SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Thực Tại Thần Linh

1 Chúa 3 Ngôi - 3 Ngôi 1 Chúa

 

 

 

Trong buổi thâu hình bất thình lình ở Đài VNA TV 57.3 Nam California hôm Thứ Tư mùng 6 tháng 5 năm 2015 với ca sĩ Dạ Lan cho chương trình Lời Chúa và Thánh Ca để phát hình hằng tuần vào 5 giờ chiều Thứ Bảy và Chúa Nhật cuối tuần, khi được chị hỏi tại sao ở Fatima Mẹ Maria lại chọn hiện ra vào ngày 13 trong tháng là ngày vốn bị coi là xui xẻo, tự nhiên tôi bất ngờ trả lời chị ấy bằng câu hỏi gợi ý là vậy thì có mấy Thiên Chúa và Thiên Chúa có mấy Ngôi, rồi tôi kết luận, căn cứ vào câu trả lời của chị, tôi đã đi đến con số 13: 1 Thiên Chúa duy nhất có 3 Ngôi Vị. 


Tất nhiên sau đó tôi đã trình bày cho chị cũng như quí vị khán thính giả coi truyền hình VNA TV 57.3 cuối tuần đó (9-10/5/2015) biết cái bí mật của con số 13 này ở Fatima, khi áp dụng con số 13 vào Biến Cố Thánh Mẫu Fatima với tất cả những ý nghĩa tuyệt vời của nó, mà theo tôi đã từng khám phá ra khi nghiên cứu về Fatima và cảm nhận thấu nơi Fatima, liên quan đến 1 Biến Cố Fatima mà có 3 giai đoạn, đến 1 Ơn Gọi Fatima mà có 3 Thiếu Nhi Fatima, đến 1 Bí Mật Fatima mà có 3 phần, đến 1 Sứ Điệp Fatima mà có 3 mệnh lệnh v.v. 

 

 

Thiên Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm cao cả nhất của Kitô giáo và khó hiểu nhất đối với trí khôn hạn hẹp của loài người và phản nghịch với lập luận tự nhiên, ở chỗ: 1- Chỉ có một Thiên Chúa chân thật duy nhất, 2- nhưng vị Thiên Chúa chân thật duy nhất này lại có 3 Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần; 3- Ngôi nào trong 3 Ngôi cũng là Thiên Chúa thật; 4- Mà vẫn không phải là 3 Thiên Chúa, song chỉ có một Thiên Chúa chân thật duy nhất. Tại sao lại như thế?

 

Dù Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã minh định rằng: "Ba Ngôi là một mầu nhiệm đức tin theo nghĩa chặt, một trong 'những mầu nhiệm được kín mật trong Thiên Chúa, không thể nào biết được trừ phi Thiên Chúa tỏ ra' (Dei Filius, 4: DS 3015)", trí khôn con người vẫn cố gắng tìm cách hiểu biết một phần nào đó ý nghĩa vô cùng sâu nhiệm của thực tại thần linh liên quan đến sự sống thần linh của con người này.


Mầu Nhiệm 1 Chúa 3 Ngôi và 3 Ngôi chỉ là 1 Chúa này là một trong những mạc khải thần linh tối hậu trong Thánh Kinh, cả Tân Ước cũng như Cựu Ước.

 

Ở Tân Ước, mạc khải thần linh về Mầu Nhiệm 1 Chúa 3 Ngôi và 3 Ngôi chỉ 1 Chúa này được 3 Thánh ký của bộ Nhất Lãm ghi lại 2 trường hợp rõ nhất sau đây.


Trước hết là biến cố Chúa Giêsu lãnh nhận Phép Rửa ở Sông Dược Đăng (Jordan) bởi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả (Mathêu 3:16-17; Marcô 1:10-11; Luca 3:22): Ngôi Con nơi một Con Người chịu phép rửa, Ngôi Ba nơi Chim Câu ngự xuống và Ngôi Cha nơi Lời Phán về Con.

 

 

Sau nữa là biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi (Mathêu 17:5; Marco 9:7; Luca 9:34): Ngôi Con nơi Con Người biến hình, Ngôi Ba nơi Mây Trời bao phủ, Ngôi Cha nơi Tiếng Phán về Con. Câu Thánh Kinh Tân Ước rõ nhất về 3 Ngôi Thiên Chúa đó là: “Các con hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mathêu 28:19).

 

 

Ở Cựu Ước, mạc khải thần linh về 3 Ngôi Thiên Chúa cũng đã được tỏ hiện cho thấy ít là nơi 2 trường hợp như sau.

 

 

Trước hết nơi việc tạo thành (Khởi Nguyên 1:2-3): Ngôi Con qua hình ảnh “nước” (“nước” đây trước nhất ám chỉ sự sống: “Thiên Chúa ban sự sống đời đời và sự sống này ở nơi Con của Ngài và ai có Con là có sự sống” – 1Gioan 5:11-12, và sau nữa liên quan đến việc “tái sinh bởi nước và Thần Linh” -  xem Gioan 3:5,  tức bởi Lời Thiên Chúa là Chúa Kitô và Thần Linh của Người), Ngôi Ba nơi hình ảnh “gió” (xem Gioan 3:8), và Ngôi Cha qua Lời Phán “Hãy có…”.


Sau nữa nơi bụi gai bốc cháy (Xuất Hành 3:2,4): Ngôi Con nơi hình ảnh bụi gai (tiêu biểu cho nhân tính khổ nạn và tử giá của Con), Ngôi Ba nơi hình ảnh lửa bốc cháy bụi gai mà không thiêu rụi bụi gai (ám chỉ Thần Linh sẽ làm cho Chúa Kitô khổ nạn và tử giá phục sinh – xem Rôma 8:11), và Ngôi Cha nơi Lời Phán ra từ bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi.

 

 

Chưa hết, nếu ngay từ ban đầu nơi mầu nhiệm tạo dựng mầu nhiệm 1 Chúa 3 Ngôi và 3 Ngôi chỉ 1 Chúa đã được mạc khải thế nào thì ngay từ đầu của công cuộc cứu chuộc, hay công cuộc tái tạo cũng thế, mầu nhiệm Ba Ngôi cũng được mạc khải như vậy nơi biến cố Truyền Tin như vậy: Ngôi Cha – “Chúa ở cùng trinh nữ” (Luca 1:28); Ngôi Con – “Người sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Luca 1:32); Ngôi Ba – “Thánh Thần sẽ xuống trên trinh nữ và quyền phép Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ” (Luca 1:35).

 

 

Có thể nói Mẹ Maria là phản ảnh trung thực nhất và sống động nhất về mầu Nhiệm 1 Chúa 3 Ngôi và 3 Ngôi 1 Chúa, ở chỗ chỉ có một Trinh Nữ Maria mà vị trinh nữ duy nhất này lại đóng 3 vai trò khác nhau một lúc, khi vừa làm con của Thiên Chúa Ngôi Cha, đồng thời lại làm mẹ của Thiên Chúa Ngôi Con, vì nhờ được làm bạn của Thiên Chúa Ngôi Ba.


Ngoài ra, Mầu Nhiệm 1 Chúa 3 Ngôi và 3 Ngôi 1 Chúa cũng có thể hiểu được phần nào nơi một số thực tại thần linh về Thiên Chúa sau đây:

 

 

1- Thiên Chúa là ánh sáng” (1Gioan 1:5): Cha là ánh sáng chân thực” (Gioan 1:9), ở chỗ “Ta là Ta” hay “Ta là Đấng Có” - Tự Hữu, Hiện Hữu và Hằng Hữu (xem Xuất Hành 3:14); Con là “ánh sáng chiếu soi” (Gioan 1:9), tức là tất cả những gì Thiên Chúa muốn tỏ ra cho loài người, đến độ “ai thấy Thày là thấy Cha” (Gioan 14:9); Thánh Thần là “ánh sáng sự sống” (Gioan 8:12), như nhiệt lực xuất phát từ ánh sáng làm cho mọi sinh vật sống động và phát triển: “Thày có lời ban sự sống đời đời” (Gioan 6:68), vì lời của Chúa Kitô là thứ ánh sáng tỏa nhiệt năng sinh động, như đã xẩy ra nơi hai môn đệ về Emmaus đang khi nghe lời của người khách lạ Giêsu (xem Luca 24:32).

 

 

2- Thiên Chúa là tình yêu” (1Gioan 4:8,16): 1- Cha là Tình Yêu trọn lành (xem Mathêu 5:48), tình yêu vô cùng nhân hậu, “đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Gioan 3:16), “đã không dung tha cho Con Mình vì tất cả chúng ta” (Rôma 8:32); 2- Con là tình yêu hy hiến: “đến không phải để được hầu hạ mà là hầu hạ và hiến mạng sống mình cho nhiều người” (Mathêu 20:28), “vì họ mà con tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý” (Gioan 17:19); 3- Thánh Thần là tình yêu hiệp thông: “Là Thần Chân Lý Ngài sẽ dẫn các con vào tất cả sự thật. Ngài sẽ không tự Ngài mà nói, nhưng chỉ nói những gì Ngài nghe thấy và sẽ thông đạt cho các con những gì sẽ đến. Làm như thế là Ngài sẽ tôn vinh Thày, vì Ngài sẽ lãnh nhận từ Thày những gì Ngài thông đạt cho các con. Tất cả những gì Cha có đều thuộc về Thày. Đó là lý do Thày nói rằng Ngài sẽ thông đạt cho các con những gì Ngài sẽ có tự Thày. Trong vòng một thời gian ngắn nữa các con sẽ không còn thấy Thày nữa, nhưng chẳng bao lâu sau các con sẽ lại được thấy Thày" (Gioan 16:13-16)

 

 

3- Con người được dựng nên “theo hình ảnh và tương tự như” Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 1:26), bởi thế con người là phản ảnh Mầu Nhiệm 1 Chúa 3 Ngôi và 3 Ngôi 1 Chúa. Ở chỗ, theo chiều kích nhân bản triết lý và tâm lý, ai cũng chỉ “là” 1 con người, nhưng lại có 3 tính cách hay 3 phương diện mà lại chỉ là một con người duy nhất: 1- Con Người Hiện Hữu (hay chủ thể làm người) là những gì có thể nói phản ảnh Thiên Chúa Ngôi Cha, “Đấng có” (Xuất Hành 3:14); 2- Con Người Bản Ngã (hay cái tôi của con người) là những gì có thể nói phản ảnh Thiên Chúa Ngôi Con, Đấng “là hiện thân của bản thể Cha”(Do Thái 1:3); và 3- Con Người Tâm Linh (hay ý thức) có thể nói là phản ảnh Thiên Chúa Ngôi Ba là “Thần Chân Lý” (Gioan 16:13), “Đấng thấu suốt tất cả mọi sự, thậm chí cả những gì sâu kín nhất nơi Thiên Chúa” (1Corinto 2:10).


Mầu nhiệm này cũng đã được Thánh Giáo Phụ Anathasius dẫn giải như sau:

 

 

“Một Thiên Chúa là Đấng ở trên (above) tất cả mọi sự, qua (through) tất cả mọi sự và trong (in) tất cả mọi sự (Epheso 4:6). Thiên Chúa ở trên tất cả mọi sự như Cha, vì Ngài là nguyên lý và là nguồn mạch; Ngài ở qua tất cả mọi sự nơi Ngôi Lời; và Ngài ở trong tất cả mọi sự nơi Thánh Linh. Khi viết cho tín hữu Corintô về các vấn đề thiêng liêng, Thánh Phaolô đã qui tất cả mọi thực tại về cho một Thiên Chúa là Cha mà nói rằng: 'Vậy có nhiều tặng ân khác nhau nhưng cùng một Thần Linh; có nhiều tác vụ nhưng cùng một Chúa; và có nhiều hoạt động nhưng cùng một Thiên Chúa là Đấng thực hiện mọi sự trong mọi người' (1Cor. 12:4-6)... Đâu có ánh sáng thì ở đó cũng có hào quang; và ở đâu có hào quang thì ở đó cũng có năng lực của nó và ân sủng rạng ngời của nó. Đó cũng là giáo huấn của Thánh Phaolô trong bức thư thứ hai của ngài gửi tín hữu Côrintô: 'Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu Kitô và tình yêu của Thiên Chúa và ơn thông hiệp của Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em' (2Cor.13:13)" (Ep. 1 as Serapionem 28-30: PG 26, 594-595,599).

 

 

Về phương diện ngoại tại hay đối ngoại, Ba Ngôi Thiên Chúa đã âm thầm tỏ mình ra đầu tiên nơi Mầu Nhiệm Tạo Dựng cũng như nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể, như chúng ta thấy được qua mạc khải Thánh Kinh. 

 

Ba Ngôi Thiên Chúa nơi Mầu Nhiệm Tạo Dựng, như được Sách Khởi Nguyên thuật lại: Chúa Cha là "Thiên Chúa đã dựng nên trời đất" (1:1), Thánh Linh qua hình ảnh "một cơn gió mạnh thổi trên các nguồn nước"  (1:2), và Ngôi Lời được thể hiện qua những lời Thiên Chúa trong 6 ngày tạo dựng. 

 

 

Ba Ngôi Thiên Chúa nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể, như được Phúc Âm Thánh Luca thuật lại trong Biến Cố Truyền Tin liên quan đến bản thân của Mẹ Maria, thứ tự như sau: Chúa Cha - "Thiên Chúa ở cùng người" (1:28); Chúa Con - "Người sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai và đặt tên cho con trẻ là Giêsu" (1:30); Thánh Linh: "Thánh Linh sẽ xuống trên người..." (1:35). Cả Ba Ngôi - "Quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ bao phủ người; bởi thế con trẻ thánh được sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa" (1:35).

 

 

Trong kinh nguyện, ngoài Kinh Sáng Danh và Lời Nguyện Làm Dấu Thánh Giá, Kitô hữu chúng ta còn thấy Mầu Nhiệm Ba Ngôi ngấm ngầm cả ở nơi Kinh Lạy Cha hay nơi Lời Nguyện kết thúc Chuỗi Thương Xót.  

 

 

Mầu Nhiệm Ba Ngôi nơi Kinh Lạy Cha: "Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng" là ước nguyện đầu tiên liên quan trực tiếp đến Ngôi Cha, Đấng đã tỏ danh của mình ra cho Moisen trong bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi (Xem Ex 3:13-14); "Nước Cha trị đến" là ước nguyện thứ hai liên quan tới Chúa Con là Đấng "đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) để thiết lập Vương Quốc của Thiên Chúa trên trần gian bằng cuộc Vượt Qua của mình; "Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" là ước nguyện thứ ba liên quan đến Thánh Linh "vì Thần Linh chuyển cầu cho các thánh như chính Thiên Chúa muốn" (Rm 8:27).  

 

 

Mầu Nhiệm Ba Ngôi nơi Lời Nguyện kết thúc Chuỗi Thương Xót: "Lạy Thiên Chúa thánh - holy God" - ám chỉ Chúa Cha; "Đấng Quyền Năng thánh - holy Minghty One" - ám chỉ Thánh Linh; "Đấng Bất Tử thánh - holy Immortal One" - ám chỉ Chúa Kitô Phục Sinh. 


 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL