NGÀY CÙNG THÁNG TẬN - ĐỨNG THẲNG NGƯỚC CAO

 

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL

 

Cảm hứng xuất phát từ Phụng Vụ Giờ Kinh Sáng Thứ Bảy 28/11/2020

 

 

Hôm nay, Thứ Bảy, cuối tuần lễ XXXIV Thường Niên, ngày cuối cùng và kết thúc cho cả một phụng niên, trong bài Phúc Âm của Thánh Luca được Giáo Hội chọn đọc cho ngày cuối cùng của phụng niên này, Chúa Giêsu kêu gọi và căn dặn thành phần môn đệ của Người rằng: "Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!" (21:26).

 

Đúng thế, thái độ và cử chỉ "Đứng Thẳng Ngước Cao", như Chúa Kitô cũng đã căn dặn các vị trong Bài Phúc Âm hôm Thứ Năm Tuần XXXIV này "Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến" (Luca 21:28) chính là dấu hiệu cho thấy thành phần môn đệ của Chúa Kitô, trong suốt giòng lịch sử của Giáo Hội, nhất là trong những ngày cùng tháng tận, tỏ ra "tỉnh thức và cầu nguyện": "tỉnh thức" ở chỗ "đứng thẳng" và "cầu nguyện" ở chỗ "ngước cao". 

Tuy nhiên, tại sao lại phải "đứng thẳng ngước cao", nếu không phải "để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"!  Vậy, "những việc sắp xảy đến" đây là gì và như thế nào mà phải "đứng thẳng ngước cao" như thế? Nếu không phải là tất cả những gì đã được Chúa Kitô cảnh báo cho các môn đệ của Người biết sẽ xẩy ra trong những ngày cùng tháng tận. Thật thế, không ai biết được chính xác lúc nào "Người lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết", thế nhưng, cho dù không tiết lộ, Người cũng cho biết những dấu hiệu giúp cho các môn đệ của Người có thể như 5 cô trinh nữ khôn ngoan sẵn sàng nghênh đón Người một cách xứng đáng.

 

Các dấu hiệu được Chúa Kitô tiết lộ cho các môn đệ của Người biết về ngày cùng tháng tận, trong suốt tuần lễ XXXIV cuồi cùng này của phụng niên, được Thánh Luca thuật lại trong các bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc trong tuần này, có thể phân loại và tóm gọn liên quan đến 6 lãnh vực chính yếu sau đây: 1- đến lòng người gian dối; 2- đến xã hội bạo loạn; 3- đến thiên nhiên biến động; 4- đến Kitô hữu khốn khổ, 5- đến Giáo Hội hoạn nạn, và 6- đến tầng trời khủng hoảng.

 

1- Lòng người gian dối - Phúc Âm Thứ Ba"Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối: vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: 'Chính ta đây và thời gian đã gần đến', các con chớ đi theo chúng".

- Thánh Tông Đồ Phêrô Thư Hai 3:17: "Anh em hãy coi chừng kẻo bị những kẻ phạm pháp và lầm lạc lôi cuốn, mà không còn đứng vững nữa chăng"    
    - Thánh Tông Đồ Phaolô Thư 2 Thessalonica 2:1-4,7, 9-12: "Thưa anh em, về ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, tôi xin anh em điều này:... anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào. Vì trước hết phải xẩy ra chuyện bỏ đạo tập thể (hay bội giáo tập thể - mass apostasy), rồi mới xuất hiện tên lăng loàn (lawlessness) tôn mình lên trên tất cả những gì được gọi là thần và được sùng bái, thậm chí nó còn ngồi trong Đền Thờ Thiên Chúa và tự xưng là Thiên Chúa. Thật vậy, mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành... Còn việc tên gian ác xuất hiện là do tác động của Xa-tan, có kèm theo đủ thứ phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng, và đủ mọi mưu gian chước dối, nhằm hại những kẻ phải hư mất, vì đã không đón nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ. Vì thế Thiên Chúa gửi đến một sức mạnh mê hoặc làm cho chúng tin theo sự dối trá; như vậy, tất cả những kẻ không tin sự thật, nhưng ưa thích sự gian ác, thì sẽ bị kết án".   

 

2- Xã hội bạo loạn - Phúc Âm Thứ Ba: "Các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc... Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ"      

 

3- Thiên nhiên biến động Phúc Âm Thứ Ba: "Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể" 

4- Kitô hữu khốn khổ - Phúc Âm Thứ 4: "Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con ... Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy" 

- Thánh Tông Đồ Giuđa 1:18-19: “Vào thời cuối cùng sẽ có những kẻ nhạo báng, sống theo những dục vọng vô luân của mình. Họ là những kẻ gây chia rẽ, sống theo tính tự nhiên, không có Thần Khí".   

 

5- Giáo Hội hoạn nạn - Phúc Âm Thứ 5: "Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá... Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt"

- Thánh Tông Đồ Phaolô Thư Roma 11:25: "Tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là: một phần dân Ít-ra-en đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ".   

- Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 675: "Trước khi Đức Ki-tô quang lâm, Hội Thánh phải trải qua một cuộc thử thách cuối cùng khiến nhiều tín hữu bị lung lạc đức tin ( x. Lc 18,8; Mt 14,12). Những cuộc bách hại mà Hội Thánh phải chịu trong suốt cuộc lữ hành trên trần thế (x. Lc 21,12; Ga 15,19-20) sẽ vạch trần "mầu nhiệm sự dữ" dưới hình thức bịp bợm tôn giáo; hình thức này chỉ đem lại cho con người một giải đáp giả tạo cho các vấn đề của họ để rồi họ phải xa rời chân lý. Sự bịp bợm tôn giáo nham hiểm nhất là sự bịp bợm của tên Phản Ki-tô, nghĩa là của một thuyết Mê-si-a giả hiệu: trong đó, con ngƣời tự tôn vinh chính mình thay vì tôn vinh Thiên Chúa và Đấng Mê-sia của Người đã đến trong xác phàm ( x. 2Th 2, 4-12; 1Th 5,2-3; 2Ga 7; 1Ga 2,18.22)".     

6- Tầng trời khủng hoảng - Phúc Âm Thứ 5: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao" 

- Thánh Tông Đồ Giuđa 1:13"Họ là những vì sao lạc, u ám tối tăm là nơi dành cho họ đến muôn đời".  

- Thánh Tông Đồ Phêrô Thư Hai 3:10,12"Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ... ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng"    

 

Đứng Thẳng Ngước Cao là "tỉnh thức và cầu nguyện" chẳng những "để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến" rất kinh hoàng và ghê rợn cùng nguy hiểm đến phần rỗi đời đời của những ai sống vào những ngày cùng tháng tận ấy, như được Chúa Kitô cảnh báo và dẫn chứng trên đây, mà còn "để đứng vững trước mặt Con Người!". Sau đây là 3 vị thánh có thể giúp Kitô hữu môn đệ chúng ta vượt qua những ngày cùng tháng tận kinh hoàng này:

1- Khảo luận của thánh Síp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo, nhan đề "Hãy xua tan nỗi sợ chết và nghĩ đến ơn trường sinh bất tử', giúp chúng ta không sợ trước tất cả những gì là rùng rợn chết chóc liên quan đến ngày cùng tháng tận; 

2- Bài giảng của thánh Gio-an Kim Khẩu, giám mục nhan đề "Làm chiên, ta thắng ; làm sói, ta thua", giúp cho thành phần môn đệ Chúa Kitô bất khuất trước tất cả những bách hại và sát hại vào ngày cùng tháng tận;

3- Bài giảng của thánh Âu-tinh, giám mục: "Hãy hát Ha-lê-lui-a mừng Thiên Chúa nhân lành đã giải thoát chúng ta khỏi sự dữ", giúp cho thành phần Kitô hữu chúng ta hân hoan nghênh đón Chúa Kitô vào ngày cùng tháng tận.


Hãy xua tan nỗi sợ chết và nghĩ đến ơn trường sinh bất tử

 

(Phụng Vụ Giờ Kinh Sách II cho Thứ 6 Tuần XXXIV Thường Niên) 

 

giúp chúng ta không sợ trước tất cả những gì là rùng rợn chết chóc liên quan đến ngày cùng tháng tận

Trích khảo luận của thánh Síp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo, về thân phận phải chết của con người.

 

Phải luôn nhớ rằng chúng ta không được sống theo ý riêng, nhưng phải thi hành thánh ý Thiên Chúa. Đó là điều Chúa đã truyền dạy chúng ta phải cầu xin mỗi ngày. Thật là ngược đời và mâu thuẫn, trong khi cầu xin cho thánh ý Thiên Chúa được thể hiện, chúng ta lại không mau mắn tuân theo thánh ý Người, khi Người gọi chúng ta ra khỏi thế gian. Chúng ta ra đi vì bó buộc chứ không do lòng vâng phục. Chúng ta được dẫn đến trước nhan Chúa, nhưng tâm hồn lại ủ rũ buồn phiền. Chúng ta kháng cự và chống đối tựa những tên đầy tớ ương ngạnh. Chúng ta mong muốn được Thiên Chúa ban thưởng trên trời, thế mà ta lại đến với Người cách miễn cưỡng ! Tại sao chúng ta lại cầu xin cho Nước Trời mau đến, trong khi vẫn cứ thích bám lấy cảnh lưu đày trần gian ? Tại sao chúng ta cứ xin đi xin lại cho triều đại Chúa mau đến, trong khi chúng ta những thiết tha mong muốn làm tôi ma quỷ ở đời này hơn là cùng hiển trị với Đức Ki-tô ?

Thế gian thù ghét người Ki-tô hữu, thế thì tại sao bạn lại yêu quý kẻ thù ghét bạn, mà lại không đi theo Đức Ki-tô, Đấng cứu chuộc và yêu thương bạn ? Thánh Gio-an kêu gọi và khuyến khích chúng ta đừng chạy theo đam mê xác thịt mà yêu quý thế gian. Thánh nhân viết trong thư : Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian : như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của ; mà thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi. Anh em thân mến, tốt hơn chúng ta hãy sẵn sàng thực thi trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa, với tinh thần trung thực, đức tin vững vàng và chí khí cương nghị. Chúng ta hãy xua tan nỗi sợ chết và nghĩ đến ơn bất tử đã bắt đầu. Chúng ta hãy tỏ cho người ta thấy điều chúng ta tin.

 

Anh em thân mến, chúng ta phải suy và phải luôn tâm niệm rằng mình đã từ bỏ thế gian và đang sống ở đời này như khách lữ hành và người tạm trú. Chúng ta hãy ấp ủ trong lòng cái ngày mỗi người được trở về nơi mình cư ngụ, ngày chúng ta được giải thoát khỏi đời này, được thoát khỏi cạm bẫy thế gian mà vào lại thiên đàng, vào vương quốc. Có lữ khách nào lại không muốn mau được trở về quê hương ? Hãy nhớ quê hương chúng ta là thiên đàng. Ở đó đông đảo những người thân yêu đang mong đợi chúng ta : cha mẹ, anh em, con cái và biết bao người đang mong gặp chúng ta. Họ đang được hạnh phúc hưởng ơn cứu độ, nhưng vẫn còn lo cho ơn cứu độ của chúng ta. Được đến gần họ và ôm lấy họ, thì cả họ lẫn chúng ta sẽ vui mừng biết mấy. Ôi, hạnh phúc biết bao khi được vào thiên quốc, nơi không còn sợ chết nữa ! Ôi, được sống muôn đời ở đó quả là niềm sung sướng tuyệt vời và vô tận !

 

Ở đó có đoàn Tông Đồ vinh hiển. Ở đó có hàng ngôn sứ hân hoan. Ở đó có vô vàn vô số chứng nhân tử đạo được ban thưởng triều thiên chiến thắng vì đã anh dũng chiến đấu và chịu cực hình. Ở đó có các trinh nữ khải hoàn vì đã nhờ tiết độ mà khuất phục đam mê và chế ngự thân xác. Ở đó, những người có lòng thương xót được ân thưởng : họ đã thực hành đức công chính khi nuôi dưỡng người nghèo và rộng tay làm phúc ; họ đã vâng lệnh Chúa truyền mà chuyển gia sản trần gian vào kho tàng thiên quốc.

 

Anh em thân mến, chúng ta hãy khát khao sớm được gặp họ. Ước chi Thiên Chúa thấy chúng ta có tư tưởng ấy. Ước gì Đức Ki-tô nhìn thấy lòng chúng ta tin và quyết định như vậy. Những ai càng khao khát Đức Ki-tô thì càng được Người thương yêu và ân thưởng.


Làm chiên, ta thắng ; làm sói, ta thua

 

(Phụng Vụ Giờ Kinh Sách II cho Thứ 5 Tuần XXXIV Thường Niên)

 

giúp cho thành phần môn đệ Chúa Kitô bất khuất trước tất cả những bách hại và sát hại vào ngày cùng tháng tận  


Trích bài giảng của thánh Gio-an Kim Khẩu, giám mục, về Tin Mừng theo thánh Mát-thêu.


Bao lâu là chiên, bấy lâu ta thắng. Cho dù vô số sói dữ vây quanh, ta vẫn thắng. Nhưng nếu là sói, ta sẽ thua : vì không còn được Đấng Chăn Chiên trợ giúp. Thật vậy, Chúa không chăn sói, chỉ chăn chiên. Người sẽ bỏ rơi và xa lánh bạn, vì bạn không để cho Người bày tỏ quyền năng. 

Người muốn nói thế này : Khi sai anh em đi giữa sói rừng, Thầy truyền cho anh em hãy nên như chiên, và như bồ câu. Thầy đã có thể làm ngược lại, không sai anh em đi để gặp phải điều dữ, cũng không nộp anh em như nộp chiên cho sói, nhưng có thể làm cho anh em nên hùng mạnh hơn sư tử. Tuy nhiên, sự việc diễn ra như thế là phải, nhờ đó, anh em được vẻ vang hơn và quyền năng của Thầy cũng được tỏ rõ. Chúa cũng nói như vậy với thánh Phao-lô : Ơn của Thầy đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Chính Thầy đã xếp đặt cho anh em như thế. Thật vậy, khi nói Thầy sai anh em đi như chiên con, Người ngụ ý rằng : Anh em đừng nhụt chí, vì Thầy biết, Thầy nắm chắc là anh em sẽ trở thành vô địch, không ai thắng nổi. 

Rồi để chính họ tự mình làm được điều gì đó, và khỏi bị coi là chuyện chi cũng nhờ ân sủng thực hiện, khỏi bị cho là được thưởng vô lý, Chúa mới bảo họ : Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Nhưng họ sẽ nói : Giữa bằng ấy hiểm nguy, khôn ngoan làm gì được cho chúng ta ? Giữa bấy nhiêu sóng gió dập dồn, làm sao mà khôn ngoan cho được ? Mà dẫu cho có khôn ngoan mấy đi nữa, thì giữa sói, giữa bầy sói quá đông như vậy, chiên làm được cái gì ? Bồ câu có đơn sơ mấy đi nữa, thì sự đơn sơ ấy cũng giúp gì được cho bồ câu khi bị lũ chim ưng quá đông như vậy săn bắt ? Khôn ngoan hay đơn sơ hẳn là chẳng giúp ích gì cho loài vật không lý trí, nhưng sẽ giúp ích rất nhiều cho anh em. 

Nhưng hãy xem Chúa đòi chúng ta phải có thứ khôn ngoan nào ? Người nói : Khôn như rắn. Rắn bỏ hết, cả khi có bị chặt khúc, nó cũng chẳng chống cự bao nhiêu, miễn là còn giữ được cái đầu. Chúa nói : Con cũng vậy, giữ lấy đức tin thôi, còn thì bỏ hết : tiền bạc, thân xác, cả mạng sống nữa. Vì đức tin là đầu mà cũng là gốc. Giữ được đức tin, thì có mất tất cả, sau này con cũng sẽ được lại tất cả và được dư tràn. Vì thế, Chúa không dạy là chỉ phải đơn sơ thôi hay chỉ phải khôn ngoan thôi, nhưng Người gộp cả hai lại, và có đủ cả hai thì mới thật là nhân đức. Người muốn bạn khôn như rắn để bạn tránh được những vết tử thương. Người muốn bạn đơn sơ như bồ câu để đừng trả đũa kẻ hại bạn và đừng trả thù kẻ gài bẫy bạn ; chẳng vậy, thì khôn ngoan cũng hoàn toàn vô ích. 

Xin đừng ai nghĩ rằng những huấn lệnh trên đây không thể thi hành được, vì hơn ai hết, Chúa biết rõ bản tính của mọi loài : Chúa biết là để chiến thắng hung ác, không thể dùng hung ác, nhưng phải dùng hiền từ.

Hãy hát Ha-lê-lui-a mừng Thiên Chúa nhân lành đã giải thoát chúng ta khỏi sự dữ

   (Phụng Vụ Giờ Kinh Sách II cho Thứ 7 Tuần XXXIV Thường Niên) 

 giúp cho thành phần Kitô hữu chúng ta hân hoan nghênh đón Chúa Kitô vào ngày cùng tháng tận 


Trích bài giảng của thánh Âu-tinh, giám mục.

 

Trên cõi đời này, dẫu còn phải âu lo, chúng ta hãy cứ hát lên Ha-lê-lui-a, để một ngày kia khi được yên ổn nơi cõi phúc, chúng ta vẫn có thể hát lên lời này. Tại sao ở đời này ta phải âu lo ? Tôi đọc thấy thế này : Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời thử thách sao, mà bạn lại bảo tôi đừng lo lắng ư ? Tôi nghe dạy thế này : Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ, mà bạn lại bảo tôi đừng lo lắng ư ? Cám dỗ quá nhiều, đến nỗi Chúa phải truyền dạy chúng ta cầu nguyện thế này : Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con, mà bạn lại bảo tôi đừng lo lắng ư ? Ngày ngày phải cầu xin, vì ngày ngày ta mắc tội. Ngày ngày tôi phải xin tha tội, xin cứu nguy, mà bạn lại bảo tôi cứ yên lòng yên trí sao ? Thật vậy, vừa nhắc đến tội lỗi đã phạm : Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con, tôi đã phải nghĩ ngay đến hiểm nguy sắp tới và thêm : Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Dân hạnh phúc làm sao được khi còn phải cùng tôi kêu cầu : Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Tuy vậy, thưa anh em, ngay khi gặp sự dữ như thế, chúng ta cũng cứ hát Ha-lê-lui-a mừng Thiên Chúa nhân lành là Đấng cứu chúng ta khỏi sự dữ.

 

Chúng ta hãy cứ hát Ha-lê-lui-a cùng với mọi người, dầu đang gặp hiểm nguy, dầu đang chịu cám dỗ. Thánh Phao-lô nói : Thiên Chúa là Đấng trung tín : Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức. Vậy giờ đây, chúng ta hãy hát Ha-lê-lui-a. Bây giờ, con người mắc tội, nhưng Thiên Chúa trung tín. Thánh Tông Đồ không bảo là Thiên Chúa không để anh em bị thử thách, mà nói : Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức. Nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho lối thoát, để anh em có sức chịu đựng. Bạn gặp thử thách, nhưng Thiên Chúa sẽ cho lối thoát để bạn khỏi quỵ ngã trong thử thách. Như chiếc bình trong tay thợ gốm, bạn được lời giảng dạy nắn đúc và được gian truân tôi luyện. Nhưng khi gặp thử thách, bạn hãy nhớ là mình có lối thoát, vì Thiên Chúa trung tín : Người gìn giữ bạn lúc ra vào lui tới.

 

Hơn nữa, khi thân xác của chúng ta được trở thành bất tử bất hoại thì không còn cám dỗ nào nữa. Thật vậy, thánh Phao-lô nói : Thân xác thì phải chết. Tại sao chết ? – Vì tội đã phạm. Còn Thần Khí làm cho được sống. Tại sao ? – Vì đã được nên công chính. Vậy chúng ta bỏ cái thân xác phải chết này sao ? Không phải vậy đâu. Xin nghe đây : Nếu Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Ki-tô sống lại từ cõi chết ngự trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Ki-tô sống lại từ cõi chết, cũng sẽ làm cho thân xác phải chết của anh em được sống. Thật vậy, bây giờ thân xác có sinh khí, nhưng bấy giờ thân xác có Thần Khí.

 

Ôi, lúc ấy, tiếng hát Ha-lê-lui-a sẽ hạnh phúc dường nào ! Ôi, an toàn biết bao ! Không ai chống đối, không kẻ hiềm thù, không sợ mất bạn hữu nữa ! Nơi đó ngợi khen Thiên Chúa, nơi đây cũng ngợi khen Thiên Chúa. Nhưng nơi đây, ngợi khen giữa bao lo lắng, còn nơi đó, trong cảnh an toàn. Nơi đây là những người sắp chết lên tiếng ngợi khen, nơi đó là những kẻ sống muôn đời. Nơi đây ngợi khen trong hy vọng, nơi đó ngợi khen trong hiện thực. Nơi đây là lữ thứ, nơi đó là quê hương.

 

Vậy giờ đây, anh em thân mến, chúng ta hãy hát lên, không phải để mua vui lúc nghỉ ngơi, nhưng để nhẹ bớt những lao nhọc. Như các lữ khách vẫn thường hát, bạn hát lên, nhưng đồng thời vẫn tiến bước. Hãy hát cho vơi bớt nhọc nhằn, đừng ham lười biếng. Hãy vừa hát vừa đi. Đi là thế nào ? Là tiến lên, tiến lên trong sự thiện. Vì theo thánh Tông Đồ thì có những người đang tiến sâu vào sự dữ. Còn bạn, nếu bạn tiến là bạn đang bước đi. Nhưng hãy tiến lên trong sự thiện, tiến lên trong đức tin chân chính, tiến lên trong cách ăn nết ở tốt lành. Bạn hãy vừa hát vừa đi.


 

Các huấn dụ của chung 3 vị thánh mà chúng ta vừa nghe hôm nay, đặc biệt là bài giảng trên đây của Thánh Âu Quốc Tinh với nội dung tràn đầy hân hoan hoàn toàn phản ảnh bài Phúc Âm cuối cùng của Phụng Niên hôm nay, trong đó, Chúa Kitô, sau biết bao cảnh báo tiêu cực về ngày cùng tháng tận của con người và lịch sử trên trần gian này, đã kết thúc bằng một dấu báo hướng về chân trời cứu độ tràn đầy sự sống:  

"Các con hãy xem cây vả và mọi thứ cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến. 

Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến".  

 

Đúng thế, ngày cùng tháng tận là thời điểm mùa đông lịch sử chết chóc, thế nhưng, sau mùa đông lịch sử chết chóc này của loài người trên trần gian này là mùa xuân hy vọng và mùa hè sự sống. Mùa xuân hy vọng ở chỗ: "cây vả và mọi thứ cây cối... đâm chồi nảy lộc", và mùa hè tràn đầy sự sống: "mùa hè đã gần đến...  nước Thiên Chúa đã gần đến".

Đó là lý do để kết thúc toàn bộ mạc khải thánh kinh, Sách Khải Huyền đã cho chúng ta thấy: "tất cả mọi sự được canh tân", trở thành "trời mới đất mới", "nơi Thiên Chúa ở giữa loài người".

 

Vậy, chúng ta càng Ngày Cùng Tháng Tận, Kitô hữu chúng ta càng phải Đứng Thẳng Ngước Cao vậy. Amen.