SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

"Thày là Sự Sống"

 

Hiệp Nhất Thần Linh

 

Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần VII Phục Sinh

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


...

 

Nếu "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25) là chủ đề chính yếu của toàn Mùa Phục Sinh, trong đó, chủ đề "Thày là sự sống lại" cho nguyên Tuần Bát Nhật Phục Sinh là thời điểm 8 ngày có các bài Phúc Âm được Giáo Hội cố ý chọn đọc hoàn toàn liên quan đến các lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra mà thôi, thì chủ đề "Thày là sự sống" là chủ đề cho những ngày còn lại, bao gồm cả Chúa Nhật lẫn ngày trong tuần.

 

 

Vậy, nếu chủ đề "Thày là sự sống" ở Phụng Vụ Lời Chúa cho cả Chúa Nhật lẫn các ngày trong tuần lễ  II và III của Mùa Phục Sinh liên hệ tới chiều kích Tái Sinh Thần Linh, trong tuần lễ IV của Mùa Phục Sinh liên quan đến chiều kích Mục Tử Thần Linh, trong tuần lễ V của Mùa Phục Sinh liên quan đến chiều kích Liên Hệ Thần Linh, và trong tuần của tuần lễ Thứ VI của Mùa Phục Sinh liên quan đến chiều kích Hiện Diện Thần Linh, thì nội dung của Phụng Vụ Lời Chúa cho Tuần VII Phục Sinh này cho thấy chủ đề "Thày là sự sốngliên quan đến chiều kích Hiệp Nhất Thần Linh, tột đỉnh của sự sống thần linh và là chính thực tại thần linh nơi Vị Thiên Chúa Duy Nhất 3 Ngôi. Có thể nói và phải nói rằng tất cả dự án tạo dựng cùng cứu độ của Thiên Chúa và công cuộc cứu chuộc cùng tân tạo của Thiên Chúa là ở chỗ Hiếp Nhất Thần Linh này.


Trong tuần lễ cuối cùng của Mùa Phục Sinh này, Giáo Hội vẫn tiếp tục Phúc Âm Thánh Gioan và Sách Tông Vụ cho cả Mùa Phục Sinh, nhưng cố ý chọn đọc toàn đoạn Phúc Âm 17 của Thánh ký Gioan cho mấy ngày đầu trong tuần (từ Thứ Ba tới Thứ Năm), và hai ngày còn lại (Thứ Sáu và Thứ Bảy) Giáo Hội chọn đọc phần cuối của Phúc Âm này, đoạn 21, liên quan đến riêng vai trò chủ chiên của Tông Đồ Phêrô và hướng về cánh chung nơi hình ảnh "không chết" của vị tông đồ được Chúa Giêsu yêu, vị tông đồ đã viết cuốn Khải Huyền và đã được thị kiến thấy thời cánh chung với một "trời mới đất mới" v.v. 


Còn Sách Tông Vụ được Giáo Hội chọn đọc những đoạn còn lại chưa đọc, liên quan đến riêng vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, đặc biệt về cuộc hành trình định mệnh của ngài về Giêrusalem, như cuộc hành trình cuối cùng của Chúa Kitô về Giêrusalem để chịu khổ nạn, rồi từ đó ngài bị giải sang Rôma, nơi vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô này cùng với vị Tông Đồ lãnh đạo Tông Đồ Đoàn Phêrô, như được Chúa Giêsu tiên báo trong bài Phúc Âm Thứ Sáu, cả hai vị tông đồ chính yếu tiêu biểu nhất của Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập, có thể làm chứng bằng chính mạng sống của các vị cho Chúa Kitô tại chính thủ đô của Đế Quốc Rôma, nơi còn các di tích lịch sử một thời huy hoàng của đế quốc đã dữ dội bách hại Kitô giáo 3 thế kỷ đầu tiên nay đã hoang tàn, cũng chính là nơi đã trở thành Giáo Đô uy nghi đồ sộ về kiến trúc và đầy thế giá về luân lý của Giáo Hội Chúa Kitô trong thế giới hiện nay!

 

 

 

 

Chúa Nhật VII Phục Sinh: Sự Sống - Hiệp Nhất Thần Linh

 

 

 



Chúa Nhật Thứ Bảy Mùa Phục Sinh là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Phục Sinh, Giáo Hội đã chọn đọc đoạn 17 của Phúc Âm Thánh Gioan là đoạn trình thuật về Lời Nguyện Hiến Tế của Chúa Kitô kết thúc Bữa Tiệc Ly, một lời nguyện cho thấy chủ đề "Thày là sự sống" ở khía cạnh hiệp nhất thần linh là tột đỉnh linh đạo Kitô giáo cũng là chủ đích tạo dựng và cứu chuộc loài người của Thiên Chúa, một hiệp nhất thần linh của những ai thuộc về Thiên Chúa (Năm A), một hiệp nhất thần linh của những ai được thánh hóa trong chân lý (Năm B), và một hiệp nhất thần linh của những ai được tham dự vào vinh hiển của Con (Năm C).


Năm A 
Sự sống nơi cuộc hiệp nhất thần linh của những ai thuộc về Thiên Chúa. 

Phúc Âm (Gioan 17:1-11a): "Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã kéo ra khỏi thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha... Mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con được vinh hiển nơi chúng".

Bài đọc 1 (Tông Vụ 1:12-14) - s sống nơi cuộc hiệp nhất thần linh của những ai thuộc về Thiên Chúa như các tông đồ và các nữ môn đệ của Chúa Kitô qui tụ lại sau khi Người Thăng Thiên: "Mọi người đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, và Bà Maria mẹ Chúa Giêsu, với các anh em Người".

Bài đọc 2 
(1Phêrô 
4:13-16) - s sống nơi cuộc hiệp nhất thần linh của những ai thuộc về Thiên Chúa và được chịu khổ vì Chúa Kitô: "Nếu anh em bị xỉ nhục vì Danh Chúa Kitô, thì phúc cho anh em, bởi vì Thần Khi vinh quang, Thần Khí của Thiên Chúa, sẽ ngự trên anh em".

Bài Ðọc I: Cv 1, 12-14

"Mọi người đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện".

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

(Sau khi Chúa Giêsu lên trời), các Tông đồ xuống khỏi núi gọi là Núi Ô-liu mà trở về Giêrusalem, núi này ở gần Giêrusalem, bằng quãng đường (được đi trong) ngày Sabbat.

Và khi đã trở vào thành, các ông lên lầu gác, nơi Phêrô và Gioan, Anrê và Philipphê, Giacôbê con ông Alphê và Simon Giêlôtê, và Giuđa con ông Giacôbê, trú ngụ.

Mọi người đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, và Bà Maria mẹ Chúa Giêsu, với các anh em Người.

Ðó là Lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 26, 1.4.7-8a

Ðáp: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh.

Xướng 1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.

2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người. - Ðáp.

3) Lạy Chúa, xin nghe tiếng tôi kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời tôi. Về Chúa, lòng tôi tự nhắc lời: "Hãy tìm ra mắt Ta". - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1Pr 4, 13-16

"Nếu anh em bị xỉ nhục vì danh Ðức Kitô, thì phúc cho anh em".

Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, được thông phần vào các sự thống khổ của Chúa Kitô, anh em hãy vui mừng, để khi vinh quang của Người được tỏ hiện, anh em sẽ được vui mừng hoan hỉ.

Nếu anh em bị xỉ nhục vì Danh Chúa Kitô, thì phúc cho anh em, vì danh dự, vinh quang và sức mạnh của Thiên Chúa, là chính Thánh Thần Người sẽ ngự trên anh em.

Ước rằng không ai trong anh em phải khổ vì sát nhân, trộm cướp, gian phi hay là tham lam của kẻ khác; nếu chỉ vì là kitô hữu thì đừng hổ thẹn, hãy ca ngợi Thiên Chúa vì danh hiệu đó.

Bởi chưng nay đã đến thời phán xét, bắt đầu từ nhà Thiên Chúa.

Vậy nếu chúng ta chịu phán xét đầu tiên, thì vận cùng của những kẻ không theo Tin Mừng của Thiên Chúa sẽ ra sao?

Nếu người công chính còn khó được cứu độ, thì kẻ vô đạo và người tội lỗi sẽ chạy vào đâu?

Vì vậy những ai phải khốn cực theo ý Thiên Chúa, hãy phó mạng sống mình cho Ðấng Tạo Hóa trung tín mà cứ làm việc lành.

Ðó là Lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 14, 18

Alleluia, alleluia. - Chúa phán: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 17, 1-11a

"Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển Con Cha".

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói: "Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để Con Cha làm vinh hiển Cha.

Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục, để con cũng ban sự sống đời đời cho mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con.

Sự sống đời đời chính là chúng nhận biết Cha, là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Ðấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô.

Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất, Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con.

Giờ đây, lạy Cha, xin hãy làm cho Con được vinh hiển nơi Cha, với sự vinh hiển mà con đã có nơi Cha, trước khi có thế gian.

Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con.

Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con, và chúng đã tuân giữ lời Cha.

Bây giờ chúng biết rằng những gì Cha ban cho Con, đều bởi Cha mà ra.

Vì những lời Cha ban cho Con thì Con đã ban cho chúng và chúng đã lãnh nhận, và biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con.

Con cầu xin cho chúng, Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì chúng là của Cha.

Và mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con đã được vinh hiển nơi chúng.

Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian, phần Con, Con về cùng Cha".

Ðó là Lời Chúa.

 



Năm B 

Sự sống nơi cuộc 
hiệp nhất thần linh của những ai được thánh hóa trong chân lý.

Tổng Quan Ý Hướng

Bài đọc 1 (Tông Vụ 1:15-17, 20a, 20c-26) - s sống nơi cuộc hiệp nhất thần linh của những ai được thánh hóa trong chân lý, chẳng hạn như trường hợp của Tông Đồ Mathias thay cho người môn đệ phản bội Giuđa Íchca): "Trong những người đi cùng với chúng ta suốt thời gian Chúa Giêsu sống giữa chúng ta, kể từ ngày Gioan Tẩy Giả, cho đến ngày Chúa Giêsu lìa chúng ta mà lên trời, chúng ta phải chọn lấy một người có mặt đây, để cùng với chúng ta làm chứng Người đã sống lại". 
Bài đọc 2 (1Gioan 4:11-16) - s sống nơi cuộc hiệp nhất thần linh của những ai được thánh hóa trong chân lý và sống trong yêu thương: "Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta đã được tuyệt hảo".


Phúc Âm 
(
Gioan 17:11b-19): "Lạy Cha chí thánh, vì danh Cha xin hãy gìn giữ những ai Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Chúng Ta... Vì họ mà Con tự thánh hiến để cả họ cũng được thánh hóa trong chân lý".
Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: Cv 1, 15-17. 20a. 20c-26

"Phải chọn lấy một người trong những người có mặt đây, để cùng với chúng ta làm chứng Người đã sống lại".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô đứng lên giữa anh em (đám đông có chừng một trăm hai mươi người) mà nói: "Hỡi anh em, phải ứng nghiệm lời Thánh Kinh mà Thánh Thần đã dùng miệng Ðavit để tiên báo về Giuđa, kẻ hướng dẫn những người bắt Chúa Giêsu. Hắn cũng là một trong số chúng ta, đã thông phần chức vụ của chúng ta.

Vì chưng, trong Thánh vịnh có chép rằng: "Một người khác sẽ lãnh lấy chức vụ của nó".

Vậy trong những người đi cùng với chúng ta suốt thời gian Chúa Giêsu sống giữa chúng ta, kể từ ngày Gioan thanh tẩy, cho đến ngày Chúa Giêsu lìa chúng ta mà lên trời, chúng ta phải chọn lấy một người trong những người có mặt đây, để cùng với chúng ta làm chứng Người đã sống lại". Họ giới thiệu hai người: Giuse tức Basabba, biệt danh là Công chính, và ông Matthia. Ðoạn họ cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, Chúa thấu suốt tâm hồn mọi người, xin hãy tỏ ra Chúa chọn ai trong hai người này, để nhận chức vụ và tước hiệu tông đồ thay cho Giuđa, kẻ đã hư hỏng mà đi đến nơi của nó". Thế rồi họ bắt thăm và Matthia đã trúng thăm: Ông được kể vào với số mười một tông đồ.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 11-12. 19-20ab

Ðáp: Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh (c. 19a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Ðáp.

2) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. - Ðáp.

3) Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh, và vương quyền Người phủ trị trên khắp muôn loài. Hãy chúc tụng Chúa đi, chư vị thiên thần, dũng lực hùng anh thi hành lời Chúa. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Ga 4, 11-16

"Ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, nếu Thiên Chúa thương yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải thương yêu nhau. Chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta đã được tuyệt hảo. Do điều này mà chúng ta biết chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta, là Người đã ban Thánh Thần cho chúng ta. Và chúng ta đã thấy và chứng nhận rằng Chúa Cha đã sai Con mình làm Ðấng Cứu Thế. Ai tuyên xưng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở trong người ấy và người ấy ở trong Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết và tin nơi tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa là Tình Yêu, và ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 14, 18; 16, 22

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 17, 11b-19

"Ðể chúng được nên một như Ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: "Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng.

Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý".

Ðó là lời Chúa.


Suy Nghiệm Lời Chúa

Chủ đề "Thày là sự sống" cho Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh đã lên tới tột đỉnh ở bài Phúc Âm cho Chúa Nhật VII Phục Sinh hôm nay. Tột đỉnh ở chỗ sự sống thần linh của Thiên Chúa là tất cả những gì Ngài muốn thông ban cho chung con người nơi Chúa Giêsu Kitô, nhờ đó, riêng các tông đồ là thành phần được tuyển chọn để sai đi mới có thể được hiệp nhất nên một hay hiệp thông thần linh với Thiên Chúa là Cha trên trời, đúng như lời Chúa Giêsu dâng lên Cha của Người ở đầu bài Phúc Âm hôm nay: "Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta". Việc hiệp thông thần linh hay hiệp nhất nên một với Thiên Chúa đây là gì, và xẩy ra như thế nào?

Trước hết, việc hiệp nhất nên một hay hiệp thông thần linh với Thiên Chúa là ở chỗ, như Thánh Gioan tông đồ đã dẫn giải trong Bài Đọc 2 hôm nay như thế này: "Thiên Chúa là Tình Yêu, và ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy". Nhưng xẩy ra như thế nào, thì câu trả lời ở ngay trong lời cầu Chúa Giêsu dâng lên Cha của Người cho các môn đệ của Người như sau: "Xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý".

Câu Chúa Giêsu nói về cách thức để thành phần môn đệ của Người có thể đạt đến tột đỉnh của sự sống thần linh là được hiệp nhất nên một với Thiên Chúa, "
nên một như Ta", nghĩa là Chúa Cha làm cho chúng ta nhận biết "chân lý", nghĩa là nhận biết một thực tại thần linh tối hậu, một thực tại thần linh bất khả chối cãi, một thực tại thần linh là chính mục đích Ngài đã tạo dựng nên con người, được Ngài từ từ tỏ cho họ thấy, nhất là vào "lúc thời gian viên trọn" (Galata 4:4), đó là Ngài yêu thương họ biết là chừng nào nơi Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng Nhập Thể Vượt Qua chỉ "để làm chứng cho chân lý" (Gioan 18:37) bằng chính mạng sống tự nguyện bỏ đi của Người: "Con tự thánh hiến cho họ được thánh hóa trong chân lý".

Đó là lý do trong bài Phúc Âm của Thánh Gioan, cũng đoạn 17, về Lời Nguyện Hiến Tế Xin Ơn Hiệp Nhất của Người dâng lên Cha của Người kết Bữa Tiệc Ly, một đoạn Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc và chia ra làm 3 phần, phần đầu cho chu kỳ phụng vụ Năm A, phần giữa cho chu kỳ phụng vụ Năm B và phần cuối cho chu kỳ phụng vụ Năm C, Chúa Giêsu đã định nghĩa về sự sống thần linh là nhận biết như thế này: "
Sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Giêsu Kitô" (Gioan 17:3).

Đúng thế, về phương diện tự nhiên hay thể lý cũng vậy, áp dụng cho tất cả mọi sinh vật, nhất là loài người, đó là khi còn sống là còn biết, và chết là không còn biết gì nữa, có thể nói sự sống chính là nhận biết, là ý thức! Và mức độ chân thực nhất và cao nhất của tác động nhận biết hay ý thức đó là tác động yêu thương. Một khi hai vợ chồng ly dị nhau có nghĩa là họ không còn nhận biết nhau, không chấp nhận nhau nữa, như khi họ mới yêu nhau, chấp nhận lấy nhau. Đó là lý do khi Adong vừa thức giấc, sau một giấc ngủ mê ly chưa bao giờ có do chính Thiên Chúa gây mê, liền nhận biết và chấp nhận Evà "
đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi ... và cả hai trở nên một xác thịt" (Khởi Nguyên 2:23-24).

Cho dù Chúa Kitô là tột đỉnh mạc khải thần linh của Thiên Chúa theo giòng Lịch Sử Cứu Độ của Dân Do Thái (xem Do Thái 1:1), và là tất cả thần linh của Thiên Chúa "
khi đến thời điểm viên trọn" (Galata 4:4) của Ngài, đến độ "ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9), nhưng thành phần môn đệ thân tín nhất của Chúa Kitô, cho dù đã sống kề bên Người suốt 3 năm trường, cuối cùng vẫn chối bỏ Người, nghĩa là vẫn chưa thực sự nhận biết Người như Người tỏ ra cho các vị, hay cho dù có tuyên xưng chính xác "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), nhờ được Cha trên trời tỏ ra cho (xem Mathêu 16:17), tự mình, các vị vẫn bất khả thấu chân lý thần linh vô cùng sâu nhiệm ấy nơi Con Người lịch sử Giêsu Nazarét là Sư Phụ vô cùng đáng kính đáng mến của các vị, nên ngay sau đó vị lên tiếng tuyên xưng thay cho tông đồ đoàn ấy đã phủ nhận ngay chân lý mạc khải vừa mới tuyên xưng (xem Mathêu 16:23).

Để có thể được "
dẫn vào tất cả sự thật" đúng như mạc khải thần linh của Thiên Chúa (Gioan 16:13), các vị không thể nào không có Đấng được Chúa Giêsu gọi là "Thần Chân Lý" (Gioan 16:13), "Đấng thấu suốt mọi sự nơi Thiên Chúa" (1Corinto 2:10). Và đó là lý do Thánh Gioan Tông Đồ trong Bài Đọc 2 hôm nay đã đề cập đến vai trò bất khả thiếu của Thánh Linh, Đấng chính là Ý Thức Thần Linh của Thiên Chúa được ban cho Kitô hữu, nhờ đó, nhờ Vị Thần Linh Chân Lý này, Kitô hữu chúng ta mới có thể nhận biết Thiên Chúa như Ngài là, cũng là mới có thể yêu mến Thiên Chúa như Ngài đáng: "Chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta đã được tuyệt hảo. Do điều này mà chúng ta biết chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta, là Người đã ban Thánh Thần cho chúng ta".

Trong Bài Đọc 1 hôm nay, chúng ta cũng thấy được vai trò bất khả thiếu của Chúa Thánh Thần, Đấng thấu suốt mọi sự, nhất là ý định tối hậu của Thiên Chúa và huyền nhiệm như chính Thiên Chúa, đặc biệt ở việc các tông đồ "phải chọn lấy một người trong những người có mặt đây, để cùng với chúng ta làm chứng Người đã sống lại".

Trước hết, theo lời vị lãnh đạo tông đồ đoàn là Thánh Phêrô thì chính "Thánh Thần đã dùng miệng Ðavit để tiên báo về Giuđa, kẻ hướng dẫn những người bắt Chúa Giêsu. Hắn cũng là một trong số chúng ta, đã thông phần chức vụ của chúng ta. Vì chưng, trong Thánh vịnh có chép rằng: 'Một người khác sẽ lãnh lấy chức vụ của nó'", và vì thế, chỉ có Ngài mới có thể ứng nghiệm hóa những gì Ngài đã linh ứng, ứng nghiệm vào đúng thời điểm của nó:
"Ðoạn họ cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa, Chúa thấu suốt tâm hồn mọi người, xin hãy tỏ ra Chúa chọn ai trong hai người này, để nhận chức vụ và tước hiệu tông đồ thay cho Giuđa, kẻ đã hư hỏng mà đi đến nơi của nó'. Thế rồi họ bắt thăm và Matthia đã trúng thăm: Ông được kể vào với số mười một tông đồ".

Bài Đáp Ca hôm nay có thể nói là âm vang tâm tình tri ân cảm tạ và chúc tụng Vị Thiên Chúa tối cao của thành phần được hiệp nhất nên một với Ngài, những tâm tình được tác động bởi Thánh Linh, Đấng đã linh ứng cho tác giả Thánh Vịnh viết lên các câu Thánh Vịnh tràn đầy ý nghĩa dưới đây:  

 

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

2) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi.

3) Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh, và vương quyền Người phủ trị trên khắp muôn loài. Hãy chúc tụng Chúa đi, chư vị thiên thần, dũng lực hùng anh thi hành lời Chúa.





Năm C 

Sự sống nơi cuộc hiệp nhất thần linh của những ai được tham dự vào vinh hiển của Con.
Phúc Âm (Gioan 17:20-26): "Con đã ban cho họ vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để họ nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một". 
Bài đọc 1 (Tông Vụ 7:55-59ab) - s sống nơi cuộc hiệp nhất thần linh của những ai được tham dự vào vinh hiển của Con, như trường hợp của vị tử đạo tiên khởi là Phó tế Stephano: "Stephano đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa: 'Kìa tôi xem thấy trời mở ra và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa'".
Bài đọc 2 (Khải Huyền 22:12-14,16-17,20) - s sống nơi cuộc hiệp nhất thần linh của những ai được tham dự vào vinh hiển của Con, nhất là vào giây phút cánh chung: "Ta là Alpha và Omega, là thứ nhất và cuối cùng, là nguyên ủy và cùng đích. Phúc cho những ai giặt áo của mình trong máu Con Chiên, để được hưởng dùng cây sự sống, và được qua cửa để vào thành". 


Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VII Phục Sinh, tuần cuối cùng trước Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, một Phụng Vụ Lời Chúa nói chung, nhất là Năm C, một chu kỳ phụng vụ cuối của chu kỳ phụng vụ 3 năm, được Giáo Hội chọn đọc thực sự là có một ý nghĩa hiệp thông thần linh.

Thật vậy, căn cứ vào Lời Nguyện Hiến Tế và Hiệp Nhất cuối cùng kết thúc Bữa Tiệc Ly trong bài Phúc Âm Năm C, Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết cuộc hiệp thông thần linh mà chính Người và Cha của Người mong muốn cho loài người và nơi loài người, chứ không phải chỉ cho riêng Giáo Hội và nơi Giáo Hội, đó là "như Chúng Ta là một".

Thế nhưng, muốn được hiệp nhất thần linh "như Chúng Ta là một" như thế, nơi con người cần phải xẩy ra thực tại thần linh đó là "Con ở trong họ và Cha ở trong Con" nhờ đó và chỉ có thế "họ (mới có thể) được hoàn toàn nên một". Bởi vì, chỉ có ai tin Chúa Kitô mới được "Con ở trong họ": "Những ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ được quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12).

Nghĩa là con người tin vào Người thì được "Con ban vinh hiển mà Cha đã ban cho Con" ở chỗ được "vinh hiển" làm Con Cha như Chúa Kitô và với Chúa Kitô, và vì được làm con Thiên Chúa mà loài người, nhờ Chúa Kitô và bởi Chúa Kitô, được thông phần vào bản tính thần linh của Thiên Chúa, để sống sự sống thần linh với Thiên Chúa và như Thiên Chúa.

Ở Bài Đọc 1, đoạn Sách Tông Vụ được Giáo Hội cố ý chọn đọc liên quan đến "vinh hiển mà Cha đã ban cho Con" trong Bài Phúc Âm, một "vinh hiển" về Chúa Kitô và của Chúa Kitô đã vinh thắng cùng thăng thiên về cùng Cha của Người, một vinh hiển của "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Gioan1:14), một "vinh hiển" mà chính vị phó tế tử đạo tiên khởi của Kitô giáo này đã được chiêm ngưỡng thấy và sắp sửa được hoan hưởng trong một thực tại hiệp thông thần linh vĩnh hằng.

Ở Bài Đọc 2, đoạn cuối cùng của Sách Khải Huyền, Thánh ký Gioan đã thị kiến thấy hình ảnh của thành phần "chấp nhận Người thì Người ban chohọ quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1;12), như trường hợp Phó tế Stephanô trong Bài Đọc 1, vị đã chấp nhận Người đến độ trung thành với Người cho đến cùng, không tham sống sợ chết mà phản bội bất trung với Người, cho dù có phải "giặt áo của mình (ám chỉ thân xác hay sự sống thể lý của con người) trong máu Con Chiên".

"Vinh hiển" mà vị tử đạo tiên khởi của Kitô giáo này được "Con đã ban cho" đây đó là chẳng những ngài được "vinh hiển" làm con Cha như Người mà còn được "vinh hiển" nên giống Người trong việc "để Con cũng được làm rạng danh Cha" (Gioan 17:1), bằng cái chết của mình hầu chứng tỏ mình quả thực là con Cha và Thiên Chúa thực sự là Cha của mình, một hiệp thông thần linh trọn hảo và bất diệt.



