Tông Du Thánh Địa 24-26/5/2014

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tuyển hợp và chuyển dịch

 

 

ĐTC Phanxicô - Bài Giảng Thánh Lễ Thứ Bảy 24/5/2014

trong Vận Động Trường Quốc Tế (Amman)

 

Trong Phúc Âm hôm nay, chúng ta nghe thấy Chúa Giêsu hứa cùng các môn đệ rằng: "Thày sẽ cầu cùng Cha và Ngài sẽ ban cho chúng con một Đấng Phù Trợ khác để mãi mãi ở cùng các con" (Gioan 14:6). Đấng Phù Trợ đầu tiên là chính Chúa Giêsu; Đấng khác là Thánh Linh. 

Chúng ta không còn xa với nơi Thánh Linh đã hiện xuống bằng quyền năng trên Chúa Giêsu Nazarét sau khi Người lãnh nhận phép rửa bởi Thánh Gioan ở Sông Dược-Đăng (xem Mathêu 3:16) và hôm nay tôi sẽ tới đó. Bài Phúc Âm hôm nay, và nơi chốn mà nhờ ơn Chúa tôi đã đến như một người hành hương đây mời gọi chúng ta hãy suy niệm về Thánh Linh cũng như về tất cả những gì Ngài đã thực hiện nơi Chúa Kitô và nơi chúng ta. Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng Thánh Linh thực hiện 3 việc làm, đó là Ngài sửa soạn, Ngài xức dầu và Ngài sai đi

Vào lúc phép rửa diễn ra, Thánh Linh đã xuống trên Chúa Giêsu để sửa soạn cho Người sứ vụ cứu độ, sứ vụ của Đấng là một người Tôi Tớ, khiêm hạ và hiền lành, sẳn sàng chia sẻ và hiến mình một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, Thánh Linh, Đấng hiện diện ngay từ ban đầu của lịch sử cứu độ, đã từng tác động nơi Chúa Giêsu từ giây phút Người thụ thai trong trinh dạ của Đức Maria Nazarét, bằng việc thực hiện biến cố Nhập Thể huyền diệu: "Thánh Linh sẽ xuống trên cô, sẽ bao phủ lấy cô - Thiên Thần nói cùng Đức Maria - và cô sẽ hạ sinh một con trai được đặt tên là Giêsu" (xem Luca 1:35). Sau đó Thánh Linh đã tác động nơi Simeon và Anna vào ngày hiến dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ (xem Luca 2:22). Cả hai vị này đều mong đợi Đấng Thiên Sai, và cả hai đều được Thánh Linh tác động. Simeon và Anna, khi nhìn thấy Con Trẻ thì biết ngay rằng Người là Đấng thiên hạ hằng đợi trông. Họ bày tỏ niềm vui khi được gặp gỡ Đấng Cứu Chuộc, và ở một nghĩa nào đó, cống hiến như là một cuộc sửa soạn cho cuộc hội ngộ giữa Đấng Thiên Sai và dân của Người. 

Những hành động khác nhau này của Thánh Linh là một phần của một hoạt động hòa hợp, một dự án thần linh yêu thương duy nhất. Sứ vụ này của Thánh Linhthật sự là để mang lại hòa hợp - Ngài chính là sự hòa hợp - cũng như để kiến tạo hòa bình ở các trường hợp khác nhau và giữa thành phần dân chúng khác nhau. Tính chất đa dạng về ý nghĩ và con người không được trở thành cái cớ loại trừ hay trở thành một thứ trở ngại, vì tính chất khác biệt bao giờ cũng mang lại những gì là phong phú. Bởi vậy, hôm nay đây, chúng ta kêu cầu cùng Thánh Linh và xin Ngài hãy sửa soạn con đường dẫn tới hòa bình và hiệp nhất.

Thánh Linh cũng là Đấng xức dầu nữa. Ngài đã xức dầu cho Chúa Giêsu bề trong và Ngài xức dầu cho các môn đệ của Người, nhờ đó họ có được tâm trí của Chúa Kitô và nhờ đó có thể sống đời sống an bình và hiệp thông. Nhờ việc xức dầu của Thần Linh, bản tính nhân loại của chúng ta được niêm ấn thánh đức của Chúa Giêsu Kitô và chúng ta mới có thể yêu thương anh chị em của chúng ta bằng chính tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thế nên chúng ta cần phải tỏ ra những dấu hiệu cụ thể của lòng khiêm nhượng, của tình huynh đệ, của sự thứ tha và của sự hòa giải. Những dấu hiệu này là điều kiện tiên quyết cho một thứ bình an chân thực, vững chắc và bền bỉ. Chúng ta hãy xin Chúa Cha xức dầu cho chúng ta để chúng ta có thể trọn vẹn trở nên con cái của Ngài, càng nên giống Chúa Kitô hơn, và có thể biết nhìn nhau như anh chị em của mình. Vậy, bằng việc loại trừ những phàn nàn than trách cùng chia rẽ của mình, chúng ta mới có thể chứng tỏ tình yêu huynh đệ đối với nhau. Đó là những gì Chúa Giêsu xin chúng ta trong Phúc Âm: "Nếu các con yêu mến Thày thì các con hãy giữ các lệnh truyền của Thày. Thày sẽ cầu cùng Cha và Ngài sẽ ban cho các con Đấng Phù Trợ khác để ở cùng các con luôn mãi" (Gioan 14:15-16). 

Sau hết, Thánh Linh là Đấng sai đi. Chúa Giêsu là Đấng được sai đi, đầy Thần Linh của Cha. Được cùng vị Thần linh này xức dầu, chúng ta cũng được sai đi như là thành phần sứ giả và chứng nhân của hòa bình. Thế giới rất cần đến chúng ta như là những sứ giả của hòa bình, như là những chứng nhân của hòa bình! Thế giới cần điều ấy. Thế giới cũng xin chúng ta hãy mang hòa bình đến và trở thành dấu chỉ hòa bình!

Hòa bình không phải là một cái gì đó có thể mua bán; hòa bình là một tặng ân cần phải được tìm kiếm một cách nhẫn nại và cần phải được "gọt dũa" bằng những hành động, lớn nhỏ, trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Đường lối hòa bình được kiện cường khi chúng ta nhận thức rằng chúng ta tất cả đều là một loài và là phần tử của một gia đình nhân loại duy nhất; khi chúng ta không bao giờ quên rằng chúng ta có cùng một Cha trên trời và chúng ta tất cả đều là con cái của Ngài, được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Ngài.

..... (ĐTC chào mọi thành phần hiện diện và vắng mặt thuộc mọi chủng tộc ở Thánh Địa

Các bạn thân mến, Anh chị em thân mến! Thánh Thần đã xuống trên Chúa Giêsu ở Sông Dược-Đăng và vì thể đã khai mào cho công cuộc cứu chuộc của Người trong việc giải thoát thế gian khỏi tội lỗi và sự chết. Chúng ta hãy xin vị Thần Linh này sửa soạn tâm hồn chúng ta trong việc gặp gỡ anh chị em của chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể thắng vượt những khác biệt của chúng ta nơi ý nghĩ chính trị, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo. Chúng ta hãy xin Ngài xức dầu toàn thể con người của chúng ta bằng thứ dầu tình thương của Ngài, một thứ dầu chữa lành các thương tích gây ra bởi lầm lỗi, hiểu lầm và tranh cãi. Và chúng ta hãy xin Ngài ân sủng sai chúng ta đi, trong khiêm tốn và hiền lành, theo đuổi con đường tìm kiếm hòa bình gay go nhưng phong phú. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2014/documents/papa-francesco_20140524_terra-santa-omelia-amman.html

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Bài Giảng Lễ ở Quảng Trường Bêlem

Chúa Nhật 25/5/2014 

"Đây sẽ là dấu hiệu cho các người, đó là các người sẽ thấy một con trẻ được bọc trong khăn và nằm trong máng lừa" (Luca 2:12).

Thật là một đại hồng ân khi được cử hành Thánh Thể ở nơi Chúa Giêsu sinh ra! (ĐTC ngỏ lời cám ơn những ai tổ chức và nghênh đón ngài). 

Con Trẻ Giêsu, giáng sinh ở Bêlem, là dấu hiệu Thiên Chúa ban cho những ai đợi chờ ơn cứu độ, và Người vĩnh viễn trở thành dấu hiệu của sự dịu dàng và sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới chúng ta. Vị thiên thần đã loan báo cho các mục đồng rằng: "Một dấu hiệu cho các người đó là các người sẽ thấy một con trẻ..."

Cả hôm nay đây nữa, trẻ em là một dấu hiệu. Các em là dấu hiệu của niềm hy vọng, dấu hiệu của sự sống, nhưng cũng là một dấu hiệu "chuẩn đoán", một dấu chỉ cho thấy tính chất lành mạnh của các gia đình, xã hội và toàn thế giới. Bất cứ nơi đâu trẻ em được chấp nhận, được yêu thương, được chăm sóc và được bảo vệ thì gia đình lành mạnh, xã hội càng lành mạnh và thế giới càng nhân bản. Ở đây chúng ta có thể nghĩ đến công việc được thực hiện bởi viện Ephpheta Paul VI chăm lo cho các trẻ em Palestine bị câm điếc: đó là một dấu hiệu rất thực sự về lòng nhân lành của Thiên Chúa. Đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy một xã hội lành mạnh hơn.

Hôm nay đây Thiên Chúa cũng nói với chúng ta là thành phần nam nữ của thế kỷ 21 rằng: "Đây là một dấu hiệu cho các người", đó là hãy nhìn đến trẻ em...

Con Trẻ ở Belem thì mềm yếu, như tất cả mọi trẻ em mới sinh khác. Em không thể nói nhưng Em lại là Lời đã hóa thành nhục thể, Đấng đã đến để biến đổi tâm can và cuộc đời của tất cả mọi con người nam nữ. Con Trẻ này, như mọi con trẻ khác, dễ bị tổn thương; Em cần được chấp nhận và được bảo vệ. Cả ngày nay nữa, trẻ em cần được đón nhận và chở che bênh vực, từ lúc các em được thụ thai. 

Buồn thay, trên thế giới này, một thế giới đầy những kỹ thuật tân tiến của mình, vẫn còn đông đảo trẻ em tiếp tục sống trong những tình trạng phi nhân bản, sống vất vưởng trong xã hội, sống bên lề ở những thành phố lớn và ở làng quê. Có quá nhiều trẻ em tiếp tục bị khai thác, bị bạc đãi, bị nô lệ, làm mồi cho bạo lực và việc buôn người phạm pháp. Có quá nhiều trẻ em đang sống lưu đầy, như các kẻ tị nạn, có những lúc bị thất lạc trên biển cả, đặc biệt là ở vùng biển Địa Trung Hải. Hôm nay đây, khi nhận biết điều ấy, chúng ta cảm thấy xấu hổ trước nhan Thiên Chúa, trước vị Thiên Chúa đã trở thành một con trẻ. 

Và chúng ta phải tự vấn mình xem: Chúng ta là ai khi chúng ta đứng trước Con Trẻ Giêsu? Chúng ta là ai khi chúng ta đứng trước trẻ em ngày nay? Chúng ta có như Mẹ Maria và Thánh Giuse hay chăng, những vị đã đón nhận Chúa Giêsu và chăm sóc cho Người bằng tình yêu thương của một người làm cha làm mẹ? Hay chúng ta như Herôđê là kẻ muốn loại trừ Người? Chúng ta có giống các mục đồng hay chăng, những con người đã vội vã đến quì xuống tôn thờ Người và hiến dâng cho Người những tặng vật hèn mọn của họ? Hoặc chúng ta tỏ ra dửng dưng lạnh lùng? Có lẽ chúng ta là thành phần sử dụng những lời lẽ tốt lành và đạo đức nhưng lại khai thác hình ảnh của trẻ em nghèo khổ để làm tiền? Chúng ta có sẵn lòng đến với trẻ em hay chăng, có sẵn lòng "phí giờ - waste time" với các em hay chăng? Chúng ta có sẵn sàng lắng nghe các em hay chăng, có sẵn sàng chăm sóc cho các em hay chăng, cầu nguyện cho các em và với các em? Hay chúng ta chẳng để ý gì đến các em, bởi chúng ta quá bận bịu với những chuyện riêng của mình? 

"Đây là dấu hiệu cho các người, đó là các người sẽ thấy một con trẻ..." Có lẽ đó là một em trai hay em gái đang khóc. Em trai đang khóc vì đói, em gái đang khóc vì lạnh, vì các em đang muốn được bồng lên và ôm ẵm trong cánh tay... Cả ngày nay nữa, trẻ em đang khóc, các em đang khóc rất nhiều, và tiếng khóc của các em đang thách đố chúng ta. Trong một thế giới hằng ngày bỏ đi hằng bao nhiêu là tấn thực phẩm và thuốc men thì lại có các trẻ em, đói khổ và chịu các thứ bệnh dễ chữa, đang kêu khóc vô vọng. Trong một thời đại nhấn mạnh đến việc bảo vệ trẻ em thì lại xẩy ra nạn thịnh hành buôn bán vũ khí là những gì cuối cùng lọt vào tay của các thứ lính trẻ em, lại xẩy ra một thị trường bày bán các thứ vật dụng được sản xuất bởi thành phần trẻ em bé nhỏ lao nô (slave labor). Tiếng kêu của các em đang bị tắc nghẽn: tiếng kêu của các trẻ em này bị bóp nghẹt! Các em cần phải chiến đấu, các em cần phải làm việc, các em không thể nào kêu la! Thế nhưng đã có những người mẹ của các em lại kêu than thay cho các em, như những bà Rachels tân thời: các bà than khóc vì con cái của mình và các bà không để cho ai ủi an (xem Mathêu 2:18).   

"Đây sẽ là dấu hiệu cho các người": đó là các người sẽ thấy một con trẻ. Con Trẻ Giêsu, hạ sinh ở Bêlem, hết mọi con trẻ được sinh ra và lớn lên ở mọi phần đất trên thế giới, là một dấu chuẩn đoán cho thấy tình trạng lành mạnh của giá đình chúng ta, của cộng đồng chúng ta, của quốc gia chúng ta. Thứ chuẩn đoán thẳng thắn và chân thực này có thể dẫn chúng ta đến một lối sống mới, một lối sống mà các mối liên hệ của chúng ta không còn bị hằn vết xung khắc, đàn áp và hưởng thụ, mà là huynh đệ, thứ tha và hòa giải, đoàn kết và yêu thương. 

Ôi Maria, Mẹ của Chúa Giêsu,

Mẹ là Đấng đã chấp nhận, xin dạy chúng con biết chấp nhận;

Mẹ là Đấng đã tôn thờ, xin dạy chúng con biết tôn thờ;

Mẹ là Đấng đã tuân theo, xin dạy chúng con biết tuân theo. Amen. 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2014/documents/papa-francesco_20140525_terra-santa-omelia-bethlehem.html 

 Đề nghị của người dịch:

Theo tinh thần của bài giảng về việc chấp nhận, chăm sóc và bênh vực trẻ em trên đây của ĐTC Phanxicô, và để hưởng ứng cùng đáp ứng lời ngài huấn dụ và kêu gọi, xin đề nghị cử hành Ngày Trẻ Em hay Ngày Con Cái - Childen' Day.

Ở Hoa Kỳ, một trong những quốc gia Tây phương nói riêng và thế giới nói chung, đang phá thai, chúng ta linh đình cử hành Ngày Hiền Mẫu - Mother's Day (vào Chúa Nhật thứ 2 trong Tháng 5) và Ngày Hiền Phụ - Father's Day (vào Chúa Nhật thứ 3 trong Tháng 6), ngày con cái cần phải tỏ lòng biết ơn cha mẹ của mình.

Trong khi đó, con cái là hoa trái của tình yêu vợ chồng, là mối giây ràng buộc vợ chồng, thậm chí còn là hồng phúc cho đời sống hôn nhân nữa, tại sao chúng ta lại coi thường con cái của chúng ta, không dành một ngày đặc biệt cho các em, như các em dành cho chúng ta - biết đâu Ngày Con Cái sẽ trở thành một trong những cách chống ý hệ và trào lưu phá thai hữu hiệu!? 

Thế nhưng, làm sao có thể chọn được một Ngày Trẻ Em hay Ngày Con Cái - Children' Day trong năm. Xin tùy mỗi gia đình. Riêng gia đình chúng tôi, từ Đại Năm Thánh 2000, năm nào chúng tôi cũng cử hành Ngày Con cái vào ngày 31/5 hay cuối tuần gần ngày 31/5 này nhất. Tại sao 31/5?

Theo tôi, tại vì ngày 31/5 hằng năm này, Giáo Hội Công Giáo cử hành Lễ Thăm Viếng - the Feast of Visitation, một lễ tưởng niệm biến cố chẳng những liên quan đến việc gặp gỡ giữa hai bà mẹ là Mẹ Maria và Bà Isave, mà còn là cuộc hội ngộ giữa hai Thai Nhi Giêsu và Gioan, nhưng lại là hai Thai Nhi đóng vai chủ chốt trong biến cố Thăm Viếng. Bởi vì, nhờ Thai Nhi Giêsu đang cưu mang trong lòng mà lời Mẹ Maria mới có mãnh lực đến độ làm cho Thai Nhi Gioan nhẩy mừng trong lòng thai mẫu Isave, và nhờ đứa con trong bụng thai mẫu Isave mới được đầy Thánh Thần mà nhận biết và ca tụng Mẹ Maria (xem Luca 1:40-45).

Ngoài lý do tôn giáo liên quan đến ngày 31/5, nếu ngày này được chọn làm Ngày Trẻ Em / Ngày Con Cái, thì Ngày Trẻ Em / Ngày Con Cái 31/5 đây, về khía cạnh trần thế, lại là ngày ở giữa Ngày Hiền Mẫu và Ngày Hiền Phụ. Chẳng hạn trong năm 2014, Ngày Hiền Mẫu là ngày 11/5 và Ngày Hiền Phụ là ngày 15/6 thì Ngày Trẻ Em / Ngày Con Cái là ngày 31/5, Thứ Bảy cuối tuần (rất thuận lợi để cử hành), sau Ngày Hiền Mẫu 20 ngày và trước Ngày Hiền Phụ 15 ngày! 

Ngày Trẻ Em / Ngày Con Cái ở giữa hai Ngày Hiền Mẫu và Ngày Hiền Phụ mang một ý nghĩa rất ư là thích đáng, ở chỗ con cái chẳng những là hoa trái của tình yêu vợ chồng và là mối giây ràng buộc tình nghĩa vợ chồng, mà còn là tâm điểm của ơn gọi và sứ vụ của thành phần làm cha làm mẹ nói riêng, là tương lai của gia đình và xã hội loài người nói chung. 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

  

ĐTC Phanxicô - Diễn Từ Kỷ Niệm 50 Năm Cuộc Hội Ngộ Hòa Giải 5/1/1964-2014

tại Đền Thờ Mồ Thánh Chúa Nhật 25/5/2014 

 

Kính Đức Thượng Phụ,

Chư Huynh Giám Mục thân mến, 

Anh Chị Em thân mến,

Nơi Đền Thờ này, một đền thờ được tất cả mọi Kitô hữu hết sức tôn kính, cuộc hành trình của tôi, được đồng hành với người anh em yêu dấu trong Chúa Kitô, Đức Bartholomaios, giờ đây tiến tới tột đỉnh của nó. Chúng tôi đang thực hiện cuộc hành trình này theo bước chân của các vị tiền nhiệm trước chúng tôi đó là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras, những vị, nhờ lòng can đảm và dễ dậy đối với Thánh Linh, đã hiện thực 50 năm trước nơi thành thánh Giêrusalem này, một cuộc hội ngộ lịch sử giữa Giám Mục Rôma và Thượng Phụ Constantinople. Tôi thân ái ngỏ lời chào tất cả anh chị em hiện diện nơi đây. Đặc biệt tôi xin bày tỏ lòng tri ân chân thành của tôi đến những ai làm hiện thực giây phút này: Đức Theophilos, vị đã hết sức ưu ái nghênh đón chúng tôi, Đức Nourhan Manoogian và Cha Pierbattista Pizzaballa.

Thật là một ơn lạ lùng khi chúng ta được cùng nhau qui tụ lại để cầu nguyện ở nơi đây. Ngôi mộ trống đây, ngôi mộ mới trong khu vườn mà Giuse Arimathea đã cung kính an táng thi thể của Chúa Giêsu đây, là nơi bắt đầu loan truyền cuộc phục sinh: "Đừng sợ; tôi biết rằng các người đang tìm kiếm Chúa Giêsu chịu đóng đanh. Người không còn đây, vì Người đã sống lại như Người đã phán. Hãy đến mà xem nơi Người nằm. Vậy hãy mau mau đi nói cùng các môn đệ của Ngưoòi rằng 'Người đã sống lại từ trong kẻ chết'" (Mathêu 28:5-7). Việc loan truyền này, được khẳng định bởi chứng từ của những ai thấy Chúa phục sinh hiện ra, là tâm điểm của sứ điệp Kitô giáo, một sứ điệp được trung thực truyền lại từ thế hệ này tới thế hệ kia, như Tông Đồ Phaolô, ngay từ ban đầu đã làm chứng: "Tôi truyền lại cho anh em những gì quan trọng nhất phần tôi đã lãnh nhận, đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi của chúng ta theo lời Thánh Kinh, và Người đã được mai táng, rồi Người đã sống lại vào ngày thứ ba theo lời Thánh Kinh" (1Cor 15:3-4). Đó là nền tảng đức tin là những gì hiệp nhất chúng ta, nhờ đó chúng ta cùng nhau tuyên xưng rằng Chúa Giêsu Kitô, Con một Chúa Cha và là Chúa duy nhất của chúng ta, "đã chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đang trên cây thánh giá, chết và táng xác; xuống ngục tổ tông; ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại" (Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ). Mỗi người chúng ta, đều được lãnh nhận phép rửa trong Chúa Kitô, đã sống lại một cách thiêng liêng từ ngôi mộ này, vì nơi phép rửa tất cả chúng ta thực sự đã trở thánh các chi thể của thân thế Đấng là Trưởng Tử của tất cả mọi tạo vật; chúng ta đã được mai táng với Người, nhờ đó được sống lại với người và bước đi trong sự sống mới (xem Rôma 6:4). 

Chúng ta hãy nhận lấy ơn đặc biệt của lúc này đây. Chúng ta dừng lại cung kính lặng thinh trước ngôi mộ trống này để tái nhận thức được những gì là cao cả nơi ơn gọi Kitô hữu của chúng ta: chúng ta là những con người nam nữ của phục sinh chứ không phải của sự chết. Từ nơi đây chúng ta biết làm sao sống cuộc đời của mình, trải qua các thử thách của Giáo Hội chúng ta và của thế giới trong ánh sáng của buổi sáng Phục Sinh. Hết mọi tổn thương, hết những gì là đớn đau và buồn khổ của chúng ta, đều đã được gánh vác trên hai vai của vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng đã hiến tế bản thân mình nhờ đó đã mở đường cho sự sống đời đời. Những thương tích mở ra của Người như là cái khe qua đó triều sóng tình thương của Người tuôn đổ xuống trên thế giới. Chúng ta đừng để mình bị tước lột mất niềm hy vọng nền tảng này của chúng ta, đó là Christòs anest - Chúa Kitô đã phục sinh!Chúng ta đừng làm cho thế giới bị hụt hẫng mất sứ điệp phục sinh vui mừng này! Và chúng ta đừng trở thành điếc lác trước những lời hiệu triệu hiệp nhất mãnh liệt vang lên từ chính nơi chốn này, nơi chính lời của Đấng sống lại từ trong kẻ chết gọi chúng ta là "anh em của Thày" (xem Mathêu 28:10; Gioan 20:17).  

Rõ ràng là chúng ta không thể phủ nhận những chia rẽ tiếp tục hiện diện giữa chúng ta là thành phần môn đệ của Chúa Giêsu: nơi thánh này làm cho chúng ta thậm chí cảm thấy đớn đau hơn về những thứ chia rẽ ấy thảm thương ra sao. Tuy nhiên, 50 năm sau tác động ôm nhau của hai người Cha khả kính ấy, chúng ta nhận thấy một cách tri ân và lại ngỡ ngàng thấy nhờ tác động của Thánh Linh việc thực hiện những bước tiến thực sự đáng kể hướng về mối hiệp nhất đã trở thành khả dĩ ra sao. Chúng ta biết rằng nhiều khoảng cách vẫn còn cần phải tiến bước trước khi chúng ta đạt tới mối hiệp thông trọn vẹn là những gì cũng có thể được thể hiện bằng việc thông phần vào cùng một bàn tiệc Thánh Thể, điều chúng ta thiết tha mong ước; tuy nhiên, những bất đồng của chúng ta không được làm cho chúng ta run sợ và gây tê liệt bước tiến của chúng ta. Chúng ta cần tin tưởng rằng, như tảng đá trước ngôi mộ đã bị đẩy sang một bên thế nào thì cũng thế hết mọi trở ngại cho mối hiệp thông trọn vẹn của chúng ta cũng sẽ được loại trừ. Đó sẽ là một thứ ân sủng của sự phục sinh, một ân sủng chúng ta có thể nếm hưởng trước ngay hôm nay đây. Mỗi lần chúng ta xin nhau tha thứ về lỗi tội của chúng ta phạm đến những Kitô hữu khác và mỗi lần chúng ta thấy can đảm thứ tha như thế, thì chúng ta cảm thấy sự phục sinh! Mỗi lần chúng ta bỏ lại sau lưng những tổn thương lâu đời và thấy can đảm trong việc xây dựng những mối liên hệ huynh đệ mới, là chúng ta tuyên xưng rằng Chúa Kitô thực sự đã phục sinh! Mỗi lần chúng ta suy nghĩ đến tương lai của Giáo Hội theo chiều hướng ơn gọi hiệp nhất của Giáo Hội thì rạng đông của Phục Sinh bừng sáng! Ở đây tôi xin lập lại niềm hy vọng đã được bày tỏ bởi các vị tiền nhiệm của tôi về một thứ đối thoại liên tục với tất cả mọi anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô, niềm hy vọng nhắm đến việc tìm cách thực thi thừa tác vụ đặc biệt của Giám Mục Rôma, một thừa tác vụ, trung thành với sứ vụ của mình, có thể mở ra một tình hình mới và có thể, ở bối cảnh hiện tại, trở thành một việc phục vụ yêu thương và hiệp thông được tất cả công nhận (cf. JOHN PAUL II, Ut Unum Sint, 95-96).

Đứng ở những nơi thánh này như là khách hành hương, trong lời nguyện cầu của mình, chúng ta cũng nhớ đến toàn thể Trung Đông, nơi rất thường thảm thương bị đánh dấu bởi các hành động bạo lực và xung đột. Trong lời nguyện cầu của mình, chúng ta cũng không quên nhiều người nam nữ khác ở các phần đất khác nhau trên thế giới của chúng ta đang chịu đau khổ bởi chiến tranh, nghèo khổ và đói khổ, cũng như không quên nhiều Kitô hữu đang bị bách hại vì đức tin của mình vào Chúa phục sinh. Khi Kitô hữu thuộc những niềm tin khác nhau cùng chịu khổ bên nhau và trợ giúp nhau bằng đứa ái huynh đệ thì ở đó xuất phát một thứ đại kết khổ đau, một thứ đại kết máu huyết, một thứ đại kết đặc biệt chứng tỏ là mãnh liệt, chẳng những đối với những trường hợp xẩy ra ấy, mà còn vì sự thông công các thánh, đối với toàn thể Giáo Hội nữa. Những ai sát hại, bách bớ Kitô hữu vì hận thù ghen ghét, đừng đặt vấn đề họ là Chính Thống hay Công Giáo: họ là Kitô hữu. Máu của Kitô hữu thì giống như nhau. 

Kính Đức Thượng Phụ, chư huynh thân mến, tất cả anh chị em thân mến, chúng ta hãy loại trừ những ngờ vực chúng ta thừa hưởng từ trong quá khứ và hãy mở lòng mình ra cho tác động của Thánh Linh, Vị Thần Linh của yêu thương (xem Rôma 5:5), để cùng nhau mau chóng tiến tới ngày diễm phúc này, khi mối hiệp thông trọn vẹn của chúng ta được phục hồi. Trong việc thực hiện cuộc hành trình này, chúng ta cảm thấy mình được bảo trì bởi lời nguyện cầu của chính Chúa Giêsu, trong thành này, vào đêm vọng Người khổ nạn, tử nạn và phục sinh, đã dâng lên Cha cho các môn đệ của Người. Đó là lời nguyện cầu chính chúng ta cần phải khiêm tốn không ngừng nhận làm của mình: "để tất cả được nên một... cho thế gian tin" (Gioan 17:21). Khi tình trạng thiếu hiệp nhất làm cho chúng ta cảm thấy bi quan, ngờ vực, sợ hãi,tất cả chúng ta hãy phó mình cho sụ chở che của Thánh Mẫu Thiên Chúa. Khi tâm hồn Kitô hữu cảm thấy bị xáo trộn thì chúng ta chỉ tìm thấy an bình khi tìm đến nấp dưới tà áo của Mẹ. Xin Thánh mẫu Thiên Chúa giúp chúng ta trong cuộc hành trình này. 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2014/may/documents/papa-francesco_20140525_terra-santa-celebrazione-ecumenica.html 

 

ĐTC Phanxicô - Diễn Từ tại The Yad Vashem Memorial Thứ Hai 26/5/2014 

 

"Adong, ngươi đang ở đâu vậy?" (xem Khởi Nguyên 3:9). Con người ơi ngươi đang ở đâu đấy? Ngươi đã làm những gì thế? Ở nơi đây, một nơi chốn tưởng niệm Shoah, chúng ta nghe thấy câu hỏi của Thiên Chúa vang lên một lần nữa: "Adong, ngươi đang ở đâu?" Câu hỏi này đầy những buồn đau của một Người Cha đã mất đi đứa con của mình. Người Cha này đã biết được cái nguy cơ của tự do; Ngài đã biết rằng con cái của mình có thể bị sai lạc... nhưng có lẽ thậm chí ngay cả Người Cha này cũng không thể nào tưởng tượng nổi lại có thể xẩy ra một thứ sa ngã cả thể như vậy, một vực thẳm quá sâu như thế! Ở nơi đây, trước thảm trạng Holocaust khôn cùng này, tiếng kêu "ngươi đang ở đâu?" đang như tiếng kêu thều thào vang lên từ một vực sâu thăm thẳm...

Adong ơi ngươi là ai vậy? Ta không còn nhận ra ngươi nữa. Con người ơi, ngươi là ai thế? Ngươi đã trở nên những gì đây? Phải chăng ngươi đã có thể gây ra biết bao kinh hoàng? Cái gì đã làm cho ngươi rơi xuống vực sâu như thế chứ?

Chắc chắn không phải là bụi đất mà từ đó ngươi đã được tạo thành. Bụi đất là một cái gì đó tốt đẹp, là công việc của bàn tay của Ta. Chắc chắn không phải là hơi thở của sự sống mà Ta đã thở vào ngươi. Hơi thở đó từ Ta mà đến và là những gì tốt lành (xem Khởi Nguyên 2:7). 

Không, vực thẳm này không phải chỉ là công việc của bàn tay ngươi, của tâm can ngươi... Ai đã làm cho ngươi bị băng hoại đây? Ai đã làm cho người bị biến dạng vậy? Ai đã dẫn ngươi đến chỗ tưởng rằng người là chủ tể của sự lành sự dữ chứ? Ai đã thuyết phục người rằng ngươi là thần linh hả? Ngươi chẳng những đã hành hạ và sát hại anh chị em của mình mà còn hiến tế họ cho bản thân ngươi nữa, vì ngươi cho mình là một thứ thần linh.

Hôm nay, ở nơi chốn này, một lần nữa chúng ta nghe thấy tiếng của Thiên Chúa: "Adong, ngươi đang ở đâu?"

Từ mặt đất vang lên một tiếng kêu nho nhỏ: "Ôi Chúa, xin thương xót chúng con!" Ôi Chúa là Thiên Chúa của chúng con, Chúa là Đấng công chính; còn chúng con thì hổ ngươi bẽ mặt (xem Tiên Tri Baruc 1:15) 

Một sự dữ cả thể đã phủ chụp xuống trên chúng con như chưa bao giờ xẩy ra dưới bầu trời này (xem Tiên Tri Barua 2:2). Giờ đây, lạy Chúa, xin nghe lời cầu nguyện của chúng con, xin hãy lắng nghe lời van nài của chúng con, xin hãy cứu chúng con theo lòng thương xót Chúa. Xin hãy cứu chúng con khỏi cái kinh hoàng này. 

Linh hồn sầu thương đang kêu lên cùng Chúa là Chúa Toàn Năng. Xin hãy lắng nghe, lạy Chúa, và xin hãy xót thương. Chúng con đã phạm tội phạm đến Chúa. Chúa hiển trị muôn đời (xem Tiên Tri Baruc 3:1-2). Xin hãy nhớ đến chúng con trong tình thương của Chúa. Xin hãy ban cho chúng con ơn biết hổ thẹn về những gì con người chúng con đã làm, biết hổ thẹn về việc lung tung tôn thờ ngẫu tượng, về việc khinh thường và hủy diệt xác thịt của chúng con là những gì Chúa đã dựng nên từ đất và là những gì Chúa đã ban cho sự sống bằng hơi thở của Chúa. Lạy Chúa, không bao giờ xẩy ra nữa, không bao giờ còn xẩy ra như thế nữa!

"Adong, ngươi đang ở đâu?" Lạy Chúa, ở nơi đây chúng con cảm thấy hổ thẹn trước những gì con người được dựng nên theo hình ảnh của Chúa và tương tự như Chúa đã làm.

Xin hãy nhớ đến chúng con trong tình thương của Chúa.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2014/may/documents/papa-francesco_20140526_terra-santa-memoriale-yad-vashem.html

 

 

ĐTC Phanxicô - Huấn Dụ Linh Mục, Tu Sĩ và Chủng Sinh Thứ Hai 26/5/2014 

tại Thánh Đường Gethsemane ở Chân Núi Cây Dầu Giêrusalem

 

"Người đi ra mà lên... Núi Cây Dầu; và các môn đệ theo Người" (Luca 22:39)

Ở vào giờ khắc Thiên Chúa ấn định cứu độ nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi của họ thì Chúa Giêsu đã đến nơi đây, đến Vườn Gethsename, đến chân Núi Cây Dầu. Giờ đây chính chúng ta ở ngay nơi thánh này, một nơi được thánh hóa bởi lời nguyện cầu của Chúa Giêsu, bởi cuộc buồn sầu của Người, bởi mồ hôi máu của Người, và nhất là bởi lời "xin vâng" của Người trước ý muốn yêu thương của Cha. Chúng ta cảm thấy bồi hồi làm sao ấy khi nghĩ tới những gì Chúa Giêsu trải qua vào giờ khắc ấy; chúng ta rón rén bước vào bên trong nơi chốn mà vận mệnh của thế giới đã được quyết định

Vào giờ khắc ấy, Chúa Giêsu cảm thấy cần phải cầu nguyện và cần có các môn đệ của mình, các bạn hữu của mình, những ai đã theo Người và thông dự vào sứ vụ của Người thân thiết nhất. Thế nhưng ở nơi đây, ở Gethsemane này, việc theo Người lại trở thành những gì là khó khăn và bất ổn; các vị bị vây phủ bởi ngờ vực, chán chường và kinh hãi. Lúc mà các biến cố về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu được mau chóng hiện lên thì các môn đệ tỏ ra các thái độ khác nhau trước vị Sư Phụ: những thái độ sát gần, xa cách, ngần ngại.

Ở nơi đây, nơi chốn này, mỗi một người chúng ta - giám mục, linh mục, tu sĩ và chủng sinh - cần phải hỏi mình rằng: tôi là ai trước những khổ đau của Chúa tôi? 

Tôi có ở trong số những người mà khi Chúa Giêsu xin họ canh thức với Người thì lại thiếp ngủ hơn là cầu nguyện, tìm cách thoát thân, không dám đối diện với thực tại?

Hay tôi trở thành một trong những kẻ vì sợ mà chạy mất, bỏ rơi Thày mình ở vào giờ khắc thảm thương nhất trong cuộc đời của Người?

Có lẽ tôi mang tâm trạng hai lòng hay chăng, như nơi con người đã bán Chúa của chúng ta để lấy 30 đồng bạc, con người đã được Chúa Giêsu gọi là "bạn hữu", nhưng cuối cùng vẫn trở thành kẻ phản nộp Người? 

Tôi có phải là kẻ ở trong số thành phần rút lui và chối bỏ Người, như Phêrô hay chăng? Mới trước đó một chút, anh đã hứa với Chúa Giêsu rằng anh sẽ theo Người dù cho có phải chết chăng nữa (xem luca 22:23); thế nhưng sau đó, bị thử thách và cảm thấy hãi sợ, anh đã thề rằng không hề biết Người. 

Tôi có giống như kẻ bắt đầu dự tính sống cuộc đời không cần có Người hay chăng, như hai môn đệ trên đường đi Emmau, những người môn đệ mê muội tâm can trong việc tin vào những lời của các vị tiên tri hay chăng (xem Luca 24:25)?

Hay, nhờ Chúa, tôi thuộc về thành phần những ai trung thành cho đến cùng, như Trinh Nữ Maria và Tông 9ồ Gioan hay chăng? Trên Núi Sọ, khi mọi sự dường như chẳng còn gì và tất cả mọi niềm hy vọng trở thành không tưởng, thì chỉ còn duy tình yêu là mạnh hơn sự chết. Tình yêu của Người Mẹ này và của người môn đệ yêu dấu đã làm cho cả hai ở dưới chân Thập Tự Giá, thông dự vào nỗi đớn đau của Chúa Giêsu cho đến cùng. 

Tôi có thấy mình ở trong số thành phần noi gương bắt chước Thày mình cho đến độ tử đạo hay chăng, để chứng thực rằng Người là tất cả mọi sự đối với họ, là sức mạnh khôn sánh trong việc bảo trì sứ vụ của họ và là chân trời tối hậu của đời họ?

Tình bạn của Chúa Giêsu đối với chúng ta, lòng trung thành của Người và tình thương của Người, là một tặng vật vô giá phấn khích chúng ta tin tưởng theo Người, bất chấp những thua bại của chúng ta, lỗi lầm của chúng ta cũng như những phản bội của chúng ta.

Thế nhưng, lòng nhân lành của Chúa không châm chước cho chúng ta khỏi việc cần phải tỉnh thức trước tên Cám Dỗ, trước tội lỗi, trước sự dữ và sự phản bội là những gì có thể xâm nhập thậm chí vào cả đời sống tu sĩ và linh mục. Tất cả chúng ta đều xu hướng về tội lỗi, về sự dữ, về phản bội. Chúng ta hoàn toàn ý thức về tính chất bất tương đối giữa những gì là cao cả nơi ơn gọi của Thiên Chúa với những gì là tầm thường bé mọn của mình, giữa những gì là cao trọng của sứ vụ với thực tại hèn yếu của con người chúng ta. Tuy nhiên, nơi lòng nhân lành cao cả của Ngài và tình thương vô biên của Ngài, Chúa bao giờ cũng dìu dắt chúng ta kẻo chúng ta bị đắm chìm xuống biển khơi của lo âu sợ hãi. Ngài hằng ở bên chúng ta, Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Bởi thế chúng ta đừng hoảng sợ hay chán nản mà hãy can trường và tin tưởng để tiến bước trong cuộc hành trình của chúng ta và sứ vụ của chúng ta.

Anh chị em thân mến, anh chị em được kêu gọi theo Chúa một cách hân hoan nơi thánh địa này! Đó là một tặng ân và là một trách nhiệm. Việc anh chị em hiện diện nơi đây hết sức là quan trọng; toàn thể Giáo Hội biết ơn anh chị em và Giáo Hội hỗ trợ anh chị em bằng lời nguyện cầu của Giáo Hội. (ĐTC gửi lời chào tất cả mọi Kitô hữu ở Giêrusalem...) 

Chúng ta hãy noi gương bắt chước Trinh Nữ Maria và Thánh Gioan, và hãy đứng vững trước tất cả mọi thập giá mà Chúa Giêsu tiếp tục chịu đóng đanh. Đó là cách Chúa gọi chúng ta theo Người: đó là đường lối, không còn con đường nào khác!

"Ai phụng sự Thày thì hãy theo Thày và Thày ở đâu thì đầy tớ của Thày cũng ở đó" (Gioan 12:26).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2014/may/documents/papa-francesco_20140526_terra-santa-religiosi.html

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Bài Giảng Lễ

với Các Đấng Bản Quyền ở Thánh Địa và Phái Đoàn Tùy Tùng của ĐTC

Ở Căn Thượng Lầu, Thứ Hai 26/5/2014 

Thật là đại hồng ân Chúa đã ban cho chúng ta khi đưa chúng ta cùng nhau đến Căn Thượng Lầu (the Upper Room) để cử hành Thánh Thể. Trong niềm hân hoan huynh đệ tôi xin chào quí huynh và tôi muốn bày tỏ lòng ưu ái của tôi với các Vị Thượng Phụ Công Giáo Đông Phương đã tham dự vào cuộc hành trình của tôi trong những ngày này. Tôi muốn cám ơn các vị về sự hiện diện ý nghĩa của các vị, đặc biệt là thân thương đối với tôi, và tôi trân trọng các vị trong lòng tôi và trong lời nguyện cầu của tôi. Đây là nơi Chúa Giêsu đã chia sẻ Bữa Tiệc Ly với các tông đồ; nơi mà sau khi phục sinh Người đã hiện ra giữa các vị; nơi Thánh Linh đã hiện xuống một cách quyền năng trên Mẹ Maria và các môn đệ, nơi Giáo Hội đã được xuất phát và Giáo Hội được xuất phát để lên đường. Từ nơi đây Giáo Hội ra đi, với tấm bánh bẻ ra trong tay, các thương tích của Chúa Kitô trước mắt và Thần Linh yêu thương trong lòng. 

Nơi Căn Thượng Lầu này, Chúa Giêsu phục sinh, Đấng được Cha sai, đã tuôn đổ trên các tông đồ Thần Linh của Người và bằng quyền năng của mình Người đã sai các vị đi canh tân bộ mặt trái đất (xem Thánh Vịnh 104:30). 

Việc lên đường, việc ra đi không có nghĩa là quên lãng. Giáo Hội, trong việc lên đường của mình, bảo trì ký ức về những gì đã xẩy ra nơi đây; Thần Linh, Đấng Phù Trợ, nhắc nhở Giáo Hội về hết mọi lời nói và hết mọi việc làm cùng tỏ cho Giáo Hội thấy được ý nghĩa đích thực của chúng.

Căn thượng Lầu đây nói với chúng ta về việc phục vụ, về Chúa Giêsu cống hiến cho các môn đệ tấm gương rửa chân cho họ. Việc rửa chân của nhau là hành động tiêu biểu cho việc đón nhận, chấp nhận, yêu thương và phục vụ nhau. Nó có nghĩa là phục vụ thành phần nghèo khổ, bệnh nạn và bị loại trừ, những con người tôi cảm thấy khó sống, những ai quấy rầy tôi. 

Căn Thượng Lầu này nhắc nhở chúng ta về hiến tế nơi Thánh Thể. Trong hết mọi lần cử hành Thánh Thể Chúa Giêsu đều hiến mình cho Cha vì chúng ta, nhờ đó chúng ta cũng có thể được hiệp nhất nên một với Người, hiến dâng lên Thiên Chúa cuộc đời của chúng ta, công việc của chúng ta, niềm vui của chúng ta và nỗi buồn của chúng ta... hiến dâng hết mọi sự như là một hy tế thiêng liêng.

Căn thượng Lầu này cũng nhắc nhở chúng ta về tình hữu nghị. Chúa Giêsu đã nói với 12 vị rằng: "Thày không gọi các con là tôi tớ nữa mà gọi các con là bạn hữu" (Gioan 15:15). Chúa làm cho chúng ta nên bạn hữu của Người, Người tỏ cho chúng ta thấy ý muốn của Thiên Chúa và Người ban cho chúng ta chính bản thân của Người. Đây là yếu tố tuyệt vời nhất được là Kitô hữu, nhất là làm linh mục, ở chỗ, trở nên một người bạn của Chúa Giêsu và trong tâm hồn nhận thấy được rằng Người là bạn của chúng ta. 

Căn thượng Lầu này nhắc nhớ chúng ta về việc Thày từ biệt  lời Người hứa sẽ trở lại cùng bạn hữu của Người: "Khi nào Thày đi ... Thày sẽ trở lại đem các con đến cùng Thày, để Thày ở đâu các con cũng ở đó" (Gioan 14:3). Chúa Giêsu không lìa bỏ chúng ta, không hề bỏ rơi chúng ta; Người đi trước chúng ta về nhà Cha của Người, nơi Người muốn mang chúng ta đến đó nữa. 

Tuy nhiên, Căn thượng Lầu này cũng nhắc nhở chúng ta về cái cỏn con, về cái tò mò - "ai là kẻ phản bội?" - và về việc phản bội. Chính chúng ta, chứ không phải chỉ những người khác, có thể tái diễn những thái độ ấy bất cứ khi nào chúng ta nhìn anh chị em của mình một cách khinh khi, bất cứ khi nào chúng ta phán xét họ, bất cứ khi nào chúng ta phản bội Chúa Giêsu bằng tội lỗi của chúng ta.

Căn Thượng Lầu này nhắc nhớ chúng ta về việc chia sẻ, tình huynh đệ, sự hòa hợp và bình an giữa chúng ta. Biết bao nhiêu là yêu thương và thiện hảo đã tuôn ra từ Căn thượng Lâu này! Biết bao nhiêu là bác ái đã xuất phát từ nơi đây, như một giòng sông xuất phát từ nguồn mạch của nó, bắt đầu như một giòng suối rồi sau đó trải dài vươn rộng thành một giòng thủy triều to lớn. Tất cả mọi thánh nhân đều đã nhận được từ nguồn mạch này; và vì thế con sông to lớn thánh đức này của Giáo Hội tiếp tục tuôn chảy: từ Con Tim của Chúa Giêsu, từ Thánh Thể và từ Thánh Linh.

Sau hết, Căn Thượng Lầu này nhắc nhở chúng ta về việc xuất phát một gia đình mới là Giáo Hội, Người Mẹ thánh, Giáo Hội phẩm trật của chúng ta được Chúa Giêsu phục sinh thiết lập; một gia đình có một Người Mẹ là Đức Trinh Nữ Maria. Các gia đình Kitô hữu thuộc về đại gia đình này, và trong đại gia đình ấy họ thấy được ánh sáng và tìm được sức mạnh để tiến bước và canh tân, giữa những thách đố và khó khăn trong đời sống. Tất cả con cái của Thiên Chúa, thuộc mọi dân tộc và ngôn ngữ, đều được mời gọi và kêu gọi để thuộc về đại gia đình này, như là anh chị em và con cái nam nữ của Người Cha  duy nhất trên trời. 

Những chân trời ấy đang được mở ra bởi Căn thượng Lầu này, những chân trời của Chúa Phục Sinh và của Giáo Hội Người. 

Từ nơi đây Giáo Hội tiến lên, được thúc đẩy bởi hơi thở thông ban sự sống của Thần Linh. Qui tụ lại trong nguyện cầu với Mẹ của Chúa Giêsu, Giáo Hội sống trong niềm mong đợi liên lỉ một cuộc tái tuôn đổ Thánh Linh. Lạy Chúa, xin hãy sai Thần Linh của Chúa đến để canh tân bộ mặt trái đất (xem Thánh Vịnh 104:30)!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2014/documents/papa-francesco_20140526_terra-santa-omelia-jerusalem.html

 

 

ĐTC Phanxicô - Trả Lời Phỏng Vấn trên chuyến bay từ Thánh Địa về Rôma

 

Trước đây, cuộc phỏng vấn mỗi chuyến tông du của Đức Thánh Cha (Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI) bao giờ cũng xẩy ra trên chuyến bay từ Rôma đến địa điểm tông du. Nhưng với Đức Thánh Cha Phanxicô thì chỉ xẩy ra sau chuyến tông du, trên chuyến bay từ địa điểm tông du về lại Rôma. Như đã xẩy ra cho chuyến tông du Ngày Giới Trẻ Thế Giới cuối Tháng 7/2013 ở Ba Tây, hay chuyến tông du Thánh Địa cuối Tháng 5/2014 vừa rồi. Đúng thế, trên chuyến bay từ Thánh Địa về Rôma tối Thứ Hai 26/5/2014, hơn 40 phút, cho dù mệt mỏi, ngài cũng vẫn trả lời cho thành phần ký giả và phóng viên truyền thông tháp tùng ngài trong chuyến tông du về những vấn đề chẳng những liên quan đến chính chuyến tông du mà còn liên quan đến cả các vấn đề nóng bỏng khác nữa trong Giáo Hội và Tòa Thánh được giới truyền thông đặc biệt chú ý, theo dõi và muốn biết sự thật. 

 

Francis speaks to journalists on his way back from  the Holy Land

(©LaPresse)

Về vấn đề phạm đến trẻ em

 

"Vào lúc này đây đang có 3 vị giám mục bị điều tra. Một vị đã bị kết tội và đang chờ ấn định hình phạt. Không có vấn đề đối xử ưu đãi khi xẩy ra vụ việc lạm dụng trẻ em. Ở Á Căn Đình, chúng tôi gọi những ai được đối xử ưu đãi là "những trẻ em được chiều nên hư - spoilt/spoiled children". Không có vấn đề 'những trẻ em được chiều nên hư' này ở trong trường hợp lạm dụng trẻ em này. Nó là một vấn đề rất ư là trầm trọng. Khi một vị linh mục tỏ ra lạm dụng trẻ em thì vị này phản bội thân thể của Chúa. Vị linh mục cần phải hướng dẫn trẻ em nên thánh. Trẻ em tin vào vị ấy. Thế nhưng, trái lại, vị ấy lại làm dụng em trai hay em gái này. Nó giống như việc cử hành lễ đen (black mass)! Thay vì lèo lái em trai hay em gái ấy hướng về sự thánh đức thì bạn lại tạo nên những trục trặc sẽ lưu lại nơi các em suốt cả cuộc đời của các em. Sẽ sớm có một thánh lễ ở Nhà Thánh Matta với một số nạn nhân bị lạm dụng. Sau đó tôi sẽ gặp gỡ họ. Cần phải thực hiện phương sách bất dung nhượng (zero tolerance) về vấn đề này".

 

Về vấn đề 15 triệu Đồng Âu bị biển lận chuyển từ IOR cho Lux Vide và những vụ bê bối về tiền bạc

 

"Có lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng không thể nào tránh khỏi gương mù, chúng ta là con người và tất cả chúng ta đều là tội nhân. Vấn đề này đang được ngăn ngừa hơn nữa cho khỏi xẩy ra. Việc quản trị về kinh tế cần phải thành thực và thanh liêm. Có hai ủy ban, một ủy ban điều tra IOR (vốn được gọi là Nhà Băng của Tòa Thánh) và một ủy ban xem xét toàn bộ tình hình tài chính và kinh tế của Tòa Thánh Vatican, cả hai hiện nay đã được kết thúc và cùng với thừa tác vụ và Văn Phòng lo Kinh Tế do Đức Hồng Y Pell lãnh đạo sẽ thi hành những việc cải cách được khuyến nghị. Thế nhưng sẽ vẫn còn những sơ xuất bất khả kiểm soát, bao giờ cũng thế, vì chúng ta là loài người. Tiến trình cải cách cần phải tiến hành. các vị cha ông của Giáo Hội đã nói rằng Giáo Hội cần phải 'simper reformanda - cải cách đơn giản hơn'. Chúng ta là những tội nhân, chúng ta đều hèn yếu. Văn Phòng đặc trách Kinh Tế sẽ giúp ngăn ngừa các vụ bê bối và các thứ trục trặc. Chẳng hạn, 1600 trương mục bất hợp pháp đã bị IOR đóng. IOR có đó là để giúp cho Giáo Hội, cho các vị giám mục, cho các giáo phận, cho nhân viên Tòa Thánh Vatican, cho các góa phụ của mình cũng như cho các tòa lãnh sự được quyền mở trương mục với IOR, ngoài ra không một ai khác. Nó không phải là một cái gì công cộng. Điều này đã được thực hiện tốt đẹp, khi đóng các trương mục của những ai không có quyền mở trương mục ở đây. Tôi muốn nói một điều đó là vấn đề liên quan đến 15 triệu Đồng Âu là vấn đề vấn còn đang trong vòng xem xét; vẫn chưa rõ trường hợp này đã xẩy ra như thế nào". 

 

Về những cử chỉ được bày tỏ trong chuyến viếng thăm Thánh Địa và gặp gỡ Peres cũng như Abu Mazen

 

"Những cử chỉ chân thực nhất là những cử chỉ được bày tỏ một cách bộc phát. Tôi đã nghĩ những gì có thể thực hiện nhưng không có một cử chỉ cụ thể nào tôi bày tỏ đã được suy tưởng như thế. Có một số điều, như việc mời hai vị tổng thống chúng tôi đã nghĩ tới thưc hiện ở đó trong cuộc viếng thăm này, thế nhưng có nhiều trục trặc về hậu cần, nhiều lắm, về nơi chúng tôi muốn điều này xẩy ra lại không phải là một nơi dễ dàng gì. Tuy nhiên, cuối cùng thì lời mời lại được chấp nhận và tôi hy vọng rằng cuộc gặp gỡ ấy sẽ có kết quả tốt đẹp. Các cử chỉ của tôi không được dự tính trước, tôi chỉ bày tỏ những gì chợt đến với tôi một cách tự nhiên. Xin làm sáng tỏ cuộc gặp gỡ ở Vatican. Mục đích của cuộc gặp gỡ này là để cầu nguyện chứ không phải để suy niệm. Hai vị tổng thống và tôi chỉ gặp nhau để cầu nguyện và tôi tin rằng việc cầu nguyện là những gì quan trọng và mang lại ích lợi. Sau đó họ sẽ trở về. Sẽ chỉ có một vị tôn sư, một tín đồ Hồi giáo và tôi. Tôi đã xin vị Quản Thủ Thánh Địa lo về phương diện cụ thể của những điều ấy".

 

Về chủ Trương Dân Tình Đại Chúng (Populism) và việc bầu cử của Liên Hiệp Âu Châu

 

"Tôi chỉ có giờ để cầu Kinh Lạy Cha một ít lần chứ tôi không biết tin tức gì liên quan đến những thứ bầu cử. Chủ trương dân tình đại chúng ở Âu Châu, khả tín và bất khả tín, có một số lý thuyết về Đồng Âu - Euro... Tôi không biết nhiều về thứ sự việc ấy. Thế nhưng, nạn thất nghiệp là những gì nghiêm trọng: chúng ta có một hệ thống kinh tế toàn cầu tập trung vào tiền bạc chứ không phải vào con người. Để tiến triển, hệ thống này loại trừ những sự thể. Nó loại trừ trẻ em: tỷ lệ sinh không cao, ở Ý quốc cặp vợ chồng trung bình có ít hơn 2 đứa con, và ở Tây Ban Nha còn thấp hơn nữa. Nó loại trừ người già, nấp dưới hình thức triệt sinh trợ tử / an tử (euthanasia), thuốc men chỉ được cung cấp cho tới một độ nào thôi. Thành phần giới trẻ cũng bị loại trừ nữa. Tôi nghĩ đến nạn thất nghiệp nơi giới trẻ ở Ý là 40%, ở Tây Ban Nha 50%, ở Andalucia 60%. Cả một thế hệ dân chúng chẳng học hành hay làm việc gì hết. Thứ văn hóa phung phí này rất ư là trầm trọng. Âu Châu không phải là nơi duy nhất có thứ văn hóa phung phí ấy, nhưng nó mạnh nhất ở Âu Châu. Nó là một thứ hệ thống kinh tế phi nhân. Như tôi đã nói trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, hệ thống kinh tế này là một hệ thống kinh tế sát hại". 

 

Về thủ đô Giêrusalem ở Palestine

 

"Có nhiều dự án liên quan đến vấn đề Giêrusalem, Giáo Hội Công Giáo và chủ trương của Tòa Thánh Vatican được dựa trên quan điểm tôn giáo, đó là một thành đô hòa bình cho 3 tôn giáo. Những biện pháp cụ thể về hòa bình cần phải được thương lượng, có thể đi đến chỗ quyết định rằng phần này trở thành thủ đô của một quốc trị và phần kia là thủ đô của một quốc trị khác... Thế nhưng, tôi không cảm thấy rằng vị trí của tôi nói thế này thế kia là những gì cần phải được thực hiện, như thế đối với tôi là không khéo, tôi nghĩ chúng ta cần giải quyết vấn đề này bằng tinh thần huynh đệ và tin tưởng lẫn nhau, theo đường lối thương lượng. cần phải có lòng can đảm và tôi cầu xin Chúa cho hai vị tổng thống ấy có can đảm tiếp tục tiến bước. Về Giêrusalem, tất cả những gì tôi có thể nói đó là nó cần phải trở nên một thành đô hòa bình cho cả 3 tôn giáo". 

 

Về vấn đề linh mục độc thân

 

"Giáo Hội Công Giáo có các vị linh mục thành hôn theo nghi thức Đông phương. Độc thân không phải là một tín điều về đức tin, nó là một qui luật sống mà tôi cảm nhận rất nhiều và tôi tin rằng nó là một tặng ân dành cho Giáo Hội. Cánh cửa bao giờ cũng cởi mở, vì nó không phải là một tín điều về đức tin". 

 

Mối liên hệ với Giáo Hội Chính Thống

 

"Cùng với Đức Bartholomew chúng tôi đã nói về mối hiệp nhất, một mối hiệp nhất đang diễn tiến, trong một cuộc hành trình, chúng ta không bao giờ có thể kiến tạo nên mối hiệp nhất ở nơi một hội nghị về thần học. Ngài đã khẳng định cùng tôi rằng Đức Athenagoras đã nói cùng Đức Thánh Cha Phaolô VI rằng: 'Chúng ta hãy đưa tất cả các thần học gia ra một hải đảo rồi chúng ta sẽ cũng nhau tiến bước'. Chúng ta cần giúp đỡ lẫn nhau, về vến đề các nhà thờ chẳng hạn, ngay cả ở Rôma có nhiều tín hữu Chính Thống sử dụng những Nhà Thờ Công Giáo. Chúng tôi đã nói về một thứ công đồng pan-Orthodox để bàn về vấn đề ngày Lễ Phục Sinh. Vấn đề hơi buồn cười như thế này: hãy cho tôi biết Chúa Kitô của quí vị đã sống lại khi nào? Theo tôi là tuần tới. Còn tối thì tuần vừa rồi. Đức Bartholomew và tôi nói chuyện với nhau như anh em, chúng tôi yêu thương nhau và chúng tôi nói về những khó khăn chúng tôi đang phải đương đầu với tư cách là thủ lãnh. Chúng tôi đã nói nhiều về môi sinh và tiến tới một khởi động chung liên quan đến vấn đề này". 

 

Về việc viếng thăm Sri Lanka và Phi Luật Tân cùng vấn đề tự do tôn giáo

 

"Có hai chuyến hành trình Á Châu đã được dự trù: một chuyến tới Nam Hàn, sau đó, vào Tháng Giêng năm tới, một chuyến 2 ngày tới Sri Lanka và Phi Luật Tân, tới một miền đất đã bị ảnh hưởng bởi cơn biển động sóng thần - tsunami. Vấn đề về tình trạng thiếu tự do hành đạo không phải chỉ giới hạn ở một số quốc gia Á Châu mà lan rộng tới cả các nước khác nữa. Tự do tôn giáo là một cái gì đó không phải tất cả mọi xứ sở đều có. Một số quốc gia kiểm soát tới một mức độ nào đó, một số khác sử dụng biện pháp đên độ ra tay bách hại toàn diện. Hôm nay có nhiều vị tử đạo, những vị tử đạo Kitô hữu, công giáo và không Công giáo. Ở một số nơi quí vị bị cấm đeo thánh giá, cấm không được có thánh kinh hay dạy giáo lý cho trẻ em. Tôi nghĩ hiện nay có nhiều vị tử đạo hơn thời Giáo Hội sơ khai. Chúng ta cần cẩn thận tiến đến một số nơi nào đó, đi giúp họ, cầu nguyện nhiều cho các Giáo Hội đang chịu khổ đau ấy, khổ đau nhiều, và ngay cả các vị giám mục và Tòa Thánh đang khôn khéo làm việc để giúp các Kitô hữu nơi các xứ sở ấy, nhưng đó không phải là chuyện dễ làm. Chẳng hạn, ở một xứ sở dân chúng bị cấm không được cùng nhau cầu nguyện. Các Kitô hữu ở đó muốn cử hành Thánh Thể mà chỉ có một người nam là công nhân bình thường lại tác hành như một vị linh mục và người này cùng với những người khác đến đó tới một cái bàn: họ giả bộ họ đang uống trà nhưng lại đang cử hành Thánh Thể. Nếu cảnh sát xuất hiện, họ liền giấu các thứ sách vở đi để cảnh trí trở nên như thể họ chỉ uống trà". 

 

Về vấn đề khả dĩ thoái vị của tôi

 

"Tôi sẽ làm những gì Thiên Chúa bảo tôi làm. Tôi sẽ cầu nguyện và cố gắng theo ý muốn của Thiên Chúa. Đức  Giáo Hoàng Biển Đức XVI không còn đủ sức khỏe và đã thành thực, như một con người của đức tin, thực hiện quyết định này. 70 năm trước không có vấn đề Giáo Hoàng Hưu Trí - Popes Emeritus. Những gì sẽ xẩy ra với các Giáo Hoàng Hưu Trí? Chúng ta cần nhìn vào Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI như là một cơ cấu, ngài đã mở cửa, cửa của các vị Giáo Hoàng Hưu Trí. Cửa này mở ra, có vị nào khác hay chăng, chỉ Thiên Chúa biết. Tôi tin rằng nếu vị giám mục Rôma nào cảm thấy đuối sức, ngài cần phải tự vấn những gì Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã làm". 

 

Về vấn đề phong chân phước cho Đức Piô XII

 

"Án phong thánh đang được mở ra, tôi đã xem xét mà chưa có một phép lạ nào hết. Bởi vậy tiến trình này đã bị khựng lại. Chúng ta cần phải tôn trọng thực tại của án phong thánh này. Mà việc phong chân phước thì cần ít là một phép lạ song chưa có phép lạ. Tôi không thể nghĩ đến chuyện sẽ phong chân phước cho ngài hay chăng".  

 

Về thành phần ly dị tái hôn

 

"Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới sẽ bàn về vấn đề gia đình, về các vấn đề gia đình đang phải đương đầu, về giá trị của nó và về hiện trạng của nó. Bản tường trình sơ khởi được Đức Hồng Y Kasper trình bày bao gồm 5 chương, 4 trong 5 chương này trình bày về các điểm tích cực liên quan đến gia đình cùng với nền tảng thần học của nó. Chương thứ năm liên quan đến vấn đề mục vụ của các cuộc hôn nhân ly thân hay bất thành cũng như đến vấn đề cho thành phần ly dị tái hôn rước lễ. Điều tôi không thích đó là những gì được một số người, cả bên trong Giáo Hội nữa, nói về mục đích của Thượng Nghị này, ở chỗ nó có ý định cho phép thành phần ly dị tái hôn được hiệp lễ, như thể tất cả vấn đề chỉ tập trung vào một trường hợp vậy thôi. Chúng ta biết rằng ngày nay gia đình đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng, một cuộc khủng hoảng toàn cầu, giới trẻ không muốn thành hôn hay cùng nhau chung sống. Tôi không muốn chúng ta cứ khúc mắc về vấn nạn này: vấn nạn có thể được hiệp lễ hay chăng? Vấn đề mục vụ về gia đình thì bao rộng. Mỗi một trường hợp cần phải được cứu xét một cách biệt lập. Tôi muốn trở lại với những gì được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói về 3 trường hợp: các biện pháp hủy hôn cần phải được lưu ý, đức tin của con người kết hôn cũng cần phải được cứu xét, và chúng ta cũng cần phải rõ ràng là thành phần ly dị không bị vạ tuyệt thông. Họ rất thường bị đối xử như thể họ bị tuyệt thông. Việc chọn đề tài về gia đình cho Thượng Nghị này là một cảm nghiệm mãnh liệt thiêng liêng, việc bàn luận từ từ hướng về gia đình. Tôi tin rằng Thần Linh của Chúa đã hướng dẫn chúng ta đi đến chỗ này". 

 

Những trở ngại trong tiến trình cải cách Giáo Triều Rôma

 

"Trở ngại thứ nhất là tôi! Chúng tôi đã thực hiện được khá rồi, chúng tôi đã tham vấn với toàn bộ Giáo Triều và những gì giờ đây đang được nghiên cứu là để làm sao cho tổ chức trở nên nhẹ nhàng hơn, bằng việc sát nhập các phân bộ chẳng hạn. Vấn đề chính yếu là yếu tố về kinh tế; phân bộ về Kinh Tế cần phải làm việc với Văn Phòng Quốc Vụ Khanh. Thánh Bảy tới đây chúng tôi sẽ tổ chức một khóa 4 ngày làm việc, sau đó vào cuối Tháng Chín, lại có một khóa 4 ngày khác nữa, thế nhưng cộng cuộc vẫn đang tiến hành. Không phải tất cả thành quả đều được hiển nhiên thấy, thế nhưng vấn đề về kinh tế là vấn đề đã xuất hiện trước tiên, có một số vấn đề được báo chí nói đến không ít. Cách thức để thuyết phục là những gì quan trọng. Có một số người không hiểu. Thế nhưng tôi cảm thấy hài lòng, chúng ta đã làm việc chuyên cần. 

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://vaticaninsider.lastampa.it/en/the-vatican/detail/articolo/francesco-terra-santa-34376/

Có thể đối chiếu với hai websites sau đây: http://www.vis.va/vissolr/index.php?vi=all&dl=c28a55c4-1754-0707-66cd-538495b9fef9&dl_t=text/xml&dl_a=y&ul=1&ev=1

và 

 

 

ĐTC Phanxicô Lược Tóm Chuyến Tông Du Thánh Địa

24-26/5/2014

 

Anh Chị Em thân mến:

Chuyến tông du của tôi đến Thánh Địa trong những ngày qua là một đại hồng ân đối với tôi cũng như đối với toàn thể Giáo Hội. Chuyến tông du này đã tưởng niệm 50 năm của cuộc gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras, một cuộc gặp gỡ đánh dấu một dấu mốc trên con đường hiệp nhất Kitô giáo. Đức Thượng Phụ Bartholomaios và tôi đã cùng nhau cầu nguyện như anh em với nhau trước ngôi mộ của Chúa Phục Sinh, và chúng tôi đã lập lại việc dấn thân của chúng tôi về công cuộc phục vụ cho mối hiệp thông trọn vẹn giữa hai Giáo Hội. Cuộc hành trình của tôi cũng nhắm đến việc phấn khích nỗ lực của những ai hoạt động cho hòa bình ở Trung Đông cũng như của những ai đang chăm sóc cho nhiều người, nhất là thành phần tị nạn và trẻ em đang chịu đựng hậu quả của chiến tranh và bạo động. Như anh chị em biết, tôi đã mời hai vị Tổng Thống Do Thái và Palestine hiệp cùng tôi nguyện cầu cho hòa bình. Sau hết, tôi cũng muốn củng cố đức tin của các cộng đồng Kitô hữu ở Thánh Địa, công nhận những khốn khó của họ và hỗ trợ những công cuộc bác ái và giáo dục của họ. Chớ gì lời cầu nguyện và tình đoàn kết của toàn thể Giáo Hội nâng đỡ chứng từ cho sứ điệp hy vọng và hòa giải Phúc Âm của họ, và giúp vào việc mang tặng ân hòa bình của Thiên Chúa đến cho những miền đất diễm phúc này.

(ĐTC Phanxicô - trong Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 28/5/2014)

Đaminh Maria Cao Tấn tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://www.zenit.org/en/articles/pope-reflects-on-holy-land-visit-at-general-audience

 

Buổi Cầu Nguyện cho Hóa Bình ở Vatican hậu Tông Du Thánh Địa 

 Theo lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô dịp ngài tông du Thánh Địa 5/2014 vừa qua, hai vị tổng thống ở Thánh Địa là Peres của Do Thái và Abbas của Palestine đã đến Vatican để cùng với Đức Thánh Cha đặc biệt cầu nguyện cho hòa bình ở Thánh Địa giữa hai dân tộc Do Thái và Palestine, một cuộc xung khắc và xung đột kéo dài hơn nửa thế kỷ (từ thập niên 1940) đến nay vẫn chưa chấm dứt. 

Tiếp theo lời ngỏ và lời khẩn nguyện cho hòa bình ở Thánh địa của Đức Thánh Cha Phanxicô, hai vị tổng thống thay nhau bày tỏ cảm nhận của mình về Đức Thánh Cha Phanxicô và sau đó dâng lời khẩn nguyện hòa bình. Nguyên văn lời của 3 vị thứ tự như sau: (Những chỗ in mầu và nghiêng là do người dịch tự ý nhấn mạnh và 3 nhan đề của những lời các vị bày tỏ cũng do người dịch tự ý nêu lên).

 

"Lối sống của chúng con bao giờ cũng sẽ là lối sống của Shalom, Bình An, Salaam!"

ĐTC Phanxicô - Ngỏ cùng Nhị Vị Tổng Thống và Khẩn Nguyện Hòa Bình 

tại Vườn Vatican Chúa Nhật ngày 8/6/2014, Lễ Hiện Xuống

 

 

Quí Tôn Vị Tổng Thống,

Kính Đức Thượng Phụ,

Quí Anh Chị Em,

 

Tôi hết sức hân hoan gửi đến quí vị lời chào mừng và tôi muốn cống hiến quí vị, cùng với quí đại biểu tháp tùng quí vị, cũng việc nghênh đón nồng hậu mà quí vị đã bày tỏ cùng tôi trong chuyến hành hương mới đây của tôi ở Thánh Địa. 

 

Tôi sâu xa biết ơn quí vị đã chấp nhận lời mời của tôi để đến đây trong việc hiệp nhau nguyện cầu cùng Thiên Chúa tặng ân hòa bình. Tôi hy vọng rằng cuộc gặp gỡ này sẽ là một đường lối để tìm kiếm những gì là hiệp nhất, nhờ đó thắng vượt những gì chia rẽ

 

Tôi cũng xin cám ơn Đức Thượng Phụ, Người Anh khả kính Bartholomaios của tôi, đã cùng tôi nghênh đón các vị khách khả kính này. Sự hiện diện của huynh ở đây là một tặng ân cao cả, là một dấu hiệu hỗ trợ hết sức tri ân, và là một chứng từ cho cuộc hành trình Kitô hữu chúng ta đang thực hiện để tiến tới chỗ hoàn toàn hiệp nhất nên một. 

 

Quị Vị Tổng Thống thân mến, sự hiện diện của quí vị là một dấu hiện cao cả của tình huynh đệ mà quí vị bày tỏ với tư cách là con cái của Abraham. Nó cũng là một thể hiện về lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, Vị Chúa của lịch sử, Đấng hôm nay đây đang nhìn đến tất cả chúng ta là anh em với nhau và là Đấng muốn hướng dẫn chúng ta theo đường lối của Ngài. 

 

Cuộc gặp gỡ cầu nguyện này cho hòa bình ở Thánh Địa, ở Trung Đông cũng như trên toàn thế giới được kèm theo bằng những lời cầu nguyện của vô vàn con người thuộc các nền văn hóa khác nhau, quốc gia khác nhau, ngôn ngữ khác nhau và tôn giáo khác nhau: Họ đã cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ này, thậm chí giờ đây họ đang liên kết với chúng ta trong cùng một lời thỉnh cầu. Đây là một cuộc gặp gỡ đáp ứng lòng ước mong nhiệt liệt của tất cả những ai mong mỏi hòa bình và mơ ước thấy một thế giới là nơi con người nam nữ có thể sống với nhau như anh chị em và không còn như là đối phương và kẻ thù của nhau nữa.

 

Quí Vị Tổng Thống thân mến, thế giới của chúng ta là một di sản được lưu lại cho chúng ta từ các thế hệ đã qua, thế nhưng nó cũng là món nợ của chúng ta đối với con cái của chúng ta: con cái của chúng ta là thành phần đang mệt mỏi, bị kiệt quệ bởi các cuộc xung khắc và mong thấy rạng đông của hòa bình, con cái của chúng ta là thành phần xin chúng ta hãy phá đổ các bức tường thù hận và hãy bắt đầu đường lối đối thoại và hòa bình, nhờ đó tình yêu thương và tình thân hữu được nẩy nở. 

 

Nhiều, rất ư là nhiều những trẻ em đã từng là nạn nhân vô tội của chiến tranh và bạo động, những mầm non bị cắt mất đi những hứa hẹn cao vời của họ. Phận sự của chúng ta cần phải bảo đảm rằng việc hy sinh của họ không trở thành vô bổ. Việc tưởng nhớ đến các trẻ em ấy là những gì thấm nhập trong chúng ta thứ can đảm của hòa bình, sức mạnh để kiên trì không lui bước trong việc đối thoại, sự nhẫn nại để ngày ngày thêu dệt lên một tấm vải cứng cát hơn của một cuộc chung sống tương kính và an bình, cho vinh danh của Thiên Chúa và thiện ích của tất cả mọi người. 

 

Việc đi làm hòa bình cần phải có lòng can đảm, can đảm hơn cả việc đánh đấm nhau. Nó cần can đảm để ưng thuận gặp gỡ và không chấp nhận xung đột: ưng thuận đối thoại và không chấp nhận xung đột; ưng thuận điều đình chứ không hận thù; ưng thuận tôn trọng các ký kết chứ không phải những hành động trêu chọc; ưng thuận sống chân thành chứ không phải giả tạo. Tất cả những điều này cần đến lòng can đảm, cần đến sức mạnh và vững mạnh. 

 

Lịch sử dạy rằng quyền lực của chúng ta vẫn chưa đủĐã hơn một lần chúng ta đã từng ở trên bờ hòa bình, thế nhưng kẻ dữ, lợi dụng phương tiện khác nhau, đã thành công trong việc ngăn chặn nó. Đó là lý do tại sao chúng ta ở nơi đây, vì chúng ta biết rằng và chúng ta tin rằng chúng ta cần đến việc trợ giúp của Thiên Chúa. Chúng ta không buông bỏ trách nhiệm của mình, thế nhưng chúng ta kêu cầu cùng Thiên Chúa bằng một tác động hết sức có trách nhiệm trước lương tâm của chúng ta cũng như trước các dân tộc. Chúng ta đã nghe thấy lời hiệu triệu và chúng ta cần phải đáp ứng. Nó là lời hiệu triệu hãy phá vỡ cơn lốc hận thù và bạo động, và hãy phá vỡ nó bằng một lời duy nhất đó là lời "anh em". Thế nhưng để có thể nói lên lời này chúng ta cần phải ngước mắt lên trời để nhận biết nhau là con cái của cùng một Cha duy nhất. 

 

Giờ đây con hướng về Ngài là Cha trong Thần Linh của Chúa Giêsu Kitô, van xin lời chuyển cầu của Trinh Nữ Maria, một nữ tử của Thánh Địa và là Mẹ của chúng con.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của hòa bình, xin lắng nghe lời cầu nguyện của chúng con!

Chúng con đã cố gắng rất nhiều lần và qua rất nhiều năm để giải quyết những xung khắc của chúng con bằng khả năng của mình cũng như bằng các thứ vũ khí của chúng con. Biết bao nhiêu là giây phút hận thù và tăm tối chúng con đã từng trải qua; biết bao nhiêu là máu đã từng đổ ra; biết bao nhiêu là mạng sống đã bị tan nát; biết bao nhiêu là hy vọng đã bị chôn vùi... Thế nhưng, các nỗ lực của chúng con vẫn trở thành như không

 

Giờ đây, lạy Chúa, xin hãy đến trợ giúp chúng con! Xin hãy ban hòa bình cho chúng con, xin hãy dạy chúng con hòa bình; xin hãy hướng dẫn các bước đi của chúng con theo đường lối hòa bình. Xin hãy mở mắt của chúng con và mở lòng của chúng con ra, và xin ban cho chúng con lòng can đảm để nói rằng: "Không bao giờ tái diễn chiến tranh nữa!"; "Mọi sự đều bị mất mát đi theo chiến tranh". Xin hãy thấm nhập vào lòng chúng con sự can đảm để thực hiện những bước đi cụ thể trong việc chiếm đạt hòa bình. 

 

Lạy Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Vị Thiên Chúa của các Tiên Tri, Vị Thiên Chúa của Tình Yêu, Ngài đã tạo dựng nên chúng con và Ngài kêu gọi chúng con hãy sống với nhau như anh chị em. Xin hãy ban cho chúng con sức mạnh hằng ngày để chúng con trở thành khí cụ bình an; giúp chúng con có thể thấy hết mọi người băng qua đường lối của chúng con như là những người anh chị em của chúng con. Hãy làm cho chúng con nhạy cảm với lời van nài của đồng bào chúng con là thành phần thiết tha xin chúng con hãy biến các thứ khí giới chiến tranh của chúng con thành dụng cụ hòa bình, nỗi hãi sợ của chúng con thành niềm tin tưởng cậy trông, và việc cãi lộn nhau của chúng con thành sự thứ tha

 

Xin hãy làm sống động trong chúng con ngọn lửa hy vọng, để, nhờ sự nhẫn nại và kiên trì, chúng con có thể chọn đường lối đối thoại và hòa giải. Có thế cuối cùng hòa bình mới chiến thắng, và những lời "chia rẽ", "hận ghét" và "chiến tranh" bị loại trừ khỏi tâm can của hết mọi con người nam nữ. Lạy Chúa, xin hãy giải trừ bạo lực khỏi miệng lưỡi của chúng con và bàn tay của chúng con. Xin hãy canh tân lòng trí của chúng con, để từ ngữ luôn kéo chúng con lại với nhau sẽ là "anh em", và lối sống của chúng con bao giờ cũng sẽ là lối sống của Shalom, Bình An, Salaam!

Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2014/june/documents/papa-francesco_20140608_invocazione-pace.html 

 

"Hãy để cho hòa bình thực sự sớm sủa và mau chóng trở thành di sản của chúng ta"

Tổng Thống Do Thái Shimon Peres

 

Trọng kính Ngài Giáo Hoàng Phanxicô, Ngài Tổng Thống Mahmoud Abbas,

 

(Những lời cảm tạ tri ân)

 

Tôi đã đến từ Thành Thánh Giêrusalem để cám ơn Đức Thánh Cha về lời mời ngoại lệ của Đức Thánh Cha. Thành Thánh Giêrusalem là trung tâm sống động của Nhân Dân Do Thái. Theo tiếng Do Thái, ngôn ngữ cổ của chúng tôi, thì chữ Giêrusalem và chữ hòa bình có cùng một nguồn gốc. Thật vậy, hòa bình là nhãn giới của Giêrusalem

 

Như được nói trong Sách Thánh Vịnh là Hãy cầu nguyện cho hòa bình của Giêrusalem:

"Chớ gì những ai yêu chuộng người được an toàn.

Chớ gì hòa bình ở trong các bức tường của ngươi

và an toàn ở trong các thành quách của người.

Vì gia đình và bạn hữu của tôi,

tôi sẽ nói rằng 'Bình an ở trong ngươi'.

Vì nhà của Chúa là Thiên Chúa chúng ta,

Tôi sẽ tìm kiếm sự thịnh vượng của ngươi".

 

Trong chuyến viếng thăm lịch sử của ngài ở Thánh Địa, ngài đã làm chúng tôi cảm kích trước tấm tình nồng ấm của tâm can ngài, trước sự chân tình nơi ý hướng của ngài, trước tính cách từ tốn của ngài, và trước cách thức đối xử tử tế của ngài. Ngài đã chạm đến cõi lòng của dân chúng - bất kể niềm tin hay quốc gia của họ

Ngài đã xuất hiện như một người bắc cầu cho tình huynh đệ và hòa bình. Tất cả chúng tôi đều cần đến niềm khát vọng đi liền với đặc tính của ngài và đường lối của ngài

 

Xin cám ơn ngài.

 

Hai dân tộc - Do Thái và Palestine - vẫn đang nhức nhối về hòa bình. Những giọt nước mắt của các bà mẹ trên con cái của họ vẫn còn hằn vết trên tâm can của chúng ta. Chúng ta cần phải chấm dứt những tiếng kêu than này, chấm dứt bạo lực, chấm dứt xung đột. Tất cả chúng ta đều cần được hòa bình. Hòa bình giữa những bình đẳng. Lời mời gọi chúng tôi của ngài để liên hợp với ngài trong nghi thức trang trọng kêu gọi hòa bình này ở khu vườn Vatican đây, trước sự hiện diện của những vị lãnh đạo Do Thái, Kitô giáo, Hồi giáo và Druze, là những gì ưu ái phản ảnh cái nhãn quan khát vọng của ngài mà tất cả chúng tôi đều thông dự đó là hòa bình.

 

Vào dịp cảm kích này, đầy những hy vọng và tin tưởng, tất cả chúng tôi cùng với ngài lên tiếng kêu gọi hòa bình giữa các tôn giáo, giữa các quốc gia, giữa các cộng đồng, và giữa đồng loại nam nữ. Hãy để cho hòa bình thực sự trở thành di sản của chúng ta một cách sớm sủa và mau chóng. Cuốn Sách của mọi Cuốn sách của chúng ta truyền cho chúng ta đường lối hòa bình, đòi chúng ta phải cần cù cho việc hiện thực hóa nó. Sách Cách Ngôn có câu: "Các đường lối của nàng là những đường lối của ân sủng, và tất cả nẻo đường của nàng đều là bình an". 

 

Cả đường lối của chúng ta cũng phải như thế. Những đường lối của ân sủng và bình an. Không phải tình cờ mà Rabbi Akiva đã nắm bắt được yếu tính của Ngũ Kinh trong một câu duy nhất: 'Yêu thương tha nhân của mình như chính mình'. Tất cả chúng ta đều bình đẳng trước ChúaTất cả chúng ta đều thuôc về gia đình nhân loại. Vì không có hòa bình chúng ta sẽ không nên trọn, và chúng ta chưa đạt được sứ vụ của nhân loại. Hòa bình không dễ dàng xẩy ra. Chúng ta cần phải vun trồng bằng tất cả năng lực của mình để đạt tới đó. Để đạt tới đó một cách sớm sủa. Thậm chí nó còn đòi phải hy sinh hay thỏa hiệp. 

 

Sách Thánh Vịnh nói vói chúng ta rằng: "Ai yêu chuộng sự sống và mong thấy nhiều ngày tốt đẹp, thì hãy giữ miệng lưỡi khỏi sự dữ. Hãy bỏ dữ làm lành, hãy tìm kiếm hòa bình và theo đuổi nó".

 

Nghĩa là chúng ta được truyền lệnh phải theo đuổi hòa bình. Suốt năm. Hằng ngày. Chúng ta chào nhau bằng lời chúc phúc này. Shalom (bình an theo tiếng Do Thái - biệt chú riêng của người dịch). Salam (bình an theo tiếng Palestine - biệt chú riêng của người dịch). Chúng ta cần phải sống xứng đáng với ý nghĩa sâu xa và đòi hỏi của lời chúc phúc ấy. Thậm chí cả vào những lúc hòa bình dường như xa vời, chúng ta cũng cần phải theo đuổi nó để lám cho nó cận kề lại hơn. 

 

Và nếu chúng ta theo đuổi hòa bình một cách kiên trì, một cách tin tưởng, chúng ta sẽ tiến tới hòa bình. Rồi nó sẽ kéo dài nơi chúng ta, nơi tất cả chúng ta, tất cả mọi niềm tin, như lời chép: "Họ sẽ đúc gươm kiếm thành cầy bừa và đao thương thành liềm hái. Nước này sẽ không gây chiến với nước kia, họ sẽ không còn huấn luyện chiến tranh nữa". 

 

Linh hồn cảm thấy ngây ngất khi đọc thấy những câu nói về thị kiến vĩnh viễn này. Và chúng ta, Do Thái và Palestine, giờ đây cùng nhau biến thị kiến cao đẹp của chúng ta thành một thực tại phúc hạnh và thịnh vượng. Việc mang lại hòa bình cho con cháu của chúng ta nằm ở trong tay của chúng ta. Đó là nhiệm vụ của chúng ta, một sứ vụ thánh hảo của thành phần làm cha mẹ.

 

Xin cho tôi chấm dứt bằng lời nguyện cầu: 

 

Xin Đấng kiến tạo hòa bình ở trên trời thực hiện hòa bình trên chúng ta và trên tất cả Do Thái, cũng như trên toàn thế giới, và chúng ta hãy thưa Amen. 

 

 

 

"Nếu hòa bình được hiện thực ở Giêrusalem thì hòa bình sẽ được thấy ở khắp nơi trên thế giới"

Tổng Thống Palestine Mahmoud Abbas

 

 

Nhân Danh Thiên Chúa, Đấng Tối Sủng Ái và Tối Xót Thương,

Trọng Kính Ngài Giáo Hoàng Phanxicô,

Ngài Tổng Thống Shimon Peres,

Chư Vị Đức Phụ, Chư Vị Trưởng Lão và Chư Vị Tôn Sư,

Quí Nữ Vị và Nam Vị

 

Thật là một vinh hạnh cho tôi được gặp lại Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong việc hoàn trọn lời mời tốt lành của ngài để hoan hưởng sự hiện diện linh liêng và cao quí của ngài, và để lắng nghe ý kiến cùng sự khôn ngoan trong sáng của ngài, những gì xuất phát từ một tấm lòng tốt lành, một lương tâm nhiệt tình cũng như một cảm quan đạo lý và tôn giáo thăng hoa. Tôi xin cám ơn ngài tận đáy lòng của tôi về việc ngài khởi động biến cố qui tụ quan trọng này ở Vatican đây. Cũng thế, chúng tôi hết sức cám ơn việc thăm viếng của ngài ở Palestine Thánh Địa, đặc biệt là ở Thành Thánh Giêrusalem và ở Bêlem; một thành đô của yêu thương và hòa bình, và là cái nôi của Đức Giêsu Kitô. Chuyến viếng thăm ấy là một thể hiện chân thành về niềm tin của ngài vào hòa bình và là một nỗ lực thực sự trong việc đạt đến mục tiêu hòa bình giữa những người Palestine và Do Thái

 

Ôi Thiên Chúa, chúng tôi hằng chúc tụng Chúa vì Chúa đã làm cho Giêrusalem trở thành cổng trời. Như được nói đến trong Sách Thánh Quran. 

 

"Vinh danh Chúa là Đấng đã làm cho tôi tớ của Chúa di chuyển về đêm từ nơi thờ phượng linh thánh này đến chốn thờ phượng xa xôi nhất, ... (đoạn tiếp theo câu này không dài lắm nhưng vì không rõ ý kèm theo chấm phẩy và mở ngoặc kép hơi rắc rối nên đành bỏ không dám dịch tiếp)

 

Ôi, Chúa Trời Đất, xin hãy chấp nhận lời con nguyện cầu cho việc hiện thực chân lý, bình an và công lý nơi xứ sở Palestine của con, nơi miền đất này cũng như cho toàn thế giới.

 

Tôi van xin Chúa, Ôi Chúa, vì nhân dân của tôi, nhân dân ở Palestine, bao gồm tín đồ Hồi giáo, Kitô giáo và Samaritanô là thành phần đang khát vọng một thứ bình an chân chính, một cuộc sống phẩm vị, và tự do. Tôi van xin Chúa, Ôi Chúa, hãy làm cho tương lai của nhân dân chúng tôi được trù phú và hứa hẹn, và ban tự do ở quốc trị chủ quyền và độc lập của chúng tôi; Ôi Chúa, xin hãy ban cho miền đất của chúng tôi và dân chúng của miền đất này được an ninh, an toàn và ổn định.... (câu tiếp theo cũng không rõ ý nên không dám dịch).

 

Ôi Chúa, hòa giải và hòa bình là đích điểm của chúng tôi. Trong Sách Thánh của mình, Thiên Chúa đã nói cùng tín hữu rằng: "Hãy làm hòa giữa các ngươi với nhau". Này chúng tôi đây, Ôi Thiên Chúa, đang hướng đến hòa bình. Xin hãy làm cho các bước tiến của chúng tôi nên mạnh mẽ và cho các cố gắng và nỗ lực của chúng tôi được thành đạt. Ngài là Đấng cổ võ đức hạnh và là Đấng ngăn ngừa những gì là lăng loàn, sự dữ và hung hăng. Chúa phán và Chúa là Đấng trung tín nhất... (câu tiếp theo cũng không rõ ý nên không dám dịch).

 

Hôm nay đây, chúng tôi lập lại những gì Đức Giêsu Kitô nói cùng Giêrusalem rằng: Nếu hôm nay đây ngươi đã biết được đường lối hòa bình (Luca 19:42). Chúng tôi còn nhớ đến những lời của Thánh Gioan Phaolô II là: Nếu hòa bình được hiện thực ở Giêrusalem thì hòa bình sẽ được thấy ở khắp nơi trên thế giới... (câu tiếp theo cũng không rõ ý nên không dám dịch).

 

Thế nên, chúng tôi xin Ngài, Ôi Chúa, ban hòa bình ở Thánh Địa, ở Palestine và ở Giêrusalem cùng với dân chúng của thành này. Chúng tôi kêu xin Chúa hãy làm cho Palestine và đặc biệt Giêrusalem trở thành một mảnh đất an ninh cho tất cả mọi tín hữu, và thành một nơi nguyện cầu cùng thờ phượng cho thành phần môn đồ của ba tôn giáo độc thần là Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, cũng như cho tất cả những ai muốn thăm viếng nó như được nói đến trong Sách Thánh Quran. 

 

Ôi Chúa, Chúa là hòa bình và hòa bình xuất phát từ Chúa. Ôi Thiên Chúa của Vinh Quang và Uy Nghi Cao Cả, xin ban cho chúng tôi an ninh và an toàn, và xin hãy giảm bớt thương đau nơi nhân dân của tôi ở quê nhà cũng như đang lưu lạc tha hương.

 

Ôi Chúa, xin mang lại hòa bình trọn vẹn và chân chính cho xứ sở và miền đất của chúng tôi để nhân dân của chúng tôi và các dân tộc ở Trung Đông cùng toàn thế giới được hoan hưởng hoa trái bình an, ổn định và chung sống. 

 

Chúng tôi muốn hòa bình cho chúng tôi cũng như cho các anh chị em tha nhân của chúng tôi. Chúng tôi tìm kiếm thịnh vượng và bình an trong tâm trí cho chính chúng tôi cũng như cho các người khác. Ôi Chúa, xin đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng tôi và làm cho những nỗ lực của chúng tôi được thành đạt, vì Chúa là Đấng công chính nhất, xót thương nhất, là Chúa của các Thế Giới.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch cả hai bài nói của nhị vị tổng thống trên đây từ http://www.zenit.org/en/articles/addresses-of-presidents-peres-and-abbas-at-invocation-for-peace