ƠN GỌI NHÂN BẢN

 

Bài viết nhân dịp kỷ niệm 30/4:

 

NHỮNG VÌ SAO LẤP LÁNH… TRONG ĐÊM ĐEN

 

                                                            Thương tặng những “vì sao” lấp lánh  

                                                          trong khoảng đêm đen đời tôi

                                                                                     Phượng Vũ

 

     Thời gian thắm thoát thoi đưa, ngoảnh đi ngoảnh lại biến cố 30/4 nghiệt ngã  của đất nước đã qua 40 năm, một thời gian khá dài cho một đời người. Nhìn lại những năm đầu sau 75, qủa thật là rất nhiều truân chuyên cho những người sống ở miền Nam Việt Nam với một xã hội đảo lộn, mọi thứ vật đổi sao dời. Nhà nhà tan nát, người người điêu linh, mọi người tan tác như chưa từng bao giờ tan tác đến thế. Nhưng gian nan hơn cả, có lẽ là những người vợ có chồng đi học tập cải tạo, vì họ bỗng nhiên bị đẩy vào cái thế đơn lẽ phải chèo chống con thuyền gia đình vượt qua biết bao cơn bão táp của cuộc đời trong đêm đen dày đặc mênh mông.   Hôm nay tôi nhìn về quá khứ, nhưng không phải là cái nhìn than thân trách phận, kể lể khổ đau, mà là cái nhìn đẹp đẽ về những tình người tươi thắm trong những hoàn cảnh khốn cùng. Do đó tôi cảm nhận dù là đêm đen mênh mông, đôi khi nhìn lên bầu trời, vẫn thấy đâu đó có những vì sao lấp lánh. Đó là những câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ với các bạn hôm nay.

 Sinh hoạt của mọi người trong xả hội miền nam sau cơn "đại hồng thủy" 75 đầy nhiễu nhương thật vô cùng vất vả, và thân phận những nhà giáo cũng gian nan không kém. Chúng tôi  đến trường không chỉ làm công tác dạy học, mà còn phụ trách luôn công tác đoàn thể và tất cả mọi công tác được giao... rồi các khóa  học tập chuyên môn, chính trị…được mở ra liên miên. Tuy rất bận rộn nhưng tôi vẫn ghi tên tham gia tình nguyện dạy lớp Bổ túc Văn hóa buổi tối, vì tôi muốn có thêm "giấy chứng nhận nhiệt tình công tác" với hy vọng “may ra” chồng đươc sớm thả về. Bởi niềm tin và hy vọng dù là mong manh nhỏ nhoi cũng rất cần thiết để tôi có thể tiếp tục sống, vượt qua những nghịch cảnh và thử thách của cuộc sống thời đó :

   “ Cố thắp cho em một ngọn đèn

       Dù mệt nhoài trông ngóng

       Để nhủ lòng gắng nuôi niềm tin" (NĐT) 

 Nhờ thế tôi đã gắng lên để sống với những chuỗi ngày bận rộn triền miên, dốc hết lòng vào công việc giảng dạy, hầu quên đi những niềm đau dấu kín trong lòng.

Khi tham gia dạy Bổ túc văn hóa ở trường Nguyễn chí Thanh Q. 10, tôi được phân công dạy một lớp cuối cấp 3. Học viên của tôi gồm cả nam lẫn nữ, họ là những công nhân viên nhà nước, đa số đều lớn tuổi hơn tôi ( vì lúc đó tôi còn qúa trẻ). Họ đến lớp học để cuối năm thi tốt nghiệp phổ thông (tương đương tú tài 2 ngày trước). Tôi thích đến với không khí lớp của trường BTVH vì nó nhẹ nhàng, không có "tổ công đoàn" để đánh giá, cũng không có "tổ thi đua" để xét khen thưởng. Mọi người đều "tự nguyện" đến lớp, cô giáo cũng như học viên, nên không khí lớp thoải mái, cũng không có duyệt giáo án trước nên giảng bài cũng linh động hơn.

 Xã hội thời đó tràn ngập những căng thẳng, nên học viên siêng đến lớp để học về "văn chương chữ nghĩa" có lẽ cũng là một cách xả stress, cô giáo thì mê "văn chương chữ nghĩa" từ lúc nhỏ, nên được nói về văn chương chữ nghĩa cũng là một điều thú vị để quên đi những ưu phiền trong cuộc sống. Do đó không khí lớp thoải mái, đôi khi cô giáo lại được các học viên chăm sóc như "cô em gái" trong nhà, tuy là khi nói năng với cô giáo thì vẫn rất lễ phép mỗi điều đều "Dạ, thưa cô" ( có lẽ do ảnh hưởng của nền giáo dục trước 75).

Theo thường lệ mỗi tối tôi chỉ xuống lóp sau khi chuông reo vào lóp, lần đó vì bận quá chưa chấm bài hết nên tôi xuống lóp sớm để chấm bài tiếp. Tôi ngạc nhiên khi thấy 2 chị lớp trưởng, lớp phó đang giành nhau chỗ ngồi ở bàn đầu, tôi hỏi:

- Sao dãy bên kia bàn đầu cũng còn chỗ trống, không qua đó ngồi. Ngồi ở đâu cũng nhìn thấy bảng, cũng nghe giảng bài, đâu có gì khác nhau? Chị lớp phó cúi mặt trả lời :"Dạ khác nhiều chứ cô" Tôi ngạc nhiên hỏi :"Khác chỗ nào?" chị bèn trả lời "Tụi em nói thiệt, nhưng cô đừng cười nghen !" Tôi tò mò:

- Sao lại cười, có gì bí mật hả ?

- Dạ, tại vì khi cô đứng giảng bài cô hay đứng bên dãy này, tụi em đứa nào cũng muốn ngồi gần chỗ cô đứng, nên ai cũng lo đi sớm để xí chỗ bên đây. Tối nay 2 đứa tới cùng một lúc nên mới có chuyện.

Tôi ngạc nhiên đến bật cười :

- Ủa, thiệt vậy sao? thôi để từ nay khi giảng bài tôi sẽ đứng cả 2 phía

- Dạ, cám ơn cô nhiều, như vậy mới công bằng. Tại cô không để ý, chứ dãy bên đây lúc nào cũng đông học viên ngồi hơn, dãy bên kia là cho những nguời đi học trễ.

Lời chị nói khiến tôi chợt thấy ấm lòng :

       "Ấm áp không phải là khi
        Ngồi cận kề bên bếp lửa,

        Mà là lúc ta ngồi giữa
        Một bầu không khí thương yêu?!" (TTT)

Trước kia tôi nghĩ chỉ có những em học sinh phổ thông ( dưới 18 tuổi) mới có những "biểu hiện" như thế với cô giáo, không dè các học viên ở đây đều là những nguời trưởng thành và đi làm cả rồi, như 2 chị đây đều là những cô gíao kỳ cựu ra trường đi dạy lâu năm. Đúng là "đời đi dạy" lúc nào cũng có những nét dễ thương như vậy, đặc biệt với hoàn cảnh tôi lúc bấy giờ! Tôi nhớ đã đọc được :" Ở đâu đó có người cảm thấy sự có mặt của bạn là đáng giá, vì vậy khi bạn đang cô đơn, lẻ loi hãy nhớ rằng có ai đó, ở đâu đó đang nghĩ về bạn"

Lớp trưởng của tôi là chị H, chị đã có tú tài 1, thi vào sư phạm , ra đi dạy lâu năm, giữ chức hiệu phó trường tiểu học Trần Phú, trong cư xá sĩ quan Chí Hòa . Chị được các bạn trong lớp bầu làm lớp trưởng, vì chị có tác phong nhà giáo, đi học rất đều, đúng giờ, bài vở lúc nào cũng tươm tất. Chị giúp tôi rất nhiều trong việc điều hành lớp, giữ sổ điểm danh, sổ đầu bài mỗi ngày, thu bài làm, lấy điểm vô sổ…nhưng đặc biệt hơn cả là những tình cảm ưu ái chị dành cho tôi; Nó là một sự nâng đở tinh thần rất lớn khi tôi phải bươn chãi “đầu tắt mặt tối” trong một xã hội đầy nhiễu nhương xáo trộn, với hoàn cảnh: chồng đi học tập, một nách 2 con thơ ( bé 4 tuổi và bé mới sanh ),tài sản thì đã bị cướp sạch trên đường 2 vợ chồng di tản từ miền trung vào Sài gòn.

Một buổi tối, sau khi dạy xong lớp bổ túc văn hóa, theo thường lệ, tôi vội vàng đạp xe nhanh về nhà,. Tới nhà tôi mở cửa, dắt xe vào, gài cửa lại, chưa kịp thay quần áo tôi bước nhanh đến giường,mở màn nhìn vào để xem em bé ngủ say chưa? ( tối nào đi dạy, tôi nhờ bà ngoại dỗ cháu ngủ, rồi buông màn dùm ) Bỗng nhiên tôi nghe tiếng gõ cửa “ cọc, cọc cọc”, tim tôi thót lại, đêm đã khuya rồi, ai còn đến nữa?!, chắc công an lại đến quấy rầy, yêu sách chuyện gì với những người vợ tù cải tạo như tôi chăng? Tôi hồi họp ra mở cửa chờ đón sự chẳng lành . Khi tôi vừa hé cửa, thì chị H lên tiếng ngay:

       _-Thưa cô, em xin lỗi đã làm phiền cô, nhưng vì không còn cách nào khác. Cô đạp xe nhanh qúa! Em đạp theo cô hụt hơi, trời tối, vô hẽm, em chỉ sợ lạc mất dấu cô! Vì chỉ có cách này, em mới có thể đến nhà cô, gặp cô!

  -Trời ơi! chị làm tôi hết hồn! có chuyện gì vậy ? Sao lúc nảy chị không nói ở trường ?

  -  Dạ thưa, không nói ở trường được.

