GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

"Nhiệm vụ đầu tiên của Giáo Hội không phải là để truyền phán những thứ luận phạt hay những v tuyệt thông mà là loan báo tình thương của Thiên Chúa, là kêu gọi ăn năn hoán cải, và dẫn tất cả mọi con người nam nữ đến với ơn cứu độ trong Chúa"

 

Đức Thánh Cha Phanxicô:

Bài nói kết thúc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XIV 

Thứ Bảy 24/10/2015

 

(5 đoạn ngắn đầu tiên ĐTC ngỏ lời cám ơn các vị có trách nhiệm và thành phần cộng tác liên hệ đến biến cố Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XIV về gia đình 2015 này

 

Như tôi đã theo dõi công việc cực nhọc của Thượng Nghị này, tôi ngẫm nghĩ là: Đâu sẽ là ý nghĩa cho Giáo Hội để kết thúc Thượng Nghị về gia đình này đây?

 

Thượng Nghị này thực sự không phải là để ổn định tất cả mọi vấn đề liên quan tới gia đình, hơn là nỗ lực để thấy được các vấn đề ấy trong ánh sáng Phúc Âm và truyền thống Giáo Hội cùng với hai ngàn năm lịch sử, hầu mang lại niềm vui hy vọng mà không mắc phải một thứ tái diễn dễ dãi nơi những gì là hiển nhiên hay đã được nói đến. 

 

Thượng Nghị này chắc chắn không phải là để tìm kiếm những giải pháp thấu đáo toàn diện cho tất cả mọi khó khăn và bất ổn đang thách đố và đe dọa gia đình, hơn là để thấy được các thứ khó khăn và bất ổn ấy theo ánh sáng Đức Tin, cẩn thận nghiên cứu chúng và không sợ đối đầu với chúng, không vùi đầu của chúng ta xuống cát.  

 

Thượng Nghị này diễn ra là để thúc giục hết mọi người hãy biết cảm nhận tầm quan trọng của cơ cấu gia đình và hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, một cơ cấu được đặt nền tảng trên mối hiệp nhất và tính chất bất khả phân ly, cùng trân quí cơ cấu này như là nền tảng cốt yếu của xã hội và của sự sống con người. 

 

Thượng Nghị này diễn ra là để lắng nghe và làm cho lắng nghe những tiếng nói của các gia đình cũng như của các vị mục tử trong Giáo Hội, những vị đến Roma mang trên vai những gánh nặng và niềm hy vọng, những phong phú và thách đố của các gia đình trên khắp thế giới. 

 

Thượng Nghị này diễn ra là để cho thấy tính chất sinh động của Giáo Hội Công Giáo, một tính chất sống động không sợ khơi động những lương tâm ù lì hay không sợ bẩn tay của mình bằng những cuộc bàn luận sống động và thẳng thắn về gia đình.

 

Thượng Nghị này diễn ra là để cố gắng nhận thấy và giải thích những thực tại, những thực tại của hôm nay đây, bằng con mắt của Thiên Chúa, để thắp lên ngọn lửa đức tin và soi chiếu tâm can của con người trong những lúc bị thất đảm, bị khủng hoảng về xã hội, kinh tế và luân lý, và càng bi quan yếm thế. 

 

Thượng Nghị này diễn ra là để làm chứng cho mọi người thấy rằng, đối với Giáo Hội, Phúc Âm tiếp tục là một nguồn mạch sống còn của những gì mới mẻ vĩnh hằng, chống lại với tất cả những ai "truyền bá" Phúc Âm này bằng những cục đá vô hồn để ném vào người khác. 

 

Thượng Nghị này diễn ra là để làm nẩy nở các tâm can khép kín, phơi trần những con tim đóng cửa lại thường ẩn núp ở ngay cả đằng sau những giáo huấn của Giáo Hội hay sau những ý hướng tốt lành, để ngồi trên tòa của Moisen mà phán xét, một cách đôi khi trịnh thượng và nông cạn, những trường hợp khó khăn và các gia đình bị thương tích

 

Thượng Nghị này diễn ra là để làm sáng tỏ rằng Giáo Hội là một Giáo Hội của người nghèo khó trong tinh thần và của các tội nhân tìm kiếm ơn tha thứ, chứ không chỉ của thành phần công chính và những ai thánh hảo, mà là những ai công chính và thánh hảo khi chính họ cảm thấy mình là những tội nhân đáng thương

 

Thượng Nghị này diễn ra là để cố gắng khai mở những chân trời rộng lớn hơn, vượt ra ngoài những thứ lý thuyết mưu mô (conspiracy theories) cũng như những quan điểm chập chờn (blinkered viewpoints), hầu bênh vực và làm lan rộng quyền tự do của con cái Thiên Chúa, cũng như để truyền đạt vẻ đẹp của tính chất Mới Mẻ Kitô Giáo là những gì có những lúc bị đóng cặn bằng một thứ ngôn ngữ cổ xưa hay hoàn toàn khó hiểu.  

 

Thượng Nghị này đã diễn tiến với những ý kiến khác nhau được tự do bày tỏ - có những lúc rất tiếc được bày tỏ một cách không trọn vẹn ý nghĩa tốt đẹp của nó (at times, unfortunately, not in entirely well-meaning ways) - thực sự đã dẫn tới một cuộc đối thoại phong phú và sống động, ở chỗ, những ý kiến ấy đã cống hiến một hình ảnh sống động về một Giáo Hội không chỉ "đóng chấm", mà là rút tỉa từ các nguồn mạch đức tin của mình những giòng nước sự sống để tưới mát những con tim khô cằn (Cf. Letter of His Holiness Pope Francis to the Grand Chancellor of the Pontifical Catholic University of Argentina on the Centenary of its Faculty of Theology, 3 March 2015.)

 

Ngoài những vấn đề về tín lý được Huấn Quyền của Giáo Hội minh nhiên xác định, chúng ta cũng đã thấy rằng những gì dường như là bình thường với vị giám mục ở châu lục này thì lại bị coi là xa lạ và hầu như là tồi tệ với vị giám mục thuộc châu lục khác, những gì bị coi là vi phạm đến quyền lợi ở xã hội này lại là một qui luật hiển nhiên bất khả vi phạm nơi xã hội khác, những gì đối với một số vị là vấn đề tự do của lương tâm thì với những vị khác hoàn toàn lẫn lộn. Thật vậy, các thứ văn hóa hoàn toàn khác nhau, và mỗi một nguyên tắc chung cần phải được hội nhập văn hóa, nếu nó được tôn trọng và áp dụng (Cf. Pontifical Biblical Commission, Fede e cultura alla luce della Bibbia. Atti della Sessione plenaria 1979 della Pontificia Commissione Biblica, LDC, Leumann, 1981; SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Gaudium et Spes, 44.). Cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới 1985 để mừng 20 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II, đã nói về vấn đề hội nhập văn hóa như là "việc biến đổi sâu xa các thứ giá trị văn hóa đích thực là ở chỗ chúng hội nhập với Kitô giáo, và ở chỗ Kitô giáo đâm rễ vào các nền văn hóa khác nhau của con người" (Final Relatio [7 December 1985], L’Osservatore Romano, 10 December 1985, 7). Việc hội nhập văn hóa không làm yếu kém đi các thứ giá trị đích thực, mà là chứng tỏ quyền lực thực sự của chúng và tính chất đích thực của chúng, vì chúng thích ứng chứ không đổi thay; thật vậy, các thứ giá trị đích thực này biến đổi một cách âm thầm và từ từ những nền văn hóa khác nhau (Interview with Cardinal Georges Cottier, in La Civiltà Cattolica 3963-3964, 8 August 2015, p. 272).

 

Chúng ta đã thấy rằng, cũng do cái phong phú nơi tính chất đa dạng của chúng ta, chúng ta có cùng một thách đố giống nhau chưa từng thấy ở ngay trước mắt chúng ta, đó là cái thách đố của việc loan báo Phúc Âm cho các con ngươi nam nữ ngày nay, cũng như cái thách đố của việc bênh vực gia đình cho khỏi tất cả mọi cuộc tấn công về ý hệ và cá nhân chủ nghĩa.

 

Chúng ta đã tìm cách bám lấy, một cách trọn vẹn và can đảm, mà không bị rơi vào cái nguy hiểm của tương đối chủ nghĩa hay của việc quỉ quái hóa (demonizing) người khác, sự thiện hảo và tình thương của Thiên Chúa là Đấng trổi vượt trên hết mọi tính toán của loài người chúng ta và là Đấng chỉ muốn "tất cả mọi người được cứu độ" (cf. 1Tm 2:4). Như thế là chúng ta muốn cảm nghiệm thấy Thượng Nghị này ở trong mối liên hệ với Năm Thánh Ngoại Lệ về Tình Thương mà Giáo Hội được kêu gọi cử hành.

 

Chư Huynh thân mến,

 

Cảm nghiệm Thượng Nghị cũng giúp cho chúng ta nhận thực hơn nữa là những ai đích thực bênh vực tín lý không phải là những người chống đỡ văn tự của tín lý mà là tinh thần của tín lý; không phải tư tưởng mà là con người; không phải công thức mà là tình yêu và lòng tha thứ nhưng không của Thiên Chúa. Như thế không có nghĩa là đi sai trật khỏi tầm quan trọng của công thức, của luật lệ và của những giới răn thần linh, hơn là đề cao những gì cao cả của Vị Thiên Chúa chân thực, Đấng không đối xử với chúng ta theo công trạng của chúng ta hay thậm chí theo các việc làm của chúng ta, mà chỉ theo lòng quảng đại vô biên của Tình Thương Ngài (cf. Rom 3:21-30; Ps 129; Lk 11:37-54). Vấn đề này thực sự liên quan đến việc thắng vượt những thứ khuynh hướng của người anh cả (cf. Lk 15:25-32) và của những người lao công làm lụng vất vả tỏ ra ghen tương (cf. Mt 20:1-16). Thật vậy, vấn đề ở đây là càng chống đỡ hơn bao giờ hết những luật lệ và những giới răn đã được thiết lập nên cho con người chứ không ngược lại (cf. Mk 2:27).

 

Theo ý nghĩa ấy thì việc thống hối cần thiết của con người, các việc làm cùng những nỗ lực của họ mặc lấy một ý nghĩa sâu xa hơn, không phải như là cái giá của ơn cứu độ đã được Chúa Kitô chiếm lấy một cách nhưng không cho chúng ta trên thập giá, mà là một đáp ứng với Đấng đã yêu thương chúng ta trước và đã cứu chúng ta bằng giá máu vô tội của Người trong khi chúng ta còn là những tội nhân (cf. Rom 5:6).

 

Nhiệm vụ đầu tiên của Giáo Hội không phải là để truyền phán những thứ luận phạt hay những vạ tuyệt thông mà là loan báo tình thương của Thiên Chúa, là kêu gọi ăn năn hoán cải, và dẫn tất cả mọi con người nam nữ đến với ơn cứu độ trong Chúa (cf. Jn 12:44-50).

 

Giáo Hoàng Chân Phước Phaolô VI đã diễn tả điều ấy một cách hùng hồn như thế này: "Vậy chúng ta có thể tưởng tượng rằng mỗi một tội của chúng ta, mỗi một cố gắng nỗ lực của chúng ta quay lưng lại với Thiên Chúa, đều làm bừng lên nơi Ngài một ngọn lửa yêu thương thiết tha hơn, một ước muốn mang chúng ta về lại với chính Ngài cũng như với dự án cứu độ của Ngài... Thiên Chúa, nơi Đức Kitô, chứng tỏ Ngài vô cùng thiện hảo... Thiên Chúa là Đấng thiện hảo. Không phải chỉ nơi bản thân Ngài; Thiên Chúa - chúng ta hãy nói lên trong nước mắt - thiện hảo vì chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta, Ngài tìm kiếm chúng ta, Ngài nghĩ đến chúng ta, Ngài biết chúng ta, Ngài chạm đến cõi lòng của chúng ta và Ngài chờ đợi chúng ta. Ngài sẽ - phải nói rằng - hân hoan vào ngày chúng ta trở về mà nói: 'Lạy Chúa, vì lòng nhân lành của Chúa xin tha thứ cho con'. Như thế việc thống hối của chúng ta đã trở thành niềm vui của Thiên Chúa rồi vậy" (Homily, 23 June 1968: Insegnamenti VI (1968), 1177-1178). 

 

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nói rằng: "Giáo Hội sống một sự sống đích thực khi Giáo Hội tuyên xưng và loan báo tình thương... cũng như khi Giáo Hội mang con người ta đến gần với nguồn mạch tình thương của Đấng Cứu Thế mà Giáo Hội là ủy thác viên và là nơi chất chứa" (Dives in Misericordia, 13 cùng những lời khác nữa ở phần phụ chú dưới đây).

 

Đức Benedict XVI cũng nói rằng: "Tình thương thật sự là trọng tâm của sứ điệp Phúc Âm; tình thương là chính tên gọi của Thiên Chúa... Chớ gì tất cả những gì Giáo Hội nói và làm đều bày tỏ tình thương của Thiên Chúa đối với nhân loại. Khi Giáo Hội cần phải nhắc nhở một sự thật bị coi thường nào đó, hay một sự thiện bị phản bội nào đó, Giáo Hội làm điều ấy bằng sức thôi thúc của tình yêu nhân hậu, nhờ đó con người được số sống và là một sự sống dồi dào (cf. Jn10:10)” (Regina Coeli, 30 March 2008: Insegnamenti IV, 1 [2008], 489-490. Speaking of the power of mercy, he stated: “it is mercy that sets a limit to evil. In it is expressed God’s special nature – his holiness, the power of truth and of love” [Homily on Divine Mercy Sunday, 15 April 2007: Insegnamenti III, 1 - 2007, 667]).

 

Theo chiều hướng của tất cả mọi điều ấy, và nhờ thời điểm ân sủng này Giáo Hội đã cảm nghiệm qua việc bàn luận về gia đình, chúng ta đã cùng nhau cảm thấy được trở nên phong phú hơn. Nhiều người trong chúng ta đã cảm được tác động của Thánh Linh, Đấng thực sự là vai chính và là hướng viên của cuộc Thượng Nghị này. Đối với tất cả chúng ta, chữ "gia đình" có một âm vang mới, đến độ chính chữ này đã gợi lên được sự phong phú của ơn gọi gia đình cũng như ý nghĩa nơi những lao nhọc của Thượng Nghị này (chữ gia đình theo tiếng Ý “famiglia” trong phần phụ chú của bài ĐTC nói này từng mẫu của nó được ghép thành những gì thiết yếu liên quan đến gia đình).

 

Thật vậy, đối với Giáo Hội để kết thúc Thượng Nghị này nghĩa là trở về với "cuộc cùng nhau hành trình" thực sự của chúng ta trong việc mang đến cho hết mọi phần đất trên thế giới, cho hết mọi giáo phận, cho hết mọi cộng đồng và hết mọi hoàn cảnh, ánh sáng Phúc Âm, vòng tay Giáo Hội và ơn trợ giúp của tình thương Thiên Chúa!

 

Xin cám ơn quí huynh và anh chị em!

  

http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-discourse-at-close-of-synod

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)