SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Mẩu Bánh Vụn từ Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Ngoại Lệ III: Tại sao không? - Nếu OK thì!

Các emails chia sẻ giữa người dịch và một vị linh mục về vấn đề ly dị tái hôn rước lễ

From: ....
Date: 2014-10-21 5:29 GMT-07:00
Subject: Re: Thượng Nghị 2014 - Kết Quả Bỏ Phiếu
To: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>

Chào anh Cao Tấn Tĩnh,

Sau khi đọc những kết luận của TNGMTG về vấn đề cho phép: LY DỊ TÁI HÔN RƯỚC LỄ, em cũng cảm thấy hơi thắc mắc, có lẽ chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa của cầu này. vì em biết, theo luật của giáo hội, nếu họ đã ly dị rồi, và tái hôn qua thủ tục làm tiêu hôn, annulment, thì họ có quyền lấy người khác, được làm phép trong nhà thờ như các cặp vợ chồng khác, và di nhiên được rước lễ. luật lệ này đã có từ lâu mà, sao bây giờ TNGM mới ra luật là sao?

Hay là có ý nói là những ai đã ly dị nhau vì một lý do nào đó, mà chưa lấy ai hết, thì có thể du di cho phép rước lễ. vì em biết là từ trước đến giờ nếu ly dị nhau, chưa làm tiêu hôn thì không được phép rước lễ, trừ khi chỉ là ly thân thì được phép. anh có thể giải thích thêm một tí được không? 

sincerely,

Người tôi tớ ...

 

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: 2014-10-21 11:30 GMT-07:00
Subject: Re: Thượng Nghị 2014 - Kết Quả Bỏ Phiếu
To:
....

Anh ... thân mến, 

Những gì anh là một vị linh mục đặt ra ở đây khi đọc thấy vấn đề được bàn luận sôi nổi nhất này trong Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Ngoại Lễ III - 2014 có lẽ cũng là của nhiều anh chị em giáo dân, khiến họ cũng hoang mang không ít.

Tuy nhiên, theo em, như anh biết, đặc biệt là ở thế giới Tây phương hiện nay, nhiều (chứ không ít) người anh chị em chúng ta chỉ hoàn tất thủ tục về ly dị và tái hôn theo dân sự mà thôi, chứ không qua Giáo Hội, tức là đã được thẩm quyền Giáo Hội phán quyết cho họ được "giải hôn / tiêu hôn" trước khi họ được phép tái hôn trước mặt Chúa và Giáo Hội. 

Hay trường hợp họ chưa kịp Giáo Hội "giải hôn / tiêu hôn" cho, vì thủ tục chờ đợi quá lâu, họ đã sống với nhau rồi, cho tới khi được "giải hôn hay tiêu hôn" thì họ đã có con với nhau và họ cảm thấy chẳng cần phải hợp thức hóa theo giáo luật nữa, cứ thế mà sống.  

Hoặc họ không được Giáo Hội "giải hôn / tiêu hôn", đâm ra bất mãn, và tất nhiên không thể giữ mình, họ bất cần và cứ sống bừa với nhau. Những trường hợp không được Giáo Hội "giải hôn / tiêu hôn" này có thể xẩy ra cho những ai đã ly dị hơn 1 lần chẳng hạn.

Vì vấn đề ly dị tái hôn này hết sức phức tạp nên Giáo Hội cần phải kỹ lưỡng xét đến từng trường hợp một (case by case) để có thể cho phép họ tái nhận lãnh bí tích thống hối và Thánh Thể, cho dù họ chưa có thể dứt bỏ được dịp tội ngay lập tức gây ra bởi nhiều ràng buộc khó tháo gỡ hay bất khả tháo gỡ, như liên quan đến quyền lợi của con cái v.v. 

Em đã chứng kiến thấy, như câu chuyện thực tế em đã kể cho thấy, có những tâm hồn sống trong hoàn cảnh oái oăm ngang trái vì một lý do nào đó trái với lương tâm họ và luật Giáo Hội, nhưng trong thời gian họ sống tội lỗi như vậy, họ vẫn cảm thấy áy náy và bất an làm sao ấy, cho dù sung sướng bề ngoài, hay đã cảm thấy khổ hơn mà vẫn bị ràng buộc.  

Bởi thế, tận đáy lòng mình họ vẫn cảm thấy mình tội lỗi, mất lòng Chúa, và hết sức thống hối muốn trở về với Ngài, nhưng không có sức, cho đến khi chính Chúa ra tay cứu với họ một cách nào đó, chẳng hạn để cho người họ đang sống qua đi hay bỏ họ, hay chữa lành họ bằng các bí tích của Người qua Giáo Hội, nhờ đó họ đã có thể từ từ vượt thoát v.v.  

Những tâm hồn chân thành này quả thực cảm thấy nhức nhối và đớn đau, cần được Giáo Hội cảm thương chữa lành và cứu vớt, bằng không, họ có thể sẽ cảm thấy bị bỏ rơi, đôi khi thất vọng chán chường buông xuôi không tin vào Lòng Thương Xót Chúa nơi Giáo Hội.  

Theo em, cho dù cuối cùng họ không được Giáo Hội ra tay cứu chữa một cách nào đó, họ vẫn được cứu rỗi với "tấm lòng tan nát khiêm cung" của họ và họ vững tin vào Lòng Thương Xót Chúa: "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa! - Jesus, I trust in You!"  là Đấng dựng nên họ để cứu họ chứ phải để diệt họ, Đấng không sung sướng gì khi thấy họ đời đời hư mất!  

Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện, để Giáo Hội Chúa được càng ngày càng phản ảnh Lòng Thương Xót Chúa, như vị giáo hoàng đương kim Phanxicô của chúng ta, vị đã cảm nhận rằng "đây là thời điểm của tình thương" (với hàng giáo sĩ Rôma ngày 6/3/2014), mong ước và nhấn mạnh, đặc biệt trong bài huấn từ (18/10) bế mạc thượng nghị - 2014 vừa rồi: 

"Đó là Giáo Hội... một Giáo Hội không sợ vén tay áo của mình lên để đổ rượu và dầu trên thương tích của con người; ... 

"Đó là Giáo HộiDuy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo, Tông Truyền, bao gồm cả thành phần tội nhân cần đến tình thương của Thiên Chúa...  

"Đó là một Giáo Hội không sợ ăn uống với những người làm điếm và thu thuếMột Giáo Hội mở rộng cửa để đón nhận người thiếu thốn, thống hối nhân chứ không phải chỉ có thành phần công chính hay những ai cho mình là hoàn hảo!  

"Giáo Hội không hổ thẹn về người anh em sa ngã và giả bộ như không nhìn thấy người anh em ấytrái lại, cảm thấy mình có liên hệ và hầu như buộc phải nâng người anh em ấy lên cùng phấn khích người anh em này lại tiếp tục cuộc hành trình và hỗ trợ người anh em ấy hướng tới cuộc gặp gỡ cuối cùng với Phu Quân của mình trong Giêrusalem thiên quốc...  

"Phận sự đầu tiên của các vị mục tử đó là nuôi dưỡng đàn chiên được Chúa ủy thác cho các vị và tìm cách đón nhận con chiên lạc bằng việc chăm sóc và xót thương của một người cha mà không cảm thấy những nỗi lo sợ giả tạoỞ đây tôi đã nói lộn. Tôi đã nói rằng đón nhận: đúng hơn là lên đường tìm kiếm chúng..." 

Em tin rằng với Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XIV (4-25/10/2015) Giáo Hội, qua các vị nghị phụ bấy giờ, nhờ huấn dụ và ảnh hưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô, sẽ tiến đến chỗ: "Tình thương thắng vượt phán quyết - mercy triumphs over judgment" (Gacôbê 2:13)! Amen. 

Cao Tấn Tĩnh

 

From: 
Date: 2014-10-21 14:39 GMT-07:00
Subject: Re: Thượng Nghị 2014 - Kết Quả Bỏ Phiếu
To: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>


Chào anh Cao Tấn Tĩnh,

Cám ơn câu trả lời của anh. Em đã clear về việc này. Đúng thế ngày nay người ta đã lánh xa giáo hội vì những luật lệ mà họ cảm thấy không thể nào giữ được. GH cho phép họ lãnh nhận bí tích mình thánh Chúa và hoà giải là để mở ra cho họ con đường nhân từ của Chúa. Nhưng hy vọng không ai nại vào lý do được phép mà lạm dụng luật hôn nhân cao quí.

Thân mến,

Lm ....

 

From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: 2014-10-21 15:23 GMT-07:00
Subject: Re: Thượng Nghị 2014 - Kết Quả Bỏ Phiếu
To:

Anh ... ơi, 

Đó là một trong những lý do, Giáo Hội, qua cuộc thượng nghị 2014 vừa rồi, vấn đề cởi mở chính đáng về mục vụ đối với thành phần ly dị tái hôn vẫn là những gì hơi liều, nếu không muốn nói là quá liều, và cần phải thận trọng cứu xét để vừa áp dụng khéo léo vừa đề phòng lạm dụng nữa, như đã từng xẩy ra trong vấn đề canh tân phụng vụ sau công đồng.  

Đúng thế, kinh nghiệm cho thấy, việc lạm dụng chắc chắn sẽ xẩy ra, nhưng rất tiếc không phải về phía người xin phép được hưởng nhận cho bằng về phía người ban phép cho nhận hưởng, nghĩa là về phía giáo quyền địa phương, như trong vấn đề "giải hôn / tiêu hôn" quá dễ dàng hay trong vấn đề dung túng che đậy các vị linh mục lạm dụng tình dục... 

Đó là lý do, cũng trong bài huấn từ ngày 18/10 bế mạc thượng nghị 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thẳng thắn và mạnh mẽ cảnh giác chẳng những khuynh hướng bảo thủ ngặt nghèo khắt khe duy tín lý và thuần luật lệ như thành phần thông thái về luật Do Thái ngày xưa, mà còn cả khuynh hướng cấp tiến phóng khoáng lỏng lẻo mỵ dân trong vấn đề giải quyết "các thánh đố mục vụ của gia đình trong bối cảnh truyền bá phúc âm hóa" như sau: 

Trước hết, ngài cảnh giác và cảnh cáo thành phần bảo thủ truyền thống quá khắt khe: 

"Cám dỗ thứ nhất đó là thù ghét tính chất uyển chuyển thích ứng, tức là muốn nép mình vào trong chữ nghĩa, (ngôn từ), không để cho Thiên Chúa gây ngỡ ngàng cho mình, vị Thiên Chúa của những lạ lùng, (vị thần linh); nép mình trong lề luật khôn phép, trong cái vững chắc của những gì chúng ta biết chứ không phải những gì chúng ta vẫn cần biết và đạt tới. Từ thời của Chúa Kitô đã có thứ cám dỗ của thành phần nhiệt tâm, của thành phần ngặt nghèo cặn kẽ, của thành phần lo toan và của thành phần ngày nay được gọi là truyền thống cũng là thành phần tri thức vậy.  

Sau nữa, ngài cảnh giác và cảnh cáo thành phần cấp tiến phóng khoáng thả lỏng mỵ dân:

"Cám dỗ chiều theo khuynh hướng hủy hoại những gì là tốt lành, thứ khuynh hướng nhân danh một thứ tình thương giả tạo để băng bó các vết thương mà trước hết chẳng chữa lành chúng và trị liệu chúng; thứ khuynh hướng chỉ chữa trị triệu chứng hơn là căn do cội gốc. Nó là thứ cám dỗ của thành phần tốt bụng nông cạn (the do-gooders), của thành phần lo sợ, và cũng của thành phần được gọi là cấp tiến và phóng khoáng. 

Cám dỗ muốn xuống khỏi Thánh Giá, muốn làm hài lòng dân chúng chứ không muốn ở đó để hoàn tất ý muốn của Cha; muốn chiều theo tinh thần thế tục hơn là muốn thanh tẩy tinh thần thế tục và uốn nó theo Thần Linh của Thiên Chúa.  

Sau hết, ngài cảnh giác và cảnh cáo cả hai thành phần có vẻ thái quá hay bất cập này: 

Cám dỗ muốn biến đá thành bánh để phá đi cái thứ chay tịnh lâu dài, nặng nề và khổ sở (xem Luca 4:1-4); cũng như biến bánh thành đá để dùng nó ném vào thành phần tội nhân, thành phần yếu kém và thành phần bệnh hoạn (xem Gioan 8:7), tức là muốn biến bánh thành những gánh nặng bất khả kham (xem Luca 11:46). 

"Cám dỗ muốn coi thường kho tàng đức tin, không nghĩ mình là thành phần bảo quản viên hơn là sở hữu chủ hay chủ nhân ông của kho tàng này; hay ngược lại là thứ cám dỗ lại tỏ ra muốn coi thường thực tại..." 

Vậy chúng ta tiếp tục cầu nguyện chẳng những cho chung Giáo Hội mà còn cho riêng Đức Thánh Cha Phanxicô đương kim của chúng ta, để lời Chúa được nên trọn nơi ngài nhé: "Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi" (Gioan 10:27). Amen.

 Cao Tấn Tĩnh