SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

 

Số phận của người môn đệ phản bội

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Image result for judas iscariot

 

 

Trong các Phúc Âm liên quan đặc biệt đến người tông đồ Giuđa Íchca, chỉ có Phúc Âm của Thánh ký Mathêu (được Giáo Hội chọn đọc cho chu kỳ phụng niên năm A vào Chúa Nhật Lễ Lá cũng là Chúa Nhật Thương Khó mở đầu Tuần Thánh hằng năm) đã ghi lại đầy đủ nhất và chi tiết nhất về vị tông đồ là lùng đáng thương này. Thật vậy, Thánh ký Mathêu, ở đoạn 26 và đầu đoạn 27 Phúc Âm của mình, ngài đã bao gồm những chi tiết quan trọng về người môn đệ phản bội này theo thứ tự như sau: 1- đã âm mưu đi bán đứng Thày mình, trước khi Chúa Giêsu ăn mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ; 2- đã tham dự vào bữa mừng lễ Vượt Qua với Thày và các tông đồ đồng bạn trong Nhà Tiệc Ly; 3- đã dẫn đường chỉ mặt Thày mình cho đám bộ hạ của Hội Đồng Đầu Mục Do Thái đến bắt Người ở trong Vườn Cây Dầu; và sau hết 4- đã trở lại với Hội Đồng Đầu Mục Do Thái trao trả số tiền bán Thày rồi đi thắt cổ tự tử.

 

 

1- Môn đệ Giuđa Íchca đã âm mưu đi bán đứng Thày mình, trước khi Chúa Giêsu ăn mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ

 

 

"Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai, tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và nói với họ: 'Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?' Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người". (Mathêu 26:14-16)

 

 

Ở đây, Chúa Giêsu tự mình đã biết được ý định nộp Thày của môn đệ Giuđa Íchca, và Người cũng đã thấy được người môn đệ đáng thương tham lam tiền bạc này đã lén lút đến thương lượng trực tiếp với các vị có thẩm quyền của Do Thái giáo về giá cả và mưu kế bán Người: "'Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?' Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người".

 

Image result for judas iscariot 30 pieces of silver

 

Thời điểm thương lượng và âm mưu này xẩy ra vào thời điểm gần đến Lễ Vượt Qua của dân Do Thái, có thể là vào ngay trước hay vào chính "Ngày thứ nhất tuần lễ ăn bánh không men", một thời điểm đã được Thiên Chúa ấn định để thực hiện dự án cứu độ của Ngài nơi Con Ngài là Đức Giêsu Kitô.

 

"Hắn từ đó tìm dịp thuận tiện để nộp Người", nhưng không phải ngay trong bữa mừng lễ Vượt Qua của Người, vì, trước hết "chưa đến giờ của Người" (Gioan 7:30), sau nữa, lúc ấy chưa tiện, bởi bấy giờ ở trong một căn phòng sáng sủa, không giống như Vườn Cây Dầu là nơi vốn âm u tăm tối và cũng là nơi, theo thói quen, Chúa Giêsu có thể hay đến đó cầu nguyện, mà người môn đệ nào lưu ý đều biết, nhất là khi đã có mưu đồ xảo quyệt như người môn đệ phản bội này sẽ không thể nào không lợi dụng.

 

Cho dù chỉ mưu tính theo ý đồ ám muội của mình, nhưng không ngờ âm mưu ấy, giống như âm mưu có vẻ thượng sách của Thượng tế Caipha muốn một người chết thay cho dân Do Thái (xem Gioan 11:50), lại giúp vào việc thực hiện dự tính cứu độ của Thiên Chúa nơi Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô vào chính thời điểm mừng Lễ Vượt Qua năm ấy. Có nghĩa là người môn đệ phản nội Thày mình này cần phải ra tay làm sao để công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô phải xẩy ra đúng thời điểm ấn định liên quan đến Lễ Vượt Qua năm ấy.

 

Có thể ở vào lúc Chúa Giêsu sai các tông đồ đi lo chỗ mở lễ Vượt Qua cho thày trò là lúc người môn đệ mưu phản này đã lén bỏ đi riêng để đến với thẩm quyền Do Thái giáo mà thương lượng cùng bày mưu bán Thày của mình. Hay cũng có thể từ biến cố Chúa Giêsu được Maria, chị em với Matta và Lazarô, xức dầu thơm chân của Người ở Bêtania (xem Gioan 12:1-8), ở bài Phúc Âm cho Thứ Hai Tuần Thánh, cho đến trước Bữa Tiệc Ly. Trong bài Phúc Âm cho Thứ Tư Tuần Thánh (24:16-25) Thánh ký Mathêu cho biết rằng người môn đệ này đã đến điều đình để bán Thày mình trước Bữa Tiệc Ly và đang tìm cách trao nộp Người cho họ (xem Mathêu 26:14-16).

 

Bởi thế cũng dễ hiểu là ngay đầu Bữa Tiệc Ly là nghi thức Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Người, bao gồm cả người môn đệ Giuđa phản bội này, người môn đệ đã có những bước "chân" đi hoang, lầm đường lạc lối, những bước "chân" sẽ dẫn thành phần thuộc hạ của thẩm quyền đạo giáo của người Do Thái đến bắt Người, một đôi "chân" vì thế cần phải được Người rửa cho.

 

Đúng như Thánh ký Gioan cảm nhận: "Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng", nghĩa là đến con chiên lạc cuối cùng là người môn đệ Giuđa Íchca đang có âm mưu phản nộp Người. Thật vậy, trong các danh sách được bộ ba Phúc Âm Nhất Lãm liệt kê thành phần các vị tông đồ thì người môn đệ Giuđa Íchca bao giờ cũng được liệt kê cuối cùng và môn đệ Phêrô được liệt kê đầu tiên (xem Mathêu 10:1-4; Marco 3:16-19; Luca 6:13-16). Và trong chính bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Gioan đã nhắc đến người môn đệ vô cùng đáng thương này 2 lần, lần nào cũng liên quan trực tiếp đến việc Chúa Giêsu rửa chân cho chung các tông đồ và cho riêng Giuđa: 

Lần 1: "Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau" (13:2-3). 

Lần 2: "Chúa Giêsu nói: 'Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu'. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: 'Không phải tất cả các con đều sạch đâu'" (13:10-11). Nghĩa là Chúa Giêsu cố ý nói về người môn đệ gian ác Giuđa (là "chân" phần thể duy nhất còn bẩn) trong tông đồ đoàn (là "cả mình đã sạch") vô cùng đáng thương vẫn cần phải được cứu vớt - "chỉ cần rửa chân", như người chủ chiên nhân lành chỉ cần đi tìm cho bằng được con chiên lạc duy nhất trong đàn đã bỏ tất cả 99 con chiên khác lại một chỗ vậy (xem Luca 15:4), để chứng tỏ mình "yêu cho đến cùng".

Nếu kể đến hết câu 30 của đoạn 13 này, nghĩa là bao gồm cả phần hậu rửa chân, ngay sau bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta còn thấy Chúa Giêsu nhắc đến người môn đệ Giuđa Íchca này 4 lần nữa, thứ tự như sau:

Lần 3: "Điều Thày nói là không phải tất cả, vì Thày biết loại người Thày đã chọn. Thày cố ý nói ở đây là để cho thấy Thánh Kinh nên trọn: 'Kẻ ăn bánh cùng Ta đã giơ gót chân lên đạp Ta'" (câu 18);

Lần 4: "Thày nghiêm trọng cho các con biết rằng một người trong các con sẽ phản bội Thày" (câu 21);

Lần 5: "Kẻ mà Thày trao miếng bánh nhúng vào đĩa cho. Người đã nhúng miếng bánh, đoạn cầm đưa cho Giuđa con Simon Iscariô" (câu 25-26);

Lần 6: "Ngay sau đó Satan đã nhập vào lòng hắn, Chúa Giêsu đích thân nói cùng hắn rằng: 'Những gì con muốn làm thì hãy làm mau lên'" (câu 27).

Ngay sau đó, ngay sau khi Chúa Giêsu bảo người môn đệ phản bội Người như thế, chứng tỏ Người chẳng những đã biết người môn đệ này có ý định phản bội Người và đã điều đình bán Người rồi, mà còn biết rằng người môn đệ ấy sẽ dẫn quân dữ đến bắt Người ở Vườn Cây Dầu khi Người cầu nguyện sau Bữa Tiệc Ly nữa. Đó là lý do, Thánh ký Gioan đã kết thúc đoạn Phúc Âm Rửa Chân cũng là đoạn Phúc Âm trực tiếp liên quan đến người môn đệ Giuđa phản bội này như sau: "Ngay sau khi Giuđa ăn miếng bánh thì hắn đi ra. Bấy giờ trời đã tối" (13:30), ám chỉ Giuđa Íchca là cái "chân" bẩn thỉu đang đi sâu vào vũng lầy vực thẳm diệt vong chết chóc theo âm mưu gian ác của người môn đệ này, đúng như những gì Satan sai khiến người môn đệ đáng thương này đi bằng quyền lực tăm tối của hắn, như thể người môn đệ này đã bán linh hồn mình cho Satan "là tên cám dỗ cả thế gian" (Khải Huyền 12:9), "cha của các sự gian ác" (Gioan 8:44).

 

 

2- Môn đệ Giuđa Íchca cũng đã tham dự vào bữa mừng lễ Vượt Qua với các tông đồ trong Nhà Tiệc Ly

 

 

"Các môn đệ làm như Chúa Giêsu truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua. Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: 'Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy'. Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: 'Thưa Thầy, có phải con không?' Người trả lời rằng: 'Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ nộp Thầy. Thực ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ sẽ nộp Con Người! Thà người đó đừng sinh ra thì hơn!' Giuđa, kẻ phản bội, cũng thưa Người rằng: 'Thưa Thầy, có phải con chăng?' Chúa đáp: 'Ðúng như con nói'" (Mathêu 26:19-25).

 

 

Cho dù biết được cả ý định lẫn hành động âm mưu lén lút của người môn đệ phản bội này, Chúa Giêsu vẫn không ngăn cản đương sự một tí nào hết, hoàn toàn không đụng chạm đến tự do của người môn đệ muốn làm tôi hai chủ và muốn bắt cá hai tay này, mà chỉ khéo léo nhắc nhở riêng cá nhân đương sự thôi, vừa không làm bẽ mặt người môn đệ này trước tông đồ đoàn (cho dù Người có thể nói trắng ra để mọi người biết), vừa chứng tỏ cho riêng đương sự biết rằng mưu đồ phản bội của đương sự đã bị chính Đấng mà đương sự âm mưu phản nộp nắm bắt tất cả rồi:

 

"Các môn đệ làm như Chúa Giêsu truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua. Chiều đến, khi các ông đang ăn, Người nói: 'Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy'. Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: 'Thưa Thầy, có phải con không?' Người trả lời rằng: 'Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ nộp Thầy. Thực ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ sẽ nộp Con Người! Thà người đó đừng sinh ra thì hơn!' Giuđa, kẻ phản bội, cũng thưa Người rằng: 'Thưa Thầy, có phải con chăng?' Chúa đáp: 'Ðúng như con nói'".

 

 

Thế nhưng, khốn nạn thay, người môn đệ duy nhất trong nhóm 12 vị thuộc tông đồ đoàn này đã mù quáng đến độ vẫn tiếp tục ý định quái gở khủng khiếp của mình, thậm chí, như Chúa Kitô khẳng định về đương sự rằng: "thà hắn đừng sinh ra thì hơn".

 

Theo tiến trình tường thuật của bài Phúc Âm Thánh ký Mathêu hôm nay thì Chúa Giêsu đánh động đương sự môn đệ này trước khi Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Và theo Thánh ký Gioan thì người môn đệ bất hạnh ấy sở dĩ trở nên mù quáng quá sức như thế là vì đã để cho Satan chiếm nhập, ở chỗ, cho dù đương sự đã được chính Thày nhắc nhở mà còn cả gan nhận lấy tấm bánh của Ngưòi trao cho, như thể thách thức Người rằng: đúng thế, con đã có ý định phản nộp Thày rồi đó, Thày làm gì được con nào.

 

Chính vì thế, vì quá cứng lòng như vậy mà người môn đệ đương sự này đã bị Satan "là tên gian ác" (Gioan 8:44) sai khiến theo ý đồ quỉ quyệt của hắn, nên ngay sau đó người môn đệ nạn nhân này đã bị Satan thôi thúc rời Nhà Tiệc Ly, nơi có chính Chúa hiện diện và Giáo Hội của Người (qua đại diện tông đồ đoàn), nơi hắn không làm gì được, để thoát ly mà lao đầu xuống hố diệt vong vô cùng tăm tối như chính sự chết: "lúc đó trời đã tối", như thể người môn đệ đương sự này đi tự tử về phần hồn trước khi đi tự tử về phần xác.

 

"Ðức Giêsu trả lời: 'Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy'. Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simon Íchca. Y vừa ăn xong miếng bánh, Satan liền nhập vào y. Ðức Giêsu bảo y: 'Con làm gì thì làm mau đi!' Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với hắn như thế. Vì Giuđa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Chúa Giêsu nói với hắn rằng: 'Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ', hoặc bảo hắn đi bố thí cho người nghèo. Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối" (13:26-30).

 

 

Chúa Giêsu thật sự "đã yêu thương những kẻ thuộc về Người thì Người muốn chứng tỏ là Người yêu thương họ cho đến cùng" (Gioan 13:1), đến cùng ở chỗ "hiến mạng sống vì người mình yêu" (Gioan 15:13), trong đó có người môn đệ Giuđa Íchca, và đến cùng còn ở con chiên lạc duy nhất trong đàn chiên 100 con (xem Luca 15:1-7) là Giuđa Íchca, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của việc Người cúi mình xuống rửa chân cho chung tông đồ đoàn, đặc biệt nhắm đến người môn đệ Giuđa Íchca, người môn đệ được bộ ba Phúc Âm Nhất Lãm liệt kê cuối cùng (như chân là phần thể cuối cùng của toàn thân) trong tông đồ đoàn, nhất là so với tông đồ Phêrô bao giờ cũng được liệt kê trước hết (như đầu của toàn thân tông đồ đoàn), và vì cả thân mình (bao gồm cả đầu) ám chỉ 11 tông đồ đã được sạch "nhờ lời Thày" (Gioan 15:3), chỉ còn mỗi một mình tông đồ Giuđa Íchca cuối cùng như phần chân trong tông đồ đoàn, vì chưa thấm nhập Lời Thày có sức thanh tẩy như các tông đồ khác, là chưa sạch, nên đã trở thành phần thể duy nhất trong toàn thân cần phải rửa.

 

Nếu hiểu được lòng yêu thương vô biên của Chúa Kitô đối với chung các môn đệ và từng môn đệ, nhất là sứ vụ Người "đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã bị hư hoại" (Luca 19:10), như người môn đệ Giuđa Íchca, thì mới cảm thấy được cái quằn quại đớn đau của Người như thế nào trước một người môn đệ thuộc về Người như vậy. Có thể lúc Vị Thiên Chúa Làm Người này không cầm nổi cảm xúc nên đã "khóc" trước mộ người bạn thân Lazarô của Người, cho dù Người có thể làm cho người bạn thân này hồi sinh và ngay trước khi hồi sinh anh ta, ở vào thời điểm sắp tới Lễ Vượt Qua ít lâu, là lúc Người đã nghĩ đến người môn đệ Giuđa Íchca này, người môn đệ đã không còn có thể nghe thấy tiếng của Người nữa để có thể bước ra khỏi mồ như Lazarô (xem Gioan 11:35,43-44). 

 

 

3- Môn đệ Giuđa Íchca dẫn đường chỉ mặt Thày cho đám bộ hạ Hội Đồng Đầu Mục Do Thái đến bắt Người ở trong Vườn Cây Dầu

 

 

"Rồi Chúa Giêsu cùng đi với các ông đến một chỗ gọi là Ghếtsêmani, và Người bảo các môn đệ: 'Các con hãy ngồi đây để Thầy đến đàng kia cầu nguyện'. Ðoạn Chúa đưa Phêrô và hai người con ông Giêbêđê cùng đi, Người bắt đầu cảm thấy buồn bực và sầu não. Lúc ấy, Người bảo các ông: 'Linh hồn Thầy buồn sầu đến nỗi chết được; các con hãy ở lại đây và thức với Thầy'. Tiến xa hơn một chút, Người sấp mặt xuống, cầu nguyện và nói: 'Lạy Cha, nếu được, xin cho Con khỏi chén này! Nhưng đừng như ý Con muốn, một theo ý Cha muốn'.... Ðoạn Người trở lại và thấy các ông còn ngủ, vì mắt các ông nặng trĩu. Người để mặc các ông và đi cầu nguyện lần thứ ba, vẫn lại những lời như trước. Sau đó Người trở lại với các môn đệ và bảo: 'ây giờ các con hãy ngủ và nghỉ ngơi đi! Này sắp đến giờ Con Người sẽ bị nộp trong tay những kẻ tội lỗi. Các con hãy chỗi dậy. Chúng ta hãy đi: này kẻ nộp Thầy đã tới gần'. Người còn đang nói, thì đây, Giuđa, một trong nhóm mười hai, và cùng với y có lũ đông mang gươm giáo gậy gộc, do các thượng tế và kỳ lão trong dân sai đến. Vậy tên nội công đã dặn họ ám hiệu này: 'ễ tôi hôn người nào, thì đó chính là Người, các ông hãy bắt lấy'. Tức khắc Giuđa tới gần Chúa Giêsu và nói: 'Chào Thầy'. Và nó hôn Người. Nhưng Chúa Giêsu bảo: 'Hỡi bạn, bạn đến đây làm chi?' Lúc đó chúng xông tới, tra tay bắt Chúa Giêsu". (Mathêu 26:36-39,45-50).

 

 

Thiên Chúa quả thật đã ấn định thời điểm cho Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài phải hoàn tất công cuộc cứu độ của Người vào lễ Vượt Qua năm ấy, mà người môn đệ Giuđa Íchca đã vô tình "tìm dịp thuận tiện để nộp Người" vào ngay đêm Thứ Năm Tuần Thánh ở trong Vườn Cây Dầu, một thời điểm tối tăm nhất trong ngày, thời điểm hoạt động của "quyền lực tăm tối" (Colose 1:13), nhưng cũng là thời điểm áp Thứ Sáu Tuần Thánh để công cuộc cứu chuộc xẩy ra vào chính ngày con người tạo vật đã được Thiên Chúa dựng nên, tức vào "Ngày Thứ Sáu" (Khởi Nguyên 1:31) trong 6 ngày tạo dựng của Thiên Chúa ngay từ ban đầu.

 

Phải chăng câu Chúa Giêsu than lên vô cùng não nuột sau khi dẫn các môn đệ vào Vườn Cây Dầu và trước khi Người đi cầu nguyện một mình rằng: "Linh hồn Thầy buồn sầu đến nỗi chết được", là câu Người ám chỉ đến người môn đệ Giuđa Íchca, một người môn đệ vẫn được Người tha thiết yêu thương và muốn cứu độ nhưng hắn vẫn cứ tự mình lao đầu xuống hố hư vong, hầu như Người tự mình vốn là Đấng toàn năng đã trở thành bất lực không thể cứu được con người đáng thương ấy, đến độ khiến "Linh hồn Thầy buồn sầu đến nỗi chết được", và đó cũng chính là chén mà Người xin Cha của Người đến 3 lần cất đi cho Người:  "Lạy Cha, nếu được, xin cho Con khỏi chén này! Nhưng đừng như ý Con muốn, một theo ý Cha muốn"?!

 

Có thể là như thế, có thể nỗi buồn đến chết được của Người gây ra bởi lòng Người yêu thương cho đến cùng đối với những kẻ thuộc về Người là người môn đệ Giuđa Íchca này, mà Người đã xin các môn đệ khác trong tông đồ đoàn hãy chia sẻ cái buồn vô cùng thảm thương này của Người: "Các con hãy ở lại đây và thức với Thầy". Thế nhưng, tiếc thay, các môn đệ không hiểu ý của Người nói, và vì chưa được hiệp nhất nên một với Người nên vẫn theo "bản chất thì yếu nhược" (Mathêu 26:41) của mình thiếp ngủ một cách ngon lành, cho đến khi được đích thân Thày đánh thức dậy vào chính giây phút nguy hiểm nhất cho cả Thày lẫn trò, liên quan đến chính người môn đệ phản nộp Người:

 

"Ðoạn Người trở lại và thấy các ông còn ngủ, vì mắt các ông nặng trĩu. Người để mặc các ông và đi cầu nguyện lần thứ ba, vẫn lại những lời như trước. Sau đó Người trở lại với các môn đệ và bảo: 'Bây giờ các con hãy ngủ và nghỉ ngơi đi! Này sắp đến giờ Con Người sẽ bị nộp trong tay những kẻ tội lỗi. Các con hãy chỗi dậy. Chúng ta hãy đi: này kẻ nộp Thầy đã tới gần'".

 

Đúng vậy, sự kiện vừa được Người báo cho các môn đệ biết đã xẩy ra như thể chộp bắt cả đám Thày trò của Người, khiến Thày trò hoàn toàn không kịp trở tay, thậm chí các tông đồ có sợ sệt khiếp run cũng không thể nào thoát chạy ngay lập tức theo phản ứng tự nhiên, như trình thuật của Thánh ký Mathêu như sau: "Người còn đang nói ("Chúng ta hãy đi: này kẻ nộp Thầy đã tới gần"), thì đây (ngay chính lúc bấy giờ, như thể ứng nghiệm lời Người nói và chứng tỏ Người biết họ tới mà vẫn không né tránh), Giuđa, một trong nhóm mười hai, và cùng với y có lũ đông mang gươm giáo gậy gộc, do các thượng tế và kỳ lão trong dân sai đến".

 

Image result for judas iscariot

 

Sở dĩ Người không báo cho các môn đệ sớm hơn và cố ý để cả nhóm Thày trò bị chộp bắt như vậy, trong khi Người đã biết trước và vẫn có thể tránh né như những lần trước, là vì, trước hết và trên hết, đã đến giờ của Người, sau nữa, Người muốn các tông đồ tham phần khổ nạn với Người, và nhất là hình như Người muốn đích thân gặp mặt người môn đệ Giuđa Íchca của mình lần cuối, một con người thật là đáng thương, cần phải được cứu độ hơn ai hết và hơn bao giờ hết. Đó là lý do, lợi dụng ngôn hành phản bội của đương sự môn đệ ấy tỏ ra với Người bấy giờ: "Vậy tên nội công đã dặn họ ám hiệu này: 'Hễ tôi hôn người nào, thì đó chính là Người, các ông hãy bắt lấy'. Tức khắc Giuđa tới gần Chúa Giêsu và nói: 'Chào Thầy'. Và nó hôn Người", Người liền dịu dàng nhỏ nhẹ thì thào vào tai của hắn, chỉ để một mình hắn nghe thấy thôi, rằng: "Hỡi bạn, bạn đến đây làm chi?"

 

Related image

 

 

 

4- Môn đệ Giuđa Íchca đã trở lại với Hội Đồng Đầu Mục Do Thái trao trả số tiền bán thày rồi đi thắt cổ tự tử

 

 

"Trời vừa sáng, các thượng tế và kỳ lão trong dân hội họp bày mưu giết Chúa Giêsu. Họ trói Người và điệu đi nộp cho tổng trấn Phongxiô Philatô. Bấy giờ Giuđa, kẻ nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận, đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ lão mà nói rằng: 'Tôi đã phạm tội vì nộp máu người công chính'. Nhưng họ trả lời: 'Can chi đến chúng tôi! Mặc kệ anh!' Anh ta ném những đồng bạc đó vào trong đền thờ và ra đi thắt cổ". (Mathêu 27:1-5).

