Các Bài Giảng Phụng Vụ trong Năm 2014

 

 

"Thời gian là môi trường của việc Thiên Chúa tỏ mình ra ...

Tự do là những gì làm cho chúng ta sợ hãi ...

yêu thích 'củ hành củ tỏi' nô lệ hơn..."

ĐTC Phanxicô - Bài Giảng Kinh Tối 31/12/2014 Vọng Tân Niên 2015

 Anh Chị Em thân mến,

Lời Chúa hôm nay dẫn chúng ta đặc biệt vào ý nghĩa của thời gian, với ý thức rằng thời gian không phải là một thực tại xa lạ với Thiên Chúa, bởi vì Ngài chỉ muốn tỏ Mình ra và cứu độ chúng ta trong lịch sử. Ý nghĩa của thời gian, của tính chất thời gian, đó là môi trường hiển linh của Thiên Chúa, tức là, môi trường của việc tỏ mình ra của Thiên Chúa và của tình yêu cụ thể của Ngài. Thật vậy, thời gian là sứ giả của Thiên Chúa, như Thánh Peter Favre đã nói.

Phụng vụ hôm nay nhắc nhở chúng ta câu nói của Tông Đồ Gioan: "Hỡi các con, đây là giờ khắc cuối cùng" (1Gioan 2:18), cũng như câu nói của Thánh Phaolô là vị nói về "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4). Bởi thế, ngày hôm nay đây tỏ cho chúng ta thấy làm thế nào - có thể nói - thời gian được "chạm tới" bởi Chúa Kitô, Người Con của Thiên Chúa và của Mẹ Maria, và thời gian được nhận lấy từ Người những ý nghĩa mới mẻ và lạ lùng, ở chỗ, nó đã trở thành "thời gian cứu độ", tức là thời điểm tối hậu của ơn cứu độ và ân sủng.

Tất cả những điều ấy khiến chúng ta nghĩ đến tận điểm của cuộc hành trình đời sống, đến tận cùng nơi cuộc hành trình của chúng ta. Đã có khởi điểm thì sẽ có tận điểm: "có thời sinh ra cũng có thời chết đi" (Giảng Viên 3:2). Theo sự thật này, một sự thật rất giản dị và nống cốt nhưng lại rất bị coi thường và quên lãng, Mẹ Thánh Giáo Hội dạy chúng ta trong việc kết thúc năm nay cũng như kết thúc ngày sống của chúng ta bằng việc kiểm điểm lương tâm, nhờ đó chúng ta ôn lại những gì đã xẩy ra, ở chỗ, chúng ta tạ ơn Chúa về mọi thiện hảo chúng ta đã lãnh nhận và đã có thể thực hiện, đồng thời, chúng ta cũng nghĩ đến những khuyết điểm thiếu sót của chúng ta và tội lỗi của chúng ta - để tri ân cảm tạ và xin ơn tha thứ.  

Đó là những gì chúng ta cũng làm hôm nay vào lúc kết thúc năm này. Chúng ta ca ngợi Chúa bằng bài thánh ca Tạ Ơn Lạy Thiên Chúa Te Deum, đồng thời chúng ta xin Ngài ơn tha thứ. Thái độ tạ ơn này giúp chúng ta sống khiêm hạ trong việc nhận biết và lãnh nhận các tặng ân của Chúa.

Trong Bài Đọc của những Giờ Kinh Tối Vọng này, Tông Đồ Phaolô đã tóm lại cái động lực chính yếu của việc chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đó là Ngài đã làm cho chúng ta nên con cái của Ngài, Ngài đã thừa nhận chúng ta như là con cái của Ngài. Tặng ân không vì công lênh của ai này làm cho chúng ta tràn đầy niềm tri ân chan chứa lạ lùng! Người nào đó có thể nói rằng: "Thế nhưng chúng tôi không phải là con cái của Ngài, mà ở chỗ chỉ là con người?" Chúng ta đúng là như thế, vì Thiên Chúa là Cha của hết mọi con người sinh ra trên trần gian này. Thế nhưng đừng quên rằng bởi nguyên tội chúng ta đã bị cách xa Ngài, một thứ tội đã tách chúng ta ra khỏi Cha của chúng ta: mối liên hệ con cái của chúng ta đã bị thâm đậm tổn thương. Bởi thế, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến để giải cứu chúng ta bằng giá máu của Người. Mà nếu có việc giải cứu là bởi vì có cảnh nô lệ. Chúng ta đã là con cái, nhưng chúng ta đã trở thành các kẻ nô lệ, nghe theo tiếng nói của Tên Gian Ác.Không ai có thể giải cứu chúng ta khỏi cảnh nô lệ thực sự này ngoại trừ Chúa Giêsu, Đấng đã mặc lấy xác thịt của chúng ta nơi Trinh Nữ Maria và đã chết trên thập tự giá để giải thoát chúng ta khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và phục hồi thân phận làm con đã bị mất đi của chúng ta cho chúng ta

Phụng vụ hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta rằng "từ ban đầu (trước thời gian) đã có Lời... và Lời đã hóa thân làm người", bởi thế Thánh Irenaeus đã khẳng định rằng: "Đó là lý do Lời đã hóa thân làm người, và Con Thiên Chúa đã trở thành Con người, nhờ đó loài người, vì được hiệp thông với Lời mà từ đó lãnh nhận thân phận làm con cái thần linh, có thể trở nên con cái của Thiên Chúa"  (Adversus Haereses, 3, 19, 1” PG 7, 939; Cf. Catechism of the Catholic Church, 460).

Hiện tại thì chính tặng ân chúng ta tạ ơn cũng là một lý do để chúng ta kiểm điểm lương tâm, duyệt xét lại đời sống cá nhân và cộng đồng của chúng ta, bằng cách tự vấn xem: chúng ta đang sống ra sao? Chúng ta đang sống như là những người con hay là những kẻ nô lệ? Chúng ta có sống như thành phần lãnh nhận phép rửa trong Chúa Kitô, được xức dầu Thần Linh, được giải cứu và được tự do hay chăng? Hay chúng ta sống theo lý lẽ băng hoại trần tục, làm những gì mà ma quỉ xui giục chúng ta tin rằng đó là những gì lợi ích cho chúng ta? Trong cuộc hành trình đời sống của chúng ta bao giờ cũng có khuynh hướng chống lại việc giải phóng; chúng ta sợ tự do, và ngược ngạo thay, chúng ta vô tình lại yêu thích làm nô lệ hơn. Tự do là những gì làm cho chúng ta sợ hãi vì nó đặt chúng ta trước thời gian và cần phải đối diện với trách nhiệm của chúng ta trong việc sống trách nhiệm ấy một cách tốt đẹp. Nô lệ biến thời gian thành 'khoảnh khắc' và vì thế chúng ta cảm thấy an toàn hơn, tức là nó làm cho chúng ta sống những khoảng khắc chẳng liên hệ gì tới quá khứ của chúng và với tương lai của chúng ta. Nói cách khác, nô lệ là những gì ngăn cản chúng ta trong việc sống hiện tại một cách trọn vẹn và thực sự, vì nô lệ làm hiện tại trống rỗng quá khứ và bưng bít hiện tại trước tương lai, trước vĩnh hằng. Nô lệ làm cho chúng ta tin rằng chúng ta không thể nào mơ tưởng, bay lượn, hy vọng

Một đại nghệ công Ý quốc đã nói rằng mấy ngày trước Chúa dễ dàng mang dân Yến Duyên (Israel) ra khỏi Ai Cập hơn là Ai Cập ra khỏi tâm trí của dân Yến duyên. "Phải", họ đã được giải phóng khỏi cảnh nô lệ "một cách thể lý", thế nhưng trong cuộc hành trình băng qua sa mạc đầy những khó khăn khác nhau cùng đói khổ họ đã bắt đầu cảm thấy nhung nhớ Ai Cập là nơi họ "đã được thưởng thức... củ hành củ tỏi" (xem Dân Số 11:5); tuy nhiên, họ đã quên rằng họ đã ăn những thứ này ở mâm bàn nô lệ. Thứ nhung nhớ nô lệ này đang ẩn náu trong tâm trí của chúng ta, vì nó có vẻ chắc ăn hơn tự do là thứ đầy những nguy cơ. Chúng ta hào hứng biết bao khi say mê thấy được nhiều thứ pháo bông, bề ngoài đẹp đẽ đó nhưng thực sự thì là những gì thoáng qua trong giây lát! Đó là cái chiếm ngự của khoảnh khắc!

Như thế, việc kiểm điểm lương tâm này, cả đối với Kitô hữu chúng ta nữa, lệ thuộc vào tính chất tác hành của chúng ta, việc sống động của chúng ta, sự hiện diện của chúng ta trong thành phố, việc phục vụ của chúng ta cho công ích, việc tham phần của chúng ta vào các tổ chức quần chúng và Giáo Hội. 

Vì thế, là Giám Mục Rôma, tôi muốn chia sẻ về đời sống của chúng ta ở Rôma, một tặng ân lớn lao, vì được sống ở Thành Đô Vĩnh Cửu; nhất là đối với một Kitô hữu, thì điều ấy có nghĩa là thuộc về một Giáo Hội được xây dựng trên chứng từ và cuộc tử đạo của các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Bởi vậy mà chúng ta cũng phải cám ơn Chúa về điều này nữa. Tuy nhiên nó đồng thời cũng là một trách nhiệm lớn lao. Chúa Giêsu đã phán: "Ai được ban cho nhiều thì cũng sẽ bị đòi hỏi nhiều" (Luca 12:48). Thế nên, chúng ta cần phải tự vấn xem ở trong thành đô này, trong cộng đồng giáo hội đây, chúng ta là thành phần tự do hay chúng ta là các kẻ nô lệ, chúng ta có là muối ướp và là ánh sáng hay chăng? Chúng ta có là men bột chăng? Hay chúng ta đã sống một cách vô vị buồn tẻ, hận thù, chán chường thất vọng, tầm thường, mệt mỏi? 

Những biến cố băng hoại trầm trọng mới xẩy ra chắc chắn cần đến một cuộc nghiêm cẩn và ý thức hoán cải tâm hồn cho một cuộc tái sinh về tinh thần và luân lý, cũng như cho một cuộc dấn thân mới để xây dựng một thành đô công chính và đoàn kết hơn, nơi mà người nghèo, người yếu kém và người sống bên lề xã hội trở thành ưu tiên cho những mối quan tâm của chúng ta và các hoạt động hằng ngày của chúng ta. Thái độ tự do Kitô hữu cao cả hằng ngày cần phải tỏ ra can đảm để loan truyền ở thành đô đây đó là người nghèo cần phải được bênh vực chứ không phải bênh vực mình khỏi người nghèo, chúng ta cần phải phục vụ người yếu kém chứ không phải lạm dụng họ

Chúng ta có thể học được điều ấy nơi giáo huấn của một vị phó tế Rôma đơn sơ chất phác. Khi Thánh Lawrence được yêu cầu mang đến cho thấy đâu là các kho tàng của Giáo Hội thì ngài chỉ dẫn theo một số người nghèo. Khi người nghèo và người yếu kém được chăm sóc, nâng đỡ và trợ giúp ở một thành phố nào đó để cổ võ họ trong xã hội thì họ chứng tỏ họ là kho tàng của Giáo Hội và là kho tàng trong xã hội. Trái lại, khi xã hội khinh thường người nghèo, bách hại họ, gây tội ác phạm đến họ, và ép buộc họ <gia nhập băng Mafia> thì xã hội đó trở thành bần cùng đến độ khốn khổ, bị mất đi cái tự do của nó và yêu thích "củ hành củ tỏi" nô lệ hơn, thứ nô lệ cho cái vị kỷ của nó, thứ nô lệ cho cái hèn nhát nhu nhược của nó; xã hội ấy không còn là xã hội Kitô giáo nữa.  

Anh chị em thân mến, việc kết thúc năm này đó là việc tái khẳng định rằng "giờ khắc cuối cùng" đang hiện hữu và "thời điểm viên trọn" đang xẩy ra. Để kết thúc năm nay, để tạ ơn và xin ơn tha thứ, tốt nhất là chúng ta xin ơn để làm sao có thể tiến bước trong tự do hầu sửa lại nhiều hư hại và bênh vực mình khỏi những nhung nhớ nô lệ, không còn nhớ nhung đến những gì là nô lệ nữa.

Xin Đức Thánh Trinh Nữ, vị thực sự ở tâm điểm đền thờ Thiên Chúa, khi Lời - Đấng có từ ban đầu - biến Mình thành nên một với chúng ta trong thời gian; Mẹ là vị đã ban Đấng Cứu Thế cho thế giới, giúp chúng ta lãnh nhận Người bằng một con tim cởi mở để thực sự làm con cái của Thiên Chúa và sống tự do như con cái của Thiên Chúa.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (bao gồm cả nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý, trừ những chỗ in nghiêng vẫn giữ nguyên)

http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-homily-at-vespers-on-eve-of-new-year

 

 

"Thiên Chúa là Cha và lòng trung thành nhẫn nại của Ngài còn mãnh hơn cả tối tăm

 và băng hoại. Đó là sứ điệp của đêm Giáng Sinh. Thiên Chúa không tỏ ra bừng giận

 và bất nhẫn"

ĐTC Phanxicô - Bài Giảng Lê Đêm Giáng Sinh 2014

 

"Dân bước đi trong tăm tối đã thấy ánh sáng rạng ngời; những ai ở miền đấy đen tối đã được ánh sáng chiếu soi" (Isaia 9:1). "Một thiên thần Chúa đã hiện ra với các mục tử và vinh hiển của Chúa đã tỏa chiếu họ" (Luca 2:9). Đó là những gì phụng vụ của đêm Giáng Sinh thánh này trình bày cho chúng ta thấy về việc hạ sinh của Đấng Cứu Thế: như ánh sáng thấu qua và đánh tan bóng tối đen nhất. Sự hiện diện của Chúa giữa dân Ngài làm tan biến đi nỗi sầu thương của cuộc thua bại và cảnh khốn cùng của tình trạng nô lệ, mà mang lại niềm vui và hạnh phúc. 

Cả chúng ta nữa, trong đêm hồng phúc này, đã đến với nhà của Thiên Chúa. Chúng ta đã băng qua bóng tối tăm đang bao trùm trái đất, được dẫn đường bởi ngọn lửa đức tin đang soi chiếu bước chân của chúng ta đi, và được phấn khởi bởi niềm hy vọng tìm thấy "ánh sáng rạng ngời" này. Bằng việc mở lòng của chúng ta ra, chúng ta cũng có thể chiếm ngưỡng thấy phép lạ của con trẻ thái dương là Đấng mọc lên từ trên cao đang chiếu rọi chân trời.

Nguồn gốc của bóng tối đang bao phủ thế giới đang biến mất trong một đêm của mọi thời đại. Chúng ta hãy nghĩ về giây phút tối tăm khi xẩy ra tội ác đầu tiên của nhân loại, khi bàn tay của Cain, bì mù quáng bởi ghen hờn, đã giết chết Abel em của mình (xem Khởi Nguyên 4:8). Bởi thế, việc diễn tiến của các thế kỷ đã bị đánh dấu bằng bạo lực, chiến tranh, ghen ghét và đàn áp. Thế nhưng Thiên Chúa, Đấng đã đặt để một cảm quan mong đợi nơi con người được dựng nên theo hình ảnh của Ngài và tương tự như Ngài, vẫn đang chờ đợi.Ngài đã đợi chờ rất lâu đến độ có lúc dường như Ngài đã phải buông xuôi. Tuy nhiên, Ngài không thể bỏ cuộc vì Ngài không thể chối bỏ chính mình Ngài (xem 2Timothêu 2:13). Thế nên Ngài đã tiếp tục nhẫn nại đợi chờ trước tình trạng băng hoại của con người và của các dân tộc

Qua dòng lịch sử, ánh sáng đánh tan bóng tối tỏ ra cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là Cha và lòng trung thành nhẫn nại của Ngài còn mãnh hơn cả tối tăm và băng hoại. Đó là sứ điệp của đêm Giáng Sinh. Thiên Chúa không tỏ ra bừng giận và bất nhẫn; Ngài bao giờ cũng có đó, như người cha trong dụ ngôn dứa con hoang đàng, đợi chờ trông ngóng từ xa bóng dáng người con lạc loại trở về. 

Lời tiên báo của Tiên Tri Isaia loan tin về việc hiện lên một ánh sáng rạng ngời qua màn đêm đen. Ánh sáng này được sinh hạ ở Bêlem và được đón nhận bởi vòng tay yêu thương của Mẹ Maria, bởi tình yêu của Thánh Giuse, bởi nỗi ngỡ ngàng của các mục đồng. Khi các thiên thần loan báo việc hạ sinh của Đấng Cứu Chuộc cho các mục đồng thì các vị làm như thế bằng những lời lẽ như sau: "Đây sẽ là dấu hiệu cho các người, đó là một thơ nhi được bọc trong khăn và nằm trong máng cỏ" (Luca 2:12). "Dấu hiệu" này là sự khiêm hạ quá sức của Thiên Chúa; chính tình yêu khiến cho Ngài vào đêm ấy đã mặc lấy tình trạng yếu hèn của chúng ta, nỗi đau khổ của chúng ta, những lo âu của chúng ta, các ước vọng của chúng ta và những hạn hữu của chúng ta. Sứ điệp mà mọi người đang trông mong, mà mọi người đang tìm kiếm nơi thẳm cung của linh hồn mình, không là gì khác ngoài niềm êm ái dịu dàng của Thiên Chúa: Vị Thiên Chúa nhìn xuống chúng ta bằng ánh mắt đầy yêu thương, Đấng chấp nhận cảnh bần cùng nghèo khổ của chúng ta, Vị Thiên Chúa phải lòng với cái bé mọn của chúng ta

Vàđêm thánh này, trong khi chúng ta chiêm ngưỡng Con Trẻ Giêsu vừa được hạ sinh và đặt nằm trong máng cỏ, chúng ta được mời gọi hãy phản tỉnh. Chúng ta đã đón nhận niềm êm ái dịu dàng này của Thiên Chúa ra sao? Chúng ta có để mình được Thiên Chúa chiếm đoạt hay chăng, để cho Ngài ôm ấp hay chăng, hay tôi tránh né việc Ngài đến gần tôi? Chúng ta có thể đáp lại rằng "Thế nhưng chúng tôi đang tìm kiếm Chúa mà". Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là việc đi tìm kiếm Ngài, mà là để cho Ngài tìm gặp chúng ta và âu yếm chăm sóc chúng ta. Vấn đề được đặt ra cho chúng ta trước sự hiện diện của Con Trẻ này chỉ vỏn vẹn là: tôi có để cho Thiên Chúa yêu thương tôi hay chăng?

Hơn thế nữa, chúng ta có can đảm đón nhận một cách dịu dàng những khó khăn và trục trặc của những ai gần gũi chúng ta hay chăng, hay chúng ta thích những giải quyết theo kiểu bất liên cá thể, có thể là hiệu nghiệm đấy nhưng chẳng có gì là nồng nàn của Phúc Âm hết? Ngày nay thế giới cần đến niềm êm ái dịu dàng này biết bao!

Việc đáp ứng của Kitô hữu không thể nào khác với việc Thiên Chúa đáp ứng trước cái bé mọn của chúng ta. Đời sống cần phải được đáp ứng bằng những gì là thiện hảo, hiền lành.Khi chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa phải lòng với cái bé mọn của chúng ta, ý thức rằng Ngài đã biến mình thành nhỏ bé để dễ gặp gỡ chúng ta, thì chúng ta không thể nào không mở lòng mình ra cho Ngài, và khẩn nài Ngài rằng: "Lạy Chúa, xin giúp cho con trở nên giống như Chúa, xin hãy ban cho con ơn biết dịu dàng trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, xin hãy ban cho con ơn biết gần gũi với hết mọi nhu cầu, ơn biết hiền lành trong mọi xung khắc". 

Anh chị em thân mến, vào đêm thánh này, chúng ta hãy chiêm ngưỡng cảnh Giáng Sinh: ở đó "dân đã bước đi trong tăm tối đã được thấy ánh sáng rạng ngời" (Isaia 9:1). Dân mà không ngờ, mở lòng đón nhận tặng ân của Thiên Chúa, lại là những người đã thấy được ánh sáng này. Tuy nhiên, ánh sáng này không thấy được bởi thành phần cao ngạo, kiêu hãnh, bởi những ai đã biến luật lệ theo những lượng định riêng của họ, những ai khép mình trước người khác. Chúng ta hãy nhìn vào máng cỏ và cầu nguyện, kêu xin Người Mẹ Phúc Đức rằng: "Ôi Maria, xin tỏ Chúa Giêsu cho chúng con!"



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và các chỗ nhấn mạnh tự ý)

http://www.zenit.org/en/articles/pope-francis-midnight-mass-homily

 

 

"Thái độ của Các mối Phúc Đức... mới cứu chúng ta khỏi bị hủy diệt, khỏi hủy diệt  

 Trái Đất này, hủy diệt tạo vật, hủy diệt luân lý, hủy diệt lịch sử, hủy diệt gia đình, hủy

 diệt hết mọi sự". 

 

ĐTC Phanxicô: Giảng Lễ Các Thánh Thứ Bảy 1/11/2014 ở Nghĩa Trang Verano Rôma

 

Khi nghe trong Bài Đọc Thứ Nhất tiếng của vị Thiên Thần kêu vang vang cho 4 Thiên Thần được ban cho quyền hủy hoại cả đất liền lẫn biển khơi rằng: "Đừng hủy hoại đất đai, biển khơi hay cây cối" (Khải Huyền 7:3), thì chúng ta nhớ đến một câu nói không phải ở Sách Khải Huyền mà là ở trong lòng của mọi người: con người có khả năng làm điều ấy hơn là quí vị thiên thần nữa kìa. Chúng ta có thể tàn phá Trái Đất này còn giỏi hơn c các Thiên ThầnĐó thực sự là những gì chúng ta đang làm, đó là những gì chúng ta đang thực hiện, ở chỗ chúng ta đang hủy hoại thiên nhiên tạo vật, chúng ta đang tàn phá sự sống, chúng ta đang tàn phá các nền văn hóa, chúng ta đang tàn phá các thứ giá trị, chúng ta đang tiêu diệt niềm hy vọng. Chúng ta cần đến sức mạnh của Chúa biết bao để chúng ta được niêm ấn bởi tình yêu của Ngài và quyền năng của Ngài trong việc ngưng lạicuộc đua hủy diệt điên cuồng này!

Việc hủy diệt đi những gì Ngài đã ban cho chúng ta, những gì tuyệt vời nhất Ngài đã làm cho chúng ta, để chúng ta canh tác, duy trì, sinh lợi... Khi tôi ở trong hậu cung thánh nhìn thấy các bức tranh vẽ 71 năm trước (vẽ cảnh dội bom hồi Thế Chiến Thứ II ở miền San Lorenzo là nơi nghĩa trang này tọa lạc), tôi nghĩ rằng: "Đó thật là trầm trọng, thật là đau thương. Nhưng vẫn không thể nào sánh với những gì đang xẩy ra hiện nay. Con người chiếm hữu hết mọi sự, tin mình là chúa tể, tin rằng mình và vua chúa. Rồi các cuộc chiến tranh, các cuộc chiến tranh tiếp tục bùng nổ, thật sự không phải là để giúp gieo vãi hạt giống sự sống mà là hủy hoại. Nó là một thứ kỹ nghệ hủy diệt. Nó cũng là một guồng máy của sự sống để rồi không chỉnh sửa được sự vật thì loại bỏ chúng đi, ở chỗ chúng ta đang loại bỏ trẻ em, chúng ta đang loại bỏ người già, giới trẻ bị loại bỏ bởi chẳng có công ăn việc làm... Cuộc tàn phá này là hậu quả của một thứ văn hóa phế thải. Chúng ta loại bỏ con người. Đó là hình ảnh xuất hiện trong đầu của tôi khi tôi lắng nghe Bài Đọc Thứ Nhất".

Hình ảnh thứ hai trong cùng Bài Đọc, đó là: "Một đám thật là đông đảo không ai đếm xuể, từ mọi dân nước, chi tộc, dân chúng và ngôn ngữ (7:9)... Các quốc gia, dân tộc... Đang cảm thấy lạnh lẽo: những con người nghèo khổ này, những con người cần phải thoát thân vì đời sống của họ, nhà cửa của họ, dân tộc của họ, làng xóm của họ, vào sống trong sa mạc..., và họ sống ở trong các cái lều, họ cảm thấy lạnh lẽo, không có thuốc men, bị đói khát..., vì 'con người lãnh chúa' đã chiếm quyền kiểm soát Thiên Nhiên Tạo Vật, kiểm soát tất cả những gì là tốt lành thiện hảo Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Thế nhưng ai là người phải trả giá cho thành phần này đây? Thật vậy! Giới trẻ, người nghèo, những ai bị loại bỏ. Điều này không phải thuộc về lịch sử cổ xưa mà đang diễn ra ngày nay. 'Thế nhưng thưa Cha, nó ở mãi đâu đâu...' - Nó ở cả ngay đây nữa! Ở hết mọi nơi. Nó đang xẩy ra hôm nay đây. Tôi muốn nói thêm rằng hình như những con người này, những trẻ em đang đói khát bệnh nạn ấy không là những gì được tính đến, như thể họ thuộc về một một thể loại nào khác, thậm chí như thể họ không phải là con người nữa. Và đám đông này đang ở trước Thiên Chúa mà van xin: 'Xin thương cứu độ! Xin được bình an! Xin được lương thực! Xin được việc làm! Trẻ em và thành phần làm ông làm bà van xin! Giới trẻ tự trọng có thể làm việc van xin!'"

Trong số những con người ấy có cả những con người bị bách hại vì đức tin của mình, những con người "mặc áo khoác trắng" được đoạn Sách Khải Huyền nhắc tới: "Họ là những người đến từ một cuộc đại thảm khốn và những chiếc áo choàng của họ được máu của Con Chiên nhuộm trắng". "Hôm nay, không phải là quá đáng, hôm nay, nhân Lễ Các Thánh, tôi muốn chúng ta nghĩ đến tất cả những con người ấy, những vị thánh khuyết danh. Những tội nhân như chúng ta, không được may mắn như chúng ta, bị hủy diệt. Trong đám đông dân chúng này ai là người đang ở trong tình trạng đại thảm khốn: hầu hết thế giới đang bị thảm khốn. Chúa lại thánh hóa thành phần này, những tội nhân như chúng ta, nhưng Chúa thánh hóa những con người bị thảm khốn ấy".

Sau hết còn một hình ảnh thứ ba nữa: "Thiên Chúa. Đầu tiên là tàn phá; tiếp đến là nạn nhân; sau hết là Thiên Chúa. Thiên Chúa: 'Các con yêu dấu, giờ đây chúng ta là con cái của Thiên Chúa', chúng ta đã nghe thấy trong bài đọc thứ hai, những gì chúng ta sẽ trở nên nhưng chưa được tỏ hiện. Chúng ta không biết được khi nào được tỏ hiện việc chúng ta được như Ngài, vì chúng ta sẽ thấy Ngài như Ngài là', tức là hãy hy vọng. Và hy vọng là phúc lành của Chúa mà chúng ta vẫn có. Niềm hy vọng Ngài sẽ thương đến dân của Ngài, thương đến những ai đang bị đại thảm khốn và thương đến thành phần hủy diệt để họ biết hoán cải. Nhờ thế sự thánh thiện của Giáo Hội tiến triển, ở chỗ, với những con người này, với chúng ta mà chúng ta sẽ được thấy Thiên Chúa như Ngài là. Đâu là thái độ chúng ta cần có nếu chúng ta muốn thuộc về đám đông đang tiến bước đến cùng Cha này, trong thế giới bị tàn phá này, trong thế giới chiến tranh này, trong thế giới thảm khốn này? Thái độ của chúng ta, như chúng ta đã nghe thấy trong bài Phúc Âm, đó là thái độ của các mối Phúc Đức. Chỉ có đường lối duy nhất ấy mới có thể dẫn chúng ta đến chỗ gặp gỡ Thiên Chúa. Chỉ có đường lối ấy mới cứu chúng ta khỏi bị hủy diệt, khỏi hủy diệt Trái Đất này, hủy diệt tạo vật, hủy diệt luân lý, hủy diệt lịch sử, hủy diệt gia đình, hủy diệt hết mọi sự. Đó là đường lối duy nhất. Thế nhưng nó cũng gây cho chúng ta những gì là xấu xa. Nó khiến chúng ta gặp trục trặc. Đó là bị bách hại. Thế nhưng đường lối duy nhất này sẽ dẫn chúng ta tiến tới. Vậy những con người đang chịu khổ đau rất nhiều hôm nay đây, gây ra bởi cái vị kỷ của thánh phần hủy hoại, thành phần hủy hoại anh chị em chúng ta, những người anh chị em đang chống chọi tiến tới bằng các mối Phúc Đức, bằng niềm hy vọng gặp được Thiên Chúa, được nhãn tiền thấy Chúa trong niềm hy vọng làm thánh  cuộc gặp gỡ cuối cùng của chúng ta với Ngài". 

"Xin Chúa giúp chúng ta và ban cho chúng ta ơn hy vọng này, cả ơn can đảm để vượt lên trên tất cả mọi thứ hủy diệt, mọi thứ tàn phá, mọi thứ tương đối cuộc đời, mọi cuộc loại trừ người khác, loại bỏ các thứ giá trị, loại bỏ tất cả những gì Chúa đã ban cho chúng ta: loại trừ bình an. Xin cứu chúng con khỏi điều ấy, và ban cho chúng con ơn tiến bước trong niềm hy vọng được nhãn tiến thấy Chúa. Và anh chị em ơi niềm hy vọng này là những gì không gây thất vọng".


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ (với nhan đề và những chỗ in nghiêng mầu tự ý muốn nhấn mạnh)

http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-homily-at-all-saints-day-mass-at-rome-s-verano-cemetery

 


ĐTC Phanxicô - Bài Giảng cho Lễ Cưới

Chúa Nhật Lễ Tôn Vinh Thánh Giá 14/9/2014 ở Đền Thờ Thánh Phêrô 

bao gồm cả việc ngài Làm Phép Hôn Phối cho 20 cặp tân hôn thuộc Giáo Phận Rôma

"Hôn nhân là một biểu hiện của cuộc sống, một cuộc sống thực sự chứ không phải là 'tiểu thuyết'! Nó là Bí Tích yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, một tình yêu được chứng tỏ và bảo đảm nơi Thánh Giá".

Bài đọc thứ nhất hôm nay nói với chúng ta về cuộc hành trình qua sa mạc của dân Chúa. Chúng ta có thể mường tượng thấy họ như thể đang tiến bước theo ông Moisen; họ là các gia đình, là những người cha, người mẹ, con cái nam nữ, ông bà, thành phần nam nữ ở mọi lứa tuổi, bao gồm nhiều trẻ em và bậc lão thành là hai thành phần khốn khổ với cuộc hành trình này. Dân này nhắc nhở chúng ta về Giáo Hội, vì Giáo Hội đang băng qua vùng sa mạc của thế giới hiện đại, nhắc nhớ chúng ta về thành phần Dân Chúa được bao gồm hầu hết bởi các gia đình

Sự kiện này khiến chúng ta nghĩ đến các gia đình, các gia đình của chúng ta, đang tiến bước trên những con đường cuộc sống với tất cả mọi kinh nghiệm thường nhật của mình. Không thể nào đo đếm được sức mạnh và chiều sâu của nhân loại nơi gia đình: vấn đề tương trợ nhau, việc hỗ trợ giáo dục, những mối liên hệ phát triển khi các phần tử của gia đình trưởng thành, việc chia sẻ những niềm vui cùng với các khó khăn. Gia đình là nơi đầu tiên chúng ta được hình thành làm người, đồng thời cũng là "những viên gạch" để xây dựng xã hội

Chúng ta hãy trở lại với câu chuyện thánh kinh. Ở một mức độ nào đó, "dân chúng trên đường đi đã trở nên bất nhẫn" (Dân Số 21:4). Họ cảm thấy mệt mỏi, nước nôi thì cạn kiệt và thức ăn thì toàn là manna, một thứ lương thực cho dù có dồi dào do Chúa ban chăng nữa, cũng dường như đã trở nên quá nhàm chán trong lúc khủng hoảng. Bởi thế mà họ phàn nàn chống lại Chúa và Moisen: "Tại sao ông lại đem chúng tôi đi chứ?..." (Dân Số 21:5). Họ cảm thấy bị cám dỗ quay đầu lại và hủy bỏ cuộc hành trình này. 

Đến đây chúng ta nghĩ đến các đôi phối ngẫu, thành phần "trên đường đi đã trở nên bất nhẫn", con đường của cuộc sống hôn nhân và gia đình. Tình trạng khốn khổ của cuộc hành trình đang khiến cho họ cảm thấy nội tâm mệt mỏi; họ đã bị mất đi ân phúc của phép hôn phối và họ thôi kín múc từ cái giếng Bí Tích này. Cuộc sống hằng ngày trở nên nặng nhọc và thậm chí thường còn cảm thấy "nôn mửa" nữa

Trong những lúc lạc hướng như thế - Thánh Kinh cho biết - các con rắn độc xuất hiện cắn dân chúng khiến nhiều người bị chết. Sự kiện này làm cho dân chúng thống hối quay về cùng Moisen xin tha thứ, van xin ông cầu cùng Chúa để Ngài loại trừ loài rắn đi. Moisen đã cầu cùng Chúa và Chúa đã ban một phương dược đó là treo một con rắn đồng lên một cây cột để ai nhìn lên nó thì sẽ được lành khỏi nọc độc chết chóc của loại rắn.

Đâu là ý nghĩa của biểu hiệu này? Thiên Chúa không hủy diệt loài rắn, trái lại còn cống hiến nó như là "một chất giải độc", ở chỗ, qua con rắn đồng được Moisen thực hiện, Thiên Chúa truyền đạt quyền lực chữa lành là tình thương của Ngài, một tình thương còn mãnh liệt hơn cả nọc độc của Tên Cám Dỗ

Như chúng ta đã nghe thấy trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đồng hóa mình với biểu hiệu này, ở chỗ, vì yêu thương Chúa Cha "đã ban" Người Con duy nhất của mình để nhờ đó con người nam nữ được sự sống đời đời (xem Gioan 3:13-17). Tình yêu bao la này của Chúa Cha đã thúc đẩy Người Con hóa thân làm người, thành một người tôi tớ và chết cho chúng ta trên thập tự giá. Vì tình yêu thương ấy, Chúa Cha đã làm cho Con của Ngài sống lại, ban cho Người quyền thống trị trên toàn thể vũ trụ. Điều này đã được Thánh Phaolô diễn tả trong bài thánh ca ở Bức Thư gửi cho Giáo Đoàn Philiphê (2:6-11). Ai ký thác bản thân mình cho Chúa Giêsu tử giá thì lãnh nhận tình thương của Thiên Chúa và được chữa lành khỏi nọc độc chết chóc của tội lỗi.

Việc chữa lành Thiên Chúa cống hiến cho dân chúng cũng áp dụng một cách đặc biệt cho các đôi phối ngẫu, thành phần "trên đường đi đã trở nên bất nhẫn" và là những người đang chiều theo chước cám dỗ nguy hiểm của chán chường, bất trung, yếu dại, trút bỏ... Thiên Chúa là Cha cũng ban Giêsu Con của Ngài cho cả họ nữa, không phải để lên án họ mà là để cứu họ: nếu họ biết ký thác bản thân mình cho Người thì Người sẽ chữa lành họ bằng tình yêu nhân hậu là những gì được tuôn trào từ Thánh Giá, với sức mạnh của ân sủng Người để canh tân các cặp phối ngẫu và các gia đình, giúp họ lại tiến bước theo đường ngay nẻo chính

Tình yêu của Chúa Kitô, một tình yêu đã chúc phúc và thánh hóa mối hiệp nhất nên một vợ chồng, có thể bảo trì tình yêu của họ và canh tân tình yêu của họ khi nó, theo kiểu nói của loài người, bị mất đi, bị tổn thương hay bị hao mòn. Tình yêu của Chúa Kitô có thể phục hồi niềm vui cùng đồng hành cho các đôi phối ngẫu. Hôn nhân tất cả là ở chỗ đó, ở chỗ con người nam nữ cùng nhau bước đi, trong khi người chồng giúp cho vợ của mình trở nên một người đàn bà hơn bao giờ hết, và người vợ có nhiệm vụ giúp chồng mình trở thành một người đàn ông hơn bao giờ hết. Đó là công việc cả hai vợ chồng cùng chia sẻ. "Anh yêu em, và vì yêu em anh giúp em trở thành một người đàn bà hơn bao giờ hết"; "em yêu anh, và vì yêu anh em giúp anh trở thành một người đàn ông hơn bao giờ hết". Đến đây chúng ta thấy tính chất hỗ tương của những gì là khác biệt. Con đường này không phải bao giờ cũng bằng phẳng trơn tru, không xẩy ra bất đồng, bằng không nó không còn là nhân loại nữa. Nó là một cuộc hành trình gay go, có những lúc khó khăn và có những khi bấn loạn, mà đời sống lại là thế đó! Trong khoa thần học được lời Chúa cống hiến cho chúng ta đây, liên quan đến dân chúng đang thực hiện cuộc hành trình, các đôi phối ngẫu đang hành trình, tôi muốn cống hiến cho anh chị em một chút huấn dụ. Vợ chồng cãi cọ là chuyện bình thường: nó là chuyện thường. Nó bao giờ cũng xẩy ra. Thế nhưng tôi khuyên là đừng bao giờ để cho ngày sống kết thúc mà không làm hòa với nhau trước đã. Đừng bao giờ nhé! Chỉ cần một cử chỉ nho nhỏ là đủ. Nhờ đó mới có thể tiếp tục cuộc hành trình. Hôn nhân là một biểu hiện của cuộc sống, một cuộc sống thực sự ch không phải là "tiểu thuyết"! Nó là Bí Tích yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, một tình yêu được chứng tỏ và bảo đảm nơi Thánh Giá. Niềm mong ước của tôi nơi anh chị em đó là anh chị em có được một cuộc hành trình tốt đẹp, một cuộc hành trình sinh hoa kết trái, gia tăng yêu thương. Tôi chúc cho anh chị em được hạnh phúc. Sẽ có những thánh giá đau khổ! Thế nhưng Chúa luôn hiện diện ở đó để giúp chúng ta tiến tới. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em! 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ website của Tòa Thánh

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2014/documents/papa-francesco_20140914_omelia-rito-matrimonio.html

(nhan đề và những chỗ in nghiêng mầu là do tự ý của người dịch)


Một chút cảm nhận của người dịch về vấn đề nên cho thành phần ly dị tái hôn được rước lễ hay chăng?

Chúng ta đang cầu nguyện cho Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngoại lệ lần 3, lần ngoại lệ này về Hôn Nhân Gia Đình, một dạo khúc cho cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XIV năm 2015. 

Giới truyền thông đã ồn ào lên trước thời gian Thượng Nghị 2014 này xẩy ra, khi họ tập trung vào một vấn đề duy nhất mà họ cho là nóng bỏng nhất và tranh cãi nhất, đó là vấn đề thành phần ly dị tái hôn được rước lễ. 

Họ đã nêu lên sự kiện đụng độ công khai giữa hai luồng tư tưởng nghịch nhau, một chủ trương phò, như của ĐHY Kasper, và một chủ trương chống, như của một trong các vị hồng y là vị Tổng Trưởng Thánh Bộ Đức Tin Muller.

Phần ĐTC Phanxicô thì tiếp tục lắng nghe và cho là lành mạnh, bởi thế trong bài giảng khai mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới 2014, ngài đã khuyến khích và thúc giục các nghị phụ tham dự hãy chân thành thẳng thắn phát biểu.

Chúng ta chắc chắn là cũng muốn biết dứt khoát chính bản thân ĐTC nghĩ sao, vị giáo hoàng chủ trương tình thương và đã từng tuyên bố Bí Tích Thánh Thể không phải chỉ giành riêng cho kẻ lành mạnh mà còn cho cả kẻ yếu đuối nữa. 

Trong bài giảng cho Lễ Cưới của 20 cặp tân hôn ngày 14/9/2014 được ngài chủ sự cách 3 tuần trước Thượng Nghị này (5/10/2014) trên đây ngài vẫn tiếp tục chiều hướng tình thương và cứu vớt qua câu nói ở đoạn áp kết sau đây:

"Việc chữa lành Thiên Chúa cống hiến cho dân chúng cũng áp dụng một cách đặc biệt cho các đôi phối ngẫu, thành phần 'trên đường đi đã trở nên bất nhẫn' và là những người đang chiều theo chước cám dỗ nguy hiểm của chán chường, bất trung, yếu dại, trút bỏ... Thiên Chúa là Cha cũng ban Giêsu Con của Ngài cho cả họ nữa, không phải để lên án họ mà là để cứu họ: nếu họ biết ký thác bản thân mình cho Người thì Người sẽ chữa lành họ bằng tình yêu nhân hậu là những gì được tuôn trào từ Thánh Giá, với sức mạnh của ân sủng Người để canh tân các cặp phối ngẫu và các gia đình, giúp họ lại tiến bước theo đường ngay nẻo chính" 

Chúng ta vẫn tiếp tục theo dõi phản ứng chung chung của các vị nghị phụ của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngoại lệ lần ba 2014 này và chờ đợi quyết định tối hậu của Đức Thánh Cha Phanxicô, một quyết định sẽ được công bố vào năm 2015 sau Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XVI. 

Trong khi chờ đợi, tôi tự nhiên có những cảm nghĩ riêng tư sau đây:

1- Chiếc Tầu Noe là nơi nương náu cứu vớt cho một gia đình thì phải chăng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, một trái tim đã được Mẹ tiết lộ cho chung 3 Thiếu Nhi Fatima nhất là cho riêng Lucia biết vào lần hiện ra thứ hai 13/6/1917, "là nơi cho con nương náu".

2- Nếu "Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi cho con nương náu" thì có thể được ví như Tầu Noe là nơi nương náu sống còn trong trận đại hồng thủy xưa (xem Sách Khởi Nguyên 7:1-12), mà Tầu Noe đã trở thành nơi nương náu cho một đại gia đình 8 người, thì phải chăng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ cũng là nơi nương náu cho gia đình?

3- Nếu Tầu Noe được hoàn tất trong vòng 100 năm (xem Sách Khởi Nguyên 5:32 và 7:6) thì một trùng hợp bất ngờ đang xẩy ra đó là ngay trước Biến Cố Thánh Mẫu Fatima 100 năm (1917-2017), tức chỉ còn 2-3 năm nữa, lại xẩy ra hai Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới liền (2014-2015), nhất là cuộc Thượng Nghị 2014, một cuộc thượng nghị được vị tân Giáo Hoàng Phanxicô (13/3/2013) ngỏ ý muốn (21/9/2013) tổ chức sớm bao nhiêu có thể. 

4- Nếu văn hóa chết chóc từ thế kỷ 20 cho tới nay càng ngày càng trở nên ngập lụt khắp thế giới đến độ đã chẳng những tàn phá thiên nhiên tạo vật như đại hồng thy xưa, mà còn nhận chìm cả văn hóa nhân bản đích thực của loài người nói chung và cơ cấu hôn nhân gia đình nói riêng, thì Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới 2014-2015 về hôn nhân gia đình phải chăng là dấu chỉ thời đại cho thấy Thiên Chúa muốn cứu vớt chung gia đình nhân loại và riêng các gia đình Kitô hữu khỏi đại lụt văn hóa chết chóc - culture of death, gây ra bởi chủ nghĩa tương đối và duy nhân bản?

5- Riêng về trường hợp Kitô hữu Công giáo ly dị tái hôn có được rước lễ hay chăng, thì theo tôi nên cứu xét đến trường hợp rất đặc biệt và ngoại lệ của người phụ nữ tội lỗi trong thành ở cuối đoạn 7 của Phúc Âm Thánh Luca (36-50) sẽ thấy được phần nào hay tất cả câu trả lời một cách khá rõ ràng.

6- Người phụ nữ tội lỗi này (được cho là một Mai Đệ Liên - đối chiếu Phúc Âm Luca 8:2; Marco 16:9; Gioan 11:2), trong tình trạng tội lỗi, với đôi tay đàng điếm nhơ nhớp, lại dám tự động, trực tiếp và ngang nhiên chạm đến Thánh Thể vô cùng thánh thiện toàn hảo của Chúa Giêsu, đến độ khiến vị chủ nhà Pharisiêu cũng lấy làm bỡ ngỡ (7:39).

7- Thế nhưng, Chúa Giêsu lại cứ để cho Thánh Thể của mình "bị" chạm đến bởi đôi bàn tay bẩn thỉu xấu xa của chị, kể cả cho đôi môi vốn đã từng làm tình với bao nhiêu tên đàn ông dâm dục của chị hôn lên Thánh Thể của Người, chỉ vì Người thấy được tất cả "tấm lòng tan nát khiêm cung" đầy mến yêu chân tình sâu thẳm của chị đối với Người (7:47).

8- Chính Thánh Thể mà "người phụ nữ tội lỗi trong thành" (7:37) cả gan dám chạm đến bằng tất cả tấm lòng tin tưởng ấy đã chẳng những chữa lành cho chị: "Tội lỗi của con đã được tha" (7:48), như thể chị đã được giải thoát khỏi các thứ thần ô uế xấu xa (xem Luca 8:2; Mrco 16:9), mà còn biến chị trở thành một trong những nữ phục vụ viên (xem Luca 8:2), nhất là thành một vị tông đồ của các tông đồ trong sứ vụ loan truyền Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Kitô (xem Gioan 20:17-18).

9- Như thế, căn cứ vào trường hợp vô cùng ngoại lệ của người phụ nữ tội lỗi trong thành này thì phải chăng thành phần ly dị tái hôn, nếu thật lòng thống hối ăn năn, được cụ thể tỏ ra bằng những hành động chân tình nhất, vẫn có thể đến với Chúa và đến gần Chúa? Cho dù bấy giờ họ đang nhơ nhớp như người nữ tội lỗi, ở chỗ họ chưa thể bỏ được dịp tội là đời sống hôn nhân bất chính của họ, dù họ rất muốn, bởi nó gây ra bởi những ràng buộc cần được từ từ giải quyết, một giải quyết không thể thiếu quyền lực thần linh phi thường mới có thể thực hiện, một quyền lực thần linh chỉ xuất phát từ Thánh Thể, nhờ đó họ mới có thể được chữa lành như người phụ nữ tội lỗi trong thành.

10- Đặt trường hợp người phụ nữ tội lỗi trong thành, với tất cả lòng tin yêu của mình vào Đấng duy nhất có thể tha thứ cho mình và cứu vớt mình là Chúa Giêsu bấy giờ, khi chị vừa tự động mạnh dạn chạm vào Thánh Thể của Chúa Giêsu, liền bị Người quắc mắt lên thậm tệ quát tháo xua đuổi: "Đồ Satan, hãy xéo đi..." (Mathêu 16:23), thì phải chăng chị sẽ cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng, và sẽ tiếp tục buông thả theo cuộc sống tội lỗi của mình. 

Tất cả mọi suy diễn trên đây xin hoàn toàn chờ đợi quyết định tối hậu của Giáo Hội qua Vị Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian. Amen.

"Thiên Chúa là Cha cũng ban Giêsu Con của Ngài cho cả họ nữa, không phải để lên án họ mà là để cứu họ: nếu họ biết ký thác bản thân mình cho Người thì Người sẽ chữa lành họ bằng tình yêu nhân hậu là những gì được tuôn trào từ Thánh Giá, với sức mạnh của ân sủng Người để canh tân các cặp phối ngẫu và các gia đình, giúp họ lại tiến bước theo đường ngay nẻo chính"

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL  

 

 

"Cô Maria đã có thể lắng nghe những bậc cha mẹ vừa lão thành vừa bỡ ngỡ; cô đã lưu giữ sự khôn ngoan của họ, một thứ khôn ngoan cô lấy làm trân quí trong cuộc hành trình làm nữ giới của cô, làm người vợ của cô và làm người mẹ của cô".

 

ĐTC Phanxicô - Bài Giảng Lễ cho Quí Bậc Ông Bà và Quí Vị Lão Thành

Chúa Nhật 28/9/2014 tại Quảng Trường Thánh Phêrô

 

Hôm nay chúng ta đồng ý là Phúc Âm chúng ta vừa nghe như là một bài Phúc Âm về hội ngộ: cuộc hội ngộ giữa trẻ và già, một cuộc hội ngộ đầy vui mừng, đầy đức tin và đầy niềm hy vọng.

 

Cô Maria thì trẻ, rất trẻ. Bà Isave thì già, nhưng tình thương của Thiên Chúa đã thể hiện nơi bà nên cho đến bấy giờ là 6 tháng bà đã cùng với chồng đang trông đợi có được một người con.

 

Cũng ở chỗ này, cô Maria thấy được đường lối, đó là cô lên đường viếng thăm người chị họ lão thành của mình, để ở với bà, dĩ nhiên là để phụ giúp bà, thế nhưng trên hết cũng để học nơi bà - một con người già dặn - thứ khôn ngoan của cuộc sống.

 

Bài đọc thứ nhất hôm nay âm vang một cách khác nhau Giới Răn Thứ Bốn: "Hãy tôn kính cha mẹ mình, để ngày thánh của các ngươi được dài lâu trên mảnh đất Chúa là Thiên Chúa của các ngươi ban cho các ngươi" (Ex 20:12). Một dân tộc không có tương lai thì chẳng có một cuộc hội ngộ nào như thế giữa các thế hệ cả, không có vấn đề con cái có thể tri ân chấp nhận chứng từ về đời sống được truyền lại từ cha mẹ của chúng. Lòng biết ơn này đối với những ai đã ban cho anh chị em sự sống cũng là một phần niềm tri ân đối với Cha trên trời của chúng ta. 

 

Có những lúc các thế hệ giới trẻ, vì những lý do phức tạp về lịch sử và văn hóa, cảm thấy một nhu cầu sâu xa cần độc lập khỏi cha mẹ của mình, thực sự "thoát ly - breaking free" khỏi di sản của thế hệ già nuaNó là một thứ nổi loạn của thanh thiếu niên. Thế nhưng, trừ phi tái thiết được cuộc hội ngộ này, cuộc gặp gỡ giữa các thế hệ, trừ phi phục hồi được mức quân bình liên thế hệ một cách mới mẻ và hiệu quả, bằng không hậu quả xẩy ra đó là mọi người phải chịu một tình trạng cùng quẫn trầm trọng, và cái tự do thịnh hành trong xã hội là một thứ tự do sai lầm, một thứ tự do hầu như bao giờ cũng trở thành một hình thức độc tài chuyên chế. 

 

Chúng ta nghe thấy cùng một sứ điệp này trong lời huấn dụ của Tông Đồ Phaolô nói cùng môn đệ Timôthêu, và qua vị này cho cộng đồng Kitô hữu. Chúa Giêsu không hủy bỏ lề luật về gia đình và sự kiện chuyển tiếp của các thế hệ, nhưng đã làm cho nó được nên trọnChúa đã hình thành nên một gia đình mới, trong đó những liên hệ về ruột thịt không quan trọng bằng mối liên hệ của chúng ta với Người và việc chúng ta làm theo ý muốn của Thiên Chúa ChaTuy nhiên, tình yêu của Chúa Giêsu và Cha là những gì hoàn trọn và viên mãn tình yêu của chúng ta với vai trò làm cha mẹ, anh chị em, và ông bà; tình yêu ấy cải tiến các mối liên hệ gia đình bằng huyết mạch Phúc Âm và Thánh Linh. Thế nên Thánh Phaolô mới thôi thúc môn đệ Timothêu, bấy giờ là một vị mục tử và vì thế là người cha của cộng đồng này, hãy tỏ ra tôn kính các vị lão thành cùng những phần tử trong gia đình. Ngài nói với vị này hãy làm thế như là một người con, ở chỗ hãy đối xử với "những người nam cao tuổi hơn như là các người cha", "những người nữ cao tuổi hơn như là các bà mẹ" và "những người nữ trẻ hơn như là các người em" (xem 1Timôthêu 5:1). Vị làm đầu của cộng đồng này cũng không được miễn trừ khỏi việc theo ý muốn của Thiên Chúa ở chỗ này; thật vậy, tình yêu của Chúa Kitô thôi thúc vị lãnh đạo này làm như thế bằng một tình yêu còn cao cả hơn nữa. Như Trinh Nữ Maria, cho dù đã trở nên mẹ của Đấng Thiên Sai, vẫn cảm thấy mình được thúc đẩy bởi tình yêu Thiên Chúa hiện thân nơi mình trong việc vội vàng đến với người chị họ lão thành của mình

Vậy chúng ta hãy trở lại với "hình ảnh" đầy vui mừng và hy vọng này, đầy đức tin và đức ái ấy. Chúng ta có thể mường tượng thấy rằng Trinh Nữ Maria, khi đến thăm nhà của Bà Isave, chắc nghe thấy bà cùng ông Zacaria chồng bà cầu nguyện bằng những lời của bài thánh vịnh đáp ca hôm nay: "Ôi Chúa, Chúa là niềm hy vọng của con, là niềm tin tưởng từ tuổi trẻ của con Ôi Chúa... Xin đừng loại trừ con trong lúc tuổi già, đừng bỏ rơi con khi sức con cạn kiệt ... Ôi Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con vào lúc con luống tuổi bạc đầu, cho đến khi con loan truyền quyền năng của Chúa cho các thế hệ mai sau" (71:5,9,18). Con người trẻ Maria đã nghe thấy và cô đã lưu giữ tất cả những điều ấy trong lòng của mình. Cái khôn ngoan của bà Isave và ông Zacaria đã phong phú hóa tinh thần trẻ trung của cô. Họ không phải là các chuyên viên trong vai trò làm cha làm mẹ; đối với họ thì đó lại là lần thụ thai đầu tiên. Thế nhưng họ là những chuyên viên về đức tin, những chuyên viên trong Thiên Chúa, những chuyên viên về niềm hy vọng xuất phát từ Ngài: và điều này là những gì thế giới cần đến ở hết mọi thời đại. Cô Maria đã có thể lắng nghe những bậc cha mẹ vừa lão thành vừa bỡ ngỡ; cô đã lưu giữ sự khôn ngoan của họ, một thứ khôn ngoan cô lấy làm trân quí trong cuộc hành trình làm nữ giới của cô, làm người vợ của cô và làm người mẹ của cô

 

Trinh Nữ Maria như thế đã cho chúng ta thấy đường lối: đường lối gặp gỡ giữa giới trẻ và giới già. Tương lai của một dân tộc cần phải có cuộc hội ngộ này, một cuộc hội ngộ mà trong đó giới trẻ cống hiến sức mạnh giúp cho dân tộc tiến lên, trong khi giới già cô đọng sức mạnh này vào ký ức của họ cũng như vào đức khôn ngoan truyền thống của họ

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

http://www.zenit.org/en/articles/experts-in-faith-experts-in-god-experts-in-the-hope-that-comes-from-him

(nhan đề và những chỗ in nghiêng mầu là do tự ý của người dịch)

  

 

"Hôm nay, khi tưởng nhớ đến việc phục hồi của nó, chúng ta được mời gọi để tái nhận thức ký ức của chúng ta, nhớ đến các ơn ích đã nhận được cùng với các tặng ân đặc biệt"

 

ĐTC Phanxicô - Bài Giảng nhân dịp 200 năm Dòng Tên được phục hồi

tại Nhà Thờ Gèsu Rôma trong giờ Kinh Tối Thứ Bảy 27/9/2014

 

Anh em và các bạn thân mến trong Chúa,

 

Hội Dòng mang tên Giêsu đã trải qua những thời gian bị bách hại gian nan khốn khó. Trong thời gian Cha Lorenzo Ricci lãnh đạo, "các kẻ thù của Giáo Hội đã thành công trong việc dẹp bỏ Hội Dòng này" (ĐTC Gioan Phaolô II, Sứ Điệp gửi Cha Kolvenbach ngày 31/7/1990) bởi vị tiền nhiệm của tôi là Đức Clementê XIV. Hôm nay, khi tưởng nhớ đến việc phục hồi của nó, chúng ta được mời gọi để tái nhận thức ký ức của chúng ta, nhớ đến các ơn ích đã nhận được cùng với các tặng ân đặc biệt (xem Linh Thao, 234). Hôm nay, tôi muốn cùng với anh em và các bạn làm điều đó ở nơi đây.

 

Trong những lúc thử thách và hoạn nạn, những đám mây bụi ngờ vực và đau thương luôn nổi lên và không dễ gì mà tiến tới, mà tiếp tục cuộc hành trình. Đã có nhiều chước cám dỗ, nhất là trong những lúc khó khăn và những cơn khủng hoảng: không bàn đến những gì nghĩ tưởng nữa, để mình chi phối bởi những gì là tàn rụi, tập trung vào sự kiện bị bách hại và đừng nhìn vào người khác. Khi đọc các bức thư của Cha Ricci, một điều khiến tôi cảm kích đó là khả năng của ngài trong việc làm sao tránh khỏi bị mắc cạn bởi những chước cám dỗ ấy mà còn gợi lên cho tu sĩ Dòng Tên trong thời gian khốn khó một nhãn quan về những gì làm cho họ thậm chí còn đâm rễ hơn nữa vào linh đạo của Hội Dòng.

 

Cha Tổng Quyền Ricci, người đã viết cho tu sĩ Dòng Tên vào lúc ấy, khi thấy được mây mù dầy đặc ở chân trời, đã củng cố vai trò làm phần tử của họ nơi cơ cấu của Hội Dòng và sứ vụ của nó. Chính ở chỗ này, ở một thời điểm lẫn lộn và hỗn độn mà ngài đã tỏ ra nhận thức. Ngài đã không mất giờ bàn về những gì tưởng nghĩ và những gì phiền hà than trách, nhưng ngài đã theo đuổi ơn gọi của Hội Dòng.  

 

Thái độ này đã dẫn tu sĩ Dòng Tên cảm nghiệm được cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa. Đối diện với sự mất hết tất cả mọi sự, thậm chí cả cái căn tính công khai của mình, họ không cưỡng lại ý muốn của Thiên Chúa, họ không cưỡng lại cuộc xung khắc, trong việc cố gắng cứu lấy mình. Hội Dòng này - thật là tuyệt vời - đã sống cuộc xung khắc này cho tới cùng, không giảm thiểu nó xuống. Nó đã sống sự hổ nhục cùng với Chúa Kitô nhục nhằn; nó đã vâng lời. Các bạn không thể nào tự cứu được mình khỏi cuộc xung khắc bằng cách tinh khôn cũng như bằng những chính sách cưỡng chống. Trong tình trạng lẫn lộn và hổ nhục, Hội Dòng này đã chọn sống bằng việc nhận thức ý muốn của Thiên Chúa, không tìm cách thoát khỏi cuộc xung khắc một cách có vẻ thầm lặng

 

Cái trầm lặng bề ngoài không bao giờ làm cho cõi lòng của chúng ta thỏa nguyện mà chính là niềm an bình thực sự được Chúa ban tặng. Người ta không bao giờ được tìm kiếm "việc thỏa hiệp" dễ dàng hay không bao giờ được thực hiện "chủ trương hòa giải" xoa dịu. Chỉ duy có việc nhận thức mới là những gì cứu chúng ta khỏi bị bật gốc thật sự, khỏi "bị đàn áp" thực sự bởi cõi lòng là nhũng gì vị kỷ, trần tục, lạc mất chân trời của chúng ta. Niềm hy vọng của chúng ta là Chúa Giêsu; chỉ một mình Chúa Giêsu. Bởi thế Cha Ricci và Hội Dòng này, trong tình trạng bị dẹp bỏ, đã thăng hoa lịch sử hơn là trở thành "một câu chuyện tầm phào nho nhỏ" mập mờ, biết rằng tình yêu là những gì phán đoán lịch sử và niềm hy vọng - cho dù trong tăm tối - còn lớn lao hơn cả lòng trông mong của chúng ta nữa.  

 

Việc nhận thức cần phải được thực hiện bằng ý hướng đúng đắn, bằng một ánh mắt chân thành. Đó là lý do chính trong thời gian lẫn lộn và rối bời này, Cha Ricci đã đến để nói về các tội lỗi của tu sĩ Dòng Tên. Ngài đã không tự vệ bằng cảm giác như là một nạn nhân của lịch sử, mà nhận mình là một tội nhân. Việc nhìn vào bản thân mình và việc nhìn nhận mình là một tội nhân là việc tránh né ở trong vị thế coi mình là một nạn nhân trước kẻ hành quyết. Việc nhìn nhận mình là một tội nhân, thật sự nhìn nhận mình là một tội nhân, nghĩa là đặt mình vào trong một thái độ xứng đáng để nhận được niềm an ủi. 

 

Chúng ta có thể vắn tắt ôn lại tiến trình nhận thức và phục vụ này là những gì Cha Tổng Quyền ấy đã muốn nói cùng Hội Dòng đây. Vào năm 1759, khi mà các sắc lệnh Pombal đã hủy hoại các tỉnh dòng Bồ Đào Nha của Hội Dòng, thì Cha Ricci đã sống cuộc xung khắc này, không than trách và để mình rơi vào tình trạng cô độc rã rời nhưng mời gọi nguyện cầu để xin cho được một tâm thức tốt đẹp, thứ tâm thức thực sự siêu nhiên về ơn gọi, một tâm thức hoàn toàn dễ dậy trước ơn Chúa. Vào năm 1761, khi mà cơn bão tiến sang tới Pháp quốc, Cha Tổng Quyền này đã xin đặt tất cả lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Ngài muốn rằng họ cần phải lợi dụng những khốn khó cho một thứ thanh tẩy nội tâm lớn lao hơn; những gian nan khốn khó ấy dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa và có thể làm cho Ngài được hiển vinh hơn. Thế rồi vị tổng quyền khuyên cầu nguyện, sống thánh, khiêm hạ và tinh thần tuân phục. Vào năm 1770, sau khi bị các tu sĩ Dòng Tên Tây Ban Nha bị trục xuất, ngài vẫn tiếp tục kêu gọi nguyện cầu. Sau cùng, vào ngày 21 tháng 2 năm 1773, chỉ 6 tháng trước khi xẩy ra việc ký ban hành Dominus ac Redemptor, (biệt chú của người dịch: Dominus ac Redemptor là văn kiện dẹp bỏ Dòng Tên ban hành ngày 21/7/1773 bởi Đức Thánh Cha Clement XIV), khi mà hoàn toàn không còn một trợ giúp trần gian nào nữa, vị tổng quyền thấy được bàn tay của tình thương Thiên Chúa mời gọi những ai đang chịu đựng cơn thử thách ấy đừng tin tưởng bất cứ một ai ngoài Thiên Chúa. Lòng tin tưởng cần phải gia tăng khi các tình huống đẩy chúng ta vào chân tường. Đối với Cha Ricci thì điều quan trọng đó là Hội Dòng này phải làm sao trung thực cho đến cùng với tinh thần ơn gọi của mình đó là làm cho Thiên Chúa được hiển vinh hơn và cho phần rỗi các linh hồn

 

Hội Dòng này, cho dù có phải đương đầu với tình trạng khai tử của mình, cũng vẫn đã trung thành với mục đích mà nó được sáng lập. Bởi thế, Cha Ricci đã kết thúc bằng một lời huấn dụ là hãy bảo tồn tinh thần bác ái, hiệp nhất, tuân phục, nhẫn nại, tính chất chân thành theo Phúc Âm, tình hữu nghị chân thực với Thiên Chúa. Còn mọi sự khác đều là trần tục. Ngọn lửa nung nấu việc làm cho Thiên Chúa được hiển vinh hơn thậm chí cho đến hôm nay đây thổi qua cả chúng ta nữa, đốt cháy đi tất cả những gì là tự mãn và bao bọc chúng ta bằng một ngọn lửa ở trong chúng ta, co dãn chúng ta, làm cho chúng ta tăng trưởng và khiến chúng ta co thắt.  

 

Như thế, Hội Dòng này đã trải qua một cuộc thử thách hy sinh hết cỡ đòi nó phải chịu đựng một cách bất công, dâng lời nguyện cầu của Tobia, một tâm hồn tràn đầy sầu thương, đã thở dài, kêu than rồi nguyện cầu rằng: "Lạy Chúa, Ngài là Ðấng công chính, mọi việc Ngài làm đều chính trực, tất cả đường lối Ngài đều là từ bi và chân thật; chính Ngài xét xử thế gian. Và giờ đây, lạy Chúa, xin Ngài nhớ đến con, xin đoái nhìn và chớ phạt con vì những tội con đã phạm  và những điều ngu muội của con cũng như của cha ông con. Các ngài đã đắc tội trước Thánh Nhan  và bất tuân mệnh lệnh của Ngài. Ngài đã để chúng con bị cướp phá, phải tù đày và chết chóc, nên trò cười, đề tài châm biếm và bia nhục mạ cho mọi dân tộc, nơi chúng con đã bị Ngài phân tán. Lạy Chúa, xin đừng ngoảnh mặt không nhìn con" (Tobia 3:1-4,6d).

 

Và Chúa đã đáp ứng bằng việc sai Tổng Thần Raphael đến lấy đi những vết trắng khỏi đôi mắt của Tobia, để nhờ đó ông có thể thấy lại được ánh sáng của Thiên Chúa. Thiên Chúa thì nhân hậu, Thiên Chúa tôn vinh bằng tình thương. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và cứu độ chúng ta. Đôi khi con đường dẫn đến sự sống thì chật hẹp thế nhưng gian nan hoạn nạn, nếu sống bằng tinh thần nhân hậu, là những gì như lửa thanh tẩy chúng ta, nó cống hiến cho chúng ta nhiều niềm an ủi và nung nấu cõi lòng của chúng ta, khơi động lời nguyện cầu về nó. Anh em Dòng Tên của chúng ta trong thời bị dẹp bỏ này đã sốt sắng trong tinh thần cũng như trong việc phụng sự Chúa, hân hoan trong hy vọng, kiên trì trong gian nan, bền vững trong nguyện cầu (xem Rôma 12:13). Đó là những gì đã làm sáng danh Hội Dòng này, thế nhưng thực ra không phải là những gì chúc tụng về công lênh của nó. Bao giờ cũng thế. 

 

Chúng ta hãy nhớ đến lịch sử của chúng ta: Hội Dòng này "được ban cho ân sủng không phải chỉ để tin vào Chúa mà còn để chịu đựng vì Ngài nữa" (Philiphe 1:29). Nhớ điều ấy là chúng ta an toàn.

 

Con tầu của Hội Dòng này đã bị xô lấn bởi những cơn sóng và điều này chẳng có gì là lạ lùng hết. Ngay cả con thuyền Phêrô ngày nay vẫn có thể bị sóng đánh. Đêm tối và các thứ quyền lực đen tối bao giờ cũng cận kề. Việc chèo chống đang mệt mỏi. Tu sĩ Dòng Tên cần phải là "những tay chèo chống can trường và chuyên nghiệp" (Đức Piô XII, Sollecitudo omnium ecclesiarum): bởi vậy hãy chèo chống! Hãy chèo chống, hãy dũng mãnh, cho dù trước đầu gió! Chúng ta chèo chống để phục vụ Giáo Hội. Chúng ta hãy cùng nhau chèo chống! Thế nhưng khi chúng ta chèo chống - tất cả chúng ta đều chèo chống, ngay cả Giáo Hoàng cũng đang chèo chống trong con tầu Phêrô - chúng ta cần phải cầu nguyện nhiều: "Lạy Chúa, xin cứu chúng con! Xin Chúa cứu vớt dân của Ngài". Cho dù chúng ta là thành phần yếu tin, Chúa cũng sẽ cứu chúng ta. Chúng ta hãy hy vọng nơi Chúa! Chúng ta hãy luôn hy vọng nơi Chúa!

 

Hội Dòng này, được Đức Piô VII là vị tiền nhiệm của tôi phục hồi, đã bao gồm những con người là thành phần hiên ngang và khiêm tốn nơi chứng từ hy vọng của mình, chứng từ yêu thương và tính chất sáng tạo tông đồ, tính chất sáng tạo của Thần Linh. Đức Piô VII đã viết về nhu cầu cần phải phục hồi Hội Dòng này là "để hỗ trợ ngài một cách thích đáng các nhu cầu thiêng liêng của thế giới Kitô giáo, bất phân biệt dân tộc hay quốc gia" (ibid). Vì thế, ngài đã cho phép tu sĩ Dòng Tên, thành phần vẫn còn ở đây đó, nhờ một vị thống lãnh Lutheran và một vị thống lãnh Chính Thống (biệt chú của người dịch: ở đây phải chăng ĐTC Phanxicô ám chỉ đến Đại Nữ Hoàng Nga là Catherine the Great, một nhân vật nguồn gốc là tín đồ Lutheran ở Đức quốc nhưng đã chuyển sang Chính Thống giáo sau khi thuộc về gia đình của Nga triều, một nhân vật đã chẳng những tiếp tục cho các học đường của Dòng Tên được tồn tại trong vương quốc của mình cho dù Dòng Tên đã bị dẹp bỏ mà còn cho Hội Dòng này mở Tập Viện trong lãnh thổ của mình vào năm 1780 nữa?), "được liên kết lại thành một cơ cấu". Nhờ đó Hội Dòng này đã hiệp nhất nên một cơ cấu!

 

Hội Dòng này lập tức truyền giáo và biến mình thành thuận lợi cho Tòa Thánh, quảng đại dấn thân "dưới ngọn cờ thánh giá cho Chúa cũng như cho Vị Đại Diện của Người trên trần gian này" (Formula of the Institute, 1).  Hội Dòng đã tái tấu hoạt động tông đồ giảng truyền và giảng dạy của mình, các thừa tác vụ thiêng liêng, việc nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội, những công cuộc truyền giáo và việc chăm sóc cho những người nghèo khổ, những người đau khổ và những ai sống bên lề xã hội

 

Hôm nay, Hội Dòng này cũng giúp vào việc giải quyết một cách khôn khéo và tận tụy tình trạng thê thảm của những người tị nạn và những người tản mác; và nó biết làm sao nỗ lực để việc phục vụ được hội nhập vào đức tin cũng như vào việc cổ võ công lý hợp với Phúc Âm. Hôm nay tôi xin lập lại những gì Đức Phaolô VI đã nói với chúng ta trong Đại Hội lần thứ 32 của chúng ta và là những gì chính tai tôi đã nghe thấy: "Bất cứ khi nào trong Giáo Hội, cho dù ở vào những trường hợp khó khăn và cực kỳ nhất, giữa những giao điểm của các thứ ý hệ, trong các ngóc nghách xã hội, nơi đã từng xẩy ra và đang xẩy ra tình trạng đối chọi nhau giữa các ước vọng sâu xa nhất của con người với sứ điệp bất hủ của Phúc Âm, thì ở đó đã có mặt của anh em và đang có mặt của thành phần tu sĩ Dòng Tên".   

 

Vào năm 1814, thời gian được phục hồi, anh em tu sĩ Dòng Tên chỉ là một đàn nhỏ, một "Hội Dòng nhỏ", thế nhưng nó đã biết cách đầu tư, sau cơn thử thách của thánh giá, vào đại sứ vụ mang ánh sáng Phúc Âm cho tận cùng trái đất. Bởi thế đó là những gì chúng ta cần phải cảm thấy hôm nay đây: vượt biên (outbound), truyền giáo (in mission). Căn tính của tu sĩ Dòng Tên là căn tính của một con người kính mến Thiên Chúa cùng yêu thương và phục vụ anh em của mình, được tỏ ra bằng gương sáng, chẳng những về những gì họ tin tưởng mà còn về những gì họ hy vọng cũng như về Đấng họ đặt niềm tin tưởng (xem 2Timôthêu 1:12). Tu sĩ Dòng Tên muốn trở thành một bạn đồng hành của Chúa Giêsu, một bạn đồng hành có những cảm thức giống như của Chúa Giêsu

 

Sắc chỉ của Đức Piô VII phục hồi Hội Dòng này đã được ký ban hành ngày 7/8/1814, tại Đền Thờ Đức Bà Cả, nơi cha thánh Ignatiô đã cử hành Lễ mở thay của ngài vào Lễ Vọng Phục Sinh năm 1538 (cảm nhận của người dịch: phải chăng Đền Thờ Đức Bà Cả có liên quan đến 2 biến cố lịch sử của dòng mình như thế mà ĐTC Phanxicô đã có thói quen, ngay từ khi vừa làm giáo hoàng, đến đây để dâng giáo triều của ngài cho Mẹ cũng như để dâng từng chuyến tông du của ngài cho Mẹ nữa, sau đó trở về cũng đến tận nơi này để tạ ơn Mẹ?). Mẹ Maria, Người Mẹ của Hội Dòng này, sẽ cảm kích trước những nỗ lực của chúng ta trong việc phụng sự Con của Mẹ. Xin Mẹ luôn canh chừng chúng ta và bảo vệ chúng ta. 

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-homily-at-vespers-with-jesuits

(Nhan đề và những chỗ in nghiêng mầu là do tự ý của người dịch)

 

 

"Trước nhan Thiên Chúa và dân của Ngài, tôi xin bày tỏ niềm sầu thương của tôi về tội lỗi và các tội ác trầm trọng lạm dụng tình dục của giáo sĩ đã phạm đến anh chị em. Và tôi khiêm tốn xin anh chị em tha thứ"

 

ĐTC Phanxicô - Bài Giảng Lễ cho nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tình dục

(Thánh Lễ 7 giờ sáng Thứ Hai ngày 7/7/2014 ở nguyện đường của Nhà Thánh Matta, có sự tham dự của cả một 

số gia đình cùng với phần tử của Ủy Ban Tòa Thánh đặc trách Bảo vệ Vị Thành Niên)

 

Nơi cảnh tượng Tông Đồ Phêrô thấy Chúa Giêsu xuất hiện sau một cuộc tra vấn kinh hoàng... con mắt của ngài đã chạm phải ánh mắt của Chúa Giêsu và đã khóc... Cảnh tượng ấy hiện lên trong tâm trí của tôi khi tôi nhìn vào anh chị em đây, và tôi nghĩ đến rất nhiều con người nam nữ, trẻ em nam nữ. Tôi cảm thấy ánh mắt của Chúa Giêsu và tôi xin ơn khóc lóc, ơn để Giáo Hội khóc lóc và đền bù cho con cái nam nữ của mình, thành phần đã phản bội sứ vụ của mình, thành phần lạm dụng tình dục những con người vô tội. Hôm nay tôi hết sức biết ơn anh chị em đã đến đây từ những nơi rất xa xôi. 

 

Vào lúc này đây có những khi tôi cảm thấy sâu xa đớn đau và khổ sầu. Rất nhiều lúc nó được ẩn kín, bị che giấu đi trước một hành động bất chính nào đó không thể nào hiểu nổi cho tới khi ai đó nhận thức được rằng Chúa Giêsu đang nhìn họ và nhìn những người khác như thế... và họ bắt đầu cảm nhận được ánh mắt đó. 

 

Một số ít người bắt đầu khóc ấy đã chạm đến lương tâm chúng ta về tội ác này và trọng tội kia. Đó là những gì khiến cho tôi cảm thấy buồn khổ và đau đớn trước sự kiện có một số vị linh mục và giám mục, bằng việc lạm dụng tình dục các em vị thành niên, đã phạm đến tính chất ngây thơ vô tội của họ cũng như đến ơn gọi linh mục của phạm nhân. Nó là một cái gì đó vượt trên cả những hành động đáng khinh ghét. Nó như là một thứ tôn sùng phạm thánh, vì nhưng em trai em gái ấy được trao phó cho đặc sủng linh mục để được mang đến cùng Thiên Chúa. Những phạm nhân ấy đã hiến tế những em này cho ngẫu tượng tình dục của mình. Họ tục hóa chính hình ảnh của Thiên Chúa là Đấng chúng ta đã được dựng nên tương tư như Ngài. Như tất cả chúng ta đều biết là trẻ thơ, những tấm lòng trẻ dại, rất cởi mở và tin tưởng, theo cách thức riêng của mình trong việc hiểu biết về các mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa và rất mong muốn được lớn lên trong đức tin. Hôm nay đây, tấm lòng của Giáo Hội đang nhìn vào đôi mắt của Chúa Giêsu ở nơi những em trai và em gái này mà muốn khóc; Giáo Hội xin được ơn khóc lóc trước những hành vi lạm dụng cực kỳ xấu xa đã lưu lại các vết xẹo cả đời

 

Tôi biết rằng những vết thương này là nguồn đớn đau da diết sâu xa và thường xuyên về cảm xúc cũng như thiêng liêng, thậm chí đến thất vọng chán chường. Nhiều người đã chịu đựng như thế cũng đã tìm cách giảm bớt bằng đường lối nghiện ngập. Những người khác đã trải qua các thứ khó khăn nơi những mối liên hệ quan trọng, với cha mẹ, vợ chồng và con cái. Nỗi khổ đau ở trong các gia đình đặc biệt là trầm trọng, vì cái tác hại gây ra bởi bị lạm dụng tình dục là những gì ảnh hưởng tới các mối liên hệ trọng yếu về gia đình này.

 

Một số người thậm chí đã phải đương đầu với thảm họa kinh hoàng về cái chết tự tử của một người thân yêu. Các cái chết của những người con cái rất yêu dấu của Thiên Chúa này đã đè nặng trên tâm can và lương tâm của tôi cũng như của toàn thể Giáo Hội. Tôi muốn bày tỏ tình yêu và nỗi khổ tâm thực lòng của tôi với những gia đình ấy. Chúa Giêsu, Đấng bị hành hình và tra vấn đầy hận thù, khi được đưa đến một chỗ khác và đã nhìn ra ngoài. Người nhìn đến một trong những kẻ hành hình Người, nhìn đến con người đã chối bỏ Người và Người đã khiến hắn khóc lóc. Chúng ta hãy van xin ơn sủng khóc lóc này cùng với ân sủng thực hiện những bù đắp.

 

Tôị lỗi làm dụng tình dục của giáo sĩ phãm đến những em vị thành niên có một tác dụng độc hại trên đức tin và đức cậy trông nơi Thiên Chúa. Một số trong anh chị em đã giữ vững đức tin, trong khi đó có những người khác cảm nghiệm bị lừa đảo và bỏ rơi đã khiến họ trở thành suy yếu niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Sự hiện diện của anh chị em ở đây chứng tỏ một phép lạ của niềm hy vọng, phép lạ thắng vượt được bóng tối thăm thẳm. Thật sự nó là dấu hiệu của tình thương Thiên Chúa mà hôm nay chúng ta mới có cơ hội gặp gỡ nhau, để tôn thờ Thiên Chúa, để nhìn vào mắt của nhau và để xin ơn hòa giải. 

 

Trước nhan Thiên Chúa và dân của Ngài, tôi xin bày tỏ niềm sầu thương của tôi về tội lỗi và các tội ác trầm trọng lạm dụng tình dục của giáo sĩ đã phạm đến anh chị em. Và tôi khiêm tốn xin anh chị em tha thứ

 

Tôi cũng xin anh chị em tha thứ cả các tội lỗi không chịu ra tay giải quyết về phía các vị lãnh đạo trong Giáo Hội, những vị không đáp ứng một cách thích đáng trước việc tường trình lạm dụng được thực hiện bởi phần tử của gia đình nạn nhân, cũng như bởi chính nạn nhân bị lạm dụng. Điều ấy lại càng gây ra khổ đau hơn nữa nơi những ai bị lạm dụng và gây nguy hiểm cho các trẻ em vị thành niên có thể bị nguy cơ lạm dụng. 

 

Mặt khác, lòng can đảm được anh chị em và những người khác tỏ ra khi lên tiếng, khi nói lên sự thật, là việc phục vụ của tình yêu thương, vì đối với chúng tôi nó đã chiếu rọi ánh sáng vào bóng tối kinh hoàng trong đời sống của Giáo Hội. Không có chỗ đứng trong thừa tác mục vụ của Giáo Hội cho những ai phạm đến những thứ lạm dụng ấy, và tôi tự hứa rằng sẽ không dung nhượng cho bất cứ tác hại nào gây ra cho một em nhỏ bởi bất cứ cá nhân nào, dù là giáo sĩ hay không. Tất cả mọi vị giám mục cần phải thi hành thừa tác mục vụ của mình một cách hết sức cẩn thận để giúp bảo trì việc bảo vệ vị thành niên, và các vị sẽ bị trả lẽ về vấn đề này. 

 

Những gì Chúa Giêsu nói về những ai gây ra gương mù gương xấu đều được áp dụng cho tất cả chúng ta, đó là tảng đá và biển cả (xem Mathêu 18:6). 

 

Cũng thế, chúng tôi sẽ tiếp tục tỉnh táo trong vấn đề huấn luyện linh mục. Tôi tin tưởng vào các phần tử thuộc Ủy Ban Tòa Thánh đặc trách Bảo Vệ Trẻ Em, thành phần mà ở bất cứ miền đất nào họ sống, đều là những bông hoa nhỏ được Thiên Chúa âu yếm ngắm nhìn. 

 

Tôi xin được sự nâng đỡ này để giúp tôi bảo đảm rằng chúng ta phác họa những qui chế cùng với những phương sách tốt đẹp hơn trong Giáo Hội hoàn vũ để bảo vệ vị thành niên cũng như để huấn luyện nhân viên của Giáo Hội nơi việc áp dụng những qui chế và phương sách ấy. Chúng ta cần phải làm hết sức có thể để bảo đảm rằng những tội lỗi này không còn chỗ đứng nữa trong Giáo Hội.

 

Anh chị em thân mến, vì tất cả chúng ta đều là phần tử của gia đình Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi để sống cuộc đời theo tình thương. Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế của chúng ta, là mẫu gương tối hậu về tình thương; dù vô tội Người cũng đã mặc lấy tội lỗi của chúng ta trên thập tự giá. Được hòa giải là chính yếu tính nơi căn tính chung của chúng ta là thành phần theo Chúa Giêsu Kitô. Bằng việc trở về cùng Người, được trợ giúp bởi Người Mẹ rất thánh của chúng ta, Vị đã âu sầu ở dưới chân thập giá, chúng ta hãy xin được ơn hòa giải với toàn thể dân Chúa. Việc chuyển cầu yêu thương của Đức Mẹ Xót Thương Dịu Hiền là mạch nguồn trợ giúp bất khả thiếu trong tiến trình chữa lành của chúng ta.

 

Anh chị em cùng với tất cả những ai bị giáo sĩ lạm dụng tình dục đều được Thiên Chúa yêu thương. Tôi nguyện cầu để những vết tích tồn tại của tăm tối đã đụng chạm đến anh chị em được chữa lành bởi vòng tay ôm ấp của Con Trẻ Giêsu và những gì tác hại anh chị em sẽ nhường bước cho một đức tin và niềm vui mới. 

 

Tôi xin cám ơn cho cuộc gặp gỡ này. Xin cầu nguyện cho tôi, để đôi mắt của lòng tôi thấy được một cách rõ ràng con đường của tình yêu nhân hậu, và để Thiên Chúa ban cho tôi lòng can đảm kiên trì trên con đường này vì thiện ích của tất cả mọi trẻ em và giới trẻ. Chúa Giêsu ra khỏi một phiên tòa bất công, khỏi một cuộc tra vấn dữ tợn và Người nhìn vào đôi mắt của Tông Đồ Phêrô khiến Phêrô khóc lóc. Chúng ta hãy xin Người hãy nhìn đến chúng ta và hãy để cho chính chúng ta được đoái nhìn và khóc lóc, và xin Người ban cho chúng ta ơn biết hổ thẹn, nhờ đó, như Tông Đồ Phêrô, 40 ngày sau, chúng ta có thể thân thưa rằng: "Thày biết rằng con yêu mến Thày", rồi nghe thấy Người nói rằng: "con hãy trở về mà săn sóc chiên của Thày" - và tôi xin được thêm như thế này - "đừng để cho sói lọt vào đàn chiên". 

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-homily-at-mass-with-sexual-abuse-victims

Những chi tiết in mầu nghiêng là do người dịch tự ý muốn nhấn mạnh, bao gồm cả nhan đề của bài giảng.

 

Chính sách bất dụng nhượng với phạn nhân Lạm Dụng Tình Dục vị thành niên

(phụ thêm cho bài giảng lễ của ĐTC Phanxicô với nạn nhân bị lạm dụng tình dục)

 

Thành phần nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi các vị giáo sĩ bao gồm 6 người, 3 nam và 3 nữ, được Đức Hồng Y O'Malley mời, trong đó có 2 từ Anh quốc, 2 từ Đức quốc và 2 từ Ái Nhĩ Lan là những quốc gia tiêu biểu nhất cho tình trạng giáo sĩ lạm dụng tình dục vị thành niên. Họ đến Nhà Thánh Matta từ chiều hôm trước, Chúa Nhật ngày 6/7/2014, và ĐTC Phanxicô đã đến chào hỏi họ sau bữa ăn tối của họ. 

 

Sáng hôm sau, Thứ Hai ngày 7/7/2014, họ đã được dự thánh lễ ngài dâng và ngài đã giảng lễ bằng tiếng Tây Ban Nha (đã được chuyển dịch và phổ biến ngay hôm qua). Sau Thánh Lễ ngài đã đến chào từng người dự lễ theo thói quen. Và sau khi họ điểm tâm, vào lúc 9 giờ sáng đến 12 giờ 20 trưa, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ từng nạn nhân, trung bình nửa tiếng một người, và mỗi người đều có thông dịch viên riêng.

 

Vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là cha Lombardi được các nạn nhân cho biết rằng họ hết lòng cám ơn ĐTC vì đặc biệt chuyên chú lắng nghe họ bày tỏ nỗi lòng - họ rất hài lòng về cuộc gặp gỡ này. Về phần Đức Thánh Cha, cũng theo vị giám đốc này, cuộc gặp gỡ này đã làm cho ngài rất cảm động.  

 

Hôm Chúa Nhật mùng 6/7/2014 Ủy Ban Tòa Thánh đặc trách Bảo Vệ Vị Thành Niên họp lần thứ hai, dưới sự chủ tọa của Đức Hồng Y người Mỹ là Sean O'Malley, với dự án về các tân phần tử thuộc các miền đất khác, đặc biệt là Á Châu và Phi Châu. Cuộc họp lần thứ 3 sẽ được diễn tiến vào Tháng 10 tới đây.

 

ĐTC Phanxicô lập lại chiều hướng bất dung nhượng - zero tolerance của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đối với những trường hợp giáo sĩ lạm dụng tình dục vị thành niên. Để đạt được mục đích ấy ngài đã thiết lập Ủy Ban Tòa Thánh đặc trách Bảo Vệ Vị Thành Niên với vị giám đốc là Mary Collins, một trong các nạn nhân bị lạm dụng tình dục. 

 

Theo chiều hướng bất dung nhượng ấy, vào ngày 27/6/2014, nguyên Khâm Sứ Tòa Thánh ở Cộng Hòa Dominican là Josef Wesolowski đã bị giáng xuống bậc giáo dân sau khi bị kết án lạm dụng tình dục vị thành niên bởi tòa án giáo hội. 

 

Năm 2014 Tòa Thánh cũng tường trình cho Liên Hiệp Quốc biết rằng Tòa Thánh điều tra 2,572 vụ lạm dụng tình dục trẻ em, và trong số 3,420 trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em ở thập niên vừa qua có 848 vị linh mục đã bị loại trừ. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, theo tài liệu từ http://www.zenit.org/en/articles/pope-gives-six-victims-of-abuse-sense-of-hope

 

"Thành phần dân tôn thờ Thiên Chúa trong Thánh Thể là thành phần bước đi trong đức ái"

 

ĐTC Phanxicô: Bài giảng Thánh Lễ Mình Máu Thánh Chúa lúc 4 giờ chiều Thứ Bảy 21/6/2014 tại Piana di Sibari, khu vực rộng nhất miền Calabria, trước 100 ngàn người tham dự, để kết thúc chuyến viếng thăm trong ngày ở Giáo Phận Cassano allo Jonio thuộc miền Nam Ý quốc cách Vatican 275 dặm.

 

 

Vào ngày lễ Mình Thánh Chúa (Corpus Domini) chúng ta cử hành Chúa Giêsu là "bánh hằng sống từ trời xuống" (Gioan 6:51), lương thực cho lòng khao khát sự sống trường sinh của chúng ta, sức mạnh cho cuộc hành trình của chúng ta. Tôi xin tạ ơn Chúa, Đấng hôm nay đã cho tôi được dịp cử hành Mình Thánh Chúa với anh chị em của Giáo Hội đây ở Cassano allo Jonio. Thánh lễ hôm nay là thánh lễ Giáo Hội chúc tụng Chúa về tặng ân Thánh Thể. Trong khi Thứ Năm Tuần Thánh là ngày chúng ta tưởng nhớ đến việc thiết lập Thành Thể trong Bữa Tiệc Ly thì hôm nay là ngày đề cao việc tạ ơn và tôn thờ. Thật vậy, theo truyền thống thì ngày này bao gồm cả việc cung nghinh Bí Tích Thánh. Để tôn thờ Thánh Thể Chúa Giêsu và để bước đi với Người. Hai khía cạnh bất khả phân ly này của Thánh lễ hôm nay, hai khía cạnh đánh dấu tất cả đời sống của dân Kitô giáo: một dân tôn thờ Thiên Chúa và bước đi với Ngài

 

Trước hết, chúng ta là một thành phần dân tôn thờ Thiên Chúa. Chúng ta tôn thờ Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, Đấng nơi Chúa Giêsu Kitô đã ban cho mình chúng ta, đã cống hiến bản thân mình trên cây thập tự giá để xóa bỏ tội lỗi của chúng ta, và bằng quyền năng của tình yêu này Ngài đã sống lại từ cõi chết để sống trong Giáo Hội của Ngài. Chúng ta không có vị Thiên Chúa nào khác ngoài vị Thiên Chúa này! 

 

Khi việc tôn thờ Chúa bị thay thế bằng thứ tôn thờ tiền bạc, thì con đường dẫn đến tội lỗi mở lối cho tư lợi... Khi người ta không tôn thờ Chúa, họ trở thành một kẻ tôn thờ sự dữ, như những con người sống một cách bất lương và bạo động. Mảnh đất của anh chị em rất xinh đẹp đây đã chứng kiến thấy các dấu hiệu về những hậu quả của thứ tội lỗi này. Mafia ở Calabria (the 'ndrangheta) là thành phần này: tôn thờ sự dữ và khinh thường công ích. Cần phải chiến đấu với sự dữ ấy, cần phải loại trừ nó đi. Nó cần phải bị chối bỏ. Giáo Hội, một Giáo Hội rất quan tâm đến việc giáo dục lương tâm, bao giờ cũng cần phải dấn thân hơn nữa để phát động sự thiện. Con cái của chúng ta xin chúng ta làm điều này (biệt chú của người dịch: trong số thành phần con cái được ĐTC không phải là vô ý mà nhắc đến, vào tháng1/2014, có em bé Nicola Campolongo 3 tuổi đã cùng với ông của mình bị bắn chết và cả hai xác chết bị đốt ở trong một chiếc xe). Giới trẻ là thành phần cần hy vọng xin chúng ta làm như thế (biệt chú của người dịch - giới trẻ ở nơi ĐTC thăm viếng hôm Thứ Bảy 21/6/2014 này bị thất nghiệp lên đến 56% và bị bọn Mafia ở đây khai thác với những hứa hẹn hão huyền). Để có thể đáp ứng những đòi hỏi này, chúng ta cần đến đức tin. Những ai trong đời sống của mình đã từng theo đuổi con đường này, con đường sự dữ ấy, chẳng hạn như thành phần băng đảng tội ác bạo lực (biệt chú của người dịch - ở đây ĐTC không trực tiếp sử dụng chữ "mafia" mà là "mobsters", nhưng hầu như ai cũng hiểu rằng ngài ám chỉ thành phần có tính cách băng đảng tội ác bạo lực khét tiếng ở Ý quốc này, và đây không phải là lần đầu tiên vị giáo hoàng đương kim chủ trương và sống nghèo khó đang canh tân Tòa Thánh Rôma sau vụ bê bối liên quan đến ngân hàng của Tòa Thánh của chúng ta dám nói động tới thành phần đệ nhất băng đảng trên thế giới này một cách dữ dội và thẳng thắn như vậy, mà vào Tháng 3/2014, trong cuộc gặp gỡ các gia đình nạn nhân, ngài đã trực tiếp lên tiếng kêu gọi thành phần cầm đầu mafia hãy thống hối ăn năn: "hỏa ngục... đang đợi chờ các người nếu các người cứ tiếp tục đường lối ấy" ), họ không ở trong mối hiệp thông với Thiên Chúa, họ đang bị mất thông công (biệt chú của người dịch - ở đây, theo nội dung và mạch văn của lời vị giáo hoàng hằng tỏ lòng thương cảm với cả thành phần đáng thương về luân lý, không riêng gì về thể lý, thì không phải là ngài chính thức dùng quyền tối cao của mình để công khai tuyên bố băng đảng mafia Ý quốc là thành phần bị dứt phép thông công khỏi Hội Thánh Công Giáo - "excummunicated", mà ngài chỉ sử dụng một thứ ngôn từ mạnh mẽ nhất để nói đến tình trạng rất trầm trọng và cực đoan vô cùng nguy hiểm đến phần rỗi đời đời của họ, nếu họ cứ tiếp tục lao đầu sống theo đường lối "tôn thờ sự dữ", "tôn thờ tiền bạc", "sống bất lương và bạo động", như ngài đã đề cập đến trước đó, và tình trạng họ sống như thế tự nó đã khiến không được hiệp thông với Thiên Chúa, một tình trạng tự nó làm mất đi sự hiệp thông với cả Giáo Hội)

 

Hôm nay, chúng ta tuyên xưng điều này bằng ánh mắt nhìn lên Mình Thánh Chúa, lên Bí Tích trên Bàn Thờ. Vì đức tin ấy, chúng ta từ bỏ Satan cùng với tất cả mọi mưu chước cám dỗ của hắn; chúng ta từ bỏ những thứ ngẫu tượng tiền bạc, hư danh, kiêu hãnh và quyền lực. Chúng ta, thành phần Kitô hữu, không muốn tôn thờ bất cứ gì hay bất cứ ai trên thế giới này ngoại trừ Chúa Giêsu Kitô, Đấng đang hiện diện trong Thánh Thể. Có lẽ chúng ta không luôn luôn nhận thức được một cách sâu xa điều ấy có nghĩa là gì, các thành quả đạt được hay phải đạt được trong việc chúng ta tuyên xưng như thế. Hôm nay chúng ta xin Chúa hãy soi sáng cho chúng ta và hoán cải chúng ta, nhờ đó chúng ta thực sự chỉ tôn thờ duy một mình Người và chúng ta loại trừ đi sự dữ cùng với tất cả mọi hình thức của nó.

 

Thế nhưng đức tin của chúng ta tin vào sự hiện diện thực hữu của Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật trong tấm bánh và chất rượu được thánh hiến là những gì chân thực nếu chúng ta dấn thân theo Người và bước đi với Người, tìm cách mang ra thực hành giới răn Người đã truyền cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly: "Thày yêu thương các con thế nào các con cũng hãy yêu thương nhau như vậy" (Gioan 13:34). Thành phần dân tôn thờ Thiên Chúa trong Thánh Thể là thành phần bước đi trong đức ái. 

 

Hôm nay, với tư cách là giám mục Rôma, tôi đến đây để củng cố anh chị em chẳng những trong đức tin mà còn trong đức ái nữa, để hỗ trợ anh chị em và để phấn khích anh chị em trong cuộc hành trình của anh chị em với Chúa Giêsu Đức Ái (Jesus Charity)... (ĐTC vắn tắt ngỏ lời phấn khích mọi thành phần giáo quyền và dân sự ở đây).

 

Tôi phấn khích tất cả mọi người trong việc làm chứng cho tình đoàn kết cụ thể với anh chị em mình, nhất là với những ai cần đến công lý, hy vọng và sự êm ái dịu dàng nhất. Tạ ơn Chúa về nhiều dấu hiệu hy vọng trong các gia đình, giáo xứ, hội đoàn và các phong trào trong giáo hội của anh chị em. Chúa Giêsu không thôi tác động các hành động bác ái nơi thành phần dân đang hành trình của Người! Dự Án Policoro là một dấu hiệu cụ thể về hy vọng cho giới trẻ, thành phần muốn tham dự cuộc chơi và kiến tạo nên những khả thể làm việc cho chính mình cũng như cho người khác. Giới trẻ thân mến, các bạn đừng để mình bị đánh cắp mất đi niềm hy vọng nhé! Việc tôn thờ Chúa Giêsu trong lòng các bạn và sống hiệp nhất với Người là những gì giúp các bạn biết cách chống lại sự dữ, bất công, bạo lực bằng quyền năng của sự thiện, sự thật và sự mỹ

 

Anh chị em thân mến, Thánh Thể đã qui tụ chúng ta lại nơi đây. Thân Mình của Chúa làm cho chúng ta thành một, một gia đình, một thành phần dân của Chúa bao quanh Chúa Giêsu là Bánh Sự Sống. Những gì tôi nói cùng giới trẻ tôi cũng muốn nói với tất cả anh chị em: nếu anh chị em tôn thờ Chúa Kitô, theo Người và bước đi với Người thì Giáo Hội địa phận (diocesan Church) của anh chị em và giáo xứ của anh chị em sẽ phát triển trong đức tin và đức ái, trong niềm vui truyền bá phúc âm hóa. Anh chị em sẽ là một Giáo Hội mà trong đó các người cha, người mẹ, linh mục, tu sĩ, giáo lý viên, trẻ em, người già và giới trẻ cùng tiến bước bên nhau, nâng đỡ nhau, giúp lẫn nhau, yêu thương nhau như anh chị em của nhau, nhất là trong những lúc khó khăn.

 

Maria, Người Nữ Thánh Thể (Euchatistic Woman), vị mà anh chị em tôn kính ở nhiều đền thánh, nhất là ở đền thánh Castrovillari, là Đấng dẫn lối cho anh chị em trong cuộc hành trình đức tin này. Xin Mẹ luôn giúp anh chị em hiệp nhất để nhờ chứng từ của anh chị em Chúa có thể tiếp tục cống hiến sự sống cho thế giới.  

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-homily-at-mass-in-calabria-s-piana-di-sibari

(Nhan đề và các chi tiết được in nghiêng và mầu là do người dịch tự ý muốn nhấn mạnh)

 

 

"Thân Mình của Chúa Kitô là thứ bánh của thời sau hết có khả năng ban sự sống và là sự sống vĩnh cửu,

vì yếu tính của thứ bánh này là Tình Yêu"

 

ĐTC Phanxicô - Bài Giảng Lễ Mình Máu Chúa Kitô tối Thứ Năm 19/6/2014

 

"Chúa là Thiên Chúa của các người... đã nuôi dưỡng các người bằng manna là lương thực các người không biết là gì" (Đệ Nhị Luật 8:2).

 

Những lời của Sách Đệ Nhị Luật này liên quan đến lịch sử của dân Do Thái, một dân đã được Thiên Chúa đem ra khỏi Ai Cập, khỏi thân phận làm thân nô lệ, và dẫn dắt suốt 40 năm trong sa mạc để tiến về Đất Hứa. Khi đã định cư ở mảnh đất ấy rồi, thành phần Dân Tuyển Chọn này đã đạt được một cuộc sống độc lập, một cuộc sống an bình phúc hạnh, và có nguy cơ quên đi các biến cố buồn thảm trong quá khứ là những gì đã được thắng vượt bởi việc can thiệp của Thiên Chúa theo lòng vô cùng từ ái của Ngài. Bấy giờ Thánh Kinh đã huấn dụ để nhắc nhở về tất cả cuộc hành trình trong sa mạc, lúc họ bị thiếu thốn và chịu khổ cực. Lời mời gọi này là lời mời gọi hãy trở về với những gì là thiết yếu, với cảm nghiệm của việc họ hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, khi vấn đề sống còn của họ được ký thác trong tay Ngài, nhờ đó con người mới hiểu được rằng "họ không sống nguyên bởi bánh mà... bởi hết những gì xuất phát từ miệng của Chúa" (Đệ Nhị Luật 8:3). 

 

Ngoài cái đói khát về thể lý, con người còn mang trong mình một thứ đói khát khác, thứ đói khát không thể thỏa mãn bằng các thứ lương thực bình thường. Đó là thứ đói khát sự sống, đói khát yêu thương, và đói khát trường sinh. Dấu hiệu manna - như tất cả cảm nghiệm về cuộc Xuất Hành - tự nó cũng đã chất chứa chiều kích này, ở chỗ, nó là hình ảnh về một thứ lương thực làm thoả mãn cái đói khát sâu xa nơi con người. Thật vậy, Chúa Giêsu cống hiến cho chúng ta thứ lương thực này, tự Người là bánh hằng sống ban sự sống cho thế gian (xem Gioan 6:51). Thân Mình của Người thực sự là lương thực dưới dạng thức bánh; Máu của Người thực sự là của uống dưới dạng thức rượu. Đó không phải chỉ là một dưỡng chất làm cho thân thể của chúng ta no thỏa như manna; Thân Mình của Chúa Kitô là thứ bánh của thời sau hết ("the bread of the end times", ở đây có thể hiểu theo nghĩa của đoạn câu 1:2 trong Thư Do Thái, tức là "thời viên trọn" ở Thư Galata 4:4, thời Tân Ước kể từ biến cố Lời nhập thể - biệt chú của người dịch), có khả năng ban sự sống và là sự sống vĩnh cửu, vì yếu tính của thứ bánh này là Tình Yêu

 

Tình yêu của Chúa đối với chúng ta được truyền thông ở nơi Thánh Thể: một tình yêu cao cả đến độ Người lấy chính mình nuôi dưỡng chúng ta, một tình yêu nhưng không, bao giờ cũng tùy vào việc sử dụng của hết mọi con người đói khát và cần đến sức mạnh tái sinh của Người. Việc sống cảm nghiệm đức tin này là ở chỗ để mình được Chúa nuôi dưỡng và xây dựng cuộc sống của mình không phải trên những thứ sản vật thể chất mà là trên một thực tại không bao giờ tàn phai đó là các tặng ân của Thiên Chúa, Lời của Ngài và Mình của Ngài

 

Nếu chúng ta nhìn chung quanh chúng ta, chúng ta nhận thấy rằng có quá nhiều thứ lương thực được cống hiến mà không xuất phát từ Chúa lại dường như làm cho chúng ta được no thỏa hơn. Một số nuôi dưỡng họ bằng tiền bạc, số khác bằng thành đạt và ảo ảnh, số khác bằng quyền lực và kiêu kỳ. Tuy nhiên, thứ lương thực thật sự nuôi dưỡng chúng ta và thỏa mãn chúng ta thì chỉ là thứ lương thực Chúa ban cho chúng ta thôi! Lương thực được Chúa cống hiến cho chúng ta không giống các lương thực khác, và có lẽ dường như không ngon bằng một số lương thực nào đó do thế gian cống hiến cho chúng ta. Thế rồi chúng ta mơ tưởng đến các bữa ăn khác, như những người Do Thái đã tỏ ra trong sa mạc, họ thương khóc thịt thà và hành tỏi họ ăn ở Ai Cập, nhưng họ đã quên đi rằng họ đã ăn những bữa ăn ấy nơi bàn ăn của tình trạng làm nô lệ. Vào lúc bị cám dỗ ấy, họ đã tưởng nhớ lại, nhưng ký ức của họ là một thứ ký ức bệnh hoạn, nó là một thứ nhớ nhung ưa chuộng - một thứ nhớ nhung nô lệ chứ không phải tự do

 

Hôm nay, mỗi người chúng ta có thể tự vấn xem: còn tôi thì sao? Tôi muốn ăn uống ở đâu đây? Tôi muốn nuôi dưỡng mình ở tại bàn ăn nào vậy? Ở bàn ăn của Chúa hay chăng? Hay tôi lại mơ tưởng đến việc ăn uống các thứ lương thực ngon lành nhưng trong tình trạng nô lệ? Hơn thế nữa, mỗi một người chúng ta có thể tự vấn xem: đâu là ký ức của tôi? Ký ức về Chúa là Đấng cứu độ tôi, hay ký ức về các thứ hành tỏi của tình trạng làm thân nô lệ? Tôi thỏa mãn linh hồn tôi bằng thứ ký ức nào chứ?

 

Chúa Cha nói với chúng ta rằng: "Cha đã nuôi dưỡng các con bằng manna mà các con không biết". Chúng ta cần phải phục hồi lại ký ức. Đó là một công việc, công việc phục hồi ký ức, công việc biết nhận ra thứ bánh giả tạo gây lọc lừa và băng hoại, vì nó là hoa trái của vị kỷ, của tự mãn và của tội lỗi.

 

Trong cuộc cung nghinh sắp tới, chúng ta sẽ theo Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Thánh Thể. Bánh Thánh là manna của chúng ta, nhờ đó Chúa ban chính mình Người cho chúng ta. Chúng ta hãy tin tưởng dâng lên Người rằng: Chúa Giêsu ơi, xin hãy bênh đỡ chúng con khỏi các chước cám dỗ của những sản vật trần gian khiến chúng con trở thành nô lệ, khỏi thứ lương thực độc hại; xin hãy thanh tẩy ký ức của chúng con, để nó không còn tiếp tục làm nô lệ cho vị kỷ và ưa chuộng trần gian nữa, mà là một thứ ký ức sống động về sự hiện diện của Chúa suốt giòng lịch sử của dân Chúa, thứ ký ức trở thành "cuộc tưởng niệm" về cử chỉ yêu thương cứu chuộc của Chúa. Amen. 

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-corpus-christi-homily--2 (Nhan đề và những chi tiết được in mầu nghiêng là do người dịch tự ý nhấn mạnh)

 

 

"Không có Ngài sẽ chẳng có sứ vụ, chẳng có vấn đề truyền bá phúc âm hóa"

 

ĐTC Phanxicô - Bài Giảng Lễ Thánh Thần Hiện Xuống Chúa Nhật 8/6/2014

 

 

"Tất cả đầu được tràn đầy Thần Linh" (Tông Vụ 2:4).

 

Khi nói cùng các Tông Đồ trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu phán rằng, sau biến cố Người ra đi khỏi thế gian này, Người sẽ sai đến cùng các vị tặng ân của Cha đó là Thánh Linh (xem Gioan 15:26). Lời hứa này đã được nên trọn bằng quyền năng vào ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Thánh Linh ngự xuống trên các tông đồ đang qui tụ ở nhà tiệc ly. Việc tuôn đổ này, cho dù là phi thường, vẫn không mang tính chất đặc thù và chỉ giới hạn vào lúc bấy giờ thôi, mà là một biến cố được tái diễn và tiếp tục được tái diễn. Chúa Kitô đã được hiển vinh ở bên hữu Cha tiếp tục hiện thực lời hứa của Người, bằng việc sai đến với Giáo Hội vị Thần Linh sống động của Người, Đấng chỉ dạy chúng ta và nhắc nhở chúng ta cùng giúp chúng ta phát ngôn.

 

Thánh Linh chỉ dạy chúng ta: Ngài là vị Sư Phụ nội tâm. Ngài hướng dẫn chúng ta theo đường ngay nẻo chính, qua các tình huống của cuộc đời. Ngài dạy chúng ta đường đi nước bước. Thời Giáo Hội sơ khai Kitô giáo đã được gọi là "Đường" (xem Tông Vụ 9:2), và chính Chúa Giêsu là đường. Thánh Linh dạy chúng ta theo Người, bước theo vết chân của Người. Không phải chỉ là vị sư phụ về tín lý, Thánh Linh hơn nữa còn là vị sư phụ của đời sống. Hiểu biết thực sự là yếu tố của đời sống, thế nhưng cái hiểu biết này lại ở trong một chân trời bao rộng và hòa hợp hơn nơi đời sống Kitô hữu.

 

Thánh Linh nhắc nhở chúng ta, Ngài nhắc nhở chúng ta hết mọi sự Chúa Giêsu đã nói. Ngài là ký ức sống động của Giáo Hội. Và trong khi Ngài giúp chúng ta nhớ lại thì Ngài giúp chúng ta hiểu biết lời Chúa. 

 

Việc nhớ lại này trong vị Thần Linh ấy và nhờ vị Thần Linh ấy không phải chỉ là một thứ ghi nhận mà là một khía cạnh thiết yếu về sự hiện diện của Chúa Kitô trong chúng ta cũng như trong Giáo Hội của Người. Vị Thần Linh chân lý và bác ái yêu thương này nhắc nhở chúng ta hết những gì Chúa Giêsu đã nói, Ngài giúp chúng ta tiến sâu hơn vào ý nghĩa của những lời Người nói. Tất cả chúng ta đều có cảm nghiệm này, ở chỗ, có lúc bất chợt hiện lên, trong bất cứ trường hợp nào, các ý nghĩ có liên quan đến một đoạn Thánh Kinh nào đó... Chính Thánh Linh dẫn chúng ta qua con đường này, con đường của cái ký ức sống động nơi Giáo Hội. Và ký ức này muốn thấy được một đáp ứng nào đó từ chúng ta. Chúng ta càng đáp ứng quảng đại thì lời của Chúa Giêsu càng trở nên sự sống trong chúng ta, trở nên những thái độ, những chọn lựa, những việc làm, trở nên chứng từ. Điều chính yếu Thánh Linh muốn nhắc nhở chúng ta đó là về mệnh lệnh yêu thương và kêu gọi chúng ta hãy sống mệnh lệnh này.

 

Một Kitô hữu phi ký ức không phải là một Kitô hữu thực sự. Họ chỉ là thứ Kitô hữu nửa vời, họ là một con người nam hay nữ bị giam cầm trong giây phút hiện tại, thành phần không thấy được lịch sử của mình như là một kho tàng, không biết ý nghĩa của nó và sống nó như là một thứ lịch sử cứu độ. Thế nhưng, nhờ ơn trợ giúp của Thánh Linh, chúng ta có thể hiểu được những cảm hứng nội tâm cùng với những biến cố của cuộc đời theo chiều hướng lời lẽ của Chúa Giêsu. Nhờ đó mới phát triển trong chúng ta cái khôn ngoan của ký ức, cái khôn ngoan của cõi lòng là tặng ân của Thần Linh. Chớ gì vị Thần Linh này làm sống lại ký ức Kitô giáo nơi mỗi một người chúng ta! Vào hôm đó, cùng với các Tông Đồ, cũng có cả Người Nữ của ký ức, vị từ ban đầu đã tưởng niệm về tất cả những sự ấy trong lòng mình. Đó là Maria, Mẹ của chúng ta. Chớ gì Mẹ giúp chúng ta đi theo con đường ký ức này. Thánh Linh chỉ dẫn chúng ta, nhắc nhớ chúng ta, và - còn một điều khác nữa - đó là Ngài giúp chúng ta phát ngôn, với Thiên Chúa cũng như với con người. Chúng ta không phải là thành phần Kitô hữu câm nín, thứ câm nín của linh hồn; không, không thể dành chỗ đứng cho thứ câm nín này.

 

Ngài giúp chúng ta phát ngôn với Thiên Chúa khi cầu nguyện. Cầu nguyện là một tặng ân chúng ta lãnh nhận một cách nhưng không; nó là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa trong Thánh Linh, Đấng nguyện cầu trong chúng ta và giúp chúng ta hướng về Thiên Chúa cùng gọi Ngài là Cha, Papa, Abba (xem Roma 8:15; Galata 4:4); đó không phải chỉ là một "cách thức phát ngôn" mà là thực tại, chúng ta thực sự là con cái của Thiên Chúa. "Thật thế, tất cả những ai được Thánh Linh của Thiên Chúa dẫn dắt họ đều là con cái của Thiên Chúa" (Roma 8:14). 

 

Ngài giúp chúng ta phát ngôn nơi tác động đức tin. Không một ai trong chúng ta có thể nói: "Giêsu là Chúa" - như chúng ta nghe thấy trong bài đọc hôm nay - mà lại không có Thánh Linh. Vị Thần Linh này làm cho chúng ta nói với con người bằng cuộc đối thoại huynh đệ. Ngài giúp chúng ta nói với những ngưòi khác ở chỗ nhìn nhận họ là anh chị em của mình: nói một cách thân tình, dịu dàng, tỏ ra thông cảm với những lo âu và hy vọng, những nỗi buồn và niềm vui của người khác. 

 

Còn nữa, Thánh Linh thậm chí giúp chúng ta nói với con người một cách ngôn sứ nữa, tức là, Ngài giúp chúng ta trở nên những "thông mạch (channels)" khiêm hạ và dễ dạy của Lời Chúa. Thứ ngôn sứ được thực hiện một cách hiên ngang mạnh mẽ, trong việc công khai chỉ cho thấy những phản khắc và bất công, thế nhưng bao giờ cũng dịu dàng và có ý xây dựng. Được thấm nhiễm bởi Vị Thần Linh yêu thương này, chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và dụng cụ của Vị Thiên Chúa yêu thương, phục vụ và ban sự sống cho chúng ta. 

 

Tóm lại: Thánh Linh dạy chúng ta sống đời của mình; Ngài nhắc nhở chúng ta những lời của Chúa Giêsu; Ngài giúp chúng ta cầu nguyện mà thưa cùng Thiên Chúa là "Cha", Ngài giúp chúng ta nói với con người bằng cuộc đối thoại huynh đệ và làm chúng ta nói năng ngôn sứ.

 

Ngày Lễ Ngũ Tuần, lúc mà các môn đệ "được tràn đầy Thánh Linh", là ngày Giáo Hội lãnh nhận phép rửa, một Giáo Hội đã được hạ sinh và "đã ra đi (went out)", "đã lên đường (departed)" để loan báo cho hết mọi người Tin Mừng. Mẹ Giáo Hội ra đi để phục vụ. Chúng ta hãy nhớ đến Người Mẹ khác, Mẹ của chúng ta, vị đã lập tức lên đường để phục vụ. Mẹ Giáo Hội và Mẹ Maria: cả hai đều là trinh nữ, cả hai đều là mẹ, cả hai đều là phụ nữ. Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông Đồ rằng các vị không được rời khỏi Giêrusalem trước khi nhận được quyền lực của Thánh Linh từ trên cao (xem Tông Vụ 1:4,8). Không có Ngài sẽ chẳng có sứ vụ, chẳng có vấn đề truyền bá phúc âm hóa. Vì thế, cùng với toàn thể Giáo Hội, Giáo Hội Công Giáo Mẹ của chúng ta, chúng ta hãy kêu lên rằng: Xin Thánh Linh hãy đến! 

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://www.zenit.org/en/articles/francis-pentecost-homily Những chỗ mầu xanh in nghiêng trong bài là do người dịch tự ý nhấn mạnh.

 

  

 

ĐTC Phanxicô – Bài Giảng Lễ Phong Thánh Nhị Vị Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II 

Chúa Nhật 27/4/2014, Lễ Lòng Thương Xót Chúa.

 

Video
Photo Gallery

Tâm điểm của Chúa Nhật này, thời điểm kết thúc Tuần Bát Nhật Phục Sinh và là thời điểm Thánh Gioan Phaolô II muốn dành kính Lòng Thương Xót Chúa, là các thương tích vinh hiển của Chúa Giêsu phục sinh.

Người đã tỏ những thương tích này ra khi Người hiện ra lần đầu tiên với các vị Tông Đồ vào chính tối ngày đầu tiên sau Ngày Hưu Lễ, ngày phục sinh. Thế nhưng, như chúng ta đã nghe, Tông Đồ Toma không có mặt tối hôm đó, và khi các tông đồ khác nói với ông rằng họ đã thấy Chúa thì ông trả lời rằng ông không tin trừ phi chính bản thân ông thấy được và chạm đến các thương tích này. Một tuần sau, Chúa Giêsu đã hiện ra một lần nữa với các môn đệ đang tụ tập trên Căn Thượng Lầu. Tông Đồ Toma cũng hiện diện; Chúa Giêsu hướng về ông mà nói cùng ông rằng hãy chạm vào các thương tích của Người. Lập tức con người rất thẳng thắn và quen thói đích thân trắc nghiệm hết mọi sự ấy liền quì ngay xuống trước mặt Chúa Giêsu mà nói: “Lạy Chúa của con và lạy Thiên Chúa của con” (Gioan 20:28).

Các thương tích của Chúa Giêsu là một thứ gai chướng, một trở ngại đối với đức tin, thế nhưng các thương tích này cũng là một thứ thử thách của đức tin. Đó là lý do tại sao các thương tích này không bao giờ biến mất trên thân xác của Chúa Kitô phục sinh: chúng vẫn còn đó, vì những thương tích này là dấu hiệu trường tồn cho thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Những thương tích ấy là những gì thiết yếu cho việc tin tưởng nơi Thiên Chúa. Không phải là việc tin tưởng rằng Thiên Chúa hiện hữu mà là tin tưởng rằng Thiên Chúa là tình yêu, là lòng thương và trung tín. Thánh Phêrô, trích lời Tiên Tri Isaia, đã viết cho Kitô hữu rằng: "Anh em đã được chữa lành nhờ các thương tích của Người" (1Phêrô 2:24; xem Isaia 53:5). 

Thánh Gioan XXIII và Thánh Gioan Phaolô II đã không sợ nhìn vào các thương tích của Chúa Giêsu, chạm đến đôi tay thủng của Người và cạnh sườn bị đâm của Người. Các vị không cảm thấy hổ thẹn về xác thịt của Chúa Kitô, các vị không cảm thấy Người và thập giá của Người trở thành những gì là gai chướng; các vị không khinh thường xác thịt của anh em mình (xem Isaia 58:7), vì các vị đã thấy Chúa Giêsu nơi hết mọi con người chịu khổ đau và cố chống chọi. Các vị là những con người can trường, đầy những tính chất cương trực của Thánh Linh, và các vị làm chứng trước Giáo Hội và thế giới về lòng nhân lành và xót thương của Thiên Chúa.

Các vị là những vị linh mục, giám mục và giáo hoàng của thế kỷ 20. Các vị đã trải qua các biến cố tang thương của thế kỷ này, nhưng các vị đã không bị chúng chi phối. Đối với các vị, Thiên Chúa còn mảnh lực hơn nhiều; đức tin còn mãnh liệt hơn thế nữa - một đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân trần và là Chúa của lịch sử; tình thương của Thiên Chúa, được tỏ hiện nơi năm thương tích ấy, còn mạnh mẽ hơn nhiều; và cũng mãnh liệt hơn nữa đó là sự gần gũi của Đức Maria, Mẹ của chúng ta.

Nơi hai con người này, những vị đã nhìn lên các thương tích của Chúa Kitô và đã làm chứng cho tình thương của Người, tỏa ra một niềm hy vọng sống động và một niềm vui khôn tả và rạng ngời (1Phêrô 1:3,8). Niềm hy vọng và là niềm vui Chúa Kitô phục sinh ban cho các môn đệ của Người, niềm hy vọng và niềm vui không gì và không ai có thể lấy mất của họ. Niềm hy vọng và niềm vui Phục Sinh này, được khuôn đúc trong cái lò chối bỏ bản thân mình, hư không hóa bản thân mình, hoàn toàn đồng hóa với tội nhân, cho đến độ kinh tởm của chén đắng cay. Niềm hy vọng và niềm vui ấy đã được hai vị giáo hoàng thánh thiện này lãnh nhận như là một tặng ân từ Vị Chúa phục sinh và là những gì về phần mình, các vị dồi dào tuôn đổ xuống trên Dân Chúa, khiến chúng ta mãi mãi ghi ơn. 

Niềm hy vọng này và niềm vui này là những gì hiện hiện nơi cộng đồng tín hữu tiên khởi ở Giêrusalem, như chúng ta đã nghe trong Sách Tông Vụ (xem 2:42-47). Đó là một cộng đồng đã sống tâm điểm của Phúc Âm là yêu thương và xót thương, một cách chân thành và huynh đệ

Đó cũng là hình ảnh về một Giáo Hội được Công Đồng Chung Vaticanô II đề ra trước mắt chúng ta. Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II đã hợp tác với Thánh Linh trong việc canh tân và cập nhật hóa Giáo Hội để giữ được những tính chất nguyên thủy của Giáo Hội, những tính chất được các thánh nhân đã cống hiến cho Giáo Hội qua các thế kỷ. Chúng ta đừng quên rằng chính các thánh đã cống hiến hướng đi và giúp vào việc tăng trưởng của Giáo Hội. Trong việc triệu tập Công Đồng Chung Vaticanô II, Thánh Gioan XXIII đã cho thấy một tuyệt vời cởi mở trước Thánh Linh. Ngài đã để mình được dẫn dắt và đối với Giáo Hội ngài là một vị mục tử, một vị lãnh đạo phục vụ, được Thánh Linh hướng dẫn. Điều này đã giúp cho Giáo Hội rất nhiều; vì lý do ấy mà tôi thích nghĩ về ngài như là vị giáo hoàng cởi mở trước Thánh Linh

Trong việc phục vụ Dân Chúa của mình, Thánh Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng của gia đình. Chính ngài có lần đã nói rằng ngài muốn được tưởng nhớ đến như là vị giáo hoàng của gia đình. Tôi đặc biệt vui mừng vạch ra điều này khi chúng ta đang ở trong tiến trình hành trình với các gia đình hướng về Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới về gia đình. Một cuộc hành trình chắc chắn sẽ được ngài từ trời cao hướng dẫn và nâng đỡ.

Chớ gì hai vị tân thánh và là mục tử này của dân Chúa chuyển cầu cho Giáo Hội, để trong cuộc hành trình hai năm này hướng về Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới được cởi mở trước Thánh Linh cho việc mục vụ về gia đình. Chớ gì hai vị dạy chúng ta đừng hổ thẹn trước các thương tích của Chúa Kitô và tiến sâu hơn nữa vào mầu nhiệm lòng thương xót Chúa, một mầu nhiệm luôn hy vọng và bao giờ cũng thứ tha, vì mầu nhiệm này luôn yêu thương. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2014/documents/papa-francesco_20140427_omelia-canonizzazioni.html

 

Về Nguồn Galilêa, Chân Trời Dân Ngoại

Đức Thánh Cha Phanxicô: Bài Giảng Lễ Vọng Phục Sinh 2014

 

Phúc Âm về cuộc phục sinh của Chúa Giêsu Kitô được bắt đầu bằng hành trình của các phụ nữ đến mồ vào lúc rạng đông của ngày sau ngày Hưu Lễ. Họ đến mồ để tôn kính thân thể của Chúa, nhưng họ lại thấy nó đã được mở ra và trở nên trống không. Một vị thiên thần quyền uy mới nói với họ rằng: Đừng sợ! (Mt 28:5) và truyền cho họ hãy đi noí với môn đệ rằng Người đã sống lại từ trong kẻ chết, và Người thực sự đến Galilêa trước các vị (câu 7). Các phụ nữ vội vàng lên đường và trên đường đi thì đích thân Chúa Giêsu gặp gỡ họ mà bảo: Đừng sợ; hãy đi mà nói cho các môn đệ của Thày đến Galilêa; ở đó họ sẽ gặp Thày" (câu 10).  

Sau cái chết của Thày mình, các môn đệ đã bị phân tán; đức tin của các vị hoàn toàn bị rung chuyển, mọi sự dường như chẳng còn gì nữa, tất cả những gì các vị tin tưởng đều trở nên tan tành và những gì các vị hy vọng đều tiêu tan. Thế nhưng, bấy giờ tin tức của các phụ nữ, bất khả tín thay, lại được mang đến với các vị như một tia sáng trong tăm tối. Tin tức được loan truyền ấy là Chúa Giêsu đã sống lại như Người đã phán. Rồi còn lệnh Người truyền cho các vị phải đến Galilêa nữa; các phụ nữ nghe thấy điều này 2 lần, lần thứ nhất từ thiên thần và sau đó từ chính Chúa Giêsu: Hãy báo cho họ đến Galilêa; ở đó họ sẽ gặp Thày. 

Galilêa là nơi đầu tiên các vị được kêu gọi, nơi mọi sự được bắt đầu! Hãy trở về lại đó, trở về nơi các vị được gọi từ ban đầu. Chúa Giêsu đã bước đi dọc theo các bờ hồ khi những tay đánh cá ấy đang thả lưới. Người đã gọi các vị và các vị đã bỏ hết mọi sự mà theo Người (xem mathêu 4:18-22). 

Việc trở lại Galilêa nghĩa là ôn lại hết mọi sự theo chiều hướng thập giá và cuộc vinh thắng của thập giá. Là ôn lại hết mọi sự Chúa Giêsu giảng dạy, làm phép lạ, lập cộng đồng mới, những hứng thú cùng với việc bỏ hàng ngũ ra đi, thậm chí cả việc bội phản, để ôn lại hết mọi sự từ một tận cùng lại là một khởi điểm mới, từ tác động yêu thương cao cả này. 

Đối với cả từng người chúng ta nữa, cũng có một Galilêa ở vào khởi điềm cho cuộc hành trình của chúng ta với Chúa Giêsu. Việc đi đến Galilêa mang một ý nghĩa đẹp đẽ nào đó, nghĩa là tái nhận thức phép rửa của chúng ta như là một ngọn suối sống động, kín múc lấy một nghị lực mới từ nguồn mạch đức tin của chúng ta và cảm nghiệm Kitô hữu của chúng ta. Việc trở về Galilêa trên hết có nghĩa là trờ về với thứ ánh sáng rạng ngời mà nhờ đó ân sủng của Thiên Chúa đã chạm đến tôi ngay từ đầu của cuộc hành trình này. Từ ánh sáng ấy tôi có thể thắp lên một ngọn lửa cho hôm nay đây cũng như cho hết mọi ngày sống, và mang lại sức nóng cùng ánh sáng cho anh chị em của tôi. Ngọn lửa ấy làm bừng lên niềm vui nhẹ nhàng, một niềm vuị không thể bị mất đi bởi sầu đau và buồn khổ, một niềm vui tốt lành và êm dịu.  

Trong đời sống của hết mọi Kitô hữu, sau phép rửa cũng có một thứ Galiêa sống động hơn nữa, đó là cái cảm nghiệm của một cuộc hội ngộ riêng tư với Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã kêu gọi tôi theo Người và tham phần vào sứ vụ của Người. Bời thế, việc trở về với Galilêa nghĩa là trân quí trong lòng mình cái ký ức sống động về ơn gọi ấy, khi Chúa Giêsu đi qua đời tôi, thương hại nhìn vào tôi và xin tôi hãy theo Người (biệt chú của người dịch: câu này hoàn toàn phản ảnh câu tâm niệm của ĐTC "vì thương được chọn" xuất phát từ cảm nghiệm của ngài vào năm ngài 17 tuổi trước khi ngài dấn thân đáp lại tiếng Chúa goị và theo Chúa cho đến nay trong vai trò đại diện Người để dẫn dắt Giáo Hội hiện nay). Nó có nghĩa là làm sống lại ký ức về giây phút mà ánh mắt của Người chạm phải đôi mắt của tôi, lúc mà Người làm cho tôi cảm thấy rằng Người đã yêu thương tôi.

Hôm nay, đêm nay, mỗi người chúng ta có thể đặt vấn đề là: Galilêa của tôi là gì? Galilêa của tôi ở đâu vậy? Tôi có nhớ nó hay chăng? Hay là tôi đã quên mất nó rồi? Phải chăng tôi đã bị lầm đường lạc lối nên quyên mất nó rồi? Chúa ơi, xin giúp con: xin hãy bảo cho con biết Galilêa của con là gì; vì Chúa biết rằng con muốn trở về đó để gặp gỡ Chúa và để cho con được tình thương của Chúa ấp ủ.

Bài Phúc Âm của Lễ Phục Sinh rất là rõ ràng, ở chỗ chúng ta cần trở về đó, để thấy Chúa Giêsu phục sinh và để trở thành những nhân chứng cho việc phục sinh của Người. Không phải là vấn đề trở về đó theo thời gian; không phải là một thứ nhung nhớ. Mà là cuộc trở về với tình yêu ban đầu của chúng ta, để nhận lấy ngọn lửa đã được Chúa Giêsu thắp lên trên thế giới này và mang ngọn lửa ấy cho tất cả mọi dân nước, cho đến tận cùng trái đất.

Một Galilêa của Dân Ngoại (Mathêu 4:15; Isaia 8:23)! Đó là chân trời của Chúa Phục Sinh, chân trời của Giáo Hội; với ước muốn thiết tha được gặp gỡ, nào chúng ta hãy lên đường!

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/pope-francis-homily-at-easter-vigil

 

"Tấm lòng của tôi ở đâu? Tôi giống như ai trong những con người ấy?"

Bài Giảng Chúa Nhật Lễ Lá 13/4/2014 của ĐTC Phanxicô

Tuần này đưoọc bắt đầu bằng cuộc hân hoan rước cành lá Oliu: toàn thể dân chúng nghênh đón Chúa Giêsu. Trẻ em, giới trẻ hát ca, họ chúc tụng Chúa Giêsu.

Thế nhưng, tuần này sau đó tiến đến mầu nhiệm tử nạn của Chúa Giêsu và mầu nhiệm phục sinh của Người. Chúng ta đã nghe đọc Cuộc Khổ Nạn của Chúa. Chúng ta sẽ có ích khi đặt ra một câu hỏi: Tôi là ai? Tôi là ai trước Chúa của tôi? Tôi là ai trước Chúa Giêsu là Đấng tiến vào Giêrusalem? Tôi có thể bày tỏ niềm vui của tôi, có thể chúc tụng Người hay chăng? Hay tôi tách biệt khỏi Người? Tôi là ai trước Chúa Giêsu Đấng chịu khổ đau?

Chúng ta đã nghe thấy nhiều tên tuổi, nhiều tên tuổi. Nhóm những vị lãnh đạo, một số vị tư tế, một soó Pharisiêu, một số nhà thông Luật, thành phần đã quyết giết Người. Họ chờ dịp để chộp bắt Người. Tôi giống ai trong những người ấy?

Chúng ta cũng đã nghe thấy một tên tuổi khác, đó là Giuđa. Đến 30 đồng bạc. Có có giống Giuđa hay chăng? Chúng ta đã nghe thấy các tên tuổi khác, đó là các môn đệ đã chẳng hiểu gì, những người đã ngủ khi Chúa chịu khổ đau. Tôi có ngủ nơi cuộc đời của tôi hay chăng? Hay tôi giống như các môn đệ, thành phần chẳng hiểu phản nộp Chúa Giêsu là gì? Tôi có giống như các môn đệ khác muốn giải quyết hết mọi sự bằng gươm kiếm? Tôi có giống họ hay chăng? Tôi có giống Giuđa, giả bộ yêu thương và hôn vị Sự Phụ để trao nộp Người, để phạn bội Người? Tôi có phải là một tên phản trắc hay chăng? Có có giống như thành phần lãnh đạo vội vàng lập tòa án và tìm những kẻ làm chứng gian? Tôi có giống như họ hay chăng? Và khi tôi làm những điều ấy, nếu tôi làm những điều này, tôi có tin rằng tôi cứu được dân chúng bằng cách ấy hay chăng?

Tôi có như Philatô hay chăng? Khi tôi gặp tình trạng khó khăn, tôi có rửa tay và không chấp nhận trách nhiệm của mình để người ta bị lên án hay chính tôi kết án họ?

Tôi có hay chăng như đám đông dân chúng chẳng biết mình đang ở trong một cuộc hội họp về đạo, một phiên tòa hay một màn xiệc và đi chọn lấy Barabas? Với họ thì như nhau: càng vui khi hạ nhục Chúa Giêsu.

Tôi có như đám lính tạt vả Chúa, nhổ vào Chúa, nhục mạ Chúa, vui thú hạ nhục Chúa hay chăng?

Tôi có hay chăng như Cyrene đang trên đường đi làm về, mệt mã, nhưng đã có thện chí giúp Chúa gánh vác cây thập tự giá?

Tôi có hay chăng như những kẻ qua đường ngang qua cây thập tự giá và trêu chọc về Chúa Giêsu rằng: "Hắn can đảm quá ta! Hắn cứ xuống khỏi thập tự giá đi thì chúng ta mới tin hắn!"?

Tôi có hay chăng như những người phụ nữ can đảm, và như Mẹ của Chúa Giêsu, những người đã ở đó, chịu khổ trong âm thầm?

Tôi có hay chăng như Giuse, người môn đệ âm thầm, vị đã yêu mến mang thi thể của Chúa Giêsu mà đặt người nằm trong mồ?

Tôi có như 2 bà Maria ở lại mồ khóc lóc, nguyện cầu hay chăng?

Tôi có hay chăng như thành phần lãnh đạo, vào ngày hôm sau đã đến với Philatô mà nói: "Này, hắn bảo rằng hắn sẽ sống lại. Hãy coi chứng đừng để cho mánh khóe lừa bịp xẩy ra!" và đã giữ sự sống lại, chặn cửa hầm mộ để bênh vực tín lý, để sự sống khỏi xuất phát?

Tấm lòng của tôi ở đâu? Tôi giống như ai trong những con người ấy? Chớ gì câu hỏi này đi theo chúng ta trong cả tuần này.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL chuyển dịch từ http://www.zenit.org/en/articles/pope-francis-homily-at-palm-sunday

 

Cây Thập Giá nặng nề nhưng hiển vinh

Đức Thánh Cha Phanxicô huấn từ sau Đường Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh

Thiên Chúa đã chất cây thập tự giá của Chúa Giêsu tất cả gánh nặng của tội lỗi chúng ta, tất cả mọi thứ bất chính gây ra bởi hết mọi Cain phạm đến anh chị em mình, tất cả mọi cay đắng và phản bội của Giuđa và Phêrô; tất cả mọi phù du của áp bức độc đoán, tất cả mọi kiêu căng ngạo mạn của những người bạn hữu sai lầm. Nó là một cây thập tự giá nặng nề, giống như đêm tối của những ai bị bỏ rơi, nặng như cái chết của những người thân yêu, nặng vì nó mang lấy tất cả những gì là xấu xa ghê tởm của sự dữ. Tuy nhiên, nó cũng là một thập tự giá hiển vinh như rạng đông sau một đêm dài vì nó biểu hiệu cho tình yêu của Thiên Chúa trong hết mọi sự, một tình yêu lớn lao hơn cả lỗi lầm của chúng ta và sự phản bội của chúng ta. Nơi thập tự giá chúng ta thấy cái quái gở của con người khi họ bị sai khiến bởi sự dữ; thế nhưng chúng ta cũng thấy được cả tình thương bao la của Thiên Chúa là một tình thương không xử với chúng ta theo tội lỗi của chúng ta mà là theo tình thương của Người.

Trước thập tự giá của Chúa Giêsu chúng ta có thể hầu như chạm tới được mức độ chúng ta vĩnh viễn được yêu thương tới đâu. Trước cây thập giá chúng ta cảm thấy chúng ta là "con cái" chứ không phải là "thứ gì" hay "vật gì", như Thánh Grêgôriô Cả đã nói, khi ngài ngỏ cùng Chúa Kitô bằng lời nguyện này: "Chúa Kitô của con ơi, nếu Chúa không hiện hữu thì con cảm thấy mình như là một tạo vật hữu hạn. Con được sinh ra và con cảm thấy mình bị tan rã. Con ăn uống, ngủ nghỉ và bước đi, con bị bệnh và được chữa lành. Vô vàn những ước muốn và dằn vặt dày vò cứ hạnh hạ con, con hoan hưởng mặt trời và hoa trái của trái đất này. Sau đó con chết đi và xác thịt con trở thành cát bụi như xác thịct của loài thú là những con vật không phạm tội. Thế nhưng phần con, con làm những gì mà chúng không làm chứ? Chẳng làm gì hết, nếu không phải Thiên Chúa làm. Chúa Kitô của con ơi, nếu Chúa không hiện hữu, tôi cảm thấy mình như là một tạo vật hữu hạn. Ôi Chúa Giêsu của chúng con ơi, hãy dẫn chúng con từ thập giá đến phục sinh, và dạy chúng con rằng sự dữ không phải là phán quyết cuối cùng. Tình yêu, lòng thương xót và sự thứ tha mới là phán quyết tối hậu. Ôi Chúa Kitô, xin giúp chúng con một lần nữa than lên rằng: 'Hôm qua con đã bị đóng đanh với Chúa Kitô; hôm nay con được hiển vinh với Người. Hôm qua, con đã chết với Người; hôm nay, con đang sống với Người. Hôm qua, con đã nằm trong mồ với Người: hôm nay con được sống lại với Người".

Sau hết, tất cả chúng ta hãy cùng nhau nhờ đến thành phần bệnh nhân, chúng ta hãy nhớ đến tất cả những ai lẻ loi cộ độc một mình dưới chân thập tự giá để họ tìm được nơi thánh giá thử thách quyền lực của niềm hy vọng, của niềm hy vọng vào cuộc phục sinh và tình yêu thương của Thiên Chúa

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-remarks-after-via-crucis-procession