THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

THÁNH NHÂN LÀ MỘT TỘI NHÂN

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Bài chia sẻ cho Nhóm TĐCTT Ngày Tĩnh Tâm Chúa Nhật 30/9/2018, ngày tĩnh tâm đầu tiên dọn mừng hai Thánh LTXC:

Thánh Faustina (5/10), Thánh Quan Thày của Nhóm TĐCTT, và Thánh Gioan Phaolô II (22/10), Thánh Sáng Lập Nhóm TĐCTT

 

Đã Là Thánh nhưng vẫn phải Nên Thánh

Chính vì Thiên Chúa là Đấng Thánh mà loài người nói chung và Kitô hữu nói riêng phải nên thánh. Có thể nói hay phải nói rằng chính vì Thiên Chúa là Đấng Thánh mà Ngài phải làm và sẽ làm cho tất cả mọi tạo vật của Ngài nói chung và những ai Ngài tuyển chọn theo ý định của Ngài nói riêng nên thánh.

Ngay việc Ngài tuyển chọn dân Do Thái đã cho thấy Ngài muốn thánh hóa dân tộc này rồi. Ngài muốn làm cho dân tộc được Ngài tuyển chọn này nên thánh để tỏ mình ra cho các dân tộc khác. Và đó là lý do ngay trong lời hứa với tổ phụ Abraham của họ, Thiên Chúa đã nói đến viễn tượng muôn dân sẽ được chúc phúc nơi dân tộc Ngài tuyển chọn ấy (xem Khởi Nguyên 12:3, 22:18).

Trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, làm gì Ngài cũng chỉ nhắm đến việc thánh hóa họ. Điển hình nhất là biến cố Ngài cứu họ ra khỏi Ai Cập, với mục đích duy nhất, trước hết và trên hết, đó là để họ tôn thờ Ngài, như Ngài bảo Moisen cho Vua Pharao biết lý do chính yếu này để vua cho dân của Ngài xuất hành (xem Xuất Hành 3:18).

Thế rồi trong hành trình sa mạc 40 năm tiến về Đất Hứa, ngài đã tiếp tục thánh hóa họ, chẳng những ở chỗ tiếp tục tỏ mình ra cho họ, qua những cuộc thần hiển (sấm chớp, động đất, mây khói, lửa cháy), hay những dấu lạ (manna, nước chảy ra từ tảng đá, chim cút, rắn cắn v.v.), mà còn ở chỗ ban cho họ lề luật thánh của Ngài nữa.

Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất đã tuyển chọn dân tộc Do Thái trong các dân tộc trên thế giới này còn thánh hóa họ một cách chính yếu nhất, chính yếu hơn hết, ở chỗ Ngài tỏ mình ra cho họ ngay chính khi họ yếu đuối và mù quáng đến cứng lòng cứ liên tục xúc phạm đến Ngài, cho dù Ngài hằng ở với họ và cứu độ họ mỗi khi họ van xin Ngài trong cảnh cùng khốn, bằng quyền năng của Ngài.

Kitô hữu cũng là thành phần dân tuyển chọn của Thiên Chúa nơi Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, một thành phần Dân Tân Ước, được Ngài cứu độ bằng chính cuộc Vượt Qua của Con Ngài, và được Ngài thánh hóa bằng Thánh Thần Ngài ban cho họ qua Con của Ngài.

Đúng thế, nơi Phép Rửa và nhờ Phép Rửa, cũng được gọi là Bí Tích Thánh Tẩy, mà những ai tin vào Con Ngài muốn lãnh nhận đều chẳng những, về phần tiêu cực, được khỏi nguyên tội và tư tội (nếu được rửa tội khi đã lớn khôn), mà còn, về phần tích cực, được thông phần vào bản tính thần linh của Thiên Chúa, nghĩa là được trở nên con Thiên Chúa, sống sự sống thần linh của Thiên Chúa và với Thiên Chúa, sự sống đức ái trọn hảo, như Ngài đã tỏ tất cả sự sống nội tại này của Ngài ra nơi Người Con nhập thể và vượt qua của Ngài.

Như thế, sau khi lãnh nhận Phép Rửa Thánh Tẩy, Kitô hữu, vì là con Thiên Chúa là Đấng Thánh mà họ đã từ một tội nhân trở thành một vị thánh, đã là thánh nhân rồi vậy, như Thánh Phaolô vẫn hay gọi Kitô hữu thuộc các giáo đoàn do ngài thiết lập là các thánh.

Tuy nhiên, cho dù có nhờ Phép Rửa mà được tha nguyên tội và được thông phần vào bản tính thần linh và sự sống thần linh vô cùng thánh hảo của Thiên Chúa đi nữa, Kitô hữu vẫn phải nên thánh để có thể làm thánh.

Lý do là vì ở nơi mỗi Kitô hữu vẫn còn nguyên mầm mống nguyên tội, là đam mê nhục dục và tính mê nết xấu, vẫn hướng chiều về thế gian và vẫn có thể bị sa chước cám dỗ của ma quỉ, vẫn có thể sống không trọn lành như Cha trên trời, chưa nói đến chuyện sống bất chính và gian ác, đôi khi hay nhiều khi, còn hơn cả những người được họ gọi là ngoại đạo hay tín đồ của các đạo giáo khác.

Vậy nên thánh là gì, nếu không phải là hành trình về nguồn, hành trình sống xứng danh và thân phận một người con đích thực của Thiên Chúa. Kitô hữu nào sống xứng với thân phận làm con Thiên Chua của mình là những con người sống theo Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu về các phúc dức trọn lành (xem Mathêu ba đoạn 5-6-7), một bài giảng chất chứa giáo huấn về tư cách của một người con Thiên Chúa, thành phần được chính Chúa Kitô trong bài giảng này đã kêu gọi “hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành” (Mathêu 5:48).

Chính vì thế mà Tám Mối Phúc Đức Trọn Lành ở phần đầu của Bài Giảng Trên Núi này đã được Giáo Hội chọn đọc cho Lễ Trọng Kính Chư Thánh hằng năm vào ngày 1-11. Bất cứ người con Thiên Chúa nào cũng phải sống tư cách là con Thiên Chúa của mình, Vị Thiên Chúa là Đấng Thánh của mình, bằng không họ cũng chẳng khác nào như kẻ ngoại không biết gì về Thiên Chúa, hay như những kẻ tội lỗi trên thế gian này (xem Mathêu 5:46-47).

Hơn thế nữa, là con Thiên Chúa, họ cũng không thể sống ở tầm mức đạo đức tầm thường, như thành phần biệt phái và luật sĩ Do Thái bị Chúa Kitô khiển trách là giả hình (xem Mathêu 5:20). Thánh nhân hay một người con Thiên Chúa đích thực không phải là thành phần đạo đức, đi lễ và đọc kinh hằng ngày, ăn chay hằng tuần, xưng tội hằng tháng, tĩnh tâm hằng năm v.v., mà lại xét đoán và khinh bỉ anh chị em đồng đạo khô khan nguội lạnh hay tội lỗi, hoặc không đạo đức bằng mình.

Chính khi con người Kitô hữu hằng phải liên lỉ làm chủ bản thân tự nhiên của mình, một bản thân luôn hướng hạ về những gì trần tục, và hướng nội về chính những gì vị kỷ, và phải thắng vượt các chước cám dỗ cũng như các cơn gian nan khốn khó thử thách, để nhờ đó có thể sống đức ái trọn hảo theo Bài Giảng Trên Núi cũng như theo gương của Chúa Kitô, là lúc họ nên thánh, và một khi họ đã hết sức nên thành là họ làm thánh rồi vậy, nghĩa là họ đã sống hợp với bản chất thánh hảo của mình, xứng với thân phận của một người con Thiên Chúa.

Kitô hữu là thánh khi họ lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy. Kitô hữu nên thánh khi họ hết sức cố gắng sống trọn lành theo Phúc Âm và gương của Chúa Kitô. Kitô hữu làm thánh khi họ trung thành phản ảnh bản chất thánh hảo của mình là con Thiên Chúa. Nếu Kitô hữu sống bản chất thánh thiện của mình là họ sống thánh chứng nhân, nhờ đó thế gian nhận biết Cha của họ trên trời là Đấng trọn lành, vì thế gian thấy nơi họ những gì là trọn lành mà chỉ có ở nơi Đấng Tối Cao.

 

Thánh Nhân nhờ Tội Nhân và cho Tội Nhân

Tuy nhiên, về chủ quan, chính tâm hồn thánh thiện lại cảm thấy cần phải cải thiện hơn ai hết và hơn bao giờ hết. Trong khi có những tâm hồn cho rằng có tội gì đâu mà xưng thì các thánh lại là những người thường xuyên xưng tội nhất. Có thế nói và phải nói rằng, về cả nguyên tắc lẫn thực hành, không chân nhận mình là một tội nhân không thể nào nên thánh được.

Vì có chân nhận mình là một tội nhân, con người mới thực sự cảm thấy mình chẳng những phải được Thiên Chúa xót thuơng, mà còn hoàn toàn để cho Ngài thương xót, cho Ngài tha hồ mà thương xót mình, xứng với thân phận vô cùng hèn hạ, khốn nạn và tội lỗi của mình, nhờ đó, một khi bản thân sâu xa cảm nhận LTXC thì tâm hồn ấy mới không dám khinh bất cứ một ai, trái lại, sẽ hết sức thông cảm với hết mọi người, ở mọi hoàn cảnh và trường hợp của họ, tức là sẽ biết thương xót mọi người như mình đã được Thiên Chúa xót thương, hay nói đúng hơn, tức là tâm hồn ấy trở thành nhân chứng sống động của Lòng Thương Xót Chúa, là hiện thân đích thực của Lòng Thương Xót Chúa, như Chúa Giêsu Kitô là Dung Nhan Thương Xót của Cha trên trời là Đấng thương xót.

Để trắc nghiệm xem mình đã thực sự nhận mình là một tội nhân hay chăng, và đã sâu xa cảm nghiệm được Lòng Thương Xót Chúa chưa, thì cứ xem đức bác ái yêu thương của mình đối với tha nhân nói chung và những ai xúc phạm đến mình nói riêng.

Nếu chúng ta cho mình là một tội nhân và đã được Chúa thương xót thì chúng ta không còn dám xét đoán một ai, không còn dám lên án ai, không còn dám ném đá một ai như thể mình chẳng có tội gì, trái lại, khi bị tha nhân phạm đến mình, tác hại mình, làm nhục mình thì cảm thấy mình thật xứng đáng vì mình chỉ là một tội nhân, đáng bị trừng phạt, thậm chí còn không đáng chịu những xúc phạm ấy nữa, khi so sánh mình là một tội nhân với “Đấng vô tội đã hóa thành tội lỗi” (2Corinto 5:21), trở thành như một thứ đồ bỏ, một thứ bị nguyền rủa (xem Galata 3:13).

Chính vì Thiên Chúa là một con người dị chúng nhân như thế mới có thành ngữ “thánh nhân dị chúng nhân” đối với “những ai Ngài đã tiền định cho nên giống hình ảnh Con của Ngài” (Roma 8:29). Vì thánh nhân là một tội nhân đích thực nhất, nhưng nhờ đó mới nên giống Thiên Chúa là một con người dị chúng nhân, một vị Thiên Chúa “không tự coi mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được, trái lại, đã hóa ra hư không, mặc lấy thân phận tôi mọn” (Philiphe 2:6-7), và trở thành một đệ nhất đại tội nhân bị tử giá giữa hai tên trộm cướp (xem Luca 23:33).

Nếu vì phần rỗi vô cùng cao quí của loài người khốn nạn tội lỗi mà Thiên Chúa đã trở thành một con người dị chúng nhân như thế, thì theo đường lối cứu độ thần linh vô cùng khôn ngoan và yêu thương của Thiên Chúa, tội nhân và thánh nhân có một mối liên hệ tương quan bất khả phân ly. Ở chỗ tội nhân cần đến thánh nhân, và thánh nhân nhờ có tội nhân.

Phải chăng nén bạc của người đầy tớ được hắn chôn giấu kỹ lưỡng để trả lại nguyên vẹn cho chủ, nhưng bị chủ lấy trao cho người đầy tớ sinh lợi nhất, là để những gì đã được trao ban không trở thành uổng phí, mà còn sinh lợi, sinh lợi cho chính kẻ đã có cho dồi dào thêm, hơn là để cái dồi dào ấy bù đắp thay cho những ai đã không thể hay không muốn sinh lợi (xem Mathêu 25:28-29), như cành nho đã sinh trái thì càng bị cắt tỉa cho càng sinh nhiều hoa trái hơn nữa (xem Gioan 15:2)? Mà hoa trái hay lợi lộc ấy là gì, nếu không phải là phần rỗi vô cùng cao quí và quan trọng của “các linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn”!?!

Thật vậy, đế cứu thế gian, cứu lấy các tội nhân, thành phần tội nhân không nhận biết Chúa hay vô thần, hoặc chối đạo, bỏ đạo, rối đạo, chống đạo hoặc phá đạo, không thể tự cứu mình, thì Thiên Chúa đã tạo nên một thiểu số tâm hồn nào đó, bằng cách làm cho họ được nên giống Con của Ngài (xem Roma 8:29), nhờ đó họ cảm thấy thương xót tội nhân hơn ai hết, bởi chính bản thân của họ cũng là một tội nhân, đã được Thiên Chúa thương xót, một Lòng Thương Xót đã được tỏ hiện hoàn toàn nơi Con của Ngài, Đấng vốn động lòng thương dân chúng khốn khổ và làm hết cách để tỏ lòng thương xót (xem Mathêu 9:36, 14:14).

Như thế, thành phần Kitô hữu con cái của Thiên Chúa nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành (xem Mathêu 5:48), theo bản chất thánh hảo của mình, trên thực tế, cũng là và chính là những con người biết thương xót như Cha trên trời là Đấng xót thương (xem Luca 6:36), vì chính họ đã được Thiên Chúa thương xót như một tội nhân đáng thương nhất, và đã cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn ai hết, đến độ dám để cho Thiên Chúa thương xót mình cho tới tận cùng, bằng tất cả lòng tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự, nhờ đó, Lòng Thương Xót Chúa đã thực sự hiển linh nơi họ, đến độ, họ trở thành hiện thân đích thực của Lòng Thương Xót Chúa và là chứng nhân sống động cho Lòng Thương Xót Chúa.

Nơi thành phần chứng nhân thương xót cũng là thừa sai thương xót này, nhờ những tâm tình họ có được như Chúa Kitô và với Chúa Kitô đối với các linh hồn, mà họ mới thấy được Ơn Cứu Độ vô cùng cao quí và phần rỗi của từng linh hồn vô cùng quan trọng, đến độ họ không thể nào để cho một linh hồn nào đó hư đi mà không hết sức hy sinh chịu khổ cầu nguyện cho linh hồn ấy. Bằng không, Ơn Cứu Độ vô cùng cao quí của Chúa Kitô sẽ trở thành vô ích nơi linh hồn vô phúc bất hạnh hư đi ấy. Như Thánh Phaolô (xem Roma 9:3) hay Thánh Margarita Alacoque (xem The Autobiography of Saint Margaret Mary, đoạn 100), họ dám hy sinh phần rỗi của họ cho phần rỗi của anh chị em mình.

Tóm lại, có chân nhận mình là tội nhân, nhờ đó sâu xa thấm thía cảm nghiệm được Lòng Thương Xót Chúa, Kitô hữu là con Thiên Chúa Chí Thánh mới có thể cảm thương các tội nhân hơn ai hết và hơn bao giờ hết, và họ cũng mới có đủ tư cách xứng đáng cùng năng lực để làm chứng cho Lòng Thương Xót Chúa một cách đắc lực nhất như Lòng Thương Xót Chúa mong muốn tỏ mình ra nơi họ và qua họ.

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: "Tôi là một tội nhân"

Vị giáo hoàng đương kim Phanxicô của chúng ta có thể nói là vị giáo hoàng thương xót, vì tinh thần và đường hướng mục vụ của ngài, như ngay từ khi ngài bắt đầu phục vụ Giáo Hội hoàn vũ, cho thấy như thế.  

Chính ngài tuyên bố "đây là thời điểm thương xót" lần đầu tiên khi ngài huấn dụ hàng giáo sĩ Roma ngày 6/4/2014. Và chính vì "thời điểm thương xót" này mà ngài đã  Lòng Thương Xót mở Năm Thánh Ngoại Lệ vào Năm 2016, kèm theo Tông Thư "Dung Nhan Thương Xót", ban hành ngày 11/4/2015.  

Thế rồi trong Năm Thánh Thương Xót 2016 này, ngài đã đến thăm viếng những người anh em hèn mọn nhất của Chúa Kitô ở Roma, nơi những cơ quan phục vụ khác nhau, vào các Thứ Sáu Thương Xót mỗi tháng 1 lần trong năm này.  

Ngài lập một văn phòng phát chẩn, chưa từng có trước đó, được điều hành bởi 1 vị giám mục người Balan, vị mới được thăng làm tổng giám mục, giúp ngài và thay ngài lo phục vụ những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô ở Roma: nào là lo cho họ có phòng tắm, có chỗ hớt tóc, có nơi chữa bệnh, có chăn mền vào mùa đông, có bữa ăn vào những dịp đặc biệt như vào ngày sinh nhật của ngài, và có việc làm như phụ giúp trao quà tặng của ngài cho khách hành hương ở một số buổi nguyện Kinh Truyền Tin v.v. 

Chưa hết, ngài còn ban năng quyền xá giải vạ tuyệt thông cho một số vị linh mục thừa sai thương xót ngay trong Năm Thánh, và thậm chí ngài còn ban chung cho các linh mục năng quyền chỉ giành riêng cho ngài ấy cho đến khi ngài muốn rút lại. 

Bản thân ngài đã  sống Lòng Thương Xót với đầy cảm nghiệm thần linh. Ở chỗ, ngài đã công khai, qua các cuộc phỏng vấn khác nhau, xưng mình "tôi là một tội nhân", và ngài đã lấy khẩu hiệu giáo phẩm của mình là "vì thương nên được chọn".      

Mỗi lần đi làm việc mục vụ ở nhà tù trước khi làm giáo hoàng, hay mỗi khi ngài đến thăm viếng tù nhân trong các chuyến tông du mục vụ của mình, ngài đều tự vấn lương tâm với Chúa rằng: "tại sao không phải là con mà là họ..." 

Ngài đã từng công khai lên tiếng xin lỗi sau khi ngài vô tình có những lời nói hay việc làm sai lầm nào đó. Điển hình nhất là vụ một vị giám mục ở Chí Lợi, qua những lời ngài trả lời thành phần truyền thông phỏng vấn ngài trên chuyến bay từ Chí Lợi về Roma vào ngày 22/1/2018, vị được ngài cố gắng giữ thái độ trung dung bao nhiêu có thể, khi bản thân ngài chưa nắm chắc được bằng chứng kết tội. Nhưng sau khi ngài thật sự khám phá ra những gì tường trình cho ngài không trung thực về vị giám mục ấy, mà lại là những gì được ngài căn cứ vào đó để phán đoán về vị giám mục này, thì ngài đã không ngần ngại hay hổ thẹn lên tiếng xin lỗi ngay. 

Trong bài giảng cho lễ sáng Thứ Hai mùng 3/9/2018 ở Nhà Khách Matta, căn cứ vào thái độ âm thầm của Chúa Giêsu khi bị dân chúng la ó kéo Người đi sát hại Người (trong Bài Phúc Âm Luca 4:16-30), Đức Thánh Cha Phanxicô đã vừa chia sẻ cảm nghiệm của ngài: "chân lý thì khiêm nhượng, chân lý thì lặng thinh", vừa huấn dụ như sau: "Đối với thành phần thiếu thiện chí, với những ai chỉ muốn gây ra gương mù gương xấu, những ai chỉ muốn gây chia rẽ, những ai chỉ muốn hủy hoại, ngay trong gia đình, thì hãy thinh lặng, hãy cầu nguyện... Xin Chúa ban cho chúng ta ơn nhận thức được lúc nào chúng ta cần phải nói và khi nào chúng ta giữ thinh lặng. Điều này áp dụng cho hết mọi lãnh vực của cuộc sống: khi làm việc, ở tại nhà, trong xã hội... Nhờ thế chúng ta mới trở nên những con người noi gương bắt chước Chúa Giêsu hơn". 

Bài giảng này xẩy ra sau khi ngài bị vị tổng giám mục nguyên sứ thần Tòa Thánh ở Hoa Kỳ (2011-2016) tung ra cho giới truyền thông bảo thủ bức thư dài 11 trang hôm Chúa Nhật 26/8/2018 để tố giác ngài và đòi ngài phải từ chức, và khi ngài được truyền thông đặt vấn đề trên chuyến bay từ Ái Nhĩ Lan về lại Roma chính hôm bức thư này được cố ý tung ra, ngài đã cho biết rằng ngài sẽ không hề lên tiếng nhận định gì hết, và để cho họ tự suy nghĩ theo tính cách chuyên nghiệp của họ, bởi tự bức thư này đã nói lên tất cả sự thật. Một trong những lý do ngài không muốn lên tiếng vì "chân lý thì khiêm nhượng, chân lý thì thinh lặng", sẵn sàng chịu vu khống, còn hơn lên tiếng để con người vu khống ngài bị thế giới ném đá, và như thế việc ngài thinh lặng cũng là một tác động sống lòng thơơng xót vậy. 

Thế rồi, trong bài giảng 2 hôm sau đó, Thứ Tư mùng 5/9/2018, cũng ở Nhà Khách Matta, căn cứ vào tác động của chàng đánh cá chuyên nghiệp Simon sấp mình xuống trước mặt Chúa Giêsu xưng mình "con là một tội nhân" (trong Bài Phúc Âm Luca 5:1-11), ngay sau lúc chàng bắt được một mẻ cá vô cùng lạ lùng, nhiều cá đến độ gần rách lưới và chìm thuyền, trong khi đó, cả đêm hôm trước, chàng cùng đồng nghiệp chuyên nghề đánh cá vất vả thâu đêm lại chẳng được gì, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận định kèm theo huấn dụ sống đạo như sau:

Nhận định: "Đó là bước quyết liệt đầu tiên của Thánh Phêrô trên con đường làm môn đệ của Chúa Giêsu, khi cáo mình: 'Con là một tội nhân'. Đó là bước đầu tiên của Thánh Phêrô; và cũng là bước đầu tiên của mỗi người chúng ta, nếu anh chị em muốn tiến bước trong đời sống thiêng liêng, trong đời sống của Chúa Giêsu, phụng sự Chúa Giêsu, theo Chúa Giêsu, cần phải như vậy, cần phải cáo mình, bằng không biết cáo mình anh chị em không thể nào bước đi trong đời sống Kitô hữu được...

"Có những con người suốt đời nói về người khác, tố giác người khác mà chẳng bao giờ nghĩ đến tội lỗi của bản thân mình. Và khi tôi đi xưng tội thì tôi xưng thú ra sao chứ? Như con vẹt phải không? 'con đã làm điều này, điều kia ... một cách ba hoa vậy thôi'. Thế nhưng anh chị em có thực sự cảm nhận thấy những gì anh chị em làm hay chăng? Nhiều lần không. Anh chị em đến đó để làm dáng, để làm cho mình nên duyên dáng hơn một chút. Thế nhưng nó chẳng thấm vào lòng anh chị em gì hết, vì anh chị em chẳng rời bỏ căn phòng, vì anh chị em không thể cáo mình (accusing yourself)".

Huấn dụ: "Chúng ta cần phải được hoán cải. Chúng ta cần phải thống hối.... Hôm nay chúng ta hãy xin Chúa ơn này, ơn thấy mình đối diện với Ngài trước sự lạ lùng của việc Ngài hiện diện; và ơn cảm thấy một cách cụ thể rằng chúng ta là thành phần tội nhân, để cùng với Thánh Phêrô chúng ta thưa rằng: 'Xin hãy tránh xa con, vì con là một tội nhân'".
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

Thứ Sáu Đầu Tháng ngày 7/9/2018, áp Lễ Sinh Nhật Mẹ Maria.

Lưu niệm Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (19/6 - 24/11/2018)