THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

 

TÔNG THƯ

MISERICORDIA ET MISERA

LÒNG THƯƠNG XÓT & NỖI KHỐN KH

của ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 

Ban Hành Lễ Chúa Kitô Vua 20/11/2016 Bế Mạc Năm Thánh Thương Xót

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL - chuyển dịch, phân mục và tuyển hợp

  

Dẫn Nhập

 

"Phúc Âm Thương Xót - the Gospel of Mercy" (ĐTC Phanxicô - Bài Giảng Lễ Lòng Thương Xót Chúa ngày 3/4/2016) có thể nói là tất cả Sứ Điệp về Lòng Thương Xót Chúa được vị giáo hoàng "đến từ tận cùng trái đất" (ĐTC Phanxicô lời ngỏ khai triều - 13/3/2013) tận tâm và tận lực, ngay từ khi bắt đầu làm giáo hoàng, "vì thương nên được chọn" (khẩu hiệu của ngài), loan truyền cho một thế giới đang sống trong giai đoạn lịch sử của một trào lưu "văn hóa tận số / terminal culture" (ĐTC Phanxicô trả lời phỏng vấn truyền thông 30/11/2014).

 

Sở dĩ ngài là một giáo hoàng chưa từng có luôn nói năng và làm những gì liên quan đến Lòng Thương Xót Chúa, thậm chí trong cả diễn từ ngỏ cùng 200 đại biểu các tôn giáo khác ngày 3/11/2016 ở Vatican, ngài cũng nói đến Lòng Thương Xót này.

 

Lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào Lòng Thương Xót và loan truyền Phúc Âm Thương Xót là vì ngài thực sự cảm thấy "đây là thời điểm của lòng thương xót" (Tông Thư Misericordia et Misera, khoản 21). Ở chỗ, theo ngài, loài người nói chung và Kitô hữu nói riêng, đặc biệt là đời sống hôn nhân gia đình và giới trẻ, đang mang nhiều thương tích trầm trọng cần được cứu chữa, nên Giáo Hội cần phải trở thành một bệnh viện lưu động, ở chỗ Giáo Hội chẳng những cởi mở mà còn phải xông pha, đi thật xa thật sâu, cho đến độ thà bị lem luốc và bầm dập như Chúa Kitô hơn là sợ sệt và lành mạnh (xem Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm khoản 49).

 

Theo chủ trương của vị Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót này thì chân lý đầu tiên và trên hết của Giáo Hội và cần Giáo Hội nhắm tới đó là tình yêu nhân hậu của Chúa Kitô, một Chúa Kitô từ bi nhân ái, đến để cứu vớt và phục vụ (xem Mathêu 20:28; Luca 19:10), chứ không phải là một Chúa Kitô đến để luận phạt. 

 

Bởi thế, theo tinh thần Phúc Âm Thương Xót này thì điều cần canh tân trên hết và trước hết của chung Giáo Hội cũng như của từng Kitô hữu, không phải là cơ cấu tổ chức, bảo toàn công lý và luật lệ v.v. mà là chính thái độ của Kitô hữu, một thái độ của Lòng Thương Xót Chúa và như Lòng Thương Xót Chúa, để làm sao như Người Samaritanô nhân lành có thể đến gần với nạn nhân đang quằn quại bên đường cần cấp cứu, mà loan truyền Phúc Âm Thương Xót bằng chứng từ bác ái yêu thương của mình, hầu cứu chữa thương đau của những linh hồn cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn trong một thế giới càng văn minh con người càng bạo loạn và càng như thể đang lao đầu xuống hố tự diệt vô cùng nguy hiểm.

 

Vậy thái độ đầu tiên cần phải canh tân đổi mới là gì, nếu không phải, như vị giáo hoàng thương xót luôn nhấn mạnh và thúc giục đàn chiên của ngài phải lưu tâm và thực hiện, đó là thái độ nhận mình là tội nhân, bao gồm cả các vị có năng quyền tha tội, như chính bản thân ngài cảm nhận, hơn là thái độ quan án chỉ biết luận phạt ném đá, nhờ đó chúng ta mới có thể thương cảm anh chị em đáng thương của mình như chúng ta được Chúa cảm thương, và nhờ đó chúng ta mới có thể truyền đạt Lòng Thương Xót Chúa nơi chúng ta cho họ, khiến họ nhận ra Lòng Thương Xót Chúa mà trở về với Lòng Thương Xót Chúa.

 

Tất cả Phúc Âm Thương Xót có thể được tóm gọn trong tựa đề của bức Tông Thư "Misericordia et Misera - Lòng Thương Xót và Nỗi Khốn Cùng", hay có thể diễn tả một cách rõ ràng hơn như sau: "Lòng Chúa Thương Xót Con Người Khốn Khổ". 

 

Đúng thế, Con Người Khốn Khổ chính là đối tượng, là mục tiêu nhắm đến của Lòng Thương Xót Chúa, một Lòng Thương Xót Chúa đã được hiện thân sống động nơi Chúa Giêsu Kitô, "là Chúa thật và là người thật", "là Chúa thật" ở Lòng Thương Xót, và "là người thật" ở chỗ Khốn Khổ. 

 

Đó là lý do đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, Chúa Giêsu Kitô, Dung Nhan của Lòng Chúa Thương Xót Con Người Khốn Khổ, là cốt lõi của Phúc Âm Thương Xót, được ngài liên tục dẫn giải bằng việc giảng dạy (trong các Thánh Lễ hay văn kiện huấn quyền), huấn dụ (như qua các bài giáo lý) hay chia sẻ (như qua các cuộc phỏng vấn hoặc các diễn từ). Tông Thư Misericordia et Misera là một văn kiện có tính cách huấn quyền của một vị giáo hoàng, mang tựa đề phản ảnh tất cả nội dung của Phúc Âm Thương Xót cần chung Giáo Hội và từng Kitô hữu cẩn thận học hỏi, thấu triệt, rao giảng và nhất là áp dụng thực hành trong cuộc sống đạo và chứng nhân của mình ở “thời điểm của lòng thương xót” hiện nay!

 

 

Thứ Sáu Đầu Tháng 2/12 Tuần Nhất Mùa Vọng 2016

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TỔNG LƯỢC 

NGUYÊN VĂN

NHỮNG CÂU NÊN/CÂN CHÚ TRỌNG

 

 

-I- 

 

Lòng Thương Xót Chúa nơi Ơn Tha Thứ mang lại Niềm Vui

 

Đoạn mở

 

Thật khó mà tưởng tượng được một cách nào tuyệt vời và thích đáng hơn để diễn tả mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa khi tình yêu này đụng chạm tới tội nhân: "Chỉ còn lại có hai người: lòng thương xót với nỗi khốn khổ / mercy with misery" (On the Gospel of John, XXXIII, 5). Lòng thương xót cao cả và công lý thần linh sáng ngời biết bao nơi trình thuật này! Giáo huấn của trình thuật này chẳng những làm sáng tỏ cho biến cố kết thúc Năm Thánh Ngoại Lệ về Lòng Thương Xót, mà còn soi đường chỉ lối cho chúng ta theo trong tương lai nữa. 

 

Đoạn 1

 

Lòng thương xót không thể nào trở thành một thứ mở ngoặc đơn trong đời sống của Giáo Hội; Lòng thương xót tạo nên chính yếu tính của Giáo Hội, nhờ đó mà các chân lý cốt yếu của Phúc Âm được tỏ hiện và hiển nhiên. Hết mọi sự đều được tỏ ra nơi lòng thương xót; hết mọi sự được giải quyết nơi tình yêu nhân hậu của Chúa Cha.  

 

Tình yêu của Thiên Chúa cần phải ưu thế trên tất cả mọi sự khác. Trình thuật Phúc Âm ấy, dù sao, cũng không phải là một cuộc gặp gỡ giữa tội lỗi và luận án một cách trừu tượng, mà là giữa một tội nhân với Đấng Cứu Độ của chị ta.Chúa Giêsu đã nhìn vào mắt của người phụ nữ này và đọc thấy nơi cõi lòng của chị niềm ước mong được cảm thông, được tha thứ và được giải phóng. Nỗi khốn khổ của tội lỗi đã được mặc lấy lòng thương xót của tình yêu. Phán quyết duy nhất của Chúa Giêsu là thứ phán quyết đầy lòng thương xót và thương cảm đối với thân phận của tội nhân này. 

 

Đoạn 2

 

Lòng tha thứ là dấu hiệu hiển thị nhất của tình yêu Chúa Cha, một tình yêu được Chúa Giêsu tìm cách mạc khải cho thấy bằng cả cuộc đời của Người.  

 

Không ai trong chúng ta có quyền điều kiện hóa việc tha thứ. Lòng thương xót bao giờ cũng là một tác động nhưng không từ Cha trên trời của chúng ta, một tác động yêu thương vô điều kiện và bất cần công trạng. Bởi thế, chúng ta không thể liều mình chống lại cái tự do trọn vẹn của một tình yêu Thiên Chúa muốn dùng nó để tiến vào đời sống của mọi người. 

 

Đoạn 3

 

Nguồn mạch của niềm vui được tha thứ này ở nơi tình yêu khiến Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta, phá đổ các bức tường vị kỷ vây bọc chúng ta, để biến chúng ta, về phần mình, trở thành những dụng cụ của lòng thương xót. 

 

Cái cảm nghiệm được lòng thương xót mang lại niềm vui. Chớ gì chúng ta đừng bao giờ để cho niềm vui này bị cướp mất khỏi chúng ta bởi những rắc rối và lo toan của chúng ta. Chớ gì nó vẫn sâu đậm trong cõi lòng của chúng ta và giúp cho chúng ta có thể thanh thản đối diện với những biến cố trong đời sống hằng ngày của chúng ta.... niềm vui nổi lên trong một tâm can được lòng thương xót chạm tới. 

Đoạn 4

 

Bởi mỗi người chúng ta đã cảm nghiệm được sâu xa ánh mắt yêu thương này của Thiên Chúa, chúng ta không thể không bị tác động, vì ánh mắt của Ngài đang biến đổi cuộc đời của chúng ta.

 

Chúng ta đã cảm thấy hơi thở ban sự sống phủ xuống trên Giáo Hội, và những lời của Người một lần nữa lại đã vạch ra sứ vụ của chúng ta: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh: các con tha tội cho ai thì tội của họ được tha; các con cầm tội ai thì tội của họ bị cầm lại" (Gioan 20:22-23).

 

 

-II-

 

Lòng Thương Xót Chúa nơi việc Giáo Hội cử hành Phụng Vụ

 

Đoạn 5

 

Chúng ta đừng giới hạn hoạt động của quyền lực của lòng thương xót này; chúng ta đừng làm buồn lòng Thần Linh, Đấng liên lỉ vạch ra những đường lối mới để theo, trong việc mang đến cho hết mọi người Phúc Âm cứu độ. 

 

Trước hết, chúng ta được kêu gọi để cử hành lòng thương xót... Trong phụng vụ, lòng thương xót không chỉ được van xin đi van xin lại, mà còn thực sự được nhận lãnh cùng cảm nghiệm nữa

 

Việc cử hành lòng thương xót Chúa đạt tới tột đỉnh nơi Hiến Tế Thánh Thể, một cuộc tưởng niệm mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, nguồn mạch cứu độ cho hết mọi con người, cho lịch sử và cho toàn thế giới. Tắt một lời, mỗi giây phút của việc cứ hành Thánh Thể đều liên hệ tới lòng thương xót Chúa

 

Lòng thương xót được dồi dào ban cho chúng ta trong đời sống bí tích. Không phải là chẳng có ý nghĩa là bao khi Giáo Hội đề cập đến lòng thương xót một cách rõ ràng nơi công thức hai "bí tích chữa lành", tức là bí tích Thống Hối Hòa Giải và bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.

 

Đoạn 6

 

Mỗi Chúa Nhật, lời Chúa được công bố trong cộng đồng Kitô hữu để Ngày của Chúa được chiếu soi bởi mầu nhiệm vượt qua... Ở các bài đọc Thánh Kinh, chúng ta trở về với lịch sử cứu độ của chúng ta qua việc loan truyền không ngừng công cuộc của lòng thương xót.

 

Việc giảng dạy của vị linh mục sẽ sinh hoa kết trái ở chỗ chính bản thân ngài cảm nghiệm được lòng thiện hảo từ bi nhân hậu của Chúa... Cái cảm nghiệm riêng tư về lòng thương xót là cách hay nhất để biến cái cảm nghiệm ấy thành một sứ điệp thực sự về niềm an ủi và việc hoán cải trong thừa tác mục vụ.

 

Đoạn 7

 

Thánh Kinh là câu chuyện cả thể về các kỳ công của lòng thương xót Chúa. Từng trang Thánh Kinh đều được thấm đẫm tình yêu thương của Chúa Cha, Đấng từ giây phút tạo dựng, đã muốn in ấn những dấu hiệu của tình Ngài yêu thương trên vũ trụ này.

 

Tôi hết sức mong muốn rằng lời Chúa càng được cử hành hơn nữa, được biết đến và được gieo vãi, nhờ đó mầu nhiệm yêu thương tuôn chảy từ suối nguồn của lòng thương xót này được hiểu biết hơn bao giờ hết.

 

Thật là lợi ích khi từng cộng đồng Kitô hữu, vào một ngày Chúa Nhật trong phụng niên, có thể lập lại những nỗ lực của mình trong việc làm cho Thánh Kinh được biết đến hơn nữa và phổ biến rộng rãi hơn nữa. Nó sẽ là một Chúa Nhật hoàn toàn giành cho lời Chúa... bao gồm cả lectio divina... tập trung vào các đề tài liên quan đến lòng thương xót... nhờ đó mới phát sinh ra những cử chỉ và việc làm bác ái cụ thể

 

Đoạn 8

 

Việc cử hành lòng thương xót diễn ra một cách rất đặc biệt nơi Bí Tích Thống Hối và Hòa Giải... Ân sủng bao giờ cũng đi trước chúng ta và mặc bộ mặt của lòng thương xót giúp chúng ta hòa giải và được tha thứ. Thiên Chúa làm cho chúng ta hiểu được tình yêu cao cả của Ngài đối với chúng ta vào chính lúc chúng ta nhìn nhận rằng chúng ta là thành phần tội nhân. 

 

Buồn biết bao khi lòng của chúng ta khép lại không thể tha thứ! Nỗi phẫn uất, niềm oán hận và việc trả thù là những gì chủ chốt, khiến cho đời sống của chúng ta bị khốn khổ và ngăn chặn việc chúng ta hân hoan dấn thân cho lòng thương xót.

 

 

-III-

 

Lòng Thương Xót Chúa nơi việc Giáo Hội chăm sóc Mục Vụ

 

Đoạn 9

 

Việc phục vụ của những Vị Thừa Sai của Lòng Thương Xót / the Missionaries of Mercy... đã muốn nhấn mạnh cho thấy rằng Thiên Chúa không ngăn lối của những ai tìm kiếm Ngài bằng tấm lòng thống hối ăn năn, vì Ngài tiến ra để gặp gỡ mọi người như một người cha. 

 

Tôi cám ơn mọi vị Thừa Sai của Lòng Thương Xót về việc phục vụ đáng giá này, nhắm đến chỗ làm cho ơn tha thứ trở nên hiệu lực. Thừa tác vụ ngoại lệ này không chấm dứt nơi việc đóng Cửa Thánh. Tôi muốn nó được tiếp tục cho đến khi được báo lại sau, như là một dấu hiệu cụ thể cho thấy rằng ân sủng của Năm Thánh vẫn còn sống động và hiệu năng trên thế giới này. 

  

Đoạn 10

 

Tôi mời các vị linh mục, một lần nữa, hãy cẩn thận dọn mình thi hành thừa tác vụ giải tội, một sứ vụ đích thực của linh mục. 

 

Các vị linh mục cũng phải có một tấm lòng cởi mở ở trong tòa giải tội, vì mỗi hối nhân đều nhắc nhở các vị rằng chính ngài cũng là một tội nhân, đồng thời cũng là một thừa tác viên của lòng thương xót.

 

Đoạn 11

 

Chúng ta là người đầu tiên được tha thứ vì thừa tác vụ này, để trở thành những chứng nhân trước hết cho ơn tha thứ phổ quát của Thiên Chúa. 

 

Không một luật lệ hay pháp lệnh nào có thể cản ngăn Thiên Chúa trong việc Ngài lại ôm lấy đứa con trở về cùng Ngài, khi nó chân nhận rằng nó đã sai trái nhưng tỏ ý muốn bắt đầu lại cuộc sống của mình. 

 

Cứ tiếp tục gắn bó với luật lệ thì chẳng khác gì như việc thọc gậy bánh xe đức tin và lòng thương xót Chúa. Luật lệ có giá trị dự bị giáo dục hướng đến đích nhắm của nó là đức bác ái. 

 

Những vị giải tội chúng ta đã nghiệm thấy nhiều cuộc hoán cải xẩy ra ngay trước chính mắt chúng ta... Chúng ta đừng đánh mất những trường hợp ấy bằng tác hành một cách có thể ngược lại với cảm nghiệm về lòng thương xót được hồi nhân tìm kiếm. Trái lại, chúng ta hãy giúp lương tâm cá nhân nhận ra tình yêu vô cùng của Thiên Chúa 

 

Bí Tích Hòa Giải cần phải lấy lại vị trí chính yếu của mình trong đời sống Kitô hữu. Điều này đòi các vị có khả năng sống một cuộc đời phục vụ "thừa tác vụ hòa giải" (2Corinto 5:18), ở chỗ, chẳng những không một tội nhân thống hối chân thành nào bị trở ngại trong việc đến gần với tình yêu của Chúa Cha là Đấng đang chờ đợi họ trở về, mà hết mọi người còn có được cơ hội để cảm nghiệm thấy quyền năng giải phóng của ơn tha thứ.

 

Một cơ hội thuận lợi nhất cho điều này có thể là việc cử hành 24 giờ cho Chúamột cử hành được thực hiện vào thời gian gần tới Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay. 

 

Đoạn 12

 

Trước nhu cầu này, để không có bất cứ một trở ngại nào gây ra cho việc yêu cầu xin được hòa giải với lòng tha thứ của Thiên Chúa, mà tôi ban cho tất cả mọi vị linh mục, với thừa tác vụ của các ngài, năng quyền tha tội cho những ai phạm tội phá thai. 

 

Bởi vậy, về vấn đề này, điều khoản mà tôi đã thực hiện, chỉ giới hạn trong thời điểm Năm Thánh Ngoại Lệ (Cf. Letter According to Which an Indulgence is Granted to the Faithful on the Occasion of the Extraordinary Jubilee of Mercy, 1 September 2015), được nới rộng ra, bất chấp những gì trái ngược

 

Tôi muốn lập lại một cách mạnh mẽ bao nhiêu tôi có thể rằng việc phá thai là một trọng tội, vì nó chấm dứt một sự sống vô tội. Tuy nhiên, đồng thời tôi có thể nói và cần phải nói rằng không có tội lỗi nào mà lòng thương xót Chúa không thể vươn tới và tẩy xóa khi lòng thương xót này gặp thấy tấm lòng thống hối đang tìm cách được hòa giải với Chúa Cha. 

 

Vì Năm Thánh tôi cũng đã ban cho các tín hữu nào, bởi những lý do nào khác, muốn tham dự ở các nhà thờ chính thức của những vị linh mục thuộc Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X, có thể lãnh nhận việc tha thứ tội lỗi của mình theo bí tích một cách hiệu lực và hợp pháp (Cf. ibid). Vì thiện ích về mục vụ của những tín hữu này, và tin tưởng vào thiện chí các vị linh mục của họ trong nỗ lực nhờ ơn Chúa giúp về việc tái phục hồi mối hiệp thông trọn vẹn vào Giáo Hội Công Giáo, tôi tự thân quyết định nới rộng năng quyền này ra ngay cả sau Năm Thánh, cho đến khi có các điều khoản qui định khác đi, nhờ đó không ai bị hụt mất dấu hiệu bí tích hòa giải qua việc tha thứ của Giáo Hội.

  

Đoạn 13

 

Một dung nhan khác của lòng thương xót là niềm an ủi... Tất cả chúng ta đều cần đến niềm an ủi vì không ai thoát được khổ đau, đớn đau và hiểu lầm... Thiên Chúa không bao giờ xa lìa chúng ta vào những giây phút buồn thương và trục trặc này. 

 

Một lời nói trấn an, một cử chỉ ôm ấp làm cho chúng ta cảm thấy được cảm thông, một tác động chăm sóc khiến chúng ta cảm thấy yêu thương, một lời cầu nguyện giúp chúng ta cảm thấy khỏe lên... tất cả những điều ấy đều thể hiện sự gần gũi cận kề của thiên Chúa qua việc an ủi được anh chị em chúng ta cống hiến.

 

Đôi khi thái độ lặng thinh cũng hữu ích nữa, nhất là khi chúng ta không thể nói năng để đáp lại các vấn nạn của những ai chịu khổ đau... Thái độ lặng thinh không phải là một tác động đầu hàng chịu thua; trái lại, nó là một giây phút của sức mạnh và của tình yêu. Thái độ lặng thinh cũng thuộc về thứ ngôn từ an ủi của chúng ta, vì nó trở thành một cách thức cụ thể để tham dự vào nỗi khổ đau của một người anh chị em.

 

 

-IV-

 

Lòng Thương Xót Chúa cần được tỏ hiện Bác Ái

trong Thời Điểm Thương Xót

 

Đoạn 16

 

Giờ đây Năm Thánh đã chấm dứt và Cửa Thánh đã khép lại. Thế nhưng cửa ngõ của lòng thương xót nơi cõi lòng của chúng ta vẫn tiếp tục rộng mở. Chúng ta đã biết rằng Thiên Chúa đã cúi xuống trên chúng ta (xem Hosea 11:4), nhờ đó chúng ta mới có thể bắt chước Ngài cúi xuống trên anh chị em của chúng ta. 

 

Cửa Thánh mà qua đó chúng ta đã bước qua trong Năm Thánh này đưa chúng ta vào con đường bác ái, một con đường chúng ta được kêu gọi để hằng ngày hành trình một cách trung thành và hân hoan. Chính ở trên con đường của lòng thương xót này chúng ta gặp được rất nhiều anh chị em của chúng ta, thành phần vươn tới với một ai đó để nắm lấy tay của họ và trở nên bạn đồng hành trên con đường này. 

 

Tự chính bản chất của mình, lòng thương xót trở nên hữu hình và khả giác bằng những tác động đặc biệt. Một khi lòng thương xót đã được thực sự cảm nghiệm thì không thể nào còn quay trở lại được nữa. Nó liên tục gia tăng và nó thay đổi cuộc sống của chúng ta. Nó là một thứ tạo dựng mới đích thực

 

Lòng thương xót là những gì đổi mới và cứu chuộc vì nó là một cuộc gặp gỡ giữa hai con tim: con tim của Thiên Chúa là Đấng đến gặp gỡ chúng ta và con tim của nhân loại... Tôi được yêu thương, nên tôi đang sống; tôi được tha thứ, nên tôi được tái sinh; tôi được thương xót nên tôi trở thành một thông mạch thương xót.

 

Đoạn 18

 

Hai ngàn năm đã qua, nhưng các công việc của lòng thương xót vẫn đang tiếp tục để làm cho sự thiện hảo của Thiên Chúa trở nên hữu hình.... Ngày nay, nhiều người không có cảm nghiệm gì về chính Thiên Chúa, và điều này tiêu biểu cho tình trạng bần cùng nhất và là trở ngại chính trong việc nhìn nhận phẩm giá bất khả vi phạm của sự sống con người.

 

Các việc làm tỏ lòng thương xót về thể lý và tinh thần trong thời đại của chúng ta đây tiếp tục là chứng cớ cho thấy tầm ảnh hưởng tích cực bao la của lòng thương xót như là một giá trị xã hội. Lòng thương xót thôi thúc chúng ta trong việc xắn tay áo lên nhào vô phục hồi phẩm giá cho hằng triệu triệu con người ta; họ là anh chị em của chúng ta, thành phần cùng với chúng ta được kêu gọi để xây dựng một "thành đô vững chắc".

 

Đoạn 19

 

Thế giới của chúng ta tiếp tục tạo nên các hình thức nghèo khổ mới về tinh thần cũng như về thể chất đang tấn công phẩm giá của con người. Vì thế, Giáo Hội cần phải luôn luôn khôn ngoan và sẵn sàng vạch ra những công việc mới của lòng thương xót và áp dụng chúng một cách quảng đại và nhiệt tình.

 

Lòng thương xót là những gì bao gồm và có khuynh hướng lan tỏa đến vô hạn. Thế nên chúng ta được kêu gọi để cống hiến việc thể hiện mới vào các việc làm tỏ lòng thương xót theo truyền thống. 

 

Chúng ta chỉ cần nghĩ đến một việc tỏ lòng thương xót về thể lý thôi: "cho kẻ trần trụi được mặc" (xem Mathêu 25:36,38,43,44). Điều này đưa chúng ta về lúc khởi nguyên, trong Vườn Địa Đường, khi mà Adong và Evà nhận ra mình trần truồng, rồi nghe thấy Chúa tới, cảm thấy xấu hổ và ẩn mình đi (xem Sáng Thế Ký 3:7-8). Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã trừng phạt họ, tuy nhiên Ngài cũng "làm cho Adong và người vợ của ông ý phục bằng da để mặc cho họ"(Sáng Thế Ký 3:21). Ngài đã che đậy đi nỗi hổ thẹn của họ và đã phục hồi phẩm vị của họ.

 

Thập giá là mạc khải tột độ về việc Chúa Giêsu chia sẻ thân phận của những ai đã bị mất đi phẩm giá của mình bởi tình trạng thiếu hụt các nhu cầu cho cuộc sống. Như Giáo Hội được kêu gọi trở thành "tấm áo của Chúa Kitô" (Cf. CYPRIAN, On the Unity of the Catholic Church, 7), và mặc lại cho Chúa của mình, thì Giáo Hội cũng đang dấn thân cho tình đoàn kết với thành phần trần trụi trên thế giới, để giúp họ phục hồi phẩm giá mà họ đã bị tước lột. 

Tính chất xã hội của lòng thương xót đòi chúng ta không chỉ đứng nhìn mà chẳng làm gì hết. Nó bắt chúng ta phải loại bỏ đi thái độ lãnh đạm và giả hình, kẻo các thứ dự án và dự phóng của chúng ta chỉ là một thứ chữ nghĩa chết chóc. 

 

Đoạn 20

 

Chúng ta được kêu gọi để cổ võ một nền văn hóa thương xót ở chỗ tái tấu việc gặp gỡ những người khác, một nền văn hóa mà không ai nhìn nhau một cách lạnh lùng lãnh đạm hay quay mặt khỏi cảnh khổ đau của anh chị em chúng ta. Các việc làm tỏ lòng thương xót là những việc "thủ công nghệ / handcrafted", ở chỗ không việc nào giống nhau hết. 

 

Các việc làm tỏ lòng thương xót là những gì ảnh hưởng tới cả cuộc sống của con người. Vì thế, chúng ta có thể thực hiện một thứ cách mạng thực sự về văn hóa, bắt đầu bằng những cử chỉ đơn sơ giản dị có thể vươn tới thân xác và tinh thần, tới chính đời sống của con người. 

 

Chúa Giêsu đã bảo các môn đệ của Người rằng: "Các con lúc nào cũng có người nghèo bên cạnh" (Gioan 12:8). Không còn lý do gì để biện minh cho việc chẳng dính dáng gì với người nghèo khi Chúa Giêsu đã đồng hóa mình với từng người trong họ.

 

Văn hóa thương xót là thứ văn hóa được hình thành nơi việc chuyên cần cầu nguyện, nơi lòng dễ dạy với hoạt động của Thánh Linh, nơi kiến thức về đời sống của các vị thánh cũng như nơi việc gần gũi với người nghèo. Thứ văn hóa này thôi thúc chúng ta không được coi thường những trường hợp cần chúng ta nhập cuộc. Khuynh hướng muốn lý thuyết hóa "về" lòng thương xót có thể được thắng vượt ở chỗ cuộc sống hằng ngày của chúng ta trở thành một đời sống dự phần và chia sẻ. 

 

Đoạn 21

 

Đây là thời điểm của lòng thương xót. Mỗi ngày trong cuộc hành trình của chúng ta đều được ghi dấu bằng sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngài hướng dẫn các bước đi của chúng ta bằng quyền lực của ân sủng mà Thần Linh tuôn đổ vào cõi lòng của chúng ta để làm cho chúng có khả năng yêu thương. 

 

Đây là thời điểm của lòng thương xót cho từng người và tất cả mọi người, vì không ai có thể nghĩ rằng họ bị loại trừ khỏi sự gần gũi của Thiên Chúa và quyền năng của tình yêu êm ái dịu dàng của Ngài. 

 

Đây là thời điểm của lòng thương xót vì những ai yếu hèn và mỏng dòn, xa cách và lẻ loi, cần phải cảm thấy sự hiện diện của những người anh chị em có thể đáp ứng các nhu cầu của họ. 

Đây là thời điểm của lòng thương xót, vì người nghèo cần phải cảm thấy rằng họ được trân trọng và quan tâm bởi những người thắng vượt được tính lãnh đạm và nhận thức được những gì là thiết yếu trong đời. 

 

Đây là thời điểm của lòng thương xót vì không một tội nhân nào có thể mệt mỏi trong việc xin ơn tha thứ và tất cả đều cảm thấy được vòng tay đón nhận của Chúa Cha.

 

Như một dấu hiệu khả giác khác của Năm Thánh Ngoại Lệ này, toàn thể Giáo Hội có thể cử hành, vào Chúa Nhật XXXIII Thường Niên, Ngày Thế Giới của Người Nghèo / the World Day of the PoorĐó là cách hay nhất để sửa soạn cho việc cử hành Lễ Trọng Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ, Đấng đồng hóa mình với những con người bé mọn và người nghèo, và là Đấng sẽ phán xét chúng ta về các việc làm thương xót của chúng ta (xem Mathêu 25:31-46). 

 

Nó sẽ là một ngày để giúp các cộng đồng và từng người đã lãnh nhận phép rửa suy niệm về sự nghèo khó ra sao ở ngay chính tâm điểm của Phúc Âm, và không thể nào có công lý hay bình an xã hội bao lâu còn có một Lazarô nằm ở cửa nhà của chúng ta (xem Luca 16:19-21). 

 

Ngày này cũng sẽ tiêu biểu cho một hình thức chân thực về việc tân truyền bá phúc âm hóa (xem Mathêu 11:5), một hình thức có thể canh tân bộ mặt của Giáo Hội khi Giáo Hội kiên trì theo đuổi hoạt động trường kỳ của việc hoán cải về mục vụ và làm chứng nhân cho lòng thương xót.

 

 

Biệt chú: 

 

Năm chi tiết trong bản tổng lược sau đây là 5 việc thực hành cụ thể liên quan đến việc thể hiện lòng thương xót:

 

Phần II 1 điều ở khoản 7: "một Chúa Nhật hoàn toàn giành cho lời Chúa"

 

Phần III 3 điều - 1 ở khoản 11: "việc cử hành 24 giờ cho Chúa"   2 ở khoản 12: "tất cả mọi vị linh mục được năng quyền tha tội cho những ai phạm tội phá thai" cũng như ban năng quyền tha tội cho những tín hữu nào cần xưng tội với các vị linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X.

 

Phần IV 1 điều ở khoản 21: "Ngày Thế Giới của Người Nghèo / the World Day of the Poor"

 

Ngoài 3 điều ở khoản 11 và 12 thuộc về thẩm quyền của giáo quyền và liên quan đến năng quyền tha tội, còn 2 điều nữa ở điều thứ 1 (khoản 7) và thứ 4 (khoản 21), các cộng đoàn, giáo xứ hay hội đoàn đều có thể tự động hưởng ứng và cùng nhau thực hiện tùy nghi theo thiện chí và tầm tay của mình. 

 

Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương (TĐCTT) của chúng tôi sẽ thực hiện hai điều này bằng một chút thích ứng với những sinh hoạt thường niên của chung nhóm chúng tôi.

 

1- "Một Chúa Nhật hoàn toàn giành cho lời Chúa": Nhóm TĐCTT sẽ biến ngày Tĩnh Tâm Thứ Bảy dọn mừng lễ Lòng Thương Xót Chúa Chúa Nhật hằng năm thành "Ngày Cảm Nghiệm Lời Chúa": "bao gồm cả lectio divina... tập trung vào các đề tài liên quan đến lòng thương xót... nhờ đó mới phát sinh ra những cử chỉ và việc làm bác ái cụ thể", đúng như nội dung và mục đích của ngày này như Đức Thánh Cha đã gợi ý cùng đoạn Tông Thư của ngài. 

 

2- "Ngày Thế Giới của Người Nghèo / the World Day of the Poor": Nhóm TĐCTT sẽ thực hiện việc Biếu Tặng Quà Giáng Sinh hằng năm chung với nhau cho anh chị em homeless ở downtown Los Angeles ở những chỗ tập trung chính của họ vào ngày "Chúa Nhật XXXIII Thường Niên" này; còn việc Biếu Tặng Quà Giáng Sinh cho từng anh chị em homeless vào chính Đêm Giáng Sinh 24/12 ở Los Angeles hay Orange County vẫn được tiếp tục bởi những ai có thể như đã bắt đầu làm lần đầu tiên hết sức tuyệt vời cảm nghiệm thần linh đêm 24/12/2015 khi vừa mở màn Năm Thánh Thương Xót. 

 

Bài này được được phổ biến trên Nguyệt San Hiệp Nhất 1-2/2017