THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

 

Thiếu Nhi Fatima – Lực Lượng Cứu Độ

 

Biệt tặng

Các tâm hồn được Mẹ Maria triệu tập thành đạo binh dàn trận cho Trái Tim Mẹ Toàn Thắng,  

Cách riêng giới trẻ trong Phong Trào Thiếu Nhi Fatima TGP Los Angeles và Thiếu Nhi Thánh Thể

nhân dịp Giáo Hội tuyên phong hiển thánh cho Chân Phước Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Thời Điểm Maria - Đạo Binh Dàn Trận

Trong Thời Điểm Maria của mình, Mẹ Maria “tiến lên như Rạng Đông” ở Biến Cố Thánh Mẫu Paris năm 1830, nơi Mẹ bảo làm một mẫu ảnh Mẹ Ban Ơn đứng trên quả cầu và đạp đầu rắn quỉ; “đẹp như mặt trăng” ở Biến Cố Thánh Mẫu Lộ Đức 1858, nơi Mẹ xưng mình “Vô Nhiễm Thai” và là nơi duy nhất Mẹ mỉm cười trong tất cả các nơi Mẹ hiện ra; “rực rỡ như mặt trời” ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, nơi Mẹ xưng mình là “Đức Mẹ Mân Côi” và là nơi xẩy ra phép lạ cả thể mặt trời nhẩy múa trên không trung; và “oai hùng như đạo binh dàn trận”, qua phong trào Tượng Mẹ Thánh Du Quốc Tế đi khắp nơi trên thế giới, nhất là qua Biến Cố Đông Âu sụp đổ cuối năm 1989, cũng như qua biến cố Liên Sô Nga Cộng giải thể vào Giáng Sinh năm 1991. Những suy diễn trên đây đã được người viết chia sẻ trong cuốn “Thời Điểm Maria… Hiệp Sĩ Trái Tim Mẹ”, Cao-Bùi 1998, trang 24. Chính người viết cũng đã được diễm phúc đến viếng thăm Đền Thánh Mẫu Fatima và Lộ Đức trong Đại Năm Thánh 2000 và thấy rằng Fatima có vẽ vĩ đại hùng tráng bao nhiêu thì Lộ Đức lại thơ mộng dễ thương bấy nhiêu.

Vì Biến Cố Thánh Mẫu Fatima có tính cách hùng tráng vĩ đại hay ở vào giai đoạn “rực rỡ như mặt trời” của Thời Điểm Maria mà biến cố này đã nổi vượt hơn hết mọi Biến Cố Thánh Mẫu khác trong Thời Điểm Maria. Đúng thế, Biến Cố Fatima hoàn toàn nổi vượt hơn mọi Biến Cố Thánh Mẫu khác vì tính cách “rực rỡ như mặt trời” của nó, chẳng những ở tại biến cố này liên quan đến vai trò của Giáo Hội hoàn vũ cũng như đến lịch sử thế giới, mà còn ở tại biến cố này có một chiến đấu tính rõ ràng, có một “đạo binh dàn trận” sẵn sàng chiến đấu, đúng như Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) đã tiên đoán trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria của ngài: 

“Đối với ma quỉ cùng quân quốc của hắn, Mẹ Maria chắc chắn trở thành kinh hoàng khủng khiếp như một đạo binh dàn trận, nhất là vào những thời gian sau này, vì ma quỉ, khi biết rằng không còn nhiều thời gian, và giờ đây càng ít thời gian hơn nữa, trong việc hủy hoại các linh hồn, sẽ tăng gấp đôi nỗ lực của hắn cũng như những cuộc chiến đấu của hắn” (50)

“Quyền năng của Mẹ Maria trên tất cả mọi quỉ ma sẽ đặc biệt chiếu sáng vào những thời buổi sau này, khi mà Satan giăng bẫy gót chân của Mẹ: tức là giăng bẫy các tôi tớ khiêm hạ và các con cái nghèo hèn của Mẹ, thành phần Mẹ sẽ lập nên để chống lại với hắn…” (54)

“Họ sẽ vác trên vai mình một thứ Thánh Giá đẫm máu, tay phải của họ cầm Tượng Chuộc Tội, tay trái của họ nắm Tràng Kinh Mân Côi, con tim của họ ghi Thánh Danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria, hành vi cử chỉ của họ bộc lộ đức hạnh và khổ hạnh của Chúa Giêsu Kitô. Họ là những con người cao cả phải đến; còn Mẹ Maria, theo lệnh của Đấng Tối Cao, chính là vị sẽ trang bị cho họ, để vương quốc của Ngài bao trùm trên vương quốc của những người vô đạo, trên vương quốc của những kẻ tôn thờ ngẫu tượng cũng như trên vương quốc của tín đồ Hồi Giáo” (59)

Thật vậy, nếu Thánh Long Mộng Phố đã nói tiên tri đúng về sự kiện vào những thời buổi sau này, Thiên Chúa sẽ làm cho Mẹ Maria được nhận biết và yêu mến (xem Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria số 49), và sự kiện này đã quả nhiên xẩy ra ở Biến Cố Fatima liên quan đến điều bí mật “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”, thì những gì thánh nhân nói về cuộc hận thù quyết thắng này, tức về trận chiến Satan hận thù muốn tấn công hủy hoại các linh hồn và Mẹ Maria quyết thắng hắn bằng đạo binh của Mẹ, cũng đã hoàn toàn được ứng nghiệm. Ở chỗ, cũng trong Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, khi vừa hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima lần đầu tiên, ngày 13/5/1917, chưa xưng mình là ai và đến để làm gì, Mẹ Maria đã vội vàng triệu tập một đạo binh để chiến đấu với Satan trong việc cứu độ các tội nhân ngay. So với các lần hiện ra đặc biệt khác trong Thời Điểm Maria, cả ở Biến Cố Thánh Mẫu Paris năm 1830 lẫn ở Biến Cố Thánh Mẫu Lộ Đức 1858, Mẹ Maria không hề tỏ ra một thái độ đẩy mạnh chiến cuộc và lôi kéo nhập cuộc để cùng với Mẹ chiến đấu cứu các linh hồn như ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima vào lần hiện ra thứ nhất này. 

“- Các con có sẵn lòng dâng mình cho Thiên Chúa để chấp nhận mọi đau khổ Ngài gửi đến, như một việc đền tạ những xúc phạm Ngài phải chịu mà cầu cho tội nhân ăn năn trở lại không?

- Vâng, chúng con sẵn lòng!

- Vậy thì các con sẽ chịu nhiều đau khổ, nhưng ơn Chúa sẽ phù trợ các con”.

Phải, “đạo binh dàn trận” của Đức Mẹ Mân Côi, của Đức Mẹ Thắng Trận, chính là 3 Thiếu Nhi Fatima nhỏ bé này. Các em đã “dàn trận” khi thưa “vâng, chúng con sẵn lòng”. Để rồi, các em đã được vị Nữ Tướng Chỉ Huy Trưởng của các em trao cho các em một thứ khí giới vô cùng lợi hại, một thứ khí giới ma quỉ sợ nhất, một thứ khí giới ma quỉ đã phải qui hàng, đó là Thập Giá, là khổ đau. Thật ra, trên danh nghĩa, các em Thiếu Nhi Fatima ở Bồ Đào Nha ấy không trực tiếp dàn trận để chiến đấu với ma quỉ cho bằng để hy sinh “chấp nhận chịu khổ” hầu đền tạ Chúa nhờ đó cứu các tội nhân mà thôi. Tuy nhiên, một khi các em cứu các tội nhân là các em đương nhiên trở thành kẻ thù không đội trời chung của ma quỉ. Cũng như chính ma quỉ, hắn không trực tiếp chống lại và không thể nào chống lại được với Chúa Cứu Thế hay với Mẹ Maria, nhưng chúng vẫn có thể gián tiếp phá hủy công ơn cứu chuộc do hai Mẹ Con này lập được, bằng việc hủy hoại các linh hồn, nhất là thành phần đã lãnh nhận phép rửa, đã được hưởng hoa trái ơn cứu chuộc. Vậy thì ba em Thiếu Nhi Fatima đã dàn trận như thế nào, hay đã tung lưới đánh cá trong mùa biển động cuối thời ra sao?

Trước hết, căn cứ vào nội dung và tinh thần của lời hiệu triệu của Mẹ Maria thì ơn gọi chung của cả 3 em Thiếu Nhi Fatima này là Hy Sinh Tự Hiến như một Tế Vật. Thật thế, chị Lucia đã thuật lại những gì 3 em đã sống Ơn Gọi Hy Tế này trong Hồi Ký Thứ Nhất như sau.

“Vào một ngày nắng gắt, sau khi cho đi bữa ăn trưa của mình, theo quyết định chung với nhau từ trước, hễ thấy các trẻ nghèo thì cho họ đồ ăn trưa của mình, 3 trẻ cảm thấy khát, song không còn một giọt nước để uống. Đầu tiên các em dâng hy sinh khát nước vì Chúa cho các tội nhân như thường lệ. Sau đó, không chịu khát được nữa, với sự đồng ý của Phanxicô và Giaxinta, Lucia đã ghé vô một nhà ở gần đó để xin nước uống. Thế nhưng, số nước xin được lại bị đổ xuống khe đá cho chiên uống, vì cả ba ai cũng nhất định hy sinh chịu khát để cầu cho các tội nhân. Sau cùng, cơn khát làm cho Giaxinta khó chịu đến nỗi em đã nói với Lucia bảo các tiếng dế và ếch nhái đang kêu im đi vì chúng làm ‘em nhức đầu khủng khiếp’. Nhưng, sau khi nghe Phanxicô nhắc: ‘Em không muốn chịu đựng cho các tội nhân à?’, Giaxinta liền lấy hai bàn tay ôm đầu, mà nói: ‘Có chứ. Thôi để chúng kêu đi!’.” 

Căn cứ vào các việc và các cách hy sinh của các em, mà, theo như Đức Mẹ đã cho các em biết vào lần hiện ra thứ 5, 13/9/1917, là “Thiên Chúa hài lòng với những hy sinh của các con”, thì “những hy sinh” đã làm đẹp lòng Thiên Chúa của các em có thể phân tách và tóm lược như sau: 

Hy sinh là quên mình. Lúc mới bắt đầu tập hy sinh, các em đã đồng ý với nhau là đem đồ ăn trưa của mình cho đàn vật ăn hay cho các trẻ nghèo mà các em gặp được ăn. 

Hy sinh là hãm mình. Các em thắt một đoạn giây thừng ở chung quanh bụng cho thân xác của các em luôn luôn cảm thấy khó chịu và đau đớn. 

Hy sinh là cầm mình. Biết anh Phanxicô đang bị bệnh, theo tình anh em tự nhiên, Giaxinta rất muốn sang thăm anh của mình, song em đã cầm mình lại và không làm như thế: “Mẹ em đi khỏi rồi, em muốn sang thăm anh Phanxicô nhiều lần, song em đã không đi” (Hồi Ký Lucia 1)

Hy sinh là ép mình. Giaxinta đã tâm sự với Lucia: “Đêm qua, em đau đớn quá sức, và vì em muốn dâng hy sinh cho Chúa, em đã không trở mình trên giường, làm cả đêm em không ngủ được” (Hồi Ký Lucia 2) 

Hy sinh là ẩn mình. Trong thời gian cả Phanxicô và Giaxinta bị bệnh, Giaxinta thường được Lucia và phòng thăm trước Phanxicô, Gianxinta hay nói với Lucia là “Thôi chị sang thăm anh Phanxicô đi. Em sẽ hy sinh ở đây một mình”. 

Hy sinh là dấn mình. Các em vốn không thích, trái lại, còn cảm thấy bị làm phiền và khổ tâm khi người ta cứ tuốn đến hạch hỏi các em về việc Đức Mẹ hiện ra với các em, nhưng, trong khi, theo tính tự nhiên, Lucia và Giaxinta chạy trốn mỗi khi thấy bóng người ta, thì Phanxicô đã đứng lại để tiếp họ. 

Hy sinh là bỏ mình. Vốn không thích uống sữa một tí nào cả, thế mà, sau lần từ chối ly sữa mẹ em đưa cho em uống khi em bị bệnh, sau đó, được Lucia nhắc cho, Gianxinta đã ngoan ngoãn uống nó mỗi khi Mẹ của em đưa cho em uống.

Hy sinh là liều mình. Thay vì hy sinh chịu khát, có một lần, Giaxinta dã uống cho đỡ khát, song nước mà Giaxinta uống cho đỡ khát đó không phải là nước ngon lành gì, mà là nước ao hồ bẩn thỉu, nước mà dân chúng vẫn giặt quần áo và thú vật vừa uống vừa lội trong đó. 

Hy sinh để đền bù cho tha nhân. Dù đang bị bệnh, Giaxinta cũng cứ đi lễ ngày thường để bù lại việc bỏ lễ Chúa Nhật của các tội nhân, hay cũng vì bị bệnh, Giaxinta cần ăn uống nhiều hơn, song em đã nhịn ăn để bù lại tội tham ăn của các tội nhân. 

Hy sinh trong tất cả mọi sự. “Giaxinta quan tâm đến vấn đề hy sinh cầu cho tội nhân ăn năn hối cải đến nỗi em không chịu bỏ qua một dịp hy sinh nào” (Hồi Ký Lucia 1). 

Tóm lại, nguyên tắc và đường lối hy sinh của 3 Thiếu Nhi Fatima gương mẫu tiên khởi này đã thực hiện đúng y như lời Thiên Thần dạy các em vào lần hiện ra thứ hai năm 1916, khi các em hỏi Thiên Thần rằng: “Chúng con phải hy sinh như thế nào?”, đó là “làm mọi sự có thể để hy sinh”. 

Ba Thiếu Nhi Fatima tiên khởi chẳng những tìm hy sinh theo hoàn cảnh riêng có thể của mình, còn cùng nhau hy sinh, (như trường hợp điển hình được đề cập đến đầu tiên), nhắc nhau hy sinh và nhất là nhắc nhau hy sinh vì yêu Chúa nữa. 

Cùng nhau hy sinh: Mặc dầu vốn thích hát những bài hát dân ca lành mạnh, nhưng, dù được người ta mến và yêu cầu hát, các em đã không hát nữa, theo đề nghị của Phanxicô: “Chúng ta đừng hát bài hát đó nữa. Chúa chúng ta chắc chắn không muốn chúng ta hát những điều như thế này” (Hồi Ký Lucia 3). 

Nhắc nhau hy sinh: “Một ngày kia, khi con đến, Giaxinta hỏi con: ‘Chị có nhiều hy sinh hôm nay không? Em có nhiều lắm.’” (Hồi Ký Lucia 1). 
Nhắc nhau hy sinh vì yêu Chúa: “Kể từ ngày Đức Mẹ dạy chúng con dâng hy sinh của chúng con cho Chúa Giêsu, thì bất cứ lúc nào chúng con chịu đựng, hay đồng ý hy sinh, Giaxinta đều hỏi: ‘Chị có nói với Chúa Giêsu là Chị làm vì yêu Chúa không?’ Nếu con nói chưa, em liền nói: ‘Vậy em sẽ thưa với Người’, rồi em chắp ta lại, mắt ngước lên trời: ‘Oâi Chúa Giêsu, vì yêu Chúa và cho các tội nhân ăn năn hối cải’”. 

Vẫn biết lời hiệu triệu “dàn trận” của Mẹ Maria trên đây là ơn gọi chung của ba em Thiếu Nhi Fatima - ơn gọi hy sinh: ở chỗ chịu khổ để đền tạ Chúa và cứu các tội nhân. Tuy nhiên, theo Hồi Ký của chị Lucia thuật lại, thì trong ơn gọi chung này, mỗi em lại được kêu gọi sống ơn gọi chuyên biệt của mình nữa. Căn cứ vào cuộc đời của các em, cũng như căn cứ vào thứ tự của lời Mẹ Maria hiệu triệu các em ngay từ ban đầu của Biến Cố Thánh Mẫu Fatima có tính cách chiến đấu tính ấy, chúng ta thấy ba em đã dàn trận khi sống ơn gọi chuyên biệt của mình để hoàn thành ơn gọi chung là hy sinh này, theo kiểu lớn trước bé sau như sau: Thiếu Nhi Fatima Lucia 10 tuổi “chấp nhận mọi đau khổ”; Thiếu Nhi Phanxicô 9 tuổi “đền tạ những xúc phạm”; Thiếu Nhi Giaxinta 7 tuổi “cầu cho tội nhân ăn năn trở lại”.

Thiếu Nhi Fatima Lucia: “chấp nhận mọi đau khổ” 


Đúng thế, Thiếu Nhi Fatima Lucia đã “chấp nhận mọi đau khổ” hơn hết trong ba em. Vì biến cố Mẹ hiện ra mà em đã phải chịu khổ bởi gia đình, bởi cha xứ và bởi cả ma quỉ nữa. Thiếu Nhi Fatima Lucia về sau đã thuật lại những chịu đựng của mình bấy giờ trong tập Hồi Niệm Thứ Hai như sau:

“Vào lúc bấy giờ cha sở nghe đồn thổi về những chuyện đã xẩy ra. Ngài bảo má con dẫn con đến ngài. Má con cảm thấy nhẹ nhõm cả người, tưởng là cha sở sẽ lãnh trách nhiệm về các biến cố xẩy ra. Má con bảo con rằng:

- Ngày mai, má và con sẽ đi lễ sớm, sau đó vào nhà cha sở. Chớ gì cha sở buộc mày phải nói ra tất cả sự thật với bất cứ giá nào. Ngài sẽ sửa trị mày và sẽ xử với mày như ngài tùy theo ý muốn của ngài. Nếu ngài mà ép được mày thú thật ra là mày đã nói dối, thì tao hài lòng hết sức.

Các chị cũng vào hùa phe với má của con, tạo ra đủ thứ lời lẽ đe dọa, như muốn làm con run sợ về cuộc gặp cho sở. Con báo tin cho Phanxicô và Giaxinta hay chuyện. Cả hai em đã trả lời con rằng:

- Chúng em cũng đến cha sở với chị. Cha sở cũng bảo má chúng em dẫn chúng em đến với ngài, nhưng má chúng em không nói gì với chúng em cả. Chúng ta hãy cứ nhẫn nại, nếu người ta đánh chúng ta, chúng ta sẽ có dịp để được chịu đau khổ vì Chúa và vì các tội nhân.

Hôm sau, con theo má của con đến nhà thờ, trên đường đi má con không hề nói một câu. Phải thú thật là bấy giờ con cảm thấy run sợ không biết chuyện gì sẽ xẩy ra đây. Trong Thánh Lễ, con đã dâng lên Chúa nỗi thống khổ của con. Sau lễ, con qua sân nhà thờ để đến nhà cha sở cùng với má của con. Vừa leo lên mấy bậc thang, má con đã quay lại bảo con rằng:

- Con đừng làm khổ má nữa nghe con! Bây giờ con hãy nói thẳng với cha sở là con đã nói dối đi, để Chúa Nhật tới đây cha có thể tuyên bố ở nhà thờ rằng mọi chuyện xẩy ra chỉ là dối trá mà thôi chứ thật ra không hế có chuyện này. Như vậy là sẽ chấm dứt hết mọi chuyện. Như vậy không tốt hay sao. Cần gì mà mọi người phải ùa tới cầu nguyện trước cây sồi.

Không nói gì thêm, má con gõ cửa nhà cha sở. Bà chị của cha sở ra mở cửa. Bà nói chúng con ngồi đợi một chút. Sau cùng cha sở đến bảo chúng con vào văn phòng của ngài. Ngài mời má con ngồi ghế và bảo con đến gần chỗ bàn ngài làm việc. Khi thấy cha sở hỏi con một cách chẳng những hoàn toàn bình tĩnh mà còn tỏ ra âu yếm nữa, con lấy làm ngỡ ngàng. Tuy nhiên con vẫn tiếp tục chờ đợi xem những gì sẽ xẩy ra. Cha sở hỏi con tỉ mỉ về mọi chuyện. Sau cùng ngài kết luận:
- Theo cha, những chuyện đó không phải là mạc khải bởi trời cao. Khi một việc như vậy xẩy tới, thường Chúa đòi hỏi các linh hồn Chúa chọn phải trình lại việc đã xẩy ra cho cha giải tội hay cho cha sở biết. Đằng này con bé này cứ giữ kín bao nhiêu có thể. Có thể đó là sự lừa bịp của ma quỉ. Rồi chúng ta sẽ thấy. Tương lai sẽ cho chúng ta thấy những gì chúng ta đang nghĩ về tất cả câu chuyện này.

Nghĩ đến điều này làm con cảm thấy thấm thía khổ đau. Chỉ có một mình Chúa biết, vì chỉ có Ngài mới thấu suốt được tận đáy lòng của chúng ta mà thôi. Bấy giờ con bắt đầu có những ngờ vực là không biết có phải những cuộc hiện ra này phát xuất từ ma quỉ hay chăng, thành phần luôn sử dụng cách này để làm hư đi linh hồn của con. Khi con nghe thấy người ta nói rằng ma quỉ bao giờ cũng gây ra xung khắc và lệch lạc, con bắt đầu nghĩ rằng thế thì đúng rồi, vì con chưa hề thấy những điều ấy xẩy ra bao giờ nơi gia đình của con, nơi không còn như trước nữa, niềm vui và an bình đã biến mất. Con cảm thấy buồn thật là buồn! Con cho các đứa em của của con biết về những ngờ vực của con:

Giaxinta nói: 

- Không, không phải là ma quỉ đâu! Không thể nào lại như vậy được! Họ nói rằng ma quỉ thì rất ghê rợn và nó ở dưới lòng đất trong hỏa ngục cơ mà. Đằng này Đức Bà của chúng ta thật là đẹp đẽ, và chúng ta đã thấy rằng Bà đi lên trời đấy thê!

Chúa đã dùng những lời ấy để đánh tan phần nào những ngờ vực của con. Thế nhưng, trong tháng ấy, con đã mất đi tất cả phấn khởi để làm việc hy sinh cũng như thực hiện những hành động hãm mình, để rồi đi tới chỗ do dự không biết có nên thú rằng con đã nói dối để chấm dứt tất cả mọi chuyện cho xong hay chăng.

Giaxinta và Phanxicô đã kêu lên: 

- Xin chị chớ làm như thế! Chị không thấy rằng giờ đây chị đang tính nói dối hay sao mà nói dối là có tội đó chị?

Trong khi con đang lâm vào tâm trạng này thì con có một giấc mơ cgỉ làm tăng thêm tăm tối cho tâm thần con mà thôi. Con thấy thằng quỉ cười con bị nó đánh lừa, khi nó cố gắng lôi con xuống hỏa ngục. Thấy mình bị nó giữ chặt, con bắt đầu la lên xin Đức Mẹ cứu con to đến nỗi con đã làm cho má con tỉnh giấc. Bà lo lắng lay con dạy và hỏi con làm sao thế. Con không nhớ con con đã nói với bà những gì, thế nhưng con thực sự nhớ rằng con đã sợ hãi quá sức đến không thể nào ngủ được nữa trong đêm hôm ấy. Giấc mơ này làm cho linh hồn con thực sự tràn ngập những hãi sợ và sầu thảm. Con chỉ có thể tìm thấy khuây khỏa bằng cách lẩn mình ở một nơi vắng vẻ để nức nở khóc cho hả hê cõi lòng. Thậm chí những người em họ của con cũng trở thành gánh nặng cho con, nên con cũng bắt đầu lẩn trốn chúng. Thật là tội nghiệp cho chúng! Có những lúc chúng đi tìm con, gọi tên con nhưng không được hồi đáp, nhưng con bao giờ cũng nghe thấy, ẩn mình ngay bên cạnh chúng, ở một góc xó nào đó, nơi chúng không hề nghĩ tới.

Ngày 13 tháng 7 đã gần mà con vẫn còn lưỡng lự không biết mình có nên tới hay chăng. Con nghĩ bụng: ‘Nếu là ma quỉ thì tại sao tôi lại đến để nhìn thấy nó nhỉ? Nếu chúng hỏi con tại sao con không đi, con sẽ nói rắng con sợ có thể đó là ma quỉ đang hiện ra cho chúng mình, nên con không đi. Cứ để cho Giaxinta và Phanxicô làm gì tùy chúng; con không trở lại đồi Cova da Iria nữa’. Con đã quyết định như thế, và con cương quyết làm theo quyết định này.

Vào tối ngày 12/7, dân chúng đã tụ họp lại, mong ngóng thấy được những biến cố xẩy ra của ngày hôm sau. Bởi thế con đã gọi Giaxinta và Phanxicô mà nói với chúng về quyết tâm của con. Chúng đáp:
- Chúng em sẽ đi. Đức Bà nói chúng ta phải đến đó. 

Giaxinta tình nguyện làm người thân thưa chuyện với Đức Bà, thế nhưng em cảm thấy buồn về việc con không đi, đến nỗi em đã bật lên tiếng khóc. Con hỏi em tại sao em khóc. Em nói:

- Tại vì chị không chịu đi!

- Đúng, chị không đi đâu. Nghe đây! Nếu Đức Bà hỏi chị đâu, xin các em nói với Người rằng chị không đến vì chị sợ việc này là do ma quỉ làm.

Thế rồi con bỏ các em ở đó mà đi ẩn mình để tránh nói chuyện với tất cả những người đến tìm con hỏi han này nọ. Mẹ của con nghĩ rằng con đang chơi đùa với các trẻ em trong làng, vì bao giờ con cũng ẩn nấp ở đằng sau những bụi gai nơi phần đất của người hàng xóm… Bà đã mắng tôi khi tôi vừa về đến nhà đêm hôm đó:

- Thật là một bà thánh nhỏ khéo che đậy! Suốt thời gian bà không chăn nuôi đàn chiên nữa, bà chỉ có biết chơi thôi, và bà còn phải chơi làm sao để không ai có thể thấy được bà nữa kìa!

Ngày hôm sau, lúc gần đến giờ phải ra đi, đột nhiên con cảm thấy cần phải đi, như bị thúc đẩy bởi một mãnh lực nào đó không thể nào cưỡng lại được. Thế rồi con lên đường và gọi vào nhà chú con xem Giaxinta có còn ở đó hay chăng. Con thấy em vẫn đang còn ở trong phòng của em với cả Phanxicô nữa, đang quì bên giường khóc. Con lên tiếng hỏi:

- Ủa các em không đi à?

- Chúng em không dám đi nếu không có chị! Chị hãy đi nhé!

Con trả lời:

- Được, chị đi. 

Mặt chúng sáng lên niềm vui và chúng cùng con lên đường…”

Ngoài vụ cả 3 em, sau lần hiện ra thứ ba, lần Mẹ Maria tiết lộ cho 3 em Bí Mật Fatima, các em đã bị rắc rối với chính quyền địa phương, đến nỗi các em đã không đến nơi hẹn hò với Mẹ vào đúng ngày. Riêng với gia đình của Thiếu Nhi Fatima Lucia lớn nhất mang thân phận “chấp nhận mọi đau khổ” còn bị đay nghiến bởi Biến Cố Thánh Mẫu Fatima này nữa, như những gì được chính Lucia thuật lại trong cùng Hồi Niệm Thứ Hai của chị sau đây:

“Trong nội bộ của gia đình con còn có một rắc rối mới nữa, với những lời trách móc đổ hết lên đầu của con. Đồi Cova da Iria là một mảnh đất thuộc sở hữu của cha mẹ con. Ở dưới lũng phì nhiêu hơn, chúng con trồng ngô, cỏ, đậu và các thứ rau khác. Trên sườn đồi có những cây dầu và những cây sồi. Giờ đây, từ ngày người ta bắt đầu kéo tới đó, chúng con đã không còn trồng cấy gì được nữa. Mọi sự đã bị chà đạp giầy xéo. Nhiều người cỡi lừa tới để cho thú vật của họ ăn hết những gì còn lại. Mẹ con đã thảm thiết về những gì bà mất mát nên đã nói với con rằng:

- Giờ đây nếu mày muốn ăn gì thì cứ đi xin Đức Bà mà ăn nhé!

Chị của con châm biếm thêm: 

- Đúng đấy, mày có thể tìm thấy những gì trồng ở đồi Cova da Iria mà!

Những lời trách móc này làm con nhức nhối cả tâm can, đến nỗi con không dám cầm lấy miếng bánh mà ăn nữa. Để bắt con phải nói ra sự thật theo ý của bà, mẹ của con thường đánh con bằng những cán chổi hay bằng một cái roi ở đống gỗ gần lò sưởi. Thế rồi, đúng là một người mẹ, bà đã gắng phục hồi lại sức khỏe sa sút của con. Bà rất quan tâm tới con khi thấy con quá gầy còm xanh xao, sợ rằng con có thể ngã bệnh. Tội nghiệp cho bà! Thật vậy, bây giờ con đã hiểu được tình trạng thực sự của bà, tôi cảm thấy cảm thương bà biết bao! Bà thực đã nghĩ đúng khi cho rằng con bất xứng với một hồng ân như vậy, nên mới nghĩ là con nói dối.

