THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 của

Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

 

 

 

Mai Đệ Liên có phải là...


Maria chị em với Matta và Lazarô?

Người nữ tội lỗi trong thành đã khóc lóc, xức thơm chân Chúa và vì yêu nhiều nên được tha nhiều?

Maria chị em với Matta và Lazarô đồng thời cũng là chính người nữ tội lỗi trong thành?



Riêng về nhân vật nữ giới được diễm phúc thấy Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra trước nhất, trước cả thành phần tông đồ môn đệ chính thức của Người, bởi thế, chị mới được tặng danh hiệu là "tông đồ của các tông đồ", vì nhân vật nữ giới này đã được lệnh của Chúa loan truyền Tin Mừng Phục Sinh của Người cho chính các tông đồ, không phải như một nhân viên đưa thư, chẳng biết nội dung của bức thư như thế nào, mà là như một tông đồ, vì đã thực sự thấy Chúa Kitô Phục Sinh và loan truyền Người sống lại.


Tuy nhiên, dầu sao, thẩm quyền vẫn thuộc về các tông đồ nói chung và Tông Đồ Phêrô nói riêng. Bởi thế, nhân vật nữ giới này vẫn phải trình báo với các vị về Tin Mừng Phục Sinh để chính các vị kiểm chứng, vì chỉ các vị mới có sứ mệnh chính thức trong sứ vụ "tuyển mộ môn đồ nơi tất cả mọi dân nước. Rửa tội cho họ... Rồi chỉ dạy cho họ những điều Thày đã tuyền cho các con" (Mathêu 28:19). 

 

Một số người thắc mắc là Maria, chị em với Matta và Lazarô (Phúc Âm Thánh Gioan 11:1 và 12:3) và Maria Magdalene (cũng Phúc Âm Thánh Gioan 19:25 ở dưới chân thập giá Chúa và 20:18 được Chúa hiện ra đầu tiên sau khi Phục Sinh) có phải là 2 nhân vật khác nhau hay chăng? Xin thưa, theo tôi, chỉ là một nhân vật duy nhất, căn cứ vào các đoạn Phúc Âm trùng hợp sau đây.

 

Thánh Ký Gioan đã chú thích ở trong ngoặc đơn về Maria là chị em của Matta và Lazarô như sau: “(Maria có Lazarô bị bệnh này là người đã xức dầu cho Chúa bằng dầu thơm và lau khô chân Người bằng tóc của mình)” (11:2). Nhưng ngài không cho biết là chị đã làm vào lúc nào trong phúc âm của ngài, trong khi đó phúc âm của ngài, một phúc âm viết sau các phúc âm khác, biết các phúc âm khác đã thuật lại những gì, nên thuật lại việc nữ nhân vật Maria này xức dầu thơm cho Chúa sau đó khi có tông đồ Giuđa là biến cố các phúc âm khác không nhắc đến, ngoại trừ phúc âm Thánh Luca, vị duy nhất đã thuật lại việc xức đầu thơm cho Chúa Giêsu được Thánh Gioan nhắc đến là "đã".

 

Thánh Ký Gioan, bởi thế, qua chú thích của mình, có thể đã thực sự ám chỉ đến “người đàn bà có tiếng tội lỗi trong thành” (Lk 7:37), một nữ nhân vật cũng đã được Thánh Luca thuật lại nhưng không nêu danh tánh lúc bấy giờ, người đàn bà tội lỗi được Chúa khẳng định “vì yêu nhiều nên được tha nhiều” (Lk 7:47), qua cử chỉ chị “đã xức dầu cho Chúa bằng dầu thơm và lau khô chân Người bằng tóc của mình”.  

