Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI:

Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 17/11/2010

Loạt Bài Giáo Lý Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền Bài 123

 

Thánh Juliana of Liege,

vị thánh có công trong việc phát động thiết lập

Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

 

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Cả sáng hôm nay nữa, tôi muốn trình bày cùng anh chị em một người phụ nữ ít được biết đến, vị mà, tuy nhiên, Giáo Hội rất nặng nợ, chẳng những vì đời sống thánh đức của ngài, mà còn vì, bằng đại nhiệt tình của mình, ngài đã góp phần vào việc thiết lập một trong những lễ trọng quan trọng nhất trong năm, đó là lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

 

Ngài là Thánh Juliana of Cornillon, cũng được gọi là Thánh Juliana of Liege. Chúng ta có được một số chi tiết về đời sống của ngài, trước hết, từ một cuốn tiểu sử có lẽ được viết một nhân vật trong giáo hội sống đồng thời với ngài, trong đó, có một số chứng từ của những người trực tiếp biết thánh nhân.

 

Thánh Juliana được sinh ra vào khoảng năm 1191 và 1192 trong vùng lân cận của Liege, ở Bỉ. Cần phải nhấn mạnh đến địa điểm này, vì vào thời ấy, Giáo Phận Liege có thể nói thực sự là một “nhà tiệc ly Thánh Thể”. Trước Juliana, các thần học gia xuất chúng đã cho thấy giá trị siêu việt của bí tích Thánh Thể, và ở Liege, bao giờ cũng có những nhóm phụ nữ quảng đại dấn thân cho việc tôn thờ Thánh Thể cũng như cho việc sốt sắng hiệp lễ. Được dẫn dắt bởi các vị linh mục gương sáng, họ sống với nhau, hiến thân cầu nguyện và thực thi các việc bác ái.

 

Mồ côi từ 5 tuổi, Juliana và người chị em của ngài là Agnes được ký thác cho việc chăm sóc của các nữ đan sĩ Dòng Thánh Âu Quốc Tinh (Augustinô) của tu viện nhà thương cùi ở Mont Cornillon. Ngài được giáo dục trước tiên bởi một nữ tu tên là Sapienza, vị đã theo dõi tình trạng trưởng thành thiêng liêng của ngài, cho đến khi Thánh Juliana được mặc áo dòng và cũng được trở thành nữ đan sĩ Dòng Âu Quốc Tinh. Ngài có được một kiến thức đáng kể, đến độ ngài đã đọc các tác phẩm của những vị Giáo Phụ của Giáo Hội bằng tiếng Latinh, nhất là Thánh Âu Quốc Tinh và Thánh Bênađô. Ngoài trí thông minh sắc sảo, Thánh Kuliana cho thấy ngay từ ban đầu một xu hướng chiêm niệm đặc biệt; ngài có một cảm quan sâu xa về sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng ngài cảm thấy bằng việc thiết tha sống bí tích Thánh Thể và thường thinh lặng suy gẫm các lời của Chúa Giêsu: “Này đây Thày ở cùng các con luôn mãi cho tới tận thế” (Mt 28:20).

 

Vào năm 16 tuổi, ngài bắt đầu được ơn thị kiến đầu tiên, một thị kiến sau đó được tái diễn nhiều lần khi ngài tôn thờ Thánh Thể. Thị kiến này cho thấy mặt trăng sáng láng, một một lằn đen xuyên suốt qua nó. Chúa đã làm cho ngài hiểu được ý nghĩa của những gì đã xuất hiện trước mắt ngài. Mặt trăng biểu hiệu cho đời sống của Giáo Hội trên trái đất này; thế nhưng cái lằn đen lại tiêu biểu cho ctình trạng thiếu vắng một lễ theo phụng vụ. Thánh Juliana được yêu cầu làm hết sức mình để thiết lập lễ này: một lễ nhờ đó thành phần tín hữu có thể tôn thờ Thánh Thể để gia tăng đức tin của họ, tiến tới trong việc thực hành nhân đức và đền tạ những xúc phạm đến Bí Tích Cực Thánh.

 

Qua khoảng 20 năm trời, Thánh Juliana, vị bấy giờ đã trở thành nữ đan viện trưởng của tu việnc ấy, đã giữ bí mật mạc khải này, một mạc khải đã làm cho ngài tràn đầy niềm vui. Sau đó ngài tiết lộ cho hai người sốt sắng tôn thờ Thánh Thể, đó là Chân Phước Eva, vị đã sống một cuộc đời ẩn tu, và Isabella, vị đã gia nhập đan viện Mont Cornillon với ngài. Ba người phụ nữ này đã thiết lập một thứ “liên minh thiêng liêng” để tôn vinh Bí Tích Chí Thánh. Họ muốn bao gồm cả một vị linh mục rất được cảm mến, đó là Cha John of Lausanne, cha sở nhà tờ Thánh Martin ở Liege, xin ngài đặt vấn đề với các thần học gia và các nhân vật trong giáo hội về những gì họ ôm ấp trong lòng họ. Những câu trả lời là những gì tích cực và phấn khởi.

 

Những gì đã xẩy ra cho Juliana of Cornillon thường được tái diễn nơi đời sống của các vị thánh: để xác định là một hứng động từ Chúa mà đến, bao giờ cũng cần phải thấm đẫm nguyện cầu, có thể nhẫn nại đợi chờ, tìm kiếm tình bằng hữu và thực hiện các cuộc gặp gỡ những tâm hồn tốt lành khác, cùng qui phục hết mọi sự theo phán quyết của các vị mục tử trong Giáo Hội. Thật vậy, chính đức giám mục ở Liege là Robert of Thourotte, vị mà sau những lưỡng lự ban đầu, đã chấp nhận dệ trình này của Thánh Juliana cũng như của các bạn ngài, và đã thiết lập, lần đầu tiên, lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa ở giáo phận của ngài. Sau đó, các vị giám mục khác đã bắt chước, thiết lập lễ này ở những phần đất được ký thác cho việc chăm sóc mục vụ của các vị.

 

Tuy nhiên, đối với các vị thánh, Chúa thường muốn các vị phải thắng vượt những thử thách, để đức tin của các vị được tăng bổ. Điều này cũng xẩy ra cho cả Thánh Juliana nữa, vị đã phải chịu nhiều chống đối dữ dội từ một số phần tử tyrong hành giáo sĩ và thậm chí cả vị bề trên có trách nhiệm đối với cả đan viện của ngài. Thế rồi, theo ý muốn của mình, Thánh Juliana đã rời đan viện ở Mont Cornillon cùng với một số đồng bạn, và trong vòng 10 năm, từ năm 1248 đến 1258, đã trở thành khách của một vài đan viện của các Nữ Tu Dòng Xi-Tô. Ngài đã soi trí mở lòng cho hết mọi người bằng lòng khiêm nhượng của ngài; ngài không bao giờ có những lời lẽ phê bình chỉ trích hay trách mắng thành phần đối phương của ngài, nhưng vẫn tiếp tục phổ biến việc nhiệt thành tôn thờ Thánh Thể. Ngài đã qua đời vào năm 1258 tại Fosses-La-Ville, ở Bỉ. Trong căn phòng là nơi ngài đặt lộ thiên Bí Tích Cực Linh, và theo những lời của người viết tiểu sử của ngài, Thánh Juliana đã chết trong khi chiêm ngưỡng, bằng một tình yêu bùng phát cuối cùng, Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng ngài luôn mến yêu, tôn vinh và thờ kính.

 

Cũng đáng công trong việc thiết lập Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô là Giacomo Pantaleon ở Troyes, vị đã biết thánh nhân trong thời giant hi hành thừa tác vụ của mình như là một tổng phó tế ở Liege. Thật vậy, vị này đã trở thành Giáo Hoàng vào năm 1264 và đã lấy danh hiệu là Urban IV, và đã thiết lập lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Kitô như là một lễ buộc cho toàn thể Giáo Hội hoàn vũ, vào Thứ Năm sau Lễ Hiện Xuống. Trong Sắc Lệnh thành lập tựa đề "Transiturus de hoc mundo" (Aug. 11, 1264), Đức Giáo Hoàng Urban IV cũng đã gợi lại một cách khéo léo những cảm nghiệm thần bí của Thánh Juliana, cống hiến cho chúng tính chất chân thực. Ngài đã viết: “Mặc dù Thánh Thể được long trọng cử hành hằng ngày, chúng tôi thấy rằng cần phải ít là mỗi năm một lần tưởng nhớ đến Thánh Thể một cách tôn kính hơn và long trọng hơn. Thật thế, những điều chúng ta tưởng nhớ, chúng ta cũng làm như vậy bằng tinh thần và tâm trí, thế nhưng chúng ta không đạt được sự hiện diện thật của chúng. Đàng khác, trong việc tưởng nhớ Chúa Kitô theo bí tích, Chúa Giêsu Kitô hiện diện với chúng ta bằng bản thể của Người, cho dù qua một dạng thể khác. Thật vậy, khi Người gần về trời, Người đã phán rằng: ‘Này đây Thày mãi  mãi ở cùng các con cho đến tận thế’ (Mt 20:28)”.

 

Chính vị Giáo Hoàng này muốn nêu gương, khi cử hành lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Kitô ở Orvieto, một thành phố là nơi bấy giờ ngài ở. Thật vậy, theo lệnh của ngài, tấm khăn thánh nổi tiếng có những dấu vết của phép lạ Thánh Thể đã xẩy ra năm trước đó, năm 1263, ở Bolsena, được giữ ở trong vương cung thánh đường của thành phố này – và hiện đang được giữ ở đó. [Phép lạ xẩy ra như thế này:] Trong khi một vị linh mục truyền phép bánh và rượu, thì ngài bị cám dỗ hồ nghi mạnh mẽ về sự hiện diện thực sự của Mình máu Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể. Lạ thay có mấy giọt máu bắt đầu tiết ra từ Bánh thánh, như thế khẳng định những gì chúng ta tuyên xưng đức tin. Đức Urban IV đã yêu cầu một trong những thần học gia đệ nhất trong lịch sử là Thánh Thomas Aquinas – vị lúc ấy đang hộ tống vị Giáo Hoàng này và đang ở Orvieto – sáng tác những bản văn cho phụng vụ của lễ trọng này. Đó là những tuyệt phẩm hòa hợp cả thần học lẫn thi ca, vẫn còn được sử dụng tới nay trong Giáo Hội. Đó là những bản văn khiến cho những sợi giây lòng rung động để bày tỏ lời chúc tụng và lòng biết ơn đối với Bí Tích Cực Thánh, trong khi trí khôn, ngỡ ngàng thấu nhập mầu nhiệm này, nhìn nhận nơi Thánh Thể sự hiện diện sống động và chân thực của Chúa Giêsu, của hy tế yêu thương Người thực hiện giúp hòa giải chúng ta với Cha và ban ơn cứu độ cho chúng ta.


Cho dù sai khi Đức Urban IV qua đi, việc cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa bị giới hạn lại ở một số miền của Pháp, Đức, Hung Gia Lợi và Bắc Ý, một lần nũa, xuất hiện vị giáo hoàng là Đức Gioan XXII, vị đã phục hồi lễ này vào năm 1317 cho toàn thể Giáo Hội. Từ đó lễ này đã được phát triển tốt đẹp, và vẫn còn được dân Kitô giáo hết sức mến chuộng.


Tôi muốn hân hoan khẳng định rằng ngày nay trong Giáo Hội đang có một “mùa xuân Thánh Thể”: Biết bao nhiêu người dừng lại thinh lặng trước Nhà Tạm để bỏ giờ ra yêu thương trò chuyện với Chúa Giêsu! Thật là an ủi khi thấy rằng có một ít nhóm giới trẻ đã tái nhận thức vẻ đẹp của việc cầu nguyện tôn thờ trước Bí Tích Cực Thánh. Chẳng hạn tôi đang nghĩ đến việc tôn thờ Thánh Thể ở Hyde Park Luân Đôn.

 

Tôi nguyện xin cho “mùa xuân” Thánh Thể này càng được lan tràn ở hết mọi giáo xứ, nhất là ở Bỉ, quê hương của Thánh Juliana. Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp “Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể” đã nói rằng: “Ở nhiều nơi, việc tôn thờ Bí Tích Thánh cũng là một việc thựa hành quan trọng hằng ngày và trở nên một nguồn thánh đức khôn cùng. Việc sốt sắng tham dự của tín hữu vào việc cung nghinh Thánh Thể dịp Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô là một ân huệ Chúa ban hằng năm mang lại niềm vui cho những ai tham dự. Những dấu hiệu tích cực khác về đức tin và lòng mến yêu Thánh Thể cũng cần phải đề cập đến” (khoản 10).

 

Tưởng nhớ đến Thánh Juliana of Cornillon chúng ta cũng lập lại niềm tin của chúng ta vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô nơi Thánh Thể. Như chúng ta được Cuốn Tổng Liược Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy rằng “Chúa Giêsu Kitô hiện diện nơi Thánh Thể một cách đặc thù và khôn sánh. Người hiện diện một cách thực sự , thực hữu và thực chất, với Mình của Người và Máu của Người, với Linh Hồn của Người và Thần Tính của Người. Bởi thế, nơi Thánh Thể, toàn thể và tất cả Chúa Kitô, Thiên Chúa và Con Người, hiện diện một cách bí tích, tức là hiện diện dưới các hình bánh và rượu Thánh Thể” (282)

 

Các bạn thân mến, trung thành với việc gặp gỡ Chúa Kitô Thánh Thể nơi Thánh Lễ Chúa Nhật là những gì thiết yếu cho cuộc hành trình đức tin, thế nhưng chúng ta cũng cố gắng thường xuyên viếng Chúa hiện diện trong Nhà Tạm nữa! Gắn ánh mắt tôn thờ vào Tấm Bánh thánh, chúng ta khám phá ra tặng ân yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta nhận thức được cuộc khổ nạn và thập giá của Chúa Giêsu cũng như cuộc Phục Sinh của Người. Chính qua ánh mắt tôn thờ của chúng ta, Chúa kéo chúng ta lại cùng Người, vào mầu nhiệm của Người, để biến đổi chúng ta như Người biến đổi bánh và rượu. Các thánh luôn tìm được sức mạnh, an ủi và niềm vui nơi cuộc gặp gỡ Thánh Thể. Với những lời của bài thánh ca Thánh Thể “Adoro te devote”, chúng ta hãy lập lại trước nhan Chúa, Đấng hiện diện trong Bí Tích Cực Thánh: “Xin Chúa hãy làm cho con tin tưởng vào Chúa hơn bao giờ hết, để trong Chúa con có được niềm hy vọng, để con được mến yếu Chúa!” Cám ơn anh chị em.



 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 17/11/2010