 

 

Không biết câu nói thì thào cuối cùng của Vị Thày "đã yêu thương những ai thuộc về Người thì Người muốn chứng tỏ Người yêu thương họ đến cùng" (Gioan 13:1) như thế có gây tác dụng thần linh nào nơi người môn đệ vô cùng đáng thương này hay chăng. Thực tế cho thấy, có thể phần nào đúng như vậy, bởi không nhiều thì ít, hắn hình như đã tỉnh ngộ. Bởi thế, ngay lúc bấy giờ, tuy không thể nào kịp can ngăn đám thuộc hạ của Hội Đồng Đầu Mục Do Thái đừng xông vào bắt Vị Thày đáng kính của mình nữa, nhưng có thể hắn đã cảm thấy một điều gì đó biến đổi trong tận thẳm cung của mình. Đó là lý do cuối cùng mới xẩy ra những gì hoàn toàn bất ngờ về người môn đệ phản bội này, như Thánh ký Mathêu thuật lại như sau:

 

"Trời vừa sáng, các thượng tế và kỳ lão trong dân hội họp bày mưu giết Chúa Giêsu. Họ trói Người và điệu đi nộp cho tổng trấn Phongxiô Philatô. Bấy giờ Giuđa, kẻ nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận, đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ lão mà nói rằng: 'Tôi đã phạm tội vì nộp máu người công chính'. Nhưng họ trả lời: 'Can chi đến chúng tôi! Mặc kệ anh!' Anh ta ném những đồng bạc đó vào trong đền thờ và ra đi thắt cổ".

 

 

Image result for judas iscariot 30 pieces of silver

 

 

Sự kiện người môn đệ phản bội Giuđa Íchca tỏ ra hối hận, theo Thánh ký Mathêu thuật lại, đã xẩy ra ngay sau sự kiện tông đồ Phêrô chối Thày ba lần, và ba lần chối Thày của vị trưởng tông đồ đoàn này đều xẩy ra vào thời khoảng còn mờ tối của sáng Thứ Sáu Tuần Thánh (xem Gioan 18:15-18,25-27), nghĩa là người môn đệ phản nộp Thày cảm thấy "hối hận" vào sáng hôm sau, Thứ Sáu Tuần Thánh, sau một đêm Chúa Kitô bị Hội Đồng Mục Vụ Do Thái, qua vị thượng tế Caipha, nhân danh Thiên Chúa buộc Người phải xưng thật Người là ai:

 

"'Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, ta truyền cho ông hãy nói cho chúng ta biết: Ông có phải là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa không?' Chúa Giêsu trả lời: 'Ông đã nói đúng. Nhưng Ta nói thật với các ông: rồi đây các ông sẽ xem thấy Con Người ngự bên hữu Ðấng Toàn Năng, và sẽ đến trên đám mây'. Bấy giờ thầy thượng tế xé áo mình ra và nói: 'Nó đã nói lộng ngôn! Chúng ta còn cần gì đến nhân chứng nữa? Ðây các ngài vừa nghe lời lộng ngôn. Các ngài nghĩ sao?' Họ đáp lại: 'Nó đáng chết!'": - "Kẻ nộp Người thấy Người bị kết án thì hối hận" là như thế.

 

Như thế thì lời Chúa Giêsu êm ái thủ thỉ trong tai người môn đệ phản nộp này có lẽ đã thật sự tác động lòng của chàng, nhất là vì môi miệng đã từng trả giá bán Thày của chàng lần đầu tiên trong đời đã nhờ cái hôn gian ác, và đôi tay nhơ nhớp đã từng trân trọng cầm nắm lấy số tiền bán Thày, cả hai phần thể đã trở thành dụng cụ phản bội Thày ấy lại không ngờ được chạm đến Thánh Thể của Đấng "đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14), Đấng vốn có quyền lực chữa lành và trừ quỉ của Người, trong khi tất cả mọi môn đệ khác đều tẩu tán vì sợ: "Bấy giờ các môn đệ bỏ Người và chạy trốn hết", thì một mình người môn đệ đã thuộc về phe địch này đã có thể dễ dàng âm thầm tiếp tục theo dõi Đấng đã bị chàng lỡ bán đi, xem thành phần mà chàng đã bán Thày cho đối xử với Người ra sao, bởi có lẽ chàng cứ tưởng rằng, cho dù chàng có bán Người đi nữa thì Người cũng vẫn thoát thân được như các lần trước (xem Gioan 8:59,10:39), nhờ đó hai tay của chàng bắt được hai con cá ngon lành như chơi: vừa Thiên Chúa lẫn tiền bạc (xem Mathêu 6:24).

 

Có nghĩa là, tự mình, người môn đệ phản bội này vẫn "lầm không biết việc mình làm" (Luca 23:34), vẫn có thể được thứ tha, vì đương sự môn đệ ấy chỉ phạm đến "Con Người" hơn là đến "Thánh Linh" (xem Mathêu 12:32):

 

Phạm đến Con Người - vì lầm nên được thứ tha, ở chỗ chỉ phạm đến nhân tính của Người, nghĩa là chỉ tưởng Con Người ấy chỉ là một con người như mình, như một vị tiên tri hay đại tiên tri vậy thôi (xem Mathêu 16:14), chứ không phải là Thiên Chúa làm người - theo họ thì Thiên Chúa không thể nào làm người như họ...;

 

Phạm đến Thánh LInh - là chối bỏ sẽ không được tha, vì Thánh Linh "là Thần Chân Lý ... Đấng dẫn các con vào tất cả sự thật" (Gioan 16:13), nghĩa là Đấng làm cho các môn đệ nhận biết "chân lý / sự thật" là Chúa Kitô (xem Gioan 14:6), Đấng được ban cho con người để nhờ đó họ nhận biết Chúa Kitô mà con người không chấp nhận Thánh Linh thì có nghĩa không muốn nhận biết Chúa Kitô, chối bỏ "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), Đấng Thiên Sai Cứu Thế duy nhất của con người (xem Tông Vụ 4:12).

 

Đúng thế, Thánh Linh, trước hết và trên hết, được thông ban cho con người nói chung và Giáo Hội nói riêng (qua các tông đồ là thành phần chứng nhân tiên khởi) từ Chúa Kitô, Đấng tràn đầy Thánh Linh và được Cha xức dầu Thánh Linh để sai vào thế gian (xem Luca 4:17-19; Gioan 10:36), và Chúa Kitô thông ban Thánh Linh của Người cho con người bấy giờ là dân của Người, bao gồm cả dân chúng cũng như thành phần giáo quyền và nhất là thành phần môn đệ của Người, bằng lời Người nói và việc Người làm. Bởi thế, ai không chấp nhận những gì Người nói và làm tức là không chấp nhận Thánh Linh từ Người thông ban cho họ, nói cách khác, tức là không tin vào Người nên không được sống, thế thôi.

 

Tuy nhiên, cho dù tội phạm đến Thánh Linh "không thể tha cả ở đời này lẫn đời sau" (Mathêu 12:32), nghĩa là tội chối bỏ Chúa Kitô thì không thể nào được cứu độ, nhưng đó là nói theo nguyên tắc, giống như theo nguyên tắc ai phạm tội trọng thì mất linh hồn vậy, nhưng nếu ai mắc tội trọng hay tội phạm đến Thánh Linh mà biết ăn năn thống hối thì vẫn được tha thứ và cứu độ bởi Lòng Thương Xót Chúa vô biên.

 

Điển hình về trường hợp phạm đến Con Người hoàn toàn vì lầm nên còn được tha thứ là trường hợp của dân Do Thái, ở chỗ, cho dù họ, căn cứ vào diễn tiến của vụ án Giêsu, (nhất là theo Phúc Âm Thánh ký Gioan), thực sự là cố tình sát hại Người bằng quyền lực dân ngoại Roma, nhưng họ vẫn cứ tưởng Người chỉ là một con người thuần túy như họ mà lại lộng ngôn dám coi mình ngang hàng với Thiên Chúa (xem Gioan 10:33), thế mà tội giết Con Thiên Chúa của họ vẫn là những gì nhấm lẫn, lại còn giúp cho Thiên Chúa một cơ hội lợi dụng chính cái toan tính một cách "vô thức (ignorant)" của họ để hoàn tất dự án cứu độ của Ngài nơi Con của Ngài đúng như lời Thánh Kinh nữa (xem Tông Vụ 3:17-18).

 

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao người môn đệ phản bội đáng thương này đã tỏ ra hối hận mà không ăn năn khóc lóc như tông đồ Phêrô mà lại đi tự tử, một dấu hiệu chết dữ, ám chỉ số phận hư vong. Thật ra, hai hành động phản bội Thày và chối bỏ Thày, một của người môn đệ cuối cùng trong 12 tông đồ, đóng vai như cái chân là phần thể cuối cùng trong toàn thân, và một của người môn đệ đầu tiên đóng vai làm đầu tông đồ đoàn, xét cho cùng, cũng đều gây ra bởi một nguyên nhân duy nhất, đó là cả hai đều tin rằng: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16).

 

Oái oăm thay và ngược đời thay, nhưng cũng hợp tình hợp lý thay theo lý lẽ lập luận trần gian, chính vì tin như thế, tin "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" mà tông đồ Phêrô đã không thể nào chấp nhận được "Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa" lại có thể chịu khổ nhục và chết đi, nên đã chân thành khuyên can Người, không ngờ lại bị chính Người thậm tệ khiển trách là "Đồ Satan..." (Mathêu 16:23). Tông đồ Phêrô đã chối Thày ngay từ lúc đó. Môn đệ Giuđa Íchca cũng thế, một khi Thày là  "Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa" thì không ai có thể làm gì được Người, không ngờ vào chính lần Người bị đương sự bán đi lại vào chính lúc tới giờ của Người, nên Người "tự hiến tế để họ được thánh hóa trong chân lý" (Gioan 17:19).

 

Riêng người môn đệ Giuđa Íchca, ở một nghĩa nào đó, có lẽ đã được hiến tế của Người, ngay khi Người vừa mới bị Hội Đồng Đầu Mục Do Thái lên án tử, "thánh hóa trong chân lý" rồi vậy, ở chỗ người môn đệ phản nộp này đã nhận biết sự thật sai trái nơi việc mình phản nộp Thày nên đã thật sự tỏ ra "hối hận", qua hành động đem trả lại số tiến đã bán Thày mình. Trường hợp người trộm lành cũng thế, trước đó cũng đồng thanh với tên trộm dữ nguyền rủa Chúa Kitô (xem Mathêu 27:44), nhưng sau khi nghe thấy Người xin Cha tha cho kẻ làm khốn mình (xem Luca 23:34) thì đã chẳng những hối hận mà còn mạnh mẽ bênh vực Người, cùng xin Người nhớ đến mình, nên anh ta đã cướp được cả Nước Trời, đã trở thành sản phẩm cứu chuộc đầu tiên của Người ngay khi còn trên thập tự giá (xem Luca 23:39-43).

 

Về việc tự tử của người môn đệ phản bội này thì có thể hiểu rằng, bởi quá hối hận, và biết rằng tội lỗi của mình là một tội tầy trời, không đáng được Thày tha thứ, trái lại, còn đáng bị trừng phạt muôn ngàn lần vẫn chưa cân xứng, nên đương sự, có thể, trong lúc vô cùng hối hận bấy giờ ấy, chỉ còn nghĩ được rằng:

 

"Thày ơi, con đã phạm đến 'Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống', phạm đến Đấng vô cùng, nên con đáng bị trừng phạt, và cho dù có băm con ra muôn ngàn mảnh, vẫn chưa tương đáng với tội lỗi của con trong việc con dám cả gan phản nộp Con Thiên Chúa, Đấng đã thương con cho đến cùng, ở chỗ Thày đã nhiều lần khéo léo nhắc nhở con, đánh động con, động chạm đến con, rửa chân cho con, cho con thông phần tấm bánh bẻ ra của Thày, thậm chí cho toàn thân nhớp nhúa hôi thối của con được ôm hôn Thày. Con biết Thày đã sẵn sàng 'tự hiến' để cứu lấy cả loài người, trong đó có con là một đệ nhất tội nhân cần được cứu nhất (xem 1Timothêu 1:15), xin Thày thương đến con cho tới cùng. Giờ đây, con chỉ còn biết lấy chính cái chết tự treo lên khốn nạn của con, hợp với cái chết bị treo lên vô giá của Thày, để có thể đền tội lỗi vô cùng khủng khiếp của con, cũng như để phần nào tạ tội với Thày là Đấng vô cùng đáng kính đáng mến của con, Đấng đã thật sự yêu thương con đến cùng".

 

Các câu Thánh Kinh nói về người môn đệ bất hạnh này, những câu thiên về chiều hướng hư vong, ở một nghĩa nào đó, có thể hiểu là theo nguyên tắc thì thế, như ở vào trường hợp của đương sự phản bội, tuy nhiên, thực tế có thể lại khác, vì đối với Lòng Thương Xót Chúa thì một khi còn tin vào Người thì vẫn được cứu độ. 

 

Image result for judas iscariot hanged himself

 

Phải chăng đó là lý do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng được Đức Thánh Cha Phanxicô coi như vị mở màn cho Thời Điểm của Lòng Thương Xót Chúa, trong tác phẩm "Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng" của mình, ấn bản Anh ngữ (Alfred A. Knopf, New York 1994, trang 186), đã nhận định về trường hợp điển hình đặc biệt của người môn để phản nộp Thày mình như thế này: "Ngay cả khi Chúa Giêsu nói về Giuđa, con người phản bội, rằng 'Thà hắn đừng sinh ra thì hơn' (Mathêu 26:24), thì lời của Người không ám chỉ một cách chắc chắn về số phận muôn đời bị luận phạt"?!

 

Đúng thế, không một ai biết được số phận đời đời của người khác, kể cả của một đại tội nhân như người môn đệ Giuđa Íchca này. Thế nhưng, không một tội nào của loài người có thể qua mặt được và vượt tầm Lòng Thương Xót Chúa vô cùng bất tận, miễn là họ nhận biết Lòng Thương Xót của Người, chấp nhận Lòng Thương Xót của Người, tin vào Lòng Thương Xót của Người, dù vào giây phút cuối cùng của cuộc đời họ.

 

Chỉ có kẻ nào không chấp nhận Lòng Thương Xót của Người, nghĩa là hoàn toàn chối bỏ (deny) Lòng Thương Xót là bản tính vô cùng toàn hảo của Người mới đời đời bị hư đi mà thôi, ngoài ra, cho dù họ có bất trung (unfaithful) với Người đến thế nào chăng nữa, Người vẫn trung thành với họ, vẫn tha thứ cho họ, vẫn cứu độ họ, như chính Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô đã xác tin và khẳng định: "Nếu chúng ta chối bỏ Người thì Người cũng chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta bất trung (unfaithful) thì Người vẫn trung thành, bởi Người không thể chối bỏ chính mình Người" (2Timôthêu 2:12-13). Thậm chí "Thiên Chúa dồn mọi người vào tình trạng bất trung để tỏ lòng thương xót họ" (Roma 11:32).

 

Căn cứ vào nguyên tắc cứu độ này, nếu khách quan so sánh với trường hợp chối bỏ Thày (deny) của tông đồ Phêrô là đầu tông đồ đoàn thì hành động phản nộp chỉ mang tính cách bất trung với Thày (unfaithful) của tông đồ Giuđa Íchca, hơn là chối bỏ Thày, còn nhẹ hơn, còn có thể tha thứ. Vả lại, chính vị tông đồ bất trung này đã tỏ dấu "hối hận" rõ ràng, chỉ khác với việc hối hận của tông đồ Phêrô, ở chỗ một đàng thì tông đồ Phêrô "ra ngoài khóc lóc thảm thiết" (Luca 22:62), một đàng thì tông đồ Giuđa Íchca "đi thắt cổ tự tử", thế thôi.

 

Thế nhưng, chính hành động tự tử của tông đồ Giuđa Íchca lại chứng tỏ vị tông đồ này cảm thấy tội lỗi của mình quá ư là lớn lao trầm trọng, không thể nào đền bù cho đủ, dù có khóc đến mù mắt chăng nữa, ngoài chính cái chết, vì đương sự đã gây ra cái chết cho chính Con Thiên Chúa Làm Người hoàn toàn vô tội, một cái chết mà về phần Thày là cái chết "tự nguyện" (xem Gioan 10:18), chẳng những để cứu chuộc chung nhân loại (xem mathêu 20:28) mà còn để "thánh hóa" riêng thành phần môn đệ của Người (xem Gioan 17:19) là làm cho họ nhận biết Người để sau này làm chứng nhân cho Người nữa.

 

Cho dù vào lúc người môn đệ phản bội tự tử vẫn chưa chính thức ở vào giây phút Chúa Giêsu Kitô "tự hiến để họ (các Tông Đồ) được thánh hóa trong chân lý" (Gioan 17:19), nhưng riêng tông đồ Giuđa phản bội đã nhận biết Người ngay vừa khi biết Người bị Hội Đồng Đầu Mục lên án tử. Hành động người môn đệ phản bội này quyết chọn cách chết tự tử, lủng lẳng treo ở một cành cây nào đó cao hẳn trên mặt đất, thay vì lao đầu xuống biển như một kẻ gây ra gương mù gương xấu (xem Mathêu 18:6) trong tông đồ đoàn, phải chăng đương sự đã có một ngậm ý muốn được Thày của mình "kéo lên", như Thày đã có lần công khai hứa rằng: "Khi Tôi được treo lên, Tôi sẽ kéo mọi sự lên cùng Tôi" (Gioan 12:32).

 

Nếu hình ảnh muốn chết treo trên cao của tông đồ Giuđa Íchca, khách quan hay chủ quan, cho thấy hai cái chết giống nhau (cả hai đều chết treo trên cao bên trên mặt đất) giữa hai Thày trò thế nào, thì tác động gục đầu xuống mà chết của người môn đệ phản bội này cũng được giống như tác động sau cùng của cuộc đời Chúa Giêsu Kitô, tác động "gục đầu xuống mà sinh thì" (Gioan 19:30).

 

Image result for jesus died on the cross

 

Tác động gục đầu chết đầy ý nghĩa này, về phía người môn đệ phản bội, như thể đã hoàn toàn chấp nhận sự thật "Tôi đã phạm tội vì nộp máu người công chính", nên đã "hối hận" như tỏ lòng ăn năn, và về phía Đấng "đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì hư vong" (Luca 19:10), như thể gật đầu chấp nhận tất cả những ai ăn năn thống hối vì tin vào Người, tin vào Lòng Thương Xót của Người, Đấng "đã yêu thương những ai thuộc về mình thì Người muốn chứng tỏ Người yêu họ cho đến cùng" (Gioan 13:1), đặc biệt là người môn đệ phản bội Giuđa Íchca, bởi ngay sau câu trên đây, Thánh ký Gioan đã đề cập liền đến vị tông đồ này: "Trong bữa ăn tối, ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Ítcariốt, ý định nộp Ðức Giêsu" (Gioan 13:2).

 

Nếu ma quỉ đã bắt cóc được người môn đệ Giuđa Íchca nhẹ dạ này để làm tay sai cho hắn, làm nội công bán Thày, thì hắn đâu ngờ rằng chính hắn đã bị gậy ông đập lưng ông, khi tên tay sai của hắn ấy bị nằm gọn trong tay hắn như một thứ con tin, lại được Đấng đã chiến thắng các chước cám dỗ của hắn trong hoang địa (xem Mathêu 4:1-11), nộp mạng chuộc về, chẳng những chuộc được cả cá nhân của người môn đệ phản bội này mà còn chuộc được tất cả loài người nữa, và vì thế, đã làm cho vương quốc được hắn thiết lập trên trần gian từ nguyên tội hoàn toàn bị sụp đổ bởi tay "Vua Dân Do Thái" (Mathêu 27:37), một nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét là "Con Thiên Chúa đã tỏ mình ra để hủy diệt các công việc của ma quỉ" (1Gioan 3:8).

 

Related image

 

5- Số Phận của người môn đệ phản bội theo mạc khải tư

 

Trên đây có thể được kể như là phần biện hộ hùng hồn nhất cho số phận của người môn đệ đáng thương này, căn cứ vào luận cứ vô cùng vững chắc, đó là: 1- LTXC không loại trừ một ai, và 2- dù tội lỗi đến đâu vẫn có thể được cứu nếu biết tin tưởng vào LTXC! Bởi thế, dựa vào những chi tiết có được trong Phúc Âm, người viết, một con người đang cố gắng sống ơn gọi thương xót và thực hiện sứ vụ thương xót của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương, đã xin tạm đóng vai như một luật sư bênh vực cho bất cứ tội nhân nào, bao gồm cả và điển hình nhất là người môn đệ phản nộp Thày mình là Giuđa Íchca.

 

Tuy nhiên, theo mạc khải tư, dù không buộc phải tin, nhưng không phải là không đáng tin, chẳng những 1 mạc khải tư mà còn 2 mạc khải tư nữa: một mạc khải tư do Mẹ Maria tiết lộ trong cuốn "Thần Nhiệm Đô" hay "Mystical City of God", do vị nữ tu Tây Ban Nha thụ khải Maria D'Agreda (2/4/1602 - 24/5/1665), một Đan Viện Mẫu Nữ Đan Viện Phanxicô, ghi lại từ thế kỷ 17, và mạc khải tư khác do Chúa Giêsu tỏ cho chị nữ tu Josepha Menendez (4/2/1890 - 29/12/1923), vị nữ tu Tây Ban Nha, tu Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Poitiers Pháp quốc vào năm 30 tuổi, được Chúa Giêsu vào Mùa Chay và Tuần Thánh năm 1923 cuối đời của chị, và đã viết lại những mạc khải tư này của Chúa trong cuốn "Tiếng Gọi Tình Yêu (bản Việt ngữ), cũng chính là cuốn "The Way of Divine Love" hay "Christ's Appeal For Love" (theo Anh ngữ).

 

Sau đây là 4 đoạn, trong đó, liên quan đến số phận vô cùng bất hạnh của người môn đệ Giuđa Íchca:

 

1- Trong Bữa Tiệc Ly: 

"Ngỏ lời với tất cả các tông đồ, Chúa nói: "Các con đã sạch, nhưng không phải tất cả đã sạch đâu. Ai đã tắm rồi chỉ cần rửa chân nữa là xong (Nghĩa là sạch những khuyết điểm nhẹ, những bất toàn, là những cái trở ngại cho việc lĩnh nhận đầy đủ các hiệu quả thần linh của việc hiệp lễ Thánh Thể).

"Chính Giuđa là kẻ bị Chúa ám chỉ khi nói ra câu trừ ra ở trên. Chúa rất thương xót, không những xử với hắn y như với các tông đồ khác, mà còn tỏ ra những bằng chứng yêu thương đặc biệt. Ngài đến với hắn với một thái độ đáng mến, vỗ về, quỳ xuống chân hắn, rửa chân hắn, hôn lên và áp lên ngực một cách rất âu yếm. Đồng thời, Ngài dội vào linh hồn hắn những ơn soi sáng và ân sủng thích thuận để quy hồi hắn. Nhưng tên khốn nạn đó ruồng rẫy tất cả, vì lẽ hắn đã giao ước với đảng Biệt phái để nộp Thầy mình cho họ, và vì ma quỷ đã chỗm chệ lên ngôi trong tâm hồn nham hiểm của hắn rồi. Từ vực thẳm của lương tâm hắn, nổi lên một trận bão táp mạnh mẽ đầy hổ thẹn, cay đắng và căm hờn, hắn không dám nhìn lên mặt Chúa Giêsu nữa..."

"Sau khi Đức Nữ Vương các thánh đã lãnh nhận Thánh Thể rồi, Chúa Giêsu lại trao bánh thánh hiến cho các Tông đồ, truyền cho các ông chia nhau mà ăn. Bằng lệnh truyền đó, Ngài đã lập chức linh mục. Các Tông đồ bắt đầu thi hành chức vụ ấy trong khi tự mình rước lễ với một niềm tôn kính cao vời và chảy nước mắt nhiệt tâm.

"Chỉ có một mình Giuđa thảm thương là không những không tin, không yêu mến, mà còn oán giận và điên đảo, y vẫn cứ là tên bội phản bỉ ổi nhất. Khi y nghe Chúa Giêsu ra lệnh cho các Tông đồ hiệp lễ, y có mamh tâm giữ bánh Thánh Thể lại, nếu có thể, và đem đến nộp cho các vị thượng tế, làm bằng chứng cho họ lên án Thầy mình vì đã quả quyết bánh đó là chính mình Ngài. Nếu không thể xúc phạm được như thế, y nhất quyết tìm cách khác để mưu hại đến phép Thánh Thể.

"Được một thị kiến rõ ràng, Mẹ Maria quan sát tất cả sự việc xảy ra. Mẹ thấy rõ ý đồ gớm ghiếc của Giuđa. Bừng cháy nhiệt tâm tôn kính Thiên Chúa, tôn kính Con Chí Thánh mình, trong nhiệm tích Thánh Thể, và thấy rõ ý Ngài muốn Mẹ dùng quyền làm Mẹ, làm Nữ Vương trong hoàn cảnh này, Mẹ truyền cho các thiên thần lấy lại bánh và rượu khỏi Giuđa và đặt vào phần còn lại trên bàn. Các thiên thần vâng lệnh Mẹ. Khi con người khốn nạn nhất loài người đó cả gan hiệp lễ, các thiên thần lấy hình bánh hình rượu từ miệng hắn ra, thanh tẩy sự tiếp xúc phạm thánh ấy, rồi đặt chung với các phần khác. Việc ấy thực hiện trong vô hình, nên không ai nhìn thấy ngoài Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Thật là cho đến giây phút cuối cùng, Chúa Giêsu còn muốn bảo vệ thanh danh cho kẻ tử thù của Ngài! Các Tông đồ hiệp lễ cùng với Giuđa, lần lượt theo thứ tự trước sau, ăn Mình và uống Máu thánh tại chỗ nghiêng mình". (Thần Nhiệm Đô)

 

2- Trong Vườn Cây Dầu

"Này Josefa, Cha đã nói cho con biết cách thức mà những người xúc phạm đến Cha cách trầm trọng, trao nộp Cha cho các thù địch của Cha để Cha phải chết, hay chính họ trở nên thù địch của Cha, và các tội của họ chính là những cánh tay hành hình  Cha.

"Thế nhưng, những sa sút trầm trọng không  luôn luôn phải là vấn đề..., có những linh hồn, kể cả những linh hồn rất ưu tú, cũng phạm đến Cha bằng những lầm lỗi quen thuộc của họ, bằng những xu hướng xấu để xẩy ra, những dễ chịu cho bản tính buông tuồng, những từ chối nghịch lại đức bác ái..., đức vâng lời..., sự thinh lặng, v.v. Nếu tội lỗi và tệ bạc của các người đời làm Trái Tim Cha đau đớn, thì còn đớn đau đến đâu khi Trái Tim Cha bị những linh hồn Cha yêu thương tha thiết làm khổ... Sở dĩ cái hôn của Giuđa khiến cho Cha thật là đau lòng là bởi vì hắn là một trong Số Mười Hai, người tông đồ mà Cha mong nhận được nhiều tình yêu hơn, nhiều an ủi hơn và nhiều thông cảm hơn!...

"Đừng để Cha lẻ loi một mình..., hãy tỉnh thức và cầu nguyện với Cha, này kẻ thù đến nơi rồi đó.

"Khi quân lính tiến đến bắt Cha, Cha nói với họ: 'Chính Tôi đây'. Cũng một lời nói như thế, Cha phát ra khi một linh hồn sắp chịu thua chước cám dỗ: 'Chính Cha đây'. Con đến để phản lại Cha và trao nộp Cha ... Không sao, cứ đến, vì Cha là Cha con, và chỉ cần con ưng thuận thì không phải là con dùng sợi giây tội lỗi trói buộc Cha mà là Cha sẽ dùng sợi giây tình yêu mà trói con lại!

"Hãy đến, chính Cha là Đấng yêu thương con, chính Cha là Đấng đã đổ hết Máu mình ra cho con... Cha thương con yếu đuối, Cha mong được mở cánh tay Cha để ghì chặt lấy con trong Tình Yêu âu yếm của Cha!

"Hãy đến, người Cha tuyển chọn, hãy đến, linh mục của Cha... Cha là tình thương vô biên..., đừng sợ Cha sẽ trừng phạt các con... Cha sẽ không xua đuổi các con đâu, ngược lại, Cha sẽ mở Trái Tim Cha cho các con, âu yếm yêu thương các con hơn nữa. Tất cả trời cao sẽ hoan hỉ và ngẩn ngơ về vẻ đẹp hồi xuân của các con, và Trái Tim Cha sẽ tìm được nghỉ ngơi trong trái tim của các con. 

"Than ôi, Cha nản lòng biết bao khi thấy rằng, sau những lời thật là êm ái đó mà vẫn còn một số muốn trói buộc Cha và đem Cha đi đến chỗ chết...  Sau khi trao cho Cha cái hôn của một kẻ tạo phản, Giuđa bỏ khu vườn, và khi nhận thức được tội ác nặng nề của mình thì đâm ra thất vọng. Ai có thể đo lường được nỗi buồn khổ của Cha khi Cha thấy người tông đồ của Cha lao mình xuống hoả ngục!..." (Tiếng Gọi Tình Yêu - Mùa Chay ngày 15/3/1923)

3- Nơi Tòa Caipha: 

"Mẹ đặc biệt lo đến thánh Phêrô lúc ấy. Luxiphe sách động bọn nữ tì và quân lính đến hạch hỏi ông, đồng thời nó cám dỗ ông rất mạnh, làm ông phải nao núng. Ông đã chối Thầy mình hai lần nữa, trước khi gà gáy lần thứ hai, tại sân nhà thượng tế Caipha. Chối lần thứ hai xong, ông định bụng lẻn ra ngoài. Nhưng vừa không thuộc đường lối, vừa không dám ra phía cổng đang bị canh giữ nghiêm ngặt, ông cứ luẩn quẩn mãi trong sân. Cho tới lúc một kẻ bà con với tên Manchu đến quả quyết nói thẳng với bọn lính chính hắn đã gặp ông ở vườn Cây Dầu với Chúa, ông to tiếng thề rằng: mình chẳng hề có biết ông Giêsu là ai bao giờ cả. Nhìn thấy cảnh tượng đó trong Linh Hồn Chúa, Mẹ Maria liền sấp mình xuống đất, châu lệ chứa chan, xin ơn tha thứ cho ông. Theo lời Mẹ xin, Chúa Giêsu tỏ tình thương xót ghé nhìn ông, và ban cho ông đầy ánh sáng sinh ra trong ông một hối hận cay đắng. Trong lúc gà gáy lần thứ hai, ông nhớ lại lời Chúa báo trước. Tâm hồn tan nát, vừa đau đớn vừa khóc nức nở, ông lủi thủi lẻn ra một cái hang. Ở đó ông chua xót khóc mãi tội mình. Sợ ông thất vọng, Mẹ Maria sai một thiên thần hầu cận đến bí mật ban thêm nghị lực, lòng tin tưởng và ơn an ủi cho ông.

"Nhưng Giuđa không vậy. Y hối hận cách khác. Y cũng vào dinh thượng tế Caipha. Khi thấy Thầy mình bị lên án bất công và bị hành hạ quá dã man; khi y nhớ lại tình nhân hậu và phép lạ Thầy làm, y đâm đay nghiến với tội ác mình phạm, nhưng chỉ vì lý do hoàn toàn tự nhiên, chứ không có một chút hy vọng nào. Bị Luxiphe thúc đẩy, y điên cuồng căm phẫn chính mình, muốn lên một tầng lầu cao, nhảy qua cửa sổ xuống mà chết. Nhưng không đạt được ý định, y lao mình ra đường phố, y như một con thú dại, tức tối, đập đầu vỡ máu, giật tóc bứt râu và phun ra những lời nguyền rủa ghê gớm mà chửi bới chính mình. Y nghe theo lời Satan xúi dục, đem trả ba mươi đồng bạc cho các thượng tế, sau khi thú nhận tội mìmh. Nhưng vẫn chưa yên, mà lại càng thêm thất vọng. Y lang thang tất tưởi cho tới giữa trưa hôm sau, ngày thứ sáu, y đã thắt cổ trên một cây khô. Ma quỷ ném linh hồn y vào một hang tối tăm và rất rộng, có những hình phạt rất khủng khiếp đón chờ y và hết những Kitô hữu không chịu lợi dụng ơn Cứu Chuộc của Chúa. Hang tối này, từ trước ma quỷ không sao đem một ai vào được, dầu làm hết cách. Nhưng lại ném Giuđa vào được cách rất dễ dàng. Còn xác y treo mãi trên cây, nứt bụng sổ hết ruột ra ngoài nhầy nhụa. Người Dothái làm hết cách mà không tháo được xác y xuống. Họ rất xấu hổ, vì cái chết đó đã tố cáo sự bất công của họ. Mãi ba ngày sau, Thiên Chúa mới cho phép chính ma quỷ đến để tháo khỏi và lôi luôn xác y xuống hoả ngục, cho hợp với linh hồn mà chịu khổ hình muôn kiếp". (Thần Nhiệm Đô)

 

4- Nơi Tòa Philatô:

"Sau vụ phản bội trong Vườn Cây Dầu, Giuđa lang thang bất định, một con người trốn lánh, một con mồi bị lương tâm gặm nhắm, oán trách về những phạm thánh xấu xa nhất. Rồi khi hắn nghe thấy rằng Cha bị lên án tử, hắn hoàn toàn tuyệt vọng và tự treo cổ.

"Ai có thể lường được Trái Tim Cha đớn đau mãnh liệt và sâu xa là chừng nào, khi thấy linh hồn này được tình yêu dạy dỗ lâu dài như thế..., con người nhận lãnh giáo huấn của Cha, một con người thường được nghe môi miệng Cha nói về lòng thứ tha đối với những tội ác xấu xa nhất, cuối cùng lại gieo mình vào lửa hỏa ngục?

"A! Giuđa ơi, tại sao con lại không gieo mình xuống dưới chân Thày, để Thày có thể tha thứ cho con? Nếu con sợ đến gần Thày, vì nhóm người man dợ đang bủa vây chung quanh Thày, thì ít là con hãy nhìn vào Thày... Đôi mắt của Thày sẽ bắt gặp đôi mắt của con, ngay cả cho đến lúc này đây, đôi mắt của Thày vẫn âu yếm  chú ý đến con.

"Ôi, tất cả các con là những linh hồn đã bị lún sâu trong tội, và những người, hơn một lần, không dài thì ngắn, đã sống như những kẻ hoang đàng và trốn lánh vì những tội ác của mình..., nếu những xúc phạm mà các con lầm lỗi làm cho lòng các con cứng cỏi và mù loà..., nếu việc để cho các đam mê này nọ làm các con chìm đắm vào những con đường gian ác... A! khi nào những động lực hay những đồng chí phạm tội bỏ mặc các con, và các con nhận ra tình trạng linh hồn mình, Ôi, lúc bấy giờ các con đừng nản lòng tuyệt vọng! Vì bao lâu còn hơi thở, người ta vẫn có thể chạy đến kêu cầu tình thương mà xin ơn tha thứ. (Tiếng Gọi Tình Yêu - Mùa Chay ngày 24/3/1923)

 

5- Sau Khi Chúa Chết:

"Ngày hôm đó, cả ngục tổ cả luyện ngục đều hoan hỉ, và ngày Chúa sống lại cả hai nơi đều trống không. Nhưng ngày hôm đó là ngày kinh hoàng cho hoả ngục. Ma quỷ rụng rời hoảng hốt, chen nhau chui rúc vào những hang sâu thẳm nhất, như những con rắn bị rượt+ đuổi. Những kẻ bị luận phạt, nhất là Giuđa và kẻ trộm dữ, đều phải chịu thêm khổ hình nhục nhã đau đớn". (Thần Nhiệm Đô)

 

Câu truyện về số phận đời đời hư đi của người môn đệ bất hạnh phản bội Thày mình là Giuđa Íchca chỉ vì tham lam này đã khiến cho chúng ta không khỏi suy nghĩ đến những con người tham lam tiền của khác trên thế gian này, một khuynh hướng tham lam sẵn có ở nơi tất cả mọi người đã vướng mắc nguyên tội. Tuy nhiên, có người nặng người nhẹ, người mạnh người yếu, người nhiều người ít, nhất là nơi những con người có ác tính, hơn là những con người lành tính hay dễ tính kể cả khó tính nhưng không ác tính.

Bởi vì, những con người đã tham lam lại còn có ác tính nữa thì khủng khiếp vô cùng, với đầy mưu mô cướp đoạt, thù hằn oán ghét, tác hại, bất chấp thủ đoạn, thậm chí sát hại, đến độ sung sướng trên đau khổ của nạn nhân, của kẻ thù mình. Những con người tham lam đầy ác tính này vì thế rất chủ quan và cứng lòng... Có hối hận cũng chỉ vì oán hận cái ngu dại nơi bản thân ngông cuồng của mình hơn là tin vào LTXC để xin được thứ tha và đáng được cứu độ... như một người môn đệ Giuđa Ichca vô cùng khốn nạn đáng thương! Ít là số phận của con người này cũng là một lời cảnh báo hữu ích và cần thiết cho những ai đã tham lam lại sẵn ác tính!

 

Trong buổi triều kiến chung Thứ Tư ngày 18/10/2006, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói về người môn đệ phản bội Giuđa Íchca như sau:


"Mầu nhiệm này thậm chí còn sâu kín hơn nữa khi người ta nghĩ tới số phận đời đời của con người ấy, khi thấy rằng Giuđa 'đã tỏ ra hối hận mang 30 đồng bạc đến cho các vị trưởng tế và kỳ lão mà nói ‘tôi đã phạm tội gây đổ máu người vô tội’ (Mt 27:3-4). Mặc dù con người này đã đi thắt cổ tự vẫn (x Mt 27:5), chúng ta cũng không được phán đoán cử chỉ này của con người ấy, đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa là Đấng vô cùng xót thương và công chính. 


"Sau khi sa ngã, Tông Đồ Phêrô đã tỏ ra hối hận rồi được thứ tha và ân sủng. Giuđa cũng tỏ ra hối hận, nhưng việc hối hận của con người này lại thoái hóa thành tuyệt vọng và vì thế đã đi đến chỗ tự diệt. Đối với chúng ta thì đó là một lời kêu gọi hãy luôn nhớ đến những gì được Thánh Biển Đức viết ở đoạn kết Chương 5 – những gì căn bản – nơi Luật của ngài: 'Đừng bao giờ tuyệt vọng trước tình thương của Thiên Chúa'. Thật vậy, Thánh Gioan đã viết 'Thiên Chúa là Đấng cao cả hơn lòng của chúng ta'” (1Jn 3:20).  

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

Chúa Nhật IV Mùa Chay 26/3/2017