GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

"Hôm nay, khi tưởng nhớ đến việc phục hồi của nó, chúng ta được mời gọi để tái nhận thức ký ức của chúng ta, nhớ đến các ơn ích đã nhận được cùng với các tặng ân đặc biệt"

 

ĐTC Phanxicô - Bài Giảng nhân dịp 200 năm Dòng Tên được phục hồi

tại Nhà Thờ Gèsu Rôma trong giờ Kinh Tối Thứ Bảy 27/9/2014

 

Anh em và các bạn thân mến trong Chúa,

 

Hội Dòng mang tên Giêsu đã trải qua những thời gian bị bách hại gian nan khốn khó. Trong thời gian Cha Lorenzo Ricci lãnh đạo, "các kẻ thù của Giáo Hội đã thành công trong việc dẹp bỏ Hội Dòng này" (ĐTC Gioan Phaolô II, Sứ Điệp gửi Cha Kolvenbach ngày 31/7/1990) bởi vị tiền nhiệm của tôi là Đức Clementê XIV. Hôm nay, khi tưởng nhớ đến việc phục hồi của nó, chúng ta được mời gọi để tái nhận thức ký ức của chúng ta, nhớ đến các ơn ích đã nhận được cùng với các tặng ân đặc biệt (xem Linh Thao, 234). Hôm nay, tôi muốn cùng với anh em và các bạn làm điều đó ở nơi đây.

 

Trong những lúc thử thách và hoạn nạn, những đám mây bụi ngờ vực và đau thương luôn nổi lên và không dễ gì mà tiến tới, mà tiếp tục cuộc hành trình. Đã có nhiều chước cám dỗ, nhất là trong những lúc khó khăn và những cơn khủng hoảng: không bàn đến những gì nghĩ tưởng nữa, để mình chi phối bởi những gì là tàn rụi, tập trung vào sự kiện bị bách hại và đừng nhìn vào người khác. Khi đọc các bức thư của Cha Ricci, một điều khiến tôi cảm kích đó là khả năng của ngài trong việc làm sao tránh khỏi bị mắc cạn bởi những chước cám dỗ ấy mà còn gợi lên cho tu sĩ Dòng Tên trong thời gian khốn khó một nhãn quan về những gì làm cho họ thậm chí còn đâm rễ hơn nữa vào linh đạo của Hội Dòng.

 

Cha Tổng Quyền Ricci, người đã viết cho tu sĩ Dòng Tên vào lúc ấy, khi thấy được mây mù dầy đặc ở chân trời, đã củng cố vai trò làm phần tử của họ nơi cơ cấu của Hội Dòng và sứ vụ của nó. Chính ở chỗ này, ở một thời điểm lẫn lộn và hỗn độn mà ngài đã tỏ ra nhận thức. Ngài đã không mất giờ bàn về những gì tưởng nghĩ và những gì phiền hà than trách, nhưng ngài đã theo đuổi ơn gọi của Hội Dòng.  

 

Thái độ này đã dẫn tu sĩ Dòng Tên cảm nghiệm được cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa. Đối diện với sự mất hết tất cả mọi sự, thậm chí cả cái căn tính công khai của mình, họ không cưỡng lại ý muốn của Thiên Chúa, họ không cưỡng lại cuộc xung khắc, trong việc cố gắng cứu lấy mình. Hội Dòng này - thật là tuyệt vời - đã sống cuộc xung khắc này cho tới cùng, không giảm thiểu nó xuống. Nó đã sống sự hổ nhục cùng với Chúa Kitô nhục nhằn; nó đã vâng lời. Các bạn không thể nào tự cứu được mình khỏi cuộc xung khắc bằng cách tinh khôn cũng như bằng những chính sách cưỡng chống. Trong tình trạng lẫn lộn và hổ nhục, Hội Dòng này đã chọn sống bằng việc nhận thức ý muốn của Thiên Chúa, không tìm cách thoát khỏi cuộc xung khắc một cách có vẻ thầm lặng

 

Cái trầm lặng bề ngoài không bao giờ làm cho cõi lòng của chúng ta thỏa nguyện mà chính là niềm an bình thực sự được Chúa ban tặng. Người ta không bao giờ được tìm kiếm "việc thỏa hiệp" dễ dàng hay không bao giờ được thực hiện "chủ trương hòa giải" xoa dịu. Chỉ duy có việc nhận thức mới là những gì cứu chúng ta khỏi bị bật gốc thật sự, khỏi "bị đàn áp" thực sự bởi cõi lòng là nhũng gì vị kỷ, trần tục, lạc mất chân trời của chúng ta. Niềm hy vọng của chúng ta là Chúa Giêsu; chỉ một mình Chúa Giêsu. Bởi thế Cha Ricci và Hội Dòng này, trong tình trạng bị dẹp bỏ, đã thăng hoa lịch sử hơn là trở thành "một câu chuyện tầm phào nho nhỏ" mập mờ, biết rằng tình yêu là những gì phán đoán lịch sử và niềm hy vọng - cho dù trong tăm tối - còn lớn lao hơn cả lòng trông mong của chúng ta nữa.  

 

Việc nhận thức cần phải được thực hiện bằng ý hướng đúng đắn, bằng một ánh mắt chân thành. Đó là lý do chính trong thời gian lẫn lộn và rối bời này, Cha Ricci đã đến để nói về các tội lỗi của tu sĩ Dòng Tên. Ngài đã không tự vệ bằng cảm giác như là một nạn nhân của lịch sử, mà nhận mình là một tội nhân. Việc nhìn vào bản thân mình và việc nhìn nhận mình là một tội nhân là việc tránh né ở trong vị thế coi mình là một nạn nhân trước kẻ hành quyết. Việc nhìn nhận mình là một tội nhân, thật sự nhìn nhận mình là một tội nhân, nghĩa là đặt mình vào trong một thái độ xứng đáng để nhận được niềm an ủi. 

 

Chúng ta có thể vắn tắt ôn lại tiến trình nhận thức và phục vụ này là những gì Cha Tổng Quyền ấy đã muốn nói cùng Hội Dòng đây. Vào năm 1759, khi mà các sắc lệnh Pombal đã hủy hoại các tỉnh dòng Bồ Đào Nha của Hội Dòng, thì Cha Ricci đã sống cuộc xung khắc này, không than trách và để mình rơi vào tình trạng cô độc rã rời nhưng mời gọi nguyện cầu để xin cho được một tâm thức tốt đẹp, thứ tâm thức thực sự siêu nhiên về ơn gọi, một tâm thức hoàn toàn dễ dậy trước ơn Chúa. Vào năm 1761, khi mà cơn bão tiến sang tới Pháp quốc, Cha Tổng Quyền này đã xin đặt tất cả lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Ngài muốn rằng họ cần phải lợi dụng những khốn khó cho một thứ thanh tẩy nội tâm lớn lao hơn; những gian nan khốn khó ấy dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa và có thể làm cho Ngài được hiển vinh hơn. Thế rồi vị tổng quyền khuyên cầu nguyện, sống thánh, khiêm hạ và tinh thần tuân phục. Vào năm 1770, sau khi bị các tu sĩ Dòng Tên Tây Ban Nha bị trục xuất, ngài vẫn tiếp tục kêu gọi nguyện cầu. Sau cùng, vào ngày 21 tháng 2 năm 1773, chỉ 6 tháng trước khi xẩy ra việc ký ban hành Dominus ac Redemptor, (biệt chú của người dịch: Dominus ac Redemptor là văn kiện dẹp bỏ Dòng Tên ban hành ngày 21/7/1773 bởi Đức Thánh Cha Clement XIV), khi mà hoàn toàn không còn một trợ giúp trần gian nào nữa, vị tổng quyền thấy được bàn tay của tình thương Thiên Chúa mời gọi những ai đang chịu đựng cơn thử thách ấy đừng tin tưởng bất cứ một ai ngoài Thiên Chúa. Lòng tin tưởng cần phải gia tăng khi các tình huống đẩy chúng ta vào chân tường. Đối với Cha Ricci thì điều quan trọng đó là Hội Dòng này phải làm sao trung thực cho đến cùng với tinh thần ơn gọi của mình đó là làm cho Thiên Chúa được hiển vinh hơn và cho phần rỗi các linh hồn

 

Hội Dòng này, cho dù có phải đương đầu với tình trạng khai tử của mình, cũng vẫn đã trung thành với mục đích mà nó được sáng lập. Bởi thế, Cha Ricci đã kết thúc bằng một lời huấn dụ là hãy bảo tồn tinh thần bác ái, hiệp nhất, tuân phục, nhẫn nại, tính chất chân thành theo Phúc Âm, tình hữu nghị chân thực với Thiên Chúa. Còn mọi sự khác đều là trần tục. Ngọn lửa nung nấu việc làm cho Thiên Chúa được hiển vinh hơn thậm chí cho đến hôm nay đây thổi qua cả chúng ta nữa, đốt cháy đi tất cả những gì là tự mãn và bao bọc chúng ta bằng một ngọn lửa ở trong chúng ta, co dãn chúng ta, làm cho chúng ta tăng trưởng và khiến chúng ta co thắt.  

 

Như thế, Hội Dòng này đã trải qua một cuộc thử thách hy sinh hết cỡ đòi nó phải chịu đựng một cách bất công, dâng lời nguyện cầu của Tobia, một tâm hồn tràn đầy sầu thương, đã thở dài, kêu than rồi nguyện cầu rằng: "Lạy Chúa, Ngài là Ðấng công chính, mọi việc Ngài làm đều chính trực, tất cả đường lối Ngài đều là từ bi và chân thật; chính Ngài xét xử thế gian. Và giờ đây, lạy Chúa, xin Ngài nhớ đến con, xin đoái nhìn và chớ phạt con vì những tội con đã phạm  và những điều ngu muội của con cũng như của cha ông con. Các ngài đã đắc tội trước Thánh Nhan  và bất tuân mệnh lệnh của Ngài. Ngài đã để chúng con bị cướp phá, phải tù đày và chết chóc, nên trò cười, đề tài châm biếm và bia nhục mạ cho mọi dân tộc, nơi chúng con đã bị Ngài phân tán. Lạy Chúa, xin đừng ngoảnh mặt không nhìn con" (Tobia 3:1-4,6d).

 

Và Chúa đã đáp ứng bằng việc sai Tổng Thần Raphael đến lấy đi những vết trắng khỏi đôi mắt của Tobia, để nhờ đó ông có thể thấy lại được ánh sáng của Thiên Chúa. Thiên Chúa thì nhân hậu, Thiên Chúa tôn vinh bằng tình thương. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và cứu độ chúng ta. Đôi khi con đường dẫn đến sự sống thì chật hẹp thế nhưng gian nan hoạn nạn, nếu sống bằng tinh thần nhân hậu, là những gì như lửa thanh tẩy chúng ta, nó cống hiến cho chúng ta nhiều niềm an ủi và nung nấu cõi lòng của chúng ta, khơi động lời nguyện cầu về nó. Anh em Dòng Tên của chúng ta trong thời bị dẹp bỏ này đã sốt sắng trong tinh thần cũng như trong việc phụng sự Chúa, hân hoan trong hy vọng, kiên trì trong gian nan, bền vững trong nguyện cầu (xem Rôma 12:13). Đó là những gì đã làm sáng danh Hội Dòng này, thế nhưng thực ra không phải là những gì chúc tụng về công lênh của nó. Bao giờ cũng thế. 

 

Chúng ta hãy nhớ đến lịch sử của chúng ta: Hội Dòng này "được ban cho ân sủng không phải chỉ để tin vào Chúa mà còn để chịu đựng vì Ngài nữa" (Philiphe 1:29). Nhớ điều ấy là chúng ta an toàn.

 

Con tầu của Hội Dòng này đã bị xô lấn bởi những cơn sóng và điều này chẳng có gì là lạ lùng hết. Ngay cả con thuyền Phêrô ngày nay vẫn có thể bị sóng đánh. Đêm tối và các thứ quyền lực đen tối bao giờ cũng cận kề. Việc chèo chống đang mệt mỏi. Tu sĩ Dòng Tên cần phải là "những tay chèo chống can trường và chuyên nghiệp" (Đức Piô XII, Sollecitudo omnium ecclesiarum): bởi vậy hãy chèo chống! Hãy chèo chống, hãy dũng mãnh, cho dù trước đầu gió! Chúng ta chèo chống để phục vụ Giáo Hội. Chúng ta hãy cùng nhau chèo chống! Thế nhưng khi chúng ta chèo chống - tất cả chúng ta đều chèo chống, ngay cả Giáo Hoàng cũng đang chèo chống trong con tầu Phêrô - chúng ta cần phải cầu nguyện nhiều: "Lạy Chúa, xin cứu chúng con! Xin Chúa cứu vớt dân của Ngài". Cho dù chúng ta là thành phần yếu tin, Chúa cũng sẽ cứu chúng ta. Chúng ta hãy hy vọng nơi Chúa! Chúng ta hãy luôn hy vọng nơi Chúa!

 

Hội Dòng này, được Đức Piô VII là vị tiền nhiệm của tôi phục hồi, đã bao gồm những con người là thành phần hiên ngang và khiêm tốn nơi chứng từ hy vọng của mình, chứng từ yêu thương và tính chất sáng tạo tông đồ, tính chất sáng tạo của Thần Linh. Đức Piô VII đã viết về nhu cầu cần phải phục hồi Hội Dòng này là "để hỗ trợ ngài một cách thích đáng các nhu cầu thiêng liêng của thế giới Kitô giáo, bất phân biệt dân tộc hay quốc gia" (ibid). Vì thế, ngài đã cho phép tu sĩ Dòng Tên, thành phần vẫn còn ở đây đó, nhờ một vị thống lãnh Lutheran và một vị thống lãnh Chính Thống (biệt chú của người dịch: ở đây phải chăng ĐTC Phanxicô ám chỉ đến Đại Nữ Hoàng Nga là Catherine the Great, một nhân vật nguồn gốc là tín đồ Lutheran ở Đức quốc nhưng đã chuyển sang Chính Thống giáo sau khi thuộc về gia đình của Nga triều, một nhân vật đã chẳng những tiếp tục cho các học đường của Dòng Tên được tồn tại trong vương quốc của mình cho dù Dòng Tên đã bị dẹp bỏ mà còn cho Hội Dòng này mở Tập Viện trong lãnh thổ của mình vào năm 1780 nữa?), "được liên kết lại thành một cơ cấu". Nhờ đó Hội Dòng này đã hiệp nhất nên một cơ cấu!

 

Hội Dòng này lập tức truyền giáo và biến mình thành thuận lợi cho Tòa Thánh, quảng đại dấn thân "dưới ngọn cờ thánh giá cho Chúa cũng như cho Vị Đại Diện của Người trên trần gian này" (Formula of the Institute, 1).  Hội Dòng đã tái tấu hoạt động tông đồ giảng truyền và giảng dạy của mình, các thừa tác vụ thiêng liêng, việc nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội, những công cuộc truyền giáo và việc chăm sóc cho những người nghèo khổ, những người đau khổ và những ai sống bên lề xã hội

 

Hôm nay, Hội Dòng này cũng giúp vào việc giải quyết một cách khôn khéo và tận tụy tình trạng thê thảm của những người tị nạn và những người tản mác; và nó biết làm sao nỗ lực để việc phục vụ được hội nhập vào đức tin cũng như vào việc cổ võ công lý hợp với Phúc Âm. Hôm nay tôi xin lập lại những gì Đức Phaolô VI đã nói với chúng ta trong Đại Hội lần thứ 32 của chúng ta và là những gì chính tai tôi đã nghe thấy: "Bất cứ khi nào trong Giáo Hội, cho dù ở vào những trường hợp khó khăn và cực kỳ nhất, giữa những giao điểm của các thứ ý hệ, trong các ngóc nghách xã hội, nơi đã từng xẩy ra và đang xẩy ra tình trạng đối chọi nhau giữa các ước vọng sâu xa nhất của con người với sứ điệp bất hủ của Phúc Âm, thì ở đó đã có mặt của anh em và đang có mặt của thành phần tu sĩ Dòng Tên".   

 

Vào năm 1814, thời gian được phục hồi, anh em tu sĩ Dòng Tên chỉ là một đàn nhỏ, một "Hội Dòng nhỏ", thế nhưng nó đã biết cách đầu tư, sau cơn thử thách của thánh giá, vào đại sứ vụ mang ánh sáng Phúc Âm cho tận cùng trái đất. Bởi thế đó là những gì chúng ta cần phải cảm thấy hôm nay đây: vượt biên (outbound), truyền giáo (in mission). Căn tính của tu sĩ Dòng Tên là căn tính của một con người kính mến Thiên Chúa cùng yêu thương và phục vụ anh em của mình, được tỏ ra bằng gương sáng, chẳng những về những gì họ tin tưởng mà còn về những gì họ hy vọng cũng như về Đấng họ đặt niềm tin tưởng (xem 2Timôthêu 1:12). Tu sĩ Dòng Tên muốn trở thành một bạn đồng hành của Chúa Giêsu, một bạn đồng hành có những cảm thức giống như của Chúa Giêsu

 

Sắc chỉ của Đức Piô VII phục hồi Hội Dòng này đã được ký ban hành ngày 7/8/1814, tại Đền Thờ Đức Bà Cả, nơi cha thánh Ignatiô đã cử hành Lễ mở thay của ngài vào Lễ Vọng Phục Sinh năm 1538 (cảm nhận của người dịch: phải chăng Đền Thờ Đức Bà Cả có liên quan đến 2 biến cố lịch sử của dòng mình như thế mà ĐTC Phanxicô đã có thói quen, ngay từ khi vừa làm giáo hoàng, đến đây để dâng giáo triều của ngài cho Mẹ cũng như để dâng từng chuyến tông du của ngài cho Mẹ nữa, sau đó trở về cũng đến tận nơi này để tạ ơn Mẹ?). Mẹ Maria, Người Mẹ của Hội Dòng này, sẽ cảm kích trước những nỗ lực của chúng ta trong việc phụng sự Con của Mẹ. Xin Mẹ luôn canh chừng chúng ta và bảo vệ chúng ta. 

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-homily-at-vespers-with-jesuits

(Nhan đề và những chỗ in nghiêng mầu là do tự ý của người dịch)