SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Chia sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Chay Tuần 2

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

1/3/2015 (Chúa Nhật): hy tế của Người Con Duy Nhất

 

Hôm nay, Chúa Nhật 2 Mùa Chay Năm B, điểm qui tụ của cả 3 bài đọc trong phụng vụ lời Chúa đều tập trung vào hy tế của Người Con Duy Nhất.

 

Thật vậy, cho dù bài Phúc Âm được Thánh ký Marco (9:1-9) thuật lại biến cố biến hình trên “núi cao” của Chúa Giêsu, một biến cố hoàn toàn ngược lại với biến cố Người chay tịnh 40 đêm ngày trong hoang địa trong bài Phúc Âm tuần 1 Mùa Chay vừa rồi, nhưng theo chiều hướng của bài đọc 1 (Khởi Nguyên 22:1-2,9a,10-13,15-18) và bài đọc 2 (Roma 8:31b-34) thì cốt lõi của cả 3 bài đọc đều qui về hy tế của Người Con Duy Nhất.

 

Đúng thế, trong bài Phúc Âm là bài đọc chính yếu, dù ở phần đầu là một Chúa Kitô “biến hình … mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo người trở nên trắng như tuyết”, và ở phần giữa Người được Cha trên trời chứng nhận và tuyên dương: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”, thế nhưng, ở câu kết thúc của bài Phúc Âm, Người Con đẹp lòng Cha và biến hình rực rỡ rạng ngời này lại là “Con Người từ cõi chết sống lại”, tức là phải chịu khổ nạn và tử giá, mới vượt qua từ cõi chết mà vào sự sống, nhờ đó mới “cho chiên được sự sống và là một sự sống viên mãn hơn” (Gioan 10:10).

 

Đó là lý do, ở bài đọc 1, sau khi tổ phụ Abraham sẵn sàng tuân theo ý định vô cùng oái oăm nghiệt ngã của một Thiên Chúa hứa ban cho vị  tổ phụ này người con theo lời hứa, một người con là mầm mống của một dân tộc đông như sao trời cát biển (xem Khởi Nguyên 15:1-6), mà lại bắt vị tổ phụ ấy giết chết người con ấy đi “dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”.

 

Người con duy nhất của lời hứa này của tổ phụ Abraham là Isaac không phải là hình ảnh của một “Người Con duy nhất đến từ Cha đầy ân sủng và chân lý” (Gioan 1:14) hay sao? Và hy tế  Isaac xâẩ y ra “trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi” đây không ám chỉ đến “núi sọ” Canvê của Con Thiên Chúa sau này hay sao?

 

Nếu Abraham chỉ có một người con duy nhất theo lời hứa là Isaac cần phải được sát tế đi theo ý muốn của Thiên Chúa thì Chúa Giêsu Kitô cũng là Người Con duy nhất của Ngài là Cha trên trời, Đấng “đã không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó nộp Con vì tất cả chúng ta” (Roma 8:32 – bài đọc 2).

 

Thế nhưng, Thiên Chúa là Cha trên trời không hy sinh Con Một của Ngài một cách vô ích, mà là để cứu chuộc loài tạo vật đã được Ngài ngay từ ban đầu dựng nên theo hình ảnh thần linh của Ngài và tương tự như Ngài (xem Khởi Nguyên 1:26-27), nhờ đó Ngài hoàn tất lời hứa với tổ phụ Abraham, trong bài đọc 1, về một giòng dõi “đông như sao trời cát biển… mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi”, một miêu duệ được Ngài tuyển chọn để tỏ mình ra cho họ mà tột đỉnh mạc khải thần linh của Ngài là “thời điểm viên trọn / ấn định Thiên Chúa đã sai Con của Ngài hạ sinh bởi một người nữ sinh ra theo lề luật để giải cứu những ai lệ thuộc lề luật, hầu chúng ta có được thân phận trở thành những dưỡng tử của” (Galata 4:4).

 

 

2/3/2015 (Thứ Hai): vị Thiên Chúa xót thương

 

Phụng vụ Lời Chúa cho ngày Thứ Hai tuần 2 Mùa Chay hôm nay về tinh thần và thái độ của Kitô hữu nói chung và trong Mùa Chay nói riêng cần phải noi gương bắt chước vị Thiên Chúa xót thương.

 

Ngay đầu bài Phúc Âm hôm nay (Luca 6:36-38) Giáo Hội đã muốn nhắn nhủ chúng ta qua câu Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ của Người: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ”. Bằng cách nào và ở chỗ nào? Phần còn lại của bài Phúc Âm hôm nay đã cho thấy những gì Kitô hữu cần phải sống để nhờ đó có thể phản ảnh long nhân hậu từ bi của “Cha các con là Đấng nhân từ”. Đó là “Đừng xét đoán… đừng kết án… Hãy tha thứ… Hãy cho…”.

 

Trong bài đọc 1 (Daniel 9:4b-10), Tiên Tri Đaniên đã vừa tuyên nhận tội lỗi dân Do Thái đã phạm đến Chúa cùng với khốn khổ họ phải chịu bởi họ phạm đến Chúa là “Đấng giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với những ai kính mến Người và tuân giữ những giới răn của Người”.

 

Cho dù “sự công minh thuộc về Chúa”, Đấng đã để cho thành phần dân bất trung của Ngài “phải chịu hổ mặt như ngày hôm nay… vì tội ác mà họ đã phạm nghịch cùng Chúa”. Thế nhưng, dù sao cuối cùng thì “lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con”, nên “Lạy Chúa, xin đừng đối xứ với chúng con như chúng con đáng tội” (Đáp ca).

 

 

3/3/2015 (Thứ Ba): vị Thiên Chúa từ bi nhân hậu

 

Phụng vụ lời Chúa cho ngày Thứ Ba trong tuần 2 Mùa Chay hôm nay vẫn tiếp tục chiều hướng, từ Thứ Năm tuần trước, về vị Thiên Chúa từ bi nhân hậu xót thương, mẫu gương cho Kitô hữu noi theo để sống đời Kitô hữu của mình nói chung và Mùa Chay nói riêng.

 

Cả hai bài đọc hôm nay đều nhắm đến thành phần đáng thương: Ở bài đọc một là “thành Sôđôma (và) thành Gômôra”, và ở bài Phúc Âm là “các luật sĩ và các người biệt phái”.

 

Thế nhưng, trong bài đọc 1, “Chúa phán: ‘các ngươi hãy đến và đối chất với Ta: cho dầu tội lỗi các ngươi như mầu đỏ thắm, cũng sẽ trở nên trắng như tuyết, cho dầu đỏ như vải điều, cũng sẽ trở nên trắng như len…”.

 

Và ở bài Phúc Âm, “Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: ‘Các luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên tòa Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm…’”.

 

Như thế có nghĩa là chúng ta vẫn phải tôn trọng con người và quyền bính của thành phần lãnh đạo, nhưng không chấp nhận những việc làm sai trái và gương mù của họ, không được noi gương bắt chước họ, trái lại, phải sống ngược lại, bằng cách, như Chúa Giêsu dạy trong bài phúc âm hôm nay là đừng “tự nhắc mình lên” mà là “tự hạ mình xuống”: “Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi”. Thiên Chúa “là Cha” xót thương hạ mình xuống mặc lấy thân phận thấp hèn và tội lỗi của con người là mẫu gương vậy.

 

 

4/3/2015 (Thứ Tư): Phụng vụ Lời Chúa cho ngày Thứ Tư trong tuần Thứ II Mùa Chay càng từ từ cho thấy rõ hơn ý nghĩa và chiều hướng của phần phụng vụ Lời Chúa của tuần thứ 2 Mùa Chay, thời điểm được mở đầu từ Chúa Nhật, có bài Phúc Âm về sự kiện Chúa Giêsu biến hình trên núi, Con Cha trên trời, Đấng đẹp lòng Cha mọi đàng và vì thế cần phải nghe lời Người và noi gương bắt chướng Người. Bởi thế, nếu để ý chúng ta sẽ thấy phụng vụ Lời Chúa trong tuần nhắm đến Người Con khổ nạn và Người Cha nhân ái xót thương. 

