"Tình thương là tâm điểm của Phúc Âm!"

ĐTC Phanxicô - Huấn từ ngày 28/3/2014 ngỏ cùng các phần tử thuộc Tòa Ân Giải (Apostolic Penitentiary) của Tòa Thánh tham dự Khóa Học thường niên về vấn đề Lý Đoán  (internal Forum)

(Biệt chú của người dịch: Apostolic Penitentiary vẫn được dịch/gọi là Tòa Ân Giải của Tòa Thánh, một trong 3 Tòa Tối Cao của Tòa Thánh, nhưng chuyên về Tình Thương và là Tòa đặc trách liên quan tới vấn đề Tha Vạ Tuyệt Thông, vấn đề ngăn trở Bí Tích, và vấn đề ban các Ân Xá bao gồm Toàn Xá hay Đại Xá và Tiểu Xá; và internal Forum ở đây, khác với external Forum, cả hai mang ý nghĩa giống như Việt Nam ta vẫn thường gọi/nói/hiểu là Tòa Trong với Tòa Ngoài, và internal Forum thì liên quan đến vấn đề Lý Đoán theo quyền hành của Tòa Thánh trong việc giải quyết những gì cầm buộc hay tháo cởi).

Anh Em thân mến,

Tôi chào đón anh em nhân dịp Khóa Học thường niên về vấn đề Lý Đoán. Tôi cám ơn Đức Hồng Y Mauro Piacenza về những lời ngài dẫn nhập cho cuộc gặp gỡ của chúng ta đây.

Qua một phần tư thế kỷ, Tòa Ân Giải đã cống hiến, nhất là cho các vị tân linh mục và phó tế, có cơ hội để tham dự khóa học này, hầu góp phần vào việc huấn luyện các vị giải tội tốt lành, ý thức được tầm quan trọng của thừa tác vụ ấy. Tôi cám ơn anh em về việc phục vụ quí báu như thế, và tôi khuyến khích anh em hãy tiếp tục thực hiện việc phục vụ này, bằng tinh thần dấn thân mới mẻ, làm cho nó trở thành một kho tàng kinh nghiệm có được, cũng như bằng tinh thần sáng tạo khôn ngoan, hầu giúp cho Giáo Hội và các vị giải tội thi hành tốt đẹp hơn thừa tác vụ của tình thương ấy, một thừa tác vụ rất ư là quan trọng!

Theo ý hướng ấy, tôi muốn cống hiến cho anh em một số suy tư nhé.

Trước hết, vai chính của thừa tác vụ Hòa Giải đó là Thánh Linh. Ơn tha thứ do Bí Tích này ban phát đó là sự sống mới được truyền đạt bởi Chúa Kitô Phục Sinh qua Thần Linh của Người: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội lỗi cho ai thì tội lỗi ấy được thứ tha; bằng nếu các con cầm tội ai thì tội lỗi ấy bị cầm buộc" (Gioan 20:22-23). Bởi thế, anh em luôn được kêu gọi trở thành "những con người của Thánh Linh", những chứng nhân và là những sứ giả, hân hoan và sung sức, cho Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô. Chứng từ này được tỏ hiện ở trên khuôn mặt, được vang ra nơi lời nói của vị linh mục ban Bí Tích Hòa Giải một cách tin tưởng và "sâu sắc" ("unction"). Ngài đón nhận hối nhân không phải bằng thái độ của một quan tòa hay thậm chí kém hơn như thế là bằng thái độ của một người bạn thuần túy, mà là bằng đức ái của Thiên Chúa, bằng tình yêu thương của một người cha thấy con mình trở về và tiến tới gặp gỡ nó, của một người mục tử tìm thấy con chiên lạc. Tấm lòng của vị linh mục là một tấm lòng có thể cảm kích được, nhưng không xuất phát từ một thứ duy đa cảm (sentimentalism) hay thuần xúc động (emotiveness), mà là bởi "lòng trắc ẩn xót thương!" của Chúa ("bowels of mercy!"). Nếu thực sự truyền thống nói với chúng ta về vai trò lưỡng diện vừa là y sĩ vừa là quan án đối với các vị giải tội thì chúng ta đừng bao giờ quên rằng ngài được kêu gọi để chữa lành như một vị y sĩ và xá giải như một vị quan tòa.

Khía cạnh thứ hai đó là: nếu Bí Tích Hòa Giải truyền đạt sự sống mới của Đấng Phục Sinh và canh tân ơn Phép Rửa thì công việc của anh em đó là cống hiến nó một cách rộng lượng cho những người anh em - cống hiến ơn huệ này. Một linh mục không chăm lo phần việc này trong thừa tác vụ của mình, trong thời lượng có được, bằng phẩm chất thiêng liêng, thì như một mục tử không chăm sóc con chiên lạc vậy; vị linh mục ấy như một người cha quên mất đứa con lạc loài của mình và bỏ lơ việc giúp đỡ nó. Thế nhưng, tình thương là tâm điểm của Phúc Âm! Đừng quên điều ấy: tình thương là tâm điểm của Phúc Âm! Đó là Tin Mừng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, đó là Ngài bao giờ cũng yêu thương con người tội lỗi, và bằng tình yêu ấy, Ngài thu hút họ đến cùng Ngài và kêu gọi họ hoán cải. Chúng ta đừng quên rằng đối với tín hữu thì đến với Bí Tích này là một nỗ lực, vì những lý do cụ thể, vì cảm thấy tự nhiên khó xưng thú với người khác về tội lỗi của mình. Vì thế chúng ta cần phải cố gắng nhiều về bản thân mình, về bản tính của mình, để chúng ta đừng bao giờ trở thành một thứ chướng ngại, nhưng luôn nuôi dưỡng cách thức tỏ hiện tình thương và tha thứ. Tuy nhiên, thường xẩy ra là có người đó đến mà nói rằng: "Tôi đã không xưng tội nhiều năm, tôi đã từng có vấn đề này, tôi đã bỏ không đi Xưng Tội vì tôi đã gặp một vị linh mục và ngài đã nói điều này điều kia với tôi", và chúng ta thấy cái thiếu khôn khéo, cái hụt hẫng nơi tình yêu thương mục vụ nơi những gì người ấy nói. Thế rồi họ bỏ đi, vì một cảm nghiệm xấu nơi việc Xưng Tội của họ. Nếu có một thái độ của người cha, xuất phát từ lòng thiện hảo của Thiên Chúa, thì điều ấy sẽ không bao giờ xẩy ra.

Cần phải coi chừng hai thái cực, đó là ngặt nghèo và lỏng lẻo. Chẳng có thái cực nào là tốt, vì thực sự chúng không tỏ ra trách nhiệm đối với con người của hối nhân. Trái lại, tình thương thì thực sự lắng nghe bằng con tim của Thiên Chúa, và tỏ ra muốn nâng đỡ linh hồn ấy trên con đường hòa giải. Xưng Tội không phải là một phiên tòa lên án (a court of condemnation) mà là một cảm nghiệm được thứ tha và xót thương!

Sau hết, chúng ta tất cả đều biết Việc Xưng Tội thường gặp phải khó khăn. Có rất nhiều lý do, về lịch sử có hay về thiêng liêng cũng có. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Chúa đã muốn thực hiện tặng ân bao la này cho Giáo Hội, để cống hiến cho thành phần lãnh nhận Phép Rửa niềm tin tưởng vào ơn tha thứ của Cha. Thật vậy, đó là niềm tin tưởng vào ơn tha thứ của Cha. Bởi thế, thật là cần thiết tất cả mọi giáo phận cũng như các cộng đồng giáo xứ đều đặc biệt lưu ý tới việc cử hành Bí Tích thứ tha và cứu độ này. Làm sao để ở mọi giáo xứ tín hữu đều biết được khi nào họ có thể gặp được các vị linh mục sẵn sàng giải tội: khi nào có sự trung thành thì bấy giờ mới thấy được hoa trái. Điều này đặc biệt xẩy ra đúng như thế đối với các nhà thờ được trao phó cho các Cộng Đồng Tu Trì là các nơi có thể bảo đảm được sự hiện diện liên tục của các vị giải tội.

Chúng ta ký thác cho Vị Trinh Nữ, Mẹ của Tình Thương, thừa tác vụ của các linh mục và tất cả mọi cộng đồng Ktô hữu, để họ càng ngày càng hiểu biết hơn giá trị của Bí Tích Thống Hối. Tôi xin phó dâng tất cả anh em cho Người Mẹ của chúng ta và hết lòng chúc lành cho anh em.

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ  http://www.zenit.org/en/articles/pope-francis-address-to-apostolic-penitentiary

 

"Ngài bao giờ cũng lỗ lã: Ngài lỗ ở cán cân sự vật nhưng lại thắng cuộc nơi yêu thương"

Thánh Lễ sáng 28/3/2014 cùng ngày tại Nhà Thánh Matta - Bài giảng của ĐTC Phanxicô về bài sách Tiên Tri Hosea 14:2-10 cũng thấm đậm LTXC như sau:

"Israel ơi, hãy trở về cùng Chúa, Thiên Chúa của ngươi; người đã gục ngã bởi lỗi lầm của ngươi. Hãy trở về cùng Chúa với các lòi lẽ của ngươi". Theo ĐTC thì đó là lời huấn dụ của Người Cha ngỏ cùng người con. ĐTC nói: "Đó là tâm can của Cha chúng ta, Thiên Chúa là thế đó: Ngài không hề mệt mỏi, Ngài không hề mệt mỏi! Qua rất nhiều thế kỷ Ngài đã từng làm như thế, với rất nhiều thứ bội giáo bỏ đạo, rất nhiều thứ bội giáo bỏ đạo của con người. Ngài bao giờ cũng trở lại, vì Thiên Chúa của chúng ta là một vị Thiên Chúa đang đợi chờ. Từ buổi chiều trong Địa Đường ấy, Adong đã lìa bỏ Địa Đường bằng một án phạt và một lời hứa. Và Ngài trung thành, Chúa trung thành với lời hứa của mình, vì Ngài không thể chối bỏ chính mình Ngài. Ngài trung thành. Và vì thế mà Ngài chờ đợi tất cả chúng ta suốt giòng lịch sử. Ngài là vị Thiên Chúa đợi chờ chúng ta, luôn luôn chờ đợi..... Thiên Chúa đợi chờ và Thiên Chúa cũng thứ tha nữa. Ngài là vị Thiên Chúa của tình thương, ở chỗ, Ngài không mỏi mệt trong việc tha thứ cho chúng ta. Chính chúng ta mới là kẻ mệt mỏi xin ơn tha thứ, nhưng Ngài không bao giờ biết mệt. Bảy mươi bảy lần bảy; hãy cứ thứ tha. Và theo quan điểm buôn bán thì cán cân bị thiếu hụt. Ngài bao giờ cũng lỗ lã: Ngài lỗ ở cán cân sự vật nhưng lại thắng cuộc nơi yêu thương.

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://www.zenit.org/en/articles/pope-francis-god-never-tires-of-forgiving-us