Nhờ ơn đặc biệt Chúa ban, con không bao giờ có một chút xíu tư tưởng hay cảm giác bất mãn nào về cách bà cử xử với con. Như Thiên Thần đã báo cho con biết rằng Thiên Chúa sẽ gửi đau khổ đến cho con, con luôn thấy bàn tay Thiên Chúa nơi tất cả những điều này. Tình yêu, lòng cảm mến và kính trọng của con đới với bà tiếp tục tăng phát, như thể tôi được bà ưu ái nhất vậy. Giờ đây, tôi càng phải biết ơn bà vì việc bà đã đối xử với tôi như thế, hơn là bà tiếp tục dồn cho tôi những thứ chiều chuộng và âu yếm”.


Thiếu Nhi Phanxicô: “đền tạ những xúc phạm” 


Nếu Lucia thực hiện ơn gọi hy sinh của Thiếu Nhi Fatima bằng việc “chấp nhận mọi đau khổ” thế nào, thì Phanxicô cũng thực hiện ơn gọi hy sinh của Thiếu Nhi Fatima bằng việc “đền tạ những xúc phạm” như vậy. Theo Hồi Niệm Thứ Bốn của mình, chị Lucia đã cho chúng ta thấy hình ảnh một Phanxicô ngày xưa, ngày trước Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, thích ngồi ở một tảng đá trên đồi cao để thổi sáo, nhưng sau đó đã bỏ thói quen và sở thích lành mạnh của mình này, thậm chí bỏ cả những giây phút chơi đùa vui vẻ hữu ích với chị Lucia và em Giaxinta của mình để tìm chỗ cầu nguyện an ủi Đấng được em gọi là “Chúa Giêsu ẩn thân” của em. Sở dĩ em tự nhiên xu hướng về việc đền tạ và chú ý đến việc đền tạ nhất, đền tạ cả Chúa Giêsu Thánh Thể lẫn Mẹ của Người, là vì em bị cảm kích trước hình ảnh của gương mặt thảm sầu của Mẹ Maria khi Mẹ nói lời kết thúc Biến Cố Thánh Mẫu Fatima cũng là lời làm nên cốt lõi của Sứ Điệp Fatima: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”. 

Thật ra, theo lời Đức Mẹ nói, việc hiến mình hy sinh chịu mọi đau khổ của 3 Thiếu Nhi Fatima có hai mục đích rõ ràng, đó là, thứ nhất, để đền tạ Thiên Chúa bị tội lỗi xúc phạm, và, thứ hai, để cầu cho tội nhân ăn năn cải thiện đời sống. Thế nhưng, đối với Phanxicô là Thiếu Nhi Fatima chú trọng đến Thiên Chúa hơn các tội nhân, thì mục đích thứ nhất vẫn quan trọng và khẩn thiết hơn. Hồi Ký Lucia 4 thuật lại điều này như sau:

“Ngày kia, con hỏi em: 'Phanxicô, điều nào em thích hơn, an ủi Chúa chúng ta hay cải hối các tội nhân để không một linh hồn nào phải xuống hoả ngục nữa?'. 'Em thích an ủi Chúa chúng ta hơn. Chị không để ý đến tháng vừa rồi Đức Mẹ của chúng ta buồn lắm sao, khi Người nói rằng người ta không được xúc phạm đến Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều rồi? Em thích an ủi Chúa chúng ta rồi mới cải hối các tội nhân để họ đừng xúc phạm đến Ngài nữa.

“Có một lần, con và Giaxinta vào phòng của em, em nói với chúng con: 'Hôm nay đừng nói nhiều nghe vì em nhức đầu lắm đó. Giaxinta nhắc anh: 'Nhưng đừng quên dâng cầu cho tội nhân nghe'. 'Ừ. Nhưng anh phải dâng để an ủi Chúa chúng ta và Đức Mẹ của chúng ta trước đã, rồi sau đó mới dâng cho các tội nhân và Đức Thánh Cha'”. 

Đền tạ, đối với Phanxicô, cũng như với Giaxinta và Lucia, trước hết ở tại việc hy sinh chịu mọi đau khổ Chúa gửi đến cho. Chị Lucia đã đề cập đến điều này như sau:

“Một ngày kia, khi con tỏ cho em biết rằng con bất hạnh là chừng nào khi bị những tấn công đầu tiên bắt nguồn từ cả trong gia đình lẫn bên ngoài, Phanxicô đã phấn khích con bằng những lời này: 'Không sao đâu! Đức Mẹ đã chẳng nói là chúng ta sẽ phải chịu nhiều đau khổ đó sao, để đền tạ Chúa của chúng ta và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Người, vì tất cả những tội lỗi mà các Ngài phải chịu? các Ngài buồn quá đi! Nếu chúng ta ủi an các Ngài bằng những chịu đựng này thì chúng ta sung sướng biết bao!'”

Riêng trường hợp của em, em đã chịu khổ để đền tạ như được chị Lucia thuật lại như sau:

“Trong khi bị bệnh, em lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ và bằng lòng. Có những lần con hỏi em rằng:

- Phanxicô ơi em có đau lắm không?

- Đau lắm chị, nhưng không sao! Em đang chịu khổ để an ủi Chúa, để rồi sau đó, một thời gian ngắn nữa thôi, em sẽ về trời mà!

- Khi em lên đó rồi, đừng quên xin Đức Mẹ đem chị lên trên ấy sớm nhé.

- Em không xin điều đó đâu! Chị quá rõ là Người chưa muốn chị ở đó mà.

Trước khi em chết 1 ngày, em nói với con rằng:

- Chị coi! Em bệnh quá sức; giờ đây không còn lâu nữa em sẽ về trời.

- Vậy thì em hãy nghe đây. Khi em lên đó rồi, đừng quên cầu nguyện thật nhiều cho các tội nhân nhé, cho Đức Thánh Cha, cho chị và cho Giaxinta nữa.

- Vâng, em sẽ cầu nguyện. Thế nhưng, tốt hơn chị hãy xin Giaxinta cầu nguyện cho những điều này, vì em sợ rằng em sẽ quên mất khi em được thấy Chúa. Vào lúc ấy em chỉ muốn an ủi Chúa mà thôi”.

Ohải, đền tạ, đối với Phanxicô, không những là hy sinh chịu khổ vì Chúa, còn chính là an ủi, là thông cảm với Chúa, Đấng đã bị xúc phạm và tỏ ra buồn sầu. Phanxicô đã an ủi và thông cảm với Chúa là Đấng Quá Sầu Buồn ở chỗ thích sống gần gũi với Chúa. Đối với em, gần gũi, kề cận với Chúa Giêsu cũng là một việc cần thiết để an ủi Chúa. Do đó, hễ có dịp là Phanxicô tìm đến với Chúa Giêsu Thánh Thể mà em gọi là Chúa Giêsu Ẩn Thân. Chị Lucia kể lại rằng:

“Ngày kia, em ra khỏi nhà gặp con… Con bắt đầu đi đến trường, và trên đường đi, con đã nói với các người em họ của con về tất cả những điều này (cầu nguyện cho một người mẹ có đứa con trai bị tố cáo phạm tội có thể bị tù đầy, như bà này đã nhờ chị Têrêsa là chị ruột của Lucia xin Lucia cầu với Đức Mẹ cứu con của bà). Khi chúng con tới Fatima, Phanxicô nói với con rằng:

- Chị ơi! Trong khi chị đi đến trường, em sẽ ở lại với Chúa Giêsu Ẩn Thân, và em sẽ xin Người ban ơn ấy cho.

Tan học, con đến gọi em mà hỏi:

- Em có cầu xin Chúa ban cho ơn ấy không vậy?

- Có, em có cầu nguyện. Xin chị nói với chị Têrêsa rằng anh ấy sẽ được về nhà mấy ngày nữa.

Thật thế, mấy ngày sau, người con trai đáng thương về đến nhà. Vào ngày 13, anh ta và cả nhà đến tạ ơn Đức Mẹ về điều ấy.

Một lần khác, con nhận thấy là, sau khi chúng con đã rời nhà, Phanxicô bước đi rất chậm. Con hỏi em:

- Làm sao vậy. Em hầu như không thể bước đi nổi nữa rồi!

- Em bị nhức đầu quá đi, em cảm thấy sắp ngã đến nơi rồi nè.

- Vậy thì đừng đi nữa. Em hãy ở nhà đi!

- Em không muốn đâu. Em thích ở trong nhà thờ với Chúa Giêsu Ẩn Thân trong khi chị đi học”.

Đối với Phanxicô, đền tạ chẳng những ở tại việc hy sinh vì Chúa, gần gũi với Chúa, mà còn tránh làm bất cứ điều gì làm mất lòng Chúa nữa. Chị Lucia thuật lại như sau: “Khi thấy con bối rối và ngờ vực, em khóc và nói: 'Nhưng làm sao mà chị lại có thể cho rằng đó là việc của ma qủi? Chị không thấy là Đức Mẹ và Thiên Chúa ở trong ánh sáng cao vời đó sao? Không có chị làm sao chúng em tới đó được, vì chị là người đối đáp mà'. Đêm đó, sau khi dùng cơm tối, em đến nhà con, gọi con ra hiên nhà mà nói: 'Này! Mai chị không đi thật à?' 'Chị không đi thật mà. Chị đã bảo với các em là chị sẽ không trở lại đó nữa thây'. 'Thế thì xấu hổ thật! Tại sao bây giờ chị lại có thể nghĩ như vậy được? Chị không thấy rằng việc đó không thể nào là việc của ma qủi ư? Thiên Chúa đã buồn sầu vì bao tội lỗi đủ rồi, bây giờ chị không đi, Người lại còn buồn hơn nữa! Thôi, chị nói đi đi!'”

Riêng trường hợp của em, vì chuyên tâm an ủi Chúa, nên em cũng rất sợ làm điều mất lòng Người, như chị Lucia thuật lại như sau:

“Hôm ấy, ngay từ sáng sớm, chị Têrêsa của em đến tìm con.

- Chị hãy mau đến nhà của chúng em! Phanxicô nguy lắm rồi nên em muốn nói với chị điều gì đó.

Con vội vàng mặc quần áo đi ngay. Em xin mẹ em cũng như anh chị em hãy đi ra ngoài, vì em muốn xin con một điều bí mật. Họ đi ra rồi, em nói với con thế này:

- Em sẽ xưng tội để có thể rước Lễ rồi chết. Em xin chị nói cho em biết là chị có thấy em phạm bất cứ một tội nào chăng, rồi chị cũng đi hỏi cả Giaxinta cho em nữa xem nó có thầy em phạm lỗi gì không nhé.

Con trả lời em:

- Em đã không vâng lời mẹ em một ít lần khi bà bảo em ở nhà nhưng em đã bỏ nhà đi với chị hay bỏ đi trốn. 

- Đúng thế. Em có nhớ đến nó. Vậy chị đi hỏi Giaxinta xem nó có nhớ điều gì khác nữa không.

Con ra đi, và Giaxinta, sau khi suy nghĩ một chút đã trả lời rằng:

- Xin chị nói với anh ấy rằng, trước khi Đức Mẹ hiện ra với chúng ta, anh ấy đã ăn cắp một xu của bố để mua một hộp nhạc của ông José Marto ở Casa Velha; và có lần bị những đứa con trai ở Aljustrel ném đá vào những đứa khác ở Boleiros, anh ấy cũng đã lấy đá ném họ nữa!

Khi con cho em biết điều em Giaxinta của em nói, em đã trả lời rằng:

- Em đã xưng những điều ấy rồi, nhưng em sẽ xưng lại nữa. Có thể vì những tội này của em mà Chúa đã quá buồn rầy! Cho dù em không chết đi nữa, em sẽ không bao giờ tái phạm những tội này nữa. Em hết sức đau lòng về những tội ấy”.
Chắp tay lại, em đã nguyện rằng: ‘Ôi Chúa Giêsu, xin Chúa tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn’.”


Phanxicô chẳng những để ý đền tạ Chúa Giêsu Ẩn Thân bằng việc hy sinh vì Chúa và gần gũi với Chúa, em còn để ý đến Mẹ Maria nữa, Đấng mà em cũng gọi là Đấng Quá Sầu Bi. Hồi Ký Lucia 4 cũng đề cập đến điều này nơi Phanxicô: “Trong khi Giaxinta có vẻ chỉ quan tâm đến một điều là cải hối các tội nhân để cứu các linh hồn cho khỏi sa hỏa ngục, thì Phanxicô lại tỏ ra chỉ nghĩ đến an ủi Đức Mẹ, Đấng mà em cảm thấy quá sầu bi”. 

Đối với cả Chúa Giêsu và Đức Mẹ mà em đều cho là Đấng quá Sầu Buồn, cũng như Giaxinta và Lucia, Phanxicô đã làm mọi sự có thể để hy sinh, như lời Thiên Thần dạy, với ý chỉ mà Đức Mẹ đã dạy các em vào lần hiện ra thứ ba, 13/7/1917: Hãy đọc nhiều lần, nhất là khi các con làm việc hy sinh: 'Ôi Chúa Giêsu, vì yêu Chúa, cho các tội nhân ăn năn hối cải và để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Tuy nhiên, đối với riêng Chúa Giêsu, để đền ạ Chúa, Phanxicô còn tìm dịp ở gần Chúa nữa. Cũng thế, đối với riêng Đức Mẹ, để đền tạ Người, Phanxicô cũng tìm dịp để lần hạt Mân Côi như Đức Mẹ đã dặn em vào lần hiện ra thứ nhất. Mỗi lần thấy vắng Phanxicô, Lucia và Giaxinta đi tìm gọi, thường thấy Phanxicô đang lẩn trốn đi cầu nguyện một mình, và thấy em giơ tràng hạt lên làm hiệu cho cả hai biết là Phanxicô đang lần hạt đấy. 




Thiếu Nhi Giaxinta: “cầu cho tội nhân ăn năn trở lại”

Trong Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, nếu hình ảnh Mẹ Sầu Bi vào lần hiện ra cuối cùng 13/10/1917, đã ảnh hưởng đến tâm thần của Thiếu Nhi Fatima Phanxicô, khiến em chuyên chú vào việc đền tạ theo ơn gọi chuyên biệt của em, thì thị kiến hỏa ngục vào lần Mẹ hiện ra thứ ba 13/7/1917, đã làm cho Thiếu Nhi Fatima Giaxinta nhỏ nhất kinh hoàng khiếp đảm hết sức, đến nỗi em đã hăng say khao khát sống ơn gọi chuyên biệt của em là hy sinh “cầu cho tội nhân ăn năn trở lại” cùng Chúa. Ngoài những gì đã được đề cập đến riêng Giaxinta trong phần Hy Sinh là ơn gọi chung của 3 Thiếu Nhi Fatima ở phần đầu của chương này, Giaxinta còn thực hiện nhiều việc hy sinh với mục đích rõ ràng là để cứu các tội nhân, như chị Lucia thuật lại trong Hồi Ký Thứ Nhất và Thứ Ba của chị.

Image result for blessed jacinta


“Hôm ấy chúng con đang chơi ở chỗ giếng nước con đã đề cập tới. Gần đó, có một cây nho của mẹ Giaxinta. Bà đã cắt một ít chùm để mang lại cho chúng con ăn. Nhưng Giaxinta không bao giờ quên các tội nhân cả. Em nói:

- Chúng ta sẽ không ăn những chùm nho này. Chúng ta hãy dâng hy sinh này để cầu nguyện cho các tội nhân.

Rồi em cầm những trái nho chạy đi cho những trẻ em khác đang chơi trên đường đi. Em trở về mặt mày hớn hở, vì em đã thấy các trẻ em nghèo của chúng con để trao cho họ những trái nho. 

Lần khác, bà dì của con gọi chúng con lại để ăn những trái vả bà mang về nhà, và thật sự là những trái ấy ai ăn cũng cảm thấy ngon miệng. Giaxinta hớn hở ngồi xuống bên giỏ trái cây cùng với chúng con rồi cầm trái vả đầu tiên lên. Em gần ăn trái vả này thì sực nhớ lại đã nói:

- Đúng rồi! Hôm nay chúng ta chưa làm được một hy sinh nào cho các tội nhân hết! Chúng ta phải dâng hy sinh này.

Em bỏ trái vả lại giỏ trái cây để thực hiện việc hy sinh; cả chúng tôi cũng bỏ những trái vả vào giỏ để cầu nguyện cho các tội nhân ăn năn cải thiện đời sống. Giaxinta đã thực hiện nhiều hy sinh như thế rất là thường, nhưng con xin thôi không kể đến nữa kẻo con sẽ không bao giờ ngừng được.
Đó là cách Giaxinta đã sống hằng ngày của mình cho đến khi Chúa gửi đến cho em chứng bệnh cúm làm em phải nằm yên ở trên giường, cả anh Phanxicô của em cũng bị nữa. Tối hôm trước khi ngã bệnh, em đã nói rằng:

- Em cảm thấy nhức đầu quá đi và rất là khát nước! Thế nhưng em sẽ không uống nước, vì em muốn chịu khổ cho các tội nhân.

… Tuy nhiên, Giaxintađã khá hơn một chút. em thậm chí đã có thể chỗi dậy và nhờ đó có thể bỏ cả ngày ra ngồi bên giường của Phanxicô. Một lần kia em nhắn con tới gặp em lập tức. Con chạy ngay lại. Em đã nói với con rằng:

- Đức Bà đã đến gặp em. Người bảo cho chúng ta biết rằng chẳng còn bao lâu nữa Người sẽ đến đem anh Phanxicô về trời, và Người hỏi em rằng em có còn muốn hoán cải các tội nhân hay chăng. Em đã nói rằng có. Người bảo em là em sẽ phải đi đến nhà thương, ở đó em sẽ chịu nhiều đau khổ; và em phải chịu khổ để hoàn cải các tội nhân, hầu đền tạ tội lỗi đã phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria và vì yêu Chúa Giêsu. Em hỏi Người là chị có đi với em không. Người nói là không, và đó là những gì em cảm thấy khó nhất. Người nói rằng mẹ em sẽ đưa em đi, rồi em sẽ phải ở lại đó một mình!

Nói xong em ngẫm nghĩ một chút rồi thêm:

- Giá chị có thể ở với em nhỉ! Chỗ khó nhất đó là đi không có chị…. Thế nhưng không sao! Em sẽ chịu vì yêu Chúa, để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, để cầu cho các tội nhân cũng như cho Đức Thánh Cha.

Vào lúc người anh của em về trời, em đã tỏ cho anh những lời nhắn gửi này:

- Anh hãy dâng lên Chúa và Mẹ tất cả tình yêu của em nhé, và thưa với các Ngài rằng em sẽ chịu khổ bao lâu các Ngài muốn, để cầu cho các tội nhân ăn năn hối cải cũng như để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria

Giaxinta đã hết sức đau khổ trước cái chết của Phanxicô. Em cảm thấy vô cùng thấm thía trong lòng một thời gian dài, đến nỗi nếu có ai hỏi em đang nghĩ gì thì em đáp: ‘Nghĩ về Phanxicô. Tôi hy sinh tất cả để mong gặp lại anh!’ Rồi em rướm nước mắt.

Ngày kia con nói với em rằng:

- Giờ đây chẳng còn bao lâu nữa em sẽ về trời. Thế còn chị thì sao đây!

- Tội nghiệp cho chị! Chị đừng có khóc! Em sẽ cầu thật nhiều cho chị khi em lên đó. Phần chị, đó là cách Đức Mẹ muốn chị phải sống. Nếu Người muốn điều ấy cho em, em sẽ hân hoan ở lại để chịu đau khổ hơn nữa cho các tội nhân.

Ngày Giaxinta phải đi nhà thương đã đến. Ở đó em thật sự đã phải chịu đựng rất nhiều. Khi mẹ em đến thăm em, bà hỏi em có cần gì chăng. Em nói rằng em muốn gặp con. Đây không phải là một điều dễ dàng đối với dì của con, song dì cũng đem con đi ngay khi có dịp. Vừa thấy con, em đã hớn hở ôm chầm lấy con, và nói với mẹ của em hãy đi mua đồ và để con lại với em. Con hỏi thăm em có khổ đau nhiều lắm chăng. Em đáp:

- Có chứ. Thế nhưng em dâng tất cả mọi sự để cầu cho các tội nhân cũng như để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. 

Thế rồi, đầy nhiệt tình, em đã nói về Chúa và Đức Mẹ như sau:

- Ôi em yêu thích được chịu khổ vì yêu các Ngài biết bao, chỉ để làm cho các Ngài hài lòng mà thôi! Các Ngài rất yêu thương những ai chịu khổ cho các tội nhân ăn năn cải thiện đời sống.
Em được trở về nhà với cha mẹ em trong một thời gian. Em có một vết thương lớn ở ngực cần phải được chữa trị hằng ngày, nhưng em đã chịu đựng không hề phàn nàn hay tỏ ra một dấu hiệu khó chịu nào. Điều làm em khó chịu nhất là những cuộc viếng thăm thường xuyên và những câu hỏi của nhiều người đến thăm em, những người em không thể nào tránh né được nữa.

- Em cũng dâng cả những hy sinh này nữa để cầu nguyện cho các tôi nhân ơn ăn năn hối cải.

Có lần dì của con xin con một điều “Cháu hỏi xem Giaxinta nghĩ gì khi nó lấy tay ôm mặt bất động một lúc lâu. Dì đã hỏi nó nhưng nó chỉ mỉm cười không nói năng gì”. Con đã hỏi Giaxinta. Em trả lời con như sau:

- Em nghĩ đến Chúa, đến Đức Mẹ, đến các tội nhân, và đến… (em đề cập tới một số điều của Bí Mật). Em thích suy nghĩ.

Một lần nữa, Đức Trinh Nữ lại chiếu cố đến thăm Giaxinta, để nói với em về những thánh giá mới cùng những hy sinh mới đang chờ đợi em. Em đã cho con biết những điều ấy mà rằng:

- Đức Mẹ bảo em rằng em sẽ đi Lisbon tới một bệnh viện khác; rằng em sẽ không thấy chị nữa, cũng chẳng được thấy cha mẹ em nữa, và sau khi đã chịu nhiều đau khổ, em sẽ chết cô đơn một mình. Thế nhưng Người nói rằng em không cần gì phải sợ hãi, vì chính Người đến đem em về trời.

Em đã ôm ghì lấy con mà khóc:

- Em sẽ không bao giờ được thấy chị nữa! Chị sẽ không đến đó thăm em. Ôi xin chị cầu nguyện nhiều cho em, vì em sẽ bị chết cô đơn một mình!

Giaxinta đã chịu đựng kinh khủng cho tới ngày em lên đường đi Lisbon. Em cứ gắn liền lấy con mà khóc nấc lên:

- Em sẽ không bao giờ được thấy chị nữa! Không bao giờ được thấy mẹ em nữa, các anh của em nữa, cha của em nữa! Em sẽ không bao giờ được thấy mọi người nữa! Thế rồi em sẽ chết lủi thủi một thân một mình.

Một hôm con khuyên em:

- Em đừng nghĩ đến nó nữa.

Em trả lời:

- Hãy để em nghĩ đến nó, vì càng nghĩ em càng khổ, song em muốn chịu khổ vì yêu Chúa và cho các tội nhân. Dù vậy, em cũng không sao! Đức Mẹ sẽ đến đó để đưa em về trời.

Có những lúc em hôn và ôm cây thánh giá mà than lên rằng: “Ôi Chúa Giêsu ơi! Con yêu Chúa, và con muốn chịu khổ thật nhiều vì yêu Chúa”. Em rất thường hay nói rằng: “Ôi Chúa Giêsu! Giờ đây Chúa có thể hoán cải nhiều tội nhân, vì đây thật sự là một hy sinh to lớn!”

Cuối cùng ngày em phải bỏ nhà đi Lisbon đã đến (21/2/1920). Thật là một cuộc giã biệt đoạn trường. Em đã ôm chặt lấy con rất lâu mà khóc nấc lên: “Chúng ta sẽ không bao giờ được thấy nhau nữa! Xin chị cầu nguyện nhiều cho em cho đến khi em về trời. Bấy giờ em sẽ cầu nguyện cho chị. Chị đừng bao giờ nói Bí Mật ấy cho bất cứ một ai nghe, dù họ có giết chị đi nữa. Chị hãy yêu mến Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria thật nhiều, và hãy kiếm nhiều hy sinh cho các tội nhân”.

Image result for blessed jacinta

‘Chính là Đức Mẹ’

Ôi, cuộc sống của ba Thiếu Nhi Fatima dễ thương và đáng khâm phục là chừng nào, một gương sống đạo có lẽ đã làm cho nhiều Kitô hữu thành niên hay lão thành cảm thấy hết sức xấu hổ. Thậm chí không thể tin được. 

Theo Đức Tổng Giám Mục Jose Saraiva Martins, Bộ Trưởng Thánh Bộ Cứu Xét Phong Thánh, thì vụ án phong thánh cho hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta đã được bắt đầu từ năm 1952 tại giáo phận Leiria-Fatima. Thế nhưng, tiến trình phong thánh này đã bị trì hoãn là vì vấn đề phong thánh cho các em là trẻ em liên quan đến tín lý và giáo luật, ở chỗ, các em chưa ở vào tuổi thiếu niên (pre-adolescent) hay tuổi dậy thì, tức tuổi “tiên”, tuổi theo tiếng Anh là “teen”, tuổi từ 13 thirteen tới hết 19 nineteen, (không như trường hợp Maria Goretti vừa tử đạo vừa là con gái ở vào tuổi dậy thì 12). Trong khi đó, Thánh Bộ Cứu Xét Phong Thánh lại nhận được 180 khẩn nguyện thư thuộc 44 quốc gia trên thế giới, từ các vị hồng y, giám mục, đặc sứ tòa thánh và linh mục coi xứ trình bày cho thấy những lợi điểm của việc phong thánh cho hai em đối với giới trẻ trong thế giới hiện đại. Cuối cùng, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã rút ngắn tiến trình phong thánh cho hai em, bằng việc công nhận nhân đức anh hùng của hai Đấng Đáng Kính (venerable) này ngày 13/5/1989, một biến cố không ngờ đã xẩy ra như điềm báo trước biến động Đông Âu sau đó ở Balan ngày 19/8/1989 (cũng là ngày kỷ niệm Mẹ Maria hiện ra ở Fatima lần thứ 4 tại Valinhos, chứ không phải ở cây sồi như các lần khác trên đồi Cova da Iria vào ngày 13 như Mẹ muốn ngay từ đầu, vì việc nhúng tay can thiệp của chính quyền địa phương). Mười năm sau, ngày 28/6/1999, hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta lại được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban bố một sắc lệnh công nhận phép lạ của hai Đấng Đáng Kính này làm, để hai vị có thể được Giáo Hội tuyên phong Á Thánh.

Trong bài giảng phong chân phước cho hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta tại chính Linh Địa Thánh Mẫu Fatima ngày 13/5 Đại Năm Thánh 2000, ĐTC GPII, ở đoạn 6), đã nhắn nhủ thành phần thiếu nhi như sau:

“Cha muốn nói những lời cuối cùng với các em nhỏ: các em trai em gái thân mến, Cha thấy nhiều người trong các em trang phục giống như Phanxicô và Giaxinta vậy. Các em mặc đẹp lắm! Thế nhưng, chút nữa đây hay ngày mai các em sẽ cởi những thứ y phục này ra và... những nhỏ mục đồng ấy không còn nữa. Các nhỏ mục đồng ấy không được mất đi phải không các em? Đức Mẹ cần tất cả các em trong việc an ủi Chúa Giêsu, Đấng buồn phiền vì nhiều điều xấu xa gây ra cho Người; Người cần đến những lời cầu nguyện cũng như những hy sinh cho tội nhân của các em. Các em hãy xin cha mẹ và thầy cô của mình ghi danh của các em vào ‘trường’ của Đức Mẹ, để Đức Mẹ có thể dạy các em nên giống như các bé mục đồng này, những bé mục đồng đã cố gắng làm theo những gì Mẹ xin họ. Cha muốn nói cho các em biết là ‘nhờ phục tùng và lệ thuộc vào Mẹ Maria, trong một thời gian ngắn người ta sẽ tiến bộ hơn là cả bao nhiêu năm theo những sáng kiến cá nhân khi cậy dựa vào mình’ (Thánh Long Mộng Phố – Louis de Montfort, Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn số 155). Đó là lý do tại sao các bé mục đồng ấy đã nên thánh rất nhanh như vậy. Có một người đàn bà tiếp đãi Giaxinta ở Lisbon, khi nghe nhỏ gái này có những lời khuyên răn rất hay ho và khôn ngoan thì hỏi ai đã dạy em điều ấy, em trả lời rằng: ‘Chính là Đức Mẹ’. Bằng tất cả lòng quảng đại của mình trong việc chuyên tâm sống theo đường hướng của một Vị Thầy tốt lành như vậy, Giaxinta và Phanxicô đã sớm đạt tới đỉnh trọn lành”. 
 

 

Bài này được Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của Phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN Hải Ngoại phổ biến số Tháng 5-6/2017,

mừng 2 Chân Phước Thiếu Nhi Fatima Thụ Khải Phanxicô và Giaxinta được phong hiển thánh 13/5/2017