Nói xong chị quay lại tháo ở phía sau xe đạp và khệ nệ bưng xuống 1 bao chứa đầy những cũ khoai tây, khoai lang, cà rốt...  rồi nói với một giọng đầy xúc động:

  -Thưa cô, những thứ này, em mua trong tiêu chuẩn của em ở trường và cả ở tổ dân phố của tháng trước và tháng này Em dành dụm lại mang biếu cô vì em nghĩ cô và 2 con nhỏ cần hơn em.

 Tôi chưng hững đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, kêu lên:

  - Mọi thứ bây giờ đều đắt và hiếm hoi, sao chị không để dành ăn từ từ ?

  - Cô ơi! em mong cô đừng từ chối, đừng phụ tấm lòng thành của em. Em phải dành dụm cả tháng nay. Em phải suy nghĩ, sắp đặt kế hoạch, mới thực hiện được nó. Hôm nay em phải ràng bịch  khoai sẳn ở phía sau xe, rồi cố tình đi học trễ để có thể để xe đạp ở phía ngoài cùng. Em phải chuẩn bị mọi thứ sẳn sàng, chuông tan học là em phải chạy ra cho lẹ thì mới lấy xe kịp mà đuổi  theo cô…

Những lời chị kể lể làm tôi đứng nghe mà xúc động không nói nên lời, cũng chưa biết phải từ chối cách nào, khi thấy chị quá chu đáo và tế nhị…thì đã thấy bóng chị lặng lẽ đạp xe khuất trong màn đêm, nhưng tấm lòng chị gửi trao vẫn còn vang động mãnh liệt trong trái tim tôi. Hôm nay tôi mới vừa bị "đối xử phân biệt" ở trường, nhưng bây giờ  dư âm lời chị nói  khiến tôi cảm thấy dư vị ngọt ngào quá, nghe lòng được dỗ dành để quên đi những cay đắng cuộc đời ! Chị H ơi, cám ơn những ân tình chị đã gửi đến cho tôi. Hèn gì người ta nói "Ánh sáng của một hành động nhân ái...dù nhỏ bé như 1 que diêm cũng sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối". Tôi đứng lặng một hồi lâu, rồi mới cúi xuống bưng cái bao khoai ân tình đó của chị vào nhà. Bao khoai nặng trĩu trên tay tôi, nhưng ân tình của chị chắc nặng gấp ngàn lần! Nếu các bạn biết thời đó, thực phẩm vô cùng khan hiếm, cái gì cũng theo hộ khẩu, vô “tiêu chuẩn” và “tem phiếu’, mọi thứ đều cân đong, đo đếm từng ly, từng tí: từng cọng rau, từng củ khoai, từng gram bột ngọt thậm chí từng con cá ươn, từng miếng thịt bầy nhầy...cái gì cũng trở thành qúy gía hết!. Dưới thời Xã Hội Chủ Nghĩa, người ta phải Xếp Hàng Cả Ngày để được mua những thứ quý giá đó!. Nguyễn Du đã từng nói : 

             “Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng “ 

Huống hồ của này dưới thời đó lại quý gía vô cùng! Chị H ơi! cám ơn chị đã cho tôi niềm tin vào “ Tình Người” vẫn còn hiện diện quanh đây, như những vì sao vẫn lấp lánh trong bầu trời đêm đen.Trước đó thỉnh thoảng chị vẫn tha thiết đề nghị với tôi "Cuối tuần, em ở nhà, nếu cô có bận đi đâu, cô cứ đem 2 em tới nhà, em sẽ chăm sóc dùm cô, em sẽ rất vui mừng và hân hạnh khi giúp được cô điều gì đó, dù nhỏ".  Rồi cuối năm học, chị tặng tôi một cuốn tập dày, khổ lớn và nói :

 -Đây là những trang giấy trong tiêu chuẩn giáo án của em trong năm học vừa qua, em xài tiện tặn, dành dụm lại, tự đóng thành tập để tặng cô. Em muốn năm tới cô soạn giáo án thoải mái mà không phải bận tâm vì sợ thiếu giấy ( theo luật thời đó, chúng tôi phải soạn giáo án đem nộp trước 1 tuần để duyệt, trước khi lên lớp, mà giấy phát để soạn thì luôn hạn chế, nếu xài không khéo lại thiếu). Không hiểu chị xài tiện tặn thế nào, mà có thể để dành ra đóng một tập dày như thế cho tôi !

  Tôi cảm động lật cuốn tập ra, chị đóng bìa thật khéo, lại còn trang trí hoa lá ngoài bìa và ở trang đầu thật đẹp với những dòng chữ thật xinh xắn!Không biết bao nhiêu là công sức và tình cảm khi chị chắt chiu từng trang giấy, nắn nót từng nét chữ để hoàn thành cuốn giáo án này với cả tấm lòng. Tôi nắm bàn tay chị, bàn tay ân tình đã làm ra "cuốn giáo án tình nghĩa", xiết chặt để cám ơn sự cảm thông và thương yêu chị đã dành cho tôi, mà không nói thành lời. Đôi khi lời nói có thể trở thành sáo mòn và không cần thiết trong những trường hợp đáng trân qúy như thế này. Và lúc này chính sự im lặng lại “nói” nhiều hơn.

"Tôi xin vừa đủ ơn đời
Đề hồn chan chứa một trời yêu thương..." (TTT)

  Quả là đời sống, bao giờ cũng ẩn chứa nhiều điều tốt đẹp có sẳn ở trong đó. Trong giai đoạn đen tối nhất của cuộc sống lúc bấy giờ tôi vẫn còn nhận được những tình người, những yêu thương, không chỉ đến từ học sinh, mà cả bạn bè, những yêu thương chân thật đến từ trái tim. Do đó tôi vẫn luôn tin "Chúa đóng cánh cửa lớn, Chúa sẽ mở cánh cửa nhỏ".

Biết ngày mai, tôi xin nghỉ dạy để đi thăm nuôi ông xã, chị Hường cùng tổ Văn, cuối buổi dạy đã lặng lẽ nhét vào túi xách tôi, một gói nui và nói: “Thêm một chút qùa vào hành trang thăm nuôi chồng ngày mai của bạn”. Một lần khác, khi biết tôi sắp đi thăm nuôi chồng mà lại kẹt tiền vì con cái đau ốm liên miên,T. Dao, bạn thân đã nói riêng với tôi :

 - Tôi có dành dụm được ít tiền, tôi sẽ đưa bồ mượn để lo vụ thăm nuôi. Bao giờ bồ có, trả cũng được, không trả cũng không sao! Bồ yên tâm tôi không bao giờ đòi nợ đâu…”

 Ôi những lời nói chí tình của bạn làm tôi thật cảm động, mặc dù sau đó, tôi đã xoay sở được cách khác, nhưng ân tình này tôi sẽ ghi nhận mãi không phai ! Đúng là "Tình yêu thật sự đã hiếm, tình bạn thật sự còn hiếm hơn".(La Fontaine) . Người ta thường nói "Đồng tiền liền khúc ruột”, đặc biệt là trong giai đoạn cực kỳ khó khăn lúc đó; nhưng bạn thân vẫn có thể tự nguyện mở “hầu bao” eo hẹp ra cho tôi.Làm sao tôi không cám ơn đời, cám ơn các bạn đã cho tôi có cơ hội nhận ra rằng cuộc sống này vẫn còn nhiều tình thương âm thầm, lặng lẽ trao đến cho nhau trong những hoàn cảnh khó khăn : 

"Tôi xin vừa đủ bạn bè
Khi đời mưa gió... vỗ về, ủi an "(TTT) 

 Cám ơn Chúa! vì trôi theo dòng đời nghiệt ngã vẫn luôn có những yêu thương tình người trỗi dậy, đôi khi cả với người không từng quen biết! Qua mấy lần tôi đi khám mắt ở bịnh viện Trưng vương ( cốt để lấy thuốc nhỏ mắt cho con) lần nào thấy bác sĩ  cũng rất tử tế, luôn  vui vẽ, ân cần hỏi han, tôi mới mạnh dạn hỏi thăm về bệnh luôn chảy nước mắt của con trai lớn Điều này khiến cháu cứ hay đưa tay lên dụi mắt, làm mắt bẩn nên cứ bị đau mắt hoài! Tôi phải tốn không biết bao nhiêu tiền để mua thuốc nhỏ mắt cho con, đến nỗi má tôi nói chắc phải mua sĩ cả thùng 20 lít mới đủ xài cho nó, mà thời đó đâu phải có tiền là mua thuốc được dễ dàng đâu, phải có toa BS, phải mua đúng tuyến, nên tôi rất gian nan khổ cực để đi kiếm thuốc nhỏ mắt cho con.Nghe tôi kể bệnh chảy nước mắt của con, bác sĩ vui vẻ nói :

  -  Được rồi, hôm nào rãnh, cô giáo mang cháu đến đây, tôi sẽ khám và điều trị cho cháu.

    Tôi mừng qúa vội hỏi :

  -  Nhưng làm sao tôi xin được giấy giới thiệu cho cháu đến binh viện này?  (thời đó đi khám bệnh phải có giấy giới thiệu và phải đi đúng tuyến nữa )

  -  Cô giáo đừng bận tâm chuyện đó, khi nào rãnh cứ mang cháu đến thẳng phòng này, không cần giấy giới thiệu, cũng không cần phải lấy hẹn trước

  Tôi mừng qúa về thu xếp để đem cháu đến, BS khám và soi tuyến lệ cho cháu, rồi cho thuốc đem về nhà xài. Về nhà công việc trường, công việc nhà  lu bu tràn ngập, tôi quên luôn bệnh chảy nước mắt của con bớt hay chưa?. Đến mấy tháng sau tôi mới chợt nhớ ra, lâu nay không còn phải chạy đôn đáo đi mua thuốc nhỏ mắt cho con. Tôi mới phát hiện ra con trai  đã khỏi bệnh chảy nước mắt rồi mà tôi đâu có hay! Cám ơn bác sĩ, BS giỏi quá ! vậy là cháu đã hết bệnh thật rồi, có lẽ vì tình người cao đẹp của BS đã khiến cháu được lành bệnh. Vì trước 75, tôi đã từng đưa con đi điều trị ở các BS giỏi chuyên khoa mắt và ngay cả BS Cát nổi tiếng ở Saigon (Trưởng khoa mắt ĐHYKhoaSG) cũng đã soi tuyến lệ cho con ( rất đắt tiền) nhưng vẫn không khỏi! Nay mừng vì thấy con khỏi bệnh mắt, tôi mừng quá, kể lại chuyện cho bạn bè nghe, ( vì đôi khi tôi cũng nhờ họ mua thuốc nhỏ mắt dùm). Ai cũng hỏi thăm tôi có quen biết thân tình trước với BS hay có tốn kém gì không? Thực tế là hoàn toàn không, thậm chí việc trở lại để cám ơn BS, tôi bận qúa cũng không có dịp. Xin thành thật tạ lỗi và cám ơn  BS dù tôi biết BS là người thi ân mà không cần đến sự cám ơn vì " Cám ơn biết mấy cho vừa", bởi có lẽ hơn ai hết BS đã quan niệm : 

"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng"(TCS)

"Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời" (TNHK) 

Trong đời sống xả hội đầy khó khăn sau 75, cái thời mà người ta phải nhắm mắt lăn đời mình qua  những đau thương, vất vả, khó nhọc, cám ơn đời tôi vẫn may mắn có thêm những "tình thương để lại đời "! Một buổi tối vào lớp BTVH dạy, tôi đã bị tắc tiếng từ chiều, cổ họng rát, nói rất khó, nhưng tôi không bao giờ "bỏ lớp" dù là lớp dạy tình nguyện vì nghĩ đến HS đã bỏ công đến trường đi học... Do đó khi giảng bài, giọng tôi bị khản đặc, chị H lớp trưởng thấy vậy bèn chạy lên xin tôi giao bài cho chị đọc để cả lớp chép. Cả lớp đều ùa lên tán đồng ý kiến của L.T.và xin cô nghỉ ngơi. Sau khi giao bài cho lớp trưởng, tôi ngồi xuống soạn bài cho lần tới. Bỗng nhiên, T. cô bé mang cặp kính cận gọng đen, nhỏ hơn tôi khoảng vài tuổi, em đi học rất đều và thường lặng lẽ, ít nói chuyện. Từ chỗ ngồi của mình, em lên bàn gặp tôi và nói nhỏ : “ Thưa cô, xin cô cho em gặp riêng cô vào giờ ra chơi lát nữa”, tôi gật đầu đồng ý! Đến giờ ra chơi T đứng đợi tôi sẳn ở cuối lớp, tôi nghĩ chắc em có chuyện gì cần nhờ đến tôi, vì một số HS khác vẫn làm như vậy khi cần gặp riêng, nên gặp em tôi liền hỏi ngay:

-         Em có chuyện gì cần nhờ cô vậy?

-         Dạ, em có chuyện cần nhờ cô làm ngay dùm em, là sáng mai cô làm ơn đến khoa Tai Mũi Họng ở B.V.Chợ Rẫy để BS khám họng cho cô, vì em thấy giọng cô khản đặc, cô không nên coi thường, để bịnh trở nặng khó chữa…

  Em làm tôi bị bất ngờ, nên lúng túng:

-         Cám ơn em, nhưng sáng mai cô mắc đi dạy, hơn nữa tuyến khám bệnh của cô là BVTrưng Vương. Mỗi lần đi khám bệnh phải xin giấy giới thiệu của trường rồi đến BV phải chờ đợi làm thủ tục từ phòng này đến phòng kia lâu lắm nên cô rất ngại đi...

-         Em là y tá ở khoa Tai Mũi Họng của BVChợ Rẫy nên sẽ nói với BS em khám cho cô mà không cần bất cứ giấy giới thiệu gì hết, cô cũng không phải chờ đợi. Nếu buổi sáng cô mắc đi dạy, thì cô đi buổi chiều.

  Tôi thầm nghĩ bệnh này không có gì quan trọng, lại ngại làm phiền người khác nên tìm cớ thoái thác:

-         Bệnh cô chắc cũng thường, tối nay cô về uống thuốc cảm ho, rồi ngậm chanh với muối chắc sẽ đỡ. Hơn nữa BVCR lớn mênh mông, cô đâu biết đường nào kiếm khoa TMH, rồi lại bị hỏi giấy tờ lôi thôi

-         Cô ơi ! không được đâu, em biết chắc cô tiếp tục đi dạy không chịu nghỉ, rồi giảng bài, bịnh cô sẽ nặng hơn. Chiều mai, 2 giờ em sẽ đợi cô ngoài cổng lớn BVCR đường N.C.Thanh, cô tới đó, em sẽ đứng đón và dẫn cô vô, nghen cô!.

Nhìn ánh mắt "nài nĩ"của em tôi thật khó xử, tôi sợ những ánh mắt "biết nói" nó dễ làm tôi bối rối. Thời khóa biểu mỗi ngày của tôi đều rất bận rộn, tôi ngại làm phiền em, rồi lại phiền ông BS của em, nên tìm cách hoãn binh:

-         Để cô xem lại, cuối giờ học cô sẽ trả lời em nghen!

 Đến cuối giờ, chuông tan học vừa vang lên, T ôm cặp chạy vội lên bàn tôi:

 - Cô ơi!, chiều mai 2 giờ em đợi cô trước cổng lớn BVCR. Cô làm ơn gật đầu dùm, để em yên tâm đi cô! nghen cô!

 Đọc thấy sự tha thiết trong ánh mắt của em, không còn cách nào khác, tôi đành gật đầu vì không nỡ phụ lòng em, chỉ đợi có thế, em vội biến đi ngay vì sợ tôi đổi ý. Tối đó đạp xe về nhà mà lòng tôi miên man suy nghĩ: Sao trong cái xã hội đêm đen đầy những thủ đoạn lừa lọc. Cái xã hội “công an trị”, nhìn đâu cũng thấy nghi kỵ, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Cái xã hội "ra rã" những khẩu hiệu kêu "rổn rảng" nhưng lại đầy sự dối trá :

 

"Khát một ánh mắt thật thà
           Khát một trái tim đậm đà" (PVH)

 mà sao vẫn còn có những tình người đáng trân quý như thế này ? Quan hệ giữa T và tôi trong lớp, không có gì đặc biệt, trước đó em chưa từng nói chuyện riêng với tôi bao giờ. Đôi khi tôi chỉ bắt gặp ánh mắt em lặng lẽ nhìn tôi, rồi hôm nay bỗng nhiên nhờ bị "tắc tiếng", tôi mới nhìn thấy được tấm lòng ưu ái của em đối với tôi Thôi thì “vì em”, ngày mai tôi sẽ thu xếp đi khám bệnh, cho em vui lòng. Cám ơn em, đã đốt lên một que diêm, đã thắp lên trong tôi 1 ngọn nến của tình người, trong đêm tăm tối mênh mông của xả hội thời đó

Sáng hôm sau, tôi đến trường SNA đi dạy, công việc lại tràn ngập. Bỗng  giờ ra chơi tất cả giáo viên đều được triệu tập lên phòng họp H.Đ. vì một thông báo khẩn từ trên vừa gửi xuống : “ Chiều nay tất cả giáo viên phải có mặt ở trường lúc 1 giờ để cùng sinh hoạt với chi đoàn của lớp, chuẩn bị cho đợt công tác đột xuất đặc biệt” ( Sau này tôi mới biết đó là đợt công tác chuẩn bị cho vụ đổi tiền…). Trưa đó tôi về nhà, chỉ ăn vội miếng cơm rồi trở lại trường, họp hành,công tác liên miên đến hơn 6 giờ chiều mới về đến nhà, lo tắm rửa, cơm nước cho 2 con, dọn dẹp, rồi lo soạn bài, chấm bài..cho đến gần 12 giờ đêm, mệt nhoài mới đi nghỉ. Ngày hôm sau cũng thế, vì chúng tôi được thông báo khóa sinh hoạt đặc biệt sẽ kéo dài trong 3 ngày.Ai cũng hoang mang không biết công tác gì? biến cố gì sẽ xảy ra?,nhưng không ai dám thắc mắc, chỉ biết chấp hành lệnh mà thôi. Những lời đồn đoán này nọ được đưa ra, và trước mỗi biến động, thân phận những người vợ tù cải tạo như tôi lại nơm nớp lo lắng như "cá nằm trên thớt", không biết số phận mình rồi sẽ ra sao?? Những căng thẳng trong công tác liên miên ở trường, những mõi mệt lo lắng cho cuộc sinh tồn sao mà nhọc nhằn, đã làm tôi quên bẳng lời hẹn đi khám bệnh với T Cho đến tối sau trở lại lớp BTVH ( học cách tối), nhìn thấy T đứng đợi ở cuối lớp, tôi vẫn còn chưa nhớ ra “tội” của mình, cho đến khi T nói với giọng đầy xúc động:

 -Trời ơi! cô làm em lo qúa, cô có biết chiều qua em đứng dầm mưa đợi cô ở ngoài cổng BVCR từ 2 giờ tới 5 giờ chiều ?? Em không dám vô trong trú mưa vì sợ cô đến không thấy em, cô sẽ đi luôn. Em vừa đợi vừa lo, không biết có chuyện gì xảy ra cho cô không ? Cô đang bịnh, mà trời lại mưa, không biết cô có nhớ đem áo mưa không? tội quá rồi cô lại bịnh nặng thêm! Đầu óc em căng thẳng với bao nhiêu dự đoán "hay là" : Hay là cô đang trú mưa ở đâu đó, chắc lát nữa cô sẽ đến, hay là xe cô bị hư, hay là con cô bịnh...bao nhiêu câu "hay là" quay mòng mòng  trong đầu em, nhưng em vẫn cứ đứng đợi. Sau đợi lâu qúa, em nghĩ có lẽ tại em trùm áo mưa nên có thể cô không nhận ra em, em bèn cởi áo mưa và đứng trân, dầm mình dưới mưa để cô dễ nhận ra em. Lát sau ông gác cổng quen mặt biết em, bèn kéo em vô trong và la :" Cô có điên không ? sao lại cởi áo mưa ra rồi đứng dầm mình trong mưa, ướt hết như vầy bệnh rồi sao?" Nhưng em không chịu vô dù em đã bắt đầu thấy thấm lạnh vì em đã hẹn với cô là đứng đợi cô ngoài cổng mà ! và cô đã gật đầu, thì cô sẽ đến vì em biết cô em rất uy tín…

 Trời ơi! những lời em kể như những lát dao đâm thấu trái tim tôi. Ôi! sao tội tôi lớn qúa thế này ? Sao tôi “đắc tội” dường này hở trời ? Tôi muốn ôm em vào lòng để nói ngàn lời xin lổi, nhưng tôi không nhúc nhích nổi, chỉ  đứng chết trân, cổ họng tôi nghẹn đắng, tôi là kẻ tội đồ sẳn sàng đón nhận hình phạt vì “tội lỗi” mình đã phạm quá lớn! đã đem lại bao nhiêu lo lắng vất vả cho em ! T ơi, tôi không xứng đáng nhận tình thương nơi em, em lo cho tôi làm chi? mà em phải chịu "dầm mưa" khổ sở đến vậy. Tôi không dám mở miệng nói nửa lời để biện minh vì tôi biết tội tôi thật quá lớn, tôi chỉ biết cúi đầu im lặng chờ đợi sự phán xét của em

 Thấy tôi đứng chết lặng không nói lời nào ! T. nắm tay tôi lắc lắc :

-         Cô ơi ! em giận cô thì ít, nhưng lo cho cô thì nhiều, bây giờ thấy cô bình yên là em mừng rồi. Từ hôm qua tới giờ em lo mà đứng ngồi không yên. Tối nay em phải lo đi học sớm để đợi gặp cô. Em không trách cô đâu, chắc cô có lý do gì đặc biệt nên mới quên hẹn ??

 T. ơi! sao lòng em bao dung qúa! Đúng là "Đời sẽ dịu dàng biết mấy khi con người biết đặt mình vào vị trí của nhau"! Được em mở lời gợi ý, tôi mới dám kể lại đầu đuôi mọi việc. Em lắng nghe xong, cười nói:

 - Em biết mà, cô quên hẹn  ắt phải có lý do đặc biệt nào đó. Cô biết không? Đã vậy sau 5 giờ, em trở lại... khoa,  mình mẫy ướt mem còn bị ông bác sĩ chọc quê:

- Sao cô giáo yêu qúy của em đâu rồi? Vậy mà em bắt tôi phải chờ đợi mấy tiếng đồng hồ để sẳn sàng khám bịnh cho cô em, ngay khi cô em tới, để cô em khỏi chờ đợi. Em làm tôi tò mò muốn gặp cô giáo em...xem "có duyên" tới cỡ nào mà được H.S. thương dữ vậy, khiến lòng tôi cũng muốn ganh tị, nhưng tôi đã bị hụt rồi, thật tiếc quá!

 Sau đó BS lấy đưa cho em mấy viên thuốc cảm, bảo em :

- Phải uống ngay kẻo dầm mưa lâu rồi mắc bịnh,  tối mai lại không đi học được để gặp cô giáo yêu quý thì sẽ còn khổ nữa.

 Tôi cười: "Em cho cô gửi lời xin lỗi BS của em, chắc Chúa thương, thấy cô cực qúa, nên đã đuổi bệnh đi dùm cô, nên cô không cần gặp BS nữa. May mà em không bị bệnh vì dầm mưa, nếu không cô sẽ ân hận biết là chừng nào. Hãy tha lỗi cho cô nghen em !"

 T.dịu dàng cầm bàn tay tôi ủ trong đôi tay em, xíết nhẹ và ấp lên ngực, khẻ mỉm cười gật đầu. Ôi nụ cười em sao hiền lành đáng yêu quá !và tôi hiểu là tôi đã được em tha thứ! Đôi khi trong cuộc đời, tất cả những điều người ta cần chỉ là được cầm tay nhau và hiểu lòng nhau. T. ơi! cám ơn em đã "lắng nghe để hiểu, dừng lại để thương", cô phải học hỏi điều này nơi em. Vì những điều tốt đẹp trên đời đôi lúc không thể thấy hay chạm vào mà nó chỉ được cảm nhận bằng trái tim. Thế là câu chuyện tưởng buồn phiền, trách móc, nhờ sự  bao dung thông cảm của T. cuối cùng lại hóa vui vì cô - trò đã hiểu lòng nhau! Đúng là : "Nếu có bao dung thì hãy bao dung bây giờ" và cô trò tôi nắm tay vui vẻ bước vào lớp học

T. ơi! cám ơn em  đã cho tôi niềm vui của tình người, giữa bao nhiêu lo toan căng thẳng của cuộc sống chung quanh, "may mà có em đời còn dễ thương”. Đêm đó nhìn lên  bầu trời đen, xa tít tôi thấy một vì sao nhỏ đang chiếu sáng lấp lánh, đó có phải là vì sao tình người của em không hả T ? Cám ơn em, một con người tuyệt vời đã cho tôi một kỷ niệm thật đẹp và thật đáng yêu trong cuộc đời đi dạy của mình.Qua "Những Vì Sao trong đêm đen" thân thương, tôi chợt nhận ra những con người Saigon dù sống trong xả hội nhiểu nhương vẫn tràn đầy tình nhân ái."Những Vì Sao" ấy đã giúp tôi cảm.nhận:

                                               " Hạnh phúc vốn là đơn giản
                                                Nho nhỏ những điều quanh ta
" (TTT)

Tôi cảm thấy "ơn đời" trĩu nặng, nợ bạn bè, nợ học trò thân thương của mình biết là nhường bao, làm sao tôi trả cho hết ??

"Ta nợ mặt trời từng tia nắng mai...

Ta nợ nụ cười người quen sáng nay...

Nghe đời nhẹ nhàng, bước chân phong trần...

Ta nợ, còn nợ cuộc đời...

Ta nợ, còn nợ bạn bè...

Ta nợ học trò biết bao ân tình

 Người ta nói "Hãy khắc ghi những nghĩa cử trên đá cẩm thạch và những điều bội bạc trên cát". Riêng tôi, tôi sẽ xin khắc ghi những ân tình này trong tim để mãi mãi không bao giờ quên, không bao giờ quên...những con người Saigon dấu yêu tràn đầy tình người của tôi. Và bây giờ tôi càng vui mừng hơn khi biết hiện nay truyền thống "tình người" đó vẫn còn nối tiếp với hình ảnh: Những quán cơm Tù Thiện, bình trà đá, cửa hàng sửa giày, cắt tóc miễn phí dành cho những hoàn cảnh kém may mắn là những hình ảnh đẹp, nhân văn mà trên các con đường Sài Gòn ta có thể dễ dàng bắt gặp.

Sài Gòn vội vã, náo nhiệt, nhưng ở đâu đó trong những căn hẻm nhỏ, một góc đường lớn chúng ta lại có thể bắt gặp những hình ảnh với những thông điệp đậm nét tình người. Đó là cách mà người dân Saigon giúp đỡ xã hội và làm việc nghĩa phù hợp với khả năng của mình

Tôi rất tự hào về người dân Saigon của tôi, khi thấy những biểu hiện Tình Người mỗi ngày một nở rộ khắp nơi trên những con đường Saigon thân thương. Hy vọng những đóa hoa Tình Nguời này mỗi ngày một phát triển rực rỡ hơn, để du khách nước ngoài và bất cứ ai ghé thăm Saigon sẽ cảm nhận được một nét văn hóa "Tình Nguời" rất ấm áp, rất dễ thương của dân Saigon. Xả hội Việt Nam hiện nay với nền đạo đức đang càng ngày càng băng hoại,  sự "vô cảm" đang lan tràn như một cơn dịch, nhưng dân Saigon vẫn biết quan tâm đến người nghèo khổ, người khuyết tật...Thật là những hành dộng nhân ái đáng ca ngợi, người dân Saigon có thể tự hào cất cao lời hát đã có từ lâu lắm rồi :
"Saigon đẹp lắm, Saigon ơi, Saigon ơi", cái đẹp của tình nguời nồng ấm! 

Bạn thân ơi! nhìn lại hành trình của một đời người có ai may mắn được bước đi thong dong bình an mãi mãi. Có lúc trời quang mây tạnh, đường đi nhẹ bước chân êm, hai bên đường hoa nở khoe sắc, chim hót líu lo. Nhưng cũng có lúc màn đêm dày đặc mênh mông, sấm chớp đe dọa tứ phương không nhìn thấy lối ra.Rồi những bước chân trên dốc đá trơn trợt, gập ghềnh lỡm chỡm đầy gai góc, miễng nhọn cắt da rướm máu...Nhưng thật cám ơn đời, những lúc đó tôi may mắn có được những bàn tay ân cần nâng đỡ, những tình thương "cho đi tuyệt đối", không hề đòi lại chút xíu nào, đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi đi tới, vững vàng vượt qua mọi gian khổ của cuộc sống chông gai.

 Hôm nay đây được hít thở hương gió dịu dàng, trong một không gian bình an, hồi tưởng về những ký ức êm ái ngày xưa, mà lòng tôi vẫn còn cảm thấy dư vị ngọt ngào xiết bao từ những kỷ niệm đáng yêu của "một thời để nhớ". Hãy cho tôi xin được một lần:

"tạ ơn người, tạ ơn đời, ta ơn ai đã cho tôi tình sáng ngời như sao xuống từ trời"

  Vì bây giờ và mãi mãi "Tình Người vẫn là thứ quý giá nhất !"   Và riêng tôi, tôi xin nguyện trong phần đời còn lại, dù còn những khó khăn, tôi vẫn xin tiếp nối những "Tình Người" mà tôi đã nhận được để lại tiếp tục "cho đi" với những ai mà tôi có cơ duyên được gặp trên đường đời mai sau :

"Xin như là giọt mưa
Rơi ướt hồn đá sỏi,
Mầm yêu thương ngủ vùi
Vươn vai trong ngày mới
".(TTT)

 

Phượng Vũ