CHÚA NHẬT XXXIII QUANH NĂM



BÀI ĐỌC I
: Prov 31:10-13, 19-20, 30-31

“Nàng cần mẫn dùng tay làm việc”
Bài trích sách Phương Ngôn.

Ai tìm được một người vợ tài đức? Nàng đáng giá hơn ngọc ngà. Chồng nàng đặt lòng tin tưởng nơi nàng và chàng không thiếu thốn vật thực. Trọn đời, nàng sẽ mang lại cho chồng sự lành, chớ không phải sự dữ. Nàng tìm lông chiên và sợi gai, rồi nàng cần mẫn dùng tay làm việc. Nàng ra tay đưa thoi dệt vải, và ngón tay nàng cầm xe kéo sợi. Nàng rộng tay bố thí cho người nghèo khó, và giơ tay hướng dẫn kẻ bần cùng. Duyên dáng thì giả dối, và nhan sắc thì hão huyền: Người phụ nữ kính sợ Chúa, sẽ được ca tụng. Hãy tặng cho nàng hoa quả do tay mình làm ra và các sự nghiệp của nàng hãy ca tụng nàng tại các cửa thành.

Lời của Chúa.


Đáp Ca: (Xin mời Cộng đoàn thưa)

Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa.

1.      Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may.

2.      Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn, con cái bạn như những chồi non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn.

3.      Đó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Thiên Chúa. Nguyện Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn.


BÀI ĐỌC II: 1 Thess 5:1-6

“Ngày của Chúa bắt chợt anh em như kẻ trộm”
Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Thessalônica.

Anh em thân mến, về thời nào, và lúc nào, anh em không cần chúng tôi viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối. Khi người ta nói rằng: “Yên ổn và an toàn”, thì chính lúc đó, tai họa thình lình giáng xuống trên họ, như cơn đau đớn xảy đến cho người mang thai và họ không sao thoát khỏi. Phần anh em, hỡi anh em thân mến, anh em không còn tối tăm, đến nỗi ngày đó bắt chợt anh em như kẻ trộm, vì tất cả anh em là con cái sự sáng, con cái ban ngày; chúng ta không thuộc về ban đêm và tối tăm. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và điều độ.

Lời của Chúa.


Alleluia, alleluia.  --- Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người.  --- Alleluia.


PHÚC ÂM: Mt 25:14-30

“Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Matthêô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn nầy rằng: “Có một người kia sắp đi xa liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người nầy năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi. Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Người lãnh hai nén cũng đi làm lợi được hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào loa chôn dấu tiền của chủ mình. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: “Thưa ông, ông đã trao cho tôi năm nén bạc đây tôi làm lợi được năm nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: “Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc, đây tôi đã làm lợi được hai nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: “Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt chỗ không gieo, và thu nơi ông không phát: nên tôi khiếp sợ đi chôn dấu nén bạc của ông dưới đất, đây của ông, xin trả lại cho ông”. Ông chủ trả lời người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, ngươi đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra ngươi phải giao bạc của ta cho người đoai tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

Phúc Âm của Chúa.

Sống Lời Chúa Hôm Nay

  

 

Suy Niệm Lời Chúa
 


Nén Bạc Cánh Chung


 


Giáo Hội và Bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này trong Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, như bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước, đang hướng về mầu nhiệm cánh chung, một mầu nhiệm được thể hiện nơi biến cố Chúa Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang, một biến cố được Giáo Hội lữ hành ngưỡng vọng bằng việc cử hành Thánh Lễ Trọng Kính Chúa Kitô Vua để kết thúc mỗi Năm Phụng Vụ. Bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước là bài Phúc Âm Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách thức hãy sẵn sàng để chờ đợi Người là chàng rể sẽ đến, đến vào lúc con người không ngờ, đến vào lúc nửa đêm, lúc con người mệt mỏi đã ngủ thiếp mê. Bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ, song không dạy các vị cách thức đón gặp Người nữa, mà là cho biết Nước Chúa cuối cùng được trị đến ra sao.

Bài Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 25 Chúa Nhật tuần này chúng ta có thể đọc ngắn hay dài: ngắn thì chỉ có bốn câu 14-15 và 19-20, dài thì có tới 16 câu, từ câu 14 đến 30. Sở dĩ được đóng bài ngắn là vì, theo Giáo Hội, chỉ cần 4 câu Phúc Âm đó thôi cũng đã đủ ý nghĩa nói lên những gì Giáo Hội muốn cho con cái mình biết về mầu nhiệm cánh chung thuộc thời điểm cuối năm phụng vụ này rồi. Bởi vì, mầu nhiệm cánh chung chẳng những được thể hiện nơi biến cố Chúa Kitô đến lần cuối mà còn được nên trọn nơi Giáo Hội nữa, một Giáo Hội là mầm mống Nước Trời trên trần gian và là một mầm mống được phát triển cho tới khi đạt đến tầm vóc viên trọn của mình như Chúa Kitô muốn và hoàn toàn phản ảnh Chúa Kitô, hoàn toàn là chứng nhân trung thực của Người.

Căn cứ vào bài Phúc Âm ngắn, 2 câu đầu cho biết có một người trẩy đi phương xa thì gọi các đầy tớ của mình đến mà trao cho mỗi người một số vốn tùy theo khả năng của họ, người ít nhất là 1 lượng, người nhiều nhất là 5 lượng, và người ở giữa là 2 lượng. Sau đó là 3 câu Phúc Âm nói đến việc đáp ứng của ba người đầy tớ này đối với số vốn bạc được chủ trao cho, hai người đi sinh lời còn một người lại đem chốn giấu nén bạc. Nhưng ba câu này không buộc đọc. Hai câu tiếp theo của bài Phúc Âm ngắn đó là việc người đầy tớ được trao cho nhiều nén bạc nhất, sau khi chủ về tính sổ với các người đầy tớ của mình, liền trình với chủ về những gì mình đã làm lợi cho chủ từ số vốn chủ trao cho. Thế thôi. Còn phần Phúc Âm sau đó nói đến việc hai người đầy tớ kia đến tính sổ với chủ, nhất là việc chủ ban thưởng cho hai người đầy tớ sinh lời và trừng phạt người đầy tớ trả lại cho chủ nguyên vốn, Giáo Hội không buộc đọc.


Người chủ đi phương xa giao vốn cho các người đầy tớ và trở về tính sổ với họ

Người chủ đi phương xa và phân phát vốn liếng cho các đầy tớ của mình đây là ai, nếu không phải là Chúa Kitô, Đấng đã về trời sau khi để lại cho các đầy tớ của mình là thành phần 12 tông đồ 5 nén bạc, gồm có Thánh Thể, Thánh Vụ, Thánh Ái, Thánh Mẫu và Thánh Thần: Ba nén đầu Người trao cho các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly (x Lk 22:19; Jn 13:34/15:12), nén thứ tư Người ở trên Cây Thập Giá trao các vị qua bản thân người tông đồ yêu dấu của mình là Thánh Gioan Tông Đồ (x Jn 19:27), và nén thứ năm Người trao cho các vị sau khi Người phục sinh từ trong kẻ chết và thổi hơi trên các vị (x Jn 20:22). “Sau thời gian dài vắng mặt” đây là gì, nếu không phải thời gian Người “hằng ở cùng Giáo Hội cho đến tận thế” (Mt 28:20), một hiện diện thần linh đặc biệt nơi Bí Tích Thánh Thể, nơi Huấn Quyền Giáo Hội, nơi Đức Tin Thánh Sủng. “Người chủ trở về và tính sổ với các đầy tớ của ông” đây là gì, nếu không phải là việc Người xuất hiện trong vinh quang, một vinh quang được tỏ hiện rực rỡ nơi Giáo Hội hiền thê diễm lệ của Người (x Rev 21:2), một thứ diễm lệ phản ánh vinh quang của Người, một thứ diễm lệ làm Người thỏa mãn vì thấy được tất cả những gì mình là và mình muốn, một thứ diễm lệ thu hút Người, như mời gọi Người “hãy đến” (Rev 22:17).

Đó là lý do bài đọc thứ nhất của Chúa Nhật tuần này đã được Giáo Hội chọn từ Sách Châm Ngôn để nói đến hình ảnh của một người vợ tuyệt vời về nhân cách, một người vợ “đáng giá hơn cả châu báu ngọc ngà”. Người vợ này đã làm gì mà quí giá như vậy, nếu không phải qua những việc nàng làm, ở chỗ: “Trọn đời nàng sẽ mang lại cho chồng sự lành chứ không phải sự dữ”, hoàn toàn làm cho chống mãn nguyện, đến nỗi “chồng nàng tin tưởng nơi nàng” và được hưởng “tràn đầy lợi lộc”. Còn bài đọc thứ hai của Chúa Nhật tuần này, sở dĩ Thánh Phaolô khuyên giục Kitô hữu Thessalonica trong thư thứ nhất Ngài gửi họ rằng “đừng thiếp ngủ, song hãy tỉnh thức” là vì “tất cả anh em đều là con cái của ánh sáng và của ngày sống”. Tức là, nếu Kitô hữu nói riêng và Giáo Hội nói chung lúc nào cũng “là ánh sáng” (Mt 5:14), một thứ ánh sáng phản ánh Đấng “là ánh sáng thế gian” (Jn 8:12), thì một khi sống đúng với sứ vụ tỏa sáng theo bản chất là ánh sáng của mình, Giáo Hội lúc nào cũng làm cho Chúa Kitô đến trong vinh quang, cũng tỏ Chúa Kitô ra, cũng làm cho nhân loại nhận biết Người và trở về với Người, tức làm cho Người hay cho Nước Chúa được trị đến nơi lòng người và trên thế gian.


“Thưa chủ, ông đã trao cho tôi năm nén. Này đây, tôi đã kiếm thêm được năm nén nữa đây”.

Nếu nén thứ nhất Giáo Hội được trao cho là Thánh Thể, thì Giáo Hội đã, đang và vẫn sinh lợi một nén Thánh Thể khác là việc Giáo Hội đã trung thành “làm việc này mà nhớ đến Thày”, đúng như Người muốn, một việc cử hành đã trở thành nguồn sống thần linh cho chung Giáo Hội và cho riêng các vị thánh hoạt động tông đồ.

Nếu nén thứ hai Giáo Hội nhận lãnh từ Thày mình là Thánh Chức thì Giáo Hội đã, đang và tiếp tục sinh lợi ra một nén Thánh Chức khác là Hàng Giáo Phẩm, là tính cách Tông Truyền của Giáo Hội, một Hàng Giáo Phẩm nỗ lực sống theo đúng tinh thần của Đấng Sáng Lập cũng như đường hướng của thành phần chứng nhân tiên khởi là các Tông Đồ, nhờ đó, Giáo Hội trở thành hiện thân của một Chúa Kitô chủ chiên đã đến cho chiên được sống và được một sự sống viên mãn (x Jn 10:10).

Nếu nén thứ ba Giáo Hội được trao cho là Thánh Ái, một đức ái trọn lành, một đức ái “như Thày”, thì Giáo Hội cũng đã, đang và tiếp tục sinh lợi một nén Thánh Ái khác là các việc tông đồ phục vụ hết mọi thành phần bất hạnh trong xã hội, được thực hiện đặc biệt bởi các dòng tu, một việc phục vụ như men trong bột làm thăng hoa xã hội và văn hóa loài người theo tinh thần Phúc Âm, nhờ đó, con người đã nhận biết Đấng đã chọn và sai Giáo Hội đi sinh muôn vàn hoa trái (x Jn 15:16).

Nếu nén Thánh Mẫu Giáo Hội lãnh nhận từ Vị Thày Khổ Nạn của mình, thì Giáo Hội đã, đang và còn sinh lợi một nén Thánh Mẫu khác là việc Giáo Hội đã tin nhận và tuyên bố những tín điều và danh hiệu về Mẹ, như tín điều Mẹ Thiên Chúa ở Công Đồng Chung Êphêsô năm 431, tín điều Mẹ Trinh Nguyên ở Công Đồng Latêranô năm 649, tín điều Mẹ Vô Nhiễm bởi Đức Thánh Cha Piô IX vào ngày 8/12/1854, tín điều Mẹ Mông Triệu bởi Đức Thánh Cha Piô XII ngày Lễ Các Thánh 1/11/1950, và danh hiệu Mẹ Giáo Hội bởi Đức Thánh Cha Phaolô VI ngày 21/11/1964 tại Công Đồng Chung Vaticanô II. Qua việc biệt tôn Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu đây, Giáo Hội cho thấy rằng Chúa Kitô thực sự là Lời Nhập Thể, là Thiên Chúa ở cùng chúng sinh, chứ không phải là một kitô giả, một nhân vật hoang đường.

Nếu nén Thánh Linh Giáo Hội được Chúa Kitô Phục Sinh ban cho, thì Giáo Hội cũng đã, đang và tiếp tục sinh lợi một nén Thánh Linh khác nữa là lúc nào cũng lắng nghe và để Thánh Linh hướng “dẫn vào tất cả sự thật” (Jn 16:13) là Chúa Kitô, nhờ đó, bởi quyền phép Thánh Linh nơi Giáo Hội và nhờ chứng từ sống động của Giáo Hội (x Jn 15:26; Lk 24:48-49; Acts 1:8), Chúa Kitô được liên tục tái sinh trong Giáo Hội và bởi Giáo Hội.


Về vấn đề sinh lợi và thành phần sinh lợi


Thế nhưng, nếu nén bạc đây còn ám chỉ tất cả những gì thiện hảo Thiên Chúa ban cho mỗi một con người khi vào trần gian để sống thì không ai biết mình được rõ ràng và chắc chắn tất cả bao nhiêu nén. Bởi thế, việc sinh lợi gấp trăm, tức 2 nén sinh 2 nén, 5 nén sinh 5 nén đây, nghĩa là con người biết vận dụng hết sức mình để sống trọn lành, hay để trả về cho Thiên Chúa tất cả những gì của Thiên Chúa, hay yêu mến Thiên Chúa hết lòng muốn, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực của mình. Nói cách khác, chúng ta sống làm sao để cho Thiên Chúa được toàn hiện nơi chúng ta, cho Danh Cha cả sáng nơi ý thức của chúng ta, cho Nước Chúa trị đến nơi ước vọng của chúng ta, cho Ý Cha thể hiện nơi cuộc đời của chúng ta. Nên vấn đề đối với nhân loại chúng ta, nhất là Kitô hữu chúng ta ở đây không phải là được bao nhiêu nén mà là sinh lợi có đủ hay chăng, dù không biết mình được bao nhiêu.


Đến đây chúng ta có thể đặt vấn đề, theo bài dụ ngôn của Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, nếu chúng ta cần phải sinh lợi gấp đôi tức gấp trăm cho tất cả những gì thiện hảo Thiên Chúa ban cho chúng ta, thì tại sao ở dụ ngôn người gieo giống (xem Mt 13:23) Chúa Giêsu lại nói đến tấm mức trổ sinh của hạt giống tốt không phải chỉ gấp 100, mà còn gấp 30 và 60 nữa? Vậy nếu không sinh gấp trăm, tức không hết sức mình, thì vẫn chưa hoàn toàn trả về cho Thiên Chúa đầu đủ những gì của Ngài hay sao? Thật ra vấn đề gấp trăm ở dụ ngôn nén bạc và gấp trăm cũng như gấp 60 và 30 lần ở dụ ngôn hạt giống khác nhau. Ở chỗ, ở dụ ngôn nén bạc, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến Đức Tin Tuân Phục nơi con người trong việc sinh lợi nén bạc, một đức tin con người phải hết sức thực hành mới có thể làm cho Mạc Khải Thần Linh tỏ hiện nơi họ; còn ở dụ ngôn hạt giống, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến Mạc Khải Thần Linh, một mạc khải như Hạt Giống Thần Linh khi được gieo xuống trần gian phải tùy thuộc vào trình độ khả năng chấp nhận của con người, ở trình độ vẹn toàn 100% chỉ có nơi Mẹ Maria đầy ơn phúc, vị được gìn giữ khỏi nguyên tội ngay từ giây phút hoài thai trong lòng mẹ, ở trình độ 60% có thể áp dụng vào trường hợp Thánh Gioan Tẩy Giả là con người cao trọng nhất được nữ giới sinh ra (x Mt 11:11) và được khỏi tội tổ tông sau sáu tháng hiện hữu, ở trình độ 30% nơi thành phần chứng nhân tiên khởi và môn đệ trung thực của Chúa Kitô.


Nếu chung Giáo Hội được Chúa Kitô trước khi về trời trao cho 5 nén bạc như trên trộm nghĩ, thì hàng giáo sĩ nói chung và giáo phẩm nói riêng được Người trao cho 2 nén, nén phụng vụ (“các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” – Lk 22:19) và nén mục vụ (“các con hãy liệu cho họ ăn đi” – Mt 14:16), và thành phần tín hữu giáo dân được Người trao cho 1 nén, nén thế gian, nén làm cho bột dậy men (x Mt 13:33). Suy như thế không có nghĩa là thành phần giáo dân sẽ bị hư đi hết như người đầy tớ được chủ trao cho 1 nén trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, và thành phần thừa tác viên không ai bị hư đi. Vấn đề hư đi hay chăng, theo bài Phúc Âm, không phải ở tại con người làm hư hao hay mất đi số vốn của mình, mà ở tại còn nguyên số vốn đó, một số vốn không sinh lợi chỉ vì người đầy tớ muốn làm chủ, không muốn làm đầy tớ, không muốn phục vụ một cách nhưng không cho ngư ông đắc lợi. Nếu người lĩnh 2 hay 5 nén có đầu óc 1 nén hẹp hòi như vậy chắc chắn họ cũng sẽ không thể nào sinh lợi gấp trăm được.

 

Vấn đề của bài Phúc Âm Thánh Mathêu Năm A áp chót của Phụng Niên là chân lý trọn vẹn về con người, đó là chân lý con người mang thân phận chỉ là một nô bộc của Đấng Hóa Công và đóng vai trò làm quản lý tất cả những gì Ngài đã ban tặng cho mình hay đặt để nơi mình. Bao giờ hay khi nào con người sống trong sự thật này, nghĩa là sống đúng thân phận làm tôi Thiên Chúa, “của Cêsa trả về cho Cêsa”, và đóng đúng vai trò làm quản lý cho Ngài, “của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”, thì bấy giờ và lúc ấy con người mới thực sự ước nguyện và hết sức làm cho “danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” vậy.

 

Trong Khóa Lãnh Đạo Fatima III, 18-20/4/2008, tôi đã chia sẻ với các tham dự viên thuộc thành phần huynh trưởng và dự trưởng của Phong rào Thiếu Nhi Fatima TGP/LA về bài Phúc Âm Chúa Nhật 33 tuần này được lấy làm chủ đề stewarship, khi đặt ra những vấn nạn với các em như sau: 1) Tại sao phải làm cho những gì được trao phó cho mình sinh lợi? 2) Làm thế nào để biết được mình được trao cho bao nhiêu để làm lợi gấp trăm 2 thành 4 và 5 thành 10? 3) Tại sao người không làm cho những gì được trao phó cho mình sinh lợi (dù không làm lỗ đi hay hụt đi) lại bị phạt đời đời thật là vô cùng khủng khiếp? 4) Tất cả những gì được trao cho mình còn giữ nguyên để trả lại cho chủ đây nghĩa là gì? 5) Việc gửi vào nhà băng để lấy được cả vốn lẫn lời đây nghĩa là gì? 6) Nếu việc còn giữ nguyên những gì được trao phó cho mình mà còn bị trừng phạt đời đời thì trường hợp làm lỗ hay thiếu hụt đi hay hoàn mất mất đi thì số phận sẽ ra sao, vì nhân vô thập toàn, ai cũng phạm tội, ma phạm tội là làm lỗ lã thiếu hụt đi hay hại tới những gì được trao phó cho mình? 7) Làm sao có thể áp dụng bài Phúc Âm về Người Quản Gia vào vai trò làm Huynh Trưởng Thiếu Nhi Fatima? Sau đây là những giải đáp của tôi cho những gì tôi đặt ra cho các em nhưng các em chỉ cố gắng trả lời một phần nào vậy thôi:

    1) Sở dĩ chúng ta phải làm lợi những gì được trao phó cho chúng ta là vì chúng ta là thành phần tôi tớ (servant) chứ không phải là chủ. Tất cả  những iừ chúng ta có được là do Chúa ban, như hồn xác, tài năng, tiền bạc, sự sống và tự do, bởi thế, vì chúng không phải tuyệt đối là của chúng ta như một vị chủ nhân của chúng mà chỉ là người đầy tớ được ban cho mà chúng ta phải sử dụng tất cả những của ấy theo ý chủ của mình, như một người quản gia, bất cứ khi nào chúng ta sử dụng chúng theo ý mình là chúng ta cướp quyền của Chúa, chúng ta đóng vai chủ nhân thay cho Chúa.

 

     2) Dù chúng ta không biết được mình được trao phó cho bao nhiêu, nhiều hay ít, chúng ta vẫn có thể trả về cho Ngài gấp trăm, bằng cách làm gì thì làm và sử dụng gì thì sử dụng, tất cả hoàn toàn vì Chúa mà thôi, ở chỗ kính mến Chúa hết mình và trên hết mọi sự.

 

     3) Sở dĩ người không làm lợi những gì được trao phó cho họ bị phạt đời đời trầm luân là vì họ không chấp nhận Thiên Chúa là chủ của họ, ở chỗ không chịu hy sinh phục vụ Ngài, tức là họ mặc nhiên hay minh nhiên cho họ là Chúa. Vậy thì thiên đàng của họ là ý riêng của họ, nơi họ là chúa. Vì họ không chấp nhận Chúa là Chúa của mình thì một là Thiên Đàng không có Chúa, hai là Thiên Đàng đó không phải là thiên đàng của họ, và ba là Thiên Đàng này sẽ có hai Chúa, trong đó có cả họ nữa.

 

    4) Tình trạng giữ nguyên những gì được trao phó cho mình để trả lại đây có thể hiểu là trường hợp những người chỉ vì sợ hay ngại trách nhiệm nuội con cái mà không chịu lập gia đình hay lập gia đình mà nhất định không thích có con.

 

    5) Việc gửi vào nhà băng để lấy được cả vốn lẫn lời đây có thể hiểu về trường hợp một người làm ăn vất vả đến không có giờ làm việc tông đồ truyền giáo mà Giaá Hội và từng Kitô hữu với bản chất "là ánh sáng thế gian", chỉ làm sao giữ được những gì tối thiểu nhất như đi lễ Chúa Nhật mà thôi, song họ biết dùng tiền của Chúa ban cho họ để quảng đại đóng góp vào việc truyền giáo và xây dựng Giáo Hội.

 

    6) Trường hợp phạm tội là làm lỗ lã hay mất đi hoặc hại tới những gì được trao phó cho mình cũng vẫn có thể bù đắp một cách dễ dàng, nếu biết nhận lỗi và xin lỗi với chủ, nghĩa là sống trong sự thật, vẫn tuyên nhận Chúa là chủ của mình chứ không phủ nhận Ngài như trường hợp còn giữ nguyên để trả về cho chủ. Đó là lý do mới có dụ ngôn Vua tha nợ cho người đầy tớ van xin ông. Nhưng vua sẽ không tha nữa nếu người đầy tớ này chấp nhất những lỗi phạm của tha nhân đối với họ. Đến đây mới thấy việc làm lợi ở đây là làm lợi cho tha nhân, là chia sẻ với tha nhân vậy.

 

    7) Nếu những người đầy tớ không tự động (vì chủ không hiển nhiên bảo phải làm như thế) làm lợi cho chủ những gì được trao phó cho mình đã bị trừng phạt đời đời vì bị cho là "vô ích - useless" thì những gì huynh trưởng TNF chúng ta tự nguyện hy sinh hằng tuần hằng tháng hằng năm, tốn tiền, mất giờ và phí sức, để phục vụ cho đoàn thể và cộng đoàn của mình là chúng ta đang làm lợi cho Chúa, cho Giáo Hội, cho các linh hồn giới trẻ. Chắc chắn phần thưởng của chúng ta ngay ở đời này như Chúa nói ngay trong bài Phúc Âm về người quản gia đó là kẻ đã có sẽ được ban thêm cho dư dật, đó là được mỗi ngày một gần Chúa hơn, tin Chúa hơn và dồi dào sinh lực để phục vụ Chúa hơn.

 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL