THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

Thị Kiến Fatima

tỏ hiện

Lòng Thương Xót Chúa

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Trong phần hai của Bí Mật Fatima, Mẹ Maria đã hứa rằng: "Mẹ sẽ đến để xin dâng hiến Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ và xin rước lễ đền tạ vào các ngày Thứ Bảy Đầu Tháng". 

 

Và Mẹ Maria đã quả thực hoàn tất lời hứa này của Mẹ 2 lần: lần đầu vào ngày 10/12/1925 tại Thành Pontevedra ở Tây Ban Nha, "để xin rước lễ đền tạ vào các ngày Thứ Bảy Đầu Tháng", và lần hai vào ngày 13/6/1929 tại Thành Tuy cũng Tây Ban Nha, "để xin dâng hiến Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ". 

 

Thật vậy, theo Chị Lucia thuật lại thì Mẹ Maria đã hiện ra với chị Lucia lần thứ hai sau Năm 1917, vào ngày 13-6-1929, như lời Mẹ hứa, tại thành Tuy, nước Tây Ban Nha, nơi chị đang tu ở Dòng Thánh Đôrôthêu.

Chị cho biết rằng chị được phép bề trên để làm Giờ Thánh từ 11 đến 12 giờ đêm ngày 13-6-1929, và bấy giờ chỉ có một mình chị ở trong nhà nguyện, chị đã đứng giang tay cầu nguyện. Bỗng nhiên, cả nhà nguyện bừng sáng, không còn lờ mờ với ngọn đèn chầu nhà tạm nữa. Và thị kiến chị thấy bấy giờ diễn ra như sau:


Một thánh giá bằng ánh sáng hiện ra trên bàn thờ cao lên tới trần nhà nguyện. Phần trên của cây thánh giá sáng hơn, có dung nhan cùng với thân mình của một người từ cạnh sườn trở lên; trên ngực của người này có một con chim câu bằng ánh sáng; bị đóng đanh vào thập giá là thân mình của một người khác. 


Dưới cạnh sườn chút xíu, có một chén thánh và một bánh thánh lớn lơ lửng trên không trung. Những giọt máu từ mặt của Chúa Giêsu Tử Giá và từ cạnh sườn của Người chảy xuống bánh thánh và nhỏ vào chén thánh. 

 

Bên phải cây thánh giá là Đức Mẹ với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội ở trong tay Mẹ. Bên trái cây thánh giá có những chữ lớn như thể bằng nước trong như thủy tinh chảy xuống trên bàn thờ làm thành những chữ: "Ân Sủng và Tình Thương". 

 

FATIMATHELASTVISION.jpg

 

Nếu ý nghĩa của thị kiến phần ba Bí Mật Fatima, như phần 3 của loạt bài viết Fatima Lòng Thương Xót Chúa suy diễn và dẫn giải theo chiều hướng lịch sử, thì đâu là ý nghĩa của thị kiến cuối cùng này, một thị kiến bao gồm những hình ảnh, kể cả hàng chữ "ân sủng và tình thương", tạo nên một ý nghĩa thật huyền diệu, một ý nghĩa chắc chắn không thể nào không liên quan mật thiết với mục đích của lần Mẹ Maria hiện ra cuối cùng này "để xin dâng hiến Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ". 

 

Trước hết, phải công nhận rằng thị kiến, có thể gọi là Thị Kiến "Ân Sủng và Tình Thương" này bao gồm tất cả những gì chính yếu nhất làm nên Sứ Điệp Fatima và Bí Mật Fatima. 

 

Sứ Điệp Fatima không phải chỉ là 3 điều vẫn được cộng đồng Công Giáo Việt Nam thường gọi từ trước đến nay là 3 Mệnh Lệnh Fatima: Cải Thiện Đời Sống, Lần Hạt Mân Côi và Tôn Sùng Mẫu Tâm, mà là ở chỗ "Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới" để "nhiều linh hồn được cứu rỗi và thế giới có hòa bình", như Mẹ đã tiết lộ ở đầu phần hai Bí Mật Fatima. 

 

Và chính dự án cứu độ của Thiên Chúa muốn các tội nhân và hòa bình thế giới phải lệ thuộc vào Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria trong thời điểm "những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn" như thế mà dự án cứu độ này của Thiên Chúa mới là tất cả Bí Mật Fatima, một bí mật được cấu tạo nên bởi 3 phần bất khả phân ly và cả 3 phần đều cho thấy, như đã dẫn giải ở các nơi viết về từng phần của Bí Mật Fatima, nhất là phần hai và phần ba, Thiên Chúa quả thực đã thực hiện dự án cứu độ của Ngài qua Mẹ Maria.

Đó là lý do trong thị kiến cuối cùng ngày 13/6/1929, hình ảnh Mẹ Maria cầm trong tay Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ đứng kề bên Thánh Giá Chúa Kitô Con Mẹ, hình ảnh một Người Mẹ Đồng Công trên đồi Canvê ngày xưa trong cuộc khổ nạn và tử giá của Con Mẹ và với Con Mẹ (xem Gioan 19:25). 

 

Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là một trái tim đầy ơn phúc, ở chỗ, Mẹ đã tuyệt đối tin những gì sứ thần Gabiên đã nói với Mẹ trong Biến Cố Truyền Tin về Người Con Mẹ được diễm phúc thụ thai và hạ sinh (xem Luca 1:30-38,45), cho dù cuối cùng Người dường như "không thể" xuống khỏi thập giá trước thách thức của chung dân Do Thái và riêng thành phần lãnh đạo của họ, để rồi cuối cùng chết đi một cách vô cùng hèn yếu, nhục nhã và đớn đau hơn cả hai tay trộm cướp bị đóng đanh hai bên Người bấy giờ. 

 

Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ở trên đồi Canvê dưới chân Thánh Giá của Chúa Kitô Con Mẹ bấy giờ quả thực, đúng như lời vị tư tế lão thành Simeon tiên báo khi Mẹ dâng Hài Nhi Giêsu trong Đền Thờ sau 40 ngày Người được hạ sinh, "bị một lưỡi gươm đâm vào" (Luca 2:35), nhất là lúc tận mắt của Mẹ chứng kiến thấy cảnh Thánh Thể Con Mẹ đã chết còn bị lưỡi đóng của một tên lính Roma đâm vào nữa (xem Gioan 19:34). 

 

Bấy giờ Con Mẹ không còn biết đau nữa, nhưng Mẹ đã đau cái đau của Con, đau cái đau thay Con và đau cái đau với Con, đồng thời cũng vào chính lúc chất ngất đau thương đến tột cùng ấy, Mẹ Maria đã sinh ra Giáo Hội, qua hình ảnh máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu (xem Gioan 19:34), và Mẹ đã trở thành Mẹ của Giáo Hội, như chính Chúa Kitô đã trao phó Giáo Hội cho Mẹ và trao tặng cho Giáo Hội Mẹ của Người, một Giáo Hội khi ấy được biểu hiện nơi người môn đệ được Chúa Giêsu yêu là Gioan (xem Gioan 19:26-27).

 

Mẹ Maria là "Mẹ Giáo Hội", một tước hiệu đã được Giáo Hoàng Chân Phước Phaolô VI long trọng tuyên xưng giữa Công Đồng Chung Vaticanô II ngày 21/11/1964 khi ban bố Hiến Chế quan trọng nhất của công đồng chung thứ 21 này là Hiến Chế Lumen Gentium, một hiến chí tín lý về Giáo Hội là Ánh Sáng Muôn Dân, và vì là Mẹ Giáo Hội, Mẹ cũng là Mẹ của từng Kitô hữu và tất cả mọi chi thể của Nhiệm Thể Giáo Hội. 

 

Bởi vậy, khi Mẹ thấy con cái của Mẹ trong Giáo Hội không còn coi trọng ơn cứu độ vô giá của Con Mẹ nữa, trái lại, còn liều mình đời đời đánh mất ơn cứu độ nữa, Mẹ đã cảm thấy vô cùng đớn đau, đến độ Mẹ không thể nào không từ trời xuống để thiết tha kêu gọi con cái của mình rằng: "Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi" (13/10/1917).

 

Thế nên, thị kiến cuối cùng ngày 13/6/1929 này còn cho thấy "Chúa là Thiên Chúa của chúng ta đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi" đây chính là Chúa Kitô tử giá cũng là Chúa Giêsu Thánh Thể, với những giọt máu từ mặt và cạnh sườn nhỏ xuống Bánh Thánh và Chén Thánh ở bên dưới. Và "Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi" như thế nào và ra sao, bởi những tội nào, đã được liệt kê trong 2 lời nguyện Thiên Thần Hòa Bình dạy cho 3 Thiếu Nhi Fatima năm 1916, và đã được diễn giải ở phần Kinh Nguyện Fatima Lòng Thương Xót Chúa.

 

"Chúa là Thiên Chúa của chúng ta đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi" bởi những tội chung chung, đặc biệt của thành phần Kitô hữu con cái của Giáo Hội cũng là con cái của Mẹ, đó là tội "không tin kính Chúa, không thờ lậy Chúa, không trông cậy Chúa và không yêu mến Chúa", nhất là 3 tội "lăng nhục, phạm thánh và thờ ơ lãnh đạm" của chính những Kitô hữu đã được cứu độ nhờ Phép Rửa, và là những tội cần phải đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể nhất, bằng việc hiệp lễ bù lại cùng với việc hiến dâng Chúa Giêsu Thánh Thể lên Thiên Chúa mà cầu cho các tội nhân, lời nguyện được Thiên Thần Hòa Bình dạy cho 3 Thiếu Nhi Fatima vào Mùa Thu năm 1916:

 

"Lạy Chúa Ba Ngôi Chí Thánh là Cha và Con và Thánh Thần, con sấp mình thờ lạy Chúa. Con xin dâng lên Chúa Mình Máu châu báu, linh hồn và Thiên Tính của Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện trong các nhà tạm trên khắp thế giới, để đền tạ những lăng nhục, phạm thánh và thờ ơ lãnh đạm mà chính Người đã phải chịu. Xin vì công nghiệp vô cùng của Thánh Tâm Chúa Giêsu và của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, xin Chúa ban cho các tội nhân ơn ăn năn hối cải".

 

Chính trong lời nguyện rước lễ đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể này đã cho thấy tất cả những gì được Chị Lucia thị kiến ngày 13/6/1929: 

 

1- "Ba Ngôi Chí Thánh là Cha và Con và Thánh Thần": "Phần trên của cây thánh giá sáng hơn, có dung nhan cùng với thân mình của một người từ cạnh sườn trở lên; trên ngực của người này có một con chim câu bằng ánh sáng; bị đóng đanh vào thập giá là thân mình của một người khác". 

 

2- "Mình Máu châu báu, linh hồn và Thiên Tính của Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện trong các nhà tạm trên khắp thế giới" - "Dưới cạnh sườn chút xíu, có một chén thánh và một bánh thánh lớn lơ lửng trên không trung". 

 

3- "để đền tạ những lăng nhục, phạm thánh và thờ ơ lãnh đạm mà chính Người đã phải chịu" - "Những giọt máu từ mặt của Chúa Giêsu Tử Giá và từ cạnh sườn của Người chảy xuống bánh thánh và nhỏ vào chén thánh". 

 

4- "Xin vì công nghiệp vô cùng của Thánh Tâm Chúa Giêsu và của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, xin Chúa ban cho các tội nhân ơn ăn năn hối cải" - "Bên phải cây thánh giá là Đức Mẹ với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội ở trong tay MẹBên trái cây thánh giá có những chữ lớn như thể bằng nước trong như thủy tinh chảy xuống trên bàn thờ làm thành những chữ: 'Ân Sủng và Tình Thương'". 

 

Sở dĩ ở trong thị kiến không có Thánh Tâm Chúa (như trong lời nguyện hiệp lễ đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể trên đây) là vì Thánh Tâm này ở trong cạnh sườn bị đâm của Người, và bấy giờ Thánh Tâm của Người không còn biết đau nữa, chỉ có Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ đau thay thôi. 

 

Chính vì những gì loài người tội lỗi nói chung và Kitô hữu nói riêng liên lỉ phạm đến Chúa cũng chính là đến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ như thế, mà Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ mới cần phải được đền tạ, nhờ đó chính Thánh Tâm Chúa cũng được an ủi và hài lòng, vì xúc phạm đến Chúa Giêsu Con Mẹ chính là xúc phạm đến Mẹ (làm Mẹ buồn khổ) nên đền tạ Mẹ cũng là đền tạ Chúa vậy.

Dường như chiều hướng đền tạ Mẹ cũng là đền tạ Chúa như thế mà vào lần hiện ra ngày 10/12/1925, tức sau năm 1917 hơn 8 năm, chị Lucia đã được một thị kiến đầu tiên trong hai thị kiến hậu Biến Cố Fatima 1917, một thị kiến được chị diễn tả có thể tóm gọn như thế này: 

 

Mẹ hiện ra cùng với Chúa Hài Nhi, dưới chân Chúa có mây trời rực sáng làm bệ chân cho Người. Mẹ đặt tay lên vai chị, và chỉ cho chị một trái tim bị gai nhọn cuốn quanh được Mẹ cầm trên một bàn tay kia. Bấy giờ cả Chúa Hài Nhi và Mẹ Maria, thay phiên nhau lên tiếng nói với chị, Chúa Hài Nhi trước và Mẹ Maria sau, song cả hai Mẹ Con cùng kêu gọi chị hầu như cùng một điều tương tự như sau: 


Chúa Hài Nhi kêu gọi chị Lucia rằng: "Con hãy thương cảm Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Rất Thánh của con đã bị gai nhọn cuốn quanh do những vô ơn bội nghĩa hằng giây hằng phút đâm tan nát mà chẳng có ai làm việc đền tạ để rút những gai ấy ra".

 

Mẹ Maria cũng kêu gọi chị Lucia như sau: "Hỡi con yếu dấu, con hãy nhìn Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ bị gai nhọn cuốn chung quanh mà những kẻ vô ơn bội nghĩa hằng đâm nát từng giây từng phút bởi tôi lộng ngôn và vô ơn của họ. Ít là con, con hãy gắng an ủi Mẹ. Mẹ hứa sẽ phù giúp, trong giờ lâm tử, bằng những ơn cần thiết đến phần rỗi, cho những ai, trong năm ngày thứ bảy đầu tháng liên tiếp, xưng tội và rước lễ, lần hạt 50 kinh Mân Côi và suy gẫm 15 phút 15 mầu nhiệm Mân Côi, với ý đền tạ Mẹ".

 

first-saturday-devotion-painting-for-cover-e1428946717351.jpg

Đúng thế, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria, như Mẹ lần đầu tiên tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima thấy vào lần hiện ra thứ hai, ngày 13/6/1917, và các em thấy chung quanh Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ có "gai nhọn cuốn chung quanh", và ở lần thị kiến ngày 10/12/1925 này, cả Chúa Hài Nhi và Mẹ Maria đều cho Chị Lucia biết ý nghĩa của các gai đó là "những vô ơn bội nghĩa hằng giây hằng phút đâm tan nát", bởi "những kẻ vô ơn bội nghĩa hằng đâm nát từng giây từng phút", tức bởi thành phần Kitô hữu đã lãnh nhận ơn cứu độ nơi Phép Rửa, nhưng đã tỏ ra liên lỉ "vô ơn bội nghĩa hằng giây hằng phút", bằng một cuộc sống bất xứng hay phản chứng, một cuộc sống nguy hiểm cho phần rỗi của họ, uổng phí mất công ơn cứu độ vô cùng quí giá của Chúa Kitô Con Mẹ!

 

Ngay trong điều kiện để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria vào 5 Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng như Mẹ mong muốn đây, chúng ta cũng thấy đền tạ Mẹ là đền tạ "Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi". 

 

Không phải hay sao, có 2 cặp điều kiện bất khả phân ly như Mẹ mong muốn để thực sự đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ cũng là đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể "là Thiên Chúa của chúng ta", đó là "1- xưng tội và rước lễ, 2- lần hạt 50 kinh Mân Côi và suy gẫm 15 phút 15 mầu nhiệm Mân Côi": 1- "xưng tội và rước lễ" không phải là hành động đã từ bỏ tội lỗi để trở về cùng Chúa hay sao? 2- "lần hạt 50 kinh Mân Côi và suy gẫm 15 phút 15 mầu nhiệm Mân Côi" không phải là cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa, qua các mầu nhiệm cứu độ của Người, tức là nhớ đến và nhớ ơn công cuộc cứu độ của Người hay sao?

 

Chưa hết, nếu "Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ bị gai nhọn cuốn chung quanh mà những kẻ vô ơn bội nghĩa hằng đâm nát từng giây từng phút bởi tội lộng ngôn và vô ơn", thì khi chúng ta đọc "Kính Mừng Maria đầy ơn phúc..." không phải là đền tạ những "tội lộng ngôn" mà Mẹ hằng liên lỉ bị xúc phạm hay sao, và khi chúng ta suy ngắm mầu Nhiệm Mân Côi, mầu nhiệm Chúa Kitô, không phải là chúng ta đền tạ những "tội vô ơn" mà cả Mẹ lẫn Chúa phải chịu "từng giây từng phút" bởi chính thành phần đã được cứu độ Kitô hữu chúng ta nhưng “vô ơn bội nghĩa” hay sao?

 

Phải chăng hàng chữ "ân sủng và tình thương" trong thị kiến ngày 13/6/1929 này ám chỉ "ân sủng" cứu độ vô giá của Chúa Kitô Tử Giá, một ơn cứu độ hằng được tái diễn cho đến tận thế mỗi khi Thánh Thể được Giáo Hội cử hành ở khắp nơi trên thế giới này, một ơn cứu độ xuất phát từ chính "tình thương" nhưng không vô cùng bất tận của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng muốn cho con người là loài được dựng nên theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài (xem Khởi Nguyên 1:26-27) cũng được hiệp thông thần linh với Ngài?