 

Vậy, Maria là chị em với Matta và Lazarô đã sống một đời sống bê tha tội lỗi trước khi trở thành một trong những người bạn thân của Chúa. Cũng Maria này đã xức dầu thơm cho Chúa và bị Giuđa trách cứ là phung phí nhưng được Chúa bênh vực rằng: “Mặc kệ cô ta. Cứ để cho cô ta giữ dầu thơm này cho ngày họ sửa soạn an táng Thày” (Jn 12:7). Ở đoạn 19:40, Thánh Ký Gioan có nói đến “dầu thơm” an táng thân xác của Chúa, tuy không cho biết ai mang đến, nhưng không ai ngoài Maria, cũng là Maria Magdalene đứng dưới chân thập giá Chúa với Mẹ Maria và Thánh Gioan trước đó, vì Ông Nicôđêmô được Thánh Ký cho biết chỉ mang “mộc dược trộn với trầm hương” (19:39).

 

Còn Maria Magdalene, được Thánh Ký Marcô, trong đoạn liệt kê thứ tự các lần Chúa Kitô phục sinh hiện ra, mà người đầu tiên là “Maria Magdalene”, một nhân vật nữ đã được thánh ký  ghi chú thêm một cách kỹ lưỡng như sau: “Người trước hết đã hiện ra với Maria Magdalene là người được Người trừ cho khỏi 7 quỉ” (16:9).

 

Nếu Maria Magdalene này là người được Chúa Giêsu trừ cho khỏi 7 quỉ thì Maria Magdalene này đã được Thánh Ký Luca liệt kê trong danh sách của những người nữ theo hộ tống Chúa Giêsu, ngay sau đoạn trình thuật về “người đàn bà có tiếng là tội lỗi trong thành” (Lk 7:36-50), một danh sách nữ nhân Thánh Ký Luca cho biết trong s đó có: “Maria được gọi là Magdalene là người được trừ cho khỏi 7 quỉ” (Lk 8:2), một tình trạng 7 quỉ liên quan đến tâm hồn bê bối hơn là đến thể xác bị quí ám (xem Luca 12:45; Mathêu 11:26).

  

Tóm lại, căn cứ vào các đoạn Phúc Âm được trích dẫn liên quan đến nhân vật mang tên Maria và Maria Magdalene, có thể kết luận rằng cả hai danh xưng này chỉ là một nữ nhân vật duy nhất, đó là Chị Thánh Maria Mai Đệ Liên được Giáo Hội mừng kính hằng năm vào ngày 22/7:

 

Theo Thánh Ký Luca thì “Maria được gọi là Magdalene là người được trừ cho khỏi 7 quỉ” (Lk 8:2). Mà Thánh Ký Marcô cho biết nhân vật Maria Magdalene được trừ cho 7 quỉ này là người đầu tiên được Chúa Kitô phục sinh hiện ra (x Mk 16:9). Và Maria Magdalene được Chúa Kitô phục sinh hiện ra đầu tiên này cũng là Maria đã xức dầu thơm cho Chúa để hướng về biến cố an táng của Người (x Jn 12:7), cũng là Maria (chị em của Matta và Lazarô) được biệt chú là người đã xức dầu thơm cho Chúa (x Jn 11:2; Lk 7:38).

Về vấn đề nơi chốn khác nhau giữa Maria ở Bêtania với Matta và Lazarô, và Maria ở Magdalene hay Magdala, có thể hiểu Magdalene hay Magdala, nơi Chúa Giêsu đã có lần đến (xem Mathêu 15:39), có thể là địa điểm sinh quán của Maria nên mới thêm tên nơi sinh vào sau tên gọi của chị: Maria Mai Đệ Liên, hay cũng có thể là nơi Maria quê ở Bêtania đã bỏ nhà đi hoang sống như “một người đàn bà có tiếng tội lỗi trong thành” (Magdala = Mai Đệ Liên)?

 

Cho dù danh xưng Mai Đệ Liên hay địa điểm Mai Đệ Liên này chưa hoàn toàn sáng tỏ, thế nhưng, căn cứ vào các đoạn Phúc Âm then chốt được trích dẫn trên đây, theo tôi, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng:

Maria Magdalene cũng là Maria chị em của Matta và Lazarô ở Bêtania, một con người đã bỏ nhà đi hoang sống đời tội lỗi (x Lk 7:37) ở Magdala (?), nhưng đã thống hối bằng tất cả tấm lòng tan nát khiêm cung của mình (x Lk 7:47), “đã chọn phần tốt hơn” là lắng nghe lời Chúa (x Lk 10:42), đã khóc thương Lazarô khiến Chúa cũng cảm thấy mủi lòng trước nước mắt của chị (x Jn 11:33), và đã trung kiên theo Chúa (còn hơn cả đa số các vị tông đồ) cho tới khi đứng dưới chân thập giá Chúa với Mẹ Maria và Thánh Tông Đồ Gioan (x Jn 19:25), nhờ đó chị thậm chí còn diễm phúc trở thành con người đầu tiên được Chúa Kitô phục sinh ưu tuyển hiện ra (x Mk 16:9), trước cả các thánh tông đồ, và Người đã sai chị đi loan báo tin mừng phục sinh về Người cho chính các tông đồ nữa (x Jn 20:17)! 

 

 

Vấn đề về Chị Thánh Mai Đệ Liên là một vấn đề vẫn còn đang được bàn giải và tranh luận, chưa hoàn toàn dứt khoát. Có những tác giả cho rằng chỉ có một nữ nhân vật Maria cũng chính là Maria chị em của Matta và Lazarô, đồng thời cũng là Maria Mai Đệ Liên là người được Chúa Giêsu trừ cho 7 quỉ. Trong số những tác giả chủ trương 1 nhân vật nữ duy nhất này có Thánh Giáo Hoàng Gregory Cả. Ngay Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Kinh Năm Thánh Thương Xót 2016 của ngài, cũng công khai nêu đích danh Mai Đệ Liên trong câu: "giải thoát người đàn bà ngoại tình và Mai Đệ Liên khỏi việc tìm kiếm hạnh phúc chỉ ở nơi các loài thụ tạo", một trong hai đối tượng của Lòng Thương Xót Chúa, như trường hợp của viên trưởng ban thu thuế Giakêu và Mathêu, nhất là như tông đồ Phêrô. 

 

Chưa hết, trong loạt bài Giáo Lý về niềm tin tưởng cậy trông của mình trong năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô còn lập lại một lần nữa về chị thánh này ở đoạn cuối cùng như sau: "Thế là người đàn bà ấy, vị mà trước khi gặp gỡ Chúa Giêsu đã là mồi cho sự dữ (xem Luca 8:2), bấy giờ đã trở nên vị tông đồ của niềm hy vọng mới mẻ và cao cả nhất". Chính Vị Giáo Hoàng Thương Xót Phanxicô này đã nâng Lễ Thánh Mai Đệ Liên 22/7 từ bậc lễ nhớ (memorial) lên bậc Lễ Kính (feast), ngang với lễ của từng vị tông đồ, một lễ buộc phải làm (chứ không buộc làm như bậc lễ nhớ), bao gồm các bài đọc kèm theo lời cầu nguyện riêng về vị thánh này, có cả Kinh Vinh Danh long trọng nữa. 

 

Ngược lại, có những tác giả lại chủ trương 2 hay 3 nữ nhân vật khác nhau. Tùy mỗi người suy diễn, dù cũng căn cứ vào các câu Phúc Âm chính yếu, nhưng lại suy diễn theo khuynh hướng chủ quan của mình, khuynh hướng cho nhân vật nữ Maria Mai Đệ Liên chỉ là thành nhân, không thể đã là tội nhân.

 

Ba nhân vật nữ gây tranh cãi, trước hết là nhân vật nữ được Thánh ký Luca ở cuối đoạn 7 cho biết là "người nữ có tiếng là tội lỗi trong thành" (câu 37), sau nữa là nhân vật nữ mang tên Maria, chị em với Matta và Lazarô, và sau hết là nhân vật nữ có tên là Maria Mai Đệ Liên. Tuy nhiên, theo tôi, Thánh ký Gioan đã có cung cấp 2 chi tiết cho thấy 3 nhân vật nữ này chỉ là một, như sau:

 

Nhân vật "người nữ tội lỗi nổi tiếng trong thành" và Maria chị em với Matta và Lazarô là một, khi ngài xác định Maria là người ĐÃ xức dầu thơm cho Chúa Giêsu. Ngài không nói là SẼ, như Maria sẽ làm khi có cả Matta và Lazarô (xem Gioan 12:1-8). Nên nhớ, Thánh ký Gioan viết phúc âm sau cùng, nên khi ngài nói đến nhân vật nữ ĐÃ xức dầu thơm cho Chúa Giêsu tức là ngài có thế ám chỉ người nữ tội lỗi trong thành. Bởi chỉ có Phúc Âm Thánh Luca mới thuật lại việc ĐÃ xức dầu này mà thôi, trong khi Thánh ký Mathêu và Marco, (không phải Thánh ký Luca), chỉ thuật lại việc Maria xức dầu lần sau "ở Betania" như Thánh ký Gioan (xem Mathêu 26:6-13; Marco 14:3-9; Gioan 12:1-8).

 

Image result for luke 7:36-50Image result for martha mary and lazarus friends of jesus

 

Nhân vật nữ Maria chị em với Matta và Lazarô và Maria Mai Đệ Liên là một, khi ngài tiết lộ "dầu thơm" (Gioan 19:40) được dùng để táng xác Chúa của Maria liên quan đến lời Chúa Giêsu tiên báo về việc Maria chị em với Matta và Lazarô sử dụng để xức thơm chân của Người ở Bêtania (xem Gioan 12:7), mà lúc táng xác chỉ có mặt của những ai đứng dưới chân thập giá Chúa, trong đó có Maria Mai Đệ Liên (xem Gioan 19:25), người có thể đã mang theo dầu thơm này sẵn cho việc táng xác Thày mình. Ngoài ra, Thánh ký Gioan còn tiết lộ thêm một chi tiết nữa cho thấy quả thực Maria và Maria Mai Đệ Liên là một, ở chỗ Chúa Kitô Phục Sinh gôi tên "Maria" (Gioan 20:16) lúc chị được Thánh ký này diễn tà là "Maria đứng khóc bên mồ" (Gioan 20:11), một tên Maria sau đó đã được chính Thánh ký Gioan tiết lộ đó chính là "Maria Mai Đệ Liên" (câu 18)!

 

Thánh ký Marco cũng gián tiếp xác nhận nhân vật "người nữ tội lỗi nổi tiếng trong thành" và Maria chị em với Matta và Lazarô là một: Đúng thế, bài Phúc Âm theo Thánh ký Marco cho chu kỳ phụng niên Năm B là Phúc Âm duy nhất trong 4 Phúc Âm tường thuật lại việc xức dầu của "một người phụ nữ mang đến một bình ngọc đựng dầu thơm rất quý giá" (Marco 14:3), một nữ nhân vật cũng được Thánh ký Gioan xác nhận là Maria, chị em với Matta và Lazarô.