HAY

Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên: Sự Sống - Hiệp Nhất Thần Linh

cho những nơi chưa mừng Lễ Thăng Thiên Thứ Năm trong tuần vừa rồi


                                                             

Ở những nơi không cử hành Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên vào đúng Thứ Năm trong Tuần Thứ Sáu của Mùa Phục Sinh như ở Tòa Thánh Rôma, tức không cử hành vào đúng thời điểm 40 ngày sau khi Người Phục Sinh, thì phụng vụ lời Chúa cho Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên sẽ hoàn toàn thay cho phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật VII Phục Sinh.


Cho dù Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên được hầu hết các giáo phận trên thế giới 
cử hành vào Chúa Nhật VII Phục Sinh, nhưng chủ đề của phụng vụ Lời Chúa vẫn không gì thay đổi, vẫn là chủ đề "Thày là Sự Sống" của 4 tuần cuối của Mùa Phục Sinh, nhưng ở khía cạnh Sự Sống - Hiệp Nhất Thần Linh như Chúa Nhật VII Phục Sinh.

Phúc Âm (
Mathêu 28:16-20; Marco 16:15-20; Luca 24:46-53)

Sự Sống nơi cuộc Hiệp Nhất Thần Linh với Chúa Kitô Thăng Thiên, 


ở chỗ luôn có sự hiện diện của Người: 
"Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Phúc Âm Thánh Mathêu - Năm A); 


ở chỗ luôn có Người đồng hành và hỗ trợ:
 "Các vị đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các vị, và củng cố lời rao giảng bằng những phép lạ kèm theo" (Phúc Âm Thánh Marco - Năm B); 


ở chỗ sống với Người bằng một đức tin thuần túy đến độ khi "Người rời khỏi các vị mà lên trời" thì các vị chẳng những không buồn, trái lại còn "trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các vị luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa".

Bài đọc 1 (Tông Vụ 1:1-11) - sự sống ở chỗ hiệp nhất thần linh càng vươn tới tột đỉnh vào lúc Chúa Giêsu Thăng Thiên, vì cho dù con mắt xác thịt của các tông đồ không còn được nhìn thấy Thày của các vị nữa nhưng nhờ đó mà các vị lại được rửa trong Thánh Thần để được biến đổi nên như Thày mà trở thành chứng nhân trung thực và sống động của Thày và cho Thày: "Ít ngày nữa các con sẽ được rửa trong Thánh Thần... Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên nhân chứng cho Thày... cho đến tận cùng trái đất". 


Bài đọc 2 (Epheso 1:17-23) - sự sống ở chỗ hiệp nhất thần linh với chính Đấng đang ngự bên hữu Cha trên trời và là Đấng trổi vượt trên tất cả mọi đẳng cấp thần trời: "Chúa khiến mọi sự qui phục dưới chân Người, và tôn Người làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể của Người, và là sự sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người"

 

Biến cố Chúa Kitô Thăng Thiên mang một ý nghĩa sâu xa, như đã chia sẻ ở cuối tuần trước cho Lễ Chúa Kitô Thăng Thiên cử hành vào chính Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh:

 

"'Đám mây bao phủ Người' đây ám chỉ Thánh Thần, như đã xẩy ra ở biến cố biến hình trên núi của Người nơi sự kiện 'có tiếng phán ra từ đám mây' (Mathêu 17:5; Marco 9:7; Luca 9:35). 'Một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông' phải chăng bao gồm mấy ý nghĩa sau đây: 

 

"1- Các tông đồ không còn được thấy Thày của mình bằng con mắt thể lý nữa, vì Người đã về cùng Cha trong mối hiệp thông thần linh đời đời với Cha trong Thánh Thần; 

 

"2- Sứ vụ trần thế của Người đã hoàn toàn thật sự hoàn tất sau 40 ngày Người sống lại, khoảng thời gian 40 ngày Người hiện diện một cách linh thiêng giữa các vị để 'nói với các vị về triều đại Thiên Chúa' (Tông Vụ 1:3); 

 

"3- Các vị cần phải tiếp tục sứ vụ của Người 'cho đến tận cùng trái đất' (Tông Vụ 1:8) bằng 'quyền năng của Thánh Thần' (Tông Vụ 1:8; xem Luca 24:49) là Đấng Người sẽ từ Cha sai đến và cũng là Đấng đến để làm chứng về Người với họ và qua họ (xem Gioan 15:26-27). 

 

Chưa hết, theo đề tài Hiệp Nhất Thần Linh cho riêng của Tuần VII Phục Sinh này thì biến cố Thăng Thiên của Chúa Kitô còn mang một ý nghĩa khác nữa, bất khả thiếu, liên quan đến biến cố Thánh Linh Hiện Xuống, liên quan đến đời sống của Giáo Hội và liên quan đến việc truyền giáo của Giáo Hội.

 

Thật vậy, nếu Chúa Kitô không thăng thiên về cùng Cha là Đấng đã sai Người, thì nhân tính của Người, cho dù đã phục sinh nơi thân xác của Người và thân xác của Người đã trở thành thiêng liêng như các thần trời duy linh, vẫn chưa đạt đến tột đỉnh hiệp thông thần linh Cha.

 

Thật ra, ngay từ giây phút "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) trong cung lòng trinh nguyên của mẹ của mình là Trinh Nữ Nazarét Maria trong biến cố Truyền Tin, mầu nhiệm nhân tính của Người và thiên tính của Người đã trở nên một nơi mầu nhiệm Ngôi Hiệp, có nghĩa là Người là một Ngôi Vị có hai bản tính, bản tính Thiên Chúa - thiên tính, và bản tính nhân loại - nhân tính.

 

Thế nhưng, trong thời gian, nhân tính trở thành phương tiện hay đường lối hoặc dấu chỉ với tính cách bí tích của thiên tính, hay nói cách khác hoặc nói ngược lại, thiên tính tỏ mình ra và thông mình ra nơi nhân tính và qua nhân tính của Người, một cách càng ngày càng trọn vẹn, nhất là ở mầu nhiệm Vượt Qua.

 

Tuy nhiên, cho dù thần xác của Chúa Kitô có phục sinh và hoàn toàn trở nên thiêng liêng như các thần trời chăng nữa, tự mình vẫn chưa có thể ở trong các môn đệ của Người và "ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mathêu 28:20), và vì thế vẫn không thể nào xẩy ra tình trạng hay thực trạng hiệp thông thần linh như Người mong muốn đó là "như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha... như Chúng Ta là một. Con sống trong họ, Cha sống trong Con để sự hiệp nhất của họ đưoọc trọn vẹn" (Gioan 17:21-23). Nếu Chúa Kitô không thăng thiên về cùng Cha là Đấng đã sai Người thì Người không thể "sống trong" chúng ta và chúng ta không thể "lưu lại - remain - trong Người" hay "sống trong - live in - Người và Người sống trong" chúng ta như cành nho liên hợp với thân nho để trổ sinh muôn vàn hoa trái (xem Gioan 15:4-7).

 

Đó là lý do, khi hiện ra với riêng người nữ đang tìm kiếm xác của mình ngoài mộ vào tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu đã nói với nàng là người đang tính chạm đến Người bấy giờ rằng: "Đừng đụng đến Ta, vì ta chưa về cùng Cha" (Gioan 20:17), và Người mới chỉ có thể "mở trí cho các vị hiểu lời Thánh Kinh" (Luca 24:45), thậm chí có thể thông Thánh Thần của Người cho các tông đồ vào buổi tối cùng ngày khi Người hiện ra với các vị lần đầu tiên: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh..." (Gioan 20:22), nhưng vẫn chưa có khả năng sai Thánh Thần từ Cha xuống trên các vị như Người hứa... cho đến khi Người thăng thiên về cùng Cha...

 

Biến cố Thăng Thiên của Chúa Kitô quả thực cho chúng ta thấy chung nhân tính của Người, cũng là của chúng ta đã được Người mặc lấy khi Nhập Thể để Vượt Qua, và riêng thân xác của Người, không phải chỉ được biến đổi thành thiêng liêng sáng láng tốt đẹp sau khi Người sống lại từ cõi chết, mà còn được hoàn toàn hiệp thông thần linh với Cha trên thiên đàng, trong cõi vĩnh hằng, một nhân tính sẽ trở thành một Tân Thành Thánh Giêrusalem từ trời ở nơi Thiên Chúa mà xuống (xem khải Huyền 21:2,10), một Tân Giêrusalem chẳng những có 12 cửa vào ám chỉ 12 chi tộc Do Thái (xem Khải Huyền 21:13-14) là giòng dõi theo huyết thống về phần xác của Chúa Kitô, mà còn có 12 bức tường bằng đá tông đồ ám chỉ Giáo Hội Chúa Kitô bao gồm toàn thể nhân loại, một Tân Giêrusalem vĩnh viễn trở thành nơi Thiên Chúa ở giữa loài người - Emmanuel (xem Khải Huyền 21:3; Gioan 1:14))!

 

 

 

Thứ Hai sau Chúa Nhật VII Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 19, 1-8

"Anh em tin mà đã nhận Thánh Thần chưa?"

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Xảy ra là khi Apollô ở Côrintô, thì Phaolô đi miền thượng du, rồi đến Êphêxô gặp một số môn đồ, và ngài hỏi họ: "Anh em tin mà đã nhận Thánh Thần chưa?" Họ trả lời: "Nguyên việc có Thánh Thần hay không, chúng tôi cũng chưa nghe nói". Ngài lại hỏi: "Vậy các ngươi đã chịu phép rửa của ai?" Họ thưa: "Phép rửa của Gioan". Phaolô liền bảo: "Gioan thanh tẩy dân chúng bằng phép rửa sám hối mà rằng: Hãy tin vào Ðấng sẽ đến sau ông, tức là Ðức Giêsu". Nghe vậy, họ đã chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Và khi Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần đến ngự xuống trên họ, họ liền nói được nhiều thứ tiếng và nói tiên tri. Tất cả đàn ông chừng mười hai người.

Ngài vào hội đường, và trong suốt ba tháng, Ngài mạnh dạn rao giảng, tranh luận và thuyết phục về nước Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 67, 2-3. 4-5ac. 6-7ab

Ðáp: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Thiên Chúa đứng lên, quân thù của Người tan rã, và những kẻ ghét Người chạy trốn khỏi long nhan. Như làn khói toả, chúng rã tan, như mẩu sáp ong gần lửa chảy ra, những đứa ác nhân tiêu vong trước nhan Thiên Chúa. - Ðáp.

2) Những người hiền đức mừng rỡ hỉ hoan, trước nhan Thiên Chúa họ mừng vui sung sướng. Hãy hát mừng Thiên Chúa, hãy đàn ca danh Người, danh hiệu Người là Chúa, hãy mừng rỡ hân hoan trước nhan Người. - Ðáp.

3) Là Cha kẻ mồ côi, là Ðấng bênh vực người quả phụ, Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người. Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những người bị bỏ rơi, dẫn đưa những người tù tội ra nơi thịnh đạt. - Ðáp.

 

Alleluia: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 16, 29-33

"Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: "Ðúng thế, bây giờ Thầy nói rõ ràng, và không dùng dụ ngôn nữa. Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi sự, không cần có ai hỏi Thầy nữa. Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra". Chúa Giêsu đáp lại các ông: "Bây giờ các con mới tin ư? Này đến giờ, và đã đến rồi, các con sẽ tản mát mỗi người một ngả, bỏ mặc Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình đâu, vì có Cha hằng ở với Thầy. Thầy nói với các con những điều đó để các con được bình an trong Thầy. Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Phúc Âm (Gioan 16:29-33)


"Khi ấy, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: 'Ðúng thế, bây giờ Thầy nói rõ ràng, và không dùng dụ ngôn nữa. Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi sự, không cần có ai hỏi Thầy nữa. Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra'. Chúa Giêsu đáp lại các ông: 'Bây giờ các con mới tin ư? Này đến giờ, và đã đến rồi, các con sẽ tản mát mỗi người một ngả, bỏ mặc Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình đâu, vì có Cha hằng ở với Thầy. Thầy nói với các con những điều đó để các con được bình an trong Thầy. Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian'".


Chiều kích Hiệp Nhất Thần Linh trong chủ đề "Thày là sự sống" cho Mùa Phục Sinh hậu Tuần Bát Nhật Phục Sinh được mở màn ở bài phúc âm hôm nay, Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh, dường như không thấy gì là đúng như thế, thậm chí còn lạc đề nữa là đằng khác, vì nội dung của bài Phúc Âm hôm nay, qua những lời Chúa nói với các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly, chỉ liên quan đến phản ứng của các vị trước cuộc tử nạn của Người và số phận gian nan khốn khó của các v trên thế gian này. 


Tuy nhiên, nếu chiều kích Hiệp Nhất Thần Linh còn bao gồm cả tính cách nên giống nhau trong mối liên hệ thần linh giữa Chúa Kitô và các tông đồ thì số phận các vị bị gian nan khốn khó trên thế gian cũng là những gì Người đã trải qua trước các vị, những gì Người đã đi để dọn chỗ cho các vị, để "Thày ở đâu các con cũng ở đó" (Gioan 14:3). Và những gì các vị phải chịu vì danh Thày và như Thày để làm chứng về Người đều xuất phát từ niềm tin bất khuất của các vị nơi Người, như chính lời các vị tuyên xưng trong bài Phúc Âm hôm nay: "Chúng con tin Thày bởi Thiên Chúa mà ra", một niềm tin đã làm cho các vị được hiệp nhất nên một với Người, sống động và tác hành như Người. 

 

 

Bài Phúc Âm hôm nay có 2 điểm chính yếu có liên hệ mật thiết với nhau, một ở đầu và một ở cuối. Điểm chính yếu ở đầu bài Phúc Âm hôm nay đó là "bây giờ Thầy nói rõ ràng, và không dùng dụ ngôn nữa. Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi sự, không cần có ai hỏi Thầy nữa. Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra"; và điểm chính yếu cuối bài Phúc Âm hôm nay đó là "giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian". 

 

Ý nghĩa của "dụ ngôn" được Chúa Giêsu nói đến ở bài Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước và được các tông đồ lập lại trong bài Phúc Âm Thứ Hai tuần này, đó là những gì diễn tả một thực tại hay một sự thật ở bên trong các "dụ ngôn" ấy. Bởi thế, các "dụ ngôn" ở đây, nhất là trong Phúc Âm Thánh Gioan là Phúc Âm nhấn mạnh đến các dấu lạ hơn là phép lạ hay đến các dụ ngôn bằng lời nói như ở Phúc Âm Thánh Mathêu, có thể hiểu là bao gồm tất cả lời nói và việc làm của Chúa Kitô vì qua những lời nói và việc làm của mình, Người đã tỏ ra một sự thật duy nhất, đó là Người là Đấng Thiên Sai, Người từ Cha mà đến, đúng như các tông đồ cuối cùng, trong bài Phúc Âm hôm nay, đã khám phá ra cái bí mật của những gì Thày của các vị vẫn nói và làm từ trước đến nay, cái sự thật bí mật trong các "dụ ngôn" đó là: "Thầy bởi Thiên Chúa mà ra".

 

Nếu Chúa Kitô chỉ chiến thắng thế gian khi Người sống lại từ trong cõi chết, thì tại sao trong bài Phúc Âm hôm nay, lời Người khẳng định trong Bữa Tiệc Lý trước cuộc Vượt Qua từ tử giá đến phúc sinh, Người lại nói: "Thày đã chiến thắng thế gian". Nghĩa là cho dù Người chưa sống lại Người cũng "đã chiến thắng thế gian" rồi. Vậy phải hiểu ý nghĩa cái "đã" thuộc về quá khứ hay đã qua này ra sao, trong khi chính lúc Người khẳng định như thế lại chưa xẩy ra như vậy? Căn cứ vào các "dụ ngôn" là lời Người nói và việc Người làm như là các dấu lạ ẩn tàng một mầu nhiệm bên trong để chứng thực sự thật "Thày bởi Cha mà ra", có 2 "dụ ngôn" liên quan đến mầu Nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm tột đỉnh chứng tỏ sự thật "Thày bởi Cha mà ra", và chứng tỏ "Thày đã thắng thế gian", dù theo thời gian chưa thực sự xẩy ra như thế. 

 

"Dụ ngôn" thứ nhất đó là biến cố Người chay tịnh 40 đêm ngày và cuối cùng bị ma quỉ cám dỗ, một biến cố ám chỉ và hường về mầu nhiệm khổ nạn và tử giá, một biến cố mang tính cách "dụ ngôn" cho thấy Người quả thực "đã chiến thắng thế gian", ở chỗ Satan đã hoàn toàn bị thảm bại, một thảm bại sẽ được lập lại trên Đồi Canvê sau này.

 

"Dụ ngôn" thứ hai đó là biến cố Người biến hình trên núi cao, một biến cố liên quan đến mầu nhiệm phục sinh vinh hiển của Người, một mầu nhiệm cho thấy quả thực "Người đã chiến thắng thế gian", sau khi để cho thế gian, qua giáo quyền Do Thái giáo và chính quyền Đề quốc Rôma hợp nhau sát hại Người nhưng vẫn chẳng những không làm gì được Người mà nhờ đó Người biến thập giá là tiêu biểu cho tội lỗi và chết chóc thành ân sủng và sự sống.


Bài Đọc 1 (Tông Vụ 19:1-8)


"Xảy ra là khi Apollô ở Côrintô, thì Phaolô đi miền thượng du, rồi đến Êphêxô gặp một số môn đồ, và ngài hỏi họ: 'Anh em tin mà đã nhận Thánh Thần chưa?' Họ trả lời: 'Nguyên việc có Thánh Thần hay không, chúng tôi cũng chưa nghe nói'. Ngài lại hỏi: 'Vậy các ngươi đã chịu phép rửa của ai?' Họ thưa: 'Phép rửa của Gioan'. Phaolô liền bảo: 'Gioan thanh tẩy dân chúng bằng phép rửa sám hối mà rằng: Hãy tin vào Ðấng sẽ đến sau ông, tức là Ðức Giêsu'. Nghe vậy, họ đã chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Và khi Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần đến ngự xuống trên họ, họ liền nói được nhiều thứ tiếng và nói tiên tri. Tất cả đàn ông chừng mười hai người. Ngài vào hội đường, và trong suốt ba tháng, Ngài mạnh dạn rao giảng, tranh luận và thuyết phục về nước Thiên Chúa".


Nếu không ở trong tình trạng Hiệp Nhất Thần Linh, không ai có thể làm được những gì như chính Chúa Kitô đã làm, bởi không có Thánh Thần của Người ở nơi họ, Vị Thánh Thần được Người chẳng những thông cho họ từ chính thân xác phục sinh của Người ngay sau khi Người sống lại tử trong cõi chết (xem Gioan 20:22) mà còn là Vị Thánh Thần được Người từ Cha sai đến với Giáo Hội (xem Gioan 15:26 và Tông Vụ 1:8). 


Trong bài đọc 1 hôm nay cho thấy vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô đã thật sự được Hiệp Nhất Thần Linh đến độ việc đặt tay của ngài đã gây ra một tác dụng thần linh đó là làm cho "Thánh Thần ngự xuống trên họ", thành phần "đã nhận phép rửa nhân danh Chúa Giêsu", và chỉ nhờ lãnh nhận phép rửa nhân danh Chúa Kitô, chứ không phải phép rửa thống hối của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, mà nhờ đó "Thánh Thần ngự xuống trên họ" và họ cũng được Hiệp Nhất Thần Linh với Chúa Kitô, khiến "họ liền nói được nhiều thứ tiếng và nói tiên tri". 

 


                                                                                                                          

Thứ Ba sau Chúa Nhật VII Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 20, 17-27

"Tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng lời Chúa".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, từ Milê, Phaolô sai người đi Êphêxô mời các trưởng giáo đoàn đến. Khi họ đến với ngài và hội họp, ngài nói với họ: "Các ông biết ngay tự ngày đầu khi tôi vào đất Tiểu Á, tôi đã cư xử thế nào với các ông trong suốt thời gian đó, tôi hết lòng khiêm nhường phụng sự Chúa, phải khóc lóc và thử thách do người Do-thái âm mưu hại tôi. Các ông biết tôi không từ chối làm một điều gì hữu ích cho các ông, tôi đã rao giảng và dạy dỗ các ông nơi công cộng và tại tư gia, minh chứng cho người Do-thái và dân ngoại biết phải hối cải trở về với Thiên Chúa, phải tin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Và giờ đây được Thánh Thần bắt buộc đi Giêrusalem mà không biết ở đó có những gì xảy đến cho tôi, chỉ biết là từ thành này qua thành khác, Thánh Thần báo trước cho tôi rằng: xiềng xích và gian lao đang chờ tôi ở Giêrusalem. Nhưng tôi không sợ chi cả, không kể mạng sống tôi làm quý, miễn là tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng lời Chúa mà tôi đã lãnh nhận nơi Chúa Giêsu là làm chứng về Tin Mừng ơn Thiên Chúa. Và giờ đây, tôi biết rằng hết thảy các ông là những người được tôi ghé qua rao giảng nước Thiên Chúa, các ông sẽ chẳng còn thấy mặt tôi nữa. Vì thế hôm nay tôi quả quyết với các ông rằng: tôi trong sạch không dính máu người nào cả. Vì chưng, tôi không trốn tránh, khi phải rao giảng cho các ông mọi ý định của Thiên Chúa".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 67, 10-11. 20-21

Ðáp: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, Ngài làm mưa ân huệ xuống cho dân Ngài, và khi họ mệt mỏi, Ngài đã bổ dưỡng cho. Ôi Thiên Chúa, đoàn chiên Ngài định cư trong xứ sở, mà do lòng nhân hậu, Ngài chuẩn bị cho kẻ cơ bần. - Ðáp.

2) Chúc tụng Chúa ngày nọ qua ngày kia. Thiên Chúa là Ðấng cứu độ, Ngài vác đỡ gánh nặng chúng ta. Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa cứu độ, Chúa là Thiên Chúa ban ơn giải thoát khỏi tay tử thần. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 16

Alleluia, alleluia! - Thầy sẽ xin cùng Cha, và Người sẽ ban cho các con Ðấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 17, 1-11a

"Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển Con Cha".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói: "Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để Con Cha làm vinh hiển Cha. Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục, để con cũng ban sự sống đời đời cho mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con. Sự sống đời đời chính là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Ðấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô.

"Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất, Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con. Giờ đây, lạy Cha, xin hãy làm cho Con được vinh hiển nơi Cha với sự vinh hiển mà Con đã có nơi Cha, trước khi có thế gian. Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con, và chúng đã tuân giữ lời Cha. Bây giờ chúng biết rằng những gì Cha ban cho Con, đều bởi Cha mà ra. Vì những lời Cha ban cho Con thì Con đã ban cho chúng và chúng đã lãnh nhận, và biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con.

"Con cầu xin cho chúng, Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì chúng là của Cha. Và mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con đã được vinh hiển nơi chúng. Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian, phần Con, Con về cùng Cha".

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

Phúc Âm (Gioan 17:1-11a)


"Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói: 'Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để Con Cha làm vinh hiển Cha. Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục, để Con cũng ban sự sống đời đời cho mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con. Sự sống đời đời chính là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Ðấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô. Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất, Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con. Giờ đây, lạy Cha, xin hãy làm cho Con được vinh hiển nơi Cha với sự vinh hiển mà Con đã có nơi Cha, trước khi có thế gian. Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con, và chúng đã tuân giữ lời Cha. Bây giờ chúng biết rằng những gì Cha ban cho Con, đều bởi Cha mà ra. Vì những lời Cha ban cho Con thì Con đã ban cho chúng và chúng đã lãnh nhận, và biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con. Con cầu xin cho chúng, Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì chúng là của Cha. Và mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con đã được vinh hiển nơi chúng. Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian, phần Con, Con về cùng Cha'".


Chiều kích Hiệp Nhất Thần Linh trong chủ đề "Thày là sự sống" trong bài phúc âm cho Thứ Ba Tuần VII Phục Sinh hôm nay được hiện tỏ nơi lời cuối cùng của Chúa Giêsu: "mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con đã được vinh hiển nơi chúng. Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian, phần Con, Con về cùng Cha". 


Thật vậy, chiều kích hiệp nhất không thể nào thiếu tính chất thuộc về nhau và ở với nhau. Thuộc về nhau: "mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con", và ở với nhau: "phần Con, Con về cùng Cha". 


Thế nhưng, "mọi sự của Con" được Chúa Kitô nói đến ở đây là gì, nếu không phải là thành phần các môn đệ của người bấy giờ và sau này làm nên Nhiệm Thể của Người là Giáo Hội. Đó là lý do chính Chúa Giêsu đã xác nhận các môn đệ của Người là tất cả "mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con": "mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con", "mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con", và "những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì chúng là của Cha". 


Chính vì "mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con" như thế mà Chúa Kitô đã muốn cho họ cũng được hiệp nhất thần linh với Người và qua Người với Cha của Người nữa, bằng cách, như Người thưa cùng Cha của Người trong bài Phúc Âm: 1- ban sự sống đời đời cho họ: "Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục, để Con cũng ban sự sống đời đời cho mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con"; 2- và tỏ danh Cha cho họ: "Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con... những lời Cha ban cho Con thì Con đã ban cho chúng và chúng đã lãnh nhận, và biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con".  

 

 

Bài Phúc Âm hôm nay là phần thứ nhất trong 3 phần của Đoạn Phúc Âm 17 được Thánh ký Gioan ghi lại, bao gồm tất cả Lời Nguyện kết thúc Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô. Phần đầu (hôm nay - Thứ Ba) của Lời Nguyện này liên quan đến chính bản thân Chúa Kitô và vinh hiển của Người, phần hai (ngày mai - Thứ Tư) liên quan đến các tông đồ và đặc ân thánh hóa của các vị, và phần ba (ngày kia - Thứ Năm) liên quan đến chung nhân loại và mối hiệp thông thần linh với Thiên Chúa.

 

 

Trước hết, "vinh hiển" của Chúa Kitô đây là gì? Tại sao Người lại xin Cha của Người làm cho Người được "vinh hiển"? Xin thưa, "vinh hiển" của Chúa Kitô đây là "vinh hiển mà Con đã có nơi Cha, trước khi có thế gian". Tức vinh hiển là "Con Thiên Chúa" của Chúa Kitô, một vinh hiển mà Người xin Cha của Ngài xin hãy làm sáng tỏ trước chung thế gian và riêng các môn đệ của Người, nhờ đó, Người cũng làm cho Cha được "vinh hiển" ở chỗ các môn đệ của Người cũng như thế gian nhận biết Cha là Đấng đã sai Người vì yêu thương nhân loại.

 

 

Nếu "Sự sống đời đời chính là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Ðấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô", thì cách thức làm sao cho họ nhận biết chính là cách thức Cha làm "vinh hiển" Người và đồng thời nhờ đó Người cũng làm "vinh hiển" Cha của Người. Mà cách thức ấy là gì, nếu không phải hoàn trọn ý muốn của Cha là Đấng đã sai Người: "Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất, Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con".

 

 

Phải, Chúa Cha đã làm "vinh hiển" Con ở chỗ muốn Con của Ngài phải chịu khổ nạn và tử giá, và chính Chúa Kitô cũng chẳng còn cách nào khác hơn là tuân phục Cha của Người: "tuy thân phận là Con, Người cũng đã biết tuân phục nơi những gì phải chịu, để khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên cứu độ đời đời cho tất cả những ai tín phục Người" (Do Thái 5:8), nghĩa là làm cho các môn đệ của Người và thế gian nhận biết Người là Con của Thiên Chúa, hay qua Người mà nhận biết Cha là Đấng đã sai Người, hầu được "sự sống đời đời".

 

 

 

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 20:17-27) 


"Trong những ngày ấy, từ Milê, Phaolô sai người đi Êphêxô mời các trưởng giáo đoàn đến. Khi họ đến với ngài và hội họp, ngài nói với họ: 'Các ông biết ngay tự ngày đầu khi tôi vào đất Tiểu Á, tôi đã cư xử thế nào với các ông trong suốt thời gian đó, tôi hết lòng khiêm nhường phụng sự Chúa, phải khóc lóc và thử thách do người Do-thái âm mưu hại tôi. Các ông biết tôi không từ chối làm một điều gì hữu ích cho các ông, tôi đã rao giảng và dạy dỗ các ông nơi công cộng và tại tư gia, minh chứng cho người Do-thái và dân ngoại biết phải hối cải trở về với Thiên Chúa, phải tin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Và giờ đây được Thánh Thần bắt buộc đi Giêrusalem mà không biết ở đó có những gì xảy đến cho tôi, chỉ biết là từ thành này qua thành khác, Thánh Thần báo trước cho tôi rằng: xiềng xích và gian lao đang chờ tôi ở Giêrusalem. Nhưng tôi không sợ chi cả, không kể mạng sống tôi làm quý, miễn là tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng lời Chúa mà tôi đã lãnh nhận nơi Chúa Giêsu là làm chứng về Tin Mừng ơn Thiên Chúa. Và giờ đây, tôi biết rằng hết thảy các ông là những người được tôi ghé qua rao giảng nước Thiên Chúa, các ông sẽ chẳng còn thấy mặt tôi nữa. Vì thế hôm nay tôi quả quyết với các ông rằng: tôi trong sạch không dính máu người nào cả. Vì chưng, tôi không trốn tránh, khi phải rao giảng cho các ông mọi ý định của Thiên Chúa'".


Chiều kích Hiệp Nhất Thần Linh trong chủ đề "Thày là sự sống" trong Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh được tỏ hiện một cách cụ thể nơi trường hợp của Thánh Phaolô, Vị Tông Đồ Dân Ngoại. Ở chỗ, ngài cảm nhận được tác động thần linh của Thánh Thần nơi ngài, như chính ngài nói: "Và giờ đây được Thánh Thần bắt buộc đi Giêrusalem mà không biết ở đó có những gì xảy đến cho tôi, chỉ biết là từ thành này qua thành khác, Thánh Thần báo trước cho tôi rằng: xiềng xích và gian lao đang chờ tôi ở Giêrusalem"


Nếu không đạt được mức độ hiệp nhất thần linh cao cả, thì kinh nghiệm sống đạo cũng là sống đức tin cho thấy, không ai có thể nhậy cảm và cảm nghiệm được tác động thần linh của Chúa Thánh Thần như ngài. Mà cho dù có cảm nghiệm được tác động thần linh của Thánh Thần chăng nữa, nhiều khi Kitô hữu vẫn chối bỏ tác động ấy, bởi đụng đến bản thân của họ, bắt họ phải hy sinh hay chịu khổ, đến nỗi họ trốn chạy hay trấn át tác động thần linh của Ngài, điển hình là trường hợp của tiên tri Giona được sai đến rao giảng thống hối cho thành Ninivê (xem Giona 1:1-3).


Thế nhưng, ở đây, với Tông Đồ Phaolô, được hiệp nhất thần linh với Chúa Kitô là Đấng sống trong ngài (xem Galata 2:20), đến độ không gì có thể tách ngài ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô (xem Roma 8:35-39), thì như ngài quả quyết trong bài đọc 1 hôm nay: "Nhưng tôi không sợ chi cả, không kể mạng sống tôi làm quý, miễn là tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng lời Chúa mà tôi đã lãnh nhận nơi Chúa Giêsu là làm chứng về Tin Mừng ơn Thiên Chúa".   

                                                                                     

 


                                                                                                                

Thứ Tư sau Chúa Nhật VII Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 20, 28-38

"Tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa, Ðấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô nói với các trưởng giáo đoàn Êphêxô rằng: "Các ông hãy thận trọng, và săn sóc đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt các ông làm giám quản điều khiển giáo đoàn của Chúa đã được Người cứu chuộc bằng máu. Phần tôi, tôi biết rằng sau khi tôi đi rồi, sẽ có những sói dữ đột nhập giữa các ông, chúng không dung tha đoàn chiên; và ngay giữa các ông sẽ có những kẻ ăn nói xảo trá nổi dậy để lôi kéo các môn đồ theo họ. Vì thế, các ông hãy tỉnh thức, và nhớ rằng trong ba năm trời, đêm ngày tôi không ngừng sa lệ mà khuyên bảo từng người. Và bây giờ, tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, Người là Ðấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp làm một với tất cả mọi người đã được thánh hoá. Tôi đã không ham muốn bạc, vàng, hay y phục của ai hết, như chính các ông đã biết. Những đồ gì tôi và những kẻ ở với tôi cần dùng, thì chính hai bàn tay này đã làm ra. Bằng mọi cách, tôi đã chỉ bảo cho các ông rằng phải làm việc như vậy, để nâng đỡ những người yếu đuối, và ghi nhớ lời Chúa Giêsu đã phán: "Cho thì có phúc hơn là nhận"."

Nói xong, ngài quỳ xuống cầu nguyện với mọi người. Ai nấy đều khóc lớn tiếng, và ôm cổ Phaolô mà hôn, họ đau buồn nhất là vì lời ngài vừa nói rằng họ sẽ không còn thấy mặt ngài nữa. Rồi họ tiễn đưa ngài xuống tàu.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 67, 29-30. 33-35a. 35b-36c

Ðáp: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, xin tỏ ra quyền năng của Chúa. Ôi Thiên Chúa, xin củng cố sự việc Chúa đã làm cho chúng con! Vì thánh đài của Chúa ở Giêrusalem, các vua sẽ tiến dâng Ngài lễ vật. - Ðáp.

2) Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa, hãy xướng lên bài ca mừng Chúa, mừng Ðấng ngự giá qua cõi trời, cõi trời ngàn thu! Kìa Ngài lên tiếng, tiếng nói quyền năng: "Các ngươi hãy nhìn biết quyền năng Thiên Chúa". - Ðáp.

3) Oai nghiêm Ngài chiếu giãi trên Israel, và quyền năng Ngài trên cõi nước mây. Từ thánh điện của Ngài, Thiên Chúa đáng tôn sợ. Thiên Chúa của Israel, chính Ngài ban cho dân Ngài được quyền năng và mãnh lực. - Ðáp.

 

Alleluia: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 17, 11b-19

"Ðể chúng được nên một như Ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: "Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng.

"Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý".

Ðó là lời Chúa.


Phúc Âm (Gioan 17:11b-19)

"Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: 'Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng. Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý'".

 


Chiều kích Hiệp Nhất Thần Linh trong Mùa Phục Sinh theo chủ đề "Thày là sự sống" cho Thứ Tư của Tuần Lễ VII Phục Sinh hôm nay lại càng rõ ràng hơn nữa, qua lời Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay: "để chúng được nên một như Ta". 


Thế nhưng, để thực hiện tình trạng Hiệp Nhất Thần Linh này nơi các môn đệ của mình, không phải chỉ giữa mình và họ, mà còn giữa họ với Cha nữa, Chúa Kitô "đã tự thánh hóa để cả chúng được thánh hóa trong chân lý", nghĩa là để cho các môn đệ của Người có thể nhận biết "Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giêsu Kitô", như lời Người thưa cùng Cha của Người trong bài Phúc Âm hôm qua. 


Vì nhờ nhận biết như thế các môn đệ mới được sự sống, sự sống thần linh của Chúa Kitô, như Chúa Kitô và với Chúa Kitô là Đấng đã thông ban cho họ qua cuộc Vượt Qua của Người. Và nhờ sự sống thần linh này mà các môn đệ của Người mới ở thế gian mà "không thuộc về thế gian", trái lại thế gian nhờ các vị mà nhận biết Chúa Kitô mà được thông phần vào mối Hiệp Nhất Thần Linh, như lời Người thưa cùng Cha trong bài Phúc Âm ngày mai.

 

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay chúng ta còn thấy Chúa Kitô tỏ ra rất trân trọng và yêu thương các môn đệ của Người là "những kẻ Cha đã ban cho Con", thành phần mà trong bài Phúc Âm hôm qua Người cũng đã khẳng định là "mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con", "mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con... chúng là của Cha. Và mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con".

 

 

Người đã tỏ ra hết sức quan tâm lo lắng cho những kẻ thuộc về Người như Cha đã trao phó cho Người, khi Người sắp "về cùng Cha" của Người, về tiêu cực, làm sao "gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ", và về phần tích cực, "thánh hoá chúng trong chân lý". Việc "gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ" không phải ở chỗ "xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian" mà là "thánh hoá chúng trong chân lý" bằng "lời Cha là chân lý". "lời Cha" đây chính là Chúa Kitô, là tất cả những gì Cha muốn tỏ mình ra cho họ, nhất là nơi cuộc khổ nạn và tử giá của Chúa Kitô: "vì chúng mà Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý'".

 

 

Đó là lý do, một lý do trước hết và trên hết "vì chúng" (ám chỉ cả Giáo Hội) hơn là vì chung loài người, mà trong việc lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Kitô, khi trao bánh và rượu cho các môn đệ tông đồ, thành phần thuộc về Người và được Cha trao phó cho Người, Người đã khẳng định như sau: "Này là mình Thày sẽ bị nộp vì các con..." "Chén này là chén tân ước trong máu của Thày là máu sẽ đổ ra cho các con" (Luca 22:19-20).


Bài Đọc 1 (Tông Vụ 20:28-38)


"Trong những ngày ấy, Phaolô nói với các trưởng giáo đoàn Êphêxô rằng: 'Các ông hãy thận trọng, và săn sóc đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt các ông làm giám quản điều khiển giáo đoàn của Chúa đã được Người cứu chuộc bằng máu. Phần tôi, tôi biết rằng sau khi tôi đi rồi, sẽ có những sói dữ đột nhập giữa các ông, chúng không dung tha đoàn chiên; và ngay giữa các ông sẽ có những kẻ ăn nói xảo trá nổi dậy để lôi kéo các môn đồ theo họ. Vì thế, các ông hãy tỉnh thức, và nhớ rằng trong ba năm trời, đêm ngày tôi không ngừng sa lệ mà khuyên bảo từng người. Và bây giờ, tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, Người là Ðấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp làm một với tất cả mọi người đã được thánh hoá. Tôi đã không ham muốn bạc, vàng, hay y phục của ai hết, như chính các ông đã biết. Những đồ gì tôi và những kẻ ở với tôi cần dùng, thì chính hai bàn tay này đã làm ra. Bằng mọi cách, tôi đã chỉ bảo cho các ông rằng phải làm việc như vậy, để nâng đỡ những người yếu đuối, và ghi nhớ lời Chúa Giêsu đã phán: 'Cho thì có phúc hơn là nhận'".


Chiều kích Hiệp Nhất Thần Linh của Mùa Phục Sinh theo chủ đề "Thày là sự sống" tiếp tục với Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay. Ở chỗ ngài đã tỏ ra lo cho lợi ích thiêng liêng của những ai đã được ngài phục vụ trong 3 năm liền, như Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm cũng bày tỏ cùng Cha của Người về mối quan tâm của Người đối với số phận của những ai thuộc về Người còn ở thế gian vậy. 


Nếu Chúa Kitô đã "đến không phải để được hầu hạ mà là hầu hạ và hiến mạng sống mình cho nhiều người" (Mathêu 20:28) thế nào, thì Thánh Phaolô, được Hiệp Nhất Thần Linh với Người cũng đã phản ảnh Người như vậy, cũng chủ trương đúng như lời Người khuyên dạy "cho đi hơn nhận lãnh", bằng cách "tôi đã không ham muốn bạc, vàng, hay y phục của ai hết, như chính các ông đã biếtNhững đồ gì tôi và những kẻ ở với tôi cần dùng, thì chính hai bàn tay này đã làm ra", hoàn toàn không phiền đến ai, trái lại, ngài tỏ ra rất ân cần lưu tâm đến lợi ích thiêng liêng của chung cộng đồng dân Chúa và riêng từng người mà ngài được sai đến phục vụ: "trong ba năm trời, đêm ngày tôi không ngừng sa lệ mà khuyên bảo từng người".


Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã trao phó các môn đệ cho Cha của Người thế nào, thì mối Hiệp Nhất Thần Linh nơi Thánh Phaolô với Chúa Kitô cũng khiến ngài tác hành y như Chúa Kitô vậy, khi ngài trấn an họ rằng: "tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, Người là Ðấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp làm một với tất cả mọi người đã được thánh hoá". 

 

 


                                                                                                              

Thứ Năm sau Chúa Nhật VII Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 22, 30; 23, 6-11

"Con phải làm chứng về Ta tại Rôma".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, toà án muốn biết đích xác người Do-thái tố cáo Phaolô về tội gì, nên cởi trói cho ngài, và truyền lệnh cho các thượng tế và toàn thể công nghị họp lại, rồi dẫn Phaolô đến đứng trước mặt họ. Phaolô biết có một số người thuộc phe Sađốc, và một số khác thuộc phe biệt phái, nên kêu lớn tiếng giữa công nghị rằng: "Thưa anh em, tôi là biệt phái, con của người biệt phái, tôi bị xét xử vì niềm hy vọng và vì sự sống lại của những người đã chết". Ngài vừa nói thế, thì xảy ra sự bất đồng ý kiến giữa các người biệt phái và Sađốc, và hội đồng đâm ra chia rẽ. Vì các người Sađốc cho rằng không có sự sống lại, không có thiên thần và thần linh; còn các người biệt phái thì tin tất cả điều đó. Tiếng la lối inh ỏi, và có mấy người biệt phái đứng lên bênh vực rằng: "Chúng tôi không thấy người này có tội gì; và nếu thần linh hay thiên thần nói với người này thì sao?" Cuộc tranh luận đã đến hồi gây cấn, viên quản cơ sợ Phaolô bị phân thây, nên sai lính xuống kéo ngài ra khỏi họ và dẫn về đồn.

Ðêm sau, Chúa hiện đến cùng ngài và phán: "Hãy can đảm lên! Con đã làm chứng về Ta tại Giêrusalem thế nào, thì cũng phải làm chứng về Ta tại Rôma như vậy".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11

Ðáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài là chúa tể con; Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con. - Ðáp.

2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. - Ðáp.

3) Bởi thế, lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy điều hư nát. - Ðáp.

4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa, tới muôn muôn đời! - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 18

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 17, 20-26

"Xin cho chúng nên một".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: "Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con. Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Phúc Âm (Gioan 17:20-26)


"Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: 'Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con. Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa'".


Chiều kích Hiệp Nhất Thần Linh trong Mùa Phục Sinh theo chủ đề "Thày là sự sống" không phải chỉ bao gồm giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, giữa Người với Cha và các môn đệ của Người với Cha, mà còn giữa Giáo Hội qua các môn đệ của Người với thế gian và giữa thế gian với Người cũng như với Cha nữa, như lời Người đã cầu nguyện trong bài Phúc Âm hôm nay:  


"Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con". 


Thế nhưng, để các môn đệ của Người có thể trở thành trung gian môi giới cho cuc Hiệp Nhất Thần Linh giữa thế gian với Người và với Cha, thì Người cần phải thực hiện những gì Người thưa cùng Cha trong bài Phúc Âm hôm nay, đó là: 


"Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con".


"Vinh hiển mà Cha đã ban cho Con" đây là gì nếu không phải là cho Con được cơ hội làm rạng danh Cha trên Thánh Giá, nên các môn đệ của Người được Người cho thông phần vinh hiển của Người nghĩa là được lấy chính mạng sống của mình để làm chứng về Người và cho Người như Người đã làm chứng về Cha và tỏ Cha ra vậy, như trường hợp của Tông Đồ Phêrô trong bài Phúc Âm ngày mai. 


Trong lời nguyện dâng lên Cha của mình trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô còn cho thấy mối Hiệp Nhất Thần linh giữa Người và các môn đệ được Người cho tham phần vinh hiển của Người là chịu khổ với Người ấy nhờ thế mới được thực sự Hiệp Nhất Thần Linh với Người: "Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con", một ý định phản ảnh những gì Người đã nói trước với các tông đồ về thân phận tôi tớ không hơn chủ của các vị rằng: "Thày đi để dọn chỗ cho các con, Thày sẽ trở lại với các con để đưa các con đi với Thày để Thày ở đâu các con cũng ở đó" (Gioan 14:3). 

 

 

Lời nguyện hiến tế của Chúa Kitô kết thúc Bữa Tiệc Ly được Giáo Hội chọn đọc cho 3 ngày giữa tuần VII Phục Sinh (Thứ Ba, Thứ Tư và Thứ Năm) này bao gồm 3 phần rõ ràng: Phần nhất (Thứ Ba) Chúa Giêsu cầu cùng Cha cho chính bản thân Người để xin Cha làm rạng danh Người, nhờ đó Người cũng được làm rạng danh Cha. Phần thứ hai (Thứ Tư), Người cầu cho các tông đồ là nền tảng Giáo Hội Người thiết lập, liên quan đến thân mệnh của các vị, thành phần "thuộc về Cha" và "là của Cha" nhưng còn ở thế gian và sẽ bị thế gian bách hại, cần phải được "thánh hóa trong chân lý", để chẳng những ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian mà còn có thể làm chứng cho chân lý là Chúa Kitô nữa. Phần thứ ba (Thứ Năm hôm nay), Người cầu cho thế giới tin Người qua chứng từ của các tông đồ nói riêng và Giáo Hội của Người nói chung, để nhờ đó "tất cả được hiệp nhất nên một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha".

 

 

Tuy nhiên, ở phần thứ ba của Lời Nguyện Hiến Tế này của mình, về nội dung, Chúa Kitô vẫn tiếp tục cầu cho các tông đồ, thành phần sau khi đã "được thánh hóa trong chân lý", tức đã nhận biết sự thật là Chúa Kitô, hay "đã nhận biết Con bởi Cha mà ra", thì sẽ làm chứng cho Người trước thế gian. Thế nhưng, để làm chứng cho một Đấng đã chịu khổ nạn và tử giá, các vị cần phải được thông phần với Người, ở chỗ "Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con", tức là đã tạo cho các vị có cơ hội để Thiên Chúa có thể tỏ mình ra, hay tỏ vinh hiển của Ngài ra, qua họ như qua chính Chúa Kitô trên Thánh Giá cứu độ. Nhờ đó mà các vị mới được hiệp nhất nên một với Người, mới hoàn toàn nên giống Người: "Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con". Và như thế, các vị mới tiến tới chỗ "tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa" - "Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con".


Bài Đọc 1 (Tông Vụ 22:30; 23:1-6) 


"Trong những ngày ấy, toà án muốn biết đích xác người Do-thái tố cáo Phaolô về tội gì, nên cởi trói cho ngài, và truyền lệnh cho các thượng tế và toàn thể công nghị họp lại, rồi dẫn Phaolô đến đứng trước mặt họ. Phaolô biết có một số người thuộc phe Sađốc, và một số khác thuộc phe biệt phái, nên kêu lớn tiếng giữa công nghị rằng: 'Thưa anh em, tôi là biệt phái, con của người biệt phái, tôi bị xét xử vì niềm hy vọng và vì sự sống lại của những người đã chết'. Ngài vừa nói thế, thì xảy ra sự bất đồng ý kiến giữa các người biệt phái và Sađốc, và hội đồng đâm ra chia rẽ. Vì các người Sađốc cho rằng không có sự sống lại, không có thiên thần và thần linh; còn các người biệt phái thì tin tất cả điều đó. Tiếng la lối inh ỏi, và có mấy người biệt phái đứng lên bênh vực rằng: 'Chúng tôi không thấy người này có tội gì; và nếu thần linh hay thiên thần nói với người này thì sao?' Cuộc tranh luận đã đến hồi gây cấn, viên quản cơ sợ Phaolô bị phân thây, nên sai lính xuống kéo ngài ra khỏi họ và dẫn về đồn. Ðêm sau, Chúa hiện đến cùng ngài và phán: 'Hãy can đảm lên! Con đã làm chứng về Ta tại Giêrusalem thế nào, thì cũng phải làm chứng về Ta tại Rôma như vậy'".


Thật vậy, nếu trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô đã thưa cùng Cha của Người về số phận diễm phúc của các tông đồ được Người tuyển chọn để có thể thông phần vinh hiển của Người và với Người bằng hy sinh khổ ải thế nào để có thể nên giống Người và được Hiệp Nhất Thần Linh với người, thì trong bài đọc thứ nhất hôm nay cũng thế, chính Người cũng đã trấn an Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô và phấn khích ngài, sau khi bị điệu ra trước công nghị để "bị xét xử vì niềm hy vọng và vì sự sống lại của những người đã chết", và đang bị nhốt trong một "đồn" canh, tiếp tục làm chứng về Người chẳng những ở Giêrusalem là giáo đô của Do Thái giáo, mà còn tại chính Rôma là thủ đô của đế quốc Rôma, một địa điểm là tương lai của Giáo Đô Rôma của Kitô giáo: "Hãy can đảm lên! Con đã làm chứng về Ta tại Giêrusalem thế nào, thì cũng phải làm chứng về Ta tại Rôma như vậy".


Chính việc làm chứng của Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô ở hai địa điểm chính yếu bao gồm cả Do Thái giáo lẫn Dân Ngoại Kitô giáo này cho thấy mối Hiệp Nhất Thần Linh giữa ngài và Chúa Kitô đến đâu, đến độ ngài đã trở thành đúng như ý định chọn lựa của Chúa Kitô, Đấng đã tỏ mình ra cho ngài trên đường đi Damascô và sai ngài đi: "Ta đã làm cho ngươi trở thành ánh sáng chư dân, thành phương tiện cứu độ cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 13:47).

 


                                                                                                             

 

Thứ Sáu sau Chúa Nhật VII Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 25, 13-21

"Ðức Giêsu đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, vua Agrippa và Berni xuống Cêsarêa chào Phestô. Vì hai người lưu lại đó nhiều ngày, nên Phestô đem chuyện Phaolô trình nhà vua rằng: "Ở đây có một người tù Phêlixê để lại. Lúc tôi ở Giêrusalem, các thượng tế và kỳ lão Do-thái đã đến xin tôi lên án hắn. Tôi đã trả lời với họ rằng: "Người Rôma không có thói quen lên án người nào trước khi bị cáo đối diện với nguyên cáo, và có cơ hội bào chữa để thanh minh tội mình". Vậy họ liền đến đây, ngày hôm sau tôi ngồi toà án, truyền điệu bị cáo đến. Các nguyên cáo đều có mặt, nhưng không đưa ra một tội trạng nào, như tôi đã ngờ trước; họ chỉ tố cáo hắn mấy điều về mê tín, về một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống. Ðang phân vân về vấn đề ấy, tôi hỏi hắn có muốn đi Giêrusalem để được xét xử tại đó về các điều ấy không. Nhưng Phaolô nại đến thẩm quyền của hoàng đế Augustô, nên tôi đã truyền giữ hắn lại để nạp cho hoàng đế".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 11-12. 19-20ab

Ðáp: Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh (c. 19a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Ðáp.

2) Cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. - Ðáp.

3) Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh, và vương quyền Người phủ trị trên khắp muôn loài. Hãy chúc tụng Chúa đi, chư vị thiên thần, dũng lực hùng anh, thi hành lời Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 18

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 21, 15-19

"Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông, và hỏi Simon Phêrô rằng: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy".

Người lại hỏi: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy".

Người hỏi ông lần thứ ba: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba "Con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy" Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến". Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: "Con hãy theo Thầy".

Ðó là lời Chúa.


Phúc Âm (Gioan 21:15-19) 

 

 

 

 

 

"Khi Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông, và hỏi Simon Phêrô rằng: 'Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?' Ông đáp: 'Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy'. Người bảo ông: 'Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy'. Người lại hỏi: 'Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?' Ông đáp: 'Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy'. Người bảo ông: 'Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy'. Người hỏi ông lần thứ ba: 'Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?' Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba 'Con có yêu mến Thầy không?' Ông đáp: 'Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy'. Người bảo ông: 'Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến'. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: 'Con hãy theo Thầy'".

 

Chiều kích Hiệp Nhất Thần Linh trong bài Phúc Âm của Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh hôm nay là ở chỗ: 1- lòng yêu mến Thày nơi Tông Đồ Phêrô, và 2- vai trò thay Thày chăn đàn chiên của Thày và cho Thày. Thật vậy, nếu không yêu mến Thày, không phải bằng một lòng yêu tầm thường, mà là bằng một lòng yêu mến trổi vượt, "hơn những người này", tức là hơn các tông đồ khác, thì mới có khả năng và đủ tư cách để thay Thày chăn dắt đoàn chiên của Thày và chăn dắt đàn chiên như Thày. 


Mà chăn dắt đàn chiên của Thày như Thày đây nghĩa là gì, nếu không phải, như Người đã tiên báo trong bài Phúc Âm hôm nay cho vị tông đồ sẽ đại diện Người cai quản đàn chiên Giáo Hội của Người, đó là sẽ chịu chung số phận tử nạn giống Thày: "Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến'. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa".

 

 

Ở ngay câu tiên báo về số phận của tông đồ Phêrô, Chúa Giêsu đã cho thấy trước linh đạo Kitô giáo không phải ở chỗ con người có thể chủ động làm được gì cho Ngài theo ý mình: "khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý", mà là chính Thiên Chúa làm việc của Ngài qua con người và nhờ con người: "nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến", miễn là con người tin tưởng phó thác mọi sự: "Con hãy theo Thày", kể cả chính bản thân mình cho Ngài. "Người cần phải lớn lên còn tôi sẽ phải nhỏ lại" (Gioan 3:30).

 

 

Linh đạo Kitô giáo là linh đạo ngược chiều với đường lối tự nhiên: ở chỗ, thay vì trưởng thành, lớn lên thì lại phải càng nhỏ bé mới càng lớn trên Nước Trời (xem Mathêu 18:4). Chúa Kitô sau 3 năm đi khắp nơi rao giảng và làm phép lạ, cuối cùng đã trở thành bất lực trên thập tự giá, không thể xuống khỏi thập giá đúng như lời thách thức đầy mỉa mai khinh bỉ của thành phần đầu mục Do Thái, thì lại chính là lúc cứu độ, là lúc Thiên Chúa tỏ hết mình ra nơi Người và qua Người. Các môn đệ được Người kêu gọi "hãy theo Thày" cũng thế, theo đúng như nguyện vọng của Người: "Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con".


Về phần mình, cho dù biết trước thân phận của mình như thế, vì yêu Thày hơn ai hết, nhất là sau 3 lần trắng trợn chối bỏ Người mà vẫn được Người thứ tha và tin tưởng trao phó đàn chiên cao quí của Người cho mình, vị tông đồ này vẫn đáp ứng lời kêu gọi của Thày: "Con hãy theo Thầy", trong việc đóng vai trò là "vị mục tử tốt lành hiến mạng sống mình vì chiên" (Gioan 10:11) như Thày, một đàn chiên không phải chỉ toàn dân Do Thái mà bao gồm cả dân ngoại trong đế quốc Rôma bấy giờ, một đế quốc đã sát hại ngài tại chính thủ đô Rôma mà cho tới nay đã trở Giáo đô của Kitô giáo nói chung và Giáo Hội Công giáo nói riêng. 

 

 

Bài Phúc Âm hôm nay và ngày mai là hai bài Phúc Âm được Giáo Hội cố ý chọn đọc để kết thúc Mùa Phục Sinh về chủ đề "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25). Hai bài Phúc Âm này của Thánh Gioan là những câu cuối cùng của Phúc Âm Thánh Gioan. Tuy nhiên, nếu để ý chúng ta sẽ thấy đoạn cuối cùng của các Phúc Âm nói chung và Phúc Âm Thánh Gioan nói riêng này không phải là một két thúc đóng mà là một kết thúc mở, ở chỗ, hướng về tương lai, hướng về Giáo Hội, hướng về truyền giáo, hướng về toàn thể thế giới nhân loại, hướng về cánh chung (như bài Phúc Âm ngày mai của Thánh ký Gioan sẽ cho thấy).

 

 

Thật vậy, đáng lẽ sau 3 bài Phúc Âm cho Thứ Ba, Thứ Tư và Thứ Năm tuần VII Phục Sinh này, theo Phúc Âm Thánh ký Gioan, đoạn 17 là đoạn về lời nguyện của Chúa Kitô kết thúc Bữa Tiệc Ly, một lời nguyện bao gồm tất cả dự án cứu độ và công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, phụng vụ lời Chúa của chung Mùa Phục Sinh đã kết thúc rồi mới phải.

 

 

Thế nhưng, Giáo Hội vẫn còn giành 2 bài Phúc Âm, cũng của Thánh ký Gioan, 2 bài Phúc Âm cuối cùng của vị thánh này, một liên quan đến tông đồ Phêrô (hôm nay), và một liên quan đến tông đồ Gioan (ngày mai), để kết thúc phụng vụ lời Chúa Mùa Phục Sinh, vì thật ra Mầu Nhiệm Chúa Kitô không kết thúc ở Mầu Nhiệm Vượt Qua là Tử Giá (được Giáo Hội cử hành trong Tuần Thánh) và Phục Sinh (được Giáo Hội cử hành trong Mùa Phục Sinh), mà ở Mầu Nhiệm Cánh Chung, bao gồm cả Mầu Nhiệm Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, nơi Người "sẽ ở cùng cho đến tận thế" (Mathêu 28:20) bằng chính Thánh Thần của Người từ Cha sai đến trên các Tông Đồ vào Lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem, nhờ đó Người tiếp tục tỏ mình ra cho chung nhân loại, "cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8), cho đến khi "Người lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nước Người sẽ không bao giờ cùng".

 

 

Bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến Thánh Phêrô là thủ lãnh Giáo Hội, là chủ chiên thay cho chính Chúa Kitô, một Chúa Kitô tiếp tục chẳng những chăn dắt đàn chiên của mình, cả chiên nhỏ (là giáo dân - lamb) lẫn chiên lớn (bao gồm cả hàng giáo sĩ - sheep, và giáo phẩm - sheep), nơi các vị giáo hoàng đại diện của Người trên trần gian này, mà còn "hiến mạng sống mình vì chiên... cho chiên được sự sống và là sự sống viên mãn" (Gioan 10:11,10) qua các ngài nữa, như Người đã báo trước cho tông đồ Phêrô trong bài Phúc Âm hôm nay, vị tông đồ đã được Người gọi "hãy theo Thày" để có thể tỏ Thày ra cho thế gian bằng chứng từ của lòng mến đã đạt tới độ hiệp nhất nên một với Người "để thế gian tin rằng Cha đã sai Con" (Gioan 17:23).

 

 

Bài Phúc Âm hôm nay còn chất chứa một câu Chúa Giêsu nói với tông đồ Phêrô về số phần chứng nhân là: "Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa", một câu đã cho thấy ý nghĩa đích thực của những gì Người đã nguyện cùng Cha của Người ở Lời Nguyện Hiến tế kết thúc Bữa Tiệc Ly: "Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một". Đúng thế, chính lời kêu gọi của Chúa Giêsu với vị chủ chăn tối cao đại diện Người trên trần gian là tông đồ Phêrô: "Con hãy theo Thày" kết thúc Bài Phúc Âm hôm nay đã cho thấy ý nghĩa đích thực về thân phận bất khả phân ly giữa Thày trò với nhau ở câu: "Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian"

 

 

Ý nghĩa ấy là vinh hiển hay vinh dự của Người là Con Thiên Chúa cũng như vinh quang hay vinh danh của thành phần môn đệ tông đồ của Người đó là trở thành chứng từ của Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra, qua Con cũng như qua những ai "thuộc về Cha" và "là của Cha" mà "Cha đã ban cho Con trên thế gian", để nhờ đó Ngài được vinh hiển, ở chỗ được thế gian nhận biết mà hoàn thành ý muốn cứu độ tối cao của Ngài trong việc tạo dựng nên con người theo hình ảnh thần linh như Ngài và tương tự như Ngài (xem Khởi Nguyên 1:26-27): "Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con".

 

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 25:13-21)


"Trong những ngày ấy, vua Agrippa và Berni xuống Cêsarêa chào Phestô. Vì hai người lưu lại đó nhiều ngày, nên Phestô đem chuyện Phaolô trình nhà vua rằng: 'Ở đây có một người tù Phêlixê để lại. Lúc tôi ở Giêrusalem, các thượng tế và kỳ lão Do-thái đã đến xin tôi lên án hắn. Tôi đã trả lời với họ rằng: 'Người Rôma không có thói quen lên án người nào trước khi bị cáo đối diện với nguyên cáo, và có cơ hội bào chữa để thanh minh tội mình'. Vậy họ liền đến đây, ngày hôm sau tôi ngồi toà án, truyền điệu bị cáo đến. Các nguyên cáo đều có mặt, nhưng không đưa ra một tội trạng nào, như tôi đã ngờ trước; họ chỉ tố cáo hắn mấy điều về mê tín, về một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống. Ðang phân vân về vấn đề ấy, tôi hỏi hắn có muốn đi Giêrusalem để được xét xử tại đó về các điều ấy không. Nhưng Phaolô nại đến thẩm quyền của hoàng đế Augustô, nên tôi đã truyền giữ hắn lại để nạp cho hoàng đế'".


Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh ký Luca chỉ thuật lại lời của nhân vật Phesto của đế quốc Rôma ngỏ cùng vua Agrippa về trường hợp của bị cáo Phaolô, mà nguyên cáo của bị cáo này "chỉ tố cáo hắn về mê tín, về một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống". 


Đây là chi tiết cho thấy tất cả chứng từ của vị tông đồ dân ngoại này là một Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng đã tỏ mình ra cho ngài trên đường ngài đang rong ruỗi bắt bớ Kitô hữu, và là Đấng đã làm cho ngài sáng mắt ra bằng quyền năng phục sinh của mình để biến đổi ngài thành "ánh sáng chư dân, thành phương tiện cứu độ cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 13:47).


Thế nhưng vị tông đồ dân ngoại này sẽ không thể nào hoàn thành sứ vụ vô cùng khó khăn đầy khổ nạn của mình nếu không Hiệp Nhất Thần Linh với Đấng đã tuyển chọn mình và sai mình đi. Đến độ, ngài đã cảm nghiệm thấy rằng: "sự sống tôi đang sống đây không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi" (Galata 2:20). 

 

 

                                                                                                        


Thứ Bảy sau Chúa Nhật VII Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 28, 16-20. 30-31

"Ngài ở lại Rôma, rao giảng nước Thiên Chúa".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi chúng tôi đến Rôma, Phaolô được phép ở nhà riêng với người lính canh. Sau ba hôm, ngài mời các đầu mục người Do-thái đến. Khi họ đến, ngài nói với họ: "Thưa anh em, dầu tôi đây không làm điều gì phạm đến dân tộc hay tục lệ tổ tiên, mà tôi đã bị bắt tại Giêrusa-lem và bị nộp trong tay người Rôma. Khi đã điều tra, họ muốn thả tôi vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng người Do-thái chống lại, nên tôi buộc lòng phải nại đến hoàng đế, nhưng không phải là tôi có gì kiện cáo dân tôi. Do đó tôi đã xin gặp anh em và nói chuyện: Chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này".

Suốt hai năm, ngài trú tại ngôi nhà đã thuê, tiếp nhận tất cả những ai đến gặp ngài, ngài rao giảng nước Thiên Chúa và dạy dỗ những điều về Chúa Giêsu Kitô một cách dạn dĩ, không có ai ngăn cấm.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 10, 5. 6 và 8

Ðáp: Lạy Chúa, người chính trực sẽ nhìn thấy tôn nhan Chúa (c. 8b).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Chúa kiểm soát người hiền đức, kẻ ác nhân, ai chuộng điều ác, thì linh hồn Người ghét bỏ. - Ðáp.

2) Trên lũ tội nhân Người làm mưa than đỏ diêm sinh, và phần chén của chúng là luồng gió lửa. Bởi Chúa công minh, nên Người thích chuyện công minh, người chính trực sẽ nhìn thấy thiên nhan. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 16

Alleluia, alleluia! - Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 21, 20-25

"Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi "Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy?" Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: "Còn người này thì sao?" Chúa Giêsu đáp: "Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy". Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: "Nó sẽ không chết", mà Người chỉ nói: "Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con".

Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra.

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

 

Phúc Âm (Gioan 21:20-25)


"Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi 'Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy?' Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: 'Còn người này thì sao?' Chúa Giêsu đáp: 'Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy'. Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: 'Nó sẽ không chết', mà Người chỉ nói: 'Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con'. Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra".


Chiều kích Hiệp Nhất Thần Linh trong bài Phúc Âm của ngày Thứ Bảy của Tuần VII Phục Sinh hôm nay, thời điểm áp Đại Lễ Thánh Thần Hiện Xuống, không còn liên quan đến Tông Đồ Phêrô là đại diện Chúa Kitô trong việc chăn dắt đàn chiên của Người và chăn dắt thay Người nhưng chăn dắt như Người, mà liên quan đến "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu", một người môn đệ theo như lời Chúa Giêsu nói với Tông Đồ Phêrô thì "nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến".


Ở đây chính Thánh ký Gioan là "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" đã chú thích câu nói trên đây của Chúa Giêsu rằng: "Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: 'Nó sẽ không chết'", nghĩa là người môn đệ này vẫn chết như thường về thể lý, (theo lịch sử thì vào khoảng năm 100 AD), nhưng không chết một cách tử đạo như Tông Đồ Phêrô là người sau khi được Thày báo trước cho biết về số phận của mình đã lên tiếng hỏi về số phận của tông đồ Gioan: "Còn người này thì sao?". 


Sở dĩ Tông Đồ Gioan không chết tử đạo như tất cả mọi tông đồ khác không trừ vị nào là vì ngài đã tử đạo rồi khi cùng với Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá Chúa Kitô (xem Gioan 19:25). Có thể nói ngài là tiêu biểu cho chính Giáo Hội đã được Chúa Kitô trên cây thập giá trao phó cho Mẹ Maria chăm sóc và là một Giáo Hội phải lấy Mẹ làm gương mẫu - "đem Mẹ về nhà mình" (Gioan 19:27). Phải chăng Tông Đồ Gioan là người môn đệ được ngồi bên hữu Chúa Kitô, khi chỉ có một mình ngài trong số 11 tông đồ được đứng kề bên Thánh Giá của Người với Mẹ Maria, như ngài và người anh Giacôbê của ngài đã sẵn sàng chấp nhận uống chén với Người (xem Marco 10:36-39).


Chưa hết, như Tông Đồ Phêrô biểu hiệu cho đức tin thế nào thì Tông Đồ Gioan cũng tiêu biểu cho đức mến như vậy, một đức mến nhậy cảm hơn đức tin, như trường hợp Tông Đồ Gioan chạy nhanh hơn Tông Đồ Phêrô ra mồ và thấy thì tin, trong khi Tông Đồ Phêrô còn đang ngẫm nghĩ chưa tin (xem Gioan 20:4,8), hay như trường hợp đi đánh cá ở biển hồ Tibêria sau khi Chúa Kitô phục sinh, cũng người môn đệ được Chúa Giêsu yêu này nhận ra Người trước tiên và nói với Tông Đồ Phêrô (xem Gioan 21:7).


Như thế cho thấy mối Hiệp Nhất Thần Linh nơi Tông Đồ Gioan là người môn đệ được Chúa Giêsu yêu này sâu nhiệm biết là chứng nào, đến độ, vị tông đồ này "không chết" mà còn "ở lại mãi cho tới khi Thày đến", ở chỗ ngài còn được Thày tỏ mình ra cho thấy Người lại đến trong vinh quang như ngài thị kiến thấy và thuật lại trong sách Khải Huyền, nhất là đoạn 21 và 22 là 2 đoạn cuối cùng của sách Khải Huyền nói riêng và toàn bộ Thánh Kinh Kitô giáo nói chung, một sự kiện lịch sử có thể nói là đã ứng nghiệm lời Chúa Giêsu tiên báo chung các tông đồ và riêng tông đồ Gioán rằng: "Trong số các kẻ đang ở đây có một số sẽ không chết cho tới khi được xem thấy Vương Quốc của Thiên Chúa..." (Mathêu 16:28; Marco 9:1; Luca 9:27).  

 

Trong bài Phúc Âm còn 1 chi tiết rất đáng lưu ý nữa được Thánh ký Gioan bày tỏ nhận định của ngài, đó là “Còn nhiều điều khác Chúa Giêsu đã làm, nhưng nếu kể ra từng việc một thì tôi không nghĩ cả thế gian này chứa nổi những gì được viết ra” (Gioan 21:25). Căn cứ vào những lời này thì thoạt nghe hay mới đọc tôi có cảm tưởng là vị thánh ký này nói thật là thái quá, quá sức là phòng đại. Thế nhưng, hiểu theo nghĩa bóng thì hoàn toàn chân thực.  

 

Đúng vậy, nếu Chúa Giêsu chẳng những “là đường” mà còn là chính “sự thật và sự sống” (Gioan 14:6) thì chẳng có trí khôn hữu hạn nào của loài người có thể hiểu thấu và có thể viết ra đủ sách vở để nói về Người một cách chính xác, có nghĩa là “cả thế gian này cũng không chưa hết”. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói với các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly rằng “Thày còn cần phải nói nhiều với các con nữa, nhưng nay các con chưa thể thâu nhận được. Khi Ngài đến, là Thần Chân Lý, Ngài sẽ dẫn các con vào tất cả sự thật” (Gioan 16:12-13). Nghĩa là chỉ nhờ Thánh Thần con người phàm trần mới có thể thấu hiểu được Chúa Kitô là Đấng không có một con người trần gian nào có thể tự mình triệt thấu. Và đó là lý do biến cố Người về cùng Cha (vượt trên thế gian này) thì có lợi cho các tông đồ, cho Giáo Hội vậy.

 

Ngoài ra, câu “còn nhiều điều khác Chúa Giêsu đã làm, nhưng nếu kể ra từng việc một thì tôi không nghĩ cả thế gian này chứa nổi những gì được viết ra”, nếu liên quan đến câu ngay trước đó: "Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật", thì ở đây có thể hiểu rằng thánh ký Gioan có ý nói về "lời chứng" hay "chứng từ" và việc "làm chứng" liên quan đến chứng nhân. Mà chứng nhân đây là ai nếu không phải thành phần môn đệ của Chúa Kitô từ Giáo Hội sơ khai cho đến tận thế. Những chứng nhân làm chứng này, hay chứng từ của họ về đức tin, về một thực tại thần linh siêu việt, về một Đấng Thiên Sai Cứu Thế, về một tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, về những gì thế gian này không thể nào hiểu được, tức không "chứa nổi", như chính các vị tông đồ cũng không thể nào thấu hiểu cho đến khi Thánh THần được sai đến với các vị.

 

Bài Phúc Âm hôm nay, những câu cuối cùng của Phúc Âm theo Thánh ký Gioan, được giáo Hội chọn đọc để kết thúc Mùa Phục Sinh, như hôm qua đã chia sẻ, là một bài Phúc Âm kết thúc theo chiều hướng cởi mở, chiều hướng cánh chung, thời điểm cánh chung đã được khai mở từ "khi thời gian viên trọn" (Galata 4:4), thời điểm "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), cho đến khi "Người lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nước Người sẽ không bao giờ cùng" (Kinh Tin Kính), chứ không đóng lại hay thắt nút.

 

Thật vậy, nếu bài Phúc Âm hôm qua, chiều hưóng cởi mở của Mầu Nhiệm Chúa Kitô, sau Mầu Nhiệm Vượt Qua, còn tiếp tục nơi Mầu Nhiệm Giáo Hội, một mầu nhiệm liên quan đến vai trò mục tử của tông đồ Phêrô, vị tông đồ biểu hiệu cho lòng tin, cũng như của các vị giáo hoàng kế vị ngài, là thành phần đại diện Chúa Kitô chăn dắt đàn chiên của Người trên thế gian cho đến khi Người lại đến, thì bài Phúc Âm hôm nay, liên quan đến tông đồ Gioan, vị tông đồ biểu hiệu cho lòng mến, có tính cách cởi mở hướng đến Mầu Nhiệm Cánh Chung của Chúa Kitô đối với toàn thể nhân loại vào ngày cùng tháng tận của loài người nhưng lại là thời điểm của một "trời mới đất mới...: Thành Thánh Giêrusalem mới từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống... là nơi Thiên Chúa ngự giữa loài người" (Khải Huyền 21: 1-3). 

 

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 28:16-20,30-31)


"Khi chúng tôi đến Rôma, Phaolô được phép ở nhà riêng với người lính canh. Sau ba hôm, ngài mời các đầu mục người Do-thái đến. Khi họ đến, ngài nói với họ: 'Thưa anh em, dầu tôi đây không làm điều gì phạm đến dân tộc hay tục lệ tổ tiên, mà tôi đã bị bắt tại Giêrusa-lem và bị nộp trong tay người Rôma. Khi đã điều tra, họ muốn thả tôi vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng người Do-thái chống lại, nên tôi buộc lòng phải nại đến hoàng đế, nhưng không phải là tôi có gì kiện cáo dân tôi. Do đó tôi đã xin gặp anh em và nói chuyện: Chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này'. Suốt hai năm, ngài trú tại ngôi nhà đã thuê, tiếp nhận tất cả những ai đến gặp ngài, ngài rao giảng nước Thiên Chúa và dạy dỗ những điều về Chúa Giêsu Kitô một cách dạn dĩ, không có ai ngăn cấm".


Chiều kích Hiệp Nhất Thần linh trong bài đọc 1 hôm nay tiếp tục được thể hiện nơi Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, ở chỗ chính khi ngài bị giam lỏng ở Rôma: "được phép ở nhà riêng với người lính canh", với lý do duy nhất: "chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này", thì ngài vẫn hiên ngang theo đuổi cho tới cùng sứ vụ làm chứng về Chúa Kitô: "Suốt hai năm, ngài trú tại ngôi nhà đã thuê, tiếp nhận tất cả những ai đến gặp ngài, ngài rao giảng nước Thiên Chúa và dạy dỗ những điều về Chúa Giêsu Kitô một cách dạn dĩ, không có ai ngăn cấm".

 

Chiều kích hiệp nhất thần linh nơi trường hợp của Thánh Phaolô ở trong bài đọc 1 hôm nay còn ở chỗ rất đặc biệt như sau. Đó là ngài được sai đến với Dân Ngoại, như Thánh Phêrô với Dân Do Thái (Galata 2:7-8), nhưng cuối cùng cả hai vị đều gặp nhau (hiệp nhất) ở Rôma là thủ đô của Đế Quốc Rôma, một đế quốc vào thời bấy giờ tiêu biểu cho quyền lực toàn trị của thế gian, quyền lực đã sát hại Chúa Giêsu Kitô Thiên Sai Con Thiên Chúa. Riêng Tông Đồ Phaolô, cho dù được sai đến với Dân Ngoại, cuối đời, chính vì niềm hy vọng của Israel”, ngài vẫn được quan phòng thần linh trở về với dân của mình ở Rôma, một thủ đô quyền lực chính yếu của Dân Ngoại, vì thế có thể nói là Rôma đã trở thành hay chính là một Giêrusalem mới của Kitô giáo như lịch sử đã chứng thực từ đó cho tới nay.