Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 143, Chúa Nhật 24.04.2011


MỤC LỤC 

Sứ Mệnh Của Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay                                                   Vatican 2

Ngôi mộ trống                                                                                  Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Tân Chân phước Gioan Phaolô II với Giáo Hội tại Việt Nam                                          WHĐ

Phục vụ con người  (Hồng Y Suenens)                           Gs. Nguyễn Đăng Trúc chuyển ngữ

VẠN TUẾ ! VẠN TUẾ ! CHÚA GIÊSU LÀ VUA                            Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

Căn tính người Tín hữu Giáo dân trong Công Đồng Vatican II (2)   Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

QUAN NIỆM VỀ PHÁI TÍNH                                                             Lm Lê Văn Quảng Psy.D.

SỰ THẬT LÀ GÌ?                                                                                           Br. Huynhquảng

CÁC MỐI TƯƠNG QUAN CỦA LINH MỤC GIÁO PHẬN      Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy

Linh Đạo Đời Hôn Nhân - Một nền Tu đức cho bậc Hôn nhân             Lm. Minh Anh biên tập

SINH TỐ                                                                                         Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D.

Lời Nguyện Cầu -                                                                         Chuyện phiếm của Gã Siêu


Sứ Mệnh Của Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay

Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay

Gaudium Et Spes

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

 

Chương IV

Sứ Mệnh Của Giáo Hội

Trong Thế Giới Ngày Nay 44*

 

40. Tương quan giữa Giáo Hội và thế giới. Tất cả những gì chúng ta đã trình bày về phẩm giá con người, về cộng đoàn nhân loại, về ý nghĩa sâu xa của hoạt động nhân loại tạo thành căn bản cho sự tương quan giữa Giáo Hội và thế giới cũng như nền tảng cho cuộc đối thoại giữa đôi bên 1. Bởi vậy, dựa trên tất cả những gì về mầu nhiệm Giáo Hội mà Công Ðồng này đã tuyên bố, trong chương này sẽ phải đề cập đến cũng chính Giáo Hội, xét như thực tại hiện diện ở thế giới này, cùng sống và cùng hoạt động với thế giới ấy.

Phát sinh từ tình yêu Chúa Cha muôn đời 2, do Chúa Kitô là Ðấng Cứu Ðộ thiết lập trong thời gian, được qui tụ trong Chúa Thánh Thần 3, Giáo Hội có mục đích cứu rỗi và cánh chung. Mục đích này chỉ có thể thành tựu trọn vẹn trong thời kỳ sẽ đến. Nhưng giờ đây Giáo Hội đã hiện diện trên trái đất này rồi, được qui tụ gồm những con người là phần tử của xã hội trần gian; họ được kêu gọi để hợp thành gia đình các con cái Thiên Chúa ngay trong lịch sử nhân loại, ngõ hầu tăng trưởng luôn mãi cho tới khi Chúa đến. Hiệp nhất để nhằm đạt những của cải thiêng liêng, trở nên giàu có vì những của cải ấy, gia đình này "như một xã hội được thiết lập qui củ trên trần gian" 4, được trang bị "các phương thế thích hợp để kết hiệp thành một xã hội hữu hình" 5. Như thế, là "một đoàn thể hữu hình và là cộng đoàn thiêng liêng" 6, Giáo Hội đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần thế với thế giới; Giáo Hội như men và hồn của xã hội loài người 7, sẽ được đổi mới trong Chúa Kitô và biến thành gia đình của Thiên Chúa.

Thực ra, sự tương nhập giữa hai xã hội trần thế và thiên đàng chỉ có thể nhận thức được qua đức tin. Hơn nữa, đó còn là một mầu nhiệm của lịch sử nhân loại, một lịch sử bị tội lỗi xáo trộn cho đến khi vinh quang con cái Thiên Chúa được mạc khải đầy đủ. Tuy nhiên trong khi đeo đuổi mục đích cứu rỗi cá biệt của mình, Giáo Hội không phải chỉ truyền thông sự sống Thiên Chúa cho con người, nhưng còn chiếu giãi ánh sáng của đời sống ấy cách nào đó trên toàn thế giới. Giáo Hội làm công việc này, trước hết bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá nhân vị, củng cố cơ cấu của xã hội nhân loại và thấm nhuần cho hoạt động thường nhật của con người một chiều hướng và một ý nghĩ sâu xa hơn. Như thế, nhờ từng phần tử và tất cả cộng đoàn, Giáo Hội tin tưởng có thể đóng góp nhiều vào việc biến đổi gia đình và lịch sử loài người trở nên nhân đạo hơn.

Ngoài ra, Giáo Hội Công Giáo sẵn sàng tán thưởng những việc mà các Giáo Hội Kitô giáo hay các cộng đoàn giáo hội khác đã và còn đang thực hiện để đóng góp vào việc chu toàn cùng một bổn phận này. Ðồng thời, Giáo Hội xác tín mạnh mẽ rằng thế giới có thể có nhiều cách góp phần lớn lao vào việc dọn đường cho Phúc Âm bằng tài năng và hoạt động cá nhân cũng như của xã hội. Sau đây là một vài nguyên tắc tổng quát để phát triển đúng mức mối tương quan và tương trợ trong những phạm vi mà Giáo Hội và thế giới có phần chung nhau.

41. Sự trợ giúp mà Giáo Hội cố gắng cống hiến mỗi người. Con người hiện đại đang trên đường phát triển trọn vẹn nhân cách của mình và càng ngày càng xác định quyền lợi của mình rõ rệt hơn. Ðược trao phó nhiệm vụ tỏ bày mầu nhiệm của Thiên Chúa, Ðấng làm cùng đích của con người, Giáo Hội cũng đồng thời tỏ cho con người biết ý nghĩa của cuộc đời con người, tức là sự thật thâm sâu về con người. Giáo Hội biết chắc rằng chỉ có Thiên Chúa mà Giáo Hội phụng sự mới đáp ứng được các ước vọng sâu xa nhất của lòng người. Lòng người không bao giờ hoàn toàn thỏa mãn với những của ăn trần thế. Giáo Hội cũng biết rằng con người được Thánh Thần Chúa không ngừng thúc đẩy, sẽ không bao giờ hoàn toàn lãnh đạm trước vấn đề tôn giáo, như kinh nghiệm quá khứ và nhiều chứng tích của thời đại chúng ta minh chứng. Thực vậy, con người luôn khao khát muốn biết, ít là một cách mơ hồ, cuộc sống, hoạt động và cái chết của mình có ý nghĩa gì. Chính sự hiện diện của Giáo Hội nhắc nhở cho con người nhớ đến những vấn đề ấy. Chỉ có Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài và cứu thoát con người khỏi tội lỗi, mới giải đáp đầy đủ các vấn đề ấy. Ngài giải đáp bằng cách mạc khải trong Con của Ngài là Chúa Kitô, Ðấng đã hóa thân làm người. Ai theo Chúa Kitô, Con Người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ được trở nên người hơn.

Dựa trên đức tin ấy Giáo Hội có thể cứu gỡ phẩm giá của bản tính con người khỏi mọi trào lưu tư tưởng di động không ngừng giữa sự khinh dễ và tôn sùng thái quá đối với thân xác con người. Không một luật lệ nào có thể đảm bảo phẩm vị và tự do con người cách thích đáng bằng Phúc Âm Chúa Kitô, đã được trao phó cho Giáo Hội. Thực vậy, Phúc Âm loan báo và công bố sự tự do của con cái Thiên Chúa, phủ nhận mọi hình thức nô lệ vì mọi ách nô lệ rốt cuộc đều bởi tội lỗi mà ra 8. Phúc Âm tôn trọng triệt để phẩm giá và quyết định tự do của lương tâm, lại không ngừng nhắc nhở phát huy mọi tài năng để phụng sự Thiên Chúa và mưu ích cho mọi người. Sau hết, Phúc Âm còn dạy mọi người phải thương yêu nhau 9. Những điều đó phù hợp với luật căn bản trong nhiệm cuộc cứu rỗi của Kitô giáo. Vì, tuy Thiên Chúa vừa là Ðấng Cứu Ðộ, vừa là Ðấng Tạo Dựng, vừa làm Chủ lịch sử nhân loại, vừa làm Chủ lịch sử cứu rỗi, nhưng trong chính chương trình của Thiên Chúa, sự tự trị đúng mức của tạo vật và nhất là của con người không hề bị hủy diệt, trái lại còn được phục hồi và củng cố trong phẩm giá riêng.

Vậy, Giáo Hội dựa vào Phúc Âm đã được ủy thác cho mình mà công bố những quyền lợi của con người, nhìn nhận và tôn trọng năng động của thời hiện đại hiện đang cổ võ những quyền lợi ấy khắp nơi. Tuy nhiên, những trào lưu đó phải được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và phải được bảo vệ cho khỏi nhiễm mọi hình thức tự trị sai lầm. Thực vậy, chúng ta dễ bị cám dỗ nghĩ rằng các quyền lợi của chúng ta chỉ được duy trì trọn vẹn khi trút bỏ mọi Luật Lệ của Thiên Chúa. Nhưng thực ra, đó là đường lối làm cho phẩm giá con người chẳng những không được duy trì mà còn bị tiêu tan đi. 45*

42. Sự trợ giúp mà Giáo Hội cố gắng mang đến cho xã hội nhân loại. Sự thống nhất gia đình nhân loại được củng cố và bổ túc 46* nhiều nhờ sự hiệp nhất của gia đình con cái Chúa đã được thiết lập trong Chúa Kitô 10.

Sứ mệnh riêng biệt mà Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội Người không thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội: mục đích Người đã ấn định cho Giáo Hội thuộc phạm vi tôn giáo 11. Nhưng, bởi chính sứ mệnh tôn giáo ấy, phát sinh bổn phận, ánh sáng và những sức mạnh có thể giúp thiết lập và củng cố cộng đoàn nhân loại theo Luật Lệ của Thiên Chúa; cũng thế, khi có nơi nào cần, chính Giáo Hội có thể và hơn nữa, phải phát động, tùy theo hoàn cảnh thời gian và nơi chốn, những công cuộc nhằm phục vụ mọi người, nhất là những người cùng khốn, thí dụ như các công cuộc từ thiện hoặc những tổ chức khác tương tự.

Giáo Hội còn nhìn nhận tất cả những gì tốt đẹp trong năng động xã hội hiện tại: nhất là sự tiến tới hiệp nhất, tiến trình xã hội hóa lành mạnh và sự liên đới trong phạm vi công quyền và kinh tế. Thực vậy, việc cổ võ hiệp nhất phù hợp với sứ mệnh sâu xa của Giáo Hội, vì chính Giáo Hội ở "trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại" 12. Như thế, chính Giáo Hội bày tỏ cho thế giới biết rằng sự hiệp nhất bên ngoài trong phạm vi xã hội bắt nguồn từ sự hiệp nhất tâm trí, nghĩa là từ đức tin và đức mến, căn bản hiệp nhất bất khả phân ly của Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần. Sinh lực mà Giáo Hội có thể chuyển thông cho xã hội nhân loại ngày nay là đức tin và đức mến ấy, được thể hiện trong cuộc sống, chứ không phải do thế lực bên ngoài nào dựa vào những phương thế hoàn toàn nhân loại.

Hơn nữa, bởi sứ mệnh và bản chất, Giáo Hội không cấu kết với một hình thức văn hóa nhân loại đặc thù nào, hoặc một chế độ chính trị, kinh tế hay xã hội nào. Nhờ tính cách phổ quát ấy, Giáo Hội có thể là một mối dây liên kết hết sức chặt chẽ giữa các cộng đoàn nhân loại và các quốc gia khác nhau, miễn là các quốc gia và cộng đoàn nhân loại ấy tin tưởng vào Giáo Hội và thực sự nhìn nhận Giáo Hội có quyền tự do đích thực để chu toàn sứ mệnh mình. Vì vậy, Giáo Hội khuyến cáo các con cái mình và hết mọi người: hãy vượt qua mọi tranh chấp giữa các quốc gia, chủng tộc trong tinh thần gia đình con cái Thiên Chúa và củng cố các hiệp hội nhân loại chính đáng.

Công Ðồng quí trọng ngưỡng mộ tất cả những gì chân thật, tốt lành và chính đáng trong các tổ chức rất khác biệt mà nhân loại đã và còn đang không ngừng thành lập cho mình. Công Ðồng cũng tuyên bố rằng: Giáo Hội muốn trợ giúp và cổ võ mọi tổ chức ấy trong những gì liên hệ và khả dĩ phù hợp với sứ mệnh của Giáo Hội. Giáo Hội không ao ước gì hơn là được tự do phát triển dưới mọi chế độ để phục vụ lợi ích mọi người, miễn là các chế độ này nhìn nhận những quyền lợi căn bản của con người, của gia đình và những đòi hỏi của công ích.

43. Sự trợ giúp mà Giáo Hội cố gắng nhờ các Kitô hữu mang đến cho hoạt động nhân loại 47*. Công Ðồng khuyến khích các Kitô hữu, công dân của cả hai đô thị, hãy nỗ lực chu toàn cách trung thành những bổn phận trần thế của họ và chu toàn dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm. Thực sai lầm cho những ai đang khi biết rằng chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế và đang phải kiếm tìm một quê hương hậu lai để rồi vì đó tưởng rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần gian 13, như thế là không nhận thấy chính đức tin buộc phải chu toàn các bổn phận đó hoàn hảo hơn, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình 14. Ngược lại, cũng sai lầm không kém đối với những ai nghĩ rằng có thể dấn thân hoàn toàn vào công việc trần thế như thể các công việc ấy hoàn toàn xa lạ với đời sống tôn giáo, vì cho rằng đời sống tôn giáo chỉ còn hệ tại những hành vi phượng tự và một vài bổn phận luân lý phải chu toàn. Sự phân ly giữa đức tin mà họ tuyên xưng và cuộc sống thường nhật của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta. Và gương mù này ngay trong Cựu Ước các Tiên Tri đã mạnh mẽ tố cáo 15 và trong Tân Ước chính Chúa Giêsu Kitô còn ngăm đe nhiều hơn nữa bằng những hình phạt nặng nề 16. Vậy, không được đem sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội mà đối nghịch cách giả tạo với đời sống tôn giáo. Ðối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với người lân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa. Theo gương Chúa Giêsu đã sống như một người thợ, các Kitô hữu hãy vui mừng vì có thể thi hành mọi hoạt động trần thế mà đồng thời có thể liên kết trong một tổng hợp sống động duy nhất, các cố gắng nhân loại, gia đình, nghề nghiệp, khoa học hay kỹ thuật với các giá trị tôn giáo. Dưới sự điều hướng tối cao của các giá trị tôn giáo này, mọi sự được qui hướng về vinh danh Thiên Chúa.

Những phận vụ và sinh hoạt trần thế thuộc lãnh vực riêng của giáo dân, tuy không độc quyền thuộc về họ. Vì vậy, khi hoạt động, cá nhân hay đoàn thể, với tư cách công dân trần thế, không những họ phải tôn trọng các luật lệ riêng của mỗi ngành nhưng còn phải ra sức tự luyện khả năng chuyên môn thực sự trong các lãnh vực ấy. Họ sẽ sẵn lòng hợp tác với những người cùng theo đuổi những mục đích chung. Nhìn nhận các đòi hỏi và hưởng nhờ sức mạnh của đức tin, khi cần, họ sẽ không do dự đề nghị và thực hiện những sáng kiến mới. Một khi được đào luyện cách thích hợp, lương tâm họ phải đem luật Chúa thấm nhập cuộc sống của xã hội trần gian. Giáo dân hãy mong đợi ánh sáng và sức mạnh tinh thần nơi các linh mục. Tuy nhiên, họ đừng vì thế mà nghĩ rằng: các chủ chăn có đủ thẩm quyền chuyên môn để có thể có ngay một giải pháp cụ thể cho mọi vấn đề xảy ra, kể cả những vấn đề quan trọng. Cũng đừng lầm tưởng các chủ chăn vốn có sứ mạng ấy. Nhưng tốt hơn là chính họ, được đức khôn ngoan Kitô giáo soi dẫn và cẩn thận chú ý các giáo huấn của Giáo Hội 17, hãy nhận lấy trách nhiệm của mình.

Thường thì chính vũ trụ quan Kitô giáo sẽ hướng dẫn họ chọn một giải pháp nhất định nào đó tùy hoàn cảnh. Tuy nhiên, cũng có những tín hữu khác, dầu khá thực tâm, sẽ thẩm định cách khác về cùng một vấn đề, như thường thấy xảy ra; và sự thẩm định đó vẫn được coi là hợp lý như thường. Nhiều người dễ dàng gán ghép với sứ điệp Phúc Âm những giải pháp mà họ đề ra, mặc dầu nhiều khi ngoài ý muốn của họ. Nhưng nên nhớ trong các trường hợp trên, không ai được độc quyền giành lấy thẩm quyền của Giáo Hội để biện minh cho lập trường riêng 48*. Phải luôn luôn nỗ lực soi dẫn nhau bằng đối thoại thành thực, bảo toàn tình tương ái và trước hết mưu cầu công ích.

Người giáo dân có những phận vụ tích cực phải chu toàn trong toàn thể đời sống Giáo Hội. Không những họ phải đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần thế giới nhưng còn được kêu gọi làm chứng cho Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh, ngay giữa lòng cộng đoàn nhân loại.

Còn các Giám Mục đã được ủy thác việc điều hành Giáo Hội Chúa hãy cùng các linh mục của mình rao giảng sứ điệp của Chúa Kitô, sao cho mọi hoạt động trần thế của các tín hữu thấm nhuần ánh sáng Phúc Âm. Hơn nữa, tất cả các chủ chăn hãy nhớ rằng các Ngài sẽ biểu lộ cho thế giới một khuôn mặt của Giáo Hội qua thái độ và ưu tư hằng ngày của mình 18. Qua khuôn mặt ấy, người ta phán đoán về sức mạnh và chân lý của sứ điệp Kitô giáo. Bằng đời sống và lời giảng, hợp cùng các tu sĩ và giáo hữu của mình, các ngài hãy minh chứng rằng Giáo Hội, nguyên bằng sự hiện diện và kho tàng ân huệ của mình, đã là nguồn vô tận của những mãnh lực mà thế giới ngày nay rất cần. Các Ngài hãy trau dồi khả năng bằng cách chuyên cần học hỏi sao cho có thể đóng trọn vai trò trách nhiệm của mình trong khi đối thoại với thế giới và những người thuộc bất cứ lập trường nào. Nhưng, trước hết xin các ngài hãy ghi lòng những lời sau đây của Công Ðồng: "Ngày nay, vì nhân loại ngày càng hiệp nhất về dân sự, kinh tế và xã hội, nên các Linh Mục càng phải loại trừ mọi mầm mống chia rẽ, phải nối kết cố gắng và khả năng mình dưới sự hướng dẫn của các Giám Mục và Giáo Hoàng, để toàn thể nhân loại hiệp nhất trong gia đình Thiên Chúa" 19.

Mặc dù Giáo Hội, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, vẫn là hiền thê trung tín của Chúa mình và không ngừng là dấu chỉ ơn cứu rỗi trong thế giới, tuy nhiên Giáo Hội biết rõ rằng trải qua bao nhiêu thế kỷ vẫn không thiếu những phần tử trong Giáo Hội 20, giáo dân hoặc giáo sĩ, sống bất trung cùng Thánh Thần Chúa. Ngay trong thời đại chúng ta, Giáo Hội không quên sự cách biệt lớn lao giữa sứ điệp do Giáo Hội công bố và sự yếu đuối nhân loại của những người được giao phó rao giảng Phúc Âm. Dầu lịch sử có phê phán thế nào về những khiếm khuyết ấy, chúng ta cũng phải ý thức và mạnh mẽ khử trừ những thiếu sót để khỏi phương hại đến việc rao giảng Phúc Âm. Cũng vậy, trong việc mở rộng tương quan với thế giới, Giáo Hội biết mình phải luôn trưởng thành nhờ kinh nghiệm qua các thế kỷ, Ðược Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Mẹ Giáo Hội không ngừng "khuyên giục con cái thanh tẩy và canh tân, để ấn dấu của Chúa Kitô chiếu sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo Hội" 21.

44. Sự trợ giúp mà Giáo Hội nhận được nơi thế giới ngày nay 49*. Cũng như thế giới cần phải nhìn nhận Giáo Hội như một thực thể xã hội lịch sử và như men của lịch sử, Giáo Hội cũng biết mình đã nhận được rất nhiều nơi lịch sử và sự tiến hóa của nhân loại.

Kinh nghiệm của những thế kỷ đã qua, tiến bộ của khoa học, các kho tàng hàm chứa trong những hình thức văn hóa nhân loại khác nhau, biểu lộ đầy đủ hơn bản tính của chính con người và mở ra những con đường mới dẫn đến chân lý: tất cả những điều ấy đều hữu ích cho Giáo Hội. Thực vậy, chính Giáo Hội ngay từ buổi đầu của lịch sử mình đã ra sức diễn tả sứ điệp của Chúa Kitô bằng những ý niệm và ngôn ngữ của nhiều dân tộc. Hơn nữa, Giáo Hội còn cố gắng dùng sự khôn ngoan của các triết gia để làm sáng tỏ sứ điệp ấy. Làm như thế, nhằm thích nghi Phúc Âm, trong mức độ có thể, với tầm hiểu biết của mọi người cũng như với những đòi hỏi của các nhà hiền triết. Rao giảng lời mạc khải cách thích nghi như vậy còn phải là luật lệ cho mọi công cuộc truyền giáo, bởi vì có như vậy mới khơi dậy trong mọi quốc gia khả năng diễn tả sứ điệp Chúa Kitô theo lối riêng của mình và đồng thời mới cổ võ được sự trao đổi linh động giữa Giáo Hội và những nền văn hóa khác nhau của các dân tộc 22. Ðể xúc tiến những cuộc trao đổi như thế, nhất là trong thời đại chúng ta, thời mà sự vật biến đổi rất nhanh và lối suy tư rất nhiều khác biệt, Giáo Hội đặc biệt cần đến sự đóng góp của những người sống trong thế giới và biết rõ các tổ chức và bộ môn khác nhau, cũng như thấu triệt tinh thần các tổ chức và bộ môn đó, dầu họ có đức tin hay không. Bổn phận của toàn thể Dân Chúa, đặc biệt của các chủ chăn và các nhà thần học là nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, đón nghe, phân biệt và giải thích các tiếng nói của thời đại, rồi phán đoán dưới ánh sáng lời Chúa để Chân Lý mạc khải luôn được thấu triệt, được hiểu rõ và trình bày cách thích hợp hơn.

Giáo Hội có một cơ cấu xã hội hữu hình, dấu hiệu của sự hiệp nhất trong Chúa Kitô, nên Giáo Hội cũng có thể được giàu có thêm và thực sự đang được giàu có thêm nhờ sự tiến hóa của cuộc sống xã hội nhân loại, không phải vì định chế do Chúa Kitô ban cho Giáo Hội như thiếu một điều gì, nhưng là để định chế đó được hiểu biết sâu xa hơn, được diễn tả trung thực hơn và được thích nghi hoàn hảo hơn với thời đại chúng ta. Với lòng biết ơn, Giáo Hội nhận thấy rằng Giáo Hội đã được nhiều người thuộc mọi giai cấp và hoàn cảnh giúp đỡ nhiều cách cho chính cộng đoàn cũng như cho từng con cái mình. Quả thực, tất cả những ai phát triển cộng đoàn nhân loại trong phạm vi gia đình, văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị và trên bình diện quốc gia, cũng như quốc tế, đều trợ giúp không ít cho cộng đoàn Giáo Hội, theo như ý định của Thiên Chúa, trong mức độ Giáo Hội lệ thuộc những yếu tố bên ngoài. Hơn nữa, Giáo Hội còn nhìn nhận rằng chính sự chống đối của những kẻ công kích hay bách hại Giáo Hội đã và còn đang có thể giúp ích cho Giáo Hội 23.

45. Chúa Kitô, Alpha và Omega. Khi trao đổi với thế giới những sự giúp đỡ hỗ tương, Giáo Hội nhằm một mục đích duy nhất là: làm cho Nước Chúa trị đến và toàn thể nhân loại được cứu rỗi. Mọi lợi ích mà Dân Chúa trong thời gian hành trình tại thế có thể đem lại cho gia đình nhân loại đều phát xuất từ sự kiện này: Giáo Hội là "bí tích phổ quát cứu rỗi" 24, tỏ bày và đồng thời thực hiện mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với con người.

Quả thực, Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, đã làm người, là Con Người hoàn hảo, Người cứu rỗi mọi người và kết thâu vạn vật nơi Người. Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, là điểm qui tụ mọi ước vọng của lịch sử và văn minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui của tâm hồn và đáp ứng mọi niềm khao khát 25. Chính Người là Ðấng Chúa Cha đã phục sinh từ kẻ chết, đã tôn vinh và cho ngự bên hữu, đặt làm thẩm phán kẻ sống và kẻ chết. Ðược sống động và tụ họp trong Thánh Thần Ngài, chúng ta đang hành trình hướng về chung cục lịch sử nhân loại, phù hợp với ý định yêu thương của Ngài: "kết thâu tất cả trong Chúa Kitô: mọi sự trên trời dưới đất" (Eph 1,10).

Chính Chúa đã nói: "Vậy tiền công của ta sẵn đây rồi, này ta đến gấp mà trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm. Ta là Alpha và Omega, thứ nhất và sau chót, nguyên thủy và cứu cánh" (Kh 22,12-13) 50*.

 


Chú Thích:

44* Trong chương này Công Ðồng muốn trình bày vai trò của Giáo Hội ở giữa thế giới (40a): Trước hết, nhắc lại khởi nguyên của Giáo Hội, mục đích, phần tử (40b), sứ mệnh siêu nhiên cũng như tự nhiên (40c), và sự cộng tác cần thiết của mọi người (40d).

1) Vai trò đối với từng cá nhân (tương ứng với chương I trên đây): Giáo Hội soi sáng ý nghĩa ước ao của con người (41a), Giáo Hội cũng bảo vệ nhân phẩm đích thực (tìm thấy ở giữa một số cực đoan) (41b) và công nhận nhân quyền rồi đem tinh thần Phúc Âm vào việc cổ võ quyền lợi ấy (41c).

2) Ðối với xã hội (tương ứng với chương II): Giáo Hội giúp đỡ nhân loại hiệp nhất chặt chẽ hơn (42a) và đem tinh thần mới nhập vào cơ cấu xã hội. Hoạt động xã hội của Giáo Hội như vậy là hợp lý (42b,c,d).

3) Ðối với sinh hoạt xã hội (tương ứng với chương III): Ðức tin đòi phải chu toàn nhiệm vụ sinh hoạt xã hội (43a). Ðó là phận vụ riêng biệt của giáo dân đã được đào tạo và có trách nhiệm (43b). Họ phải cộng tác với người khác và lo cho ích chung (43c), trong khi đem tinh thần Kitô giáo và sinh hoạt đó (43d). Phần giáo sĩ, các ngài phải soi sáng giáo dân và phải làm gương về các đức tính xã hội (43e). Là dấu chứng về sự cứu độ, Giáo Hội phải luôn luôn nỗ lực để tự tinh luyện (43f).

4) Thế giới cũng giúp đỡ Giáo Hội: Khi Giáo Hội tiếp xúc với nhiều nền văn minh khác nhau và tìm cách rao giảng Phúc Âm một cách thích nghi, thì chính Giáo Hội trở nên phong phú hơn (44a,b). Ðàng khác mọi tiến bộ nhân loại cũng giúp ích cho Giáo Hội (44c).

5) Giáo Hội phục vụ thế giới khi làm tròn sứ mệnh riêng là mở rộng nước Thiên Chúa (44a) và rao giảng về Chúa Kitô, Ðấng đã sáng lập mọi sự đồng thời là trung tâm điểm, là cùng đích của mọi sự (44b,c).

1 Xem Phaolô VI, Tđ. Ecclesiam suam, III: AAS 56 (1964), trg 637-659.

2 Xem Tit 3,4: "Philanthropia".

3 Xem Eph 1,3; 13-14; 23.

4 Xem Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. I, số 8: AAS 57 (1965), trg 12.

5 N.v.t., ch. II, số 9: AAS 57 (1965), trg 14; - x. số 8: AAS, n.v.t., trg 11.

6 N.v.t., ch. I, số 8: AAS 57 (1965), trg 11.

7 Xem n.v.t., ch. IV, 38: AAS 57 (1965), trg 43 và ghi chú 120.

8 Xem Rm 8,14-17.

9 Xem Mt 22,39.

45* Ðối với con người hiện nay, con người giàu có với mọi hình thức nhân bản, với tất cả những tiến bộ khoa học và xã hội, Giáo Hội có thể đem đến lợi ích gì? Giáo Hội đem lại ánh sáng chính yếu để con người tự biết mình và bảo vệ nhân phẩm. Nếu không biết Thiên Chúa, con người làm sao hiểu biết sự thật thâm sâu về mình được. Không biết mình, con người không thể nào trả lời cho những vấn nạn căn bản về ý nghĩa cuộc sống, sinh hoạt và sự chết. Không biết Chúa Kitô là con người hoàn hảo, con người không thể nào trở nên đầy đủ (41a). Khi nào tự biết mình và phẩm giá đích thực của mình, con người mới có thể lên tiếng đòi cho mình các quyền lợi nhân bản một cách đầy đủ và hợp lý cũng như xứng hợp với đức tin.

46* Công Ðồng đã nhắc lại sự thống nhất của nhân loại (số 29) có nền tảng tự nhiên là sự thống nhất sinh vật, sự thống nhất về bản tính và do đó về các quyền lợi căn bản. Vả lại bản tính xã hội sẽ thúc đẩy con người hiệp nhất một ngày một hơn (số 6,25). Mặt khác sự thống nhất của nhân loại cũng có nền tảng siêu nhiên, vì, như đức tin dạy, tất cả mọi người được Thiên Chúa dựng nên và có cùng một cứu cánh là chính Thiên Chúa. Tất cả đã được Chúa Kitô cứu chuộc, tất cả đã được mời gọi để trở nên con cái Thiên Chúa và anh em với nhau. Luật mới của những con người mới ấy là luật thương yêu lẫn nhau.

Vì là một thân thể, một dân tộc duy nhất, Giáo Hội giúp đỡ nhân loại thực hiện lý tưởng thống nhất. Vì là bí tích, tức là dấu chứng và dụng cụ để giúp đỡ nhân loại kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và hiệp nhất với nhau (42c), Giáo Hội góp phần lớn lao để thống nhất loài người. Ðó chính là sứ mệnh của Giáo Hội vậy (số 92a).

10 Xem CÐ. Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. II, số 9: AAS 57 (1965), trg 12-14.

11 Xem Piô XII, Allocutio ad Cultores historiae et artis, 9-3-1956: AAS 48 (1956), trg 212: "Trong phạm vi văn hóa, vị Sáng Lập thần linh của Giáo Hội là Chúa Kitô không ban cho Giáo Hội một sứ mệnh nào cũng không ấn định một mục đích nào. Mục đích mà Chúa Kitô nhằm là thuần túy tôn giáo (...) Giáo Hội phải dẫn dắt mọi người đến với Chúa để họ phó thác cho Ngài mà không đắn đo (...) Giáo Hội không khi nào có thể để mục đích thuần túy tôn giáo, siêu nhiên này lọt ra ngoài tầm nhãn giới của mình. Ý nghĩ a mọi hoạt động của Giáo Hội cả đến tận khoản cuối cùng của Bộ Giáo Luật chỉ qui về mục đích đó cách trực tiếp hay gián tiếp".

12 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. I, số 1: AAS 57 (1965), trg 5.

47* Sống trong thế gian tín hữu phải tránh hai thái độ sai lầm: 1) bỏ sót công việc trần thế để chỉ lo cho việc đạo đức; 2) chìm đắm trong công việc trần thế và coi công việc này như không có liên quan gì đến việc đạo đức.

Qua cả hai sự sai lầm trên, người ta tách biệt đời sống tôn giáo và đời sống nghề nghiệp hay đời sống trần thế nếu nói rộng hơn (cuộc giải trí, văn hóa...) và lại hành động theo luân lý cá nhân (số 30).

Ðức tin phải ảnh hưởng trên cả đời sống và ta phải đem tinh thần Phúc Âm vào công việc trần thế: vào nghề nghiệp, vào giao thiệp với người khác, vào văn hóa, vào cuộc giải trí v.v... "Ðối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với những người lân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa": vì bổn phận trần thế là phương tiện để thực hành đức mến đối với anh em và đối với Thiên Chúa. Không thực hành đức mến tức là phạm đến toàn thể bộ luật (x. Gal 5,14). Cho nên kẻ nào xao lãng bổn phận trần thế hay là tách rời nó khỏi ảnh hưởng của tinh thần Phúc Âm tức là người không sống đạo, họ không phải là người công giáo.

13 Xem Dth 13,14.

14 Xem 2Th 3,6-13; Eph 4,28.

15 Xem Is 58,1-12.

16 Xem Mt 23,3-33; Mc 7,10-13.

17 Xem Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra, IV: AAS 53 (1961), trg 456-457 và I :n.v.t., trg 407, 410-411.

48* "3) Sau khi nhắc lại những nguyên tắc tổng quát trên đây, Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt Nam chiếu theo những sự kiện lịch sử, chính trị, xã hội, tôn giáo hiện tại trong nước, đồng thanh xác định như sau: a) Không cho phép một đảng phái nào lấy tên là "Công Giáo" hay là "Thiên Chúa Giáo", để rồi đảng ấy có thể xuất hiện như là đảng phái của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. b) Kêu mời giáo dân Công Giáo phải ý thức rằng: sức mạnh của họ trước hết phải ở trong tinh thần Chúa Giêsu - tức là tinh thần Phúc Âm được mọi người sống động và chiếu dọi chung quanh, như đã trình bày trong những đoạn nói trên. c) Tuy nhiên để áp dụng nguyên tắc số 2 ở trên, hết mọi người Công Giáo - với tư cách là người công dân - đều có thể tự do ghi tên để gia nhập đảng này hay đảng khác tùy ý, bất cứ là đảng ấy đã thành lập rồi, hay sẽ được những công dân đầy đủ khả năng, can đảm thành lập về sau.

Ghi tên vào một đảng phái như thế, đồng bào Công Giáo không cam kết Giáo Hội, nhưng chỉ cam kết cá nhân mình...

Ðồng bào Công Giáo hoạt động trong đảng phái mình đã lựa chọn, tuy nhiên cả trong hoạt động chính trị (cũng như đời sống cá nhân, gia đình, nghề nghiệp) họ phải là một nhân chứng của Chúa Kitô. Họ phải tìm cách để in sâu vào trong các tâm hồn những luật lệ, những qui chế, tinh thần Phúc Âm và học thuyết xã hội của Hội Thánh.

1) Hiện nay không có một tờ báo Công Giáo nào, hay là một tờ báo có xu hướng Công Giáo nào đã được Hàng Giáo Phẩm chỉ định để làm tiếng nói chính thức cho Công Giáo...

2) Có những báo chí đã được thành lập do một số giáo dân Công Giáo nhiệt thành, quảng đại; đó là quyền lợi riêng của họ và chúng tôi thêm rằng: đó là nghĩa vụ của họ. Chúng tôi để lời khen ngợi họ đã có sáng kiến tốt đẹp như thế, và chúng tôi hết sức khuyên họ hãy tiếp tục bền vững".

(Thư luân lưu của H.Ð.G.M.V.N., ngày 22 tháng 1 năm 1964, x. trong báo Sacerdos, số 27, tháng 3 năm 1964, (trg 170-171; 172-173).

18 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. III, số 28: AAS 57 (1965), trg 34-35.

19 N.t., số 28: AAS, n.v.t., trg 35-36.

20 Xem T. Ambrosiô, De Virginitate, ch. VIII, số 48: PL 16, 278.

21 CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. II, số 15: AAS 57 (1965), trg 20.

49* Từ xưa tới nay, thế giới cũng đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội. Quả quyết như vậy là xác nhận một sự kiện lịch sử, nhưng có lẽ chỉ gần đây tín hữu mới ý thức về sự kiện ấy. Giáo Hội lãnh nhận nhiều:

1) Trong lãnh vực tư tưởng nhờ các kho tàng của nhiều nền văn minh khác nhau. Tất cả những gì giúp ta hiểu biết hơn về con người và thế giới đều giúp đỡ Giáo Hội: giáo dục, văn hóa, khoa học...

2) Trong lãnh vực cơ cấu xã hội: từ đầu, Giáo Hội đã chịu ảnh hưởng của nếp sống Do Thái, của pháp lý La Mã và Ðức Quốc, và ít hay nhiều của phong tục các dân tộc khác nữa. Pháp lý các xứ truyền giáo đã ảnh hưởng rất nhiều đến pháp lý chung của Giáo Hội chẳng hạn. Hiện nay ta thấy ảnh hưởng của chế độ dân chủ qua những phong trào phân quyền, nhiều cơ quan mới như Thượng Hội Ðồng Giám Mục, Hội Ðồng Giám Mục, Hội Ðồng Linh Mục, v.v...

3) Trong lãnh vực sinh hoạt: khi các Quốc Gia và các Tổ Chức quốc tế kính trọng sự tự do của Giáo Hội, mời Giáo Hội cộng tác, giúp Giáo Hội hoạt động, hay là mặc dầu không muốn nhờ Giáo Hội, nhưng khi các Tổ Chức ấy cố gắng nâng cao con người nhờ việc giáo dục, nhờ việc bảo đảm nhân quyền, v.v... thực ra họ đã làm những công việc có chung mục đích với Giáo Hội.

Là người Việt Nam hay làm việc ở Việt Nam, ta phải nhấn mạnh câu "Rao giảng lời mạc khải cách thích nghi như vậy còn phải là luật lệ cho mọi công cuộc truyền giáo". Sau hơn ba thế kỷ từ khi Phúc Âm tới Việt Nam, phải chăng Ðạo chúng ta còn thấm nhuần màu sắc ngoại quốc quá đáng? Người ngoại giáo có cảm tưởng đó không?

22 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. II số 13: AAS (1965), trg 17.

23 Xem Justinô, Dialogus cum Tryphone, ch. 110: PG 6, 729, x.b. Otto, 1897, trg 391-393: ... "nhưng chúng ta càng chịu nhiều khổ nhục ấy, lại càng có nhiều người trở thành tín hữu và đạo đức nhờ danh Chúa Giêsu". - Xem Tertullianô, Apologeticus, ch. L, 13: PL I, 534; Corpus Christ., ser. Lat. I, trg 171: "càng bị các người gặt (bách hại) chúng tôi càng trở nên đông đúc hơn: máu tử đạo là hạt giống nảy sinh Kitô hữu!" - X. Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. I I số 9: A AS 57 (1965), trg 14.

24 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. VII, số 48: AAS 57 (1965), trg 53.

25 Xem Phaolô VI, Huấn từ 3-2-1965: L'Osservatore Romano, 4-2-1965.

50* Alpha và Omega là chữ đầu và chữ cuối của mẫu tự Hy Lạp. Câu nói có nghĩa là khi dùng các chữ trong mẫu tự, ta có thể viết ra tất cả những gì ta muốn. Vậy thì, nói về Chúa (cũng như về Thiên Chúa Cha: Kh 1,8) có nghĩa là Chúa có toàn quyền để phán xét nhân loại.

 

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
Ngôi mộ trống

Nguồn: http://hdgmvietnam.org/ngoi-mo-trong/2844.54.11.aspx

“Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).

 

Vào thuở bình minh của nhân loại, trước khi Thiên Chúa tạo dựng đất trời và muôn loài muôn vật, thế giới là một mớ hỗn mang, bóng tối bao trùm vực thẳm (x. St 1,2).

Vào lúc Thiên Chúa chuẩn bị thực hiện một cuộc sáng tạo mới, các môn đệ đứng trước một ngôi mộ trống ảm đạm, trong tâm trạng bi quan và hoảng loạn (x. Ga, 20,19).

Trong công trình sáng tạo thuở ban đầu, Thiên Chúa đã dùng Lời của Ngài làm cho muôn vật muôn loài từ hư vô trở thành hiện hữu (x. St 1,1-25).

Trong công trình sáng tạo mới, Thiên Chúa đã qua Ngôi Lời nhập thể để quy tụ muôn loài muôn vật trong ánh sáng của sự phục sinh (x. Ep 1,10).

Khởi từ giấc ngủ của Ađam thứ nhất, Thiên Chúa đã tạo dựng người phụ nữ có tên là Evà, là mẹ của chúng sinh (x St 2,21).

Khởi từ sự chết của Đức Giêsu, vị Ađam cuối cùng, Thiên Chúa làm phát sinh cộng đoàn tín hữu có tên là Giáo Hội, xinh đẹp, không tỳ ố không vết nhăn (x. Ep 5,27).

Ngôi mộ trống của ngày thứ nhất trong tuần là khởi nguồn của biết bao suy tư.

– Ngôi mộ trống nói với chúng ta về quyền năng của Thiên Chúa

Nếu ngôi mộ trống là lý do để một số kỳ lão Do Thái phao tin đồn các môn đệ đã lấy cắp xác người đã được an táng trong mộ, thì đối với các tín hữu, ngôi mộ trống lại là bằng chứng của quyền năng Thiên Chúa. Nếu vào buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần, khi các phụ nữ ra viếng mộ mà họ vẫn còn thấy ngôi mộ đóng kín, thì đó là chuyện rất đỗi bình thường, vì cái chết của Đức Giêsu cũng chỉ giống như cái chêt của biết bao người khác trong cõi nhân sinh này. Người đã chết vẫn nằm trong ngôi mộ, có gì đặc biệt mà phải ầm ĩ? Nhưng không, các phụ nữ ngạc nhiên và lo sợ vì họ “không thấy thi hài Đức Giêsu đâu cả” (Lc 24,3). Cả bốn tác giả Tin Mừng đều thuật lại hiện tượng này. Mặc dù cách thức diễn tả có khác nhau, nhưng cả bốn vị đều nhằm khẳng định: ngôi mộ trống!

Chính từ ngôi mộ trống này mà quyền năng Thiên Chúa thể hiện. Bởi lẽ nếu ngôi mộ trống, tức là thân xác Đức Giêsu không còn ở đó nữa. Người đã sống lại. Các thiên sứ loan báo Đức Giêsu sống lại qua câu hỏi dành cho những phụ nữ: “Sao các bà lại tìm người Sống ở giữa kẻ chết?” (Lc 24,5). Trước đó, các bà đã từng chứng kiến cơn hấp hối đau thương của Đức Giêsu trên thập giá (x. Lc 23,49). Giờ đây, tin Chúa sống lại quá đột ngột đối với các bà, khiến các bà vừa sợ hãi vừa vui mừng.

Vâng, Thiên Chúa là Đấng quyền năng trên sự sống và sự chết. Đức Giêsu đã nhiều lần loan báo cái chết của Người, nhưng sứ mạng của Người không dừng lại ở nấm mồ, cuộc đời của Người không kết thúc ở cái chết. Người đã trỗi dậy giữa những kẻ chết nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Sinh thời, Đức Giêsu đã làm cho ông Ladarô chết bốn ngày được sống lại. Giờ đây, chính Người bước ra từ nấm mồ, vì Người là Thiên Chúa quyền năng. Người là chủ sự sống. Người có quyền trên sự chết. Người đã chiến thắng sự chết và qua đó, Người giải phóng con người khỏi nỗi sợ hãi do sự chết ám ảnh.

– Ngôi mộ trống nói về Thiên Chúa,

Đấng vừa hiện diện vừa vắng mặt giữa chúng ta

Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời này. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự hiện hữu của Ngài:

“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa

Không trung loan báo việc tay Ngài làm” (Tv 19,2).

Thiên Chúa hiện hữu mọi nơi. Ngài là Đấng quyền năng, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian:

“Con có lên trời, Chúa đang ngự đó

Nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài” (Tv 139,8)

Tuy vậy, chúng ta lại không thể cảm nhận Thiên Chúa bằng giác quan, như chúng ta thường gặp gỡ tiếp xúc những người xung quanh. Vì vậy, có tác giả đã gọi sự hiện diện của Thiên Chúa là “sự-hiện-diện-vắng-mặt”. Ngài ở đây, nhưng ta lại không nhìn thấy. Ngài vẫn có quanh ta, nhưng lại không giáp mặt Ngài. Người ta không thể làm thế nào để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa như chứng minh một định đề toán học hay một sự vật trong thế giới thực nghiệm, nhưng người ta cũng không thể phủ nhận được sự hiện hữu của Ngài trong kiếp nhân sinh.

Ngôi mộ trống muốn nói với chúng ta: mặc dù chúng ta không thể chạm tới Thiên Chúa bằng những tiếp xúc thể lý, nhưng Ngài vẫn hiện diện trong cuộc đời này. Nếu chúng ta không thể gặp gỡ Ngài “mặt giáp mặt”, thì chúng ta lại có thể gặp gỡ Ngài qua cái nhìn của đức tin và tình mến. Chính vào lúc chứng kiến cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, viên đại đội trưởng đã tuyên bố: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54). Ông nhận ra sứ mạng thiên sai của Đức Giêsu không phải vào một thời điểm vinh quang huy hoàng, nhưng lại vào giây phút khổ đau đến tột cùng của con người bị treo trên cây gỗ.

Hiệu quả của công cuộc cứu độ do Đức Giêsu thực hiện cũng là một thực tại vừa “đã rồi” vừa “chưa xong”. Quả vậy, Nước Trời Đức Giêsu loan báo đã khởi đầu trong cuộc sống hôm nay, nhưng đang từng bước tiến triển và chưa hoàn thành. Giáo Hội là cộng đoàn tín hữu do chính Đức Kitô thiết lập. Cộng đoàn này là một dân lữ hành đang trên đường tiến về đời sau. Vì là một dân lữ hành nên còn nhiều khiếm khuyết, cần được thanh tẩy và tinh luyện mỗi ngày, cho tới khi đạt được hạnh phúc trọn hảo đời sau.

– Ngôi mộ trống nói với chúng ta về cuộc sống con người

Vừa mang tính hiện tại vừa hướng về tương lai

Mỗi ngày, có biết bao khách hành hương tuôn về Giêrusalem để viếng nhà thờ Mộ thánh, nơi còn ngôi mộ đã an táng Đức Giêsu. Họ đến đây để cùng suy tư về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu cách đây 2000 năm. Ngôi mộ trống ở Giêrusalem hôm nay vừa nhắc chúng ta về cuộc khổ nạn của thời quá khứ, vừa hướng chúng ta về với tương lai. Mỗi khi dừng lại bên nấm mộ của người thân, mỗi chúng ta đều trải nghiệm về sự mỏng giòn chóng qua của kiếp con người. Ngôi mộ trống vẫn mở ra từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần cách đây 2000 năm là một lời tuyên xưng vào sự sống vĩnh cửu cho những ai tin vào Đức Giêsu. Vâng, sau một cuộc đời được đan xen giữa những vui mừng và đau khổ, thất bại và thành công, thật là một điều phi lý nếu con người bị chôn vùi mãi mãi trong lòng đất. Đức tin Công giáo tuyên xưng “xác loài người ngày sau sống lại”. Tuy vậy, dù được sống lại, số phận của mỗi người lại không giống nhau: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (Đn 12,2).

Giáo lý Công giáo dạy: Nơi Đức Giêsu phục sinh, các Kitô hữu được nếm “những sức mạnh của thế giới tương lai và đời sống của họ được Đức Kitô lôi cuốn vào trong lòng đời sống thần linh, “để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 655).

Ngôi mộ trống nói với chúng ta: con người không chỉ có phần xác mà còn là phần linh hồn; không chỉ có hôm nay mà còn có ngày mai. Thật lạ lùng, từ 20 thế kỷ nay, ngôi mộ trống bình thường là thế mà lại thu hút biết bao khách hành hương tiến về Giêrusalem. Khá nhiều người đến cầu nguyện nơi đây đã được thay đổi cuộc đời. Họ đã nhận ra Thiên Chúa từ một ngôi mộ trống. Họ nhìn thấy tương lai từ một tấm huyệt mở. Họ đã gặp gỡ chính bản thân mình qua không gian đơn sơ mà linh thiêng này.

Dù chúng ta không thể hành hương đến Giêrusalem, ngôi mộ trống vẫn đang hiện diện giữa chúng ta. Lễ Phục sinh chuyển tải đến chúng ta một thông điệp: người tín hữu được sống lại cùng Đức Kitô, hãy cùng nắm tay nhau để giới thiệu một Thiên Chúa đang hiện diện, để cùng xây dựng tương lai từ ngày hôm nay.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

VỀ MỤC LỤC
Tân Chân phước Gioan Phaolô II với Giáo Hội tại Việt Nam
 

Nguồn: http://hdgmvietnam.org/tan-chan-phuoc-gioan-phaolo-ii-voi-giao-hoi-tai-viet-nam/2820.57.7.aspx

WHĐ (23.04.2011) – Ngày 1-05-2011, tại Rôma, sẽ diễn ra lễ tôn phong Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II lên bậc Chân phước.

Thánh lễ tôn phong sẽ do Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin thời Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, chủ tế.

Như vậy sau đúng 6 năm và 1 tháng kể từ ngày qua đời, Đức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng của thời đương đại, được tôn kính ở bậc Chân phước. Đây là trường hợp rất hiếm có trong lịch sử phong thánh của Giáo hội.

Đối với Dân Chúa tại Việt Nam, Đức Gioan Phaolô II, vị tân Chân phước, là một Vị Mục Tử, một Người Cha, một Người Bạn Lớn, một Ân nhân, người đã dành nhiều quan tâm và ưu ái cho cộng đồng Dân Chúa cũng như nhân dân Việt Nam.

Trong 27 năm được Đức Gioan Phaolô II lãnh đạo (1978 – 2005), Giáo Hội trên thế giới và tại Việt Nam được hưởng nhờ bao ơn ích từ những giáo huấn, quyết định, sự sắp đặt và tài lãnh đạo, nhất là gương sáng của ngài.

Bản liệt kê dưới đây mới chỉ gợi lên một số nét về những sự việc, sự kiện, con người trong mối quan hệ giữa Vị Mục tử của Hội Thánh và Dân Chúa tại Việt Nam.

Tư liệu chưa được đầy đủ và chưa được khai thác hết, nên bản liệt kê mới chỉ có ý nghĩa phác họa, nhưng cũng xin được gửi đến quý độc giả của WHĐ, như góp thêm một bông hoa nhỏ đặt nơi bàn thờ tôn kính Tân Chân phước Gioan Phaolô II – Karol Wojtyla.

 

 

1978

– Ngày 16-10: Đức Hồng y Karol Wojtyla, Tổng Giám mục Krakow (Ba Lan) đắc cử Giáo hoàng, lấy sứ hiệu Gioan Phaolô II, trở thành vị Giáo hoàng thứ 264 của Giáo hội Công giáo.

Giáo hội Công giáo tại Việt Nam cầu nguyện, tạ ơn, bày tỏ sự tuân phục và hiệp nhất với Đức tân Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

1979

– Ngày 10-01, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ðức cha Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương làm Giám mục GP Hải Phòng, và Ðức cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp, Giám mục GP Vinh.

– Ngày 4-03, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành Thông điệp Redemptoris Hominis (Đấng Cứu chuộc loài người).

– Ngày 26-5, ĐGH Gioan Phaolô II đặt Đức TGM Giuse Trịnh Văn Căn lên hàng Hồng y.

– Ngày 4-07, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ðức cha Giuse Maria Vũ Duy Nhất làm GM phó GP Bùi Chu.

– Ngày 16-10, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành Tông huấn Catechesi Tradendae về việc dạy Giáo lý

– Ngày 30-10, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ðức cha Giuse Maria Ðinh Bỉnh làm GM phó GP Thái Bình.

1980

– Từ 24-04 đến 1-05, lần đầu tiên các Giám mục Viêt Nam cùng nhau họp Hội đồng Giám mục tại Hà Nội. Đại hội đã đặt ra quy chế và thiết lập cơ cấu hoạt động của HĐGMVN. Bế mạc Đại hội, trong Thư chung của HĐGMVN, ngoài việc đề ra đường lối hoạt động mục vụ thống nhất, các giám mục bày tỏ sự hiệp nhất với Đức Giáo hoàng, vị đại diện của Chúa Kitô, người được Chúa trao trách nhiệm ‘chăn dắt đoàn chiên của Người’ (Ga 21, 15-18), và ‘làm cho anh em vững mạnh’ (Lc 22, 32).

– Các giám mục VN viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô - ad limina - tại Rôma, yết kiến ĐGH.

– Cùng với Hội Thánh khắp nơi, GH tại VN đón nhận và học hỏi Thông điệp Dives in misericordia (Thiên Chúa giàu lòng thương xót) được ĐGH ban hành ngày 30-11.

1981

– Ngày 24-03, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ðức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang làm GM phụ tá TGP Hà Nội.

– Ngày 26-03, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ðức cha Phêrô Trần Thành Chung làm GM phó GP Kontum.

– Ngày 19-06, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ðức cha Giuse Trịnh Chính Trực làm GM phó GM Ban Mê Thuột.

– Cùng với Hội Thánh khắp nơi, GH tại VN đón nhận và học hỏi Thông điệp Laborem exercens được ĐGH ban hành ngày 14-09.

– Ngày 22-11, ĐGH ban hành Tông huấn Familiaris Consortio về đời sống gia đình.

1982

Ngày 8-06, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ðức cha Louis Hà Kim Danh làm GM phó GP Phú Cường.

1983

Ngày 25-03: Giáo Hội tại VN cùng Giáo Hội khắp nơi khai mạc Năm Thánh Cứu chuộc do ĐGH Gioan Phaolô II thiết lập, kỷ niệm 1950 năm Chúa Giêsu chịu chết để cứu chuộc loài người.

1984

– Trong chuyến viếng thăm mục vụ Á châu, ngày 10-05, khi bay từ Quần đảo Papua Tân Ghinê đến Thái Lan, qua không phận Việt Nam, ĐGH Gioan Phaolô II gửi điện văn chào thăm mọi người và các tín hữu Công giáo Việt Nam.

– Ngày 2-12, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành Tông huấn Reconcilio et Paenitentia về Bí tích Hòa giải.

1985

– Tháng 10, Tại Roma, ĐHY Giuse Trịnh Văn Căn và Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới khóa đặc biệt kỷ niệm 20 năm Công đồng Vatican 2 (1965-1985).

– Ngày 24-11, ĐGH Gioan Phaolô II đã gửi cho HĐGMVN sứ điệp nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Hàng Giáo phẩm VN.

– Tháng 12, các giám mục VN viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô – ad limina, và yết kiến ĐGH Gioan Phaolô II.

1986

Cùng với Hội Thánh khắp nơi, GH tại VN đón nhận và học hỏi Thông điệp Dominum et Vivificantem được ĐGH ban hành ngày 18-11.

1987

– Ngày 25-03, ĐGH  Gioan Phaolô II ban hành Thông điệp Redemptoris Mater (Mẹ Đấng Cứu chuộc).

– Ngày 22-6, ĐGH Gioan Phaolô II chuẩn y Sắc lệnh Tôn phong Hiển thánh cho 117 chân phước tử đạo VN.

– Ngày 24-6, ĐHY Giuse Trịnh Văn Căn gửi điện văn cho ĐHY Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, bày tỏ lòng biết ơn của cộng đồng dân Chúa tại Việt Nam về việc ĐGH Gioan Phaolô II đã chuẩn y việc phong thánh cho 117 chân phước Tử đạo VN.

1988

–  Sự kiện trọng đại: Ngày 19-6, ĐGH Gioan Phaolô II tuyên phong Hiển Thánh cho 117 chân phước tử đạo VN.

Trong bài giảng Thánh lễ Phong Thánh tại Rôma, ĐGH nhắn nhủ Dân Chúa tại VN:

“Một lần nữa, giữa giáo đoàn Việt Nam, chúng tôi nói lại cho anh em rằng: máu các Tử Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong ĐỨC TIN. Giữa anh em, Đức tin của Tổ Tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. ĐỨC TIN này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần túy sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn còn là người tín hữu của Chúa Kitô. Ai là người tín hữu đều ý thức rằng: Lời kêu gọi của Phúc Âm vẫn là phải tuân phục các thể chế loài người, để tôn thờ tình yêu Thiên Chúa bằng cách làm việc thiện, sống xứng đáng con người tự do, kiêng nể tha nhân, yêu thương anh em, kính sợ Thiên Chúa và tôn trọng công quyền và thể chế quốc gia (1Pr 2, 13-17). Do đó, công ích của quốc gia vẫn là điểm người công dân có đạo phải dấn thân, nhưng đồng thời phải được tự do tuyên xưng chân lý của Chúa, được cảm thông với các vị Chủ chăn và anh em đồng tín ngưỡng: và như thế là để sống an bình với mọi người và thực tâm xây dựng hạnh phúc cho toàn dân” (Bản tiếng Việt do Đức Ông V. Trần Ngọc Thụ chuyển ngữ).

– Ngày 15-08, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành Tông thư Mulieris Dignitatem (Phẩm giá của phụ nữ).

– Ngày 14-11, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến làm GM phó GP Phát Diệm.

– Ngày 15-12, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến làm GM phó GP Bắc Ninh.

– Ngày 30-12, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành Tông huấn Christifideles laici về giáo dân. Đây là một trong những giáo huấn được học hỏi và vận dụng sâu rộng tại VN.

1989

– ĐGH Gioan Phaolô II cử ĐHY Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình thăm VN với Sứ điệp của ngài gửi cộng đoàn Dân Chúa:“Tấm gương minh chứng cho tình yêu đã được đông đảo các vị giám mục, linh mục, và giáo dân nêu cao qua sự hy sinh đổ máu vì Chúa Kitô ngày xưa đang khích lệ anh em trong cuộc sống hằng ngày và giúp anh chị em nhìn tương lai với niềm hy vọng. Ước gì người VN hôm nay, theo chân các Thánh của mình, sẽ tiếp tục nêu gương anh dũng, kiên trì và thiện chí sống hòa hợp như Chúa Kitô và trong tinh thần liên đới mà Ngài đã rao giảng”.

1990

– Ngày 23-05, ĐHY Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình, được ĐGH Gioan Phaolô II củ làm đặc sứ, sang VN dự lễ tang ĐHY Giuse Trịnh Văn Căn. Nhân dịp này, ĐHY chuyển lời nhắn nhủ của ĐGH đối với toàn thể dân Chúa tại VN: “Anh chị em hãy hãnh diện là người VN, hãy yêu mến tổ quốc của anh chị em. - Hãy hãnh diện là tín hữu Công Giáo, hãy yêu mến GH của anh chị em, để làm vinh danh Chúa và mang lại phần rỗi cho toàn thế giới”.  

– Tháng 11, các giám mục VN về Rôma viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô – ad limina. Trong huấn từ tiếp kiến các giám mục VN ngày 24-11, ĐGH Gioan Phaolô II đã nói: “Tôi xin lưu ý về sứ mạng của HĐGM. Hội đồng có nhiệm vụ giúp anh em củng cố tình đoàn kết giữa các giáo phận trong những miền khác nhau của đất nước. Trong tổ chức HĐGM, anh em có thể nâng đỡ nhau một cách hữu hiệu, để có thể thi hành một cách hữu hiệu hơn trách vụ mục tử của anh em, đồng thời đối thoại xây dựng với những người lãnh đạo xã hội... Những phận vụ khác nhau của HĐGM sẽ giúp anh em xác định vị trí của Giáo Hội trong quốc gia một cách rõ rệt hơn. Sự cộng tác tín nhiệm lẫn nhau sẽ giúp anh em tạo những điều kiện tốt đẹp hơn để phát triển đời sống của Giáo Hội, đồng thời thực thi những sứ vụ mà Giáo Hội muốn dành cho dân tộc Việt Nam”.

– Ngày 3-12, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu làm Giám mục GP Hưng Hóa.

– Cùng với Hội Thánh khắp nơi, GH tại VN đón nhận và học hỏi Thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ đấng Cứu thế) được ĐGH ban hành ngày 7-12.

1991

– Ngày 1-05, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Centesimus Annus (Năm thứ 100) kỷ niệm 100 năm Thông điệp Rerum Novarum (Tân sự).

– Ngày 11-10, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm Giám mục phó GP Đà Lạt.

1992

– Ngày 15-2, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức TGM Stêphanô Nguyễn Như Thể làm thành viên HĐ Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn.

– Ngày 6-03, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm làm Giám mục phụ tá GP Xuân Lộc.

– Ngày 25-03, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành Tông huấn Pastores Dabo Vobis về đào tạo linh mục.

– Ngày 6-07, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên làm GM phó GP Vinh.

– Ngày 25-11, trong buổi tiếp hàng tuần, ĐGH Gioan Phaolô II ngỏ lời với phái đoàn VN do do Đức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận và Đức TGM Stêphanô Nguyễn Như Thể dẫn đầu: “Ước gì chứng tá và lời cầu bầu của Các Thánh Tử đạo VN nâng đỡ mọi Kitô hữu VN, những người đang cố gắng sống Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh. Tôi thấu hiểu những khó khăn và hy sinh gian khổ mà anh chị em Công giáo VN đang gánh chịu trong cuộc sống hàng ngày”.

1993

– Ngày 22-03, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Gioan B. Phạm Minh Mẫn làm GM phó GP Mỹ Tho.

– Ngày 27-4, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức TGM Nguyễn VănThuận và Đức cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật làm cố vấn của Bộ Truyền Giáo.

– Cùng với Hội Thánh khắp nơi, GH tại VN đón nhận và học hỏi Thông điệp Veritatis Splendor (Chân lý rạng ngời) được ĐGH ban hành ngày 6-08. Nhiều nhóm dịch thuật tại VN đã nhanh chóng chuyển ngữ văn kiện quan trọng này.

– 15-08, bế mạc Đại hội Giới trẻ thế giới tại Denver (Hoa Kỳ), ĐGH Gioan Phaolô II tiếp kiến phái đoàn VN và ban huấn từ: “Tôi muốn nói lên tâm tình quí mến chân thành đối với toàn thể dân tộc VN. Tôi ngưỡng mộ lòng can đảm và kiên trì nhờ đó họ đang cố gắng vượt thắng những trở ngại lớn lao do những kinh nghiệm đau thương gây ra. Có lẽ thách đố lớn nhất hiện nay là hàn gắn mọi tâm tình khó chịu hoặc chia rẽ nảy sinh và lớn lên giữa các công dân của cùng một quốc gia. Quá nhiều đau khổ đã để lại những vết thương sâu đậm. Công trình tái thiết chỉ có thể thực hiện được với sự cộng tác của mỗi người, và đối lại, điều này kêu gọi mọi người phải tôn trọng, tha thứ và đồng tâm hiệp lực với nhau”.

1994

– Ngày 23-03, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Phaolô Lê Đắc Trọng làm GM phụ tá TGP Hà Nội.

– Ngày 10-11, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành Tông thư Tertio Millenio Adveniente (Thiên niên kỷ thứ ba đang đến). Văn kiện này được đón nhận nồng nhiệt tại VN. Nhiều nơi đã tổ chức học hỏi, thảo luận dựa trên những bản chuyển ngữ được thực hiện rất sớm.

– Ngày 24-11, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận làm Phó chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình.

– Ngày 24-11, ĐGH Gioan Phaolô II đặt Đức TGM Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng lên hàng Hồng y.

1995

– Ngày 25-03, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành Thông điệp Evangelium Vitae và ngày 25-05 ban hành Thông điệp Ut Unum Sint.

– Ngày 1-07, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (TGP. TPHCM) từ trần tại Sài Gòn. ĐGH Gioan Phaolô II gửi điện văn chia buồn và cử đặc sứ tham dự lễ An táng.

– Ngày 12-12, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng làm thành viên Bộ Truyền Giáo và Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum Đồng Tâm.

– Xuất bản sách Bước qua ngưỡng cửa Hy vọng của ĐGH Gioan Phaolô II (nguyên bản tiếng Ý). Tại VN, sách nhanh chóng được chuyển ngữ và được độc giả đón nhận nồng nhiệt.

1996

– Ngày 25-03, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành Tông huấn Vita Consecrata về đời sống thánh hiến.

– Ngày 10-6, ĐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, đã đại diện ĐGH Gioan Phaolô II gửi điện văn cho Đại hội La Vang: “ĐTC khuyến khích các tín hữu sống đức tin cách kiên cường và can đảm, trong tinh thần hiệp thông sâu đậm với Giáo Hội. Như thế, các tín hữu sẽ xây dựng GH là thân thể sống động của Chúa Kitô”.

– Ngày 14-12, các giám mục VN viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và yết kiến ĐGH Gioan Phaolô II.

1997

Ngày 21-04, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức làm GM phó GP Ban Mê Thuột và Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nho làm GM phó GP Nha Trang.

1998

– Ngày 1-03, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (GM phó GP Mỹ Tho) làm Tổng Giám mục TGP. TPHCM.

– Ngày 31-05, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành Tông thư Dies Domini (Ngày của Chúa) hướng dẫn mục vụ về ngày Chúa nhật.

– Ngày 24-06, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình.

– Ngày 14-09, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành Thông điệp Fides et Ratio.

– Ngày 5-11, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ làm Giám mục GP Phú Cường.

– Ngày 29-11, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành Tông sắc Incarnationis Mysterium (Mầu nhiệm Nhập thể) công bố mở Năm Thánh 2000, kỷ niệm 2000 năm Chúa Giáng sinh. GH tại VN đón nhận Tông sắc với niềm hân hoan.

1999

– Ngày 6-01, tại Rôma, ĐGH Gioan Phaolô II tấn phong GM cho Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục GP Phú Cường.

– Ngày 26-03, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc làm Giám mục GP Mỹ Tho.

– Ngày 3-06, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn làm Giám mục GP Quy Nhơn.

– Ngày 29-06, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt làm Giám mục GP Lạng Sơn và Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu làm GM phó GP Long Xuyên.

– Ngày 6-11, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành Tông huấn Ecclesia in Asia (Giáo hội tại Á Châu), văn kiện hậu Thượng Hội đồng GM Á Châu. Văn kiện này là tài liệu căn bản cho những định hướng mục vụ tại Á Châu nói chung và tại VN nói riêng.

– Ngày 24-12: Giáo Hội khắp thế giới và tại VN khai mạc Năm Thánh 2000 do ĐGH Gioan Phaolô II thiết lập.

2000

Sự kiện trọng đại: Ngày 5-03, ĐGH Gioan Phaolô II tôn phong Thày giảng Anrê Phú Yên lên bậc Chân Phước.

Trong bài giảng Thánh lễ, ĐGH nhắn nhủ cộng đoàn Dân Chúa tại VN:  “Cuộc sống của Anrê Phú Yên đã cho chúng ta thấy quyết tâm của một con người không chấp nhận chối bỏ niềm tin, dù phải đối đầu với bạo lực. Giới trẻ có thể rút ra sức mạnh và sự can trường từ tấm gương của con người sẵn sàng hy sinh mạng sống vì anh em mình. Chớ gì tất cả các môn đệ của Đức Kitô tìm thấy nơi vị Chân Phước trẻ này sức mạnh và sự nâng đỡ trong cơn thử thách!”

– Từ ngày 12 đến 18-03, Đức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, giảng Tĩnh tâm Mùa Chay cho Giáo triều Roma, theo lời mời của ĐGH Gioan Phaolô II.

– Ngày 10-05, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh làm Giám mục phó GP Đà Nẵng, và Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân, GM phó GP Vĩnh Long.

2001

– Ngày 6-01, bế mạc Năm Thánh 2000, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành Tông thư Novo Millennio Ineunte (Bước vào thiên niên kỷ thứ ba).

– Ngày 21-02, ĐGH Gioan Phaolô II nâng Đức TGM Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, lên hàng Hồng y.

– Ngày 4-07, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm làm Giám mục GP Bùi Chu, Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, GM phó GP Phan Thiết và Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, GM phụ tá TGP TP.HCM.

– Ngày 24-11, ĐGH Gioan Phaolô II  bổ nhiệm Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo làm cố vấn Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn.

2002

– Ngày 22-01, các giám mục VN viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và yết kiến ĐGH Gioan Phaolô II. Trong huấn từ, ĐGH nhắn nhủ công đồng Dân Chúa tại VN: “Như Công Đồng đã nhắc nhở chúng ta ‘Giáo Hội với sứ mạng và chức năng của mình, trong mọi trường hợp, không thể lẫn lộn với một cộng đồng chính trị và không bị gắn liền với bất cứ hệ thống chính trị nào’. Bởi vậy cộng đồng chính trị và Giáo Hội độc lập với nhau và tự trị trong lãnh vực riêng của mình. Tuy nhiên, vì cả hai cùng được mời gọi hoàn thành sứ mạng riêng biệt phục vụ cùng một tập thể con người, và phục vụ sẽ càng hữu hiệu ‘nếu cả hai thực hiện nhiều hơn nữa một sự hợp tác lành mạnh với nhau’ (Gaudium et Spes ). Để thực hiện sự hợp tác lành mạnh này, Giáo Hội chờ đợi nơi chính quyền một sự tôn trọng toàn diện sự độc lập và tự chủ của Giáo Hội. Cái quý giá nhất của tự do đã được đề cập đến trong Công Đồng Vatican II, trong những tuyên ngôn và những quy ước quốc tế, có liên quan đến tất cả cá nhân lẫn cộng đồng tôn giáo”.

– Ngày 23-2, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Giuse Vũ Duy Thống làm thành viên Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa.

– Ngày 2-05, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành Tông thư Misericordia Dei (Lòng thương xót của Thiên Chúa), hướng dẫn mục vụ về cử hành Bí tích Hòa giải.

– Ngày 16-09, ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, qua đời tại Rôma.

Trong điện văn chia buồn gửi Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐGMVN, ĐGH Gioan Phaolô II viết: “Gương mặt linh mục và giám mục cao cả này của xứ sở hiền huynh với lòng trung tín và can đảm gương mẫu, Ngài làm chứng cho đức tin của Ngài trong Chúa Kitô, bằng cách kết hợp chặt chẽ với sứ vụ Ngài qua thừa tác vụ và cho tới đường thương khó qua sự đau khổ mà Ngài phải chịu”.

Trong Thánh lễ an táng hôm 20-09, ĐGH Gioan Phaolô II đã nhắc lại lời nói của Đức cố HY: “Trong vực thẳm những đau khổ của tôi, tôi không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, tôi không hề loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi”. ĐGH đã nêu cao chúc thư tinh thần của Đức cố HY: “Tôi thanh thản ra đi, và tôi không giữ lòng oán hận nào đối với ai. Tôi dâng tất cả những đau khổ tôi đã trải qua cho Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Giuse”.

– Ngày 16-10, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành Tông thư Rosario Virginis Mariae (Tràng hạt Mân Côi) khai mạc Năm Mân Côi. Trong dịp này ĐGH công bố việc đặt thêm Năm Mầu nhiệm Sự Sáng vào Phép Lần hạt Mân Côi. HĐGMVN đã công bố bản tiếng Việt Kinh Năm Sự Sáng này. 

– Ngày 25-11, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Tốt làm Tổng Giám mục, hiệu tòa Rusticiana, Sứ thần Tòa Thánh tại Bénin và Togo. Đức tân TGM Phêrô là người VN đầu tiên đảm nhận sứ vụ này.

– Ngày 26-11, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên làm Giám mục GP Hải Phòng, Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, GM phó GP Cần Thơ.

2003

– Ngày 6-01, tại Rôma, ĐGH Gioan Phaolô II tấn phong giám mục cho Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Sứ thần Tòa Thánh tại Bénin và Togo. Ngày 7-01, ĐGH tiếp Đức tân TGM, Đức cha Phêrô Trần đình Tứ (GM Phú Cường) và gia đình của Đức tân TGM.

– 17-04, ĐGH Gioan Phaolô II ban hành Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, thông điệp cuối cùng trong sứ vụ giáo hoàng của ngài.

– Ngày 16-07, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh làm Giám mục GP Kontum.

– Ngày 5-08, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Antôn Vũ Huy Chương làm Giám mục GP Hưng Hóa.

– Ngày 21-10, ĐGH Gioan Phaolô II đặt Đức TGM GB. Phạm Minh Mẫn, TGP TP.HCM, lên hàng Hồng y.

2004

– Ngày 21-05, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh làm Giám mục GP Thanh Hóa.

– Ngày 30-09, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh làm Giám mục GP Xuân Lộc

2005

– Ngày 24-01, ĐGH ban hành Tông thư Sự phát triển nhanh chóng, đưa ra những hướng dẫn mục vụ về hoạt động truyền thông.

– Ngày 19-02, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng làm Giám mục phụ tá TGP Huế.

– 19-03, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt (GM Lạng Sơn) làm TGM Hà Nội. Đây là lần bổ nhiệm GM cuối cùng của ngài cho GH tại VN.

– Ngày 2-04, ĐGH Gioan Phaolô II qua đời tại Rôma, hưởng thọ 85 tuổi, với 27 năm thi hành sứ vụ giáo hoàng, lãnh đạo Giáo Hội.

Toàn thể GH tại VN thương tiếc vị hiền phụ của toàn thể Hội Thánh.

Tất cả các nhà thờ trên toàn quốc đều đã tổ chức dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Đức cố Giáo hoàng. Nhiều giáo phận, giáo xứ và cộng đoàn tu sĩ đã tổ chức ngày tưởng niệm, ôn lại những công trình lớn lao, các giáo huấn và những gương sáng Đức cố Giáo hoàng để lại cho Hội Thánh.

Riêng tại Sài Gòn, buổi tưởng niệm Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II được tổ chức vào tối 4-04-2005 tại Trung tâm Mục vụ của TGP, đã thu hút sự tham dự của hàng vạn người, để lại ấn tượng sâu đậm về lòng tôn kính, ngưỡng mộ và tri ân của Dân Chúa tại VN đối với vị Cha chung của toàn thể Giáo Hội. 

 
PV

 

VỀ MỤC LỤC
Phục vụ con người  (Hồng Y Suenens)

 

Lời người dịch: Hồng y L. J. Suenens và giám mục Helder Câmara là hai khuôn mặt lớn của Giáo hội công giáo trong thế kỷ 20. Một vị từng là nhà tư tưởng trụ cột của Công Đồng Vaticanô II, là sức bật canh tân nếp sinh hoạt giáo hội, là khâm sai của Giáo Hoàng trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc để trình bày với thế giới về thông điệp Hoà bình trên trái đất…Còn vị thứ hai là tiếng nói của những kẻ không có quyền có được tiếng nói, là kẻ hiên ngang làm chứng Tin Mừng giữa những kẻ nghèo khốn, bất chấp dư luận chụp cho ngài chiếc nón “giám mục đỏ”.

Họ đã phục vụ Giáo hội với hai phong cách khác nhau, nhưng họ có điểm chung là những người em, những tông đồ của Chúa Giêsu Kitô. Những trang dưới đây là chứng từ về đức tin của họ vào Đng mà họ đã gặp và đã đi theo….

(Nguyễn đăng Trúc  chuyễn ra Việt ngữ từ cuốn III, Thánh Thần hơi th sống động của Giáo hội của Hồng y L. J. Suenens)

 

Hồng Y Suenens 

1.  Kitô hữu và các mối liên đới nhân loại 

Kitô hữu không thể là người đóng kín, đơn độc. Mọi người đã chịu phép rửa đều phải tiếp nhận những hiệu quả đương nhiên về mặt xã hội của lý lịch kitô hữu nơi mình. Người ấy sẽ ở trong một mạng lưới tương quan và gánh lấy những bổn phận với những môi trường sống càng đi ra càng rộng hơn, như những vòng tròn đồng tâm khác nhau có chung một tâm điểm. Những tương quan và bổn phận như thế buộc người kitô hữu phải có những quan điểm và những cự tuyệt trên bình diện gia đình, nghề nghiệp, kinh tế, công dân, chính trị.

Ngay cả nơi những hình thức biểu lộ căn đế nhất của nếp sống kitô hữu, cuộc sống chiêm niệm cũng không thể là một lối trốn thoát khỏi thế giới, nhưng ngược lại nó là lối truy tìm những mạch nguồn sâu kín của sức sống nhân loại và kitô giáo.

Kitô hữu không thể tách mình ra khỏi thế giới cũng không thể trốn chạy vào sa mạc. Mỗi người theo ơn gọi riêng của mình phải gánh một phần tích cực vào công cuộc nhân loại hóa thế giới như một bổn phận đương nhiên.

Kitô hữu không có vấn đề phải lựa chọn giữa đức tin hoặc sinh hoạt bên ngoài, cũng không có vấn đề xếp đức tin bên cạnh công việc hằng ngày, nhưng phải linh hoạt đức tin vào công việc của mình.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của bổn phận xã hội, lưu ý đến những gì hỗ trợ cho việc cải thiện các mối tương quan giữa con người với nhau, những gì cổ súy thực thi tình huynh đệ : những nỗ lực như thế đã là một hoạt động xã hội, dầu hoạt động nầy không thể hiện cụ thể trong những dự án nhất định.

Để ý thức rõ hơn về bối cảnh sinh hoạt xã hội của những người kitô hữu nơi các nhóm hoặc trên bình diện cá nhân, thì nhất thiết phải nhìn chung toàn bộ lãnh vực mang thành ngữ ‘xã hội’, chứ không nên đóng khung chữ này vào một lối biểu thị hoặc một phương cách diễn tả riêng. Georges Gurvitch đưa ra một lối xếp loại đơn giản giúp ta dễ nhìn sự kiện một cách trật tự hơn. Tác giả phân biệt:  

-         bình diện các ‘xã hội tổng thể’, tức là bình diện của những tập hợp xã hội có đủ sức đáp ứng mọi nhu cầu cho các thành phần của mình, chẳng hạn một nước hoặc một nhóm các quốc gia.

-         bình diện các ‘nhóm giới hạn’, như gia đình, họ hàng gia tộc, các hiệp hội, các tầng lớp xã hội;

-         cuối cùng là những hình thức đa biệt của các ‘mối liên hệ xã hội’, nghĩa là những mối tương quan khác nhau được thiết lập giữa các thành phần của một cộng đồng con người. [1] 

Ta biết rằng có nhiều giá trị về xã hội tính phải được xem là hữu ích, và còn là cần thiết nữa, để các nhóm nhỏ cũng như những cộng đồng lớn hơn có thể hiện hữu và linh hoạt. ‘Vấn đề không thể nào thông đạt được với nhau’ là một trong những vấn đề gia trọng của thời đại chúng ta. Người ta nghiên cứu về vấn đề này trong mọi môi trường và đang cố gắng để cải thiện trong tất cả các nhóm sinh hoạt nhân loại: vợ chồng, gia đình, thương mại, hãng xưởng, ban quản trị điều hành… Và người ta thấy thay đổi cơ cấu tổng thể bên ngoài không phải là yếu tố duy nhất có thể đem lại một giải pháp cụ thể cho những khó khăn mà mỗi cá nhân gặp phải.

Nhãn hiệu ‘xã hội’ lại thường chỉ dành để áp dụng cho các dự án nhất định, các lối cải cách nhằm thay đổi các cơ cấu xã hội. Kỳ thực thành ngữ ‘xã hội’ có một nội dung rộng nghĩa hơn và vượt ra ngoài ý nghĩa giới hạn đó.

Khi nói đến mục tiêu xã hội của sự sống thần sủng, đức ông A. Dondeyne viết rằng: “Về mặt này, lối nói của thánh Phaolô diễn tả một cách hết sức linh hoạt và sắc bén. Để mô tả điều đức tin vào Chúa tác động trên thế giới, thánh Phaolô nói đến ‘một tạo vật mới’; sự xuất hiện ‘một con người mới được tạo dựng theo ý Chúa, trong công lý và thánh thiện của sự thật’; và còn nói đến một sự thông dự vào hiện thân của Chúa Kitô phục sinh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Ngài cũng viết rằng những hoa trái của Thánh Thần là ‘yêu thương, hoan hỷ, hòa bình; khoan hậu, phục vụ, tốt lành; tín thác, chừng mực, tự chủ’ (Gal.5, 22-23).

Những lời đó giúp chúng ta thấy đức tin sống động đổi thay cuộc sống không phải là một cuộc đào thoát ra khỏi trần gian. Nó cũng không làm cho kitô hữu thành một siêu nhân, một con người ngoại hạng, thoát khỏi thân phận người phàm. Điều mà đức tin làm nảy sinh là phẩm cách cuộc sống được cải biến mỗi ngày, -chúng tôi nhấn mạnh-, là một sự thăng hoa theo nghĩa là rộng mở tâm hồn, tiến tới trong chân lý và thành thực, nhân ái và công bằng, tự do và trách nhiệm. ’ [2]

Những giá trị về xã hội tính ấy thể hiện ngay trong một cuộc cử hành bí tích thực sự hoặc nơi một cuộc họp mặt cầu nguyện của một nhóm sinh hoạt thanh thản, tự do, tin tưởng nhau. Những mối tương giao liên nhân vị đạt đến mức độ giao cảm sâu xa vì cùng nhau tiếp nhận Chúa Thánh Thần, Đấng hằng sống. Sự kiện mỗi người trong nhóm được kêu mời để tham gia chung lời cầu nguyện và ‘xây dựng’ cho toàn nhóm – theo nghĩa của lối nói nơi thánh Phaolô- tạo nên một cộng đoàn thông dự với nhau mật thiết. Đó là một kinh nghiệm xã hội mang một ý nghĩa rộng lớn lan rộng ảnh hưởng đến những mối tương quan khác trong cuộc sống, chẳng hạn trong sinh hoạt kinh tế. Cộng đồng kitô hữu thời nguyên thủy cống hiến cho ta một hình ảnh đáng lưu ý. Kinh Thánh kể lại: “Tất cả những kẻ tin cùng ở chung với nhau và để của cải làm chung; họ bán cửa nhà và của cải, và chia cho nhau tùy nhu cầu của từng người ”. (CV 2,44-45).

Ta cũng có thể nêu lên những thí dụ khác trong cuộc sống Giáo hội liên quan đến những kinh nghiệm đoàn sủng đã thể hiện trong lãnh vực xã hội – chính trị: Chúng ta liên tưởng đến những tên tuổi trong thế kỷ chúng ta như Têrêxa Calcutta, Martin Luther King, César Chavez, Jean Vanier – và, trong thế giới không kitô giáo như Gandhi - để chứng thực rằng cầu nguyện riêng hay tập thể có thể là một năng lực gây cảm hứng, một sức bật cho hoạt động, đồng thời trừ tà tẩy uế hoạt động, giúp nó thanh lọc những vết dơ của hận thù, kiêu căng và bạo lực.

Canh Tân đoàn sủng luôn kêu gọi đạt đến nguồn căn Phúc Âm, bổ sung các đoàn sủng, tương trợ, và như thế thì đã là một tác năng biến cải cuộc sống và xã hội. Nhưng đức tin cụ thể sống động hẳn nhiên sẽ dẫn đưa kitô hữu dấn thân trong vô số những sáng kiến xã hội khác nhau, đi vào nỗi ê chề khổ đau không biết bao nhiêu mà kể của cuộc sống.

Một cuốn sách[3] vừa mới xuất bản cho ta một cái nhìn nhanh về các hoạt động trong khuôn khổ của các người khuyết tật, tù nhân, nghiện ngập, già yếu, tâm thần, bụi đời và vô gia cư, cho đến những hoạt động tập thể qui mô nhằm cổ súy một xã hội công bằng hơn, tự do hơn, môi sinh trong lành hơn.

Cũng trong lối nhìn đó, cần nhấn mạnh vai trò xã hội mà những cộng đồng cùng sống chung (trong Canh Tân cũng như ở các nơi khác) đã thực hiện; việc họ chia sẻ toàn bộ  hoặc một phần của cải giúp ta chứng kiến lại tận mắt hình ảnh những cộng đoàn kitô hữu thời nguyên thủy. Ta thấy nét xã hội bám chặt vào trong đặc tính tôn giáo như trước đây các đan viện của chúng ta là những nơi mà lao tác và cầu nguyện liên kết chặt chẽ với nhau, tiết nhịp của phụng vụ ăn nhịp với tiết nhịp sinh hoạt lao tác ruộng vườn.

Cần phải nói rõ là dấn thân xã hội không phải chỉ là một bổn phận đạo đức thêm vào: nhưng nó gắn liền với việc rao truyền Phúc Âm. Giáo hội nhân danh chính ý thức truyền giáo (rao truyền Phúc Âm) của mình để dấn thân vào những địa hạt làm cho con người xứng đáng phẩm giá làm người hơn, giải phóng con người để con người được phát triển chân thật hơn. Thượng Hội Đồng các giám mục năm 1971 mạnh mẽ nhắc lại nội dung đó trong một câu mấu chốt:

“Chúng tôi xem việc đấu tranh cho công lý và tham gia vào nỗ lực biến đổi thế giới đúng là một chiều kích cấu tạo nên sinh hoạt rao truyền Phúc Âm, vốn là sứ mạng của Giáo hội nhằm cứu chuộc nhân loại và giải phóng nhân loại khỏi mọi hoàn cảnh áp bức.”  

2. Rao truyền Phúc Âm và nhân bản hóa

Nếu cần phải liên kết rao truyền Phúc Âm và nhân bản hóa, thì cũng cần phải tránh lối xếp nhân bản hóa như một yêu sách tiên quyết đi trước việc rao truyền Phúc Âm, qua khẩu hiệu sai trái: “Cần nhân bản hóa trước, sau đó mới rao truyền Phúc Âm”. Khẩu hiệu đó muốn nói rằng trước tiên phải cứu người ta khỏi các thứ vong thân, sau đó mới loan truyền Phúc Âm cho họ. Khẩu hiệu đó nguy hiểm vì nó hàm ngụ việc tạm đình chỉ bổn phận loan báo Đức Kitô cho thế giới!

Nó đặt ngay ý nghĩa cuộc sống tông đồ và truyền giáo của Giáo hội, bên trong cũng như bên ngoài, thành vấn đề. Điều đáng phi bác trong khẩu hiệu: “Nhân bản hóa trước, rao truyền Phúc Âm sau ” nằm nơi chữ “trước” ấy, nghĩa là trật tự trước sau theo thời gian và theo cách xếp ưu tiên.

Không, cần phải dấn thân ngay và trực diện với cả hai bổn phận. Hai chữ “trước hết ” và “sau đó” như hàm ngụ một sự phân ly giữa rao truyền Phúc Âm và nhân bản hóa. Nhưng kỳ thực thì hai phận vụ ấy cần gắn liền với nhau.

Phải đem lại cho con người vừa phương tiện để sinh sống vừa những lý do để sống. Không bổn phận nào chuẩn chước bổn phận nào. Như linh mục Chenu dòng Đa minh đã trình bày rất chính xác: “Rao truyền Phúc Âm thuộc trật tự khác với văn minh. Nuôi sống con người, tự căn không phải là cứu độ họ, ngay cả khi sự cứu rỗi của tôi buộc tôi phải nuôi sống họ. Cổ súy văn hóa không phải là việc dẫn đưa người ta quay về đức tin.”

Nhưng, mặt khác, Đức Kitô không phải chỉ là ‘sự sống linh hồn’ mà thôi. Ngài muốn làm cho toàn thể con người được sống. Không có gì đi ra ngoài vòng tay Ngài, dù đó là cuộc sống gia đình hay nghề nghiệp, công dân hay kinh tế, quốc gia hay quốc tế, giải trí, báo chí, điện ảnh, truyền thanh, truyền hình hoặc việc sử dụng năng lực nguyên tử.

Giới hạn kitô giáo vào một vài sinh hoạt sùng mộ, dù quan trọng mấy đi nữa, là làm nên một kitô giáo què quặt. Khi thấy một vài cuộc sống kitô hữu có vẻ còm cõi và khô cứng, người không tin lên án chúng ta là không hề biết đến hay đánh giá thấp nỗ lực của con người, thiếu ưu tư cho tiến bộ, lãng quên công bằng xã hội. Nhưng không nên qui trách cho kitô giáo, mà nên qui trách kitô hữu phản lại đức tin của mình và lạm dụng danh xưng kitô hữu nơi mình.

Người ta không chỉ làm người kitô hữu vào ngày chủ nhật, ở nhà thờ; nhưng phải làm kitô hữu suốt tuần và suốt ngày, thực hành tất cả các điều răn, chứ không giới hạn vào điều răn thứ nhất và điều răn thứ sáu mà thôi. Cần đưa tất cả các điều răn và đưa ‘toàn bộ’ Phúc Âm vào ‘cả’ cuộc sống mình.  

3. Tội quên sót 

Ta cũng hiểu sai kitô giáo chân thật khi giản lược nó vào khía cạnh tiêu cực của lề luật: « người đừng nói dối, đừng nói xấu, đừng trộm cắp… ». Vì ngoài sự ác phải tránh còn lãnh vực bao la của bao nhiêu điều tích cực phải chu toàn. Không phải chỉ có lương tâm tránh sự ác mà đủ. Có những tội lỗi vì thiếu sót không làm điều phải làm, những tội ác vì không yêu thương.

Nếu vào lúc kinh tế tự do đang thời toàn trị, mà có được những kitô hữu ý thức về những bổn phận xã hội để thực hiện một cách tích cực điều này điều nọ đối diện với ‘nỗi thống khổ mà bao người vô cớ phải gánh chịu’ (theo lối nói của giáo hoàng Lêô XIII), thì vấn đề xã hội hẳn đã không nêu lên một cách tang thương như thế!

Và vào thời cộng sản mới chớm phát, nếu có được những kitô hữu tràn đầy sức mạnh yêu thương của kitô giáo trong lãnh vực xã hội, thì hẳn lịch sử nhân loại ngày hôm nay đã khác lắm rồi! Nhà văn chính thống giáo N. Berdiaeff trước đây từng viết: “Cộng sản Bônsơvít đã đi vào Nga, và đã thắng, bởi vì tôi bình chân như vại, tôi dậm chân tại chỗ, bởi vì trong tôi không có được một năng lực tinh thần nào - một năng lực đức tin đủ sức dời non lấp biển. Cộng sản Bonsơvít là tội lỗi của tôi, là thiếu sót của tôi. Là thử thách tôi phải gánh chịu. Những khổ đau mà cộng sản Bonsơvít đưa đến cho tôi là gánh đền tội cho lỗi lầm của tôi, lỗi lầm chung của chúng ta. Tất cả chúng ta mang trách nhiệm về mọi người. ” [4]

Kitô giáo không thể đào ngũ, trái lại kitô giáo buộc mỗi người chịu phép rửa ý thức bổn phận của mình là phải tùy sức tham gia vào những sáng kiến đem lại tiến bộ nhân loại. Kitô hữu cần ý thức phép rửa của mình để vận dụng tài ba sức lực dấn thân tranh đấu chống lại nạn nghèo đói khốn cùng, thất nghiệp và bịnh tật, những bất công xã hội hoặc kỳ thị chủng tộc, và cổ súy xây dựng một xã hội biết thăng tiến phẩm giá con người.  

4. Thế giới khác và thế giới cần đổi thay

Nhưng nỗ lực dấn thân của kitô hữu vào trần thế, vào lịch sử không phải chỉ là một bổn phận phát xuất từ những đòi hỏi ngặt nghèo và cấp thiết của trần thế. Nỗ lực ấy là một phần của cuộc sống toàn diện liên kết với Thiên Chúa, được linh hoạt bởi cuộc sống cầu nguyện, được soi dẫn và định hướng nhờ ân sủng của đức tin.

Linh mục Tillard, dòng Đaminh, đã viết rằng: “Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu liên kết việc loan báo Nước Trời với nỗ lực thực thi những dấu chỉ, đó là những hành vi chống lại những gì áp ức con người và làm cho cuộc sống trên trần thế này thành u ám. Đẩy lui bể khổ, triệt hạ những bức tường hận thù, đem lại hy vọng công lý và hòa bình cho cuộc sống, nói tóm lại là nỗ lực ‘phát triển chân thực phục vụ con người’ nhằm thăng hoa phẩm giá của nó, đó chính là phục vụ Thiên Chúa một cách cụ thể, là xây dựng Nước Trời mà hiện tại đây Chúa Kitô đang hiển trị, cho đến ngày ‘Ngài sẽ trao lại cho Thiên Chúa là Cha Ngài’. Dẫu rằng, trong nỗ lực dấn thân này, Danh Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô chưa được minh nhiên nêu lên.

Vì nỗ lực đó được thực hiện trước nhan Chúa, hiệp thông với ý muốn của Ngài là muốn cho thế gian biến đổi. Chỉ có Ngài là Đấng phán đoán sự thể. Ta không nhằm tìm kiếm trước hết xem thiên hạ phản ứng như thế nào, chỉ vì một lý do nào đó hàm ngụ nơi phản ứng này, mặc dầu người mà ta phục vụ liên quan đến công việc của ta. Thật vậy, ý hướng của ta trước hết không phải là chinh phục kẻ khác, khi làm cho họ suy nghĩ xem Thiên Chúa hoặc Nước Trời sẽ thế này hay thế khác nơi thế giới bên kia đang chờ đón họ. Nhưng ý hướng dấn thân chúng ta trước hết là nhằm vâng phục ý Chúa trên trần gian này. Hẳn nhiên, ý muốn của Thiên Chúa về việc làm cho thế gian này đổi thay luôn gắn liền với ý muốn của Ngài về thế giới bên kia; trong mối tương quan tương tự như thế, việc dấn thân của kitô hữu cho thế gian này cũng muốn qui về một lối làm nhân chứng về Chúa Kitô và Cha của Ngài.

Nhưng, ngay trước mắt, ý hướng đầu tiên của hoạt động của kitô hữu phải được hiểu là một sự cộng tác nhằm thay đổi bộ mặt trái đất này, làm sao để thế giới hòa hợp với Nước Trời mà hạt giống vốn đã gieo trên ấy. Chúng tôi nhắc lại rằng hành động như thế là dấn thân trước nhan Thiên Chúa. ” [5]

Một chứng tá khác về kitô giáo, trên hai bình diện tôn giáo và xã hội, được William Booth, vị sáng lập Armée du Salut, diễn tả một cách tha thiết; có thể nói đây là di chúc của ông.  

Khi còn có những phụ nữ buồn khóc,

như hôm nay, thì tôi còn chiến đấu,

khi còn những trẻ con đói khát

như hôm nay, thì tôi còn chiến đấu,

Khi còn có một người vào tù, thì tôi còn chiến đấu,

khi còn một kẻ nghiện say, thì tôi còn chiến đấu,

khi chỉ còn một cô gái khốn khổ

trên đường phố, thì tôi còn chiến đấu,

khi còn một tâm hồn,

thiếu ánh sáng Thiên Chúa, thì tôi còn chiến đấu;

Tôi sẽ chiến đấu đến cùng! [6] 

5. Chúa Thánh Thần và dấn thân xã hội  

Kinh Thánh và Truyền Thống Giáo hội cho ta những chứng tá về sức sống của Chúa Thánh Thần: chính tác động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta bảo đảm sự chân thực của mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Ngài là năng lực hiệp thông, bảo đảm sự hiệp nhất nơi công việc của Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng và là Chúa Cha.

Đó là ý nghĩa của lời nhắc nhở mà phụng vụ của Giáo hội kêu mời chúng ta lặp đi lặp lại: “Xin Chúa gửi Thánh Thần đến để tác tạo mọi sự và canh tân khuôn mặt trái đất." Những lời ấy có ý nghĩa sâu xa và phải được suy xét chu đáo. Khi nhìn khuôn mặt thế giới, làm sao không thấy sợ hãi và ngay cả như tuyệt vọng? Ngày mai nhân loại sẽ đi về đâu, nếu một tên vô trách nhiệm nào đó nổi khùng ấn tay trên một nút bấm để có thể nhận chìm cả thế giới vào một vụ nổ nguyên tử kinh hoàng? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu khoa học mặc sức biến chế để nhào nắn con người, ngay từ trước khi sinh, trong mỗi giai đoạn cuộc đời cho đến cả giờ chết? Con người sẽ còn gì là mình khi quyền bính chính trị sử dụng các phương tiện hết sức kiến hiệu để chi phối dư luận và phản ứng của dân chúng?

Hơn bao giờ hết, kitô hữu cần tập cho mình thâm hiểu về tự do chân thực qua nỗ lực tiếp nhận ơn tái tạo của Thánh Thần. Họ cần kêu cầu Ngài hiện diện và tác động để đương đầu với những vấn đề sinh tử của cuộc sống con người và văn minh nhân loại. Họ cần đi vào Nhà Hội (nơi các tông đồ đã tập hợp cầu xin Chúa Thánh Thần đến) để thành khẩn xin Ngài lấy bóng rợp đầy sinh lực của Ngài phủ lấy chúng ta; để khi bước ra Nhà Hội, chúng ta xông pha giữa chợ đời, làm nhân chứng một cách khiêm tốn, mạnh dạn và đầy tình huynh đệ.  

6.  Chúa Thánh Thần và các đoàn sủng 

Kitô hữu cần Chúa Thánh Thần, các ơn của Ngài, các đoàn sủng, không phải chỉ để đáp ứng nhu cầu cuộc sống đạo đức cá nhân, nhưng còn để đủ sức đóng góp phần mình vào công cuộc canh cải xã hội. Họ cũng cần ơn khôn ngoan để suy xét và ơn chữa lành của Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Kitô hữu ‘dấn thân’ hay kitô hữu ‘đoàn sủng’ đều cần phải ngoan ngoãn để Chúa Thánh Thần tác động trong mình, có như thế thì nỗ lực phục vụ của mình trong địa hạt nhân sự hay kỹ thuật mới có thể góp phần vào việc canh tân thế giới tận gốc rễ của nó.

Thánh Thần thánh hóa cũng là Thánh Thần tạo dựng; Ngài tôn trọng thân phận làm người của chúng ta, ban cho thân phận ấy phẩm cách cao quí và tăng cường sinh lực; Ngài không phá hủy những yếu tố làm nên thân phận con người: ngược lại, Ngài giúp con người lớn lên và hoàn thành. Nhưng Ngài ‘siêu định’ những yếu tố này và biến chúng thành những dấu chỉ hữu hiệu cho quyền năng và sự tốt lành của Thiên Chúa.

Chúng ta được tạo dựng để làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần muốn hoàn thành con người chúng ta nơi thân phận con người của chúng ta, nhưng không những Ngài nâng con người chúng ta vượt qua những khả năng bẩm sinh của mình, mà còn nâng cao hơn, vượt lên những giấc mơ táo bạo nhất. Ngài kêu mời chúng ta và đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là toàn bộ mầu nhiệm con người, không có gì hơn ngoài nội dung này.

Vào thế kỷ 19, N. Fedorov đã lên tiếng: “Chương trình xã hội của chúng tôi là Chúa Ba Ngôi ” [7]. Chúng ta phải mở rộng chân trời và sự táo bạo của đức tin chúng ta vào Chúa Thánh Thần.

Có người đã nói: “Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cảm nhận nơi mình nét tinh tế của cái bên trong và bên ngoài, tinh thần và thể xác, lời nói và thinh lặng, cũ và mới, chết và sống, thường đều và ngoại hạng, đoàn sủng và định chế, cá nhân và tập thể, v.v. Ngài mãi xếp đặt hai nội dung ấy trong một lối đối đầu với nhau giúp cho tạo vật trở thành hình ảnh giống với Đấng tạo dựng. Thánh Thần tác động trong con người nơi điểm nối kết của mối phực hợp linh động này." [8]

Tôi tin là người ta sẽ thoát được sự căng thẳng ‘đoàn sủng – dấn thân xã hội’ nếu am tường được chiều sâu và chiều rộng của tác động Chúa Thánh Thần, và nếu thần học về các đoàn sủng vượt thắng và sửa chữa được những lối giải minh quá chật hẹp và gò bó.

Không có Chúa Thánh Thần và các đoàn sủng của Ngài, thì không có Giáo hội. Các đoàn sủng thuộc về chính bản chất của Giáo hội như một ‘Bí tích phổ quát của ơn cứu độ’ (Vaticanô II), và chúng cũng là những yếu tố làm nên cuộc sống kitô giáo, trong cách biểu lộ cá nhân cũng như cộng đoàn.

Không một nhóm nào hoặc một phong trào nào tự cho mình độc quyền chiếm Chúa Thánh Thần và các đoàn sủng của Ngài. Không nên xem những ‘đoàn sủng’ được nêu lên trong thư thánh Phaolô như là một danh sách trọn vẹn, hoặc xem đấy chỉ là những biểu lộ ‘bất thường’: những đoàn sủng này kỳ thực biểu lộ trong toàn cuộc sống của Giáo hội. Thánh Tông đồ nói đến các đoàn sủng ấy như những kinh nghiệm quan trọng của đời sống Giáo hội, nhưng chúng không phải vì thế mà là nền tảng xây dựng nên nền thần học của ngài về Chúa Thánh Thần.

Các đoàn sủng của Chúa Thánh Thần nhiều vô số. Nhờ các đoàn sủng mà mỗi chi thể của Giáo hội phục vụ được Toàn Thân. Những đoàn sủng thiết yếu cho các chức năng thừa tác hướng đến việc xây dựng nên Thân Thể và phục vụ thế giới. Nơi mỗi kitô hữu, Thánh Thần thể hiện chính Ngài qua một chức năng thừa tác để phục vụ. Không kitô hữu nào lại không có một tác vụ trong Giáo hội và trong trần thế, cho Giáo hội và cho trần thế.  

7. Hoa trái của Chúa Thánh Thần

Tác động của Chúa Thánh Thần, dù kín đáo bên trong, nhưng nhằm triển nở ra bên ngoài.

Thánh Thần mang lại hoa trái. Nghĩa là gì? M. Ledrus viết: “Thành ngữ “hoa trái ” trong Thánh Kinh nhằm nói đến ‘sản phẩm’ hơn là nói đến tình trạng ngất ngây hoặc hân hoan sung sướng. Ý niệm hoa trái rút ra từ sự hiệp thông ‘thành quả’ công tác tông đồ hơn là kết hiệp nỗi ngây ngất nơi chiêm niệm… Hoa trái của Thánh Thần là một thành quả hướng đến đời sống siêu nhiên hơn là một nỗi vui mình thưởng thức. ” [9]

Theo nghĩa ấy, ‘hoa trái’ trước hết là một sự nẩy nở phong phú bên trong nơi cuộc sống các nhân đức, nhưng cũng là một sự bung dội ra bên ngoài, một chấn động xã hội, một đổi thay thấy được chung quanh ta, nơi thế giới. Lối đâm hoa kết trái đó như một ‘thời hiển linh, một sự biểu hiện của Thiên Chúa trong xã hội kitô giáo’. Ở đây cũng như mọi nơi khác, trong nguồn suối chân thực của mình, cuộc sống kitô giáo sẽ diễn đạt được sự phong phú của nội tâm và luôn tươi nở ra trong cộng đồng con người.  

8.  Nỗi khốn cùng của trần thế nhìn từ ánh sáng của Thánh Thần 

Kitô hữu phải biết rằng những nỗi khốn cùng của thế giới không phải chỉ được giải thích là do trò chơi tác hại của con người, là vì những xung đụng tương tranh các quyền lợi, nhưng chúng còn do những quyền lực của sự ác đang chi phối một cách bí ẩn; kỳ thực quỉ vương không phải là một lối nói vô nghĩa đâu. Và trong vấn đề này cũng đừng nên quên vết thương của tội nguyên tổ gắn liền với nghiệp làm người, nếu không muốn mình trở thành ngây ngô thiếu thực tế. Cần chiến đấu cho đời tốt đẹp hơn với những vũ khí của Thánh Thần, mà thánh Phaolô đã liệt kê, và phải phân tích những tệ trạng của xã hội dưới ánh sáng của Thánh Thần vì Ngài sẽ giúp ta thấy được nguồn căn của sự ác, thấy được sức khống chế của tội lỗi. Vì sự ác căn đế  mà chúng ta phải chịu đựng, chúng ta cần dám nói rõ ra rằng nó không nằm trong các cơ chế cũng không ở tại việc này việc kia, nhưng nó ở trong ta, trong ý chí, tâm hồn của ta. Sự ác bên trong và thâm căn này đẻ ra những lạm dụng xã hội tái đi tái lại trong mọi chế độ. Không đánh nó tận gốc thì ta chỉ chuyển vị trí các loại bất công đi qua các vùng đất khung trời khác, nhưng không diệt nó được.

Hơn bao giờ hết cần phải nhắc lại rằng tội lỗi vốn là căn nguyên sự ác chống lại xã hội. Nó làm lung lay đứt rễ các mối tương quan huynh đệ, làm băng hoại sự thăng tiến nhân phẩm trên thế giới. Hơn nữa đức tin còn cho chúng ta biết tội lỗi phá hủy toàn thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, và mọi tội đều tăng cường một cách kỳ lạ sự khống chế của Ma Quỉ trên thế giới. Thảm kịch của thế giới có gốc nơi thảm kịch tinh thần mà sân khấu không là gì khác hơn là tâm hồn con người. Một thảm kịch bên trong luôn ghi dấu tích nơi những sự kiện bên ngoài. Tội lỗi tự căn gây hư hủy và làm cho thế giới khô chết tận gốc, trong lúc đó ơn của Chúa tái sinh thế giới và nâng thế giới, cá nhân cũng như cộng đồng, đạt đến sự chung toàn cao độ.

Nhờ đức tin, chúng ta biết rằng kỳ cùng không có danh hiệu nào khác ngoài danh Giêsu mới đem lại sự cứu độ. Không có Ngài, chúng ta chỉ dừng lại ở bì phu của sự việc. Có một phương cách kitô giáo dấn thân thăng tiến cuộc sống xã hội, đó là nỗ lực giáo dục, y tế hoặc phát triển thế giới thứ ba. Nhưng điều đó không ngăn cản kitô hữu hợp tác với mọi người là anh chị em của mình, đặc biệt trong một xã hội đa nguyên như xã hội chúng ta. Không thể đóng khung kitô hữu thành những ghettos (cộng đồng đóng kín), nhưng kitô hữu phải ý thức rằng bất cứ ở đâu, lúc nào, mình cũng được Thánh Thần tác động. Trong những vấn đề phải đương đầu, dù gian nan đến mức nào, kitô hữu phải biết tin rằng khôn ngoan và quyền năng Chúa Thánh Thần có thể luôn soi sáng và dẫn dắt họ.

Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta y như một ngọn hải đăng trong đêm đen, Ngài phóng ánh sáng của Ngài cho ta thấy bờ bến, nhưng cũng soi dọi cho ta tránh những nguy hiểm khó thấy, những tảng đá ngầm. Ngài giúp chúng ta xét định rõ hơn tất cả những gì là vô nhân trong xã hội chung quanh chúng ta. Ngài buộc chúng ta hiểu rằng sống theo thủa theo thời là che giấu những đá ngầm của hèn nhát, của tình trạng không biết tôn trọng phẩm giá con người, của sơ hãi. Ngài mạc khải cho ta thấy những thần tượng của trần tục và lột mặt nạ vô số thần tượng đa dạng của chúng ta. Những thần tượng hôm nay không mang tên Baal hoặc Astarté; nhưng có tên là: xã hội tìm lợi nhuận và tiêu thụ, hoặc cũng còn là xã hội tự cho phép, thả lỏng, buông xuôi. Người ta tôn thờ các thần tượng mỗi khi vì tính toán cách này cách khác mà đành chấp nhận các loại độc tài vô nhân, các cuộc chiến bất công, các hình thức kỳ thị chủng tộc. Ngày xưa, kitô hữu đã chết vì từng từ chối bỏ một vài hột trầm hương dâng lên một vị thần tượng. Ngày nay đại đế César thường không còn là một tên riêng, nhưng là tên chỉ bối cảnh chung của thời đại chúng ta, là bầu khí ô  nhiễm đang bủa vây chúng ta… 

Chúng ta vừa phải vững tâm hy vọng hướng về vinh quang của Thiên Chúa và vận dụng hết tài sức để làm cho thế giới con người tốt lành hơn. Viễn tượng tương lai làm cho hiện tại cao đẹp, chứ không làm cho nó u tối hơn: mỗi cố gắng thăng tiến cuộc sống con người đều có giá trị của nó, và đã là một bước trước ‘của trời mới và đất mới’ đang được chuẩn bị. Vừa phải hướng về bên kia bờ vượt quá mọi ước mơ vừa cụ thể dấn thân vào trần thế trong ngày hôm nay của Chúa. Vì Chúa Thánh Thần là ‘Đấng ban sự sống’ và năng lực hiệp thông, Ngài luôn hướng chúng ta về thế giới cụ thể và sống động: thế giới của mối tương giao Cha – con giữa chúng ta với Thiên Chúa; thế giới của mối tương giao với mọi người, là tương giao anh - chị – em giữa chúng ta với nhau.

Dom Helder kêu gọi chúng ta cùng ngài đi vào thế giới cụ thể vừa cao cả nhưng cũng đầy tang thương này trong các trang tiếp.

(xin theo dõi phần 2 trong kỳ tới)


[1] G. GURVITCH, La vocation actuelle de la sociologie, q. 1.

[2] Trong Revue théologique de Louvain, 1973 tr. 9

[3] Sheila MAC MANUS FAHEY, Charismatic social action, New York, Paulist Press, 1977.

[4] N. BERDIAEFF, Un nouveau Moyen Âge, Paris, 1930, tr. 186-187

[5] J.M.R. TILLARD, ‘Vie religieuse ‘active’ et insertion dans le monde du travail’, trong Vie consacrée, 1977, số 5, tr. 266. Gần đây tác già còn cho xuất bản cuốn : Devant Dieu et pour le monde, Paris, Edit. du Cerf, 1974.

[6]  William BOOTH, Soldats sans fusils, tr.47.

[7] Lời trích của Olivier CLÉMENT, Le Monde, 16-17 tháng 7 năm 1978.

[8] Adrien DEMOUSTIER, s.j., ‘L’intervention de l’Esprit Saint’ trong Revue Christus, số 93, 1977, tr. 114.

[9]M. LEDRUS, ‘Fruits du Saint Esprit’, trong La vie spirituelle, 1947, tr. 717.

 

VỀ MỤC LỤC
VẠN TUẾ ! VẠN TUẾ ! CHÚA GIÊSU LÀ VUA
  

(SUY NIỆM PHÚC ÂM NGÀY LỄ LÁ)

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

 

 

Có một điều khó hiểu mà từ lâu tôi vẫn thắc mắc không biết tại sao mới mấy ngày trước dân chúng tưng bừng tung hô vạn tuế chào đón Chúa Giêsu khi ngài vào thành Giêrusalem thì ít ngày sau, người ta lại đem Chúa ra toà, cứ nhất định đòi án tử hình, đóng đanh và giết Chúa trên thập giá?  Con người, Thương và Ghét?

       

Nhân mùa Chay Thánh và để chuẩn bị cho Ngày Chúa Phục Sinh, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa và suy niệm về những bài phúc âm nói về cuộc khổ nạn của Chúa trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá. Để chuẩn bị được chu đáo, tôi đã tìm đọc tác phẩm mới nhất của Đức Benedicto XVI, đặc biệt phần 2 nói về tuần thánh: “Jesus of Nazareth” Part 2: Holy week- From the Entrance into Jerusalem to the Resurrection” (Ignatius Press, 2011). Từ đường vào Jerusalem đến  Khải Hoàn Phục Sinh.

 

Đây là một tác phẩm có lẽ tất cả các giám mục, linh mục, tu sĩ, thừa tác viện mục vụ và những người công giáo chân chính và đứng đắn cần phải đọc để đào sâu kiến thức về con người Giêsu với những huyền bí trọng yếu về đức tin mà chúng ta đang suy niệm trong mùa Chay Thánh này, nhất là trong Tuần Thánh, Chúa chuẩn bị chịu chết vì tội lỗi nhân loại. Dĩ nhiên tốt hơn cả là nên đọc nguyên tác phẩm để sửa soạn đón mừng Lễ Chúa Khải Hoàn Phục Sinh. Những bài Phúc Âm, những bài đọc trong tuần thánh cũng giúp chúng ta rất nhiều trong những lời kinh nguyện cá nhân cũng như rao truyền lời Chúa cho những người anh em huynh đệ chưa được diễm phúc nhận biết Chúa.

 

Nhờ vào những tư tưởng trong sách này, chúng tôi mới có được những giòng suy niệm đưới đây, đồng thời giúp cho những hiểu biết của chúng tôi về Chúa Giêsu được súc tích và thâm sâu hơn.

 

CHÚA GIÊSU VÀO THÀNH JERUSALEM

 

Hàng năm vào tuần thánh, chúng ta thường theo chân Chúa Giêsu đi lên Jerusalem giũa đám đông dân chúng ồn ào tung hô vang dậy ‘Vạn Tuế Đức Giêsu’. “Hosanna! Vạn tuế! Vạn tuế! Con vua David, Hoan hô đấng nhân danh Thiên Chúa đến cùng chúng tôi”. Một ngày tràn đầy vui mừng hớn hở và tung hô ca tụng, nhưng âm u và ảm đạm ở cuối trời là cả một sóng nước thủy triều đang dâng cao nỗi hận thù, ganh ghét, huỷ hoại và chết chóc bi thương.

 

Chúng ta cũng nhập bọn với đám đông tung hô Chúa Giêsu là vua, là đấng thiên sai khi ngài đi về hướng đồi Cây Dầu, không phải với đoàn xe hộ tống như các vua chúa quan quyền trần gian mà như một con vật nặng trĩu trên vai biết bao nỗi sầu thương buồn khổ. Tất cả những hình ảnh về quan quyền vua chúa, thần thánh và lòng khiêm cung đều gói ghém trọn vẹn trong cái quang cảnh đầy nghịch lý này khi Chúa Giêsu đi vào thị trấn Jerusalem. Hôm nay quang cảnh thật tưng bừng náo nhiệt, mọi người hân hoan tay cầm cành lá vạn tuế giơ cao tung hô Chúa là Vua Hòa Bình, Vua Hy Vọng (trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá) thì 5 ngày sau, ôi thôi hận thù ganh ghét trào dâng, cao như núi xâu rộng như biển cả trùng dương, cũng những đám đông lại đòi giết Chúa, đóng đanh Chúa trên thập giá cho bằng được.

 

                            “Hôm nay vua chúa huy hoàng

                            “Ngày mai tử tội kinh hoàng thảm thương!

 

Phúc âm nói về cuộc khổ nạn của Chúa thì kể lại là vì một số người và những kẻ cầm đầu lúc đó đã âm mưu bắt Chúa Giêsu đưa ra tòa xét sử và hành hạ Chúa đã đưa đến cái chết của Chúa. Nhưng suy cho cùng -nghe có vẻ vơ đũa cả nắm- thì tất cả chúng ta đều là những kẻ đáng trách. Chính tội lỗi của họ và của chúng ta đã đưa Chúa đến cái chết thê thảm trên thập gíá, và Chúa cũng đã tự nguyện gánh vác tất cả các tội lỗi của họ cũng như của mỗi người chúng ta. Chúng ta phải biết điều đó và nhận ra rằng không chỉ do cái tư cách và thái độ của những kẻ đã âm mưu, la ó, cố sức để kết án tử hình, giết Chúa lúc bấy giờ mà còn do ở cái tâm địa xấu xa ác độc của tất cả chúng ta như hận thù, ganh ghét, bạo động, gian dối lừa đảo, vô ơn bạc nghĩa, bất công, bất chính và tham lam ích kỷ, ham danh lợi, cơ hội chủ nghĩa, chủ nghĩa thực dụng….đã làm Chúa phải chết, đã và đang đóng đanh Chúa bây giờ và chính ngày hôm nay qua cung cách chúng ta đối sử với các bạn bè, những người anh em huynh đệ, bà con xóm làng, đồng hương trong cộng đồng xã hội là những người anh em, con cùng một cha chung của chúng ta ở trên trời.

 

CÂU CHUYỆN KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU THEO THÁNH MATTHEW.

 

Câu chuyện về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu theo thánh sử Matthew trong niên lịch phụng vụ năm nay (Mat.26:14, 27:66), nếu so sánh với câu chuyện của thánh sử Marco, thì thánh Matthew đã bỏ qua phần thánh Marco nhắc tới (như trong Marc 14:51-52), nhưng lại thêm ít chi tiết khác (như trong Mat.27: 3-10,19). Một vài điều thêm vào này chứng tỏ thánh Matthew đã dùng truyền thống mà ngài đã học hỏi được từ đâu đó; còn những điều khác thì hẳn do sự hiểu biết và cảm nghiệm thần học của chính ngài ( như trong Mat.26:28 hoặc “…nói về sự tha thứ tội lỗi” (Mat.27:52).

 

Trong ấn bản của ngài, thánh Matthew cũng thay đổi chút ít chi tiết của thánh Marco. Nhưng điếu đó không có nghĩa là thánh Matthew biết về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu hơn thánh Marco.

 

Khi nghe câu chuyện thánh Matthew kể, chúng ta cũng nắm bắt và nhận ra được là Chúa Giêsu đã cương quyết tự mình chấp nhận sứ mạng do Thiên Chúa gửi đến, đồng thời Chúa cũng kháng cự chống lại tử thần quá bạo tàn hung dữ. Cái số mệnh nghiệt ngã không thể tránh được của Đức Giêsu. Trong chương I sách “Giêsu thành Nazareth”, tiêu đề “Trên đường đi vào Jerusalem / The Entrance into Jerusalem”, Đức Benedicto XVI đã yêu cầu chúng ta đọc lại đoạn tiên tri Zechariah 9:9 -bản văn mà hai thánh Matthew và Gioan tông đồ đã trích dẫn một cách rõ ràng- để thấu hiểu tường tận ý nghĩa ngày Chúa Nhật Lễ Lá: “..Hãy nói với nữ tử Zion, Hãy vui mừng hò reo lên, vì Vua của ngươi đang đến với ngươi, Ngài khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,  trên một con lừa con, con của lừa mẹ” (Mat.21:5- Ga12:15 – Zechariah 9:9).

 

Đức Benedicto XVI viết: “Chúa Giêsu là một vị vua đã phá huỷ vũ khí chiến tranh, một vị vua của Hòa Bình, của bình dị, của những kẻ nghèo khó. Và sau cùng, chúng ta đã thấy rằng Ngài trị vì một vương quốc trải dài từ đại dương này qua đại dương kia, bao gồm toàn thể thế giới. Chúng ta cũng được nhắc tới về một Tân Thế Giới bao gồm vương quốc của Chúa Giêsu trải dài từ đại dương này qua đại dương kia trong các cộng đồng bẻ bánh hiệp thông với Đức Giêsu Kitô, như là một vương quốc hòa bình của Chúa. Nhưng lúc đó có ai hiểu biết được những điều đó đâu” (tr.4).[1]

Ý NGHĨA CỦA CHỮ “HOSANNA”

 

Tiếng Hosanna - Vạn Tuế, nguyên khởi là lời chúc lành cho những kẻ hành hương mà các thầy cả tư tế chúc ở trong Đền Thờ. Nhưng khi nó được nối tiếp bởi lời tung hô “…đấng nhân danh thiên Chúa mà đến” thì nó có nghĩa là “Đấng Thiên Sai/Messiah”,  một người được Thiên Chúa chỉ định do giao ước. Bây giờ nó đã trở thành lời ca tụng Đức Giêsu, chào mừng đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến, nhân vật mà mọi người đang chờ mong và loan truyền do giao ước.

 

Chúng ta có thể thắc mắc hỏi tại sao lại dùng từ“Hosanna” là tiếng Do Thái /Hebrew, mà không chuyển dịch nó sang tiếng Hy Lạp? Nếu dịch đầy đủ thì tiếng “Hosanna” có thể là: “Lạy con Vua David, xin hãy cứu giúp chúng tôi. Phúc thay đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến. Lạy Đấng Tối Cao, xin hãy cứu giúp chúng tôi”.

 

Đám đông chào mừng Chúa Giêsu với lời tung hô vang dậy “Hosanna / Vạn tuế” để xin cứu giúp; tay họ cầm cành lá dừa vẫy chào, giống như nghi thức phụng vụ ngày lễ lều (sukkot) của người Do Thái, sau này bị chính trị hóa thành ngày lễ độc lập, ngày đầu tiên của Lễ Đèn (Hanukkah).

 

Dùng khuôn mẫu với hình thức phụng vụ để đón chào Chúa Giêsu hẳn là có một mục đích. Đức Giêsu toàn thắng khải hoàn đi vào Jerusalem sau khi Ngài đã thanh tẩy sạch sẽ Đền Thờ (Mat.21:14-16). Đây rõ ràng là một màn trình diễn quang cảnh tranh đấu giải phóng quê hương của những người anh em Maccabees đã được tính toán từ trước hầu hun đúc niềm hy vọng về một đấng thiên sai. Khi đám đông dơ cao cành lá dừa và la lớn “hosanna”/ “vạn tuế” thì họ biết rõ ràng và trọn vẹn điều họ đang làm. Họ chờ mong đấng thiên sai đến để cứu giúp họ.

 

Nhìn cung cách họ tung hô “vạn tuế”/hosanna…, chúng ta cũng nhận ra được nỗi vui mừng xúc động khôn tả của họ là những người đi lễ hội hành hương đang bước theo Chúa và các môn đệ của Ngài. Một sự hân hoan ca tụng Thiên Chúa trong lúc đoàn rước bước vào Đền Thờ, như chờ mong giờ đấng thiên sai đến, cũng như vương quyền David và do đó hy vọng một vương quyền Thiên Chúa trên Israel sẽ được thiết lập (Jesus of Nazareth, pp.6-10).

 

“Hosanna” / “vạn tuế” còn có nghĩa là lời cầu xin cứu giúp cấp kỳ, một lời cầu khẩn có giá trị phổ quát, luôn luôn thích hợp với mọi hoàn cảnh của con người. Nó là lời kinh  độc ngữ có ảnh hưởng chính trị rất mạnh khả dĩ làm rung chuyển mọi áp bức bất công ở bất cứ nơi nào, hiện tại cũng như ở thời thượng cổ, vì vậy nó phải được diễn nghĩa cho mọi người đều thấu hiểu.

 

TIÊN TRI THÀNH NAZARETH

 

Lúc đầu khi nghe đồn về một tiên tri thành Nazareth thì Đức Giêsu cũng chẳng có dấu hiệu gì tỏ ra là quan trọng đối với Jerusalem, và dân địa phương ở đó cũng chẳng biết Ngài là ai. Đám đông dân chúng đón mừng Chúa Giêsu ở cổng thành lúc bấy giờ cũng không phải là những kẻ sau này đòi đóng đanh Chúa trên thập giá.

 

Đức Benedicto XVI cắt nghĩa sự thất bại không nhận ra Chúa ở trong vở kịch hai màn -dửng dưng và sợ hãi- này, là chúng ta có nhìn thấy một cái gì “ghê sợ” trong cái thảm cảnh của thị trấn mà Chúa Giêsu đã nhiều lần nói tới một cách rất cay đắng trong những cuộc tranh luận của Ngài về thời cánh chung, nhưng chúng ta vẫn “dửng dưng”.

 

ĐIỂM NỔI BẬT DUY NHẤT

 

Theo Thánh Matthew, điểm đảo ngược sau cùng nổi bật nhất của cuộc đời Chúa Giêsu là cái chếtsự sống lại của Ngài. Vào chính lúc Chúa Giêsu chịu chết, một cái chết đau thương để trung thành với sứ mạng thì cũng chính là lúc phát sinh ra một đời sống mới. Đất trời rung động, núi đồi tách đôi, mồ mả mở tung và các người lành đã chết từ ngàn xưa bước ra khỏi mồ, khải hoàn đi vào “thị trấn” của Chúa.

 

Viết những lời này, thánh Matthew đã mở cho chúng ta thấy một khung cảnh vĩ đại với những bộ xương khô mà tiên tri Ezekiel đã nói tới. Thiên Chúa thổi thần khí vào những bộ xương làm cho chúng sống lại từ cõi chết và trở thành người mới (Ezekiel 37).

 

Thánh nhân tin tưởng rằng nhờ cái chết của Chúa Giêsu, toàn thể thế giới có được một đời sống mới; nhờ vào cáí chết của những nhà truyền giáo Kito hữu Do Thái ở Israel mà một cộng đồng non trẻ được thành lập và phát triển ở vùng Địa trung Hải để một dân tộc mới được khai sinh từ cả dân Do Thái lẫn dân ngoại.

 

Chết và Sống Lại ở đây không phải chỉ là hình thức số mệnh như của Chúa Giêsu mà còn là một biểu tượng về số mệnh của chính cộng đồng nhân loại trong lịch sử loài người.

 

Vậy cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu -theo thánh Matthew- đã nói lên cho chúng ta cái gì? Nhìn kinh thánh qua một lăng kính đặc biệt, chúng ta thấy đó là tình trạng hiện nay của Giáo Hội và của cả thế giới trong suốt chiều dài lịch sử của nó.

 

Vì sứ mệnh truyền giáo, chúng ta nhận lệnh và chương trình mục vụ / mục tử để tiến bước ra đi thi hành, không phải chỉ từ Giáo Hội mà còn từ chính cộng đồng thế giới chúng ta đang sống. Cái thảm cảnh kinh hoàng chúng ta thấy trong Phúc Âm về cuộc khổ nạn của Chúa dạy cho chúng ta biết rằng những cái mà chúng ta coi là “tầm thường chẳng là gì cả”, ngay cả những cái có tính cách phá hoại, gây tổn thương như tình trạng bất công, bất chính, hận thù, ghen ghét, xác thịt, gieo kinh hoàng đang làm đui mù chúng ta cũng đẩy chúng ta về một tương lai mà Chúa đã dành cho chúng ta; nó chuẩn bị sân khấu để chính Chúa sẽ xuất hiện tỏ lộ với chúng ta.

 

ĐÔI LỜI KẾT: Chào đón Chúa

 

Để kết thúc bài suy niệm Phúc Âm Chúa Nhật Lễ Lá này, chúng tôi mượn lời Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong sách “Giêsu thành Nazareth”:

 

Giáo Hội chào đón Chúa trong phép Thánh Thể như chào đón một người hiện đang đến với chúng ta bây giờ, một người đã và đang đi vào giữa lòng Giáo Hội. Đồng thời Giáo Hội cũng chào đón Chúa như chào đón một người đang tiếp tục đến, một người dẫn dắt chúng ta đi về hướng Chúa đến.

 

Vì cuộc tử nạn trên thập giá và sống lại hiển vinh của Chúa, xin Chúa thứ tha các lỗi lầm chúng con đã xúc phạm đến Chúa; những lúc hứng chí chúng con hứa hẹn đủ điều với Chúa để rồi không làm mà còn vấp phạm nhiều điều đáng trách khác nữa như những kẻ hôm nay tung hô đón chào Chúa rồi ngày mai kêu gào đòi giết Chúa.

 

Xin Chúa ban sự sống vĩnh cửu cho chúng con ngày cánh chung khi Chúa xuất hiện trên sân khấu tỏ lộ uy quyền công bằng công chính cho hết mọi người.

 

Xin Chúa giúp con thấu hiểu cuộc tử nạn của Chúa: “Chết” tức là “Sống”.

 

NB- Những Bài đọc Chúa Nhật Lễ Lá: Mat.21: 1-11; Isaiah 50:4-7; Philippians 2:6-11; Mat.26:14-27:66/27:11-54

 

 

Fleming Island, Florida

April 17, 2011

NTC

 


[1] Jesus is a king who destroys the weapons of war, a king of peace and a king of simplicity, a king of the poor. And finally we saw that he reigns over a kingdom that stretches from sea to sea, enmbracing  the whole world; we were reminded of the new world encompassing kingdom of Jesus that extends from sea to sea in the communities of the breaking of bread in communion with Jesus Christ, as the kingdom of his peace. None of this could be seen at the time (p.4)

[2] “ The Church greets the Lord in the Holy Eucharist as the one who is coming now, the one who has entered into her midst. At the same time, she greets him as the one who continues to come, the one who leads us toward his coming.

As pilgrims, we go up to him; as a pilgrim he comes to us and takes us up with him in his ‘ascent’ to the Cross and Resurrection, to the definitive Jerusalem that is already growing in the midst of this world in the communion that unites us with his body.”

Như những người đi lễ hội hành hương, chúng ta đi lên với Chúa; và như một người đi lễ hội hành hương, Chúa đến với chúng ta, đem chúng ta lên với Ngài để cùng “hướng  tới” Thập Giá và sự Sống Phục Sinh, đến một Jerusalem chung cuộc đang nở rộ giữa lòng thế giới hiệp thông,  kết hợp chúng ta với thân thể Ngài” (tr.11)[2]

VỀ MỤC LỤC
CĂN TÍNH NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN TRONG CÔNG ĐỒNG VATICAN II ( 2 )
 

3 - Vai trò nhân vật chính của người tín hữu giáo dân trong đời sống Giáo Hội.

Như những gì chúng ta vừa đề cập đến, người tin hữu giáo dân chỉ có vai trò trong sứ mạng của Giáo Hội giữa trần thế ( ad extra)  thôi sao?

Câu hỏi, ai trong chúng ta cũng tự nhiên cảm thấy phải đặt lên, sau những gì đã được đề cập ở phần trước.

Trở lại quan niệm thời tiền Công Đông Vatican II, theo đó thì hàng giáo phẩm và tu sĩ " có nhiệm vụ đối với những gì liên quan đến Giáo Hội ", trong khi đó, lãnh vực của người tín hữu giáo dân là " những gì thuộc về thế tục ". 

   a ) Theo quan niệm của Công Đồng Vatican II, tư tưởng tách biệt lãnh vực và chủ thể như vừa kể là tư tưởng cần phải được loại bỏ.

Cần mạnh dạn xác định rằng, trong cộng đồng Giáo Hội, tất cả không trừ ai, đều có liên hệ đến cả hai lãnh vực. Nhưng là liên hệ theo phương thức khác nhau, tùy theo ơn gọi của mỗi người, của mỗi hạng người.

Tuy nhiên, nếu cách sống của người tín hữu giáo dân được đặt trọng tâm trên các lãnh vực trần thế, điều đó không có nghĩa là họ không có phận vụ vai chính cả trong các lãnh vực đời sống nội tại ( ad intra ) của Giáo Hội.

Trước tiên, cần phải nói cách khác đối với những gì một đôi khi được nghĩ đến và nói lên, đó là Giáo Hội không phải được phân chia thành hai thành phần, một " Giáo Hội huấn dạy và một Giáo Hội học hỏi, lắng nghe ", phần " Giáo Hội huấn dạy " gồm hàng giáo phẩm với quyền huấn dạy và cai quản, còn phần thứ hai gồm có các tín hữu giáo dân phải biết lắng nghe, học hỏi và được hướng dẫn.

Trái lại, tất cả Giáo Hội đều gồm cả hai phần, phần nầy lẫn phần kia, tuy tùy theo phương thức và độ lượng khác nhau.

Lý do cuối cùng của những gì vừa kể là Lời Chúa được Chúa giao cho cả cộng đồng Giáo Hội ( Dei Verbum, 10a), chớ không phải đặc quyền đặc nhiệm cho một vài người.

Từ đó đưa đến điều cần thiết là cả cộng đồng Giáo Hội đều phải học hỏi, hiểu biết sâu đậm và loan báo cho thế gian, mặc dầu dĩ nhiên trong đó một vài người được kêu gọi trở thành lãnh đạo, hướng dẫn, và những người khác được mời gọi hãy cộng tác một cách có trách nhiệm, mặc dầu không ở vị trí lãnh đạo. 

Và bởi vì Lời Chúa được thể hiện sống động trong lịch sử, trong các biến cố và trong các hoàn cảnh sống của con người ( Dei Verbum 2; Gaudium et spes 11a), chúng ta hiểu được tầm quan trọng không thể thay thế và cá biệt sự góp phần cộng tác của các tín hữu giáo dân, nam cũng như nữ, trong việc chuẩn định, bởi lý do chính vì họ là những người sống sát gần với các thực tại trần thế, họ có thể thu nhận dễ dàng hơn và sát với thực tế hơn.

Trong nhãn quang đó, Hiến Chế Lumen gentium xác nhận rằng các vị chủ chăn

   - " được trợ lực bằng kinh nghiệm của các tín hữu giáo dân, có thể hướng dẫn một cách trong sáng rõ ràng hơn và thích hợp hơn trong các vấn đề thiêng liêng cũng như những vấn đề trần thế, và như vậy cả Giáo Hội, được nâng đỡ bởi mọi thành phần của mình, có khả năng thể hiện hữu hiệu hơn sứ mạng của mình cho cuộc sống thế giới " ( LG, n. 37d).    

Đàng khác, từ động tác ngôn sứ được thực hiện trong lòng cộng đồng Giáo Hội, các tín hữu giáo dân có thể rút ra được lợi ích cho cuộc sống và động tác của mình giữa trần thế.

Người tín hữu giáo dân có thể khám phá ra, cùng với anh chị em khác trong đức tin, ý nghĩa cuối cùng của các thực tại mà giữa đó họ đang sống, và từ đó cũng có thể thấy được đâu là phương thức thực tại hơn để loan báo Phúc Âm cho những người cùng chung sống với họ trên thế giới. 

   b) Kế đến, như chúng ta đã có dịp đề cập trong bài viết trước, Hiến Chế Lumen Gentium trong khi để cập đến đề tài phưọng tự, đã xác nhận rằng tất cả những gì người tín hữu giáo dân tác động trong Chúa Thánh Thần, đều trở nên của lễ hiến tế thiêng liêng, mà trong lúc cử hành Thánh Thể, cùng với động tác dâng Mình Chúa Ki Tô, họ cũng dâng những của lể đó lên Chúa Cha ( LG, n. 34b).

Điều gì họ đang sống trong cuộc sống thông thường và thường nhật của mình, chính những điều đó tự chúng  đã là " động tác phụng tự thiêng liêng ",  người tín hữu giáo dân cử hành trong cộng đồng Giáo Hội dâng lên Chúa trong những giây phút phụng tự.

Đây là những lúc đặc thù người tín hữu giáo dân hành xử phận vụ tư tế của mình. Đây thật là một động tác đồng tế đích thực, trong đó mọi thành phần của cộng đồng Giáo Hội đều tích cực tham dự, và cũng trong đó cho thấy nhiều phương diện phục vụ khác nhau trong Giáo Hội.

Trên nền tảng đó, Hiến Chế Công Đồng Sacrosanctum Concilium đã nhấn mạnh đến sự tham dự tích cực của mọi tín hữu vào các buổi cử hành phụng vụ, phụng vụ không bao giờ là những buổi cử hành riêng tư, mà luân luôn là cử hành với danh nghĩa công đồng ( n. 26a).

Các vị thừa tác viên, dưới quyền năng của Phép Truyền Chức, được mời gọi chủ toạ trong các buổi cử hành phụng vụ, nhưng không vì đó mà những tham dự viên khác chỉ được coi là những người được hưởng đơn thuần và thụ động, những gì mà các vị thừa tác viên thực hiện cho.

Trái lại, mọi người đều được mời gọi cảm nhận mình - vì thực ra chính họ là như vậy - đồng trách nhiệm trong việc cử hành phụng vụ, và cũng vì lý do đó mà phải cảm thấy mình có trách nhiệm cộng tác với tất cả khả năng của mình để thực hiện tốt đẹp đầy đủ ý nghĩa buổi cử hành phụng vụ dâng lên Chúa. 

Tưởng cần nhắc lại một lần nữa tầm quan trọng sự cộng tác của các tín hữu giáo dân nam nữ vào phụng vụ. Nếu sứ mạng của Giáo Hội là nhằm để phục vụ trần thế, phụng vụ của Giáo Hội cần phải được thấm  nhuần bởi những đòi hỏi mà đức tin chuyển đến, về những gì đã và đang xảy ra trong môi trường trần thế.

Nếu không, phụng vụ của Giáo Hội chỉ là phụng vụ rỗng không, không có ý nghĩa gì dâng thế giới lên cho Chúa.

Trong tư tưởng đó, chúng ta có thể tiên đoán được đâu là phần cộng tác cá biệt và quan trọng mà các tín hữu giáo dân nam nữ có thể góp phần vào phụng vụ, vì họ là những chủ thể hằng ngày sống mặt giáp mặt, vai kề vai với  thế giới,  với những hoàn cảnh " vui mừng và hy vọng, đau khổ và lo âu " của họ và của thế giới, mà họ có thể đem đến để hiến dâng lên Chúa và nói với Chúa. 

   c) Sau cùng, mỗi tín hữu nam nữ giáo dân đều được gọi là " ông " hay là " người đầy tớ " theo tinh thần Phúc Âm, trong lòng Giáo Hội ( GS, 32 ).

Ngoài những buổi cử hành phụng vụ, cuộc sống cộng đồng Giáo Hội cũng cần có những việc phục vụ xác định: tổ chức, lãnh đạo, giảng dạy, cứu trợ...

Đời sống trong cộng đồng càng được tổ chức liên đới huynh đệ bao nhiêu, cần phải có lòng sẵn sàng cộng tác trợ giúp của các thành viên mình bấy nhiêu. Điều đó không có gì lạ, chúng ta đã có được nhiều chứng cứ trong các công đồng Ki tô hữu đầu tiên trong Tân Ước, nhứt là trong sách Tông Đồ Công Vụ. 

Trong bối cảnh đó, chúng ta nên nhắc lại những gì Công Đồng Vatican II nói về mối tương quan giữa các tín hữu giáo dân và mục tử.

Một tiêu chuẩn định hướng, chúng ta được Công Đồng cung cấp cho trong chính chương dành riêng đề cập đến các tín hữu giáo dân của Hiến Chế Lumen Gentium:

   - " Như vậy, trong Giáo Hội, không phải tất cả đều cùng đi trên một con đường, nhưng tất cả đều được mời gọi tiến đến sự thánh thiện và tất cả đều đã có, tùy theo phần của mình, cùng một đức tin do quyền năng đức công chính của Chúa. Một vài người do ý muốn của Chúa là những  vị tiến sĩ và những vị phân phát các mầu nhiệm, các vị chủ chăn cho những người khác, nhưng giữa tất cả đều hiện hữu hiệu lực một quyền bình đẳng đích thực về địa vị " ( LG 32b). 

Như vậy Công Đồng nhấn mạnh đến một một phương điện rất quan trọng về đời sống và tổ chức Giáo Hội: trong Giáo Hội không hề có bậc thang về phẩm trật địa vị, bởi vì tất cả các thành phần của Giáo Hội đều ngang nhau về phưong diện đó, và không ai là người trổi thượng hơn người khác.

Sau khi tuyên bố nguyên tắc nền tảng vừa kể, bản văn vừa được trích dẫn tiếp tục:

   - " như vậy, người tín hữu giáo dân, theo đồ án của Thiên Chúa, có Chúa Ki Tô là người anh mình ( ...) như vậy, họ cũng có những người anh em là những người đưọc đặt để vào các chức vụ thiên thánh, để bằng cách giảng dạy, thánh hoá và chăn dắt nhân danh Chúa Ki Tô, các anh em đó chăn dắt gia đình Chúa Ki Tô, để cho mỗi người thực hiện hoàn hảo giới răn mới về bác ái " ( LG, n. 32d).    

Mối tương quan thứ nhứt và nền tảng, đó là mối tương quan bình đẳng huynh đệ. Nhưng mối tương quan đó  không loại bỏ đi mối tương quan thứ hai phụ túc nầy: đó là sự khác biệt nhau trong trách nhiệm, nhưng là sự khác biệt luôn luôn phải được chính tình huynh đệ thấm nhuần.

Trong lý chứng đó, Hiến Chế Lumen Gentium nhấn mạnh đến việc đồng trách nhiệm của các tín hữu giáo dân trong cuộc sống và trên cuộc hành trình của cộng đồng Giáo Hội:

   - " Trong tầm mức hiểu biết, thẩm quyền và uy thế mà họ có được ( người tín hữu giáo dân) họ có quyền, nói đúng hơn, một đội khi, có bổn phận phải nói lên cho biết ý kiến của họ đối với những gì có liên quan đến những gì  tốt lành cho Giáo Hội " ( LG, n. 37 a). 

Hiểu như vậy, chúng ta thấy được Công Đồng mời gọi các chủ chăn hãy nhận biết và phát huy phẩm giá và trách nhiệm của người tín hữu giáo dân trong Giáo Hội.

Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

VỀ MỤC LỤC
QUAN NIỆM VỀ PHÁI TÍNH
 

Chúng ta thường nghe những câu phê bình châm biếm: “Anh chàng nầy giống đàn bà. Cô kia y như đàn ông.” Những câu nói đó phản ảnh cho thấy quan niệm của chúng ta về phái tính rất là rõ ràng. Hầu hết mọi người đều cho rằng người đàn ông bao giờ cũng phải hùng mạnh, tự tin, can đảm trong khi người đàn bà tiêu biểu sự yếu ớt, sợ sệt, nhút nhát. Những quan niệm nầy chúng ta có được, đến từ chính nền văn minh xã hội chúng ta đang sống.  

NỀN TẢNG XÃ HỘI 

Vai trò mà mỗi phái phải đóng, như chúng ta đã thấy, được xác định bỡi cấu trúc xã hội của cộng đồng chung quanh. Tuy nhiên, những qui ước xã hội ngày nay không xác định một mẫu tư cách nào cho mỗi giới. Mỗi cá nhân phải xác định tư cách riêng cho mình như là nam hoặc nữ. Có nhiều cách để diễn tả nam tính hoặc nữ tính. Điều nầy dành cho mỗi cá nhân để xác định loại đàn ông hoặc đàn bà nào mình muốn trở thành. 

Bao lâu chúng ta coi nam giới là có quyền và cũng cho rằng hầu hết mọi người đều nghĩ như vậy thì quan niệm mà chúng ta có về vai trò phái tính phù hợp với niềm tin và lối sống chúng ta. Ngay cả những đương kim vô địch vận động hăng say nhất cho quyền bình đẳng của phụ nữ cũng phải tuyên bố rằng đàn ông thật thì phải hùng mạnh, tự tin, can đảm, trách nhiệm, và đáng tin tưởng, và rằng tất cả những đàn ông không đáp ứng những đòi hỏi nầy cho thấy nét phụ nữ trong con người họ. Từ ngữ đàn bà chỉ nét yếu ớt, sợ sệt như một phẩm cách chung chung của người phu nữ. Thật ra, trách nhiệm, ước muốn làm việc, muốn đóng góp, và ngay cả muốn nâng đỡ được nhận biết như là những bổn phận của con người không kể phái tính. Quan niệm về đàn ông là phái mạnh khiến những quan niệm về vai trò phái tính, về bổn phận, và về giới hạn của họ sinh ra lẫn lộn. 

Con trẻ ở giai đoạn đầu phát triển rõ rệt nhưng không hẳn luôn chính xác những quan niệm về vai trò xã hội được gắn liền với phái tính riêng của chúng. Chúng bị gây ấn tượng và bị kích thích bỡi những ý tưởng xã hội về phái tính trước khi chúng nhận thức được ý nghĩa về xúc cảm và về thể lý của chúng. Như một qui luật, con trai có tự do hơn trong mọi sinh hoạt. Con gái hành động như con trai thì được gọi là “con đực rựa”một danh từ ám chỉ có nhiều nét nam tính, trái ngược với các cậu trai có hành vi điệu bộ giống như con gái thì gọi là “thằng lại cái”. Giúp việc nhà, nấu ăn, lau nhà, khâu vá vẫn được xem là công việc của con gái. Ngày nay, đàn ông cũng rửa chén bát. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ chiều hướng chung cho việc cộng tác, khó cho các ông Âu châu và nhất là Á châu chịu làm. 

Nhiều cô gái tin rằng vai trò nữ giới trong xã hội vẫn còn lệ thuộc. Họ hoặc phục tùng số phận, tìm sự đền bù trong cách thế các bà, hoặc tìm cách phản loạn, không chấp nhận bất cứ cái gì thuộc về nữ giới. Cố gắng đầu, phục tùng số phận để chiếm một chỗ đáng kính trong thế giới đàn ông bằng cách trau chuốt sự quyến rũ, tỏ ra mình vô dụng, và tránh trách nhiệm, nói tắt, bằng cách phấn đấu để loại bỏ cung cách tiêu biểu của một người phụ nữ. Cung cách thứ hai, phản loạn, dành cho những cô gái có những đặc tính kháng cự mãnh liệt, từ chối hoàn thành sự phát triển hoàn toàn của nữ giới. Những người nầy ghét nhìn giống như đàn bà, ghét chức năng của đàn bà như có kinh nguyệt. Nhiều cô gái không đi đến thái cực nầy nhưng đau khổ với diện mạo của họ. Không kể họ có nét giống đàn bà thế nào, sự phản dối của họ thì rõ ràng trong những trường hợp khác nhau. Họ cố gắng chứng tỏ rằng họ có thể tốt như bất cứ người đàn ông nào và ngay cả còn tốt hơn. Rất thường, họ không muốn nhận thức sự chống đối của họ đối với đàn ông và cũng không muốn ý thức về cái đã gây nên những khó khăn trong hôn nhân cũng như phái tính. 

Câu chuyện sau đây sẽ cho chúng ta thấy việc khước từ bản tính phụ nữ của một số các cô có thể đi đến những thái cực mà chúng ta không thể tưởng tượng được. Ông bạn bác sĩ của tôi đã kể cho tôi nghe câu chuyện  như sau: 

“Một ngày kia, một người đàn ông trẻ đến gặp tôi. Khi được hỏi anh đang gặp phải những khó khăn gì, anh mặc khải cho biết rằng anh ta là một cô gái. Bệnh nhân ở vào tuổi giữa 20. Vẻ đàn ông lộ nét không chỉ bỡi cách ăn mặc nhưng bỡi cách nói và phong cách đàn ông. Ngay cả giọng nói cũng có đặc tính của một người đàn ông hơn là đàn bà. Cô ta đến vì cô cần sự giúp đỡ trong tình cảnh khó khăn bất thường. Để tìm được một công việc, cần phải trình chứng minh thư. Giấy tờ của cô cho thấy tên cô là con gái, điều đó làm rắc rối. Cô bây giờ tìm cách để có thể đổi thành tên con trai. Tôi bị lúng túng. Làm thế nào cô mang đồ đàn ông trong khi điều nầy bị cấm đối với các bà. Cô cho tôi thấy giấy phép được viết tay bỡi cảnh sát và cắt nghĩa làm cách nào cô có giấy đó. Khi cô mang đồ đàn bà, cô lôi kéo sự chú ý của những người đi đường vì mọi người tin cô là một người đàn ông hóa trang thành đàn bà. Cô đi như một đứa con trai. Bộ tịch của cô như con trai. Vì thế, cảnh sát bị bó buộc cấp cho cô giấy phép bất thường nầy. 

Một sự khám nghiệm thể lý cho thấy mọi sự bình thường: bộ ngực phát triển đầy đủ, tóc đằn bà, kinh nguyệt đều đặn. Không có một chút gì gọi là bất bình thường. Sự phát triển bất thường chứng tỏ bị gây nên bỡi những yếu tố khác. 

Cô ta được sinh ở một vùng quê, đứa con đầu của một nông gia. Trong thế giới đó, những đứa con gái không được quí mến lắm. Nông dân cần ít là một đứa con trai để thừa hưởng đất đai và thay thế người cha khi ông muốn về hưu. Vì thế, bố mẹ cô mong đợi đứa con trai. Không may cho cô gái đó, hai năm sau thì đứa em trai được sinh ra. Thật không khó để tưởng tượng phản ứng của cô đối với tình thế. Nhận thấy vị thế của mình nguy hiểm, cô từ chối chấp nhận đóng vai trò phụ. Cô bé xử dụng một ít năm trong cố gắng tử tế để giữ ưu thế hơn đứa em nó cả về tinh thần lẫn thể chất. Tuy nhiên vẫn không đủ sức để thằng bé khuất phục sự thống trị của nàng. Nó vẫn là đứa con trai và nàng cũng chỉ là đứa con gái. Để chiến thắng trận chiến nầy, cô phải chế ngự cho được tình thế. Vì thế, cô hành động như một đứa con trai. Cô bé chơi với con trai và còn dã man hơn bất cứ một đứa con trai nào khác. Cô lấy làm khoái chí mặc đồ con gái cho đứa em trai trong khi chính cô lại mang đồ con trai.  

Bố mẹ cô lấy làm thích thú và khuyến khích điều đó. Mọi người cho đó là kháu khỉnh. Cô bé nghe nhiều lời phê bình thuận lợi về việc cô xem ra giống con trai. Mọi người đều nhận thấy cô xem ra là con trai hơn cậu trai em, một đứa trở thành hoàn toàn bị khuất phục, dễ sai, và thích lệ thuộc vào người chị mạnh mẽ hơn. Sự thành công nầy dĩ nhiên khích lệ cô bé tiếp tục và tăng cường cố gắng. Khi cô lớn lên, cô bé ngày càng thích ứng với vai trò nam giới. Trong mỗi cử động, mỗi bước đi, mỗi phong cách cô là một đứa con trai đúng tiêu chuẩn. Cô bắt đầu thích các cô gái nhưng chỉ trong cách bảo vệ và tán tỉnh. Khi cô bé bắt đầu phát triển về phương diện thể lý, cô chống lại bất cứ dấu hiệu nào của nữ giới. Cô ghét bộ ngực cô. Cô dùng vải buộc chặt để đè nó dẹp xuống và không ai chú ý. Cô coi thường sự kinh nguyệt và không để nó xen vào những hoạt động thể thao. Cô không để phát triển những nét nữ giới và đầu tóc hớt ngắn kiểu con trai. Giờ phút huy hoàng của cô đến khi cô có được giấy phép của cảnh sát để cho mặc đồ con trai. Nhưng luận lý mà cô cố gắng để chống cự lại mang cô vào xung khắc mới. Bây giờ cô cần một tên con trai. Điều nầy không dễ đối với lề luật.Nhưng dường như chính quyền đã bị cưỡng ép để nhượng bộ lần đầu, thật là cần thiết và hợp lý lấy bước kế tiếp để cho phép cô dùng một tên có thể áp dụng cho bất cứ phái nào. Nhưng cần có sự giới thiệu của bác sĩ tâm lý, điều đó được đòi hỏi bỡi cảnh sát. Cô ta thì rất là nhiệt tình. Tôi cố gắng cách luống công để thuyết phục cô ta rằng dẫu cho cô có thành công, cô vẫn phải chiến đấu với nhiều vấn đề khác. Cô vẫn là một người đàn bà, không kể khả năng của cô có như thế nào đi nữa.Ngoại trừ cô chấp nhận vai trò của phái cô, cô càng ngày càng đi vào những khó khăn lớn hơn. Nhưng như nhiều người với bản năng phái tính thay đổi bất bình thường, cô không muốn nghe một lời khuyên nhủ nào hoặc sự giúp đỡ nào, và thẳng thắn từ chối thảo luận những vấn đề khủng hoảng tâm lý của cô.  

Rất ngạc nhiên, cô lại xuất hiện khoảng một năm sau. Thoạt đầu tôi nghĩ cô có lẽ yêu cầu chữa trị tâm lý. Tuy nhiên, cô chỉ đến đòi hỏi một dịch vụ khác trong việc cô chống lại xã hội, là cái đã đánh dấu cô như một hữu thể thấp kém. Cô trót yêu một cô gái và cô mong tôi giúp để làm cho việc đó trở thành có thể và rồi hai người có thể lấy được nhau. Dĩ nhiên, điều đó vượt quá quyền hành con người, và cũng từ đó không bao giờ thấy cô ấy trở lại thăm tôi nữa”.

Lm Lê Văn Quảng Psy.D.

VỀ MỤC LỤC
SỰ THẬT LÀ GÌ?
 

Xưa lắm rồi trong một vương quốc nọ, sau khi vị vua độc ác đã chết đi, người em kế thừa lên ngôi. Tuy nhiên, vị tân vua muốn lấy lòng người dân và muốn phần nào bù đắp những thiếu sót mà anh mình đã gây ra. Vì thế, ngay sau khi lên ngôi, vị vua yêu cầu các quan tìm một người dân nghèo nhất, quê mùa nhất để ông đích thân đến thăm người này. Các quan đã cho vua biết người nghèo nhất trong đất nước này là một bà lão sống một mình nơi xa xôi hẻo lánh.

Sau khi nghe tin nhà vua sẽ đến thăm mình, bà lão cấp báo là hãy cho bà một thời gian để chuẩn bị. Nhà vua đồng ý và đợi chờ. Đôi ba tháng qua đi, nhà vua sốt ruột hỏi về tin tức bà lão vì muốn đến thăm bà. Trái với mong đợi của nhà vua, sau khi nghe tin nhà vua sẽ đến thăm mình, bà lão đã cùng với nhiều vị quan đã góp tiền của nhằm phá đi căn chòi nghèo nát của bà để xây thành một tòa lâu đài tráng lệ. Biết được sự việc này, nhà vua hết sức buồn rầu vì người dân đã không hiểu được tấm lòng của ông. Càng đau lòng hơn khi ông nhận ra rằng, những người thân cận của ông như các quan đã che đậy sự thật về đời sống của dân bằng những ngôn từ hoa mỹ mà hằng ngày họ dùng để tấu bẩm.[1]

* * *

Bạn thân mến, chúng ta đã cùng nhau học hỏi về chính bài học về chủ đề Đơn sơ – Chân thật. Hôm nay, chúng ta cùng nhau hướng về sự Chân Thật tuyệt đối nơi Thiên Chúa là Đấng không ngần ngại lột bỏ hết tất cả địa vị của một Thiên Chúa để mặc lấy sự nghèo hèn của một kiếp người. Trái với sự lộng lẫy bên ngoài mà con người thường hay trang điểm để đến với nhau, Thiên Chúa lại mặc lấy sự nghèo hèn nơi hang đá. Trái với những lời khen chúc tụng mà con người thường tìm cho mình, Thiên Chúa đã sẵn sàng đón nhận những sỉ nhục vu cáo. Trái với ngai vàng, quyền lực mà con người tham vọng dành giật, Thiên Chúa lại chọn thập giá. Vâng, tất cả sự lựa chọn của Thiên Chúa là chọn lựa sự thật và biểu lộ cho con người thấy Sự Thật. Sự Thật mà Thiên Chúa mặc khải cho con người vượt xa tầm hiểu biết của con người. Hay nói cách khác, Sự Thật mà Thiên Chúa biểu tỏ cho con người nó quá thực, quá gần gũi, đến nỗi con người cứ ngỡ ngàng trước Sự Thật ấy để rồi lại thắc mắc như chính Philatô, “Sự thật là gì?” (Jn 18:38).

Sự Thật mà Thiên Chúa biểu lộ cho con người qua Đức Giêsu Kitô là sự thật về tình yêu bất biến của Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa yêu con người bằng một tình yêu thật. Yêu đến nỗi lấy chính mạng sống mình làm giá cứu chuộc mọi người. Cái chết của Đức Kitô đã lột tả lên tất cả về bản chất của Thiên Chúa – yêu cho đến cùng. Một Thiên Chúa quyền năng lại chọn phương cách cứu độ con người như thế để nói lên điều gì? Tất cả để minh chứng giá trị thật về tình yêu. Tình yêu, sự thật phải được minh chứng bằng giá máu. Các thánh tử đạo đã không theo vết chân của Thầy Chí Thánh đó sao?

Thưa bạn, sự đơn sơ chân thật mà chúng ta đối xử với nhau hằng ngày cũng được bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chỉ trong Thiên Chúa ta mới tìm thấy sự thật hoàn hảo về chính ta, về kiếp con người, và về thế giới chóng qua này. Thiên Chúa đã không ngần ngại biểu tỏ sự thật qua hang đá và thập giá, thì Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy biểu tỏ cho nhau sự chân thật về chính mình. Như trong câu chuyện, vị tân vương muốn thăm bà lão với hoàn cảnh thật của bà, chúng ta cũng hãy để Thiên Chúa đến với ta như bản chất thật của ta – một loài thụ tạo hoàn toàn lệ thuộc và cậy nhờ vào Ngài, chứ không cần vay mượn những sản phẩm của con người như thành công, địa vị, tiền của. Và chúng ta cũng hãy đến với nhau như những con người có niềm vui xen lẫn khuyết điểm và bất toàn. Vì chính dựa trên sự chân thật chúng ta mời tìm thấy được tự do và bình an. “Sự thật sẽ giải thoát các con” (Jn 8:32).

Chúng ta cùng cầu chúc nhau sống đơn sơ chận thật với Thiên Chúa, với lòng mình, và với người thân.

Br. Huynhquảng

Mời bạn ghé thăm trang  http://brhuynhquang.org

Email liên lạc: brhq@brhuynhquang.org
 


[1] Lược dịch từ William J. Bausch, A World of Stories (The Blackrock: Colomba Press, 1998) 208.  

VỀ MỤC LỤC

CÁC MỐI TƯƠNG QUAN CỦA LINH MỤC GIÁO PHẬN

 

Mời thăm Blog của Lm. Trần Minh Huy http://www.chivilongchuathuongtoi.tk/

Tác phẩm: ĐÀO TẠO ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

 

CHƯƠNG BỐN

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN 

TỰ ĐÀO TẠO VÀ TIẾN BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG SỐNG THÁNH

(tiếp theo)
 

D. CÁC MỐI TƯƠNG QUAN CỦA LINH MỤC GIÁO PHẬN

D.I  Tương quan nền tảng

D.I.a Ý niệm tổng quát  

1.      Tương quan với Chúa Cha

2.      Tương quan với Chúa Giêsu, đặc biệt Chúa Giêsu chịu đóng đinh và Chúa Giêsu Thánh Thể

3.      Tương quan với Chúa Thánh Thần

4.      Tương quan với Đức Mẹ

5.      Tương quan với các thiên thần, nhất là thiên thần giữ mình

6.      Tương quan với thánh cả Giuse, thánh Quan Thầy và các thánh

Tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi là khía cạnh quan trọng nhất của đời sống độc thân linh mục. Tương quan với Thiên Chúa là tuyệt đối then chốt để sống độc thân linh mục hiệu quả. Do đó quyền ưu tiên phải được dành cho mối tương quan này. Tương quan với Thiên Chúa được bày tỏ qua đời sống thiêng liêng và cầu nguyện. Cầu nguyện không là gì khác hơn là mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Cầu nguyện là liên hệ với Thiên Chúa, đối thoại với Thiên Chúa, thông hiệp với Thiên Chúa, ở với Thiên Chúa, ở trước nhan Thiên Chúa và luôn ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa.

Đây là tương quan siêu ngôi vị. Tương quan siêu ngôi vị này bao gồm hai ngôi vị: một ngôi vị thần linh và một ngôi vị nhân loại. Trong tương quan này, ngôi vị Thần linh đến với con người chúng ta và chúng ta, những con người, đi tới với Thiên Chúa, trong tiến trình cầu nguyện mang chiều kích vừa thần linh vừa nhân loại, được diễn tả bằng Con Đường Thiên Chúa đến với con người và con người đến với Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô như Ngài tuyên bố “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.”

Thiên Chúa là Chúa của liên hệ và liên kết. Khi Thiên Chúa liên hệ với chúng ta, chúng ta có thể hoặc nói “vâng” hoặc nói “không” với Ngài. Khi chúng ta nói “vâng” thì lúc ấy có liên hệ. Chính liên hệ siêu ngôi vị này giúp con người đạt tới sự thánh thiện, vì nó thực là công trình của chính ơn thánh Chúa. Đời sống độc thân linh mục thánh hiến phải giúp chúng ta phát triển liên hệ này với Thiên Chúa, bằng việc nối kết chặt chẽ giữa độc thân thánh hiến và đời sống cầu nguyện.

Độc thân linh mục là một hồng ân liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa. Chính nhờ liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa mà chúng ta di chuyển đến tất cả những liên hệ khác một cách tốt đẹp thánh thiện. Việc kính mến Thiên Chúa nâng cao liên hệ tình yêu của chúng ta với người khác. Nếu chúng ta loại trừ Thiên Chúa ra khỏi liên hệ của chúng ta, thì chúng ta có thể trở thành phá hoại, không những đối với liên hệ của chúng ta với tha nhân, mà còn đối với chính bản thân chúng ta và bản thân người khác nữa.

Thiết lập mối liên hệ cá nhân với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện là chiều kích hàng dọc trong liên hệ của chúng ta (đối thần); còn thiết lập liên hệ cá nhân với anh chị em đồng loại chúng ta là chiều kích hàng ngang trong liên hệ của chúng ta (đối nhân). Chiều kích hàng dọc này là động cơ thúc đẩy và là ý nghĩa đích thực cho chiều kích hàng ngang trong đời sống chúng ta.

Tương quan của chúng ta đối với Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse, thiên thần giữ mình, thánh quan thầy và các thánh càng giúp chúng ta qui hướng về Chúa và củng cố tương quan của chúng ta với Chúa.

 

D.I.b Vài khía cạnh nổi bật của linh đạo linh mục giáo phận

 

D.I.b.1) Linh mục giáo phận và Bí tích Thánh Thể

Thánh Lễ là hình thức cầu nguyện cao nhất của đời sống phượng tự Kitô giáo, và là cái đặc trưng của chức linh mục. Thánh Thể là “suối nguồn và tột đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh,” nên cũng phải là trung tâm đời sống và sứ vụ của linh mục, đặc biệt là linh mục giáo phận giữa đàn chiên Chúa, bởi vì có một mối tương quan rất chặt chẽ giữa cử hành Thánh Lễ và rao giảng Chúa Kitô.

Theo những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm trong bữa Tiệc Ly,[8] khi Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục, để chúng ta tái hiện và cử hành nhân danh chính Ngài (in persona Christi), đời sống thiêng liêng của chúng ta có thể lớn lên dần dần và dẫn đưa chúng ta tới độ “trở nên và sống như một Chúa Kitô Khác trong mọi hoàn cảnh sống[9] các sinh hoạt của đời sống hàng ngày của chúng ta sẽ thực sự mang ý nghĩa và chiều kích Thánh Thể.”[10]

Thiên Chúa tỏ lộ mầu nhiệm ý định của Ngài trong phụng vụ Lời Chúa, mà chúng ta phải biết liên kết với các thực tại của cuộc sống, ngõ hầu được sống và biến đổi bởi chính Lời ấy.[11] Chúng ta phải công bố Lời Chúa và Thánh Ý Chúa mà chúng ta đã tin và đang sống. Nhờ đó, tín hữu cũng được thúc đẩy suy gẫm và hành động cách thích đáng, đồng thời được hoán cải và biến đổi.            

Linh mục tự nguyện nhận lấy quà tặng quí giá chức linh mục, trong niềm hăng say, hạnh phúc và biết ơn. Nên cho dù không tránh khỏi khó khăn và thập giá trong đời sống và sứ vụ, nếu cho chọn lại, linh mục chắc chắn vẫn sẵn sàng thưa “xin vâng”, đôi khi chậm rãi, nhưng với ý thức và bình an.      

Khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, Chúa Giêsu cần đến năm chiếc bánh và hai con cá của các môn đệ. Ngày nay Ngài cũng cần đến phần cộng tác ít ỏi và nhỏ bé của bản thân chúng ta, như giọt nước pha trong rượu nho.[12] Chúng ta sẽ cố gắng luôn sẵn sàng cho Ngài sử dụng chúng ta vì phần rỗi các linh hồn. Như đã làm trong bữa tiệc ly với bánh, Chúa Giêsu cũng cầm lấy chúng ta và chúc phúc cho chúng ta, khi Chúa kêu gọi và tuyển chọn chúng ta giữa nhiều người khác có thể tốt hơn chúng ta. Chúng ta tạ ơn Chúa và có lẽ phải hét lên vui mừng và hạnh phúc, vì tình yêu vô điều kiện Chúa dành cho chúng ta, và vì may mắn của chúng ta nữa: may mắn vì chúng ta được chọn làm linh mục, dù chưa chắc chúng ta đã tốt hơn những người khác.      

Ước gì chúng ta sẽ không bao giờ sợ bị cầm lấy và chúc phúc như thế, bởi Chúa và bởi đoàn chiên được trao phó cho chúng ta chăm sóc mục vụ, kể cả qua những gánh nặng, những khó khăn trong đời sống và sứ vụ linh mục của chúng ta. Như tấm bánh bị bẻ ra, chúng ta phải được trao ban và bị ăn bởi Dân Chúa, đoàn chiên của chúng ta, như cha Chevrier nói “linh mục là người bị ăn.” Để luôn trung thành giữ lời cam kết với Chúa và với Hội Thánh, đôi khi chúng ta cảm thấy đời sống và con tim bị bẻ ra vì hiểu lầm và đau khổ, vì sự cô đơn và những chiến đấu nội tâm chống lại những ước muốn và yếu đuối nhân loại bên trong, cùng các cơn cám dỗ tấn công từ bên ngoài. Chúng ta biết rằng thân xác nhân loại yếu hèn của chúng ta được quyền năng Chúa làm cho trở nên một thân xác thánh thể như thân xác Chúa Giêsu (bị bẻ ra và trao cho người ta ăn để họ được sống). Chớ gì chúng ta luôn thấu hiểu và sống ý nghĩa của đời sống bị bẻ ra vì Chúa và vì tha nhân.           

Ý thức rằng chúng ta không dám tự nộp mình cho đến chết như Chúa Giêsu, nhưng chúng ta sẵn sàng hiến tặng thời giờ, của cải, sức khỏe, ước muốn, hạnh phúc, niềm vui, cả những đau khổ và buồn phiền. Tất cả những thứ đó cũng là cuộc sống và chính con người của chúng ta vậy, như Chỉ Nam 1994 nói: “Linh mục phải học biết kết hợp mật thiết với lễ vật, đặt trên bàn thờ hy lễ cả cuộc đời mình như dấu chỉ của tình yêu nhưng không và ân cần của Thiên Chúa.”[13]     

Máu các thánh tử đạo đổ ra vì Chúa và vì Nước Trời chỉ có một lần thôi. Máu của chúng ta đổ ra cách này hay cách khác, mỗi ngày, từng giọt một, qua trách nhiệm và bổn phận mục vụ của chúng ta, cam go hơn, khó khăn hơn, nhưng cũng công nghiệp hơn: “Một lúc đổ cả máu đào, hay từng giọt một đằng nào công hơn?” Và như Thánh Phaolô, mỗi ngày, chúng ta bổ khuyết nơi thân xác chúng ta phần còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Giêsu, mà “hy lễ Thánh Thể tái diễn mãi hy lễ thánh giá,”[14] kể cả “bước theo Ngài giữa những cuộc bách hại không hề thiếu vắng trong Giáo Hội,”[15] như thánh Phaolô đã xác quyết: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.”[16]

Bánh và rượu dâng lên sẽ được quyền năng Chúa biến đổi  thành Mình và Máu Chúa Kitô. Nếu chúng ta dâng chính mình, những cảm nghĩ và tình yêu, những vấn đề, những băn khoăn lo lắng, đau khổ và hạnh phúc của chúng ta thì quyền năng ấy cũng sẽ biến đổi chúng thành những gì tốt đẹp hơn, hữu ích hơn cho chúng ta và đoàn chiên của chúng ta. Đặc biệt, nếu chúng ta dâng những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, Chúa sẽ tha thứ, biến đổi và thánh hoá chúng ta, như Chúa Giêsu đã hiện ra nói với thánh Hiêrônimô “con hãy cho Cha cả tội lỗi của con nữa để Cha tha thứ cho con”, bởi vì với Chúa chẳng có tội gì quá nặng đến đỗi Chúa không thể tha thứ được! 

Trong việc cử hành Thánh Thể, sự hiệp nhất của Dân Chúa được biểu lộ và thể hiện, cũng như việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô được hoàn tất.[17] Chén chúc tụng mà chúng ta chia sẻ là Máu Chúa Kitô, lưu chuyển trong Giáo Hội, mang lại sự sống thần linh. Bánh mà chúng ta bẻ ra là Mình Chúa Kitô, được hiến dâng vì phần rỗi của mỗi chi thể. Huấn thị Mầu Nhiệm Cứu Độ nhấn mạnh: “Trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể, các linh mục có trách nhiệm lớn, vì các ngài chủ toạ in persona Christi, đưa ra chứng từ và phục vụ sự hiệp thông không những đối với cộng đoàn tham dự trực tiếp vào buổi cử hành, mà còn đối với Hội Thánh toàn cầu, luôn luôn có liên hệ với Bí tích Thánh Thể.”[18] ĐTC Biển Đức XVI cũng nhắc: “Bí Tích Thánh Thể là bí tích của sự hiệp nhất của Hội Thánh, bởi vì tất cả chúng ta hiệp thành một thân thể duy nhất của Hội Thánh mà Chúa Kitô là đầu.”[19]

Linh mục thật hạnh phúc được dâng Thánh Lễ, nhờ đó linh mục không ngừng nhận được sự sống và hiệp nhất. Cử hành và lãnh nhận Thánh Thể là hiệp nhất với Giáo Hội trên khắp thế giới. Nhờ Thánh Thể mà mọi người được qui tụ lại trong một ngôi nhà đức tin. Sự hiệp nhất này là nguồn mạch và bằng chứng hữu hiệu cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.[20] Nhờ việc cử hành thánh lễ mỗi ngày,[21] chúng ta sẽ hiểu hơn sức mạnh biến đổi của Bí tích Thánh Thể và tìm thấy nơi mầu nhiệm này sự can đảm và nguồn sức mạnh đi theo Chúa Giêsu và phục vụ Ngài nơi tha nhân: Các tư tế nên luôn tâm niệm rằng công cuộc cứu chuộc hằng được tiếp tục thi hành trong mầu nhiệm Hy Tế Thánh Thể; do đó, họ nên siêng năng dâng lễ, hơn nữa, rất đáng mong ước các tư tế dâng lễ mỗi ngày, cả khi các tín hữu không thể hiện diện, bởi lẽ Thánh Lễ là tác động của Chúa Kitô và của Giáo Hội, chính khi cử hành Thánh Lễ mà các tư tế chu toàn nhiệm vụ chính chính yếu của mình[22]

Linh mục sẽ kín múc dồi dào nguồn sức mạnh này từ Bí tích Thánh Thể, được cử hành trong thánh lễ mỗi ngày và được tôn thờ nơi Nhà Chầu mỗi khi đến viếng Mình Thánh Chúa,[23] như chính Chúa Giêsu mời gọi “hãy đến với Ta, hỡi những ai đang vất vả và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi.[24] “Chính ở bên cạnh Chúa mà Linh Mục tìm được sức mạnh và phương thế đem ta đến gần Thiên Chúa, khơi dậy đức tin và thúc đẩy hành động và chia sẻ.”[25]*

Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ nạp lại năng lượng và tăng thêm nhiệt huyết tông đồ cho chúng ta, bằng việc tiếp tục kích hoạt ngày sống và đổ đầy chúng ta với niềm hy vọng vững chắc.[26]* “Cha xứ phải chăm lo sao cho Bí tích Thánh Thể trở thành trung tâm của cộng đoàn giáo xứ; ngài phải cố gắng làm cho tín hữu được dẫn dắt và nuôi dưỡng bởi việc cử hành sốt sắng các bí tích và đặc biệt làm cho tín hữu thường xuyên đến với Bí tích Thánh Thể và Bí tích Thống Hối[27]

Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ thường hằng của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu đỡ nâng hành trình của chúng ta tiến về hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Đây là thứ tình yêu vượt thắng mọi thứ tình yêu nhân loại của trái tim con người, dù nó tự nhiên và hấp dẫn đến đâu. Chính việc tôn thờ Thánh Thể nơi Nhà Tạm mà ta phục hồi và nạp thêm năng lượng cho đời sống thiêng liêng và sứ vụ linh mục, như Chúa Giêsu mời gọi và Giáo Hội hằng nhắc nhở.[28] Trong buổi triều yết chung ngày 24.11.2010, ĐTC Biển Đức XVI nói : “Thánh Thể là một hồng ân tình yêu phi thường, mà Thiên Chúa liên tục canh tân trong chúng ta, để dưỡng nuôi cuộc hành trình đức tin của chúng ta, tiếp thêm sức mạnh cho niềm hy vọng của chúng ta là khơi dậy tình bác ái của chúng ta để ngày càng trở nên giống Người hơn.”[29]Ai trong chúng ta đã không có hơn một lần trải nghiệm những gánh nặng mục vụ và những thách đố trăn trở và yếu đuối cá nhân? Thánh Phêrô khuyên: “Trong khi cầu nguyện, anh em hãy trao trút nỗi lòng anh em cho Chúa, vì Ngài hằng thương yêu chăm sóc đến anh em[30]

Đó cũng là lý do tại sao Đức Gioan Phaolô II đã mở ra “Năm Thánh Thể” với ước mong rằng Hội Thánh được “khởi đầu lại từ Chúa Kitô.” Ngài chia sẻ với cảm xúc sâu xa chứng tá đức tin của chính ngài nơi Bí Tích Thánh Thể như là phương tiện đồng hành và tăng sức mạnh: “Từ hơn nữa thế kỷ nay, từ ngày 2.11.1946, lúc tôi dâng thánh lễ đầu tiên dưới tầng hầm thánh Leonard của nhà thờ chính tòa Cracovie, hằng ngày đôi mắt tôi chăm nhìn vào Mình Thánh và Chén Thánh, thời gian và không gian như cô đọng lại và thảm kịch đồi Golgota được tái hiện với sức mạnh, như đương xảy ra cách nhiệm mầu. Mỗi ngày, đức tin cho phép tôi nhận ra trong bánh và rượu đã được truyền phép Vị Lữ Hành Thần Linh ngày nọ đã đi đường với hai môn đệ Emau để mở mắt họ ra với ánh sáng và mở lòng họ ra với niềm hy vọng.”[31] 

D.I.b.2) Thánh Lễ tái hiện Hy tế Thập Giá

Mẹ của thánh Gioan Bosco đã nói với ngài khi ngài mới chịu chức linh mục: “Khi con bắt đầu bước lên bàn thánh tế lễ là con bắt đầu con đường thập giá.” Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta vác thập giá mà theo Ngài: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá của mình mà theo Thầy…”[32] Linh mục, Thánh Thể và Thánh giá luôn liên kết chặt chẻ với nhau. Linh mục đứng giữa bàn thờ và thánh giá: Thánh lễ tái hiện hy tế thập giá.

Cùng với Chúa Giêsu, linh-mục-in-persona-Christi vừa là tư tế vừa là của lễ. Cuộc sống và sứ vụ mục vụ của linh mục tìm được sức mạnh tình yêu từ Thánh Thể và thập giá Chúa Giêsu, vì chính từ thập giá mà tình yêu lớn nhất đã được bộc lộ: “Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu của người đã chết cho người mình thương.”[33] Là linh mục giáo phận, chúng ta được mời gọi cách đặc biệt rảo qua con đường thập giá này. Mỗi ngày chúng ta dấn sâu vào mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm của hy tế, dù lắm khi thập giá trong đời sống mục vụ giáo xứ dường như quá nặng và chúng ta muốn qụy ngã. Nhưng mầu nhiệm thập giá không được hoàn tất bởi cái chết, song bởi đời sống mới của sự sống lại.

Suốt dòng lịch sử, Giáo Hội hầu như luôn luôn bước đi trên con đường hy tế thập giá này. Nhiều nhà truyền giáo đã tiến bước suốt nhiều năm hướng về Golgotha, vác lấy thập giá hy sinh và bách hại. Nhiều người trong chúng ta cũng đã trèo lên con đường dốc đứng đó, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, và hiện nay vẫn tiếp tục vác thập giá mà đi. Con đường thập giá của chúng ta vẫn kéo dài mãi. Những người bách hại còn đó hay đã qua đi, hoặc đã thay đổi, nhưng thập giá vẫn không thay đổi và vẫn đè nặng trên vai chúng ta. Lắm lần chúng ta dường như bị oằn xuống dưới sức nặng của thập giá. Ngày xưa ông Simon đã giúp Chúa Giêsu vác thập giá, thì ngày nay chính Chúa chịu đóng đinh và sống lại đang đồng hành giúp chúng ta vác thập giá của chúng ta. Đau khổ của chúng ta là đau khổ của Ngài, hy tế của chúng ta là hy tế của Ngài. Chúa Giêsu thấu hiểu những yếu đuối của chúng ta, những thất bại của chúng ta, những cảm giác ngã lòng, những mệt mỏi, lo sợ và cô đơn của chúng ta, vì chính Ngài cũng đã trải nghiệm những khó khăn này.

Đường thập giá của Chúa Giêsu đã là con đường đầu tiên, nhưng không phải là con đường cuối cùng, vì còn chúng ta và bao nhiêu tâm hồn tận hiến đang theo Ngài đến tận cùng trong con đường thập giá của Ngài. Giáo Hội đã không quên con đường thập giá. Giáo Hội không bao giờ che giấu thập giá. Thập giá vẫn luôn có mặt trong Phụng vụ: Giáo Hội tán dương và suy tôn thập giá. Thập giá không chỉ là gánh nặng, nhưng phải được xem là cây gậy nâng đỡ trọng trách mục vụ, bệnh tật hay tuổi già sức yếu. Cuộc sống linh mục càng cắm rễ sâu vào thập giá càng sinh nhiều hoa quả. Vào mọi thời và ở mọi nơi, bao nhiêu người vẫn không ngừng hăm hở đến với thập giá, chiêm ngắm thập giá, yêu mến thập giá.

Đường thập giá là trường dạy chúng ta sống ơn gọi và sứ vụ mục vụ của chúng ta. Chúa Giêsu ngã xuống rồi lại chỗi dậy và tiếp tục đi. Ngài chịu đựng nỗi cô đơn. Ngài chịu hành hạ và lăng nhục, nhưng Ngài luôn tha thứ. Đường thập giá là trường dạy sống thánh. Trên con đường thập giá, Mẹ Maria đã đi theo Con Mẹ cho đến tận đỉnh đồi Can vê. Mẹ bước đi trong thinh lặng. Cái nhìn của hai Mẹ Con bắt gặp nhau; hai Mẹ Con nhìn nhau tận trong sâu thẳm tâm hồn. Mẹ và Con kết hiệp với nhau bởi tình yêu bao la, sâu thẳm và trong trắng. Tình yêu này sẽ làm thế giới thay đổi. Xin cho chúng ta được thấm nhuần tình yêu của Chúa và tình yêu của Mẹ Chúa, cũng là mẹ của chúng ta.

Mẹ đã đứng kề thập giá Chúa Giêsu. Mẹ cũng luôn đứng kề thập giá cuộc đời và sứ vụ linh mục của chúng ta. Chúng ta hình dung dường như đang đứng ở trên đỉnh đồi Golgotha, dưới chân thập giá, nơi đã và đang mãi mãi tập trung sức mạnh lớn nhất của thế giới: tình yêu của Thiên Chúa cho thế giới trong con người của Con Ngài, Chúa Giêsu Kitô.[34] Tình yêu này của Thiên Chúa không bao giờ cạn kiệt, không bao giờ thôi là sức mạnh cứu độ của thế giới.

Bằng những lời “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha”, Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha đời sống mình làm hy tế. Và hy tế của Ngài đã được chấp nhận. Là linh mục, chúng ta cũng trao phó cuộc đời chúng ta trong tay Chúa Cha cùng với Chúa Giêsu. Hy tế của Ngài trên thập giá là một sức mạnh bao la cho thế giới. Sức mạnh đó được gìn giữ trong Giáo Hội bởi Bí tích Thánh Thể, trung tâm tình yêu ở dưới thế gian này. Chúng ta cử hành Thánh Lễ như một sức mạnh không thể cạn kiệt của tình yêu.

Chúng ta trèo lên con đường thập giá đến tận đỉnh đồi Golgotha, đến tận Chúa Kitô, một Chúa Kitô toàn thể vừa với thập giá và mão gai trên đồi Golgotha, vừa với vinh quang trên núi Tabôrê và chiến thắng phục sinh vinh hiển. Sứ mạng linh mục của chúng ta là hướng dẫn những con người phải đau khổ vì đối nghịch và hận thù để họ không quay lưng lại với nhau, nhưng nhìn vào mắt nhau trong sự cảm thông tha thứ tương hổ. 

Với rất nhiều người trong chúng ta, bao nhiêu thời gian đã qua đi từ ngày chúng ta theo ơn gọi linh mục và bao nhiêu sự đã thay đổi: tuổi tác, tình trạng sức khỏe, và kinh nghiệm thập giá, thử thách, đau khổ... Nhưng trong thâm sâu, chẳng có gì thay đổi: Chúng ta vẫn là linh mục của Chúa và của Giáo Hội. Là linh mục, chúng ta phải luôn được hướng dẫn bởi đức tin và tình yêu, và phải luôn sống sứ vụ ấy với cùng một niềm tín thác.

Mẹ Maria đã theo Chúa Giêsu trên đường núi Sọ, xin Mẹ luôn đồng hành với chúng ta. Một người mẹ đã nói với con mình rằng: “Dù con lớn bao nhiêu tuổi, con vẫn là con của Mẹ; dù con có đi tới cùng trời cuối đất, thì lòng Mẹ vẫn hằng theo con.” Chớ gì chúng ta luôn cảm nhận sâu sắc Mẹ Maria luôn đồng hành với chúng ta, luôn đứng bên thập giá của chúng ta, che chở bảo vệ và dắt dìu chúng ta:

Hỏi rằng sao trả quá đắt,

Đồi cao thánh giá ai dắt ai dìu?

Dẫu rằng phải trả quá đắt,

Đồi cao thánh giá Mẹ dắt Mẹ dìu.

D.I.b.3) Thánh lễ cuộc đời linh mục vẫn kéo dài

Việc cử hành Thánh lễ kết thúc, nhưng việc sống Thánh Thể vẫn tiếp tục trong cuộc đời mục vụ: “Lễ xong, chúc anh chị em ra đi bình an.” Ra đi để sống mầu nhiệm vừa cử hành, để đem yêu thương cho mọi người đang trên hành trình đức tin. ĐTC Biển Đức XVI dạy: “Thánh Thể không tách xa chúng ta khỏi những người đương thời với chúng ta; ngược lại, bởi vì Thánh Thể là cách diễn tả hay nhất của tình yêu Thiên Chúa, nó mời gọi chúng ta cộng tác với tất cả anh chị em mình để đương đầu với những thách đố hiện tại và làm cho hành tinh này thành một nơi tốt đẹp để sống.[35]

Và ĐHY Francis Arinze, Bộ Trưởng Bộ Phụng Tự và Bí Tích, đã nói trong lễ bế mạc Năm Thánh Thể 49 (năm 2008) tại Canada rằng “Bí Tích Thánh Thể sai chúng ta đi để bày tỏ tình yêu và tình đoàn kết với anh chị em đang thiếu thốn của chúng ta. […] Chúng ta cũng được sai đi để an ủi những người đang sầu khổ, để giúp giải phóng những người đang làm nô lệ, kể cả các nạn nhân của những hình thức đàn áp về phái tính, chủng tộc hoặc những hình thức đàn áp khác, để đem hy vọng đến cho những trẻ bụi đường, và giúp nâng cao các dân chưa được phát triển lên một mức độ xứng hợp với sự hiện hữu của con người, nhất là những người đang đói khát và thiếu thốn về tinh thần: Họ đang đói khát Lời Thiên Chúa, đói khát Tin Mừng giải phóng của Chúa Giêsu Kitô, cho nên việc truyền giáo, dạy Giáo Lý dưới nhiều hình thức cùng việc dẫn đưa người ta đến với Hội Thánh và các bí tích là những cách bày tỏ cần thiết của tình yêu thương tha nhân.”[36]

Để được vậy, xin Chúa ban cho chúng ta, nhờ lời cầu bàu của Mẹ Maria và thánh quan thầy Gioan Maria Vianey, được ơn dâng lễ mỗi ngày thật sốt sắng như thánh lễ đầu tiên và cũng là thánh lễ cuối cùng của cuộc đời chúng ta.

D.I.b.4) Linh Mục với Mẹ Maria

Mẹ hướng dẫn chúng ta tới Chúa Giêsu, Đấng đưa chúng ta đến với Chúa Cha. Mẹ chỉ cho chúng ta con đường hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, bởi vì Mẹ là người phụ nữ được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện chương trình cứu độ của Ngài với tư cách là người đồng tham dự vào những biến cố tột đỉnh của lịch sử cứu độ. 

Mẹ được kêu cầu là Mẹ của Hội Thánh và Mẹ của linh mục theo một đường lối đặc biệt, khi trên thập giá, vào lúc tột đỉnh của sứ mạng cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã trao phó Mẹ mình cho Gioan và ký thác Gioan cho Mẹ[37]: “Chúng ta cũng hãy đón nhận Mẹ Maria vào trong nhà nội tâm của chức linh mục chúng ta.[38] Được sự che chở và hướng dẫn từ mẫu của Mẹ nâng đỡ và tăng sức mạnh, chúng ta có thể nhìn thấy mọi mối tương quan và các giai đoạn đời sống và sứ vụ linh mục của mình, bằng đôi mắt mới, bằng trái tim và trí não mới, và luôn bước đi trên con đường thánh thiện cần thiết.

Là Linh mục, chúng ta cần tăng cường lòng sùng kính Đức Mẹ. Lòng sùng kính đích thực đối với Mẹ Maria là dấu chỉ và bảo chứng cho lòng trung tín với Chúa Giêsu Kitô. Sự hiện diện từ mẫu của Mẹ luôn là sự nâng đỡ cho chúng ta. Mẹ đã luôn theo sát Chúa Giêsu Con Mẹ trên con đường trần thế của Ngài, bây giờ Mẹ vẫn tiếp tục đồng hành cùng chúng ta, những Kitô khác. Chúng ta  phải học lắng nghe và thực hành những lời Mẹ đã nói với các môn đệ và ngày nay vẫn còn nói với chúng ta: “Hãy làm những gì Người nói với anh em.”

Ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã trao phó mỗi linh mục cho Mẹ và mong muốn rằng mọi linh mục đều trao phó chính mình cho Mẹ, và hướng về Mẹ với một tình yêu và niềm hy vọng đặc biệt. Bằng kinh nghiệm của mình, Ngài đã viết lên điều ấy trong bức thư gửi các Linh mục. Ngài cầu mong: “Nguyện xin Đức Maria, Đấng mà tôi mời gọi anh em hãy luôn nuôi dưỡng lòng sùng kính con thảo, đồng hành với anh em và liên lỉ che chở anh em.” Đức Benedictô XVI mới đây cũng thôi thúc chúng ta: “Tôi khuyên anh em hãy vào trường Đức Maria để học biết yêu thương và bước theo Chúa Kitô trên hết mọi sự.” 

Thật vậy, trong trường của Mẹ Maria, chúng ta học để đặt Chúa Kitô vào chỗ nhất trong cuộc đời và sứ vụ của chúng ta, và học để hướng tư tưởng cùng hành động của chúng ta theo Ngài. Đúng vậy, nơi trường của Mẹ Maria, chúng ta học biết thinh lặng, biết lắng nghe và phục vụ khiêm tốn, đó là những điểm mấu chốt của đời sống người môn đệ. Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta tiến sâu vào mối tương quan nhân vị và đích thực hơn với Chúa Giêsu, để chúng ta yêu mến Ngài và làm cho Ngài được yêu mến. Lòng sùng kính Đức Mẹ đích thực là một dấu chỉ và bảo đảm cho lòng trung thành với Chúa Kitô. Vâng, qua việc chiêm ngắm và lắng nghe Mẹ Maria, chúng ta sẽ hiểu hơn sức mạnh nâng đỡ và biến đổi của Bí tích Thánh Thể, và tìm lại được niềm an ủi và nguồn sức mạnh để bước theo Chúa Kitô và phục vụ Ngài trong anh chị em.

Liên quan đến đời sống độc thân linh mục đang “bị thế giới của thời đại chúng ta nghi ngờ giá trị và cho là không thể giữ được”, Đức Phaolô VI cậy dựa vào lòng sùng kính nồng nhiệt và tỏa sáng đối với Mẹ Maria. Lòng đạo đức này của chúng ta sẽ mang chúng ta “đến nguồn suối của đời sống thiêng liêng đích thực, mà chỉ nó mới là nền tảng vững chắc cho việc giữ luật độc thân.”[39] 

Vâng, chọn lựa độc thân linh mục của chúng ta cần được đặt nơi trái tim Mẹ Maria. Chúng ta hãy chạy đến cùng Mẹ, khi gặp khó khăn trên con đường đã chọn. Là trinh nữ và là mẹ, Mẹ Maria hiểu rất rõ trái tim linh mục chúng ta cần gì, và Mẹ biết làm thế nào để giữ cho chúng ta được trung thành với lời cam kết của mình, nhất là đối với các linh mục giáo phận sống giữa lòng đời hôm nay sao cho “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Chúng ta sẽ tìm được ẩn náu an toàn nơi Mẹ Maria, người Mẹ trên trời của chúng ta. Mẹ sẽ giúp chúng ta thăng hoa trái tim và con mắt, để nhìn thấy Mẹ ở trong và qua những người con gái của Thiên Chúa quanh chúng ta. Chúng ta kêu xin Mẹ bảo vệ và biến đổi chúng ta và những ai thân thiết với chúng ta, như Thánh Phaolô đã khuyên nhủ Timôtê “coi các phụ nữ lớn tuổi như mẹ và những người trẻ như chị em.”[40]  

Linh mục sẽ không thiếu sự chở che, nâng đỡ của Mẹ Chúa Giêsu.”[41] Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, Chúa Thánh Thần sẽ gìn giữ sự độc thân trong trắng của linh mục như Ngài đã làm cho Mẹ Maria và Thánh Giuse. Vì thế, Đức Phaolô VI đã khuyên nhủ: “Anh em hãy hướng con mắt và trái tim, với niềm tín thác được đổi mới và lòng cậy trông con thảo, về Mẹ rất yêu dấu của Chúa Giêsu và Mẹ của Hội Thánh, và hãy kêu xin sự cầu bầu vạn năng và hiền mẫu của Mẹ cho chức linh mục Công giáo.”[42]

Có một việc thật đơn giản nhưng rất quan trọng của lòng sùng kính Mẹ Maria là lần chuỗi Mân côi, một bản Phúc Âm tóm tắt.[43] Các anh em linh mục trẻ nên giữ sống động thói quen lần chuỗi Mân côi của các cha già và hãy khuyến khích giáo dân của mình lần chuỗi, một mình khi đi đường tới trường học, tới công sở, ra đồng ruộng, chợ búa… hoặc lần chuỗi chung với người khác, theo nhóm hay hội đoàn trong giáo xứ, đặc biệt là lần chuỗi tại nhà, trong gia đình, vì chuỗi Mân côi sẽ đốt nóng và làm mạnh thêm mối giây ràng buộc giữa các thành viên trong gia đình. Lời cầu nguyện này sẽ giúp chúng ta được mạnh mẽ hơn trong đức tin, bền vững hơn trong đức ái, kiên trì hơn trong niềm vui và hy vọng. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết bắt chước ba nhân đức lớn của Mẹ: Fiat, Xin Vâng bằng cách chấp nhận luôn luôn và không dè dặt ý muốn của Thiên Chúa; Magnificat, Ca Ngợi bằng cách ca ngợi và cảm tạ Chúa về các ơn lành lớn nhỏ mà Người ban cho, và Stabat, Đứng dưới chân thập giá bằng cách sống nhẫn nại và bền đỗ trong những thách đố và khó khăn của cuộc sống hằng ngày cho hơi thở cuối cùng.

Theo gương mẫu và kinh nghiệm của Đức Gioan Phaolô II, mỗi linh mục nên tận hiến cho Mẹ Maria với lòng tin tưởng yêu mến, tìm trú ẩn nơi sự che chở của Mẹ, biết rằng trong lúc khó khăn mình cũng không cô đơn, vì Mẹ sẽ nâng đỡ ủi an bằng sự dịu dàng từ mẫu của Mẹ. Chính Đức Gioan Phaolô II đã tận hiến cho Mẹ Maria “Totus Tuus - Tất cả bản thân con là của Mẹ.” Ngài chia sẻ: “Suốt cuộc đời tôi, tôi đã cảm nghiệm rõ sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ của Chúa chúng ta. Mẹ Maria đồng hành với tôi mọi ngày để giúp tôi chu toàn sứ vụ là người kế vị Thánh Phêrô.” Tôi đã mất mẹ sớm nên cũng cảm nhận và kinh nghiệm được sự an ủi, che chở và đồng hành đầy yêu thương của Mẹ Lavang cho đời linh mục của tôi: “Má mất nay được Mẹ thay, chuỗi đời côi cút bớt cay bớt buồn, nhất là đêm lạnh mưa tuôn, mưa tuôn ngoài phố mưa buồn trong tim.” Ước mong tất cả các bạn linh mục đều có được kinh nghiệm diễm phúc ấy.

D. II. Linh mục tương quan với tha nhân[44]

  1. Tương quan với Đấng Bản Quyền

  2. Tương quan với các  linh mục đàn anh

  3. Tương quan với các linh mục đàn em

  4. Tương quan với các chủng sinh và các mầm non ơn gọi

  5. Tương quan với nữ giới nói chung

  6. Tương quan với các nữ tu lớn tuổi và có trách nhiệm

  7. Tương quan với các nữ tu bằng tuổi và có trách nhiệm

  8. Tương quan với các nữ tu trẻ

  9. Tương quan với các đệ tử và mầm non ơn gọi tu sĩ

  10. Tương quan với giáo dân nói chung

  11. Tương quan với Ban Hành Giáo

  12. Tương quan với các đoàn thể

  13. Tương quan với những người già cả, bệnh tật và hấp hối

  14. Tương quan với các góa phụ, nhất là các góa phụ trẻ

  15. Tương quan với giới trẻ

  16. Tương quan với giới thiếu nhi

  17. Tương quan với những người phục vụ trong nhà xứ, nhất cô bếp

  18. Tương quan với Chính Quyền

  19. Tương quan với các tôn giáo bạn, nhất là các vị lãnh đạo

  20. Tương quan với lương dân.

  21. Tương quan với giới giàu có

  22. Tương quan với giới nghèo

Tương quan của chúng ta với các người khác được gọi là tương quan liên nhân vị. Có một thời người ta cho việc liên hệ của mình với Thiên Chúa mới quan trọng, còn liên hệ với con người thì không mấy quan trọng. Kết quả là linh mục tránh liên hệ gần gũi với tha nhân, kể cả những người mình thi hành thừa tác vụ cho, khiến luôn có một khoảng cách xa lạ thế nào ấy!

Những liên hệ với con người chỉ được coi là vấn đề riêng tư. Kết quả là một số linh mục có liên hệ trí thức và thiêng liêng với con người, chứ không có liên hệ tình cảm và nhân bản, luôn giữ thái độ xa cách và loại trừ. Và tình trạng có thể đưa tới bất cập hay thái quá.

Tương quan liên nhân vị là một chiều kích quan trọng của tình yêu của người độc thân thánh hiến. Thánh Gioan chối bỏ khả năng kính mến Chúa ở đâu thiếu vắng tình yêu con người. Ngài mặc nhiên nối kết lòng kính mến Chúa với tình yêu con người. Ngài nhấn mạnh rằng không thể kính mến Chúa được, nếu không có tình yêu con người. Tình yêu Thiên Chúa là cốt lõi bên trong,  còn tình yêu con người là diễn tả bộc lộ ra bên ngoài.

Tình yêu Thiên Chúa là suối nguồn, là nền tảng và động lực của tình yêu con người. Tình yêu con người là sao chép, biểu lộ và diễn tả tình yêu Thiên Chúa. Người không yêu thương cận nhân của mình thì không thể biết Thiên Chúa, không thể kính mến Thiên Chúa được: “Nếu một người nói rằng mình kính mến Thiên Chúa, nhưng lại ghét anh em mình thì người ấy là kẻ nói dối. Vì người ấy không thể kính mến Thiên Chúa, Đấng mà người ấy không thấy, nếu người ấy không yêu thương người anh em của mình, người mà người ấy thấy. Ai kính mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em[45] 

Trong khi đi tìm kiếm Thiên Chúa, thì chúng ta cũng phải đi qua tình yêu và tình bạn nhân loại. Chính nhờ chúng ta cảm nghiệm tình yêu nhân loại, chúng ta mới cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa.

Một số người trong chúng ta chưa tiếp xúc được với tình yêu Thiên Chúa và chưa được tình yêu Thiên Chúa tác động, vì chúng ta chưa thực sự tiếp xúc với con người và chúng ta chưa để cho con người tiếp xúc với chúng ta. Nếu chúng ta không yêu thương một con người khác, mà chỉ kính mến Thiên Chúa, thì chúng ta chẳng yêu mến ai cả. Nếu chúng ta chưa phải lòng con người, thì chúng ta chưa thực sự phải lòng hữu thể thần linh: “Không thể có cảm nghiệm về Thiên Chúa, nếu không được một cảm nghiệm về thế giới làm trung gian. Cái làm trung gian cho cảm nghiệm về Thiên Chúa chủ yếu là liên hệ của con người với những con người khác.[46] Tình Chúa và tình người luôn gắn kết với nhau. Những mối liên hệ liên nhân vị là thánh thiêng tự bản chất và mạc khải diện mạo của Thiên Chúa. Thái độ cá nhân “Tôi và Thiên Chúa” hay “Tôi và Chúa Giêsu” mà không có liên hệ với con người là xa lạ đối với ý thức Kitô giáo, và có nguy cơ phải đối diện với câu hỏi của Thiên Chúa: “Em ngươi đâu?

Linh mục được mời gọi từ giữa cộng đoàn Dân Chúa nên phải trở thành một phần của cộng đoàn Dân Chúa bao gồm những con người phục vụ lẫn nhau. Nhờ những việc phục vụ này, linh mục thiết lập được mối liên hệ tình yêu với Thiên Chúa và con người. Do đó, cùng đích và cốt yếu của đời sống và sứ vụ linh mục hệ tại việc cổ vũ những mối liên hệ quân bình, hài hòa và trưởng thành với mọi thành phần của Dân Chúa, để cùng nhau đến với Thiên Chúa.

Nhưng vì những việc phục vụ có đặc điểm là liên hệ tình yêu, một số trong các liên hệ với con người có thể dẫn đến chỗ vi phạm độc thân thánh hiến, nhất là trong bối cảnh tục hóa, buông thả và hưởng thụ ngày nay. Do đó, linh mục triều phải rất thận trọng trong các liên hệ của mình, vì luôn luôn có nguy cơ liên quan đến liên hệ.

Do có những nguy cơ liên quan đến những liên hệ của linh mục, nên một số người trong chúng ta tránh xa con người và những mối liên hệ, và để hết tâm trí vào công việc, thậm chí trở thành những người tham công tiếc việc, coi công việc hơn con người đang cần đến tấm lòng và sự chăm sóc mục tử của mình.[47]

Tâm lý tham công tiếc việc giữ chúng ta xa khỏi sự thách đố của những liên hệ độc thân thánh hiến đích thực (không có cám dỗ không có công nghiệp; chưa có cám dỗ chưa chắc đã được bảo đảm), và cũng làm cho sứ vụ chúng ta trở nên xa lạ và mất hiệu quả. Khi tránh xa những liên hệ nhân bản thì chúng ta sẽ xơ cứng và trở thành những người thực hiện, những công chức, những cỗ máy… 

Chúng ta có thể thậm chí tìm những bù trừ và thay thế dễ dãi để lấp vào chỗ những liên hệ đích thực, như thích ăn nhậu, âm nhạc, báo chí, chim cá kiểng, truyền hình v.v… Những thứ đó dễ hơn nhiều so với nỗ lực thiết lập những mối liên hệ tốt với con người.

Một số linh mục tránh liên hệ và do đó trở thành những nhà trí thức lạnh lùng, thay vì những con người có tình có nghĩa trong liên hệ. Chúng ta trở thành những công chức thay vì những người phục vụ thân tình, thấu cảm. Chúng ta trú ẩn vào việc làm chuyện này chuyện nọ, vào xây cất, vào thành công, vào những lễ hội nọ cử hành kia, vào địa vị và quyền lực. Tại buổi triều yết chung ngày 03.02. 2010, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mời gọi “tất cả những ai có vai trò làm cho sinh động và cai quản Giáo Hội” đừng nhượng bộ ‘cám dỗ sự nghiệp và quyền bính’: “Chúng ta đừng tìm kiếm quyền lực, uy tín, sự kính trọng cho chính chúng ta. Trong cuộc đời các thánh nhân, tình yêu Chúa và đồng loại, việc kiếm tìm vinh danh Chúa và sự cứu rỗi các linh hồn luôn đi cùng với nhau[48]

Độc thân ‘vì Nước Thiên Chúa’ phải là cái gì xây dựng được những tương quan con người mạnh mẽ. Cha Connolly nhận xét: “Giáo huấn truyền thống của chúng ta về độc thân thánh hiến đã không xử lý vấn đề này một cách tích cực hay sáng tạo. Nó mạnh mẽ can ngăn việc phát triển bất cứ liên hệ con người nồng ấm nào, bên trong hay bên ngoài cộng đoàn, và nhất là với bất cứ phần tử khác phái nào. Nó dạy chúng ta yêu người, nhưng yêu trên tầm mức phục vụ chung chung (quảng đại và dễ thương), chứ không để hết tâm trí hay không có liên hệ cá nhân[49]

Việc phát triển liên hệ con người là thiết yếu, vì không có những liên hệ ấy thì người độc thân thánh hiến sẽ không cảm nghiệm được hạnh phúc. Sự thiếu hạnh phúc này sẽ hạn chế chứng tá của mình cho niềm vui được tìm thấy trong sự thông hiệp với Thiên Chúa: Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn! Dân ngoại đánh giá cộng đoàn kitô đầu tiên: “Xem kìa, họ thương yêu nhau dường nào!” và họ đã muốn sống như thế mà Đạo được phát triển lớn mạnh.

Không có việc phát triển những liên hệ con người thì linh mục sẽ không là một thừa tác viên hữu hiệu của sứ điệp Thiên Chúa và tình yêu của Ngài được. Một người được kêu gọi đến đời sống độc thân thánh hiến phải tìm kiếm sự thân mật với Thiên Chúa, và đồng thời, người ấy phải gầy dựng sự thân mật với những con người khác. Khi hai chiều kích của sự thánh thiện này vắng bóng trong cuộc đời và thừa tác vụ của chúng ta thì khả năng nên thánh của chúng ta cũng vắng bóng trong cuộc đời chúng ta.

Chính trong và nhờ các mối liên hệ (với Chúa và với con người) mà chúng ta lớn lên trong sự thánh thiện. Nhưng cũng chính trong và vì các mối liên hệ với con người này mà chúng ta phải chiến đấu và có khi vấp ngã, hoặc làm cho anh chị em mình phải chiến đấu và vấp ngã. Trong chuyện này, chúng ta sẽ noi gương xử sự của thánh Phaolô là cất cớ để cho anh em khỏi phải sa ngã.[50]


 

[8] x. Lc 22,14-20.

[9] Bộ Giáo sỹ, Linh mục và Thiên niên kỷ Kitô giáo thứ ba.

[10] JP. II, Ecclesia de Eucharistia, số 31.

[11] x. Chức vụ và đời sống linh mục số 18.

[12] GL 924

[13] Chỉ Nam 1994 số 48.

[14] x. GL 897.

[15] Hiến chế  Tín Lý về Giáo Hội LG số 42,2.

[16] Rm 8,35-37.

[17] GL 897.

[18] Huấn thị Redemptionis Sacramentum  số 30

[19] Huấn Từ Đại Hội Thánh Thể của ĐTC Biển Đức  XVI.

[20] JP.II, Ecclesia de Eucharistia, số 34-36.

[21] x. GL 904.

[22] Huấn thị Redemptionis Sacramentum số 110; Ecclesia de Eucharistia số 11.

[23] x. GL 937-941; JP. II, Ecclesia de Eucharistia, số 1.

[24] Mt 11,28.

[25] Chỉ Nam 1994 số 42. *Một lời truyền khẩu của người Việt nam Công giáo nói rằng trong thời kỳ bắt đạo, Vua Tự Đức đã ra lệnh cho lính cai ngục nghiêm cấm các người Công giáo mang vào tù cho các đồng đạo của họ những miếng bánh trắng trắng, tròn tròn, nho nhỏ (Vua không hiểu đó là Mình Thánh Chúa), vì những miếng bánh đó làm cho họ không sợ tù đày, tra tấn, đau khổ, ngay cả cái chết, và luôn trung thành với đức tin  vào Thiên Chúa của họ.

[26] GL 942-944 nói về việc chầu và kiệu Mình Thánh Chúa. *Một kinh nghiệm mục vụ để vực dậy giáo xứ ở nhiều nơi trên thế giới là có những nhóm người tình nguyện thay phiên nhau chầu Thánh Thể suốt đêm ngày. Tại Việt Nam cũng có một số giáo xứ xây dựng những phòng Thánh Thể để giáo dân thuận tiện đến chầu Thánh Thể. Chính những lời cầu nguyện và hy sinh âm thầm của một bà cụ già nghèo khổ mà Chúa đã ban cho một cuộc Đại hội Thánh Thể thành công vượt quá mong đợi của ban tổ chức.

[27] Huấn thị Bí tích Cứu Độ số 32.

[28] GL 937; 940; Mt 11,28.

[29] Theo thông tấn CNS ngày 25.11.2010.

[30] 1 Pr 5,7.

[31] John Paul II, Ecclesia de Eucharistia, số 59.

[32] Mt 16,24.

[33] Ga 15,13.

[34] x. Ga 3,16.

[35] Huấn từ của ĐTC Biển Đức XVI trong Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần 49.

[36] Zenit.org ngày 22/6/2008.

[37] Ga 19, 26-27.

[38] John Paul II, Thư gửi các linh mục Thứ Năm Tuần Thánh 1988, số 6.

[39] Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus, số 1; 75.

[40] x. 1 Tm 5,2.

[41] Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus, số 59.

[42] Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus, số 98a.

[43] x. Paul VI, Marialis Cultus: The Angelus and the Rosarry.

[44] x. Chương năm: Ứng sinh linh mục giáo phận học sống căn tính và sứ vụ linh mục.

[45] 1Ga 4, 7-21

[46] Karl Rahner, Doctrine and Life tr. 71

[47] x. Mười điều răn của linh mục do HY Fx. Nguyễn văn Thuận ghi lại 1. Những gì tôi sống với tư cách linh mục quan trọng hơn những gì tôi làm; 2. Những gì Chúa Kitô làm qua tôi quan trọng hơn những gì do chính tôi làm; 3. Những gì tôi với anh em Linh Mục quan trọng hơn những gì tôi làm một mình, dù hăng say tới mức suýt bị mất mạng; 4. Những gì tôi sống cho Kinh nguyện và Lời Chúa quan trọng hơn những tổ chức sinh hoạt bên ngoài; 5. Những gì tôi sống vì lợi ích thiêng liêng của người khác quan trọng hơn những công việc tôi làm cho lợi ích của mình; 6. Hiện diện ít nơi nhưng cần thiết cho giáo dân quan trọng hơn có mặt khắp nơi nhưng vội vàng và nửa vời; 7. Hợp tác quan trọng hơn hành động riêng rẽ, dù có làm tốt hơn người ta; 8. Hy sinh âm thầm bên trong quan trọng hơn những thành quả bên ngoài; 9. Mở rộng tâm hồn đến những thao thức của cộng đoàn quan trọng hơn chăm chú vào những bận tâm riêng, cho dù thiết yếu đến đâu đi nữa; 10. Làm chứng về Đức Tin trước mặt mọi người quan trọng hơn tìm cách thoả mãn thị hiếu của họ.

[48] Theo thông tấn xã H2O News ngày 3/2/2010.

[49] F.B. Connolly, CssR, Religious life: A Profile of the Future. Bangalore: Asian Trading Corporation, 1985. tr. 31

[50] 1 Cr 8,11-13: Thế là sự hiểu biết của bạn làm hư mất một người yếu đuối, một người anh em mà Đức Ki-tô đã chịu chết để cứu chuộc! Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Ki-tô! Vì thế, nếu của ăn mà làm cớ cho anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã.

 
VỀ MỤC LỤC
Linh Đạo Đời Hôn Nhân - MỘT NỀN TU ĐỨC CHO BẬC HÔN NHÂN

 

Tác phẩm: Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

B1. Linh Đạo Đời Hôn Nhân - MỘT NỀN TU ĐỨC CHO BẬC HÔN NHÂN

Kể từ sau Công Đồng Vaticanô II, việc nên thánh không còn được xem là độc quyền của một số thành phần ưu tuyển trong Giáo Hội, nhưng đó là ơn gọi chung của tất cả những ai đã chịu phép rửa. Để nói lên tính cách phổ quát của ơn gọi và bổn phận nên thánh, trong những thập niên gần đây, Giáo Hội đã tôn phong chân phước hoặc hiển thánh cho rất nhiều người sống bậc vợ chồng. Vì thế, khi nói đến một nền tu đức cho bậc vợ chồng, chúng tôi muốn hiểu đó là một con đường mà các đôi vợ chồng phải đi qua để đạt đến sự trọn lành trong bậc sống của họ. Đó là con đường giúp họ thực hiện ơn gọi đặc thù trong bậc vợ chồng.

1. Với kiểu nói một nền tu đức cho bậc vợ chồng, phải chăng có một nền tu đức dành riêng cho họ? Công Đồng Vaticanô II chẳng nói đến một ơn gọi nên thánh chung dành cho mọi người chịu phép rửa sao?

Quả thực, tất cả mọi người đều được mời gọi và có bổn phận phải nên thánh, nhưng do sự khác biệt của cá tính cũng như địa vị, bậc sống và cảnh huống, nên có muôn nghìn con đường để sống ơn gọi nên thánh. Ngày nay, người tín hữu Kitô không thể mô phỏng cuộc sống của các tín hữu thời tiên khởi và ngay cả chính nếp sống của Chúa Giêsu, tức là nếp sống của một thời đại cách chúng ta hơn 2000 năm.

Mỗi người có những điều kiện sống riêng, nên không thể không có những phương thế thực hiện ơn gọi nên thánh không giống những người khác. Một vị ẩn tu trong sa mạc có lối sống hay có nền tu đức khác với nhà truyền giáo. Một nữ tu trong dòng kín có lối sống và nền tu đức khác với một người mẹ trong gia đình. Có một cốt lõi chung cho mọi người là phép rửa. Nhưng những phương thế thực hiện cốt lõi ấy lại khác nhau đối với từng người. một niềm tin duy nhất hướng dẫn cuộc lữ hành, nhưng có nhiều cách thế khác nhau để sống cùng một niềm tin ấy. Do những điều kiện sống hoặc do những đặc sủng khác nhau, mỗi người có thể có một cách thế nên thánh riêng cho mình.

Chúng ta có thể nhìn vào vô số các dòng tu trong Giáo Hội để hiểu được sự khác biệt ấy. Người ta nói đến nền tu đức của Dòng Tên, Dòng Phanxicô, Dòng Đaminh, Dòng Biển Đức, v.v.. có bao nhiêu dòng tu thì có bấy nhiêu nền tu đức. Chúng ta có thể nói, có bao nhiêu hoàn cảnh sống thì có bấy nhiêu nền tu đức. Sống và thực thi ơn gọi nên thánh trong những điều kiện và hoàn cảnh đặc biệt; thiết tưởng, các đôi vợ chồng cũng có một cách thế nên thánh hoặc một nền tu đức riêng của họ.

2. Trong số 56 của Tông Huấn về Đời sống hôn nhân và gia đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Ơn gọi nên thánh phổ quát cũng được ngỏ đối với các đôi vợ chồng và các bậc cha mẹ Kitô hữu, ơn gọi này được nêu bật trong bí tích Hôn Phối và được thực hiện một cách cụ thể trong thực tế của cuộc sống hôn nhân”. Từ đó phát sinh ơn thánh và sự đòi hỏi phải có một nền tu đức đích thực và sâu xa cho hôn nhân và gia đình.

Để hiểu thế nào là một nền tu đức dành riêng cho các đôi vợ chồng, thiết tưởng chúng ta không có một nền tảng nào vững chắc hơn giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II. trong số 40 của Hiến Chế về Mầu nhiệm Giáo Hội, Công Đồng đã dạy: “Tất cả mọi tín hữu dù thuộc địa vị hay bậc sống nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô và sự trọn lành của Đức Ái”.

Khẳng định trên đây của Công Đồng là sự lặp lại chính mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành”. Trở nên trọn lành tức là nên thánh. Điều đó cũng có nghĩa là thể hiện ơn gọi làm người. Tất cả mọi người đều được kêu gọi. Không ai có thể nói mình được chọn hoặc bị Thiên Chúa đặt vào trong một điều kiện xấu hơn hay ưu đãi hơn. Không ai sinh ra dưới một ngôi sao xấu hay tốt hơn người khác. Và cũng không có địa vị, bậc sống này cao trọng hơn địa vị hay bậc sống khác.

3. Nhân một buổi tiếp kiến chung năm 1982, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định trong một bài huấn đức: “Những lời dạy của Chúa Giêsu không hề có một chút hàm ý nào về sự thấp hèn của hôn nhân. Những lời của Người không đưa ra bất cứ một luận cứ nào về sự thấp hèn của bậc hôn nhân hay về sự trổi vượt của bậc đồng trinh hay độc thân”.

Cũng trong Hiến Chế về Mầu Nhiệm Hội Thánh, Công Đồng Vaticanô II không ngần ngại gọi tất cả tín hữu là những người được thánh hiến. Trong số 41 của cùng một văn kiện, Công Đồng dạy rằng: “Trong và nhờ cảnh huống, bổn phận và hoàn cảnh sống của mình, mọi Kitô hữu ngày càng được thánh thiện hơn nếu biết tin tưởng lãnh nhận mọi sự từ tay Cha trên trời, và biết cộng tác với ý Thiên Chúa bằng cách tỏ lộ cho mọi người biết tình yêu của Ngài đối với thế giới trong chính việc họ phục vụ trần thế”.

Những dòng trên đây của Công Đồng giúp chúng ta hiểu được sự cần thiết phải có một nền tu đức riêng cho đời sống vợ chồng. Các đôi vợ chồng đạt đến sự thánh thiện nhờ và trong chính bậc sống của họ. Tự nó, bậc hôn nhân là một mô thức sống đức ái. Nó có những tiện lợi và bất tiện của nó. Nó có những ơn riêng và những nguy hiểm của nó. Nó có thể tạo thành thiên đàng mà cũng có thể là hoả ngục.

còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
SINH TỐ
 

                                   

Sinh tố là những chất hữu cơ cần thiết cho sự tăng trưởng và duy trì sức khỏe cơ thể.  Sinh tố góp phần điều hành chức năng của các cơ quan, bộ phận trong người.

Tên tiếng Anh của Sinh Tố là Vitamin, có nguồn gốc tiếng La Tinh “vita” có nghĩa là đời sống và amino là chất dinh dưỡng cần thiết. Hầu hết các sinh tố cần phải được cung cấp từ thức ăn, vì cơ thể con người không thể tổng hợp được, trừ hai sinh tố D và sinh tố K. Điều may mắn là trong thực phẩm  có đủ các loại sinh tố.

Mặc dù ta chỉ cần một lượng sinh tố rất nhỏ nhưng lượng nhỏ đó giữ vai trò rất quan trọng cho sự sinh tồn của cơ thể. Không có sinh tố thì những sinh vật cao cấp như loài người, không thể tồn tại.

Công dng

 

Sau đây là một số công dụng của sinh tố:

- Góp phần vào việc cấu tạo tế bào máu, xương và răng.

- Điều hành có hiệu quả những chức năng của tim và hệ thần kinh, tăng cường thị lực của mắt.

- Giúp cơ thể biến thực phẩm thành năng lượng.

- Giữ vai trò xúc tác trong các hệ thống sinh hóa và có nhiệm vụ biến năng lượng để giúp các tế bào và các mô hoàn hành các chức năng rất cần thiết cho sức khỏe của con người;

- Ngoài ra, sinh tố còn có tác dụng hỗ trợ cơ thể sử dụng các khoáng chất, chất đạm, chất  bột đường  và nước.

Phân loi

 

Có 13 loại sinh tố chính. Đó là sinh tố A, C, D, E, K và 8 sinh tố thuộc nhóm B như B1 (thiamin), B2  (riboflavin), B3 (niacin) , B5 (pantothenic acid) , B6 (pyridoxine), B12 cobalamin), folacin (acid foli) và biotin.

 Đặc biệt, sinh tố A vừa có trong các thực phẩm từ động vật như thịt, trứng lại cũng có ở dạng  gọi là caroten trong thực vật. Khi được đưa vào cơ thể, caroten biến thành sinh tố A. Caroten có nhiều trong  cà rốt, rau xanh, cà chua ..  Caroten còn là một chất chống oxy hóa rất hữu hiệu.

Ngoài ra còn một số chất không là sinh tố nhưng có các chức năng gần giống như sinh tố ( vitaminlike substances). Chẳng hạn như  bioflavonoid, carnitine, coenzyme, inositol.

Có hai nhóm sinh tố. Nhóm  hòa tan trong chất béo như các sinh tố A, D, E, và K và nhóm hòa tan trong nước gồm có sinh tố C và các sinh tố B.

Sự phân biệt này rất quan trọng vì cơ thể tồn trữ sinh tố hòa tan trong chất béo ở gan và mô béo tương đối lâu hơn, cho nên tình trạng thiếu hụt các sinh tố nhóm này chậm xẩy ra. Còn những sinh tố hòa tan trong nước chỉ tồn tại một thời gian ngắn trong cơ thể và cần được bổ sung thường xuyên để tránh các bệnh gây ra do thiếu những sinh tố nhóm này

Đa số sinh tố dễ bị sức nóng và ánh sáng hủy hoại. Do đo, trong quá trình tồn trữ và nấu nướng thực phẩm, một số sinh tố bị mất đi. Sự mất mát càng lớn khi thực phẩm được tồn trữ dưới ánh sáng, sức nóng hoặc không được ướp lạnh, cất giữ đúng cách.

Sinh tố hòa tan trong chất béo có đều ổn định hơn sinh tố hòa tan trong nước khi thực phẩm được nấu nướng. Ví dụ, khi  đun sôi thì lượng sinh tố hòa tan trong nước bị phân hủy trong nước nóng, cho nên muốn duy trì lượng sinh tố này thì không nên nấu quá lâu và chỉ nên nấu với ít nước.

Mỗi sinh tố có nhiệm vụ riêng của nó. Trong một số trường hợp, vài loại sinh tố có tác dụng tương hỗ nhưng  không thể thay thế cho nhau.

Ví dụ:

-         Sinh tố D có hiệu quả tốt hơn nếu dùng chung với sinh tố A.

-         Cặp sinh tố D và A hoạt động tốt hơn nếu có sự hiện diện của sinh tố B;

-         Sinh tố E được tăng hiệu năng khi đi chung với cặp sinh tố D và A;

-         Sinh tố C có ảnh hưởng đến tác dụng của sinh tố A;

-         Khi thiếu sinh tố B1 thì sự hấp thụ những sinh tố khác trong cơ thể gặp trở ngại.

Mặc dầu cơ thể cần sinh tố, nhưng sinh tố không thể thay thế thực phẩm. Nếu thay thế được thì người ta đã không cần những bữa ăn rườm rà, thịnh soạn mà chỉ cần uống vài viên sinh tố.

Không có thực phẩm thì sinh tố không được cơ thể hấp thụ vào các hệ thống sinh hóa để làm nhiệm vụ biến năng . Do đó, nếu cần dùng thêm sinh tố thì nên uống vào bữa ăn.

Sinh tố không cung cấp năng lượng (calori) và không có khả năng tự nó làm tăng trưởng cơ thể như các chất đạm, chất béo, carbohydrate, khoáng chất và nước.

Sau đây là số lựong đựơc khuyến cáo nên tiêu dùng hàng ngày qua thực phẩm để có sức khỏe tốt
       Sinh tố A: Nam giới 1000mcg/ ngày; nữ giới 800 mcg/ngày

Sinh tố D: 10mcg;

Sinh tố E: nam 10mg; nữ 8 mg;

Sinh tố K: nam 70-80mcg, nữ: 60-65mcg;

Sinh tố C : nam 90mg; nữ 75mg.

Sinh tố Thiamin B1: nam 1,2-1,5 mg; nữ 1-1,1mg;

Sinh tố Riboflavin B2 : nam 1,3mg; nữ 1,1mg;

Sinh tố Niacin B3: nam 16mg; nữ 14mg;

Panthothenic acid: 5mg;

Sinh tố B6: 1,3-1,7 mg;

Folate: 400 mcg;.

Sinh tố B12: 2,4mcg/ngày

Mcg là 1/1000 mg.

 

Áp dng thc tế

 

- Tại Hoa Kỳ, sinh tố bán trên thị trường dược xếp vào nhóm “thực phẩm bổ sung” (dietary supplement), tương tự  các thành phần thực phẩm khác như khoáng chất, thảo mộc, enzym…và đựoc coi như thực phẩm chứ không phải là dược  phẩm. Vì không là dựoc phẩm, sinh tố không chịu sự kiểm soát của Cơ quan Thực Dựoc Phẩm về phẩm chất cũng như công hiệu. Do đó nên dè dặt lựa chọn, đừng quá tin tưởng vào lời quảng cáo không có căn bản khoa học của nhà sản xuất.

- Nên tránh tiêu thụ liều lượng quá cao (mega dose) nếu chưa có ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng, vừa tốn tiền vừa lãnh hậu quả có hại. Chẳng hạn, dùng  đúng hướng dẫn, sinh tố A giúp thị giác tốt, nhưng nếu dùng quá nhiều thì thị giác lại kém đi.Ngoài ra dùng quá nhiều một sinh tố có thể gây ra mất cân bằng hoặc tương tác giữa các chất này.

- Phân biệt sinh tố tự nhiên từ thực phẩm với sinh tố tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Sinh tố tổng hợp thường rẻ hơn; chỉ có một loại sinh tố cho nên có thể thiếu vài yếu tố do tạo hóa cung cấp; có một vài chất mà nhà sản xuất cho thêm vào để ổn định sản phẩm và có thể gây ra vài rối loại nhỏ cho cơ thể.

- Những người sau đây cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thêm sinh tố: phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú; trẻ em và người cao tuổi; người đang có bệnh kinh niên hoặc đang dùng các dược phẩm trị bệnh.

- Không nên nghĩ là sinh tố có khả năng trị dứt bệnh, ngoại trừ trong bệnh phù beriberi do thiếu thiamin hoặc bệnh sưng chẩy máu nớu răng do thiếu sinh tố C. Trong 2 bệnh này, bổ sung sinh tố B1 và C giải quyết đựoc vấn đề.

- Khi mua, nên đọc kỹ nhãn sản phẩm trong đó có ghi rõ thành phần các sinh tố với liều lựong, cách dùng.

- Và luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi định dùng thêm sinh tố, dược thảo..

 

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D. Texas-Hoa Kỳ

 
VỀ MỤC LỤC
Lời Nguyện Cầu - Chuyện phiếm của Gã Siêu

  

Sáng hôm nay, gã nhận được mấy cái “meo” của những người bạn phương xa, gửi về cho gã những bài thơ, được lượm lặt từ chỗ này hay chỗ kia trên mạng. Tiếc rằng những người bạn ấy đã không ghi xuất xứ của những bài thơ, nên gã không thể liên hệ được với các tác giả. Vì vậy nơi đây, gã xin được sử dụng những bài thơ ấy cho mục chuyện phiếm này. Chân thành cám ơn các tác giả lắm lắm.

Bài viết được bắt đầu bằng tâm sự của một ông già cô đơn, mà có lần gã đã kể cho bàn dân thiên hạ cùng nghe.

Vào một buổi sáng Chúa nhật đẹp trời, đám trai làng không biết phải làm gì, nên đã xúm lại “cà kê dê ngỗng” với một ông già:

- Tại sao bác không lập gia đình?

Như được gãi đúng chỗ ngứa, ông ta bèn kể lể về cuộc đời ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh của mình:

- Tôi đã dành trọn thời gian của tuổi thanh xuân để tìm kiếm một người đờn bà hoàn hảo. Tại Cairô, thủ đô nước Ai Cập, tôi đã gặp một người đờn bà vừa trẻ đẹp lại vừa thông minh, nhưng rất tiếc người đờn bà này chẳng có được một chút dịu hiền, nàng hung dữ như con cọp cái.

Tôi đành bỏ Cairô mà tìm đến Bagdah, thủ đô nước Irak, với hy vọng tìm ra người đờn bà lý tưởng của lòng mình. Tại đây, tôi đã gặp một người đờn bà đúng như lòng mong ước. Nàng vừa trẻ đẹp lại vừa thông minh, vừa quảng đại lại vừa dịu hiền. Chỉ kẹt một nỗi, đó là hai đứa chúng tôi chẳng bao giờ nhất trí được với nhau về bất cứ chuyện gì. Hễ ngồi tâm sự với nhau là bắt đầu cãi vã, ông nói gà bà nói vịt, trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Vì thế, tôi đành phải chào thua.

Và như vậy, hết người đờn bà nọ tới người đờn bà kia. Kẻ được điều này, người mất điều khác. Tôi như kẻ đốt đuốc đi tìm người yêu lý tuởng, mà dường như chẳng bao giờ thấy.

Thế rồi một hôm tôi gặp được nàng, người đờn bà của mơ uớc. Nàng đã kết hợp được tất cả những đức tính mà tôi thầm vẽ ra trong đau óc. Vừa trẻ đẹp lại vừa thông minh, vừa quảng đại lại vừa dịu hiền, vừa tế nhị lại vừa ăn ý với tôi ngay cả trong những điều nhỏ mọn nhất. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn cứ phải gân cổ lên mà ca solo, cam chịu cảnh chăn đơn gối chiếc suốt đời. Các bạn có biết tại sao không?

Trong lúc mọi người suy nghĩ, ông già cô đơn đáng thương khẽ kéo một hơi thuốc lào, rồi kể tiếp:

- Sở dĩ như vậy là vì người đờn bà ấy cũng đang đi tìm một người đờn ông lý tưởng. Và thật chẳng may cho tôi, bởi vì dưới mắt nàng, tôi chỉ là một thằng đờn ông tồi với biết bao nhiêu thói hư tật xấu.

Rồi ông già cô đơn đã khuyên nhủ cánh trẻ với một cung giọng hơi bị cay cú :

- Đi tìm một người yêu lý tưởng, một người tình hoàn hảo chỉ là một việc làm hão huyền và vô ích mà thôi, bởi vì người yêu lý tưởng và người tình hoàn hảo ấy làm gì tồn tại được trên trái đất này. Nhân vô thập toàn. Đã mang lấy thân phận con người, ai mà chẳng có những sai lỗi và khuyết điểm.

Tâm sự của ông già cô đơn trên đây đã được một anh bạn trẻ dệt thành bài thơ, như một lời nguyện cầu tha thiết:

- Con quì lạy Chúa trên trời,

  Cho con kiếm vợ như người trong mơ.

Thế rồi anh ta liệt kê một ruỗi những tiêu chuẩn được đặt ra trong đầu óc, để rồi vẽ nên một mẫu người yêu lý tưởng của mình:

- Phải đẹp gái,

  Không kiêu sa.

  Thích ở nhà,

  Lo nội trợ.

  Không cắc cớ,

  Chửi chồng con.

  Không phấn son,

  Không nhiều chuyện.

  Không hà tiện,

  Không cằn nhằn.

  Phải siêng năng,

  Không lười biếng,

  Nói nhỏ tiếng,

  Biết chiều chồng.

  Giỏi nữ công,

  Biết gia chánh.

  Biết làm bánh,

  Nấu ăn ngon.

  Biết dạy con,

  Cư xử tốt.

  Không quá dốt,

  Không quá khôn.

  Không ôm đồm,

  Không uỷ mị.

  Không thiên vị,

  Không cầu kỳ.

  Không quá phì,

  Không quá ốm.

  Không dị hợm,

  Không chanh chua.

  Không se sua,

  Không bẻm mép.

  Không bép xép,

  Không phàn nàn.

Nghe xong cả lô những tiêu chuẩn trên, vừa quá cao lại vừa quá nhiều, Thiên Chúa, mặc dấu toát cả mồ hôi hột, cũng vẫn phải mỉm cười vì cái tính tham lam của anh chàng, nên Ngài liền phán:

- Chẳng có đâu,

  Đừng tìm kiếm.

Sở dĩ như vậy là vì nhân vô thập toàn, ai cũng có những sai lỗi khuyết điểm của mình. Vì thế, cần phải chấp nhận một sự tương đối nào đó, thì tình yêu mới có cơ may nảy mầm, lớn lên, đâm bông và kết trái.

Thế nhưng, chính sự tương đối này nhiều lúc đã tạo nên những nhức nhối và đớn đau, chỉ vì người ta không ý thức và không chịu khó uốn nắn sửa đổi lai những sai lỗi, khuyết điểm của mình:

- Con quì lạy Chúa trên trời,

  Sao cho con trốn được người con yêu.

  Rằng con thiếu nợ đã nhiều,

  Nàng còn mua sắm đủ điều Chúa ơi!

  Con cày hai “dóp” hụ hơi,

  Người con yêu lại đua đòi chơi xe.

  Bảo gì con cũng phải nghe,

  Nếu con cãi lại là te tua đời.

  Trước đây con tưởng gặp thời,

  Chúa ban con được một người con yêu.

  Giờ đây thân xác tiêu điều,

  Đời con phải chịu rất nhiều đắng cay.

  Thân con chẳng khác trâu cày,

  Nợ nàng con trả dài dài chưa xong.

  Con giờ như cá lòng tong,

  Sụt ba chục ký, ốm nhom, rã rời.

  Thế mà đâu hết nợ đời,

  Nấu cơn, rửa chén, còn ra nỗi gì.

  Người đâu gặp gỡ làm chi,

  Để cho khổ thế còn gì là xuân.

  Chúa ơi, con khổ vô ngần,

  Chúa mà không giúp là thân con tàn.

  Con đang thiếu nợ trăm ngàn,

  Nhìn đồ nàng sắm hai hàng lệ rơi.

  Con quì lạy Chúa trên trời,

  Giúp cho con trốn được người con yêu!

Than thở hay thở than là vậy, nhưng làm sao mà trốn được người mình yêu, làm sao mà rời bỏ chiếc xương sườn cụt của mình cho được, bởi vì truyền thuyết đã kể lại rằng:

Thuở ban đầu, người đàn ông chỉ trơ trui một mình. Vừa đơn độc lại vừa buồn phiền. Thượng đế lấy làm tội nghiệp, Ngài bèn dùng một chút dịu dàng của hoa lan, một chút xinh đẹp của hoa hồng và một chút tinh khiết của hoa huệ. Tất cả được trộn lẫn vào nhau. Nhưng chưa đủ. Ngài còn hoà vào hợp chất này một chút tinh ranh của con khỉ già, một chút độc ác của con rắn hổ mang và một chút hung dữ của con sư tử. Tất cả được quyện lẫn vào nhau mà tạo nên người đờn bà. Thượng đế trao cái khối hợp chất kỳ diệu vá quái quỷ ấy cho người đờn ông. Kể từ đó, người đờn ông không còn trơ trụi một mình nữa.

Nhưng rồi một buổi sáng u ám, người đờn ông bỗng cảm thấy không còn chịu đựng nổi sự tinh ranh, độc ác và hung dữ của cái hợp chất quái quỉ ấy, nên đã mang trả người đờn bà lại cho Thượng đế. Thế là cuộc ly hôn đầu tiên đã xảy ra.

Giống như anh bạn trẻ đã cầu nguyện:

- Con quì lạy Chúa trên trời,

  Xin xương xườn cụt hãy rời khỏi con.

  Bao năm con đã chịu đòn,

  Nhìn đi, Chúa thấy thân con teo dần.

  Còn nàng lên cấp số nhân,

  Chiều ngang tăng rõ chẳng cần phải cân.

  Sáng nào nàng cũng phải cần,

  Phở, mì hay bún mỗi lần ba tô.

  Cơm trưa nàng nuốt không vô.

  Chê con nấu dở toàn đồ không ngon.

  Quán hàng lê đến gót mòn,

  Từ trưa đến tối vừa tròn một tua.

  Chúa ơi! Con chẳng dám đùa,

  Cái xương sườn cụt to vừa cái chum.

  Chúa quay nhìn xuống thử dùm,

  Bên nàng như số kết chùm một không.

  Cứ trông thấy tội kiếp chồng,

  Hom hem bên cạnh bóng hồng khủng long.

  Con quì xin Chúa rộng lòng,

  Tha cho con thoát khỏi vòng tay ôm.

Trở lại với câu chuyện trên: Xa nhau chưa đầy một con trăng, người đờn ông bỗng cảm thấy nhớ day nhớ dứt cái vẻ dịu dàng, xinh đẹp và tinh khiết của cái hợp chất kỳ diệu ấy, nên đã đến van nài Thượng đế để lấy lại người đờn bà của mình.

Thượng đế cũng phải mỉm cười và trao trả. Rồi từ đó, người đờn ông và người đờn bà sống đầm ấm và hoà thuận với nhau. Nếu có bất đồng thì cũng chịu khó đóng cửa mà…dạy nhau!!!

Kinh nghiệm của những người đang yêu cho thấy: gần nhau thì những cấu với véo, còn xa nhau thì những thương cùng nhớ. Vợ chồng nhiều lúc giống như những con nhím.

Thực vậy, nhím có nhiều loại. Loại sống ở vùng nhiệt đới xứ nóng như chúng ta. Loại sống ở miền hàn đới xứ lạnh. Nhưng dù loại nhím nào, thì cũng có một bộ lông thật cứng và thật nhọn, mà khả dĩ người xưa có nơi đã dùng làm tên bắn.

Ở xứ lạnh, mùa đông tuyết phủ, những con nhím phải nằm sát gần nhau cho ấm. Tuy nhiên, có cái phiền là khi nằm sát gần bên nhau như vậy, thì bộ lông cứng và nhọn đó lại đâm vào nhau, làm cho chúng đau đớn và khó chịu. Vì thế, chúng lại rời ra xa.

Nhưng cũng chỉ được một lúc, vì lạnh quá lạnh, chúng lại bò sát đến bên nhau. Dù có phai đâm vào nhau hay dù có phải xa nhau, nhưng cuối cùng chúng vẫn cứ chịu khó tới gần nhau. Và càng xa nhau, chúng lại càng cần nhau hơn.

Kinh nghiệm cũng cho thấy: Giữa người chồng và người vợ nói riêng, cũng như giữa người đờn ông và người đờn bà nói chung, vốn có vô số những khác biệt. Khác biệt từ hình dong bên ngoài, đến tâm tính bên trong.

Tuy nhiên, những khác biệt này không phải là để đối kháng và tiêu diệt lẫn nhau, như lửa với nước, hay như ánh sáng và bóng tội. Trái lại là để bổ túc lẫn cho nhau. Người nữ yếu, thì đã có người nam mạnh. Người nam nóng nảy và cộc cằn, thì đã có người nữ dịu hiền và tế nhị. Vì vậy, họ phải nương tựa vào nhau, cho dù đôi lúc trái tính trái nết và đâm chọc vào nhau.

Trước ngưỡng cửa tình yêu, ai mà chẳng nguyện cầu:

- Con quì lạy Chúa trên trời,

  Xin cho con lấy được người con yêu.

Đó là một mơ ước thật chính đáng và cũng thật hợp lý, bởi vì tình yêu là một cái gì rất cần thiết cho cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Tuy nhiên, tình yêu thuở ban đầu dù có thắm thiết  và mặn nồng đến đâu chăng nữa, thì cũng chỉ là một mầm non mới nhú, cần phải được vun trồng và chăm sóc, bằng không nó sẽ thui chột và tàn úa. Giống như ấm nước nóng mà đặt trên bếp lạnh, chẳng bao lâu nó sẽ nguội dần.

Chính vì thế, gã thầm nghĩ, lời nguyện cầu tha thiết mà những người đã bước vào cuộc sống lứa đôi phải dâng lên Thiên Chúa trong suốt cả cuộc đời, đó là:

- Con quì lạy Chúa trên trời,

  Cho con yêu được cái người con…lấy.

Đúng thế, yêu được người mình lấy mới thực sự là điều quan trọng, mới thực sự là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc. Thực vậy, chúng ta thường nói:

- Bông hồng nào mà chẳng có gai, cuộc đời nào mà chẳng có những đắng cay của nó. Và thập giá là như một cái gì gắn liền với thân phận con người.

Hơn thế nữa, đời không như là mơ, bởi vì đời thường có nhiều gian nan và cay đắng. Kể từ ngày bước vào hôn nhân, chúng ta mới thấy ở phía trước có trước có biết bao nhiêu bổn phận và trách nhiệm, biết bao nhiêu lo âu và vất vả.

Rồi như tục ngữ cũng đã nói :

- Thức lâu mới biết đêm dài.

- Có ở trong chăn mới biết chăn có rận.

Có sống gần nhau chúng ta mới khám phá ra những sai lỗi khuyết điểm của nhau. Chính những sai lỗi khuyết điểm ấy đã làm cho chúng ta bực bội và buồn phiền không ít.

Trong một cái bối cảnh đầy mầu xám ảm đạm ấy, nếu chúng ta không yêu được người mình đã lấy thì quả thực là bi đát, không chừng sẽ kết thúc bằng cách :

- Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi và tình nghĩa đôi ta chỉ có thế thôi. Đành bó tay, mất cả chì lẫn chài, mất cả vốn lẫn lãi.

Đành cúi đầu thở dài nhìn đời mình bị phá sản tiêu tan.

Gã Siêu   gasieu@gmail.com

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************