SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Hành Hương "Tia Sáng Từ Balan"

 

Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương 24/4 - 5/5/2014

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 Cảm Hứng Hành Hương

Hành Trình Đức Tin

Cột Mây Cột Lửa

Cảm Nghiệm Hành Hương

 (xin xem hình ảnh ở

 

Cảm Hứng Hành Hương

 

Từ cuối tháng 2/2013, sau cuộc tĩnh tâm hằng năm về Lòng Thương Xót Chúa (LTXC) ở Tổng Giáo Phận Philadelphia, Pennsylvania, tôi đã có ý định tổ chức một cuộc hành hương đến về Vatican là giáo đô của Hội Thánh Công Giáo Rôma và sang Balan, một mảnh đất đã được Đấng Quan Phòng Thần Linh đặc tuyển để ban bố Sứ Điệp Lòng Thương Xót Chúa, như Ngài cũng đã tuyển chọn Dân Do Thái để thực hiện Mạc Khải Thần Linh của Ngài trong thời Cựu Ước vậy.

 

Tuy nhiên, cho đến đầu Tháng 9/2013, sau cuộc tĩnh tâm về LTXC ở Giáo Phận Arlington Virginia lần đầu tiên, ý định hành hương này mới bừng nở mỗi ngày một trở nên mãnh liệt hơn, nhất là sau khi nghe tin Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sắp được tuyên phong hiển thánh. Và không ngờ, căn cứ vào tình hình bấy giờ, trước khi Tòa Thánh công bố ngày giờ phong hiển thánh cho ĐTC GPII và Gioan XXIII vào cuối Tháng 9/2013, tôi đã đoán trúng ngày 27/4/2014. 

 

Tin vào những gì tự suy đoán, tôi đã liên lạc ngay với một hãng du lịch có tuổi đời 64 năm trong nghề, sau đó với 2 hãng khác nữa để so sánh giá cả. Bởi vì, tôi cảm thấy rằng biến cố phong thánh cho vị giáo hoàng thứ 264 lừng danh của Giáo Hội Công Giáo là Đức Gioan Phaolô II sẽ rất đông, (như kinh nghiệm cho thấy lễ an táng của ngài ngày 8/4/2005), nếu không lo trước thì không kịp, thậm chí không còn chỗ, hay có chỗ cũng rất mắc, nhất là khi tổ chức cho cả một nhóm người.

 

Không ngờ, ngày tôn phong hiển thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được chính thức ấn định vào Chúa Nhật Lễ Lòng Thương Xót Chúa 27/4/2014, như tôi dự đoán. Đây là dấu hiệu cho thấy cảm hứng của tôi về chuyến hành hương được lấy tên "Tia Sáng Từ Balan" này quả thực là do ngọn gió Thánh Linh thúc đẩy. Càng vững tin và yên tâm hơn, tôi tiếp tục xúc tiến công việc tổ chức hành hương lần đầu tiên này của mình, cho riêng Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương của tôi (TĐCTT). 

 

Lý do chính yếu đó là vì Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có một liên hệ mật thiết đến việc hình thành (vào năm 2009) và phát triển (từ năm 2011) của Nhóm TĐCTT, ở chỗ, chính lời của ngài kêu gọi vào thời điểm 17-18/2/2002 ở Balan đã tác động mãnh liệt vào việc làm nên Nhóm TĐCTT để tiếp nối ơn gọi và sứ vụ của Chị Thánh Faustina trong việc cảm nghiệm và loan truyền LTXC cho một "thế giới ngày nay cần đến tình thương của Thiên Chúa biết bao" (ĐTC GPII - Balan 17/8/2002).

 

Thế là chuyến Hành Hương đã được trao vào bàn tay bảo trợ của vị giáo hoàng mà tôi cảm nhận quả thực ngài là "Tia Sáng Từ Balan", đúng như lời Chúa Giêsu dường như ám chỉ về ngài khi phán với Chị Thánh Faustina và được chị ghi lại trong Nhật Ký của chị ở số 1732 rằng: "Cha sẽ làm phát ra một tia sáng từ Balan để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha". 

 

Tôi đâu ngờ vì cảm hứng hành hương này mà tôi thực sự đã tốn biết bao nhiêu là giờ giấc và công sức (chưa kể đến tiền bạc) suốt 9 tháng trời liên tục (từ đầu tháng 9/2013 đến đầu Tháng 5/2014) để làm sao cho mọi sự được tốt đẹp bao nhiêu có thể. Tuy nhiên, càng phải trả giá gian nan khốn khó vất vả cho dự án mà tôi cảm thấy bởi trời này thì chuyến hành hương mới càng có giá trị và đầy ý nghĩa và ơn phúc. Nhất là qua chuyến hành hương này, chính bản thân tôi đã cảm thấy gần Chúa hơn nữa, qua những lần Ngài bất ngờ tỏ mình ra ngoài lòng mong ước của tôi, trong cả thời gian sửa soạn cũng như trong chính chuyến hành hương lịch sử ngàn năm một thuở này.

 

Thiên Chúa quả thực đã tỏ mình ra trong thời gian sửa soạn chuyến hành hương lần đầu tiên do tôi tổ chức này. Trước hết, tôi vẫn không cảm thấy nao núng khi biết được những vị linh mục chuyên môn tổ chức hành hương không dám tổ chức chuyến hành hương vào dịp phong thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vì sợ quá đông cùng với những bất tiện nắm chắc trong tay về vấn đề di chuyển, vệ sinh, mệt mỏi v.v.! 

 

Thế nhưng, nếu ai cũng sợ đông thì đâu còn là biến cố lịch sử chưa từng thấy nữa, trái lại, chính vì đông mới chứng tỏ tầm vóc quan trọng của một biến cố lịch sử có thể là vô tiền khoáng hậu: 2 hai giáo hoàng đang sống (ĐTC Phanxicô và Biển Đức XVI) hiện diện trong cùng một Thánh Lễ tuyên phong hiển thánh cho 2 vị giáo hoàng (ĐTC Gioan XXIII và Gioan Phaolô II) của Công Đồng Chung Vaticanô II 50 năm về trước (11/10/1962 - 27/4/2014), và thành phần đến tham dự đông đảo là những người góp phần làm nên biến cố lịch sử có một không ai này.

 

Riêng tôi, thời điểm là yếu tố then chốt để tổ chức chuyến hành hương "Tia Sáng Từ Balan" này. Bởi vì, không bao giờ sẽ tái diễn biến cố Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được phong hiển thánh nữa - không bao giờ, thế nên cần phải chộp bắt ngay lấy cơ hội ngàn năm một thuở là chính thời điểm ngài được phong thánh này để chẳng những đến Vatican kính mừng ngài hiển thánh mà còn từ đó về quê hương Balan của ngài để có thể chứng dự vào những dấu vết lịch sử làm nên cuộc đời của vị giáo hoàng totus tuus của LTXC cũng như để cảm nghiệm được cái diễm phúc của mảnh đất của LTXC.

 

Thử thách đầu tiên của chuyến hành hương "Tia Sáng Từ Balan" này đó là số người tham dự. Tôi không quảng cáo mà chỉ phổ biến trong nội bộ Nhóm TĐCTT thôi, vì chỉ có ý tổ chức cho riêng nội bộ của nhóm trên 200 người ở các nơi trong Hoa Kỳ. Lúc đầu rất hào hứng với con số khoảng 40. (Thành phần ở ngoài nhóm nghe thấy cũng muốn tham gia lên tới 30 nữa). 

 

Thế nhưng, khi nghe thấy giá $4,750.00 cho 12 ngày hành hương vào thời điểm rất nóng bỏng này, bao gồm viếng thăm Vatican và Rôma, Lancianô và Assisi, rồi qua Venice Ý quốc và Vienna Áo quốc, đến Krakow và Wadowice Balan, rồi từ Warsaw Balan về lại Hoa Kỳ, chưa kể chi phí vé máy bay khứ hồi trong nội địa Hoa Kỳ đến phi trường JFK New York, chưa kể các thứ tiền tips, hoặc tiền ăn trưa tự túc, và cả tiền extra taxes ở các đa số hotels Ý quốc v.v. số người tụt xuống chỉ còn 16. 

 

Trong khi đó, giá $4,750.00 là giá dành cho từ 32 người trở lên, bởi vậy, mỗi người trong 16 người còn lại này phải trả thêm từ 50 đến 100 Mỹ kim nữa, ngoại trừ có đủ 22 người tối thiểu. Thế rồi, vào ngày cuối cùng để nộp hết số tiền được đóng làm 3 đợt, thì tôi nhận được cái check của người thứ 22. 

 

Chưa hết, ngay từ đầu tôi vẫn ước mong làm sao để có sự tham dự đầy đủ anh chị em Nhóm TĐCTT cả 4 vùng chiến thuật: Miền Tây Nam Hoa Kỳ (Orange County và Los Angeles), Miền Đông Bắc Hoa Kỳ (Virginia và Pennsylvania), Miền Tây Bắc Hoa Kỳ (Seattle WA) và Miền Trung Nam Hoa Kỳ (Houston TX), nhưng cho đến người thứ 22 thì vẫn chưa có ai ở Houston. Cuối cùng đã có 2 chị thuộc vùng này đã bất ngờ tham gia vào thời điểm còn kịp để có thể được sắp xếp đi cùng một chuyến bay từ JFK sang Vatican, nhưng mỗi người phải trả thêm 185 Mỹ Kim. Con số tham dự từ 22 (để khỏi phải thêm tiền) đến 24 (đầy đủ các nơi tham gia) ấy phải chăng là dấu hiệu cho thấy chuyến hành hương này bao gồm từng người được Chúa tuyển chọn và kết nạp sao?

 

Thử thách thứ hai liên quan đến chính bản thân của vị linh hướng hành hương. Tôi đã mời tất cả là 11 vị linh mục đi với chuyến hành hương này, trước hết là các vị linh mục thuộc Nhóm TĐCTT, sau đó tới các vị ngoài nhóm. Vị thứ 11 là vị quả thực đã được Thiên Chúa an bài sai đến giúp chuyến hành hương. Ngài là vị linh mục lão thành 86 tuổi, nhưng đầy sức sống thiêng liêng và khỏe mạnh, cho dù ngay sau khi ngài nhận lời mời làm linh hướng ngài đã ngã bệnh và được điều trị một thời gian trong bệnh viện và tại gia. 

 

Biến cố ngài bị đụng xe hoàn toàn bị hư xe mà mạng sống của ngài và sức khỏe của ngài vẫn hoàn toàn bình an vô sự quả là một ơn lạ, bằng không, biến cố tai nạn xe hơi này của ngài xẩy ra đúng 2 tuần trước khi chuyến hành hương khởi hành mà gây cho ngài bị thương tích cách nào thì chắc chắn chuyền hành hương của chúng tôi sẽ không có linh hướng, vì không thể có vị linh mục nào kịp thời thay thế bởi thủ tục rắc rối phức tạp và gấp rút vào những giây phút cuối cùng. Và như vậy chuyến hành hương của chúng tôi không có lễ hằng ngày đã được booked sẵn ở các nơi chúng tôi đến. 

 

Đúng là Thiên Chúa đã hiện diện với chúng tôi ngay từ cảm hứng ban đầu, qua các sự kiện về con số tham dự cũng như về bản thân vị linh hướng, và thực tế còn cho thấy Ngài quả thực đã đồng hành với chúng tôi trong suốt cuộc hành trình đức tin của chúng tôi nữa, bằng cột mây cột lửa của Ngài luôn bao phủ chúng tôi (xem Xuất Hành 13:21-22), cho tới khi chúng tôi hoàn tất những giây phút ở Đất Hứa Balan, với một cảm nghiệm thần linh bất hủ về Ngài và về LTXC của Ngài đối với chúng tôi cũng như với chung nhân loại trong thời điểm hiện nay. 

 

 

Hành Trình Đức Tin

 

Chuyến hành hương "Tia Sáng Từ Balan" của chúng tôi có thể được gọi là một cuộc hành trình đức tin, không phải vì chuyến hành hương này cần chúng tôi lúc nào cũng phải liên lỉ tin tưởng vào Chúa và nhận biết Ngài qua các dấu hiệu Ngài tỏ tường cho chúng tôi thấy, như trong phần cảm nhận về cột mây cột lửa dưới đây, mà còn vì chuyến hành hương này đã cho chúng tôi cảm nhận được đức tin rất chân thực của mình ở những di tích lịch sử hùng hồn chúng tôi đến kính viếng nữa. 

 

Đúng thế, cuộc hành trình đức tin của chúng tôi được chính thức bắt đầu từ ngày Thứ Bảy 26/4/2014 tại Vatican, nơi chúng tôi cảm nhận được những gì là uy nghi vĩ đại của một Giáo Hội Chúa Kitô trên trần gian này, nhất là nơi Đền Thờ Thánh Phêrô và Quảng Trường Thánh Phêrô, chưa kể đến Bảo Tàng Viện và Nhà Nguyện Sistine với đầy những di tích nghệ thuật thượng đẳng của các vị đại sư về kiến trúc, điêu khắc và hội họa thời xưa đã tích cực đóng góp tất cả công sức của mình để xây dựng. Qua những cơ cấu kiến trúc độc đáo siêu đẳng này, Giáo Hội Chúa Kitô bề ngoài, trước mắt thế gian, đã trở thành như một cây vĩ đại, từ một hạt cải nhỏ nhất trong các hạt giống (xem Mathêu 13:32), và đã vươn rộng trải dài cho đến tận cùng trái đất với sự hiện diện của thành phần dân Chúa khắp nơi trên thế giới. 

 

Chúa Nhật Lễ LTXC 27/4/2014, chúng tôi đã trở lại Quảng Trường Thánh Phêrô để tham dự Đại Lễ Lòng Thương Xót Chúa cũng là lễ phong hiển thánh cho nhị vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Gioan XXIII. Hôm nay, cuộc hành trình đức tin của chúng tôi không phải để chiêm ngưỡng những nét bất khuất và oai hùng ở nơi các phong cảnh uy nghi vĩ đại được thể hiện nơi cơ sở hay nghệ thuật còn lưu vết lịch sử nữa mà là nơi đám đông tham dự. Tôi không biết đức tin tông truyền đã phát triển nơi Dân Chúa ở khắp nơi trên thế giới ra sao, và tôi không biết anh em Kitô hữu của tôi đã sống đạo như thế nào trong cuộc sống và nền văn hóa địa phương của họ, nhưng tôi không thể chối cãi được đức tin của Kitô hữu Công giáo mạnh đến độ, chỉ vì ngưỡng phục một vị giáo hoàng đầy đức tin totus tuus, đã bất chấp mọi tốn kém về vật chất và gian nan khốn khó về thiện chí để có thể hiện diện ở một nơi mà không ít người, vì nhỏ con hay yếu sức, chẳng nhìn thấy gì ngoài chính đám đông bao vây kín mít mịt mùng chung quanh họ, đến độ họ có thể bị ngất xỉu hay bỏ cuộc.

 

Thứ Hai, ngày 28/4/2014, theo lịch trình hành hương, chúng tôi đến thăm buổi sáng khu vực Hí Trường Colessium và Roman Forum, và buổi chiều đến thăm 3 Đền Thờ Chính là Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Cho dù có khác nhau về kiến trúc và đặc tính của mình, đền thờ nào cũng liên quan đến đức tin tông truyền của Giáo Hội. Đền thờ Thánh Gioan Latêranô đã được xây dựng sau khi Kitô giáo được đế quốc Rôma hợp thức hóa bằng sắc chỉ Milan năm 313. Đền thờ Thánh Phêrô và Đền Thờ Thánh Phaolô được xây cất trên mộ của từng vị đại tông đồ này. Đền thờ Đức Bà Cả liên quan đến Tín Điều Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa do Công Đồng Chung Êphêsô công bố năm 431. 

 

Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô và Đền Thờ Đức Bà Cả. Kể cả Đền thờ Thánh Phêrô, bốn đền thờ chính này đều có một cửa chỉ mở vào những Năm Thánh. Mỗi đền thờ đều có một dáng vẻ khác nhau với những đặc điểm khác nhau. Đền thờ Thánh Gioan Lateranô là đền thờ đầu tiên của thế giới Kitô giáo, trong đó có tượng 12 Thánh Tông Đồ ở 12 cột trụ của đền thờ, có những mảnh gỗ từ Bàn Tiệc Ly của Chúa Giêsu ở trên bàn thờ phía cánh phải của cung thánh nhìn xuống, và ở đằng sau bàn thờ chính có gian cung thánh rất rộng bao gồm cả ngai tòa của vị giám mục Rôma là giáo hoàng, và chính vì thế Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô mới là đền thờ có tấm vóc quan trọng về quyền bính hơn Đền thờ Thánh Phêrô. 

 

Nếu 3 đền thờ chính hôm ấy, cùng với Đền Thờ Thánh Phêrô hôm Thứ Bảy, là dấu tích biểu hiệu cho đức tin tông truyền của Giáo Hội, đức tin kiên vững của Giáo Hội, thì Hí Trường Colessium và Roman Forum là di tích lịch sử trần gian có một liên quan đến đức tin tông truyền bất khuất của Giáo Hội nói chung và của Kitô hữu nói riêng. 

 

Roman Forum, phải nói là bao gồm cả Hí Trường Colessium, và có thể nói là trung tâm của Đế Quốc Rôma thời xưa, vì ở đó bao gồm tất cả những di tích lịch sử về vấn đề quản trị (như hoàng cung), văn hóa, tôn giáo (như các đền thờ), giải trí (như Hí Trường Colessium) và thương mại của đế quốc dài nhất trong lịch sử loài người này. Đế quốc này đã sát hại biết bao nhiêu là Kitô hữu, mà dấu vết lịch sử vẫn còn đó, như ở chính Hí Trường Collesium (nơi có dấu hiệu cây Thánh Giá được dựng ở tầng trên của hí trường), hay ở các hang toại đạo Catacombs (nơi chúng tôi đã xuống dưới các hầm trong lòng đất tối tăm chật hẹp vào chiều hôm Thứ Bảy). 

 

Trớ trêu thay, cũng đế quốc dữ dội và tán ác sát hại Kitô giáo này lại chính thức hợp thức hóa Kitô giáo bằng Sắc Chỉ Milan năm 313 của Hoàng Đế Constantine. Phải chăng giọt máu tử đạo đã trổ bông đức tin? Nếu càng bị tàn sát tiêu diệt càng phải triển thì không phải đó là chứng cớ hùng hồn cho thấy đức tin Kitô giáo là những gì chân thật nhất và vững bền nhất hay sao? Chính vì "quyền lực đã chiến thắng thế gian là đức tin của chúng ta" (1Gioan 5:4) mà đế quốc Rôma đã hoàn toàn sụp đổ trong khi Giáo Hội Kitô giáo bị đế quốc này sát hại và tiêu diệt vẫn còn đó, vươn lên, uy nghi như 4 Đền Thờ chính mà chúng tôi đã đến kính viếng. 

 

Thứ Ba, ngày 29/4/2014, hành trình đức tin dẫn chúng tôi tới Lancianô là nơi đã xẩy ra Phép Lạ Thánh Thể từ đầu thế kỷ thứ VIII, với dấu tích vẫn còn đó, với thịt như thịt ở cơ tim đã được biến từ Bánh Thánh, và 5 cục máu (5 hình tù và kích thước khác nhau nhưng cùng một trọng lượng và ở loại máu AB) đã được biết từ Rượu Thánh. Chúng tôi dâng lễ đồng tế vào lúc 11 giờ trưa, sau đó, chúng tôi đã được phép công khai chầu Thánh Thể và cử hành Lòng thương Xót Chúa bằng một Chuỗi Thương Xót gần nửa tiếng cho tới trước lễ 12 giờ trưa. Nhiều người chúng tôi đã cảm thấy rước Chúa một cách sốt sắng hơn sau khi chứng kiến thấy Thịt Chúa và Máu Chúa vẫn còn được lưu giữ từ Phép Lạ Thánh Thể cách đây 13-14 thế kỷ. 

 

Thứ Tư, ngày 30/4/2014, chúng tôi đến Assisi, quê hương của Thánh Phanxicô Khó Khăn và của Thánh Clara. Hầu hết đã phải lòng Assisi, vì phong cảnh hữu tình, không khí trong lành và bầu trời siêu thoát. Căn phòng khách sạn nào cũng có một cây thánh giá ngay cửa ra vào. Buổi sáng trước khi lên đường thăm Đền Thờ Thánh Phanxicô và Thánh Clara v.v., hầu như tất cả mọi anh chị em trong nhóm qui tụ lại cùng nhau tập thể dục ở ngoài patio rộng đằng sau của khách sạn. Chúng tôi đã cố gắng hít thở vào người nhiều bao nhiêu có thể bầu khí tuyệt vời ở Assisi mà có lẽ chưa bao giờ chúng tôi có được và chẳng biết tới bao giờ mới được nữa. Cũng có thể nhờ đó mà chúng tôi đã có sức đi bộ và leo dốc lao thang mệt nghỉ ở khu vực Assisi vào sáng hôm đó. 

 

Chúng tôi quả thực đã cảm thấy đức tin của hai vị Thánh Assisi là Phanxicô và Clara khi nghe chuyện rất cảm động và anh hùng bất khuất theo Chúa của các vị, đồng thời thấy được các hài tích và di tích của các vị. Chúng tôi đã hết sức cảm động khi không ngờ được đứng quanh trước mồ Thánh Phanxicô ở hạ tầng Đền Thờ Thánh Phanxicô để cầu cho Việt Nam vào chính ngày 30/4 đầy ý nghĩa, khi cùng nhau hát vang bài Kinh Hòa Bình của ngài. 

 

Riêng tôi, bên mộ thánh nhân, tôi đã âm thầm cầu cho Đức Thánh Cha Phanxicô, và đồng thời xin thánh nhân bảo trợ cho dự án mission của tôi ở Mỹ Châu Latinh, ở Phi Châu và ở Việt Nam sau chuyến hành hương cuối cùng tôi tổ chức cho Tông Đồ Fatima kỷ niệm 100 năm Biến Cố Fatima năm 2017. Chúng tôi cũng ghé thăm nơi bé Phanxicô được sinh ra và lớn lên, nhất là nơi ngài nghe thấy tiếng Chúa Giêsu phán ra từ cây thập giá bảo ngài "hãy đi sửa chữa nhà cho Cha". Trước mộ Thánh Clara, tôi đã xin ngài chuyển cầu cho đứa con gái út của tôi đang theo học làm bác sĩ tâm lý được ơn gọi tu trì. Chúng tôi đã dâng lễ ở nhà thờ mà ngài và Thánh Clara được rửa tội,

 

Thứ Năm, ngày 1/5/2014 và Thứ Sáu 2/5/2014, hai ngày chúng tôi hành trình trên xe bus tiến từ Venice là thành phố ở miền bắc Ý quốc, qua Vienna Áo quốc và Brno Cộng Hòa Tiệp để tới Balan. Trong hai ngày kể như không thăm viếng một nơi hành hương đặc biệt nào, nhưng không phải vì thế cuộc hành trình đức tin của chúng tôi bị gián đoạn hay tạm ngưng. Trái lại, chúng tôi đã lợi dụng 2 ngày này để nghỉ ngơi trên xe, tâm sự chung riêng với nhau, sinh hoạt lành mạnh với nhau, nhất là cùng nhau cầu nguyện khi tới giờ của nó, chẳng hạn sáng cùng nhau cầu kinh Mân Côi 1 chuỗi, chiều vào lúc 3 giờ cùng nhau cử hành LTXC bằng một Chuỗi Thương Xót.

 

Chưa hết, sau mỗi lần cầu kinh chung, chúng tôi lại dành ra ít phút để học hỏi Thánh Kinh. Chẳng hạn về chủ đề chung của Mùa Phục Sinh theo Phúc Âm Thánh Gioan, về Sách Tông Vụ được Giáo Hội chọn đọc suốt Mùa Phục Sinh, về Mầu Nhiệm Giáo Hội được khai sinh vào lúc nào, về những lời Chúa Giêsu nói trên thập giá (7 hay 8, bao gồm những lời nào và ý nghĩa ra sao), về các mối phúc thật (8 hay chín, thứ tự như thế nào), về các lời Mẹ Maria nói trong Phúc Âm (bao nhiêu và thứ tự), về các nữ nhân trong gia phả Chúa Giêsu theo Thánh Ký Mathêu, về hai phép lạ Bánh Hóa ra nhiều khác nhau ra sao về số người, số bánh cá được sử dụng và số thúng dư v.v.

 

Thứ Sáu ngày 2/5/2014 là ngày đặc biệt, có thể gọi là ngày Liên Hiệp Quốc, vì sáng chúng tôi điểm tâm ở Vienna Thủ Đô Áo quốc, trưa chúng tôi dâng lễ cùng ăn trưa ở Brno Cộng Hòa Tiệp, rồi tối chúng tôi dùng bữa và ngủ đêm ở Krakow Balan. Trên xe chúng tôi được hộ tống viên du lịch (tour escort) kể cho nghe về tình hình sống đức tin ở Âu Châu nói chung và ở từng nơi chúng tôi đi ngang qua nói riêng. Hai chi tiết quan trọng tôi nhớ nhất đó là Âu Châu nói chung chỉ còn đi lễ từ 15 đến 20% mà thôi, ngoại trừ ở Balan thì nhà thờ vẫn không đủ chỗ, và không còn ở đâu trong Âu Châu xây cất thêm nhà thờ mới nữa, ngoại trừ ở Balan. 

 

Thứ Bảy ngày 3/5/2014, Thứ Bảy Đầu Tháng, chúng tôi đã đến kính viếng chính Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa, một tân đền thánh được xây cất từ năm 1999 và được chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cung hiến vào ngày 17/8/2002, một đền thánh được xây dựng theo hình thù của một con thuyền có mái chèo là một cái tháp cao. Trước hết, trong khi chờ đợi hộ tống viên du lịch liên lạc địa điểm dâng lễ, chúng tôi đã chụp hình lưu niệm và kéo nhau đi thang máy lên tận đỉnh ngọn tháp của Đền Thánh này để ngắm toàn cảnh khu vực của đền thánh cũng như của thành phố Krakow gần đấy. 

 

Sau đó chúng tôi đã dâng Thánh Lễ vào lúc 9 giờ sáng ở Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa, tầng dưới, cạnh nguyện đường dâng kính Thánh Nữ Faustina. Nhưng trước khi dâng lễ, trong lúc Cha Linh Hướng ngỏ ý muốn giải tội cho anh chị em cần hòa giải với Chúa tại chính Đền Thánh LTXC này, (trong đó có tôi là người cuối cùng), chúng tôi đã cùng nhau cử hành LTXC bằng Chuỗi Kinh Thương Xót tại chính khu vực Chúa Giêsu đã dạy chị Thánh Faustina chuỗi Kinh cứu rỗi này. 

 

Trong Thánh Lễ lịch sử hôm nay, 16 anh chị em Tông Đồ Chúa Tình Thương cùng nhau lập lại lời tuyên hứa của mình, chính lúc mà 8 anh chị em (bao gồm cả chính Cha Linh Hướng) muốn gia nhập Nhóm TĐCTTvào dịp hiếm quí này đọc lời nguyện tuyên hứa làm Tông Đồ Chúa Tình thương cho Lòng Thương Xót Chúa, tại chính Đền Thánh LTXC, đáp lời kêu gọi của ĐTC GPII trong việc tiếp nối ơn gọi và sứ vụ của Chị Thánh Faustina, vị nữ tu tầm thường đã sống ở khu tu viện của Dòng Nữ Tu Đức Mẹ Tình Thương này 13 năm, từ năm 20 tuổi đến năm 33 tuổi. 

 

Chúng tôi đã được chỉ cho thấy phòng ngủ của Chị Thánh ở trên lầu, bên tay phải, ngay trước khi bước vào Nguyện Đường tu viện của chị, nơi có bức ảnh LTXC nguyên thủy ở bên trên mộ của chị. Cùng với đoàn người hành hương nói chung và anh chị em của mình nói riêng vào lúc bấy giờ, tôi đã hôn kính chút xương thánh của chị ở trong lồng kính nhỏ trên bàn quì trước bàn thờ, và ngay lúc ấy tôi đã dâng chung Nhóm TĐCTT và từng anh chị em TĐCTT cho sự bảo trợ của chị thánh, như tôi cũng đã làm như thế khi quì trước mộ của Thánh Gioan Phaolô II trong Đền Thờ Thánh Phêrô trưa ngày Thứ Bảy 26/5/2014. 

 

Tôi đã trở lại với ngôi Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa mới, (ở tầng trên của nguyện đường Chị Thánh Faustina là nơi gần đó chúng tôi đã dâng lễ lúc 9 giờ sáng), như một hưởng ứng với việc Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã hiến dâng cả loài người lần đầu tiên cho Lòng Thương Xót Chúa ở đây vào Thứ Bảy ngày 17/8/2002. Và cũng chính tại Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa này, trong bài giảng cho Thánh lễ cung hiến đền thánh này hôm đó, cũng như trong bài giảng tôn phong chân phước cho 4 vị đáng kính Balan hôm sau, Chúa Nhật 18/8/2002, những lời ngài đã kêu gọi quả thực đã tác động tôi trong việc hình thành lên Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương. Không ngờ tôi được đến ngay nơi xuất phát ra những lời kêu gọi định mệnh và quyết liệt này:

 

 Thế giới ngày nay cần đến tình thương của Thiên Chúa biết bao! ...Cần phải có tình thương để bảo đảm rằng hết mọi bất công trên thế giới này sẽ được kết thúc trong chân lý rạng ngời. Thế nên, hôm nay đây, tại Đền Thánh này, Tôi xin long trọng ký thác thế giới cho Lòng Thương Xót Chúa. Tôi làm như vậy với một lòng thiết tha mong ước thấy sứ điệp của tình yêu nhân hậu Thiên Chúa, được loan báo nơi đây qua Thánh Faustina, cũng được tất cả mọi dân tộc trên thế giới biết đến và làm cho lòng họ tràn đầy niềm hy vọng. ... Trong tình thương của Thiên Chúa thế giới mới tìm thấy hòa bình và nhân loại mới tìm thấy hạnh phúc! Tôi ký thác công việc này cho Anh Chị Em thân mến, cho Giáo Hội ở Krakow và ở Balan, cũng như cho tất cả mọi người sùng mộ Lòng Thương Xót Chúa đến đây từ Balan hay từ khắp nơi trên thế giớiChớ gì anh chị em là những chứng nhân cho tình thương!” (17/8)

 

Từ khi bắt đầu hiện hữu, Giáo Hội, qua việc bày tỏ mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh, đã rao giảng tình thương Chúa, một bảo chứng hy vọng và là nguồn mạch cứu độ con người. Tuy nhiên, hôm nay đây dường như chúng ta được kêu gọi đặc biệt để loan báo sứ điệp này trước thế giới. Chúng ta không thể lơ là với sứ vụ này, nếu chính Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta thực hiện sứ vụ này qua chứng từ của Thánh Nữ Faustina. Thiên Chúa đã chọn thời đại của chúng ta cho mục đích này. ... Có lẽ chính vì lý do này mà Chúa Kitô, qua việc sử dụng chứng từ của một Nữ Tu thấp hèn, đã đến với thời đại của chúng ta để tỏ cho chúng ta thấy một cách rõ ràng nguồn mạch sống khuây khỏa và hy vọng ở nơi tình thương đời đời của Thiên Chúa.” (18/8). 

 

Tôi đã đại diện Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương kính tặng cho Sơ hướng dẫn chúng tôi về Sứ Điệp Lòng thương Xót Chúa sau thánh lễ 9 giờ sáng của chúng tôi một tấm hình Lòng thương Xót Chúa bằng vải, cỡ 27 x 38 inches hay 69 x 96 phân, một tấm hình chẳng những có Ảnh Lòng Thương Xót Chúa chính yếu mà còn có cả ảnh Chị Thánh faustina và Thánh Gioan Phaolô II bên dưới nữa, mỗi vị đang tỏ ra cử chỉ "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!", bằng cách ngẩng lên (như Chị Faustina) hay chắp tay cúi xuống (như Thánh Gioan Phaolô II), hai vị thánh từ sau lễ Phong Thánh 27/4/2014, chúng tôi đã thêm vào sau mấy câu than với từng vị thánh ở cuối Kinh Trông Cậy: "Thánh Faustina và Thánh Gioan Phaolô - Cầu cho chúng con!" Bà Sơ tên Marie Vienneye này rất thích tấm ảnh của chúng tôi và đã xin chúng tôi địa chỉ email và cho chúng tôi địa chỉ email của Sơ để giữ liên lạc cần thiết. Chưa hết, Sơ còn đọc cho bằng được câu "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!" bằng Việt ngữ ở cuối bức ảnh nữa. 

 

Sau khi rời Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa, chúng tôi đến một nơi như từ Thiên Đàng LTXC xuống hỏa ngục trần gian vậy, đó là Lò Diệt Chủng của Đức Quốc Xã hồi Thế Chiến Thứ Hai. Chúng tôi đã đến một trong ba lò diệt chủng chính ở Balan, đó là Auschwitz I - Birkenau phải che dù 2 người một để đi từ dẫy nhà này sang dẫy nhà kia, những dẫy nhà tiêu biểu được phép thăm viếng, mà đầu tiên là dẫy có căn phòng giam giữ Thánh Maximilian Kolbe, một tu sĩ linh mục Dòng Phanxicô, mang số tù nhân 16670 đã anh hùng chết thay cho một gia trưởng trong gia đình vào cuối Tháng 7/1941. Tại nơi đây, rùng rợn đến độ 7 chị trong nhóm 24 người chúng tôi đã không dám vào coi, kẻo bị ám ảnh bởi những gì tận mắt nhìn thấy. 

 

Đúng thế, những ai vào xem đều nhìn thấy những dấu tích bất khả chối cãi của một thứ hỏa ngục trần gian: chúng tôi đã nhìn thấy ở các dẫy tường hình ảnh bán thân của hàng ngàn người bị tiêu diệt ở đây; chúng tôi đã thấy chồng chất ngổn ngang ở nhiều căn phòng rộng lớn khác nhau toàn là tóc (để làm thảm hay làm xà bông v.v.) của những con người bị cạo trọc trước khi chết, toàn là vali hay túi bị còn rõ nét chữ viết tên tuổi và địa chỉ của những người lọt vào lò chết chóc này, toàn là giầy dép (bao gồm cả của vô vàn trẻ em lớn nhỏ) và gọng kiếng của những người anh chị em nạn nhân xấu số v.v. 

 

Chúng tôi đã chứng kiến thấy các lò sát sinh, các phòng giam đứng chỉ đủ ngồi xuống đứng lên, các phòng hơi ngạt, các viên thuốc diệt sinh v.v. Chúng tôi đã chứng kiến thấy những giẫy hàng rào thép gai chạy dài trong khu trại, cùng với những tuyến đường rầy xe lửa được dùng để chuyên chở đủ mọi thành phần tù nhân đáng bị tiêu diệt của Đức Quốc Xã tới nơi chốn đọa đầy cùng tận này. Chúng tôi chỉ còn biết nhìn xem một cách câm nín nghẹn ngào khôn tả, một cách nhức nhối đớn đau chưa từng thấy, và không thể nói lên tâm trạng ngậm ngùi vô cùng cảm thương của mình. Ôi, con người có thể độc ác đến thế ư, độc ác hơn hoang thú nữa! Ôi tội ác của con người tới đó là cùng!! Ôi khổ đau của con người không thể nào hơn được nữa, ở nơi đây... Ôi, đây chính là một Golgotha - Canvê (sọ trường) thời đại, nơi mà không có đức tin vững mạnh không thể nào chấp nhận và đứng vững như Mẹ Maria dưới thập tự giá.

 

Chúa Nhật ngày 4/5/2014, chúng tôi được đến Vương Cung Thánh Đường Wawel cổ kính trên 900 năm, nơi đã từng diễn ra các cuộc đăng quang của vua chúa Balan ngày xưa, và là nơi vị giáo hoàng Gioan Phaolô II sau này là tân linh mục Karol Wojtyla được thụ phong linh mục ngày 1/11/1946. Chúng tôi đã được sắp xếp dâng lễ ở ngay bàn thờ ngài đã dâng lễ mở tay vào ngày 2/11/1946, nơi nguyện đường có 6 ngôi mộ, trong đó có mộ của Thánh Leonardo, và còn một chỗ nữa, ở góc cuối bên phải từ bàn thờ nhìn xuống, theo tôi, nếu ngay từ sau khi ngài qua đời mà nếu được phép đưa thi hài của ngài về quê hương Balan thì đó là chỗ giành cho ngài, nhưng chắc sau đó phải chuyển mộ ngài ra một chỗ khác, như đã xẩy ra ở Đền Thờ Thánh Phêrô - mộ của ngài đã được chuyển từ hầm đền thờ lên lòng đền thờ và ở gần cuối cho việc viếng thăm hằng ngày đông đảo của các tín hữu từ ngày ngài qua đời được dễ dàng hơn. 

 

Sau lễ sáng ở đây chúng tôi được đưa đến Wadowice là sinh quán của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nơi chúng tôi đã vào kính viếng ngôi thánh đường ở ngay bên cạnh khu chung cư nhà của ngài và trường tiểu học ngài theo học từ nhỏ cũng ở ngay sát đó, ngôi thánh đường bấy giờ đang chật ních người. Chúng tôi đã cố gắng chen lên bể rửa tội là nơi ngài lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy. 

 

Thế rồi chúng tôi tiến vào khu Bảo Tàng Viện về ngài mới khai trương được 3 tuần lễ. Trong đó, rảo qua 4 tầng lầu, chúng tôi đã được thấy những di tích của ngài và về ngài. Ở tầng thứ nhất (ground floor) chúng tôi thấy di tích về ngài và về sinh quán Wadowice của ngài trước Thế Chiến II, bao gồm cả giây Áo Đức Bà mầu trắng ngài mặc sau khi rước lễ lần đầu. Ở tầng thứ hai (first floor), chúng tôi đã vào thăm 3 gian nhà ngài đã ở, bao gồm cả phòng ngủ và nhà bếp, thấy các đồ đạc (được khóa kín trong tủ kính) ngài đã sử dụng cùng những đồ đạc trong nhà của ngài, chẳng hạn 2 cái giường của 2 bố con ngài nằm, tương tự như thời của ngài. Cũng ở tầng này, chúng tôi còn thấy được cả cây súng lục (được trưng bày ở dưới sàn nhà trong khung kính khóa kín) được Ali Agca sử dụng để ám sát ngài ngày 13/5/1981 ở Quảng trường Thánh Phêrô, cùng với bộ y phục của người cận vệ bấy giờ còn dính máu của ngài. 

 

Ở tầng nóc (attic), chúng tôi thấy đủ mọi thứ đất (trưng bày bên dưới sàn nhà trong lồng kính) được thu gom từ các nơi ngài tông du 104 chuyến. Cuối cùng ở tầng hầm (basement), chúng tôi thấy được cái đồng hồ ở tông dinh giáo hoàng Vatican đã ngừng chạy vào lúc ngài qua đời, thấy được phóng ảnh đích xác cuốn Thánh Kinh bay phất phới được đặt trên quan tài của ngài vào lễ an táng 8/4/2005, và thấy được vô số tờ giấy ghi tâm nguyện của mình xin ngài chuyển cầu được đặt trên mộ của ngài ở dưới hầm Đền Thờ Thánh Phêrô. 

 

Chúng tôi cũng không quên đến cái quán ở đầu nhà thờ để ăn món bánh kem (scream cake) mà khi còn niên thiếu ngài thích ăn, giờ đây đã trở thành món thịnh hành nhất và đắt khách nhất ở sinh quán của ngài. Mua xong 4 miếng được tặng một là năm, chúng tôi kiếm chỗ ngồi để thưởng thức. Ai ngờ, tại chính bàn ngồi có một chỗ của tôi, hướng dẫn viên du lịch người Balan nói tiếng Anh cho chúng tôi biết rằng cái bàn và cái ghế chúng tôi đang ngồi, như tấm bảng nhỏ để ở trên bàn bên dưới tấm hình của ngài cho biết, là chính cái bàn và cái ghế cậu Karol Wojtyla xưa vẫn ngồi ăn thứ bánh kem này. Đúng là cái gì của thần tượng đều có giá và trở thành bất hủ. Chớ gì đời sống totus tuus của ngài cũng sáng giá cho những ai sùng mộ ngài noi gương bắt chước.

 

Nơi cuối cùng chúng tôi đến theo cuộc hành trình đức tin của mình là Thánh Đường ở Jasna Gora, nơi có bức ảnh lịch sử Black Madonna. Ở đây cũng thế, ngôi nhà thờ kiểu Chính Thống Giáo với đầy những tràng hạt và nạng chống treo đầy hai bên tường chật ních người tham dự lễ và khách hành hương. Như ở Lancianô, trong khi cử hành Thánh Lễ (hầu như suốt ngày) khách hành hương vẫn được xếp hàng dọc bên hông nhà thờ để lên phía sau cung thánh kính viếng Thịt và Máu Chúa Kitô Thánh Thể thế nào thì ở đây khách hành hương cũng được lên bên trên, đằng sau cung thánh, để kính viếng bức ảnh của Vị Quan Thày Nước Balan và gắn liền với lịch sử của dân tộc Balan này. 

 

Phái đoàn hành hương Việt Nam Tông Đồ Chúa Tình Thương chúng tôi, sau khi mọi người kính viếng bức ảnh này đã ghé sang nguyện đường bên cạnh, sáng sủa hơn, mới mẻ hơn, thông thoáng hơn, để cùng nhau dâng Nước Việt Nam và Giáo Hội Việt Nam cho Black Madonna - Đức Mẹ Đen, theo lời nguyện gợi ý trong tấm postcard của Chiến Dịch Fatima Ngũ Niên (2012-2017) cho Trái Tim Mẹ Toàn Thắng trên Quê hương Việt Nam, sau đó cùng nhau hát vang cả nhà thờ bài "Mẹ Rất Nhân Từ", với tất cả lòng tin tưởng rằng Mẹ đã từng đồng hành với lịch sử Balan thế nào, nhất là trong thời cộng sản vô thần, cũng đồng hành với dân tộc Việt Nam đang khốn khổ dưới chủ nghĩa và chế độ cộng sản như vậy.

 

Riêng tôi, trước tấm ảnh lớn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ở bên phải cung thánh từ dưới nhìn lên, tôi đã quí cầu nguyện đặc biệt cho quê hương của tôi với vị giáo hoàng đã ảnh hưởng tới biến cố cộng sản Đông Âu năm 1989, khởi đi từ quê hương Balan của ngài. Trước khi rời ngôi nhà thờ này, tôi đã lấy một trong 3 lá cờ Việt Nam tôi đang cầm (có cả cán cờ) để cuốn bên trong nó tấm postcard có lời nguyện cầu cho quê hương đất nước Việt Nam, và cố gắng vứt vào trước bức ảnh của ngài, như để gửi gấm quê hương thân yêu của tôi cho sự bảo trợ của vị thành giáo hoàng Gioan Phaolô II thần thế này. Đây là cử chỉ cuối cùng bày tỏ lòng tin của tôi trong cuộc hành trình đức tin với Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương suốt từ Thứ Bảy 26/4/2014 tới hôm ấy, Chúa Nhật 4/5/2014.

 

 

Cột Mây Cột Lửa

 

Nếu cuộc Xuất Ai Cập của Dân Do Thái đã được Thiên Chúa đồng hành với họ bằng cột mây ban ngày và cột lửa ban đêm thế nào (xem Xuất Hành 13:21-22, 14:24) thì cuộc hành trình đức tin của Nhóm TĐCTT chúng tôi cũng thế. Đây không phải chỉ là một so sáng tượng trưng và là một thực tại, không ai trong phái đoàn hành hương chúng tôi có thể chối cãi. Thật vậy, Thiên Chúa, qua Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, quả thực đã đồng hành với chúng tôi từng ngày và từng nơi. Ngài đã đồng hành với chúng tôi bằng cột mây qua những may lành chúng tôi nhận được, cũng như bằng cột lửa qua những bất trắc chúng tôi thoát được hay những sắp xếp thuận lợi ngoài lòng mong ước của chúng tôi.

 

Trước hết, Thiên Chúa đã đồng hành với cuộc hành trình đức tin của Nhóm TĐCTT Hành Hương "Tia Sáng Từ Balan" 2014 bằng cột mây may lành. Trước hết, ngài đã cho thời tiết mát mẻ thật là dễ chịu suốt thời gian đến Vatican Thứ Sáu 25/4/2014 cho tới khi sang Balan, ở chỗ, hầu như ngày nào cũng nghe thấy dự báo mưa, nhất là Chúa Nhật 27/4/2014 là ngày phong thánh dự báo đến 80% mưa, nhưng chẳng bao giờ nhóm chúng tôi bị mưa, và trời chỉ mưa khi chúng tôi đã xong việc, đang ngủ hay ở trên xe. Kể cả gần ba ngày cuối cùng ở Balan, trời tuy lạnh hơn, nhưng chỉ bị mưa duy nhất có một lần, đó là vào chiều Thứ Bảy 3/5/2014, vào lúc đi thăm lò diệt chủng của Đức Quốc Xã, một trận mưa duy nhất chúng tôi trải qua nhưng mang đầy ý nghĩa, như thể trời cao đã không phải mủi lòng trước một nơi chốn kinh hoàng nhất trần gian này vậy.

 

Sau nữa, ngài đã cho chúng tôi được thưởng thức cả những nơi chúng tôi không ngờ, chẳng hạn chúng tôi được ghé thăm thành phố Venice nổi tiếng ở miền bắc Ý quốc vào tối đêm hôm 1/5/2014, một thành phố toàn nước là nước, với các con kênh và cầu nối, một thành phố tuyệt vời về đêm. Hay cho chúng tôi được ghé thăm cả thủ đô Vienna Áo quốc chiều ngày 2/5/2014, một thành phố nổi tiếng chẳng những ở Âu Châu và trên thế giới về tính chất sang giầu và an toàn của nó, một thành phố có giòng Sông Xanh - Denube nổi tiếng là nơi 19 trong 24 người chúng tôi sau cơm tối đã đi dạo ven bờ sông không còn giòng nước xanh nữa mà đã trở thành nâu tự bao giờ.

 

Trong các nơi chúng tôi đi qua trong chuyến hành hương 12 ngày này, bao gồm cả đạo lẫn đời, thì lịch sử nhất là Rôma, uy nghi nhất là Vatican, linh thiêng nhất là Lancianô, thiên nhiên nhất là Assisi, đẹp nhất về đêm là Venice Ý quốc, giầu sang nhất là Vienna Áo quốc, ấn tượng nhất là Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa và khủng khiếp nhất là lò diệt chủng Auschwitz. 

 

Cột mây của ngài bao phủ chúng tôi còn ở chỗ làm cho chúng tôi yêu thương nhau như anh chị em trong gia đình. Hầu như tôi, trong vai trò tour host, chưa hề nghe thấy một lời than phiền trách móc nào. Lúc nào cũng để ý đến nhau và giúp đỡ nhau: nào ngồi xuống bóp chân cho nhau, cạo gió cho nhau, chờ nhau và dìu nhau đi, hỏi nhau khi thấy vắng thiếu bất cứ một ai, xách đồ hay kéo đồ giúp nhau, mời nhau ăn trưa, tặng quà cho nhau, kể chuyện cho nhau nghe. 

 

Trong chuyến xe từ Venice Ý quốc sang Krakow Balan hai ngày đường, chúng tôi đã sinh hoạt trên xe rất vui. Có những tâm sự tiêu cực hay chất ngất đau thương trong quá khứ của năm sáu chị em đã được tự động bày tỏ cho mọi người nghe. Nếu chúng tôi không thân tình với nhau thì không thể nào được nghe bộc lộ tâm sự như trong gia đình như thế. Chính những tâm sự này đã phấn khích đức tin của từng người chúng tôi, chứ không phải chỉ ở những nơi chúng tôi đến hành hương. 

 

Chưa hết, Thiên Chúa còn đồng hành với chúng tôi bằng cả cột lửa của ngài nữa, qua những sắp xếp thuận lợi ngoài lòng mong ước của chúng tôi và giải quyết những bất trắc cho chúng tôi. Trước hết, Thiên Chúa đã sắp xếp cho chúng tôi đến Assisi vào chính ngày 30/4/2014 để chúng tôi cầu nguyện cho quê hương đất nước Việt Nam thân yêu của chúng tôi, một Assisi đã từng diễn ra các cuộc hội ngộ liên tôn nguyện cầu cho hòa bình do chính vị giáo hoàng của Giáo Hội Rôma phát động và chủ sự, chẳng hạn ngày 27/10/1986 dưới thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và ngày 27/10/2011 dưới thời Đức Thánh Cha Biển Đức XVI 25 năm sau.

 

Thiên Chúa đã đồng hành với chúng tôi khi Ngài sắp xếp cho chúng tôi có giờ để Chầu Thánh Thể và Lần Chuỗi Thương Xót ở ngôi Nhà Thờ xẩy ra Phép Lạ Thánh Thể Lancianô Thứ Ba 29/4/2014, nơi đầy những khách hành hương và đầy ắp chương trình dâng lễ liên tục suốt ngày, hay có thể dâng Thánh Lễ tại nguyện đường là nơi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dâng lễ mở tay ngày 1/11/1946 (một địa điểm bất ngờ được thay đổi vào giờ chót), cũng như có giờ để cử hành Lòng Thương Xót Chúa và xưng tôi cùng tuyên hứa TĐCTT ở chính Đền Thánh LTXC Balan ngày Thứ Bảy Đầu Tháng 3/5/2014, hoặc có thể đọc lời nguyện và vang vang hát tiếng Việt cầu cho quê hương đất nước Việt Nam trong Thánh Đường có Ảnh Black Madonna ở Czestochowa chiều Chúa Nhật 4/5/2014.

 

Thiên Chúa còn đồng hành với chúng tôi trong cả những bất trắc xẩy ra nữa. Chẳng hạn, trước hết, cha linh hướng của chúng tôi bị thất lạc ở phi trường chính cái xách tay đựng đồ lễ và sách lễ. Nhưng trong thời gian hai ngày đầu không có sách lễ Việt Nam, ngài vẫn có thể sử dụng sách lễ tiếng Latinh (ngày thứ nhất) và tiếng Ý (ngày thứ hai). Thế rồi trong nhóm 24 người chúng tôi trong khi thăm viếng Vatican hôm Thứ Bảy 26/4/2014, có hai chị đã bị mất cắp tiền bạc. Trên xe bus chở chúng tôi từ phi trường về hotel hôm trước và cả sáng hôm sau khi chở chúng tôi từ hotel đến Vatican, hộ tống viên du lịch đã nhấn mạnh đến vấn đề trộm cặp chuyên nghiệp ở Rôma, đến độ họ có thể giả làm linh mục, nữ tu, cảnh sát và thực hiện ngay trong nhà thờ v.v. 

 

Được warning như thế mà có chị đã mất 600 Euros cùng với 400 Mỹ kim trong chớp nhoáng ở chính trong Đền Thờ Thánh Phêrô, có lẽ khi chị giờ tay chụp hình thì bị tay trộm cắp chuyên nghiệp nào đó thọc ngay vào xách tay của chị chộp ngay bọc tiền của chị. Ai nghe thấy cũng phải khâm phục tên trộm, vừa tinh (biết tiền để đâu) và vừa nhanh (chớp nhoáng lấy đúng những gì mong muốn). Còn một chị nữa, có thể vì kẹp chặt vào mình nên đã bị rạch và đã bị mất mấy trăm Mỹ kim. Cũng chị bị rạng xách tay này ngay hôm trước, hôm sau, khi tham dự Lễ Phong Thánh, cái túi xách đeo vai của chị lại bị rạch một lần nữa, thế mà lần này chị không bị mất gì ngoài mất cái túi xách không còn xài được. Tuy nhiên, trong cái xui còn có cái may, đó là chỉ mất tiền bạc chứ không mất giấy tờ cần thiết như vé may bay hay giấy thông hành. 

 

Một bất trắc nữa đã xẩy ra cho chung nhóm chúng tôi ở Venice, khi hầu như cả nhóm hào hứng sau cơm tối rủ nhau mua vé xe bus khứ hồi (2.40 Euros) và vé canô khứ hồi (14 Euros) tại khách sạn để thăm thành phố nổi tiếng này về đêm. Sau khi xuống xe bus, chúng tôi đi tìm lối xuống canô để đến Saint Mark Square là trung tâm của Venice. Thấy không ai soát vé, nhiều người cứ tưởng như bên Mỹ, mua vé rồi là an toàn, nếu có bị kiểm soát bất ngờ thì chỉ cần trình vé là xong. Thế là ồ ạt tiến qua cổng và bước xuống canô. 

 

Trong khi mọi người đang an vị trong khoang hay đang đứng ngoài khoang canô để ngắm cảnh và chụp hình vui vẻ thì một toán kiểm soát viên xuất hiện đòi soát vé. Chúng tôi ai cũng trình vé của mình. Nhưng họ vẫn không chịu và đòi phạt mỗi vé 52 Euros nữa, vì đã không scan khi qua cổng. Nên nhớ mỗi Euros khoảng 1.5 Mỹ kim. Tất nhiên đời nào chúng tôi chịu. Thế là gân cổ lên cãi cho bằng được. Họ thì đặt vấn đề tài sao có mất cái vé của quí vị được scan còn đa số không scan. 

 

Chúng tôi thì biện luận theo kiểu tưởng như ở Mỹ v.v. Cuối cùng, cãi không được và van xin cũng không xong, chúng tôi đành sẵn sàng chịu phạt, nhưng phải về lại hotel mới có tiền. Tôi đã chứng minh là không đem theo tiền bằng cách mở cái ví của tôi hầu như chẳng bao giờ có tiền ra cho họ coi để họ tin rằng chúng tôi nói thật. Trong ví của tôi còn có bằng lái xe nữa. bấy giờ tôi đã nói với họ rằng như vấn đề đem theo ID cũng thế, có người mang theo có người không thế nào thì vấn đề scan vé cũng thế, có người scan có người không vậy. 

 

Hình như họ chịu lý, vì nếu họ cứ nhất định phạt chúng tôi thì họ phải theo chúng tôi về hotel của chúng tôi. Bởi thế, cuối cùng họ bảo cả nhóm chúng tôi xuống canô và dẫn chúng tôi đến chỗ scan vé để chính họ scan từng vé cho chúng tôi, hình như để đề phòng chúng tôi sử dụng lại sau này. Thế là chúng tôi thoát nạn. Phải chăng LTXC đã can thiệp cho chúng tôi, vì trước đó, chúng tôi đã muốn đóng góp tiền bạc để chia sẻ với người chị em bị mất cả hơn 1 ngàn Mỹ kim hôm Thứ Bảy 26/4/2014, và sau đó chúng tôi còn góp nhau đủ 30 Euros để trả tiền phạt cho tài xế xe bus của chúng tôi bị cảnh sát chặn bắt vì quá tốc độ trên đường từ Venice đến Brno Cộng Hòa Tiệp. 

 

Nhưng có lẽ cả cột mây lẫn cột lửa của Thiên Chúa đã đồng hành với chúng tôi hôm Chúa Nhật Lễ LTXC 27/4/2014 là tột đỉnh cuộc hành trình đức tin của chúng tôi, vì là thời điểm phong hiển thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Gioan XXIII. Tối hôm trước, ngày Chúa Nhật này đã được đài khí tượng cho biết là sẽ có 80% mưa. Đêm Thứ Bảy, trong giờ kinh phụng vụ, tôi đã xin Dự Thánh Gioan XXIII làm phép lạ cho Chúa Nhật khỏi bị mưa, vì ngài chưa làm phép lạ thứ hai để được phong thánh như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Chắc nhiều người cầu nguyện cùng một ý chỉ như thế mà trời chẳng những không mưa lại còn mát mẻ suốt từ rạng sáng Chúa Nhật tới 4 giờ chiều Chúa Nhật mới mưa, sau khi mọi sự đã hoàn tất một cách tốt đẹp.

 

Chúng tôi nghe thấy tình hình từ tối hôm trước rằng không ai được ngủ tại Quảng Trường Thánh Phêrô và 5 giờ mới được cho vào. Chúng tôi còn được biết là chỉ có những ai ở trong Quảng Trường Thánh Phêrô và ở khoảng đường chính đâm thẳng vào Quảng Trường Thánh Phêrô mới được rước lễ, vì chỉ ở những nơi này mới có các hàng rào dành để 700 vị linh mục cho rước lễ. Chúng tôi còn được thông báo rằng hôm sau không một chiếc xe bus nào có thể di chuyển vào Vatican, nguyên từ Balan đã có 2 ngàn chiếc xe bus. Bởi thế, chỉ có xe lửa và taxi giúp chuyển chở mà thôi. Chúng tôi chọn xe lửa, với giá 3 Euros khứ hồi.

 

Trước tình hình đầy thử thách ấy, Nhóm TĐCTT chúng tôi đã đồng lòng quyết định dậy từ 2 giờ sáng, lấy phần điểm tâm của mình do khách sạn dọn sẵn theo yêu cầu, rồi kéo nhau ra trạm xe lửa ở ngay đầu đường vào lúc 2 giờ 45, hy vọng sẽ được lọt vào Quảng Trường Thánh Phêrô để tham dự lễ Phong Thánh. Chuyến xe lửa sớm sửa ấy của chúng tôi càng ngày càng hết đường nhúc nhich bởi số người tiến về Vatican mỗi lúc một đông đến độ không thể nào còn chỗ đứng nữa. 

 

Cuối cùng chuyến xe lửa chở chúng tôi dừng lại ở trạm thứ 8 là trạm gần Vatican nhất, mọi người ào xuống như một đạo binh đổ bộ hùng hầu nhất và ào ào tiến về Quảng Trường Thánh Phêrô. Tất cả mọi ngả tắt vào quảng trường này đều bị nhân viên an ninh chặn giữ. Chỉ có một ngõ tắt duy nhất dành cho các đấng bậc và quan khách. Ngoài ra, tất cả phải đi xuống cuối con đường chính đâm thẳng vào Quảng Trường Thánh Phêrô, rồi từ đó tiến vào Quảng Trường Thánh Phêrô, khoảng nửa dặm. 

 

Nhóm TĐCTT chúng tôi đầy sung sức, hớn hở cùng đoàn người kéo nhau xuống cuối con đường chính, hy vọng làm sao lọt được vào con đường này để rước lễ thì đã mãn nguyện lắm rồi, bởi thấy rằng chung quanh mình là cả một đám đông chưa từng thấy. Chúng tôi đã đứng tại chỗ cách con đường chính khoảng cả mấy trăm bộ (feet) cả mấy tiếng đồng hồ, từ 3 giờ 15 đến 7 giờ sáng. 

 

Tại đây, không ai nhúc nhích gì được nữa, vì bấy giờ (3 giờ 15 sáng) chưa ai được phép vào Quảng Trường Thánh Phêrô, cho đến 5 giờ sáng, mới từ từ nhích lên được từng chút ngắn. Suốt trong thời gian 3 tiếng 45 phút này, ngoại trừ những lúc nhúc nhích xích lên từng chút một, chúng tôi đứng sát vào nhau, khó lòng mà ngồi xuống. Nhóm chúng tôi bắt đầu bắt hát các bài Latinh như Ave Maria hay Salve Regina, khiến các nhóm chung quanh cũng hát theo. 

 

Bấy giờ khí trời mát mẻ chứ không lạnh dù mới 3-4 giờ sáng. Bởi thế, cùng với tinh thần hăng hái, ai cũng cảm thấy vẫn còn sức để có thể chịu đựng thêm 7-8 tiếng nữa ở thế đứng, cho đến Thánh Lễ được bắt đầu từ 10 giờ sáng và kết thúc vào lúc 12 giờ trưa. Nhóm chúng tôi (20 nữ và 4 nam, trong đó có 3 cặp vợ chồng, 2 cặp chị em dâu, 3 cặp chị em ruột, và 3 mẹ con: 1 linh mục 86, 5 nữ nhân tuổi từ 70, 9 từ 60 trở lên, 6 từ 50 trở lên và 3 từ 40 trở lên) chỉ dám ăn mà không dám uống vì chỉ sợ tìm không thấy chỗ tiểu hay không kịp đi tiểu. 

 

Nhóm chúng tôi rất sợ lạc nhau, bởi thế, cũng may chúng tôi chỉ có 24 người, vừa đủ để gắn bó với nhau. Đi đâu chúng tôi cũng có cờ hiệu và mũ đồng mầu để theo dõi nhau và nhận ra nhau nếu bị thất lạc cách nào. Thế mà, tại khúc quanh định mệnh ấy, khúc quanh từ con đường chúng tôi đứng từ 3 giờ 15 sáng sang con đường chính đâm vào Quảng Trường Thánh Phêrô, vào lúc 7 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu lạc nhau từng nhóm nhỏ, thậm chí 3 cặp chị em ruột, 2 cặp chị em dâu, 3 mẹ con và 3 cặp vợ chồng trong nhóm chúng tôi hầu như không còn biết nhau ở đâu nữa, không thể nào còn ở bên nhau được nữa. 

 

Bấy giờ ai cũng muốn tiến vào tận Quảng Trường Thánh Phêrô, hay ít là dừng lại ở trước một màn hình lớn để dễ theo dõi Thánh Lễ, nên chẳng ai bảo ai, tất cả đều cố gắng chen lấn và len lỏi bao nhiêu có thể... Giá tôi đi một mình thì chắc chắc lọt vào Quảng trường Thánh Phêrô rồi. Cảm thấy tội cho các chị, tôi đã mang theo cái xách tay kềnh càng và nặng nề hầu có thể dùng làm ghế ngồi cho một số chị hôm ấy. 

 

Thế rồi cuối cùng, từ 7 đến 9 giờ 30 sáng, nhóm hành hương tản mát chúng tôi cũng tiến lên tới gần Quảng Trường Thánh Phêrô, đừng gần màn ảnh đầu tiên của con đường chính này. Nhờ đó, hầu hết chúng tôi (trừ 3 chị vì ghé đi vệ sinh mà chỉ dự "lễ nghe" hơn là "lễ thấy" và mất rước lễ) hầu hết chúng tôi chẳng những được thấy lễ mà còn được rước lễ, có lẽ là lần rước lễ đầu tiên và duy nhất trong đời phải chen lấn nhau chưa từng thấy, như thể Thánh Thể là kho tàng quí giá nhất cần phải dùng sức mạnh mới có thể lãnh hưởng.

 

Bấy giờ tôi mới cảm thấy thế nào là ý nghĩa của những gì là "dồn nén" (chẳng những dồn lại với nhau mà còn bị nén thật chặt lại với nhau như một khúc giò thủ, không còn nhúc nhích gì được nữa, không thể nào ngã được nữa dù nhất định muốn ngã, chỉ còn muốn bùng nổ), là "đàn áp" (đến độ không thể vùng vẫy theo ý mình, nếu không khỏe hơn đám đông và nếu bất chấp yêu thương bác ái), là "thúc đẩy" (bắt buộc phải di chuyển theo đám đông, không còn làm chủ mình được nữa). Hầu như không thể nào ngồi xuống được nữa. Nếu ai mệt quá mà ngồi xuống trong khi cả đám đông đang chờ chuyển tiếp thì chỉ thấy toàn mông người hơn là bầu trời, hơn là đầu người hay mặt người. Có chị ở vào tuổi 70 đã cho biết là bị dồn ép đến độ chân không còn chạm đất. 

 

Nhưng trong cái cám giác tự nhiên bị đám đông dồn nén, đàn áp và thúc đẩy như thế, cái thú vị của những gì là tình đoàn kết mỗi ngày một thắt chặt hơn với nhau, đến phải nép mình vào nhau, ép mình vào nhau, bỏ mình cho nhau, đồng thời cũng vươn lên, khi thấy đủ mọi thành phần tín hữu, giáo dân, tu sĩ nam nữ, linh mục, (các vị giám mục và hồng y sau Thánh Lễ cũng không thể nào tránh khỏi cảnh chen lấn bất đắc dĩ để có thể mau chóng ra khỏi đám đông từ bên ngoài đang tiến vào Quảng Trường Thánh Phêrô), thành phần Kitô hữu từ mọi quốc gia khác nhau trên thế giới, đứng sát cánh bên nhau chưa bao giờ thấy, tại chính Giáo Đô Rôma để cùng nhau cử hành mầu nhiệm đức tin nơi Thánh Lễ LTXC, cũng là lễ phong hiển thánh cho nhị vị giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II.

Cũng may, ngày hôm trước, khi thăm Vatican, chúng tôi đã hẹn hò với nhau tại vị trí cái tháp trụ ở giữa Quảng Trường Thánh Phêrô vào lúc 3 giờ chiều, nếu có bị lạc nhau. Cuối cùng, chúng tôi đã gặp nhau đông đủ vào lúc 2 giờ chiều. Một số được vinh dự thấy Đức Thánh Cha Phanxicô đi trên chiếc giáo hoàng xa của ngài tiến về phía họ, đến độ có chị dựng đứng cả tóc gáy lên, chảy nước mắt ra vì không ngờ lòng khao khát của chị trong chuyến hành hương này là được nhìn thấy tận mắt vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian của chị đã được Chúa thương nhận lời, khiến chị bàng hoàng đến độ không còn nhớ chụp hình lưu niệm như mọi lần. 

 

Một số chị khác (trong đó có 3 chị chỉ dự lễ nghe và không được rước lễ) được các đài truyền hình phỏng vấn. Một số không được thấy ĐTC thì lại được đi shopping. Gặp nhau, chúng tôi hàn huyên đủ thứ, nhất là chuyện chưa bao giờ đứng cả gần 10 tiếng đồng hồ và chuyện lạc nhau, tìm nhau và thấy nhau v.v. Rồi chúng tôi lại hào hứng chụp hình kỷ niệm tại tháp trụ ở giữa Quảng Trường Thánh Phêrô này với nhau và với một số khách hành hương. Sau đó chúng tôi kéo nhau đến trạm xe lửa đang đông đảo chờ chui xuống hầm, và về tới hotel vào lúc 3 giờ chiều. Tất cả đều về phòng an giấc mộng lành ngủ ngon chưa từng thấy ... cho tới bữa tối lúc 7 giờ.

 

Thiên Chúa đã đồng hành với chúng tôi nói chung mà còn với từng người chúng tôi nói riêng nữa trong biến cố Chúa Nhật này. Ở chỗ chúng tôi đa số là phái yếu, nhỏ con và gầy còm, so với tướng tá của người Âu Châu kể cả nữ giới của họ, chẳng những mỏi chân đã đành mà còn bị chen lấn đến ngột thở nữa. Có chị 74 tuổi bị bệnh tim đã từng nhập viện emergency nhiều lần, đã phải tìm cách đứng vững bằng cách tự vận động chân mà còn phải ngửa mặt lên trời để thở cho khỏi ngất xỉu. 

 

Trong số chúng tôi có một chị cho dù đau chân cũng cứ ghi danh đi hành hương, và trước khi đi hành hương chân đã tạm khỏi nhưng vẫn còn chậm bước, hôm đó, sau khi nhóm chúng tôi đã lạc nhau, và khi chị đã gần bị ngất xỉu thì có 2 chị trong nhóm đang ở với chị liền làm dấu cho nữ nhân viên cấp cứu ở gần đó đến đưa chị đi đến trạm cứu thương lập tức. Nhờ đó chị đã được hồi phục cho đến khi mọi sự hoàn tất. Nếu một ai trong chúng tôi ngã bệnh nằm liệt giường hay vào nhà thương thì cả nhóm hành hương sẽ gặp rắc rối không ít và sẽ không còn trọn niềm vui nữa. Ấy thế mà Thiên Chúa vẫn đồng hành với chúng tôi. 

 

Chưa hết, có chị bị lạc sau khi đi vệ sinh vì không được trở về chỗ cũ với nhóm nữa, thì lại gặp 2 chị em khác cũng đang bị chặn không được vào. Thế là cả 3 đã nhập bọn với nhau, bằng không người chị em 68 tuổi này, vừa đau chân, vừa không biết tiếng tăm gì ngoài Việt ngữ không biết sẽ đi về đâu. 

 

Bù lại với người chị em gần ngất xỉu được cấp cứu kịp thời này trong lễ phong thánh, một chị khác, người chị em 68 tuổi trên đây, với cặp giò đau suốt từ trước ngày ghi danh hành hương cả 7 tháng trời, và đã cố gắng chạy chữa đủ cách trong thời gian này để có thể bước đi hành hương một cách tự nhiên, nhưng vẫn bị trục trặc. Ấy thế mà, theo tiến trình hành hương, chị càng đi càng đỡ, đến độ trước khi đến Balan chị cho biết trên xe bus là đã bớt được 70-80%. Tuy nhiên, chỉ cho đến khi chị đến Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa Thứ Bảy Đầu Tháng ngày 3/5/2014, chị mới hoàn toàn được lành mạnh, khi chị bắt đầu tiến lên Đền Thánh này. Chị đã bước đi một cách tự nhiên, không còn lê bước hay phải bám vào người khác như mấy ngày trước. Cho đến nay, về đến nhà rồi, chị đã có thể đi đem Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt theo lòng chị mong ước. Cảm tạ LTXC. 

 

 

Cảm Nghiệm Hành Hương

 

Nếu chuyền Hành Hương "Tia Sáng Từ Balan" của Nhóm TĐCTT chúng tôi, về thời điểm, tột đỉnh là Chúa Nhật Lễ LTXC, cũng là lễ tôn phong hiển thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Gioan XXIII, thì về địa điểm, trọng tâm của chuyến hành hương này là quê hương Balan của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói chung và Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa ở Krakow nói riêng, khu vực đã được Đấng Quan Phòng Thần Linh tuyển chọn để ban bố Sứ Điệp LTXC cho riêng Giáo Hội cũng như cho chung nhân loại qua Chị Thánh Faustina vào thời điểm giữa hai Thế Chiến I và II trong thế kỷ 20.

 

Khi còn ở Hoa Kỳ, khi nghiên cứu về LTXC và rao giảng LTXC, tôi đã cảm nhận được lý do tại sao cho đến tiền bán thế kỷ 20 và nhất là cho đến hạ bán thế kỷ 20, Sứ Điệp LTXC mới được ban bố và loan truyền. Thế nhưng, ngay khi còn ở Balan, tôi càng cảm nhận đươc chẳng những về lý do tại sao cho tới thế kỷ 20 mới có Sứ Điệp LTXC mà còn thấy được lý do tại sao Balan lại được Đấng Quan Phòng Thần Linh chọn làm nơi phát xuất Sứ Điệp LTXC qua nữ tu Faustina nữa. 

 

Thật vậy, ngay khi đang thăm lò diệt chủng của Đức Quốc Xã chiều mưa hôm Chúa Nhật ngày 4/5/2014, tôi tự nhiên đã thâm tín rằng chính vì cái địa ngục trần gian này ở Balan mà Balan đã trở thành Đất Hứa của LTXC. Quả thế, được tận mắt chứng kiến thấy lò diệt chủng vô cùng khủng khiếp này, nơi không còn tội ác nào đáng ghê tởm hơn, và cũng là nơi không còn cực hình và khốn nạn nào trên trần gian này có thể sánh bằng, tôi mới thấy rằng nó chính là vực thẳm của thân phận con người cả về tội ác lẫn khổ đau, những gì được "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) vì xót thương loài người "cho đến cùng" (Gioan 13;1) đã gánh chịu và biến đổi bằng cuộc Vượt Qua của Người. Balan nói chung đã trở thành một Sọ Trường (Golgotha hay Canvê) thời đại của LTXC và cho LTXC.

 

Thế giới ngày nay, kể từ sau Thế Chiến Thứ II, tuy không còn những lò diệt chủng của Đức Quốc Xã như ở Balan nữa, nhưng đã trở thành một chiến dịch diệt chủng toàn cầu hóa, còn khủng khiếp hơn trăm ngàn lần những lò diệt chủng ấy nữa. Chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phải dùng đến thành ngữ "văn hóa chết chóc - culture of death" để diễn tả bối cảnh và tình trạng về một thế giới càng văn mình con người càng bạo loạn và tự diệt ngày nay.

 

Chính lòng dạ của từng người mẹ phá thai ở khắp thế giới Tây Phương văn minh nói chung là một lò diệt chủng, không phải là diệt chủng kẻ thù của mình như Đức Quốc Xã mà là diệt chủng chính máu thịt của mình. Chính các cuộc khủng bố tàn sát nhau, bao gồm cả kẻ thù lẫn đồng bào ruột thịt của mình, vì hận thù ghen ghét nhau, nhất là ở thế giới Ả Rập Hồi giáo, cũng đang tiếp tay diệt chủng. Đó là lý do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định ở Balan trong chuyến viếng thăm quê hương lần thư 8 năm 2002 cũng là lần cuối cùng của ngài rằng:  

 

"Thế giới ngày nay cần đến tình thương của Thiên Chúa biết bao!... Trong tình thương của Thiên Chúa thế giới mới tìm thấy hòa bình và nhân loại mới tìm thấy hạnh phúc!" (17/8/2002) 

 

"Sứ điệp tình yêu nhân hậu cần được vang vọng một cách mạnh mẽ một lần nữa. Thế giới cần đến thứ tình yêu này. Đã đến thời giờ cần phải mang sứ điệp của Chúa Kitô đến cho mọi người ... Đã đến lúc sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa có thể làm cho các tâm hồn tràn đầy hy vọng và trở nên tia sáng cho một nền văn minh mới, một nền văn minh yêu thương" (18/8/2002)

 

Phải chăng chính vì Sứ Điệp LTXC được ban bố ở Balan và từ Balan như thế mà Đấng Quan Phòng Thần Linh đã "làm phát ra một tia sáng từ Balan" là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng không phải người ý sau 455 năm và là vị giáo hoàng "đến từ một xứ sở xa xăm" là Balan cộng sản? Thực tế cho thấy, nếu không có vị giáo hoàng xuất hiện bất ngờ từ Balan thì cả Sứ Điệp LTXC chưa chắc đã được Giáo Hội công nhận và sứ giả LTXC là nữ tu Faustina chưa chắc đã được phong thánh, nhờ đó phong rào LTXC được loan truyền mau chóng và rộng rãi như ngày nay. 

 

Bản thân của vị giáo hoàng người Balan này, tuy không phải là sứ giả của LTXC và cho LTXC như nữ tu Faustina đã được ngài bắt đầu tiến trình phong thánh từ ngày 21/10/1965, và chính ngài phong chân phước cho chị vào ngày 18/4/1993, để rồi 7 năm sau ngài cũng đã phong hiển thánh cho chị vào ngày 30/4/2000, Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh, thời điểm được Chúa Giêsu mong muốn trở thành lễ LTXC hằng năm trong Giáo Hội, một ước muốn đã được vị giáo hoàng này đáp ứng ngay trong thánh lễ phong thánh cho vị sứ giả của LTXC Faustina, nhưng qua các việc ngài làm trong suốt thời gian 26 năm rưỡi của giáo triều của mình, qua các văn kiện về LTXC (điển hình nhất là Thông Điệp Giầu Lòng Thương Xót) hay những việc liên quan đến LTXC (như Ngày Hòa Giải năm 2000) và cử chỉ tha thứ cho kẻ sát hại mình là Ali Agca v.v. có thể nói ngài chính là thừa sai của LTXC và cho LTXC.

 

Sự kiện ngài qua đời (2/4/2005 áp Chúa Nhật LTXC), được phong chân phước (1/5/2011 Chúa Nhật LTXC) và phong thánh (27/4/2014 Chúa Nhật LTXC) đều vào thời điểm liên quan đến Lễ LTXC cũng cho thấy ngài quả thực là "tia sáng từ Balan", được LTXC sai đến "để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha" (Chị Faustina - Nhật Ký 1732), bằng cách loan truyền LTXC. Bởi vì LTXC chính là dấu hiệu cho ngày cùng tháng tận: "Hãy nói cho thế giới biết về tình thương của Cha; tất cả loài người hãy nhân biết tình thương khôn dò của Cha. Đó là dấu hiệu cho ngày cùng tháng tận; sau đó sẽ là ngày của công lý” (Chị Faustina - Nhật Ký 848).

 

Ngoài bản thân của vị giáo hoàng xuất thân từ một nước cộng sản Balan này, sở dĩ Balan được chọn làm Đất Hứa của LTXC và cho LTXC là vì trong khi chung thế giới Âu Châu nói riêng và Tây phương nói riêng đang bị khủng hoảng đức tin trầm trọng, liên quan đến tình trạng sống đạo, như đi nhà thờ chỉ còn từ 15 đến 20% thì ở Balan nhà thờ vẫn đông đảo và ơn gọi tu trì vẫn dồi dào. Và trong khi Âu Châu càng ngày càng đóng cửa nhà thờ vì không còn là nơi thờ phượng nữa thì ở Balan lại xây thêm nhà thờ, điển hình là Đền Thánh LTXC được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cung hiến ngày 17/8/2002. 

 

Chưa hết, trong dịp sửa soạn mừng 1000 năm Kitô giáo, các vị giám mục Balan đã thực hiện một tác động của LTXC bằng lá thư hòa giải gửi ngày 18/11/1965 cho các vị giám mục Đức quốc, liên quan đến vấn đề xung đột giữa hai quốc gia trong Thế Chiến II, khi Balan bị Đức quốc chiếm đóng vào tháng 9/1939 và các giáo phận Balan được trao cho giám mục Đức cai quản. Balan quả thực xứng đáng được Thiên Chúa chọn để ban bố Sứ Điệp LTXC cho riêng Giáo Hội và chung thế giới:

 

"Thế nên, hôm nay đây, tại Đền Thánh này, Tôi xin long trọng ký thác thế giới cho Lòng Thương Xót Chúa. Tôi làm như vậy với một lòng thiết tha mong ước thấy sứ điệp của tình yêu nhân hậu Thiên Chúa, được loan báo nơi đây qua Thánh Faustina, cũng được tất cả mọi dân tộc trên thế giới biết đến và làm cho lòng họ tràn đầy niềm hy vọng. Chớ gì sứ điệp này, từ nơi đây, chiếu tỏa ra cho quê hương thân yêu của chúng ta cũng cho khắp thế giới. Chớ gì lời hứa quyết của Chúa Giêsu được nên trọn, ở chỗ, từ nơi đây phải chiếu giãi ra 'tia sáng sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha' (x Nhật Ký, 1732). Tia sáng này cần phải thắp lên bởi ân sủng của Thiên Chúa. Ngọn lửa tình thương này cần phải được chuyền đi cho thế giới". (ĐTC GPII - Balan 17/8/2002).

 

Cuộc Hành Hương "Tia Sáng Từ Balan" này bề ngoài quả thực là vất vả và mệt mỏi, không thể chối cãi. Trước chuyến đi thì bận bịu đủ thứ để làm sao cho mọi sự được tốt đẹp bao nhiêu có thể theo lòng mong ước. Trong khi hành hương thì phải lo làm sao để đừng lạc mất một ai và giữ đúng lịch trình hành hương cho đầy đủ và hào hứng nhất. Bởi thế, ban sáng, bao giờ tôi cũng dậy trước khi wake up call chung các phòng ngủ 1 tiếng rưỡi, để cầu nguyện và tính chuyện từng ngày. Riêng tôi không cảm thấy mệt, hay chưa cảm thấy mệt, nhưng càng về gần cuối tôi được vợ tôi nhận thấy là có vẻ mệt mỏi. Quả thực, về đến nhà tôi mới bắt đầu thấm mệt, và lợi dụng tình trạng máy móc điện thoại và điện thư bị hư chưa thể sử dụng, tôi đã nghỉ ngơi lấy sức cho các hoạt động tông đồ trước mắt sắp tới. 

 

Tuy mệt mỏi về phần xác, tôi vẫn cảm thấy rằng cái mệt mỏi ấy như thể sự tiêu hao đi của sáp nến hay đèn dầu để giữa cho ngọn lửa của cây nến hay của cây đèn được tiếp tục cháy sáng. Bởi thế, cho dù biến cố có qua di, cái gì còn lại nơi bản thân mình mới là quan trọng đối với tôi. Qua cuộc hành hương lịch sử ngàn năm một thuở không bao giờ có nữa này, tôi thực sự cảm thấy càng gần Chúa hơn và gần anh chị em tôi hơn. 

 

Tôi cảm thấy gần Chúa hơn vì tôi đã được Ngài tác động trong việc tổ chức chuyến hành hương này, và Ngài đã đồng hành chẳng những với cá nhân tôi trong thời gian sửa soạn (như tôi đã đề cập đến ở phần Cảm Hứng đầu), mà còn với chung Nhóm TĐCTT chúng tôi (như tôi đã đề cập đến trong phần Cột Mây Cột Lửa). Tôi càng thâm tín rằng hễ là việc của Chúa thì chính Chúa sẽ làm trong tôi và qua tôi, miễn là tôi luôn tin tưởng vào Ngài và làm hết sức mình một cách lành thánh. 

 

Đây là niềm xác tín tôi có được từ thời gian phục vụ Tiểu Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt hai niên khóa 1972-1974, cũng như từ thời gian 14 năm 2 tháng (8/9/1991 - 8/12/2005) phục vụ Liên Đoàn Thiếu Nhi Fatima Tổng Giáo Phận Los Angeles, và từ thời gian 13 năm 3 tháng 10 ngày (17/9/2000 - 27/12/2013) chủ trương và thực hiện Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống. Niềm xác tín này đã theo tôi trong cả việc hình thành Nhóm TĐCTT mà chuyến Hành Hương "Tia Sáng Từ Balan" này lại càng cho tôi thâm tín rằng Nhóm TĐCTT xuất phát từ Thiên Chúa.

 

Sự kiện Cha Nguyễn Đức Minh, vị linh mục lão thành 86 tuổi, được du học Hoa Kỳ từ năm 1956, có tiến sĩ triết lý khoa học và thạc sĩ Á Đông Học, và đã từng giảng dạy và đào luyện các linh mục Việt Nam ở Dòng Ngôi Lời (8 năm: 1983-1991) và Đại Chủng Viện Thánh Gioan TGP Los Angeles (1991-2005), đã tình nguyện hân hoan gia nhập Nhóm TĐCTT và nhiệt liệt ủng hộ Nhóm TĐCTT do tôi chỉ là một giáo dân thành lập, trong Lễ Tuyên Hứa tại Đền Thánh LTXC ở Krakow Balan Thứ Bảy Đầu Tháng ngày 3/5/2014, đối với tôi thực sự là một hồng ân Chúa ban và phúc lành của Chúa cho chung Nhóm TĐCTT chúng tôi. Trưa hôm Thứ Hai 12/5/2014, khi tôi ghé thăm vị linh mục này ở tư gia hưu trí của ngài, sau khi nghe tôi ngỏ ý cám ơn ngài đã gia nhập Nhóm TĐCTT, ngài chân thành và khiêm tốn bày tỏ rằng: "Chúng tôi được kêu gọi làm linh mục để làm tông đồ cho LTXC". 

 

Ngài đã ngỏ lời cám ơn hai vợ chồng chúng tôi đã tổ chức một chuyến hành hương đầy ý nghĩa, giá trị và ơn phúc. Tôi phải công nhận là Thiên Chúa đã đồng hành với chuyến hành hương của chúng tôi qua sự hiện diện của vị linh hướng này, vị linh hướng ngày nào cũng ban phép lành cho chúng tôi trước khi khởi hành, và chúc lành cho chúc tôi sau mỗi chuỗi kinh Thương Xót, vị linh hướng thích giải tội như Cha Thánh Gioan Vianney và cầu nguyện theo ý chỉ của từng người xin ngài, cũng là vị linh hướng đã tặng cho mỗi người hay mỗi cặp phối ngẫu hành hương chúng tôi một Phép Lành Tòa Thánh ngay vào bữa tối đầu tiên ở Rôma. 

 

Những anh chị em cùng hành hương mới gia nhập Nhóm TĐCTT cùng với ngài hôm ấy cũng là một sự lạ nữa. Vì chỉ sau khi đến Balan tôi mới nẩy lên tư tưởng cho họ tuyên hứa nếu họ đồng ý. Bởi vì, theo tôi, cho dù họ chưa qua các cuộc tĩnh tâm cần thiết như mọi anh chị em TĐCTT khác, nhưng sau khi họ chứng kiền thấy những dấu tích về LTXC, đã nghe tôi chia sẻ trên xe hay qua CD về Chị Thánh Faustina và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhất là đã chung sống với 16 anh chị em TĐCTT, và họ thực sự cảm nghiệm được LTXC thì ai có thể ngăn cản họ trong việc họ theo tác động Thánh Linh muốn dấn thân sống đời TĐCTT đáp ứng lời kêu gọi của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. 

 

Chắc có lẽ 16 anh chị em TĐCTT đã có cùng một ý thức như thế mà khi được tôi hỏi ý kiến vào tối Thứ Bảy 3/5/2014, tất cả đã đồng thanh nhất loạt hoan hỉ đồng ý. Để rồi, sau Kinh Mân Côi ở phòng ngủ của Cha Linh Hướng Nguyễn Đức Minh trước bữa tối, tôi đã tuyên bố quyết định của chung nhóm về vấn đề tuyên hứa của 8 anh chị em ngoài TĐCTT, và cả 8 vị, bao gồm cả Cha Linh Hướng, đã hưởng ứng liền, có người còn cho biết đã muốn xin gia nhập trước khi được kêu gọi nữa. Tám tân TĐCTT này trùng hợp với 8 TĐCTT đầu tiên năm 2009 ở Đền Thánh Đức Mẹ Dâng Con Corona California. 

 

Riêng tôi, tôi rất thích được gần gũi và hội ngộ với anh chị em Nhóm TĐCTT khắp nơi. Ở Nam California, mỗi tháng tôi được gặp anh chị em TĐCTT 3 lần, với riêng từng 3 tiểu nhóm, và chung tất cả ba tháng 1 lần. Mỗi lần thật là đông đảo và hào hứng. Nửa tháng mà không gặp nhau thì đã thấy lâu rồi, chẳng phải riêng tôi mà còn đối với cả một số anh chị em khác nữa. Thấy nhau ở đâu là mừng rỡ ở đấy. Như anh em thân thiết trong gia đình vậy. Có lần tôi bày tỏ ước muốn làm sao Nhóm TĐCTT sống chung với nhau như một ngôi làng để hằng ngày sinh hoạt đạo đức và lành mạnh với nhau thì vui biết mấy. 

 

Tôi đâu có ngờ rằng chuyến Hành Hương "Tia Sáng Từ Balan" này đã làm cho tôi thỏa mãn khôn cùng về mối liên hệ thiêng liêng của Nhóm TĐCTT như thế. Vì ngày nào cũng vậy, suốt hơn 10 ngày liền, Nhóm TĐCTT ở bốn vùng chiến thuật chúng tôi, chưa bao giờ thấy mặt nhau và thậm chí chưa biết tên nhau, bấy giờ chẳng những được gặp nhau, thấy nhau, quen nhau, mà còn ăn uống với nhau, chụp hình với nhau - "one, two, cheese", đi sắm đồ với nhau - "nhanh nhanh shopping", khoe nhau những cái hay cái lạ, hồ hởi kể cho nhau nghe những gì khoái thú, ngắm cảnh với nhau, tập thể dục  thể thao với nhau, chia vui sẻ buồn với nhau, tâm sự với nhau v.v. Đến độ, có một chị cho biết chuyến hành hương trước ít người hơn chuyền này mà chị chẳng nhớ một ai trong khi chuyến này chị nhớ hết mọi người, và hai chị khác đã từng đi hành hương thường xuyên đồng phát biểu rằng: "Chuyến đi này thân mật với nhau hơn các chuyến đi khác, có lẽ vì cùng một nhóm với nhau". 

 

Chúng tôi đã gợi ý về cuộc hành hương 5/2017 mừng kỷ niệm 100 năm Biến Cố Fatima, hầu như ai cũng ghi danh tham dự nếu còn sống đến ngày đó. Giây phút chia tay nhau tại phi trường JFK New York mới bịn rịn quyến luyến làm sao, sau hơn 10 ngày chung sống thân tình. Ôi, thiên đàng trần thế - Nhóm TĐCTT. Magnificat!

 

 

TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh

(bài viết này đã được Nguyệt San Hiệp Nhất của CĐCGVNGP Orange CA phổ biến trong 3 số báo liền, từ Tháng 8 đến Tháng 112014)