh viện lưu động", một thời điểm cần đến thành phần TĐCTT hơn bao giờ hết, như là một Đạo Binh Thương Xót của LTXC và cho LTXC, được lãnh đạo bởi Thánh Mẫu Thương Xót Toàn Thắng Fatima: "Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng" (Fatima 13/7/1917)!

Nhóm TĐCTT loan truyền LTXC bằng cả bản thân lẫn chung đoàn thể TĐCTT của mình. Trước hết, chính bản thân của mỗi TĐCTT loan truyền LTXC bằng đức tin tuân phục và với đức ái trọn hảo của mình, nhờ đó TĐCTT mới có thể và xứng đáng cho LTXC hiện diện và tỏ hiện qua đời sống chứng nhân của mình. Sau nữa, chung Nhóm TĐCTT loan truyền LTXC bằng các Khóa LTXC và bằng hoạt động truyền giáo cùng với việc bác ái xã hội, theo đúng tinh thần Phúc Âm và gương sống của Chúa Kitô, được phản ảnh nơi huy hiệu /logo của Nhóm TĐCTT về Người Samaritano Nhân Lành, một huy hiệu bao gồm 3 yếu tố chính yếu bất khả thiếu và bất khả phân lý đó là con mắt, con ngươi (mang hình con tim) con người, được tóm gọn trong câu Phúc Âm: "Một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy (con mắt), và động lòng thương (con tim). Ông ta lại gần (con người), lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. (Luca 10:33-34) 

Đúng thế, trong Phúc Âm Thánh Mathêu, ở hai trường hợp khác nhau, Chúa Giêsu đã "động lòng thương" (9:36 và 14:14), và vì thế Người đã thực hiện 2 việc, trở thành khuôn mẫu cho Sứ Vụ Thương Xót của Nhóm TĐCTT: Ở lần "động lòng thương" thứ nhất, Người đã sai các tông đồ đi rao giảng cho dân chúng bơ vơ như không người chăn (xem Mathêu 10:1-42) - đó là lý do Nhóm TĐCTT cũng chủ trương rao giảng về LTXC bằng các Khóa LTXC hoàn toàn miễn phí (xem Mathêu 10:8) ở các nơi và suốt năm; và ở lần "động lòng thương" thứ hai, Người đã hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất để nuôi dân chúng, theo Người và nghe lời Người, bị đói không có gì ăn (xem Mathêu 14:13-21) - đó cũng là lý do Nhóm TĐCTT chủ trương thực hiện các chuyến truyền giáo ở Việt Nam trước (2016, 2018, 2020) và sau đó "khắp thế giới" (Marco 16:15), cùng với việc tặng quà cho các anh chị em homeless vô gia cư hèn mọn nhất của Chúa Kitô đang sống vất vưởng ở thành phố Thiên Thần Los Angeles California Hoa Kỳ.

 

 

Động từ thứ nhất và thứ hai, trông thấy và cảm thương, bao giờ cũng gắn liền với thái độ của Chúa Giêsu: thật vậy, ánh mắt của Người không phải là ánh mắt của một nhà xã hội học hay của một phóng viên nhiếp ảnh, vì Người bao giờ cũng nhìn bằng "con mắt của tấm lòng". Marco 6:31