“Thiên Chúa thực hiện mọi sự 

cho thiện ích của những ai được Ngài ấn định..." 

(Roma 8:28-31) 

 

 

(28) Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai mến yêu Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. (29)Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.(30) Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang. (31) Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? 

 

Qua những gì Thánh Phaolô viết cho Giáo Đoàn Rôma trên đây, chúng ta thấy được vị tông đồ dân ngoại này có một niềm xác tín chẳng những vào sự quan phòng thần linh của Thiên Chúa mà còn vào ý định cùng với tiến trình thánh hóa của Ngài nơi từng người theo sự quan phòng thần linh của Ngài, để nhờ đó chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Ngài và an tâm vui sống trong sự quan phòng thần linh đầy yêu thương và khôn ngoan của Ngài.

 

Thế nhưng, vấn đề trước hết được đặt ra ở đây là sự kiện tiền định của Thiên Chúa: phải chăng chính vì Thiên Chúa "đã biết từ trước" về tất cả mọi sự, bao gồm cả số phận được cứu rỗi hay hư đi của từng người, mà Ngài đã tiền định cho người này được rỗi người kia hư đi? Hay nói ngược lại, chính vì đã tiền định cho số phận được rỗi hay không nơi từng người mà Thiên Chúa phải "biết trước" số phận đời đời của họ?

 

Tuy nhiên, để trả lời cho vấn đề được đặt ra này, chúng ta cần phải giải quyết các vấn đề liên hệ bất khả phân ly với vấn đề trên, như sau: Nếu Thiên Chúa đã tiền định một số bị hư đi thì Ngài còn sai Con Ngài xuống trần gian mặc lấy bản tính của chung nhân loại để cứu chuộc toàn thể nhân loại mà làm gì? Chẳng lẽ Ngài chỉ sai Con Ngài xuống trần gian để cứu chuộc những ai Ngài đã tiền định được cứu rỗi hay sao, chứ không phải để cứu rỗi tất cả mọi người? 

 

Thật vậy, theo ý định tạo dựng của mình, Thiên Chúa tạo dựng nên con người tạo vật là để họ có thể nhờ đó hiệp thông thần linh với Ngài, chứ không phải để đầy đọa họ. Thế nhưng, để có thể hiệp thông thần linh với Vị "Thiên Chúa là Thần Linh" (Gioan 4:24), con người tạo vật cần phải được dựng nên theo hình ảnh thần linh của Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 1:26-27), nghĩa là cũng có linh hồn thiêng liêng vô hình bất tử, với tâm linh ý thức, và lòng muốn tự do chọn lựa, chứ không thể chỉ ở tầm mức của loài đất đá khoáng chất vô hồn, hay của loài cây cối thực vật sinh hồn, hoặc của loài cầm thú sinh vật giác hồn.

 

Và để có thể hiệp thông thần linh với Vị "Thiên Chúa là Thần Linh" đã tạo dựng nên mình ấy, về phần mình, con người tạo vật cần phải nhận biết bản tính thần linh của Ngài và đáp ứng tác động thần linh của Ngài nơi họ nữa. Thực tế cho dù con người tạo vật có khả năng về tâm linh để có thể tìm kiếm Chân Thiện Mỹ và nhận biết Đấng Tối Cao của mình, nhưng tự mình, họ không thể nào có thể biết được thực sự Ngài là ai và Ngài muốn gì, ngoại trừ họ được Ngài tỏ mình ra cho họ, như Ngài đã tỏ mình ra cho dân Do Thái qua Lịch Sử Cứu Độ của họ, nhất là qua Con Ngài là Đức Giêsu Kitô "khi đến thời điểm viên trọn" (Galata 4:4).

 

Chính vì ý định tạo dựng nên loài người tạo vật theo hình ảnh thần linh của mình để họ có thể được muôn đời hiệp thông thần linh với mình mà Vị "Thiên Chúa là Thần Linh" đã tìm hết cách, tùy theo từng người được Ngài tạo dựng nên trên trần gian này ngay từ ban đầu cho đến tận thế, để tỏ mình ra cho họ theo sự quan phòng thần linh của Ngài, nhờ đó họ có thể nhận biết Ngài một cách nào đó mà được cứu rỗi, nhiều khi, như lịch sử và thực tế cho thấy, không cần phải được chính thức lãnh nhận Phép Rửa của Giáo Hội Công Giáo (xem Tông Vụ 10:35; Công Đồng Chung Vaticanô II: Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium - 16).

 

Bởi vậy, những ai bị đời đời hư đi là vì họ không nhận biết Đấng đã tạo dựng nên họ, cho dù họ được Ngài tỏ mình ra cho họ một cách nào đó trong cuộc đời trần gian của họ vào một lúc nào đó, nhất là trong giờ lâm tử của họ v.v. Nếu "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5) thì không thể nào không soi sáng mà còn là ánh sáng thế nào, con người không chấp nhận hay tránh né ánh sáng vì sợ các việc gian ác của mình bị bại lộ, tức họ "yêu chuộng tối tăm hơn ánh sáng" (Gioan 3:19-20) thì tự họ bị hư đi hơn là bị Thiên Chúa là ánh sáng" loại bỏ, không chiếu soi tới họ và cho họ: 

 

- "Thiên Chúa không sai Con Ngài đến thế gian để luận tội thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người mà được cứu độ. Ai tin vào Người thì khỏi bị luận tội, còn ai không tin thì đã bị luận tội rồi, bởi không tìn vào danh Con Một Thiên Chúa" (Gioan 3:17-18);

 

- "Tôi đã đến thế gian như ánh sáng của thế gian để ai tin Tôi thì không ở lại trong tăm tối. Ai nghe những lời của Tôi mà không giữ lấy thì Tôi không phải là người luận tội họ, vì Tôi đến thế gian không phải để luận tội thế gian mà là để cứu thế gian. Ai chối bỏ Tôi và không chấp nhận các lời Tôi nói thì đã bị luận tội bởi lời của Tôi là những gì sẽ luận tội họ vào ngày sau hết" (Gioan 12:46-48).

 

Ở đây, căn cứ vào những gì được Thánh Phaolô cảm nghiệm và huấn dụ Kitô hữu thuộc Giáo đoàn Rôma thì việc quan phòng thần linh của Thiên Chúa bao gồm 2 yếu tố chính yếu bất khả thiếu và bất khả phân lý, liên quan đến cả dự án thần linh của Ngài lẫn tác động thần linh của Ngài. 

 

Dự án thần linh của Thiên Chúa đó là: "Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai mến yêu Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc" (câu 28-29).

 

Tác động thần linh của Thiên Chúa để thực hiện dự án thần linh này đó là: "Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang" (câu 30).

 

Đúng thế, trước hết về dự án thần linh của Thiên Chúa thì tất cả những gì Vị "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) làm đều nhắm đến lợi ích thiêng liêng tối đa nhất cho từng linh hồn một, dù linh hồn có cảm thấy bất hạnh, khổ đau và khốn cùng. Không ai đáng yêu và đáng quí bằng chính Con Một của Ngài, thế mà "Thiên Chúa đã không dung tha cho Con Một của Ngài, một đã phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Roma 8:32). 

 

"Những ai Thiên Chúa biết trước thì Ngài cũng tiền định" đây được hiểu là những ai Thiên Chúa đã tuyển chọn đặc biệt từ trước, tuyển chọn hoàn toàn theo ý định khôn ngoan của Ngài, chứ không theo ý muốn của tuyển nhân hay nhờ công nghiệp của tuyển nhân, cũng như bởi tình thương của Ngài đối với toàn thể nhân loại hơn là chỉ với riêng cá nhân tuyển nhân nào ấy. Đó là lý do, một trong những con người "Thiên Chúa đã biết trước" tiêu biểu nhất là vị tạo vật đệ nhất về ân sủng Maria đã phải thốt lên trong ca Vịnh Magnificat của mình rằng: "Ngài đã thương đến phận thấp hèn tôi tớ của Ngài" (Luca 1:48).

 

"Thiên Chúa đã tiền định cho họ nên đồng hình dạng với Con của Người" đây như thế nào, nếu không phải "tuân phục nơi những gì phải chịu" (Do Thái 5:8)Tức là càng đau khổ càng nên giống Chúa Kitô, cho dù là khách quan chăng nữa, như chính Chúa Kitô đã tự đồng hóa mình với "những người anh em hèn mọn nhất của Ta" (Mathêu 25:40,44). 

 

Đó là lý do, Thánh Phaolô mới khẳng định rằng: "Những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình dạng với Con của Người", nhất là bằng đau khổ. Và vì thế, đối với "những ai yêu mến" Thiên Chúa thì "mọi sự đều sinh ích" cho họ bởi họ tin rằng tất cả những gì Thiên Chúa làm cho họ và nơi họ đều tốt lành thánh hảo, đều có lợi thiêng liêng nhất cho họ cũng như cho các linh hồn. 

 

Sau nữa, về tác động thần linh của Thiên Chúa để làm "cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định" "nên đồng hình dạng với Con của Người", thì theo thời gian Ngài sẽ thực hiện các giai đoạn cần thiết tiếp nối nhau theo quan phòng thần linh khôn ngoan của Ngài thứ tự như sau: 1- "kêu gọi", 2- "làm cho nên công chính", và cuối cùng 3- "cho hưởng phúc vinh quang". 

 

Thật vậy, "những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang", tiêu biểu trước hết là trường hợp của tổ phụ Abraham, nhân vật đã được Thiên Chúa "tiền định" làm tổ phụ cho một dân tộc của mọi dân tộc, nên Thiên Chúa đã "kêu gọi" ông từ bỏ mảnh đất ông đang sống để đến một nơi Ngài sẽ chỉ cho ông mà ông không hề biết (xem Khởi Ngyên 12:1), để rồi sau đó Thiên Chúa đã "làm cho (ông) nên công chính" bằng việc truyền cho ông phải sát tế đứa con duy nhất được sinh ra bởi lời hứa của chính Ngài (xem Khởi Nguyên 22:2), và sau khi ông đã sẵn sàng chấp nhận làm theo ý muốn tối cao toàn hảo của Ngài thì Thiên Chúa cho ông được "hưởng phúc vinh quang": "Vì ngươi đã không tiếc với ta đứa con yêu dấu của ngươi, ta sẽ chúc phúc dồi dào trên ngươi và làm cho giòng dõi của ngươi nhiều như sao trời cát biển..., và nhờ giòng dõi của ngươi mà tất cả mọi dân nước trên trái đất này được chúc phúc" (Khởi Nguyên 22:16-18).

 

Sau nữa, "những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang", trường hợp điển hình thứ hai là Trinh Nữ Maria, một tạo vật nữ nhân đã được Thiên Chúa tiền định làm mẹ của Thiên Chúa nơi Lời Nhập Thể, nên Ngài đã "kêu gọi" Mẹ, đặc biệt nhất vào lúc Mẹ được Tổng Thần Thiên Sứ Gabiên đến truyền tin cho Mẹ thụ thai Con Đấng Tối Cao (xem Luca 1:1-38), sau đó Ngài đã làm cho Mẹ thật sự "nên công chính" hơn nữa (vì ngay từ lúc được hoài thai trong lòng thai mẫu Mẹ đã được Ngài công chính hóa rồi) khi Mẹ "đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu" (Gioan 19:25) với tất cả đớn đau cùng tận nhất Mẹ có thể chịu đng bằng đức tin tuân phục của Mẹ bấy giờ, nhờ đó, Thiên Chúa đã cho Mẹ "hưởng phúc vinh quang", ở chỗ làm cho Mẹ trở thành Mẹ của Giáo Hội ngay trên Đồi Canve vào lúc Chúa Giêsu Con Mẹ bị lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn, cũng như vào lúc Mẹ được Mông Triệu về trời cả hồn lẫn xác như Con Mẹ và trở thành Nữ Vương trời đất.

 

Trường hợp điển hình tiêu biểu thứ ba về "những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang", đó là Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, một con người đã được Thiên Chúa "tiền định" làm "ánh sáng muôn dân, thành phương tiện cứu độ cho tới tận cùng trái đất" (Tông Vụ 13:47), nên Thiên Chúa đã "kêu gọi" ngài ngay khi ngài đang quá nhiệt tình với Do Thái giáo của ngài đến độ tỏ ra hung hăng bách hại Kitô hữu trên đường đến Damasco (xem Tông Vụ 9:5-6,15), và sau đó Thiên Chúa đã "làm cho (ngài) nên công chính" ở chỗ để cho ngài bị bách hại bởi chính đồng hương và đồng đạo Do Thái giáo của ngài khắp mọi nơi trong suốt sứ vụ truyền giáo của ngài (xem Tông Vụ 9:16;20:22-24;23:6), để rồi sau hết Thiên Chúa đã cho ngài được "hưởng phúc vinh quang" ở chỗ cho ngài nếm hưởng trước "ở tầng trời thứ ba" những gì mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe trên thiên đàng (xem 2Corinto 12:2-3).

 

Cảm nghiệm về chính bản thân mình, tôi không biết ngài "đã tiền định" cho tôi là gì và ra sao một cách tỏ tường, mà theo tôi nghĩ, căn cứ vào diễn tiến của đời tôi, thì hình như Ngài đã tiền định cho tôi làm Tông Đồ Fatima của Mẹ Maria và làm Tông Đồ Chúa Tình Thương cho Lòng Thương Xót Chúa trong thời điểm lịch sử thế giới và Giáo Hội hiện nay qua Cộng Đồng Dân Chúa Việt Nam. Bởi thế Ngài đã "kêu gọi" tôi bằng cách sắp xếp các biến cố xẩy ra, liên quan đến nơi ăn chốn ở của tôi cũng như nghề nghiệp của tôi, để làm sao đưa tôi đến ơn gọi kiêm sứ vụ duy nhất là "Tông Đồ" nhưng là một Tông Đồ lưỡng diện, bao gồm cả chiều kích "Thánh Mẫu Fatima" lẫn "Lòng Thương Xót Chúa", như trường hợp của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một ơn gọi kiêm sứ vụ duy nhất lưỡng diện mà chính tôi cũng không ngờ lại được giống với vị Thánh Giáo Hoàng người Balan này. 

 

Và để tôi có thể xứng đáng và có khả năng hoàn thành ơn gọi kiêm sứ vụ lưỡng diện này, Thiên Chúa đã "làm cho (tôi) nên công chính" bằng những thử thách đầy khổ đau, ngay từ nhỏ, để có thể biến đổi tôi từ một thiếu nhi ham chơi nghịch phá và từ một thiếu niên đa cảm, mơ mộng, nhục dục, thành một tu sĩ, và từ một tu sĩ tự nhiên thích khoe khoang, ham danh, khinh người thành một giáo dân không còn dám khinh ai, trái lại, hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng thần linh của Thiên Chúa trong mọi sự qua các hoạt động tông đồ giáo dân của mình, nhất là trong thời gian 14 năm 2 tháng (8/9/1991 - 8/12/2005) phục vụ Thiếu Nhi Fatima TGP LA, và 13 năm 3 tháng 10 ngày (17/9/2000 - 27/12/2013) điều hành chương trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống. 

Từ năm 2008 đến nay, thời điểm tôi được tác động bởi những lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (khi ngài về Balan lần VIII: 17-18/8/2002) khởi xướng Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương, Chúa lại còn "làm cho tôi nên công chính" đặc biệt hơn nữa bằng 2 thử thách, một liên quan đến nghề nghiệp của tôi và một liên quan đến gia đình của tôi, hai thử thách mà nếu không có ơn Chúa tôi đã ngã gục và hoàn toàn buông xuôi rồi, hai thử thách trong cùng một năm 2009, sau khi tôi cảm thấy được rằng Ngài muốn chiếm đoạt tôi và long trọng đọc lời nguyện "Xin Chiếm Đoạt Con" mà tôi được thúc đẩy ngay trong Lễ Lá để soạn dọn ngay Chúa Nhật ngày 5/4/2009 này. 

 

Còn về tương lai liên quan đến việc Thiên Chúa cho tôi được "hưởng phúc vinh quang" như thế nào và tới đâu thì tôi hoàn toàn không biết, chỉ biết rằng hiện nay, cũng như trong quá khứ, nếu tôi không được Thiên Chúa rèn luyện thử thách một cách gắt gao và nghiệt ngã chỉ vì thiện ích của tôi là con người đã được Ngài biết trước, thì tôi không được như ngày hôm nay, một con người phải nói là đã được đổi mới, không còn như xưa, hay đúng hơn đã thực sự khác xưa, tuy chưa hoàn toàn lột xác một cách trọn vẹn như lòng mong muốn, bởi vẫn còn yếu đuối và nhất là chưa đến lúc được Thiên Chúa tận cùng chiếm đoạt, một con người mới một phần nào dầu sao cũng do chính Thiên Chúa tái tạo nơi tôi và cho tôi, cũng như cho các linh hồn có liên hệ với tôi, một sản phẩm do ân sủng của Ngài. 

 

Và cho tới nay tôi thực sự cảm nghiệm thấy được rằng "vinh quang" hiện tại của tôi đó là tôi đã, đang và sẽ được Thiên Chúa "tiền định cho họ nên đồng hình dạng với Con của Người", không phải bằng tiếng tăm tôi đang có được trong cộng đồng dân Chúa nhỏ bé của tôi, hơn là bằng đau khổ thử thách, nhờ đó, như cành nho dính liền với Thân Nho là Chúa Kitô, tôi có thể sinh hoa trái hơn nữa cho vinh danh của Thiên Chúa cũng là chính vinh hiển của tôi: "Cha Thày đã được hiển vinh nơi việc các con sinh hoa kết trái và trở nên môn đệ của Thày" (Gioan 15:8). 

 

Nếu Cha trên trời chỉ thỏa lòng nơi Chúa Kitô Con Ngài thế nào thì tôi làm sao nên giống Chúa Kitô qua việc tuân phục như Người và với Người, tôi càng làm vinh hiển Cha trên trời như thế, nhờ đó, tôi mới thực sự mãn nguyện, vì được nên giống Chúa Kitô là tất cả những gì Thiên Chúa mong muốn trước hết và trên hết nơi tôi và cho tôi, và nhờ đó tôi mới thực sự được “hưởng phúc vinh quang”.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

(Bài này đã được Nguyệt San Hiệp Nhất của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam phổ biến

trong Số Báo 8/2016 Năm Thánh Tình Thương)