ƠN GỌI NHÂN BẢN

 

Dư âm ngày lễ tháng 5

Những  Niệm Khúc  của   MẸ

Phượng Vũ

“Chúng ta phải cố gắng để được lòng cha

Nhưng chúng ta không cần làm gì mà cũng được tình yêu của mẹ”

Robert Frest

 Những chương trình văn nghệ, những bửa tiệc, những giỏ hoa tươi, những gói quà, và những lời chúc nồng nàn đầm ấm dành cho Mẹ...đã qua rồi. Nhưng phía sau những tưng bừng rực rỡ của "sân khấu đời" với bao lời chúc, tiếng hát và những hình ảnh đẹp đẽ ấy là những dư âm gì? Xin mời các bạn cùng chia sẻ những niệm khúc của Mẹ:

Niệm khúc 1-  Bước chân vào hội trường “Mừng lễ Mẹ” được trang trí bằng những chùm bong bóng đủ màu sắc, bên cạnh những giỏ hoa tươi, nhìn lên phía trái sân khấu có tấm áp phích ghi lại câu danh ngôn, mẹ đọc mà sao thấy thật thấm thía:

“Chúng ta phải cố gắng để được lòng cha

Nhưng chúng ta không cần làm gì mà cũng được tình yêu của mẹ”

 Nhưng với kinh nghiệm sống của các bà mẹ VN, mẹ thấy câu nói ấy vẫn chưa diễn tả đầy đủ,  cần phải nói thêm rằng “dù con có đang tâm xé nát tim mẹ tới cỡ nào ( từ mẹ, chửi mẹ) nhưng bất cứ khi nào con cần tới mẹ (lúc con lâm nguy, khốn đốn, tù tội) Tình yêu mẹ lúc nào cũng mở rộng để chờ con, đón con, vì dù con có thế nào chăng nữa thì con mãi mãi vẫn là con của mẹ”

Mẹ nhớ ngày xưa con trai  là niềm tự hào của mẹ, vì con học giỏi, ngoan, được thầy yêu bạn quý! Nhưng không ngờ, thời gian ở nội trú đại học xa nhà, rồi ra trường đi làm. Ma lực đồng tiền và bạn bè xấu đã lôi kéo khiến con trượt dài trên con đường phạm pháp.  Lần đầu tiên nghe tin con bị cảnh sát bắt rồi phải vào tù, mẹ “rụng rời tay chân” tim muốn ngưng đập! Nhưng “giận thì giận, mà thương  vẫn thương", mẹ xuôi ngược tìm mọi cách để cứu con, dù phải tốn kém, vay mượn bao nhiêu mẹ cũng sẳn lòng chấp nhận, miễn là cứu con khỏi vòng tù tội! Hy vọng con sẽ “nhớ đời” mà từ bỏ con đường phạm pháp!

Nhưng Trời không chìu lòng người, một thời gian sau con lại “ngựa quen đường cũ”, mẹ đã hết lời khuyên can, nhưng con cứ cho rằng “tại con xui”, và yêu cầu mẹ đừng xía vào chuyện riêng của con, con lớn rồi! Ôi lòng mẹ lo lắng khi thấy nguy hiểm rình rập quanh con, làm sao mẹ đành lòng “làm ngơ” cho được ? Cuối cùng không thể cầm lòng được nên mẹ phải lên tiếng can ngăn, thì con nổi nóng nguyền rủa, miệt thị và chính thức tuyên bố từ mẹ, cấm mẹ không được bước chân tới nhà con (“no more room for you in my house ") Những lúc nỗi nóng,  con sẳn sàng “hào phóng”  ban phát những lời nói như những lát dao đâm thấu trái tim tan nát của mẹ ! Rồi con “từ” mẹ luôn ! con không liên lạc, không hỏi thăm, kể cả ngày lễ Mẹ cũng vậy ! Mẹ ĐT con không bắt phôn! Mẹ đau đớn  nhận ra rằng “con đến từ mẹ, nhưng nay con không thuộc về mẹ”…nhưng con ơi ! hãy nhớ bất cứ lúc nào con cần đến mẹ, con gọi mẹ, thì mẹ lại sẳn sàng mau mắn chạy đến với con! Mẹ hiểu thấu câu nói :"Tình yêu làm cho người ta điên dại, mù quáng", bạn bè mẹ khuyên can: "Thôi coi như không có nó", nhưng con là núm ruột của mẹ làm sao mẹ đành lòng làm ngơ khi con lâm vào hoàn cảnh khốn cùng cho đành hả con? Dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa, thì mẹ cũng sẽ luôn là người sát cánh bên con !.                                                                                                        Mẹ hồi tưởng lại ngày xưa con trai mẹ là học sinh, ngoan hiền, xuất sắc nhiều năm liền, được mọi người yêu quý. Rồi mẹ lại đau lòng thêm khi nhớ tới hình ảnh con tươi cười, hãnh diện trong lễ tốt nghiệp đại học vì con tốt nghiệp loại giỏi (honor). Nhưng con ơi! đối với mẹ "Thành công không bằng thành Nhân", bây giờ  với thành tích “vào tù ra khám”, ai cũng muốn xa lánh con, kể cả  anh em ruột và ngay cả ba con nữa, chỉ còn có mẹ là không nỡ bỏ con cho đành! Mẹ quặn lòng khi thấy anh em ruột trong nhà không nhìn mặt nhau, ai cũng có "cái lý" của mình, nhưng có ai biết đến "nỗi đau" trong tim nguời mẹ, khi con cái không vui vẻ thuận thảo với nhau??

Ngày xưa mỗi lần con đau ốm là mẹ bị khủng hoảng tinh thần, mất ăn, mất ngủ…vì lo lắng, lòng mẹ chỉ tạm yên khi thấy con an giấc...Giờ đây con lớn khôn rồi, mẹ lại tiếp tục bị khủng hoảng tinh thần mất ăn, mất ngủ cả đêm khi ngồi chầu chực ở trước nhà tù để chờ đợi “bail” con ra! rồi hồi họp chờ ngày con ra tòa.Sau này lại ngóng dài cổ chờ ngày con mãn tù, mệt mõi vì lo lắng cho  tương lai đầy đen tối của con! Những lúc kiên nhẫn chầu chực trước các nhà tù, mẹ mới có dịp tiếp xúc và thương cho các bà mẹ có con phạm pháp,  xì ke, ma túy theo băng đảng. Có những bà mẹ vô cùng đáng thương và tội nghiệp cứ liên miên xách giỏ đi thăm nuôi con từ nhà tù này, tới nhà tù khác, thậm chí bán nhà để lo cho con, vì không nỡ bỏ núm ruột của mình khi nó sa cơ. Đúng là :

“ Con đã lớn vẫn là con của mẹ

 Đi hết một đời lòng mẹ vẫn theo con"

 Con ơi!  giờ đây mẹ không còn dám mơ ước có niềm vui trong cuộc sống nữa mà chỉ xin đừng có thêm “tai họa” nào giáng xuống thêm! Con à, bao giờ thì con mới hiểu thấu nổi lòng của mẹ: "Bình an của con là bình an của mẹ, tai họa của con cũng chính là tai họa của mẹ" để con quyết tâm "đứng lên" rời bỏ con đường cũ! Mẹ biết con là đứa con sống tình cảm, nếu con còn chút tình thương đối với mẹ thục sự thì mẹ chỉ xin con cho mẹ được 2 chữ Binh An về cuối đời, đừng để mẹ nhọc nhằn lo lắng về con nữa. Đó là món quà quý nhất mà mẹ đang cần con tặng cho mẹ, con trai của mẹ ơi! Trên sân khấu giọng ca ai đó đang vang lên:

“Mẹ ngồi ru con, nước mắt nhọc nhằn, xót xa đời mình!

 khiến mẹ không cầm được giọt lệ xót đời mình mà thương cả phận con!

 Niệm khúc 2: Dư âm ngày lễ Mẹ đã qua rồi, bây giờ má mới được nghỉ ngơi. Tự dưng má ngồi nhớ lại đời mình : Trãi qua bao nhiêu , vất vả nắng mưa, ngược xuôi khổ cực để nuôi các con khôn lớn nên người nhất là thời sau 75 biết bao là gian nan, vất vả...  Rồi các con trưởng thành ra đời làm việc, có gia đình. Má nghĩ  giờ đây đã đến lúc mình được nghỉ ngơi, nhưng con theo chồng đi Mỹ, rồi tha thiết đề nghị bảo lãnh má sang Mỹ để chăm sóc các cháu cho con. Má vì thương con cháu nên nhận lời, trường hợp như má trong cộng đồng VN ở đây khá nhiều.Tưởng đâu sang Mỹ để "đổi đời" sống thoải mái hơn, dè đâu má phải “đầu tắt mặt tối” trong việc nấu ăn, chăm sóc nhà cửa và lo cho các cháu, không chỉ những lúc con đi làm vắng nhà mà cả lúc con ở nhà cũng vậy. Con cứ ngồi một chổ sai biểu đủ thứ! Có lúc con đi chơi về khuya, má đã ngủ rồi, con cũng réo gọi má dậy để nấu mì, nấu nui cho con ăn khuya! Những lúc cuối tuần  cả nhà chuẩn bị đi chơi, má tất bật tắm rửa thay đồ cho mấy đứa nhỏ, nhiều khi thay đồ cho chúng xong, con nhìn không ưng ý, lại bắt má phải đi kiếm thay bộ khác. Con trang điểm xong rồi, nhưng ngồi đó như một bà chủ, không hề phụ má một tay dù là đi kiếm đôi vớ, đôi giày cho ưng ý con để cho mấy đứa nhỏ mang. Má cứ quay "mòng mòng" vì các "lệnh" con đưa ra liên miên má theo không kịp!   Già rồi, tưởng qua Mỹ được hưởng nhàn! đâu biết bị “đổi đời” làm Ô sin lúc nào không hay ?” Việc nhà không tên, làm hoài không hết!  nhưng lỡ má có quên sót điều gì lại bị con mắng, con la: “Không biết má ở nhà cả ngày làm cái gì ? mà có chút xíu việc đó cũng không xong? Cũng quên là sao ? Rồi con luôn kể lể "công ơn"  : “Má  sướng như tiên, bao nhiêu người ao ước được qua Mỹ mà không được. Qua Mỹ con đâu để má thiếu thốn thứ gì? Đúng là số má sướng mà không biết  …” Nghe con nói má chợt nhớ tới lời má ru con năm xưa:

"Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay"

Thật là đắng cay khi nghe con kể lể "công ơn", vì thực ra má già rồi đâu cần qua Mỹ, ở Việt Nam má vẫn sống thoải mái, có nhà, có xe, có bạn bè đi chơi thoải mái, nhưng con nói con cần má để chăm sóc mấy đứa cháu ngoại, nên thương cháu má mới qua. Bây giờ thay vì con mang ơn má thì ngược lại má phải mang ơn con sao??. Bộ con cứ tưởng qua Mỹ là sướng sao? Đối với má ở đâu có tình thương ở đó mới là chốn người ta muốn tìm tới. Má tưởng qua đây sống gần con gái, gần cháu ngoại má sẽ vui hơn, ấm lòng hơn. Nhưng hình như xứ Mỹ đã biến đổi con gái má thành một con người khác, con chỉ lo chưng diện cho đẹp và thích đánh giá mọi thứ dựa trên vật chất Nếu vậy những người già không còn làm ra tiền nữa đều bị coi như "phế thãi" sao con? Có lẽ vì vậy mà con "coi thường" má, nên hay có thái độ "ban ơn" đối với má sao? Con ơi! con quên rằng người ta không chỉ sống bằng cơm áo  mà nhu cầu tinh thần cũng rất quan trọng! Nếu chỉ quẩn quanh trong nhà với nhiệm vụ Ô sin rồi có lúc bị mắng bị la , bị stress quá nhiều, rồi không được giao thiệp, không có bạn bè thì cuộc sống đó là  “cõi thiên đàng" đáng được ao ước  sao con ??

Trước ngày lễ Mẹ con tặng má 100$, má cám ơn con đã “hào phóng” với má. Tối đó con nhắc má " Ngày mai lễ Mẹ, má nhớ làm món gì ngon đặc biệt để cả nhà cùng thưởng thức cho vui!” Vậy là má phải "nặn óc" suy nghĩ xem phải làm những món đặc sản gì cho buổi trưa, và  buổi chiều ngày mai để cả nhà cùng thưởng thức như lời con đề nghị. Vậy là 100$ con tặng má vừa đủ chi phí đi chợ, cộng thêm sự tất bật, vất vả trong bếp cả ngày hôm đó của má để gia đình con có những món ăn ngon thưởng thức trong ngày lễ Mẹ!. Cuối ngày, sau khi dọn dẹp tươm tất, má mệt nhoài, ngồi nghĩ  “xả hơi”! Bây giờ “tôi nhìn tôi trên vách”ngồi ngẫm lại, má thấy mệt mỏi từ tinh thần đến thể xác! Buổi tối trước khi vợ chồng con đi chơi với bạn, thấy má ngồi có vẽ buồn, con hỏi : “Sao hôm nay ngày lễ Mẹ, má có vẽ không vui ?” Má  biết trả lời sao đây ? má không muốn phá hủy niềm vui của con trong ngày lễ Mẹ, nên cười gượng lắc đầu: "Không có gì!" Thôi thì đành nuốt nước mắt vào tim, để tiếp tục học chữ “Nhẫn” với hy vọng “Lui một bước, trời cao biển rộng”, nhưng có lẽ má sẽ chỉ thấy “trời cao biển rộng” khi tro của thân xác má được rãi ngoài biển cả mênh mông!

Niệm khúc 3  - Tôi tham gia chương trình "Friendly Visitor", nên đến thăm bà Sáu hằng tuần. Tôi đẩy bà  Sáu ngồi trên xe lăn ra cạnh cửa sổ để bà có dịp ngắm cảnh thiên nhiên bên ngoài. Một cơn gió thổi mạnh khiến những chiếc lá vàng vội vã lìa cành rơi lả tả, tôi ngạc nhiên khi nghe bà Sáu nói với giọng u buồn:

- Cô ơi, tôi uớc gì  được “ra đi” nhẹ nhàng như những chiếc lá kia!

- Bà ơi, bà có tâm sự buồn hả? Hãy kể cho con nghe đi!

Tôi mang ghế đến ngồi  cạnh và vòng tay ôm bà để bà cảm thấy được yêu thương.(Theo tâm lý trị liệu "Touching" là yếu tố quan trọng, tiếc là người VN chưa quen kiểu này. Khi 1 nguời đang sầu khổ, bị stress ( Please give them a big hug). Sự "đụng chạm" này giúp họ dịu cơn buồn khổ, đỡ cô đơn. (Sometimes, a hug is all what we need).Tôi nhớ đã đọc được bản tin về "Free hug", ai cô đơn sầu khổ hãy đến đây tôi sẽ "give you a free big hug" Thế giới văn minh càng cao, số nguời cô đơn, trầm cảm càng nhiều , có người suốt cả năm chưa hề được ai ôm 1 lần!(  lack of human contact) bởi vậy tin tức cho thấy có những nhà triệu phú mà vẫn tự tử là vậy! Tôi nhớ một lần đi thăm trẻ mồ côi ở Vĩnh Long, khi đến khu Nhi, chúng tôi phát bánh kẹo nhưng các bé không cầm mà đưa 2 tay ra đòi ôm, đòi bế. Ôm 1 bé rồi thì mấy bé chung quanh đang chơi bình thường trong nôi, thấy vậy cũng khóc đứng dậy đòi ôm. Thế là một lúc phải ôm 2,3 bé, sau khi được ôm rồi bé mới bắt đầu lấy bánh kẹo! Vậy mới biết nhu cầu được ôm ấp quan trọng hơn nhu cầu bánh kẹo, có điều các bé diễn tả nhu cầu đó một cách vô tư, khác với người lớn cần phải che dấu. Xả hội bây giờ dịch "vô cảm" đang tràn lan, nhưng làm ơn đừng "vô cảm" với Mẹ. Người già lại càng cần sự ôm ấp yêu thương của con cháu cho nên ai còn mẹ, nếu có cơ hội hãy ôm mẹ thật sát vào lòng, rồi nói với mẹ rằng "Mẹ ơi! con thương mẹ thiệt nhiều!" Đó là món quà làm mẹ cảm động và quý nhất, kẻo mai kia mẹ "đi xa" bạn lại ân hận tiếc nuối!

Đúng là “Có những niềm riêng làm sao ai biết?” Trước đây nhiều lần đến thăm, tôi thấy bà Sáu ở một mình. Sau này con gái bà từ tiểu bang khác, sau khi hưởng hết tiền thất nghiệp nhưng vẫn chưa tìm được việc nên tạm thời dọn về đây ở chung với má, để nhận công việc " In home service". Lần nào đến thăm tôi thấy má con đều vui vẻ chuyện trò và con gái bà lúc nào cũng ân cần lịch sự nên tôi mừng cho bà Sáu là người may mắn trong tuổi già! Tôi dự định ngưng chương trình thăm viếng “người neo đơn” đối với bà Sáu vì bà đâu còn là đối tượng “cô đơn, buồn khổ” cần có người thăm hỏi, chuyện trò, an ủi. Tôi sẽ nhận thăm người khác vì "danh sách chờ" của người VN khá dài, bởi số volunteer VN quá ít! Ở xứ Mỹ nhu cầu thiếu thốn vật chất thì ít ( tệ ra ai cũng có tiền già, tiền bịnh...) nhưng nhu cầu về tinh thần thì lại bị bỏ trống.Quá nhiều người cô đơn, sầu khổ, trong khi đó "tình thương" là món quà chúng ta có thể trao tặng mỗi ngày (Love is a gilf, you can give it every day) Đôi khi chỉ cần một nụ cười, một ánh mắt cảm thông hoặc một bàn tay chìa ra đỡ nâng dẫu chỉ là của người xa lạ cũng đủ làm cho ta ấm lòng, quên đi sầu muộn và tươi vui hơn trong cuộc sống Cộng đồng VN có tinh thần từ thiện rất cao, nhưng lại nghiêng về mặt vật chất, mà bỏ quên mặt tinh thần, trong khi thực ra cái dạng "từ thiện tinh thần" này lại cần thiết và quan trọng hơn.  

 Bà Sáu cầm tay tôi rồi nói:

- Mỗi lần cô đến thăm tôi mừng lắm, có nhiều chuyện muốn kể cô nghe cho vơi bớt nỗi buồn, nhưng ngặt nỗi con Tư nó có mặt, làm sao tôi dám nói?

Bởi vây trong đời có rất nhiều cảnh : “Ngó vậy mà không phải vậy!” Hôm nay chị Tư, con gái má đi vắng, má mới có dịp bộc lộ tâm tình sâu kín với "những niềm riêng làm tim thổn thức " Nhìn hai hàng lệ ứa ra từ đôi mắt già nua nhăn nheo mà thấy mủi lòng. Tâm sự u uất của má với con gái được giải bày vì bây giờ mới có người lắng nghe:

"Mỗi đêm trước khi đi ngủ má đều niệm Phật cầu khấn : “Phật ơi! cho con ngủ đêm nay và ngày mai đừng thức dậy nữa!” Má biết bây giờ má đã trên 80 tuổi và là người già vô dụng, không phải như ngày xưa ở Saigon má buôn bán tháo vát giỏi giang, một tay tạo dựng sự nghiệp, nuôi cả bầy con nên người thành đạt, bây giờ mỗi đứa tứ tán mỗi nơi. Má bây giờ già yếu bệnh tật, phải nhờ tới sự chăm sóc giúp đỡ của con! Má ngại làm phiền con, nên luôn cố gắng tự lo cho mình, khi nào cần lắm, má mới nhờ tới con. Vì mỗi lần như vậy con lại có dịp để mắng nhiếc má rồi nhắc lại chuyện hồi xưa : Lúc con còn trẻ hay bị má la rầy hoài vì thấy con ham vui đua đòi theo bạn bè, rồi lo chơi bời đàn đúm quên chuyện học hành. Má đau lòng khi cứ nghe con đay nghiến nhắc lại chuyện cũ hoài. Đến mức chịu hết xiết, má phải xin lỗi con rồi nói: "Con ơi! làm ơn bỏ qua cho má, nếu má có tội thì để Trời Phật sẽ trừng phạt má sau này. Còn bây giờ má không biết sống được bao lâu nữa, xin con cho má 2 chữ bình an vào những ngày cuối đời!". Nhưng con không đồng ý và cho rằng:

“Coi má già vậy chứ cũng còn khỏe, sống dai lắm còn lâu mới chết!”

Ôi, lời con nói như những lát dao rạch nát trái tim má, hình như con đã quên mất lời Phật dạy : “Bất hiếu là tội lỗi lớn nhất đời người!” nên má cứ cầu mong chết sớm ngày nào khỏe ngày đó! Ai mong sống thọ chứ má thấy sống bây giờ là cái nghiệp phải trả. "Phật ơi!  bao giờ nghiệp của con mới trả xong đây?” Đối với má chết đi  đâu có gì tiếc nuối, chỉ cầu sao cho được chết thật nhanh, không đau đớn, đó là nguyện vọng duy nhất còn lại của má.

Nhìn bình hoa tươi thật to với hàng chữ "Happy Mother's Day" trên bàn phòng khách, tôi bỗng thấy  như một sự mỉa mai với tâm sự não lòng của má Sáu. Các bạn làm con ơi! xin nhớ chỉ nói lời yêu thương với mẹ, vì trái tim người mẹ rất mỏng manh, rất nhạy cảm dù có khi đã "bao bọc" cẩn thận vẫn dễ bị "tan nát" tủi hờn  với những thái độ, lời nói nặng và vô ý thức của các con. Bạn nhớ thận trọng trong từng thái độ, lời nói hằng ngày với mẹ, kẻo đôi khi thái độ, lời nói vô tâm, vô tình của bạn lại trở thành mũi gươm xuyên suốt lòng mẹ và nỗi đau đó sẽ ở lại lâu dài.

 Về phương diện vật chất bà Sáu ở trong khu apartment thuộc loại mới, khá sang trọng, nằm cạnh khu Phước Lộc Thọ, những tiện nghi trong phòng đều đầy đủ, con bà có người làm bác sĩ, kỷ sư ...nhưng ở rất xa.  Cho nên vật chất không phải là yếu tố tiên quyết để làm nên hạnh phúc cho con người mà điều cơ bản của cuộc sống chính là "Tình Yêu Thương" mới làm cho cuộc sống đẹp hơn, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Thực ra điều cha mẹ cần chính là sự quan tâm thương yêu và cư xử tôn trọng của các con, chứ không phải là tiệc, là tiền, là quà, là những bình hoa sang trọng nhưng thiếu cái tình bên trong! Đôi khi chỉ một lần con nhớ mẹ về thăm, được nắm tay con, được nghe con nói, cười ... cũng đủ làm lòng mẹ vui rồi nên: “Hãy về bên Mẹ khi bạn còn có thể”. Đôi khi một cử chỉ ân cần săn sóc, một lời nói dịu ngọt lễ độ thương yêu cũng đủ làm mẹ ấm lòng  biết bao! Vì tuổi càng cao đời sống tinh thần càng quan trọng, được quý trọng, được đắm mình trong những tình cảm chân thành của con cháu chính là niềm vui lớn của các bậc làm cha mẹ lúc tuổi già ! Hỡi những ai còn có Mẹ trong đời, hãy làm ơn nhớ dùm:

"  Mẹ là người "đẹp" nhất

Thời gian ơi xin đừng làm tổn thương Người"

                                                                                  Ghi lại theo lời tâm sự của các bà mẹ

 

                                                                                                                       Phượng