Đức Thánh Cha Phanxicô

Vị Giáo Hoàng "từ tận cùng trái đất" đến để Canh Tân Giáo Hội

 

Hướng về vị giáo hoàng "đến từ tận cùng trái đất"

được chọn bầu ngày 13/3/2013 và đăng quang ngày 19/3/2013

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Cho đến nay biến cố Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đột ngột tuyên bố từ nhiệm vào Thứ Hai ngày 11/2/2013 và chính thức về hưu ngày 28/2/2013 vẫn còn là một bí mật chưa hoàn toàn sáng tỏ đối với một số người. Vẫn biết lời ngài công khai cho biết lý do tại sao ngài muốn từ nhiệm về hưu bất ngờ như thế là vì: 1- sức khỏe suy yếu hơn, 2- trong khi nhu cầu Giáo Hội cần một tài nghệ trẻ trung hơn.

 

Trước hết, về lý do sức khỏe thì ngài không bị nhập bệnh viện cả chục lần như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, nhưng vị tiền nhiệm này của ngài vẫn trung thành với sứ vụ cho đến giây phút cuối cùng, cho dù vào những tháng cuối cùng và những ngày cuối đời của mình, vị giáo hoàng tiền nhiệm này không nói được nữa và hầu như liệt giường!

 

Sau nữa, về tài năng trẻ trung hơn thì trong Giáo Hội ở vào thời điểm ngài công bố từ nhiệm thì hầu như không một vị hồng y nào hợp lệ bầu giáo hoàng và làm giáo hoàng hơn ngài vốn được coi là một thần học gia nổi tiếng có một kiến thức uyên bác và có thế giá hơn ngài. Đó là lý do đã có một số tiên đoán rằng cuộc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng thay ngài sẽ kéo dài trong việc chọn lựa vị thừa nhiệm xứng đáng ngang ngửa với ngài.

 

Sau hết, về động lực thúc đẩy ngài từ nhiệm, từ nhiệm có vẻ một cách khá gấp rút và vội vàng, vì bấy giờ ngài đang soạn thảo bức thông điệp thứ tư cho Năm Đức Tin kể như gần xong, đó là Thông Điệp "Ánh Sáng Đức Tin - Lumen Fidei", được vị giáo hoàng thừa nhiệm của ngài ban hành ngày 29/6/2013, có thể, theo suy đoán từ truyền thông, là vì nội bộ Tòa Thánh bấy giờ dồn dập lủng củng nhiều chuyện, liên quan đến trách nhiệm và thế giá của ngài...

 

Tuy nhiên, cho dù động lực sâu xa không ai biết đã thúc đẩy Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đột nhiên tự ý từ nhiệm có thế nào chăng nữa, Thiên Chúa là Đấng quan phòng thần linh vẫn hoàn toàn làm chủ lịch sử chung nhân loại và riêng Giáo Hội Chúa Kitô vẫn có thể lợi dụng để làm việc của mình khi tới thời điểm của nó. Trong trường hợp này và vào thời điểm này, một vị giáo hoàng "đến từ tận cùng trái đất" đã đột nhiên xuất hiện...

 

Sứ mệnh của vị giáo hoàng thừa nhiệm Đức Thánh Cha Biển Đức XVI bất ngờ từ nhiệm này là gì? Nếu không phải, căn cứ vào những gì ngài nói và làm trong năm 2013, năm ngài được Time Magazine bầu chọn làm "Nhân Vật Năm 2013", đó là sứ vụ canh tân giáo hội hay sao? Nguyên tông hiệu giáo hoàng được ngài chọn là Phanxicô, chứ không phải là Ignatio, vị thánh phụ sáng lập Dòng Tên của ngài, cũng đủ cho thấy sứ mệnh ấy của ngài, vì Thánh Phanxicô, sau khi dứt khoát từ bỏ mọi sự để theo Chúa, đã nghe thấy tiếng từ cây Thánh Giá của Thánh Damian ở trong nguyện đường bấy giờ kêu gọi thánh nhận rằng "hãy xây dựng lại nhà của Ta".

 

Vị Giáo Hoàng mang tông hiệu Phanxicô đã thực hiện sứ mạng canh tân Giáo Hội thực sự hay chăng? Nếu có thì như thế nào? Và ở những chỗ nào?

 

Thật ra, tự bản chất Giáo Hội là thánh, do đó không thể nào có và không bao giờ có chuyện canh tân cải cách chính Giáo Hội, trái lại, tất cả mọi phần tử của Giáo Hội, từ Giáo Hoàng và giáo phẩm xuống giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đều phải sống xứng đáng với bản chất thánh thiện của Giáo Hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các phần tử của Giáo Hội và thuộc về Giáo Hội có những lúc, có những người, có những nơi ... đã chẳng những không đúng mà còn ngược lại với bản chất thánh thiện của Giáo Hội nữa. Bởi vậy, vấn đề canh tân cải cách Giáo Hội đây ám chỉ các phần tử của Giáo Hội, áp dụng cho mọi thành phần làm nên Giáo Hội.

 

Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, những gì ngài nói và làm trong thời gian làm giáo hoàng từ ngày 13/3/2013 tới nay đều cho thấy ngài mong muốn canh tân Giáo Hội theo 2 chiều hướng chính yếu đó là chiều hướng thương xót và chiều hướng truyền giáo, hai chiều hướng mật thiết liên kết với nhau bất khả phân ly, đến độ tất cả mọi cơ cấu của Giáo Hội và toàn bộ kho tàng đức tin của Giáo Hội bao gồm cả tín lý lẫn luân lý cũng như bí tích đều phải làm sao để có thể bày tỏ hay thể hiện tình thương, nhờ đó mới làm phát sinh dồi dào phong phú hoa trái nơi sứ vụ và công cuộc truyền bá phúc âm hóa là những gì thiết yếu như chính bản chất của Giáo Hội, và cũng nhờ đó mang lại lợi ích thiêng liêng cho chung con người ngày nay, nhất là đối với những anh chị em hèn mọn nhất về cả thể lý lẫn luân lý.

 

Sau đây là những lời ngài nói (nhất là qua các cuộc phỏng vấn trong năm 2013:7,8,9,12) hay viết (đặc biệt là Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm 24/11/2013), kèm theo những việc ngài làm (ở Nhà Trọ Thánh Matta thay vì ở trong tông dinh Tòa Thánh, sử dụng chiếc xe cũ kỹ thay vì tông xa giáo hoàng, sợ xa quần chúng hơn sợ nguy hiểm an toàn, tỏ ra quí trọng thành phần nghèo khổ hay tật nguyền, và tôn trọng thành phần đáng thương về luân lý v.v.), như chứng thực ngài đã quả thực là vị giáo hoàng được Thiên Chúa sai đến trong thời điểm hiện nay để canh tân Giáo Hội, nhờ đó Giáo Hội mới có thể là "Ánh Sáng muôn dân - Lumen gentium", đúng như Công Đồng Chung Vaticanô II trong thập niên 1960 cảm nhận, hầu mang "vui mừng và hy vọng" đến cho một thế giới càng ngày càng toàn cầu hóa về kinh tế và văn hóa càng gia tăng hưởng thụ trên bần cùng, càng nhận chìm nhân loại vào vực thẳm của buồn thương và tuyệt vọng...

   

Canh tân Giáo Hội theo chiều hướng thương xót

 

"Tôi tin rằng đây là mùa của tình thương. Kỷ nguyên mới chúng ta đã tiến vào đây, và nhiều vấn đề ở trong Giáo Hội - như chứng từ èo ọt nơi một số linh mục, những vấn đề bại hoại trong Giáo Hội, vấn đề duy giáo quyền chẳng hạn - đã khiến cho rất nhiều người cảm thấy nhức nhối, gây ra rất nhiều đớn đau. Giáo Hội là một người mẹ: Giáo Hội cần phải ra đi lấy tình thương để chữa lành cho những ai đang bị đau nhức. Nếu Chúa không bao giờ thôi tha thứ, thì chúng ta không còn chọn lựa nào khác ngoài việc này, đó là trước hết chăm sóc cho những ai đang bị đớn đau. Giáo Hội là một người mẹ, và Giáo Hội cần phải hành trình theo con đường tình thương này. Và tìm kiếm một hình thức xót thương nào đó đối với tất cả mọi người. Khi người con hoang đàng trở về nhà, tôi không nghĩ rằng người cha bảo nó rằng: 'Mày, ngồi xuống đây tao bảo: Mày đã làm gì với số tiền ấy?' Không! Ông đã tỏ ra vui mừng hớn hở! Thế rồi có lẽ khi người con sửa soạn muốn nói thì ông đã lên tiếng trước rồi. Giáo Hội cũng cần phải làm như thế, khi có ai đó ... chẳng những chờ đợi họ, mà còn lên đường tìm kiếm họ nữa! Như thế mới là tình thương chứ. Và tôi tin rằng đây là kairos - cơ hội thuận lợi: thời điểm này là một cơ hội thuận lợi - kairos của tình thương. Thế nhưng Đức Gioan Phaolô II đã có được trực giác về thời điểm này, khi ngài bắt đầu với Chị Thánh Faustina Kowalska, với Lòng Thương Xót Chúa... Ngài đã thấy được một cái gì đó, ngài đã trực giác thấy rằng đó là một nhu cầu cho thời đại của chúng ta" (ĐTC trả lời câu thứ 21/31 trong cuộc phỏng vấn trên máy bay từ Ba Tây về Rôma 28/7/2013).

 

Giáo Hội được kêu gọi trở thành nhà Cha, cửa luôn mở. Một dấu hiệu cụ thể của việc mở cửa này đó là các cửa ở các nhà thờ của chúng ta bao giờ cũng phải mở ra để nhỡ có ai đó, được Thần Linh tác động, đến đó mà tìm kiếm Thiên Chúa, thì họ sẽ không đụng phải cánh cửa đóng kín. Cũng không được đóng các cánh cửa khác. Hết mọi người đều có thể tham dự một cách nào đó vào đời sống của Giáo Hội; hết mọi người đều có thể thuộc về cộng đồng này, các cửa ngõ bí tích không được đóng lại vì bất cứ lý do nào” (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 47). 

 

“Giáo Hội cần phải trở thành một nơi của tình thương được tự do trao tặng, là nơi hết mọi người đều cảm thấy được đón nhận, yêu thương, tha thứ và phấn khích để sống một đời sống tốt lành của Phúc Âm”. (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 114).

 

Canh tân Giáo Hội theo chiều hướng truyền giáo

 

"Tôi mơ đến ‘hướng chiều truyền giáo - missionary option’, tức là một thứ thôi thúc truyền giáo có khả năng biến đổi hết mọi sự, nhờ đó những tục lệ của Giáo Hội, những đường lối hành sự, thời gian tính và các chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu đều có thể xứng hợp trở thành phương tiện truyền bá phúc âm hóa cho thế giới ngày nay, hơn là việc Giáo Hội cứ bám lấy bản thân mình. Việc canh tân các cơ cấu cần đến việc hoán cải về mục vụ chỉ hợp lý theo chiều hướng ấy mà thôi: nó thuộc về nỗ lực làm cho chúng hướng nhiều hơn nữa về sứ vụ truyền giáo, làm cho hoạt động truyền giáo bình thường ở mọi mức độ bao hàm và cởi mở hơn nữa, tác động nơi thành phần mục vụ viên một ước muốn liên lỉ tiến bước, nhờ đó khơi động một đáp ứng tích cực từ tất cả những ai được Chúa Giêsu kêu gọi sống thân tình với Người. Như Đức Gioan Phaolô II có lần đã nói với các vị Giám Mục Đại Dương Châu rằng: ‘Tất cả mọi cuộc canh tân trong Giáo Hội cần phải lấy sứ vụ truyền giáo làm mục đích của mình, bằng không sẽ bị rơi vào cạm bẫy của một thứ tụt hậu Giáo Hội' [John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Oceania (22 November 2001), 19: AAS 94 (2002), 390.]" (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 27).

 

Có những cơ cấu giáo hội có thể gây ngãng trở cho các nỗ lực truyền bá phúc âm hóa, thế nhưng cho dù là những cơ cấu tốt đẹp cũng chỉ bổ ích khi chất chứa một sự sống liên lỉ thúc đẩy, nâng đỡ và định vị chúng. Bất cứ một cấu trúc nào cũng sẽ chóng trở thành vô hiệu nếu thiếu mất sự sống mới và tinh thần phúc âm chân thực, thiếu vắng "tính chất trung thành với ơn gọi của mình" là Giáo Hội”. (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 26).

 

“Bởi vậy chúng ta hãy xông pha (go forth), chúng ta hãy xông pha để cống hiến cho hết mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ở đây tôi muốn lập lại cho toàn thể Giáo Hội những gì tôi đã thường nói với các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires rằng: Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, đớn đau và lem luốc vì xuống đường vào đời hơn là một Giáo Hội thiếu lành mạnh bởi bị giam hãm và dính chặt với cái an toàn của mình. Tôi không muốn một Giáo Hội chỉ quan tâm tới vấn đề trở thành tâm điểm để rồi đi đến chỗ bị rơi vào một mạng lưới đầy những thứ ám ảnh và phương thức. Nếu một điều gì đó có lý quấy rầy chúng ta và khiến cho lương tâm của chúng ta cảm thấy áy náy, thì đó là sự kiện là có rất nhiều anh chị em của chúng ta đang sống không có sức mạnh, ánh sáng và niềm ủi an là những gì xuất phát từ tình thân hữu với Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đồng đức tin để nâng đỡ họ, không có ý nghĩa và mục đích trong đời. Niềm hy vọng của tôi đó là chúng ta sẽ được tác động bởi nỗi lo sợ, hơn cái sợ bị lầm đường lạc lối, trong việc cứ khép kín trong các thứ cơ cấu cống hiến cho chúng ta một cảm giác sai lầm về sự an toàn, trong các thứ luật lệ khiến chúng ta có những phán đoán thô lỗ, trong những thứ thói quen khiến cho chúng ta cảm thấy an toàn, trong khi đó thì ở ngay cửa nhà của mình, dân chúng đang chết đói và Chúa Giêsu vẫn không ngừng nói với chúng ta rằng: ‘Các con hãy cho họ ăn gì đi’ (Mk 6:37)”. (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 49).

 

“Đó là lý do tại sao tôi muốn một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo”. (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm -198).

 

Canh tân Giáo Hội ở phạm vi giáo hoàng

 

“Vì tôi được kêu gọi để áp dụng thực hành những gì tôi yêu cầu người khác mà tôi cũng phải nghĩ đến một cuộc hoán cải về vai trò giáo hoàng nữa. Nhiệm vụ của tôi, với tư cách Giám Mục Rôma, đó là cởi mở đón nhận các ý kiến đề nghị có thể giúp cho việc thi hành thừa tác vụ của tôi một cách trung thực hơn với ý nghĩa được Chúa Giêsu mong muốn nơi vai trò này cũng như trung thực với các nhu cầu hiện nay của việc truyền bá phúc âm hóa” (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 32)

 

“Tôi thích khi người ta nói cùng tôi rằng: ‘Tôi không đồng ý’, và tôi đã gặp như thế. ‘Thế nhưng tôi không thấy như vậy, tôi bất đồng: đó là những gì tôi nghĩ, còn ngài cứ làm như ngài muốn’. Đó là một thứ hợp tác thực sự. Và tôi đã thấy có người như thế ở Tòa Thánh. Đó là một điều tốt. Thế nhưng cũng có những người nói rằng: ‘Ô, tuyệt vời biết bao, tuyệt với biết mấy, tuyệt vời biết chừng nào’, rồi sau đó họ nói ngược lại ở chỗ khác... Tôi chưa gặp phải ai như vậy”. (ĐTC trả lời câu thứ 4/31 trong cuộc phỏng vấn trên máy bay từ Ba Tây về Rôma 28/7/2013).

 

Nhờ ít vấn đề an toàn hơn mà tôi đã có thể ở với dân chúng, tôi mới có thể ôm lấy họ, chào hỏi họ, không cần đến những chiếc xe võ trang.... tin vào dân chúng là một thứ an toàn. Thật sự là bao giờ cũng có nguy hiểm đối với một số người điên khùng... thứ nguy hiểm do một số người khùng điên ra tay, thế nhưng vẫn có Chúa chứ! Tuy nhiên, thực hiện một thứ khoảng cách võ trang ngăn cách giữa vị giám mục với dân chúng là một thứ khùng điên, và tôi thích thứ khùng điên kia hơn là thứ khùng điên này! Thứ khùng điên gây nguy cơ cho thứ khùng điên kia! Tôi thích thứ khùng điên kia hơn là thứ khùng điên này! Tất cả chúng ta đều cảm thấy tốt đẹp khi được gần gũi nhau” (ĐTC mở đầu cuộc phỏng vấn trên máy bay từ Ba Tây về Rôma 28/7/2013).

 

“Cái cặp đen này không có cái chốt cho bom nguyên tử đâu! Ồ! tôi xách theo nó vì đó là những gì tôi hằng làm đó thôi. Khi nào du hành thì tôi mang nó theo. Còn bên trong đựng những gì ư? Có một cái cạo râu, một cuốn sách nguyện, cuốn nhật ký của tôi, một cuốn sách để đọc - Tôi mang theo cuốn về Thánh Thérèse of Lisieux là vị tôi sùng kính. Bao giờ tôi cũng mang cái túi này đi khi du hành. Đó là chuyện bình thường thôi. Chúng ta cần phải sống bình thường... Tôi không biết... những gì bạn nói hơi lạ đối với tôi đấy, tấm hình chụp ấy đã được phổ biến khắp thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cần phải làm quen với những gì là bình thường. Tính chất bình thường của đời sống. Andrea, tôi không biết tôi đã trả lời câu hỏi của bạn chưa” (ĐTC trả lời câu thứ 2/31 trong cuộc phỏng vấn trên máy bay từ Ba Tây về Rôma 28/7/2013).

 

“Bạn biết rằng tôi thường muốn như thế nào đi bộ qua các đường phố ở Rôma, vì, ở Buenos Aires, tôi thích đi bộ trong thành phố, tôi thật sự là thích làm như thế! Bởi thế tôi cảm thấy hơi bị gò bó. Thế nhưng, tôi phải công nhận một điều, đó là những người thuộc Lực Lượng Vệ Binh Vatican rất tốt, họ thật sự, thật sự là tốt, tôi phải biết ơn họ. Vậy họ để cho tôi làm thêm một ít điều nữa! Tôi nghĩ ... công việc của họ là giữ an toàn. Bởi thế vấn đề gò bó là như thế. Tôi thích đi ra ngoài bách bộ nhưng tôi hiểu rằng điều ấy không thể nào khả dĩ: Tôi hiểu mà. Đó là những gì tôi muốn nói. Vì tôi thường - như chúng ta nói ở Buenos Aires – là một callejero, một linh mục hè phố...” (ĐTC trả lời câu thứ 14/31 trong cuộc phỏng vấn trên máy bay từ Ba Tây về Rôma 28/7/2013).

 

"Rồi còn một điều nữa thật sự là quan trọng đối với tôi, đó là cộng đồng. Tôi luôn luôn tìm kiếm một cộng đồng. Tôi không coi tôi như là vị linh mục một mình. Tôi cần một cộng đồng. Và cha có thể thấy điều này nơi sự kiện tôi ở Nhà Thánh Matta đây. Vào thời điểm mật nghị hồng y bầu giáo hoàng, tôi đã ở Phòng 207. (Phòng bè được phân chia bằng việc rút thăm). Phòng mà giờ đây chúng ta ở là một phòng khách. Tôi đã chọn sống ở đây, tại Phòng 201, vì khi tôi lấy căn giáo hoàng thất thì trong bản thân mình tôi đã nghe rõ một tiếng 'đừng'. Căn giáo hoàng thất ở Tông Dinh không sang trọng lộng lẫy gì. Nó cũ kỹ, được trang hoàng đẹp đẽ và rộng rãi, nhưng không sang trọng lộng lẫy. Thế nhưng, nó ở cuối giống như một cái phễu lộn ngược. Nó lớn và rộng rãi, thế nhưng lối vào lại thật là nhỏ. Người ta chỉ có thể đi vào từng ít một và buồn tẻ, và tôi không thể sống mà thiếu dân chúng. Tôi cần sống cuộc đời mình với những người khác". (ĐTC trả lời câu thứ 2/20 trong cuộc phỏng vấn với Tờ La Catholica 19/8/2013).

 

“Trong chuyến bay từ Rio de Janerio về tôi đã nói rằng nếu một người đồng tính có thiện tâm và tìm kiếm Thiên Chúa thì tôi không phải là người phán xét. Nói như thế là tôi nói những gì giáo lý viết. Tôn giáo có quyền bày tỏ ý nghĩ của mình trong việc phục vụ dân chúng, thế nhưng Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta có tự do: không thể nào can thiệp vào đời sống của người ta về phương diện thiêng liêng.

 

"Có lần một người hỏi tôi một cách khiêu khích rằng tôi có chuẩn nhận vấn đề đồng tính chăng. Tôi đã đáp lại bằng một câu hỏi khác rằng: 'hãy nói cho tôi biết khi Thiên Chúa nhìn vào một người đồng tính thì Ngài có yêu thương chấp nhận sự hiện hữu của con người này không, hay loại trừ và lên án con người ấy?' Chúng ta bao giờ cũng cần phải lưu ý tới con ngườiĐến đây chúng ta tiến vào mầu nhiệm con người. Trong cuộc đời, Thiên Chúa hỗ trợ con người, và chúng ta cần phải hỗ trợ họ, bắt đầu từ tình trạng của họ. Cần phải hỗ trợ họ bằng tình thương.” (ĐTC trả lời câu thứ 9/20 trong cuộc phỏng vấn với Tờ La Catholica 19/8/2013).

 

"Thánh Phanxicô muốn có một dòng hành khất và một dòng lưu động. Những nhà truyền giáo là thành phần muốn gặp gỡ, lắng nghe, giúp đỡ, truyền bá đức tin và tình yêu. Nhất là tình yêu. Và ngài đã mơ tưởng về một Giáo Hội nghèo khổ biết chăm sóc người khác, lãnh nhận sự trợ giúp về vật chất và sử dụng vật chất để hỗ trợ người khác mà không quan tâm đến mình. Thế rồi từ dó tám trăm năm đã trôi qua và thời gian đã thay đổi, thế nhưng lý tưởng của một vị truyền giáo về một Giáo Hội nghèo vẫn còn giá trị hơn nữa. Đó vẫn là một Giáo Hội được Chúa Giêsu và các môn đệ của Người rao giảng". (ĐTC trả lời câu thứ 36/52 trong cuộc phỏng vấn với Tờ La Repubblica 24/9/2013).

 

Canh tân Giáo Hội ở phạm vi giáo triều

 

“Vai trò giáo hoàng và các cơ cấu tổ chức trung ương của Giáo Hội hoàn vũ cũng cần nghe thấy tiếng gọi hoán cải về mục vụ này... Việc tập quyền trung ương thái quá, hơn là cống hiến hữu ích, là những gì gây rắc rối cho đời sống của Giáo Hội cũng như cho việc vươn mình truyền giáo của Giáo Hội. (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 32)

 

“Có một số điều được Hồng Y chúng tôi yêu cầu xuất phát từ vị đã trở thành tân Giáo Hoàng. Tôi nhớ rằng tôi đã xin nhiều điều, nghĩ rằng xẩy ra cho một ai khác... Chẳng hạn chúng tôi yêu cầu có một Ủy Ban 8 vị Hồng Y, chúng tôi biết rằng cần phải có một cơ cấu tham vấn viên ở bên ngoài, chứ không phải là các cơ cấu tham vấn vốn đã có, mà là cơ cấu bên ngoài. Điều này đã hoàn toàn hợp với tính chất chín mùi nơi mối liên hệ giữa đoàn tính và quyền bính giáo hoàng. Nóí cách khác, việc thành lập 8 vị hồng y này là việc thiên về đoàn tính, các vị sẽ giúp các hội đồng giám mục khác nhau trên thế giới thể hiện mình nơi chính việc quản trị của Giáo Hội. Có nhiều dự trù được phác họa nhưng chưa được áp dụng, chẳng hạn như việc cải cách Văn Phòng Thượng Nghị Giám Mục cùng với phương pháp làm việc của văn phòng này; như ủy ban Hậu Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới là ủy ban có tính chất tham vấn thường trực; như các mật nghị Hồng Y có ít các chương trình nghị sự hơn, về việc phong thánh chẳng hạn, nhưng cũng bao gồm cả các vấn đề khác nữa v.v…

 

“Về IOR, tôi không biết IOR sẽ kết thúc ra sao. Một số người nói có lẽ tốt hơn là nó trở thành như một nhà băng, những người khác lại nói nó phải là một thứ quĩ cứu trợ, có những người lại nói nó cần phải bị đóng cửa. Đấy! Đó là những gì người ta nói. Tôi không biết. Tôi tin tưởng vào việc làm của nhân viên IOR, thành phần đang lo cho IOR, và tin tưởng vào cả nhân viên của Ủy Ban này nữa. Vị Chủ Tịch IOR vẫn tại chức, như trước, trong khi vị Giám Đốc và Phó Giám Đốc đã từ nhiệm. Thế nhưng tôi không biết tất cả những điều ấy sẽ kết thúc ra sao, tuy nhiên không sao, vì chúng tôi tiếp tục theo dõi và sẽ thực hiện một điều gì đó. Chúng ta là loài người trong tất cả những sự ấy mà. Chúng ta cần phải tìm cách giải quyết tốt đẹp nhất, chắc chắn là thế. Tuy nhiên hình thức của IOR - cho dù là một nhà băng, một quĩ cứu trợ hay là một cái gì khác - cũng cần phải làm sao cho thanh liêm và thành thực, cần phải như thế”. (ĐTC trả lời câu thứ 1/31 trong cuộc phỏng vấn trên máy bay từ Ba Tây về Rôma 28/7/2013).

 

“Ai cũng sống cuộc đời riêng của mình, hết mọi người đều có cách sống và hiện hữu riêng của họ. Các Hồng Y làm việc ở Tòa Thánh không sống cuộc sống giầu sang phú quí: các vị sống ở các chung cư nhỏ, các vị sống khắc khổ, các vị thật sự là khắc khổ. Những chung cư tôi biết, những chung cư do APSA cung cấp cho các vị Hồng Y. Vậy, đối với tôi, có một điều khác tôi muốn nói đến. Hết mọi người cần phải sống như Chúa muốn họ sống. Thế nhưng, vấn đề khổ hạnh - một thứ khổ hạnh tổng quát - tôi nghĩ rằng là những gì cần thiết cho tất cả những ai hoạt động phục vụ Giáo Hội. Có nhiều thứ bóng dáng của khổ hạnh... ai cũng cần phải tìm kiếm cách thức riêng của mình.

 

“Ở Tòa Thánh có các vị thánh. Cũng có một số không thánh cho lắm, và đó là những người bạn đang muốn nghe đến. Bạn biết rằng chỉ cần một cây đổ xuống thôi cũng làm ầm lên hơn là cả một cánh rừng đang vươn lên. Nên tôi cảm thấy đau đớn khi thấy những điều ấy xẩy ra. Thế nhưng, có một số, một số thôi gây gương mù gương xấu. Chúng ta có Đức Ông ấy ở trong tù, tôi nghĩ rằng ngài vẫn đang ở trong tù. Ngài không thực sự vào tù vì ngài giống như Chân Phước Imalda, ngài không phải là thánh nhân. Đó là những vụ bê bối và chúng thực sự là tác hại. Có một điều - tôi chưa hề nói điều này trước đây, nhưng tôi nhận thấy nó - tôi nghĩ rằng Tòa Thánh, một cách nào đó, đã rơi xuống khỏi tầm mức đã từng có, khi còn ở vào những ngày tháng còn những thành phần thuở xưa sùng mộ giáo hoàng (curalist)... còn những gì liên quan đến con người thuở xưa sùng mộ giáo hoàng, trung thành, làm phận vụ của mình. Chúng ta cần những con người ấy. Tôi nghĩ... cũng có một số, nhưng không nhiều như đã từng có. Tôi muốn nói đến những gì liên quan đến thành phần thuở xưa sùng mộ giáo hoàng. Tôi cần đến họ hơn nữa. Tôi có gặp chống đối ư! Ồ! nếu có chống đối chăng nữa thì tôi chưa hề thấy nó”. (ĐTC trả lời câu thứ 4/31 trong cuộc phỏng vấn trên máy bay từ Ba Tây về Rôma 28/7/2013).

 

“Về Đức Ông Ricca: tôi đã thực hiện những gì Giáo Luật đòi hỏi đó là vấn đề investigatio previa - điều tra trước khi bổ nhiệm. Cuộc điều tra này không khám phá thấy gì hết. Câu trả lời là như thế. Tuy nhiên, tôi muốn được nói thêm thế này, tôi thấy rằng nhiều lần trong Giáo Hội, ngoài trường hợp này ra và bao gồm cả trường hợp này, người ta tìm kiếm ‘các thứ tội lỗi xẩy ra từ thời còn trẻ’ chẳng hạn để mà công khai hóa chúng. Chúng không phải là những tội ác phải không? Các tội ác là những gì khác, chẳng hạn việc lạm dụng tình dục vị thành niên là một tội ác. Chúng chỉ là tội lỗi. Thế nhưng, nếu chẳng may một người giáo dân, hay một vị linh mục, hoặc một chị nữ tu, sa ngã phạm tội rồi hoán cải thì Chúa tha thứ, và một khi Chúa tha thứ thì Ngài cũng quên đi, và điều này quan trọng đối với đời sống của chúng ta. Khi chúng ta xưng thú tội lỗi của chúng ta và chúng ta thực lòng nói rằng ‘con đã phạm tội nơi điều này’, thì Chúa quên nó rồi, nên chúng ta có quyền tha thứ, bởi vì, bằng không chúng ta có nguy cơ không được Chúa tha thứ cho chúng ta. Đó là những gì nguy hiểm. Cần phải có một khoa thần học về tội lỗi. Nhiều lần tôi nghĩ về Thánh Phêrô. Ngài đã phạm một trong những tội trầm trọng nhất, đó là tội ngài chối bỏ Chúa Kitô, ấy thế mà cho dù phạm tội như thế ngài vẫn làm Giáo Hoàng. Chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều về điều này. Thế nhưng, trở lại với câu bạn hỏi một cách cụ thể. Tôi tin rằng khi bạn đối xử với một con người như vậy, bạn cần phải phân biệt giữa sự kiện về một con người là đồng tính với sự kiện về một ai đó đang thực hiện một cuộc vận động, vì không phải tất cả mọi thứ vận động đều tốt cả. Việc vận động này không phải là một vận động tốt. Nếu một con người đồng tính có thiện chí muốn tìm kiếm Thiên Chúa thì tôi là ai mà dám phán xét họ chứ? Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo giải thích điều này một cách tuyệt vời rằng... xin đợi một chút, sách viết sao nhỉ... sách viết rằng: ‘không ai được loại trừ họ vì điều ấy, họ cần phải được hội nhập vào xã hội’. Vấn đề này không phải là ở chỗ có khuynh hướng, không, chúng ta cần phải là anh chị em của nhau, có người này người kia. Vấn đề là ở chỗ thực hiện một cuộc vận động cho khuynh hướng này: một cuộc vận động của những người keo kiệt bủn xỉn, một cuộc vận động của các chính trị gia, một cuộc vận động của thành phần tam điểm, rất ư là nhiều thứ vận động. Đối với tôi, đó là một vấn đề còn lớn hơn thế nữa”. (ĐTC trả lời câu thứ  31/31 trong cuộc phỏng vấn trên máy bay từ Ba Tây về Rôma 28/7/2013).

 

"Các cuộc mật nghị hồng y, các thượng nghị giám mục thế giới chẳng hạn, là những nơi quan trọng để thực hiện việc tham vấn này thực sự và chủ động. Tuy nhiên, chúng ta cần phải bớt đi cái hình thức cứng đơ của chúng. Tôi không muốn những thứ tham vấn hời hợt mà là những thứ tham vấn thực sự. Nhóm tham vấn với 8 vị hồng y, nhóm cố vấn 'ngoài lề' này, không phải chỉ là quyết định của tôi, mà là xuất phát từ ý của các vị hồng y thực sự được bày tỏ trong các cuộc họp chung trước mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng. Và tôi muốn thấy rằng đây là một cuộc tham vấn thực sự chứ không phải theo hình thức".(ĐTC trả lời câu thứ 6/20 trong cuộc phỏng vấn với Tờ La Catholica 19/8/2013).

 

"Các phân bộ của Tòa Thánh Rôma là để phục vụ giáo hoàng và các vị giám mục. Chúng cần phải phụ giúp cả các Giáo Hội riêng nữa cũng như các hội đồng giám mục. Chúng là dụng cụ phụ giúp. Tuy nhiên, có những trường hợp chúng không hành sự ngon lành, chúng có nguy cơ trở thành những cơ quan kiểm duyệt. Thật là lạ lùng khi thấy những thứ tố giác vì thiếu truyền thống được tường trình về Rôma. Tôi nghĩ những trường hợp này cần phải được điều tra bởi các hội đồng giám mục địa phương, những cơ cấu có thể được trợ giúp đáng kể của Rôma. Thật vậy, những trường hợp này tốt hơn cần phải được giải quyết ở địa phương. Những thánh bộ ở Rôma là thành phần dàn xếp; chúng không phải là thành phần môi giới hay quản đốc" (ĐTC trả lời câu thứ 11/20 trong cuộc phỏng vấn với Tờ La Catholica 23/8/2013).

 

"Chúng ta cần phải cùng nhau bước đi: dân chúng, các vị giám mục và giáo hoàng. Hội đồng tính cần phải sống ở các cấp trật khác nhau. Có thể đã đến lúc cần phải thay đổi phương pháp cho các Thượng Nghị Giám Mục, vì theo tôi, phương pháp hiện hành không có tính chất năng động. Điều này cũng sẽ có một giá trị đại đồng nữa, nhất là với anh em Chính Thống của chúng ta. Từ những người anh em này chúng ta biết hơn về ý nghĩa đoàn tính giáo phẩm và truyền thống của hội đồng tính. Việc nỗ lực chung chia sẻ, khi nhìn vào cách thức Giáo Hội được quản trị ở những thế kỷ đầu, trước cuộc rạn nứt giữa Đông và Tây, sẽ mang lại hoa trái vào thời điểm của nó. Trong các mối liên hệ toàn cầu chẳng những cần phải biết nhau hơn, mà còn cần phải nhận biết những gì Thần Linh gieo nơi ai khác như là một tặng ân cho chúng ta nữa. Tôi muốn tiếp tục cuộc bàn thảo được bắt đầu từ năm 2007 này bởi ủy ban chung Công Giáo và Chính Thống về cách thức hành xử vai trò thủ lãnh của Thánh Phêrô, một cuộc bàn thảo đã dẫn đến việc ký nhận Văn Kiện Ravenna. Chúng ta cần phải tiếp tục con đường này". (ĐTC trả lời câu thứ 11/20 trong cuộc phỏng vấn với Tờ La Catholica 23/8/2013).

 

"Những vị làm đầu của Giáo Hội đã thường là thành phần yêu bản thân mình, được tâng bốc và xúc động trước nịnh thần của mình. Việc nịnh thần này là thứ đồ cùi hủi của chức vị giáo hoàng". (ĐTC trả lời câu thứ 12/52 trong cuộc phỏng vấn với Tờ La Repubblica 24/9/2013).

 

"Đôi khi có các nịnh thần ở tòa thánh, thế nhưng tòa thánh nói chung là vấn đề khác. Nó là những gì ở trong quân đội được gọi là văn phòng sĩ quan hậu cần (the quartermaster's office), nó quản trị các dịch vụ giúp cho Tòa Thánh. Thế nhưng, nó có một nhược điểm, đó là cái cốt lõi Vatican (Vatican-centric). Nó thấy và tìm kiếm ích lợi của Vatican là những gì hầu hết vẫn là những lợi ích trần gian. Quan điểm cốt lõi Vatican này là những gì bỏ quên đi thế giới quanh chúng ta. Tôi không có cùng quan điểm này và tôi sẽ làm mọi sự có thể để thay đổi quan điểm ấy. Giáo Hội là hay phải trở về với tình trạng là một cộng đồng dân Chúa, và các linh mục, giám mục, có trách nhiệm chăm sóc các linh hồn, cần phải phục vụ Dân Chúa. Giáo Hội như thế vậy, một từ ngữ không có gì khác lạ với Tòa Thánh, nơi có phận vụ của riêng mình tuy quan trọng nhưng là để phục vụ Giáo Hội. Tôi sẽ không thể có trọn vẹn đức tin vào Thiên Chúa cũng như vào Con của Ngài nếu tôi không được giáo dục trong Giáo Hội, và nếu tôi không may mắn được ở Á Căn Đình, mà thiếu vắng cộng đồng này tôi đã không nhận thức được bản thân mình và đức tin của mình". (ĐTC trả lời câu thứ 13/52 trong cuộc phỏng vấn với Tờ La Repubblica 24/9/2013).

"Có nhiều việc cần phải làm. Những ai muốn đề ra những dự thảo hay gửi ý kiến đều đã làm rồi. Hồng Y Bertello đã thu góp các quan điểm của tất cả mọi phân bộ Vatican. Chúng tôi đã nhận được những đề nghị của các vị giám mục ở khắp nơi trên thế giới. Trong cuộc họp cuối cùng vừa rồi, tám vị hồng y đã nói với tôi đã đến lúc thực hiện những dự thảo cụ thể, và vào cuộc họp Tháng 2 tới, các vị sẽ trình bày những đề nghị của các vị cho tôi. Tôi bao giờ cũng có mặt ở các cuộc họp, trừ sáng Thứ tư vì tôi có buổi Triều Kiến Chung. Thế nhưng tôi không nói, tôi chỉ lắng nghe và tôi cảm thấy hay hay. Mấy tháng trước đây, một vị hồng y lão thành đã nói với tôi rằng: 'Ngài đã bắt đầu thực hiện cải cách Giáo Triều bằng các thánh lễ hằng ngày của ngài ở Nhà Thánh Matta'. Điều này khiến tôi nghĩ rằng vấn đề cải cách bao giờ cũng bắt đầu những khởi động về tinh thần và mục vụ trước những đổi thay về cơ cấu tổ chức". (ĐTC trả lời câu thứ 16/21 trong cuộc phỏng vấn với Tờ La Stampa 10/12/2013).

"Các ủy ban về tham khảo đang đạt được khá tiến bộ. Tiểu ban chuyên nghiệp thẩm định các biện pháp chống chuyển tiền đã cống hiến cho chúng tôi một bản tường trình tích cực và chúng tôi đang đi đúng hướng. Về tương lai của IOR chúng ta hãy chờ xem. ‘Ngân hàng chính’ của Vatican chẳng hạn được nhắm đền việc trở thành APSA (The Administration for the Patrimony of the Holy See - Cơ Quan Quản Trị Gia Sản của Tòa Thánh). IOR được thiết lập để giúp vào các công việc về tôn giáo, những nơi truyền giáo và các Giáo Hội nghèo. Vậy thì giờ đây nó đã trở thành những gì nó là rồi vậy". (ĐTC trả lời câu thứ 19/21 trong cuộc phỏng vấn với Tờ La Stampa 10/12/2013).

“Cái tính chất trần tục xảo quyệt này là những gì tỏ tường ở nơi một số thái độ có vẻ đảo nghịch nhưng tất cả đều có chung một chiêu bài ‘chiếm chỗ của Giáo Hội’. Nơi một số người chúng ta thấy một thứ bận tâm một cách phô trương đến phụng vụ, đến tín lý cũng như đến thế giá của Giáo Hội, nhưng lại không quan tâm gì đến chuyện Phúc Âm có thực sự ảnh hưởng đến dân Chúa cũng như đến các nhu cầu cụ thể của thời hiện đại. Theo chiều hướng như thế thì đời sống của Giáo Hội trở thành một thứ đồ vật quí ở trong bảo tàng viện hay một cái gì đó thuộc tài sản của một thiểu số ưu đãi. Nơi những người khác thì tính chất trần tục thiêng liêng này ẩn nấp ở đằng sau một thứ say mê chiếm đoạt về xã hội và chính trị, hay một thứ kiêu hãnh về khả năng của họ trong việc điều hành những vụ việc thực tế, hoặc một thứ ám ảnh với các chương trình tự biên tự diễn. Nó cũng có thể chuyển thành một mối quan tâm có thể thấy được, thành một cuộc sống xã hội đầy những bề ngoài, hội họp, tiệc tùng. Nó cũng có thể dẫn đến một thứ tâm thức mậu dịch, dính chặt với việc hành chính, thống kê, phác định và thẩm định mà lợi ích chính yếu của nó không phải là dân Chúa nhưng là một Giáo Hội như là một thứ cơ cấu tổ chức. Dấu tích của Đức Kitô, nhập thể, tử giá và phục sinh, không còn nữa; mà là những nhóm khép kín và thiểu số ưu tú được thành hình, không có một nỗ lực nào dấn thân tìm kiếm những ai xa cách hay vô vàn đám đông đang khát vọng Chúa Kitô. Nhiệt tình phúc âm được thay thế bằng những gì là khoái lạc trống rỗng của lòng tự mãn và mê đắm bản thân”. (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 95)

 

Canh tân Giáo Hội ở phạm vi giảng dạy

 

"Tôi nói điều này cũng nghĩ đến cả việc giảng và nội dung của việc chúng ta giảng. Một bài giảng tuyệt vời, một bài giảng chân thực cần phải bắt đầu bằng việc công bố tiên khởi, bằng việc công bố ơn cứu độ. Không có gì vững chắc hơn, sâu xa hơn và bảo đảm hơn việc công bố này. Sau đó bạn cần phải thực hiện việc dạy giáo lý. Rồi bạn có thể rút tỉa ra một hệ quả luân lý nào đó. Thế nhưng, việc công bố tình yêu cứu độ của Thiên Chúa xuất phát trước những đòi hỏi về luân lý và đạo lý. Ngày nay, đôi khi cái thứ tự đảo ngược lại thịnh hành hơn. Bài giảng là tiêu chuẩn đo lường sự gần gũi và khả năng của vị mục tử trong việc gặp gỡ dân của ngài, vì những ai giảng dạy cần phải nhận biết tâm can của cộng đồng mình, và cần phải có thể thấy được ước muốn Thiên Chúa sống động và nhiệt thành ở chỗ nào. Bởi thế, sứ điệp của Phúc Âm không được biến thành một số khía cạnh cho dù thích đáng nhưng tự mình chúng không cho thấy tâm điểm của sứ điệp về Chúa Giêsu Kitô". (ĐTC trả lời câu thứ 11/20 trong cuộc phỏng vấn với Tờ La Catholica 23/8/2013).

 

“Trước hết, cần phải nói rằng trong việc giảng dạy Phúc Âm cần phải bảo trì một cảm quan xứng hợp về tính cách cân đối. Thường thấy có những đề tài được đề cập đến và nhấn mạnh nơi việc giảng dạy. Chẳng hạn, nếu trong tiến trình của phụng niên, vị linh mục coi xứ nói về sự điều độ chừng mực 10 lần nhưng chỉ đề cập đến đức bác ái hay đức công chính có hai ba lần là xẩy ra chuyện bất quân bằng rồi đó, mà chính những nhân đức này mới cần phải được trình bày hơn hết trong việc giảng dạy và trong vấn đề giáo lý nhưng đã bị coi nhẹ. Xẩy ra tương tự như thế đó là khi chúng ta nói nhiều về luật lệ hơn là về ân sủng, nhiều về Giáo Hội hơn về Chúa Kitô, nhiều về Giáo Hoàng hơn về lời Chúa”. (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 38)

 

“Vấn đề lớn nhất đó là lúc sứ điệp chúng ta rao giảng lúc bấy giờ dường như được đồng hóa với các khía cạnh phụ thuộc mà cho dù chúng có quan trọng đến đâu, tự chúng và bởi chúng, cũng không chuyển đạt cốt lõi của sứ điệp Chúa Kitô. Chúng ta cần phải thiết thực và đừng cho rằng thính giả của chúng ta hiểu được tất cả cái bối cảnh về những gì chúng ta đang nói, hay có thể liên hệ đến những gì chúng ta nói với chính cốt lõi của Phúc Âm, một cốt lõi cống hiến ý nghĩa, vẻ đẹp và sự hấp dẫn cho những gì chúng ta nói tới”. (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 39)

 

“Bài giảng không thể trở thành một hình thức giúp vui như những thứ giúp vui được truyền thông trình diễn, mà cần phải cống hiến sự sống và ý nghĩa cho việc cử hành. Nó là một thể loại chuyên biệt, vì việc giảng dạy được đặt vào trong cơ cấu của việc cử hành phụng vụ; bởi thế nó cần phải vắn gọn và tránh cái hình thức giống như một bài diễn văn hay một bài thuyết trình. Một nhà giảng thuyết có thể kéo chú ý của thành phần thính giả nghe mình nói cả một tiếng đồng hồ, thế nhưng, trong trường hợp này thì ngôn từ của họ trở thành quan trọng hơn là việc cử hành đức tin. Nếu bài giảng quá dài, nó sẽ gây ảnh hưởng đến hai yếu tố đặc biệt của việc cử hành phụng vụ đó là yếu tố quân bình của nó và nhịp độ của nó. Khi việc giảng dạy diễn ra trong bối cảnh phụng vụ thì nó là một phần của việc hiến dâng lên Cha và là một thứ dàn xếp của thứ ân sủng được Chúa Kitô tuôn đổ xuống trong việc cử hành này. Môi trường phụng vụ ấy cần đến việc giảng dạy phải làm sao hướng dẫn cộng đồng cùng với vị giảng thuyết đến một mối hiệp thông đổi đời với Chúa Kitô trong Thánh Thể. Điều ấy có nghĩa là những ngôn từ của vị giảng thuyết cần phải được thận trọng, để làm sao Chúa, hơn là thừa tác viên của Người, trở thành tâm điểm của sự lưu tâm chú ý”. (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 138)

 

“Môi trường này, vừa có tính chất mẫu thân vừa có tính chất giáo hội, trong đó cuộc đối thoại giữa Chúa và dân Ngài diễn ra, cần phải được phấn khích bởi việc gần gũi của vị giảng thuyết, bởi cái nồng nàn nơi cung giọng của họ, bởi sự chân tình nơi cung cách nói năng của họ, bởi niềm vui nơi các cử chỉ của họ. Cho dù có những lúc bài giảng trở nên buồn tẻ làm sao ấy, nếu tinh thần mẫu thân và giáo hội này có đó, nó sẽ luôn luôn sinh hoa kết trái, giống như lời khuyên nhủ buồn tẻ của một người mẹ sinh hoa kết trái khi tới lúc của nó trong lòng của con cái vậy”. (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 140)

 

“Một trong những điều quan trọng nhất đó là biết làm sao sử dụng các hình ảnh trong khi giảng dạy, làm sao gợi óc tượng tượng. Đôi khi sử dụng những thí dụ để làm sáng tỏ một điểm nào đó, thế nhưng các thí dụ này thường chỉ thu hút trí khôn; trái lại, hình ảnh giúp dân chúng thấm thía hơn và chấp nhận sứ điệp được chúng ta truyền đạt. Một hình ảnh hấp dẫn làm cho sứ điệp dường như quen thuộc, gần gũi, cụ thể và liên hệ tới cuộc sống hằng ngày. Một hình ảnh tác hiệu có thể làm cho con người thưởng thức được sứ điệp, làm bừng lên ước muốn và thúc đẩy ý muốn hướng về Phúc Âm. Một bài giảng hay cần phải có ‘ý tưởng, cảm thức, hình ảnh’". (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 140)

 

“Nếu chúng ta thích ứng ngôn ngữ của con người và vươn tới họ bằng lời Chúa, chúng ta cần phải tham phần vào đời sống của họ và ưu ái chú trọng tới họ. Tính chất giản dị và sáng tỏ là hai điều khác nhau. Ngôn ngữ của chúng ta có thể đơn giản nhưng việc giảng dạy của chúng ta có thể không được rõ ràng cho lắm. Nó có thể đi đến chỗ khó hiểu vì nó không được hệ thống hóa, thiếu tính chất triển khai hợp lý hay cố gắng nói nhiều điều một lúc. Vậy chúng ta cần làm sao để có thể bảo đảm là bài giảng có một sự thống nhất theo đề tài, rõ ràng thứ tự và ăn khớp với nhau giữa các câu cú, nhờ đó dân chúng mới có thể theo dõi vị giảng thuyết một cách dễ dàng và mới nắm bắt được chiều hướng lập luận của vị này”. (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 158)

 

“Một đặc điểm khác về một bài giảng hay đó là tính chất tích cực của nó. Nó không quan tâm nhiều đến việc vạch ra những gì không được làm, mà là đến việc gợi ý những gì chúng ta có thể làm tốt đẹp hơn. Dù sao nếu nó cần phải lưu ý đến một cái gì đó tiêu cực thì nó cũng phải cố gắng nêu lên một giá trị tích cực và thu hút nào đó, kẻo nó bị lọ lem nơi những lời phàn nàn trách móc, những than vãn, những phê bình chỉ trích cùng những trách cứ. Việc giảng dạy một cách tích cực bao giờ cũng cống hiến niềm hy vọng, hướng đến tương lai, chứ không lưu lại những gì là tiêu cực lẩn quẩn nơi chúng ta. Tốt đẹp biết bao khi các vị linh mục, phó tế và giáo dân cùng nhau từng giai đoạn một khám phá ra những nguồn liệu có thể giúp cho việc giảng dạy trở nên hấp dẫn hơn!” (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 159)

 

Canh tân Giáo Hội ở phạm vi mục vụ

 

Đối với vấn đề cho phép hiệp lễ những ai ở trong trường hợp tái hôn (vì những ai ly dị vẫn có thể hiệp lễ, không thành vấn đề, nhưng khi họ tái hôn họ không thể được nữa...), tôi tin rằng chúng ta cần nhìn vào vấn đề này trong một bối cảnh bao rộng hơn nữa của toàn thể việc chăm sóc mục vụ về hôn nhân. Đúng nó là một vấn đề. Thế nhưng, xin mở ngoặc ở đây, bên Chính Thống lại thực hành khác. Họ theo loại thần học của những gì họ gọi là oikonomia - cần kiệm, nên họ cho thêm cơ hội, tức là họ cho phép. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng vấn đề này - ở đây tôi xin đóng ngoặc - cần phải được nghiên cứu trong phạm vị của việc chăm sóc mục vụ về hôn phối” (ĐTC trả lời câu thứ  21/31 trong cuộc phỏng vấn trên máy bay từ Ba Tây về Rôma 28/7/2013).

 

"Tôi thấy một cách rõ ràng là điều mà Giáo Hội cần nhất hôm nay đây đó là khả năng chữa lành các vết thương và sưởi ấm lòng tín hữu; Giáo Hội cần gần gũi, sát cận. Tôi coi Giáo Hội như là một bệnh viện lưu động sau trận chiến. Thật là vô bổ khi hỏi một người bị thương trầm trọng xem họ có bị cao mỡ và về độ đường trong máu của họ hay chăng! Bạn cần phải chữa lành cho các vết thương của họ. Sau đó chúng ta mới nói đến bất cứ một cái gì khác. Hãy chữa lành các thương tích, hãy chữa lành các thương tích... Và bạn cần phải bắt đầu từ mặt đất trở lên.

 

“Đôi khi Giáo Hội khóa mình vào những điều nhỏ mọn, vào những qui luật ti tiểu. Điều quan trọng nhất đó là lời loan báo tiên khởi: Chúa Giêsu Kitô đã cứu bạn. Và các vị thừa tác viên của Giáo Hội trên hết cần phải là các thừa tác viên của tình thương.

 

"Chúng ta đang đối xử với dân Chúa ra sao? Tôi mơ tưởng đến một Giáo Hội như là một bà mẹ và là một nữ mục tử. Các thừa tác viên của Giáo Hội cần phải biết xót thương, cần phải tỏ ra trách nhiệm đối với con người và hỗ trợ họ như người Samaritanô nhân lành, người tẩy rửa, lau sạch và nâng dậy cận nhân của mình. Đó là Phúc Âm tinh tuyền. Thiên Chúa là Đấng cao cả hơn tội lỗi. Những thứ canh tân cải cách về cấu trúc và tổ chức là những gì thứ yếu - tức là đến sau. Cái canh tân cải cách đầu tiên cần phải là thái độ. Các thừa tác viên của Phúc Âm cần phải là người có thể sưởi ấm lòng người, là người bước đi với họ qua đêm đen, là người biết làm sao để có thể trao đổi đối thoại và chính mình đi vào màn đêm của con người của mình, đi vào bóng tối mà không bị lạc mất. Dân Chúa muốn các vị mục tử chứ không phải hàng giáo sĩ tác hành như thành phần quan lại hay các viên chức chính quyền. Những thứ canh tân cải cách về cấu trúc và tổ chức là những gì thứ yếu - tức là đến sau. Cái canh tân cải cách đầu tiên cần phải là thái độ.

 

"Thay vì chỉ là một thứ Giáo Hội đón nhận và nhận lãnh ở việc giữ cho cửa mở ra thì chúng ta cũng hãy cố gắng trở thành một Giáo Hội tìm các con đường mới, tức là có thể bước ra bên ngoài mình đến với những ai không dự lễ, với những ai buông bỏ hay dửng dưng….

 

"Điều này cũng rất có lợi cho việc xưng tội như là một bí tích, ở chỗ thẩm định tùy trường hợp và nhận thức điều gì tốt nhất cho một người đang tìm kiếm Thiên Chúa và ân sủng. Tòa giải tội không phải là một căn phòng tra tấn mà là nơi cho tình thương của Chúa thúc đẩy chúng ta sống tốt hơn (câu này cũng đã được lập lại trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm – 44). Tôi cũng lưu ý tới trường hợp của một người đàn bà có một cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc trong quá khứ của mình và bà cũng đã phá thai một lần. Thế rồi người đàn bà này tái hôn, hiện nay đang sống hạnh phúc và có 5 người con. Việc phá thai trong quá khứ vẫn đè nặng trên lương tâm của bà và bà thành tâm hối hận về nó. Bà muốn tiến lên trong đời sống Kitô hữu của mình. Vị giải tội phải làm gì đây? 

 

"Chúng ta không thể chỉ nhấn mạnh đến các vấn đề liên hệ tới việc phá thai, hôn nhân đồng tính và việc sử dụng các phương pháp ngừa thai. Không thể thế được. Tôi không nói nhiều về những vấn đề này, và vì thế mà tôi đã bị trách móc. Thế nhưng, khi chúng ta nói về những vấn đề ấy, chúng ta cần phải nói về chúng trong một bối cảnh. Giáo huấn của Giáo Hội, về vấn đề này, rõ ràng và tôi là con của Giáo Hội (câu này cũng đã được ĐTC trả lời câu thứ 5-7/31 trong cuộc phỏng vấn trên máy bay từ Ba Tây về Rôma 28/7/2013), thế nhưng không cần phải lúc nào cũng nói về những vấn đề ấy

 

"Những giáo huấn về tín lý và luân lý của Giáo Hội không phải tất cả đều tương đương nhau. Việc thừa tác mục vụ của Giáo Hội không thể nào bị ám ảnh bởi việc truyền đạt một đống rời rạc các thứ tín lý cần phải áp đặt một cách nhất trí. Việc loan báo theo kiểu cách truyền giáo tập trung vào những gì là thiết yếu, vào những điều cần thiết: đó cũng là những gì làm say mê và thu hút hơn nữa, những gì làm tâm can nóng lên như đã xẩy ra cho các môn đệ đi Emmau. Chúng ta cần phải tìm thấy một thứ quân bình mới; bằng không, ngay cả lâu đài luân lý của Giáo Hội có thể bị sụp đổ như một thứ chồng chất lên nhau ở trên một nền móng lung lay, mất đi tính chất tươi mát và thơm tho của Phúc Âm (câu này cũng đã được lập lại trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm – 39). Việc đặt vấn đề về Phúc Âm cần phải giản dị hơn, sâu xa hơn, sáng tỏ hơn. Các hệ quả luân lý là những gì được rút tỉa từ chính việc đặt vấn đề Phúc Âm này”.

 

(ĐTC trả lời câu thứ 9/20 trong cuộc phỏng vấn với Tờ La Catholica 23/8/2013).

 

"Tôi nói về phép rửa và hiệp lễ như là lương thực thiêng liêng giúp con người bước tới; bí tích được coi như là một phương dược chứ không phải là một phần thưởng (câu này cũng đã được lập lại trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm – 47). Có một số người nghĩ ngay đến các bí tích cho thành phần ly dị tái hôn, thế nhưng tôi không ám chỉ đến bất cứ một trường hợp đặc biệt nào; tôi chỉ muốn nói đến nguyên tắc mà thôi. Chúng ta cần phải cố gắng dễ dàng hóa đức tin của con người, hơn là kiểm soát đức tin của họ. Năm vừa rồi, ở Á Căn Đình, tôi đã lên án thái độ của một số linh mục không rửa tội cho các trẻ em sinh bởi những người mẹ ngoại hôn. Đó là một thứ tâm thức bệnh hoạn". (ĐTC trả lời câu thứ 13/21 trong cuộc phỏng vấn với Tờ La Stampa10/12/2013).

"Việc không cho thành phần ly dị tái hôn được rước lễ không phải là một thứ chế tài. Cần phải nhớ như thế. Thế nhưng tôi không nói về điều này trong bức Tông Huấn ấy". (ĐTC trả lời câu thứ 14/21 trong cuộc phỏng vấn với Tờ La Stampa10/12/2013).

“Trước hết Phúc Âm mời gọi chúng ta hãy đáp ứng Vị Thiên Chúa của tình yêu là Đấng cứu độ chúng ta, hãy nhìn thấy Thiên Chúa nơi người khác và hãy dấn thân tìm kiếm sự thiện của người khác. Lời mời gọi này không thể trở thành lu mờ trước bất cứ một hoàn cảnh nào! Tất cả mọi nhân đức đều giúp vào việc đáp ứng yêu thương ấy. Nếu lời mời gọi này không được tỏa chiếu một cách mãnh liệt và thu hút, thì lâu đài giáo huấn về luân lý của Giáo Hội có nguy cơ trở thành một thứ chồng chất lên nhau ở trên một nền móng lung lay (a house of cards), và đó là cái nguy cơ lớn nhất của chúng ta. Nghĩa là không phải Phúc Âm là những gì được giảng dạy, mà là những điểm nào đó về tín lý hay luân lý được căn cứ vào những chọn lựa theo các ý hệ riêng. Sứ điệp này sẽ có nguy cơ bị mất đi cái tươi mới của nó và sẽ không còn là ‘hương thơm của Phúc Âm’ nữa”. (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - 39)

 

Canh tân Giáo Hội ở phạm vi nữ giới và hôn nhân

 

“Một Giáo Hội thiếu nữ giới thì giống như Tông Đồ đoàn thiếu Mẹ Maria. Vai trò của nữ giới trong Giáo Hội không phải chỉ thuần túy là vai trò của tính chất mẫu thân, vai trò làm mẹ, mà còn hơn thế nữa, vì vai trò này chính là hình ảnh của Đức Trinh Nữ, của Đức Mẹ; những gì giúp cho Giáo Hội tăng trưởng! Thế nhưng, hãy nghĩ đến nó, Đức Mẹ còn quan trọng hơn cả các Tông Đồ! Mẹ là vị quan trọng hơn! Giáo Hội là nữ giới. Mẹ là Giáo Hội, Mẹ là hôn thê, Mẹ là người mẹ. Tuy nhiên, phụ nữ trong Giáo Hội không phải chẳng những ... tôi không biết nói điều này như thế nào bằng tiếng Ý... vai trò của nữ giới trong Giáo Hội không chỉ hạn hẹp nơi việc làm mẹ, làm việc, một vai trò hạn chế... Không! Nó có một cái gì khác nữa! Nhưng các vị Giáo Hoàng... Đức Phaolô VI đã viết rất hay về nữ giới, và tôi tin rằng chúng ta còn nhiều điều phải thực hiện trong việc làm sáng tỏ vai trò và đặc sủng của nữ giới. Chúng ta không thể nào nghĩ được rằng một Giáo Hội mà lại không có nữ giới, mà là nữ giới chủ động trong Giáo Hội, nơi vai trò chuyên biệt của mình. Tôi nghĩ đến một thí dụ không liên quan gì đến Giáo Hội, một thí dụ về lịch sử, đó là ở Mỹ Châu Latinh, ở Paraguay. Đối với tôi, nữ giới ở Paraguay là thành phần nữ giới rạng ngời nhất ở Mỹ Châu Latinh. Bạn có phải là paraguayo hay chăng? Sau cuộc chiến, cứ 8 người đàn bà cho mỗi người đàn ông, nên thành phần nữ giới đã gặp phải khó khăn trong vấn đề quyết định, quyết định sinh con để cứu quê hương của mình, văn hóa của mình, đức tin của mình và tiếng nói của mình. Trong Giáo Hội, đó là cách chúng ta nghĩ về nữ giới, ở chỗ thực hiện những quyết định liều lĩnh mà là như một phụ nữ. Điều này cần phải được dẫn giải hơn nữa. Tôi tin rằng chúng ta chưa đạt đến một khoa thần học sâu xa về vai trò phụ nữ trong Giáo Hội. Tất cả những gì chúng ta nói đó là họ có thể làm được điều này, họ có thể làm được việc kia, nay họ là những giúp lễ viên, nay họ là những người đọc lời Chúa trong thánh lễ, họ đảm trách Caritas (Hội Bác Ái Công Giáo). Thế nhưng, còn nữa! Chúng ta cần phải  khai triển một khoa thần học sâu xa về vai trò nữ giới. Đó là những gì tôi đang suy nghĩ”. (ĐTC trả lời câu thứ 18/31 trong cuộc phỏng vấn trên máy bay từ Ba Tây về Rôma 28/7/2013).

 

“Tôi xin được giải thích thêm chút nữa liên quan đến những gì tôi đã nói về việc nữ giới tham dự vào Giáo Hội. Không thể nào họ chỉ là giúp lễ viên, đứng đầu Caritas, giáo lý viên ... Không! Họ cần phải hơn thế nữa, sâu xa hơn thế nữa, thậm chí còn bí nhiệm hơn thế nữa, theo tất cả những gì tôi đã nói về khoa thần học về vai trò của nữ giới. Còn vấn đề truyền chức cho nữ giới thì Giáo Hội đã tuyên bố rằng ‘Không’. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói thế bằng một công thức dứt khoát. Cánh cửa đã đóng, thế nhưng về vấn đề này tôi muốn nói với bạn thế này. Tôi đã nói rồi nhưng tôi xin lập lại. Đức Mẹ, Mẹ Maria, còn quan trọng hơn cả các vị Tông Dồ nữa, hơn các giám mục và phó tế và linh mục. Nữ giới, trong Giáo Hội, quan trọng hơn các vị giám mục và linh mục; ra sao, đấy là điều chúng ta cần phải cố gắng giải thích cho rõ hơn, vì tôi tin rằng chúng ta thiếu một thứ dẫn giải về thần học đối với vấn đề này”. (ĐTC trả lời câu thứ  20/31 trong cuộc phỏng vấn trên máy bay từ Ba Tây về Rôma 28/7/2013).

 

“Vả lại, còn 2 điều: trước hết, một trong những đề tài được 8 phần tử thuộc Hội Đồng Hồng Y tôi sẽ gặp gỡ vào ngày 1-3/10 sẽ bàn tới cách thức tiến tới trong việc chăm sóc về mục vụ hôn nhân và vấn đề này bấy giờ sẽ được bàn tới. Điều thứ hai đó là hai tuần trước đây, vị Thư Ký của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới đã gặp tôi về đề tài cho cuộc thượng nghị tới đây. Đó là một đề tài về nhân loại học, nhưng bàn đi bàn lại chúng tôi đã thấy đề tài nhân loại học này như thế này, làm thế nào để đức tin có thể giúp cho con người thấy hướng đi nơi cuộc sống riêng tư của họ, nhưng ở trong gia đình, và vì thế nhắm đến việc chăm sóc mục vụ về hôn nhân. Chúng tôi đang tiến đến một cái gì đó sâu xa hơn về vấn đề chăm sóc mục vụ hôn phối. Đó là một vấn đề đối với mọi người, vì có rất nhiều người trong họ, không phải sao? Chẳng hạn, tôi chỉ đề cập đến một trường hợp: Đức Hồng Y Quarracino, vị tiền nhiệm của tôi, thường nói rằng theo như ngài biết thì một nửa số cuộc hôn nhân trở thành vô hiệu. Tại sao ngài lại nói thế? Vì con người ta thành hôn thiếu chín chắn, họ thành hôn thiếu nhận thức rằng nó là một cuộc dấn thân cả cuộc đời, họ thành hôn vì xã hội bảo họ phải lấy nhau. Và đó là điểm việc chăm sóc mục vụ cần phải can thiệp vào. Thế rồi cũng có cả vấn đề về pháp lý đối với việc hủy hôn nữa, điều này cũng cần phải duyệt xét lại, vì các tòa án của giáo hội không thích đáng về vấn đề này. Thật là phức tạp, vấn đề đề chăm sóc mục vụ hôn nhân”. (ĐTC trả lời câu thứ  21/31 trong cuộc phỏng vấn trên máy bay từ Ba Tây về Rôma 28/7/2013).

 

"Tôi đang thận trọng về một giải quyết có thể biến thành một thứ 'female machismo - nữ giới nam tính', vì nữ giới được tạo nên khác với nam nhân. Thế nhưng những gì tôi nghe về vai trò của nữ giới thường được ảnh hưởng bởi ý hệ machismo - nam tính. Nữ giới đang đặt ra những vấn đề sâu xa cần phải được giải quyết. Giáo Hội không thể là mình mà thiếu nữ giới và vai trò của nữ giới. Nữ giới là thành phần thiết yếu cho Giáo Hội. Mẹ Maria, một nữ nhân, quan trọng hơn cả các vị giám mục. Tôi nói điều này để chúng ta khỏi bị lầm lẫn giữa phần vụ và phẩm vị. Bởi vậy chúng ta cần phải tìm hiểu hơn nữa về vai trò của nữ giới trong Giáo Hội. Chúng ta cần phải gắng sức hoạt động hơn nữa để khai triển một khoa thần học sâu xa về nữ giới. Chỉ khi nào thực hiện bước đầu này mới có thể phản ảnh rõ hơn về phần hành của họ trong Giáo Hội. Cái tinh hoa phú bẩm của nữ giới là những gì cần thiết bất cứ khi nào chúng ta thực hiện những quyết định quan trọng. Cuộc thách đố ngày nay đó là hãy nghĩ tới vị trí đặc biệt của nữ giới cả ở những nơi quyền bính Giáo Hội thực thi đối với các lãnh vực khác của Giáo Hội". (ĐTC trả lời câu thứ 12/20 trong cuộc phỏng vấn với Tờ La Catholica 23/8/2013).