Suy Niệm Mầu Nhiệm Mân Côi:
 Đức Mẹ Sinh Chúa Giêsu Nơi Hang Đá


> Trong đời bạn, có khi nào bạn lâm vào hoàn
> cảnh bị lỡ đường khi trời bắt đầu trở
> tối, trong túi thì không tiền, bụng thì đói, mà
> đường còn xa không? Bạn thu hết can đảm đến
> gõ cửa một ngôi nhà bên đường, người gia
> chủ ra mở cửa, thấy bạn chẳng những là kẻ
> lạ mặt, lại trông tiều tụy, hôi hám vì cát
> bụi đường xa, đã không dám cho bạn bước vào
> nhà, mà chỉ thương hại chỉ đường cho bạn
> đến một túp lều bỏ hoang gần đó để nghỉ
> qua đêm. Rời nhà người gia chủ đó, bạn
> sẽ mang tâm trạng gì? Cám ơn lòng trắc ẩn
> tối thiểu của ông ta, hay thầm trách ông ta đã
> quá vô tình?
>
> Khi suy gẫm mầu nhiệm thứ ba của Năm Sự Vui,
> ”Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá”,
> chúng ta không khỏi tự hỏi, Đức Mẹ và Thánh
> Giuse đã nghĩ gì khi bị từ chối bởi các gia
> chủ sau một ngày rong duổi đường xa mỏi mệt,
> và giờ đây Mẹ lại quằn quại trong cơn đau
> lâm bồn, để cuối cùng phải tìm đến một
> chuồng bò giữa đồng vắng mà hạ sinh Con Thiên
> Chúa? Rồi chúng ta cũng thầm hỏi, tại sao
> Chúa Giêsu lại chọn sinh ra nơi một chuồng bò,
> thay vì một lầu đài gác tía, hay ít ra là một
> mái nhà ấm cúng? Đã có mấy người trong chúng
> ta ra đời dưới mái rơm hôi hám của một
> chuồng bò? Tại sao một Thiên Chúa uy quyền,
> cao sang, lại chọn ra đời ở một nơi quá thấp
> hèn?
>
> Một điều chắc chắn là Thánh Giuse và Đức Mẹ
> đã không phàn nàn về sự vô tình của các gia
> chủ, vì các ngài đã tin tưởng vào sự quan
> phòng của Thiên Chúa. Riêng Mẹ Maria, vì đã
> được trực tiếp tham dự vào mầu nhiệm Nhập
> Thể của Con Thiên Chúa, nên khi thấy Chúa chọn
> để sinh ra trong cảnh khó nghèo, chắc chắn tâm
> hồn Mẹ đã chìm đắm trong niềm ngưỡng phục
> đường lối khiêm nhường của Thiên Chúa; và
> hơn ai hết, Mẹ hiểu rằng Thiên Chúa đã lựa
> chọn con đường nghèo khó, thấp hèn, để đến
> với loài người.
>
> Nhưng tại sao Thiên Chúa lại chọn nơi nghèo khó,
> thấp hèn nhất để ra đời?
>
> Bạn có bao giờ suy nghĩ về điều này
> không? Chắc chắn bạn đã từng suy tư, và
> có lẽ đã có những tư tưởng rất hay có thể
> giúp ích cho đời sống tâm linh của bạn.
> Riêng tôi, xin chia sẻ cùng bạn một vài tư
> tưởng đơn sơ và khiêm tốn về việc này.
>
> Dựa theo những cảm xúc và nhận xét tự nhiên,
> tôi nghĩ rằng Chúa Giêsu đã chọn sinh ra trong
> cảnh khó nghèo là vì các lý do sau đây:
>
> Thứ nhất, vì lòng khiêm tốn, Ngài muốn trở
> nên bé mọn và nghèo khó hơn mọi kẻ bé mọn và
> nghèo khó ở thế gian.
>
> Thứ hai, vì yêu thương hết thảy mọi người và
> muốn thuộc về mọi người, Ngài đã hạ mình
> xuống làm kẻ thấp hèn nhất để những kẻ bé
> mọn nghèo hèn nhất cũng có thể đến được
> với Ngài, hầu không ai có thể cho rằng, ”Thiên
> Chúa chỉ dành cho người giàu có.”
>
> Thứ ba, Ngài muốn dạy chúng ta phải có tinh
> thần nghèo khó, vì con người chỉ thực sự
> thuộc về Thiên Chúa khi họ không bị chi phối
> bởi những lôi cuốn của vật chất thế gian.
>
> Từ nhỏ đến lớn, tôi đã được nghe đến các
> chữ ”tinh thần nghèo khó” nhiều lần, nhưng
> có lẽ chỉ thời gian gần đây mới bắt đầu
> hiểu một chút về ý nghĩa của chúng. Chúng
> ta ai cũng đã từng nghe lời Chúa trong Tám Mối
> Phúc Thật: ”Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó,
> vì Nước Trời là của họ”. Nhưng tinh
> thần nghèo khó là gì, và làm thế nào để có
> được tinh thần nghèo khó, hầu khi từ giã cõi
> đời này, chúng ta sẽ được hưởng gia nghiệp
> Nước Trời?
>
> Hãy xét đến hai trường hợp điển hình dưới
> đây để chúng ta cùng tìm hiểu:
>
> Có người kia, tạm gọi là chị A, xuất thân từ
> một gia đình nghèo. Thuở còn nhỏ, sự
> thiếu thốn, nghèo nàn của gia đình là điều
> chị rất buồn tủi và xấu hổ với bạn bè;
> thậm chí chị luôn tìm cách giấu không cho bạn
> bè biết mình ở đâu vì sợ họ sẽ khinh
> thường mình. Đáng buồn thay, cái mặc cảm
> nghèo thuở thiếu thời ấy lớn lên theo chị cho
> đến khi lập gia đình, và là nguyên nhân khiến
> chị luôn nghĩ mình phải thế này thế nọ để
> khỏi bị thiên hạ xem thường. Vì vậy,
> đêm ngày chị lo nghĩ đến việc làm sao cho có
> nhiều tiền để mua sắm những thứ mà người ta
> cho là sang trọng. Thấy ai có gì mới mẻ hay
> đẹp mắt, chị tìm mọi cách kiếm mua cho bằng
> được. Khi những thứ đó quá mắc tiền,
> vượt quá khả năng của chị, thì chị sinh ra
> ưu
>  phiền, ủ rũ, rồi than thân trách phận sao không
> lấy được ông chồng có nhiều tiền hơn để
> khỏi thua kém thiên hạ. Đôi lúc, sự u
> buồn vô cớ ấy khiến chị sinh ra bực bội
> với chồng, rồi vợ chồng đi đến cãi cọ, làm
> gia đình luôn xào xáo, bất an.
>
> Lại có một người khác, tạm gọi là chị B,
> cũng xuất thân từ một gia đình nghèo. Tuy
> nhiên, cha mẹ chị B là những người có tinh
> thần đạo đức sâu xa. Ngoài việc vất vả
> lo cho các con ăn học, ông bà còn chú tâm đến
> việc dạy cho con cái biết tôn thờ, yêu mến
> Thiên Chúa, và tạ ơn Ngài mỗi ngày vì đã có
> đủ ăn đủ mặc cho ngày ấy. Nhờ vậy,
> chị B lớn lên với một tâm hồn biết ơn nhiều
> hơn là đòi hỏi. Khi đến tuổi lập gia
> đình, chị chỉ cầu xin Chúa cho mình gặp được
> một người có niềm tin như mình, biết cầu
> nguyện với mình, chứ không màng đến việc
> người ấy làm gì, có bao nhiêu tiền trong trương
> mục. Có lẽ Chúa đã nhận lời chị, nên
> mặc dù chồng chị không phải luật sư cũng
> chẳng phải bác sĩ, nhưng anh ấy là một người
> đạo
>  đức, biết mến Chúa yêu người, biết trọng
> lẽ phải, biết thương yêu vợ con, nên gia đình
> anh chị lúc nào cũng đầm ấm và hạnh phúc.
>
> Tuy sống trong cảnh thanh bần, chỉ vừa đủ ăn
> đủ mặc, nhưng chị B không bao giờ đem mình so
> sánh với những người khá giả hơn, vì chị
> luôn an phận và khiêm tốn đón nhận mọi điều
> Chúa ban tặng. Đối với chị, niềm vui lớn
> lao nhất là được sống trong bầu khí an hòa,
> đạo đức của gia đình, còn những mời gọi
> của vật chất chỉ là những thứ không cần
> thiết. Do đó, chị không bận tâm suy nghĩ
> khi thấy người này có chiếc xe đẹp, người kia
> có ngôi nhà lớn. Chính nhờ vậy mà tâm
> hồn chị luôn vui vẻ an bình, thể hiện ra ngoài
> bằng thái độ ôn tồn, nhã nhặn với mọi
> người.
>
> Qua hai thí dụ trên, chúng ta thấy tinh thần nghèo
> khó không tùy thuộc hoàn cảnh giàu nghèo của
> một cá nhân, nhưng tùy thuộc nhiều hơn vào
> mức độ khiêm nhường của cá nhân ấy. Một
> người rất giàu sẽ có tinh thần nghèo khó nếu
> họ chẳng màng đến của cải danh lợi mà chỉ
> dùng sự dư giả của mình vào việc giúp đỡ tha
> nhân. Ngược lại, một người nghèo mà cả
> đời chỉ mơ ước có dư tiền tài, danh lợi,
> để lên mặt với đời, hay ngày đêm than trách
> số phận, thì người ấy chẳng hiểu chút gì
> về tinh thần nghèo khó. Vì thế, phải chăng
> muốn có tinh thần nghèo khó, trước hết phải
> có lòng khiêm nhường, không ghen tức khi thua kém
> người khác, không ganh đua với những kẻ có
> nhiều hơn mình, mà chỉ biết vui vẻ chấp nhận
> những gì mình có?
>
> Chị B có được tinh thần nghèo khó là nhờ chị
> biết an phận và khiêm tốn chấp nhận cuộc
> sống của mình. Còn chị A, tuy cũng là
> người nghèo, nhưng sự ham muốn được nể vì
> đã bóp chết tinh thần nghèo khó nơi chị, biến
> chị thành nạn nhân của cuộc chạy đua vật
> chất vô ý nghĩa.
>
> Nhưng có lẽ chị B đã không có được đức
> khiêm nhường, nếu chị không có niềm tin vào
> Thiên Chúa. Chính niềm tin vào sự quan phòng
> của Thiên Chúa và gương khiêm nhường của Thánh
> Gia đã giúp chị có nghị lực vượt qua những
> đòi hỏi tự nhiên của thân xác con người.
>
> Suy gẫm về tinh thần nghèo khó của Thánh Gia,
> chúng ta không thể tách rời tinh thần nghèo khó
> với sự khiêm nhường sâu thẳm của Chúa Giêsu
> và cha mẹ Người. Một Thiên Chúa đã chọn
> sinh ra trong một gia đình nghèo khó để tìm đến
> với những kẻ khốn cùng, trong khi loài thụ tạo
> chúng ta lại tìm cách trốn tránh nơi khó nghèo
> để tìm đến những nơi có hơi hướng của sự
> sang trọng.
>
> Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho con, vì trong đời
> có những lần đã hành động mù quáng như chị
> A, đã sống xa Chúa nên chẳng nghe tiếng Ngài mà
> chỉ nghe tiếng réo gọi của vật chất. Mãi
> đến khi hiểu ra những hứa hẹn của vật chất
> chỉ là những hứa hẹn trống rỗng, những nể
> phục của loài người chỉ là hão huyền, giả
> tạo, thì con mới thức tỉnh để nhận ra rằng,
> Chúa chính là sự sang giàu của con, một sự sang
> giàu không bao giờ tàn rụi.
>
> Hàng ngày, nơi bệnh viện, con đã từng chứng
> kiến bao người hấp hối và qua đời trên
> giường bệnh. Giàu hay nghèo thì khi chết
> cũng chỉ còn lại một thân xác khô héo. Dư
> giả hay thiếu thốn cũng chẳng mang được gì
> về bên kia thế giới. Sang hay hèn thì khi ra
> trước tòa Chúa cũng sẽ trần truồng như
> nhau. Duy có một điều khác là chúng con sẽ
> nói gì với Chúa về quá khứ và cuộc sống
> trần thế của mình. Liệu Chúa có nhận ra
> chúng con là bạn hữu không, nếu khi còn sống ở
> thế gian chúng con đã không màng đến Chúa, mà
> chỉ bận rộn chạy theo sự hấp dẫn của vật
> chất và danh lợi? Liệu tiền bạc, của
> cải, danh lợi, bạn hữu sang giàu có giúp gì cho
> chúng con được không, khi chúng con phải trả
> lời cho đời sống thiêng liêng của chính mình?
>
> Lạy Mẹ Maria, xin cho hoa quả của Mầu Nhiệm Mẹ
> sinh Chúa Giêsu nơi hang đá sẽ đem lại cho chúng
> con tinh thần khó nghèo, thánh thiện của Thánh Gia
> Nazareth, để cuộc sống chúng con trở nên an
> bình, thánh thiện hơn trong niềm tin yêu vào sự
> quan phòng của Thiên Chúa.