SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

 

Mầu Nhiệm Gian Ác 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Quyết Định Hôn Nhân Đồng Tính: Phản Ứng


Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hôm Thứ Sáu 26/6/2015 đã hợp pháp hóa "hôn nhân" đồng tính cho chung liên bang Mỹ quốc. Quyết định này với số phiếu 5 thuận 4 chống, chứng tỏ vấn đề vẫn còn đang rất ư là gay go ngang ngửa ngay trong chính nội bộ của 9 vị thẩm phán này. Theo nguyên tắc, quyết định "tối hậu" này vẫn còn có thể được cứu xét lại trong vòng 3 tuần lễ nếu đối phương (bên thua kiện) yêu cầu.


Trong khi thẩm phán Anthony Kennedy đã viết trong văn bản quyết định này rằng: "Họ yêu cầu một phẩm vị bình đẳng trước pháp luật. Hiến pháp ban cho họ thứ quyền ấy", thìChánh án John Roberts lại phủ nhận luận điệu như vậy, vì cho rằng vấn đề "hôn nhân" đồng tính "chẳng có liên hệ gì tới" Hiến pháp.

Vị chánh án này viết: "Theo Hiến pháp thì các vị thẩm phán có quyền nói luật lệ ra sao thôi chứ không phải luật lệ phải thế nào. Quyền căn bản để thành hôn không bao gồm cả quyền Quốc gia được thay đổi định nghĩa của nó về hôn nhân. Và quyết định của một Quốc gia bảo tồn ý nghĩa của hôn nhân là những gì từng được tồn tại ở hết mọi nền văn hóa suốt giòng lịch sử của loài người khó có thể được gọi là vô lý. Tóm lại, Hiến pháp của chúng ta không ban hành bất cứ một lý thuyết nào về hôn nhân. Dân chúng của một Quốc gia tự do nới rộng vấn đề hôn nhân để bao gồm cả các cặp đồng tính hay để bảo tồn ý nghĩa lịch sử của nó".

Vị Chánh án này bày tỏ nhận định là việc đa số quyết định hợp pháp hóa vấn đề "hôn nhân" đồng tính là một "tác động của ý muốn chứ không phải của phán đoán hợp pháp". Ông còn đặt vấn đề là trong một nền cộng hòa dân chủ một quyết định như thế cần phải được thực hiện bởi dân chúng qua các vị đại diện được bầu chọn của họ "hay chỉ bởi 5 vị luật sư đang nắm giữ các phần nhiệm cho phép họ giải quyết những tranh cãi về pháp lý theo luật". Theo ông thì đó là "một sai lầm thảm thương".

Đức Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, trong văn thư của mình vào cùng ngày 26/6/2015 của quyết định sai lầm thảm hại này, chủ trương dứt khoát như sau:

"Bất chấp những gì được đa số Tối Cao Pháp Viện khít khao tuyên bố vào thời điểm lịch sử này, thì bản chất của con người và của hôn nhân vẫn không thay đổi và bất khả đổi thay. Như vụ Roe với Wade không giải quyết vấn đề phá thai trên 40 năm trước thế nào thì vụ Obergefell với Hodges cũng không giải quyết vấn đề hôn nhân hôm nay như vậy. Chẳng có quyết định nào trong hai quyết định này xuất phát từ sự thật, và vì thế cả hai dần dần cũng sẽ thất bại. Hôm nay Tòa án này lại sai lầm một lần nữa. Hoàn toàn là vô luân và bất chính đối với một chính quyền tuyên bố rằng hai người đồng tính có thể làm nên một cuộc hôn nhân.

"Ý nghĩa đặc thù của hôn nhân như một cuộc hiệp nhất của một người nam và một người nữ được in ấn nơi thân thể chúng ta là nam nhân và nữ giới. Việc bảo vệ ý nghĩa này là một chiều kích quan trọng của vấn đề 'nguyên vẹn về môi sinh / sinh tháiđược Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi chúng ta cổ võ (trong Thông Điệp Laudato Si’ mới nhất của ngài ban hành hôm Thứ Năm 18/6/2015 tuần trước - biệt chú của người viết bài này). Việc tái định nghĩa hôn nhân theo pháp lệnh cho toàn quốc này là một sai lầm thảm thương tác hại đến công ích cũng như đến thành phần dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta, nhất là trẻ em. Luật pháp có nhiệm vụ nâng đỡ quyền lợi căn bản được nuôi dưỡng của hết mọi em bao nhiêu có thể bởi cha mẹ thành hôn của em trong một gia đình vững chắc.

"Chúa Giêsu Kitô, bằng một tình yêu cao cả, đã minh nhiên dạy rằng ngay từ ban đầu hôn nhân là một cuộc hiệp nhất trọn đời của một người nam và một người nữ. Là các vị giám mục Hoa Kỳ, chúng tôi theo Chúa của chúng tôi và sẽ tiếp tục giảng dạy cùng tác hành theo sự thật ấy.

"Tôi phấn khích người Công giáo hãy tiến lên theo đức tin, đức cậy và đức mến: Theo niềm tin tưởng vào sự thật không thay đổi về hôn nhân, xuất phát từ bản tính bất biến của con người và được khẳng định bởi mạc khải thần linh; theo lòng cậy trông là những sự thật ấy sẽ lại thắng vượt trong xã hội của chúng ta, chẳng những bởi lý lẽ của chúng mà còn bởi vẻ đẹp cao cả của chúng nữa, và chúng sẽ cho thấy chúng là những gì phục vụ cho công ích; và theo tình yêu thương đối với tất cả mọi tha nhân của chúng ta, thậm chí cả những ai ghét chúng ta hay trừng phạt chúng ta vì niềm tin tưởng và những xác tín luân lý của chúng ta

"Sau hết, tôi kêu gọi tất cả mọi người thiện chí hãy cùng chúng tôi loan truyền sự thiện hảo, sự chân thật và sự mỹ l của hôn nhân là những gì đã được hiểu đúng đắn cả bao ngàn năm nay, và tôi xin tất cả những ai đang có quyền lực và quyền hành hãy tôn trọng tự do trời ban để tìm kiếm, sống động và làm chứng cho sự thật". 


Trên đây là những gì người viết phỏng dịch từ http://www.zenit.org/en/articles/us-supreme-court-legalizes-same-sex-marriage và trích dịch từ http://www.zenit.org/en/articles/archbishop-joseph-e-kurtz-s-statement-on-us-supreme-court-decision, kèm theo những chỗ nhấn mạnh tự ý bằng mầu.


Duy Nhân Bản và Tương Đối Thuyết


Tình hình càng ngày thế giới Kitô giáo, đặc biệt ở Tây phương, đang khủng hoảng đức tin và phá sản luân lý Kitô giáo, phải chăng đang ứng nghiệm lời Chúa Kitô đã tiên báo: "Không biết khi Con Người đến có còn thấy đức tin trên thế gian này nữa hay chăng?" (Luca 18:8), và lời Thánh Phaolô cũng đã nói trước: 

"Thưa anh em, về ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm ... Trước đó, phải cóhiện tượng chối đạo tập thể (the mass apostasy), và người ta phải thấy xuất hiện tên gian ác, một kẻ hư hỏngTên đối thủ này tôn mình lên trên tất cả những gì được gọi là thần linh và muốn được sùng bái, thậm chí nó còn ngồi trong Đền Thờ Thiên Chúa và tự xưng là Thiên Chúa" (2Thessalonica 2:1,3-4).


Phải chăng hiện tượng đa số các nhà thờ bên Âu Châu không còn mấy người tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật là một trong những hình thức "hiện tượng chối đạo tập thể", và mới đây nhất là sự kiện một quốc gia Kitô giáo Ái Nhĩ Lan từng hành đạo và truyền giáo ngày xưa đã vừa trưng cầu dân ý chấp thuận thứ hôn nhân đồng tính ngày 22/5/2015 với 62.07% phiếu thuận chính là "hiện tượng chối đạo tập thể" điển hình nhất và công khai nhất, chưa từng có?

Phải chăng hiện tượng các quốc gia Kitô giáo thay nhau, theo nhau và cùng nhau ban hành các luật lệ sặc mùi "văn hóa sự chết - culture of death" (Thánh GH GPII) và "văn hóa tận số - terminal culture" (ĐTC Phanxicô) cũng cho thấy  "hiện tượng chối đạo tập thể" này?

"Tên gian ác, một kẻ hư hỏng... ngồi trong Đền Thờ Thiên Chúa và tự xưng là Thiên Chúa" đây là gì, nếu không phải là chủ nghĩa duy nhân bản (pure humanism hoàn toàn tương phản với Christian humanism), một chủ trương tôn thờ con người hơn Thiên Chúa, tôn sùng "nữ thần tự do", coi quyền làm người là những gì tối thượng, còn luật lệ của Thiên Chúa là những gì tương đối (tương đối chủ nghĩa - ralativism), những thứ luật lệ bất biến nhưng muốn giải nghĩa sao cũng được, muốn tuân giữ hay không tùy ý; trái lại, những gì con người theo chế độ dân chủ "ý dân là ý trời" nghĩ bao giờ cũng là sự thật và những gì con người muốn bao giờ cũng là sự thiện. 

Nghĩa là, trong khi con người tương đối hóa Thiên Chúa thì lại tuyệt đối hóa con người. Nếu thực sự chủ nghĩa duy nhân bản chủ trương tuyệt đối hóa con người và tương đối hóa Thiên Chúa hiện nay chính là "Tên gian ác, một kẻ hư hỏng... ngồi trong Đền Thờ Thiên Chúa và tự xưng là Thiên Chúa" thì phải chăng theo chủ trương của Thánh Phaolô đó chính là dấu hiệu báo thời điểm Chúa Kitô sắp tới? 

Trong lần về thăm Balan quê hương của mình lần thứ 8 cũng là lần cuối cùng, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vào ngày Chúa Nhật 18/8/2002, trong bài giảng của mình, đã bày tỏ cảm nhận về thời đại bấy giờ của ngài (chưa nói tới thời đại hiện nay mới cách nhau mới 13 năm) theo chiều hướng của những gì đã được Thánh Phaolô tiên báo trên đây (xin lưu ý và so sánh những chữ đỏ) như vừa được diễn giải liên quan đến tuyệt đối thuyết con người tương đối hóa Thiên Chúa:

"Thế kỷ 20, mặc dù có những thành đạt không thể chối cãi về nhiều lãnh vực, cũng đã bị ghi dấu một cách đặc biệt bởi 'mầu nhiệm gian ác - mystery of iniquity'. Chúng ta đã tiến vào ngàn năm mới với di sản vừa thiện vừa ác này. Những chân trời mới trong việc phát triển đang mở ra trước nhân loại, kèm theo đó có cả những cái nguy hiểm chưa từng có. Con người thường sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, thậm chí đặt mình vào vị thế của Thiên Chúa nữa. Họ tự cho mình quyền hành của một Vị Tạo Hóa trong việc can thiệp vào mầu nhiệm sự sống con người. Họ muốn định đoạt sự sống con người bằng cách lèo lái việc truyền giống cũng như muốn thiết định giới hạn sự chết. Khi loại trừ lề luật thần linh và những nguyên tắc luân lý, họ công khai tấn công cơ cấu gia đình. Bằng những cách thức khác nhau, họ cố gắng làm cho Thiên Chúa phải im hơi lặng tiếng nơi tâm can của con người; họ muốn làm cho Thiên Chúa 'hoàn toàn khuất bóng' nơi văn hóa và lương tâm các dân tộc (trong câu khẳng định này của ĐTC chúng ta thấy rõ chủ trương tương đối hóa Thiên Chúa và tuyệt đối hóa con người của chủ nghĩa duy nhân bản hiện nay - biệt chú của người viết). 'Mầu nhiệm gian ác' tiếp tục đánh dấu cái thực tại của thế giới này".

 


Nhận định của ĐTC GPII về "Con người thường sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, thậm chí đặt mình vào vị thế của Thiên Chúa nữa. Họ tự cho mình quyền hành của một Vị Tạo Hóa" không phải đã cho thấy ứng nghiệm những gì Thánh Phaolô đã nói trước đó gần 2000 năm về dấu hiệu báo trước Chúa Kitô tái giáng hay sao: "Tên gian ác, một kẻ hư hỏng... ngồi trong Đền Thờ Thiên Chúa và tự xưng là Thiên Chúa".

 


ĐTC GPII đã sử dụng cụm từ "mầu nhiệm gian ác" giống như Thánh Phaolô đã sử dụng trong Thư 2 Thessalonica trên đây: "Thật vậy, mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành" (Câu 7). Theo Thánh Phaolo thì "mầu nhiệm gian ác" này liên quan đến "tên gian ác"như đã được ngài nói đến như trích dẫn trên đây trong việc hắn mưu đồ "ngồi trong Đền Thờ Thiên Chúa và tự xưng là Thiên Chúa", một mưu đồ đúng như của Hội Kín Thợ Xây Tam Điểm.


Thế nhưng, tất cả xẩy ra bởi tay kẻ thù của vị chủ ruộng là Chúa của lịch sử loài người, vị đã cố ý để xẩy ra cho tới mùa gặt cánh chung (xem Mathêu 13:28-30), một dự định thần linh vô cùng khôn ngoan và toàn năng chẳng những tránh bất lợi cho lúa tốt (xem Mathêu 13:29) mà còn để thanh lọc cỏ lùng nữa, đúng như Thánh Phaolô đã xác định trong cùng Thư 2 Thessalonica của ngài (xem câu 9-12) về "tên gian ác" và "mầu nhiệm gian ác" trên đây:


"Còn việc tên gian ác xuất hiện là do tác động của Satan, có kèm theo đủ thứ phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng,  đủ mọi mưu gian chước dối, nhằm hại những kẻ phải hư mất, vì đã không đón nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ. Vì thế Thiên Chúa gửi đến một sức mê hoặc làm cho chúng tin theo những gì là dối trá; như vậy, tất cả những kẻ không tin sự thật, nhưng ưa thích gian ác, sẽ bị kết án".


Nếu Vị Chủ Ruộng cố ý để kẻ thù của mình gieo cỏ lùng vào ruộng lúa tốt của mình thì cho dù cỏ lùng có rậm rạp đến đâu chăng nữa, có dữ tợn đến mấy chăng nữa, có đàn áp lúa tốt đến đâu chăng nữa, cuối cùng cũng sẽ bị tận diệt, như Thánh Phaolô cũng đã quả quyết trong cùng Thư 2 Thessalonica như sau: "Bấy giờ tên gian ác sẽ xuất hiện, kẻ mà Đức Giêsu sẽ giết chết bằng hơi thở từ miệng của Người, và sẽ tiêu diệt hắn bằng ánh huy hoàng, khi Người quang lâm". (câu 8).


Phải chăng những gì Thánh Phaolô nói với Kitô hữu thuộc Giáo Đoàn Thessalonica trong Thư 2 của ngài trên đây cũng phản ảnh và liên quan đến những gì cũng đã được Thánh Gioan Tông Đồ thị kiến và viết trong Sách Tông Vụ (20:7-10) sau đây:


"Hết một ngàn năm ấy, Satan sẽ được thả ra khỏi ngục. Hắn sẽ ra đi mê hoặc các nước ở khắp bốn phương thiên hạ để tập hợp lại các đoàn quân Gog và Magog để giao chiến (phải chăng "Gog và Magog" ở đây ám chỉ đến chủ nghĩa duy nhân bản và tương đối hóa Thiên Chúa tuyệt đối hóa con người - suy diễn của người viết bài này); số chúng nhiều như cát biển. Chúng tiến lên lan tràn khắp mặt đất, bao vây doanh trại dân thánh và Thành Đô được Thiên Chúa yêu chuộng (phải chăng "doanh trại dân thánh và Thành Đô được Thiên Chúa yêu chuộng" bị "các đoàn quân Gog và Magog" "bao vây" ở đây ám chỉ đến Giáo Hội Chúa Kitô - suy diễn của người viết bài này). Nhưng có lửa từ trời rơi xuống thiêu huỷ chúng. Ma quỷ, tên mê hoặc chúng, bị quăng vào hồ lửa và diêm sinh, ở đó đã có Con Thú và tên ngôn sứ giả; và chúng sẽ chịu khổ ngày đêm đến muôn đời muôn kiếp".

 


Nếu "Chúa Kitô sẽ xuất hiện lần thứ hai không phải là để xóa bỏ tội lỗi mà là để mang ơn cứu độ cho những ai thiết tha trông đợi Người" (Do Thái 9:28), thì quả thực cho dù "vì sự dữ gia tăng mà lòng mến yêu của hầu hết con người ta sẽ trở nên nguội lạnh, nhưng ai bền đỗ đến cùng là người sẽ được cứu độ" (Mathêu 24:12-13).


Trận động đất nhân tai ngày Thứ Sáu 26/6/2015 ở Hoa Kỳ sẽ gây ra nhiều hậu chấn sau này nữa, ở chỗ, ngay hôm sau, Thứ Bảy 27/6/2015, tại Pháp đã xẩy ra một cuộc biểu dương ủng hộ quyết định của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, và theo cuộc thăm dò cho thấy có 67% dân Pháp ủng hộ hôn nhân đồng tính. Ngoài ra, một thứ hậu chấn khác nguy hiểm hơn nữa đó là nếu hôn nhân đồng tính là một thứ nhân quyền chính thức, thì các nhà thờ Công giáo, dù không chấp nhận thứ hôn nhân này, cũng buộc phải làm "bí tích hôn phối" cho họ, bằng không sẽ bị kiện. 

Nếu trong hai thứ tự do: tự do tôn giáo và tự do cá nhân, theo pháp luật, tự do cá nhân được ưu tiên hơn và tôn trọng hơn tự do tôn giáo, thì đây là một hình thức bắt đạo tối tân trong thế giới văn minh hiện nay.

Đã có tội thì phải đền tội, và việc đền tội như là một hậu quả tất yếu của tội. Nếu quyết định của tối cao pháp viện Hoa Kỳ hôm nay là một quyết định tội lỗi thì việc đền tội có thể sắp sửa lại xẩy ra trên thế giới này. 


Mà nạn nhân đền tội lại thường không phải là phạm nhân cho bằng là thành phần Kitô hữu đổ máu ở thế giới Ả Rập Hồi Giáo, hay là thành phần nghèo khổ chết đi bởi thiên tai ở một nơi nào đó trên thế giới này, như đã từng xẩy ra. (Ngay trong ngày Thứ Sáu 26/6/2015 thảm hại này, trong khi ở Hoa Kỳ tung ra một quyết định hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính thì trên thế giới đồng thời cũng xẩy ra 3 cuộc khủng bố, một ở Pháp Âu Châu, một ở Tunisia Phi Châu với 38 người chết (trong đó có 15 khách du lịch Người Anh), và một ở Koweit Á Châu với 24 người thiệt mạng - hai vụ sau là do Nhà Nước Hồi Giáo thực hiện. Vì chỉ có những con người như thể vô tội đáng thương này mới có thể đền tội thay cho thành phần gây ra họa nhân tai như hôm 26/6/2015 ở Hoa Kỳ đây.


Đối với Kitô hữu chúng ta, hiện tượng nhân tai ở Hoa Kỳ hôm Thứ Sáu 26/6/2015 phải chăng là một dấu chỉ thời đại Thiên Chúa muốn nhắc nhở chúng ta và muốn thúc giục chúng ta phải sống thánh thiện hơn, phải sống Lòng Thương Xót Chúa hơn, phải hy sinh chịu khổ hơn nữa để cầu nguyện cho những người anh chị em gây ra những nhân tai kinh hoàng tai hại như thế - vì dầu sao họ cũng "lầm không biết việc mình làm" (Luca 23:34), cũng chỉ là tay sai (agent) mù quáng cho thần dữ tinh quái quỉ quyệt, và họ cũng chẳng khác gì như "cỏ lùng do kẻ thù" của Vị Thiên Chúa chủ ruộng để gieo vào cho đến mùa gặt cánh chung (xem Mathêu 13:28).

 

 

"Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha mình và máu, linh hồn và thiên tính của Con Con Chí Ái Cha là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con  để đền bù tội lỗi của chúng con và toàn thế giới! - Vì cuộc khổ nạn đau thương của Người, xin Cha thương đến chúng con và toàn thế giới!"


"Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!" -



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL