Về Thợ Vườn Nho Mathêu và Phaolô

 

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI Huấn Từ Nguyện Kinh Truyền Tin Chúa Nhật 21/9/2008

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Có lẽ anh chị em nhớ là vào ngày tôi được tuyển bầu làm giáo hoàng, tôi đã ngỏ lời cùng dân chúng ở Quảng Trường Thánh Phêrô và tôi đã buột miệng cho mình là một nhân viên trong vườn nho của Chúa. Vậy trong bài Phúc Âm hôm nay (x Mt 20:1-16a), Chúa Giêsu thuật lại dụ ngôn về người chủ của một vườn nho, người mà vào các giờ khắc khác nhau trong ngày mời gọi những người thợ đến làm việc trong vườn nho của mình. Và vào buổi chiều tối ông đã trả cho tất cả những người ấy cùng một đồng lương – một đồng tiền La Mã – gây nên chống đối nơi những người thợ đến làm từ giờ đầu tiên.

 

Hiển nhiên là đồng tiền La Mã này là những gì tiêu biểu cho sự sống đời đời, một tặng ân được Thiên Chúa giành cho hết mọi người. Thật vậy, chính những ai coi mình là ‘rốt bét’, nếu họ chấp nhận nó, thì trở nên ‘trên  hết’, trong khi kẻ ‘trên hết’ lại có nguy cơ trở thành ‘rốt bét’. Ý nghĩa trước hết của dụ ngôn này đó là chính sự kiện người chủ này có thể nói không chấp nhận vấn đề thất nghiệp, ở chỗ, ông ta muốn hết mọi người làm việc trong vườn nho của ông. Và trong thực tế, được kêu gọi thì tự nó đã là một thứ tưởng thưởng trước nhất rồi: được làm việc trong vườn nho Chúa, dấn thân phục vụ Người, cộng tác với dự án của Người, tự nó đã làm nên một phần thưởng vô giá, một phần thưởng bù đắp cho tất cả mọi vất vả lao nhọc. Thế nhưng, điều này chỉ được hiểu bởi những ai kính mến Chúa và Vương Quốc của Người mà thôi. Trái lại, những ai làm việc chỉ vì đồng lương sẽ không bao giờ nhận thấy được giá trị của kho tàng vô giá này.

 

Thánh Mathêu, vị tông đồ và thánh ký, là người đã thuật lại dụ ngôn được đọc trong lễ hôm nay. Tôi muốn nhấn mạnh là Thánh Mathêu là người đầu tiên cảm nhận được dụ ngôn này (x Mt 9:9). Thật vậy, trước khi được Chúa Giêsu kêu gọi, Thánh Mathêu được thuê làm viên thu thuế và vì thế bị người Do Thái coi là một tên tội nhân của dân chúng và đã bị loại khỏi ‘vườn nho của Chúa’. 

 

Thế nhưng, tất cả đã được đổi thay khi Chúa Giêsu, khi đi ngang qua văn phòng nộp thuế, đã nhìn ông mà nói: ‘Hãy theo Tôi’. Mathêu đã đứng lên theo Người. Từ một viên thu thuế ngài lập tức trở thành người môn đệ của Chúa Kitô. Từ chỗ ‘cuối rốt’ ngài được nên ‘trên hết’, theo lý lẽ của Thiên Chúa, một thứ lý lẽ – cho lợi ích của chúng ta - khác với lý lẽ của thế gian

 

‘Tư tưởng của Ta không phải tư tưởng của các người’, Chúa đã nói như thế qua miệng tiên tri Isaia, ‘đường lối của các người không phải là đường lối của Ta’ (Is 55:8).

 

Cả Thánh Phaolô nữa, vị chúng ta đang cử hành năm mừng ngài, cũng đã cảm nghiệm được niềm vui cảm thấy mình được Chúa gọi và làm việc trong vườn nho của Người.  Và ngài đã làm việc biết là chừng nào! Thế mà, như ngài đã thú nhận, chính ơn  Chúa làm việc nơi ngài, chính ơn đã biến đổi ngài từ một tên bách hại Giáo Hội thành một vị tông đồ Dân  Ngoại. ‘Đối với tôi sống là Chúa Kitô và chết là thắng lợi’, Thánh Phaolô đã nói như thế. Tuy nhiên, ngài lập tức thêm là ‘Nhưng nếu việc sống trong thân xác này là để hoạt động mưu ích lợi thì tôi không biết phải chọn đàng nào’ (Phil 1:21-22). Thánh Phaolô đã hiểu rõ là vấn đề làm việc cho Chúa đã là những gì được tặng thưởng ở trên thế gian này rồi vậy.

 

Trinh Nữ Maria, người một tuần trước đây tôi đã hân hoan tôn kính ở Lộ Đức, là một cây nho tuyệt hảo trong vườn nho Chúa. Từ Mẹ xuất phát hoa trái phúc đức của tình yêu thần linh là Chúa Giêsu, Chúa Cứu Thế của chúng ta. Xin Mẹ giúp chúng ta luôn biết hân hoan đáp ứng tiếng gọi của Chúa, và tìm thấy hạnh phúc ở những gì có thể hy sinh vất vả vì Nước Trời.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 21/9/2008

(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)