GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

"Mối thân tình là một cái hàn thử biểu cho thấy mức độ của sự lành mạnh nơi những mối liên hệ"

 

Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình bài 35 - Thứ Tư 11/11/2015


Xin chào Anh Chị Em thân mến!

Hôm nay, chúng ta sẽ suy tư về một tính chất đặc biệt của đời sống gia đình, một tính chất được biết đến từ những năm đầu tiên của đời sống, đó là mối thân tình, tức là thái độ chia sẻ những cái tốt đẹp trong đời sống và thái độ vui sướng có thể làm như vậy. Việc chia sẻ và có thể chia sẻ là một nhân đức đáng giá! Biểu hiệu của nó, "hình ảnh" của nó là một gia đình quây quần bên một cái bàn trong nhà. Việc chia sẻ một bữa ăn - và vì thế cùng với thức ăn, chia sẻ cả những cảm xúc, thuật lại các biến cố xẩy ra - là một cảm nghiệm sâu đậm. Chúng ta quây quần lại với nhau khi có một cuộc vui nào đó, một buổi mừng sinh nhật, một cuộc mừng kỷ niệm. Ở một số văn hóa điều này cũng xẩy ra khi có tang chế nữa, để gần gũi với ai buồn khổ bởi mất mát người thân.

Mối thân tình là một cái hàn thử biểu cho thấy mức độ của sự lành mạnh nơi những mối liên hệ, ở chỗ nếu trong gia đình có một cái gì đó không ổn, hay có một vết thương kín đáo nào đó thì liền được thông cảm khi qui tụ lại với nhau. Một gia đình mà hầu như chẳng bao giờ ăn uống với nhau, hay không nói chuyện với nhau lúc quây quần, mà chăm chú xem truyền hình, hay nhìn vào điện thoại thông minh, là một gia đình "chẳng ra một gia đình là mấy".Khi con cái dính chặt lấy máy điện toán khi quây quần lại với nhau, với điện thoại di động, và không nghe nhau, thì đó không phải là một gia đình, mà chỉ là một căn nhà nội trú.

Kitô hữu có một ơn gọi đặc biệt đối với tình thân; ai cũng đều biết điều ấy. Chúa Giêsu đã hân hoan giảng dạy vào lúc quây quần, và đôi khi đã tiêu biểu hóa Nước Thiên Chúa như là một lời mời tiệc tùng. Chúa Giêsu cũng đã chọn một cái bàn để trao cho các môn đệ của Người di chúc thiêng liêng của Người - Người đã làm như thế ở bữa tiệc ly - lời di chúc được cô đọng nơi cử chỉ tưởng nhớ đến Hy Tế của Người, đó là việc Người trao tặng Mình của Người và Máu của Người như của ăn của uống cứu độ là những gì nuôi dưỡng tình yêu chân thực và bền bỉ. 

Theo chiều hướng ấy chúng ta có thể nói được rằng gia đình Dâng Lễ "tại gia", chính là vì nó mang đến cho Thánh Thể cảm nghiệm riêng của nó về mối thân tình và hướng nó về ân sủng của một mối thân tình hoàn vũ, của tình yêu Thiên Chúa giành cho thế giới. Bằng việc tham phần vào Thánh Thể, gia đình được thanh tẩy khỏi khuynh hướng khép kín bản thân mình, được vững chắc trong yêu thương và lòng trung thành, và vươn dài trải rộng những giới hạn của tình huynh đệ của mình theo cõi lòng của Chúa Giêsu.

Trong thời đại của chúng ta đây, một thời đại được đánh dấu bằng rất nhiều bịt bùng vây kín và rất ư là nhiều bức tường, thì mối thân tình, được xuất phát bởi gia đình và được vươn rộng nhờ Thánh Thể, trở thành một cơ hội quan hệ. Thánh Thể và các gia đình được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể có thể thắng vượt được những rào cản và xây dựng những cây cầu nối tiếp đón và bác ái. Phải, Thánh Thể của một Giáo Hội cho các gia đình có khả năng phục hồi cho cộng đồng này thứ men sinh động của mối tình thân và việc tiếp đón lẫn nhau, là một học đường của việc bao gồm con người mà không sợ đối chọi! Không có những người bé mọn, mồ côi, những người yếu kém, những người dễ bị tổn thương, những người bị thương tích và thất vọng, những người tuyệt vọng và bị bỏ rơi mà mối thân tình Thánh Thể của các gia đình lại không thể nào nuôi dưỡng, làm tươi mới, hoàn hảo và phục vụ. 

Việc nhớ đến các nhân đức của gia đình giúp chúng ta hiểu biết. Chính chúng ta đã từng biết, và vẫn đang biết, phép lạ sẽ xẩy ra như thế nào khi mà một người mẹ chăm nom coi sóc cho con cái hơn là chính bản thân mình. Một bà mẹ đã đủ trông coi tất cả mọi đứa con trong vườn! Tuy nhiên, chúng ta biết rõ là người ta có được sức mạnh biết là chừng nào khi họ có cha mẹ sẵn sàng bảo vệ hết mọi đứa con của mình, vì họ coi con cái như là một sự thiện chung, nên họ cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện để bảo vệ. 

Ngày nay nhiều bối cảnh về xã hội gây trở ngại cho mối thân tình trong gia đình. Thật thế, nó không phải là một chuyện dễ cho ngày hôm nay đây. Chúng ta cần phải tìm cách phục hồi nó. Khi qui tụ lại với nhau thì người này nói người kia lắng tai nghe. Không có vấn đề im lặng, thứ im lặng không phải như của các nữ tu mà là thứ thinh lặng của cái tôi, thứ im lặng hết mọi người làm vì mình, hay có một cái máy truyền hình hay điện toán ... rồi chẳng nói năng gì nữa. Đừng, đừng thinh lặng. Chúng ta cần phải phục hồi mối thân tình gia đình cho dù thích ứng nó với thời gian. Mối thân tình như thể đã trở thành một cái gì đó mua bán, để rồi sau đó nó là một cái gì khác. Việc nuôi dưỡng không phải lúc nào cũng là biểu hiệu của một thứ chia sẻ chính đáng những sản vật, có thể vươn tới những ai không có bánh ăn hay cảm xúc. Ở các nước giầu thịnh chúng ta bị dụ dỗ tiêu xài cho việc dinh dưỡng thái quá, sau đó chúng ta cũng được dẫn đến chỗ chữa trị cái thái quá này (theo người dịch ở đây thì ĐTC có ý nói đến việc ăn cho đã rồi đi tập thể dục v.v.). Cái "thương vụ" ngớ ngẩn vớ vẩn này đã đánh lạc hướng sự chú trọng của chúng ta khỏi cảnh đói khổ thực sự, của thân xác và của linh hồn. Ở đâu không có thân tình thì vị kỷ ở đó, ai cũng chỉ nghĩ về mình thôi. Đến độ việc quảng cáo đã biến nó thành một thứ nghiện những thứ ăn vặt và thèm muốn những thứ ngọt ngào. Trong khi đó có rất nhiều, có quá nhiều anh chị em vẫn chẳng có gì ăn. Đó thật là những gì ô nhục đáng hổ thẹn!

Chúng ta hãy nhìn vào mầu nhiệm bữa tiệc Thánh Thể. Chúa bẻ Mình Thánh của Người và đổ Máu Thánh của Người ra cho tất cả mọi người. Thật vậy, không có chuyện chia rẽ nào có thể cưỡng lại được với Hy Tế hiệp thông này: chỉ trừ có duy thái độ sai lầm, xuất phát từ việc hùa theo sự dữ mới có thể loại trừ Hy Tế này mà thôi. Hết mọi khoảng cách khác không thể nào cưỡng lại được với cái quyền lực gây tổn thương của tấm bánh bẻ ra này và của rượu đổ ra ấy, đó là Bí Tích Thân Thể duy nhất của Chúa. 

Mối liên minh sống động và sống còn của gia đình là những gì đi trước, nâng đỡ và bao gồm, trong cái năng động tiếp đãi của nó, các thứ khó nhọc và niềm vui hằng ngày, hợp tác với ân sủng của Thánh Thể, một bí tích có thể kiến tạo nên một mối hiệp thông hằng tươi mới với một quyền năng bao gồm và cứu độ. 

Thật vậy, một gia đình Kitô giáo sẽ thực sự chứng tỏ như thế cái chiều rộng về chân trời đích thực của nó, tức là chân trời của Mẹ Giáo Hội cho tất cả mọi người, 
 cho tất cả những ai bị bỏ rơi và những ai bị loại trừ, nơi tất cả mọi dân tộc. 

Chúng ta hãy cầu xin để mối thân tình gia đình có thể gia tăng và trưởng thành trong thời điểm ân sủng của Năm Tình Thương trước mặt.


http://www.zenit.org/en/articles/general-audience-on-living-and-being-together-as-a-family

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)