Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 83, Chúa Nhật 28.12.2008


MỤC LỤC 

Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam   ĐGH. Gioan XXIII

NỮ TỬ BÁC ÁI: CHỨNG TỪ CỦA SỰ IM LẶNG GIÁNG SINH.               Gs. Trần Duy Nhiên

Noel về tôi nhớ Uỷ ban Đoàn kết                                                                    Hương Giang

ĐÀO TẠO (chia sẻ về Truyền giáo, bài 7)                                  TGM. Jos Ngô Quang Kiệt

BÀN TIỆC LỜI CHÚA TRONG GIA ĐÌNH                                Phó tế GB. Nguyễn Văn Định

TÂM HỒN TA PHẢI MỚI                                                 Nhà Văn Xuân Vũ Trần Đình Ngọc

CÓ NHIỀU CHA DÂNG LỄ THÌ LINH HỒN ĐƯỢC MAU CỨU RỖI?   Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

ĐỪNG THƯƠNG HẠI (BÀI 2)                                                                 Lm. Lê Văn Quảng

NĂM MỚI, THĂNG TIẾN NIỀM TỰ QUÝ TRONG HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG        Trần Hiếu

Hãy đẾn vỚi MẸ Maria.                               Lm. MICAE-PHAOLÔ TRẦN MINH HUY pss

HÍT KHÓI THUỐC DƯ                                                                         Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức

CON NGƯỜI VÀ LÒNG NGƯỜI -                                               Chuyện phiếm của Gã Siêu 


Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam

 

Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum (ngày 24-11-1960) của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII về việc thiết lập phẩm trật Giáo hội tại Việt Nam

Gioan Giám mục,

Tôi tá các tôi tá Thiên Chúa để ghi nhớ muôn đời. 

Chư huynh đáng kính, vị hồng y Giáo hội Roma, phụ trách tại Thánh bộ Truyền giáo, sau khi tham khảo ý kiến hiền tử Mario Brini, Khâm sứ Toà Thánh tại Đông Dương, đã nghĩ việc thiết lập phẩm trật Giáo Hội tại Việt Nam là thích thời và tối lợi cho giáo sự. Ta đây cũng đồng ý, lại tự suy xét chín chắn và thêm ý kiến những người liên hệ, Ta lấy quyền Tông Toà mà quyết định và truyền thi hành như sau: tại Việt Nam sẽ thành lập ba giáo tỉnh, tức là: 

GIÁO TỈNH HÀ NỘI: gồm Tổng giám mục Hà Nội, tới nay chỉ là đại diện tông toà, với nhà thờ chính toà danh hiệu Thánh Giuse, và thêm những giám toà thuộc hạt từ nay cũng hết là Đại diện Tông toà, để trở nên địa phận chính toà, tức là: 

Lạng Sơn với nhà thờ chính toà danh hiệu Thánh Đa Minh hiển tu;

  • Hải Phòng và Bắc Ninh với hai nhà thờ chính toà danh hiệu Nữ Vương Rất Thánh Văn Côi;

  • Hưng Hoá với nhà thờ chính toà danh hiệu Đức Mẹ Lên Trời.

  • Thái Bình với nhà thờ chính toà danh hiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu;

  • Bùi Chu với nhà thờ chính toà danh hiệu Nữ Vương Rất Thánh Văn Côi;

  • Phát Diệm với nhà thờ chính toà danh hiệu Nữ Vương Rất Thánh Văn Côi;

  • Thanh Hoá với nhà thờ chính toà danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội;

  • Vinh với nhà thờ chính toà danh hiệu Đức Mẹ Lên Trời;

GIÁO TỈNH HUẾ: gồm Tổng giám mục Huế, trước đây chỉ là đại diện tông toà, với nhà thờ chính toà danh hiệu Trái Tim Cực Sạch Đức Mẹ, và thêm các giám toà thuộc hạt đã được trở thành địa phận chính toà:

  • Quy Nhơn với nhà thờ chính toà danh hiệu Đức Mẹ Lên Trời;

  • Nha Trang với nhà thờ chính toà danh hiệu Chúa Giêsu Vua;

  • Kontum với nhà thờ chính toà danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Sau cùng, 

GIÁO TỈNH SÀI GÒN: gồm Tổng giám mục Sài Gòn, trước đây chỉ là đại diện tông toà, với nhà thờ chính toà danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và thêm các địa phận thuộc hạt trước kia chỉ là đại diện tông toà, tức là:

  • Vĩnh Long với nhà thờ chính toà danh hiệu Bà Thánh Anna, thân mẫu Đức Maria;

  • Cần Thơ với nhà thờ chính toà danh hiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Và các địa phận mới được thành lập:

  • Đà Lạt với nhà thờ chính toà danh hiệu Thánh Nicôla Bari;

  • Mỹ Tho với nhà thờ chính toà danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội;

  • Long Xuyên với nhà thờ chính toà sắp được xây dựng.

Ta cũng lệnh cho các địa phận Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Thái Bình, Huế, đến nay vẫn do Hội Thừa Sai Balê và Dòng Đa Minh điều khiển, và các địa phận mới Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên, tất cả các địa phận kể trên từ nay sẽ trao cho giáo sĩ triều Việt Nam quản nhậm. Ta cũng ban cho các địa phận vừa nói và các địa phận khác đã kể trên, cho các nhà thờ chính toà cũng như các giám mục lãnh đạo được mọi quyền lợi, danh dự, đặc ân thích xứng. Đối với các giám mục lãnh đạo, Ta còn đặt thêm trọng trách và nhiệm vụ. Tất cả các địa phận trên đây sẽ tiếp tục trực thuộc Thánh bộ Truyền giáo, còn các giám mục lãnh đạo thì ta thuyên chuyển như sau: 

  • Thân huynh đáng kính Giuse Maria Trịnh Như Khuê, trước đây là Đại  diện Tông toà với hiệu toà Synaitana, từ nay là Tổng giám mục Hà Nội.

  • Thân huynh đáng kính Vincentê Phạm Văn Dụ, Giám quản Lạng Sơn với hiệu toà Bosetana từ nay là Giám mục chính toà địa phận Lạng Sơn.

  • Thân huynh đáng kính Phêrô Khuất Văn Tạo, Giám quản Hải Phòng với hiệu toà Caralliensi từ nay là Giám mục chính toà địa phận Hải Phòng đồng thời kiêm Giám quản địa phận Bắc Ninh.

  • Thân huynh đáng kính Phêrô Nguyễn Huy Quang, Giám quản Hưng Hoá với hiệu toà Claudiopolitana xứ Isauria, từ nay là Giám mục chính toà địa phận Hưng Hoá.

  • Thân huynh đáng kính Đa Minh Đinh Đức Trụ, Giám quản Thái Bình với hiệu toà Cataquensi, từ nay làm Giám mục chính toà địa phận Thái Bình.

  • Thân huynh đáng kính Giuse Phạm Năng Tĩnh, Giám quản Bùi Chu với hiệu toà Bernicensi, từ nay là Giám mục chính toà địa phận Bùi Chu.

  • Thân huynh đáng kính Phaolô Bùi Chu Tạo, Giám quản Phát Diệm với hiệu toà Numida, từ nay là Giám mục chính toà địa phận Phát Diệm.

  • Thân huynh đáng kính Phêrô Phạm Tần, Giám quản Thanh Hoá với hiệu toà Justiniapoli bên Galatia từ nay làm Giám mục chính toà địa phận Thanh Hoá.

  • Thân huynh đáng kính Gioan Baotixita Trần Hữu Đức, Đại diện Tông toà ở Vinh với hiệu toà Niciotana, từ nay làm Giám mục chính toà địa phận Vinh.

  • Thân huynh đáng kính Phêrô Martinô Ngô Đình Thục, Đại diện Tông toà tại Vĩnh Long với hiệu toà Saesinensi, từ nay là Tổng giám mục địa phận Huế.

  • Thân huynh đáng kính Phêrô Phạm Ngọc Chi, Đại diện Tông toà tại Bùi Chu và Giám quản tông toà ở Quy Nhơn với hiệu toà Sozopolitana bên Haemimonto, từ nay là Giám mục chính toà địa phận Quy Nhơn.

  • Thân huynh đáng kính Marcello Piquet, Đại diện Tông toà tại Nha Trang với hiệu toà Erizê, từ nay là Giám mục chính toà địa phận Nha Trang.

  • Thân huynh đáng kính Phaolô Seitz, Đại diện Tông toà tại Kontum với hiệu toà Catulensi, từ nay là Giám mục chính toà địa phâïn Kontum.

  • Thân huynh đáng kính Phaolô Nguyễn Văn Bình, Đại diện Tông toà tại Cần Thơ với hiệu toà Agnusiensi, từ nay là Tổng giám mục địa phận Sài Gòn.

  • Thân huynh đáng kính Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền, Đại diện Tông toà ở Sài Gòn với hiệu toà Sagalassê, từ nay là Giám mục chính toà địa phận Đà Lạt. 

Và Ta đặt các hiền tử:

  • Giuse Trần Văn Thiện làm Giám mục chính toà địa phận Mỹ Tho.

  • Antôn Nguyễn Văn Thiện làm Giám mục chính toà địa phận Vĩnh Long.

  • Philipphê Nguyễn Kim Điền làm Giám mục chính toà địa phận Cần Thơ.

  • Micae Nguyễn Khắc Ngữ làm Giám mục chính toà địa phận Long Xuyên.

Trong các địa phận mới này, thuộc giám mục chính toà cũng như tổng giám mục chính toà, nếu vì hoàn cảnh sự vụ hay địa phương, chưa thể thành lập Kinh Sĩ Hội, thì phải lựa đặt Ban Cố vấn Địa phận theo Giáo luật, và một khi Kinh Sĩ Hội được thành lập, Ban Cố vấn tức khắc chấm dứt nhiệm vụ. Các vị lãnh đạo cũng phải đặc biệt lưu ý việc đào luyện thanh niên có triển vọng lên chức linh mục: họ là những hướng đạo tương lai của giáo dân. Ngân quỹ Giám toà thành bởi của cải địa phận hiện có, lợi tức Giám toà, tặng vật người ta tự cúng và tiền Thánh Bộ Truyền giáo trợ cấp. Việc cai quản và điều hành địa phận, quyền lợi giáo sĩ và giáo dân, bổ nhiệm vị đại diện Kinh Sĩ Hội khi trống ngôi và mọi việc khác, thì cứ chiếu Giáo luật mà thi hành. 

Sắc chỉ của Ta đây sẽ được niêm ấn chì và Ta truyền cho vị Khâm sứ Toà Thánh tại Đông Dương Ta đã nói trên, phải đích thân hay uỷ nhiệm người khác thi hành, miễn là người ấy có chức vị trong Giáo Hội. Nếu trong thời gian thi hành, vị khác sẽ nhậm chức vụ Khâm sứ Toà Thánh tại Đông Dương, thì vị ấy sẽ thi hành lệnh của Ta. Vị thi hành phải thận trọng lập biên bản đầy đủ khi việc đã hoàn tất và kíp đệ lên Thánh Bộ Truyền giáo các văn kiện đã ký nhận chắc chắùn. Ý Ta là Sắc chỉ này có hiệu lực tức khắc và mãi về sau, cho nên tất cả những gì được ấn định trong Sắc này phải được những người liên hệ tôn trọng thi hành và như thế là có hiệu lực. Không một luật lệ nào nghịch lại có thể ngăn cản hiệu lực của Sắc chỉ này: chính Sắc chỉ này huỷ bỏ các luật lệ ấy. Vì thế bất kỳ ai, ở chức vụ nào, hữu ý hay vô tình nghịch lại những sự Ta vừa nói trên, thì Ta luận phi và kể là vô giá trị. 

Lại nữa, không ai được phép xé huỷ hay giả mạo Sắc chỉ này của Ta và nếu công bố hoặc là ấn loát hay viết tay thì những bản đó phải được chức vị trong Giáo Hội đóng ấn và đồng thời phải mang chữ ký của một vị chính thức coi giữ văn kiện thì mới đáng tin. Nếu ai dám khinh dể hay khước từ cách nào toàn Sắc chỉ này thì hãy biết rằng sẽ bị những hình phạt Giáo luật đã ra cho những người không tuân lệnh các Đức Giáo hoàng. 

Làm tại Roma nơi đền thờ Thánh Phêrô, ngày hai mươi bốn tháng mười một, năm một ngàn chín trăm sáu mươi, cũng là năm thứ ba triều đại của Ta.

 Ký tên

Thay Đức Hồng y Chưởng ấn Giáo Hội Roma:

   Đôminicô Tardini, Hồng y Quốc Vụ Khanh.

   Grêgorio P. Agagianian, Hồng y và Tổng trưởng T.B.T.G.

   Phanxicô Tinello, Nhiếp chính Chưởng ấn Tông toà

   Phanxicô Annibalê Ferretti, Tổng Lục sự Tông toà.

   Albertô Serafini, Tổng lục sự Tông toà.

Gửi đi ngày 24-11-1960, năm thứ ba triều đại Giáo hoàng.

   D. Rodomon Galligani, thay người ấn chì.

   Ghi tại Chưởng ấn Tông toà, cuốn 105, (col. CV) số 31.

(Trần Anh Dũng, Hàng giáo phẩm Công giáo Việt Nam 1960-1995, tr.139-144)

VỀ MỤC LỤC
NỮ TỬ BÁC ÁI: CHỨNG TỪ CỦA SỰ IM LẶNG GIÁNG SINH.

 

Còn mười hai giờ nữa là đến thánh lễ đêm Mừng Chúa Giáng Sinh. Thế là một Mùa Vọng đã đi qua, và mọi tín hữu trên thế gian đang chờ giờ phút Chúa đến với mình. Tôi muốn nhìn lại những gì Chúa gửi đến cho tôi trong Mùa Vọng năm nay. 

Trong ba chủ nhật liên tiếp, Phúc Âm trình bày hai gương mặt chứng nhân trái ngược nhau: Thánh Gioan Tẩy Giả (Chúa Nhật 2 và 3)  và Đức Mẹ Maria (Chúa nhật 4).  Gioan Tẩy Giả là người lên tiếng với mọi hạng người: chỉ đường cho Anrê và Gioan trở thành tông đồ của Chúa Kitô, kêu gọi kẻ tội lỗi ăn năn, phê phán những cấp lãnh đạo tôn giáo đi lệch đường Thiên Chúa, chỉ mặt kẻ cầm quyền, cụ thể là Vua Hêrôđê, để tố cáo những sai trái đối với lề luật và lương tâm… Và vì động đến quyền lực tội lỗi, nên ông đã trả giá bằng mạng sống mình để làm chứng cho sự thật và công lý. 

Trái lại với Gioan Tẩy Giả, Đức Mẹ là một người thinh lặng chia sẻ các truân chuyên và đau đớn của Chúa Kitô trên từng bước một. Mẹ cơ cực nghèo hèn với Chúa ngày giáng sinh ở Bêlem. Mẹ ẵm bồng hài nhi Giêsu trên con đường vô định sang Ai Cập để thoát khỏi bàn tay sát nhân của Hêrôđê, để rồi cuối cùng, Mẹ câm lặng theo Chúa trên đường lên Núi Sọ, chia sẻ trọn vẹn nỗi thống khổ của Chúa trên Thập Giá và bất lực nhìn Con mình chết đi! Mẹ làm chứng bằng sự đồng hành và đồng cảm của mình, mà không hề nói lên một lời nào. 

Ba tuần lễ Mùa Vọng này cũng trùng hợp với hai biến cố xót xa trên quê hương Việt Nam, khiến lời chứng của Gioan Tẩy Giả và của Đức Mẹ được tái hiện một cách cụ thể. 

Giữa tuần lễ thứ hai và thứ ba Mùa Vọng, khi hình ảnh Gioan Tẩy Giả được Giáo Hội nêu lên, thì tại Hà Nội, tám giáo dân liên quan đến giáo xứ Thái Hà bị ra tòa. Thế là hàng ngàn người tại Hà Nội, cùng với không biết bao nhiêu người tại các tỉnh lân cận, tại khắp nơi trên đất nước Việt Nam cũng như tại các cộng đồng Việt Nam trên thế giới đều lên tiếng đòi hỏi công lý. Và đồng hành từng bước một, các cha Dòng Chúa Cứu Thế đã khẳng khái nói lớn tiếng trên mọi phương tiện thông tin lời ủng hộ các anh chị em này, đồng thời tố cáo mọi sự gian trá của thế gian, mặc dù các ngài thừa biết rằng những tiếng nói như thế có thể buộc các ngài trả những cái giá thật đắt: Tiếng nói chứng nhân của Gioan Tẩy Giả lại vang lên trên thế giới hôm nay trong Mùa Vọng này. 

Vào tuần lễ tư, khi gương mặt chứng nhân của Đức Mẹ được nêu lên với lời ‘Xin Vâng’, thì các Nữ Tử Bác Ái rút lui về tu viện, rồi sau đó là một sự im lặng hoàn toàn. Trên các trang web xuất hiện những lời chia sẻ cầu nguyện hiệp thông với Tu hội, hoặc những phê phán nặng lời đối với nhà dòng, thậm chí nêu đích danh vị cựu bề trên giám tỉnh như là người bắt tay với thế lực bóng tối để ‘làm hại’ Tu hội, nói riêng, và Giáo Hội, nói chung. Sự im lặng vẫn kéo dài: không một lời cám ơn, không một lời giải thích, không một tin tức gì để làm rõ sự việc, ngoại trừ một hàng tin ngắn của một tín hữu cho biết rằng: đã có một biên bản giữa Tu hội và chính quyền, và chính quyền cam kết giữ nguyên hiện trạng. Chứng từ của Đức Maria, giữa bao nhiêu truân chuyên, lại được bộc lộ qua sự im lặng ‘khó hiểu’ của các Nữ Tử Bác Ái. 

Hai thái độ làm chứng trái ngược này - chứng từ của Gioan Tẩy Giả và của Đức Maria - thay vì chống đối nhau, thì đấy lại là hai mặt không thể nào thiếu được trong đời sống của người Kitô hữu nói riêng, và của Giáo Hội nói chung. Người ta nói nhiều đến ‘chứng từ bằng lời nói’, đến độ câu nói ‘im lặng là đồng lõa’ gần như trở thành một chân lý. Tuy nhiên, cái ‘im lặng’ của Đức Mẹ là một chứng từ của tình yêu, của khoan nhân, của lời mời gọi. Đúng là có những lời nói chứng nhân như Gioan Tẩy Giả, nhưng cũng có những lời nói gây tổn thương, gây chia rẻ, gây hận thù. Và trái lại, có những ‘im lặng đồng lõa’ nhưng cũng có những im lặng của chứng nhân, cái im lặng đòi hỏi sự cam đảm và tận hiến không thua gì chứng từ của lời nói.  

Chúa Kitô, vị chứng nhân tuyệt đối cho Tình Yêu Thiên Chúa, là Đấng đã thể hiện hai khía cạnh làm chứng này: Ngài lên tiếng dạy dỗ và an ủi người cô thế; Ngài chỉ ngay vào những kẻ ‘bó gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào’ và thẳng thắn nói ra:  “Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng!” (Mt 23, 4.16). Và cũng vì thế mà Ngài bị kết án tử hình. Nhưng mặt khác, Ngài đã im lặng trước những kẻ xử án bất công, Ngài đã im lặng chết đi… và lời Ngài nói lên trong cơn đau đớn cùng cực là: “Lạy Cha, xin tha tội cho họ” và “Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay cha”. 

Hai thái độ chứng nhân mà Giáo Hội nêu ra trong Mùa Vọng, cũng như Chúa Kitô đã thể hiện trong cuộc đời trần thế của Ngài, đã được hiện tại hóa qua những gương mặt con cái Giáo Hội hôm nay. 

Thái độ chứng nhân của Gioan Tẩy Giả bộc lộ qua biến cố Thái Hà thì đã quá rõ rệt. Chỉ cần google “Thái Hà” thì sẽ thấy xuất hiện 1,690,000 bài, mà trong số đó ít nhất là 80 % nêu lên những lời chứng không ai bịt miệng nổi. Vì thế trong những hàng sau đây, tôi chỉ nói đến chứng từ của các chị Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. 

Ngày 17-12, các NTBA đến cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu lần thứ ba để chứng kiến người ta đập phá nhà mình, và ở lại đó để canh giữ. Sự hiện diện của các chị được nhiều người công giáo nhìn thấy. Thế là từ Saigon, tiếng nói ủng hộ các chị vang lên và được nối dài trên nhiều phương tiện truyền thông thế giới. Nhưng khi bầu không khí trở nên căng thẳng vì công an đến định làm biên bản vi phạm ‘an ninh trật tự’, thì hôm sau, các chị lẳng lặng rút về tu viện. Trước thắc mắc của bao nhiêu người, và trước một bài báo qui trách nhiệm cho vị cựu giám tỉnh NTBA, một vài thân hữu yêu cầu tôi nói lên một lời giải thích với những người đang xót xa hướng lòng về các chị. 

Sở dĩ tôi được yêu cầu như vậy, có lẽ vì tôi là một ‘người ngoài’ biết khá chính xác về các hoạt động và tâm tình của các NTBA. Các chị xem tôi là ‘con cái của Thánh Vinh Sơn’, nên không ngần ngại bày tỏ những điều mà các chị không nói với một người ngoài nào khác. Tôi từng được nuôi dạy và lớn lên trong vòng tay của chị nguyên giám tỉnh; tôi từng dạy ngoại ngữ cho chị đương kim giám tỉnh; tôi từng bước cùng nhịp với Tu hội để biết nhiều thế hệ NTBA dâng hiến cuộc đời mình cho người nghèo, chỉ vì bị thúc bách bởi ‘Tình Yêu Chúa Kitô chịu đóng đinh’. 

Tôi từng biết ba NTBA ở Trại Phong Di Linh, những người suốt đời chăm sóc các bệnh nhân tại đấy trải qua hai chế độ, mà không bao giờ nói lên một lời nào. Chết vì đạo là một hành động anh hùng. Đấy là một điều khó và cần ơn Chúa thật nhiều. Nhưng sống vì đạo, sống phục vụ lặng lẽ mà không được ai biết đến, điều này cũng đòi hỏi một thái độ anh hùng không kém. Bằng chứng là một trong ba chị đã được Nhà nước Việt Nam - một Nhà nước không xét gì đến động cơ tôn giáo - phong tước hiệu ‘anh hùng’: chị Mai Thị Mậu. Các chị chưa từng viết lách gì về những việc mình làm. 

Tôi từng gần gũi với ‘Dì Hai’ Phạm Thị Ngọc Loan, phụ trách Trại Phong Bến Sắn. Năm 1976, chế độ chăm sóc các bệnh nhân phong hầu như không có gì, trong khi các nhân viên mới đổi tới lấy hết cái này đến cái nọ trong trại về làm của riêng. Dì đã phải đứng ra bảo vệ cho bệnh nhân và cỡi chiếc gắn máy tồi tàn chạy bằng xăng pha dầu lửa về Sàigòn mỗi tuần nhiều lần hầu tìm nguồn lương thực cho họ, đồng thời kêu gọi và đưa về Bến Sắn những bệnh nhân bỏ trại lên sống vất va vất vưởng trên vỉa hè Sàigòn. Tim của dì đập theo từng nhịp của con tim bệnh nhân trong vòng 17 năm trường, để rồi ngưng lại khi người ta phát hiện quá muộn bệnh ung thư trong hình hài của dì. Dì sợ rằng cho biết sớm thì nhà dòng sẽ cấm dì tiếp tục phục vụ bệnh nhân phong: Dì đã hy sinh mạng sống mình cho họ, theo nghĩa đen. Dì âm thầm chết đi mà không nói ra lời nào. 

Tôi từng tiếp xúc với chị Tuệ Linh, một NTBA được gửi sang Pháp để học chuyên môn về HIV-AIDS trong bao nhiêu năm, nhưng khi về lại quê hương thì biến mất. Chị không ở lại trong khuôn viên nhà dòng mà dạy dỗ đàn em; chị không bước ra khỏi nhà dòng để chia sẻ kiến thức với những người đang phục vụ cho bệnh nhân Aids; chị ẩn mình vào một khu vực xa thành phố để sống với các bệnh nhân AIDS vào giai đoạn cuối cùng, tại trung tâm Mai Hòa, Củ Chi. Cách đây 10 năm, khi ở Pháp về, chị là một con người trẻ trung, trí thức, xinh tươi. Hiện nay chị là một bà già trước tuổi, mái tóc bạc phơ, gương mặt quê mùa, dáng đi mệt mỏi. Tất cả đã mất hết rồi! Duy chỉ có ánh mắt là còn nguyên: ánh mắt của chị vẫn kiên trì sáng lên bình an và tình yêu của Chúa Kitô. Chị đã sống với bệnh nhân AIDS thay vì lớn tiếng nói về họ. 

Và còn bao nhiêu chị em NTBA khác nữa, làm sao tôi kể hết! Mà kể để làm chi, khi các chị luôn luôn yêu cầu đừng ai nhắc đến tên mình. Những chị em ấy đã từng bước đi cùng nhịp với chị nguyên giám tỉnh, dì Béatrice Mỹ, trong một hành trình trên dưới 20 năm. Dì Mỹ là người phụ trách lâu nhất của Tỉnh Dòng Việt Nam. Dì chính là người thổi Tinh Thần Vinh Sơn vào Tu hội, trong giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử các hội dòng tại Việt Nam.  

Trước khi viết bài này, tôi đến nhà Tỉnh Dòng nêu các thắc mắc với hai chị phụ trách: chị Justina Tươi, đương kim giám tỉnh, và dì Béatrice Mỹ, nguyên giám tỉnh. Các chị chỉ lập lại: Chúng tôi không chủ trương loan tin trên các phương tiện truyền thông. Cũng vì thế mà chúng tôi cũng đã yêu cầu xóa trên mạng những lời của một chị nói chuyện với anh chị em đến thăm mình tại hiện trường, mà ai đó đã ghi lại và ưu ái gửi lên. Sở dĩ chúng tôi muốn kéo xuống, không phải vì những lời ấy có gì sai trái, mà vì tất cả các chị em có trách nhiệm trong tỉnh dòng từng từ chối mọi cuộc phỏng vấn, nên không muốn để bất cứ một lời nào của NTBA xuất hiện trên mạng.  

Tôi đưa ra mấy bài rút xuống từ internet, trong đó có bài “Nỗi nghẹn ngào của các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn…” do Vietcatholic đăng. Chị Justina nói: “Chúng tôi đã đọc bài này cho tất cả chị em tối hôm qua. Những gì cần nói với chị em trong nhà, thì chúng tôi đã nói với nhau rồi. Còn đối với các phương tiện truyền thông, bất cứ một lời nói nào cũng có thể gây ngộ nhận. Chúng tôi chỉ cầu nguyện xin Chúa cho chúng tôi sống đúng với thánh ý Ngài, và rồi người đời sẽ nhìn thấy sự thật.”  

Tôi bức xúc nói với dì Béatrice: “Dì nói lên lời cải chính đi! Những lời oan ức như thế này thì nhục nhã quá!” Dì nhìn tôi mỉm cười, mà không nói gì! Qua ánh mắt dịu hiền và nụ cười thật buồn nhưng rất bình an, tôi nghe vang lên lời Thánh Augustin nói với một giám mục bạn, đức cha Honorat: “Đức Kitô đã từng chịu nhục nhã đến tuyệt đối. Vậy tôi là hạng tôi tớ nào mà đòi hỏi được ưu đãi hơn chủ mình?” 

Im lặng một lúc, dì nói: “Xơ chỉ biết cảm tạ Chúa. Chúa biết dùng những điều thuận lợi cũng như bất thuận lợi để thực thi thánh ý Ngài. Vì thế xơ không có gì để nói về biến cố này. Nếu phải nói một lời, thì đấy là lời cám ơn đối với các anh chị em giáo dân và tu sĩ ở Sàigon, cũng như ở khắp nơi, đặc biệt là các tu sĩ và các cha dòng Chúa Cứu Thế, vì sự hiệp thông rất cảm động trong những ngày vừa qua. Nhưng ngay điều đó cũng không cần thiết, vì chắc chắn quí vị ấy đã hiểu lòng các xơ rồi!” 

Tôi ra về trong tâm trạng hơi thất vọng. Tôi không được phép nói gì thêm về vụ việc 32 bis Nguyễn Thị Diệu để trả lời cho anh chị em mong mỏi biết ‘sự thật’ ở hậu trường. Tuy nhiên, những lời nói của các chị đã giúp tôi chuẩn bị đêm Noel này một cách thật ý nghĩa.

Và trước khi cám ơn Chúa về những hồng ân Ngài ban cho tôi trong Mùa Vọng này, tôi muốn cám ơn những người con Chúa, anh chị em của tôi.

Trước hết, cám ơn các anh chị em Thái Hà, đặc biệt các cha Dòng Chúa Cứu Thế, vì đã khẳng khái nói lên lời tố cáo sự dối trá, và sẵn sàng trả mọi giá để làm chứng cho sự thật. Chính các anh chị em và các cha đã đẩy tôi ra khỏi sự ươn hèn của bản thân, để cùng góp tiếng tố cáo sự dữ mà người dân Việt Nam âm thầm chịu đựng không biết bao nhiêu năm rồi. Các anh chị em và các cha xứng đáng là những Gioan Tẩy Giả của ngày hôm nay.

Và cũng không thể nào không cám ơn các chị NTBA, đặc biệt là các chị phụ trách, vì đã nêu lên một khía cạnh khác của lòng can đảm. Các chị im lặng trước những kẻ không đồng thuận với mình, chia sẻ cái câm lặng của những người thấp cổ bé miệng, những người thực sự nghèo: nghèo cả danh dự, bất chấp cả lý trí. Bởi vì như lời của Sr Rosalie Rendu, một NTBA vừa mới được nâng lên hàng chân phước: “Khi có mâu thuẫn giữa tiếng nói của tình yêu và tiếng nói của lý trí, thì chúng tôi vâng theo tiếng nói của tình yêu”. Như Đức Mẹ, các chị đã làm chứng bằng đời sống bác ái và sự thinh lặng của mình.

Và cái tình yêu bất chấp lý trí ấy nhắc lại cho tôi thái độ kiên trì của các chị trong vụ việc 32 bis Nguyễn Thị Diệu: “Thái độ của các chị luôn luôn là chờ đợi một thiện chí. Và cho đến giờ phút này, các chị vẫn còn tiếp tục đợi chờ…” 

Từ trước đến giờ, tôi cứ ngỡ rằng Mùa Vọng là mùa mà tôi phải chờ đợi Chúa đến, và Ngài sẽ đến tối hôm nay trong thánh lễ Giáng Sinh. Qua chứng từ thinh lặng của các chị NTBA, tôi hiểu rằng Mùa Vọng là mùa mà Thiên Chúa im lặng kiên trì chờ đợi tôi, chờ đợi nơi tôi một thiện chí để đến với Tình Yêu và Sự Thật của Ngài. Và chua chát thay, cho đến giờ phút này, có thể Ngài vẫn còn tiếp tục đợi chờ…

Gs. Trần Duy Nhiên

VỀ MỤC LỤC
Noel về tôi nhớ Uỷ ban Đoàn kết

 

Từ nhỏ tôi rất lấy làm hãnh diện mỗi khi nghe nói đến Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo vì tôi nghĩ rằng nơi đó có những người cha, người anh, người chị là người Công Giáo sẽ nói lên những tâm tư nguyện vọng chính đáng của người giáo dân mỗi khi có cuộc họp.

Thế nhưng tôi thật buồn qua lần đầu tiên tôi được đi dự họp do uỷ ban này khởi xướng, với tinh thần chuẩn bị rất cao : áo quần, dày dép lo lắng trước mấy ngày vì tôi nghĩ đây là cuộc họp vừa vinh dự cho các đại biểu vừa trọng thể.

Khi tôi đến thấy đại biểu đã khá đông, tôi tự hào hơn khi thấy một số cha  trong giáo hạt đã đến. Trong hội trường đã vang lên những bài hát, bài nhạc nghe khá sôi động, nhưng từ lúc mở nhạc cho đến giờ khai mạc tôi không hề nghe bài hát nào có nội dung về Chúa hay là về Mẹ gì cả.

Điều làm tôi băn khoăn nhất đó là, cuộc họp uỷ ban đoàn kết Công Giáo mà lại không hề làm dấu, không hát kinh : Cầu xin Chúa Thánh Thần, không cầu nguyên...như các buổi sinh hoạt tôn giáo thường làm, mặc dù uỷ ban này vẫn khá đông số tu sỹ nam nữ, và có một ít các cha.

Ngỡ ngàng hơn nữa khi nghe bản báo cáo tổng kết nhiệm kỳ thi đua của uỷ ban này có đoạn viết : “Ở một họ đạo thuộc giáo xứ... có 120 chị em ở độ tuổi sinh đẻ, nhờ sự động viên của UB này mà đã có 90 chị em đặt vòng tránh thai và dùng các phương tiện khác để hạn chế sinh đẻ, đó là một thắng lợi lớn trong vấn đề dân số mà uỷ ban công giáo này đã làm được".

Lúc đó tôi thật sự kinh hoàng và chán nãn : tại sao về vấn đề sinh sản đã có các văn thư, văn kiện của Đức Giáo Hoàng, và cụ thể hơn là tiếng nói của các cha trong giáo xứ, vậy tại sao lại có họ đạo ấy lại làm như thế.

Bản báo cáo đọc lên vị cha làm chủ tịch của UB này không hề có phản ứng gì, tôi nghĩ chẳng lẽ cha ấy, các tu sỹ trong UB này không biết gì về quan điểm của Giáo hội về vấn đề này sao : Vợ chồng chỉ được phép … là không lỗi, còn mọi thứ khác như đặt vòng, uống thuốc...thì đều có tội đó cả sao. Vậy tại sao vị cha ấy có vẽ bình thường làm như hề không có chuyện gì xảy ra và thậm chí sau khi đọc xong bản báo cáo, cha ấy và một số tu sỹ còn thi đua nhau vỗ tay rầm rập.

Trước đây, mỗi dịp Giáng Sinh về tôi rất thích nghe cha xứ hay là ông đại diện Ban Hành Giáo xứ đọc thư chúc mừng Giáng Sinh của UB này ca ngợi người Công Giáo đã sống tốt đời đẹp đạo, ca ngợi người Công Giáo...nhưng từ lần dự cuộc họp đó lại nay, cộng thêm vào các biến cố xảy ra gần đây đối với Giáo Hội và nhất là qua vụ Toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà tôi thật sự chán chường với UB này và thấy rõ ràng UB này không phải là tổ chức để đại diện cho giáo dân.

Bởi vậy, tôi nghĩ năm nay (2008) các cha không đọc thư chúc mừng của UB này trong dịp lễ Giáng Sinh vì như trên đã nói, hơn nữa UB này chẳng thấy làm lợi gì cho Giáo Hội, nếu không muốn nói là đã làm khổ Giáo Hội thì có. Cụ thể, qua bài viết của một vị linh mục nào đó trong cái UB này khi nói về đất đai của Toà Khâm Sứ và Giáo xứ Thái Hà thì gọi đó là đất của Chùa Bảo Thiên-Phật Giáo!!!

Đã là người Công Giáo thì phải sống theo tinh thần của người Công giáo : có thì nói có, không thì nói không. Danh xưng thì nghe có vẽ rất Công giáo "Đoàn kết Công giáo" mà việc làm thì như trên đã nói chẳng có gì là tinh thần Công giáo. Nếu thấy không có lợi gì cho Giáo hội thì UB này đừng lấy tên ( danh) của Công giáo, kẻo phải ô danh sự đạo.

UB này có thể lấy một danh xưng khác, không thiếu gì từ ngữ, không thiếu gì tên gọi, chẳng hạn : UB...UB...Chứ không nên và không được lấy danh công giáo.

Tôi cũng rất mừng và tán thành khi đông các cha đã không đồng tình với ub này vì thực tế các ngài cũng thừa biết UB này không hề làm gì có lợi cho Giáo hội, nếu có lợi thì cũng chỉ lợi cho một số ít người Công giáo trong cái UB đó mà thôi.

Đã đến lúc người Công giáo phải nói không với UB này, nghĩa là không chơi, không tham gia và UB nếu cứ tiếp tục thì đề nghị phải sửa lại danh xưng đúng với mục tiêu của UB.

Nếu cứ gọi danh xưng " UB đoàn kết Công giáo" thì tôi thấy thừa và nghe có vẽ lạt lẽo, vì khi nói đến đoàn kết trong Giáo hội thì cách đây đã hơn 2000 năm Chúa Giêsu đã dùng từ ( không dám khen Chúa) rất rộng và rất sâu sắc, đó là tinh thần hiệp nhất :"Lạy Cha, xin cho chúng nên một". Người Công giáo thực hành được điều đó thì đã  mệt rồi, thêm thắt làm gì nữa.

"Đã đến lúc anh em phải thức dậy vì ngày cứu độ đã gần kề". Nói cách khác, các vị chủ chăn trong Giáo hội phải lên tiếng đề phòng cho đoàn chiên của mình biết những "tiên tri giả""ngôn sứ giả"và những "con sói đột lốt chiên" để khỏi nó làm tan tác đàn chiên của mình.

Chúa nói rồi :"Những kẻ chỉ biết bú sữa chiên, chén thịt chiên, chứ đâu là người chăn chiên".

Hương Giang 24/12/08   http://www.dcctvn.net/news.php?id=1474

VỀ MỤC LỤC
ĐÀO TẠO (CHIA SẺ về Truyền Giáo, bài 7)
 

Thời đại mới đi vào chuyên môn hoá. Chẳng ai có thể bách khoa, trên thông thiên văn dưới đạt địa lý như xưa ta thường nói. Và ngành chuyên môn nào cũng đòi đào tạo. Bên Mỹ dù làm những công việc rất thường như cắt cỏ, cắt tóc, cắt mòng tay cũng đều phải qua trường lớp, có bằng cấp mới được phép làm. Phải đào tạo dù công việc gì dù nhỏ bé đến đâu cũng phải hiểu biết thì mới làm tốt, tránh những sai sót gây thiệt hại. Và như thế mới phục vụ tốt đẹp được.

Vậy mà trong đời sống mục vụ, các linh mục hầu như không được đào tạo gì về truyền giáo. Trong khi truyền giáo là bản chất, là căn tính của Giáo hội. Không được đào tạo làm sao linh mục có thể truyền giáo hữu hiệu được ?

Tháng trước ngành may mặc của Việt nam đã phải chịu một tổn thất rất lớn. Các lô hàng bị trả về vì phạm phải 40 sai sót trong qui ước quốc tế. Vụ kiện cá ba sa chưa chấm dứt thì Việt nam bị coi là chưa có nền kinh tế thị trường. Trong khi đó nhiều thương hiệu của Việt nam như Việt nam Petro, cà phê Trung nguyên bị bên ngoài chiếm đoạt, phải tốn tiền kiện mới dành lại. Tất cả những khó khăn, nhiều khi đưa đến thiệt hại đó là vì ta bước vào nền kinh tế thị trường mà chưa hiểu biết rõ ràng về nó.

Việc truyền giáo là quan trọng. Nếu không được đào tạo kỹ lưỡng sẽ khó thành công. Có khi còn gây thiệt hại cho Giáo hội.

Ý thức rõ điều đó nên ngay khi việc truyền giáo ở Việt nam phát khởi, Bộ truyền giáo đã cấp tốc có những hướng dẫn rất cụ thể, khôn ngoan để  việc truyền giáo được thành công.

Năm 1659 Bộ truyền giáo đã ra một Huấn thị cho các Đấng Bản Quyền tại Việt nam. Đức ông Bernad Jacqueline đã dịch ra trong bài “L’Esprit missionnaire de la S.C de Propagande d’après les instructiongs aux vicaires apostoliques des Royaumes du Tonkin et du Cochin, đăng trên “Documents Omnis Terra” LXXXI-5 tháng 5/1971 

Những nét chính như sau :

a)    Các đức tính của nhà truyền giáo 

“Điều đòi hỏi họ nhiều nhất là họ phải có đức bác ái cao cả và sự khôn ngoan. Họ phải là người phong hoá đàng hoàng, lịch thiệp, hiền từ, kiên nhẫn, khiêm nhường, lo làm gương sáng, các nhân đức về niềm tin Công giáo mà họ tuyên xưng. Họ phải là những người được huấn luyện theo luật đức ái, Phúc âm, biết thích nghi với phong tục và tình hình kẻ khác” (số 1/I).

b)    Mục đích trước mắt 

Hãy luôn luôn để trước mắt mình mục đích này là đưa những người địa phương xứng đáng lên các chức thánh càng nhiều càng tốt, huấn luyện họ và giúp từng người tiến lên đúng lúc” (số 1/III). 

c)    Đối với văn hoá địa phương 

Không được thuyết phục dân địa phương thay đổi các nghi lễ của họ, cách ăn mặc của họ, các phong tục của họ, đừng kể thứ nào thực sự trái với đạo và luân lý một cách rõ ràng… Thực không có lý do nào làm cho người ta xa lánh và ghét đạo cho bằng bắt người ta thay đổi những thói tục riêng của dân tộc, nhất là những thói tục đã có từ lâu đời (số 12/III). 

d)    Đối với an ninh trật tự xã hội

Trong khi giảng Lời Chúa và ban các bí tích, không được làm gì gây cớ cho người ta nghi là anh em gây rối. Và khi qui tụ giáo dân để dự lễ và tham dự các lễ nghi phượng tự, hãy tránh những gì làm cớ cho người ta nghi anh em muốn kích động nổi loạn… (13/III). 

e)    Đối với nhà cầm quyền

Hãy giảng cho tín hữu bổn phận trung thành với Nhà nước. Dù các vị cầm quyền là những người khó khăn. Ở chốn riêng tư cũng như ở nơi công cộng, đừng chỉ trích việc làm của những nhà cầm quyền, ngay cả những vị đang bắt bớ anh em… Hãy kiên nhẫn và thinh lặng, chờ đợi ở Thiên Chúa giờ an ủi (số 11/III). 

f)       Đối với các chỉ thị của Bộ truyền giáo 

Nếu trong việc thi hành các chỉ thị của Bộ truyền giáo có gì khó khăn lớn lao, đến mức đoán được rằng thi hành những chỉ thị ấy sẽ gây xáo trộn lớn, thì phải tránh áp đặt các chỉ thị đó. Tốt hơn, đừng áp dụng ngay. Nhưng hãy trình cho Bộ truyền giáo và chờ đợi trả lời (số 4/III).

Năm 1665 Bộ truyền giáo lại đưa ra những hướng dẫn cho các nhà truyền giáo : Monita ad Missionnarios. Tài liệu này do chính hai Đức cha Pr. Pallu và Pierre Lambert de la Motte soạn thảo. Và đã được Hội thừa sai Balê tái bản năm 2000.

Tài liệu này đưa ra những hướng dẫn chi tiết về đời sống nhân bản, đời sống thiêng liêng và cả những cách thức dạy giáo lý, tổ chức giáo xứ mà nhà truyền giáo phải noi theo.  

Xin tóm lược vài ý chính như sau : 

Chương 1 : Nhà truyền giáo phải tránh xa mọi xao lãng 

a)  Tránh chăm sóc thân xác một cách thái quá.

Hãy biết tránh những xa hoa vì Chúa đã dạy : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo tôi” (Lc 9, 23).

Chính Chúa đã từng sống lam lũ, không nơi dựa đầu. Chúa không chọn những người đỏm dáng, nhưng chọn những ngư phủ không ngại sương gió. 

b)    Tránh tự phụ và tìm kiếm vinh quang trần thế

Chính tự phụ đã biến thiên thần thành quỉ dữ. Tìm kiếm vinh quang sẽ mất phần thưởng đích thực. Đức Giêsu đã đi rao giảng cho những người nghèo và hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Cha. 

c)    Tránh ky cóp cho mình

Ky cóp sẽ huỷ diệt tinh thần nghèo khó của Phúc âm, mất bình an trong tâm hồn, và mất uy tín nữa. Chính vì thế Chúa truyền cho các môn đệ : “Đừng mang bị, tiền…” (Mc 6, 8) 

d)    Chuyên tâm cầu nguyện

Lười biếng cầu nguyện là nguyên nhân của mọi xao lãng tu đức. Mỗi ngày nhà truyền giáo phải dành ít nhất 2 tiếng đồng hồ thờ phượng trước nhan Chúa. 

Chương 2 : Những việc phải làm trước khi đi truyền giáo

a)    Phải tĩnh tâm 

Đức Giêsu dù tràn đầy Thánh Thần từ khi mới sinh, sau 30 năm chuẩn bị, trước khi ra rao giảng đã rút vào sa mạc 40 ngày đêm tĩnh tâm (Mt 4, 1).

Thánh Gioan Baotixita được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần từ khi lọt lòng, trước khi ra giảng đạo cũng đã lánh vào sa mạc, ăn chay, cầu nguyện (Lc 1, 80).

Các tông đồ, sau 3 năm thụ huấn với Chúa, trước khi đi giảng đạo cũng đã tĩnh tâm cầu nguyện trong nhà Tiệc ly để xin ơn Chúa Thánh Thần. Nhà truyền giáo cũng thế. 

b)   Nền tảng của công việc truyền giáo là ăn chay, cầu nguyện. Vì  hiểu rằng kết quả việc truyền giáo là do Chúa. Ta chỉ là dụng cụ. 

c)   Phải tìm mọi cách để hiểu biết địa phương nơi truyền giáo. Nghiên cứu phong tục tập quán, sở thích người dân. Tính tình, nết tốt, nết xấu. Tìm hiểu thái độ của nhà cầm quyền. Tôn giáo tại địa phương. 

d)   Nhà truyền giáo phải học thổ ngữ của dân. Nên nhớ ơn đầu tiên các tông đồ được để đi rao giảng là ơn ngôn ngữ (Cv 2, 4). Muốn rao giảng phải biết ngôn ngữ. 

Chương 3 : Không được dùng những phương tiện trần gian 

Không được buôn bán. Không được dùng bạo lực ép người ta vào đạo. Không được dùng xảo thuật. 

Chương 4 : Vài hướng dẫn chung về tác vụ giảng dạy 

a)    Rao giảng là nhiệm vụ chính yếu của người tông đồ. Rao giảng phải đi đôi với một đời sống gương mẫu.

b)    Đừng bao giờ giảng mà không soạn trước. 

Chương 5 : Phải làm gì để hoán cải người chưa tin 

Chương 6 : Đào tạo tân tòng 

Chương 7 : Chuẩn bị phép rửa tội

Chương 8 : Đào tạo sau rửa tội 

Chương 9 : Hướng dẫn giáo dân điều hành giáo xứ khi không có linh mục 

Chương 10 : Huấn luyện thầy giảng và đưa họ tới lãnh chức thánh 

Như thế cách đây 4 thế kỷ, Toà thánh cũng như các nhà truyền giáo đã ý thức tầm quan trọng của việc truyền giáo. Nên đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể giúp đào tạo những nhà truyền giáo. Việc đào tạo được hoạch định vừa tổng quát toàn diện vừa chi tiết cụ thể. Có thể tóm tắt như sau : 

1.    Đào tạo thiêng liêng 

Đào tạo nhà truyền giáo biết quên mình, từ bỏ mình để nên mọi sự cho mọi người. Có những đức tính phù hợp như hiền lành, khiêm nhường, kiên nhẫn, đại lượng, nhân hậu, yêu mến chân thành (TG 24). Biết sống khó nghèo. Có sự ăn chay cầu nguyện, kết hợp sâu xa với Thiên Chúa. 

2.    Đào tạo trí thức 

Trí thức đây là hiểu biết thực tế về địa phương truyền giáo. Biết người dân. Biết chính quyền. Biết lịch sử. Biết địa lý. Và nhất là biết văn hoá, phong tục tập quán và ngôn ngữ của người dân (TG 25, 26). 

3.    Đào tạo nhân bản 

Biết yêu mến, trân trọng đất nước, con người, văn hoá nơi mình sống. Không loại bỏ nhưng phát huy. Kính trọng dân. Kính trọng chính quyền. Khuyến khích dân yêu nước, vâng phục chính quyền. 

4.    Đào tạo địa phương 

Trong khi truyền giáo, nhà truyền giáo phải lưu tâm đào tạo người tại địa phương để sau này địa phương không còn lệ thuộc, nhưng có thể tự lập và hơn nữa có thể ra đi truyền giáo cho những nơi khác. 

5.    Đào tạo giáo dân

 Nhà truyền giáo không chỉ đào tạo giáo sĩ mà còn phải đào tạo cả giáo dân. Cho họ đóng góp vào việc điều hành giáo xứ. Quản trị giáo xứ khi thiếu linh mục. Và nhất là cho họ tham gia vào việc truyền giáo.

Thật là một chương trình có tầm nhìn xa trông rộng. Qua 4 thế kỷ vẫn còn hợp thời và quí giá giúp ta đào tạo và tự đào tạo.

Thật vậy, nếu so sánh những Huấn thị này với Sắc lệnh về truyền giáo của Công đồng Vatican II, ta thấy không có gì khác biệt.

Các đấng Thừa sai xưa kia đã vạch ra một chương trình đào tạo toàn diện sâu rộng như thế vì các ngài có một thứ linh đạo truyền giáo sâu xa. Linh đạo đó làm cho các ngài tha thiết yêu mến muốn cứu rỗi các linh hồn. Hết lòng làm mọi việc để được các linh hồn dù phải hi sinh bản thân, từ bỏ của cải, rời xa quê hương đất nước, chịu nghèo nàn thiếu thốn, chịu nhục nhã khốn khó và kể cả chịu chết nữa.

Hiện nay ta đang có khuynh hướng coi việc mục vụ như những tổ chức bên ngoài, quên đi mục đích chính yếu là cứu rỗi các linh hồn. Ta hãy nghe cha M. Cadro trong tập GƯƠNG ĐẤNG LÀM THẦY dầy 666 trang, xuất bản tại Kẻ Sở năm 1907.

Xin trích một số ý : 

a)    Về bổn phận cứu rỗi các linh hồn :

“Dù đấng làm thầy đi đàng nhân đức, giữ mình sạch tội, làm nhiều việc lành mặc lòng, nếu người chẳng cứu linh hồn người ta, thì người cũng sẽ phải phạt, phải mất linh hồn (trang 247).

Có thầy cả chẳng muốn chịu khó cứu linh hồn người ta vì sợ kẻo khó nhọc làm vậy, ấy thì sinh bệnh mà chóng qua đời. Vậy kẻ ấy phải biết rằng, thà chết non, chết sớm mà làm được nhiều việc lành, lập nhiều công phúc và cứu được nhiều linh hồn thì hơn là sống lâu. Thà chết khi bốn năm mươi tuổi mà cứu được nhiều linh hồn, chẳng thà sống tám chín mươi tuổi mà chẳng làm ích cho người ta, chẳng cứu được linh hồn nào (trang 257). 

b)    Về các việc phải làm để cứu rỗi linh hồn kẻ có đạo : 

1)    Thầy cả phải biết hết các con chiên của mình.

2)    Người phải chịu khó dạy dỗ coi sóc trẻ.

3)    Người phải lo liệu cho người ta năng xưng tội chịu lễ.

4)    Người phải năng giảng giải khuyên bảo người ta.

5)    Người phải năng khuyên bảo kẻ khô khan tội lỗi cách riêng.

6)    Người phải năng giải tội và đi kẻ liệt.

7)    Người phải lo liệu cho người ta biết kính mến phép Mình Thánh Chúa.

8)    Người phải lo cho người ta được lòng kính mến Đức Bà.

9)    Về những Họ lẻ.

10)  Về sự cấm phòng chung cho hàng xứ.

11)  Về các việc phải làm để cứu linh hồn kẻ ngoại. Việc thứ nhất thầy cả phải làm cho được cứu linh hồn kẻ ngoại đạo là phải lo liệu rửa tội cho các trẻ con nhà ngoại đạo khi rình sinh thì.

Việc thứ hai là phải chịu khó khuyên bảo những kẻ lạc lối lo ăn năn trở lại chịu đạo.

Việc thứ ba là phải năng cầu nguyện cho nó.

Qua vài tư tưởng trên ta thấy đầu thế kỷ trước các nhà Thừa sai đã có lòng nhiệt thành lo lắng cho linh hồn người ta, lo cứu những linh hồn ngoại giáo biết bao.

Lòng yêu mến các linh hồn nơi truyền giáo khiến các ngài đi đến chỗ yêu mến chính con người bản xứ, tiếng nói người bản xứ, phong tục người bản xứ.

Hiện nay những người muốn hiểu biết phong tục Việt nam, muốn nghiên cứu văn hoá Việt nam đều phải đọc những bài của cha Léopold Cadière, một vị thừa sai người Pháp. Một số bài của ngài được trường Viễn Đông Bác Cổ in thành 3 tập với tựa đề “Croyances et Pratiques religieuses des vietnamiens”. Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin Hà nội đã cho dịch và in tập I.

Đọc những gì ngài viết, không ai là không yêu mến người Việt nam, phong tục Việt nam. Ngài nhìn thấy nơi người Việt nam những vẻ đẹp cao quí, nơi phong tục những ý nghĩa sâu xa. Nhìn thấy những vẻ đẹp ấy không phải chỉ vì ngài là một học giả uyên bác nhưng nhất là vì ngài là một người rất yêu Việt nam, là một nhà truyền giáo tha thiết mê say Việt nam.

Con đã có dịp gặp nhiều vị Thừa sai trước đã làm việc ở Việt nam. Tất cả các ngài đều yêu mến Việt nam, yêu người Việt nam và mong được trở lại, được chết ở Việt nam. Con mừng vì Việt nam và người Việt nam có những nét đẹp cho các ngài quí mến. Nhưng con hiểu rằng các ngài có một nền linh đạo truyền giáo sâu xa : Yêu mến linh hồn những người nơi mình truyền giáo và vì thế yêu mến chính người bản xứ, phong tục và đất nước của người bản xứ.

Đó là những tấm gương ta phải bắt chước và để tự đào tạo bản thân và đào tạo những thế hệ trẻ nếu ta thực sự tha thiết với việc truyền giáo.

TGM. Jos Ngô Quang Kiệt

VỀ MỤC LỤC

BÀN TIỆC LỜI CHÚA TRONG GIA ĐÌNH

                 

   Các nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ 12 về Lời Chúa trong Gia đình, đã ước ao mỗi Gia đình có một cuốn Kinh Thánh riêng, và cổ võ việc đọc Kinh Thánh trong gia đình.

   1-Trong cuộc nghiên cứu: gần đây tại 10 nước Âu Châu cho thấy sự dốt nát kinh khủng của các Tín hữu về những ý niệm sơ đẳng liên quan tới Kinh Thánh. Sự dốt nát như thế là mảnh đất màu mỡ cho các Giáo phái Kitô khác phat triển như Tin Lành, Anh Giáo…Nên để ý tới khía cạnh đại kết đó, vì sự chú ý tới Lời Chúa sẽ làm cho Giáo hội xích gần lại các hệ phái Kitô khác trong sự tìm kiếm chung.

   2- Các khoá học Kinh Thánh: Giáo hội có nhiều học viện với những môn học biệt lập; nhưng lại coi nhẹ những kiến thức căn bản về Kinh Thánh, không thực thi được điều cần có về phương diện Mục vụ Kinh Thánh. Nên cần có những khoá học về Kinh Thánh mà không cần phải có bằng cấp, như thế mọi Tín hữu có thể tham dự các khoá học đó dễ dàng hơn ở mọi Cộng đoàn, mọi Giáo xứ…

   3- Đức Mẹ đón nhận Lời Chúa: Mẹ là mẫu gương cho các Tín hữu trong việc nghe Lời Chúa, là chìa khoá để hiểu Kinh Thánh, giữ và suy đi lại nghĩ trong lòng (Lc 2, 19). Qua sự kết hợp với Lời Chúa của Mẹ, bạn có thể đọc Kinh Thánh và hiểu rõ về Chúa Kitô qua việc suy niệm các mầu nhiệm trong khi đọc Kinh Mân Côi. Vì Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo hội dạy bạn lắng nghe, đón nhận và can đảm công bố Lời Chúa một cách trọn vẹn cho người khác.

  4- Cha Lucien Legrand nói: Người Tin Lành học Kinh Thánh, còn các Tín hữu Công giáo nói về Kinh Thánh. Người Tin lành nhớ thuộc lòng, trưng dẫn phần lớn Kinh Thánh, còn chúng ta không thể trưng dẫn một câu Kinh Thánh chính xác. Chúa Giêsu là nhà kể chuyện rất tài tình, còn ta nói chuyện về Ngài đôi khi nhạt nhẽo, dạy luân lý một cách tầm thường không có sự sống, biến Lời Chúa thành trừu tượng.

   5- Đức Cha Ignatius Kaigama đề nghị:  Mỗi Tín hữu Công giáo cần có một cuốn Kinh Thánh riêng để chắc chắn giúp họ yêu mến và sống Lời Chúa. Nhất là khi họ phải biết đọc Kinh Thánh trước khi được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Thêm Sức và phép Hôn phối. Riêng các em nhỏ, cha mẹ phải giữ cho con đến khi em có thể đọc được. Chúng tôi cũng khuyến khích các Gia trưởng đặt Kinh Thánh trên bàn thờ và chia sẻ Kinh Thánh tại gia trong giờ cầu nguyện chung, để Lời Chúa là sức sống cho các phần tử trong Gia đình.

   6- Đức Thượng Phụ Bartolomaios I:  Giáo Chủ Chính Thống  được Đức Thánh Cha mời tham dự Thượng HĐGM nhận định rằng: “Chúng ta đã hành động một cách kiêu hãnh và dửng dưng đối với thiên nhiên thụ tạo, từ chối chiêm ngưỡng Lời Chuá trong các đại dương trên trái đất. Chúng ta đã chối bỏ chính bản chất, vốn đã kêu gọi chúng ta khiêm tốn lắng nghe Lời Chúa, nếu chúng ta muốn trở thành những người tham gia vào bản tính Thiên Chúa.” (2 Pr 1, 4)

   7- Sứ điệp Thượng HĐGM:  Các nghị phụ nhấn mạnh sự kiện Lời Chúa có trước và vượt ra ngoài Kinh Thánh; lịch sử cứu độ và một nhân vật là Đức Giêsu Kitô. Lời Thiên Chúa nhập thể làm người . Vì thế, người đọc Kinh Thánh luôn luôn cần khiêm tốn và lắng nghe Chúa Thánh Linh dẫn dắt đến chân lý toàn vẹn (Ga 16, 13).

  Các Tín hữu dù là người đơn sơ nhất cũng nhớ rằng Lời Chúa mang hình thức những lời cụ thể, để mọi người nghe và hiểu. Đừng chỉ hiểu theo nghĩa đen và cần phải hiểu theo nghĩa bóng. Tín hữu cần đi tham dự đầy đủ bữa tiệc Lời Chúa, là phần đầu của Thánh lễ với ba bài đọc và bài giảng, thật cụ thể để Tín hữu dễ nhớ thực hành.

  8- Bàn tiệc Lời Chúa trong Gia đình: Các gia trưởng được coi như là Linh mục tại gia, có trách nhiệm giữ gìn Kinh Thánh, hãy đọc và cùng nhau chia sẻ giữa cha mẹ, vợ chồng con cháu trong các buổi sinh hoạt và giờ kinh tối Gia đình. Hãy thinh lặng và lắng nghe thật sự với cả con tim, để Lời Chúa thấm nhập, ở lại và sống với mọi người. Những câu, đoạn Kinh Thánh vừa đọc sẽ trở thành những chứng tá sống động trong đời sống Gia đình và ngoài xã hội.

   Các cha mẹ là Linh mục Gia đình hãy làm cho Lời Chúa vang dội vào đầu mỗi ngày trong vợ chồng, con cháu, và vào các buổi tối, là sức sống dồi dào của mọi phần tử trong Gia đình. ( Ga 10, 10)

   Mỗi năm kỷ niệm mừng Chúa Giáng Sinh, Gia đình tôi hãy là một Gia đình êm ấm trong thanh bần, cùng Mẹ Maria suy gẫm Lời Chúa với Thánh Giuse để đem ra thực hành. Như thánh Phaolô đã xác quyết: “Chân đi giầy là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an...Hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa.”  (x. Ep 6, 14-17) 

Phó tế: JB Nguyễn Văn Định 

VỀ MỤC LỤC

TÂM HỒN TA PHẢI MỚI

 

(Ga 1,23) 

Hãy san phẳng những tuyến đường khúc khuỷu

Bạt cho bằng hương lộ chạy quanh co

Sửa cho ngay những khúc lượn vòng vo

Xén bớt cỏ những đường viền hoang dã 

 

Hãy đắp đường chạy sâu xuyên núi đá

Dựng cây cầu trên dòng nước thiên nhiên

Lượm  tro than, rác rưởi, khắp mọi miền

Sửa sang hết để con đường nên mới 

 

Vì Giáng Sinh!  Tâm hồn ta phải mới!

Bao bợn nhơ, hầm hố phải sửa ngay

Phải điểm tô, quét dọn trước nhiều ngày

để đón mừng Con Chúa Trời xuống thế!

 

Ôi Giáng Sinh! Một mầu nhiệm cả thể

Khắp tầng trời cùng tấu khúc hoan ca

Lòng người vui bừng nở vạn đoá  hoa

đã chuẩn bị để đón mừng Thiên Chúa!

 

Kìa hãy nhìn đoàn thiên thần ca múa

Ta hãy cùng chư thần thánh tung hô

Vinh danh Ba Ngôi, hiển trị trên trời

Và hoà bình cho mọi người dương thế!

 

Nhà Văn Xuân Vũ Trần Đình Ngọc

VỀ MỤC LỤC
CÓ NHIỀU CHA DÂNG LỄ THÌ LINH HỒN ĐƯỢC MAU CỨU RỖI ?
 

Hỏi : -

1-   Xin cha cho biết :sự khác biệt nào giữa thánh lễ chỉ có một linh mục dâng với thanh lể có Giám mục chủ tế và  nhiểu  linh mục đồng tế ?

2-   Nếu có nhiếu linh mục đống tế thì có lợi ra sao cho một linh hốn xin cầu nguyện ? 

Trả lời : trong một bài viết trước đây, tôi đã có dịp giải thích rõ về giá trị thiêng liêng của thánh lễ nói chung và giá trị của việc có nhiếu linh mục đống tế trong các lể cưới vá lễ tang. .

Nhân câu hỏi trên , tôi xin được nhắc lại giáo lý của Giáo Hội về các  vấn đề này như sau::

1-   Trước hết, chúng  ta phải hiểu rõ rằng Phụng vụ thánh( Sa cred Liturgy),- mà cao điểm  là  Thánh Lễ Tạ Ơn ( Eucharist) ( hay con goi là Lễ Mísa )-  là “đỉnh cao  và nguồn mạch của đời sống Giáo Hội” ( x. Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh SC, số 10). Sở dĩ thế , vì  Thánh Lễ Tạ Ơn ngày nay  chính lá Hy tế thập giá Chúa Kitô đã một lần dâng lên Chúa Cha trên thập giá năm xưa để đền tội thay cho nhân loại đáng  phải phạt và  chết đời đời vì tội. Đồng thời cũng diễn lại Bữa ăn cuối cùng của Chùa Giêsu với Nhóm 12 , nhân đó Chúa đã lập Phép Thánh Thể vá Chức Linh  Mục., một điều mà các giáo phái ngoài Công Giáo và Chính Thống Giáo, không tin.

 Khi dâng Hy Tế cực trọng trên thập giá, , Chúa Giê su vừa  là Tư Tế (Linh Mục Thượng Phẩm) vừa lá bàn thờ vừa là lễ vật.

Ngày nay, Chúa Kitô vẫn tiếp tục dâng Hy tế này cách bí tich ( nhiệm mầu) qua tàc vụ (ministerium) của Giáo Hội  là Thân thể nhiệm mầu của Chúa  trong trần gian..

Nói rỏ hơn, mỗi khi Thành lễ Tạ Ơn được cử hành trên bàn thờ ở bất cừ  nơi nào   trong Giáo Hội thì chính Chúa Kitô lại hiện diện cách nhiệm mầu qua cá nhân thừa tác viên con người  là linh mục hay Giàm mục để diễn lại bữa tiệc ly  và  dâng  lại Hy Tế năm xưa trên thập giá để xin  Chúa Cha ban ơn cứu chụộc cho chúng ta ngày nay như Giáo Hội dạy:   “ và mỗi lần Hy tế thập giá  được  cử hành trên bàn thờ , nhờ đó “ Chúa Giêsu, Chiên vượt qua  của chùng ta chịu hiến tế,,(1 Cor 5, 7 )thì công cuộc cứu chuộc chùng ta được thực hiện.” (x, Lumem Gentium ,số 3.)

Như thế có nghĩa là chính Chúa Giê su là Chủ tế của mọi thánh Lễ Tạ Ơn, nhưng Chúa thực hiện qua  công cụ loài  người là các thừa tàc viên có chức thánh( ordained minis- ters) trong hàng tư tế ( Sacerdos) như linh mục , và  đặc biệt  là Giám mục, từc những  người được chia sẻ trọn ven Chức Linh Mục đời đời của Chúa Kitô, “ Thầy Cả Thượng Phâm theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (x.Dt 5: 6)( Hống Y và chính Đừc Giào Hoàng cững chỉ là Thừa tàc viên như linh mục và Giàm mục khi dâng Thành Lễ Tạ Ơn mà thôi.).

Vì không phải cá nhân linh mục hay giám mục dâng lễ mà chính Chúa Kitô mượn tay và miêng lưỡi của các ngài để  diễn lại bữa tiệc ly  và dâng lại Hy tế thập giá  cách nhiệm mầu hay bí tích trên bàn thờ ngày nay để xin ơn cứu độ cho chúng ta cùng thể thức và giá trị như ơn ầy được ban lần  đầu cho nhân loại qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá năm xưa.

Như vậy , tuyệt đối không có sự khác biệt nào giữa thánh lễ của một linh mục cử hành và thánh lễ của một giám mục hay của Đức  Thánh Cha. Tất cả các ngài , tuy khác nhau về chức thánh, và quyền bính trong Giáo Hội, nhưng khi cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn ( The Eucharist.) thì các ngài không nhân danh cá nhân mình mà nhân danh Chúa Kitô = In  persona Christi. Nghĩa là chình “ Chúa Kitô là Tư Tế duy nhất , còn  các vị khác chỉ  là thừa tác viên của Ngài” ( Th. Tôma,Hebr, 7,4.; SGLGHCG, số 1545)

Với nhãn quan con người thì nhiều người lầm tưởng rằng tham dự thánh lễ của một giám mục  và  nhất là của Đức Thanh Cha thì có giá trị và ơn ích thiêng liêng hơn là dự lễ của một linh mục tầm thường..Điều này hoàn toàn sai lầm như đã giải thích ở trên.

2- Về câu hỏi thứ hai, tôi xin nhắc lại điều đã có lần trả lời.

Cũng theo nhãn quan con người thì , lễ  tang, lễ cưới … nếu có nhiều linh mục đống tế , và  đặc biệt  có Giám mục hay Hồng Y chủ tế, thì trước hết đó là vinh dự, hãnh diện  lớn lao cho gia chủ.Ngoài ra người ta cũng nghĩ rằng có nhiều  linh mục đồng tế thì có nhiều ơn ích thiêng liêng cho người sống hay chết. Ví thế , ở các Cộng Đoàn Việt Nam ( và chỉ riêng có giáo dân VN mà thôi, các sắc  dân khác, không có thói quen này) , người ta thường cố mời nhiều linh mục đến đồng tế trong các dịp lễ tang, lễ giỗ hay lễ cưới.

Điều này cũng không có gì là sai trái. Tuy nhiên, cần phải nói ngay rằng : Chúa  ban ơn không phải vì có nhiều linh mục hay giám mục đồng tế trong các dịp nói trên , mà chủ yếu là vì lòng thương sót vô biên và công bằng tuyệt đối của Ngài.

Thật vậy, nếu một người đã hướng trọn đời mình về Chúa và quyết tâm sống theo đường lối của Ngài thì đó mới  là bảo đảm chắc  hơn cho phần rỗi của mình,  như Chúa Giê su đã nói với các môn đệ xưa :” không phải bất  ai thưa với Thầy :|”  Lậy Chúa, lậy Chúa mà được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.” ( Mt 7: 21)

Như vậy, nếu một người đã không quyết tâm tìm kiếm , yêu mến và sống theo đường lối của Chúa, hay nói cách khác, đã từ khước Ngài suốt cả đời  mình, thì khi chết  dù  có Đức Thánh Cha và hàng trăm giám mục, linh mục đồng tế thì cũng vô ích mà  thôi. Ngược lại, một người đã ra đi trong ơn nghĩa Chúa, hay ít là trong giờ sau hết đã kịp thời quay trở  lại với Chúa và xin Ngài thương tha thứ, thì cho dù không có linh mục cử hành lễ tang hoặc không có linh mục nào đồng tế thì cũng không thiệt  thòi gì về mặt thiêng  liêng cả vì Chúa rất nhân từ và công minh khi phán xét con cái loài người. Đây là điều chúng ta phải tin và cậy trông.

Tóm lại, muốn được cứu rỗi thì trước hết phải cậy nhờ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa nhờ công nghiệp cứu chuộc  vô giá của Chúa Kitô, nhưng cũng đòi hỏi thêm phần đóng góp của con người qua nỗ lực tìm kiếm, yêu mến và sống theo đường lối của Chúa. Nếu không có sự đóng góp cần thiết này thì Chúa không thể cứu ai được , nói chi nhờ  nhiều người  khác cầu nguyện thay cho sau khi chết.

Lm Phanxicô Xavie Ngô Tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC

ĐỪNG THƯƠNG HẠI (BÀI 2)

 

Thùy Vân 5 tuổi lên cơn sốt và có những triệu chứng khó nhận ra được ngay tức khắc. Cô bé rất yếu và được nằm lại trong nhà thương để họ nghiên cứu. Ngoài sự lo lắng, bà mẹ cảm thấy sắc diện có chút biến chứng xảy ra cho cô bé. Cô bé được chích thuốc và được chuyền máu. Mặc dầu nửa tỉnh nửa mê, cô bé vẫn khóc mỗi khi bị chích kim. Bà mẹ phàn nàn vì bà cảm thấy quá ác đối với một đứa bé đau ốm như vậy. Sự thương hại đối với cô bé lên cao. Sau khi khám nghiệm và thuốc thang thích hợp, cô bé từ từ bình phục và được phép về nhà. Sự hồi phục chậm. Bà mẹ cố gắng phục vụ cô bé. Bà không biết làm gì hơn để bù đắp cho cơn bệnh trầm trọng và lâu dài. Mỗi ngày cô bé càng khá hơn, nó đòi hỏi ngày càng thêm nhiều. Bà mẹ dần dần kiệt sức bỡi sự mất ngủ và bà bắt đầu gắt gỏng. Cuối cùng, một ngày kia, bà nổi trận lôi đình. Khủng hoảng và ngỡ ngaøng, coâ beù khoùc: “Taïi sao meï aùc ñoäc vôùi con nhö vaäy trong khi con quaù ñau?” Hoái haän, baø meï coá gaéng hôn ñeå chòu ñöïng vôùi con baø. 

Cô bé đã thấm được sự thương hại của người mẹ và bây giờ nó thương hại chính nó. Bà mẹ mang mặc cảm tội lỗi về việc gắt gỏng với con bà và trở lại phục tùng những đòi hỏi không thích đáng. Một vòng lẩn quẩn đã được thiết lập. 

Hầu hết chúng ta đều cảm thấy thương hại đốùi với những con trẻ khi chúng đau ốm. Dĩ nhiên, một đứa trẻ đau cần sự chú ý và sự cảm thông của chúng ta. Nó không thể tự nó lo lắng cho chính nó. Chúng ta phải giúp nó, nhưng phải làm với cặp mắt để ý đến thái độ chúng ta. Chúng ta phải ý thức về việc mở lối cho cám dỗ muốn thương hại đứa trẻ đau khổ. Đây là một phần của cuộc sống. Tốt nhất, chúng ta có thể thõa đáp những nhu cầu khi nó đau, giúp nó chịu đựng đau khổ và chỉ nó cách ứng phó với những khó khăn. Đứa trẻ đau cần sự giúp đỡ của chúng ta về sự dũng cảm, cần lòng tin của chúng ta vào sự can đảm của nó, sự cảm thông và sự thiện cảm của chúng ta nữa. Sự đau ốm rất ảnh hưởng trong việc dễ làm mất nghị lực, nó gây cho trẻ một ấn tượng là còn nhỏ và vô dụng. Sự thương hại làm nó càng mất đi sự can đảm, làm mất năng lực, làm mất sự tự kỷ. Thương hại ám chỉ một thái độ của kẻ trên. Nó không nâng đỡ sự can đảm. Bà mẹ khôn khéo tỏ ra nhã nhặn đối với con khi bà mạnh mẽ khước từ đối xử với con bà theo phương cách thương hại để giúp nó tiến. Thời kỳ phục hồi là thời kỳ khó nhất cho cả bà mẹ và đứa con. Nhưng điều đó có thể được làm dễ hơn nhiều cho cả hai nếu sự thiện cảm và can đảm thay thế sự thương hại và phục vụ không đúng cách. 

Thúy Vân 3 tuổi rất sung sướng vui hưởng chiếc võng đu đưa mới của nó. Kim Trang 5 tuổi, một đứa trẻ láng giềng chạy sang từ nhà nó, bắt cô bé Thúy Vân ra khỏi chiếc võng đu để rồi chiếm ngay chiếc võng đu đó. Thúy Vân đứng dậy, phết đít cô Kim Trang một cái, và chạy tới chiếc võng đu khác. Bà mẹ nhìn theo từ chiếc cửa sổ nhà bếp. Thúy Vân ngồi vào chiếc đu khác chưa được bao lâu thì Kim Trang bỏ cái kia và lại đòi cái võng của Thúy Vân đang đu. Có tiếng vọng lên. Bà mẹ của Kim Trang chạy qua và nói với cả hai. Bà khích lệ Kim Trang chọn cái nào nó thích, đăït nó vào trong đó và băùt đầu đu đưa. Cô bé Kim Trang đổi ý. Cô muốn cái kia. Mẹ nó thuyết phục Thúy Vân đổi cho nó, đoạn đu đưa chiếc võng của Kim Trang và rồi Thúy Vân. “Cháu có thể tự đu đưa,” cô bé Th. Vân nói. Không bao lâu sau đó, cô bé Kim Trang một lần nữa lại đòi đổi chỗ. Mẹ nó lại phải thuyết phục. Không chịu đựng được nữa, bà mẹ Thúy Vân nhập cuộc: “Tại sao chị cứ phải theo ý cô bé suốt như vậy.” “Nó quá nhỏ, tôi không bao giờ từ chối điều gì. Tôi không bao giờ có thể bổ túc cho nó cho những khởi đầu mất mát nó có trong cuộc đời.” “Khởi đầu mất mát có ngĩa là gì?” Mẹ Kim Trang quay sang và thì thào: “Ô, nó là đứa con ngoại hôn.” Bà mẹ của Kim Trang xem mình như là một anh hùng quảng đại, người đến để cứu một đứa trẻ hoàn toàn bất hạnh và bất hợp pháp. Tuy nhiên trong đầu óc bà, tình yêu và sự trao ban trong thế giới nầy không thể bù đắp cho sự mất mát to lớn, là nguồn động lực bên trong đã tạo nên hành vi của cô bé. 

Bà mẹ của Kim Trang có một cái nhìn hoàn toàn không thực tế. Sự thương hại của bà không giúp được gì cho cô bé mà chỉ tạo ra một kết quả không mấy tốt đẹp. Quan niệm của bà, một người mẹ nuôi, đã ảnh hưởng cách xử thế của bà cũng như ảnh hưởng đến cô bé mà bà đã nuôi. Cô bé Kim Trang quá hư hỏng đến nỗi không thể làm được một sự đóng góp xây dựng nào. Nếu không có một sự ý thức, cô bé cũng vậy, bị ảnh hưởng bỡi quan niệm và thái độ sống của bà cho rằng: tôi bất hạnh, thế giới phải đền bù điều đó cho tôi. 

Thương hại là một cái bẩy cho những cha mẹ nuôi. Đó là một tai họa. Một đứa con nuôi không có chướng ngại để khuất phục hơn những đứa trẻ khác, ngoại trừ bố mẹ nuôi cung cấp những chướng ngại qua việc thương hại sai lầm nầy. Đứa trẻ trong năm đầu tiên không thể phân biệt giữa thành phần trong gia đình bằng việc con nuôi hay con đẻ. Sự ý thức về những người chung quanh nó giống với ý thức của một đứa trẻ được sinh ra trong gia đình. Vì lợi ích của sự thích nghi đối với đời sống, nó không bao giờ có một vị thế đặc biệt. Những đứa trẻ xem mình là đặc biệt trong một cách thế nào đó tậu lấy những giá trị sai lầm và phát triển những mong đợi sai lầm đó. Đứa con nuôi cần có sự kính trọng và chăm sóc giống như đứa con đẻ. 

Một bà mẹ có hai đứa con nuôi, khi chúng lớn lên, chúng được cho biết rằng chúng được nhận làm con nuôi bằng cách lưu ý điều đó cách rất tự nhiên. Khi chúng muốn biết rõ điều đó có nghĩa là gì, bà nói rõ rằng thỉnh thoảng có người không có khả năng nuôi con, trái lại có người có khả năng nuôi con nhưng lại không có con, như thế không tốt sao cho đứa bé có thể thay đổi vị thế của nó. Và rồi, một sự thảo luận chính thức về cách thức giải quyết một số những vấn đề khó khăn, sẽ loại bỏ được những trục trặc còn lại. Bấy giờ những đứa con nuôi được chấp nhận nếu bố mẹ hai bên đồng ý. 

LM. Lê văn Quảng, tiến sĩ tâm lý

VỀ MỤC LỤC
NĂM MỚI, THĂNG TIẾN NIỀM TỰ QUÝ TRONG HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG

Mỗi khi Xuân về Tết đến, người ta thường chúc nhau những điều tốt đẹp như gia đình hạnh phúc, khang an, thịnh vượng.   Trên bình diện cộng đồng, chúng ta cũng cầu chúc năm mới sẽ là năm an vui, đoàn kết, mọi người cộng tác phục vụ lợi ích chung. 

Là người hoạt động cộng đồng, bạn có muốn mình hiệu qủa hơn trong cách ứng xử và gia tăng bạn hữu?  Nếu vậy, năm mới bạn hãy nổ lực để thăng tiến niềm tự qúy cho mình và cho những người đồng sự trong các hoạt động cộng đồng. 

 

Mặc dầu ngày nay nhiều thành viên làm việc cộng đồng được trang bị kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, nhưng đó đây chúng ta vẫn thường chứng kiến cảnh xung đột khiến nhiều người không hợp tác được với nhau.  Hậu qủa là tổ chức bị suy yếu, cộng đồng bị chia rẽ.  Một trong những lý do của vấn nạn nầy là người ta thiếu tôn trọng lẫn nhau. 

 

Khi tham gia hoạt động với người khác, chúng ta muốn gì?  Có phải để thực thi  lý tưởng, cũng như để làm cho cuộc đời chúng ta có ý nghĩa hơn, thăng tiến hơn, hạnh phúc hơn?  Thế nhưng, bí quyết nào giúp chúng ta đạt được những điều đó? 

 

Bí quyết để được hạnh phúc là có niềm tự qúy cao (high self-esteem).  Niềm tự qúy là lòng tự tin tự trọng, tự coi trọng mình và coi trọng kẻ khác.  Người có lòng tự qúy là người biết yêu thương, được yêu thương, tin ở phẩm chất tài năng mình, thấy mình gía trị và xứng đáng có một chỗ đứng trong cuộc đời. Niềm tự qúy càng cao thì người ta càng cảm thấy phấn chấn, yêu đời hạnh phúc. 

 

Trong thực tế, một khi cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ, tự tin thì chúng ta đối xử với người chung quanh cũng tử tế hơn. Tương tự, người đối tác tham gia hoạt động khi có niềm tự qúy cao không những vui thích mà còn dễ dàng hợp tác với chúng ta và kết qủa của công việc chung sẽ tốt đẹp, hiệu qủa hơn. 

 

Nhưng làm thế nào để xây dựng niềm tự qúy nơi người khác?  Đây là một nổ lực đòi hỏi chúng ta phải biết chú tâm thực hành để làm thành thói quen từ trong gia đình đến các giao tiếp ngoài xã hội. 

 

Chú ý các điểm hay điều tốt:  Người ta thường có khuynh hướng để ý các điểm xấu, các khiếm khuyết nơi người khác hơn là điểm tốt.  Đây là điều sai lầm.  Là con người ai ai cũng có những ưu điểm mà khi chú ý hơn một chút, chúng ta sẽ nhận ra.  Cần phát huy các ưu điểm đó bằng cách tìm mọi dịp để khen ngợi họ.  Mỗi khi gặp nhau nên có một vài điều để khen nhau.  Đồng thời lời khen phải chân thành, không xu nịnh.  Ngược lại, cần tránh hết sức những điều tiêu cực, chê bai vì đó là những độc tố làm suy giảm mối tương quan của mình với người khác. 

 

Lắng nghe:  Khi lắng nghe là chúng ta biểu lộ sự tôn trọng của mình đối với người khác.  Có nghe mới hiểu người được.  Có chú ý nơi điều họ nói mới khích lệ họ tỏ lộ tâm tình cho chúng ta.  Khi nghe đừng ngắt lời, đừng chú ý làm việc khác mà hãy biểu lộ sự quan tâm bằng cách nêu câu hỏi, chêm vào các tiếng như “vâng”, “tốt qúa”, “rồi làm sao?”...  Nên chú ý tới các ngôn ngữ câm như  cười, nháy mắt, gật gù... trong khi lắng nghe.   

 

Đàm đạo, đối thoại:  Là nói chuyện, trao đổi hoặc thư từ với nhau…  Cho người khác biết các điều xảy ra, những biến chuyển quan trọng, một cách đúng lúc, nhất là những điều có liên quan đến họ.  Khi làm như vậy, người nghe cảm thấy họ được coi trọng và giúp họ hiểu sự việc hơn, cảm thông hơn.  Trong đàm đạo nên tránh các từ ngữ tiêu cực, chê bai hoặc gán ghép hồ đồ mà nên dùng các từ ngữ tích cực, thanh tao, nhẹ nhàng.   

 

Cho phản ảnh:  Khi cộng tác làm việc với nhau chúng ta cần biết các ưu điểm của nhau để phát huy và biết các lãnh vực cần cải tiến.  Không nên phê bình, dẫu lời phê bình xác đáng đi nữa, vì phê bình dễ đẩy người nghe vào vị thế tự vệ, bào chữa cho mình.  Nên cho phản ảnh (feedback) bằng cách đưa các dữ kiện thực tế và tránh các phán đoán chủ quan.  Dùng lối nói lấy “tôi làm chủ từ” (I message) để tránh cho người nghe cảm tưởng bị công kích.  Ví dụ thay vì nói, “Anh nói to tiếng làm mọi người bực mình” thì nói, “Tôi cảm thấy bực mình khi nghe nói lớn tiếng”.  Khi cho phản ảnh, cần nêu các thành tựu của họ và cho họ biết nếu ở địa vị họ mình sẽ ứng xử thế nào.  Tham gia việc chung đã là một hy sinh mà còn bị phê bình thì rất dễ bất mãn. 

 

Cám ơn, xin lỗi:  Khi biết người ta làm được điều hay, nói điều chí lý thì chúng ta cần biểu lộ sự biết ơn qua lời nói, cử chỉ.  Người ở địa vị càng cao, muốn đắc nhân tâm, càng phải biết tận dụng các dịp để nói lời cám ơn. Lời đó không phải là một sáo ngữ mà là tâm tình thật nên khi nói “cám ơn” thì cũng nên thêm chi tiết đằng sau để cho cụ thể.  Đồng thời, khi vấp phạm khuyết điểm thì nên nhận lỗi của mình.  Người chức phận cao mà sẵn sàng nhận lỗi là người can đảm.  Thông thường một khi thấy ai thành thực nhận lỗi thì lỗi ấy cũng đáng được thứ tha.  Mà giả như không được thứ tha thì người xin lỗi cũng cảm thấy yên tâm vì mình đã làm điều phải làm rồi. 

 

Thành thực hợp tác:  Khi tham gia hoạt động là chúng ta cùng người khác mưu cầu lợi ích chung. Thành tựu của tập thể cũng giúp cá nhân tăng thêm niềm tự tin. Mỗi người, vì vậy, là một thành phần của đội ngũ mình, có bổn phận làm cho công việc chung đạt được kết qủa khả quan.  Thành qủa đó là phần thưởng mà mọi người đều được dự phần.  Vì thế, khi hoạt động ai ai cũng phải cố làm cho trọn phận sự của mình và thành thực cộng tác với người đồng đội.  Có thành thực cộng tác, niềm tự tin tự trọng của mình mới được củng cố, tài bồi thêm. 

 

Dẫu tập thể chúng ta tham gia có mang một lý tưởng cao đẹp mấy đi chăng nữa mà một khi lòng tự qúy của mình bị thương tổn vì tập thể đó, chúng ta sẽ dễ mất tinh thần, nhiệt tình bị nguội lạnh và muốn rời xa.  Xây dựng niềm tự qúy cho nhau, vì vậy, là một việc làm thiết yếu cho người hoạt động trong các công tác cộng đồng.- 

Trần Hiếu

VỀ MỤC LỤC
Hãy đẾn vỚi MẸ Maria.

 

Tác Phẩm CHÚA VẪN THƯƠNG

Lm. MICAE-PHAOLÔ TRẦN MINH HUY pss

Phần hai

BẠn cỘng tác vào Chương trình CỨu ĐỘ cỦa Thiên Chúa

5. Hãy đẾn vỚi MẸ Maria.  

Bạn hãy cầu nguyện với Mẹ Maria nhiều hơn

Giá mà bạn biết được nụ cười của Đức Mẹ đẹp dường nào! Nếu mà bạn thấy được, dù chỉ là trong chốc lát, cả cuộc đời bạn sẽ được chiếu sáng! Đó là nụ cười của lòng tốt, của dịu dàng, của đón tiếp, của thương xót, nói tắt một lời là của tình yêu. Nhưng cái bạn không thể thấy được bằng con mắt thể xác, thì nhờ Đức Tin bạn sẽ thấy được bằng con mắt linh hồn. 

Bạn hãy năng xin Chúa Thánh Thần tỏa chiếu trong tư tưởng bạn nụ cười không bao giờ tàn phai diễn tả tất cả lòng yêu mến và vô nhiễm của Mẹ. Nụ cười của Mẹ đủ chữa lành những khổ đau và băng bó các vết thương. Nụ cười của Mẹ thi thố một ảnh hưởng xuyên thấu những con tim đóng kín nhất, và dọi chiếu một ánh sáng chói ngời vào những trí khôn tăm tối nhất.

Bạn hãy chiêm ngắm nụ cười đó trong tất cả mầu nhiệm cuộc đời Mẹ. Bạn hãy chiêm ngắm nó trong niềm vui thiên đàng, kết hợp với các thánh đang vui hưởng một nguồn vui vô tận. 

Bạn hãy chiêm ngắm Mẹ trong Đức Tin, vì Mẹ ở rất gần bạn. Bạn thấy Mẹ đang nhìn bạn. Bạn hãy ngắm nhìn Mẹ đang mỉm cười với bạn. Mẹ sẽ giúp bạn bằng nụ cười của Mẹ, vì nụ cười từ mẫu của Mẹ là một ánh sáng, một sức mạnh và một nguồn suối yêu thương sống động. 

Chính bạn, bạn hãy cười nụ cười đẹp nhất của bạn với Mẹ. Bạn hãy để Chúa mỉm cười với Mẹ qua bạn. Bạn hãy hiệp thông với nụ cười của Chúa cho Mẹ. Bạn hãy ký thác bạn cho Mẹ. Càng ngày bạn hãy càng cố gắng với Mẹ. Bạn biết rõ Mẹ đã làm gì cho bạn trong thời thơ ấu và trong suốt cả cuộc đời hiến dâng của bạn. Mẹ sẽ có mặt khi chuỗi đời bạn kết thúc và trong giờ chết của bạn, Mẹ sẽ đích thân đến tìm bạn và đem bạn trình diện với Chúa. Mẹ là Mẹ Dâng Mình một cách tuyệt hảo. 

Bạn hãy năng hiệp thông với tình cảm của Trái Tim Mẹ. Hãy diễn tả theo cách của bạn những gì bạn cảm nhận. Có một cách đặc biệt riêng cho cá nhân bạn, không thể thông chia được để giải thích những trạng thái tâm hồn của Mẹ. Những trạng thái đó trở thành của bạn, nhưng mãi mãi vẫn là của Mẹ. Bạn hãy chạy đến ẩn mình bên Mẹ. Hơn bất cứ ai, Mẹ sẽ vuốt ve trán bạn và làm tiêu tan nhọc mệt của bạn.  

Với sự hiện diện từ mẫu của Mẹ, Mẹ sẽ giúp bạn từ từ tiến lên theo Chúa suốt con đường thập giá của Chúa. Chắc hẳn bạn sẽ nghe Mẹ gọi lặp đi lặp lại ba lần Hãy ăn năn, hãy ăn năn, hãy ăn năn, nhằm một sự biến đổi thiêng liêng rạng ngời. Per crucem ad lucem, qua thập giá mà đến ánh sáng. 

Nhất là bạn hãy ở bình an, đừng bắt ép tài năng của bạn. Bạn hãy hiệp thông tốt nhất với ân sủng của giây phút hiện tại. Liên kết với Mẹ, cuộc đời bạn, dù có tăm tối mấy đi nữa đối với nhiều người, sẽ phong phú cho lợi ích của đa số. Bạn hãy năng đặt mình dưới ảnh hưởng tương hợp của Chúa Thánh Thần và Mẹ. Bạn hãy xin các Ngài cho tình yêu của bạn được gia tăng. 

Hãy hiệp thông tình cảm của Chúa Giêsu đối với Mẹ: tế nhị, dịu dàng, kính trọng, chiêm ngưỡng, tín nhiệm hoàn toàn và biết ơn sâu xa. Hãy hiệp nhất với Chúa Giêsu mà nói với Mẹ, xin Mẹ giúp đỡ cho bạn và cho kẻ khác, cho Giáo Hội, cho sự tăng trưởng của nhiệm thể Chúa. 

Bạn  hãy nghĩ đến hạnh phúc của Mẹ trong vinh hiển thiên quốc, nơi Mẹ không quên một ai trong số con cái Mẹ còn ở trần gian. Bạn hãy nghĩ đến vương quốc từ mẫu của Mẹ. Mẹ thi thố vương quốc thiêng liêng của Mẹ cho mỗi người nơi trần thế. 

Chúa chỉ làm phép lạ ở đâu người ta chịu theo chỉ dẫn của Mẹ, như ở Cana: Hãy làm tất cả những gì Ngài bảo. Người ta sẽ nghe được tiếng Chúa Giêsu và có thể làm những gì Ngài đòi hỏi, theo mức độ trung thành với lời kêu gọi của Mẹ. Như vậy, Mẹ và Chúa Giêsu không ngừng làm việc chung với nhau để mọi người cộng tác phổ biến tình yêu chân thật trên trần gian. 

Mẹ Maria sẽ giúp bạn không bao giờ quên Đấng Duy Nhất Cần Thiết, không làm những điều vô ích, không lẫn lộn cái tùy phụ với cái quan yếu, và biết làm những chọn lựa phong phú. Mẹ luôn luôn có mặt, sẵn sàng giúp đỡ bạn, giữ cho bạn niềm vui và hiệu năng trong những tháng năm cuối cùng của hành trình thế tạm của bạn. Nhưng Mẹ còn làm cho bạn nhiều hơn nữa, nếu bạn tín thác nhiều hơn nữa vào sự dịu dàng và quyền năng của Mẹ. 

Bạn hãy luôn sống trong sự biết ơn Mẹ. Khi bạn cám ơn Chúa, bạn hãy kết hợp với lời kinh Magnificat mà Mẹ đã hát với cả tâm hồn và Mẹ luôn kéo dài trong trái tim con cái Mẹ ở trần gian. Bạn hãy nghĩ đến giây phút bạn được nhìn thấy Mẹ trong vinh hiển đời đời. Bạn sẽ tự trách mình đã chưa yêu mến Mẹ cho đủ, và đã chưa vây quanh Mẹ với hết tình con thảo. Mẹ dâng hiến trọn vẹn và không hề lấy lại. Chúa Giêsu trao trọn cho Mẹ và Mẹ đã trao Chúa Giêsu cho thế gian. 

Trong ánh sáng thần linh, Mẹ thấy tất cả những nhu cầu thiêng liêng của con cái Mẹ, Mẹ muốn giúp những người mù tối tìm lại ánh sáng Đức Tin, những người tê liệt ý chí tìm lại được nghị lực và can đảm cần thiết để hiến dâng cho Chúa, những người điếc nghe được tiếng mời gọi của Chúa và cố gắng hết sức đáp lại.  

Nhưng Mẹ chỉ làm được điều đó khi có nhiều tâm hồn cầu nguyện van xin Mẹ cứu giúp nhân loại lắm lúc chao đảo. Bạn là một trong những đứa con ưu tuyển của Mẹ. Bạn hãy cố gắng mỗi ngày hành động như là đứa con đầy tình yêu thương và tận tâm đối với Mẹ. Mẹ Maria tuyệt đối Đẹp, tuyệt đối TỐT, tuyệt đối Quyền Thế khi kêu xin. Bạn càng biết Mẹ thì bạn càng tiến gần đến Chúa Giêsu. 

Phẩm giá của Mẹ là duy nhất. Chúa Giêsu đã không là thịt bởi thịt Mẹ, là máu bởi máu Mẹ đó sao? Bạn hãy đến với Mẹ với tình hiếu thảo, với lòng tín thác vô biên. Bạn hãy xin Mẹ những gì bạn cảm thấy cần cho bạn và cho thế giới, từ sự bình an trong tâm hồn, trong gia đình, giữa người với người, giữa các dân tộc, cho đến sự đỡ nâng từ mẫu của Mẹ đối với người nghèo khó, người tàn tật, người bệnh hoạn, người bị thương, người lâm chung. Bạn hãy ký thác cho lòng thương xót của Mẹ những người tội lỗi mà bạn biết hoặc nghe nói đến. 

Bạn hãy trở nên một tâm hồn trẻ thơ đối với Mẹ. Bạn hãy ôm chặt lấy Mẹ, hãy quấn quít bên Mẹ. Có nhiều ân sủng bạn có thể xin được cách dễ dàng hơn cho bạn, cho công việc của bạn và cho thế giới, nếu bạn năng cầu nguyện với Mẹ và nỗ lực hơn sống dưới ảnh hưởng của Mẹ.

Một mình bạn, hỏi bạn có thể làm được gì trước nhiệm vụ bao la như thế: bao nhiêu người phải Phúc âm hóa, bao nhiêu tội nhân phải hoán cải, bao nhiêu linh hồn phải thánh hóa! Bạn cảm thấy khốn cùng và vô phương. Bạn hãy tha thiết và kiên trì kêu xin, kết hợp với Mẹ. Bao nhiêu con tim sẽ được lay động, đổi mới và sưởi ấm. Sứ mệnh của Mẹ là làm cho sự kết hợp sâu xa của bạn với Chúa Giêsu được dễ dàng, mạnh mẽ và bảo vệ nó. Hiệp nhất với Mẹ là bạn hiệp nhất sâu xa cùng Chúa Giêsu. 

Mặc dù bạn không thấy, chính Mẹ Maria tiếp tục cầu bàu cho bạn và can thiệp trong mọi chi tiết đời sống thiêng liêng của bạn, đời sống làm việc của bạn, đời sống đau khổ của bạn, đời sống tông đồ của bạn. 

Giáo Hội ngày nay đang gặp khủng hoảng. Việc đó là thường thôi, khi các kitô hữu không kêu cầu Mẹ cho đủ. Bạn hãy tin tưởng mạnh mẽ rằng quyền năng của Chúa không hề giảm thiểu và Chúa có thể làm nổi lên như trong những thế kỷ vừa qua những vị đại thánh, nam cũng như nữ, làm thế gian kinh ngạc. Nhưng Chúa muốn có sự cộng tác của bạn khiến Mẹ, vốn luôn chăm chú đến sự khốn cùng của thế giới, can thiệp như ở tiệc cưới Cana.

Bạn hãy luôn chạy đến với Mẹ Thiên Chúa, cũng là Mẹ của bạn và Mẹ của toàn thể nhân loại. Chính Mẹ dẫn bạn đến với Chúa Giêsu. Chính Mẹ giới thiệu bạn cho Chúa Giêsu và chính Mẹ không ngừng che chở bạn trong suốt cuộc đời bạn, và trong ngày hồng phúc bạn từ giã cõi trần, chính Mẹ sẽ dâng bạn cho Chúa trong ánh sáng vinh hiển.

 

VỀ MỤC LỤC
HÍT KHÓI THUỐC DƯ

 

Cách đây ít năm, truyền thông, dư luận nước Mỹ bàn tán thích thú về câu nói bất hủ của vị cựu Tổng Thống đào hoa bay bướm Bill Clinton: “I smoke but I do not Inhale”. Tôi Hút mà tôi đâu có Hít.

Ấy là để trả lời thiên hạ cứ vặn hỏi rằng đã có bao giờ ông hút cần sa không.

Còn vấn đề chúng ta đề cập tới hôm nay là mình HÍT khói thuốc lá, mà không HÚT điếu thuốc. Hoặc Hít cái mà ta không Hút.

Thực vậy, ở gần người hút thuốc lá, ta sẽ hít thở khói thuốc mà họ tuôn thả tràn ngập trong không gian.Tất nhiên là ta đâu có muốn vậy. Nhưng làm việc chung phòng, ngồi ăn cùng tiệm, ở cùng nhà lại ngủ cùng giường ...thì tránh sao khỏi khói thuốc.

Thế là ta trở nên “hút thuốc thụ động, hút miễn cưỡng, hút ép buộc, hút ké, hút chầu rìa, hút khói thuốc dư”.

Bạn không muốn, mặc bạn. Tôi hút mà bạn ở gần tôi là bạn vẫn phải hít.

Ảnh hưởng của khói thuốc dư này đã một thời bị coi nhẹ. Nhưng rồi những nạn nhân của khói thuốc đã vùng lên tự vệ. Họ đã cố gắng để giải thoát môi trường khỏi ô nhiễm bởi những làn “khói vàng bay lên mây”, khiến họ khó chịu và gây ra bệnh tật cho nhiều người.

Về khói thuốc dư.

Khói thuốc dư là hỗn hợp của hai thành phần:

            a- Hơi khói mà người ghiền hồ hởi hít vào phổi rồi khoan khoái hoặc sụa thở ra không gian.

            b- Thêm vào đó là khói thuốc thoát ra từ đầu điếu thuốc đang âm ỉ cháy, kẹp giữa hai ngón tay vàng khè của tay ghiền hoặc khói tỏa ra từ chiếc gạt tàn đầy ắp những cuống thuốc đang cháy dở.

Theo Hội Phổi Hoa Kỳ, hai phần ba số khói từ đầu điếu thuốc đang cháy sẽ lan tỏa ra môi trường chứ không vào phổi người hút. Lý do là một điếu thuốc cháy hết trong dăm phút mà người ta chỉ hít vào khoảng hai ba mươi giây cho mỗi điếu.

So với khói mà người hút hít vào phổi, khói dư chứa hai lần nhiều hơn nhựa thuốc và nicotine; ba lần nhiều hơn chất gây ung thư benzopyrene, năm lần nhiều hơn khí carbon monoxide và năm mươi lần nhiều hơn khí amnonia.

Trong khói thuốc có đến vài ba ngàn phần tử hóa chất mà hơn 40 chất đã được xác nhận gây ra ung thư cho người và xúc vật.

Sau đây là một số tác nhân có ảnh hưởng xấu nhất:

1- Nicotine.

Đây là hóa chất gây nghiền, hút vài lần là nó bắt ta hút tiếp, vì tác dụng kích thích ban đầu của hóa chất. Sau khi hít vào thì nicotine chạy ngay lên não bộ, tạo cho ta cảm giác sảng khoái vì đã kích thích nang thượng thận và tế bào thần kinh. Nhưng dùng lâu thì nicotine khiến tim đập nhanh, huyết áp lên cao, vị giác tê liệt, tâm trạng thẫn thờ, đờ đẫn.

2- Carbon monoxide.

Đây là loại khí không mùi, không mầu, có tác dụng xấu là chiếm chỗ của oxy trong hồng huyết cầu, khiến cơ thể thiếu dưỡng khí. Chỉ với lượng rất nhỏ nhưng liên tục tác dụng trong thời gian lâu, khí này cũng đưa tới bệnh tim mạch.

3- Cao thuốc lá.

Thuốc lá chứa cả ngàn hóa chất. Gần một nửa có tự nhiên hoặc do phản ứng giữa các hóa chất với nhau khi điếu thuốc được đốt cháy. Một số khác được nhà sản xuất cho thêm để tăng hương vị.

Khi cháy, các hóa chất này kết tụ với nhau và tạo ra nhựa thuốc (tar), một hợp chất dính như keo, mầu xậm. Hít vào, nhựa thuốc kích thích cuống họng và phế nang.

Vài hóa chất có trong nhựa là acetone, ammonia, benzene, cyanide, formaldehyde, phenol, toluene, cadmium, arsenic, mercury, lead...

Ảnh hưởng của môi trường ô nhiễm khói thuốc.

Khi khói thuốc được thong thả bay bổng trong một không gian kín mít, không khí sẽ bị ô nhiễm nhiều hơn không khí bình thường tới 40 lần.

- Ngồi trong môi trường này, nhiều người bị kích thích, mắt cay sè, dàn dụa nước mắt nước mũi, ngứa cuống họng, đau ngực, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn.

 Sau nửa giờ tiếp tục hít thở, lượng carbon monoxide trong máu tăng, nhịp tim đập mau, suy luận phán xét giảm sút.

- Nghiên cứu cho hay khói thuốc dư ảnh hưởng rất nhiều tới thai nhi khi người mẹ hút thuốc.

- Nghiên cứu ở một đại học tại Pensylvania cho hay, vợ tiếp cận với khói thuốc do chồng hút sẽ giảm thọ tới 4 năm. Bên Nhật và Hy Lạp, đã có xác định là vợ không hút thuốc nhưng chồng hút thì nguy cơ ung thư phổi tăng rất nhiều.

- Chuyên gia John Barzhaf cho rằng hàng năm số người chết vì hít thở khói thuốc lá nhiều hơn là tử vong vì tai nạn xe cộ, tội phạm và bệnh HIV/AIDS.

- Quan sát từ San Diego cho thấy công nhân không hút thuốc làm việc với công nhân hút thuốc thì các chức năng của phổi suy giảm đáng kể.

- Kết quả một nghiên cứu đăng trên Tạp Chí Hội Y Khoa Hoa Kỳ Journal of Medical Association ngày 4 tháng Giêng năm 1998 cho hay khi tiếp cận với khói thuốc lá thì con người dễ bị vữa xơ động mạch hơn người không tiếp cận tới 20%. Người có bệnh tim mà liên tục tiếp cận với khói thuốc lá thì bệnh tình sẽ trầm trọng gấp bội.

Trong thư gửi cho Thượng Viện hoa Kỳ ngày 1 tháng 4 năm 1998, giáo sư K.H. Ginzel đã lưu ý rằng: “Sau chủ động hút thuốc lá và uống rượu, hậu quả hít thở trong môi trường ô nhiễm khói thuốc đứng hàng thứ ba trong số các nguyên do gây bệnh có thể phòng ngừa được”. Ông ta cũng nêu ra các nguy cơ gây ra bệnh ung thư vú ở người lớn, ung thư máu ở trẻ em vì hít khói thuốc dư.

Về khía cạnh pháp lý, bác sĩ Ginzel cho biết là khi làm việc với người ghiền thuốc rồi bị hít khói thuốc dư, sinh bệnh thì nạn nhân có quyền kiện đòi bồi thường. Nếu người ghiền có quyền tự do cá nhân hút ở đâu và hút lúc nào thì cái quyền này đã gây ra rủi ro cho người không hút. Nạn nhân cũng có quyền yêu cầu chính quyền can thiệp để được sống an toàn.

Ấy là chưa kể, ngồi trong căn phòng đầy khói thuốc lá, quần áo, đầu mình tẩm mùi hôi rất khó chịu. Tránh được khói thuốc thì họ sẽ cảm thấy dễ chịu, nhẹ nhàng hơn. Dân ghiền đâu có thấy rủi ro này của người không hút. 

Rủi ro cho trẻ thơ.

Sau đây là một số những lý do mà trẻ thơ bị nhiều rủi ro trầm trọng khi hít phải khói thuốc lá mà cha mẹ hút trong nhà:

1- Hai buồng phổi của trẻ thơ còn nhỏ, chưa tăng trưởng hoàn toàn;

2- Hệ thống miễn nhiễm bảo vệ cơ thể của các em còn yếu vì mới được tạo sinh;

3- Vì nhịp thở nhanh hơn người lớn nên các em hít vào nhiều hóa chất có hại trong cùng thời gian;

4- Các em cũng không tự bảo vệ bằng cách tránh xa hoặc nói lên sự không muốn hít khói thuốc dư, nên chịu trận hít tiếp. 

Trong báo cáo của US Surgeon Hoa Kỳ có ghi rõ ràng là khói thuốc gây nguy hại cho trẻ em và nhấn mạnh: “ Ở nơi nào mà thuốc lá được tự do hút thì không có cách nào để bảo vệ các em với khói thuốc nguy hại này”. 

 Sau đây là một số rủi ro bệnh hoạn cho các em:

a- Khi mới sanh mà đã hít thở khói thuốc lá thì sự tăng trưởng của phổi không được hoàn hảo, đưa tới giảm chức năng hô hấp, kém sức khỏe;

b- Trẻ thơ hít khói thuốc dư sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi như sưng phổi, viêm cuống phổi.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi Trường Hoa Kỳ thì hàng năm có đến 300,000 trẻ em dưới một tuổi bị nhiễm trùng phổi với 15,000 em phải nhập viện điều trị, chỉ vì hít khói thuốc dư;

c- Khói thuốc khiến các em hay bị ho, lên đàm, vướng mắc trong cuống họng, thở khò khè. Nhiều em phải giải phẫu cắt bỏ cục thịt dư trong họng để tránh nhiễm trùng;

đ- Khói thuốc làm nhiều chất lỏng tích tụ ở tai trong khiến cho phải giải phẫu để điều trị hoặc phài đặt ống thoát nước;

e- Trẻ em bị suyễn mà hít thở không khí có khói thuốc sẽ lên cơn hen nhiều hơn và bệnh cũng trầm trọng hơn. Ngoài ra khói thuốc cũng là nguy cơ gây bệnh suyễn ở trẻ em chưa bị bệnh này. Nghiên cứu bên Anh và Do Thái kết luận cha mẹ hút thuốc lá, bệnh sưng phổi của con tăng gấp đôi.

g- Khi cha mẹ hút thuốc thì con có thể sanh thiếu cân, chết yểu sau khi sanh hoặc bị Hội chứng Tử vong Bất Ngờ (Sudden Infant Death Syndrome). Lý do có thể là vì dưỡng khí tới thai nhi giảm, vì nicotine làm co mạch máu và khí carbon monoxide chiếm chỗ của oxy trong huyết cầu tố.          

Sau khi sanh mà mẹ vẫn tiếp tục hút thuốc thì con chết bất tử gấp đôi. Khi ghiền nặng thì tử vong tăng gấp năm lần vì con hít chung không khí có khói thuốc dư từ thuốc mà mẹ hút.

Mẹ không hút nhưng người bạn đường hút thì con sanh ra đều nhẹ ký.

h- Đã có bằng chứng có sự thay đổi bệnh lý đưa đến vữa xơ động mạch rốn trẻ sơ sinh khi người mẹ hút thuốc hoặc khi hít thở khói thuốc dư.

i- Nghiên cứu bên Anh cho thấy hít khói thuốc dư làm giảm khả năng đọc chữ của trẻ thơ.

Ấy là không kể, cha mẹ hút thì khi trẻ em lớn lên cũng bắt chước hút theo và trở thành ghiền. Và cái vòng luẩn quẩn lại tái diễn thế hệ này qua thế hệ khác. 

Khói thuốc lá tại sở làm, nơi công cộng.

Đây là một vấn đề đã được quần chúng và chính quyền lưu tâm rất nhiều. Lý do là an toàn tại nơi làm việc là điều rất quan trọng. Chủ nhân có bổn phận cung cấp cho nhân viên một việc làm không có rủi ro, một nơi làm việc an toàn.

Từ thập niên 1980, hít thở khói thuốc lá dư đã được coi như nguy cơ hàng đầu gây ra rủi ro cho sức khỏe tại sở làm cũng như tại nơi công cộng. Các nghiên cứu mới đây cho thấy tiếp cận với khói thuốc lá ở tiệm ăn, tiệm rượu lại nhiều hơn là ở nơi làm việc hoặc các cơ sở khác. Nhân viên nhà hàng ăn, các cơ sở có nhiều khói thuốc đều có nhiều nguy cơ bị bệnh tim và phổi và chủ nhân phải chịu trách nhiệm. Có nhiều tiền lệ án tòa, chủ nhân phải bồi thường vì không bảo vệ an toàn sức khỏe cho công nhân với khói thuốc dư.

Ngày 3 tháng 7 năm 2003, Sir Liam Donaldson, một giới chức y tế cao cấp của chính quyền Anh quốc, đã công bố là, người không hút thuốc mà sống chung với dân nghiền thuốc sẽ tăng nguy cơ ung thư phổi từ 20-30% và tăng bệnh tim tới 25%. Ngoài ra, cũng theo giới chức này, khi tạo ra môi trường không khói thuốc lá sẽ giúp người ghiền bỏ hút mà còn tránh được nguy cơ bệnh tật cho cả triệu người không hút, trong đó có nhiều trẻ em lớn nhỏ. Ông ta cũng nói là “trong 50 năm vừa qua, thuốc lá đã không có đối thủ đáng kể nào trong việc gây tử vong cho thần dân Nữ Hoàng Anh Quốc”. Cuối tháng 11 năm  2004, Anh Quốc đã bắt đầu cấm hút thuốc nơi công cộng.

Ý thức được ảnh hưởng không tốt cho hành khách không hút thuốc mà phải hít thở không khí ô nhiễm khói thuốc, các công ty hàng không cũng áp dụng luật cấm hút thuốc trong lòng phi cơ. Hầu hết các phi trường cũng thành nơi không hút thuốc. 

Kỹ nghệ sản xuất thuốc lá có ý kiến khác.

Họ nói rằng dường như đã có sư phóng đại về ảnh hưởng của môi trường ô nhiễm khói thuốc với sức khỏe; rằng rủi ro không trầm trọng ngoại trừ vài khó chịu nhỏ nhoi. Họ hứa sẽ công bố những bằng chứng y khoa đáng tin cậy là hít khói thuốc dư không có hại cho sức khỏe người không hút. Theo họ, các vận động chống hút thuốc đã gây ra thiệt hại không sửa chữa được cho kỹ nghệ sản xuất thuốc lá và họ sẽ phát động chiến dịch yêu cầu mọi người bảo vệ quyền hạn của người hút thuốc.

Một câu nói được nhắc nhở nhiều lần trên tạp chí Tobacco International là: “Chủ nghĩa cộng sản thất bại vì người dân không có quyền tự do lựa chọn. Hút thuốc lá sẽ tồn tại mãi mãi vì người hút có quyền lựa chọn hút hay không”. 

Lý luận của dân nghiền thuốc lá.

Trên nguyên tắc, hút hay không hút thuốc lá là quyền tự do lựa chọn của mỗi cá nhân mà không ai hoặc chính quyền nào có thể cấm đoán. Tuy nhiên hút ở đâu, khi nào nhất là nếu tạo ra ảnh hưởng không tốt cho người khác thì có thể bị giới hạn, cấm đoán.

Có người lý luận: tôi hút thuốc trong nhà tôi, không ai có quyền cấm vì đó là quyền tự do của tôi.

Nhưng thực ra đó không phải là ta đã sử dụng quyền của mình mà chỉ làm thỏa mãn nhu cầu thèm muốn chất nicotine mà thôi. Hơn nữa, khi khói thuốc làm người phối ngẫu hoặc con thơ của mình phải hít thở khói, rồi mang bệnh thì đó cũng là một hình thức bạo hành gia đình, lạm dụng thân thể con trẻ. Mà khi đã có bạo hành thì luật pháp phải can thiệp để bảo vệ nạn nhân của khói thuốc.

Cho nên nếu muốn người phối ngẫu lành mạnh, thai nhi tăng trưởng tốt, con cái sống sống vui khỏe thì xin hãy nghĩ tới trách nhiệm của mình.

Ngoài ra cũng có tiền lệ ly dị, người cha hoặc mẹ mất quyền thăm nom con cái chỉ vì không chịu ngưng hút thuốc khi gần chúng.

Bên Anh, trong các tiêu chuẩn nhận con nuôi, có khoản không cho người hút thuốc bảo trợ hoặc chăm sóc trẻ thơ, vì khói thuốc đưa tới rủi ro cho sức khỏe của chúng. 

Phòng ngừa rủi ro-Bảo vệ sức khỏe

Sau nhiều thập niên nghiên cứu, khoa học đã chứng minh ích lợi của việc loại trừ khói thuốc lá, tránh ô nhiễm môi trường. Đây là một việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mọi người, nhất là khi chẳng muốn mà phải hít thở không khí ô nhiễm đó.

Quan sát dịch học cho hay, trong số những rủi ro gây ra bệnh hoạn mà có thể phòng ngừa được thì hít khói thuốc dư đứng hàng thứ ba, sau chủ động hút thuốc lá và tình nguyện nghiện rượu.

Bằng chứng khoa học cho hay: không có một mức độ an toàn nào đối với các tác nhân gây ung thư. Cho nên môi trường có khói thuốc lá dù nhiều hay ít, cần được loại bỏ tại sở làm, tư gia và nơi công cộng. Xin nhắc là khói thuốc và mùi hôi có thể giảm bớt bằng hệ thống thoáng hơi nhưng một số hóa chất vẫn còn quanh quẩn trong nhà nhiều giờ sau khi hút thuốc.

Nơi công cộng là khoảng không gian bao kín mà công chúng thường lui tới, sinh hoạt như công sở, bệnh viện, trường học, nơi chuyên trở công cộng, ngân hàng, tiệm ăn, khu giải trí, biểu diễn thể thao, tập luyện thể dục, phòng đợi, phòng tiếp khách...Những người sinh hoạt trong các môi trường này cần được bảo vệ, che trở trước hiểm họa của độc chất trong khói thuốc lá. 

1- Phòng ngừa ở nhà.

a- Đừng hút thuốc hoặc để khách hút thuốc trong nhà;

b- Nếu vì lý do bất khả kháng mà một thân nhân hút thuốc trong nhà, thì cần tăng hệ thống thoáng khí ở phòng mà người đó hút, mở rộng cửa sổ, dùng thêm quạt để sua khói ra ngoài;

c- Không hút thuốc khi có trẻ em ở chung quanh, nhất là với trẻ sơ sinh vì các em rất nhậy cảm với khói thuốc;

đ- Không cho người giữ em bé, người giúp việc hút thuốc trong nhà hoặc ở gần các em;

e- Chọn lựa nhà giữ trẻ có kế hoạch rõ ràng về cấm hút thuốc lá. 

2- Phòng ngừa tại nơi làm việc.

Các cơ quan bảo vệ an toàn và sức khỏe công nhân đều khuyến khích mỗi cơ sở phải có một kế hoạch về hút thuốc lá. Mục đích chính yếu là để bảo vệ những người không hút thuốc, tránh hít thở ngoài ý muốn khói thuốc trong môi trường làm việc.

Sau đây là vài phương thức có thể áp dụng:

a- Cấm hút thuốc trong cơ sở hoặc giới hạn hút thuốc tại địa điểm đã được chỉ định;

b- Không khí trong phòng được phép hút thuốc phải thoát trực tiếp thoát ra ngoài trời bằng hệ thống thông hơi, chứ không lưu chuyển sang các phòng khác. Phòng này phải đặt cách biệt với khu làm việc để người không hút thuốc khỏi lui tới. Nhũng ai không hút thuốc không nên sử dụng phòng này cho bất cứ nhu cầu, dịch vụ gì.

c- Nếu thiết lập khu hút thuốc ngoài trời thì cấm không cho hút ngay ngoài cửa ra vào vì người không hút có thể sử dụng lối đi đó. Nên có quán ngoài trời với gạt tàn thuốc để dân nghiền nghỉ xả hơi, hút thuốc;

đ- Nên có chương trình giúp người muốn bỏ thuốc lá. Đôi khi làm việc ở nơi cấm hút thuốc cũng là đông lực khích lệ dân ghiền từ giã “khói vàng”, vì nhiều người không ý thức được là thói quen của mình đã có ảnh hưởng xấu tới người khác.

3- Phòng ngừa tại tiệm ăn, tiệm rượu.

Hiện nay, tại nhiều địa phương đã có luật thành phố cấm hút thuốc tại nhà hàng ăn uống, tiệm rượu. Nhiều chủ nhân đôi khi lại không muốn cấm hút thuốc trong tiệm, vì sợ mất khách. Nhưng nghiên cứu cho hay: cấm hút thuốc không ảnh hưởng tới lợi nhuận của dịch vụ mà trái lại nhiều người lại thích tới lui vì cảm thấy an toàn hơn.

Chủ nhân nên có khu không hút thuốc và khu hút thuốc. Sự phân chia này sẽ giảm thiểu phần nào khói thuốc cho người không hút. Khu không hút thuốc nên đặt ở gần đầu nguồn cung cấp không khí. Khu hút thuốc gần nơi thoát khí ra ngoài.

4- Bảo vệ cá nhân.

Không hút thuốc mà muốn tránh rủi ro do môi trường ô nhiễm khói thuốc lá thì có thể tự bảo vệ bằng cách:

a- Báo cho mọi người mà mình có liên hệ với là khói thuốc gây khó chịu cho mình. Để tấm bảng “Xin đừng hút thuốc” trong nhà, trên xe hơi, tại văn phòng làm việc.

b- Khi vào tiệm ăn, nên chọn bàn càng xa khu hút thuốc càng tốt;

c- Yêu cầu chính quyền ra biện pháp bảo vệ khỏi khói thuốc tại nơi công cộng;

đ- Hỗ trợ các cơ sở có kế hoạch cấm hút thuốc lá;

e- Khi dự hội nghị đông người, đề nghị có nơi hút thuốc riêng cho dân ghiền;

g- Trên chuyên trở công cộng, ngồi càng xa người hút thuốc càng tốt;

h- Nếu ai hút thuốc ở gần mình thì nhẹ nhàng nói với họ rằng mình bị dị ứng với khói thuốc. Hoặc tránh xa nơi có người hút thuốc. 

Kết luận.

Tại nhiều quốc gia, vấn đề hít thở khói thuốc dư đang được dư luận chú ý đặc biệt. Lý do là đã có nhiều bằng chứng về tác hại xấu do ô nhiễm này gây ra cho sức khỏe.

Chỉ riêng tại Mỹ, hàng năm đã có từ 9700-18,6000 trẻ em bị sanh thiếu cân; 1900-2700 trẻ em chết bất ngờ; 700,000-1,600,000 trẻ em bị viêm tai giữa; 800,000 trường hợp hen suyễn mới được phát hiện; 400,000-1,000,000 trường hợp suyễn trầm trọng hơn; 150,000-300,000 trẻ em bị viêm cuống phổi hoặc sưng phổi. Tất cả đều do khói thuốc dư gây ra. Ấy là chưa kể tới nhiều trường hợp ung thư phổi, bệnh tim mạch, nguy cơ gây ra ung thư tử cung.

Cho nên vấn nạn hít khói thuốc dư cần được nhiều cơ quan, tổ chức của mỗi quốc gia tiếp tay giải quyết thỏa đáng, để loại bỏ sự tiếp thu miễn cưỡng này với khói thuốc ô nhiễm.

Và để mọi người được thoải mái sống cuộc đời an lành.

 Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC  Texas- Hoa Kỳ

VỀ MỤC LỤC
CON NGƯỜI VÀ LÒNG NGƯỜI - Chuyện phiếm của Gã Siêu 

 

Cách đây mấy bữa, gã mới đọc được một mẩu chuyện như sau :

Dọc theo triền núi Trường Sơn, có một ngôi mộ cổ từ lâu đời, trên tấm bia có khắc dòng chữ :

- Tôi thương người, nhưng rất sợ lòng người.

Đây là câu nói của Hy Thanh, người đang bị vùi sâu dưới lòng đất lạnh. Nhưng tại sao lại khắc dòng chữ đó trên mộ bia của chàng ?

Sự việc đại khái như thế này :

Thời bấy giờ, Hy Thanh căm cụi chịu khó đi học nghề tìm mạch nước. Thấy vậy, bạn bè đều khinh chê :

- Dưới đất lúc nào mà chẳng có nước, cần chi phải học với hành.

Còn gia đình thì nguyền rủa :

- Học làm gì cái nghề vô tích sự ấy, đi đâu thì đi.

Vì tự ái, Hy Thanh đã bỏ nhà ra đi. Ban ngày chàng vất vả kiếm sống, ban đêm tìm đến nhà chùa xin ngủ nhờ, cắn răng chịu đựng và vẫn tiếp tục theo đuổi cái nghề”vô tích sự” ấy.

Hai mươi năm trôi qua, gặp thời đại hạn, mọi giếng nước đều khô cạn, nhiều người đã chết vì khát. Lúc bấy giờ, người ta chợt nhớ đến chàng và chạy tới để cầu cứu.

Hy Thanh tìm ra mạch nước ngầm, rồi đào bới và nước đã vọt lên, chảy lênh láng khắp nơi. Dân chúng từ khắp bốn phương hay tin bèn kéo nhau đến xin uống. Họ vui mừng và không tiếc lời ca ngợi chàng.

Tuy nhiên, có kẻ vì bị khát lâu ngày, đã uống quá độ, nên lăn đùng ra chết. Và thế là người ta quay phắt lại một trăm tám mươi độ, lên tiếng mạt sát chàng thậm tệ, nhưng vẫn chịu khó uống nước mà chàng đã khơi lên.

Đám người có thân nhân bị chết, bèn xúm lại, đánh đập chàng không thương tiếc. Và rồi trước khi chết, chàng đã nói :

- Tôi thương người, nhưng rất sợ lòng người.

Câu nói này đã làm cho gã phải băn khoăn, thiếu điều muốn “vắt chân lên trán” mà suy gẫm đến nỗi “đêm quên ăn, ngày quên ngủ”. Và giờ đây gã xin chia sẻ cùng bàn dân thiên hạ những tâm tự vụn vặt, không đầu không đuôi, chẳng ra ngô mà cũng chẳng ra khoai của gã. 

Vế thứ nhất : Tôi thương người. 

Nhìn vào con người, gã thấy con người chúng ta thật là dễ thương và cũng thật là đáng thương. 

Trước hết, con người thật là dễ thương. 

Đúng thế, ở vào bất cứ thời điểm nào, con người cũng đều mang lấy một vẻ đẹp cho riêng mình.

Giống như khi nhìn cảnh bình minh, gã thấy được vẻ đẹp của buổi sáng rạng đông, còn khi ngắm cảnh hoàng hôn, gã cũng thấy được vẻ đẹp của buổi chiều tà. Mỗi cảnh có nét đặc sắc riêng của nó.

Giống như khi nhìn chiếc mầm non, thì mầm non có vẻ đẹp riêng, còn khi ngắm một cành cây sai trái, thì cành cây sai trái cũng có vẻ đẹp riêng. Mỗi loại, mỗi thứ đều có một giá trị của nó.

Cũng vậy, mỗi chặng đường, mỗi giai đoạn, mỗi lứa tuổi đều có một giá trị và một vẻ đẹp riêng của mình.

Tiên vàn là tuổi thơ. Vẻ đẹp của lứa tuổi này là vẻ đẹp của đơn sơ và trong trắng. Một em bé đẹp từ ánh mắt long lanh đến nụ cươi hồn nhiên. Thảo nào mà người ta gọi tuổi này là tuổi thiên thần.

Tiếp đến là tuổi choai choai. Vẻ đẹp của lứa tuồi này là vẻ đẹp của phát triển, đang chập chững làm người…nhớn, vì bắt đầu biết suy tư và đôi lúc cũng ra dáng ông cụ non. Vẻ đẹp của một chiếc lá xanh, sau khi đã thoát khỏi tình trạng mầm và chồi, nhưng cũng chưa quá lớn để gánh lấy trách nhiệm của cuộc sống, nên rất cần được chăm sóc. Thảo nào mà người ta đã gọi tuổi này là tuổi trăng tròn, tuổi đôi tám, tuồi đưa duyên, tuổi học trò, tuổi ô mai…

Rồi sau là tuổi trưởng thành. Vẻ đẹp của lứa tuổi này là vẻ đẹp của lao động và bươn chải, vẻ đẹp của hăng say và nhiệt thành. vẻ đẹp của thành công và chiến thắng…

Cuối cùng là tuổi già. Vẻ đẹp của lứa tuổi này là vẻ đẹp của khôn ngoan và dày dạn, vẻ đẹp của kinh nghiệm và từng trải, như tục ngữ đã diễn tả :

- Cây già tốt lõi.

- Gừng và quế, càng già càng cay.

- Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ.

Sự phân chia về lứa tuổi là như thế, còn sự phân chia về giới tính lại càng tuyệt vời hơn nữa. Phái nam có vẻ đẹp của phái nam, đó là vẻ đẹp của bắp thịt và sức mạnh, vẻ đẹp của suy tư và quyết định, vẻ đẹp của một anh gà trống. Còn phái  nữ có vẻ đẹp của phái nữ, đó là vẻ đẹp của dịu hiền và mềm mại, vẻ đẹp của tế nhị và yêu thương, vẻ đẹp của một chị gà mái.

Nói về vẻ đẹp của phái nữ, xem ra cũng bằng thừa, giống như “giảng cho các đấng các bậc, giải tội cho các sơ các dì, và bắt rận cho chó vậy, bởi vì từ ngàn xưa cho tới ngày hôm nay, các nàng vốn được gọi là phái đẹp rồi cơ mà. Mà các nàng cũng xứng đáng mang “tước hiệu” ấy, bởi vì các nàng quả thực là rất đẹp với những đường cong của đồi núi :

- Em đẹp bàn tay ngón thon thon,

  Em xinh đôi má nắng hoe tròn.

Vì đẹp như thế, nên các nàng cũng rất dễ thương :

- Một thương tóc bỏ đuôi gà,

  Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

  Ba thương má lúm đồng tiền,

  Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.

  Năm thương cổ yếm đeo bùa,

  Sáu thương nón thương qua tua dịu dàng.

  Bảy thương nết ở khôn ngoan,

  Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.

  Chín thương cô ở một mình,

  Mười thương con mắt có tình với ai.

Mới chỉ nhìn sơ qua cái hình dong, gã đã thấy con người thật là dễ thương, còn nếu xét tới cái bản tính, thì con người lại càng dễ thương hơn nữa.

Thực vậy, theo Khổng tử thì “nhân chi sơ tính bổn thiện”, con người thuở ban đầu vốn tốt lành, nhưng rồi dần dần trở nên xấu xa do ảnh hưởng của xã hội và những người chung quanh.

Còn theo Kitô giáo, Thiên Chúa dựng nên con người từ bùn đất, rồi Ngài thổi hơi vào lỗ mũi, qua đó trao ban cho con người sự sống cùng với một tấm linh hồn. Vào cái thuở ban đầu ấy, con người được Thiên Chúa đặt vào vườn địa đàng, sống trong tình yêu thương thân mật với Thiên Chúa. Lúc bấy giờ, con người cũng thật tốt lành vì chưa phạm tội, nên cũng rất dễ thương dưới cái nhìn của Thiên Chúa. 

Không những chỉ dễ thương, mà con người còn thật là đáng thương nữa. 

Thực vậy, từng giây và từng phút trên mặt đất này chiến tranh cùng vơí biết bao nhiêu tai ương hoạn nạn đã xảy ra, khiến cho rất nhiều người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, và nỗi bất hạnh của họ dường như chẳng có cơ may được giải quyết, thì cũng đủ để thấy được rằng : Con người thật là đáng thương.

Nếu có dịp ghé thăm các bệnh viện, ở đó biết bao nhiêu người đang quằn quại trong đau đớn với đủ mọi chứng bệnh. Họ đớn đau trong tuyệt vọng, khi các bác sĩ đành phải bó tay vì  không còn phương cách trị liệu nào khác, thì cũng đủ để thấy được rằng : Con người thật là đáng thương.

Cũng từng giây và từng phút, cái chết đã cướp đi sinh mạng của biết bao nhiêu người, để lại cảnh tang tóc cho những người thân yêu còn ở lại. Cứ nhìn những giải khăn xô buộc hờ hững trên mái đầu xanh của người vợ trẻ và những đứa con thơ, thì cũng đủ để thấy được rằng : Con người thật là đáng thương. 

Vế thứ hai : nhưng rất sợ lòng người. 

Vấn đề ở đây đó là phải xác định xem “lòng” là cái gì  khiến chúng ta phải sợ hãi ?

Đối với người Việt Nam, trong cuộc sống  “ăn” là một vấn đề thật quan trọng, bởi vì có thực mới vực được đạo. Chẳng thế mà người ta đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, vất vả ngược xuôi cũng chỉ để tìm chén cơm manh áo, bảo đảm những nhu cầu vật chất cho bản thân và gia đình. Nỗi băn khoăn lo lắng hầu như của mọi người, đó là nỗi lo lắng về cơm áo gạo tiền.

Vấn đề ăn chiếm một chỗ đứng quan trọng, nên ngôn ngữ Việt Nam thật phong phú để diễn tả động tác này.

Khi kính cẩn người trên thì bảo :

- Mời, xơi.

Khi vui vẻ với bè bạn thì bảo :

- Nhậu, chén, lai rai.

Khi bực bội với kẻ dưới thì bảo :

- Đớp, hốc.

Mở cuốn Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức, gã thấy nhiều chữ được ghép với tiếng ăn, như ăn giỗ, ăn cưới, ăn chay. Và cũng còn rất nhiều tiếng ăn khác chẳng liên quan gì tới miệng lưỡi, như ăn đòn, ăn cướp, ăn quịt…Tổng cộng, gã đếm được cả thảy 173 tiếng.

Vì ăn là một trong những sinh hoạt chính yếu của con người, phải ăn thì mới sống, nên người Việt Nam thường nhấn mạnh đến bụng, dạ, lòng…Trong khi người tây phương nhấn mạnh đến trái tim và tâm hồn.

Cũng theo Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức, thì :

- Dạ là cái bao tử.

- Bụng là phần dưới của thân mình, gồm bao tử, gan và lá lách.

- Còn lòng thì gồm các bộ phận trong ngực và bụng. Nơi gã đang ở, để tỏ lòng kính trọng ai, thì khi làm thịt heo, người ta thường biếu cho người ấy bộ lòng chay gồm quả tim, rồi một ít gan, một ít lá lách…Khi xơi món lòng lợn tiết canh, thì không phải chỉ có dồi, ruột non mà còn có cả tim gan phèo phổi.  Hay như tục ngữ cũng bảo :

- Đẻ con chẳng dạy chẳng răn,

  Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng. 

Tuy nhiên chữ lòng cũng như chữ bụng, chữ dạ còn được dùng để ám chỉ tính tình, tình cảm và nhất là ý muốn của mỗi người. Thực vậy, ý muốn và sự tự do chính là một qùa tặng tuyệt vời Thiên Chúa đã trao ban cho con người và làm cho con người trở nên cao cả.

Một ông vua đầy uy quyền cũng không thể bắt gã làm điều gã không muốn. Thậm chí ngay cả Thiên Chúa cũng đành phải chào thua trước sự tự do của con người, như lời ông thánh Âu Cu Tinh đã viết :

- Ngài sẽ không thể cứu chuộc tôi nếu như chính bản thân tôi lại không muốn.

Ý muốn và sự tự do làm cho con người trở nên cao cả, nhưng đồng thời cũng có thể biến con người thành nguy hiểm và dễ sợ. Nếu không biết điều khiển và quản lý chặt chẽ, nó sẽ đọng lại, kết tủa và hóa kiếp con người thành một con thú hoang. Đây là điều mà các vị tiền bối đã diễn tả :

- Con người vừa có thể là một thượng đế, lại vừa có thể là một con vật.

- Trong mỗi con người đều có tiềm ẩn một con thú hoang.

- Con người là một con vật hai chân, thuộc loài hỗn thực, nghĩa là xơi được mọi thứ, nhưng lại biết…mặc quần đùi.

- Dưới làn da của con người đều có bóng dáng của nhiều loài dã thú.

Từ ý muốn, hay nói một cách cụ thể hơn, từ cái lòng của mình mà phát sinh ra những hành động. Bởi vì :

- Tư tưởng thì hướng dẫn cho hành động, và lòng đầy thì mới tràn ra ngoài.

Cái lòng mà đã tốt, thì thường phát sinh ra những hành động tốt. Còn cái lòng mà đã xấu, thì cũng thường phát sinh ra những hành động xấu.

Do ảnh hưởng của tội lỗi, cũng như do ảnh hưởng từ bên ngoài, mà cái “tính bản thiện” vốn có ngay từ đầu dần dần bị mai một và lòng người trở nên nham hiểm, cũng như luôn hướng chiều về đàng xấu, đàng trái :

- Sông sâu còn có người dò,

Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.

Chính Đức Kitô cũng đã có lần giảng dạy :

- Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Ai có tai nghe thì nghe!

Và rồi Ngài đã cắt nghĩa cho các môn đệ được rõ :

- Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài.

Còn cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.

Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.

Quả là một lời giảng dạy tuyệt vời, xác định được nguồn gốc của mọi tội ác chính là cõi lòng con người. Gã còn nhớ ngày xưa còn bé, khi học giáo lý có một câu như sau :

Hỏi : Tội bởi đâu mà ra ?

Thưa : Tội thì bởi trong lòng mà ra.

Cõi lòng là nơi chất chứa, hay nói một cách mạnh mẽ hơn, cõi lòng chính là hang ổ của tội ác. Thảo nào mà bàn dân thiên hạ đều rất sợ lòng người.

Trong cõi lòng của con người, thì ý muốn ngự trị như một bà hoàng. Chính ý muốn xác định hay đưa ra mục đích của việc làm. Và chính cái mục đích ấy phần nào biến đổi việc làm của chúng ta trở nên xấu.

Một việc tự bản chất là xấu, thì ở mọi nơi, trong mọi lúc và với bất kỳ mục đích nào, mèo vẫn hoàn mèo, chó đen vẫn giữ mực, xấu vẫn là xấu mà thôi, bởi vì muc đích không thể nào biện minh cho hành động. Chẳng hạn ăn trộm là một việc tự bản chất là xấu, thì dù gã có đi ăn trộm để giúp đỡ người nghèo, thì hành động ăn trộm của gã vẫn cứ xấu như thường.

Trong khi đó, một hành động tốt nhưng vì mục đích hay ý hướng xấu, thì cũng sẽ trở nên xấu, hay ít nữa cũng bị mất cái phẩm chất tốt ấy đi. Chẳng hạn gã làm phúc bố thí nhưng cốt để cho người ta khen ngợi, thì việc làm phúc bố thí ấy đã bị mất đi rất nhiều giá trị của nó. Và như vậy, cái ý muốn cũng như cái ý hướng của cõi lòng quả thật cũng rất là…đáng sợ.

Tuy nhiên, gã còn nhận thấy một sự nguy hiểm khác nữa, đó là thói giả hình, bên ngoài thi tốt đẹp, nhưng cái tốt đẹp bên ngoài ấy chỉ nhằm che lấp những ý đồ đen tối bên trong, như mồ mả bên ngoài quét vôi trắng bóc, nhưng bên trong lại đầy giòi bọ cùng mọi thứ xú khí.

Đây là hạng người mà cha ông chúng ta đã gọi là hạng “khẩu Phật tâm xà”, “miệng Na mô bụng bồ dao găm” :

- Ngoài thì thơn thớt nói cười,

  Mà trong nham hiểm giết người không gươm.

Ca dao cũng đã diễn tả một cách rất thú vị về họ :

- Na mô,

  Một bồ dao găm,

  Một trăm con chó,

  Một lọ mắm tôm,

  Một ôm rau húng,

  Một thúng rau răm…

- Na mô,

  Một bồ dao găm,

  Một trăm giáo mác,

  Một bác dao bầu,

  Một xâu thịt chó…

Đây mới chính là điều làm cho gã phải khiếp sợ. Khiếp sợ đến phát run lên cầm cập, bởi vì mình chẳng còn phân biệt được lành và dữ, tốt và xấu, đồng thời còn có nguy cơ bị sập bẫy bất cứ lúc nào.

Thế nhưng, làm sao có thể tách biệt được cái hình dong bên ngoài và cái cõi lòng bên trong, bởi vì cả hai gắn bó mật thiết với nhau và làm thành một người.

Vì thế, điều gay go nhất, đó là làm sao có thể chung sống hòa bình với những kẻ có lòng dạ độc ác. Và hơn thế nữa, làm sao có thể hoán cải được những kẻ “lòng chim dạ chó” trở nên những người tốt lành.

Bởi vì, như lời ca của một bài hát mà thỉnh thoảng gã cũng vẫn ngâm nga :

- Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai.

Một khi đã cảm hóa được lòng người thì đâu còn phải sợ hãi nữa.

Gã Siêu    gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************