Tái Sinh Bởi Trời

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

Biên soạn cho Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống 499 Thứ Sáu 2/4/2010

  

 

Trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh thường có nghi thức Rửa Tội cho thành phần tân tòng. Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Giáo Hội lại chọn thời điểm Lễ đêm Vọng Phục Sinh này để thực hiện việc rửa tội cho người tân tòng? Tại sao không thực hiện vào các lễ khác hay dịp khác cho Thánh Lễ Vọng Phục Sinh vốn đã dài cho đỡ lâu có phải tốt hơn hay chăng? Chắc chắn là có một ý nghĩa rất sâu xa giữa Phép Rửa cho người lớn tân tòng (chứ không phải cho hài nhi hay con nít) với Thánh Lễ Vọng Phục Sinh (chứ không phải với Thánh Lễ Sáng Phục Sinh).

 

Đúng thế, Biến Cố Phục Sinh và Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô có liên quan tới Phép Rửa, vì Biến Cố Phục Sinh là biến cố thân xác của Chúa Kitô Tử Giá nhờ Thánh Thần đã sống lại từ trong kẻ chết, và Mầu Nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm Chúa Kitô “được toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28:18) đã chiến thắng sự dữ và tử thần, đã phá tan các việc làm của ma quỉ (x 1Jn 3:8), đã cứu loài người vướng mắc nguyên tội và không thể tự cứu mình khỏi tội lỗi và sự chết, và đã thiết lập Vương Quốc Sự Sống Thần Linh của Người trên thế gian này. Trong khi đó, Bí Tích Rửa Tội là bí tích cần phải lãnh nhận đối với những ai tin vào Người thì họ mới được cứu độ, như chính Người khẳng định và tuyên bố sau khi phục sinh với các môn đệ ở Phúc Âm Thánh Marcô đoạn 16 câu 16: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ, bằng ai không tin sẽ bị luận phạt”, và tác dụng thiêng liêng của việc tin tưởng, như Thánh Gioan xác nhận trong đoạn mở đầu Phúc Âm của ngài ở câu 12, nơi chính bản thân của con người tin tưởng, một niềm tin đặc biệt được bày tỏ một cách minh nhiên và tỏ tường qua việc lãnh nhận Phép Rửa, đó là: “Ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con cái Thiên Chúa”.

 

Chính vì được “quyền làm con cái Thiên Chúa” này, tức quyền được thông phần sự sống thần linh viên mãn của Thiên Chúa, mà thành phần tân tòng đây phải là thành phần người lớn, để họ có thể lãnh nhận toàn bộ ba bí tích nhập môn Kitô giáo, trong đó có cả Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Thánh Thể, nhờ đó, qua Bí Tích Thêm Sức, họ chẳng những được tràn đầy Thánh Thần là Đấng đã làm cho Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết (x Rm 8:11), mà còn, qua Bí Tích Thánh Thể, được sống bởi Mình Thánh Máu Thánh của Chúa Kitô là thân xác sau khi sống lại đã trở nên phương tiện thông ban sự sống, truyền đạt Thánh Linh nữa (x Jn 20:22). Nếu Chúa Kitô Phục Sinh là Chúa Kitô Vượt Qua từ Thập Giá Sự Chết đến Thánh Linh Sự Sống thì Phép Rửa nói riêng và toàn bộ ba Bí Tích Nhập Môn Kitô giáo nói chung cũng làm cho con người tân tòng trong Lễ Đêm Vọng Phục Sinh vượt qua sự chết mà vào sự sống như vậy. Trong Mùa Phục Sinh, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại Phép Rửa với đời sống Kitô hữu, để nhờ đó Kitô hữu chúng ta có thể sống trọn ơn gọi Kitô hữu vô cùng cao quí và thiết yếu của chúng ta.  

 

Vấn đề được đặt ra đầu tiên ở đây liên quan đến Bí Tích Rửa Tội, đó là tại sao con người chúng ta cần phải lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội? Nếu lý do chính yếu và trước hết cần phải lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội chỉ vì con người chúng ta vướng mắc nguyên tội thì làm sao chúng ta biết mình bị vướng mắc nguyên tội? Nếu quả thực con người chúng ta bị vướng mắc nguyên tội thì nguyên tội này truyền từ hai nguyên tổ sang con cháu tới chúng ta cách nào và ra sao? Vấn đề thứ hai được đặt ra liên quan tới vấn đề thứ nhất, đó là Bí Tích Rửa Tội tác dụng như thế nào nơi những ai lãnh nhận nó, về mặt tích cực cũng như tiêu cực? Tại sao lại phải lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội ngay từ khi mới sinh mà không để đến khi trưởng thành có ý thức mới lãnh nhận? Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau ôn lại giáo lý căn bản về Bí Tích Rửa Tội liên quan tới ít là ba vấn nạn được đặt ra trên đây.

 

Giáo Lý căn bản về Bí Tích Rửa Tội

 

1.-   Tại sao con người chúng ta cần phải lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội?

 

Lý do trước hết và trên hết, con người cần phải lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, căn cứ vào lời khẳng định của Chúa Giêsu ở Phúc Âm Thánh Marcô đoạn 16 câu 16, là để được cứu độ, nếu không muốn bị luận phạt. Tất nhiên không phải tất cả những ai không lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội đều hư đi đời đời hết. Bởi vì, theo giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, có ba cách rửa tội, đó là rửa tội bằng nước chính thức theo nghi thức bí tích, rửa tội bằng lửa là lòng muốn và rửa tội bằng máu là tử đạo. Thế nên, những ai sống theo lương tâm, thành tín tìm kiếm chân thiện mỹ, cố gắng ăn ngay ở lành cho đến cùng, vẫn có thể được cứu độ, cho dù chưa nghe biết Phúc Âm hay cho dù có nghe mà vì gương mù gương xấu của Kitô hữu vẫn chưa thấy rõ được chân lý rạng ngời là dung nhan hoàn toàn của Chúa Kitô. Trường hợp trừ này đã được xác nhận vắn tắt trong Sách Toát Yếu Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo ở số 262, và dài hơn bởi Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội tựa đề “Ánh Sáng Muôn Dân - Lumen Gentium”, đoạn 16, nguyên văn theo bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Piô X như sau:

 

“Thực thế, những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi. Thực vậy, Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc Âm, và như một ân huệ mà Đấng soi sáng mọi người ban cho hầu cuối cùng họ được sống”.

 

Sau nữa, lý do thứ hai con người cần phải lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, lý do liên quan đến lý do thứ nhất “để được cứu độ”, đó là, con người cần phải, như Chúa Giêsu khẳng định với một nghị viên trong Hội Đồng Đầu Mục Do Thái là Nicôđêmô, ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 3 câu 3 và 5, đó là “sinh lại từ trên cao”, tức “sinh lại bởi trời”. Tại sao? Chính Chúa Giêsu cũng đã cho biết lý do, ở câu 6 ngay sau đó: “cái gì sinh bởi xác thịt là xác thịt, cái gì sinh bởi thần linh là thần linh”. “Xác thịt” Chúa Giêsu muốn nói đến ở đây là những gì không phải là Thần Linh và hoàn toàn phản lại Thần Linh, một phản nghịch giữa “xác thịt” và “Thần Linh” đã được Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô diễn giải rõ ràng trong Thư gửi Giáo Đoàn Rôma, ở đoạn 8 từ câu 5 đến 17, trong đó, vị tông đồ này chủ trương “xác thịt” có thể nói như là khuynh hướng tự nhiên nơi con người mắc nguyên tội, một mầm mống của nguyên tội nơi con người, bao giờ cũng có thể làm mất lòng Chúa, nếu con người chiều theo nó và sống theo đòi hỏi của nó. Nguyên văn lời ngài viết theo bản dịch của Cha Nguyễn Thế Thuấn ở đây cũng như sau đó (trừ những chỗ khác đi) như sau:

“Vì những ai theo xác thịt, thì hứng về những điều thuộc xác thịt; còn những ai theo Thần khí, thì (hứng về) những điều thuộc Thần khí. Nhưng hứng theo xác thịt là chết; còn hứng theo Thần khí là sống và bình an. Vì chưng hứng theo xác thịt là làm nghịch với Thiên Chúa, vì không phục tùng luật của Thiên Chúa, vả lại cũng vô phương làm thế. Những ai theo xác thịt không thể làm hài lòng Thiên Chúa. Nhưng anh em không theo xác thịt, mà là Thần khí, nếu thực có Thần khí Thiên Chúa cư ngụ trong anh em. Ai không có Thần khí Đức Kitô, kẻ ấy không thuộc về Ngài. Nhưng nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì tuy thân xác vẫn là đồ chết, vì tội, nhưng Thần khí là sự sống vì đức công chính.  Nếu Thần khí của Đấng đã cho Đức Yêsu sống lại từ cõi chết cư ngụ trong anh em, thì Đấng đã cho Đức Yêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ tác sinh thân xác chết dở của anh em, nhờ bởi Thần khí của Người cư ngụ trong anh em. Ấy vậy, hỡi anh em, chúng ta là những kẻ mắc nợ, không phải với xác thịt, để mà sống theo xác thịt. Vì chưng nếu anh em sống theo xác thịt, anh em sẽ chết; nhưng nếu nhờ Thần khí anh em giết chết việc làm của thân xác, anh em sẽ sống. Vì chưng phàm ai được Thần khí Thiên Chúa dẫn đưa, thì họ là con cái Thiên Chúa. Quả thế, không phải thứ thần khí của hàng nô lệ mà anh em đã chịu lấy để sợ hãi. Nhưng anh em đã chịu lấy Thần khí của hàng nghĩa tử; nhờ đó ta kêu lên: Abba, lạy Cha! Chính Thần khí chứng thực cho thần hồn ta rằng: ta là con cái Thiên Chúa; mà nếu là con, thì cũng là kẻ thừa tự, thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô, một khi ta cùng cam chịu khổ (với Ngài), để rồi cùng chia phần vinh hiển (với Ngài)”.

 

Chưa hết, trong Thư gửi Giáo Đoàn Galata, đoạn 5 câu 19-23, Vị Tông Đồ Dân Ngoại này còn cho biết 15 hoa trái của thành phần sống theo xác thịt và 9 hoa trái của những ai sống theo Thần Linh, cũng theo cùng bản dịch, nguyên văn như sau:

 

“Hỡi anh em, anh em đã được kêu gọi để được tự do; nhưng đứng lấy nê tự do mà sống theo xác thịt; trái lại hãy lấy lòng mến mà làm tôi nhau. Vì chưng tất cả Lề luật đã được nên trọn nội một lời này: Ngươi hãy yêu mến đồng loại như chính mình. Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, ăn thịt nhau, thì hãy coi chừng kẻo mà diệt nhau đi mất! Tôi xin nói là: hãy bước đi theo Thần khí, và anh em sẽ không làm thỏa đam mê xác thịt. Vì xác thịt có những đam mê chống lại Thần khí; và Thần khí có những đam mê chống lại xác thịt, đôi đàng cự lại nhau, khiến anh em không thể hễ muốn gì là làm được. Nhưng nếu anh em để Thần khí dẫn đi, anh em không phải chịu quyền Lề luật. Mà đã rõ việc làm của xác thịt, tức là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, ma thuật, hằn thù; kình địch, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè đảng, ganh tị, say sưa, chè chén và các điều khác giống như vậy. Và tôi bảo trước cho anh em hay, như tôi đã từng bảo rồi, là những kẻ làm các điều ấy sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp! Còn hoa quả của Thần khí là mến yêu, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực, hiền từ, tiết độ. Không có luật nào chống lại các điều ấy. Những ai thuộc về Đức Kitô Yêsu thì đã đóng đinh xác thịt vào thập giá, cùng với các tình dục và đam mê. Nếu sống bởi Thần khí, thì ta cũng hãy hướng theo Thần khí mà tiến bước!”

 

Đó là lý do, vị Tông Đồ Dân Ngoại huấn dụ và kêu gọi Kitô hữu thuộc Giáo Đoàn Êphêsô ở đoạn 4 câu 17-19, 22-24 trong thư ngài gửi cho họ, khuyên họ đừng sống theo kiểu cách của dân ngoại và như con người cũ đầy đam mê mà là canh tân theo Thần Linh để sống con người mới đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nguyên văn như sau:

 

“Vậy tôi xin nhấn đến điều này, và trong Chúa, tôi căn dặn anh em đừng còn sống như người ngoại sống, theo cái hư phiếm của tâm tư họ: trí khôn mù tối, xa cách với sự sống Thiên Chúa, bưng kín trong dốt đặc, bởi lòng họ đã chai đá; ra như tê dại, họ sống buông tuồng, làm mọi sự ô uế, với tham lam hà tiện… Anh em hãy cởi bỏ kiểu sống xưa kia, con người cũ đã ra hư hốt buông theo những đam mê lầm lạc. Hãy để Thần khí canh tân đổi mới anh em thấu tận trí khôn. Hãy mặc lấy người mới đã được dựng nên tạo theo Thiên Chúa, trong công chính và thánh thiện bắt nguồn trong sự thật”.

 

Ngoài ra, với Kitô hữu thuộc Giáo Đoàn Rôma, trong thư ngài gửi cho họ ở đoạn 6, câu 6-14, Vị Tông Đồ Dân Ngoại này chẳng những khuyên giục và huấn dụ họ là hãy cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới, mà còn cho họ biết lý do sâu xa là vì con người cũ của họ đã chết cho tội, đã bị đóng đanh với Chúa Kitô, nhờ đó họ được sống với Chúa Kitô, có thế, thân xác của họ đã từng là khí giới bất chính cho tội lỗi nay trở thành dụng cụ công chính cho Thiên Chúa, nguyên văn lời ngài như sau:

 

“Chúng tôi biết điều này: là con người cũ của ta đã cùng bị đóng đinh thập giá, để thân xác tội lỗi bị phế hủy, ngõ hầu ta khỏi còn làm nô lệ cho tội nữa. Vì chưng kẻ đã chết, thì hết tội. Nhưng nếu ta chết làm một với Đức Kitô, thì ta tin rằng: ta cũng sẽ cùng sống với Ngài. Bởi biết rằng: Đức Kitô sống lại từ cõi chết, không còn chết nữa, sự chết không còn bá chủ được Ngài nữa. Ngài đã chết, ấy chính với tội, mà Ngài đã chết -- duy chỉ một lần; Ngài đang sống, ấy chính cho Thiên Chúa mà Ngài sống. Cả anh em nữa cũng vậy, hãy kể mình là đã chết rồi đối với tội, và đang sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô Yêsu. Vậy tội chớ ngự trị trong thân xác chết dở của anh em, khiến anh em phải nghe theo các đam mê của nó. Anh em đừng hiến thi thể mình làm khí giới bất chính cho tội, nhưng hãy hiến dâng cho Thiên Chúa chính mình anh em, như những kẻ đã thoát cõi chết mà được sống, và chi thể anh em làm khí giới công chính cho Thiên Chúa. Vì tội sẽ không bá chủ được anh em nữa, vì anh em không ở dưới Luật, song là dưới ân sủng!”

 

Bởi thế, trong Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Rôma ở đoạn 8 câu 3-4, chúng ta còn nghe thấy và vẫn nghe thấy Giáo Hội khi ban Bí Tích Rửa Tội đã luôn lập lại ý nghĩa sâu xa của Bí Tích Rửa Tội trực tiếp liên quan tới Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, ở chỗ, nơi Phép Rửa, con người cũ của chúng ta đã được mai táng với Người để nhờ đó chúng ta có thể cùng với Người sống cho Thiên Chúa, nguyên văn lời ngài như sau:

 

“Anh em không biết rằng: Hết thảy ta đã được thanh tẩy trong Đức Kitô Yêsu; thì chính trong sự chết của Ngài mà ta đã được thanh tẩy? Vậy nhờ thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Đức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, mà được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới. Vì nếu ta nên đồng hình với sự chết của Ngài, thì ta cũng sẽ (được đồng dạng) với sự sống lại (của Ngài).

 

Chính vì ý nghĩa vượt qua sự chết mà vào sự sống này với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô theo chiều hướng của Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Rôma trên đây nơi Bí Tích Rửa Tội mà Sách Toát Yếu Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, ở số 252 mới viết: 

 

“Người được Rửa tội được dìm vào trong sự chết của Đức Kitô và sống lại với Người như một "thụ tạo" mới (2 Cor 5:17). Người ta còn gọi Bí tích này là ‘tắm tái sinh và đổi mới trong Chúa Thánh Thần’ (Tt 3:5)”.

 

2.-   Bí Tích Rửa Tội tác dụng như thế nào nơi những ai lãnh nhận nó? Tại sao lại phải lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội ngay từ khi mới sinh?

 

Theo chiều hướng Thánh Kinh Tân Ước trên đây về ý nghĩa của Bí Tích Rửa Tội, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cho biết rõ ràng Bí Tích Rửa Tội có những tác dụng tiêu cực và tích cực, bao gồm cả những gì không nằm trong tầm ảnh hưởng tác dụng của bí tích đầu tiên chính yếu này của Kitô giáo. Tác dụng tiêu cực của Bí Tích Rửa Tội là chẳng những thanh tẩy con người tin tưởng lãnh nhận khỏi nguyên tội lẫn tư tội mà còn tha cho họ tất cả mọi hình phạt bởi tội lỗi mà ra, tức là họ được về trời ngay, không phải qua luyện tội, nếu họ chết sau khi lãnh nhận bí tích này mà chưa kịp phạm một tội lỗi nào. Tác dụng tích cực của Bí Tích Rửa Tội. Chính vì tác dụng thanh tẩy con người khỏi nguyên tội để được cứu độ mà con người cần phải được lãnh nhận bí tích này sớm bao nhiêu có thể, dù từ lúc mới sinh chưa biết gì, như tục lệ Dân Do Thái đã cắt bì (một hình ảnh như báo trước bí tích thanh tẩy của Dân Tân Ước) cho các trẻ nam sau khi chúng được sinh ra 8 ngày, và như thể lý cũng cho thấy việc làm con phải được bắt đầu ngay từ còn nhỏ chứ không phải lớn khôn nhận biết cha mẹ mới là con cái của họ, một định luật tự nhiên được áp dụng vào cả đời sống siêu nhiên được bắt đầu từ Phép Rửa nữa.  

 

Tác dụng tích cực của Bí Tích Rửa Tội là con người tin tưởng lãnh nhận trở thành một con người mới, ở chỗ, nhờ Thánh Sủng là “quyền được trở nên con cái Thiên Chúa” (Jn 1:12), họ được thông phần vào bản tính thần linh của Thiên Chúa, và trở nên dưỡng tử của Cha, chi thể của Con và đền thờ của Thánh Thần, và nhờ ba Thần Đức được phú bẩm cùng với Thánh Sủng vào linh hồn họ như các tài năng siêu nhiên, họ có thể sống sự sống thần linh với Thiên Chúa và như Thiên Chúa, trong việc thực hiện vai trò là tư tế, vương giả, và ngôn sứ của Ngài trên thế gian này. Sách Toát Lược Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã xác nhận những tác dụng này của Bí Tích Rửa Tội trong số 263, theo bản dịch của Ủy Ban Tín Lý thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam như sau:

 

“Bí tích Rửa tội tha thứ nguyên tội, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội. Bí tích Rửa tội cho tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hóa, nhờ ơn công chính hóa giúp tháp nhập vào Đức Kitô và Hội thánh Người. Bí tích này cho tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và tạo nền tảng cho sự hiệp thông với tất cả các người Kitô hữu. Bí tích này trao ban các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận Bí tích Rửa tội thuộc về Đức Kitô luôn mãi: họ được đóng ấn không thể xóa được của Đức Kitô (ấn tín)”.

 

Tuy nhiên, Bí Tích Rửa Tội, cho dù có tác dụng thanh tẩy linh hồn cho khỏi mọi thứ tội lỗi và tha cho họ hết mọi hình phạt bởi tội mà ra, vẫn không có tác dụng gây triệt tiêu hết mọi mầm mống của nguyên tội là đam mê nhục dục và các tính mê nết xấu. Thật vậy, vì bị lây nhiễm nguyên tội do nguyên tổ của mình vấp phạm, mà toàn thể bản tính của loài người bao gồm cả hồn lẫn xác đã bị hư hoại. Bởi thế, bất cứ ai, được sinh ra theo tự nhiên, tức bởi huyết nhục, bởi ý muốn nhục dục, bởi ý muốn của con người (x Jn 1:12) trên thế gian này, mang bản tính nhân loại đã bị hư hoại ấy, đều mắc nguyên tội với những hậu quả của nó, những hậu quả trái lại cho thấy họ quả thực vướng mắc nguyên tội. Như một người bị các triệu chứng ho, rát cổ, sổ mũi chứng tỏ họ bị cúm thế nào thì con người mắc những triệu chứng được kể đến sau đây cũng thực sự bị vướng mắc nguyên tội như vậy.

 

Triệu chứng đầu tiên cho thấy con người quả thực vướng mắc nguyên tội một cách tỏ tường nhất đó là thân xác của họ bị chết đi và cuộc đời của họ đầy những cực nhọc khổ đau, đúng như bản án nguyên tội của họ được Thiên Chúa Hóa Công tuyên phạt trong Sách Khởi Nguyên đoạn 3 câu 16-19, nguyên văn theo bản dịch của Nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh như sau:

 

“Với người đàn bà, Chúa phán: ‘Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.’ Với con người, Chúa phán: ‘Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: Ngươi đừng ăn nó, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất’".

 

Triệu chứng thứ hai cho thấy con người quả thực vướng mắc nguyên tội một cách sâu xa hơn, đó là tình trạng phân rẽ nơi bản tính bị hư hoại của họ, tình trạng giằng co và giao tranh giữa thiện và ác nơi nội tâm của họ, giữa phần thượng và phần hạ của họ: phần thượng là linh hồn của họ thì bị mù tối nơi trí khôn và yếu nhược nơi lòng muốn, phần hạ là xác thịt của họ lại đòi hòi sống theo bản năng tự nhiên đầy thú tính, chống lại phần thượng, như đã được Thánh Phaolô diễn tả một cách thảm thương trong Thư gửi Giáo Đoàn Rôma ở đoạn 7, câu 14-24 sau đây:

 

“Vì chưng ta biết rằng: Lề luật hẳn là thần thiêng, còn tôi thuộc về xác thịt, bị bán làm tôi sự tội. Điều tôi làm ra, tôi không biết; vì điều tôi muốn, tôi không thi hành, nhưng tôi lại làm chính điều tôi ghét. Song nếu tôi làm điều tôi không muốn, tức là tôi đồng ý với Lề luật là Lề luật hẳn là lương hảo. Đã thế, thì không còn phải tôi làm ra điều đó, song là sự tội cư ngụ trong tôi. Vì tôi biết rằng trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi, chẳng có gì lành cư ngụ: muốn thì vừa tầm cho tôi, mà làm ra sự thiện thì không. Sự lành tôi muốn, tôi không làm; còn sự dữ không muốn, tôi lại thi hành. Nhưng nếu tôi làm điều tôi không muốn, thì không còn phải chính tôi làm ra nó, song là sự tội lỗi cư ngụ trong tôi. Vậy tôi khám phá ra có luật chi phối tôi khi muốn làm sự thiện: là (chỉ có) sự dữ vừa tầm với tôi. Tôi hớn hở đồng ý với Luật của Thiên Chúa theo con người bên trong, nhưng tôi thấy một luật khác nơi chi thể mình tôi, cự lại luật của lương tri tôi, và giam tù tôi trong luật sự tội ẩn nơi chi thể mình tôi. Vô phúc thay con người tôi! Ai sẽ cứu tôi khỏi cái xác chết này?”

 

Thật vậy, nhờ Phép Rửa Thanh Tẩy Tái Sinh, con người Kitô hữu đã được cứu cho khỏi cái xác chết ấy, nhờ “nước và Thần Linh” (Jn 3:5). “Vì cái gì sinh bởi xác thịt là xác thịt và cái gì sinh bởi Thần Linh là Thần Linh” (Jn 3:6), Đấng như “gió muốn thổi đâu thì thổi” (Jn 3:8), chỉ cần Kitô hữu biết “hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ” (Mt 18:3), liên lỉ đáp ứng các tác động thần linh của Ngài, cho dù “không biết gió từ đâu tới và sẽ đi đâu” (Jn 3:8), nghĩa là hoàn toàn sống theo “đức tin tuân phục” (Rm 1:5), như Mẹ Maria là đệ nhất tạo vật mới “đầy ân sủng” (Lk 1:28) đã tác hành trong giây phút truyền tin Lời Nhập Thể: “Này tôi là nữ tỳ Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi những gì ngài truyền” (Lk 1:38).

 

Đúng thế, sau khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, tức được Tái Sinh Bởi Trời, nơi Kitô hữu đã có mầm mống thần linh là Thánh Sủng cùng với ba Thần Đức, để nhờ đó họ có thể sống Sự Sống Thần Linh, và nhờ Sự Sống Thần Linh này, Kitô hữu trở thành “ánh sáng sự sống” (Jn 8:12): “Các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5:14), đúng như Chúa Kitô khẳng định trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 5 câu 14 trước khi bắt đầu Bài Giảng Trên Núi, phản chiếu chính Chúa Kitô “là ánh sáng thế gian” (Jn 8:12), Đấng là “ánh sáng chiếu trong tăm tối, một tối tăm không át được ánh sáng” (Jn 1:5). “Tối tăm không át được ánh sáng” nơi Kitô hữu được tái sinh bởi trời đây là ở chỗ mầm mống nguyên tội là đam mê nhục dục và các tính mê nết xấu vốn có nơi bản tính hư hoại bởi nguyên tội không thể nào như cỏ lùng vực triệt tiêu được lúa tốt là Thánh Sủng trong thửa ruộng tâm hồn con người (x Mt 13:38-39).

 

Có thể nói, hiện tượng tồn tại của các thứ mầm mống nguyên tội nơi con người, theo tự nhiên, thật sự là những gì rất nguy hiểm cho Thánh Sủng và hết sức bất lợi cho đời sống thiêng liêng của Kitô hữu, nhưng theo siêu nhiên và tu đức thì lại cần phải có để cho quyền năng của Thiên Chúa được tỏ hiện một cách rạng ngời tuyệt diệu nơi trạng thái yếu đuối của con người, một tâm trạng chính Thánh Phaolô là vị được mang lên tầng trời thứ ba (x 2Cor 12:2) đã nghiệm thấy nơi bản thân ngài, như ngài bày tỏ trong Thư Hai gửi Giáo Đoàn Côrintô đoạn 12 câu 9, và là những gì Thiên Chúa muốn sử dụng theo ý định thần linh quyền năng của Ngài, như thánh nhân cho thấy ở Thư Một gửi Giáo Đoàn Côrintô đoạn 1 câu 18-31 như sau:

 

“Quả vậy, Đức Kitô đã không sai tôi đi thanh tẩy, mà là rao giảng Tin mừng: không phải bằng sự khôn ngoan của khoa ngôn ngữ, kẻo thập giá của Đức Kitô bị ra hư không trống rỗng. Vì chưng lời giảng thập giá, đối với những kẻ đang hư đi, là một sự điên rồ; còn đối với chúng ta, những người đang ở trên đường cứu thoát, lại là quyền năng của Thiên Chúa. Vì đã viết: Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của hạng khôn ngoan, Và trí thông thái của hạng thông thái, ta sẽ thủ tiêu. Người khôn ngoan đâu? Ký lục đâu? Người hùng biện đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan thế gian ra điên rồ đó sao?  Vì chưng một khi thế gian, đứng trước sự khôn ngoan của Thiên Chúa, đã không lợi dụng khoa khôn ngoan mà nhìn biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã quyết ý dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu những kẻ tin. Vì chưng trong khi Do Thái đòi có dấu lạ, và Hy lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Vì Kitô đã bị đóng đinh thập giá, cớ vấp phạm cho Do Thái, sự điên rồ đối với dân ngoại, nhưng đối với những ai được kêu gọi dù là Do Thái hay Hi lạp, thì lại là chính Đức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Bởi vì sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người. Hãy coi, hỡi anh em, đến việc anh em được kêu gọi! Hẳn không có mấy người khôn ngoan xét theo xác thịt, không mấy người quyền thế, không mấy người tôn quí. Nhưng chính những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc hạng khôn ngoan; và những điều thế gian coi là yếu đuối, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ. Những điều thế gian cho là ti tiện, là không đáng kể, thì Thiên Chúa đã chọn, những điều không không, để hủy ra không những điều có, ngõ hầu đừng có xác phàm nào dám vinh vang trước mặt Thiên Chúa. Chính do tự Người mà anh em được có trong Đức Yêsu Kitô, Đấng do bởi Thiên Chúa đã nên sự khôn ngoan cho chúng ta, sự công chính, sự thánh thiện và cứu chuộc, ngõ hầu, như đã viết: Kẻ vinh vang, hãy vinh vang trong Chúa”.

 

Một khi Kitô hữu luôn biết “tỉnh thức và cầu nguyện” (Mt 26:41), ở chỗ biến bản thân mình trở thành mảnh đất tốt (x Mt 13:23), một mảnh đất phì nhiêu, nhờ năng lãnh nhận các Bí Tích Thánh cùng với đời sống khổ chế cầu nguyện thân mật với Thiên Chúa, Thánh Sủng nơi họ như hạt cải nhỏ bé nhất sẽ tự mình lớn lên thành một cây vĩ đại (x Mt 13:31-32), đến nỗi chắc chắn sẽ trở thành nơi làm tổ cho chim trời là các linh hồn cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn. Bấy giờ, Kitô hữu đạt đến tầm vóc vẹn toàn của Chúa Kitô (x Eph 4:13,15), trở thành hiện thân trung thực và sống động của Chúa Kitô, đến độ họ như cành nho sinh muôn vàn hoa trái nhờ hiệp nhất nên một với thân nho (x Jn 15:5), để có thể  nói như Thánh Phaolô trong Thư ngài gửi cho Giáo Đoàn Galata ở đoạn 2 câu 19-20 như thế này:

 

“Quả thế, nhân bởi Lề luật mà tôi đã chết cho Lề luật, ngõ hầu được sống cho Thiên Chúa: tôi đã cùng bị đóng đinh thập giá với Đức Kitô. Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi. Đời sống của tôi lúc này trong thân xác, tôi sống nó trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và phó nộp mình vì tôi”.

 

Theo chân "ông Cha ngoại quốc": Linh mục Adino Roncato

 

Linh Mục John Shirieda là Bề Trên của một Chủng Viện ở ngoại ô Thành Phố Tokyo, nơi các chủng sinh Nhật Bản đang theo học để trở thành Linh mục. Cha Shirieda đồng thời cũng là Giảng sư Thần học tại Đại Học Sophia (Jochi Daigaku), Tokyo. Theo cha kể lại việc trở lại Công Giáo của mình và ơn gọi làm linh mục của mình, thì cả hai ơn gọi trở lại và làm linh mục này đều được tác động bởi một chứng nhân Kitô hữu Công giáo là một vị được cha gọi là “Ông Cha Ngoại Quốc Adino”. Chúng ta hãy cùng nhau theo dõi câu truyện đã được phổ biến trong giới truyền thông điện thư này để thấy được tác dụng của ân sủng thần linh truyền đạt từ thành phần Kitô hữu sống thánh chứng nhân như muối đất men bột đầy hiệu năng siêu nhiên này.

 

Cách nay hơn 25 năm, gia đình tôi gồm có mẹ, chị, anh tôi và tôi. Mỗi buổi sáng, chúng tôi đều tụng kinh trước tượng của Đức Phật trong căn nhà nghèo nàn tồi tệ của gia đình. Việc tụng kinh này thể hiện lòng sùng kính sốt sắng của chúng tôi với Đức Phật. Thường thường mỗi buổi sáng chúng tôi còn dâng lên bàn thờ một chén gạo nữa.

 

Tôi không đề cập tới cha tôi ở trên và nhấn mạnh đến căn nhà nghèo nàn, tồi tệ của chúng tôi, vì sự tàn ác của chiến tranh đã đưa gia đình tôi vào cảnh túng cực khổ sở. Cha tôi là một sĩ quan trong một Trung Đoàn Bộ Binh đã tử trận tại đồng bằng Trung Hoa vào năm 1937.

 

Căn nhà của chúng tôi tại Kagoshima đã biến thành một đống gạch vụn sau trận dội bom kinh hoàng cuối cùng của Hoa Kỳ. Ý muốn được sống gần bà nội của chúng tôi đã khiến chúng tôi phải đi xa thành phố hơn 50 dặm đường. Nhưng ngay cả tại vùng ngoại ô này cũng toàn là hoang địa và đổ nát.

 

Trong suốt nhiều năm theo dõi chiến tranh với lòng ái quốc và sự lo lắng, đã có lần tôi nghĩ rằng mình sẽ phải trở thành một chiến sĩ theo chân cha tôi. Có thể tôi sẽ chỉ can đảm bằng cha tôi thôi, nhưng chắc chắn tôi sẽ may mắn hơn. Sự nghèo túng của gia đình cần sự hiện diện của tôi và niềm thất vọng của Hoàng gia Nhật khiến giấc mơ của tôi tàn lụi. Vấn đề quan trọng là làm sao có được một đời sống thích nghi với hoàn cảnh. Tôi phải bắt đầu từ mái ấm gia đình: Gỗ lạt ở Nhật đầy dẫy, làm một căn nhà để trú mưa trú nắng không phải là chuyện khó, nhưng vấn đề là đào đâu ra đinh để đóng những tấm gỗ vào với nhau?

 

Một đứa bạn của tôi đưa ra sáng kiến rất hay để giải quyết khó khăn này: Hắn ta đề nghị tôi ăn cắp đinh từ một ngôi nhà thờ Công Giáo gần đó đang xây cất sắp xong dưới sự trợ giúp của quân đội Hoa Kỳ.

 

Ý nghĩ ăn cắp làm chùn bước chân tôi, nhưng đinh hiện quá cần cho việc làm nhà. Hơn nữa, lấy cắp của cải của kẻ thù và của đạo Công Giáo đối với tôi lúc đó là việc phải làm.

 

Một hôm nọ, vào buổi giữa trưa, khi các công nhân xây cất nhà thờ đang nghỉ việc để ăn cơm, tôi thực hiện ý định. Tất cả mọi việc xảy ra êm thắm, cả người tôi từ trên xuống dưới, tất cả các túi đều đầy đinh.

 

Một cách hết sức cẩn thận, tôi trở ra bằng chính con đường tôi đã đi vào lúc trước. Nửa đường, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi: Thử nhìn xem trong căn nhà mới cất có gì trong đó? Tò mò mạnh hơn sự sợ hãi, tôi hì hục leo lên một cửa sổ để nhìn vào bên trong.

 

Ngay lúc đó, một ông Cha đang đọc kinh trong nhà thờ giật mình vì tiếng động do tôi gây ra, ông ngước mắt nhìn lên và trông thấy tôi đang đứng ngoài cửa sổ.

 

Như một luồng điện cao thế chuyển qua thân thể, trước khi kịp nghĩ ngợi, tôi nhảy đại xuống và chạy bán sống bán chết. Tuy nhiên, không hiểu bằng cách nào, ông Cha đã xuất hiện đứng trước mặt tôi, hai tay ông giữ lấy vai tôi. Tôi muốn vùng chạy, nhưng so với khổ người Tây Phương, tôi thấp và bé quá, nhất là với sức nặng của số đinh trên người, tôi thật sự lúng túng.

 

Thế là tôi bị bắt quả tang đang ăn cắp. Tôi run rẩy trong tay của người chủ to lớn, một người ngoại quốc, một ông Cha Công Giáo. Thật là một xỉ nhục cho gia đình và cho dân tộc tôi.

 

Tưởng tượng ra chân tay tôi bị trói, bị nhốt tù trong một căn phòng nhỏ hôi hám. Tôi nghĩ tới mẹ tôi, một người mẹ luôn luôn dạy tôi "Masayuki" có nghĩa là "một người công chính", luôn luôn dạy tôi phải thật thà. Thật là ghê gớm nếu mẹ tôi biết rằng sau bao nhiêu thì giờ và công sức đã bỏ ra để giáo dục con, kết quả là tôi trở thành một đứa ăn cắp. Tôi đã làm nhục mẹ, phản bội lại tất cả những gì mẹ đã tin tưởng nơi tôi từ thuở ấu thơ. Vì nghĩ như thế, nên trên khoảng đường ông Cha dẫn tôi trở lại chỗ để đinh, tôi năn nỉ với ông: "Cha muốn phạt hay làm gì tôi, Cha cứ làm, nhưng xin Cha một điều là đừng cho mẹ tôi biết.".

 

Thật không ngờ, khi dẫn tôi đến chỗ để đinh bên cạnh ngôi nhà thờ vừa cất xong, ông Cha với tay lấy thùng đinh, hốt đinh trao cho tôi nhiều đến nỗi tôi không thể nào mang nổi. Ông mỉm cười thân ái, chúc tôi vui vẻ, chào tôi và bảo tôi đi về.

 

Tôi ngạc nhiên đến nỗi không thốt lên được lời nào. Tưởng chừng như vừa trải qua một giấc mơ. Suốt buổi chiều hôm đó, rồi suốt cả đêm, tôi bị ám ảnh bởi khuôn mặt của ông Cha ngoại quốc, người đã dạy tôi biết thế nào là cho đi, nhất là trong hoàn cảnh hậu chiến của quốc gia Nhật, dân chúng chỉ ước ao lãnh nhận hơn là cho đi.

 

Ngày hôm sau tôi trở lại nhà thờ với ước muốn sẽ được gặp lại ông Cha tử tế ngày hôm trước. Gặp Cha, chẳng biết sao, tôi lại kể với Cha rằng tôi không muốn trở thành một sĩ quan trong quân đội Nhật Hoàng nữa và tôi muốn trở thành Linh mục Công giáo như Cha. Tôi không muốn cho Cha biết rằng tôi đã bị hấp dẫn bởi Kitô Giáo. Nhưng qua hành động của Cha, tôi khám phá ra Thày Chí Thánh của đời sống con người.

 

Đó là lần thứ nhất tôi đến thăm ông Cha ngoại quốc, khởi sự cho những lần đến thăm sau thường xuyên hơn. Dần dà, chị tôi, anh tôi cùng đi với tôi đến thăm Cha. Niềm tin của chúng tôi vào Đức Phật dần dần chuyển hướng sang Đức Tin vào Chúa Kitô qua cách sống "nhân chứng" của người Công Giáo.

 

Vào Mùa Phục Sinh năm 1947, chị tôi rửa tội theo đạo. Năm sau đó, vào Ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời, chính bức tường đã chứng kiến cho hành động ăn cắp của tôi, lần này làm chứng cho những bước chân mạnh dạn của tôi tiến vào Thánh đường trong tiếng Thánh ca thánh thiện. Chính ông Cha đã "chộp" được tôi trong hành động ăn cắp ngày nào là Cha Chủ sự đại diện Giáo Hội đón nhận tôi và anh tôi gia nhập đoàn chiên của Chúa.

 

Mẹ tôi là người duy nhất còn lại trong gia đình vẫn trung thành với Đức Phật. Đã có lần mẹ tôi dọa là mẹ sẽ từ chúng tôi nếu chúng tôi theo Đạo Công Giáo. Mẹ nói: "Nếu các con theo Đạo ấy, các con không còn là con cái của mẹ nữa!".

 

Thời gian trôi qua với đời sống khiêm nhường, cần cù, bác ái thật thà trong Đức Tin của chúng tôi ảnh hưởng từ ông Cha ngoại quốc đã làm dịu mẹ tôi khiến mẹ tôi cũng bắt đầu tìm hiểu về Giáo Hội Công Giáo.

 

Chúng tôi vẫn sống chung dưới một mái gia đình. Sau khi theo đạo, chị, anh tôi và cả tôi nữa đều muốn đi theo con đường của ông Cha ngoại quốc khả kính.

 

Năm 1950, cả ba chúng tôi đều gia nhập Dòng Salesian.

 

Năm 1955, chính ông Cha ngoại quốc, người hướng dẫn chúng tôi và đã đánh thức ơn Thiên triệu trong gia đình tôi đã hy sinh mạng sống của mình cho một người anh em Nhật Bản: Người bạn Nhật của chúng tôi bị kẹt trong một phòng học đang bốc cháy. Cha đã không ngại nguy hiểm lăn mình vào cứu. Tay ôm người thiếu niên Nhật, cả hai đều tử nạn trong ngọn lửa ngút trời.

 

Cha đã vẫn thường nói: "Cha yêu nước Nhật lắm, ước gì Cha được hy sinh mạng sống để trở thành một nắm đất cho nước Nhật!". Chúa đã giúp Cha thực hiện ước vọng cao vời đó.

 

Đời sống và cái chết của Cha Adino củng cố Ơn Thiên Triệu của tôi thật nhiều. Tôi quyết định sẽ phải trở thành "Ông Cha Ngoại quốc Adino" thứ hai.

 

Năm 1956, tôi được phép sang Ý Đại Lợi du học và gặp lại người mẹ của Cha Adino. Người mẹ này đã trở thành người mẹ thứ hai của tôi. Tôi ở lại Ý Đại Lợi tu học và chấm dứt chương trình năm 1967.

 

Giờ đây mẹ của chúng tôi đang sống cô độc tại một quận lỵ hẻo lánh nơi miền Nam nước Nhật. Bà bỏ hết phần đời còn lại để truyền giáo. Anh tôi, Linh mục Anthony, cũng thuộc Dòng Salesian như tôi đang dạy học tại Miyazaki. Chị tôi, Nữ tu Lucy cũng tu Dòng Salesian đang học thêm Thần học tại Học Viện Higher Institude, tỉnh Turin, Ý Đại Lợi.

 

Tôi hiện đang làm Bề Trên cho Chủng Viện Salesian và dạy Thần Học Tín Lý tại Viện Đại Học Sophia, Nhật Bản. Tôi có nhiệm vụ huấn luyện các Linh mục trẻ cho nhà Dòng và cho Giáo Hội. Ước vọng của tôi là làm sao hướng dẫn các Linh mục trẻ và cả chính tôi nữa theo chân "ông Cha ngoại quốc": Linh mục Adino Roncato.

 

 

Ly Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô,

Chúa đã đến để cho đàn chiên Chúa qui t v một mối được s sng và là mt s sng viên mãn.

Bng vic tái sinh h bi tri, tc không bi xác tht mà là bi nước và Thn Linh

Xin cho Kitô hữu chúng con biết sống con người mới

như M Maria là đệ nht to vt về ân sủng được Chúa cu độ trước hết,

mt mu gương sng đức tin tuân phc trong Thánh Thn hip thông Thn Linh.

Amen.