Thứ Năm
Mùa Thường Niên (tuần
29) Quanh Năm
Tóm Lời Chúa
Bài Sách Thánh năm 1 (năm
lẻ): Rm.6:19-23
Thư Rôma nhắc nhở giáo đoàn này về tình trạng họ đã thoát làm tôi tội lỗi và
trở nên nô lệ Thiên Chúa.
19
Ấy là tôi nói theo kiểu người phàm, hợp với tầm hiểu biết yếu kém của anh em.
Trước đây, anh em đã dùng chi thể của mình mà làm những điều ô uế và sự vô luân,
để trở thành vô luân, thì nay anh em cũng hãy dùng chi thể làm nô lệ sự công
chính để trở nên thánh thiện.20 Khi còn là nô lệ tội lỗi, anh em được
tự do không phải làm điều công chính.21 Bấy giờ anh em thu được kết
quả nào, bởi làm những việc mà ngày nay anh em phải xấu hổ? Vì rốt cuộc những
việc ấy đưa đến chỗ chết.22 Nhưng giờ đây anh em đã được giải thoát
khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa; anh em thu được kết quả là
được trở nên thánh thiện, và rốt cuộc được sống đời đời.23 Thật vậy,
lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban
không, là sự sống đời đời trong Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.
Bài Sách Thánh năm 2 (năm chẵn): Eph.3:14-21
Thư
Êphêsô nguyện cầu cho giáo đoàn này được hiểu biết trọn vẹn chiều kích của tình
yêu Chúa Kitô.
14
Vì lý do đó, tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha,15 là nguồn gốc mọi gia
tộc trên trời dưới đất.16 Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong
phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần
Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng.17 Xin
cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được
bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái,18 để cùng toàn thể dân
thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu,19 và
nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như
vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.20 Xin
tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp
ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới,21 xin tôn vinh Người
trong Hội Thánh và nơi Đức Ki-tô Giê-su đến muôn thuở muôn đời. A-men.
Bài Phúc Âm chung cả năm 1 và 2: Lk.12:49-53
Phúc Âm Luca
ghi lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ về mục đích, ước vọng và sứ mệnh của
Người.
49 "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và
Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!50 Thầy còn một phép
rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!51
"Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh
em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.52 Vì từ nay,
năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại
ba.53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại
cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu,
nàng dâu chống lại mẹ chồng."
Suy Lời Chúa
Ý chính
của Lời Chúa qua các bài Thánh Kinh do Giáo Hội cố ý chọn lựa và sắp xếp cho
phụng vụ Thánh Lễ của riêng ngày hôm nay được chứa đựng trong nội dung của Bài
Phúc Âm. Đó là ”Thày đến để châm lửa trên đất. Thày mong cho nó bùng cháy lên!”
Nếu “Thiên Chúa
yêu thế gian đến ban Con Một mình để ai tin Con không phải chết song được sự
sống đời đời” (Jn.3:16),
và nếu “Cha Thày yêu Thày thế nào Thày cũng yêu các con như thế” (Jn.15:9),
thì qủa đúng như nguyện vọng của Chúa Giêsu được bộc lộ ra (trong
bài Phúc Âm hôm nay)
qua câu trích dẫn trên đây. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã “châm lửa” yêu thương “cho
nó bùng cháy lên” trên thế gian này thế nào, nếu không phải bằng cuộc “tự hiến”
(Jn.17:19)
của Người “làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt.20:28),
như Người đã bộc lộ tiếp ngay sau ước nguyện muốn châm cho lửa bùng cháy lên là:
“Thày có một phép rửa phải chịu”. Vị Tông Đồ Dân Ngoại (trong
bài đọc năm 2 hôm nay)
cũng có một ước nguyện như Chúa Giêsu và đã phác tả đường lối tu đức của việc
Người châm cho lửa yêu thương bùng cháy lên nơi Kitô hữu như sau: “Xin Chúa Kitô
ngự trong lòng anh em nhờ đức tin, và xin đức ái đâm rễ sâu vào đời sống anh em.
Nhờ đó, anh em sẽ cùng với các thánh thấu hiểu trọn vẹn chiều dài và chiều rộng,
chiều cao và chiều sâu của tình yêu Chúa Kitô, rồi cảm nghiệm được tình yêu này
vượt qúa mọi hiểu biết, để anh em đạt được tầm vóc viên trọn của chính Thiên
Chúa”. “Phần chúng ta, hãy yêu mến Thiên Chúa vì Ngài đã yêu chúng ta trước” (1Jn.4:19),
và để “đức ái đâm rễ sâu vào đời sống” của mình, như thánh Phaolô kêu gọi (trong
bài đọc năm 1 hôm nay):
“Trước kia anh em đã đem thân thể làm tôi cho nhơ nhớp và lăng loàn hạ giá nó,
giờ đây hãy làm nó nên tôi tớ sự công chính để thánh hóa nó”.
Nguyện Lời Chúa
Lạy Chúa
Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, được xức dầu Thần Linh, đã đến
trong thế gian để châm lên ngọn lửa yêu thương. Kitô hữu chúng con đã được
tình yêu đổ vào lòng khi chịu Bí Tích Rửa Tội. Thế nhưng, còn sống trong xác
thịt, chúng con vẫn có thể yêu và giữ sự sống mình. Bởi thế, xin
Mẹ Maria đầy ơn phúc và ơn nghĩa với Chúa nuôi lớn chúng con bằng
lương thực hằng ngày là nhận biết Chúa. Amen.
Đaminh Maria
Cao Tấn Tĩnh, BVL
23/10/08
THỨ NĂM TUẦN 29 TN
Th. Gioan Capétranô, linh mục Lc 12,49-53
NGỌN LỬA
GIÊSU
“Thầy đã đến ném
lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên.”
(Lc 12,49)
Suy niệm:
Cứ mỗi mùa Olympic,
ngọn đuốc Olympic lại được thắp lên và được rước xuyên qua nhiều đất nước, nhiều
thành phố, để cuối cùng đến với nước chủ nhà đăng cai. Suốt mấy tháng trời đi
qua hàng chục ngàn cây số, ngọn đuốc luôn được giữ cháy sáng liên tục. Đặc biệt,
tại lễ khai mạc của chính Đại Hội Olympic, ngọn đuốc được rước lên chỗ trang
trọng nhất của sân vận động trung tâm, được làm cho cháy bùng lên và được tiếp
tục giữ cháy sáng như thế nhiều tuần lễ, cho đến khi bế mạc. Đó là một hình ảnh
thật đẹp giúp ta hình dung ngọn lửa mà Thầy Giêsu đã đem đến, ném vào mặt đất.
Và nhất là, hình ảnh ấy giúp ta đồng cảm với nỗi khát khao cháy bỏng của Thầy
Giêsu: “Thầy những ước mong
phải chi lửa ấy đã bùng lên.”
Mời Bạn:
Ngọn lửa mang tên
Giêsu là lửa yêu thương, lửa hoà bình. Thế nhưng, cuộc sống này
còn quá nhiều ghét ghen, đố kỵ. Người ta vẫn còn tranh chấp, loại trừ nhau – đôi
khi ngay trong một cộng đoàn, một gia đình. Hôm nay, Thầy Giêsu vẫn cháy bỏng
nỗi khát khao “phải chi lửa ấy đã bùng lên” trong Giáo Hội và trong thế
giới này.
Chia sẻ:
Ngọn lửa
Giêsu nơi bạn hiện nay thế nào? Ngọn
lửa ấy đang bùng cháy mãnh liệt? Hay đang chập chờn, lắt leo trước gió? Hay đã
tắt ngúm rồi?
Sống Lời Chúa:
Ta cố gắng sống yêu
thương mỗi ngày, đó là cách ta khơi lên và làm toả lan ngọn lửa Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đem lửa
yêu thương đến trần gian. Xin đốt nóng con, cho con được tan chảy trong ngọn lửa
yêu thương của Thầy.

|