Thánh Linh - Thâm Cung Thương Xót

 TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Nếu Chúa Cha có Bản Tính Thương Xót và Chúa Con là Dung Nhan Thương Xót của Chúa Cha thì Thánh Thần là Thâm Cung Thương Xót của Chúa Cha và Chúa Con. 

Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót hay Bản Tính Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót, thì Bản Tính liên quan đến Chúa Cha và Thương Xót liên quan đến Chúa Con còn Tình Yêu liên quan đến Thánh Linh.

 

Nếu Tình Yêu là mối liên hệ giữa Người Yêu (the lover) và Người Tình (the beloved), thì nơi nội tại thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi, Người Yêu đây là Chúa Cha và Người Tình đây là Chúa Con, Đấng bao gồm tất cả mọi tạo vật nói chung và loài người nói riêng, một loài tạo vật được Chúa Cha yêu thương nơi Chúa Con từ đời đời và yêu cho đến cùng nơi Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô. Mối Liên Hệ Thần Linh giữa Chúa Cha là Người Yêu và Chúa Con là Người Tình đây là Chúa Thánh Thần.

 

Nếu Tình Yêu là Sự Sống Hiệp Thông, hiệp thông giữa Người Yêu là Chúa Cha với Người Tình là Chúa Con thì Sự Sống Hiệp Thông này chính là Chúa Thánh Thần, "Đấng ban sự sống" cho nhân loại để nhờ đó họ có thể hiệp thông thần linh với Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất là Tình Yêu Thương Xót, bắt đầu từ khi họ lãnh nhận Phép Rửa "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần".

 

Mối hiệp thông thần linh Ba Ngôi Thiên Chúa, khi được mạc khải cho loài người biết, thì chỉ có Ngôi Con mới "trở thành hữu hình" (1Gioan 1:2), còn Ngôi Cha và Ngôi Thánh Thần vẫn là "Thiên Chúa vô hình" (Colose 1:15). Bởi Ngôi Cha liên quan đến chính Bản Tính Thần Linh, và Ngôi Thánh Thần liên quan đến Tình Yêu, đến Hiệp Thông.

 

Về thể lý, nếu sự vật vốn có 3 thể là thể khí, thể lỏng và thể đặc thế nào, thì sự việc cũng ở 3 thể như vậy: thế tĩnh, thể hiện và thể động. Nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, nếu Chúa Cha - Bản Tính Thương Xót ở thể tĩnh, và Chúa Con - Dung Nhan Thương Xót ở thể hiện, thì Thánh Linh - Thâm Cung Thương Xót ở thể động.

 

Thật vậy, Thánh Linh là Thâm Cung Thương Xót ở bốn chiều kích hay bốn ý nghĩa, đó là Thánh Linh là Thần Linh nơi Thiên Chúa (1), Thánh Linh là Thần Lực của Thiên Chúa (2), Thánh Linh là Thần Hứng của Thiên Chúa (3), và Thánh Linh là Thần Khí được ban cho loài người để loài người có thể hiệp thông thần linh với Thiên Chúa (4).

 

1- Thánh Linh - Thâm Cung Thương Xót là Thần Linh nơi Thiên Chúa 

 

Trước hết, Thánh Linh là Thần Linh nơi Thiên Chúa, vì "Thiên Chúa là Thần Linh" (Gioan 4:24). Thiên thần cũng được gọi là thần linh, bởi bản tính thiêng liêng sáng láng vô hình của các vị, so với loài người là phàm nhân hữu hình. Nhưng so với Thiên Chúa là Thần Linh thì các vị không phải là Thần Linh như Thiên Chúa, vì các ngài không thông biết mọi sự và có thể ở trong tâm hồn con người ta, như "Thiên Chúa là Thần Linh" thông biết hết tất cả mọi sự và có thể ở trong tâm hồn con người ta. 

 

Đó là lý do, Thánh Phaolô đã xác tín và tuyên xưng rằng: "Thần Linh thấu suốt tất cả mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa" (1Corinto 2:10). Nếu tâm linh ở nơi con người bình thường là chính ý thức của con người về bản thân họ, nhất là về chiều kích luân lý và linh thiêng, thì Thần Linh ở nơi Thiên Chúa cũng vậy, là ý thức của Thiên Chúa về chính bản thân Ngài. Đó là cách so sánh được Thánh Phaolô diễn giải ngay sau câu trên đây: "Ai là người biết được thâm cung của một người nào đó nếu không phải là chính tâm linh của họ ở nơi họ" (2Corinto 2:11).

 

Nếu Thánh Linh là Thần Linh nơi Thiên Chúa, tức là ý thức Thiên Chúa biết mình Ngài thì Thánh Linh ở nơi Thiên Chúa ngay từ ban đầu, nghĩa là, nếu nói theo kiểu trần gian, ngay khi Thiên Chúa có, nghĩa là ngay khi Thiên Chúa tự có thì bấy giờ đã có Thánh Linh, Ngài đã biết mình ngay và biết mình một cách chính xác, một cách toàn hảo, chứ không như con người từ từ mới biết mình theo tự nhiên, và cho tới chết cũng chưa thật sự biết mình về siêu nhiên. 

 

Thánh Linh là Thần Linh nơi Thiên Chúa chất chứa 2 ý nghĩa hay 2 chiều kích chính yếu bất khả thiếu và bất khả phân ly, đó là chiều kích sự sống và khôn ngoan.

 

Nếu một sinh vật chết thì không còn biết gì nữa thì ý thức quả là tác động của sự sống, đến độ có thể nói sống là biết: "Sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đức Giêsu Kitô Cha sai" (Gioan 17:3). Thánh Linh "là Đấng ban sự sống" (Kinh Tin Kính) có nghĩa là Đấng làm cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra nơi Con Ngài là Dung Nhan Thương Xót, cũng như qua Giáo Hội là Chứng Nhân Thương Xót.

 

Sự sống đây có nhiều bậc, sự sống sinh hồn nơi loài thực vật, sự sống giác hồn nơi loài động vật, sự sống linh hồn nơi loài người, sự sống linh thiêng nơi các thần trời, và sự sống siêu nhiên nơi các thánh nhân, thành phần sống đức ái trọn hảo theo kiến thức đức tin siêu việt. Sự sống siêu nhiên là sự sống cao nhất vì đó mới thực sự là sự sống thần linh của Thiên Chúa và nơi Thiên Chúa, sự sống Thiên Chúa muốn dựng nên con người để được thông hiệp với Ngài. 

 

Thành phần sống sự sống siêu nhiên, sự sống thần linh này là thành phần có một kiến thức thần linh siêu việt, một kiến thức được thông ban bởi Thánh Linh là Đấng được ban cho họ và ở trong họ, đến độ càng đầy Thánh Linh họ càng khôn ngoan, và càng khôn ngoan càng chứng tỏ họ đầy Thánh Linh. Ở chỗ họ có thể trực giác biết được Thiên Chúa muốn gì để đáp ứng, hay ở chỗ họ có thể phán đoán chính xác những gì Thiên Chúa muốn để mà chọn lựa và tác hành, đến độ họ được hiệp nhất nên một với Chúa Kitô, "Con Cha yêu dấu, đẹp lòng Cha mọi bề" (Mathêu 3:17).

 

2- Thánh Linh - Thâm Cung Thương Xót là Thần Lực của Thiên Chúa 

 

Thánh Linh, Thâm Cung Thương Xót, còn ở chỗ là Thần Lực của Thiên Chúa. Thần Lực đây, trước hết, không phải chỉ ở chỗ làm gì cũng được mà nhất là ở chỗ làm gì cũng được đúng như ý muốn, như những gì đã dự tính, đã ấn định, bất chấp mọi trở ngại, bất chấp mọi chống đối. Đối với Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng thì đã muốn là được, hoàn toàn không lệ thuộc vào bất cứ một phương tiện nào, và vượt trên tất cả mọi định luật tự nhiên, vượt trên tất cả mọi ý nghĩ khôn ngoan nhất của loài người, cũng như mọi khả năng tác hiệu nhất của loài người, nhất là nơi những gì loài người bất khả mà Thiên Chúa lại có thể (xem Luca 1:37). 

 

Thánh Linh là Thâm Cung Thương Xót còn được hiểu là Động Lực thúc đẩy Thiên Chúa tác hành theo bản tính là Tình Yêu thương Xót của mình, một động lực xuất phát từ chính Thiên Chúa, từ nội tâm Thiên Chúa, chứ Thiên Chúa không bao giờ bị chi phối bởi bất cứ tác lực ngoại tại bên ngoài nào. Ngài làm gì cũng chỉ vì Ngài và cho Ngài, và vì thế chỉ có tạo vật nào nhận biết Ngài và hưởng ứng các tác động thần linh bao giờ cũng đóng vai khởi động của Ngài nơi bản thân họ và trong lịch sử mới có thể được hiệp thông thần linh với Ngài mà thôi. 

 

Đúng thế, con người tạo vật là của Lòng Thương Xót Chúa ngay từ ban đầu, vì họ được Ngài dựng nên cho Lòng Thương Xót của Ngài, để nơi họ và chỉ nơi họ là loài tạo vật chẳng những bất toàn (hơn Ngài là Đấng tự bản tính là Toàn Thiện) mà còn yếu hèn, tội lỗi và khốn nạn (như Ngài biết trước), Ngài có thể tỏ hết Bản Tính là Tình Yêu Thương Xót của Ngài. Chính con người là cảm nghiệm thần linh của Thiên Chúa khiến cho Bản Tính là Tình yêu Thương Xót của Ngài dường như "không thể không" dựng nên họ. 

 

Cái động lực sâu xa chính yếu hay cái nguyên động lực thần linh thúc đẩy Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót tạo dựng nên con người tạo vật ấy chính là Thánh Linh, chính từ Bản Thân Thiên Chúa, vì Thánh Linh cũng là Thiên Chúa, chứ không phải từ bất cứ đông lực ngoại tại nào, như từ con người tạo vật đã có thể chi phối được Thiên Chúa. Hình ảnh "một luồng gió mạnh lướt trên giòng nước" (Khởi Nguyên 1:2) tiêu biểu Thánh Linh như là một động lực tạo dựng của Thiên Chúa ngay từ ban đầu. 

 

Cũng thế, Thánh Linh còn là nguyên động lực thúc đẩy Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót nhập thể nơi Chúa Giêsu Kitô làm người và cứu thế nhờ Chúa Giêsu Kitô khổ nạn tử giá. Chính Thánh Thần cũng kiêm cả vai trò tác nhân tạo nên Ngôi Vị Thần Linh là Chúa Giêsu Kitô nơi cung lòng trinh nguyên của thôn nữ Nazarét đã đính hôn với Giuse tên là Maria (xem Luca 1:35), và là tác nhân trong cuộc vượt qua của Chúa Kitô nói chung, nhất là tác nhân làm cho Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết nói riêng (xem Roma 8:11).

 

Trong cuộc vượt qua của Chúa Kitô, một cuộc vượt qua từ cõi chết vào cõi sống, Thánh Linh còn là quyền lực thần linh, đã có thể, ngay trong lòng sự dữ và sự chết, sử dụng chung nhân tính của Chúa Kitô và riêng thân xác của Người, để biến sự dữ là tội ác của loài người, nhất là tội sát hại Con Thiên Chúa làm người, thành sự lành là ân sủng thần linh, là ơn cứu độ cho loài người, và đã biến sự chết là tình trạng vô thức đầy mù quáng của con người thành sự sống là sự nhận biết "Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Thiên Sai Giêsu Kitô" (Gioan 17:3). 

 

Thánh Linh là Thâm Cung của Lòng Thương Xót Chúa chẳng những trong chính nội tại thần linh nơi Thiên Chúa, ở chỗ Ngài là nguyên động lực thúc đẩy Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót tạo dựng nên con người, nhập thể làm người và cứu độ con người, mà còn trong Chúa Kitô nữa, như một nguyên động lực thần linh làm chủ và điều khiển mọi tâm tưởng, ngôn từ, hành động và phản ứng của Người, để làm cho Chúa Kitô thực sự là Dung Nhan Thương Xót của Chúa Cha, Đấng có thể tỏ hết Bản Tính là Tình Yêu Thương Xót của Ngài ra cho nhân loại nơi Người.

 

Có những chỗ Phúc Âm cho thấy Thánh Linh quả thực chi phối và điều khiển đời sống của Chúa Kitô. Chẳng hạn như đưa đẩy Người vào hoang địa để chay tịnh 40 đêm ngày rồi bị cám dỗ (xem Mathêu 4:1), hay đưa đẩy Người về Galilêa và vào hội đường Nazrét là nơi chính Người xác nhận Thánh Thần ngự nơi Người, xức dầu Người và sai Người đi đúng như lời tiên báo của Isaia (xem Luca 4:14-21), hoặc tác động Người chúc tụng Cha về cách thức Cha tỏ mình ra (xem Luca 10:21-22) v.v.

 

Tuy nhiên, không phải vì thế mà những chỗ Phúc Âm không nói rõ ràng đến tác động của Thánh Linh nơi Người như ba trường hợp điển hình trên đây thì Chúa Kitô không còn Thánh Linh nữa và muốn làm gì thì làm, hay làm một cách thuần nhân bản hay có thể sai lầm theo bản tính loài người. Trái lại, những lời Người nói và những việc Người làm, tự chúng cũng đủ cho thấy Chúa Kitô liên lỉ tràn đầy Thánh Linh, Đấng liên kết Người với Cha, nhờ đó Người mới có thể luôn luôn và vĩnh viễn trở thành hiện thân của Bản Tính là Tình Yêu Thương Xót Cha, trong vai trò của Người Samaritanô Nhân Lành và trong lời đầu tiên của Người trên thập tự giá của Người.

 

Thánh Linh, Thâm Cung Thương Xót, chính vì là Thần Lực của Thiên Chúa như thế nên Thần Lực vô cùng Toàn Năng và Thượng Trí vô cùng Khôn Ngoan của Thiên Chúa có liên hệ mật thiết với nhau. Bởi cả hai đều được xuất phát từ Thánh Linh, đều biểu hiệu cho Thánh Linh, Đấng trong Lễ Ngũ Tuần đã hiện xuống bằng một cuộc thần hiển được Thánh ký Luca diễn tả trong Sách Tông Vụ ở đầu đoạn 2 bằng hai hình ảnh: "một luồng gió mạnh" (biểu hiệu cho Thần Lực) và "những lưỡi như lửa" (biểu hiệu cho Khôn Ngoan, cho Sự Sống).

 

Một trường hợp điển hình cho thấy Thánh Thần, Thâm Cung Thương Xót, là Thần Linh nơi Thiên Chúa, vô cùng khôn ngoan và quyền năng, được tỏ hiện nơi câu chuyện của tổ phụ Giuse, người con thứ 11 của tổ phụ Giuse trong 12 người con trai của vị tổ phụ này là nguồn gốc 12 chi tộc dân Do Thái. Câu chuyện về tổ phụ Giuse nói riêng và 12 chi tộc dân Do Thái nói chung được Sách Khởi Nguyên trình thuật 13 đoạn, từ đoạn 37 đến 50.

 

Trong câu chuyện lịch sử này, Thánh Linh, Thâm Cung Thương Xót, là Thần Linh nơi Thiên Chúa vừa vô cùng khôn ngoan vừa vô cùng quyền năng ở chỗ: 1- Ngài đã muốn dân của Ngài tin vào Ngài bằng cách cứu thành phần tổ phụ 12 chi tộc dân được Ngài tuyển chọn khỏi nạn đói ở Đất Hứa thời bấy giờ, và sau đó Ngài tiếp tục cứu họ khỏi tình trạng làm tôi dân Ai Cập mà đưa về lại Đất Hứa như Ngài đã hứa với tổ phụ Abraham của họ. 2- Và Ngài đã tỏ ý định của Ngài ra trước qua 2 giấc mơ của Giuse: giấc mơ thứ nhất là 11 bó lúa của 11 anh em cúi mình trước bó lúa đứng của Giuse (37:7), và giấc mơ thứ hai là cả mặt trời lẫn mặt trăng cùng 11 tinh tú cúi mình trước Giuse (37:9).

 

Tuy nhiên, chính hai giấc mơ này đã càng làm cho 10 người anh ác cảm với Giuse, đứa con cưng của cùng cha Giuse nhưng khác mẹ với họ, đến độ họ đã có ý định sát hại em mình, để phá hoại hai giấc mơ của đứa em mà họ cho là mộng mị. Thế nhưng, chính mưu mô độc ác của họ, hoàn toàn theo ý nghĩ khôn ngoan nhất của họ và tự do nhất của họ, mà ý định của Thiên Chúa đã thành hiện thực, ở chỗ, người em Giuse bị họ bán sang Ai Cập đã trở thành quan đệ nhị với vai trò làm tể tướng, nhờ đó đã cứu cả gia tộc của mình, bao gồm cả cha lẫn 11 anh em khỏi nạn đói bấy giờ, khi đưa 72 người sang Ai Cập, nơi Thiên Chúa làm cho dân của Ngài lớn lên cho đến khi họ có thể tự lập...

 

3- Thánh Linh - Thâm Cung Thương Xót là Thần Hứng của Thiên Chúa 

 

Thánh Linh, Thâm Cung Thương Xót, chẳng những là Thần Linh nơi Thiên Chúa, Đấng vô cùng thượng trí, và là Thần Lực của Thiên Chúa, Đấng vô cùng quyền năng, mà còn là Thần Hứng của Thiên Chúa nữa. 

 

Nếu động lực (motivation) xuất phát từ chính bản thân của chủ thể, từ bản chất của chủ thể, từ khuynh hướng tự nhiên của chủ thể những gì thúc đẩy chủ thể tác hành, thì cảm hứng xuất phát từ bên ngoài chủ thể. Chẳng hạn một cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp khiến người ta có thể vẽ thành tranh nếu có tài hội họa, có thể viết thành thơ nếu có tài thi sĩ, có thể chụp thành những bức hình để đời nếu có tài nhiếp ảnh, có thể trở thành điệu nhạc lời ca nếu là một nhạc sĩ. 

 

Đúng thế, dù có sẵn tài năng đấy, nhưng không phải lúc nào cũng sáng tác được và sáng tác hay, cho đến khi bị ngoại cảnh chi phối hút hồn... Nếu Chúa Cha, Bản Tính Thương Xót, là Nhạc Sĩ Thần Linh sáng tác những tuyệt khúc Tình Ca Thương Xót, và Chúa Con, Dung Nhan Thương Xót, là Ca Sĩ Thần Linh trình diễn xuất sắc những bản Tình Ca Thương Xót của Chúa Cha, thì Thánh Linh là Thần Hứng Sáng Tác nơi Chúa Cha đồng thời cũng là Thần Hứng Trình Diễn nơi Chúa Con. 

 

Nếu động lực là những gì xuất phát từ bên trong và cảm hứng là những gì xuất phát từ bên ngoài và nếu Thánh Linh là Thâm Cung Thương Xót thì làm sao có thể trở thành Thần Hứng Thương Xót nơi Chúa Cha và Chúa Con? 

 

Chính vì Thánh Linh là Thâm Cung Thương Xót, là đáy lòng thương xót nơi Thiên Chúa, thì Ngài chính là khát vọng thương xót của Thiên Chúa, luôn hướng về và tìm kiếm tất cả những gì là khốn cùng nhất, xấu xa nhất, bất hạnh nhất, tội lỗi nhất để lấp đầy, để tỏ mình ra, do đó mới tự nghĩ ra và tạo nên một đối tượng đáng thương nhất để mà thương hết lòng, không phải vì Thiên Chúa không toàn hữu, còn thiếu thốn nên phải khát vọng, một khát vọng thông ban bản thân chứ không phải khát vọng viên trọn bản thân như nơi loài tạo vật chúng ta.

 

Và đối tượng đáng thương nhất được Thâm Cung Thương Xót của Vị Thiên Chúa có Bản Tính Thương Xót nghĩ ra và tác thành để mà hết lòng thương xót đó là Chúa Giêsu Kitô khổ nạn và tử giá, Đấng tự mình vô tội và vô cùng hoàn hảo đã bị biến dạng bởi tội lỗi của loài người, đến độ chính Chúa Cha như không còn nhận ra Con Yêu Dấu của Ngài nữa, khiến cho Con Ngài đã phải vô cùng não nuột tủi phận than lên trên thập tự giá rằng: "Chúa Trời tôi ơi, Chúa Trời tôi ơi, nhân sao Ngài lại bỏ rơi tôi?" (Mathêu 27:46). Chính lời than van thống thiết này đã cho thấy Chúa Giêsu Kitô quả thực là Dung Nhan Thương Xót của Chúa Cha tỏ tất cả bản tính thương xót của Ngài ra cho loài người.

 

Nếu nói theo kiểu trần gian thì chính con người, một loài tạo vật của Lòng Thương Xót Chúa và cho Lòng thương Xót Chúa, một tạo vật tự mình bất toàn so với Thiên Chúa toàn hảo, và vì thế sẽ đi đến chỗ sa ngã phạm tội, trở nên xấu xa khốn nạn, là Thần Hứng của Thiên Chúa, tức là những gì khiến cho vị Thiên Chúa bản tính thương xót hứng lên thực hiện tất cả những gì là thương xót nhất, xứng với loài tạo vật vô cùng đáng thương này, cho dù là nhập thể và tử giá. 

 

Chúa Giêsu Kitô Tử Giá là Tuyệt Phẩm Thương Xót của Chúa Cha, và những lời Chúa Giêsu Kitô thốt lên trên thập tự giá nói chung và lời than bị bỏ rơi nói riêng là lời ca chất ngất nhất trong tuyệt khúc của bản Tình Ca Thương Xót vậy, một bản Tình Ca Thương Xót đã được Chàng Ca Sĩ Thần Linh Giêsu Kitô này trình diễn vô cùng xuất sắc, đến độ chàng thực sự là Dung Nhan Thương Xót của Đấng đã sai Chàng, ở chỗ Chàng đã trở thành đáng thương hơn tội nhân đáng thương, và nhờ đó, Chàng đã thật sự làm cho khán thính giả không thể nào không xúc động, cả dân ngoại lẫn dân Chúa trước cuộc Tử Nạn Thương Xót của Chàng (xem Luca 23:47-48).

 

Bản tuyệt tác Tình Ca Thương Xót mà Chàng Giêsu Kitô đã tuyệt vời trình diễn trên Thánh Giá ấy đã cho thấy, nhờ Thánh Linh là Thâm Cung của Lòng Thương Xót Chúa nơi mình, như một cảm xúc "động lòng thương" (Luca 10:33), mà Chàng, như Người Samaritano Nhân Lành, đã đến gần nạn nhân loài người đang quằn quại vì đã bị bọn cướp quỉ ma tấn công và cướp đoạt, bằng việc Người đi tìm kiếm họ, để băng bó các thương tích của họ bằng dầu an ủi và rượu phấn chấn của mình, mang họ lên lưng con vật chở mình như Người kéo họ lên thập giá của Người để họ được tham hưởng ơn cứu chuộc, rồi mang họ đến quán trọ Giáo Hội để được vị chủ quán là thành phần chủ chiên chăm sóc, cho tới khi Người lại "đến để mang ơn cứu độ cho những ai thiết tha trông đợi Người" (Do Thái 9:28).

 

Cũng nhờ có Thánh Linh là Thâm Cung của Lòng Thương Xót Chúa nơi mình mà Chúa Kitô, cho dù có bị thành phần lãnh đạo dân Do Thái về tôn giáo cùng với dân chúng lên án tử cho Người, và bị bàn tay quyền lực của dân ngoại là đế quốc Roma qua nhân vật tổng trấn nhu nhược cố tình sát hại, vẫn yêu những kẻ thuộc về Người cho đến cùng (xem Gioan 13:1), bao gồm cả thành phần thù địch với Người, thành phần càng cần cứu độ hơn ai hết, nên đã tự động lên tiếng "xin Cha tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm" (Luca 23:34), một lời van xin tha thứ tuyệt vời Tình Yêu Thương Xót đến độ đã làm cho một trong hai tên tử tội cùng bị đóng đanh với Người, trước đó cũng đã đồng thanh mỉa mai thách thức Người (xem Mathêu 27:44), liền tỏ lòng ăn năn thống hối xin Người thương ban nước Thiên Đàng cho mình (xem Luca 23:40-43).

 

4- Thánh Linh - Thâm Cung Thương Xót là Thần Khí được ban cho loài người để hiệp thông thần linh.

 

Thánh Linh là Thâm Cung của Lòng Thương Xót Chúa chẳng những trong chính nội tại thần linh nơi Thiên Chúa, ở chỗ Ngài là nguyên động lực thúc đẩy Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót tạo dựng nên con người, nhập thể làm người và cứu độ con người, cũng như trong Chúa Kitô nữa, để Người trở thành tất cả mạc khải thần linh về Vị Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót, mà còn ở trong loài người tội lỗi nữa. 

 

Ở chỗ, là Thần Chân Lý, Ngài sẽ chứng tỏ cho thế gian thấy được nó sai lầm về tội lỗi, về công lý và về luận phạt (xem Gioan 16:8). Nghĩa là Ngài tác động tâm linh của con người, soi sáng cho họ để họ có thể thấy được "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) về 3 vấn đề then chốt và cốt lõi cho phần rỗi của họ, bằng không, họ sẽ không bao giờ có thể được chân lý giải phóng cho (Gioan 8:32).

Những chữ Chúa Giêsu ngồi xuống viết trên đất khi thành phần tố cáo người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình hỏi Người rằng có nên ném đá hạng đàn bà lăng loàn ấy theo luật Moisen hay chăng, có thể nói, căn cứ vào tiến trình phản ứng của Người, chính là 3 chữ tội lỗi, công lý và luận phạt.

 

Không phải hay sao, nếu ngón tay Chúa Kitô sử dụng để viết trên đất đây ám chỉ Thánh Linh (xem Luca 11:20) và đất đây ám chỉ trần gian, thì quả thực Thánh Linh là Thần Chân Lý được sai đến để làm cho thế gian thấy được nó sai lầm về vấn đề tội lỗi, công lý và luận phạt (kết tội).

 

Trước hết về vấn đề tội lỗi, thế gian sai lầm ở chỗ tưởng mình không có tội mà chỉ biết đến tội của người khác, như thành phần tố cáo người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và đang muốn ném đá cho chị chết đi theo đúng luật Moisen, nên thay vì trả lời cho họ, Chúa Giêsu đã ngồi xuống viết trên đất chữ "tội lỗi", và sau đó, vì được hỏi đến lần thứ 2, Người đã trả lời cho họ rằng: "Ai trong quí vị không có tội thì hãy ném đá chị ta trước đi" (Gioan 8:7). 

 

Sau nữa về vấn đề công lý, thế gian sai lầm ở chỗ tưởng mình công chính hơn người khác ở chỗ thông luật, giữ luật và dạy luật, như thành phần biệt phái và luật sĩ ở trường hợp người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình này, nên có quyền lên án và trừng trị người khác khi người ấy sa ngã phạm luật, nên Chúa Giêsu đã nhắc nhở họ bằng chữ thứ hai được Người viết trân đất đó là chữ "công lý", trong khi thành phần muốn ném đá người phụ nữ nạn nhân dần dần bỏ đi hết từ người lớn tuổi hơn, chứng tỏ thế gian đã biết rằng họ sai lầm về "công lý" khi chính họ cũng có tội mà đòi ném đá tội nhân khác. 

 

Sau hết về vấn đề luận phạt hay kết tội, Chúa Giêsu không viết trên đất nữa, mà là nói, vì một khi thế gian đã nhờ Người nhắc nhở bằng ngón tay Thánh Linh qua 2 chữ Người đã viết trên đất là "tội lỗi" và "công lý", nên Người đã nói lên những lời tha thứ, chẳng những với người phụ nữ tội phạm ngoại tình mà còn nói gián tiếp nói về thành phần đã tố cáo chị nhưng đã biết mình bỏ đi không kết tội chị: "Không ai kết tội chị ư?... Tôi cũng thế, Tôi không kết tội chị. Chị hãy đi. Nhưng từ nay trở đi đừng phạm tội này nữa" (Gioan 8:10-11).

 

Như thế, là Thâm Cung của Lòng Thương Xót Chúa nơi nội tâm của từng con người, Thánh Linh làm cho họ nhận biết thân phận tội lỗi và bất chính của họ để nhờ đó họ mới có thể và mới đáng được ơn tha thứ của Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót. 

 

Đó là lý do vào buổi tối ngày thứ nhất trong tuần, khi hiện ra với các tông đồ lần đầu tiên, Chúa Giêsu đã thở hơi trên các vị mà phán: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại" (Gioan 20:22-23). 

 

Thật ra chẳng có tội nào của loài người đáng bị cầm lại, nghĩa là không tha được hay không được tha, ngoài một tội duy nhất là tội phạm đến Thánh Linh, cả ở đời này lẫn đời sau (xem Mathêu 12:32). Bởi vì tội phạm đến Thánh Linh là tội phủ nhận chân lý về mình, tội cố chấp, tội không chịu ăn năn thống hối trước Vị Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót, tội phủ nhận Thiên Chúa, tội chấp nhận thà hư đi còn hơn.

 

Nếu loài người là của Lòng Thương Xót Chúa và cho Lòng Thương Xót Chúa thì họ không phải chỉ là đối tượng đáng thương nhất để cho Thiên Chúa bản tính thương xót tỏ mình ra cho mà còn, đối với một số tâm hồn được Ngài tuyển chọn, trong Con của Ngài, cần phải trở thành Nhiệm Thể Chúa Kitô, nơi tỏ hiện Lòng Thương Xót của Ngài như nơi chính Chúa Giêsu Kitô, qua Thừa Tác Vụ Thương Xót được chính Chúa Kitô Phục Sinh ủy thác, cũng như bằng Chứng Từ Thương Xót của mình, một chứng từ cho thấy chung Giáo Hội và riêng mỗi Kitô hữu là chi thể của Giáo Hội quả thực đã được thương xót, để có thể "thương xót như Cha là Đấng thương xót" (Luca 6:36).

 

Một Kitô hữu chứng nhân trung thực và sống động của Chúa Kitô và cho Chúa Kitô phải là một Kitô hữu đã nhờ Thánh Thần là Thâm Cung Thương Xót mà hiệp nhất nên một với Chúa Kitô và sống như Chúa Kitô, không có một ý nghĩ, lời nói, tác hành hay phản ứng nào có tính cách phản kitô, vì Thánh Thần là Thần Chân Lý đến là để họ được Ngài "dẫn vào tất cả sự thật" (Gioan 16:13) là Chúa Kitô, Đấng được Ngài làm nguồn mạch thông ban cho họ (xem Gioan 16:13), cho đến khi họ đạt đến tầm vóc viên trọn của Đầu Nhiệm Thể Giáo Hội là Chúa Kitô (xem Epheso 4:13,15). 

 

Tóm kết:

 

1- Thánh Thần là Thần Linh nơi Thiên Chúa: "Thiên Chúa là Thần Linh" (Gioan 4:24); "Thần Linh thấu suốt tất cả mọi sự, ngay cả những sự sâu nhiệm của Thiên Chúa" (1Corinto 2:10) - Thần Linh là con mắt thông biết và khôn ngoan (xem Khải Huyền 4:6, 5:6), là chính sự sống thần linh.

 

2- Thánh Thần là Thần Lực của Thiên Chúa: "Một luồng gió mạnh thổi trên mặt nước" (Khởi Nguyên 1:2); "Quyền Phép Đấng Tối Cao sẽ bao phủ cô" (Luca 1:35), "Các con hãy ở lại Giêrusalem cho đến khi các con được mặc lấy quyền lực từ trên cao" (Luca 24:49), "Các con sẽ nhận được quyền năng khi Thánh Thần xuống trên các con" (Tông Vụ 1:8), "Như một luồng gió mạnh lùa đầy vào nhà..." (Tông Vụ 2:2), "Gió muốn thổi đâu thì thổi..." (Gioan 3:8)

 

3- Thánh Thần là Thần Hứng của Thiên Chúa: "Bấy giờ Chúa Giêsu hân hoan trong Thánh Thần mà nói: 'Lạy Cha, Con xin chúc tụng Cha là Chúa trời đất, vì những gì Cha đã giấu kẻ thông biết và tinh khôn Cha lại tỏ cho những con trẻ bé mọn nhất" (Luca 10:21)

 

4- Thánh Thần là Thần Khí được ban cho Kitô hữu: để họ được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa, và để họ có thể sống Chúa Kitô và làm chứng cho Chúa Kitô (xem Gioan 16:13).

 

Bởi thế, trong Nhật Ký của Chị Thánh Faustina, Chúa Giêsu là Dung Nhan Thương Xót của Vị Thiên Chúa có bản tính thương xót đã mạc khải cho nữ tu sứ giả thương xót này chẳng những tất cả sứ điệp về LTXC đó là "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!" mà còn bao gồm cả sứ vụ Chứng Nhân Thương Xót của Người và cho Người nữa, như sau:

 

"Cha muốn con hoàn toàn biến thành tình yêu và nóng hổi như một tế vật tinh tuyền của tình yêu" (Nhật Ký 726)

 

"Con phải là phản ảnh sống động của Cha bằng yêu thương và nhân hậu” (Nhật Ký 1446)

 

(Bài này đã được Nguyệt San Hiệp Nhất của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange California phổ biến 2 số báo: 11-12 Năm Thánh Thương Xót 2016)