GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ - THỨ NĂM TUẦN THÁNH

 

 

 

Chủ Tế và Giảng Lễ Thánh Lễ Truyền Dầu Ban Sáng 24/3/2016 ở Đền Thờ Thánh Phêrô

 

 

"Là các vị linh mục, chúng ta đều là những chứng nhân và là các thừa tác viên cho sự dồi dào phong phú hằng gia tăng của lòng thương xót Chúa"

 

Sau khi nghe Chúa Giêsu đọc Sách Tiên Tri Isaia rồi nói: "Hôm nay, đoạn Thánh Kinh các người nghe đây đã được nên trọn" (Luca 4:21), thì cộng đoàn ở hội trường Nazarét đáng lẽ phải nổ một tràng pháo tay. Họ đáng lẽ phải khóc lên vì hân hoan vui sướng, như dân chúng đã làm trước đây khi Nahemiah và tư tế Ezra đọc sách Luật được tìm thấy khi họ đang tái thiết tường thành. Tuy nhiên, các Phúc Âm cho chúng ta biết rằng dân làng của Chúa Giêsu đã tác hành ngược hẳn lại; họ đóng cửa lòng mình lại với Người và tống cổ Người đi. Trước tiên, "tất cả đều nói tốt về Người, và tỏ ra bỡ ngỡ trước những lời lẽ đầy ân sủng thoát ra từ môi miệng của Người" (4:22). Thế nhưng, sau đó một vấn nạn tinh quái bắt đầu loan truyền: "Đây không phải là con của viên thợ mộc Giuse hay sao?" (4:22). Rồi "họ tràn đầy giận dữ" (4:28). Họ muốn xô Người xuống triền núi. Điều này xẩy ra ứng nghiệm lời tiên tri của vị lão thành Simeon đã ngỏ cùng Trinh Nữ Maria rằng Người sẽ trở thành "một dấu hiệu phản khắc" (2:34). Bằng những lời nói và hành động của mình, Chúa Giêsu làm lộ tẩy những bí mật trong lòng của hết mọi con người nam nữ.

Ở đâu Chúa loan báo Phúc Âm về lòng thương xót vô điều kiện của Chúa Cha cho những người nghèo khổ, những người bị tẩy chay loại trừ và những người bị áp bức, là chính nơi chúng ta được kêu gọi để bênh vực, để "chiến đấu một trận chiến đức tin tốt đẹp" (1Timothêu 6:12). Trận chiến của Người không phải là trận chiến chống lại những con người nam nữ mà là ma quỉ (xem Epheso 6:12), kẻ thù của nhân loại. Thế nhưng Chúa "băng qua giữa" tất cả những ai muốn chặn Người lại và "tiếp tục con đường của Người" (Luca 4:30). Chúa Giêsu không chiến đấu để xây dựng quyền năng. Nếu Người phá đổ những bức tường và thách đố cảm quan của chúng ta về mối an toàn, thì Người làm điều ấy, cùng với Chúa Cha và Thánh Linh, là để tuôn đổ trận lụt lòng thương xót xuống trên thế giới của chúng ta. Một lòng thương xót vươn dài trải rộng; một lòng thương xót truyền đạt và làm tươi mới; một lòng thương xót chữa lành, giải phóng và công bố năm hồng ân của Chúa.

Lòng thương xót của Thiên Chúa thì vô cùng và bất khả thấu. Chúng ta bày tỏ quyền năng của mầu nhiệm này như là một lòng thương xót "không còn gì cao cả bằng", một lòng thương xót mà mỗi ngày cần phải tìm cách để tăng tiến, thực hiện những bước tiến nho nhỏ và thăng tiến ở những nơi hoang vu đang bị lãnh đạm và bạo động khống chế.

Đó là đường lối của Người Samaritanô Nhân Lành, Đấng "đã tỏ lòng thương" (xem Luca 10:37), ở chỗ Người đã động lòng, Người đã đến gần với con người đang bất tỉnh, Người đã băng bó các vết thương của anh ta; đã mang anh ta đến nhà trọ, đã ở đó tối hôm ấy và hứa sẽ trở lại để trả nốt những chi phí còn lại. Đó là đường lối của lòng thương xót, một lòng thương xót bao gồm những cử chỉ nho nhỏ. Lòng thương xót gia tăng với từng dấu hiệu hữu ích và tác động yêu thương mà không tỏ vẻ khinh khi. Hết mọi người trong chúng ta, khi nhìn vào đời sống riêng của mình như Thiên Chúa nhìn chúng ta, có thể cố gắng nhớ lại những đường lối được Chúa dùng để tỏ lòng thương xót đối với chúng ta, Người đã thương xót biết bao, hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Nhờ đó chúng ta dám xin Người hãy thực hiện hơn nữa và tỏ lòng thương xót của Người hơn nữa trong tương lai: "Lạy Chúa, xin tỏ lòng thương của Người cho chúng con" (Thánh Vịnh 85:8). Đường lối cầu nguyện trái ngược này với một vị Thiên Chúa hằng thương xót hơn, giúp chúng ta phá đổ những bức tường mà chúng ta sử dụng để chứa đựng cái cao cả dồi dào của cõi lòng Người. Chúng ta cần phải phá vỡ những đường lối định liệu của mình, vì việc ấy xứng hợp với Cõi Lòng của Thiên Chúa hằng tuôn đổ sự êm ái dịu dàng, càng ban phát hơn bao giờ hết. Vì Chúa thích một cái gì đó được phung phí đi hơn là chỉ một giọt của lòng thương xót cần phải được giữ lại. Người muốn có nhiều hạt giống bị chim trời tha đi hơn là chỉ một hạt giống bị mất đi, bởi mỗi một hạt trong những giống đó có khả năng sinh dồi dào hoa trái, gấp 30, gấp 60, thậm chí gấp trăm.

Là các vị linh mục, chúng ta đều là những chứng nhân và là các thừa tác viên cho sự dồi dào phong phú hằng gia tăng của lòng thương xót Chúa; chúng ta đang làm công việc thể hiện lòng thương xót Chúa đầy phấn khởi và an ủi, như Chúa Giêsu đã làm, Đấng "đã đi đây đó để hành thiện và chữa lành" (Tông Vụ 10:38) bằng hằng ngàn cách để nó có thể chạm đến hết mọi người. Chúng ta có thể giúp vào việc làm cho lòng thương xót hội nhập, nhờ đó mỗi một người có thể gắn bó với lòng thương xót và cảm nghiệm được lòng thương xót một cách riêng tư. Điều ấy sẽ giúp cho tất cả mọi người thực sự hiểu biết và thực hành lòng thương xót một cách sáng tạo, theo những cách thức tỏ ra tôn trọng các nền văn hóa địa phương cùng các gia đình.

Hôm nay, trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh của Năm Thánh Tình Thương này, tôi muốn nói đến hai lãnh vực Chúa muốn tỏ ra lòng thương xót quá mức. Theo gương của Người chúng ta cũng không được lưỡng lự bày tỏ cái quá mức này. Lãnh vực đầu tiên tôi muốn nói đến đó là việc gặp gỡ; lãnh vực thứ hai là lòng tha thứ của Thiên Chúa, một lòng tha thứ làm cho chúng ta cảm thấy hổ thẹn nhưng đồng thời cũng ban cho chúng ta phẩm vị.

Lãnh vực thứ nhất mà chúng ta thấy Thiên Chúa tỏ ra quá mức độ nơi lòng thương xót hằng gia tăng của Ngài đó là lãnh vực của việc gặp gỡ. Ngài hoàn toàn cống hiến bản thân mình và nhờ thế mà hết mọi cuộc gặp gỡ đều dẫn đến niềm hân hoan. Trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, chúng ta cảm thấy bàng hoàng ngỡ ngàng trước một con người, hết sức cảm động, chạy đến với đứa con trai của mình, và ôm choàng lấy nó; chúng ta thấy ông ta ôm chầm lấy đứa con của mình ra sao, hôn nó, đeo nhẫn vào ngón tay nó, rồi xỏ giầy cho nó, nhờ đó nó đóng vai một đứa con hơn là một tôi tớ. Sau hết, ông truyền lệnh cho mọi người mở tiệc ăn mừng. Khi bàng hoàng chiêm ngưỡng cái ngập ngụa niềm vui của Người Cha một cách tự nhiên và vô biên được bày tỏ ra khi con ông trở về, chúng ta không được lo sợ về những gì chúng ta cho rằng quá đáng nơi lòng tri ân của chúng ta. Thái độ của chúng ta cần phải là thái độ của người phong cùi khốn khổ, khi thấy mình được chữa lành thì bỏ 9 người bạn của mình đang đi làm những gì Chúa Giêsu truyền dạy, mà trở lại quì xuống chân Chúa mà lớn tiếng ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa.

Lòng thương xót phục hồi hết mọi sự; nó phục hồi phẩm vị cho từng người. Đó là lý do tại sao lòng tri ân dạt dào lai láng là việc đáp ứng thích đáng: chúng ta cần phải đi dự tiệc, cần phải mặc quần áo đẹp nhất, cần phải loại trừ đi cái thù oán của người anh lớn, cần phải hoan hỉ và tạ ơn... Chỉ có thế, bằng việc tham dự hoàn toàn vào niềm hoan hỉ ấy, mới có thể nghĩ suy một cách thẳng thắn, mới có thể xin ơn tha thứ, và mới có thể thấy rõ hơn làm sao chúng ta vấp phạm sự dữ. Chúng ta cần phải tự vấn xem: sau khi đi xưng tội tôi có hân hoan hay chăng? Hoặc tôi tiếp tục làm việc ngay sau đó, như chúng ta làm, ở chỗ sau khi đến cho bác sĩ khám, chúng ta nghe thấy kết quả thử nghiệm không tệ cho lắm thì cho những kết quả ấy vào bao thư của chúng? Khi bố thí, tôi có cống hiến thời gian cho những ai nhận lãnh chúng để bày tỏ lòng tri ân của họ hay chăng, tôi có nở nụ cười và trân trọng các phúc lành được người nghèo cống hiến cho, hay tôi vội vã tiếp tục các việc làm riêng tư của tôi sau khi quẳng cho họ một đồng bạc cắc nào đó?

Lãnh vực thứ hai cho chúng ta thấy Thiên Chúa quá đáng ra sao nơi lòng thương xót hằng cao cả hơn nữa đó là chính sự tha thứ. Thiên Chúa không chỉ tha thứ những món nợ không thể nào thanh toán, như Ngài tỏ ra với người đầy tớ xin thương xót nhưng sau đó hắn lại tỏ ra keo kiệt bủn xỉn với con nợ của hắn; Ngài cũng giúp chúng ta có thể trực tiếp tiến từ tình trạng thất sủng hổ nhục nhất đến phẩm vị cao nhất mà không cần qua bất cứ những giai đoạn trung gian nào. Chúa cho phép người nữ tội lỗi rửa chân của Người bằng nước mắt của chị. Ngay khi chàng Simon tuyên xưng tội lỗi của mình và xin Chúa Giêsu xa chàng ra thì Chúa nâng chàng lên làm tay chài lưới con người ta. Tuy nhiên, chúng ta có khuynh hướng phân ly hai thái độ này ra, ở chỗ, khi chúng ta hổ thẹn vì tội lỗi của mình thì chúng ta ẩn mình đi và cúi đầu xuống mà lẩn quẩn bước đi, như Adong và Evà; và khi chúng ta được nâng lên một phẩm vị nào đó thì chúng ta lại cố gắng bao che tội lỗi của mình và thích được nhìn ngắm hầu như muốn khoe khoang.

Việc chúng ta đáp ứng với lòng tha thứ diệu vợi của Thiên Chúa bao giờ cũng cần phải được bảo trì cái thăng bằng lành mạnh giữa một nỗi hổ thẹn xứng đáng (a dignitied shame) và một niềm vinh dự thẹn thùng (a shamed dignity). Nó là thái độ của một con người tìm kiếm một vị thế khiêm hạ thấp hèn, nhưng lại là một con người có thể để cho Chúa nâng họ lên cho thiện ích của sứ vụ mà không tự mãn. Mẫu gương được Phúc Âm cống hiến cho chúng ta và là mẫu gương có thể giúp chung ta khi chúng ta xưng thú tội lỗi của mình, đó là Thánh Phêrô, vị để cho mình được đặt vấn đề về tình yêu của ngài với Chúa, nhưng cũng là người lập lại việc ngài chấp nhận thừa tác vụ chăn dắt đàn chiên được Chúa ủy thác cho ngài.

Để gia tăng nơi "phẩm vị có thể hạ mình" này và là một phẩm vị giải thoát chúng ta khỏi nghĩ rằng chúng ta không nhiều thì ít là những gì chúng ta là nhờ bởi ơn Chúa, những gì có thể giúp chúng ta hiểu những lời của tiên tri Isaia ngay sau đoạn Chúa của chúng ta đọc trong hội đường Nazarét: "Các người sẽ được gọi là các vị linh mục của Thiên Chúa chúng ta" (61:6). Chính dân chúng là thành phần nghèo khổ, đói khổ, là các tù binh chiến tranh, không có tương lai, bị loại trừ sang một bên và bị tẩy chay, mà Chúa biến thành một dân tộc tư tế.

Là những vị linh mục, chúng ta đồng hóa với thành phần bị loại trừ, thành phần được Chúa cứu độ. Chúng ta nhắc nhở chính mình rằng đang có muôn vàn người nghèo khổ, vô học, tù phạm, thành phần bị rơi vào những hoàn cảnh ấy vì bị người khác đè nén họ. Thế nhưng chúng ta cũng nhờ rằng mỗi một người chúng ta biết được mức độ mà cả chúng ta nữa cũng thường mù lòa, thiếu ánh sáng rạng ngời của đức tin, không phải vì chúng ta không có Phúc Âm ngay bên tay, mà vì một thứ quá trớn nào đó của khoa thần học phức tạp. Chúng ta cảm thấy rằng linh hồn của chúng ta khát khao linh đạo, không phải là vì thiếu Nước Hằng Sống được chúng ta nhấp môi, mà vì một thứ linh đạo quá ư là "bọt bèo". Chúng ta cảm thấy mình cũng bị mắc bẫy nữa, không phải vì những bức tường đá bất khả vượt qua hay những hàng rào bằng giây kẽm gây ảnh hưởng đến nhiều người, mà là một thứ trần tục ảo theo con số được mở ra hay đóng vào chỉ bằng một cái bấm đơn giản. Chúng ta bị áp đảo không phải bởi những thứ đe dọa và dồn nén, như rất nhiều người nghèo khổ, nhưng bởi một thứ thu hút của hằng ngàn thứ quảng cáo thương mại mà chúng ta không thể nào nhún vai dửng dưng bỏ đi một cách thoải mái theo con đường dẫn chúng ta đến tình yêu thương anh chị em của chúng ta, đến đàn chiên của Chúa, đến con chiên đang đợi chờ tiếng nói các vị chủ chiên của chúng.

Chúa Giêsu đến để cứu chuộc chúng ta, để sai chúng ta đi, để biến đổi chúng ta từ chỗ nghèo khổ và mù lòa, bị giam cầm và áp bức, trở thành những thứa tác viên của lòng thương xót và của niềm an ủi. Người nói với chúng ta, bằng những lời tiên tri Êzêkiên đã nói với những người bán thân mình và phản bội Chúa rằng: "Ta sẽ nhớ đến giao ước của Ta với ngươi trong những ngày ngươi còn trẻ trung... Bấy giờ ngươi sẽ nhớ lại đường lối của mình mà hổ thẹn khi Ta lấy chị em lớn nhỏ của ngươi để hiến chúng cho ngươi như những nữ tử của ngươi, nhưng chúng không được dự phần vào giao ước với ngươi. Ta sẽ thiết lập giao ước của Ta với ngươi và ngươi sẽ biết rằng Ta là Chúa, để người ghi nhớ mà xấu hổ, rồi trong lúc tủi nhục ngươi sẽ không bao giờ mở miệng nữa, khi Ta tha thứ cho ngươi tất cả những gì ngươi đã làm, Chúa là Thiên Chúa phán" (16:60-63).

Trong Năm Thánh này, chúng ta đang trân trọng Cha của chúng ta bằng tấm lòng tràn đầy niềm tri ân, và chúng ta cầu nguyện cùng Ngài để "Ngài nhớ lại lòng thương xót muôn đời của Ngài"; chúng ta hãy lãnh nhận, bằng một phẩm vị có thể hạ mình, một tấm lòng thương xót được tỏ ra nơi xác thịt bị thương tích của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy xin Người thanh tẩy chúng ta khỏi mọi tội lỗi và giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ. Và với ơn của Thánh Linh chúng ta hãy dấn thân mang lòng thương xót Chúa một lần nữa đến cho tất cả mọi con người nam nữ, và thi hành các công việc được Thần Linh tác động nơi mỗi người chúng ta vì công ích của toàn thể Dân Chúa.

http://www.news.va/en/news/pope-francis-at-chrism-mass-full-text-of-homily

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý nhấn mạnh

 

http://www.romereports.com/2016/03/24/pope-alerts-priests-of-the-virtual-worldliness-that-is-opened-or-closed-by-a-click

(đoạn video clip dài 2 phút 44 giây tường trình về lễ truyền dầu)

 

Đức Thánh Cha Phanxicô rửa chân cho những người tị nạn

Lễ Làm Phép Dầu đã được Đức Thánh Cha Phanxicôi chủ tế và giảng lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô sáng hôm nay. Buổi chiều cùng ngày Thứ Năm Tuần Thánh này ngài đã đến Trung Tâm C.A.R.A. là nơi, từ năm 2014, phục vụ cho 900 người tỵ nạn thuộc 25 quốc gia khác nhau (ở Phi Châu, Á Châu và Âu Châu) và thuộc nhiều tôn giáo khác nhau (đa số là tín đồ Hồi giáo, và nhiều Kitô hữu Tin Lành và Chính Thống Coptics), để bắt đầu cử hành Tam Nhật Vượt Qua, bằng nghi thức rửa chân trong Thánh Lễ Chiều Thứ Năm Tuần Thánh này.

Trong nghi thức rửa chân cho 12 người năm nay, 2016, Năm Thánh Tình Thương, cũng là năm ngài gửi thư cho Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích về việc bao gồm tất cả mọi người trong nghi thức rửa chân (Đức Thánh Cha Phanxicô - Nghi Thức Rửa Chân bao gồm chung Cộng Đồng Dân Chúa), Đức Thánh Cha đã rửa chân cho 11 người tỵ nạn và 1 nữ nhân viên ở trung tâm này. Trong số 11 người tị nạn được rửa chân hôm nay có 4 tín hữu Công giáo Nigeria, 3 nữ Kitô hữu Chính Thống lễ nghi Coptic ở Eritrea, 3 tín đồ Hồi giáo ở Syria, Pakistan và Mali, và một tín hữu Ấn giáo.

Sau đây là bài giảng của ngài:

 

"Hai cử chỉ: Chúa Giêsu rửa chân; Giuđa bán Chúa Giêsu lấy tiền"


Những cử chỉ là những gì lớn tiếng hơn là hình ảnh và ngôn từ. Nơi Lời Chúa chúng ta vừa nghe có hai cử chỉ: Chúa Giêsu phục vụ, rửa chân... Người, Đấng là "đầu", rửa chân cho người khác, thành phần thuộc về Người, cho dù là kẻ hèn mọn nhất trong các vị. Đó là một cử chỉ.

Cử chỉ thứ hai, đó là Giuđa, con người theo phe kẻ thù của Chúa Giêsu, đến với những ai không muốn sống hòa thuận với Chúa Giêsu để nhận tiền  phản bội Người là 30 đồng bạc. Hai cử chỉ.

Cho đến cả hôm nay đây cũng có hai cử chỉ: cử chỉ thứ nhất - tất cả chúng ta với nhau: các tin đồ Hồi giáo, Ấn giáo, Công giáo, Chính Thống Copts, Tin Lành thế nhưng tất cả đều là anh em và là con cái của cùng một Thiên Chúa: chúng ta muốn sống với nhau trong hòa thuận. Một cử chỉ đầu tiên.

Ba ngày trước đây, một hành động gây chiến, tàn phá ở một thành phố Âu Châu, bởi những con người không muốn sống trong hòa bình. Thế nhưng, ở đằng sau cứ chỉ ấy, như ở đằng sau Giuđa, còn có những kẻ khác nữa. Đằng sau Giuđa có những kẻ cống hiến tiền bạc để Chúa Giêsu bị trao nộp. Ở đằng sau cái cử chỉ "kia", có những hãng chế tạo, có các tay buôn vũ khí muốn máu đổ chứ không phải là hòa bình; họ muốn chiến tranh chứ không phải tình huynh đệ.

Cũng thế, hai cử chỉ: Chúa Giêsu rửa chân; Giuđa bán Chúa Giêsu lấy tiền. Các bạn, chúng tôi, tất cả đều cùng nhau, khác tôn giáo, khác văn hóa, nhưng đều là con cái của cùng Cha, đều là anh em. Và cũng có những con người đáng thương mua các thứ vũ khí để hủy hoại tình huynh đệ.

Hôm nay đây, vào lúc tôi đang thi hành tác động như của Chúa Giêsu rửa chân cho 12 người anh chị em đây, tất cả chúng ta đang thi hành một cử chỉ huynh đệ, và tất cả chúng ta đều nói: "Chúng tôi khác nhau, chúng tôi khác nhau, chúng tôi có những nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, thế nhưng chúng tôi đều là huynh đệ và chúng tôi muốn sống trong hòa bình".

Và đó là cử chỉ tôi thi hành với các bạn. Mỗi một người trong chúng ta đều có một câu chuyện trong chúng ta. Rất nhiều thánh giá, rất nhiều đau buồn, thế nhưng chúng ta cũng có một tấm lòng hướng về tình huynh đệ. Chớ gì mỗi người chúng ta, bằng ngôn ngữ tôn giáo của mình, nài xin Chúa cho tình huynh đệ này trở thành lây lan trên thế giới, nhờ đó không lấy 30 bạc cắc để sát hại anh em chúng ta, mà bao giờ cũng là tình huynh đệ và lòng thiện hảo.

Amen.

 


http://www.romereports.com/2016/03/24/pope-francis-full-homily-at-mass-of-the-lordtms-supper-in-refugee-centre

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý nhấn mạnh

 

http://www.romereports.com/2016/03/24/live-pope-washes-the-feet-of-refugees
(đoạn video clip dài 2 tiếng 30 phút 12 giây về toàn bộ cuộc cử hành nghi thức Chiều Thứ Năm Tuần Thánh của ĐTC)