SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 


Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XXXII Thường Niên B
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Chúa Nhật


Lời Chúa


Bài Ðọc I: 1 V 17, 10-16

"Bà goá lấy bột làm một cái bánh nhỏ, rồi mang đên cho ông Êlia".

Bài trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, tiên tri Êlia chỗi dậy lên đường đi Sarephta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng: "Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống". Ðương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: "Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh".

Bà thưa: "Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi".

Êlia trả lời bà rằng: "Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: 'Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất'".

Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 1).

Xướng: 1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. - Ðáp.

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. - Ðáp.

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Dt 9, 24-28

"Ðức Kitô chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt nhiều tội lỗi".

Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Ðức Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra chỉ là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần; nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Kitô cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Mt 24, 42a và 44

Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng: vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 12, 41-44 {hoặc 38-44}

"Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, {Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: "Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn".}

Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình".

 

Ðó là lời Chúa.

Image result for Mk 12, 41-44

 

Suy niệm

 

Chủ đề sự sống của Mùa Phục Sinh tiếp tục nơi Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm B hôm nay, một sự sống được thể hiện qua lòng tin tưởng của con người, được tiêu biểu nơi hai bà góa, hai bà đều là những người phụ nữ vô danh tiểu tốt trong dân chúng, một ở trong Bài Đọc 1 và một ở trong Bài Phúc Âm.

Thật vậy, ở trong Bài Đọc 1, bà góa vô danh thứ nhất trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay sống sự sống tin tưởng đây, như Sách Các Vua thuật lại, ở Sarephta. Và đức tin của bà "quả phụ đang lượm củi trước cửa thành" bấy giờ được tỏ ra qua việc bà đã có vẻ dại dột đến liều lĩnh nghe lời tiên tri Elia, khi bà đáp ứng đúng như những gì vị tiên tri này yêu cầu bà giúp ông: "Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống'. Ðương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: 'Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh'".

Bà sống đức tin dại dột liều lĩnh ở chỗ bà đã biết cái tai hại của việc bà làm liên quan đến chính mạng sống của bà và đứa con trai duy nhất của bà đang ở trong cơn hạn hán bấy giờ, như chính bà đã cảm nhận và thành thực thưa với nhân vật lạ mặt mà bà có thể hoàn toàn không hề biết đó là một vị đại tiên tri trong dân hồi ấy: "Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi".

Tuy nhiên, bà vẫn tin vào những gì nhân vật lạ mặt này trấn an bà để bà khỏi phải lo sợ và bảo đảm với bà về một một tương lai tồn tại của cả hai mẹ con bà: "Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: 'Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất'".

Không biết bà góa ở Sarephta này đáp ứng lời yêu cầu của tiên tri Elia là vì tương lai của hai mẹ con bà căn cứ vào lời hứa hẹn không biết có thật hay chăng, hoặc chỉ vì tin tưởng mà làm, hay cũng chỉ vì nghĩ rằng đằng nào cũng chết, không sớm thì muộn, chỉ có cái là chết sớm hơn khi chia bớt một phần ăn cho một người nữa, bởi thế cứ làm theo lời nhân vật lạ mặt mới từ đâu tới thành của bà cũng chẳng sao: "Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán".

Hành động của bà góa trong Cựu Ước này là môt hành động, theo con mắt trần gian, là những gì dại dột và liều lĩnh nhất, ở chỗ, trước hết, bà đã tin tưởng vào một nhân vật lạ mặt, và thứ hai, bà đã mù quáng tin tưởng vào một lời tiên báo mơ hồ khó tin của nhân vật ấy, trong khi đó chính Chúa Giêsu đã công nhận hành động đáp ứng này của bà đã xuất phát từ lòng tin tưởng của bà: 

"Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ísrael; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Sarephta miền Sidon". (Luca 4:25-26).

Việc tiên tri Elia được sai đến giúp cho bà góa thành Serephta và con trai của người đàn bà sống tin tưởng vào Thiên Chúa này được sống còn trong cơn hạn hạn chết người bấy giờ đã cho thấy Ngài là vị Thiên Chúa cứu độ, đúng như cảm nhận đầy tin tưởng của bài Đáp Ca hôm nay:

1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. 

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. 

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. 

Việc tiên tri Elia được sai đến giúp cho bà góa thành Serephta và con trai của người đàn bà sống tin tưởng vào Thiên Chúa được sống còn trong cơn hạn hạn chết người bấy giờ chẳng những cho thấy Vị Thiên Chúa cứu độ trong Cựu Ước mà nhất là nơi Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô vào "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), một người Con khi hóa thành nhục thể đã đóng vai thượng tế để có thể tự hy hiến bản mình cho phần rỗi muôn dân, như Thánh Phaolô Tông Đồ đã cảm nhận và xác tín trong Bài Đọc II hôm nay:

"Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để hủy diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Kitô cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để mang ơn cứu độ đến cho những ai thiết tha trông đợi Người".

Thế nhưng, vẫn biết Chúa Kitô khổ nạn và tử giá đã cứu chuộc toàn thể nhân loại, ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài chỉ được ban cho nhng ai có lòng tin, tức là những ai nhận biết Người, chấp nhận Người mới được quyền làm con Thiên Chúa như Người và với Người (xem Gioan 1:12). 

Đó là lý do, trong Bài Phúc Âm hôm nay, ở phần đầu không buộc đọc, Chúa Giêsu đã cảnh giác dân chúng về một đời sống giả hình, không có gì là chân thật, hoàn toàn không sống theo đức tin nơi thành phần luật sĩ bấy giờ: "Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: 'Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn'".

Trái lại, cũng trong chính Bài Phúc Âm hôm nay, phần cần phải đọc bên dưới, sau phần về thành phần luật sĩ, thành phần Người cảnh giác dân chúng, thì Người đã khen ngợi một bà góa vô danh với các môn đệ của Người như sau:


"Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: 'Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình'".

Thật vậy, cũng như bà góa thành Serephth xưa, bà góa được Chúa Giêsu quan sát thấy bỏ vào hòm tiền của Đền Thờ một số tiền quá ư là bé mọn, chẳng đáng là gì, chỉ là số không đối với người giầu, nhưng lại là người được Chúa Giêsu xác nhận là "đã bỏ nhiều hơn hết", bởi vì "bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình".

Có nghĩa là người đàn bà góa này đã cho đi tất cả, không phải chỉ có vài xu cuối cùng trong túi, trong nhà, số tiền cuối cùng của cuộc sống của bà, mà là chính mạng sống của bà, một hành động vô cùng điên dại và liều lĩnh trước mắt thế gian, nhưng hết sức cao cả trước nhan Thiên Chúa, mà nếu không có đức tin mãnh liệt không thể nào làm được, vì là hành động tỏ ra tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng "nâng đỡ những người mồ côi quả phụ".

Đời sống của Kitô hữu siêu nhiên hay chăng, trọn lành hay chăng, hoặc siêu nhiên tới đâu và trọn lành tới đâu là ở ngay chính đức tin của họ, ở tầm mức tin tưởng của họ. Nếu đức tin không phải là một mớ kiến thức về tín lý hay giáo lý được thông biết như là một khoa học, thì đức tin chính là ở tác động hay đời sống đáp ứng với tất cả bản thân của con người cho Cha trên trời trong tất cả mọi sự, cho dù trí khôn của họ không hiểu được việc Ngài làm, ý muốn của họ không chấp nhận được những gì Ngài gửi đến cho, và cuộc đời của họ chỉ toàn là bất hạnh khốn cùng v.v.

Có lần, vào mùa hè năm 1999, gia đình chúng tôi đã lái xe đi một vòng Nước Mỹ, như hằng năm, mỗi năm ở những nơi khác nhau, nhưng năm nay chúng tôi ghé Salk Lake City, nơi có bãi tắm được nói là bơi không chìm. Đúng thế, chiều hôm ấy, cả nhà 5 người chúng tôi, cả bố mẹ lẫn con cái đều xuống tắm. Đúng như tin đồn, ai mà xuống bơi ở đây thì dù chẳng biết bơi cũng bơi được, không sợ chìm, bởi nồng độ muối ở đây khá mặn, tuy không bằng Biển Chết bên Đất Thánh, nơi dù không bơi cũng không thể nào chìm được, bởi nồng độ muối ở đó quá mặn.

Trong khi hai đứa con trai vị thành niên của chúng tôi bơi vui vẻ, thì đứa con gái út gần 9 tuổi của chúng tôi cứ đứng một chỗ nghịch nước một mình vậy thôi. Tôi mới nói với cháu rằng con cứ bơi đi con sẽ bơi được như các anh, nhưng cháu vẫn không dám bơi. Tôi phấn khích cháu thêm khi bảo cháu rằng vậy thì bố đỡ bụng con nếu con sợ chìm, cháu vẫn cứ lắc đầu. 

Cháu từ chối không phải là không tin rằng cháu được bố thương và bảo vệ, mà chỉ không tin được sự kiện cứ bơi thì không chìm, như chính cháu đích mắt thấy hai anh cháu bấy giờ, hoàn toàn vì cháu quá lo sợ bị chìm, bị chết đuối, dù có bố bên cạnh. Đây là trường hợp điển hình cho thấy đức tin là một tác động hoàn toàn phó thác bản thân vào đối tượng mình tin tưởng. 

Thực tế sống đạo cũng cho thấy, là Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng tin là có Thiên Chúa, Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta, cứu chuộc chúng ta, không bao giờ bỏ rơi chúng ta, luôn muốn chúng ta là con cái của Ngài được hạnh phúc, không bao giờ vui mừng khi thấy chúng ta khổ đau hay bị đầy đọa, vậy mà khi đau khổ xẩy ra, chúng ta có còn tin tưởng như thế nữa hay chăng, nhiều khi khổ quá đâm ra trách Chúa, bỏ Chúa thậm chí còn nguyền rủa Chúa! 

Nếu đức tin không thể nào trở nên chân thật, sâu xa và vững mạnh nếu không có gian nan thử thách thì gian nan thử thách chính là dịp để Kitô hữu sống đức tin và chứng tỏ đức tin, nhờ đó, chúng ta mới có thể chiến thắng thế gian (xem 1Gioan 4:4), mới có thể làm chứng cho Chúa Kitô, Đấng tỏ mình ra sống động nơi những ai tin vào Người và để Người chiếm đoạt, nhờ đó Người có thể sống trong họ và tiếp tục tỏ mình cho thế gian qua chứng từ đức tin của họ. 



Thứ Hai


Lời Chúa


Ngày 09 tháng 11

Lễ Cung Hiến Thánh Ðường Latêranô

(Lễ kính)

Bài Ðọc I: Ed 47, 1-2. 8-9. 12

"Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến ai, thì tất cả đều được cứu rỗi".

Bài trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Trong những ngày ấy, thiên thần dẫn tôi đến cửa nhà Chúa, và đây nước chảy dưới thềm nhà phía hướng đông, vì mặt tiền nhà Chúa hướng về phía đông, còn nước thì chảy từ bên phải đền thờ, về phía nam bàn thờ. Thiên thần dẫn tôi qua cửa phía bắc, đưa đi phía ngoài, đến cửa ngoài nhìn về hướng đông, và đây nước chảy từ bên phải. Người ấy lại nói với tôi: "Nước này chảy về phía cồn cát, phía đông, chảy xuống đồng bằng hoang địa, rồi chảy ra biển, biến mất trong biển và trở nên nước trong sạch. Tất cả những sinh vật sống động, nhờ suối nước chảy qua, đều được sống. Sẽ có rất nhiều cá và nơi nào nước này chảy đến, nơi đó sẽ trở nên trong lành, và sự sống sẽ được phát triển ở nơi mà suối nước chảy đến. Gần suối nước, hai bên bờ ở mỗi phía, mọi thứ cây ăn trái sẽ mọc lên; lá của nó sẽ không khô héo, và trái của nó sẽ không bao giờ hết; mỗi tháng nó có trái mới, vì dòng nước này phát xuất từ đền thờ; trái của nó dùng làm thức ăn, và lá của nó dùng làm thuốc uống.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 45, 2-3. 5-6. 8-9

Ðáp: Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Ðấng Tối Cao (c. 5).

Xướng: 1) Chúa là nơi ẩn náu và là sức mạnh của chúng ta, Người hằng cứu giúp khi ta sầu khổ. Dầu đất có rung chuyển, ta không sợ chi, dầu núi đổ xuống đầy lòng biển cả. - Ðáp.

2) Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Ðấng Tối Cao hiển ngự. Chúa ở giữa thành, nên nó không chuyển rung, lúc tinh sương, thành được Chúa cứu giúp. - Ðáp.

3) Chúa thiên binh hằng ở cùng ta, ta được Chúa Giacóp hằng bảo vệ. Các ngươi hãy đến mà xem mọi kỳ công Chúa làm, Người thực hiện muôn kỳ quan trên vũ trụ. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Cr 3, 9b-11. 16-17

"Anh em là đền thờ của Thiên Chúa".

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em là toà nhà của Thiên Chúa. Theo ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi như một kiến trúc sư lành nghề, đã đặt nền móng, còn kẻ khác thì xây lên. Nhưng mỗi người hãy xem coi mình xây lên thế nào? Vì chưng không ai có thể xây dựng một nền tảng khác, ngoài nền tảng đã được xây dựng là Ðức Kitô.

Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: 2 Sb 7, 16

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta đã chọn lựa và thánh hoá nơi này, để danh Ta được hiện diện khắp nơi cho đến muôn đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 2, 13-22

"Người có ý nói đền thờ là thân thể Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán".

Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi".

Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

Ðó là lời Chúa.


Ngày 09: Lễ kỷ niệm cung hiến đền thờ Latêranô


Ðền thờ Latêranô là nhà thờ chính tòa của Ðức Giáo Hoàng. Với tư cách là Giám Mục Rôma. Hoàng đế Constantinô đã xây đền thờ này khoảng năm 320, thời gian Giáo Hội vừa thoát khỏi cơn bách hại tàn khốc. Khi hoàn tất, từng đoàn người trong thành phố hân hoan tiến về giáo đường để làm lễ cung hiến.

Từ thế kỷ XVI, đền thờ Latêranô đã chứng kiến biết bao biến cố. Trước hết phải kể đến những đêm Phục Sinh, từng đoàn người La Mã đã gia nhập vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, họ đã chịu Phép Rửa Tội, cử hành lễ Vượt Qua trong đền thờ. Ngày nay, chiều thứ năm tuần thánh, ngài thực hiện lại nghi thức Rửa Chân cho các tông đồ của Chúa Giêsu ngày xưa.


 

Thứ Hai

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Tt 1, 1-9

"Thiết lập các Trưởng lão trong mỗi thành như cha đã căn dặn con".

Khởi đầu bức thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

Phaolô, tôi tớ Thiên Chúa, cùng là Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô, để rao giảng đức tin cho những kẻ được Thiên Chúa kén chọn và làm cho họ nhận biết chân lý; chân lý đó giúp họ ăn ở đức hạnh và ban cho họ niềm hy vọng sống đời đời mà Chúa, Ðấng chẳng hề nói dối, đã hứa từ thuở đời đời. Khi đã đến thời, Người đã tỏ lời Người ra bằng việc rao giảng mà Người đã uỷ thác cho cha theo lệnh của Thiên Chúa là Ðấng cứu chuộc chúng ta. Gửi cho Titô, con yêu dấu thuộc cùng một đức tin. Nguyện ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha và của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu chuộc chúng ta, ở cùng con.

Lý do Cha để con ở lại đảo Crêta là để con chỉnh đốn những gì còn thiếu sót, và thiết lập các Trưởng lão trong mỗi thành như cha đã căn dặn. Con người được chọn phải là người không có gì đáng trách, chỉ kết hôn một lần; có con cái ngoan đạo, không mang tiếng buông tuồng hoặc ngỗ nghịch. Vì chưng, chủ tịch cộng đoàn, theo tư cách là người quản lý của Chúa, phải là người không có gì đáng trách, không kiêu căng, không nóng nảy, không mê rượu, không gây gỗ, không trục lợi đê hèn, nhưng hiếu khách, hiền lành, tiết độ, công minh, thánh thiện, tiết hạnh, nắm giữ lời chân thật hợp với đạo lý, để có thể dùng đạo lý lành mạnh mà khuyên dụ và phi bác những kẻ chống đối.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6a

Ðáp: Lạy Chúa, đó là dòng dõi tìm kiếm long nhan Chúa (x. c. 6).

Xướng: 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. - Ðáp.

2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hưởng bả phù hoa. - Ðáp.

3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. - Ðáp. 

 Alleluia: Mt 11, 25

Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia. 

Phúc Âm: Lc 17, 1-6

"Dù một ngày bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: Tôi hối hận, thì con hãy tha cho nó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này.

"Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: "Tôi hối hận", thì con hãy tha thứ cho nó".

Các Tông đồ thưa với Chúa rằng: "Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con". Chúa liền phán rằng: "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: "Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển", nó liền vâng lời các con".

Ðó là lời Chúa.

Image result for Lk 17, 1-6

Suy niệm 

Hôm nay, Thứ Hai Tuần XXXII Thường Niên, Bài Phúc Âm bao gồm 3 vấn đề "Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ" của Người, những vấn đề dường như hoàn toàn khác nhau, chẳng liên quan gì đến nhau: vấn đề thứ nhất là "gương xấu", vấn đề thứ hai là "sửa bảo nhau" và vấn đề thứ ba là "lòng tin hạt cải".

Về "gương xấu": "Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này". 

Về "sửa bảo nhau": "Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: 'Tôi hối hận', thì con hãy tha thứ cho nó"

Về "lòng tin hạt cải": "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: 'Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển', nó liền vâng lời các con".

Thật ra, nếu phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy cả 3 vấn đề này đều có liên hệ với nhau. Chẳng hạn: vì "gương xấu không thể nào" không xẩy ra trên thế gian này (vấn đề 1), nên có thể sẽ khiến cho một số người nhẹ dạ như "những trẻ nhỏ" sa ngã phạm tội (vấn đề 2), nhưng muốn khỏi bị gương mù lôi cuốn đến vấp ngã thì cần phải có một "đức tin" trưởng thành thật là vững chắc (vấn đề 3). 

Trước hết, về vấn đề "gương xấu": sở dĩ "không thể nào mà không xảy ra" là vì thế gian này, nhất là bản tính của con người, đã bị nguyên tội làm băng hoại, nên mới có những tư tưởng, lời nói, hành vi cử chỉ và việc làm xấu xa bậy bạ. Đôi khi chính đối tượng nhân không có gì là xấu xa bậy bạ, nhưng đối tượng nhân này tự nhiên lại trở thành "dịp tội" cho một người nào đó. Điển hình nhất là một người nữ đẹp, dù rất đoan trang nết na, vẫn rất có thể trở thành "dịp tội" cho một cặp mặt nhục dục nam nhân nào đó. 

Trong trường hợp này, người nữ vô tình ấy không làm "gương xấu", mà người nam nhục dục kia vẫn có thể phạm tội, bởi "dịp tội" ở ngay con mắt của nam nhân này (xem Mathêu 5:28-29), ở ngay xu hướng thèm thuồng nhục thể của chàng ta. Nếu anh ta nhắm mắt lại, quay đi hay bỏ đi chỗ khác khi bị cám dỗ thì đã không phạm tội ngoại tình trong lòng của mình. Trái lại, nếu người nữ đã đẹp lại còn ăn mặc sexy thì hành động khiêu dâm hay thân mình gợi dục đến xúi dục mời gọi của nàng quả thực càng là "gương xấu" gây "dịp tội" cho thành phần nam nhân vốn có khuynh hướng chiếm đoạt...

Thế gian đã không thể tránh "gương xấu" mà còn càng gia tăng gương xấu hơn bao giờ hết trong một thế giới càng văn minh về vật chất và càng văn hóa về nhân quyền, những gương xấu khủng khiếp chưa bao giờ có, chẳng hạn quyền phá thai, quyền được hôn nhân đồng tính v.v., khiến cho Chúa Giêsu dường như đã thấy trước và đã phải công nhận "vì sự dữ gia tăng mà lòng người hầu hết trở nên nguội lạnh" (Mathêu 24:12).

Đối với những ai gây "gương xấu" như thế thì phải chịu trách nhiệm về hành vi cử chỉ của mình: "vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này". Tại sao hình phạt cho thành phần gây ra gương xấu không phải là một hình phạt nào khác ngoài hình phạt "bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển"? Phải chăng là vì họ chẳng khác gì như đàn heo bị quỉ nhập nên đã lao đầu xuống biển sau khi đám quỉ xuất khỏi người bị chúng ám (xem Mathêu 8:28-30)?

Tuy nhiên, không ai trong chúng ta dám vỗ ngực cho mình là trưởng thành, khó có thể hay không thể nào sa ngã trước bất cứ một gương xấu vào một lúc nào đó trong đời, và cũng chẳng ai dám tự phụ cho mình là chưa bao giờ gây gương mù gương xấu cho ai, nghĩa là chúng ta chưa bao giờ phạm tội, vì tội lỗi của chúng ta tự bản chất là một gương mù. Bởi thế, ai cũng có lỗi và cũng cần phải ăn năn thống hối và hoán cải. 

Thế nhưng, không phải vì thế mà chúng ta không dám chỉ bảo cho ai hay sửa lỗi cho ai. Trái lại, chính vì chúng ta lỗi lầm mới thấy được cái xấu xa và tai hại của lầm lỗi gây gương mù gương xấu tác hại lẫn nhau của chúng ta, mà chúng ta càng cần phải giúp cho nhau tránh khỏi những lầm lỗi như chúng ta, tránh gây tác hại xấu cho chung đoàn thể của chúng ta, bằng cách giúp nhau hoàn chỉnh lại những gì cần thiết. 

Nhất là phải có lòng quảng đại thứ tha một khi phạm nhân tỏ lòng thống hối ăn năn, thậm chí họ cứ sa đi ngã lại nhiều lần trong ngày nhưng vẫn có thiện chí hoán cải qua hành động họ tỏ thiện chí đến xin lỗi chúng ta: "nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: 'Tôi hối hận', thì con hãy tha thứ cho nó". 

Có thế, có thông cảm tha thứ cho hối nhân, mới chứng tỏ chúng ta sửa lỗi cho nhau chỉ vì thương nhau và cho công ích, bằng không, nếu cứ chấp nhất nhau, một khi họ đã hối hận và xin lỗi chúng ta, thì rõ ràng là chúng ta sửa bảo nhau chỉ vì những lý do không chính đáng, và chắc chắn chúng ta cũng không được Chúa thứ tha, thậm chí Ngài còn để cho chúng ta bị đong lại đúng cái đấu chúng ta đong cho anh chị em của chúng ta nữa (xem Luca 6:38). 

Để có thể vừa tránh gương xấu bất khả tránh xẩy ra trên thế gian đã bị băng hoại bởi nguyên tổ này, và để có thể giíp nhau hoàn chỉnh cuộc đời theo ý Chúa, chúng ta không thể nào thiếu đức tin hay yếu đức tin. Hình ảnh "những trẻ nhỏ" bị lôi cuốn bởi gương xấu và sa ngã theo gương xấu là hình ảnh tiêu biểu cho bản tính yếu đuối của con người, cho một đức tin non dại chưa trưởng thành của Kitô hữu. 

Đó là lý do trong Bài Phúc Âm hôm nay "các Tông đồ thưa với Chúa rằng: 'Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con'". Thật ra đức tin tự bản chất đối nội không tăng trưởng, vì đức tin đã chất chứa tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, không còn thiếu một sự gì. Tuy nhiên, đức tin ấy, đối ngoại, vẫn có thể gia tăng hay giảm sút, mạnh mẽ hay yếu mềm, tùy ở môi trường của đức tin, tùy ở mỗi một người có biết thực hành đức tin hay chăng, nhất là có biết chấp nhận mọi gian nan đau khổ thử thách để sống đức tin và chứng tỏ đức tin hay chăng! 

Tuy nhiên, đức tin gia tăng hay lớn lên hoặc mạnh mẽ không phải ở chỗ phát triển về hình dạng như thân thể của con người trong thời kỳ trưởng thành, mà trái lại càng nhỏ đi, nhỏ như "hạt cải" được Chúa Giêsu ví trong bài Phúc Âm hôm nay, "một hạt nhỏ nhất trong các hạt giống" (Mathêu 13:32), nhưng lại có khả năng và quyền lực thần kỳ trong việc có thể "khiến cây dâu này rằng: 'Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển', nó liền vâng lời các con". 

Tại sao thế, nếu không phải, theo nguyên tắc tu đức và đường lối siêu nhiên, thì càng nhỏ lại càng lớn: "ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này là kẻ lớn nhất trên Nước Trời" (Mathêu 18:4)! 

Kinh nghiệm sống đức tin cũng cho thấy, một khi càng cậy mình lại càng thất bại, hay có thành công rồi cũng thất bại, thất bại một cách chua cay, bằng không, càng thành công càng nguy hiểm cho phần rỗi, Trái lại, cho dù đã cố gắng hết sức, lại càng chẳng làm được gì, càng bất lực trong những việc đạo đức và tông đồ mình ham muốn, mà nhờ đó mới có thể hoàn toàn trông cậy vào Chúa, mới càng được Chúa chiếm đoạt và càng làm được những việc cao cả chưa từng thấy và theo sức tự nhiên không thể nào làm được, vì Chúa sống trong họ và hoạt động qua họ, nhờ họ.

Vì thế gian không thể nào thoát khỏi gương mù là những gì cần phải được chỉnh sửa bằng đức tin của thành phần môn đệ của Chúa Kitô, như Bài Phúc Âm thứ tự dường như cho thấy như thế qua lời Chúa Giêsu giáo huấn, mà vị tong đồ dân ngoại Phaolô đã ý thức được ơn gọi và sứ vụ “tông đồ” của mình, như ngài đ ã nói cùng một trong những người môn đệ của mình là Titô của ngài trong Bài Đọc 1 hôm nay: “để rao giảng đức tin cho những kẻ được Thiên Chúa kén chọn và làm cho họ nhận biết chân lý; chân lý đó giúp họ ăn ở đức hạnh và ban cho họ niềm hy vọng sống đời đời mà Chúa, Ðấng chẳng hề nói dối, đã hứa từ thuở đời đời”.

Bởi sứ vụ hoàn chỉnh thế gian bao gồm tất cả mọi Kitô hữu, thành phần môn đệ của Chúa Kitô, được Người xác định phải “là ánh sáng thế gian” (Mathêu 5:14) đối với những con người sống trong “thế gian ưa chuộng tối tăm hơn ánh sáng” (Gioan 3:19) mà thánh Phaolô chẳng những được tuyển chọn làm tông đồ “để rao giảng đức tin… làm cho họ nhận biết chân lý”, mà còn truyền đạt sứ vụ này cho những người môn đệ của mình nữa, như cho Titô trong Bài Đọc 1 hôm nay, liên quan đến cả “việc chỉnh đốn” lẫn việc “thiết lập” thành phần lãnh đạo giáo đoàn cho xứng đáng, tránh gương mù bao nhiêu có thể:                                                                                                           

“Lý do Cha để con ở lại đảo Crêta là để con chỉnh đốn những gì còn thiếu sót, và thiết lập các Trưởng lão trong mỗi thành như cha đã căn dặn. Con người được chọn phải là người không có gì đáng trách, chỉ kết hôn một lần; có con cái ngoan đạo, không mang tiếng buông tuồng hoặc ngỗ nghịch. Vì chưng, chủ tịch cộng đoàn, theo tư cách là người quản lý của Chúa, phải là người không có gì đáng trách, không kiêu căng, không nóng nảy, không mê rượu, không gây gỗ, không trục lợi đê hèn, nhưng hiếu khách, hiền lành, tiết độ, công minh, thánh thiện, tiết hạnh, nắm giữ lời chân thật hợp với đạo lý, để có thể dùng đạo lý lành mạnh mà khuyên dụ và phi bác những kẻ chống đối”. 

Muốn chỉnh đốn thế gian gương mù thì thành phần được Thiên Chúa tuyển chọn làm tong đồ và là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài phải sống xứng đáng với những gì mình rao giảng, mình làm chứng, thành phần được Bài Đáp Ca hôm nay diễn tả về bản thân họ, bao gồm những yếu tố tu đức bất khả thiếu, như “tay vô tội” và  “lòng thanh khiết”, luôn “tìm kiếm Chúa”: 

2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hưởng bả phù hoa.

3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.

 

Thứ Ba


Lời Chúa 

Bài Ðọc I: (Năm II) Tt 2, 1-8. 11-14

"Chúng ta hãy sống đạo đức, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Ðấng cứu độ chúng ta".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

Con thân mến, con hãy giảng dạy những gì hợp với đạo lý lành mạnh. Những ông cao niên hãy sống tiết độ, đoan trang, khôn ngoan, lành mạnh trong đức tin, đức mến, đức kiên nhẫn. Các bà cao niên cũng thế, phải ăn ở thánh thiện, chớ nói hành nói xấu, chớ mê say rượu chè, nhưng biết dạy đường lành, để dạy cho các thiếu phụ biết mến chồng thương con, khôn ngoan, thanh khiết, tiết độ, chăm lo việc nhà, hiền hậu, tùng phục chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị xúc phạm.

Các thanh niên cũng thế, con hãy khuyên dạy cho chúng biết tiết độ. Trong mọi sự, con hãy nên gương mẫu về các việc lành, tinh tuyền trong giáo huấn, trang nghiêm, lời lẽ lành mạnh không ai bắt bẻ được, để đối phương phải xấu hổ, vì không thể nói xấu chúng ta điều gì.

Vì chưng, ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 36, 3-4. 18 và 23. 27 và 29

Ðáp: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ (c. 39a).

Xướng: 1) Hãy trông cậy Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu. - Ðáp.

2) Chúa chăm lo cho mạng sống người nhân đức, và phần gia nghiệp họ còn mãi muôn đời. Nhờ ơn Chúa mà hiền nhân vững bước, và Người yểm hộ đường lối người đi. - Ðáp.

3) Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu. Những người hiền sẽ được đất nước, và cư ngụ ở đó tới ngàn thu. - Ðáp. 

Alleluia: Cl 3, 16a và 17c

Alleluia, alleluia! - Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Ðức Kitô mà tạ ơn Chúa Cha. - Alleluia. 

Phúc Âm: Lc 17, 7-10

"Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: "Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa", mà trái lại không bảo nó rằng: "Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống"? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không.

"Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: "Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".

Ðó là lời Chúa.

 Image result for Lk 17, 7-10

Suy niệm 

Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên hôm nay sát ngay bài Phúc Âm hôm qua, vẫn ở trong bối cảnh Chúa Giêsu đang nói với các môn đệ của Người để trả lời cho các vị về vấn đề các vị xin Người gia tăng đức tin cho các vị. 

Đúng thế, sau khi "các Tông đồ thưa với Chúa rằng: 'Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con'. Chúa liền phán rằng: 'Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển, nó liền vâng lời các con'", thì Chúa Giêsu nói tiếp những gì được Thánh ký Luca thuật lại trong bài Phúc Âm hôm nay: 

"Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: 'Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa', mà trái lại không bảo nó rằng: 'Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống'? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: 'Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm'". 

Vậy, phần cuối của bài Phúc Âm hôm qua và cả bài Phúc Âm hôm nay có liên hệ gì với nhau hay chăng? Nói cách khác, việc gia tăng đức tin nơi các tông đồ ở cuối bài Phúc Âm hôm qua, và thái độ các vị cần phải tỏ ra sau khi hoàn thành nhiệm vụ đầy tớ của mình như Chúa Giêsu dạy trong bài Phúc Âm hôm nay, có liên hệ gì với nhau hay chăng? 

Vấn đề là ở chỗ nếu không có liên hệ gì với nhau chắc Chúa Giêsu đã không nói 2 vấn đề này liền với nhau như thế. Bởi vì, nếu người đầy tớ làm công cho chủ không biết phận mình, trái lại, theo tự nhiên cảm thấy mình bị chủ lợi dụng, luôn bắt mình phải phục dịch hầu hạ chủ, cho dù đuợc trả lương cân xứng, vẫn cảm thấy tủi nhục đến độ có thể bỏ cuộc, hay tỏ ra ngang bướng hoặc lén lút biếng nhác cách nào, thậm chí đàng phải xin thôi.  

Trái lại, người đầy tớ nào biết thân biết phận sẽ thấy rằng tất cả những gì mình làm là phải, là việc của mình, việc của một người đầy tớ trong nhà: "chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm". Không có gì là nhục nhã. Chẳng có gì là tủi hổ. Không có gì là bất công. Chẳng có gì là vô phúc. Trái lại, thậm chí còn cảm thấy được vinh dự là đàng khác. Ở chỗ có việc làm xứng với thân phần thấp hèn của mình, tay làm hàm nhai, không lệ thuộc ai hay ăn bám người nào. Chẳng có việc nào là tầm thường hèn hạ khi sống hợp với nhân phẩm và nhân cách của mình.  

Thế nhưng, với thân phận đầy tớ, họ vẫn không thể nào làm hơn được nữa để giúp cho chủ của họ, nên họ vẫn thực sự cảm thấy mình chỉ "là đầy tớ vô dụng". "Chúng tôi là đầy tớ vô dụng" đây còn có thể hiểu là nếu không có họ thì chủ vẫn lo xong việc của chủ thôi, bằng cách thuê mướn những người khác, lắm khi còn khả năng hơn và tinh thần hơn họ nữa, và việc làm của những người đầy tớ thay thế họ đó có thể nhanh hơn họ làm và hoàn hảo hơn họ làm. 

Trong đời sống hoạt động tông đồ, có một số tâm hồn cảm thấy không có họ thì hội đoàn này, đoàn thể kia, giáo xứ này, cộng đoàn nọ không thể phát triển, trái lại, sẽ bị xụp đổ, thất bại. Họ làm như họ là chủ chứ không phải là đầy tớ. Họ không chấp nhận ai hơn họ và không thể chịu được khi bị người khác phê bình, chỉ trích, chê bai, chửi bới v.v. Cái gì cũng phải làm theo ý của họ mới được. Ý của họ bao giờ cũng hay, cũng nhất, không thể nào bỏ qua v.v. 

Họ tưởng rằng họ làm việc "cho" Chúa hơn là họ làm việc "của" Chúa. Chúng ta chẳng có gì gọi là "cho" Chúa. Bởi vì Chúa chẳng thiếu thốn gì, trái lại, Ngài còn ban cho chúng ta tất cả mọi sự những gì cần thiết (tài năng, thiện chí, tinh thần, vật chất, thời giờ, môi trường v.v.) để chúng ta có thể phục vụ mà làm sinh lợi các nén bạc Ngài trao cho từng người chúng ta. Bởi thế, khi làm việc tông đồ là chúng ta, ở một cách nào đó, "trả về" Chúa những gì Ngài đã ban cho chúng ta, "trả về" Ngài chẳng những cả vốn lẫn lời gấp trăm: 2 sinh 2, 5 sinh 5 và 10 sinh 10 (xem Mathêu 25:14-30). 

Thật vậy, làm việc tông đồ hay thừa tác vụ là chúng ta làm việc "của" Chúa, việc Chúa trao cho chúng ta là thành phần Kitô hữu môn đệ của Chúa Kitô, một việc không thể nào không làm, để chứng tỏ chúng ta là Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô, vì tự bản chất của mình, chúng ta "là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14), không thể nào không chiếu sáng, một "ánh sáng" không phải tự họ mà có, nhưng chỉ là những gì phản ánh Đấng "là ánh sáng thế gian"(Gioan 8:12).  

Thật vậy, để có thể xứng đáng làm việc "của" Chúa, chúng ta, về phần tiêu cực, không bao giờ được làm theo ý riêng của mình, dù ý đó có tốt đến đâu và có lợi đến mấy chăng nữa, nếu nó không phải là ý Chúa hay không hợp với ý Chúa, được tỏ ra qua bề trên hay ý chung của đoàn thể, và về phần tích cực, cần phải để cho chính Chúa làm trong chúng ta và qua chúng ta, bấy giờ chúng ta mới có thể trọn vẹn hoàn tất những gì Ngài trao phó cho chúng ta.   

Cho tới trình độ tin tưởng vào Chúa, hoàn toàn để cho Ngài làm mọi sự cho việc "của" Ngài trong chúng ta và qua chúng ta, chúng ta mới thấm thía lời Chúa Giêsu dạy chúng ta trong bài Phúc Âm hôm nay sau khi chúng ta chỉ là thành phần đầy tớ hoàn thành nhiệm vụ của mình: "Chúng tôi là đầy tớ vô dụng".  

Và chỉ khi nào chúng ta cảm thấy mình thật sự là "vô dụng", nghĩa là cảm thấy mình hoàn toàn bất lực, không làm được gì thiện hảo ngoài Chúa, Chúa là Đấng vô cùng khôn ngoan và toàn năng mới chính thức và chủ động làm việc "của" Ngài trong chúng ta và qua chúng ta. Bởi thế, kinh nghiệm tu đức cho thấy, chính Ngài cũng ra tay thanh tẩy chúng ta khỏi khuynh hướng tự phụ và cậy mình, để chúng ta chỉ tin vào Ngài và để Ngài làm chủ chúng ta thôi. 

Đúng thế, cho dù có nhắn nhủ Titô môn đệ của mình phải giáo huấn từng thành phần trong giáo đoàn được người môn đệ này phục vụ, như thành phần lão thành nam nữ và thanh niên, cuối cùng Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh đến vai trò chủ động của Thiên Chúa trong việc cứu độ và thánh hóa trần gian như sau: 

“Vì chưng, ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện”. 

Phần những ai đã được ơn Chúa cứu độ và thánh hóa cần phải đáp ứng tác động của ân sủng của Ngài, nhờ đó họ mới được phúc thật, như Bài Đáp Ca hôm nay cho thấy về “người nhân đức”, “người hiền” của Chúa: 

1) Hãy trông cậy Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu.

2) Chúa chăm lo cho mạng sống người nhân đức, và phần gia nghiệp họ còn mãi muôn đời. Nhờ ơn Chúa mà hiền nhân vững bước, và Người yểm hộ đường lối người đi.

3) Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu. Những người hiền sẽ được đất nước, và cư ngụ ở đó tới ngàn thu.



Thứ Tư

Lời Chúa 

Bài Ðọc I: (Năm II) Tt 3, 1-7

"Xưa chúng ta cũng lầm lạc, nhưng chiếu theo lòng từ bi Chúa, chúng ta đã được cứu thoát".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

Con thân mến, con hãy nhắc bảo mọi người phải tùng phục thủ lãnh và những người quyền chức, biết vâng lời, sẵn sàng làm mọi việc thiện, đừng thoá mạ ai, và đừng gây gỗ, nhưng ở khoan dung, tỏ lòng rất mực hiền từ với mọi người. Vì chưng, xưa kia chúng ta cũng ngu muội, bất phục, lầm lạc, nô lệ cho tham vọng và nhiều khoái lạc khác, sống trong gian ác và ghen tương, khả ố và đố kỵ lẫn nhau. Nhưng khi Ðấng Cứu Thế, Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người, thì không phải do những việc công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng từ bi của Người, mà Người đã cứu độ chúng ta bằng phép rửa tái sinh và sự canh tân của Thánh Thần, Ðấng mà Người đã đổ xuống tràn đầy trên chúng ta, qua Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, để một khi được công chính hoá bởi ân sủng của Ngài, trong hy vọng, chúng ta được thừa kế sự sống đời đời, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Ðáp.

2) Người dẫn tôi qua con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp. 

Alleluia: 1 Tx 2, 13

Alleluia, alleluia! - Anh em hãy đón nhận lời Chúa, không phải như lời của loài người, mà là như lời của Thiên Chúa và đích thực là thế. - Alleluia. 

Phúc Âm: Lc 17, 11-19

"Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".

Ðó là lời Chúa.

 Image result for Lk 17, 11-19

Suy niệm

Hôm nay, Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên, Bài Phúc Âm cho chúng ta thấy Chúa Giêsu vẫn tiếp tục cuộc hành trình lên Giêrusalem của Người, một cuộc hành trình đã đi tới chỗ "Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa". 

Thật vậy, cuộc hành trình Giêrusalem của Chúa Giêsu, theo bài Phúc Âm hôm nay ghi nhận, thì kể như mới rời khỏi miền bắc nước Do Thái là Xứ Galilêa, và bắt đầu vượt qua "biên giới" giữa hai miền trung bắc mà vào miền trung của nước này là Samaria. Bởi vì, cũng theo bài Phúc Âm này, Người đã chữa lành cho 10 nạn nhân phong cùi, trong đó có một "là người xứ Samaria".  

Vậy thì 9 người kia có thể toàn là người Do Thái chính gốc, một là họ vốn thuộc về dân cư ở Samaria, chung đụng với thành phần Do Thái vẫn bị những người Do Thái chính cống coi là thứ ngoại lai nhơ nhớp đáng xa tránh, hai là ở Galilêa hoặc Giuđêa nhưng một mình đến cư ngụ ở Samaria để xa tránh gia đình bởi thân phận bị cùi hủi của mình. Có thể vì thế mà họ đã tập trung ở cùng một chỗ với nhau như bài Phúc Âm cho biết: "vào một làng kia", hoàn toàn bị cách ly với xã hội lành mạnh bên ngoài. 

Thế nhưng, họ đâu có ngờ rằng, ở một nơi xa vắng cách ly như vậy, một thế giới của những con người bị bỏ rơi, bị kinh sợ, như ma quái ấy, một ngày kia, bất ngờ, họ lại được gặp một vị cứu tinh là Chúa Giêsu, như bài Phúc Âm hôm nay thuật lại: "Khi Người vào một làng kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: 'Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi'". 

Đúng vậy, biết thân biết phận, 10 nạn nhân bị phong cùi đáng thương này "đứng ở đàng xa", chứ không dám đến gần ai. Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao từ xa mà họ biết được nhân vật mà hình như họ chưa bao giờ gặp, nhưng lại là vị dường như họ hằng mong chờ ấy là "Chúa Giêsu", Đấng duy nhất có thể cứu họ chứ?  

Không biết có bao giờ Chúa Giêsu đã đến chỗ này hay chưa? Hay là có một ai đó trong họ đã biết Người trước khi đến làng cùi này? Hoặc họ được ai đó ngay lúc bấy giờ liều lĩnh đến báo cho họ biết có sự hiện diện của Chúa Giêsu? Có thể là họ đã nghe tin đồn về Người từ dân làng chung quanh hay chăng, hoặc từ chính những người thân nhân nào đó trong họ đến thăm họ? v.v. 

Chỉ biết rằng, Chúa Giêsu không thể không động lòng thương họ khi thấy được hoàn cảnh hết sức đáng thương như thế. Bởi vậy, Người đã đáp ứng lời họ kêu lên cùng Người "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi", bằng lời truyền "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Và thành phần nạn nhân phong cùi không trực tiếp xin Người chữa lành cho mà chỉ gián tiếp xin Người chữa lành nếu Người "thương xót" họđã đồng thanh tin tưởng tuân hành và được chữa lành như bài Phúc Âm cho thấy: "Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch". 

Tuy nhiên, sự vụ không chấm dứt ở chỗ này. Sau đó, Phúc Âm tiếp tục cho biết rằng: "Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: 'Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này'. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: 'Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi'". 

Trong đời sống đạo cũng thế, khi chúng ta gặp gian nan khốn khó, tai ương hoạn nạn, đớn đau khổ sở v.v. chúng ta rất mau mắn chạy đến cầu xin cùng Chúa cho chúng ta chóng thoát khỏi những thứ bất hạnh vô phúc ấy. Thậm chí khấn hứa với Ngài điều này điều nọ. Như đã từng xẩy ra trong cuộc vượt biển của thuyền nhân Việt Nam ở thập niên 1980 đang trong cơn nguy tử. Có những lúc chúng ta cầu được ước thấy, để rồi sau khi thoát nạn rồi, chúng ta chẳng giữ lời khấn nguyện gì cả, trái lại, còn lợi dụng xã hội tư do văn minh mà sống một cách vô thần duy vật nữa, như thực tế phũ phàng cho thấy trong cộng đồng Người Việt hải ngoại chúng ta. 

Trường hợp của 9 nạn nhân phong cùi được khỏi nhưng vô ơn như thế, hay của những ai được ơn mà vô ơn, thì họ coi Thiên Chúa chỉ là phương tiện cứu độ, như cái phao bám víu trong lúc khẩn cấp vậy thôi, để rồi sau khi tai qua nạn khỏi, họ vứt Ngài đi như vứt bỏ một thứ không còn giá trị gì nữa, hoàn toàn vô dụng, như thể không bao giờ họ gặp gian nan khốn khó như vậy hay hơn vậy nữa.  

Nếu ai có thái độ không coi Thiên Chúa như cùng đích của mình như người phong cùi Samaritanô trở về tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã chữa lành cho mình, thì hãy coi chừng họ sẽ được ứng nghiệm những gì Chúa Giêsu đã nghiêm khắc cảnh báo với nạn nhân bất toại 38 năm được Người chữa lành sau đây: "Hãy nhớ nhé, giờ đây anh đã được khỏi rồi đó. Đừng phạm tội nữa kẻo anh sẽ trở nên tệ hại hơn đó" (Gioan 5:14).  

Việc Chúa Kitô chữa lành cho 10 người phong cùi trong bài Phúc Âm hôm nay, một thứ phong cùi làm biến dạng con người, khiến con người thành dị dạng, không còn nguyên vẹn hình hài là ngưoơi của mình nữa, thì chẳng khác nào, về luân lý, họ sống không đúng với thân phận làm người được dựng nên theo hình ảnh thần linh ngay từ ban đầu, một cuộc sống được Thánh Phaolô đề cập đến với người môn đệ Titô của mình trong Bài Đọc 1 hôm nay như sau: “xưa kia chúng ta cũng ngu muội, bất phục, lầm lạc, nô lệ cho tham vọng và nhiều khoái lạc khác, sống trong gian ác và ghen tương, khả ố và đố kỵ lẫn nhau”.  

Chúa Kitô đã chữa lành loài người phong hủi bởi nguyên tội ấy không phải vì họ đáng yêu mà chỉ vì họ đáng thương trước nhan Người là Đấng đến tìm kiếm và cứu vớt những gì hư trầm. Đó là lý do Thánh Phaolô đã tiếp tục bức thư của ngài với môn đệ Tito trong Bài Đọc 1 hôm nay về phần Chúa Kitô là Đấng đã biến chúng ta từ tội nhân thành thánh nhân, nhờ phép riửa và Thánh Thần của Người như sau: 

“Nhưng khi Ðấng Cứu Thế, Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người, thì không phải do những việc công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng từ bi của Người, mà Người đã cứu độ chúng ta bằng phép rửa tái sinh và sự canh tân của Thánh Thần, Ðấng mà Người đã đổ xuống tràn đầy trên chúng ta, qua Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, để một khi được công chính hoá bởi ân sủng của Ngài, trong hy vọng, chúng ta được thừa kế sự sống đời đời, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. 

Những tâm hồn nào cảm nhận được lòng thương xót Chúa nhờ được Người chẳng những chữa lành cho khỏi cùi hủi bởi nguyên tội mà còn được hưởng một “sự sống viên mãn hơn” (Gioan 10:10) trong Người, thì họ chỉ còn biết vang lên những lời của Bài Đáp Ca chí lý và chí tình hôm nay như sau:

 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

2) Người dẫn tôi qua con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. 

 

Thứ Năm

Lời Chúa 

Bài Ðọc I: (Năm II) Plm 7-20

"Xin anh tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Philêmon.

Anh thân mến, tôi rất đỗi vui mừng và an ủi, vì lòng bác ái của anh, vì hỡi anh, nhờ anh mà tâm hồn các thánh được hài lòng.

Bởi đó, dầu trong Ðức Giêsu Kitô, tôi có đủ quyền để truyền cho anh điều phải lẽ, nhưng tôi thà nại vào đức bác ái mà nài xin anh thì hơn, vì anh cũng như tôi. Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô, tôi nài xin anh cho Ônêsimô, đứa con tôi đã sinh ra trong xiềng xích. Xưa kia nó là người vô ích cho anh, nhưng hiện nay, nó lại hữu ích cho cả anh và tôi nữa, tôi trao lại cho anh. Phần anh, anh hãy đón nhận nó như ruột thịt của tôi.

Tôi cũng muốn giữ nó lại để thay anh mà giúp đỡ tôi trong lúc tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý anh, nên tôi không muốn làm gì, để việc nghĩa anh làm là một việc tự ý, chứ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa anh một thời gian để rồi anh sẽ tiếp nhận nó muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với tôi, huống chi là đối với anh, về phần xác cũng như trong Chúa.

Vậy nếu anh nhận tôi là bạn hữu, thì xin anh hãy đón nhận nó như chính mình tôi vậy. Nếu nó đã làm thiệt hại cho anh điều gì, hay mắc nợ anh, xin anh hãy tính vào sổ của tôi. Chính tôi là Phaolô đây, tôi tự tay viết là tôi sẽ thanh toán, trừ phi tôi kể ra cho anh hay rằng chính anh mắc món nợ với tôi. Hỡi anh, thật thế. Nhờ anh tôi sẽ được hân hoan trong Chúa: anh hãy làm cho tôi được thoả lòng trong Chúa.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Ðáp: Phúc thay con người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ (c. 5a).

Xướng: 1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. - Ðáp.

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. - Ðáp.

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. - Ðáp. 

Alleluia: 2 Tx 2, 14

Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được chiếm lấy vinh quang của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. - Alleluia. 

Phúc Âm: Lc 17, 20-25

"Nước Thiên Chúa ở giữa các ông".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu "Khi nào nước Thiên Chúa đến", thì Người đáp lại rằng: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: "Này nước trời ở đây hay ở kia". Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông". Chúa lại phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: "Này Người ở đây và này Người ở kia", các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi".

Ðó là lời Chúa.

Image result for Lc 17, 20-25

Suy niệm


Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Năm Tuần XXXII Thường Niên, thuật lại cho chúng ta lời Chúa Giêsu trả lời cho "những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu 'Khi nào nước Thiên Chúa đến'". 

Trong khi câu hỏi liên quan đến thời điểm "khi nào Nước Thiên Chúa đến", câu trả lời của Chúa Giêsu lại nói đến địa điểm hay nơi chốn "Nước Chúa đến" như thế này: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: 'Này nước trời ở đây hay ở kia'. Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông". 

Ở đây, qua câu trả lời này, Chúa Giêsu dường như muốn xác định bản chất của Nước Thiên Chúa, để rồi, nếu biết được thực chất của Nước Thiên Chúa là gì và như thế nào thì sẽ biết Nước Thiên Chúa này địa điểm ở đâu và thời điểm bao giờ đến. Đó là lý do ngay khi bắt đầu trả lời Người đã minh định: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát".  

Lời đầu tiên trong câu trả lời này của Chúa Giêsu như thể Người muốn nói rằng Nước Thiên Chúa là một thực tại vô hình, chứ không phải hữu hình, là một thực tại thần linh chứ không phải trần thế. Và chính vì thế, vì bản chất thiêng liêng và thần linh của một thực tại như thế mới có thể xẩy ra chuyện "nước Thiên Chúa ở giữa các ông".  

Chúa Giêsu như muốn nói với hay muốn nhắn nhủ những người biệt phái hỏi người bấy giờ rằng: quí vị khỏi tìm đâu xa mất công, chỉ cần có được một nhận thức đức tin siêu nhiên là sẽ thấy Nước Trời ở ngay giữa quí vị, không cần phải tìm ở đâu xa xôi, và vì thế, Nước Trời lúc nào cũng hiện hữu ở giữa quí vị, không cần phải chờ đợi làm chi. 

Đúng thế, nếu "ở đâu có hai ba người hợp lại vì danh Thày thì Thày ở giữa họ" (Mathêu 18:20), thì Nước Trời đây không phải là chính Chúa Kitô hay sao? Bởi thế, khi trả lời cho những người biệt phái hỏi Người về thời điểm khi nào Nước Trời đến thì thay vì Người trả lời là Nước Trời đã đến rồi (xem Marcô 1:15) Người lại trả lời về địa điểm của Nước Trời, vì ngay lúc bấy giờ Người chính là Nước Trời đang ở trước mặt họ và đang ở giữa họ, một Nước Trời đã đến với họ và ở cùng họ mà họ không nhận ra, chưa nhận thấy, dù Người luôn tỏ mình ra cho họ. 

Ngay trong bài Phúc Âm hôm nay, ở phần Chúa Giêsu trả lời cho những người biệt phái hỏi Người, và phần Chúa Giêsu nói riêng với các môn đệ của Người sau đó, cũng có những chi tiết chứng thực là Nước Thiên Chúa là Chúa Kitô hay ở nơi Chúa Kitô và Chúa Kitô là Nước Thiên Chúa ở giữa loài người. Chi tiết đó là: "Này nước trời ở đây hay ở kia'' và "Này Người ở đây và này Người ở kia". "Ở đây" hay "ở kia" đều áp dụng giống nhau vào "nước trời" và vào chính bản thân "Người" là Chúa Kitô.

Vì Nước Trời chính là Chúa Kitô mà ngay sau khi trả lời cho những người biệt phái hỏi Người về Nước Trời bấy giờ, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ về chính bản thân Người như sau: "Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: 'Này Người ở đây và này Người ở kia', các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi". 

Qua câu căn dặn có tính cách cảnh báo này, Chúa Giêsu như muốn nói với các môn đệ của Người rằng: các con không thể nào hiểu được Thày đâu, chính vì thế mà "các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy", vì "nơi Thày đi các con không thể đến được" (Gioan 13:33).  

Thày là Đấng không phải như những gì người ta tưởng đâu các con à, đừng có mà nghe theo óc tưởng tượng giả tạo của họ: "Người ta sẽ bảo các con: 'Này Người ở đây và này Người ở kia', các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm". Các con chỉ có thể nhận biết Thày thực sự là ai khi Thày "bị treo lên" (Gioan 8:28), nghĩa là chỉ sau khi "Thày đi để dọn chỗ cho các con" trên thập tự giá "để Thày ở đâu các con cũng được ở đó với Thày" (xem Gioan 14:3): "Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi". 

Thế nhưng, con đường tử nạn tràn đầy sự dữ và tận cùng sự dữ này của Chúa Kitô mới thật sự chứng tỏ sự khôn ngoan vô cùng và bất diệt của Thiên Chúa trong việc Ngài nhờ đó mới được dịp và có thể tỏ hết bản tính toàn thiện vô cùng từ bi thương xót của Ngài ra như Ngài là cho nhân loại nhận biết mà được cứu độ, mà được hiệp thông thần linh với Ngài. 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô đã chỉ cho “những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu ‘Khi nào nước Thiên Chúa đến’” rằng "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: ‘Này nước trời ở đây hay ở kia’. Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông". Trong Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô cũng chỉ cho Philêmon nước trời ở giữa ông ấy và người nô lệ được ngài đề cập đến với ông ấy, đó là lòng bác ái yêu thương, một việc làm tỏ ra Thiên Chúa là tình yêu ở nơi ông ấy: 

“Tôi rất đỗi vui mừng và an ủi, vì lòng bác ái của anh… Bởi thế, dầu trong Ðức Giêsu Kitô, tôi có đủ quyền để truyền cho anh điều phải lẽ, nhưng tôi thà nại vào đức bác ái mà nài xin anh thì hơn, vì anh cũng như tôi. Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô, tôi nài xin anh cho Ônêsimô, đứa con tôi đã sinh ra trong xiềng xích. Xưa kia nó là người vô ích cho anh, nhưng hiện nay, nó lại hữu ích cho cả anh và tôi nữa, tôi trao lại cho anh. Phần anh, anh hãy đón nhận nó như ruột thịt của tôi… Vì biết đâu nó xa anh một thời gian để rồi anh sẽ tiếp nhận nó muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với tôi, huống chi là đối với anh, về phần xác cũng như trong Chúa”. 

Nếu việc bác ái yêu thương là việc của Chúa, hay nói cách khác, việc Chúa tỏ mình ra nơi những con người sống bác ái yêu thương, như Nước Trời ở giữa loài người, thì quả thực, qua việc Thánh Phaolô can thiệp cho một người nô lệ chứng tỏ những gì được Bài Đáp Ca hôm nay nhận định, xác tín và tuyên xưng:

 1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội.

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.

 

 

Thứ Sáu

 

Lời Chúa 

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Ga 4-9

"Kẻ nào giữ vững đạo lý này, sẽ được Chúa Cha và Chúa Con".

Trích thư thứ hai của Thánh Gioan Tông đồ.

Thưa Bà đáng kính, tôi rất đỗi vui mừng vì đã gặp thấy trong hàng con cái Bà có những kẻ sống trong chân lý, theo mệnh lệnh chúng ta đã nhận từ nơi Chúa Cha. Và thưa Bà, bây giờ tôi xin Bà, không phải như thể tôi viết cho Bà một mệnh lệnh gì mới, nhưng là mệnh lệnh chúng ta có từ ban đầu: là chúng ta phải thương yêu nhau. Và lòng mến này là chúng ta hãy sống theo mệnh lệnh của Người, vì đây là mệnh lệnh, là anh em hãy sống theo luật yêu mến, như anh em đã học biết từ ban đầu.

[Ấy là vì đã có lắm kẻ lừa gạt xuất hiện trong thế gian, những kẻ không tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô đến trong xác thịt. Ðó là kẻ lừa gạt, và là Phản-Kitô. Hãy coi chừng chính mình anh em, để khỏi làm hư hỏng mất các công khó của chúng tôi, nhưng mà để được lĩnh một phần thưởng sung mãn. Phàm ai xông tới trước mà không lưu lại trong giáo huấn của Ðức Kitô, tất không có Thiên Chúa. Kẻ nào lưu lại trong giáo huấn, kẻ ấy được có Cha và Con.]

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 118, 1. 2. 10. 11. 17. 18

Ðáp: Phúc đức những ai tiến thân trong luật pháp của Chúa (c. 1b).

Xướng: 1) Phúc đức những ai theo đường lối tinh toàn, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa. - Ðáp.

2) Phúc đức những ai giữ lời Ngài nghiêm huấn, những người đó tận tâm kiếm tìm Ngài. - Ðáp.

3) Với tất cả tâm can con tìm Chúa, xin chớ để con lạc xa chỉ thị Ngài. - Ðáp.

4) Con chôn cất trong lòng lời răn của Chúa, để con không phạm tội phản nghịch Ngài. - Ðáp.

5) Xin gia ân cho tôi tớ Ngài được sống, để tuân giữ những lời Ngài răn. - Ðáp.

6) Xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa. - Ðáp.

Alleluia: 1 Ga 2, 5

Alleluia, alleluia! - Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. - Alleluia. 

Phúc Âm: Lc 17, 26-37

"Cũng xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người.

"Lại cũng như đã xảy ra thời ông Lót: người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh diêm, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy như thế trong ngày Con Người xuất hiện.

"Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó.

"Thầy bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người trên một giường, thì một người bị đem đi, và người kia sẽ được để lại. Hai phụ nữ xay cùng một cối, thì một người sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được để lại. Hai người ở ngoài đồng, thì một người bị đem đi, và người kia được để lại".

Các môn đệ thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, chuyện đó ở đâu vậy?" Người phán bảo các ông: "Xác ở đâu thì diều hâu tựu lại đó".

Ðó là lời Chúa.

Image result for Lk 17, 26-37
​ 

Suy niệm 

Hôm nay, Thứ Sáu Tuần XXXII Thường Niên, Bài Phúc Âm vẫn tiếp tục với lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người, từ dấu chỉ Nước Trời ở bài Phúc Âm hôm qua đến sự kiện Nước Trời trong bài Phúc Âm hôm nay theo chiều hướng của câu những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu về thời điểm Nước Trời đến trong bài Phúc Âm hôm qua. 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, những lời của Chúa Giêsu nói về ngày tận thế, một thời điểm cho ngày cùng tháng tận của thế giới này, đã xẩy ra như thế nào, được Thánh ký Luca ghi lại những lời Chúa Giêsu cho biết một cách tổng quan liên quan đến dấu hiệu của nó, đến việc cần phải đối phó với nó, và đến hiện tượng của nó thứ tự như sau: 

Ngày tận thế - Dấu hiệu: "Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người. Lại cũng như đã xảy ra thời ông Lót: người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh diêm, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện". 

Ngày tận thế - Đối phó: "Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó". 

Ngày tận thế - Hiện tượng: "Thầy bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người đàn ông nằm trên một giường, thì một người bị đem đi, và người kia sẽ được để lại. Có hai người phụ nữ xay cùng một cối, thì một người sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được để lại". 

Trước hết, về dấu hiệu của mình thì ngày tận thế "xẩy ra như thời Noe" và như "thời ông Lót". Nghĩa là bấy giờ, vào những thời được Chúa Giêsu nêu lên đây, "thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng", "người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất". Tức trong khi con người ta chẳng để ý gì hết, cứ vui vẻ hưởng thụ và làm ăn sinh sống, thì "cũng sẽ xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện".  

Như thế thì quả thực "ngày Con Người xuất hiện" xẩy ra đùng một cái, chứ không từ từ hay được báo trước về ngày giờ chính xác của nó: "Như chớp lóe ra từ đông sang tây thế nào thì Con Người đến cũng như vậy" (Mathêu 24:27), hoàn toàn ngoài dự tưởng của con người, vào chính lúc con người không ngờ và chẳng kịp sửa soạn gì hết, ngoại trừ việc duy nhất là họ cần phải liên lỉ tỉnh thức: "Hãy tỉnh thức vì các con không biết được ngày giờ nào" (Mathêu 25:13). 

Nếu vào "thời ông Noe" người ta cùng mọi sinh vật trên mặt đất bị đại hồng thủy hủy diệt (xem Khởi Nguyên 7:4), và vào "thời ông Lót" người ta bị mưa lửa từ trời đổ xuống thiêu hủy (xem Khởi Nguyên 19:24), chỉ vì con người bấy giờ quá ư là hư hỏng tội lỗi, toàn là nhục dục vào "thời ông Noe" (xem Khởi Nguyên 6:3,5), thậm chí còn nhục dục đồng tính nữa vào "thời ông Lót" (xem Khởi Nguyên 19:4-14), thì hiện nay, con người càng văn minh về vật chất lại càng phá sản về luân lý, chắc chẳng cần bị Thiên Chúa ra tay, chính họ sẽ tự hủy diệt mình bằng quyền tự do được phép phá thai thoải mái và đồng tình hôn nhân vô sản lăng loàn của họ, chưa kể đến tình trạng con người bị tiêu diệt bởi chiến tranh và khủng bố cùng tai nạn nhân tạo liên tục xẩy ra chưa từng có trong lịch sử loài người. 

Sau nữa, về cách đối phó với ngày tận thế, đối phó với những gì "xảy ra trong ngày Con Người xuất hiện" thì dù bất chợt xẩy ra vẫn còn có thể thoát nạn, vẫn còn có thể cứu vãn. Ở chỗ, đừng tiếc xót gì hết, như "trường hợp vợ ông Lót" trong lúc chạy trốn mà vẫn ngoảnh lại như còn tiếc xót những gì bị mất mát nên đã bị trở thành tượng muối (xem Khởi Nguyên 19:26). Lúc bấy giờ chỉ còn một cách duy nhất là "bỏ của mà chạy lấy người", đúng như lời Chúa căn dặn trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về". 

Không biết ở đây có phải Chúa Giêsu muốn nói đến những thành phần Kitô hữu chứng nhân vào thời bấy giờ hay chăng, thành phần "ở trên mái nhà", tức là những con người loan truyền những gì được nói cho biết một cách riêng tư (xem Mathêu 10:27; Luca 12:3), và thành phần "ở ngoài đồng", tức là những người đang gieo rắc hạt giống đức tin hay đang gặt hái mùa màng (xem Gioan 4:35-38). Vì chính lúc "sự dữ gia tăng mà lòng con người hầu hết ra nguội lạnh" (Mathêu 24:12) thì "Tin Mừng về Nước Trời được rao giảng khắp thế giới như một chứng từ cho tất cả mọi dân nước. Chỉ sau đó mới tới ngày cùng tận" (Mathêu 24:14). 

Sau hết, về hiện tượng của ngày tận thế, một thời điểm liên quan đến chết chóc, một thời điểm được biểu hiệu bằng chết chóc, một thời điểm con người đã đi đến chỗ tột cùng băng hoại, như chính Chúa Giêsu đã ám chỉ trong lời cuối cùng của Bài Phúc Âm hôm nay: "Xác chết ở đâu thì diều hâu bâu lại đó".  

Như thế thì phải chăng thế giới ngày nay cũng sắp sửa tận thế hay thậm chí đang ở ngày vào thời tận thế, vì họ đang "sống" trong sự chết: trong trận lụt "văn hóa sự chết - culture of death" (thành ngữ của ĐTC Gioan Phaolô II), thậm chí càng ngày nó càng trở thành một "văn hóa tận số - terminal culture" (ĐTC Phanxicô). 

Chính lúc con người tự hủy diệt và không thể nào cứu được mình như thế, như một "xác chết" mới lại là lúc xuất hiện của "diều hâu" là loài chim vốn nhậy cảm với mùi chết chóc và thích rúc rỉa những gì là thối rữa. Và vì thế những ai không bị "diều hâu" rúc rỉa là thành phần được cứu rỗi, như được Chúa Giêsu ám chỉ về số phận của kẻ "được" mang đi, tức "được" giải thoát, "được" cứu độ, cũng như của người "bị" để lại cho "diều hâu" xâu xé làm thịt trong bài Phúc Âm hôm nay như sau:  

"Trong đêm ấy (đêm ám chỉ chết chóc và quyền lực hoành hành kinh khủng của sự dữ) sẽ có hai người đàn ông nằm trên một giường (hình như ở đây là hình ảnh ám chỉ đến tội đồng tính hôn nhân), thì một người được đem đi, và người kia sẽ bị để lại. Có hai người phụ nữ xay cùng một cối (phải chăng đây là hình ảnh ám chỉ tội tạo sinh ngoại nhiên xẩy ra cho trường hợp của một người vợ son sẻ không con và một người nữ mang thai mướn thụ thai nhờ tinh trùng của người chồng có vợ không con?), thì một người sẽ được đem đi, còn người kia sẽ bị để lại". 

Theo chiều hướng ấy và ý nghĩa được suy diễn như vậy, ở đây người chia sẻ phụng vụ lời Chúa xin phép được tạm chuyển đổi chữ "bị" thành chữ "được" và chữ "được" thành chữ "bị" ở bản dịch của bài Phúc Âm hôm nay (được lấy từ http://vntaiwan.catholic.org.tw/loichua/loichua.htm, trong đó bao gồm nguyên văn câu dịch này đúng như ở trong bài Phúc Âm của phần Lời Chúa trên đây). Chính thành phần "ở lại" không vào Tầu như Noe hay "ở lại" không ra khỏi thành Sodoma như gia đình ông Lot mới bị chết chìm hay bị thiêu rụi, còn những ai "đi" thì thoát là như vậy.

Chính vì Phúc Âm Thánh Luca không như Phúc Âm Thánh Mathêu bao một sự kiện kitô giả và tiên tri giả trong những dấu báo tận thế, mà Bài Đọc 1, được Giáo Hội trích từ Thư 2 của Thánh Gioan, không buộc đọc phần về Kitô giả, mà chỉ nhấn mạnh đến “những kẻ sống trong chân lý, theo mệnh lệnh chúng ta đã nhận từ nơi Chúa Cha”, đó ‘’là chúng ta phải thương yêu nhau”. 

Thật thế, một trong những việc có thể cứu con người luôn tỉnh thức để khỏi bị diệt vong khi Con Người tới đó là, “sống trong chân lý”, được tỏ hiện bắng việc “yêu thương nhau”,  như Chúa Giêsu kín đáo khuyên dạy trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó". 

Bài Đáp Ca hôm nay cũng theo chiều hướng của Bài Đọc 1, chiều hướng “sống trong chân lý”, sống bất diệt, sống bền đỗ đến cùng với Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ lúc nào, nhất là những lúc gian nan thử thách kinh hoàng cuối thới, như sau: 

1) Phúc đức những ai theo đường lối tinh toàn, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa.

2) Phúc đức những ai giữ lời Ngài nghiêm huấn, những người đó tận tâm kiếm tìm Ngài.

3) Với tất cả tâm can con tìm Chúa, xin chớ để con lạc xa chỉ thị Ngài.

4) Con chôn cất trong lòng lời răn của Chúa, để con không phạm tội phản nghịch Ngài.

5) Xin gia ân cho tôi tớ Ngài được sống, để tuân giữ những lời Ngài răn..

6) Xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa.

 

 

Thứ Bảy

Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) 3 Ga 5-8

"Vậy chúng ta phải tiếp đãi những người như thế, để chúng ta cũng được cộng tác với những người hoạt động cho chân lý".

Trích thư thứ ba của Thánh Gioan Tông đồ.

Ông Gai-ô thân mến, xin ông cứ trung tín làm những gì ông đã thi hành cho các anh em, mặc dầu họ là ngoại kiều. Họ đã chứng minh lòng bác ái của ông trước mặt cộng đoàn; ông nên rộng rãi tiễn họ lên đường sao cho xứng đáng với Chúa. Vả chăng, chính vì danh Chúa, họ đã lên đường mà không nhận lãnh gì của dân ngoại. Vậy chúng ta phải tiếp đãi những người như thế, để chúng ta cũng được cộng tác với những người hoạt động cho Chân lý.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 111, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa (c. 1a).

Xướng: 1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong đất nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. - Ðáp.

2) Trong nhà người có tài sản phú quỳ, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công minh. - Ðáp.

3) Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. - Ðáp. 

Alleluia: 2 Tm 1, 10b

Alleluia, alleluia! - Ðấng Cứu Chuộc chúng ta là Ðức Giêsu Kitô đã dùng Tin Mừng mà tiêu diệt sự chết, và chiếu soi sự sống. - Alleluia. 

Phúc Âm: Lc 18, 1-8

"Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng mà rằng:

"Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: "Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù". Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: "Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc".

Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"

Ðó là lời Chúa.

 Image result for Lc 18, 1-8

Suy niệm

 

Bài Phúc Âm cho Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên hôm nay liên quan đến những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ về "một dụ ngôn dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng". 

Nguyên văn dụ ngôn này như sau: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: 'Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù'. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: 'Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc'". 

Phải chăng đây là dụ ngôn liên quan đến ngày tận thế nói chung và cuộc chung thẩm nói riêng? Bởi vì, nếu tất cả mọi sự xẩy ra trên trần gian này, mà thực tế phũ phàng cho thấy, sự dữ dường như lấn át sự lành, kẻ lành bị thua kẻ mạnh. Kẻ dữ lại được may lành hơn người công chính. Người lành thường gian nan khốn khó lận đận. Kẻ cô đơn yếu thế (mà bà góa trong Bài Phúc Âm hôm nay tiêu biểu) bị đàn áp bất công. Bởi thế, nếu không có đời sau, không có vấn đề thưởng phạt công minh thì sống đức tin và tin vào Chúa thật là vô lý và vô cùng dại dột. Mất cả 2 đời. 

Đó là lý do, sau khi đã nói với các môn đệ về dụ ngôn bà góa kêu oan, hay cũng có thể nói là dụ ngôn quan tòa nể xử, Chúa Giêsu đã kết thúc bằng một câu vừa để trấn an và phấn khích các môn đệ của Người vừa có tính cách cảnh báo liên quan đến ngày tận thế như sau:

"Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"

Qua câu này, Chúa Giêsu chỉ có ý khuyên các môn đệ của Người, không phải chỉ cho thành phần môn đệ đang ở bên Người bấy giờ, mà cho mọi thế hệ môn đệ của Người, phải "bền đỗ đến cùng mới được cứu độ" (Mathêu 24:13). Nhất là thế hệ môn đệ cuối cùng ở vào thời tận thế, thời Người đến lần thứ hai, đến lần cuối cùng, thời điểm mà như Người cảnh báo: "không biết có còn đức tin trên thế gian này nữa hay chăng?

Đúng thế, thời tận thế là thời kinh hoàng khủng khiếp đến độ đối với loài người về cả thể xác lẫn linh hồn của họ, như Chúa Giêsu còn thẳng thắn tiết lộ không giấu diếm như sau: "vì những ngày ấy tràn đầy những gì là thống khổ hơn bất cứ thời nào từ khi hiện hữu thế giới này... Thật vậy, nếu giai đoạn này không được rút ngắn lại thì không một ai được cứu độ..." (Mathêu 24:21-22).

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo ở khoản 675 cũng đã phải công nhận cuộc thử thách cuối cùng Giáo Hội phải trải qua đầy nguy hiểm đến đức tin của Kitô hữu là phần tử của mình vào thời điểm trước khi Chúa Kitô đến lần thứ hai cũng là lần cuối như sau:

"Trước khi Ðức Kitô quang lâm, Hội Thánh phải trải qua một cuộc thử thách cuối cùng khiến nhiều tín hữu bị lung lạc đức tin (x. Lc 18, 8; Mt 14, 12). Những cuộc bách hại mà Hội Thánh phải chịu trong suốt cuộc lữ hành trên trần thế (x. Lc 21, 12; Ga 15, 19-20) sẽ vạch trần 'mầu nhiệm sự dữ' dưới hình thức bịp bợm tôn giáo; hình thức này chỉ đem lại cho con người một giải đáp giả tạo cho các vấn đề của họ để rồi họ phải xa rời chân lý. Sự bịp bợm tôn giáo nham hiểm nhất là sự bịp bợm của tên Phản Kitô, nghĩa là của một thuyết Mêsia giả hiệu: trong đó, con người tự tôn vinh chính mình thay vì tôn vinh Thiên Chúa và Ðấng Mêsia của Người đã đến trong xác phàm (x. 2Th 2, 4-12; 1Th 5, 2-3; 2Ga 7; 1Ga 2, 18. 22)".

Chính vì Chúa Kitô cảnh giác và tiên báo trong bài Phúc Âm hôm nay về ngày cùng tháng tận, thời điểm Người tái giáng là: “khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?", mà Thánh Gioan, trong Bài Đọc 1 hôm qua, chẳng những đã khuyên hãy “sống trong chân lý”, mà còn, trong Bài Đọc hôm nay, thục giục “cộng tác với những người hoạt động cho chân lý” nữa.

Thành phần “những người hoạt động cho chân lý” là ai và như thế nào, Bài Đáp Ca hôm nay đã chúc tụng họ và cho biết như sau: 

1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong đất nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân.

2) Trong nhà người có tài sản phú quỳ, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công minh.

3) Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời.