Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót

 

TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Dẫn Nhập:

 

Năm Thánh Thương Xót 2016, Nhóm TĐCTT có những đề tài về LTXC thứ tự như sau:

 

1- Chúa Cha - Bản Tính Thương Xót

2- Chúa Kitô - Dung Nhan Thương Xót

3- Thánh Linh - Thâm Cung Thương Xót

4- Giáo Hội - Chứng Nhân Thương Xót

5- Mẹ Maria - Thánh Mẫu Thương Xót

6- Thánh Faustina - Hy Tế Thương Xót

7- Thánh Gioan Phaolô II - Thừa Sai Thương Xót

8- Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Hoàng Thương Xót

9- Kitô Hữu - Tông Đồ Thương Xót

 

Chín đề tài chính yếu trên đây, có thể nói, là tất cả sự thật về Kitô giáo nói chung, mà Kitô hữu cần phải ý thức, sống đạo và truyền giáo, đặc biệt là ở vào thời điểm của lòng thương xót trong giòng lịch sử hiện nay.

 

Ba đề tài về Lòng Thương Xót đầu tiên liên quan đến Ba Ngôi Thiên Chúa phải nói là nền tảng của tất cả mầu nhiệm thần linh về Thiên Chúa và là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa.

 

Bản tính, dung nhan và thâm cung là 3 chiều kích hay 3 yếu tố bất khả thiếu và bất khả phân ly nơi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa: Bản Tính Thương Xót của Chúa Cha được tỏ hiện nơi Dung Nhan Thương Xót của Ngài là Chúa Kitô, nhưng được tác động bởi Thâm Cung Thương Xót của Ngài là Thánh Linh.

 

Dung Nhan Thương Xót của Chúa Cha có Bản Tính Thương Xót được mạc khải và tỏ hiện trọn vẹn nơi Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Lời nhập thể, một Ngôi Vị Thần Linh xuất phát từ Thâm Cung Thương Xót của Cha là Thánh Linh, Đấng tác động và chi phối mọi sự nơi Chúa Giêsu Kitô để Vị Thiên Chúa hóa thân làm người này thực sự và sống động trở thành Dung Nhan Thương Xót, đến độ "ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9), bởi vì "Người Con này là phản ánh vinh quang của Cha, là hiện thân đích thực của bản thể Cha" (Do Thái 1:3).

 

Mối liên hệ nơi Vị Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót có thể tóm gọn như thế này: Chúa Giêsu Kitô là Dung Nhan Thương Xót của Thiên Chúa, ở chỗ Người là Đấng tỏ hiện tất cả Bản Tính Thương Xót của Chúa Cha, nhờ tác động thần linh của Thánh Thần là chính Thâm Cung Thương Xót của Thiên Chúa.

 

 

Chúa Cha - Bản Tính Thương Xót

 

 

Nếu Thiên Chúa chỉ là Đấng toàn năng, vô cùng khôn ngoan thượng trí và tuyệt đối công minh mà thôi thì Ngài không phải là Thiên Chúa, hay chỉ là một thần dữ, đúng hơn là một hung thần hay ác thần, vì không một tạo vật nào có thể tồn tại với Ngài là Đấng vô cùng toàn hảo, trong khi chẳng có một sự gì ngoài Ngài mà lại không bất toàn, thậm chí đến xấu xa và tội lỗi như nơi loài người. 

 

Trong Tông Sắc mở Năm Thánh Thương Xót Dung Nhan Thương Xót, ở đoạn 21, khi nói về "Tình Thương và Công Lý" ở phần VI, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã khẳng định như thế:

 

"Nếu Thiên Chúa tự giới hạn mình vào công lý thì Ngài sẽ không còn là Thiên Chúa nữa, trái lại, Ngài sẽ như loài người là thành phần chỉ muốn luật lệ được tôn trọng. Thế nhưng chỉ có công lý thôi thì chưa đủ. Kinh nghiệm cho thấy rằng lời kêu gọi công lý mà thôi sẽ đi đến chỗ nó bị hủy hoại. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa vượt ra ngoài công lý bằng tình thương và sự tha thứ của Ngài".

 

Cho dù "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) chăng nữa, nếu không biết thương xót, Ngài cũng chưa hoàn toàn là Thiên Chúa, hay thậm chí không phải là một Thiên Chúa đích thực và toàn hảo như tất cả sự thật thần linh được Ngài mạc khải trong Thánh Kinh về Ngài và nơi Ngài. 

 

Thật ra, thương xót không phải là chính bản tính của Thiên Chúa như Tình Yêu, mà chỉ là một phẩm tính của Ngài mà thôi, nhưng lại một phẩm tính cao trọng nhất và thiết yếu nhất, bất khả tách biệt với bản tính là tình yêu của Ngài. Chính vì thế phải nói Thiên Chúa là Tình Yêu Nhân Hậu (Merciful Love), hay vắn gọn hơn theo ngôn từ xúc tính của Việt Nam: Thiên Chúa là Yêu Thương, nghĩa là Tình Yêu Thương Xót.

 

Đúng thế, căn cứ vào kinh nghiệm sống của con người là loài được dựng nên theo hình ảnh thần linh của Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 1:26-27), thì theo bản chất và khuynh hướng tự nhiên, tình yêu bao giờ cũng hướng đến và tìm kiếm những gì thích hợp với mình, có tính chất tốt đẹp, giá trị và xứng đáng, còn thương xót bao giờ cũng hướng đến những gì không hợp với mình, những gì là bất toàn, xấu xa, khốn khổ về thể lý, yếu kém về tâm lý và tội lỗi về luân lý.

 

Bởi thế, nếu "Thiên Chúa là tình yêu" theo bản tính thần linh của mình thì Ngài không thể nào không thương xót. Vì tình yêu tự mình đã chất chứa phẩm tính thương xót. Ở chỗ, đã là tình yêu thì phải là tình yêu tự phát, tình yêu trọn vẹn và tình yêu thủy chung mới thực sự là tình yêu và đáng gọi là tình yêu.

 

Bản tính là tình yêu của Thiên Chúa trong Tân Ước đã được mạc khải từ trong Cựu Ước, trước hết qua chính tên gọi của Thiên Chúa "Ta là Ta - I am who am" (Xuất Hành 3:14), cũng như sau đó qua các việc làm của Ngài trong giòng lịch sử cứu độ của dân Do Thái được Ngài tuyển chọn để tỏ mình ra cho họ và qua họ cho chung loài người.

Đâu là ý nghĩa nơi danh xưng "Ta là Ta" của Thiên Chúa, như Ngài trả lời cho câu hỏi "tên Ngài là gì?" của Moisen trong cuộc thần hiển của Ngài ở bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi tại sa mạc thuộc miền Núi Horeb, trước biến cố Ngài sai nhân vật này đi để giải phóng cho dân Do Thái khỏi thân phận làm nô lệ ở Ai Cập mà vào miền Đất Hứa tự do là nơi Ngài đã tự hứa ban cho tổ phụ Abraham của họ ngay từ đầu.

 

Danh xưng của Thiên Chúa "Ta là Ta" có thể hiểu và thường hiểu là "Ta là Có" hay "Ta là Đấng Có", ở chỗ: 1- tự mình mà Có, chứ không được dựng nên cho Có như bất cứ một tạo vật nào; 2- Có một cách hoản hảo và viên mãn, chứ không phải Có một cách bất toàn và thiếu hụt, cần phải thay đổi và phát triển từ bất toàn đến hoàn toàn như nơi tạo vật; và 3- Có một cách vĩnh viễn và bất biến, không bao giờ chết và không bao giờ cùng, như loài tạo vật hữu hạn. Như thế, danh xưng "Ta là Ta" của Thiên Chúa ám chỉ Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu, Toàn Hữu và Hằng Hữu. 

 

Danh xưng "Ta là Ta" của Thiên Chúa trong Cựu Ước, như chính Ngài minh định với Moisen (xem Xuất Hành 3:14), cho thấy Ngài là Đấng Tự Hữu, Toàn Hữu và Hằng Hữu, tự mình danh xưng này đã chất chứa bản tính "Thiên Chúa là tình yêu" của Ngài, như "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" (Gioan 19:26; 20:2; 21:7,20) cảm nhận và tuyên xưng trong Tân Ước (xem 1Gioan 4:8,16).

 

Ở chỗ: 1- Tình yêu cũng là những gì tự phát nơi Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu, chứ không phải Thiên Chúa được yêu nên mới cảm nhận được tình yêu và yêu lại như nơi loài người; 2- Tình yêu cũng là những gì trọn lành thiện hảo (xem Mathêu 5:48) nơi Thiên Chúa là Đấng Toàn Hữu; và 3- Tình yêu còn là những gì bất biến thủy chung cho đến cùng nơi Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu, chứ không thay đổi, tráo trở và bất trung như tình yêu bất toàn của con người.

 

Mà đã là tình yêu tự phát, tình yêu trọn hảo và tình yêu bất biến thì, cũng theo cảm nghiệm yêu thương của con người, tình yêu ấy phải là Tình Yêu Nhân Hậu hay Tình Yêu Thương Xót (merciful love), nghĩa là một tình yêu có thể thắng vượt được tất cả những gì là bất toàn nơi đối tượng yêu, đến độ có thể nên một với đối tượng yêu hoàn toàn bất xứng với mình, thậm chí có thể biến đổi đối tượng yêu nên trọn hảo và bất biến như mình. 

 

Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu Nhân Hậu hay Tình Yêu Thương Xót như thế, mà ưu phẩm Thương Xót nơi Ngài bao gồm tất cả những gì là bất xứng và xấu xa tồi bại, thì phải chăng ngay từ đời đời, khi Ngài chưa tạo dựng nên bất cứ một sự gì, tức là, nếu nói theo ngôn ngữ và cách thức diễn đạt theo thời gian của loài người, thì ngay từ lúc Tự Hữu, Ngài đã hướng về tất cả những gì là bất toàn, đã có ý định tạo dựng nên tạo vật là loài bất toàn hơn Ngài là Đấng Toàn Hữu và Hằng Hữu, và vì tự bản chất bất toàn của mình nên tạo vật được Ngài dựng nên, nhất là loài người, chắc chắn sẽ trở thành xấu xa nhơ nhớp bởi tội lỗi ghê tởm đầy khốn nạn của họ.

 

Cho dù đã biết trước bản chất bất toàn của tạo vật được Ngài dựng nên, nhất là và thấy trước được thân phận xấu xa tội lỗi của loài người là tạo vật được Ngài dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Ngài, Thiên Chúa vẫn không thay đổi ý định, trái lại, Ngài lại càng cương quyết dựng nên họ nữa, không phải vì họ cho bằng vì chính Ngài, Đấng muốn tỏ hết bản tính là Tình Yêu Thương Xót của Ngài ra nơi loài người vô cùng bất toàn và khốn nạn, đến độ, họ càng tội lỗi thì bản tính là tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài càng trở nên sáng tỏ hơn bao giờ hết và hơn ở đâu hết.

Vào Thứ Tư mùng 9/12/2015, tức hôm sau của ngày khai mạc Năm Thánh Thương Xót (từ 8/12/2015), trong buổi triều kiến chung hằng tuần, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chẳng những cho biết lý do tại sao có Năm Thánh Thương Xót mà còn cho biết những gì Thiên Chúa thích nhất nữa, những gì hợp với bản tính thương xót của Ngài:

 

"Đâu là những gì 'làm hài lòng Chúa nhất'? Đó là tha thứ cho con cái của Ngài, là thương xót họ, nhờ đó, về phần mình, họ cũng có thể tha thứ cho những người anh em của họ, chiếu sáng như những ngọn đuốc của tình thương Thiên Chúa trên thế giới này. Đó là những gì đẹp lòng Chúa nhất. Trong một cuốn sách viết về Adong, Thánh Ambrôsiô bắt đầu lịch sử tạo dựng thế giới và nói rằng mỗi ngày, sau khi đã dựng nên một cái gì đó - như mặt trăng, mặt trời hay thú vật - thì "Thiên Chúa đều thấy rằng tốt đẹp". Tuy nhiên, khi Ngài dựng nên con người nam nữ thì Thánh Kinh viết: "Ngài thấy là rất tốt đẹp". Thánh Ambrôsiô mới ngẫm nghĩ: "Vậy thì tại sao Ngài lại nói là 'rất tốt?'" Tại sao Thiên Chúa lại rất sung sướng sau khi tạo nên người nam và người nữ? Bởi vì, cuối cùng Ngài có được người để mà thứ tha. Thật là tuyệt vời: niềm vui của Thiên Chúa là tha thứ; bản chất của Thiên Chúa là tình thương". 

 

Như thế, loài người đúng là tạo vật của Lòng Thương Xót Chúa và cho Lòng Thương Xót Chúa, bởi họ được hiện hữu nhờ Lòng Thương Xót Chúa, một Lòng Thương Xót Chúa được tỏ hiện rạng ngời nơi sự hiện hữu của họ. 

 

Đó là nguyên do sâu xa khiến loài người chúng ta mới thấu hiểu được tại sao Thiên Chúa lại có thể tỏ ra những tác động thần linh có vẻ điên cuồng và khờ dại, hoàn toàn phản lại lý lẽ khôn ngoan của trần gian, ở chỗ:

 

- "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến ban Con Một của Ngài..." (Gioan 3:16);

- "Thiên Chúa đã không dung tha cho Con của Ngài, một phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Roma 8:32);

- "Thiên Chúa vì chúng ta đã biến Đấng không hề biết đến tội lỗi trở thành tội lỗi để trong Người chúng ta được trở nên sự công chính của Thiên Chúa" (2Corinto 5:21);

- "Thiên Chúa dồn tất cả mọi người vào tình trạng bất trung để tỏ lòng thương xót tất cả mọi người" (Roma 11:32);

- "Thiên Chúa chứng tỏ tình Ngài yêu thương chúng ta ở chỗ khi chúng ta còn là tội nhân thì Chúa Kitô đã chết cho chúng ta" (Roma 5:8);

- "Thiên Chúa đã hòa giải thế gian với chính mình Ngài nơi Chúa Kitô, mà không tính đến những gì con người vấp phạm đến các Ngài" (2Corinto 5:19);

- "Thiên Chúa vì không thể chối bỏ chính mình Ngài nên chúng ta có bất trung thì Ngài vẫn tín trung" (2Timothêu 2:13);

- "Cho dù tội lỗi gia tăng, ân sủng vẫn trổi vượt hơn tội lỗi" (Roma 5:20);

- "Lòng thương xót thắng vượt phán quyết - mercy triumphs over judgment" (Giacobê 2:13).

 

Đó là lý do chúng ta mới thấy có những dụ ngôn diễn tả về bản tính là Tình Yêu Thương Xót của Thiên Chúa vô cùng cảm kích không hề có trong bất cứ một đạo giáo nào khác ngoài Kitô giáo, những dụ ngôn không một trí khôn phàm nhân nào có thể nghĩ ra để giảng dạy, chẳng hạn như dụ ngôn Người Samaritanô Nhân Lành (xem Luca 10:25-37), hay dụ ngôn Vị Mục Tử Nhân Lành tìm kiếm con chiên lạc (xem Luca 15:4-7), hoặc dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu với 2 người con đáng thương (xem Luca 15:11:32), hoặc hay dụ ngôn ông chủ vườn nho sai chính người con một yêu quí nhất của mình đến vườn nho có bọn tá điền khát máu (xem Luca 20:9-17).

 

Bởi vậy, trước Vị Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót như thế, về phần mình, tất cả giá trị và ý nghĩa của cuộc đời con người trên trần gian này, chung cũng như riêng, là ở chỗ họ làm sao để có thể luôn trở thành một cuộc thần hiển (theophany) của Lòng Thương Xót Chúa và cho Lòng Thương Xót Chúa. Nghĩa là họ làm sao để Lòng Thương Xót Chúa có thể tỏ mình ra nơi họ, qua những bất toàn, hèn yếu, xấu xa, tội lỗi và khốn nạn của họ, bằng một tấm lòng hoàn toàn tin tưởng tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa của Ngài.

 

Lòng Thương Xót Chúa, theo kinh nghiệm tu đức, thường tỏ hết mình ra nơi loài người ở hai tầm mức hoàn toàn phản nghịch nhau: một là ở tầm mức tột đỉnh và hai là ở tầm mức sâu thẳm. 

 

Đúng vậy, tùy theo khả năng lãnh nhận của tạo vật, Lòng Thương Xót Chúa có thể tỏ hết mình ra ở tầm mức tột đỉnh, như qua các vị thánh, tiêu biểu nhất là nơi đệ nhất tạo vật về ân sủng là Mẹ Maria, đến độ đã làm cho Mẹ có khả năng sinh sản thần linh, trở thành Mẹ của Giáo Hội, đồng thời Lòng Thương Xót Chúa cũng có thể tỏ hết mình ra ở tầm mức sâu thẳm, như nơi các tội nhân, tiêu biểu nhất có thể nói là người trộm lành tiêu biểu cho tất cả những gì là gian dối và chết chóc là bản chất của tội lỗi xấu xa bị đóng đanh ở bên phải Thánh Giá Chúa Kitô.

 

Lạy Chúa là Tình Yêu Thương Xót, tự bản chất là tạo vật bất toàn đầy tội lỗi xấu xa khốn nạn của mình, con đã là một vực thẳm cho Lòng Thương Xót Chúa, xin Chúa hãy thương biến vực thẳm con đây thành tột đỉnh của Lòng Thương Xót Chúa cho phần rỗi những linh hồn cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn. Amen.

 

Tóm kết:

 

1- "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) phải là Tình Yêu Thương Xót (Merciful Love).

2- Vì là Tình Yêu Thương Xót Thiên Chúa không thể nào không tạo dựng nên loài người để tỏ hiện bản tính là Tình Yêu Thương Ngài  không thể nào không nhập thể.

3- Vì là Tình Yêu Thương Xót Thiên Chúa không thể nào không tha thứ cho con người  không cứu chuộc con người, vì "Ngài không thể nào chối bỏ chính mình Ngài" (2Timothêu 2:13).

4- Vì Thiên Chúa là Tình Yêu Nhân hậu mà loài người là của LTXC và cho LTXC - hãy để cho Thiên Chúa thương xót mình, đừng trốn tránh, ngờ vực, chống cự, cản trở LTXC

Bởi thế, trong Nhật Ký của Chị Thánh Faustina, Chúa Giêsu đã mạc khải cho nữ tu sứ giả thương xót này LTXC để nhắn nhủ các linh hồn tội lỗi hay cảm thấy mình vô cùng khốn nạn như sau:

 

"Càng là đại tội nhân càng có quyền đối với tình thương của Cha" (Nhật Ký 723)

“Nỗi khốn cùng của con không ngăn trở tình thương Cha. Nỗi khốn cùng của linh hồn càng lớn thì nó càng có quyền đối với tình thương của Cha” (Nhật ký 1182)

(Bài này đã được Nguyệt San Hiệp Nhất của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange phổ biến ở số báo Tháng 9/2016)