GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô - chủ tế và giảng lễ phong tước hồng y cho 17 vị

ở Đền Thờ Thánh Phêrô Thứ Bảy 19/11/2016

cod

 

"Cái tột đỉnh thật sự được vươn tới là ở nơi mặt bằng,

trong khi mặt bằng nhắc nhở chúng ta rằng cái tột đỉnh lại ở trong ánh mắt và nhất là trong ơn gọi:

'Các con hãy thương xót như Cha của các con là Đấng thương xót'"  

 

Đoạn Phúc Âm chúng ta vừa nghe (xem Luca 6:27-36) thường được hiểu là "Bài Giảng Mặt Bằng / Sermon on the Plain" (biệt chú của người dịch Bài Giảng Mặt Bằng ở Phúc Âm Thánh Luca đây, về từ ngữ và vị trí như thế khác với Bài Giảng Trên Núi ở Phúc Âm Thánh Mathêu). Sau khi chọn 12 Vị, Chúa Giêsu đã cùng với các vị đi xuống với một đám đông đảo dân chúng đang đợi chờ để nghe Người và để được chữa lành. Ơn gọi của các Tông Đồ có liên hệ với "bối cảnh" này, bằng cách xuống đồng bằng để gặp gỡ đám đông dân chúng, thành phần được Phúc Âm cho biết là "gặp rắc rối trục trặc / troubled" (câu 18 - biệt chú của người dịch: chi tiết "gặp trục trặc rắc rối" ở câu Phúc Âm này được Thánh ký Luca nói rõ là "gây ra bởi các thần ô uế"). Thay vì giữ các Tông Đồ ở trên đỉnh núi, thì việc các vị được tuyển chọn đã đưa các vị đến giữa đám đông; ơn gọi của các vị đặt các vị vào giữa những ai bị rắc rối trục trặc, trên "mặt bằng" đời sống thường nhật của họ. Vậy Chúa tỏ cho các Tông Đồ, cũng như cho chính chúng ta, rằng cái tột đỉnh thật sự được vươn tới là ở nơi mặt bằng, trong khi mặt bằng nhắc nhở chúng ta rằng cái tột đỉnh lại ở trong ánh mắt và nhất là trong ơn gọi: "Các con hãy thương xót như Cha của các con là Đấng thương xót" (Luca 6:36).

Ơn gọi này được kèm theo với 4 giới lệnh hay 4 huấn dụ mà Chúa cống hiến như đường lối khuôn đúc ơn gọi của các Tông Đồ qua những trường hợp thực hữu hằng ngày. Chúng là 4 hành động sẽ hình thành, hiện thực và trở thành khả giác đường lối làm môn đệ. Chúng ta có thể nói rằng chúng tiêu biểu cho 4 giai đoạn của khoa thần bí học về lòng thương xót, đó là yêu thương, làm lành, chúc lành và cầu nguyện. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều đồng ý về những điều ấy, và thấy chúng như là một cái gì đó hợp lý. Chúng là 4 điều chúng ta có thể thực hiện một cách dễ dàng cho bạn hữu của chúng ta cũng như cho những ai không nhiều thì ít gần gũi chúng ta, những người chúng ta yêu thích, những người có những sở thích và thói quen giống như chúng ta.

Vấn đề là ở chỗ Chúa Giêsu bảo chúng ta thực hiện những điều này cho những ai. Người rất ư là rõ ràng minh bạch ở chỗ này. Người không vòng vèo ngôn từ, Người không nói năng xiên xẹo. Người bảo chúng ta là hãy yêu thương kẻ thù của các con; hãy làm lành cho những ai thù ghét các con; hãy chúc lành cho những ai nguyền rủa các con; hay cầu nguyện cho những ai xử tệ với các con (xem các câu 27-28).

Đó không phải là những điều chúng ta tự nhiên làm khi đối xử với những người chúng ta coi là đối thủ hay kẻ thù của chúng ta. Cái phản ứng đầu tiên theo bản năng của chúng ta trong các trường hợp như vậy đó là tẩy chay họ, hạ giá họ hay nguyền rủa họ. Thường chúng ta cố gắng biến họ thành "đồ quỉ", để có thể biện minh một cách "thánh hảo" cho việc tẩy chay họ. Chúa Giêsu bảo chúng ta hoàn toàn làm ngược lại với những kẻ thù của chúng ta, những ai ghét chúng ta, những ai nguyền rủa chúng ta hay lăng mạ chúng ta. Chúng ta phải yêu thương họ, làm lành cho họ, chúc lành họ và cầu nguyện cho họ.

Ở đây chúng ta đụng phải một trong những chính cột mốc thuộc sứ điệp của Chúa Giêsu, nơi mà quyền năng và bí mật của sứ điệp này được giấu kín. Ở đó cũng là nguồn vui, là quyền năng cho sứ vụ và việc giảng dạy Tin Mừng của chúng ta. Kẻ thù là người chúng ta cần phải yêu thương. Không có ai là kẻ thù trong tâm can của Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ có những người con nam nữ thôi. Chúng ta là những con người xây lên những bức tường, dựng lên các rào cản và gán ghép cho con người ta thế này thế nọ. Thiên Chúa có những người con trai con gái chính là để không một ai sẽ bị tẩy chay. Tình yêu của Thiên Chúa có tính chất trung thành với hết mọi người, vì nó là một tình yêu nội tại, một tình yêu phụ mẫu không bao giờ bỏ rơi chúng ta, ngay cả khi chúng ta sai lạc. Cha của chúng ta không đợi cho chúng ta tốt lành trước khi Ngài yêu thương thế gian, Ngài không đợi cho chúng ta hơi khá hơn một chút hay trọn lành hơn trước khi Ngài yêu thương chúng ta; Ngài yêu thương chúng ta vì Ngài muốn yêu thương chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta vì Ngài đã làm cho chúng ta thành những người con nam nữ của Ngài. Ngài yêu thương chúng ta ngay cả lúc chúng ta còn là những kẻ thù của Ngài (xem Roma 5:10). Tình yêu vô điều kiện của Chúa Cha đối với tất cả mọi người đã là và hiện là điều kiện tiên quyết thực sự cho việc hoán cải những tấm lòng đáng thương của chúng ta vốn có xu hướng phán đoán, chia rẽ, chống đối và lên án. Việc nhận biết rằng Thiên Chúa tiếp tục yêu thương ngay cả những ai loại trừ Ngài là một nguồn mạch vô tận của lòng tin tưởng và là một lực đẩy cho sứ vụ của chúng ta. Bất kể bàn tay của chúng ta có bẩn thỉu như thế nào, Thiên Chúa vẫn không thể ngừng đặt vào những bàn tay ấy Sự Sống Ngài muốn ban xuống cho chúng ta.

Thời đại của chúng ta là thời đại của các thứ vấn đề khó khăn (problems) và vấn đề tranh cãi (issues). Chúng ta đang sống ở một thời điểm đang diễn ra tình trạng phân cực và loại trừ và coi đó là cách duy nhất để giải quyết các thứ xung khắc. Chẳng hạn chúng ta thấy những người ở giữa chúng ta mang thân phận lạ mặt, di dân hay tị nạn đã mau chóng biết bao biến thành một thứ đe dọa, bị coi như là kẻ thù. Là một kẻ thù vì họ từ một xứ sở xa xôi mà đến hay có những phong tục tập quán khác. Là một kẻ thù vì mầu da của họ, ngôn ngữ của họ hay tầng lớp xã hội của họ. Là một kẻ thù vì họ nghĩ khác hay thậm chí có niềm tin khác. Là một kẻ thù vì... Để rồi, một cách vô thức, đường lối nghỉ tưởng này trở thành cách chúng ta sống và tác hành. Bấy giờ hết mọi sự và hết mọi người bắt đầu nếm được tính chất thù địch. Từ từ những cái khác biệt của chúng ta biến thành những tiệu chứng của hận thù, thành các thứ đe dọa và thành bạo động. Biết bao nhiêu là vết thương hằn sâu hơn vì cái nạn dịch thù địch và bạo động này, một cái nạn đã ghi dấu ấn trên xác thịt của nhiều người bất khả tự vệ, bởi tiếng nói của họ yếu ớt và bị câm nín trước chứng bệnh lạnh lùng lãnh đạm! Biết bao nhiêu là trường hợp bất ổn và khổ đau đang được gieo rắc bởi tính chất thù địch tràn lan này giữa các dân tộc, giữa chúng ta! Phải, giữa chúng ta, giữa các cộng đồng của chúng ta, giữa các linh mục của chúng ta, giữa các cuộc họp của chúng ta. Thứ vi khuẩn phân cực và thù địch này đang thấm nhiễm vào cách suy nghĩ, cảm giác và tác hành của chúng ta. Chúng ta không được miễn nhiễm khỏi thứ vi khuẩn này và chúng ta cần phải để ý quan tâm kẻo những thái độ ấy chiếm được chỗ đứng trong lòng của chúng ta, vì thứ vi khuẩn này là những gì ngược lại với tính chất phong phú và đại đồng của Giáo Hội là những gì được hiện lên rõ ràng nơi Hồng Y Đoàn đây. Chúng ta đến từ những miền đất xa xôi; chúng ta có những truyền thống, mầu da, ngôn ngữ và bối cảnh xã hội khác nhau; chúng ta nghĩ tưởng khác nhau, và chúng ta cử hành đức tin của chúng ta bằng các nghi thức khác nhau. Không có một sự gì trong những điều ấy làm cho chúng ta biến thành kẻ thù của nhau; trái lại, nó lại là một trong những kho tàng lớn lao cao cả nhất. 

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu không bao giờ ngừng "từ núi xuống". Người liên lỉ muốn đi vào những giao điểm của lịch sử chúng ta để rao giảng Phúc Âm của Lòng Thương Xót. Chúa Giêsu tiếp tục hêu gọi chúng ta và sai chúng ta đến "đồng bằng" là nơi dân chúng cư ngụ. Người tiếp tục mời gọi chúng ta cống hiến cuộc đời mình để duy trì dân của chúng ta trong niềm hy vọng, nhờ đó họ mới trở thành dấu chỉ hòa giải. Như Giáo Hội, chúng ta liên lỉ được kêu gọi mở mắt của chúng ta ra để thấy được các thương tích của rất nhiều anh chị em của chúng ta bị hụt mất phẩm giá của họ, bị hụt hẫng về phẩm giá của họ.

Chư huynh thân mến, những vị tân Hồng Y, cuộc hành trình tiến về trời được bắt đầu ở đồng bằng, ở một cuộc đời hằng ngày được bẻ ra và chia sẻ, được sống và cống hiến. Bằng việc hằng ngày âm thầm hy hiến cho tất cả mọi người mà chúng ta là. Cái đỉnh núi của chúng ta là cái tính chất này của tình yêu; đích điểm và cảm hứng của chúng ta cần phải nỗ lực, ở đồng bằng của đời sống, cùng với Dân Chúa, đó là trở nên những con người có khả năng tha thứ và hòa giải. 

Chư huynh thân mến, hôm nay, mỗi người chư huynh cần phải ôm ấp trong lòng mình, cũng như trong lòng Giáo hội, lời kêu gọi hãy thương xót như Chúa Cha. Và hãy nhận thức rằng: "Nếu một điều gì đó có lý quấy rầy chúng ta và khiến cho lương tâm của chúng ta cảm thấy áy náy, thì đó là sự kiện là có rất nhiều anh chị em của chúng ta đang sống không có sức mạnh, ánh sáng và niềm ủi an là những gì xuất phát từ tình thân hữu với Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đồng đức tin để nâng đỡ họ, không có ý nghĩa và mục đích trong đời" (Tông Huấn Niểm Vui Phúc Âm, 49).

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2016/documents/papa-francesco_20161119_omelia-concistoro-nuovi-cardinali.html
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết tự ý nhấn mạng bằng mầu.




ĐTC Phanxicô và Quí Tân Hồng Y đến thăm Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI


Sau lễ nghi phong tước hồng y, ĐTC Phanxicô cùng với các vị tân hồng y lên hai chiếc xe buỷt nhỏ để cùng nhau đến thăm Đức Giáo Hoàng hưu trí Biển Đức XVI ở Đan Viện Mẹ Giáo Hội.

Trước hết ĐTC Phanxicô được nghênh đón ngay ngoài vườn sau của đan viện bởi Đức ông Georg Gansswein, Vị Tông Quản Gia, trong khi đó Đức Giáo Hoàng hưu trí Biển Đức XVI chờ ở nhà nguyện. Sau khi hai vị giáo hoàng ôm chào nhau, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đâ ôm chào 16 vị hồng y hiện diện bấy giờ.

Hai vị giáo hoàng bao giờ cũng đứng bên nhau giữa nguyện đường, và khi Đức Thánh Cha Phanxicô gật đầu thì Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI dâng lời nguyện rồi ban phép lành cho 16 tân hồng y.

Đức Giáo Hoàng hưu trí Biển Đức XVI có vẻ gầy hơn nhưng tươi hơn và rất thân thiện. Đối với nghi thức đóng Cửa Thánh ở Đền Thờ Thánh Phêrô ngày hôm sau, vị giáo hoàng hưu trí cũng chỉ muốn theo dõi qua truyền hình như lễ nghi phong tước hồng ý hôm ấy.