ƠN GỌI NHÂN BẢN

 

Viết nhân ngày lễ cha 21/6/2015:

Ba  mãi    điểm  tựa cần thiết đời  con

( Phần 1)

Phượng 

"Con viết cho ba không vì trả nghĩa
con biết ba chẳng cần!
Con viết cho ba từ thôi thúc lòng mình
từ kính yêu và nể trọng."

Từ lúc tôi có trí khôn, ba luôn hiện ra với hình ảnh một người cha nghiêm khắc. Mỗi lần má nói gì mà chị em tôi không chịu nghe lời, má chỉ cần nói: "Về méc ba!" là chị em tôi răm rắp nghe lời ngay. Sau này lớn lên tôi mới nhận ra, bên trong cái "võ bọc" nghiêm khắc là một tình thương con vô bờ "ba thương con nhưng ba không nói".

"Ơn cha như Thái Sơn cao bao từng
Ngoài tuy cương quyết, mà lòng thương mến "

Năm tôi đủ tuổi vô lớp 1, ba dặn má thay cho tôi áo đầm mới, rồi tự tay dẫn tôi tới trường tiếu học gần nhà xin nhập học. Ai dè ông Hiệu trưởng vừa nhìn thấy tôi đã chê liền:

- Bé có chút xíu mà bắt đi học nổi gì!

- Nhưng thưa ông hiệu trưởng, cháu đã đủ tuổi đến trường rồi!

Nói xong ba tôi đưa cho ông HT xem giấy khai sinh, đọc xong ông nói:

- Đúng là cháu đã đúng năm, nhưng bé sinh cuối tháng 12, thành thử coi như  bé bị oan 1 tuổi. Hơn nữa bé nhỏ con quá, đi học sẽ bị bạn bè ăn hiếp, tội nghiệp! Đem bé về nuôi, sang năm lớn thêm chút nửa, đi học mới được.

Tôi nghe nói vậy thì mừng rơn trong bụng "nhỏ con" cũng có lợi quá chứ! Vậy là tôi được thêm 1 năm rong chơi không phải đi học, nhưng ba tôi thì buồn ra mặt. Ba muốn nài nỉ ông HT cho tôi vô học, nhưng sợ con gái bị bạn bè "ăn hiếp" nên thôi. Ba đưa tôi về mà lòng đầy tiếc nuối:

- Tiếc quá, con bị mất 1 năm học rồi! Kỳ này về con phải nhớ ăn thêm mỗi bửa 1 chén cơm cho mau lớn mà đi học với người ta.

Sau này càng lớn lên tôi mới biết ba rất quý trọng sự học của các con, đó có lẽ cũng là đặc trưng của tất cả cha mẹ Việt Nam. Việc học của các con luôn là ưu tiên hàng đầu của ba. Bất cứ việc gì chỉ cần nêu lý do vì việc học là ba  đồng ý liền.

Năm tôi thi vô Gia Long, ba dặn dò tôi đủ điều: "Gia Long là trường nổi tiếng, lớn nhất Saigon, thi đậu vô rất khó, nên con phải rán hết sức nghen con...!" Tôi ngoan ngoản gật đầu:"Dạ". Nhưng khi làm bài thi xong, dò lại rồi, không biết làm gì, tôi bèn lên nộp bài rồi đi ra. Thấy tôi chạy ra cổng, ba tôi vội tới đón:

- Con làm bài được không? Sao còn 30' nữa con ra sớm làm gì? Khổ quá ba đã dặn con rồi, cứ ngồi yên trong đó, dò tới dò lui cho chắc ăn.

- Con làm bài được, con cũng dò lại rồi ba à!

Ba chở tôi về mà lòng không an tâm vì vụ ra sớm 30' của tôi. Mãi sau này khi nhận được kết quả thi tuyển, tôi không những đậu mà còn đậu cao được lãnh học bổng toàn phần, ba mới hài lòng vui vẻ xoa đầu tôi và khen:

- Con gái ba giỏi, thông minh!

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là ba yên tâm, không theo dõi sát vụ học hành của con. Hồi còn học tiểu học thì mỗi ngày ba kiểm tra bài, rồi kèm học thêm, nhưng lên trung học rồi, ba chỉ nhắc nhở thôi. Nhà tôi có căn gác phía sau, ba dành làm chỗ học và ngủ của  2 chị em tôi. Tối nào ba cũng lên kiểm tra coi chị em tôi học hành ra sao? Mỗi lần ba lên kiểm tra thì đều thấy chị tôi vẫn chong đèn ngồi học, còn tôi thì đã chui vô mùng ngủ tự lúc nào. Ba phải vén mùng lôi chân tôi ra :

- Sao con ngủ sớm vậy? phải lo thức học bài chứ.

- Nhưng con học xong hết rồi mà ba!

- Học gì mà lẹ vậy? chị con còn thức học, mà con thì lúc nào cũng lo ngủ là sao?

Tôi ấm ức, nhưng đành phải nghe lời ba, ngồi vô bàn cầm sách giả bộ học cho ba yên lòng. Đợi 15' nhìn xuống dưới nhà thấy tắt đèn biết ba đi ngủ rồi. Tôi rón rén xếp sách lại, chui vô mùng ngủ tiếp. Mãi đến cuối năm khi tôi được lãnh phần thưởng, thấy ba vui mừng hớn hở như là chính ba được lãnh phần thưởng chứ không phải tôi. Tôi bèn lợi dụng thời cơ thủ thỉ nói với ba:

- Ba ơi! ba thấy con học được lãnh thưởng,  nên ba phải tin là con tự học được nha! Từ nay ba đừng theo canh chừng bắt ép con học nữa nhen ba!

Ba đành gật đầu và dặn:

- Ừ ba tin con, nhưng con phải nhớ học giỏi nghen!

Tôi sung sướng gật đầu: " Dạ, con biết rồi ba."

Từ đó, mỗi tối tôi không còn bị ba lôi chân ra khỏi mùng để bắt ngồi học nữa. Không biết tôi giống tính ai, có lẽ tôi ảnh hưởng tính cách của người dân phương Nam, nhìn nhận đời sống nhẹ nhàng, thoải mái, không thích hơn thua. Khi làm bài thi tôi hay nhẩm trong đầu tính điểm, thấy dư điểm đậu (đủ xài),  sau này tôi trừ hao thêm (cho ba) ít điểm cho "dư sức qua cầu". Xong rồi  phần còn lại tôi làm bài thoải mái "đúng thì tốt, mà trật cũng không sao!" vì cái tính này mà tôi bị ba la hoài! Ba thì hay "ky cóp" tính từng điểm, tôi thì lại không hề "ham" điểm bao giờ. Đó là điều 2 cha con không giống nhau! Ngoài ra còn 1 điểm không giống nữa là ba tôi cao, má cũng cao, mà sao tôi lại nhỏ con? Đôi khi tôi tự hỏi: "Ủa, tôi giống ai vậy ta?" thắc mắc hỏi má, má cười: "chắc giống "ông hàng xóm?", tôi nghe mà ấm ức hoài. Nhớ lại có một lần hồi còn nhỏ tôi bịnh gì không biết mà ba phải chở tôi qua bên kia cầu chữ Y để gặp ông lang hốt thuốc. Trên đường về đi ngang một cái chợ "chồm hổm"có nhiều ổ gà,"tưng" một cái, tôi vừa nhỏ, vừa nhẹ rớt xuống đất mà ba không biết cứ mãi miết đạp xe. Mấy bà bán hàng kêu réo, nhưng chắc lúc đó ba mãi suy nghĩ lo âu cho bệnh của tôi nên không để ý. Tôi thút thít khóc vì vừa đau, vừa sợ bỗng dưng bị rớt giữa đường giữa những người xa lạ. May là mấy bà bán hàng tử tế an ủi: "Nín đi, lát nữa thế nào ba cũng quay lại kiếm con". Đúng vậy, khoảng 10' sau, ba hớt hải quay lại dáo dác kiếm con, thấy tôi, ba mừng quá:"Con có sao không? sao rớt hồi nào mà không kêu ba?" Mấy bà bán hàng lanh miệng trả lời dùm: "Kêu quá trời mà ông đâu có nghe!".Từ lần đó trở đi, khi chở tôi đi đâu ba đều bắt tôi  phải ôm ba thật chặt, kẻo rớt mất con gái cưng nhỏ bé của ba.

Tôi nhớ lại khi lớn lên một chút, nhìn thấy mấy bạn hàng xóm biết đi xe đạp, tôi về nhà đòi ba tập cho tôi đi xe đạp. Thời đó có mấy tiệm cho mướn xe đạp theo giờ, nên không cần phải mua xe. Mỗi chiều ba đi làm về, ba dẫn tôi ra sân trường gần nhà để tập cho tôi. Lúc nào ba cũng phải giữ tay lái cho chặt thì tôi yên tâm đạp ngon lành, rồi dần dần ba giữ sau yên xe, khi nào ba thử buông ra là tôi sợ, đạp lạng quạng rồi lảo đảo muốn té. Sau đó mỗi lần lên xe là tôi phải nhắc "Ba đừng buông con ra nha!" Ba gật đầu:  "Ừ, lúc nào ba cũng chạy bên cạnh con đây".  Nhưng ba dạy tôi là phải tự tin, đừng sợ thì mới đạp xe một mình được . "Con yên tâm, ba luôn bên cạnh, đừng sợ, con sắp té là có ba đỡ con liền." Nhờ vào sự tin tưởng ba luôn bên cạnh nên tôi an tâm tự tin và mạnh dạn từ từ đạp xe được một mình. Có lẽ cuộc đời tôi sau này cũng vậy , ba luôn là người "chạy bên cạnh" để đỡ nâng tinh thần giúp tôi yên tâm trên đường đời gập ghềnh. Tôi cũng luôn nhớ lời ba dạy "phải tự tin, đừng sợ" để làm hành trang vững vàng đi vào cuộc sống độc lập của riêng mình.

Theo năm tháng tôi lớn lên vô tư hồn nhiên trong sự ân cần chăm sóc của ba, chưa hề biết buồn, biết nhớ nhung là gì? Cho đến 1 hôm khi đi ngủ tôi bỗng thấy bất an, trằn trọc không ngủ được, hình như có cái gì đó thiếu vắng trong căn nhà này? À! tôi chợt nhớ ra sáng nay ba đi theo chú A lên Ban mê Thuộc coi vụ làm ăn gì đó trên đồn điền cà phê từ sáng sớm khi tôi đang ngủ. Tôi thức dậy, ăn sáng, rồi đi học, vui chơi với bạn bè như không có gì xảy ra. Nhưng giờ đây trong không gian yên tỉnh của đêm tối, trái tim non nớt nhỏ bé của tôi lần đầu tiên thấy xao xuyến với một cảm xúc khó tả. Tôi thầm gọi :"Ba ơi! con nhớ ba quá!" rồi nước mắt ứa mi!  Ba đi tới 3,4 ngày mới về, con cầu nguyện cho ba đi bình an, rồi mau về với con nha ba. Hình như sự vắng mặt của ba mới làm tôi ý thức được rằng: tôi thương ba biết là bao nhiêu!. May quá sau lần đó, ba không bao giờ đi xa nhà nữa. Sau này thỉnh thoảng ba vẫn nhắc tôi nhớ ăn cơm nhiều cho mau lớn, ( trong khi bây giờ ở Mỹ đa số các bà đều "kiêng ăn cơm") kẻo nhỏ con quá bị bạn bè ăn hiếp, chắc ba lại nhớ lời ông hiệu trưởng năm xưa. Không biết có phải vì sự quan tâm nhắc nhở đó của ba, mà tôi ăn cơm nhiều và mau lớn hơn chăng?

 Năm lên đệ tam, tôi bỗng nhiên "nhổ giò" trổ mã cao lên hẳn chỉ sau mấy tháng hè, làm bạn bè lâu không gặp, vô cùng ngạc nhiên:

- Nhỏ này uống thuốc tiên hả, sao mau lớn quá vậy ? Nhìn không ra, bây giờ nhỏ có chiều cao lý tưởng mà đám con gái tụi tao luôn mơ ước à nhen!

 - Đâu có uống thuốc gì! Tại tui giống "gien" của ba tui nên mới cao!

Như vậy là thắc mắc năm xưa đã có câu trả lời: Ba ơi, con đúng là con gái ba thiệt rồi, con giống ba chứ đâu giống "ông hàng xóm" như má nói! Ba tôi có lẽ giống những người cha Việt Nam khác: ít nói và kiệm lời khen. Hằng năm hay có bảo lụt miền trung, tôi theo ban xả hội của trường GL đi lên bộ xả hội phân loại quần áo: đàn ông, đàn bà, con nít...rồi theo nhóm Thanh sinh công  ôm thùng đi từng nhà xin tiền, xin quần áo cũ về để giúp đồng bào  bảo lụt miền trung. Không hiểu sao tôi luôn tìm thấy niềm vui trong những công tác từ thiện này. Có khi tôi đi liên tiếp 3,4 ngày, má nói: "Lo đi hoài, không chịu lo học ba biết thế nào cũng bị rầy!" nên tôi luôn canh giờ về nhà trước khi ba về. Một hôm vì công việc nhiều quá, tôi về trễ thấy ba đã ngồi trong nhà, tôi dắt xe vô nhà rồi len lén tính dông ra phía sau. Ai dè ba thấy gọi lại, tôi líu ríu tới gần, khoanh tay cúi đầu đợi nghe ba rầy, nhưng ba ôn tồn nói:

- Con biết cảm thông và giúp đỡ những người khốn khổ hơn mình là tốt, nhưng nhớ là không được bỏ bê việc học hành.

Tôi mừng hết lớn "dạ" 1 tiếng thiệt to, rồi chạy lẹ ra phía sau. Hú vía! tưởng bị rầy, nhưng như vậy là ba khen việc tôi làm từ thiện là "tốt". Cám ơn ba đã "đồng cảm" với con. Tôi thấy ba cũng hay gom góp quần áo cũ trong nhà với ít tiền rồi đạp xe đi thiệt  xa, xuống tận Tân Sơn Nhì để giúp những người đồng hương nghèo

Năm lên đệ nhị ba hứa nếu đậu tú tài 1 điểm cao, ( chắc ba sợ tôi làm bài thi thấy điểm "đủ xài" không thèm kiếm điểm thêm!) ba sẽ mua thưởng Velo solex để đi học năm đệ nhất. Và ba đã giữ lời, cám ơn ba yêu! Thời đó con gái mặc áo dài đi học bằng Velo Solex là "oách" nhất, vì nó vừa nhanh, vừa lịch sự lại trang nhã làm sao. Hình ảnh cô nữ sinh ngồi Velo solex đến trường vẫn là hình ảnh kỷ niệm đẹp đáng yêu thời đi học đệ nhất Gia Long của tôi.

Ba luôn khuyến khích và động viên con cái học hành giỏi giang, vì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đời của ba, Vậy mà sau khi đậu tú tài 2, tôi đủ tiêu chuẩn nhận học bổng du học Nhật, nhưng ba không đồng ý cho đi. Tôi vốn ham thích du lịch từ nhỏ, thích khám phá những chân trời mới và được du học là cơ hội tốt nhất để mở rộng kiến thức, mở rộng tầm nhìn nên tôi nài nỉ:

- Ba ơi, cho con đi du học Nhật nghen ba.

- Không được con à, làm sao ba có thể yên tâm khi để con gái ba "một thân, một mình" nơi xứ lạ quê người, rồi thời gian học kéo dài 4,5 năm lỡ con yêu rồi lấy chồng ngoại quốc thì ba mất luôn con gái sao? Ở Saigon học đại học cũng được rồi con à! Con không thương ba sao mà đòi đi hoài vậy?

Ba nói tới đây thì tôi chịu thua, phải nghe lời ba thôi! vì tôi thương ba nhất trên đời. Ba luôn là điểm tựa của đời tôi. Khi tôi lên đại học ba nói: "Bây giờ con đủ trưởng thành rồi, ba tin con đã biết suy nghĩ để quyết định mọi chuyện cho đời con. Ba chỉ nhắc nhỡ con sống sao cho đúng con nhà gia giáo, nề nếp, dù "giấy rách phải giữ lấy lề", làm gì cũng phải nhớ tới người khác, luôn lấy nhân nghĩa làm đầu." Những lời dặn dò của ba luôn là "kim chỉ nam" cho cuộc sống tôi sau này.  Từ bây giờ tôi sẽ được tự do quyết định chọn học ngành nào mình thích. Tôi chọn học Triết ( Văn khoa) vì qua triết tôi tìm được nhiều điều rất thú vị, hay  vì người tôi ái mộ nhiều nhất lúc đó là "dân triết học"? Sau khi đậu dự bị Triết, bạn bè rủ tôi thi vô Đại Học Sư Phạm, khi nghe tin tôi đậu vô ĐHSP ba rất hài lòng vì ba quan niệm: "Con gái Việt Nam chỉ có nghề dạy học là phù hợp nhất. Sau này có gia đình tuy ra ngoài xả hội đi làm, nhưng vẫn có giờ chăm sóc, phục vụ chồng con, lại biết cách giáo dục con cái cho tốt.Phụ nữ Việt Nam phải lấy gia đình làm gốc con à!".

 Về phương diện bạn bè, ba cũng để tôi tự do chọn lựa, ngay cả việc hôn nhân cũng vậy.Tôi thấy thời bây giờ nhiều cha mẹ còn ép con học ngành nghề minh muốn (ở O.C. cách đây mấy năm đã có 1 án mạng đáng tiếc, mẹ ép con trai học  Y khoa trong khi anh không muốn và không thích...rồi xảy ra cải vả giữa 2 mẹ con, trong lúc nóng giận anh đã bóp cổ để mẹ khỏi nói nhiều,  nhưng vì quá tay, mẹ đã chết mà anh không biết!) Ngoài ra cha mẹ cũng hay phản đối quyết liệt chuyện hôn nhân của con khi không đúng ý mình. (những lá thư kêu cứu của các con thường thấy  xuất hiện trong các mục tâm tình trên các báo). Như vậy so với thời đó tôi thấy ba tôi quả là "rất tiến bộ". Ba đã cho tôi một món quà quý giá nhất trên đời:"luôn luôn tin tưởng ở tôi". Cám ơn ba đã cho con gái một thời tuổi trẻ thoải mái, có thể quyết định và tự chịu trách nhiệm mọi chuyện quan trọng cho cuộc đời mình ngay cả việc "cưới xin"... Ngày đám hỏi của tôi cả nhà đều cực, vì theo tục lệ V.N, đám hỏi nhà gái phải lo hết mọi chuyện từ A-Z, từ việc trang hoàng nhà cửa, mượn bàn ghế, xếp đặt chỗ ngồi cho tới việc dọn tiệc, dẹp tiệc rồi đi trả bàn ghế...Tôi nghĩ ba là người cực nhất, nhưng buổi tối sau khi mọi người về hết, ba nóí với tôi:

- Bữa nay ai cũng cực hết, nhưng người cực nhất là T ( người đầu tiên đến sớm nhất và là người về sau cùng).T còn trẻ, khỏe xốc vác nên đảm đương mọi chuyện. Con phải gặp T cám ơn tử tế đàng hoàng mới được. Ba chưa từng thấy người thanh niên nào tốt và cư xử cao thượng như T.

Tôi nghe ba nói tới chữ "cao thượng" mà giật mình, thì ra tuy không xen vào những quyết định của tôi, nhưng ba vẫn âm thầm lặng lẽ quan sát và biết hết những chuyện chung quanh tôi. Anh T quen tôi từ khi còn học GL, nhưng tính anh người miền nam hiền lành chân thật và ít nói. Anh luôn ân cần chăm sóc và bảo vệ tôi mọi lúc, nhưng không hề nói gì hết...nên tôi vô tư đón nhận như sự chăm sóc của 1 người anh trai ( vì tôi không có anh). Sau này khi trãi qua những thăng trầm của cuộc sống tôi mới nhận ra những tình yêu thầm lặng là những tình yêu chân thật "cho đi tuyệt đối mà không hề đòi lại chút xíu nào". Ngày ấy tôi còn ngây thơ, chưa thể nhận ra được những tình cảm dấu kín phía sau những ân cần. Giá như ngày đó anh T:

"Đừng giấu em
Anh có một trái tim biết khóc
Một trái tim khao khát vỗ về..."

Nhưng thôi, có lẽ mỗi người đều có một số phận đã an bài. Biết đâu đó cũng là điều may, vì người ta thường nói:"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở". Ba ơi! có những lúc con vô tâm, cám ơn ba đã có cái nhìn tinh tế để nhắc nhở con phải cư xử thế nào cho đúng! Ba đúng là "điểm tựa cần thiết" của đời con mọi lúc, mọi nơi.Ba là phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống của con 

Phượng 

 

Ba  mãi    điểm  tựa cần thiết đời  con

( Phần 2)

Phượng 

"Ba là bóng mát giữa trời,
Ba là điểm tựa bên đời của con."

Biến cố 30/4 đã như đưa tôi từ đỉnh cao xuống vực sâu, sau khi bị cướp sạch sẽ trên đường di tản về Saigon, tôi đã thực sự trở thành "vô sản" chân chính. Tôi bắt đầu một "cuộc sống mới" trong "xã hội mới" (XHCN) với 2 bàn tay trắng để gánh vác cả gia đình nhỏ của mình (nuôi chồng trong tù cải tạo và nuôi con thơ) trên đôi vai mỏng manh. Ba luôn là người "đồng hành" với tôi trong những tháng ngày hoang mang tột cùng, đau khổ tột đỉnh để tôi đủ sức đứng vững trên đôi chân mà bươn chãi trong cuộc đời "đổi trắng thay đen" nhiều chông gai, nhiều cạm bẩy để làm tròn "trách nhiệm mới" với gia đình nhỏ của mình. Ngoài giờ đến trường, thời gian còn lại tôi phải lăn lóc giữa chợ đời mà tôi gần như chưa có kinh nghiệm gì, vì nó hoàn toàn đối lập với cuộc sống êm đềm trước kia của tôi. Do đó thành công thì ít mà thất bại thì nhiều và ba luôn là người nâng đở tôi, là điểm tựa để tôi tựa vào lấy sức rồi đứng lên đi tiếp. Ba ở nhà trông con cho tôi ( sau 30/4, ba bị mất việc luôn), mỗi tối khi tôi về nhà sau 1 ngày "truân chuyên", ba chỉ cần nhìn nét mặt tôi là ba biết ngày đó tôi buồn hay vui? Ba giống như "người bạn thân" hiểu tôi một cách thấu đáo.Tôi luôn thấy thấp thoáng ánh mắt ba lặng thầm sáng lên niềm vui khi ngày đó tôi may mắn nhưng thường "buồn thì nhiều, vui chẳng có bao nhiêu!" Những lúc thấy tôi buồn, ba luôn ân cần hỏi han để tôi có dịp kể lể nổi niềm đắng cay, rồi sau đó tôi nghe ba thở dài nảo nuột!, chắc lòng ba cũng tan nát vì thương con gái gian nan. Sau thấy ba già rồi mà cứ buồn sầu từng ngày theo "chuyến xe đời gian khổ" của tôi hoài coi bộ không ổn. Tôi bèn học cách "giấu nổi buồn" của mình, buổi tối khi ngồi ở góc hè phố hay bên lề đường chờ chuyến xe bus cuối cùng để về nhà tôi phải "tự ru" mình qua việc nhớ lại đoạn đời êm ả trước kia: "Tôi đi dạy bằng cyclo tháng, tôi đưa thời khóa biểu cho bác cyclo. Sáng nào tôi đi dạy, sau khi ăn sáng (có người giúp việc chuẩn bị sẳn), thay áo dài, xách cặp ra cửa thì đã có cyclo chờ sẳn đưa tôi đến trường.Hết giờ dạy, đã có cyclo chờ sẳn ở cổng trường đưa về nhà. Về nhà thì cơm nóng, thức ăn ngon đúng ý đã chờ sẳn...". Giấc mơ về quá khứ này giúp tôi thư giản, nên khi về nhà chắc nhìn khuôn mặt tôi có vẻ êm đềm, ba vui vẻ hỏi: "Mọi chuyện hôm nay tốt hả con?" - "Dạ, ba!". Tối nào gió thổi nhiều, lạnh lẽo nhìn chiếc áo đang mặc mỏng tang rách vá lưng, vá vai, tôi hồi tưởng lại "Ngày xưa tôi có cả tủ lớn áo dài đẹp, mặc hoài không hết, mấy em nữ sinh mê cô giáo mặc áo dài đẹp đếm áo dài riết không xuể...". Cứ như thế mỗi tối tôi lại có một "giấc mơ xưa" khác nhau, nó giúp tôi tạm quên đi nổi buồn thực tại và giúp ba cũng đở âu lo về tôi...

Thời gian này gia đình ba má tôi cũng khổ không kém, gần 30/4 cái "chết mất xác" của em trai tôi là một cú sốc quá lớn nên cả nhà như rơi vào cơn mê muội. không thiết làm bất cứ điều gì...ngay cả việc theo giấy mời của đơn vị em tôi đi lãnh tiền tử. Đến khi tỉnh lại thì mọi sự đã muộn màng, tiền tử trận của em tôi không lãnh được mà ngay cả tiền trong nhà băng, tiền công khố phiếu cũng không rút ra kịp, rồi thời buổi xáo trộn má tôi bị giật hụi tùm lum...nên cuộc sống cũng tràn đầy khó khăn, không ai giúp đở được ai. Má tôi hằng ngày cũng bắt đầu phải bươn chãi ra chợ mua bán để kiếm tiền chi tiêu trong nhà và khi cuộc sống quá nhiều cực khổ khó khăn, người ta dễ bực mình, dễ cắn đắng nhau. Mỗi lần buôn bán ế ẩm, má thường hay cắn đắng với tôi đủ chuyện. Tình cảm con người hình như rất mỏng manh, không bền chắc, và rất dễ gãy đổ, từ tình vợ chồng, mẹ con hay anh em, và nghèo đói là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tình cảm. Tôi không trách má, vì tôi biết má cũng quá khổ nên tôi phải nuốt nước mắt vào trong, dằn lòng để nhẫn nhịn. Nhưng ba rất tinh ý ba biết, ba hỏi han tôi rồi rầy má, làm tôi sợ không dám tâm sự với ba nữa.Tôi chỉ còn biết lao đầu vào công việc triền miên để quên đi những niềm đau phải giấu kín trong lòng.

Sau thời gian mong ngóng chồng được thả về trước khi sinh con đã hoàn toàn trở nên vô vọng, tôi sinh con trong lẻ loi. May mà có ba mỗi ngày vẫn đạp xe vô bịnh viện phụ sản thăm con, thăm cháu, nếu không tôi sẽ tủi thân biết là chừng nào khi nhìn các sản phụ chung quanh lúc nào cũng tấp nập người thăm viếng. Khi tôi sinh con được hơn 1 tháng thì nhận được giấy họ gửi về cho địa chỉ để đi gửi quà qua bưu điện cho thân nhân cải tạo. Tôi lo mua quà gói lại cẩn thận sẳn sàng, sáng sớm ngày đi gửi quà tôi lo thức thật sớm cho con bú no rồi pha thêm 1 bình sửa để sẳn phòng hờ. Trước khi đi, tôi chạy lên lầu định dặn khi nào nghe em bé khóc thì nhờ ai chạy xuống coi dùm, tôi gặp ba trên lầu đi xuống quần áo chỉnh tề. Tôi ngạc nhiên vội hỏi

-  Ba đi đâu sớm vậy?

- Ba đi gửi quà cho chồng con, con mới sinh không được ra sương sớm, nhiễm lạnh rồi về bịnh. Ở nhà lo cho em bé, để ba đi cho.

 Nói xong ba dành lấy gói quà trên tay tôi, rồi dắt xe đạp ra đi khi ngoài trời vẫn còn mờ sương và giá lạnh. Tôi ngồi xuống bậc thang, nhìn ba khuất sau cánh cửa mà lòng bồi hồi tự hỏi :"Ba ơi! Sao ba lúc nào cũng tự nguyện lo cho con hết vậy? Một niềm thương ba, cảm phục ba dâng lên tràn ngập hồn tôi. Tôi cảm nhận: "Tình Cha ấm áp như vầng Thái Dương". Ba thương con gái rồi thương luôn con rể, thỉnh thoảng ba lại tắc lưỡi :"Tội nghiệp, không biết bây giờ nó ra sao? tù tội chắc là khổ và đói rét lắm"

Thời gian sau 75, nhiều người miền Bắc vô Nam nhận họ hàng, nhà tôi cũng được mấy chú bộ đội ghé thăm nhận cháu họ, nghe ba tôi kể có chàng rể di học tập cải tạo, mấy chú bộ đội bèn hứa sẽ dẫn đi thăm nuôi và có khi còn bảo lảnh cho về. Nghe vậy ba tôi mừng quá hối tôi lo mua đồ để đi thăm nuôi chất 1 giỏ đầy. Tôi định không cho ba đi, vì ba bị trợt chân té gẩy xương phải bó bột, mới tháo ra chưa lành hẳn, bây giờ còn phải đi "cà nhắc", nhưng ba kiên quyết đòi đi cho được: "Tội nghiệp, có cơ hội thì phải rán lo đi thăm tiếp tế cho nó ít quà để nó mừng con à!". Thế là ba tôi lên đường đi Tây Ninh theo mấy chú bộ đội để tìm thăm rể.

 Khi trở về nhìn mặt ba sạm đen, tôi ngạc nhiên:

- Sao con nhớ đã đưa nón cho ba đem theo mà ba lại quên đội để nắng cháy sém da mặt đen thui hết rồi!

- Đâu phải ba quên đội nón, nó dắt ba đi qua những cánh đồng nắng cháy, những nông trại...rồi chỉ cho ba thấy đám tù cải tạo đang lao động phía đó. Đông quá làm sao ba nhận ra ai, nên tuy dưới trời nắng gắt, ba cũng phải rán để đầu trần chậm rãi đi qua đi lại, đi tới đi lui nhiều lần, may ra chồng con thấy ba thì đưa tay ngoắc. Rồi ba mới nói với họ cho phép gặp để đưa quà. Nếu ba đội nón làm sao chồng con thấy mặt ba rõ được?

Nghe ba giải thích mà tôi nghẹn ngào. Vậy là mấy ngày qua ở xứ Tây Ninh nóng cháy da người, ba tôi chân đau đi cà nhắc mà vẫn phải rán lê lết với đầu trần, đi từ trại cải tạo này qua trại cải tạo khác chỉ với hy vọng nhỏ nhoi may ra rể nhận ra mình để được đưa quà và nhìn thấy mặt. Tôi ứa nước mắt hỏi tiếp:

-Cực khổ vậy, rồi kết quả ra sao hả ba?

- Không gặp được con à! Cuối cùng nó bảo gửi giỏ quà lại cổng trại rồi họ sẽ chuyển vào sau.

- Chắc mình bị họ gạt rồi ba ơi!

Ba im lặng thở dài, tôi không dám nói nữa sợ ba buồn, vì tình thương con, thương rể ba đã dãi dầu nắng lửa qua mấy ngày rồi. Nhìn chân ba sưng to vì chỗ đau chưa lành hẳn, vì đi bộ nhiều, rồi mặt mũi tay chân ba đen cháy, mắt tôi mờ lệ:  

"Ơn cha, hai tiếng thương yêu vô vàn
Sẽ không phai tàn, với bao năm trường."

Ba ơi! từ sâu trong trái tim, con cám ơn cuộc đời đã cho ba là "bóng mát" đời con trong những ngày nắng hạn chói chang. Nếu không có "bóng mát" ấy, chắc là con đã kiệt sức giữa đường! Ba không hoàn hảo, nhưng ba luôn yêu thương con theo cách hoàn hảo nhất.

Sau này mấy lần được giấy đi thăm nuôi chồng, lần nào ba cũng đòi đi theo : "cho ba đi để ba đỡ đần cho con, và để ba nhìn mặt nó một chút coi nó gầy ốm ra sao?" Mà thiệt, nếu không có ba, tôi không biết phải xoay sở cách nào với 2 đứa con thơ, lại thêm mấy bao đồ thăm nuôi nữa. Đúng là ba đã "song hành" với tôi trên từng bước đường đời gian khổ. Cám ơn đời đã cho tôi có một người cha trên cả tuyệt vời: "Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha".

Tình thương ba lai láng tràn từ con gái qua rể, xuống tới mấy đứa cháu ngoại. Ban ngày ngoài việc đi dạy, tôi lúc nào cũng bận rộn "trăm công, ngàn việc", nên việc lo cho 2 con phần lớn nhờ vào ông ngoại. Ông lo đưa đón cháu đi học, đi nhà thờ, khi cháu đau ốm, nếu mẹ bận, ông đưa cháu đi bác sĩ, đi bịnh viện... rồi ông còn nhường cả phần thịt ít ỏi của mình cho cháu. Sau 75 thực phẩm đắt đỏ, hiếm hoi cái gì cũng vô tem phiếu. Cả tháng mỗi hộ mới mua được một miếng thịt nhỏ, đem về phải cắt nhỏ ra kho, rồi đếm miếng chia phần...Mỗi lần ba được má chia cho vài miếng thịt nhỏ, ba giả bộ ăn, rồi vùi trong chén cơm giấu đem ra cho cháu. Tôi ngồi đút cơm cho 2 con ăn trước nhà, để tránh ba nhường phần ăn cho cháu. Vậy mà ba cũng giấm giúi đem ra đưa, tôi cương quyết từ chối, ba nài nỉ:" Ba già rồi, ba không cần lớn, tụi nhỏ cần chất thịt để lớn con à!" Nhưng tôi nhất định không chịu, bí quá ba bèn xoay qua bảo 2 đứa nhỏ: "Há miệng ra! ông cho cái này" Vậy là tụi nhỏ há miệng lẹ... rồi ăn ngon lành, tôi không bịt miệng 2 con kịp! Ba ơi! con chịu thua ba luôn! Mới đây khi đi mua đồ chơi cho sinh nhật BB, bổng nhiên con gái Út buột miệng nói: "Lâu lắm rồi, nhưng nhớ lại con thấy thương ông ngoại ghê! Hồi đó sáng nào mẹ đi dạy, một mình con ở trong căn nhà lớn, rộng nên con sợ, ông ngoại qua chơi với con. Suốt buổi sáng con bắt ông ngoại chơi bán hàng , mua hàng rồi phải giả bộ ăn bao nhiêu món đồ ăn con bày ra bán, vậy mà ông ngoại cũng kiên nhẫn "spend time" với con và chìu theo ý con!".Ba ơi, ba luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng con cháu và hình ảnh đẹp ấy trường tồn với thời gian. Cả cuộc đời ba là bài học sống động về tình yêu thương, về sự hy sinh quên mình để nghĩ tới người khác, để làm vui lòng nguời khác Con đã học từ ba rất nhiều bài học về sự đồng cảm với nổi khổ của người chung quanh, bài học san sẻ những gì mình có dù là ít ỏi, chứ không phải đợi có dư mới cho...  Ba ơi! ba là "Người Thầy" vĩ đại của con về "Tình Nguời", ba nắm tay dẫn con đi trên con đường nở đầy hoa "yêu thương" với những đồng cỏ "cảm thông" để từ đó con biết học:

'' Cửa sổ tâm hồn '' trải rộng

Rồi thương nỗi khổ tha nhân..."

 Sau này cuộc sống ổn định hơn, chồng tôi được thả về, làm việc ở BV rồi sau mở phòng tư, kinh tế khá dần lên, tôi mua nhà ở khu gần nhà ba má để dễ dàng chạy qua, chạy lại thăm nom. Nhất là khi nấu những món gì ngon, tôi mang qua cho ba má, đối với tôi đó cũng là niềm vui! Nhưng tính ba lúc nào cũng vậy, khi tôi mang sang thức ăn còn nóng, mời ba thì ba luôn muốn nhường cho má những thức ăn ngon,(dù biết tính ba tôi luôn mang 2 phần) ba vẫn thích đợi cho má ăn sáng, ăn chiều chán chê rồi ba mới ăn phần dư còn lại! Sao khổ quá vậy ba? Nhường phần ăn ngon cho chồng con là đặc trưng của phụ nữ VN, mỗi lần làm gà, vịt, thức ăn tôi luôn để phần ngon nhất cho ba má, chồng con trước, nhưng ở đây ngược lại ba luôn nhường má những phần ngon nhất, và để người ăn khỏi áy náy ba luôn đưa ra nhiều lý do khác nhau: khi thì đầy bụng, khi thì còn no, khi thì không thích, khi thì má thích món này...Chị em tôi rành tính ba, nhưng không biết làm sao thay đổi. Đôi khi chị em tôi nói đùa:

- Ba cứ nhường đồ ăn ngon cho má hoài nên ba ăn ít. Do đó ba ít bệnh, khỏe mạnh sống lâu hơn má, dù má trẻ hơn ba nhiều.

Nói tới vụ sức khỏe của ba, tôi nhớ lại có lần ba bị viêm phổi nặng hôn mê phải chở vô bịnh viện A.B. cấp cứu. May là ông xã tôi làm T. K. ở bịnh viện này, nên bịnh viện dành mọi ưu tiên và chăm sóc đặc biệt cho ba. Những ngày đó tôi như rơi vào cơn khủng hoảng, tôi đi nhà thờ mỗi ngày khóc năn nỉ Chúa: "Chúa ơi! con chưa kịp trả hiếu cho ba đầy đủ, Chúa cho ba con sống thêm 10 năm nữa để con trả hiếu, rồi Chúa bắt con giảm thọ gấp đôi con cũng chịu...hoặc Chúa bắt con phải khổ bao nhiêu để bù lại con cũng đồng ý..." Không biết vì Chúa thấy tôi van xin quá thành khẩn nên nhậm lời hay vì các BS của bịnh viện A.B hết lòng cứu chữa mà ba tôi được hồi phục. Sau lần "thoát tử" đó ba bắt đầu chú ý đến việc tập thể dục thường xuyên, mỗi sáng ba đều tập Tài chí, từ đó ba khỏe ra, ít đau ốm. Ba luôn khuyến khích mọi người tập thể dục để có sức khỏe tốt.  

Ba không chỉ là một người cha tuyệt vời mà còn là một người chồng đáng quý! Sau này về già má tôi hay bịnh rề rề, nhưng ba luôn ân cần chăm sóc má từ ly nước, tới tô cháo...Những lần ở Mỹ về thăm nhà tôi chứng kiến cảnh: Ban đêm má  nằm trong phòng riêng, má bị đau nhức bàn chân, mỗi lần má rên khẻ : "Ông ơi! đau quá!" là ba tôi lập tức thức dậy chạy vô phòng: "Bà đau ở đâu? để tôi bóp chân cho bà đỡ đau" Rồi ba kiên nhẩn ngồi thoa bóp chân cho má cả buổi, tới khi má ngủ lại, ba mới rời phòng về giường mình. Cảnh đó tái diễn một đêm mấy lần và ba vẫn cứ lồm cồm ngồi dậy, chạy tới chạy lui mà không một lời than phiền nào. Tôi thầm phục ba sát đất, ba quả là một người đàn ông tuyệt vời! Ba đã "gở điểm" dùm rất nhiều cho "cánh mày râu" dưới mắt tôi. Nhìn cảnh đó, tôi ước chi khi cuối đời tôi đau ốm cũng có được 1 người quan tâm chăm sóc, dù chỉ bằng 1/2 ba là tôi cũng đủ mãn nguyện. Nhưng có lẽ đó chỉ là "giấc mơ trong đời", vì ở thời đại bây giờ những người đàn ông chung thủy, tình nghĩa tận tuy với vợ, chăm sóc vợ ốm đau cho đến cuối đời như ba hình như đã bị tuyệt chủng rồi!... Tôi thương má đau nhức bàn chân, nhưng tôi cũng xót ba vất vả cả đêm. Sau tôi phải vào phòng nói với má:

- Má ơi! má đau nhức là từ bên trong cơ thể, má cần đổi thuốc, đổi BS ngày mai con sẽ đưa má đi.Má chịu khó nhịn đau một chút, nếu má cần bóp chân, má gọi con, con sẽ bóp chân cho má, làm ơn đừng kêu ba nữa. Tội nghiệp ba già rồi, một đêm má gọi mấy lần làm sao ba ngủ được?

Sau lần tôi "góp ý" đó, má không gọi ba nữa. Mãi sau này có lúc bị đau nhức vai không gỏ được computer. Nhớ lại, tôi chợt áy náy, có lẽ ngày xưa tôi đã không hiểu hết nổi đau nhức của má chăng? Con xin lổi má nếu con đã "góp ý" sai.

Sau khi má mất, tôi về thăm ba thuờng xuyên hơn. Mấy năm sau tôi làm lễ thượng thọ 90 cho ba thấy ba vui, hài lòng vì nhìn thấy con cháu về thăm ông đầy đủ. Đặc biệt khi đến cảnh con, cháu tụ họp đầy đủ chung quanh, dâng lên ba bó hoa tuơi rồi tất cả cùng nhau hát bài "Cầu cho Cha Mẹ" trong tâm tình xúc động biết ơn, tôi hát mà lòng thấy rưng rưng:

"Xin Chúa chúc lành cho đời cha mẹ của con
Công ơn là như núi non
Dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn...

Mai con lớn lên rồi ra đi tung cánh trong đời
Dù xa vô bờ vẫn nhớ đến tình mẹ cha."

Tôi thấy mắt ba cũng rơm rớm vì cảm động, không phải chỉ riêng nhà tôi cảm động mà tất cả những người tham dự bữa tiệc đó đều cảm động. Một số bạn tôi thấy đây là một ý kiến quá hay để làm vui lòng cha mẹ già, nên sau đó họ về nhà áp dụng và quả là ba má họ cũng rất vui và cảm động. Tôi mừng vì đã làm tất cả những gì có thể làm được để ba vui. Nhưng tiếc là tôi không có phép màu để níu lại thời gian, ba mỗi ngày một yếu đi. Lần cuối tôi về thăm ba, khi đi, ôm ba trong tay tôi thấy ba gầy đi nhiều quá, ba chợt nói:

- Có lẽ đây là lần cuối cha con mình găp nhau con à!

Tôi lắc đầu, nuốt nước mắt vào trong, ôm chặt ba trong vòng tay:

- Không, ba đừng nói vậy, chắc chắn con sẽ về gặp ba lần nữa trước khi...Tôi không đủ can đảm nói tiếp rồi cắm đầu cắm cổ chạy ra xe đi phi trường đã đợi sẳn, nếu không tôi sẽ không đành lòng ra đi.

Trở lại Mỹ tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhà, sức khỏe ba vẫn yếu nhưng không có gì thay đổi. Tôi chuẩn bị mọi thứ để khi cần tôi có thể bay về Việt Nam ngay. Sau kiểm tra lại passport tôi thấy thời gian hiệu lực còn 9 tháng mà bay về VN passport phải còn hiệu lực trên 6 tháng, nên để chắc ăn, tôi lo renew passport. Khi còn 1 tuần nữa tôi sẽ nhận được passport mới, một chiều thứ 6 ở trường về tôi nhận được tin ba mất! Tôi không khóc được nhưng lòng quặn thắt, đúng là  "Trẻ tạo hóa đanh hanh quá ngán!" Sao ông trời  không cho ba đợi tôi thêm 1 tuần nữa?  Tôi ĐT về VN mới biết thực ra ba đã vào nhà thương gần 1 tuần nay, nhưng dặn nhà giấu tôi, vì sợ tôi bay đi bay về hoài tốn tiền, rồi ảnh hưởng tới công việc làm. Nhưng chị tôi kể ngày cuối cùng ba cứ ngó mông ra cửa, chắc ba đợi em về. Ba ơi! sao ba nỡ giấu con hả ba? Sao đến lúc gần chết rồi ba vẫn còn nghĩ và lo cho con vậy ba? Giống như bao lần về chơi, tôi muốn đưa ba đi chơi du thuyền trên sông Saigon, ba cứ lo  "tốn tiền vì con cũng còn khó khăn". Sau tôi phải nói với ba "con có bạn quen làm trên  đó, không tốn tiền" ba mới chịu đi. Khi nhìn toàn cảnh Saigon ban đêm với du thuyền di chuyển trên sông ba rất thích thú! Từ đó tôi bắt đầu có "bạn quen" làm đủ các nơi để tôi đưa ba đi chơi mà ba khỏi áy náy...Sáng thứ 7 tôi chạy khắp các agency, bằng lòng chi trả bất cứ giá nào cho thủ tục khẩn cấp để tôi có thể bay về VN, nhưng cuối tuần các VP chính phủ đóng cửa. Các agency đều trả lời không có passport thì chịu thua, không thể lên máy bay. Không biết có phải vì lời ba má năm xưa nói với tôi :"...Sau này vì ở xa mà không gặp ba má lúc ra đi thì con cũng không nên áy náy làm gì, ba má hiểu lòng con".  Đó có phải là lời tiên đoán và nó vận vào người tôi mà sao lần nào tôi cũng chuẩn bị sẳn sàng nhưng cuối cùng vẫn không về được. Lần trước với má cũng vậy, lần này nếu tôi không lo xa, chuẩn bị kỹ quá đi renew passport thì đâu có sao! Tôi nghiệm ra mọi việc trên đời đều có số "nhất thực, nhất ẩm giai do tiền định" không làm sao cãi được số!? Chiều thứ 7 cả gia đình tôi đi nhà thờ làm lễ phát tang cho ba. Hình ảnh tôi và cả nhà đeo khăn tang được gửi về Saigon, phóng to đặt cạnh áo quan ba. "Ba ơi hình con và cả hồn con nữa đều đang ở cạnh ba. chỉ còn cái xác "vật vờ" này là ở phương trời xa không về bên ba được mà thôi!"

Cả đêm không ngủ, sáng chúa nhật tôi đờ đẩn như người mất hồn. Tôi không cần ai an ủi, tôi thông suốt mọi lý lẽ: Có sinh phải có tử, ba đã thọ trên 90 tuổi, mất không có gì oan uổng, ba ra đi cũng êm đềm...Tôi vẫn nhớ lời tôi khóc nài nỉ với Chúa năm xưa "cho ba con sống thêm 10 năm nữa". Thời hạn 10 năm đã qua lâu rồi, Chúa đã cho nhiều hơn lời tôi xin...nhưng sao lòng tôi đau quá, trái tim tôi như muốn hóa đá. Sao không cho tôi thực hiện lời hứa trở về với ba trước khi chia tay ba lần rồi?. Chẳng lẽ từ giờ trở đi con không còn bao giờ được nhìn thấy ba nữa sao? Những gì con lo nhất, sợ nhất đã đến thực rồi sao?Ba ơi! ba là điểm tựa đời con, bây giờ ba bỏ con đi luôn, mai kia những lúc con cần con biết tựa vào ai hả ba?. Tôi cứ lan man với bao nhiêu vương vấn trong đầu như người rơi vào cơn mê muội, lúc này thần trí tôi như đang bềnh bồng trong một cõi mơ hồ vô ý thức...Ông xã tôi thấy vậy sợ quá bèn đề nghị đưa tôi đi chơi xa cho đầu óc thoáng. Lần đầu tiên chàng tự động đề nghị đưa tôi đi chơi, tôi gật đầu như cái máy. Tôi cần đi, đi đâu cũng được, càng xa càng tốt, đi tới chân trời góc biển nào đó. Vậy là chúng tôi lên đường ngay mà không cần chuẩn bị gì cả.

Xe cứ phom phom trên xa lộ, chỗ nào có View point, chúng tôi xuống xe ngắm cảnh trời mây non nước, rồi lên xe đi tiếp. Thiên nhiên bao la, gió thổi dạt dào như hòa tan nổi buồn ứ đọng trong tôi. Chúng tôi lang thang xuống San Diego, khi thì tản bộ lên núi, lúc xuống biển đếm sóng vổ bờ.Tôi cảm thấy San Diego là thành phố hữu tình nhất CA vì có "biển một bên và núi một bên". Có lẽ  thiên nhiên xinh đẹp quyến rủ hồn tôi, nhất là hoàng hôn trên biển tuyệt vời đã làm tan loãng nổi sầu chất ngất trong tôi, làm mềm trái tim hóa đá của tôi. Nhìn biển cả mênh mông đang chìm dần vào bóng tối, tôi quay lại nói chàng đi book hotel, còn tôi muốn ở lại một mình với biển. Ngồi xuống bãi biển, vốc một nắm cát biển trên tay, nhìn cát biển rĩ rã chảy theo kẻ tay, tôi mới chợt ngộ ra, tôi không thể giữ ba lại mãi mãi bên tôi:

"Làm sao giữ lại điều không thể..

Cát biển tuôn dần qua kẽ tay"

 Nhìn biển cả mênh mông như tình thương của ba, dù ba đã yên giấc ngàn thu, nhưng tình thương đó vẫn còn ở lại trong tôi mãi mãi.Nó khiến tôi chợt nhớ tới một loài chim gắn liền với biển: chim cánh cụt và hình ảnh cảm động của chú chim cánh cụt đực đứng ấp trứng trong 60 ngày liền dù trời mưa gió giông bảo. Nó không ăn uống gì và chỉ rời vị trí khi chim con ra khỏi trứng. Biển ơi! gió ơi! hãy đưa những lời tâm tình của tôi với ba về bên kia bờ Thái bình dưong dùm nha, lúc này tim mềm và nước mắt tôi mới vở òa ra được, tôi nức nở nói với ba lần cuối:

 "Ba ơi, cả đời ba chắc chưa từng đọc một bài thơ, nhưng đối với con tâm hồn ba là một bài thơ "Thương  yêu" tuyệt vời. Con học được nhiều bài học lớn về yêu thương, về hy sinh quên mình để nghĩ tới người khác...từ ba, nhờ đó mà tâm hồn con biết nhạy cảm hơn với nổi đau của người chung quanh, biết chia sẻ dù còn khó khăn. Con sẽ nhận chữ "Tâm" của ba để sống đời bình yên. Con luôn luôn tự hào được là con gái ba. Ba đã là điểm tựa đời con những khi giông tố bão bùng, ba đã giúp con mạnh mẽ vượt qua giông gió cuộc đời, sẵn sàng đương đầu với nghịch cảnh mà không hề nao núng, con thực tâm rất biết ơn ba về điều đó. Làm sao con quên được những tháng ngày ba là bóng mát che chở đời con, ngay cả lúc con xa xứ ba vẫn luôn dõi theo bước chân con "sợ đứa con xa xứ nhọc nhằn", lo cho đời con bao nhiêu "trắc trở" vây quanh. Ôi! biển đêm đẹp tỉnh lặng và bao la như tâm hồn ba giản dị, khiêm tốn, nhưng chan chứa tình thương con vô bờ, như biển lớn chứa trong lòng con ốc nhỏ..."

Tôi đứng dậy đi gần hơn về phía biển, muốn hét thật to át cả tiếng sóng đang ào ạt xô vào bờ, cho biển nghe, mọi người nghe và nhất là ba yêu thương vô vàn của con biết rằng:

" Trong tim con vĩ đại nhất trên đời
Là Ba đó không ngoài ai duy nhất"

Phượng