Điển hình là phụng vụ Lời Chúa cho Thứ Tư hôm nay, nếu ở bài đọc nói về thân phận của Tiên tri Giêrêmia (18:18-20) bị nạn: “làm lành mà phải gặp dữ” - “chúng ta tìm cách chống lại Giêrêmia”, thì ở bài Phúc Âm, Người Con đẹp lòng Cha cũng bắt đầu "đi lên Giêrusalem" là nơi "Con Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và luật sĩ. Người ta sẽ lên án tử cho người, sẽ nộp Người cho dân ngoại để chúng nhạo báng, đáng đòn rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại".

 

Nếu ở bài Phúc Âm Chúa Nhật II Mùa Chay có tiếng Cha trên trời khuyên gọi các môn đệ của Người Con là "hãy vâng nghe lời Người" thì ở trohg bài Phúc Âm hôm nay, hai trong ba môn đệ thân tín của Người là Giacôbê và Gioan đã đáp ứng lời kêu gọi này. Ở chỗ, cho dù biết được thân phận thảm thương của Thày mình như thế, vẫn tỏ ra sẵn sàng theo Thày: "Thưa được", ở chỗ "uống chén của Thày", Đấng "đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người" (câu cuối cùng của bài Phúc Âm hôm nay).

 

Ở Phúc Âm Thánh ký Marcô cuối đoạn 10 cũng trình thuật cùng sự kiện Chúa Giêsu tiết lộ lần thứ ba về biến cố vượt qua của Người, như bài Phúc Âm Thánh ký Mathêu hôm nay. Tuy nhiên, Thánh ký Marcô không bao gồm bà mẹ của 2 tông đồ Gioan và Giacôbê như Thánh ký Mathêu, mà chỉ đích thân 2 vị tông đồ này đến xin Thày mình cho được ngồi bên tả bên hữu Thày mà thôi. Chi tiết đột nhiên xuất hiện mẹ của 2 tông đồ Giacôbê và Gioan hơi kỳ lạ, vì ngay đầu bài Phúc Âm Thánh ký Mathêu ghi “Chúa Giêsu … đem riêng 12 môn đệ đi theo” tức là không có ai khác, kể cả mẹ của 2 tông đồ này.

 

Sự kiện đích thân (hơn là do bà mẹ) 2 môn đệ Giacôbê và Gioan xin như thế không phải vì ham danh cho bằng vì muốn được hiệp thông vượt qua với Thày sau khi nghe Thày cho biết trước thân phận thảm thương khốn nạn của Người. Và vì thế, hai vị đã được toại nguyện, ở chỗ tông đồ Gioan như ở bên phải Chúa Giêsu khi ngài được đứng bên thập giá của Người với Mẹ Maria, và tông đồ Giacôbê như ở bên trái Chúa Giêsu vì ngài là vị tông đồ được tử đạo đầu tiên trong 12 tông đồ (xem Tông Vụ 12:2).

 

 

5/3/2015 (Thứ Năm): Phụng vụ Lời Chúa cho ngày Thứ Năm trong tuần lễ Thứ 2 Mùa Chay hôm nay (Giêrêmia 17:5-10 & Luca 16:19-31) bao gồm 3 ý tưởng chính, ở cả bài đọc 1 và bài Phúc Âm.

 

Nếu căn cứ theo bài đọc một, ý tưởng chính thứ nhất đó là: “khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tam hồn họ thì sống xa Chúa”, thì ở bài Phúc Âm, thành phần này được tiêu biểu nơi người phú hộ “vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình”.


Thế nhưng, thành phần này được bài đọc 1 diễn tả là "họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ như những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở". Có nghĩa là họ sống một cách hoang dại theo tự nhiên "như cây cỏ trong hoang địa", vì lòng của họ trở thành "như những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở". Điển hình là một phú hộ gia chẳng biết đến Lazarô "nằm bên cổng nhà ông", nghĩa là ngay trước mắt của ông. 

 

Nếu căn cứ vào bài đọc một, ý tưởng chính thứ hai đó là “Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ”, thì ở bài Phúc Âm thành phần này được tiêu biểu nơi Lazarô, một con người nghèo khổ “mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy”.

 

Phúc Âm không hề thuật lại bất cứ lời than trách nào của Lazarô, cả đối với Chúa hay với người phú hộ. Thái độ im lặng âm thầm chịu số phận vô cùng thảm thương khốn nạn bị bỏ rơi và bị hất hủi của mình ấy, chứng tỏ Lazarô trông cậy vào Chúa mà thôi. Nhờ đó sau khi chết “Lazarô ở trong lòng Abraham” là cha của các kẻ tin mà Lazarô là một trong thành phần sống tin tưởng hơn ai hết trong cảnh cùng cực khốn nạn của mình trên trần gian.

 

Nếu căn cứ vào bài đọc một, ý tưởng chính thứ ba đó là "Còn Ta, Ta là Chúa, Ta thấu suốt tâm hồn và dò xét tâm can, trả công cho mỗi người tùy theo cách sống và hậu quả hành vi của họ".

 

Mà "cách sống và hậu quả hành vi" của người phú hộ đại diện cho thành phần dê và Lazarô đại diện cho thành phần chiên (xem Mathêu 25:32) trong cuộc chung thẩm đây là gì và như thế nào, nếu không phải như Tổ Phụ Abraham đã trả lời khi nói với người phú hộ như thế này:

 

"Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Lazarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Lazarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ". 

 

 

6/3/2015 (Thứ Sáu): Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Thứ Sáu tuần 2 Mùa Chay, nhắm đến “người con thừa tự”, một nhân vật ở trong bài đọc 1 (Khởi Nguyên 37:3-4,12-13a,17b-28) là Giuse, người con trai thứ 11 trong 12 người con trai của tổ phụ Giacóp, và ở trong bài Phúc Âm (Mathêu 21:33-43,45-46) đó chính là Chúa Giêsu Kitô.

 

Vấn đề ở đây là người con thừa tự này bị giết chết vì mục đích ra sao và lý do như thế nào, nếu không phải, ở bài đọc một, vì “lòng ghen ghét” của các anh đối với người em được cha thương đặc biệt, và để phá hoại dự án thần linh nơi “các điềm chiêm bao của nó”, (nhưng không ngờ nhờ đó mà Thiên Chúa đã cứu cả một dân tộc khỏi nạn đói qua Giuse ở Ai Cập sau này), còn ở bài Phúc Âm là vì để “chiếm lấy gia tài của nó”.

 

“Gia tài của nó” đây là gì, nếu không phải vinh quang của Thiên Chúa. Đó là lý do, nếu Chúa Kitô đến “để tỏ Cha ra” (Gioan 1:18) và không còn ham ước gì hơn là làm cho Cha được nhận biết, được vinh hiển (xem Gioan 12:27-28; 17:1), thì thành phần thuộc Hội Đồng Đầu Mục Do Thái cũng nhân danh Thiên Chúa để giết Người, vì đối với họ, Người là một kẻ lộng ngôn phạm thượng, “chỉ là người mà dám biến mình thành Thiên Chúa” (Gioan 10:33)

 

Thế nhưng, cho dù họ làm theo ý nghĩ trần gian thiển cận của họ, hoàn toàn tự do của họ, họ vẫn không thể nào phá hoại được dự án thần linh của Thiên Chúa đã được Ngài ấn định từ đời đời trong công cuộc cứu độ con người. Bởi thế, chính hành động sát hại Chúa Giêsu Kitô là người con thừa tự của Thiên Chúa đã ứng nghiệm tất cả những gì Ngài muốn, đúng như lời Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay:

 

“Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc; đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta”.

 

 

 

7/3/2015 (Thứ Bảy): Hôm nay, Thứ Bảy tuần 2 Mùa Chay, phụng vụ Lời Chúa hướng về một Người Cha xót thương, phản ảnh phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật 2 Mùa Chay liên quan đến Abraham hiến tế đứa con duy nhất theo lời hứa của mình ở bài đọc 1 cũng như với Người Con biến hình trên núi đẹp lòng Cha vì tự hiến theo ý Cha vô cùng nhân hậu để cứu chuộc nhân loại. 

 

Thật vậy, trong bài đọc 1 hôm nay  (Mica 7:14-15,18-20), Người Cha vô cùng nhân hậu xót thương đây được Tiên Tri Mica cảm nhận như sau: "Chúa không khư khư giữ mãi cơn thịnh nộ của mình, vì Chúa ưa thích lòng từ bi, Chúa còn thương xót chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi tội lỗi của chúng tôi xuống đáy biển". 

 

Và trong bài Phúc Âm hôm nay (Luca 15:1-3,11-32) , Người Cha vô cùng nhân hậu ấy đã được Chúa Giêsu diễn tả bằng một dụ ngôn tuyệt vời, đó là dụ ngôn về một người cha hằng liên lỉ chờ đứa con phung phá của mình trở về, đến độ khi vừa thấy bóng dáng của nó và nó chưa kịp ngỏ lời xin lỗi cha thì người cha đã cảm thấy hết sức vui mừng hớn hở chạy ngay lại mà ôm choàng lấy nó rồi hôn lấy hôn để như tìm lại được những gì quí báu nhất của ông, như Thánh ký Luca đã rõ ràng ghi lại: "Khi nó còn ở đằng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu...". 

 

Chưa hết, vì tìm lại được của quí: "vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy", nên người cha chẳng những phục hồi vị trí làm con của đứa con phung phá mà nó chỉ xin làm đầy tớ của cha: "Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu; hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu", mà còn long trọng ăn mừng nữa: "Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng". Quả thực trên trần gian này không thể nào có một người cha siêu vời như vậy!

 

 

Và hành động vô cùng nhân hậu xót thương đầy quảng đại của ông đã gây ra một hậu quả tai hại, ở chỗ được đứa này thì mất đứa kia, được lại đứa con phung phá thì mất đứa con ở nhà với mình, đó là đứa con cả, đến độ hắn đã "nổi giận và quyết định không vào nhà", một thái độ tỏ ra vừa bất mãn, vừa ghen hận, vừa tẩy chay cả người cha lẫn người em của hắn. Tuy nhiên, người cha này chẳng những nhân hậu với đứa con phung phá mà còn hết sức nhẫn nại với cả đứa con ở gần ông mà chẳng hiểu ông gì hết, sống với ông như thể một đứa con hoang đàng, làm cho ông còn khổ hơn cả đứa con phung phá nữa.

 

Trong khi đứa em dù bỏ nhà ra đi và phung phá lại hiểu cha hơn, bằng việc trở về với cha và chỉ xin làm đầy tớ của cha, nhưng được cha phục hồi thân phận làm con cho, thì người anh ở gần với cha và làm mọi sự theo ý của cha lại sống với cha như một tên đầy tớ, làm gì cũng kể công và đòi công: "Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn...".

 

Nếu người cha đã phục hồi thân phận làm con cho người con phung phá thế nào thì ông cũng nhắc nhở người con hoang đàng (bởi xa lạc về tâm thức và sai lạc về tinh thần) này của ông về thân phận làm con của nó như sau: "Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con".

 

Và  nếu là con cái trong nhà thì chẳng những được thừa hưởng gia tài của cha mẹ mà còn phải yêu thương giữa anh em với nhau nữa, vì gia tài chính yếu của cha mẹ không phải chỉ là những gì vật chất mà bao gồm cả tình nghĩa ruột thịt, bao gồm cả con người sống động nữa. Đó là lý do người cha còn nhắc nhở người con hoang đàng của ông rằng: "phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy".