Vào Chúa Nhật thứ nhất sau Giáng Sinh này, phụng vụ mời gọi chúng ta cử hành lễ Thánh Gia Nazarét. Thật vậy, hết mọi cảnh giáng sinh đều cho chúng ta thấy Chúa Giêsu cùng với Đức Mẹ và Thánh Giuse ở hang Bêlem. Thiên Chúa đã muốn được sinh ra trong một gia đình loài người, Ngài muốn có một người mẹ và một người cha như chúng ta.

Và hôm nay Phúc Âm cho thấy Thánh Gia đang thực hiện một cuộc hành trình lưu đầy trong đau buồn để tị nạn ở Ai Cập. Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu trải qua thân phận thảm thương của những con người tị nạn, lo âu sợ hãi, kèm theo tâm trạng bất định và băn khoăn lo lắng (Mathêu 2:13-15,19-23). Tiếc thay, trong thời đại của chúng ta, hằng triệu gia đình vẫn có thể gặp phải cái thực tại buồn thảm ấy. Hầu như mỗi ngày truyền hình và báo chí cho biết tin tức về những người tị nạn trốn chạy vì đói khổ, vì chiến tranh, vì các thứ nguy hiểm trầm trọng khác, để tìm kiếm an ninh và một cuộc sống xứng đáng cho bản thân họ và gia đình họ.

Ở những mảnh đất xa cách, cho dù họ có công ăn việc làm, thì thành phần tị nạn và di dân không phải bao giờ cũng được thật sự tiếp nhận, trân trọng, cảm mến các thứ giá trị của họ. Những niềm mong đợi hợp lý của họ tương phản với những hoàn cảnh phức tạp và khó khăn đôi khi bất khả thắng vượt. Bởi vậy, khi chúng ta gắn mắt nhìn vào Thánh Gia Nazarét lúc các vị trở thành những con người tị nạn, chúng ta nghĩ về thảm cảnh của những thứ trợ cấp cùng với những người tị nạn là nạn nhân bị loại trừ và khai thác, nạn nhân của việc buôn người và lao nô. Thế nhưng chúng ta cũng hãy nghĩ đến những thứ "lưu đầy": tôi muốn gọi chúng là "những cuộc lưu đầy kín đáo", những cuộc lưu đầy có thể ở ngay trong gia đình của chúng ta: chẳng hạn người già đôi khi được đối xử như là một thứ bất tiện. Tôi thường nghĩ rằng dấu hiệu cho thấy một gia đình sống ra sao đó là cách thức đối xử với con cái và người già trong gia đình.

Chúa Giêsu muốn thuôc về một gia đình trải qua những khốn khó này, để không ai cảm thấy mình bị loại trừ khỏi việc hiện diện yêu thương của Thiên Chúa. Việc thoát thân sang Ai Cập trước những đe dọa của Hêrôđê cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa hiện diện ở những lúc con người gặp hiểm nguy, con người chịu khổ đau, con người trốn chạy, con người cảm thấy bị loại trừ và bỏ rơi; thế nhưng Thiên Chúa cũng ở cả lúc con người mộng mơ, con người hy vọng được tự do nơi quê cha đất tổ của mình, con người sự định và quyết định về đời sống và phẩm vị của họ cũng như của gia đình họ.

Hôm nay việc chúng ta chiêm ngưỡng Thánh Gia cũng được lôi kéo bởi tính chất đơn sơ giản dị của cuộc đời các vị sống ở Nazarét. Thánh Gia là một gương mẫu rất tốt đẹp cho gia đình của chúng ta, nó giúp gia đình chúng ta hơn nữa trong việc trở thành những cộng đồng yêu thương và hòa giải bao gồm những gì là dịu dàng, tương trợ và tha thứ lẫn nhau. Chúng ta hãy nhớ 3 thành ngữ chính cần thiết cho một đời sống gia đình an bình và hân hoan, đó là excuse me - xin tha, thank you - cám ơn, I'm sorry - xin lỗi. Trong một gia đình khi anh chị em không gây xúc phạm mà nói "excuse me", khi anh chị em không tìm mình mà nói "thank you", và khi anh chị em nhận thức rằng anh chị em đã làm một điều gì đó sai lầm và nói "I'm sorry", thì bình an và niềm vui xẩy ra ở trong gia đình này. Chúng ta hãy nhớ 3 thnhà ngu ưnày. Thế nhưng, chúng ta có thể cùng nhau nói 3 thành ngữ này: excuse me, thank you, I'm sorry. (Dân chúng qui tụ ở Quảng Trường Thánh Phêrô bấy giờ lập lại theo Đức Thánh Cha những thành ngữ ấy). Tôi cũng muốn thấy các gia đình nhận thức được tầm quan trọng của mình ở trong Giáo Hội cũng như trong xã hội. Thật vậy, việc loan truyền Phúc Âm được truyền đạt trước hết qua gia đình rồi mới vươn tới các lãnh vực khác của cuộc sống hằng ngày.

Chúng ta hãy tha thiết kêu cầu cùng Rất Thánh Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và là Mẹ của chúng ta, và Thánh Giuse là phu quân của Mẹ. Chúng ta hãy xin các vị soi sáng, an ủi, hướng dẫn hết mọi gia đình ở trên thế giới này, nhờ đó họ có thể thực thi sứ vụ Thiên Chúa đã ủy thác cho họ một cách xứng đáng và thanh thản.