THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

 

Năm Thánh Gia Huynh Đệ 2021

 

 

Chỗ Cuối Cùng ... Tột Đỉnh Trọn Lành

Biệt tặng Dòng Nữ T Chúa Giêsu Tình Thương 
nhân dịp 10 năm hội dòng được thành lập ở Giáo Phận Qui Nhơn VN (2012 - 2022)
TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh  


Tại sao Tông đồ Simon Phêrô vừa tuyên xưng đức tin chính xác xong (xem Mathêu 16:16), một đức tin được mạc khải từ trời (xem Mathêu 16:17), thì liền quay ra rối đạo (xem Mathêu 16:22-23)? Có thể là vì cảm nghiệm đức tin của ngài, nơi bản thân của ngài, cũng như trong cuộc sống của ngài, chưa hoàn toàn được đồng hóa với mạc khải đức tin, tức chưa được đồng hóa với những gì ngài được trời cao tỏ ra cho biết, mà chính ngài tự mình không thể nào biết được. Nghĩa là ngài vẫn sống khác với, thậm chí ngược với, chính mạc khải đức tin vô cùng huyền nhiệm và linh thánh. 

Kinh nghiệm sống đạo theo tu đức của mỗi Kitô hữu chúng ta đã chứng thực cho chúng ta thấy hiện tượng thiêng liêng ngược đời này nơi Tông đồ Phêrô! Có ai trong chúng ta dám cho mình là không sống giả hình, không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ, khi chúng ta sống phản lại với đức tin chúng ta tuyên xưng theo Kinh Tin Kính hằng tuần khi cử hành phụng vụ Thánh Thể Chúa Nhật, hay khi chúng ta tỏ ra những thái độ và tác hành hoàn toàn phản lại với đức ái ở lời Kinh Lạy Cha, khi chúng ta xin tha nợ cho chúng ta mà lại không tha hay khó tha cho ai phạm đến chúng ta v.v. 

Tuy nhiên, khoảng cách một trời một vực và bất khả tránh giữa mạc khải đức tin và cảm nghiệm đức tin nơi các vị Tông đồ nói riêng, cũng như nơi thành phần hậu sinh được thừa hưởng đức tin tông truyền Kitô hữu chúng ta nói chung, vẫn có thể được khỏa lấp trong hành trình đức tin trần thế của chúng ta, bởi Thánh Thần được ban cho chúng ta, Vị Thần Chân Lý được Chúa Kitô Vượt Qua và Thăng Thiên sai đến với Giáo Hội của Người để "dẫn chúng con vào tất cả sự thật" (Gioan 16:13), nhờ đó "Ngài sẽ làm chứng về Thày... các con cũng làm chứng nữa" (Gioan 15:26-27).

Và đó là lý do, trong cuộc hành trình đức tin trần thế của mỗi Kitô hữu chúng ta, nếu cởi mở và chân thành, cho dù bản thân chúng ta có tồi tệ và cuộc đời của chúng ta có sai phạm, chúng ta vẫn cảm thấy, một cách nào đó, mà chỉ chúng ta mới cảm thấy, không sớm thì muộn, không mạnh thì nhẹ, thậm chí ngay trong những gì là sai lầm và khốn nạn nhất do chúng ta gây ra hay phải chịu, tác động thần linh của Thiên Chúa nơi chúng ta, nhờ đó chúng ta nhận biết Ngài mỗi ngày một hơn, như Ngài là và như Ngài muốn, ngay khi Ngài làm cho chúng ta biết mình chúng ta.

Đó cũng là lý do các bậc sư phụ về đường thiêng liêng, về ơn gọi nên thánh, nhất là trường phái linh đạo Tây Ban Nha, trong thế kỷ 16, bao gồm các Thánh Ignatio (1491 - 1556), Thánh Têrêsa Avila (1515 - 1582) và Thánh Gioan Thánh Giá (1542 - 1591), đã chia hành trình đức tin thành 3 giai đoạn hay ba cấp độ: khởi sinh - từ bỏ, tiến sinh - tập đức, và hiệp sinh - đồng hóa. Từ cấp độ tu đức 2 là tiến sinh lên cấp độ tu đức 3 là hiệp sinh, thường xẩy ra một cuộc khủng hoảng đức tin gọi là đêm tối tăm, để tâm hồn được đồng hóa với Chúa Kitô vượt qua - sống lại từ trong cõi chết!

Đúng thế, Chúa Kitô phục sinh từ trong cõi chết hay từ trong kẻ chết cũng vậy. Nghĩa là tự một vực thẳm khốn cùng của nhân loại. Người sống lại từ trong kẻ chết, không phải chỉ như ánh sáng chiếu soi trong tăm tối (xem Gioan 1:5), như trong mầu nhiệm nhập thể và khổ giá của Người, để tiêu diệt tội lỗi và sự chết, mà còn biến bóng tối thành ánh sáng, biến chết chóc thành sự sống, như cây thập tự giá vốn tiêu biểu cho tội lỗi và sự chết của con người, một sản phẩm nhân tạo, đã trở thành Thánh Giá cứu độ và sự sống, một sản phẩm thần linh của Lòng Thương Xót Chúa.

Hành Trình Đức Tin bắt đầu từ Chỗ Cuối Cùng là như vậy. Từ vị trí con người thấp hèn và vô cùng khốn nạn, hoàn toàn bất toàn, bất lực, bất hạnh và bất xứng, đến độ họ có thể được thần linh hóa, được đồng hóa với Vị Thiên Chúa đã hóa thân làm người, với Vị Thiên Chúa Emmanuel ở giữa loài người chúng ta, Đấng đã tự động đồng hóa mình trước với tất cả "những người anh chị em hèn mọn nhất" (Mathêu 25:40,45) của Người trên thế gian này. Bởi thế mới thấy vị Tiền hô Gioan Tẩy giả quả chí lý khi tuyên bố: "Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi" (Gioan 3:30).

Thật vậy, chính Chúa Kitô, Đấng "tự thân là Thiên Chúa nhưng không tự cho mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được, trái lại, Người đã tự hủy ra như không, mặc lấy thân phận nô lệ, sống như con người. Người thậm chí đã vâng lời cho đến chết cho dù chết trên thập tự giá" (Philiphê 2:6-8), là mầu nhiệm nước trời đã không được Cha tỏ ra cho những ai "khôn ngoan và thông thái mà cho những kẻ bé mọn" (Mathêu 11:25), và do đó chính Chúa Giêsu đã khẳng định: "Ai bé mọn như trẻ nhỏ như thế này sẽ là kẻ cao trọng nhất trên nước trời" (Mathêu 18:4).

Vì nhiễm nguyên tội, tất cả loài người đều đã mang mầm mống tội lỗi là đam mê nhục dục và tính mê nết xấu. Đặc biệt là mang trong mình di truyền thể muốn nên bằng Thiên Chúa như được 2 nguyên tổ của mình truyền lại. Thật ra, tự bản chất, ý muốn nên bằng Thiên Chúa hay như Thiên Chúa, không có tội, mà chỉ có đường lối - ăn trái cấm, trái với ý muốn của Thiên Chúa, để làm sao đạt được ý muốn tốt lành này mới có tội. Chính Thiên Chúa cũng muốn con người được như Ngài: "Các con hãy nên trọn lành như Cha của các con trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48).

Tuy nhiên, tình trạng con người được nên bằng Thiên Chúa và nên như Thiên Chúa, đối với Thiên Chúa, là chính chủ đích Thiên Chúa "dựng nên con người theo hình ảnh của chúng ta và tương tự như chúng ta" (Khởi Nguyên 1:26-27), và vì thế nó là đích điểm con người cần phải đạt đến. Không phải bằng cách họ tự mình và tự động có thể làm được điều này, mà là phải bởi Thiên Chúa, "vào thời điểm viên mãn" (Galata 4:4), qua Người Con Nhập Thể và Vượt Qua được Ngài sai xuống trần gian, và nhờ Thiên Chúa, qua Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô.

Do đó chẳng lạ gì lời đầu tiên Thiên Chúa hóa công ngỏ cùng loài người tạo vật ngay sau nguyên tội đó là: "Ngươi đang ở đâu?" (Khởi Nguyên 3:9). Ngay chính lúc hai nguyên tổ của loài người chúng ta ăn trái cấm bất tuân lệnh Chúa và đang ẩn trốn Thánh nhan của Ngài thì bị Chúa hạch hỏi như vậy, không phải là vì Chúa không biết 2 nguyên tổ bấy giờ đang lẩn trốn ở đâu, hay biết nhưng vẫn cứ muốn chính 2 vị tự thú ra nơi hai vị lẩn trốn, mà là vì Ngài muốn nhắc nhở cho hai vị về vị trí tạo vật hữu hạn và lệ thuộc của họ đối với vị thế tuyệt đối vô cùng cao cả của Ngài.

"Ngươi đang ở đâu?", nói câu này Thiên Chúa như muốn nhắc nhở con người rằng: ngươi là ai mà cả gan dám bất tuân lệnh của Ta, là tạo vật mà dám theo ý riêng của mình, dám tự mình quyết định lành dữ như thế, một quyền định đoạt tuyệt đối chỉ thuộc về một mình Ta là Thiên Chúa của ngươi thôi. "Ngươi đang ở đâu?", nói như thế với con người, Thiên Chúa cũng như thể dằn mặt con người cao ngạo nhưng lại ngây thơ lầm lạc rằng: đấy, ngươi thấy chưa, vì bất tuân nên giờ đây ngươi đã hoàn toàn không còn được như trước nữa, thật là khốn nạn cho thân người!

Tuy nhiên, Thiên Chúa lại không trừng phạt con người cân xứng với tội lỗi tầy trời bất khả tha thứ và tự họ bất khả đền bù, vì hành động bất tuân của họ đã phạm đến một Đấng vô cùng. Họ chỉ bị đuổi ra khỏi vườn địa đường (Khởi Nguyên 3:23), nghĩa là không còn ở trong tình trạng công chính nguyên thủy như ban đâu mới được dựng nên nữa, ám chỉ họ đã mất ơn nghĩa với Thiên Chúa. Thế nhưng, nếu ngay trong bản án nguyên tội con người đã được Ngài hứa cứu độ (Khởi Nguyên 3:15), thì "Ngươi đang ở đâu?" còn ám chỉ ngươi vẫn còn ở trong lòng thương xót của Ta.

Thật vậy, chính vì tình trạng tội lỗi, còn xấu xa ghê tởm hơn cả tình trạng tạo vật vô cùng hèn hạ ban đầu của họ mà con người lại được nâng lên cao hơn nữa, ở chỗ, họ tuy không còn ở trong vườn địa đường trên trần gian này nữa, mà lại được ở ngay trong thâm cung của Thiên Chúa, ở ngay trong lòng thương xót vô biên bất tận là ưu phẩm đệ nhất của Vị Thiên Chúa toàn thiện và toàn ái, như người trộm lành cho dù đang ở trên cây thập tự giá như một thứ tội đồ bị nguyền rủa vô cùng khốn nạn mà đồng thời lại được ở trên thiên đàng ngay hôm đó (xem Luca 23:39-43).

Vâng, đúng thế, hành trình đức tin của Kitô hữu chính là hành trình cảm nghiệm thần linh, hành trình được thần linh hóa, ở chỗ, cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa đối với bản thân mình, để nhờ đó và từ đó có thể thương nhau như được Chúa xót thương. Và chỉ cho tới lúc ấy, cho tới độ ấy, cho tới tình trạng thần linh thiêng liêng ấy, tình trạng biết thương xót tha nhân như chính bản thân mình được Thiên Chúa xót thương, họ mới thực sự nên giống Thiên Chúa và như Thiên Chúa: "Các con hãy xót thương như Cha của các con trên trời là Đấng thương xót" (Luca 6:36).

Thế nhưng, để có thể đạt tới độ biết "thương xót như Cha trên trời là Đấng xót thương" (Luca 6:36), tức được "nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48), chúng ta cần phải bắt đầu từ chỗ cuối rốt, bằng không, chúng ta sẽ không thể nào sống sứ vụ thương xót như Đấng "đã yêu thương cho đến cùng" (Gioan 13:1), đó là "khi Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." (Mathêu 25:35-36).

Tiêu chuẩn phán xét cho phần rỗi đời đời đặc biệt của từng Kitô hữu chúng ta trên đây được Chúa Kitô áp dụng trong cuộc chung thẩm của Người. Nếu để ý chúng ta hiển nhiên thấy ngay được là trong cuộc chung thẩm, Chúa Kitô chỉ phán xét về lòng thương xót, một tiêu chuẩn tối hậu để được cứu độ,  một lòng thương xót tối hậu bất khả thiếu này lại không thể nào tự nhiên mà có, trái lại, lòng thương xót trọn lành như Cha trên trời này chỉ bắt nguồn từ lòng tin tưởng mà thôi, như được chứng thực trong cuộc chung thẩm nơi cả thành phần chiên lẫn dê.   

Cho dù cả chiên lẫn dê đều thưa cùng Vị Thẩm phán tối cao rằng: "Chúng tôi có thấy Chúa đâu?" (Mathêu 25:37,44), nhưng hai số phận đời đời lại khác nhau một trời một vực, chiên thì số phận được rỗi trên trời, còn dê thì số phận bị tống vào vực thẳm hư vong, chỉ vì dê không thấy nên không thương, hoàn toàn sống theo tự nhiên, hưởng thụ, vị kỷ: "ai không yêu thương thì ở trong sự chết" (1Gioan 3:14), như người phú hộ với Lazarô (xem Luca 16:19-22), còn chiên thì vẫn thương dù không thấy, nghĩa là chiên biết sống "đức tin thể hiện qua đức ái" (Galata 5:6).

Đó, hành trình đức tin ... từ chỗ cuối cùng là như thế, là ở chỗ tin. Tin đây không phải chỉ ở chỗ nhận biết xuông, mà còn phải thể hiện việc nhận biết ở chỗ tin tưởng - trust. Kinh nghiệm sống đạo luôn chứng thực cho chúng ta thấy: chúng ta tin Chúa quan phòng đấy, tin Chúa yêu thương chúng ta đấy, nhưng ch khi nào Ngài ban ơn lành cho chúng ta, chỉ khi nào chúng ta gặp may lành mà thôi, còn tất cả những gì xẩy ra trái ý của chúng ta, làm cho chúng ta đau khổ, thì bấy giờ chúng ta thấy Ngài như ma quái, dù Người có phục sinh hiện ra như với các tông đồ (xem Luca 24:37).

Theo kinh nghiệm tu đức thì chỉ khi nào chúng ta tin vào Chúa thì chúng ta mới thực sự "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" (Mathêu 18:3), chúng ta mới thực sự "ngồi vào chỗ cuối cùng" (Luca 14:10), hợp với thân phận vô cùng thấp hèn, bất toàn, bất lực và bất xứng của chúng ta, chúng ta mới thực sự để cho Thiên Chúa là Đấng đã tuyển gọi chúng ta, thành phần chỉ biết chấp nhận Người và đáp ứng Người, toàn quyền làm chủ chúng ta và sống trong chúng ta, nhờ đó chúng ta mới có thể và xứng đáng "yêu nhau như Thày đã yêu thương các con" (Gioan 13:34, 15:12).

Mẹ Maria thực sự là gương mẫu tuyệt hảo cho chúng ta về chỗ cuối cùng này, qua lời Mẹ thân thưa cùng Tổng Sứ thần ở biến cố Truyền Tin: "Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi những gì ngài truyền" (Luca 1:38). Trước hết, Mẹ nhận biết mình trước nhan Thiên Chúa: "Này tôi là nữ tỳ của Chúa", sau nữa, Mẹ hoàn toàn tin tưởng phó mình cho Chúa, để Chúa toàn quyền muốn làm gì cho Mẹ và nơi Mẹ túy ý Chúa. Chỗ cuối cùng của Mẹ không phải chỉ ở chỗ " nữ tý của Chúa", mà là ở chỗ tuyệt đối tin tưởng vào Vị "Thiên Chúa là Đấng cứu độ tôi" (Luca 1:47).   

Nếu Mẹ Maria đã "đến mà ngồi vào chỗ cuối cùng" (Luca 14:10) trong bữa tiệc Nước Trời như thế, đến độ niềm hạnh phúc thật sự và tuyệt hảo của Mẹ không phải là ở chỗ Mẹ đã được cưu mang Con Thiên Chúa làm Người và đã cho Người bú, mà là ở chỗ nghe và giữ Lời Chúa (xem Luca 11:27-28), nhờ đó, Mẹ mới được nên cao trọng nhất trên Nước Trời (xem Mathêu 18:4), thì không phải hay sao: Chỗ cuối cùng chính là tuyệt đỉnh trọn lành của những tâm hồn nào hoàn toàn nhận biết và tận tuyệt tin tưởng vào lòng thương xót Chúa ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự!?!


Miền Nam California cuối hè 2021 - Thứ Bảy ngày 18/9 
Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL