Từ các Vấn Đề quá khứ đến những Viễn Tượng tương lai

 

ĐTC Phanxicô - Trả Lời Phỏng Vấn trên chuyến bay từ Thánh Địa về Rôma

 

Trước đây, cuộc phỏng vấn mỗi chuyến tông du của Đức Thánh Cha (Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI) bao giờ cũng xẩy ra trên chuyến bay từ Rôma đến địa điểm tông du. Nhưng với Đức Thánh Cha Phanxicô thì chỉ xẩy ra sau chuyến tông du, trên chuyến bay từ địa điểm tông du về lại Rôma. Như đã xẩy ra cho chuyến tông du Ngày Giới Trẻ Thế Giới cuối Tháng 7/2013 ở Ba Tây, hay chuyến tông du Thánh Địa cuối Tháng 5/2014 vừa rồi. Đúng thế, trên chuyến bay từ Thánh Địa về Rôma tối Thứ Hai 26/5/2014, hơn 40 phút, cho dù mệt mỏi, ngài cũng vẫn trả lời cho thành phần ký giả và phóng viên truyền thông tháp tùng ngài trong chuyến tông du về những vấn đề chẳng những liên quan đến chính chuyến tông du mà còn liên quan đến cả các vấn đề nóng bỏng khác nữa trong Giáo Hội và Tòa Thánh được giới truyền thông đặc biệt chú ý, theo dõi và muốn biết sự thật. 

 

Francis speaks to journalists on his way back from  the Holy Land

(©LaPresse)

Về vấn đề phạm đến trẻ em

 

"Vào lúc này đây đang có 3 vị giám mục bị điều tra. Một vị đã bị kết tội và đang chờ ấn định hình phạt. Không có vấn đề đối xử ưu đãi khi xẩy ra vụ việc lạm dụng trẻ em. Ở Á Căn Đình, chúng tôi gọi những ai được đối xử ưu đãi là "những trẻ em được chiều nên hư - spoilt/spoiled children". Không có vấn đề 'những trẻ em được chiều nên hư' này ở trong trường hợp lạm dụng trẻ em này. Nó là một vấn đề rất ư là trầm trọng. Khi một vị linh mục tỏ ra lạm dụng trẻ em thì vị này phản bội thân thể của Chúa. Vị linh mục cần phải hướng dẫn trẻ em nên thánh. Trẻ em tin vào vị ấy. Thế nhưng, trái lại, vị ấy lại làm dụng em trai hay em gái này. Nó giống như việc cử hành lễ đen (black mass)! Thay vì lèo lái em trai hay em gái ấy hướng về sự thánh đức thì bạn lại tạo nên những trục trặc sẽ lưu lại nơi các em suốt cả cuộc đời của các em. Sẽ sớm có một thánh lễ ở Nhà Thánh Matta với một số nạn nhân bị lạm dụng. Sau đó tôi sẽ gặp gỡ họ. Cần phải thực hiện phương sách bất dung nhượng (zero tolerance) về vấn đề này".

 

Về vấn đề 15 triệu Đồng Âu bị biển lận chuyển từ IOR cho Lux Vide và những vụ bê bối về tiền bạc

 

"Có lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng không thể nào tránh khỏi gương mù, chúng ta là con người và tất cả chúng ta đều là tội nhân. Vấn đề này đang được ngăn ngừa hơn nữa cho khỏi xẩy ra. Việc quản trị về kinh tế cần phải thành thực và thanh liêm. Có hai ủy ban, một ủy ban điều tra IOR (vốn được gọi là Nhà Băng của Tòa Thánh) và một ủy ban xem xét toàn bộ tình hình tài chính và kinh tế của Tòa Thánh Vatican, cả hai hiện nay đã được kết thúc và cùng với thừa tác vụ và Văn Phòng lo Kinh Tế do Đức Hồng Y Pell lãnh đạo sẽ thi hành những việc cải cách được khuyến nghị. Thế nhưng sẽ vẫn còn những sơ xuất bất khả kiểm soát, bao giờ cũng thế, vì chúng ta là loài người. Tiến trình cải cách cần phải tiến hành. các vị cha ông của Giáo Hội đã nói rằng Giáo Hội cần phải 'simper reformanda - cải cách đơn giản hơn'. Chúng ta là những tội nhân, chúng ta đều hèn yếu. Văn Phòng đặc trách Kinh Tế sẽ giúp ngăn ngừa các vụ bê bối và các thứ trục trặc. Chẳng hạn, 1600 trương mục bất hợp pháp đã bị IOR đóng. IOR có đó là để giúp cho Giáo Hội, cho các vị giám mục, cho các giáo phận, cho nhân viên Tòa Thánh Vatican, cho các góa phụ của mình cũng như cho các tòa lãnh sự được quyền mở trương mục với IOR, ngoài ra không một ai khác. Nó không phải là một cái gì công cộng. Điều này đã được thực hiện tốt đẹp, khi đóng các trương mục của những ai không có quyền mở trương mục ở đây. Tôi muốn nói một điều đó là vấn đề liên quan đến 15 triệu Đồng Âu là vấn đề vấn còn đang trong vòng xem xét; vẫn chưa rõ trường hợp này đã xẩy ra như thế nào". 

 

Về những cử chỉ được bày tỏ trong chuyến viếng thăm Thánh Địa và gặp gỡ Peres cũng như Abu Mazen

 

"Những cử chỉ chân thực nhất là những cử chỉ được bày tỏ một cách bộc phát. Tôi đã nghĩ những gì có thể thực hiện nhưng không có một cử chỉ cụ thể nào tôi bày tỏ đã được suy tưởng như thế. Có một số điều, như việc mời hai vị tổng thống chúng tôi đã nghĩ tới thưc hiện ở đó trong cuộc viếng thăm này, thế nhưng có nhiều trục trặc về hậu cần, nhiều lắm, về nơi chúng tôi muốn điều này xẩy ra lại không phải là một nơi dễ dàng gì. Tuy nhiên, cuối cùng thì lời mời lại được chấp nhận và tôi hy vọng rằng cuộc gặp gỡ ấy sẽ có kết quả tốt đẹp. Các cử chỉ của tôi không được dự tính trước, tôi chỉ bày tỏ những gì chợt đến với tôi một cách tự nhiên. Xin làm sáng tỏ cuộc gặp gỡ ở Vatican. Mục đích của cuộc gặp gỡ này là để cầu nguyện chứ không phải để suy niệm. Hai vị tổng thống và tôi chỉ gặp nhau để cầu nguyện và tôi tin rằng việc cầu nguyện là những gì quan trọng và mang lại ích lợi. Sau đó họ sẽ trở về. Sẽ chỉ có một vị tôn sư, một tín đồ Hồi giáo và tôi. Tôi đã xin vị Quản Thủ Thánh Địa lo về phương diện cụ thể của những điều ấy".

 

Về chủ Trương Dân Tình Đại Chúng (Populism) và việc bầu cử của Liên Hiệp Âu Châu

 

"Tôi chỉ có giờ để cầu Kinh Lạy Cha một ít lần chứ tôi không biết tin tức gì liên quan đến những thứ bầu cử. Chủ trương dân tình đại chúng ở Âu Châu, khả tín và bất khả tín, có một số lý thuyết về Đồng Âu - Euro... Tôi không biết nhiều về thứ sự việc ấy. Thế nhưng, nạn thất nghiệp là những gì nghiêm trọng: chúng ta có một hệ thống kinh tế toàn cầu tập trung vào tiền bạc chứ không phải vào con người. Để tiến triển, hệ thống này loại trừ những sự thể. Nó loại trừ trẻ em: tỷ lệ sinh không cao, ở Ý quốc cặp vợ chồng trung bình có ít hơn 2 đứa con, và ở Tây Ban Nha còn thấp hơn nữa. Nó loại trừ người già, nấp dưới hình thức triệt sinh trợ tử / an tử (euthanasia), thuốc men chỉ được cung cấp cho tới một độ nào thôi. Thành phần giới trẻ cũng bị loại trừ nữa. Tôi nghĩ đến nạn thất nghiệp nơi giới trẻ ở Ý là 40%, ở Tây Ban Nha 50%, ở Andalucia 60%. Cả một thế hệ dân chúng chẳng học hành hay làm việc gì hết. Thứ văn hóa phung phí này rất ư là trầm trọng. Âu Châu không phải là nơi duy nhất có thứ văn hóa phung phí ấy, nhưng nó mạnh nhất ở Âu Châu. Nó là một thứ hệ thống kinh tế phi nhân. Như tôi đã nói trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, hệ thống kinh tế này là một hệ thống kinh tế sát hại". 

 

Về thủ đô Giêrusalem ở Palestine

 

"Có nhiều dự án liên quan đến vấn đề Giêrusalem, Giáo Hội Công Giáo và chủ trương của Tòa Thánh Vatican được dựa trên quan điểm tôn giáo, đó là một thành đô hòa bình cho 3 tôn giáo. Những biện pháp cụ thể về hòa bình cần phải được thương lượng, có thể đi đến chỗ quyết định rằng phần này trở thành thủ đô của một quốc trị và phần kia là thủ đô của một quốc trị khác... Thế nhưng, tôi không cảm thấy rằng vị trí của tôi nói thế này thế kia là những gì cần phải được thực hiện, như thế đối với tôi là không khéo, tôi nghĩ chúng ta cần giải quyết vấn đề này bằng tinh thần huynh đệ và tin tưởng lẫn nhau, theo đường lối thương lượng. cần phải có lòng can đảm và tôi cầu xin Chúa cho hai vị tổng thống ấy có can đảm tiếp tục tiến bước. Về Giêrusalem, tất cả những gì tôi có thể nói đó là nó cần phải trở nên một thành đô hòa bình cho cả 3 tôn giáo". 

 

Về vấn đề linh mục độc thân

 

"Giáo Hội Công Giáo có các vị linh mục thành hôn theo nghi thức Đông phương. Độc thân không phải là một tín điều về đức tin, nó là một qui luật sống mà tôi cảm nhận rất nhiều và tôi tin rằng nó là một tặng ân dành cho Giáo Hội. Cánh cửa bao giờ cũng cởi mở, vì nó không phải là một tín điều về đức tin". 

 

Mối liên hệ với Giáo Hội Chính Thống

 

"Cùng với Đức Bartholomew chúng tôi đã nói về mối hiệp nhất, một mối hiệp nhất đang diễn tiến, trong một cuộc hành trình, chúng ta không bao giờ có thể kiến tạo nên mối hiệp nhất ở nơi một hội nghị về thần học. Ngài đã khẳng định cùng tôi rằng Đức Athenagoras đã nói cùng Đức Thánh Cha Phaolô VI rằng: 'Chúng ta hãy đưa tất cả các thần học gia ra một hải đảo rồi chúng ta sẽ cũng nhau tiến bước'. Chúng ta cần giúp đỡ lẫn nhau, về vến đề các nhà thờ chẳng hạn, ngay cả ở Rôma có nhiều tín hữu Chính Thống sử dụng những Nhà Thờ Công Giáo. Chúng tôi đã nói về một thứ công đồng pan-Orthodox để bàn về vấn đề ngày Lễ Phục Sinh. Vấn đề hơi buồn cười như thế này: hãy cho tôi biết Chúa Kitô của quí vị đã sống lại khi nào? Theo tôi là tuần tới. Còn tối thì tuần vừa rồi. Đức Bartholomew và tôi nói chuyện với nhau như anh em, chúng tôi yêu thương nhau và chúng tôi nói về những khó khăn chúng tôi đang phải đương đầu với tư cách là thủ lãnh. Chúng tôi đã nói nhiều về môi sinh và tiến tới một khởi động chung liên quan đến vấn đề này". 

 

Về việc viếng thăm Sri Lanka và Phi Luật Tân cùng vấn đề tự do tôn giáo

 

"Có hai chuyến hành trình Á Châu đã được dự trù: một chuyến tới Nam Hàn, sau đó, vào Tháng Giêng năm tới, một chuyến 2 ngày tới Sri Lanka và Phi Luật Tân, tới một miền đất đã bị ảnh hưởng bởi cơn biển động sóng thần - tsunami. Vấn đề về tình trạng thiếu tự do hành đạo không phải chỉ giới hạn ở một số quốc gia Á Châu mà lan rộng tới cả các nước khác nữa. Tự do tôn giáo là một cái gì đó không phải tất cả mọi xứ sở đều có. Một số quốc gia kiểm soát tới một mức độ nào đó, một số khác sử dụng biện pháp đên độ ra tay bách hại toàn diện. Hôm nay có nhiều vị tử đạo, những vị tử đạo Kitô hữu, công giáo và không Công giáo. Ở một số nơi quí vị bị cấm đeo thánh giá, cấm không được có thánh kinh hay dạy giáo lý cho trẻ em. Tôi nghĩ hiện nay có nhiều vị tử đạo hơn thời Giáo Hội sơ khai. Chúng ta cần cẩn thận tiến đến một số nơi nào đó, đi giúp họ, cầu nguyện nhiều cho các Giáo Hội đang chịu khổ đau ấy, khổ đau nhiều, và ngay cả các vị giám mục và Tòa Thánh đang khôn khéo làm việc để giúp các Kitô hữu nơi các xứ sở ấy, nhưng đó không phải là chuyện dễ làm. Chẳng hạn, ở một xứ sở dân chúng bị cấm không được cùng nhau cầu nguyện. Các Kitô hữu ở đó muốn cử hành Thánh Thể mà chỉ có một người nam là công nhân bình thường lại tác hành như một vị linh mục và người này cùng với những người khác đến đó tới một cái bàn: họ giả bộ họ đang uống trà nhưng lại đang cử hành Thánh Thể. Nếu cảnh sát xuất hiện, họ liền giấu các thứ sách vở đi để cảnh trí trở nên như thể họ chỉ uống trà". 

 

Về vấn đề khả dĩ thoái vị của tôi

 

"Tôi sẽ làm những gì Thiên Chúa bảo tôi làm. Tôi sẽ cầu nguyện và cố gắng theo ý muốn của Thiên Chúa. Đức  Giáo Hoàng Biển Đức XVI không còn đủ sức khỏe và đã thành thực, như một con người của đức tin, thực hiện quyết định này. 70 năm trước không có vấn đề Giáo Hoàng Hưu Trí - Popes Emeritus. Những gì sẽ xẩy ra với các Giáo Hoàng Hưu Trí? Chúng ta cần nhìn vào Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI như là một cơ cấu, ngài đã mở cửa, cửa của các vị Giáo Hoàng Hưu Trí. Cửa này mở ra, có vị nào khác hay chăng, chỉ Thiên Chúa biết. Tôi tin rằng nếu vị giám mục Rôma nào cảm thấy đuối sức, ngài cần phải tự vấn những gì Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã làm". 

 

Về vấn đề phong chân phước cho Đức Piô XII

 

"Án phong thánh đang được mở ra, tôi đã xem xét mà chưa có một phép lạ nào hết. Bởi vậy tiến trình này đã bị khựng lại. Chúng ta cần phải tôn trọng thực tại của án phong thánh này. Mà việc phong chân phước thì cần ít là một phép lạ song chưa có phép lạ. Tôi không thể nghĩ đến chuyện sẽ phong chân phước cho ngài hay chăng".  

 

Về thành phần ly dị tái hôn

 

"Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới sẽ bàn về vấn đề gia đình, về các vấn đề gia đình đang phải đương đầu, về giá trị của nó và về hiện trạng của nó. Bản tường trình sơ khởi được Đức Hồng Y Kasper trình bày bao gồm 5 chương, 4 trong 5 chương này trình bày về các điểm tích cực liên quan đến gia đình cùng với nền tảng thần học của nó. Chương thứ năm liên quan đến vấn đề mục vụ của các cuộc hôn nhân ly thân hay bất thành cũng như đến vấn đề cho thành phần ly dị tái hôn rước lễ. Điều tôi không thích đó là những gì được một số người, cả bên trong Giáo Hội nữa, nói về mục đích của Thượng Nghị này, ở chỗ nó có ý định cho phép thành phần ly dị tái hôn được hiệp lễ, như thể tất cả vấn đề chỉ tập trung vào một trường hợp vậy thôi. Chúng ta biết rằng ngày nay gia đình đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng, một cuộc khủng hoảng toàn cầu, giới trẻ không muốn thành hôn hay cùng nhau chung sống. Tôi không muốn chúng ta cứ khúc mắc về vấn nạn này: vấn nạn có thể được hiệp lễ hay chăng? Vấn đề mục vụ về gia đình thì bao rộng. Mỗi một trường hợp cần phải được cứu xét một cách biệt lập. Tôi muốn trở lại với những gì được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói về 3 trường hợp: các biện pháp hủy hôn cần phải được lưu ý, đức tin của con người kết hôn cũng cần phải được cứu xét, và chúng ta cũng cần phải rõ ràng là thành phần ly dị không bị vạ tuyệt thông. Họ rất thường bị đối xử như thể họ bị tuyệt thông. Việc chọn đề tài về gia đình cho Thượng Nghị này là một cảm nghiệm mãnh liệt thiêng liêng, việc bàn luận từ từ hướng về gia đình. Tôi tin rằng Thần Linh của Chúa đã hướng dẫn chúng ta đi đến chỗ này". 

 

Những trở ngại trong tiến trình cải cách Giáo Triều Rôma

 

"Trở ngại thứ nhất là tôi! Chúng tôi đã thực hiện được khá rồi, chúng tôi đã tham vấn với toàn bộ Giáo Triều và những gì giờ đây đang được nghiên cứu là để làm sao cho tổ chức trở nên nhẹ nhàng hơn, bằng việc sát nhập các phân bộ chẳng hạn. Vấn đề chính yếu là yếu tố về kinh tế; phân bộ về Kinh Tế cần phải làm việc với Văn Phòng Quốc Vụ Khanh. Thánh Bảy tới đây chúng tôi sẽ tổ chức một khóa 4 ngày làm việc, sau đó vào cuối Tháng Chín, lại có một khóa 4 ngày khác nữa, thế nhưng cộng cuộc vẫn đang tiến hành. Không phải tất cả thành quả đều được hiển nhiên thấy, thế nhưng vấn đề về kinh tế là vấn đề đã xuất hiện trước tiên, có một số vấn đề được báo chí nói đến không ít. Cách thức để thuyết phục là những gì quan trọng. Có một số người không hiểu. Thế nhưng tôi cảm thấy hài lòng, chúng ta đã làm việc chuyên cần. 

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://vaticaninsider.lastampa.it/en/the-vatican/detail/articolo/francesco-terra-santa-34376/

Có thể đối chiếu với hai websites sau đây: http://www.vis.va/vissolr/index.php?vi=all&dl=c28a55c4-1754-0707-66cd-538495b9fef9&dl_t=text/xml&dl_a=y&ul=1&ev=1