Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 142, Chúa Nhật 10.04.2011


MỤC LỤC 

Hoạt Ðộng Của Nhân Loại Trong Vũ Trụ                                                               Vatican 2

Chân dung Thánh Nữ THÉRÈSE DE LISIEUX: "LẠY CHÚA GIÊSU, CON YÊU CHÚA"  ĐTC. Benedicto XVI

TIN – THẤY (song ngữ Việt - Anh)                                             Lm Jos.Tuấn Việt,O.Carm

TUYỂN CHỌN                                                            Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, dcct

Suy niệm Tuần Thánh: Sám hối theo gương Thánh Phêrô     Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

MÙA CHAY THÁNH NÓI VỀ MA QUỈ VÀ TỘI LỖI                  Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh M.D.

SINH VIÊN VỚI NHỮNG “CĂN BỆNH CHỦ NGHĨA” CỦA THỜI ĐẠI             J.B Lê Đình Nam

CHÚ RÙA NHIỀU CHUYỆN                                                                          Br. Huynh qủang

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN TỰ ĐÀO TẠO VÀ TIẾN BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG SỐNG THÁNH                                                                        Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG BẰNG CẢM THÔNG                               Lm. Minh Anh biên tập

TRÁNH RỦI RO TỰ DÙNG THUỐC.                                                          Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D. 

VIẾT VỀ MỘT NGƯỜI CHA -                                                       Chuyện phiếm của Gã Siêu


Hoạt Ðộng Của Nhân Loại Trong Vũ Trụ

 

Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay

Gaudium Et Spes

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chương III

Hoạt Ðộng Của Nhân Loại Trong Vũ Trụ 36*

 

33. Ðặt vấn đề. Con người đã luôn cố gắng phát triển thêm mãi đời sống của mình bằng việc làm và tài năng. Ngày nay, nhất là với sự trợ giúp của khoa học và kỹ thuật con người đã và còn đang không ngừng nới rộng sự thống trị của mình gần như trên tất cả thiên nhiên, và đặc biệt nhờ sự gia tăng đủ loại phương tiện trao đổi giữa các quốc gia, gia đình nhân loại dần dần ý thức về mình và hợp thành gần như một cộng đoàn duy nhất trong vũ trụ. Do đó, ngày nay con người đã dùng sức cần lao tự cung ứng nhiều phẩm vật mà xưa kia họ mong đợi trước nhất nơi các quyền lực thần linh.

Trước nỗ lực lớn lao đang lan rộng tới tất cả nhân loại này, nhiều câu hỏi đang được con người nêu lên. Ðâu là ý nghĩa và giá trị của hoạt động cần lao ấy? Phải xử dụng tất cả các sự ấy ra sao? Ðâu là mục đích của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể? Dầu Giáo Hội là quản thủ kho tàng lời Chúa để từ đó rút ra những nguyên tắc luân lý và tôn giáo, nhưng không phải lúc nào Giáo Hội cũng có ngay câu trả lời cho mỗi một vấn đề. Tuy nhiên bao giờ Giáo Hội cũng ao ước nối kết ánh sáng mạc khải với sự khôn khéo của mọi người để soi dẫn con đường mà nhân loại vừa bước chân vào 37*.

34. Giá trị của hoạt động nhân loại. Ðối với các tín hữu, chắc chắn hoạt động cá nhân cũng như tập thể của nhân loại, hoặc nỗ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế kỷ nhằm cải thiện hoàn cảnh sinh sống, tự nó vốn phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thực vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện 1 và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng mọi loài, họ qui hướng về Người chính bản thân mình cũng như muôn vật: như thế, khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu 2. 38*

Những điều nhận định trên đây cũng ứng dụng được nơi những công việc hoàn toàn thường nhật. Thực vậy trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình, họ tiếp nối công trình của Ðấng Tạo Hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử 3.

Người Kitô hữu không những không coi các công trình do con người dùng tài năng và sức lực riêng để thực hiện là chống đối quyền năng của Thiên Chúa, không coi thụ tạo có lý trí như một địch thủ của Tạo Hóa, mà lại xác tín rằng các thắng lợi của nhân loại là dấu hiệu biểu dương Thiên Chúa cao cả và là kết quả của ý định khôn lường của Ngài. Tuy nhiên, quyền lực con người càng gia tăng, trách nhiệm cá nhân hay tập thể lại càng nới rộng. Do đó, chúng ta thấy sứ điệp Kitô giáo không làm cho con người tránh né khỏi công cuộc xây dựng thế giới hoặc khiến họ không còn thiết tha đến lợi ích của đồng loại, nhưng trái lại bổn phận thực hiện những điều ấy còn thúc bách họ hơn nữa 4.

35. Trật tự hoạt động con người. Hoạt động của con người phát xuất từ con người nên qui hướng về con người. Thật vậy, khi làm việc con người không những biến đổi sự vật và xã hội mà còn cải thiện chính mình. Bởi vì khi làm việc con người học biết được nhiều điều, phát triển tài năng cũng như thoát ra và vượt khỏi chính mình. Nếu được hiểu cho đúng thì sự tăng triển này đáng giá hơn mọi của cải có thể thu tích được. Giá trị con người hệ tại ở "cái mình là" hơn hệ tại ở "cái mình có" 5. Cũng vậy, tất cả cái gì con người làm để đạt tới một mức độ công bình cao hơn, một tình huynh đệ rộng lớn hơn và một trật tự nhân đạo hơn trong các tương quan xã hội, đều quí trọng hơn các tiến bộ kỹ thuật, bởi vì, các tiến bộ ấy tuy có thể cung cấp chất liệu cho việc thăng tiến con người, nhưng tự chúng mà thôi không thể thực hiện được công cuộc thăng tiến ấy.

Vậy nên, đây là tiêu chuẩn hoạt động của con người: mọi hoạt động của con người phải phù hợp với lợi ích đích thực của nhân loại theo như ý định và ý muốn của Thiên Chúa, lại phải giúp con người, cá nhân cũng như tập thể, trau dồi và thực hiện ơn gọi toàn diện của mình.

36. Sự độc lập đúng mức của các thực tại trần thế. Tuy nhiên, nhiều người đương thời dường như e ngại rằng sự liên kết khá chặt chẽ giữa hoạt động của con người và tôn giáo sẽ làm ngăn trở sự độc lập của con người, của xã hội hoặc của khoa học 39*.

Nếu sự độc lập của các thực tại trần thế có nghĩa là các tạo vật và các xã hội đều có những định luật và những giá trị riêng mà con người phải khám phá dần dần, xử dụng và điều hòa, thì đòi hỏi một sự độc lập như thế là một việc hoàn toàn chính đáng: đó là điều không những người đương thời đòi hỏi mà còn phù hợp với ý muốn của Tạo Hóa. Thực vậy, chính vì được tạo dựng mà mọi vật đều có sự vững chãi, chân thực và tốt lành cùng những định luật và trật tự riêng. Con người phải tôn trọng tất cả những điều ấy, phải nhìn nhận các phương pháp cá biệt của mỗi khoa học và kỹ thuật. Bởi vậy, việc khảo sát có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách khoa học thực sự và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ thực sự trái nghịch với đức tin, vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra 6. Hơn nữa, những ai kiên nhẫn và khiêm tốn cố gắng nghiên cứu sâu xa những bí ẩn của sự vật, mặc dù không ý thức, nhưng vẫn được bàn tay Chúa hướng dẫn, vì Ngài là Ðấng bảo trì muôn loài và khiến chúng hiện hữu theo bản tính riêng của mỗi loài. Do đó đôi khi chúng ta có thể phàn nàn một số tâm trạng cả nơi các Kitô hữu, không hiểu rõ sự độc lập hợp lý của khoa học. Những tâm trạng này gây nên nhiều cuộc tranh luận và bất đồng khiến nhiều người nghĩ rằng đức tin và khoa học đối nghịch nhau 7. 40*

Nhưng, nếu "sự độc lập của thực tại trần thế" có nghĩa là: các tạo vật không lệ thuộc Thiên Chúa và con người có thể xử dụng chúng mà không cần quy hướng về Ðấng Tạo Hóa thì không một ai nhìn nhận Thiên Chúa lại không thấy rằng lập trường đó hết sức sai lầm. Thực vậy, không có Tạo Hóa, tạo vật đều tiêu tan. Ngoài ra mọi tín hữu, dù thuộc tôn giáo nào đi nữa, cũng luôn nghe tiếng Thiên Chúa và thấy Ngài hiển hiện qua tiếng nói của tạo vật. Lại nữa, quên mất Thiên Chúa, mọi tạo vật đều trở nên mờ tối.

37. Tội lỗi làm hư hỏng hoạt động của nhân loại. Thánh Kinh cũng như kinh nghiệm nhiều thời đại dạy cho gia đình nhân loại biết rằng: tiến bộ tuy là một lợi ích lớn lao của con người, nhưng cũng đem theo một cám dỗ mãnh liệt. Thực vậy, khi bậc thang giá trị bị đảo lộn, khi ác và thiện lẫn lộn, thì cá nhân cũng như tập thể chỉ xét quyền lợi của mình chứ không để ý đến quyền lợi kẻ khác. Do đó, thế giới chưa phải là nơi có tình huynh đệ thật, và sự gia tăng quyền lực của con người lại đe dọa hủy diệt chính nhân loại.

Một cuộc chiến cam go chống lại quyền lực bóng tối tiếp diễn trong suốt lịch sử nhân loại, khởi đầu từ khi thế giới khai nguyên và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng như lời Chúa phán 8. Dấn thân vào cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn bó với sự thiện và chỉ tìm được sự thống nhất trong chính mình 41* sau khi hết sức cố gắng với sự trợ giúp của ơn Chúa.

Bởi vậy, Giáo Hội Chúa Kitô, tin tưởng vào ý định của Tạo Hóa, vẫn nhìn nhận rằng tiến bộ của nhân loại có thể phục vụ hạnh phúc chân chính của con người. Nhưng Giáo Hội không thể không lặp lại lời sau đây của Thánh Phaolô: "Ðừng theo thói thế trần này" (Rm 12,2) nghĩa là đừng buông mình ham chuộng hư danh và gian xảo khiến hoạt động con người vốn qui hướng về phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người, lại biến thành phương tiện phạm tội.

Vậy, nếu có ai hỏi phải làm gì để vượt qua tình trạng khốn khổ ấy 42*, người Kitô hữu sẽ tuyên xưng rằng: mọi hoạt động của con người hàng ngày đang lâm nguy vì kiêu ngạo và lòng vị kỷ thái quá, cần được thanh tẩy và hoàn thiện nhờ thập giá và sự sống lại của Chúa Kitô. Bởi vì đã được Chúa Kitô cứu chuộc và được biến đổi thành tạo vật mới trong Chúa Thánh Thần, nên con người có thể và phải yêu mến chính các tạo vật do Thiên Chúa dựng nên. Vì nhận được tạo vật do Chúa ban, nên con người coi chúng như xuất phát từ tay Chúa và kính trọng chúng. Ðang khi cảm tạ Thiên Chúa là Ðấng Ban Ơn vì các tạo vật ấy cũng như đang khi xử dụng và thụ hưởng chúng trong tinh thần khó nghèo và tự do, con người thực sự thi hành quyền làm chủ thế giới, như một kẻ không có gì hết nhưng lại sở hữu tất cả 9. "Vì mọi sự đều thuộc về anh em còn anh em thuộc về Chúa Kitô và Chúa Kitô thuộc về Thiên Chúa" (1Cor 3,22-23).

38. Kiện toàn hoạt động nhân loại trong mầu nhiệm phục sinh. Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, đã làm người và đến sống ở trên trái đất con người 10. Là con người hoàn hảo, Người đã đi vào lịch sử thế giới, đảm nhậm và thâu kết lịch sử ấy nơi Người 11. Chính Người mạc khải cho chúng ta "Thiên Chúa là tình thương" (1Gio 4,8) và dạy cho chúng ta biết rằng: luật căn bản để kiện toàn con người, và do đó để cải biến thế giới, là điều răn mới về tình yêu. Vậy, đối với những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa, Người cho họ xác tín rằng con đường tình yêu mở rộng cho tất cả mọi người, và nỗ lực thiết lập tình huynh đệ đại đồng không bao giờ luống công. Người cũng nhắc nhở cho biết đức bác ái ấy không phải chỉ được thực hiện trong những việc vĩ đại, nhưng trước hết trong những hoàn cảnh thông thường của cuộc sống. Chịu chết cho tất cả chúng ta là những người tội lỗi 12, Người lấy gương sáng dạy chúng ta vác thập giá mà xác thịt và thế gian đặt nặng trên vai những kẻ mưu tìm hòa bình và công lý. Ðức Kitô được tôn làm Chúa khi sống lại và được lãnh nhận toàn quyền thống trị trên trời dưới đất 13; từ nay Người hoạt động trong lòng con người nhờ quyền năng Thánh Thần của Người không những bằng cách khơi dậy những khát vọng đời sau, nhưng còn từ những khát vọng đó cổ võ, tinh luyện và củng cố những ước vọng quảng đại thúc đẩy gia đình nhân loại biến cải cuộc sống của mình trở nên nhân đạo hơn và qui phục trái đất về cùng mục đích ấy. Quả thật ơn Chúa Thánh Thần tác động mỗi người một khác: có những người được gọi làm chứng nhân tỏ tường cho sự mong đợi quê trời bảo tồn chứng tá sống động trong gia đình nhân loại, một số khác được gọi để hiến thân phục vụ con người trong phạm vi thế trần, dùng sự phục vụ ấy chuẩn bị chất liệu cho nước trời. Người giải thoát tất cả, để sau khi từ bỏ lòng vị kỷ và tập trung mọi năng lực trần thế cho cuộc sống con người, tất cả hướng về ngày mai, ngày mà nhân loại trở nên của lễ đẹp lòng Thiên Chúa 14.

Chúa đã để lại cho những kẻ thuộc về Người bảo chứng cậy trông và lương thực đi đường trong bí tích đức tin; trong bí tích ấy, những yếu tố thế trần, kết quả của lao công con người, được biến thành Mình và Máu vinh hiển, nên bữa ăn hiệp thông huynh đệ và nếm hưởng trước bữa tiệc trên trời.

39. Trời mới và đất mới 43*. Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại 15, chúng ta cũng chẳng biết cách thức biến đổi vũ trụ. Chắc chắn hình ảnh của một thế gian lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi 16, nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới, nơi công bằng ngự trị 17. Hạnh phúc nơi ấy sẽ thỏa mãn và đắp đầy mọi ước vọng hòa bình trào dâng trong lòng con người 18. Khi ấy, sự chết sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Chúa Kitô và những gì được gieo vãi trong yếu hèn, mục nát, sẽ mặc lấy sự không hư nát 19; tình yêu và các hoạt động bác ái sẽ tồn tại 20 và toàn thể tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên cho con người sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ phù vân 21.

Chúng ta đã được cảnh giác là lời lãi cả thế gian mà chính mình hư mất nào ích lợi gì 22. Nhưng sự trông đợi đất mới không được làm suy giảm, trái lại phải kích thích nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà Thân Thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một vài hình ảnh của thời đại mới. Bởi vậy, tuy phải phân biệt rõ rệt những tiến bộ trần thế với sự bành trướng Vương Quyền Chúa Kitô, nhưng những tiến bộ này trở thành quan trọng đối với Nước Thiên Chúa tùy theo mức độ chúng có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội loài người cho tốt đẹp hơn 23.

Thực vậy, sau khi đã theo mệnh lệnh Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần phổ biến trên trái đất các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ và tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt đẹp do bản tính và hoạt động con người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng được thanh tẩy khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô giao hoàn lại Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và đại đồng: "Vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và diễm phúc, vương quốc công bình, yêu thương và bình an" 24. Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa đến.

 


Chú Thích:

36* Khi chưa để ý đến sinh hoạt của con người, ta chưa hiểu biết con người và phẩm giá của họ. Qua lịch sử, con người đã nỗ lực để chế ngự thiên nhiên và vũ trụ, hiện nay con người đã đạt tới một mức độ lớn lao trong công việc ấy. Trước sự kiện này, Công Ðồng nêu ra ba thắc mắc:

1) Sinh hoạt có giá trị nào? Và Công Ðồng trả lời: a) nó là phương tiện để phát triển và tiến tới việc thích hợp với ý muốn của Ðấng Tạo Hóa. Ðức tin không trái ngược với ý muốn tiến bộ đó (số 34); b) hơn thế nữa, sinh hoạt làm cho con người lớn lên về nhân cách, do đó chính con người trở nên tiêu chuẩn luân lý của sinh hoạt (số 35).

2) Sinh hoạt như thế nào? a) Làm theo những đòi hỏi riêng và chính thức của thực tại trần tục là không bao giờ đi ngược với đức tin (số 36); b) đồng thời, tội lỗi, lòng kiêu ngạo và ích kỷ có thể làm cho sinh hoạt ấy đổi ý nghĩa (số 37); c) nhưng ơn Chúa Cứu Thế thanh luyện nó. Chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa Nhập Thể, dạy con người sinh hoạt: nhờ đức ái con người có thể xây dựng và đổi mới thế giới (số 38).

3) Sinh hoạt với mục đích gì? Thế giới cuối cùng sẽ đổi mới, chứ không hoàn toàn hư mất. (số 39).

37* Ba câu hỏi trên của Công Ðồng có lẽ chưa đủ để biểu lộ các vấn đề bao gồm trong chương này. Hơn bao giờ hết, thần học hiện đại đang tìm hiểu thực tại trần thế. Trong chương này ta sẽ tìm thấy một số nguyên tắc căn bản để giải quyết nhiều vấn đề có thể đặt ra dưới nhiều khía cạnh khác nhau:

1) Khía cạnh tín lý thần học: a) Ta phải có quan niệm gì về vũ trụ, về lịch sử, về sinh hoạt? b) Một thuyết thần học về thực tại trần thế phải dựa trên nền tảng nào? c) Có một nhân bản chủ nghĩa Kitô giáo không? d) Cần phải nhở thuyết "trần tục hóa" tân thời để có một học thuyết thần học về thực tại trần thế không?

2) Khía cạnh luân lý thần học: a) Giữa đòi hỏi của Nước Thiên Chúa và của thực tại trần thế, con người phải có thái độ nào? Phải sống thế mạt (chỉ hướng về đời sau) hay nhập thể? Hay là, đúng hơn: ta phải làm thế nào để điều hòa hai cực đoan ấy một cách thực tế? b) Các tín hữu có chỗ đứng ở giữa cộng đoàn nhân loại đang lo việc xây dựng thế giới không? Hay là các tín hữu phải quay lưng lại thế giới và tiến bước trên con đường khác biệt? c) Các tín hữu có chung một thứ ngôn ngữ với người ngoại giáo và người vô thần để mở cuộc đối thoại với họ được không?

3) Khía cạnh tu đức: Căn cứ vào thực tại trần thế ta có thể lập ra một thuyết nào về đời sống thiêng liêng không? Ðặc biệt về đời sống giáo dân?

4) Khía cạnh tranh luận: Ta phải trả lời như thế nào? a) trước những lời tố cáo cho rằng đức tin làm cho các tín hữu tách biệt với thực tại trần thế và với các vấn đề cụ thể của cuộc sống? b) Cũng như khi người ta đồng hóa tôn giáo với những việc dị đoan phải bị khoa học loại trừ?

1 Xem Stk 1,26-27; 9,2-3; Kn 9,2-3.

2 Xem Tv 8,7 và 10.

38* Việc làm không phải là sự trừng phạt vì tội lỗi, chỉ tính cách khó nhọc của việc làm mới là kết quả của tội phạm. Do việc làm: 1) con người khắc phục thiên nhiên, 2) kiện toàn vạn vật, 3) thể hiện nhân cách: đào tạo quyền tự do, trí tuệ và ý chí cũng như sự khéo léo tinh thần và thể xác, 4) nên chính con người hoàn thiện hóa bản thân, 5) xây dựng xã hội, 6) cỗ võ sự hiệp nhất giữa nhân loại, 7) giúp kiến tạo hòa bình (vì việc làm đòi hỏi sự cộng tác của nhiều người). Do đó việc làm mưu ích riêng cho con người cũng như ích chung cho xã hội và còn có thể nói là mưu ích cho cả vũ trụ nữa.

Ðức tin còn cho ta biết những khía cạnh mới: 8) là nhờ việc làm ta thực hiện ý muốn của Chúa Tạo Hóa, 9) và ta góp phần để làm sáng Danh Chúa, 10) khi làm việc, con người càng giống như hình ảnh của Thiên Chúa Tạo Hóa, 11) và cộng tác với Ngài, 12) cũng như bắt chước Ðấng Cứu Thế (x. GH 41e). 13) Ðồng thời, nhờ ơn Chúa, chính việc làm của con người được một giá trị siêu nhiên, giống như công việc của Ðấng Cứu Chuộc, để đền tội, để cầu xin, để giúp tha nhân về cùng Chúa và thánh hóa bản thân cũng như người khác: như vậy việc làm trở nên một phương tiện để thực hiện đức thương yêu.

3 Xem Gioan XXIII, Tđ. Pacem in terris: A AS 55 (1963), trg 297.

4 Xem Sứ điệp các Nghị Phụ gởi toàn thể nhân loại vào dịp khai mạc Công Ðồng Vaticanô II, tháng 10, 1962: AAS 54 (1962), trg 822-823.

5 Xem Phaolô VI, Alloc. Ad Corpus diplomaticum, 7-1-1965; AAS 57 (1965), trg 232.

39* Ðây là thành kiến của những hình thức nhân bản chủ nghĩa (xem trên, số 7c). Ðàng khác, nó cũng có thể là kết quả do kinh nghiệm lịch sử không tốt đẹp gây nên (xem cuối đoạn b trong số này).

6 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý về đức tin Công Giáo Dei Filius, ch. III: Dz 1785-1786 (3004-3005).

7 Xem Piô Paschini, Vita e opere di Galileo Galilei, 2 quyển, Pont. Accademia delle Scienze, Città del Vatic., 1964.

40* Các ngành nghệ thuật, văn chương, khoa học, kinh tế, chính trị, xã hội học, v.v... đều có đối tượng riêng biệt, phương pháp riêng biệt, kỹ thuật riêng biệt. Xét đoán một tài liệu văn chương chẳng hạn, theo những tiêu chuẩn kinh tế mà thôi, hay là theo kỹ thuật của khoa học chính xác, dĩ nhiên là vô nghĩa! Cũng thế, xét các vấn đề tôn giáo với đầu óc mỹ thuật, văn chương, khoa học..., khi chưa được đào tạo theo nguyên tắc tôn giáo cũng không kém nguy hiểm. Bởi vậy, Công Ðồng nhấn mạnh rằng thật là hết sức khôi hài, nếu chúng ta dựa trên những nguyên tắc tôn giáo để quyết định phải áp dụng kỹ thuật nào cho các thực tại trần thế. Các nhà sinh vật học, toán học, kinh tế học, chính trị..., đều phải khám phá và áp dụng những nguyên tắc và kỹ thuật riêng biệt của từng ngành. Ðức tin sẽ không giúp họ giải quyết các vấn đề chuyên môn của họ.

Ðàng khác, chân lý không thể mâu thuẫn với chân lý. Bởi thế những kết luận đúng sự thật của khoa học không thể mâu thuẫn với đức tin được (về các thực tại trần thế khác cũng phải lý luận một cách tương tự). Thiên Chúa, Ðấng đã mạc khải các tín điều cũng là Ðấng đã tạo nên thực tại trần thế. Thiên Chúa không thể mâu thuẫn với chính Ngài. Do đó, khi nào người ta đạt tới kết luận khoa học có vẻ trái ngược với đức tin thì phải xét lại: hoặc những kết luận đó chưa vững chắc (có thể chỉ là những giả thuyết nhất thời), hoặc cách hiểu biết tín điều còn ở trên bình diện thiếu sót, hoặc là cả hai.

Trong ghi chú, Công Ðồng nhắc lại vụ án Galileô để chấp nhận phần trách nhiệm của Giáo Hội khi vội vã quyết đoán rằng giữa kết luận khoa học (quả đất xoay chung quanh mặt trời) và lời Thánh Kinh ("mặt trời dừng lại", chẳng hạn) có mâu thuẫn. Hôm nay ai cũng hiểu câu nói như vậy không khác gì những câu nói thông thường của chúng ta: "mặt trời mọc lên, lặn xuống". Về phần trách nhiệm của chính ông Galileô khi ông vượt quá biên giới khoa học để cắt nghĩa lời Thánh Kinh, thì ở đây Công Ðồng không muốn nhắc đến làm gì.

8 Xem Mt 24,13; 13,24-30 và 36-43.

41* Công Ðồng nói về cuộc chiến đấu giữa sự lành và sự dữ, trước hết diễn ra tại nội tâm của con người. Con người ước ao sự lành nhưng bị sự dữ lôi cuốn, nên con người bị chia rẽ, như Công Ðồng đã nhắc ở phần trước (số 10a).

42* Trong đoạn này Công Ðồng phác họa chương trình sinh hoạt về thực tại trần thế:

1) Ðể tránh mối nguy cơ do lòng kiêu ngạo và tánh ích kỷ gây nên, ta phải ý thức mà chấp nhận thập giá, "nghĩa là hàng ngàn hình thức thất bại" và ngăn trở có thể xảy đến mặc dù ta đầy thiện chí và hết sức cố gắng. Thập giá đưa chúng ta đến sự phục sinh, sự thắng trận cuối cùng trên phạm vi cao hơn.

2) Ta phải yêu mến tạo vật với một lòng mến mới mẻ là kết quả của công cuộc chuộc tội. Mến tạo vật vì tạo vật là những quà tặng của Thiên Chúa.

3) Ta phải xử dụng và thụ hưởng tạo vật: nó là những phương tiện giúp ta đến cùng Thiên Chúa, đồng thời làm tròn sứ mệnh thống trị cũng như phát triển vũ trụ noí chung và bản thân nói riêng. Ta phải xử dụng và hưởng thụ tạo vật với tinh thần biết ơn, tinh thần khó nghèo (nghĩa là tinh thần siêu thoát) tạo nên sự tự do thiêng liêng, không để tạo vật buộc ta làm nô lệ nó, bất chấp những khía cạnh quyến rũ của tạo vật.

4) Thực tại trần thế có giá trị mới sau khi Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể; đức bác ái là điều răn mới của Chúa Kitô phải điều khiển các sinh hoạt thuộc về thực tại trần thế dưới ơn thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (số 38a).

5) Trong thực tế, thái độ của tín hữu đối với thực tại trần thế sẽ khác nhau tùy theo ơn Chúa Thánh Thần đó: tuy rằng không hề khinh dể tạo vật nhưng một số người thoát tục và do đó làm chứng cho đời sau, trong khi người khác dấn thân để nhờ tạo vật phục vụ đồng loại (số 38a).

9 Xem 2Cor 6,10.

10 Xem Gio 1,3 và 14.

11 Xem Eph 1,10.

12 Xem Gio 3, 14-16; Rm 5,8-10.

13 Xem CvTđ 2,36; Mt 28,18.

14 Xem Rm 15,16.

43* Trong số này Công Ðồng giải quyết thắc mắc sau đây: nếu thế giới, sau khi được xây dựng với biết bao nỗ lực, việc làm, vất vả, sẽ phải bị tiêu tan trong ngày tận thế, thì sinh hoạt về thực tại trần thế có phải thành vô nghĩa không? Công Ðồng dạy: a) Theo như Thánh Kinh cho biết, thế giới sẽ đổi mới, chứ không tan nát. b) Tuy chưa biết rõ như thế nào, nhưng việc làm của ta sẽ đem lại kết quả đời đời. Ðặc biệt những công việc bác ái, cũng như chính đức ái, sẽ tồn tại vĩnh viễn. c) Tuy rằng ta không thể đồng hóa sự tiến bộ trần thế của nhân loại với sự mở rộng nước Thiên Chúa, nhưng khi chúng ta phục vụ nhân loại và làm cho phẩm giá con người hay tình anh em và sự tự do, v.v... phát triển, tức là chúng ta đóng góp vào nước Thiên Chúa những điều sẽ tồn tại mãi mãi sau khi thế giới này được tẩy luyện và biến hình.

15 Xem CvTđ 1,7.

16 Xem 1Cor 7,31; T. Ireneô, Adv. Haereses, V, 36, 1: PG 7,1222.

17 Xem 2Cor 5,2; 2P 3,13.

18 Xem 1Cor 2,9; Kh 21,4-5.

19 Xem 1Cor 15,42 và 53.

20 Xem 1Cor 13,8; 3,14.

21 Xem Rm 8,19-21.

22 Xem Lc 9,25.

23 Piô XI, Tđ. Quadragesimo anno: AAS 23 (1931), trg 207.

24 Missale Romanum, Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Kitô Vua.

 
VỀ MỤC LỤC
CHÂN DUNG THÁNH NỮ THÉRÈSE DE LISIEUX: "LẠY CHÚA GIÊSU, CON YÊU CHÚA"
  

BÀI GIÁO LÝ NGÀY THỨ TƯ ( 7 A 13)

Công trường Thánh Phêrô, buổi yết kiến ngày thứ tư, 06.04.2011.
 

ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTUS XVI

Anh Chị Em thân mến,

Hôm nay tôi muốn được nói với Anh Chị Em về Thánh Nữ Thérèse de Lisieux, Thérèse Chúa Giêsu Hài Đồng , một Vị Thánh chỉ sống có 24 năm ở trần gian nầy, vào cuối thế kỷ XIX.

Thánh Nữ đã có một đời sống rất đơn sơ và ẩn dật. Nhưng sau khi chết đi và được phổ biến các bản văn của mình, Thánh Nữ đã trở nên một trong những Thánh Nữ được biết đến và yêu chuộng nhứt.

"Thérèse bé mọn" không hề ngưng giúp đỡ những tâm hồn đơn sơ nhứt, những kẻ bé mọn, nghèo khổ và đau khổ kêu cứu đến Thánh Nữ.

Nhưng Thánh Nữ cũng đã soi sáng cho cả Giáo Hội bằng giáo lý sâu xa về đàng thiêng liêng của mình, đến nỗi Đức Thánh Cha Đáng Kính Gioan Phaolồ II , năm 1977, đã muốn ban tặng cho Thánh Nữ tước hiệu Tiến Sĩ Giáo Hội, thêm vào tước hiệu Quan Thầy Truyền Giáo, mà Đức Thánh Cha Pio XI đã phong tước cho Thánh Nữ năm 1919.

Đức Tiền Nhiệm qúy mến của tôi đã định nghĩa Thánh Nữ là "nhà có kinh nghiệm khoa học yêu thương" (scientia amoris) (Novo Millenio ineunte, 27).

"Khoa học", mà Thánh Nữ Thérèse thấy sáng chiếu lên trong tình yêu tất cả chân lý đức tin, được Thánh Nữ diễn tả ra nhứt là trong quyển tường thuật lại đời sống mình, được phổ biến một năm sau khi chết, với tựa đề Tiểu Sử Của Một Linh Hồn.

Quyển sách lập tức gặt hái được thành công vĩ đại, được dịch ra nhiều thứ tiếng và phổ biến khắp thế giới. Tôi muốn được mời gọi Anh Chị Em hãy khám phá ra kho tàng bé nhỏ-vĩ đại nầy, quyển chú giải đầy ánh sáng Phúc Âm đã được sống trọn vẹn .

Thật vậy, Tiểu Sử Của Một Linh Hồn là một lịch sử Tình Yêu, được tường thuật lại một cách chính danh, đơn sơ và trong sáng khiến cho người đọc không thể nào không say mê được ! Nhưng Tình Yêu đó là tình yêu nào đã làm tràn ngập cuộc đời của Thérèse, từ lúc thơ ấu cho đến chết ?

Các bạn thân mến, Tình Yêu đó có một diện mạo, một danh xưng, đó là Chúa Giêsu!

Thánh Nữ vẫn tiếp tục nói về Chúa Giêsu. Như vậy, chúng ta thử duyệt qua trở lại con đường, các khoản thời gian dài cuộc sống của Thánh Nữ, để có thể đi vào được tâm điểm giáo lý của Thánh Nữ.

1 - Thérèse sinh ngày 2 tháng giêng năm 1873 ở Alençon, một thị trấn ở vùng Normandie, bên Pháp. Cô là con gái út của Louis và Zelie Martin, vợ chồng và song thân gương mẫu, cùng được phong chân phước chung nhau ngày 9 tháng 10 năm 2008.

Hai vợ chồng có chín người con; bốn đứa mất đi lúc còn non thiếu. Còn lại năm chị em gái, tất cả đều trở thành nữ tu. Thérèse lúc 4 tuổi, phải chịu đau khổ thật sâu đậm vì mẹ chết (Ms A, 13).

Cha và các cô con gái dời về thị trấn Lisieux, nơi mà vị Thánh Nữ sống suốt cuộc đời mình.

Sau đó Thérèse bị một chứng bệnh thần kinh trầm trọng, được chữa khỏi nhơ ơn Chúa, mà chính cô định nghĩa đó là "nụ cười của Đức Bà" ( ibid., 29v-10v).

Kế đến cô được Rước Lễ Lần Đầu, được cô sống một cách rất sốt sắng (ibid., 35r), và đặt Chúa Giêsu vào tâm điểm của đời sống mình.

"Ơn Giáng Sinh" năm 1886 đánh dấu một khúc quanh quan trọng, được cô gọi là "cuộc sám hối toàn vẹn" ( ibid., 44v-45r). Thật vậy, Thérèse được lành mạnh khỏi chứng cực kỳ nhạy cảm của thời thơ âu và khởi đầu "một cuộc chạy của người khổng lồ ".

Lúc 14 tuổi, Thérèse càng lúc càng đến gần hơn, với đức tin cao cả, với Chúa Giêsu Chiụ Đóng Đinh, và đặc tâm lưu ý đến trường hợp, bên ngoài có vẻ tuyệt vọng, của một tội nhân bị lên án tử hình và không chịu ăn năn sám hối (ibid., 45v-46v). " Tôi muốn bằng bất cứ giá nào ngăn chận anh ấy khỏi phải sa hoả ngục ", Thánh Nữ viết, với lòng xác tín rằng lời cầu nguyện của mình có thể làm cho anh ấy liên hệ được với Máu Cứu Độ của Chúa Giêsu. Đó là kinh nghiệm đầu tiên và căn bản của Thánh nữ về "tình mẫu tử thiêng liêng":

- "Tôi có lòng tin cậy to lớn vào lòng Nhân Từ Không Bờ Bến của Chúa Giêsu", Thánh Nữ viết. Đối với Mẹ Maria Chí Thánh, cô gái trẻ Thérèse thương yêu, tin cậy và hy vọng với "một tâm hồn người mẹ " ( cfr PR 6/ 10r), lúc đó mới 15.

Tháng 11 năm 1887, Thérèse đến hành hương ở Roma cùng với cha và người chị Celina (ibid., 55v-67r). Đối với cô, thời điểm thượng đỉnh đó là Buổi Yết Kiến Đức Giáo Hoàng Leo XIII, mà nàng đến xin phép ngài được hội nhập, lúc đó mới 15 tuổi, vào dòng Carmelo ở Lisieux.

Một năm sau, ước vọng của cô được thực hiện, Thérèse trở thành nữ tu dòng Carmelo, "để cứu các linh hồn và cầu nguyện cho các Linh Mục " ( ibid. 69v).

Đồng thời cũng khởi sự cơn bệnh tâm thần đau đớn và nhục nhã của người cha. Đây là một nỗi đau khổ to lớn hướng dẫn Thérèse đến việc chiêm ngắm Diện Mạo Chúa Giêsu chịu Khổ Nạn (ibid., 71rv).

Từ đó tên Nữ Tu của Thérèse - chị Thérèse Chúa Giêsu Hài Đồng và Khuôn Mặt Thánh - nói lên chương trình cả cuộc sống của Thérèse, trong mối thông hiệp với các Mầu Nhiệm chính yếu của công cuộc Nhập Thể và Cứu Độ.

Cuộc lễ tuyên khấn tu sĩ của nàng, vào dịp Lễ Sinh Nhật Mẹ Maria, ngày 8 tháng 9 năm 1890, đối với nàng là một cuộc hôn nhân thiêng liêng đích thực trong "sự khiêm nhường Phúc Âm " được biểu tượng bằng cành hoa.

- "Lễ Sinh Nhật Mẹ Maria đẹp biết bao, để trở thành vị hôn thê của Chúa Giêsu ", Thánh Nữ viết - Đó là Trinh Nữ Thánh bé nhỏ một ngày kia dâng một cành hoa bé nhỏ cho Chúa Giêsu bé nhỏ " ( ibid., 77r).

Đối với Thérèse, "nữ tu có nghĩa là hôn thê của Chúa Giêsu và mẹ của các linh hồn" (cfr Ms B, 2v). Cũng trong cùng ngày, Thánh Nữ viết lên một lời nguyện nói lên định hướng của cuộc đời nàng: xin Chúa Giêsu ban cho Tình Yêu vô hạn của Người, xin được là người bé nhỏ nhứt, và nhứt là xin cứu độ cho tất cả mọi người:

- "Ước gì ngày hôm nay không có linh hồn nào bị án phạt " ( Pr 2).

Rất quan trọng lời tuyên khấn "Hiến Dâng cho Tình Yêu Nhân Từ" (Offerta all'Amore Misericordioso , được Thérèse tuyên hứa trong Lễ Chúa Ba Ngôi Cực Thánh năm 1895 (Ms A, 83v-84r; Pr 6): lời tuyên khấn mà Thèrèse cùng đồng chia xẻ lập tức với các chị em đồng môn, bởi vì Thérèse đã trở thành nữ phó giáo viên nhà tập.

2 - Mưới năm sau "Ơn Giáng Sinh", năm 1896 là đến "Ơn Phục Sinh", bắt đầu khai mở giai đoạn cuối cùng đời sống của Thérèse, được khởi đầu bằng sự đau khổ của nàng hiệp thông sâu đậm với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Đó là cuộc đau đớn thân xác, với cơn bệnh dẫn đưa nàng đến sự chết trải qua những cơn đau đớn mãnh liệt, nhưng nhứt là đó là sự đau khổ tâm hồn, với sự thử thách rất đau đớn về đức tin ( Ms C, 4v-7v).

Với Mẹ Maria bên thập Giá Chúa Giêsu, Thérèse sống đức tin còn anh hùng hơn nữa, như là ánh sáng trong bóng tối đang xâm chiếm linh hồn.

Vị Nữ Tu Carmelitana ý thức rằng mình đang sống cơn thử thách to lớn đó để cứu rỗi các linh hồn ngoại đạo của thế giới tân tiến, mà nàng gọi là "anh em".

Như vậy nàng càng sống nồng nhiệt hơn nữa tình yêu huynh đệ (8r-33v): đối với các chị em đồng môn của cộng đồng mình, đối với hai anh em thiêng liêng đang là các nhà truyền giáo, đối với các Linh Mục và tất cả mọi người, nhứt là những người ở xa xôi.

Thật sự Thérèse trở thành một "ngưòi chị hoàn vũ" ! Đức bác ái của nàng dễ thương và luôn mĩm cười thể hiện niềm vui sâu xa, mà nàng vén màn bí mật cho chúng ta biết:

- "Lạy Chúa Giêsu, niềm vui của con là yêu Chúa " (P 45/7).

Trong bối cảnh đau khổ đó, bằng cách sống tình yêu cao cả nhứt trong những vật bé mọn nhứt trong cuộc sống, vị Thánh Nữ hoàn tất ơn gọi của mình là Tình Yêu trong lòng Giáo Hội (Ms B, 3v). Thérèse chết đi buổi chiều ngày 30 tháng 9 năm 1897, trong khi thốt lên những lời nói đơn sơ:

- "Lạy Chúa, con yêu Chúa ! ", trong khi nhìn vào tượng Chúa Chịu Đóng Đinh mà Thánh Nữ siết chặt trong tay. Những lời nói cuối cùng vừa kể của Thánh Nữ là chìa khoá của giáo lý của Thánh Nữ, của chú giải Phúc Âm của nàng. Động tác tình yêu, được diễn tả ra trong hơi thở cuối cùng của nàng, đó là những gì như hơi thở tiếp tục của linh hồn nàng, như là nhịp đập của con tim nàng. Các lời nói " Lạy Chúa Giêsu, con yêu Chúa " là tâm điểm của tất cả các bản văn của Thánh Nữ. Động tác tình yêu đối với Chúa Giêsu làm cho Thánh Nữ chìm ngập mình vào Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Thánh Nữ viết:

- "À Chúa biết, Lạy Chúa Giêsu, con yêu Chúa, / Chúa Thánh Thần Tình Yêu đốt nóng con bằng lửa của Người, / Trong khi yêu Chúa, con lôi cuốn Chúa Cha " (P 17/2).

3 - Các bạn thân mến, cả chúng ta cùng với Thánh Nữ Thérèse Chúa Giêsu Hài Đồng, chúng ta phải cũng có thể lập lại mỗi ngày với Chúa rằng chúng ta muốn sống yêu thương với Người và với những người khác, chúng ta hãy học ở trường các thánh biết yêu thương một cách chính đáng và trọn vẹn.

Thánh Nữ Thérèse là một trong những người "bé nhỏ" của Phúc Âm để cho Chúa dẫn dắt mình vào Mầu Nhiệm sâu thẩm của Người. Đó cũng là sự dẫn dắt cho tất cả, nhứt là cho những người trong cộng đồng Dân Chúa, hành xử phận vụ các nhà thần học.

Với lòng khiêm nhường và bác ái, đức tin và niềm hy vọng, Thánh Nữ Thérèse liên tục đi vào trung tâm của Thánh Kinh, nơi chứa đựng Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô.

Việc đọc Thánh Kinh, được nuôi dưỡng bằng "khoa học yêu thương", không đối nghịch lại khoa học hàn lâm viện.

Thật vậy, khoa học của các thánh, mà chính Thánh Nữ đề cập đến trong trang cuối cùng của Tiểu Sử Của Một Linh Hồn, là nền khoa học thượng đẳng.

- "Tất cả các Thánh đều biết điều đó và một cách đặc biệt các đấng bậc đang làm cho vũ trụ tràn ngập ánh sáng của giáo lý Phúc Âm. Không phải từ lời cầu nguyện mà Thánh Phaolồ, Thánh Augustino, Thánh Gioan Thánh Giá, Thánh Tôma d'Aquino, Thánh Phanxicô, Thánh Domenico và bao nhiêu Thân Hữu thời danh của Chúa đã múc lấy khoa học Thiên Chúa nầy, làm cho những bậc đại thiên tài nhứt cũng phải mê man sao ?" (Ms C, 36r).

Không thể tách rời khỏi Phúc Âm, Thánh Thể đối với Thánh Nữ Thérèse là Bí Tích của Tình Yêu Thiên Chúa, Đấng đã hạ mình xuống tận cùng để nâng nhắc chúng ta lên đến tận Người. Trong bức Thư Cuối Cùng (ultima Lettera), trên một hình ảnh diễn tả Chúa Giêsu Hài Đồng trong Bánh Lễ đã được truyền phép, Thánh Nữ viết những lời đơn sơ nầy:

- "Tôi không thể run sợ trước một Thiên Chúa vì tôi mà Người đã làm cho mình trở nên bé nhỏ như vậy ( ...) Tôi yêu Người ! Thật vậy, Người không có gì khác hơn là Tình Yêu và Lòng Nhân Từ " (LT 266).

Trong Phúc Âm, Thánh Nữ Thérèse khám phá ra nhứt là Lòng Nhân Từ của Chúa Giêsu, đến nỗi Thánh Nữ xác quyết:

- "Cho tôi, Người đã ban Lòng Nhân Từ vô hạn của Người, qua đó tôi chiêm ngưỡng và thờ lạy các điều trọn hảo khác của Chúa ( ...) Như vậy, tất cả đều thể hiện ra cho tôi chiếu đầy ánh sáng tình yêu, chính sự Công Chính (có lẽ còn hơn cả bất cứ đặc tính nào khác) tôi cũng thấy dường như được bao bọc bằng tình yêu " ( Ms A, 84r). Như vậy Thánh Nữ giải thích cả trong những dòng cuối của Tiểu Sử Của Một Linh Hồn:

- "Vừa liếc sơ qua Phúc Âm, tôi liền thở được mùi thơm đời sống của Chúa Giêsu và tôi biết phải chạy về đâu ... Không phải chạy về chổ cao nhứt, nhưng về chỗ cuối cùng nhứt là tôi phóng mình... Đúng, tôi cảm nhân như vậy, mặc dầu tôi có trên lương tâm tất cả các tội có thể phạm được, có lẽ tôi đi, với trái tim tan nát vì thống hối, để lăn xả mình vào đôi cánh tay của Chúa Giêsu, bởi vì tôi biết Người yêu thương đứa con trai hoang đàng biết bao đang trở về với Người " (Ms C, 36v-37r).

Như vậy "tin cậy và yêu thương" là điểm cuối cùng của việc tường thuật lại về đời sống của mình, đó là hai lời nói như hai chiếc đèn pha đã soi sáng con đường hành trình thánh thiện của Thánh Nữ, để có thể hướng dẫn những người khác cũng chính trên "con đường bé mọn tin cậy và yêu thương " của mình, của thời niên thiếu thiêng liêng (cf Ms C, 2v - 3r; LT 226).

Tin cậy, như là thái độ tin cậy của một đứa trẻ phó thác mình vào tay của Chúa, nhưng tin cậy không thể tách rời được khỏi chuyên cần mãnh liệt, tận gốc rễ của tình yêu thương đích thực, đó là thái độ dâng hiến hoàn toàn mình, mãi mãi, như những gì Thánh Nữ đã nói, khi Thánh Nữ chiêm ngắm Mẹ Maria:

- "Yêu là cho tất cả, hiến tặng cả chính mình" (Perché ti amo, o Maria, P 54/22).

Nhu vậy Thánh Nữ Thérèse chỉ cho chúng ta đời sống Ki Tô hữu gồm ở việc sống hoàn hảo ơn Phép Rửa, bằng cách dâng hiến hoàn toàn mình cho Tình Yêu Chúa Cha, để sống như Chúa Ki Tô, trong lửa của Chúa Thánh Thần, chính là Tình Yêu của Người cho tất cả mọi người khác.

Cám ơn Anh Chị Em.

Phỏng dịch từ nguyên bản Ý Ngữ: Nguyễn Học Tập.

(Thông tấn www.vatican.va , 06.04.2011).

VỀ MỤC LỤC
TIN – THẤY
 

(Gioan 11:1-45) 

CN 5 mùa Chay 

+++ 

  

Hôm nay mời bạn cùng mình phân tích hai mặt của một vấn đề: TIN. 

  

Mặt thứ nhất, ai cũng làm được: thấy rồi tin. Khi tôi thấy bạn đi nhà thờ và tham dự các phép Bí Tích, tôi tin là bạn có đạo. Khi ai đó tặng bạn một món quà để làm bạn vui, bạn tin là người ấy quan tâm đến bạn. Khi một người bỏ tiền của mình ra mua một chiếc xe hơi sang trọng, ta có thể tin ông ấy giàu có. Sau nhiều năm tìm hiểu, một ngày kia đôi tình nhân tiến lên trước bàn thờ để thề hứa trọn đời thuỷ chung, chúng ta có thể tin rằng họ yêu nhau và muốn trao hiến cuộc đời cho nhau. Còn rất nhiều ví dụ khác nữa… 

  

Bây giờ mời bạn tiếp cận mặt thứ hai của TIN. Nhưng trước hết mời bạn đọc một chi tiết trong Tin Mừng hôm nay: Khi người bạn thân La-da-rô qua đời, Đức Giêsu đến thăm hai chị của anh là Mác-ta và Ma-ri-a để an ủi gia đình họ. Người nói với Mác-ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Chị có tin như thế không?” Chị ấy đáp: “Dạ, con tin!” Rồi khi ra đến mộ, Đức Giêsu bảo người ta lăn tảng đá bịt cửa mộ ra thì chị lại cản: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi vì đã bốn ngày.” Khi ấy Đức Giêsu liền bảo: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Bạn thân mến, khía cạnh thứ hai, khía cạnh sâu xa hơn nhiều so với khía cạnh thứ nhất của TIN mà mình mời bạn suy niệm chính là: tin rồi thấy. Một điều sâu xa luôn đòi ta phải trầm lại, quan sát thật kỹ, mở rộng cõi lòng và thậm chí phải đặt ngược vấn đề thì mới nghiệm thấy được. Mời bạn cùng lắng đọng với một vài ví dụ rất đơn sơ sau đây. 

  

Thứ nhất, nhớ lại khi ta còn nhỏ, cha mẹ thỉnh thoảng vẫn phải áp dụng một số hình thức kỉ luật mà ta không thích vì nó hơi “đau”. Làm sao ta có thể hiểu được câu “Thương cho roi cho vọt” nếu ta không tin rằng cha mẹ thương mình nên mới “nghiêm” như thế? Phải “tin” vào tình thương của cha mẹ trước rồi mới “thấy” những kỉ luật của cha mẹ là có ý nghĩa cho tương lai. 

  

Thứ hai, ta vẫn để cho Lời Chúa trong Kinh Thánh soi sáng, hướng dẫn tư tưởng, lời nói, việc làm của mình. Nhờ việc để cho Lời Chúa tác động mà ta mới được như ngày hôm nay. Một cách thông thường, trước khi cảm nghiệm sự tuyệt diệu của Lời Chúa, ta cần phải “tin” đó là nguồn sống tinh thần và tâm linh tốt lành. Chính niềm tin ấy giúp ta lắng nghe, yêu mến và thực hành Lời Chúa để rồi “thấy” những ích lợi gặt hái được từ Lời Chúa. Nếu không “tin” như thế, Kinh Thánh sẽ chỉ được tiếp cận như một tác phẩm văn học tầm cỡ và sẽ chẳng có ảnh hưởng sống động lên cuộc sống của ta. Nói cách khác, “tin” Lời trước rồi sẽ “thấy” hiệu quả của Lời. Rất may là có nhiều thế hệ đã làm như vậy để thế giới được như hôm nay. 

  

Thứ ba, tham dự Bí Tích Thánh Thể. Ta thấy ngay vấn đề: nếu ta không “tin” đó chính là sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu thì Thánh Thể sẽ chỉ là một biểu tượng mang tính tôn giáo. Hậu quả của việc không tin này là ta bị thiệt thòi vì không cảm nhận được sự hiện diện vô cùng cụ thể, gần gũi và thân thương của Thiên Chúa giữa dòng đời nhiều thăng trầm. Ta sẽ bỏ lỡ cơ hội được nuôi dưỡng một cách tuyệt hảo do “thần lương” này mang lại mà không thứ lương thực trần gian nào có khả năng làm được. Tắt một lời, “tin” vào tình yêu hiện diện rồi sẽ “thấy” hiệu quả tuyệt vời của Thánh Thể. 

 

Thứ tư, mình muốn trích lại câu chuyện cuộc đời của anh bạn (bác sĩ) mà nhiều người đã nghe biết trong thời gian vừa qua. Ít nhất ba lần, khi các bác sĩ không còn hy vọng vào khả năng sống của anh thì anh đã hồi sinh trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Trước lúc anh bước vào các cuộc phẫu thuật thập tử nhất sinh ấy, anh đã “tin” và phó thác hoàn toàn cho Chúa. Trong lúc anh hôn mê bất động, rất nhiều người trong đó có bạn, đã hiệp thông cầu nguyện cho anh trong niềm tin. Và cuối cùng, bạn thân mến, chúng ta đã “thấy” hiệu quả của sự “tin” ấy. Hôm nay, anh bác sĩ đã đi lại bình thường. “Tin” rồi sẽ “thấy” ! 

Còn nhiều ví dụ khác nữa, bạn thêm vào cho vui nhé! 

Chắc hẳn tụi mình nhớ rõ lời của Thầy Giêsu phục sinh nói với Tô-ma: “Tô-ma, vì con đã thấy Thầy nên con tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin.”(Ga 20:29) Tại sao không thấy mà tin lại có phúc? Bởi vì sau khi “tin” thì ta sẽ “thấy” những điều kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng. Vậy vấn đề quan trọng ở đây là việc sống lời dạy của Thầy: “Thầy bảo thật anh em, nếu đức tin của anh em lớn chỉ cần bằng hạt cải thôi, anh em có thể dời núi chuyển non.” (Mt 17:20) 

Bạn mến, ta đang tiến gần đến biến cố làm thay đổi cả lịch sử nhân loại nói chung và cuộc đời mỗi người nói riêng: Đức Giêsu phục sinh để mở ra tương lai sự sống vĩnh cửu cho ta. Lời Thầy Giêsu hôm nào vẫn đang vang lên: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Con có tin như thế không? Vì lợi ích của chính mình, ước gì ta cũng khôn ngoan đáp lại một cách xác tín: “Dạ, con tin! 

Joseph Việt, O.Carm. 

  

Believe - See 

 

The Fifth Sunday of Lent (Jn 11:1-45) 

By Joseph Viet, O.Carm. 

Translated into English by Bauhinia  

+++ 

  

Today, I’d like to invite you to analyze two aspects of the same reality: BELIEVING. 

  

The first is easy for us to apply in our life: Seeing then Believing. Let’s take some examples. When I see you go to church and receive the Sacraments. I believe that you are Christian. When someone gives you a gift out of their good intention for you, you believe that person cares for you. When a person buys a luxurious car, one can believe that he may be rich. After a long time of serious discernment, a couple comes celebrate their wedding in the Church and vows their fidelity to each other, we believe that they love each other and want to dedicate their own life to each other. And so on... 

Now, let's move on the second aspect of BELIEVING. But first of all, I would like to invite you to read one detail in the Gospel today: When Lazarus passed away, Jesus came to visit and console his two sisters Martha and Mary. Then he told Martha: "I am the resurrection and the life; whoever believes in me, even if he dies, will live and everyone who lives and believes in me will never die. Do you believe this?"  She replied: "Yes, I do!" Then, when they were at Lazarus’ tomb, Jesus said: "Take away the stone." Martha said to him: "Lord, by now there will be a stench; he has been dead for four days." Right away, Jesus said to her: "Did I not tell you that if you believe you will see the glory of God?" 

Dear friend, here is the second aspect, a more profound one, that I would like to explore with you: Believing then Seeing. Anything profound requires us to be quiet, to keep calm, to look with care and attentiveness, to open wide our hearts and to even turn the issue upside down to grasp it. Please take a moment to look at some following simple examples: 

First, when we were children, our parents sometimes implemented some disciplines that we didn't like too much because they were kind of "painful". However, it would be hard to understand and accept a saying like "Spare the rod and spoil the child" if we didn’t first believe that we were so loved by them and what they did was aimed for our good future. When we "believe" our parents' love for us, then we will "see" the meaning of their strict disciplines. 

Second, it is one of our daily practices that we let God's Word to guide our thoughts, words and deeds. Thanks to this practice that we become what we are today. Generally, before feeling and seeing the wonderful effect of God's Living Word, we need to "believe" that it is the great spiritual resource for us. It is this believing that helps us listen to, love and practise God's Word in our everyday which leads us then to "see" the benefits. On the contrary, if we didn’t believe it that way, Scripture would only be considered a great literature and wouldn’t have much influence on our life. Fortunately, many generations have followed this way so that we enjoy a generally good world as of today. 

Third, let’s talk about the celebration of the Blessed Sacrament. If we didn’t believe in the true presence of Jesus Christ for us, the Sacrament might be just a religious symbol like any other symbol. We would suffer the consequence of this disbelief because we don't feel the intimate presence of God right in our up-and-down life. We would miss a wonderful opportunity to be nourished by "the divine food" which cannot be compared with any other food on earth. In short, "believe" in his loving presence, we will "see" the wonder of the Body of Christ.  

Fourth, I’d like to retell a little bit the life story of my doctor friend of whom you have known recently. At least three times, his doctors gave up their hope on his survival, but he "revived" to their amazement. Before undergoing his highly risky surgeries, he "believed" and offered his life to the Divine Providence. When he was in comas, a lot of people including you, were in unity of prayers for him with a firm trust in God. As a result, we have seen the effect of our belief. Today, he can walk and lead a normal life. “Believe” first, then we will “see”! 

There are other similar examples around us, feel free to add your own here! 

We remember what Jesus said to Thomas after He had arisen from the dead: "Have you come to believe because you have seen me? Blessed are those who have not seen and yet have believed."(John 20:29) Why are we blessed when we have not seen, but have believed? Because once we have believed, we will see a lot of wonders beyond our imagination. Then the important thing here is to live His Word: "I say to you, if you have faith the size of a mustard seed, you can move mountains…" (Mt 17:20) 

  

Dear friend, we are approaching the Event that has changed the human history in general and our life in particular: The Resurrection of Jesus Christ that opens up for us the future of the eternal life. The Word of the Lord is still echoing in our mind: "I am the resurrection and the life; whoever believes in me, even if he dies, will live and everyone who lives and believes in me will never die. Do you believe this?" For our own sake, may we wisely respond with confidence: "Yes, Lord. I truly do!" 

  

+++++ 

 Blog: http://only3minutes.wordpress.com/

Lm Jos.Tuấn Việt,O.Carm (song ngữ Việt - Anh)

VỀ MỤC LỤC
TUYỂN CHỌN

 

(Sách 1 Samuel chương 16 – Chúa nhật IV mùa Chay A) 

Câu chuyện Chúa sai ông Samuel đi đến nhà ông Giêtsê để phong vương cho một người con trai nhà ấy, luôn là một câu chuyện kỳ diệu và là nguyên cớ cho nhiều cuộc vấp ngã. 

Bao nhiêu đời nay, những ai không hiểu được câu chuyện luôn dìm mình trong sự bực bội, cay cú và bất mãn, kết quả là mất bình an và gây mất bình an. 

Chúa có cách của Chúa, mà cách của Chúa thì không như người ta nghĩ. Sao Chúa không chọn những con người mà người ta nghĩ rằng Chúa sẽ chọn?  Sao Chúa lại chọn người mà không ai muốn Chúa chọn? Oái oăm và ngược đời ! 

Chúa chọn bình sành vách đất để thi thố quyền năng, không hiểu và không chấp nhận là tự loại mình ra khỏi ơn cứu chuộc. 

Lạy Chúa, con người hèn mọn của chúng con làm sao khôn hơn Chúa, xin giúp chúng con khiêm tốn đủ để nhận ra sự khôn ngoan của Chúa. 

Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, dcct

VỀ MỤC LỤC
SUY NIỆM TUẦN THÁNH: SÁM HỐI THEO GƯƠNG THÁNH PHÊRÔ

 

Năm nào cũng vậy, trong những ngày tuần Thánh, ta được mời gọi suy niệm trọn vẹn bài Thương khó của Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có bài Thương khó là dài nhất trong tất cả các bài Tin Mừng được chọn để suy niệm trong các thánh lễ.

Cũng vì thế, chỉ có bài Thương khó là xuất hiện nhiều nhân vật nhất so với tất cả các bài Tin Mừng. Dường như những nhân vật ấy - dù bạo quyền hay hiền lành; dù kiêu ngạo hay khiêm tốn; dù yêu thương hay hận thù; dù có thế lực hay chỉ là một người dân bình thường; dù khiếp sợ hay can đảm; dù kẻ thù hay người thân… - được xuất hiện để đại diện cho mọi tầng lớp con người, qua bao nhiêu thế hệ, chứng kiến cuộc Thương Khó đau khổ, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô.

Trong các nhân vật ấy, tôi thấy Phêrô là nhân vật gây trong tôi ít nhiều chú ý. Tôi thấy thánh Phêrô là hình tượng biểu tượng, nơi đó vẽ lên khuôn mặt của mỗi người chúng ta. Vì nơi khuôn mặt thánh Phêrô có khuôn mặt của mỗi người, cho nên, chính nơi thánh Phêrô chắc chắn ta sẽ có những bài học cần thiết cho mình. Những bài học đó, quý giá đối với cuộc đời của bạn và tôi đã vậy, chắc chắn sẽ là bài học quý giá vô cùng cho việc chúng ta sống tuần Thánh.

Ngay trước giờ Chúa Giêsu thụ nạn chỉ có vài tiếng đồng hồ, thánh Phêrô còn tuyên bố với Thầy rất khẳng khái, rất trung thành, rất dứt khoát: “Thưa Thầy, dù vào tù, hay phải chết vì Thầy, con vẫn một mực theo Thầy”.

Vậy mà chỉ sau vài tiếng đồng hồ, thánh Phêrô đã quên mất những lời khẳng định đầy quyết liệt ấy. Chính trong giờ thụ nạn, lúc mà Thầy cô đơn nhất, anh em đồng bạn đồng thuyền của Phêrô vì khiếp sợ, đã bỏ Thầy chạy hết. Bên cạnh Thầy chỉ có thập giá nhục nhã, đòn vọt thương đau, những lời chửi bới nặng nề và lòng đầy căm thù tột cùng của con người. Vì thế hơn bao giờ hết, đây chính là lúc Thầy cần Phêrô nhất. Chỉ cần Phêrô ở bên cạnh Thầy, Phêrô thông cảm, sớt chia với Thầy. Chỉ bấy nhiêu thôi, đủ để Thầy cảm nhận niềm an ủi lớn lao giữa cảnh ê chề trước mắt mọi người.

Thay vì thế, trước mặt một đầy tớ gái và những đầy tớ khác của thượng tế Caipha, chính miệng Phêrô đã phăng phắc chối Thầy: “Tôi không biết Giêsu”. Lời chối bỏ ấy không phải một nhưng là ba lần; không phải ba lần trong ba năm hay ba tháng, mà chỉ xảy ra cách nhau chưa đầy hai canh gà.

Chỉ chối Thầy một lần thôi, đã là điều khó hiểu. Đàng này Phêrô đã liên tục ba lần chối Thầy và chối nhanh đến mức khó tưởng tượng. Đối tượng mà Phêrô phải khiếp sợ nên phải chối Thầy là ai? Phải chi đó là người quyền cao chức trọng thì không nói làm gì, đàng này chỉ là một đứa đầy tớ, hơn thế đầy tớ gái. Lúc đó Phêrô thật yếu nhược và hèn nhát.

Thánh Phêrô, bình thường mạnh mẽ, sao bây giờ lại đến nong nổi này. Có ai ngờ Phêrô bạc nhược đến thế. Ba lần chối Thầy là ba vết thương lòng làm Phêrô đau đớn. Bởi đó khi nhận ra mình, khi biết mình tệ bạc đã bất trung cùng Thầy, thánh Phêrô hối hận và khóc lóc thảm thiết. Nếu lần trước, để chứng tỏ mình thuộc về Thầy, thánh Phêrô khẳng khái nói lên quyết tâm: “Dù phải chết cùng Thầy, con vẫn theo Thầy”, thì bây giờ lòng ăn năn hối hận của thánh Phêrô cũng đầy quả cảm và dứt khoát không kém.

Nhìn thánh Phêrô để thấy chúng ta. Trong thâm tâm mình, ta vẫn khẳng định rằng: Con sẽ theo Chúa. Con quyết tâm trung thành với Chúa. Con muốn giữ Chúa cho con và muốn giữ con ở mãi bên Chúa. Muốn lắm!

Mong muốn là mong muốn như thế. Kể cả những lần quyết tâm mạnh mẽ. Nhưng không hiểu sao, rất nhiều lần, ta đã thiếu trung thành, đã lỗi phạm. Có khi còn phạm những tội quá sức lớn. Lớn đến mức, khi đủ bình tĩnh để nhìn lại, ta cảm thấy sợ hãi và mất bình an.

Muốn sống điều tốt là thế, nhưng ngặt một nỗi, không hiểu tại sao điều xấu mình không muốn thì lại làm. Còn điều tốt muốn thì lại không làm.

Thân phận con người là vậy. Chúng ta yếu đuối. Vì thế quyết tâm trở về liên tục là rất cần thiết. Tấm gương ăn năn tội của thánh Phêrô là bài học lớn cho ta.

Vậy ta hãy trở về với Chúa. Hãy dứt khoát ăn năn tội lỗi của mình. Hãy làm lại những gì đã đánh mất. Hãy lấy lại ơn Chúa trong bí tích giải tội. Những gì thánh Phêrô đã trải qua và tiếp sau đó là cả cuộc đời, thánh nhân hiến dâng cho Thiên Chúa, hiến dâng đến giọt máu cuối cùng, hy sinh làm của lễ hiến tế như Chúa Kitô, cũng hãy là những gì chúng ta cố gắng vươn lên để sống, để tôn thờ Chúa, để ơn cứu độ của Chúa Kitô không trở thành vô ích với chúng ta.

Nguyện xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta, trong tuần Thánh này sống thật tốt lành. Sống trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ “THÁNH THIỆN”, để sau tuần Thánh, bước vào đại lễ Vượt Qua, tưng bừng mừng Chúa Kitô sống lại, chúng ta xứng đáng đón nhận tràn đầy sức sống mới của Chúa Kitô Phục Sinh. 

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

GX BẾN SẮN – PHÚ CƯỜNG

VỀ MỤC LỤC
MÙA CHAY THÁNH NÓI VỀ MA QUỈ VÀ TỘI LỖI

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

 

 

Lời nói trước: Bài viết dưới đây là phỏng theo ý của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói với công chúng đang tụ tập tại công trường thánh Phêro ngày 13-3-2011.

 

                                                           ***

Chúng ta đã bắt đầu vào Mùa Chay Thánh, mùa suy ngẫm về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu trên thập giá để  chuẩn bị đón mừng Chúa Phục Sinh.

 

CHÚA ĐÃ QUYẾT ĐỊNH GIẢI THOÁT CON CÁI NGƯỜI KHỎI NÔ LỆ

 

Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay là ngày đầu tiên của mùa phụng vụ 40 ngày, thời gian để Giáo Hội chuẩn bị tâm hồn đón nhận Chúa Phục Sinh khải hoàn. Mục đích là chúng ta phải theo chân Chúa Giêsu, đấng đã quyết định chấp nhận Thánh Giá mà cao điểm là  Chết Để Cứu Chuộc Nhân Loại.

 

Nếu có ai hỏi tại sao lại là Mùa Chay? laị là Thánh Giá? Thì câu trả lời, theo nguyên gốc,  là ma quỉ, hay đúng ra là tội lỗi mà theo Thánh Kinh, nó chính là căn cớ sâu thẳm nhất của ma quỉ, cái quỉ tính của mỗi con người chúng ta.

 

Nhưng nói vậy không phải là không gây ra tranh cãi đâu, bởi vì có nhiều người không chấp nhận tội lỗi, ngay cả danh từ “tội lỗi”, vì họ cho rằng tội lỗi chỉ là một viễn quan của tôn giáo về thế gian và loài người. Quan niệm đó có thể đúng. Nếu chúng ta loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi vòm trời trái đất này, thì chúng ta chẳng có gì để nói về tội lỗi cả. Hãy thử lý luận: Khi nào mặt trời bị che khuất mà bóng tối cũng mất theo và bóng tối chỉ xuất hiện khi mặt trời vẫn còn chiếu sáng thì lúc đó không có Thiên Chúa, không có tội lỗi. (vì mặt trời bi che khuất sẽ làm cho bóng tối tan đi?).

 

Vậy thì chúng ta chỉ có thể nắm bắt được ý nghĩa của tội lỗi -một cái gì khác với “cảm giác tội lỗi” mà chúng ta hiểu trong tâm lý học- khi chúng ta khám phá ra được quan niệm và ý nghĩa về Thiên Chúa. Hãy đọc Thánh Vịnh Xin Chúa thương xót / Miserere của vua David trong khung cảnh tội lỗi ( tội sát nhân và ngoại tình) để thấy rằng tội lỗi là ghê tởm cần phải ăn năn, xin Chúa tha thứ:

 

       Lạy Chúa,  xin thương xót tôi

           vì lòng nhân ái vô bờ,

           vì đức từ tâm hải hà.

       Xin hãy tẩy xóa tội ác tôi đi.

       Lòng tà này xin tẩy trắng tinh,

       Lỗi lầm này xin Người luyện sạch.

      Tội ác tôi xin cúi đầu nhận

            lỗi lầm tôi rành rành trước mắt.

       Tôi đã xúc phạm đến Người,

            đến một mình Người…   (Psalm 51: 3-6)

 

Phản ứng của Thiên Chúa đối với ma quỉ là chống lại tội lỗi nhưng cứu chữa kẻ phạm tội. Thiên Chúa không bao giờ dung thứ ma quỉ bởi vì Ngài là Tình Yêu, Công Chính, Trung Tín, trái ngược lại với ma quỉ là ganh ghét hận thù, bất công, bất chính, bất tín, bất trung và vì vậy mà Chúa  không muốn kẻ phạm tội phải chết, nhưng Ngài ước mong họ ăn năn trở lại để được sống hoàn toàn tự do. Thiên Chúa đã can thiệp để cứu nhân loại như chúng ta đã thấy, trong suốt chiều dài lịch sử của dân Do Thái, bắt đầu bằng cuộc giải phóng họ khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Thiên Chúa đã định tâm cứu chuộc, giải thoát con cái người khỏi ách nô lệ để chúng được Tự Do. Vì Ách nô lệ tệ hại và sâu thẳm nhất chính là tội lỗi, nên Thiên Chúa đã sai Con Một người xuống trần gian để giải thoát con người khỏi ách thống trị của Satan là “căn nguyên và nguồn gốc của mọi tội lỗi”.

 

SÁT CÁNH VỚI CHÚA GIÊSU CHỐNG LẠI MA QUỈ

 

Thiên Chúa sai Con của Ngài xuống trần thế bằng xương bằng thịt như loài người chúng ta để Con Một người có thể hy sinh hiến tế, chết cho chúng ta trên thập giá. Chính ma quỉ đã cố gắng hết sức bình sinh để phá tan kế hoạch cứu độ phổ quát chung cuộc này, đã được diễn tả trong Tin Mừng Phúc âm thánh Mát-Thêu về việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc sau 40 ngày chay tịnh đã được nhắc lại mỗi năm vào Chúa Nhật thứ nhất của Mùa Chay Thánh (Mt.4:1-11).

 

Thực vậy, đi sâu vào nội dung của mùa phụng vụ này là chúng ta phải sát cánh với Chúa Giêsu Kito đánh một trận chiến thiêng liêng -cũa cá nhân mình cũng như của toàn thể Giáo Hội- chống lại ma quỉ, tức ác tính, tinh thần, ý nghĩ và việc làm xấu xa độc hại của xác thịt ma quỉ.

 

Chúng ta cũng cầu xin Đức Maria cực thánh giúp chúng ta trên đường hành trình mùa chay thánh này để chúng ta được thêm sức thêm lòng ăn năn thống hối cải hoàn trở lại đường ngay nẻo chính để xứng đáng đón nhận ơn nghĩa Thiên Chúa phục sinh cứu chuộc  nhân loại..

 

ĐÔI LỜI KẾT

 

 Mùa Chay Thánh là mùa ăn năn thống hối vì tội lỗi của mình và của những người anh em huynh đệ, của cộng đồng, của đất nước, của Giáo Hội và của toàn thể nhân loại. Chúng ta cũng không quên nghĩ đến đất nước và đồng bào chúng ta ở quốc nội còn đang cần rất nhiều thứ, không phải chỉ về vấn đề thiêng liêng của linh hồn mình trong mùa chay thánh này mà còn những vấn đề của con người như tự do, dân chủ, nhân phẩm, dân quyền, công bằng, công lý và cơm no áo ấm. Dĩ nhiên chúng ta không thể quên không cầu xin Chúa cho những người lãnh đạo đất nước biết điều hành quốc gia vì dân  vì nước theo luân lý đạo đức, biết trọng công bằng, công lý, lẽ phải, nhân phẩm và tự do, dân chủ, nhân quyền.

 

Trong thời gian gần đây nhiều biến cố tang thương xáo trộn xẩy ra trên thế giới, ảnh hưởng đến các quốc gia ở Bắc Phi, Trung Đông như Tunisia, Ai Cập, Lybia v.v… và nhất là Nhật Bản. Nhà tan cửa nát, người chết do động đất và hậu quả của sóng thần tsunami. Nỗi tang thương chết chóc do con người và thiên nhiên tạo ra. Nói theo tinh thần mùa chay thánh, chính là ma quỉ và tôi lỗi đã khuấy động nên những tai ương đó.

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng đã chính thức yêu cầu chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho dân Nhật và nước Nhật hiện đang phải chịu đựng phấn đấu với biết bao nhiêu thứ hậu quả của những tai ương với lòng quả cảm và nhân cách. Cũng cầu nguyện cho những nạn nhân và gia đình họ phải tiêu tan, vợ chồng, cha mẹ, con cái ly tán hoặc bơ vơ lạc lõng và cho tất cả những người đang phải gánh chịu đau khổ vì những biến cố tai ách bất ngờ ấy. Ngài cũng khuyến khích tất cả những ai dư giả, giàu lòng bác ái, nên sẵn sàng đưa tay trợ giúp. Chúng ta hãy cùng nhau hiệp thông trong lời nguyện cùng Thiên Chúa là cha nhân lành của kẻ dữ cũng như người lành xin Chúa thương tha tội cho tất cả mọi người chúng ta. Giờ Thiên Chúa đang đến gần. Hãy tin cậy vào sự che chở của Mẹ Maria cực thánh, Mẹ Giáo Hội.

 

Hãy đi song hành cùng với Chúa Giêsu Kitô để chiến đấu một trận chiến thiêng liêng - của cá nhân mình và của cả Giáo Hội- chống lại ma quỉ và tội lỗi.

 

Fleming Island, Florida

15-3-2011

NTC

VỀ MỤC LỤC
SINH VIÊN VỚI NHỮNG “CĂN BỆNH CHỦ NGHĨA” CỦA THỜI ĐẠI

 

Trong 2 ngày tĩnh tâm tại Đan viện Châu Sơn, chúng ta rất vinh dự và vui mừng là được Đức Tổng Giuse giảng phòng. Ngài đã  chia sẽ với chúng ta 5 “ căn bệnh chủ nghĩa ” mà con người hôm nay, giới trẻ hôm nay, xã hội hôm nay, đang mắc phải ngang qua dụ ngôn “người cha nhân hậu” trong tin mừng Thánh Luca. Qua đây mình muốn chia sẽ với mọi người những căn bệnh chủ nghĩa mà Đức Tổng nêu ra ngay trong cuộc sống sinh viên của chúng ta. 

Bệnh chủ nghĩa tự do: Bắt đầu cuộc sống sinh viên là như cánh chim được tung cánh bay, bay khỏi vòng tay của gia đình, của làng xóm, của Giáo xứ… như chúng ta vẫn thường nói với nhau: ta được tự do rồi, giờ thì thích làm gì thì làm, có ai biết mình là ai đâu…. Những tư tưởng như thế đã  làm cho sinh viên ngày nay quá lạm dụng cái chủ nghĩa tự do và chính sự tự do mà chúng ta đang sử dụng lại đưa chúng ta đến chỗ mất tự do và trở thành nô lê, nô lệ của những đam mê, ham muốn. Họ luôn mang trong mình tư tưởng đó và tự bảo với mình rằng: thích ngủ lúc nào thì ngủ, thích đi đâu thì đi, thích mấy giờ về thì về, thích chơi gì thì chơi….có ai quản mình đâu, mình có tự do mà.

Còn bạn thì sao? Bạn có như vậy không?

Bệnh chủ nghĩa cá nhân: đây là căn bênh ngày càng phát triển mạnh trong con người hôm nay mà đặc biệt là giới trẻ. Tôi không cần ai, tôi có thể làm tất cả, nơi tôi có tất cả và tôi có có thể làm tất cả… tôi có tri thức, tôi học đại học, tôi thông minh, hiểu biết… rồi gia đình sẽ phải cần tôi, tôi chỉ cần tôi thôi. Đó là những gì mà sinh viên ngày nay đang tự hào về chính bản thân mình, họ thích được khen ngợi, được đánh bóng mình từ đó cái “tôi” của họ được đề cao và từ đó họ luôn tôn sùng cái “tôi” của mình như một ngẫu tượng. Sinh viên ngày nay chỉ biết sống cho mình mà không cần quan tâm đến những người khác, không cần quan tâm đến những gì đang xảy ra xung quanh, họ chỉ biết vun đắp cho mình và cho mình. Họ nghĩ mình là vinh dự, là niềm tự hào cho gia đình, cho quê hương cho nên mình không cần ai, mà chỉ có gia đình, quê hương đang cần họ.

Còn bạn thì sao? Còn có sống cho một mình mình không?

Bệnh chủ nghĩa hưởng thụ: Đời người ai mà chẳng hưởng thụ , nhưng hưởng thụ thế nào cho đúng, cho công bằng, cái gì đáng hưởng thụ và cái gì không đáng hưởng thụ. Dường như sinh viên ngày nay cuộc sống của họ chỉ biết hưởng thụ, biết tiêu xài rồi cuốn theo những lạc thú, những đam mê, những thõa mãn bản thân mà họ cho là mình đáng được những hưởng và phải tận hưởng làm sao mình sung sướng và hạnh phúc là được. Họ nghĩ mình đi học là oai sang trong gia đình, là niềm vinh dự, niềm tự hào cho gia đình nên họ muốn làm gì thì làm. Họ đốt tiền bạc, đốt thời gian, sức khỏe trong những trò chơi vô bổ, những giải trí không lành mạnh, những sở thích của bản thân và rồi họ phải hối hận, phải gánh chịu hậu quả của những cái mà họ cho là mình đáng được hưởng đó. Những cái họ đáng được hưởng thụ lại bị chính bản thân họ đánh mất, đã thế chính gia đình, anh em, bạn bè của họ cũng bị liên lụy, bị ảnh hưởng bởi họ, rồi chính cái đó trở thành án phạt cho bản thân.

Chúng ta hãy nhìn lại bản thân mình xem sao?

Bệnh chủ nghĩa duy lợi: Mang lại lợi ích cho bản thân là một điều  tốt và cần làm, nhưng hãy nhìn lại xem cái mình đang và sẽ làm có ảnh hưởng đến người khác không. Sinh viên dường như chỉ biết nhận tiền của gia đình, của người thân rồi đem tiêu xài phung phí cho thõa mãn bản thân mình, không có mục đích. Trong khi đó họ không nghĩ đến những người cha, người mẹ đang vất vả, thức khuya dậy sớm để lo cho con từng miếng cơm manh áo, lo cho con được học hành đầy đủ. Lo con đi học vất vả không để ý đến ăn uống thì gửi cho con cân thịt, con cá để con bồi dưỡng thêm. Nhưng trái lại con cái lại lợi dụng những tấm lòng tốt của cha mẹ để rồi chỉ biết nghĩ đến mình, lo cho bản thân mình làm sao cho thỏa mãn mình là được. mặt khác họ có thể lợi dụng người thân, bạn bè, lợi dụng những quan hệ chỉ nhằm mang lại lợi ích cho mình mà không biết chính mình đang làm tổn thương, làm hại những người tốt với mình về cả thể xác lẫn tinh thần. Cái gì tốt thì họ giữ cho mình còn cái gì xấu thì họ trút lên bất kỳ ai mà họ có thể trút dù đó là bạn bè, hay người quen, thật là một điều tai hại và nhẫn tâm. Họ đánh giá cuộc sống theo những món lợi để rồi thế gian đánh giá lại họ theo những món lợi và họ trở thành món hàng.

Bản thân mình có như vậy không?

Bệnh chủ nghĩa tương đối: Đây đang là trào lưu của thế giới hôm nay, người ta xem tất cả chỉ là tương đối. Con người cũng tương đối thôi, học cũng tương đối thôi, tình yêu cũng chỉ tương đối thôi, Thiên Chúa cũng tương đối thôi, đạo nghĩa cũng tương đối thôi…  và rồi họ không còn biết bám víu vào đâu và cuộc sống họ như con thuyền không có bến đỗ. Chính những cái đó đã làm cho sinh viên ngày nay không còn xem cái gì là mục đích, với họ tất cả chỉ là những phù du, ảo tưởng, những nguyên tắc… Để rồi họ bỏ học, họ bỏ đi lễ, đi nhà thờ, họ xem tình yêu như trò chơi và xem người mình yêu như món hàng… Và rồi họ lao vào những đam mê, những thú vui đưa họ đến cái chết. Không những thế chính những cái này đã để lại cho thế giới ngày nay những tệ nạn xã hội từ ma túy, đánh bạc, mại dâm… rồi dẫn đến HIV, phá thai, chém giết nhau…

Bạn nên nhớ rằng trên đời này còn có những cái tuyệt đối và mãi mãi vẫn là tuyệt đối và bạn cần cái đó.

Còn chúng ta? Chúng ta có nghĩ như vậy không?

Tóm lại, 5 “căn bệnh chủ nghĩa” trên đang đưa dần con người đến văn hóa của sự dối trá, sự chiến tránh và dẫn đến sự chết. Mỗi chúng ta cần phải kết hợp với Chúa và đề phòng với những căn bệnh đó vì đó là mầm mống sinh ra các bệnh khác. Chúng ta là những sinh viên, là giới trẻ của thế giới và đặc biệt hơn nữa là mỗi chúng ta là những Kitô Hữu, chúng ta cần phải hành động, phải can đảm làm chứng cho Chúa giữa cuộc sống này và đem Tin mừng của Chúa đến cho mọi người. Để chính Chúa qua chúng ta chữa những “căn bệnh chủ nghĩa” mà cả thế giới đang mắc phải và đặc biệt là giới trẻ ngày nay. Nguyện xin Chúa gìn giữ và ban ơn trợ lực cho chúng con để chúng con chiến thắng những cám dỗ của thời đại này. 

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong bài giảng của Đức Tổng Giuse) 

J.B Lê Đình Nam

VỀ MỤC LỤC
CHÚ RÙA NHIỀU CHUYỆN
 

Mục Sống Sao Cho Đẹp tiếp tục mời bạn đào sâu chủ đề đơn sơ-chân thật. Kỳ này chúng sẽ cùng nhau tìm hiểu vì nguyên nhân nào sự gian trá dễ dàng chiếm ưu thế trong con người chúng ta.

Người Ấn Độ kể câu chuyện ngụ ngôn sau đây. Một chú rùa vốn có tính ba hoa nhiều chuyện, thích khoe khoang công trạng mình. Trong một lần trò chuyện với bạn bè xung quanh, chú rùa mạnh miệng tuyên bố rằng chú có thể bay lên cao được. Các bạn chú tỏ vẻ ngạc nhiên và thách thức chú. Chú bèn tìm đến hai con ngỗng đang bơi lội trong hồ. Chú đề nghị chúng giúp chú bay. Ngỗng ngạc nhiên hỏi, “làm sao chú có thể bay được?” Rùa ta bèn đáp, “ta có sáng kiến này, chỉ cần hai ngươi đồng ý mỗi người nắm vào đầu của một cái gậy, còn ta thì cắn vào giữa cái gậy. Khi hai ngươi bay lên, thì ta sẽ được nâng theo các ngươi.” Hai con ngỗng vốn biết chú rùa có tính khoác lác hay nói nhiều, nên hỏi thêm. “Việc ấy không có gì khó, nhưng nếu chú mở miệng nói thì chú tiêu mạng.” Rùa đáp, “Không, không đời nào. Tôi đâu có ngu để mở miệng.”

Sau khi bàn bạc, hai con ngỗng bay lên và đem theo chú rùa đang cắn bám vào giữa cây gậy. Khi bay ngang qua các con vật, chúng tỏ vẻ thán phục trước cảnh tượng có một không hai này liền nói với nhau. “Những con chim này thông minh thật. Chúng đã nghĩ ra phương cách tuyệt quá.” Chú rùa tỏ ra khó chịu khi nghe những lời tán dương dành cho hai con ngỗng. Chú ta nghĩ bụng, “Đúng ra chúng phải khen mình mới phải, đây là sáng kiến của mình mà.” Bay càng lâu, các con vật càng tán dương hai con ngỗng, chú rùa không thể chịu đựng được liền hô to, “Đây là sáng kiến của ta.” Chưa dứt lời, chú rùa bị rớt xuống đất toi mạng.[1] 

* * *

Câu chuyện ngụ ngôn trên nhắc nhở ta biết tôn trọng sự thật, sự thật ấy trước hết bắt nguồn từ lối suy nghĩ đơn sơ, không khoe khoang tự đắc, không tìm cách hơn người, và không cần phải kiếm tìm điều gì khác lạ hơn ai.

Theo linh mục Nguyễn Văn Lý, “Ma lực khen chê”[2] có thể nói là một trong những thứ ma lực nguy hiểm nhất cho con người. Chính ma lực này đã nhen nhúm sự gian trá, lừa gạt ngay trong tâm hồn chúng ta. Thay vì lấy sự thật làm chuẩn, thì “ma lực khen chê” trở nên điểm chuẩn cho nhiều người. Khi kiếm tìm lời khen, sự tán đồng trở nên những lời mời hão huyền như nằm trong tâm thức của mỗi người chúng ta. Sự ca tụng ở đây không nhất thiết là từ đám đông, từ tập thể, nhưng nó tinh tế xảy ra ngay từ trong những việc rất nhỏ bé bằng những tư tưởng muốn được người ta biết đến, muốn được người khác quan tâm, muốn được một sự chú ý. Chính những tư tưởng này dần dần dẫn ta ra xa khỏi điểm chuẩn sự thật về con người của chính ta và tha nhân. Hóa ra cả một đời người, có khi chúng ta chỉ lo tìm những lời tán dương và tránh sự chê cười, dù sự chê cười từ những người không hiểu rõ nội vụ. Đôi khi ta lại quên rằng, sau những lời tán dương (dù có thật và chính đáng), sự thật là chỉ có ta với lòng ta. Lời ca tụng và tán dương ấy không thêm gì cho ta, và cũng không lấy gì khỏi ta. Nhận ra sự thật phũ phàng như danh ca Janis Joplin sau khi trình diễn cho hàng ngàn thính giả, cô đã tuyên bố một cách rất thực khi đối diện với chính lòng mình: “Tôi vừa làm tình với hơn hai mươi lăm ngàn người, nhưng tôi trở về nhà một mình.”[3]

Thưa bạn, sự thật ta là ai và là người như thế nào chỉ có ta mới biết; ta kiếm tìm điều gì và ta đang che lấp điều gì chỉ có ta mới biết. Nhìn lại mình để khám phá ra sự thật nguyên sơ trong con người mình, chính lúc ấy sự thật về con người ta sẽ hiển hiện.

Br. Huynhquảng

Mời bạn ghé thăm trang  http://brhuynhquang.org

Email liên lạc: brhq@brhuynhquang.org
 

VỀ MỤC LỤC
ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN TỰ ĐÀO TẠO VÀ TIẾN BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG SỐNG THÁNH   Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss
 

Mời thăm Blog của Lm. Trần Minh Huy http://www.chivilongchuathuongtoi.tk/

Tác phẩm: ĐÀO TẠO ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

 

CHƯƠNG BỐN

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN 

TỰ ĐÀO TẠO VÀ TIẾN BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG SỐNG THÁNH

“Lời mời gọi nên thánh trong mối tương quan sâu xa với Thiên Chúa hòa quyện với lời mời gọi phục vụ và hy sinh dựa trên việc thiết lập những tương quan lành mạnh với mọi người”[1]

A. ĐỊNH HƯỚNG TỔNG QUÁT

Nếu tuần tự cho mỗi chữ cái từ A đến Z một trị số từ 1 đến 26 để lấy tổng số các từ, chúng ta sẽ có những kết quả khác nhau. Nhưng riêng tổng số trị số của từ ATTITUDE (Thái độ) là được 100. Điều đó muốn nói rằng mọi sự đều tùy thuộc ở thái độ của con người. Chính THÁI ĐỘ và CÁI NHÌN của chúng ta đối với cuộc sống làm cho cuộc đời chúng ta nên 100%. Như thế, để vươn đến đỉnh cao nhất và để đạt được 100% trong cuộc sống, điều thực sự giúp chúng ta vươn cao hơn, xa hơn, chính là THÁI ĐỘ và CÁI NHÌN của chúng ta vào khía cạnh tích cực hay tiêu cực của cuộc đời, kể cả kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa.

Mọi việc đều có giải pháp riêng của nó, chỉ khi chúng ta thay đổi thái độ và cái nhìn chủ quan hay khách quan của chúng ta, chúng ta mới thực sự tìm được đúng giải pháp cần thiết. Thái Độ và Cái Nhìn là giải pháp căn bản đứng trước tất cả mọi vấn đề. Hãy thay đổi thái độ và cái nhìn của chúng ta, chúng ta sẽ thay đổi cuộc đời chúng ta, trong tương tác với mọi mối tương quan.

Vậy thái độ thích hợp của chúng ta trong những lần gặp mặt này là cùng nhắc nhở nhau về đời sống thiêng liêng, mà ai cũng đã biết, đã sống, đang sống và sẽ tiếp tục mãi, như cha ông chúng ta thường bảo “Dao năng mài thì sắc, lời năng nhắc thì nhớ.” Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đổi mới “lời nhắc” của chúng ta sao cho thích hợp và hiệu quả, đừng quên “Rượu nhạt uống lắm cũng say, lời hay nói mãi cũng nhàm.

Đúng hơn là chúng ta chia sẻ và học hỏi lẫn nhau, như hình chữ lật ngược trên mặt gương phẳng này diễn tả: TEACH – LEARN. Có người chia sẻ kinh nghiệm sư phạm rằng cách học hay nhất và hiệu quả nhất là dạy, vì muốn dạy cho người khác hiểu thì chính mình phải nghiên cứu thật thấu hiểu và nắm vững vấn đề, phương pháp chuyển tải và trình độ tiếp thu của người nghe. Việc thảo luận và thuyết trình nhóm là một áp dụng rất hiệu quả việc học hỏi lẫn nhau này. Như thế, nhờ những chia sẻ, trao đổi và phản hồi giữa người dạy và người học này, chúng ta sẽ nhấn mạnh hơn về cuộc sống thực tế, kiểm điểm đời sống và kinh nghiệm sống, hơn là nặng về lý thuyết.

Không chỉ nhắc nhở, mà còn phải giúp đỡ và nâng nhau dậy nữa, chứ không bàng quang đứng nhìn theo chủ thuyết “mackeno”: “Tưởng rằng chị ngã em nâng, ai hay chị ngã em bưng miệng cười!” Nhất là nhìn vào từng hoàn cảnh thực tế của mỗi đối tượng và hành động theo lòng nhân hậu của Thiên Chúa, “tội thì tha, lỗi thì sửa”: Cây sậy đã rạp xuống, Ngài không bẻ gãy; tim đèn còn leo lét khói, Ngài không dập tắt, vì mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai. ĐGH Alexander nói rằng “bản chất con người là lầm lỗi và bản chất Thiên Chúa là tha thứ.”

Chẳng ai có thể biết được và tự bảo đảm ngày mai mình sẽ ra sao. Thật thế, bao lâu còn sống là còn động, nghĩa là còn có biến dịch và thay đổi: Tội nhân có thể trở thành thánh nhân, và thánh nhân cũng có thể trở thành tội nhân: “Tiên cũng có khi đọa, thánh cũng có khi lầm,” phương chi con người hèn yếu chúng ta! Nên chúng ta phải sợ rằng “cười người hôm trước hôm sau người cười” và “bảy mươi chưa què chớ khoe mình lành”; nhất là có những lãnh vực con người không ai dám tự cho rằng mình mạnh mẽ cả, như thánh Phaolô chia sẻ: “Có ai trong anh chị em yếu đuối mà tôi không cảm thấy yếu đuối, có ai trong anh chị em sa ngã mà tôi không cảm thấy như thiêu như đốt[2] 

Trong khóa học này, chúng ta theo đuổi một mục đích kép: Không những học cho chúng ta hôm nay, mà còn học cho sứ vụ của chúng ta ngày mai nữa. Trong tương lai, chúng ta sẽ trở thành những linh mục, những thầy dạy đức tin và hướng dẫn thiêng liêng cho người khác. Chính vì thế mà Giáo Hội tin cậy và tạo mọi điều kiện thích hợp cho chúng ta trong việc được đào tạo và tự đào tạo. Hãy vui sống với lòng biết ơn và trách nhiệm để trau dồi kiến thức và đức độ, chuẩn bị cho thời giờ của Chúa.

Mỗi ngày chúng ta tiếp tục biện phân ơn gọi, sống ơn gọi và trang bị cho mình những kỹ năng của người linh mục đích thực như lòng Chúa mong muốn, Giáo Hội tin tưởng và trần gian chờ đợi. Nhiều người mong ước “một lần dứt khoát cho tất cả,” nhưng thực ra Chúa luôn luôn đổi mới lời mời gọi của Ngài thì chúng ta cũng phải làm mới lại lời đáp trả và chọn lựa của chúng ta mỗi ngày trong suốt đời (‘bắt đầu, lại bắt đầu’), thậm chí có khi phải chọn lựa khác đi nữa.            

B. ĐỊNH NGHĨA ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG

ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG  LÀ ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN ĐƯỢC SỐNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN.

Định nghĩa này phải hiểu trong tiến trình: Con Người → Tu Đức Nhân Bản (đạo làm người) → Nhân Bản Thiêng Liêng (đạo làm người con Chúa) → Thánh Nhân (hiệp thông tình bạn với Chúa[3]). Vì thế, Công đồng Vaticanô nói tới chiều kích nhân bản cốt yếu ấy như sau: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ... Họ phải cảm thấy thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại[4]

Đời sống nhân bản khởi sự từ khi sinh ra, trải dài cho đến lúc chết, và còn tiếp tục cả sau khi chết: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng,” qua danh thơm tiếng tốt hay ố danh tiếng xấu, là cái mà người ta phải sống chết vì nó: “điểu vị thực tử, nhân vị danh vong!”[5] Đời sống thiêng liêng là đời sống nhân bản đó được sống trong Chúa, vì Chúa và cho Chúa như lời thánh Phaolô căn dặn: “Dầu ăn, dầu uống, dầu làm bất cứ điều gì khác, anh em hãy làm cho sáng danh Chúa

Trong cả hai cuộc sống ấy (nhân bản và thiêng liêng), mỗi người được mời gọi sống tới mức độ trưởng thành tốt nhất, mức độ trọn hảo: “Hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành[6] hay nói theo ngôn ngữ hiện nay là “trăm phần trăm.”

Chính thái độ sống làm cho cuộc sống đạt tới mức độ 100%. Vậy thái độ của chúng ta đối với định hướng Linh mục giáo phận Sống Tu Đức Toàn Diện trong bối cảnh Giáo Hội và Xã Hội Việt Nam hôm nay sẽ rất có ý nghĩa. Nó không phải chỉ là một hiểu biết mang tính kiến thức về đời sống thiêng liêng, mà là một cuộc sống trong cả những tương quan thực tế đời thường với mọi hạng người giữa lòng thế giới. Và nếu là cuộc sống, thì bao lâu còn sống, bấy lâu chúng ta còn học Tu đức, còn thực hành tu đức, sống tu đức và thăng tiến nhờ tu đức, một cách toàn diện.

Thật may mắn là các đấng thẩm quyền Giáo Hội và chủng viện đã cho chúng ta khởi đầu bằng cả một Năm Tu Đức, rồi suốt cả sáu năm còn lại năm nào cũng được học và sống tu đức. Thêm vào đó, Năm Thực Tập Mục Vụ là thời gian trắc nghiệm tổng quát của ứng sinh đối với chính mình và của mọi thành phần dân Chúa, nhất là những người có trách nhiệm đào tạo đối với ứng sinh.

Ngoài ra, trong sự nhất quán của bốn chiều kích đào tạo (nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ), Chủng viện luôn nỗ lực tạo cho chúng ta một sự tương tác giữa các môn học khác với môn học và đời sống tu đức. Chớ gì chúng ta có thể chiêm ngắm và cầu nguyện ở trong và qua các môn học khác ở chủng viện. Chính tinh thần sống tu đức này thổi sinh khí và gia tăng nghị lực cho chúng ta trong việc học các môn học khác nữa.

Hầu hết các ngành đào tạo hiện nay đều đòi hỏi một thời gian thực tập, sau khi học xong phần lý thuyết (Y khoa, Sư phạm, Ngành nghề v.v...). Điều đó càng đúng hơn nữa với đào tạo nhân bản và đào tạo thiêng liêng. Hai việc đào tạo này luôn luôn gắn kết, quyện lấy nhau và bổ túc cho nhau đi vào đời sống thực tế và được kiểm nghiệm bằng cuộc sống thực tế. Vì thế, sự trưởng thành nhân bản và thiêng liêng không tùy thuộc vào tuổi tác và địa vị (xem Daniel và hai bậc kỳ lão trong chuyện bà Suzana).            

Và cũng chính vì thế người ta nói đến “nhân đức thật” và “nhân đức ảo” nghĩa là có vẻ nhân đức nhưng chưa thực sự có nhân đức. Còn Chúa Giêsu thì căn dặn “hãy nghe những lời họ nói, nhưng đừng bắt chước việc họ làm, vì họ nói mà không làm.” Và người bình dân Việt Nam lại thách đố: “Làm quan hãy xét cho dân, không tin ngài xuống ngài mần ngài coi!” Chính chúng ta nhiều khi cũng bị “sốc” khi nghe những lời giảng dạy rất hay nhưng thực tế sống lại rất khác.

Vì thế, hai việc đào tạo nhân bản và thiêng liêng này phải song hành với nhau trong suốt cả cuộc đời mỗi người, trải nghiệm qua thành công và thất bại: “Tiên cũng có khi đọa, thánh cũng có khi lầm.” Nhưng Nguyễn Thái Học an ủi, khích lệ: “Ai từng chiến thắng mà không hề chiến bại, ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần, nhưng đây chưa phải trận sau cùng chiến đấu!” Ai trong chúng ta cũng có những lần trải nếm kinh nghiệm của thánh Phaolô về hai sức mạnh đối nghịch nhau trong bản thân mỗi người, khiến những điều tốt ta muốn làm thì lại không làm được, và những điều xấu không muốn làm thì ta lại làm. Hãy chấp nhận những giới hạn, bất toàn và bất lực của mình, mỗi ngày chúng ta càng trở nên khiêm tốn hơn về chính mình, trước mặt Chúa, cũng như trước mặt người khác.

Và mỗi người chúng ta cũng hãy nghĩ và đối xử như thế cho tha nhân: bao lâu còn mang nặng thân phận con người bất toàn, họ cũng có những yếu đuối, sai sót, lỗi lầm, bất toàn và bất lực của họ, dù họ là ai đi nữa, bề trên hay bề dưới, lớn hay nhỏ. Càng chấp nhận họ như họ là như thế, chúng ta sẽ càng trở nên cảm thông với họ hơn, độ lượng với họ hơn, tha thứ và bỏ qua cho họ các lầm lỗi thiếu sót của họ hơn; cũng như khi có những lầm lỗi thiếu sót, chúng ta mong được người khác cảm thông, độ lượng và tha thứ bỏ qua cho chúng ta.

Nếu ai cũng biết khiêm tốn về mình và cảm thông, độ lượng, tha thứ, bỏ qua lầm lỗi cho nhau, các mối quan hệ nhân bản của chúng ta sẽ được cải thiện tốt hơn và đời sống thiêng liêng cũng sẽ được phát triển tiến bộ, vì chúng ta biết nhìn thấy cái bên kia và cái được biến đổi đàng sau lầm lỗi của nhau theo gương nhân hậu của Chúa và nhận ra Chúa hiện diện trong nhau.

Cuộc đời nhân bản và thiêng liêng của chúng ta lắm khi cũng “ba chìm bảy nổi chín long đong” mà tiền nhân chúng ta cũng thường nhắc nhở: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù, khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm.” Chớ chi chúng ta biết chìa tay ra cho nhau như Chúa Giêsu đã chìa tay cứu Phêrô khỏi chìm xuống biển trong đêm bão tố. Như thế, cuộc đời chúng ta không được biểu diễn như một đường thẳng, mà là những đường gợn sóng hoặc là những đường xoắn trôn ốc, như bài hát slideshow Bàn Chân Chúa mô tả. Nhưng Thiên Chúa luôn luôn viết thẳng trên những đường cong của cuộc đời của chúng ta.

Vì vậy đào tạo tu đức không chỉ là công việc và nỗ lực của các nhà đào tạo, mà là công việc của Chúa Thánh Thần và ứng sinh tự đào tạo chính mình, cùng với sự cộng tác tích cực của toàn thể Giáo Hội lữ hành, mang sẵn trong mình đủ các yếu tố vừa thần linh vừa nhân loại, cả thánh thiện và tội lỗi, cả sức mạnh và yếu đuối, cả thương tích và chữa lành… Chúng ta sẽ cố gắng thực hiện hài hòa việc được đào tạo và tự đào tạo này, trong đó việc tự đào tạo của ứng sinh đóng vai chính: “chính ứng sinh là người chịu trách nhiệm trước tiên trong việc huấn luyện chính mình[7] 

Việc tự đào tạo biến chúng ta thành những sinh vật có xương sống hay có vỏ cứng, nghĩa là luôn luôn tự mình có thể đứng vững được, dù có xây xát và thương tích. Nếu không có tự đào tạo, thì việc đào tạo chỉ dừng lại ở những lời hoa mỹ của phương diện tri thức lý thuyết, và chỉ tạo nên những sinh vật không có xương sống hay tầm gửi, nghĩa là luôn dựa dẫm vào người khác hay cộng đoàn, dễ vấp ngã khi phải sống một mình, nhất là đối với linh mục triều chúng ta.

C. CÁC MỐI TƯƠNG QUAN VÀ CON ĐƯỜNG SỐNG THÁNH

Con người không phải là thiên thần, mà cũng chẳng phải là con vật, nhưng mang sẵn cả hai yếu tố đó, trong mọi chiều kích nhân bản và thiêng liêng. Tất cả mọi người đều được mời gọi nên thánh qua tiến trình: có làm người tốt thì mới làm người kitô hữu tốt và làm người tông đồ tốt được, nghĩa là thành nhân đã rồi mới thành thánh nhân. Người đi tu làm linh mục và tu sĩ vẫn không thôi là con người, khi đang nỗ lực nên thánh trong bậc sống ơn gọi và sứ vụ của mình.

C.1 Vậy thánh thiện là gì?

            Trước hết, sự thánh thiện không phải là, hay không chỉ là:

            -  một cái gì trừu tượng,

            -  một cái gì chúng ta mặc vào mình,

            -  những việc đạo đức tốt lành nào đó trong đời mình,

            -  một vai trò chúng ta đảm nhận,

            -  vấn đề luân thường đạo lý,

            -  một hệ thống tự hoàn hảo của con người,

            -  chỉ qui về đời sống bên trong của một người...

Sự thánh thiện là tất cả những cái đó ở trong một bối cảnh rộng lớn hơn, nghĩa là, để đạt đến sự thánh thiện không chỉ là nỗ lực của con người, nhưng còn là công trình của ân sủng Chúa qua các mối tương quan của cuộc sống, mà thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu cho một công thức rất hay là “thang máy = vòng tay Giêsu.”

Như thế, sự thánh thiện có liên quan đến các mối tương quan, ở trong các mối tương quan và nhờ các mối tương quan của con người chúng ta: 

Đã có một thời người ta liên kết sự thánh thiện với việc đọc kinh, thực hành các bổn phận tôn giáo và những việc đạo đức, một cách cá nhân. Thực ra, sự thánh thiện được liên kết chặt chẽ với các mối tương quan với Chúa, với bản thân, với tha nhân và với môi trường thiên nhiên, trong đó tương quan với Chúa là nền tảng.

Con người muốn nên thánh phải nỗ lực mỗi ngày để nên đồng hình đồng dạng với Chúa, trong các mối tương quan với Chúa, với chính mình, với tha nhân, với thiên nhiên và với tứ chung, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Các mối tương quan này rất tương thuộc và tương tác lẫn nhau, nên nếu có cái gì “trục trặc” trong một tương quan thì các tương quan khác cũng bị ảnh hưởng.

Chính trong và qua các mối tương quan này mà chúng ta được lớn lên trong sự thánh thiện. Do đó, để có được sự thánh thiện, các mối tương quan này đều phải hòa nhập và giữ đúng vị trí, hài hòa, quân bình và trưởng thành. Có được các mối tương quan như thế được coi là có được sự thánh thiện. Như vậy, sự thánh thiện không được hiểu theo một cá nhân biệt lập, nhưng theo mối tương quan toàn diện của cá nhân với Thiên Chúa, với tha nhân, với chính mình và với môi trường sống (thiên nhiên) trong sự ý thức về bốn sự sau cùng của đời người.

Sự thiếu trưởng thành thiêng liêng của chúng ta là do việc chúng ta thiếu những tương quan đích thực, hay có những tương quan không trưởng thành, những tương quan sai lầm, những ngăn chặn và sợ hãi tâm lý của chúng ta trong những tương quan. Khi những tương quan vắng mặt trong đời sống chúng ta thì sự thánh thiện cũng vắng mặt. Và khi những tương quan bị ngăn cản trong đời sống chúng ta thì sự thánh thiện cũng bị ngăn cản. Do đó, người ta nói đến sự thánh thiện hay nhân đức thật và nhân đức ảo.

C.2 Thánh thiện và tội lỗi

Chúng ta cũng cần nói đến mối tương quan giữa sự thánh thiện và tội lỗi: Tội lỗi và sự thánh thiện nên được hiểu theo những mối tương quan đích thực hay không đích thực. Nếu những mối tương quan của chúng ta là những liên hệ tình yêu không chân chính hoặc thiếu tình yêu đích thực thì lúc đó có tội.

Theo Kinh Thánh, tội lỗi và sự thánh thiện được hiểu trong bối cảnh của những mối tương quan. Trong Cựu Ước: tội của Ađam và Evà, tội của Cain, tội của Vua Đavít… tất cả là những tội ở trong và bởi các mối tương quan. Trong Tân Ước, tội cũng được hiểu theo sự không có hoặc thất bại không thiết lập được những tương quan tốt, hay thiếu những tương quan tình thương hoặc có những tương quan tình thương sai lầm và đi xa khỏi những tương quan ngay chính.

 

Chúa Giêsu coi tội là tình trạng tha hóa phẩm giá con người hơn là chỉ những vô trật tự luân lý (ngày Sabbath vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabbath). Chính những người Biệt phái và Luật sĩ cũng hiểu tội lỗi và sự thánh thiện trong bối cảnh lề luật và nghi thức trong các mối tương quan.

Chú thích:

[1] Trích Thông cáo báo chí của Hội Nghị Các Giám Mục Á Châu từ 27/8 - 1/9/2007 tại Thái Lan.

[2] 2 Cr 11,29

[3] Ga 15,15

[4] Hiến Chế Mục Vụ "Giáo Hội trong Thế Giới ngày nay - Vui Mừng và Hy Vọng" số 1

[5] x.GL 916.

[6] Mt 5,48

[7] Pastores Dabo Vobis, số 69

VỀ MỤC LỤC
VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG BẰNG CẢM THÔNG

 

Tác phẩm: Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

A26.  VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG BẰNG CẢM THÔNG

Một luật sư trẻ bị khủng hoảng tinh thần đến nỗi bạn bè và người thân của anh không dám để anh cầm trong tay bất cứ dụng cụ nào có thể gây thương tích cho anh. Anh ghi lại tâm trạng của mình như sau: “Tôi là người bất hạnh. Tôi có khá hơn được không? Điều đó tôi không nói trước được, nhưng tôi có một cảm tưởng khủng khiếp:  không bao giờ sẽ khá hơn!”.

Vài năm sau, công việc và trách nhiệm đã mang lại sức mạnh và sự cương quyết giúp anh không những đã tự cứu được mình mà còn cứu được đất nước khỏi một trong những cơn khủng hoảng trầm trọng nhất. Luật sư ấy chính là Abraham Lincoln, một trong những vị Tổng thống tài ba và đức độ nhất của nước Mỹ.

Mượn gương của Abraham Lincoln, chúng tôi muốn nhắn gửi những đôi vợ chồng trẻ đang trải qua cuộc khủng hoảng đầu đời hôn nhân rằng, khủng hoảng đó là điều cần thiết để giúp họ biết chấp nhận chính mình, cũng như chấp nhận nhau; nhờ đó, họ trưởng thành trong nhân cách và trong tình yêu lứa đôi.

1. André Angian, một giáo sư nổi tiếng về khoa tâm lý trị liệu đã tìm thấy hai động cơ căn bản khiến con người khước từ sự phát triển nhân cách của mình.

Trước hết là thái độ không muốn dấn thân. Người không muốn dấn thân là người chịu đựng cuộc sống hơn là thể hiện cuộc sống của mình một cách sung mãn. Họ đi học, đi làm; họ lập gia đình, nhưng không thiết tha và nhiệt tình tham dự vào những sinh hoạt ấy. Nói chung, người không muốn dấn thân là người không biết liên kết mình với những công việc mình đang làm.

Tạp chí Times mới đây đã dành những trang chính để nói về đời sống hôn nhân của những người con của nữ hoàng Anh quốc Elisabeth đệ nhị. Người ta xầm xì thái tử Eduard là người đồng tính luyến ái. Anh chị của thái tử Eduard là quận công Andrew và Công chúa Anne đã ly dị với người phối ngẫu của họ. Còn lại cặp vợ chồng Charles và Diane, tuy không ly dị nhau, nhưng chỉ còn sống với nhau trên danh nghĩa vợ chồng mà thôi. Vì danh dự của hoàng gia, có lẽ cặp vợ chồng vương giả này chỉ xuất hiện trước công chúng như vợ chồng, nhưng trong thực tế, họ chỉ là những người xa lạ bên nhau. Một cuộc sống vợ chồng như thế chỉ là một màn kịch không hơn không kém. Hai người không còn phải cam kết với nhau, phải chăng  đó không phải là một thái độ thiếu dấn thân. 

Thái độ thứ hai, con người không muốn sống trưởng thành, đó là thái độ mà bác sĩ André Angian gọi là đứng núi này trông núi nọ. Người có thái độ này là người chối bỏ hoàn toàn bản thân mình để thay vào đó một con người tưởng tượng. Người ta trốn chạy thực tại để trú ẩn trong những giấc mộng viển vông.

Trong đời sống hôn nhân, khi gặp khủng hoảng đầu tiên, nhiều người đã thốt ra những lời tiếc rẻ đại loại như sau: “Phải chi tôi không lập gia đình. Phải chi tôi gặp được người khác”. Nói tóm lại, không dấn thân hết mình vào đời sống vợ chồng, không chấp nhận thực tại của mình cũng như của người phối ngẫu, đó là cơn cám dỗ mà các đôi vợ chồng trẻ hay gặp phải trong cơn khủng hoảng đầu đời hôn nhân.

2. Dấn thân và tham dự một cách tích cực vào công việc mình đang làm là một trong những nét chính trong dung mạo của một người trưởng thành. Hơn bất cứ công việc nào khác, đời sống hôn nhân phải được hai vợ chồng xem như công trình xây dựng mà bằng mọi giá họ phải hoàn thành. Không một lý do nào, một trở ngại nào, hay một khó khăn nào cho phép họ lui bước hay bỏ cuộc. Họ chỉ có một quyết tâm để đeo đuổi, đó là họ phải được hạnh phúc bên nhau và suốt đời.

Khi bước vào đời sống hôn nhân, nhiều người trẻ tưởng rằng, họ đã thực sự đạt mục đích. Họ nghĩ rằng, những thời gian hẹn hò, chinh phục đã qua, và giờ đây họ tưởng đã nắm trọn hạnh phúc trong tay, họ chỉ còn có mỗi việc phải làm là tận hưởng. Đó là một ý nghĩ sai lầm. Chỉ trong một thời gian ngắn sống đời hôn nhân đôi vợ chồng trẻ sẽ sớm nhận thức được điều đó.

Hôn nhân là một công trình xây dựng mà họ chỉ là những người mới bắt tay vào việc dàn dựng và xây cất. Công cuộc xây dựng nào cũng thế, từ sơ đồ lý tưởng cho đến việc hoàn thành, lắm lúc người ta phải điều chỉnh, sửa sai và cắt xén cho hợp với thực tế. Trong đời sống hôn nhân cũng vậy, hai người sẽ không ngừng điều chỉnh để đạt được sự hài hoà.

Người ta thường đưa ra sự bất tương hợp của hai cá tính để giải thích sự đổ vỡ của hôn nhân. Người ta thường lý luận rằng: nếu cá tính không hợp với nhau thì nên xa nhau, hơn là cứ sống bên nhau để làm khổ nhau. Đó là cách giải quyết thiếu trách nhiệm. Giải quyết như thế chẳng khác nào bảo rằng, khi gặp khó khăn trong công việc thì tốt nhất là bỏ cuộc.

Thực ra, trong đời sống vợ chồng không có vấn đề hai cá tính không hợp nhau, mà chỉ có mỗi vấn đề là người ta có muốn hoà hợp với nhau hay không. Đã thương nhau, đã chấp nhận chung sống với nhau thì không thể nói đến chuyện khác nhau về cá tính. Vấn đề chính của mỗi người là có sẵn sàng điều chỉnh, thích nghi và nhất là cảm thông không?

3. Nhiều người trẻ bước vào đời sống hôn nhân với khuynh hướng muốn làm chủ mọi sự. Đó là lý do khiến họ có cái nhìn khắt khe và đòi hỏi đối với người khác. Họ muốn người khác suy nghĩ và hành động như họ hay theo ý muốn của họ. Họ không thể chịu đựng được khi thấy người kia làm ngược lại ý muốn của mình. Họ cho rằng, cách hành động của họ là cách đúng đắn và tốt nhất. “Hãy để tôi chỉ cho”, đó là công thức quen thuộc của họ. Có thể họ là những con người có tinh thần phục vụ cao, nhưng họ chỉ muốn giúp đỡ và chỉ dẫn. 

Tuy nhiên, họ quên rằng, con người ai cũng muốn có sự độc lập, ai cũng muốn hành động theo suy nghĩ và cách thế riêng của mình. Tâm lý này vẫn tiếp tục trong đời sống vợ chồng. Người chồng có cung cách suy nghĩ và hành động của riêng mình, người vợ cũng có cái nhìn và cách giải quyết công việc theo ý muốn của họ. Nên một với nhau không có nghĩa là xoá bỏ nhưng là biết thích nghi với sự khác biệt ấy. Thích nghi không có nghĩa là bắt người khác phải làm theo ý muốn của mình, mà là biết uốn nắn chính mình để chấp nhận sự khác biệt trên đây.

4. Nói cho cùng, bài học cơ bản nhất về sự trung thành mà đời sống hôn nhân dạy cho con người trong cơn khủng hoảng ban đầu là bài học của cảm thông. Nếu không có cảm thông, nghĩa là nếu không biết từ bỏ chính mình, biết ra khỏi chính mình, để tự đặt mình vào hoàn cảnh và vị trí của người khác thì đời sống hôn nhân sẽ không bền vững, công trình xây dựng sẽ không có nền tảng vững chắc.

Nhưng dĩ nhiên, người ta không thể một sớm một chiều đạt được sự cảm thông; thật ra, đó là cuộc chiến đấu và chinh phục từng ngày. Lớn lên trong tình nghĩa vợ chồng, trưởng thành trong nhân cách chính là mỗi ngày trở nên biết cảm thông hơn.

Trong đức tin, vợ chồng Kitô hữu càng phải suy niệm nhiều hơn về chính sự cảm thông của Thiên Chúa được thể hiện qua mầu nhiệm Nhập thể. Thiên Chúa đã trở thành con người để cảm thông với con người. Đó cũng là mầu nhiệm của tình yêu. Thiên Chúa đã yêu thương đến nỗi đã mang lấy thân phận  con người, sống chết như con người.

Hôn phối đã được Thiên Chúa thiết lập thành một Bí tích, nghĩa là thành dấu chứng tình yêu của Ngài đối với con người. Sứ mệnh cao cả của vợ chồng Kitô hữu chính là trở thành dấu chứng của tình yêu ấy. Họ phải yêu thương bằng chính mối tình thuỷ chung của Thiên Chúa. Họ phải sống với nhau bằng chính sự cảm thông của Ngài.

Tâm Lý Vợ Chồng Trẻ

 

VỀ MỤC LỤC
TRÁNH RỦI RO TỰ DÙNG THUỐC.

  

Một bản tin trên báo Tuổi Trẻ vào tháng 9 2010 cho hay “Cách đây chục hôm, Na bị sốt, viêm họng, em được người nhà cho dùng 3 loại thuốc, trong đó có kháng sinh Ampicillin. Sau đó vài giờ, mắt em sưng húp, miệng cũng phồng rộp, rồi cả người bị sẩn mề đay. Vài hôm sau, thấy tình trạng của con không đỡ, người nhà đưa em đến Bệnh viện Nhi trung ương để điều trị. Bác sĩ  cho biết, cháu Na bị hội chứng dị ứng Lyell do phản ứng với thuốc kháng sinh…”

Trong khi đó thì tại Hoa Kỳ, Cơ quan Kiểm Soát Bệnh CDC luôn luôn nhắc nhở dân chúng rằng hàng năm có cả ngàn ngàn em bé dưới 12 tuổi phải vào phòng cấp cứu sau khi được cha mẹ cho dùng các thuốc trị ho, cảm lạnh bán không cần toa bác sĩ.

Đó là hậu quả của việc tự chữa bệnh với các loại thuốc mua tự do không cần toa bác sĩ tại tiệm tạp hóa, siêu thị, nhà thuốc tây. 

Tự chữa bệnh không phải là sự việc mới xảy ra mà đã có từ ngàn xưa, khi mà nền y khoa học chưa được phát triển và tiến bộ như hiện nay. Chẳng may mà bị bệnh tật thương tích, con người đã tìm cách tự chữa với các loại cây con. Đó là bản năng tự sinh tự tồn, bảo vệ sức khỏe. Ngày nay, tự mua thuốc chữa bệnh cũng là chuyện thường thấy vì nhiều lý do:

- Số bệnh nhân ngày càng tăng mà chuyên viên y tế nhiều nơi lại thiếu.

- Chi phí khám chữa bệnh quá cao, thời giờ chờ đợi khám chữa bệnh khá lâu, thuốc men quá đắt.

- Kinh tế khủng hoảng khiến cho người dân ít đi bác sĩ khi mắc những bệnh thông thường.

- Kiến thức về sức khỏe, tự chăm sóc của người dân cũng nhiều hơn qua sách báo, truyền thông.

Cho nên, thấy đau bụng, nhức đầu cảm lạnh là ra tiệm mua mấy viên thuốc, vài chai si rô về uống, coi xem ra sao đã. Vì nhiều người tin tưởng rằng thuốc đã được chính quyền cho phép bày bán thì chắc là phải công hiệu, an toàn như quảng cáo.

Nhưng hầu hết dược phẩm dù là cần toa hay không đều là những hóa chất được chế biến, tổng hợp trong phòng thí nghiệm mà mục đích là để thay đổi chức năng cơ thể theo chiều hướng tốt, nhưng cũng vẫn có thể có những tác dụng có khả năng gây hại. Các tác dụng này có thể là biết trước hoặc bất chợt xảy ra. Chẳng hạn thuốc đa dụng corticosteroid được cho phép dùng từ thập niên 70 mà tác hại lên nhồi máu cơ tim chỉ mới đựoc biết vào thời điểm 2000. Đặc biệt là các thuốc chứa 2, 3 hoạt chất khác nhau có thể gây ra tác dụng ngoài ý muốn.  

Ngoài hoạt chất chính, một số chất cho thêm vào thuốc trong khi sản xuất với mục đích giữ gìn, bảo quản, hoặc tạo hương vị cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Chẳng hạn trong sirop thuốc ho  chứa chất cồn có thể gây ngây ngất buồn ngủ; đường trong thuốc nước có thể khiến cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường khó khăn hơn. Thêm vào đó, thuốc không cần toa cũng tương tác với nhau hoặc tương tác với sinh tố khoáng chất, thực phẩm nước uống.

Do đó muốn tự mua thuốc về dùng thì cũng cần hiểu biết về chúng. Chẳng nên quá đặt tin tưởng vào những lời quảng cáo, nhất là với loại quảng cáo rộng rãi tốn kém. Vì “hữu xạ tự nhiên hương”, tiếng lành đồn xa, đâu cần phải “huênh hoang” giới thiệu quá lố. Chỉ những mặt hàng “rỏm”, có tính cách lường gạt mới cần áp đảo“tuyên truyền” nhồi nhét vào tai vào mắt giới tiêu thụ. Hậu quả là nhiều chục ngàn người cả tin,  đặc biệt là các cháu bé, quý lão bà lão ông, bà mẹ mang thai phải nhập viện vì tự dùng các thuốc qua quảng cáo, mà lẽ ra họ không nên dùng và vì cho rằng vô hại.

Sau đây là mấy điều cần nhớ khi dùng thuốc, dù là thuốc do bác sĩ cho toa hoặc do mình tự mua:

1. Đọc kỹ và hiểu rõ các chi tiết về thuốc ghi trong nhãn thuốc drug facts label như tên thuốc, công dụng, liều lượng, uống khi nào và tác dụng phụ của thuốc.           

2. Dùng thuốc đúng liều lượng, thời gian và số lần uống mỗi ngày như chỉ dẫn.

3. Đừng dùng cùng một lúc các thuốc có công dụng tương tự. Thí dụ vừa uống aspirin cho đau nhức lại uống thêm thuốc chống đau loại acetaminophen.

4.  Mua thuốc đúng với dấu hiệu bệnh của mình. Chẳng hạn nếu chỉ bị sổ mũi thì đừng mua thuốc chữa cả ho và nóng sốt.

5. Hỏi người bán thuốc hoặc dược sĩ coi nếu thuốc có ảnh hưởng gì tới những bệnh mãn tính mình đang có như tiểu đường, cao huyết áp.

6. Đừng dùng chung thuốc do bác sĩ cho toa và thuốc mình tự mua, trừ khi đã hỏi ý kiến bác sĩ

7. Đừng dùng thuốc đã quá hạn hoặc thuốc do người khác cho.

8. Không dùng thuốc nghi ngờ là không an toàn như mất tem bảo đảm, hộp chai đựng bị hở, rách, sản phẩm đổi mầu hoặc có mùi bất thừơng.

9. Nếu chẳng may dùng quá liều lượng hoặc nhầm thuốc, nên thông báo cho bác sĩ hoặc phòng cấp cứu hay ngay.

10. Nên có một danh sách ghi các thuốc đang dùng, dù là do bác sĩ cho toa hoặc mua tự do. Mỗi lần đi khám bệnh, nên đưa cho bác sĩ coi để được hướng dẫn.

Cuối cùng là, nên thân thiện với các vị dược sĩ. Vai trò của họ không chỉ giới hạn trong việc bán thuốc mà còn được huấn luyện, để cố vấn cho giới tiêu thụ mỗi khi cần thuốc. Họ là người giúp ta có hiểu biết về thuốc, về công dụng, về tác dụng phụ, uống khi nào, uống bao nhiêu… 

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D.  Texas-Hoa Kỳ

www.bsnguyenyduc.com

 
VỀ MỤC LỤC
VIẾT VỀ MỘT NGƯỜI CHA - Chuyện phiếm của Gã Siêu

 

Bên Thổ Nhĩ kỳ, Azit Nexin, tác giả cuốn “Những người thích đùa”, đã trình làng một tập truyện ngắn với tựa đề: “Con cái chúng ta giỏi thật”. Còn tại Việt Nam, nhạc sĩ Thập Nhất đã sáng tác một ca khúc qua đó gã thấy được rằng: “Bố là tất cả”. Thì ra bố hát con khen hay và ngược lại, con hát bố khen hay, âu cũng là lẽ thường tình của cuộc sống: mất gì của nhà mà không khen.

Cùng một thể thức ấy, gã xin ăn theo cùng giáo phận Long Xuyên, viết về một người cha trên cả tuyệt vời, đó là Đức Giám Mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ.

Vào những năm đầu thập niên sáu mươi, khi ấy gã còn bé tẻo bé teo, cứ mỗi độ hoa phượng nở và mùa hè sắp sửa trở về, thì lại thấy có hai đấng “Vít Vồ”, tức là hai Đức Giám mục, thường lui tới các Tiểu chủng viện thuộc diện “Bắc kỳ di cư”: Đức Cha Phil. Nguyễn Kim Điền, giáo phận Cần Thơ và Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, giáo phận Long Xuyên.

Đức Cha Điền thường đến và chiếu những hình ảnh về dòng Tiểu Đệ. Các chú rất lấy làm tâm phục khẩu phục khi thấy ngài đạp xe xích lô và sống giữa những anh em lao động. Giọng nói của ngài còn ngọt hơn cả đường cát và mát hơn cả đường phèn. Riêng nụ cười của ngài thật là dễ thương và dễ mến.

Còn Đức Cha Ngữ thì nhập đề một cách trực tiếp, giới thiệu giáo phận Long Xuyên, một giáo phận mới toanh vùng đồng bằng sông Cửu Long với những nhu cầu thật cấp bách về xây dựng cơ sở vật chất cũng như tinh thần, nên rất cần những người cộng tác.

Các ngài thường kết thúc chuyến viếng thăm của mình bằng cách cho các chú nghỉ học một ngày, đồng thời trao cho cha quản lý một số tiền, để đãi chủng viện một bữa cơm thịnh soạn, vốn được gọi là “caena magna”!!!

Tới đây thì “ý đồ đen tối”, hay nói cách khác, sự “bí mật” của các ngài mới được bật mí, đó là kêu gọi các chú đã học hết lớp đệ nhất, mau mắn ghi tên gia nhập giáo phận của các ngài.

Theo ngôn ngữ hiện nay, những chuyến viếng thăm như thế chắc chắn sẽ được gọi bằng danh từ “mục vụ tuyển lính”, hay “mục vụ mộ lính”.

Đức Cha Ngữ rất “có duyên” trong lãnh vực này. Không hiểu do “tuyên truyền”, hay rỉ tai cách nào đó, mà trong những kỳ hè một số các thầy thuộc các giáo phận, cũng như các dòng tu, đã kéo nhau về Long Xuyên để giúp tháng. Và thời bấy giờ, bàn dân thiên hạ đã gọi lực lượng này là “lính đánh thuê”.

Trước khi được gửi tới các giáo xứ, các thầy thường được tập trung tại Tiểu chủng viện Á Thánh Phụng ở Châu Đốc, để học hỏi một cách rất bài bổn về chủ đề sẽ rao giảng. Mỗi năm thường có một chủ đề chuyên biệt, chẳng hạn học hỏi về Phúc âm theo thánh Matthêu, thánh Luca…Ngoài ra, còn trau dồi thêm về khả năng sinh hoạt. Phần này thường do các huynh trưởng Hướng Đạo phụ trách.

Cho tới ngày hôm nay, hầu như thầy nào thời bấy giờ cũng vẫn còn in đậm những dấu ấn kỷ niệm khó mà phai nhạt về một người cha rất mực công bằng, nhưng cũng rất mực yêu thương con cái mình.

Có những lúc ngài đã mắng cho một trận te tua, nhưng rồi sau đó ngài lại ôn tồn ủi an và khuyến khích:

- Tao nói là nói thế, còn mày không có thì thôi, việc gì mà phải buồn! 

Trước hết, ngài đã cư xử rất mực công bằng đối với các thầy. 

Sự công bằng này phần nào được tỏ lộ qua quyết định: tất cả các thầy của Long Xuyên đều phải đi giúp xứ hai năm, cho dù đang học ở Saigon, Đàlạt và ngay cả Rôma cũng vậy.

Các cha giáo ở Đàlạt cũng như ở Rôma đã nhiều lần can thiệp để xin rút bớt hay chuyển đổi thời gian, chẳng hạn một năm giúp sau khi đã xong triết học và một năm giúp sau khi đã xong thần học, để tránh đi tình trạng “trật xích”. Thế nhưng, sự gì ngài đã quyết là đã quyết, chẳng hề đổi thay.

Hơn thế nữa, thời bấy giờ những thầy được gửi đi học ở Đàlạt và Rôma, vốn được liệt vào hàng ưu đãi, nên bù lại trong thời gian đi giúp phần lớn những thầy này được gửi vào hai “lò thử lửa”, đó là Phú Quốc và Trường trung học Số Sáu, do cha Nguyễn Thượng Uyển phụ trách, để được “huấn nhục” hầu trở thành “thép đã tôi thế đấy”, cũng giống như việc đào luyện các lính mới tại Chi Lăng: “quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”!!! 

Tuy nhiên, ngài lại tỏ ra rất mực yêu thương đối với các thầy.  

Sau khi làm đơn xin gia nhập giáo phận Long Xuyên, mỗi chú đều phải gửi về cho ngài một tấm hình. Ngài để tất cả những tấm hình ấy trên bàn, ghi tên từng chú. Vì thế, khi đi nghỉ hè, tất cả những chú đã chọn Long Xuyên làm quê hương của mình, cùng đi về với nhau để “trình diện” ngài. Mặc dù đây mới chỉ là lần gặp gỡ đầu tiên, thế mà ngài đã gọi tên từng chú trúng phong phóc, không sai trật một ai. Thật là tuyệt vời

Thời bấy giờ, các chú cũng như các thầy đều được hoãn dịch vì lý do tôn giáo. Mỗi năm có nhiều đợt đổi giấy hoãn dịch. Vì thế, khi giúp văn phòng Tiểu chủng viện Têrêxa, ngài đã bảo gã phải lên danh sách từng đợt cho suốt cả một năm và đưa sang cho ngài ký, rồi cất trong tủ, để cứ đúng hẹn lại lên. Ngài nhớ rất kỹ, nên mỗi khi tới đợt, ngài lại sang Chủng viện và nhắc:

- Mày lên Nha Động Viên đổi giấy cho tao.

Nói đoạn, thế nào ngài cũng dúi cho ít tiền vào tay và bắt phải đi máy bay, chứ không được đi xe đò. Thế là chỉ việc mua vé, ra “phi trường” Vàm Cống, lên máy bay dân sự hai chong chóng và sau hai mươi phút đã tới Tân Sơn Nhất.

Cũng vì lá bùa hộ mệnh là tấm giấy hoãn dịch, nên một số thầy cũng như một số chú đã lợi dụng lòng nhân từ và rộng rãi của ngài. Mặc dù đã xuất và không còn tu nữa, nhưng vẫn gãi đầu gãi tai, xin ngài thương ban cho giấy hoãn dịch, để tiếp tục những năm tháng đại học, bằng không thì việc học sẽ bị cắt ngang và tắc nghẽn.

Lúc ấy, nhiều anh đã cả gan dám  hứa với ngài rằng trả khi xong cái nợ đèn sách, sẽ tính lại chuyện tu trì. Ngài chỉ mỉm cười trong thinh lặng, vì đã biết rõ tận tim đen, có anh nào học xong mà tu lại đâu.

Thời bấy giờ, ngài qui định mỗi tháng cha sở phải cấp cho thày xứ ít là hai trăm đồng. Và khi về Toà Giám Mục tham dự cấm phòng tháng, ngài còn cấp thêm hai trăm đồng nữa, gọi là tiền xe pháo, đi lại và bồi dưỡng.

Thỉnh thoảng có dịp lên thăm Đức Cha, bao giờ ngài cũng bắt đầu bằng câu:

- Mày có cần tiền không đấy.

- Dạ thưa Đức Cha, tiền ai mà không cần chứ.

Thế rồi ngài cúi xuống, kéo ngăn bàn và đưa cho mấy chục đồng.

Đối với các cha cũng vậy. Những cha nào thiếu lễ, thì cứ việc vô tư đến xin với ngài. Chính tay ngài gói tiền, đề tên và phân phát trong dịp cấm phòng tháng.

Hiện giờ, mặc dù đã trăm tuổi, thế nhưng tất cả số tiền bàn dân thiên hạ biếu, ngài đều chuyển thành lễ, cho vào phong bì và mỗi lần có cha tới thăm, ngài đều sẵn sàng ban cho. Những lễ ấy thường là những lễ béo!

Gã còn nhớ, lần kia thể theo lời mời của ban giám đốc, ngài lên Đà lạt để truyền chức. Ngay tối hôm đầu tiên, anh em Long Xuyên kéo xuống phòng để chào. Vừa nhìn thấy, ngài bèn hỏi ngay:

- Chúng mày muốn xin cái gì vậy?

- Thưa Đức Cha, cái mà không ai chê cả.

- Lại tiền phải không? Chúng mày làm như tao nhiều tiền lắm thì phải?

- Dạ, hình như mọi tiền bạc trên thế gian này đều chui cả vào túi Giám mục?

Ngài trợn mắt và hỏi:

- Đứa nào ăn nói lếu láo thế?

Nói thì nói, nhưng cuối cùng ngài vẫn cho anh em Long Xuyên một số tiền để làm quĩ chung. Riêng những anh em mới lên, lại còn được ngài tặng thêm cho mỗi người sáu trăm đồng để mua bộ sách luân lý của Noldin.

Các cha giáo ở Đàlạt hầu hết đều xuất thân từ các nước phương tây, nên không thể phát âm một số từ tiếng Việt cho đúng được. Vì thế, ngài thường được gọi là “Monseigneur Ngu” (vì không đọc được chữ Ngữ). Nghe vậy, một tên Qui Nhơn bèn nói với gã:

- Đức cha của mấy ông kỳ quá, ai lại tên là Ngu.

Tức khí, gã bèn phản pháo bằng cách kê tủ đứng:

- Còn Đức cha của mấy ông là gì biết không? Monseigneur Cac (Đức cha Huỳnh Đông Các).

Thế là anh chàng Qui Nhơn kia bèn phải tịt ngòi.

Có lẽ cũng vì vậy mà thầy Hồ Bạc Xái, hiện là cha giám đốc Đại chủng viện Thánh Quý, Cần Thơ, đã phải đổi tên mình thành Trịnh Anh Tài suốt thời gian tu học tại Giáo Hoàng Học Viện chăng?

Thời bấy giờ, khi còn làm các chú hay các thầy mà ti toe viết lách, đương sự rất có thể sẽ bị mất “cụ” dễ như chơi, nghĩa là sẽ bị loại và không còn được tiếp tục con đường tu trì của mình nữa, bởi vì giáo luật đã qui định mọi sự viết lách đều phải được phép của bề trên và mọi thứ in ấn đều phải có “nihil obstat” và được “imprimatur” đàng hoàng tử tế.

Vì trót đầu tư vào cái nghề bạc bẽo này, nên gã đã phải trình bày với cha De Diego, lúc bấy giờ đang làm viện trưởng. Ngài rất ủng hộ cho cái ước mơ còm cõi ấy.

Thế nhưng, khi viết xong cuốn “Hình bóng cũ” và định cho ra mắt vào mùa Vu Lan năm 1971, mùa báo hiếu, để tưởng nhớ công ơn mẹ hiền, như Thượng Toạ Thích Nhất Hạnh đã làm trước đó với cuốn “Bông Hồng Cài Áo”, gã đã phải trình bản thảo lên cho ngài. Và chỉ một ngày sau, ngài đã đọc xong và bảo:

- Mày viết cũng được đấy, nhưng sao không chia thành từng chương, từng mục hẳn hoi, ai mà cứ mỗi đoạn lại đề số 1, số 2, số 3…

- Dạ thưa Đức Cha, cái mốt bây giờ nó thế.

- Mốt với chả miếc… Này, đừng có mà mơ mộng đấy nhé. Mấy ông nghệ sĩ là hay mơ mộng lắm đấy.

- Dạ con đâu có mơ mộng, vì nếu mơ mộng thì đâu có làm văn phòng được và nhất là đâu có đánh được danh sách hoãn dịch cho Đức Cha.

Ngài chép miệng và bảo:

- Mới nói có vậy mà đã gân cổ ra mà cãi!!!

Thời bấy giờ, ngài phát động chương trình gây quĩ để xây dựng chủng viện bằng cách phát bằng ân nhân. Bằng đã được in và ký sẵn, rồi trao cho thầy Nguyễn Công Danh phụ trách, vì chữ thầy thật đẹp. Cứ lâu lâu, ngài lại đưa sang một danh sách và thầy Danh có nhiệm vụ phải viết tên các vị ân nhân vào bằng.

Vì cùng giúp với nhau, nên một ngày kia gã bỗng nảy ra một “tối kiến” để nghịch ngợm. Gã nói với thầy Danh:

- Ông hãy viết cho mỗi đứa một bằng ân nhân với số tiền ủng hộ là một triệu đồng.

Một triệu đồng hồi ấy to lắm, vì để được một bằng ân nhân, thì chỉ mất có mười ngàn và tổng chi phí xây dựng ngôi nhà thờ Chính Toà hiện nay chỉ mất có ba mươi triệu mà thôi.

Hai đứa trang trọng đặt bằng ân nhân của mình trên bàn, bên dưới tấm kính. Thế rồi một buổi sáng, ngài ghé vào văn phòng chủng viện, ngắm ngắm nghía nghía một hồi, rồi túm đầu hai đứa, cú cho mấy cái và nói:

- Chúng mày có giúp tao được một đồng bạc nào không?

- Dạ thưa Đức Cha, đây là để thưởng công cho người viết, mà Đức Cha cũng chẳng mất đồng bạc nào.

- Chúng mày thật là quá lắm, quá lắm.

Tương truyền rằng mỗi khi túng tiền, ngài liền đốt nến và khấn với chị thánh Têrêsa. Và rồi tiền bỗng dưng từ đâu mà đến cũng chẳng hay biết, cứ như là từ trên trời rơi xuống. Còn nếu khấn rồi mà không linh, thì hình như ngài hơi bị hờn dỗi, đặt tượng chị Thánh quay vào tường…

Cho đến bây giờ gã vẫn còn nhớ lời khuyên của ngài về việc sử dụng tiền bạc:

- Đối với những việc cần thiết, thì bạc triệu, bạc tỷ cũng sẵn sàng chi, nhưng đối với những việc dư thừa, thì một đồng, một cắc cũng không.

Nguyên tắc này đã được ngài áp dụng vào chính cuộc sống của ngài. Đường đường là một vị Giám mục tiên khởi của một giáo phận, thế mà cuộc sống của ngài vẫn luôn đơn sơ và đạm bạc, nếu không muốn nói là khắc khổ. Một chiếc giường nhỏ, không nệm. Mấy bộ quần áo, không kiểu cọ. Giấy ngài dùng để viết là những tờ lịch, những phong thư hay những tờ giấy đã được dùng một mặt.

Ngoài những bận rộn với công việc xây dựng giáo phận, ngài luôn dành lấy những giây phút thinh lặng để cầu nguyện, cũng như làm việc một cách riêng tư và trí thức, chẳng hạn như viết những bài huấn đức, dịch trọn bộ sách các bài đọc và những tác phẩm đồ sộ khác như cuốn “Tự thuật” của thánh Augustinô. Khi đọc lại bản dịch của ngài, gã mới thầm phục sự am hiểu rành rõi tiếng Pháp của ngài.

Bằng tâm tình của những người con giáo phận qua những kỷ niệm được chắp nối, gã cảm thấy quả thực ngài là một người cha trên cả tuyệt vời.

Gã Siêu   gasieu@gmail.com  


VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************