 

Thị Kiến ngày 13/6/1929 như thế quả thực có thể gọi là Thị Kiến Fatima Lòng Thương Xót Chúa, bởi liên quan đến "tình thương" của Thiên Chúa muốn ban "ân sủng" cứu độ cho loài người tội lỗi qua Con của Ngài là Lời Nhập Thể Vượt Qua, để loài người tội lỗi có thể tin vào "tình thương" vô cùng nhân hậu của Ngài mà được "ân sủng" cứu độ.

 

Như thế, Thị Kiến Fatima Lòng Thương Xót Chúa ngày 13/6/1929 quả thực đã là dạo khúc mở màn cho thời điểm của Lòng Thương Xót Chúa, một thời điểm được tiêu biểu bằng chính tấm ảnh Lòng Thương Xót Chúa, một tấm ảnh cũng có nội dung và ý nghĩa "ân sủng và tình thương" như thị kiến 13/6/1929 vậy. 

 

Thật vậy, chỉ sau 18 tháng, tức vào ngày 22/2/1931, chị Thánh Faustina đã được thị kiến thấy những gì sau đó chị được lệnh Chúa thực hiện, đó là thực hiện một bức ảnh Lòng Thương Xót Chúa như chị đã thị kiến thấy, và được chị ghi lại trong Nhật Ký của chị về hình thức và ý nghĩa liên quan đến "tình thương" cùng tác dụng về "ân sủng" được ban cho những ai tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa như sau:

"Vào buổi tối (22-2-1931), lúc con ở trong phòng của con, con đã thấy Chúa Giêsu hiện ra trong chiếc áo trắng. Một bàn tay giơ lên như thể ban phép lành, còn bàn tay kia chạm vào áo ở trước ngực. Từ bên dưới chiếc áo, hơi xích sang một bên ngực, có hai luồng sáng lớn phát ra, một luồng mầu đỏ và một luồng mầu nhạt. Con lặng lẽ dán mắt nhìn Chúa; linh hồn con run sợ, nhưng cũng rất vui. Một lúc sau, Chúa Giêsu nói với con:

 

'Hãy vẽ một bức ảnh theo mẫu thức mà con nhìn thấy, kèm theo giòng chữ: Giêsu ơi, con tin tưởng nơi Chúa'" (Nhật Ký số 47) -  

 

"Cha hứa là linh hồn nào tôn kính bức ảnh này sẽ không bị trầm hư" (Nhật Ký số 48).

 

"Hai tia sáng biểu hiệu cho Máu và Nước. Tia sáng nhạt

là biểu hiệu của Nước, để làm cho các linh hồn nên

công chính. Tia sáng đỏ là biểu hiệu của Máu, để ban sự

sống cho các linh hồn... Hai tia sáng này phát xuất từ

những thẳm sâu nhất của tình thương êm ái Cha, lúc mà

Trái Tim đau thương của Cha bị lưỡi đòng chọc mở

ra trên cây Thánh Giá". (Nhật Ký số 299)     

 

AnhLTXC.jpg

 

Nếu Sứ Điệp Fatima là dự án Thiên Chúa muốn cứu độ Kitô hữu trong thời điểm của "những linh hồn cấn đến Lòng Thương Xót Chúa hơn" bằng Trái tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, mà như Mẹ nói với riêng Lucia là Thiếu Nhi Fatima lớn nhất và ở lại thế gian lâu hơn 2 đứa em họ của mình "để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến", khi Mẹ tỏ cho các em thấy Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, "Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội là nơi cho con nương náu và là đường đưa con đến cùng Thiên Chúa", thì hiện ra ở Fatima năm 1917 Mẹ đã đến để dẫn Kitô hữu về với Lòng Thương Xót Chúa, như đã được diễn giải trong Lời Nguyện Mân Côi Fatima Lòng Thương Xót Chúa ngày 13/7/1917 cũng như trong Thị Kiến Fatima Lòng Thương Xót Chúa ngày 13/6/1929.

 

Thế nhưng, Mẹ Maria đến Fatima không phải chỉ để ban bố Sứ Điệp Fatima mà còn để thực hiện Sứ Điệp Fatima nữa qua một Đạo Binh Dàn Trận của Mẹ, như được thấy qua 2 Thiếu Nhi Fatima nhỏ là Phanxicô và Giaxinta, cũng như trong thị kiến phần ba của Bí Mật Fatima.

 

 

Bài này đã được phổ biến ở NS ĐMHCG số 1/2017