 

Thật vậy, trong đoạn trình thuật về sự kiện này, Phúc Âm theo Thánh ký Marco, một cuốn Phúc Âm ngắn nhất được hầu hết học giả Thánh kinh cho là đầu tiên trong 4 Phúc Âm, bao gồm hai lần xức dầu thơm cho Chúa Giêsu: lần đầu được Thánh ký Luca thuật lại và lần cuối được Thánh ký Gioan thuật lại. Thánh ký Luca thuật lại cũng không nói tên của nữ nhân vật xức dầu thơm cho Chúa Giêsu (xem Luca 7:37) và cho biết là ở vị chủ nhà tên là Simon (xem Luca 7:40), hai chi tiết giống như Thánh ký Marco thuật lại (xem Marco 14:3). Thế nhưng, Thánh ký Gioan thuật lại lần xức dầu thơm cho Chúa Giêsu thứ hai không phải ở nhà gia chủ tên Simon, mà là ở "Bêthania, ngôi làng của Lazarô là người đã được Chúa Giêsu cho sống lại từ trong kẻ chết" (Gioan 12:1), và trong bữa thiết đãi này, Thánh ký Gioan còn cho biết rõ hơn một số chi tiết liên quan đến thành phần hiện diện bấy giờ: "Matta phục vụ. Lazarô là một trong những người đồng bàn với Người. Maria mang một cân dầu thơm hảo hạng... để xức chân cho Chúa Giêsu. Rồi lấy tóc mình mà lau khô, và ngôi nhà ngát hương thơm phức" (Gioan 12:3).

 

Còn Thánh ký Mathêu thì sao? Vị Thánh ký này đã cho biết trong thành phần các người phụ nữ chạy ra mồ từ sáng sớm được ngài kể đến trước tiên như là một nhân vật chính đó là nhân vật mang tên Maria Mai Đệ Liên: "Sau ngày hưu lễ, vừa tảng sáng,  Maria Mai Đệ Liên cùng vói Maria khác ra mồ xem xét" (Mathêu 28:1). Maria Mai Đệ Liên này cũng được Thánh Marcô kể đến như là người phụ nữ được Chúa Giêsu trừ cho 7 quỉ (16:9), và được Thánh ký Gioan (20:11-18) kể đến như là "Maria" (Gioan 20:16) được Chúa Kitô Phục Sinh gọi đích danh, nhưng lại được chính Thánh ký Gioan cho biết rõ Maria này là "Maria Mai Đệ Liên" (20:18), trong trình thuật về sự kiện tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần liên quan đến ngôi mộ của Chúa Kitô.

 

Image result for john 12:1-11Related image

 

Như thế, tóm lại, theo Thánh ký Gioan, vị thánh ký đã tiếf lộ các chi tiết chưa rõ ràng trong Phúc Âm Thánh Luca và Phúc Âm Thánh Marco, qua các chi tiết then chốt quyết định được trích dẫn trên đây của ngài về 3 nhân vật nữ mà một số tác giả cho là 2 hay 3 người khác nhau, chúng ta thấy, nếu nhân vật nữ tội lỗi trong thành và Maria chị em với Matta và Lazarô là một, và nếu Nhân vật nữ Maria chị em với Matta và Lazarô và Maria Mai Đệ Liên là một, thì tất nhiên, 3 nhân vật này chỉ là một nhân vật duy nhất: Maria chị em với Matta và Lazarô chính là nhân vật nữ tội lỗi trong thành, và người phụ nữ tội lỗi trong thành này mang danh Maria Mai Đệ Liên, người đã được Chúa Giêsu trừ cho 7 quỉ (xem Luca 8:2; Marco 16:9), sau đó đã chẳng những trở thành nữ môn đệ trung kiên của Người cho đến khi đứng dưới chân Thánh Giá của Người với Mẹ Maria và Tông Đồ Gioan, mà còn trở thành chứng nhân loan Tin Mừng Phục Sinh cũng là Tin Mừng Thương Xót cho các vị tông đồ. Chị Thánh Maria Mai Đệ Liên quả thực là một Sản Phẩm Thương Xót tuyệt vời của Chúa Kitô Vượt Qua và Lòng Thương Xót Chúa đã thật sự là hiển linh nơi vị thánh được Giáo Hội tưởng kính vào ngày 22/7 hằng năm này!

Điểm then chốt cho việc tranh luận về nữ nhân vật được gọi là Thánh Maria Mai Đệ Liên này là ở chỗ, thành phần bênh vực chị cho rằng chị sống một cuộc đời thánh đức, nên không thể gán ghép vào bất cứ người đàn bà nào tội lỗi. Tình trạng chị bị bảy quỉ, đối với những ai bênh vực chị thì giải thích rằng không liên quan gì đến tội lỗi mà chỉ liên quan đến thể lý hay tâm thần của chị thôi. Tuy nhiên, theo Phúc Âm, nếu Chúa Giêsu cảnh báo về tình trạng một ngôi nhà đã được dọn dẹp sạch sẽ gọn ghẽ nên thần ô uế (ám chỉ tính mê nết xấu) ra khỏi nhà đó, nhưng khi nó mà trở lại thì nhà đó càng trở nên tệ hơn trước bởi có thêm 7 tên quỉ khác dữ tợn hơn nó nữa (xem Mathêu 12:43-45). Bảy quỉ đây, bởi thế, trước hết và trên hết, liên quan đến tội lỗi, đến tình trạng đồi bại về luân lý, bằng không Chúa Giêsu chẳng cần phải nghiêm trọng cảnh báo như thế làm gì. 

Vấn đề ở đây không phải là tội nhân không thể làm môn đệ của Chúa, mà chỉ có thánh nhân thôi mới đáng. Tông đồ Mathêu không phải là một Levi thu thuế bị dân chúng coi là thành phần tội lỗi hay sao? Tông đồ Phêrô cho dù đã là trưởng tông đồ đoàn rồi đấy mà vẫn vấp phạm trầm trọng hơn các môn đệ khác. Không phải là tội nhân sẽ không thể gần Chúa, không đáng đứng gần Thánh Giá Chúa với Mẹ Maria và Thánh Gioan Tông Đồ, nhất là tội nhân ấy, cứ cho là Thánh Mai Đệ Liên đi, đã ăn năn thống hối với tất cả tình yêu thật nhiều chẳng lẽ không đáng được gần Người hay sao, gần với Thánh Giá cứu chuộc nhân loại nói chung, nhất là cứu chuộc thành phần tội nhân biết ăn năn thống hối như chị.

Nếu chủ trương như vậy, chủ trương chỉ có ai thánh thiện mới được ở gần Chúa, thì ở một nghĩa nào đó chúng ta đã vô tình tách Chúa ra khỏi tội nhân và không cho phép tội nhân đến gần Chúa, một chủ trương hoàn toàn phải lại tinh thần nhân ái thương xót của Người trong Phúc Âm, Đấng "đến tim kiếm và cứu vớt những gì đã hư hoại" (Luca 19:10), Đấng cố ý ngồi đồng bàn với thành phần thu thuế và tội lỗi (xem Mathêu 9:11), và cũng là Đấng cố ý để cho bàn tay nhơ nhớp đĩ điếm của người đàn bà tội lỗi trong thành chạm tới Thánh Thể của Người khi Người đang dùng bữa ở nhà một gia chủ biệt phái (xem Luca 7:39). Người trộm lành cả đời tội lỗi gian dối đáng chết lại là người gần Người nhất và lên thiên đàng đầu tiên với Người. 

Nếu có sai lầm cho Chị Thánh Mai Đệ Liên là một con điếm chăng nữa thì đã có sao đâu, theo tôi, càng làm sáng tỏ Lòng Thương Xót Chúa hơn thôi, và chị lại càng trở nên một tấm gương nên thánh tuyệt vời ở chỗ hoàn toàn tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa: "Giêsu ơi con tin nơi Chúa!" Và một khi Lòng Thương Xót Chúa đã biến đổi ai, như chị, thì Người biến họ thành chứng nhân của Người, như Người đã sử dụng chị làm "tông đồ của các tông đồ" loan báo tin mừng Người đã sống lại, tức Người đã hoàn toàn chiến thắng tội lỗi và sự chết, hãy tin tưởng vào Người, như tông đồ Toma: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi" (Gioan 20:28). 

Đó là lý do Tin Mừng Phục Sinh cũng chính là Tin Mừng về LTXC cũng như của LTXC, và đó cũng là lý do lễ LTXC không được Chúa Giêsu yêu cầu thiết lập và cử hành trong Tuần Thánh hay vào Mùa Chay mà là trong Mùa Phục Sinh, vào Chúa Nhật cuối Tuần Bát Nhật Phục Sinh, rồi đó cũng là lý do hết sức hợp tình hợp lý khi Tin Mừng Phục Sinh cũng là Tin Mừng Thương Xót / Phúc Âm Thương Xót ("the Gospel of Mercy" - cụm từ Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng trong bài giảng cho Lễ LTXC mùng 3/4/2016) này đã được loan báo trước hết và trên hết cho một tâm hồn đã thực sự sâu xa cảm nghiệm thấy LTXC là Chị Thánh Maria Mai Đệ Liên, khi được Người vô cùng nhân hậu tha thứ "vì đã yêu nhiều", một chứng nhân của LTXC đã được Người sai đi để loan truyền LTXC cho chính thành phần môn đệ đã bỏ Thày mà tẩu thoát, nhất là đã trắng trợn chối bỏ Thày! 

Để kết thúc, chúng ta hãy sử dụng chính xác tín của Giáo Hội qua lời nguyện cầu của Giáo Hội trong Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Mai cho lễ nhớ Thánh Mai Đệ Liên sau đây: "Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói về người đàn bà từng là một tội nhân rằng: 'Tội lỗi đầy giẫy của cô ta đều được tha thứ, vì cô ta đã yêu mến nhiều', xin Chúa hãy ban ơn tha thứ của Chúa cho chúng con vì chúng con đã vấp phạm nhiều tội lỗi - Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến".

Lễ về Chị Thánh Maria Mai Đệ Liên đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nâng lên bậc Lễ Kính, vì theo Giáo Hội Đông Phương, chị là "tông đồ của các tông đồ" liên quan đến tin mừng phục sinh được Chúa Kitô trao cho chị để chị loan báo cho các tông đồ. Chính Lời Cầu trong Kinh Phụng Vụ Ban Mai Lễ Kính Chị đã cho thấy Giáo Hội đã công nhận chị 1- là người đàn bà tội lỗi đã yêu mến hết tình (theo Phúc Âm Thánh Luca 7:37 và Phúc Âm Thánh Gioan 11:2); 2- là một trong các phụ nữ theo phục vụ Chúa Giêsu trong đó có một người nữ được Người trừ cho khỏi 7 quỉ (theo Phúc Âm Thánh Luca 8:2 và Thánh Marco 16:9); 3- là Maria em của Matta và chị của Lazarô, người đã lắng nghe lời Chúa (theo Phúc Âm Thánh Luca 10:42).

Cùng toàn thể các thánh nữ, chúng ta hãy xưng tụng Đức Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Thế, và chúng ta hãy cầu xin Người :

Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến.

Chúa đã tha thứ cho người đàn bà tội lỗi, vì bà đã yêu mến hết tình, - xin tha thứ cho chúng con là những kẻ tội lỗi.

Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến.

Xưa có nhiều phụ nữ đã đi theo phục vụ Chúa, - xin cho chúng con cũng theo Chúa đến cùng.

Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến.

Xưa cô Ma-ri-a đã chăm chú nghe lời Chúa dạy, còn cô Mác-ta hết tình phục vụ Chúa, - xin cho chúng con hằng tin yêu phục vụ Chúa luôn mãi.

Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến.

Những ai thi hành thánh ý Chúa, Chúa đã coi như là mẹ và anh chị em ruột thịt, - xin cho chúng con biết ăn ở sao cho đẹp lòng Chúa trong lời nói cũng như việc làm.

Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL