TÌNH HÌNH THỜI CUỘC 2015

 

Tunisia bắt giữ 9 nghi phạm vụ xả súng

Chia sẻ
An ninh đã được thắt chặt sau vụ tấn công vào viện bảo tàng ở Tunis

 

Chín người đã bị bắt giữ do tình nghi liên quan đến vụ xả súng ở thủ đô Tunis của Tunisia hôm 18/3.

Vụ tấn công đã khiến 23 người thiệt mạng, trong đó có 20 du khách nước ngoài.

Trong một thông cáo, phủ tổng thống Tunisia cho biết 4 người trong số này bị tình nghi liên quan trực tiếp đến vụ tấn công và 5 người còn lại có quan hệ với nhóm khủng bố.

Quân đội sẽ được triển khai đến các thành phố lớn, thông cáo nói thêm.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) thừa nhận đứng đằng sau vụ tấn công tại viện bảo tàng Bardo và đã ca ngợi hai 'chiến binh của vương quốc Hồi giáo' trong một đoạn băng ghi âm.

Thông điệp, được đăng trên các tài khoản Twitter vốn thường tuyên truyền ủng hộ IS, công bố danh tính hai kẻ tấn công là Abu-Zakariya al-Tunisi và Abu-Anas al-Tunisi.

Một thông cáo gọi vụ tấn công là "cuộc xâm lược được ban phước" nhằm vào "một trong các hang ổ của lũ ngoại đạo và tệ nạn ở nước Hồi giáo Tunisia".

Một trong hai tay súng thực hiện vụ tấn công tại viện bảo tàng Bardo được giới chức Tunisia công bố tên là Yassine Labidi.

Thủ tướng Tunisia Habib Essid nói với đài RTL Radio rằng các cơ quan an ninh đã chú ý đến ông này nhưng không phát hiện ra mối liên quan nào với các nhóm thánh chiến.

Ông Laabidi và đồng phạm - Hatem Khachnaoui, đã lúc đụng độ với lực lượng an ninh.

Hiện vẫn chưa rõ hai tay súng này có phải là hai người mà IS đã nhắc tới hay không.

Các nhóm thánh chiến, bao gồm IS, thường đặt biệt hiệu cho các thành viên của mình.

Nhiều du khách từ Nhật Bản, Colombia, Úc, Anh quốc và các nước châu Âu khác nằm trong số những người thiệt mạng cũng như hơn 40 người bị thương trong vụ tấn công.

Danh tính các nghi phạm bị bắt giữ hôm 19/3 cũng như vai trò của những người này trong vụ tấn công vẫn chưa được công bố.

Tuy nhiên, phóng viên an ninh của BBC, Frank Gardner, nói một thành viên al-Qaeda cho biết hai tay súng này đã huấn luyện với phiến quân ở Derna, đông Libya, hai tháng trước khi trở về Tunisia.

Trong một thông cáo, phủ tổng thống Tunisia nói "Tổng thống đã ra lệnh triển khai quân đội tại các thành phố lớn,".

Hôm 19/3, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã gọi cho người đồng cấp Tunisia, ông Mohamed Beji Caid Essebi, để "thay mặt nhân dân Hoa Kỳ bày tỏ sự đồng cảm trước gia đình và người thân các nạn nhân", Nhà Trắng cho biết.

"Tổng thống cũng khẳng định sự hợp tác vững mạnh trong hoạt động chống khủng bố cũng như các vấn đề an ninh với chính phủ Tunisia và ngỏ ý giúp đỡ nước này trong công tác điều tra hiện nay".

Nhiều người biểu tình đã thắp nến tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công

Tác động ngành du lịch

Một cuộc diễu hành phản đối khủng bố đã diễn ra sau vụ tấn công.

Người biểu tình đã mang theo các khẩu hiệu kêu gọi hòa bình và thắp nến tưởng niệm các nạn nhân.

Phóng viên BBC tại Tunis, Aidan Lewis, cho biết nhiều người tham gia biểu tình thuộc tầng lớp khá giả ở vùng ven biển, vốn có quan điểm khác với những người sống ở nội địa.

Vụ tấn công là một đòn giáng mạnh vào ngành du lịch của Tunisia - nước chỉ mới trải qua một cuộc chuyển giao chính trị vài tháng trước, Biên tập viên BBC tiếng Ả rập Sebastian Usher cho biết.

Hai hãng du lịch tàu biển - MSC Cruises và Costa Cruises - nói họ sẽ tạm đình chỉ chặng dừng chân ở Tunis.

MSC nói trong một thông cáo rằng ít nhất chín nạn nhân trong vụ tấn công là khách du lịch trên tàu MSC Splendida, vốn đã hạ neo ở Tunis.

Hãng này cũng nói 12 hành khách khác trên tàu đã bị thương, trong khi 6 người khác vẫn chưa được tìm thấy.

Costa cho biết ba hành khách trên tàu Costa Fascinosa đã thiệt mạng, trong khi 8 người khác bị thương và hai người khác vẫn chưa rõ tung tích, giám đốc điều hành Michael Thamm cho biết.

Khu vực bên ngoài viện bảo tàng sau vụ tấn công

Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, một cuộc họp thảo luận về luật chống khủng bố đang diễn ra tại tòa nhà Quốc hội gần đó.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC Radio 4, Nghị sỹ Sayida Ounissi dẫn lời cơ quan an ninh nói các tay súng ban đầu đã nhắm vào tòa nhà Quốc hội.

Thông cáo được đăng tải trên một trang chuyên đăng tin về các nhóm thánh chiến cũng cho biết các tay súng đã bắt đầu giết hại các du khách sau khi bị cảnh sát đẩy lùi khỏi tòa Quốc hội.

Tuy nhiên, thông cáo này không nói rõ nhóm nào đã thực hiện vụ tấn công.

Tunisia đã bắt đầu dân chủ hóa từ năm 2011, sau khi nhà cầm quyền Zine al-Abidine Ben Ali bị lật đổ.

Các phe Hồi giáo bảo thủ đã tìm cách ngăn cản tiến trình này, trong lúc quan ngại về an ninh gia tăng sau khi nước láng giềng Libya ngày càng trở nên bất ổn.

Đông đảo công dân Tunisa cũng đang tham chiến tại Syria và Iraq, gây lo ngại về việc những người này có thể về nước để thực hiện các vụ tấn công.

Bộ trưởng Văn hóa Tunisia, ông Latifa Lakhdar, nói với các phóng viên rằng viện bảo tàng sẽ sớm được mở cửa trở lại vào đầu tuần sau.