GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô 
Bài Giảng Thứ Tư Lễ Tro ngày 10/2/2016

 

 

 

 

 

 

"Hãy để mình được Thiên Chúa làm hòa, để cho Ngài tha thứ cho chúng ta bằng lòng tin tưởng, vì 'Thiên Chúa cao cả hơn cõi lòng của chúng ta'"


Mở đầu cho hành trình Mùa Chay, Lời Chúa ngỏ cùng Giáo Hội cũng như từng người chúng ta hai lời mời gọi.

Lời mời gọi thứ nhất đó là lời mời gọi của Thánh Phaolô: "Hãy làm hòa cùng Thiên Chúa" (2Corinto 5:20). Đây không phải chỉ là một lời khuyên tốt lành của người cha và lại càng không phải chỉ là một lời đề nghị vậy thôi; mà là một lời van xin thực sự và thích đáng nhân danh Đức Kitô: "Nhân danh Đức Kitô chúng tôi van nài anh em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa" (cùng nguồn vừa dẫn). Tại sao lại có một lời kêu gọi long trọng cảm kích như thế? Vì Chúa Kitô biết chúng ta mỏng dòn và tội lỗi biết là chừng nào, Người biết nỗi yếu hèn của cõi lòng chúng ta; Người thấy nó bị tổn thương bởi sự dữ chúng ta đã vấp phạm và Người cũng biết chúng ta ngay lập tức cần đến ơn tha thứ biết bao, Người biết rằng chúng ta cần phải cảm thấy được yêu thương để hành thiện. Một mình chúng ta thì bất khả: bởi thế mà vị Tông Đồ này đã không bảo chúng ta làm gì khác hơn là hãy để mình được Thiên Chúa làm hòa, để cho Ngài tha thứ cho chúng ta bằng lòng tin tưởng, vì "Thiên Chúa cao cả hơn cõi lòng của chúng ta" (1Gioan 3:20). Người đã đánh bại tội lỗi và nâng chúng ta lên khỏi những khốn nạn của chúng ta, nếu chúng ta phó mình cho Người. Đối với chúng ta, đó là việc nhận biết mình cần được thương xót: bước đầu tiên của hành trình Kitô hữu là thế; đó là việc tiến vào qua cửa mở là Chúa Kitô, nơi mà chính Người là Đấng Cứu Thế đang đợi chờ chúng ta và ban cho chúng ta một đời sống mới hân hoan.

Có thể có những chướng ngại vật là việc đóng cửa lòng mình lại. Có khuynh hướng bọc sắt các cánh cửa, tức là khuynh hướng sống với tội lỗi của mình, làm cho nó trở thành nhẹ bớt đi, luôn biện minh cho bản thân mình, nghĩ mình không tệ hơn các người khác; tuy nhiên làm như thế có nghĩa là khóa lòng mình lại và cứ sống khép kín ở bên trong, trở thành những tù nhân của sự dữ. Một ngãng trở khác là nỗi hổ thẹn trong việc mở ra cái cửa bí ẩn của cõi lòng mình. Thật vậy, nỗi hổ thẹn là một triệu chứng tốt, vì nó cho thấy rằng chúng ta muốn tách mình khỏi sự dữ; tuy nhiên nỗi hổ thẹn này không bao giờ được biến thành nỗi kinh hãi hay sợ hãi. Còn thứ cạm bẫy thứ ba nữa đó là cạm bẫy tách mình khỏi cái cửa bí ẩn của cõi lòng mình ấy, ở chỗ chúng ta cứ ở trong những nỗi khốn nạn của mình, một khi chúng ta tiếp tục co cụm, dính líu tới hết tiêu cực này đến tiêu cực kia, cho đến khi chúng ta chìm xuống cái hầm rượu tối tăm nhất của linh hồn. Bấy giờ chúng ta thậm chí trở nên quen thuộc với cái buồn thảm mà chúng ta không muốn, chúng ta cảm thấy chán nản và chúng ta trở nên yếu hèn hơn trước các chước cám dỗ. Điều ấy xẩy ra là vì chúng ta cứ sống thui thủi một mình, khép kín và tránh xa ánh sáng, trong khi đó chỉ có ơn Chúa mới có thể giải thoát chúng ta mà thôi. Thế nên chúng ta hãy làm hòa, chúng ta hãy lắng nghe Chúa Giêsu là Đấng nói cùng những ai cảm thấy mệt mỏi và chán chường rằng "Hãy đến với Tôi" (Matheu 11:28). Đừng bám lấy bản thân mình mà hãy đến với Người! Nơi có được những gì là hồi phục và bình an. 

Các Thừa Sai của Lòng Thương Xót có mặt trong lễ này là để lãnh nhận sứ vụ trở thành dấu chỉ và dụng cụ của ơn Thiên Chúa tha thứ. Anh em thân mến, anh em có thể giúp vào việc mở cửa các cõi lòng con người, giúp vào việc thắng vượt nỗi hổ thẹn, không lẩn tránh ánh sáng. Chớ gì bàn tay của anh em chúc lành và nâng dậy những người anh chị em của mình bằng mối tình thân phụ, nhờ đó, qua anh em, ánh mắt và bàn tay của Chúa Cha đặt trên con cái của Ngài mà chữa lành các vết thương của họ!

Còn lời mời thứ hai của Thiên Chúa nữa, một lời mời qua tiên tri Joel, đó là: "Hãy hết lòng trở về với Ta" (2:12). Vì chúng ta đã tách mình ra mà chúng ta cần phải trở về. Mầu nhiệm tội lỗi là ở chỗ chúng ta đã tách mình ra khỏi Thiên Chúa, khỏi người khác và khỏi bản thân mình. Không khó để nhận ra điều này: tất cả chúng ta đều thấy phải cố gắng biết bao mới có thể thực sự tin tưởng vào Thiên Chúa,  mới có thể phó mình cho Ngài là Cha của chúng ta mà không sợ hãi; phải khó nhọc biết bao để có thể yêu thương người khác trước khi nghĩ xấu về người khác; khó khăn biết bao khi thi hành một việc thực sự thiện ích cho chúng ta trong khi chúng ta bị thu hút và cám dỗ bởi rất nhiều thực tại thể chất là những gì tàn phai và cuối cùng biến chúng ta thành bần cùng. Ngoài cái lịch sử tội lỗi này Chúa Giêsu đã khai mở một lịch sử cứu độ. Bài Phúc Âm khai mở Mùa Chay kêu gọi chúng ta hãy trở thành những vai chính tha thiết với ba phương trị, ba thứ thuốc chữa trị tội lỗi (xem Matheu 6:1-6.16-18). 

Cầu nguyện giữ vị thế đầu tiên, đó là việc tỏ ra cởi mở và tin tưởng vào Chúa: nó là cuộc gặp gỡ riêng tư với Người, việc thu ngắn khoảng cách gây ra bởi tội lỗi. Cầu nguyện tức là nói rằng: "Con là kẻ thiếu thốn, con cần Chúa. Chúa là sự cống của con và là ơn cứu độ của con".

Bác ái ở vị trí thứ nhì, đó là việc thắng vượt cái xa lạ khi đối xử với người khác. Thật vậy, tình yêu chân thực không phải là một tác hành bề ngoài; nó không phải là dúi cho chúng ta một cái gì để trấn an lương tâm của chúng ta, mà là đón nhận những ai đang cần đến thời giờ của chúng ta, đến tình thân hữu của chúng ta, đến sự giúp đỡ của chúng ta. Đó là việc sống phục vụ, thắng vượt khuynh hướng tìm thỏa mãn bản thân mình.

Chay tịnh, thống hối ở vị trí thứ ba, đó là việc giải thoát chúng ta khỏi những lệ thuộc khi đương đầu với những gì xẩy ra và huấn luyện chúng ta trở nên nhậy cảm và nhân hậu hơn. Nó là lời mời gọi sống giản dị hóa và chia sẻ, ở chỗ, hãy lấy một cái gì đó từ bàn ăn của chúng ta và từ những đồ vật để phục hồi sự thiện đích thực của tự do.

Chúa phán: "Hãy hết lòng trở về với Ta", không phải bằng một hành động bề ngoài mà bằng thâm tâm của con người mình. Thật vậy, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta sống cầu nguyện, bác ái và thống hối một cách tha thiết và đích thực, thắng vượt những gì là giả hình. Chớ gì Mùa Chay là thời gian ích lợi trong việc "cắt tỉa" những gì là sai trái, những gì là trần tục, những gì là lãnh đạm: đừng nghĩ rằng nếu tôi tốt đẹp thì mọi sự đều tốt đẹp; hãy biết rằng cái đáng kể không phải là những gì được người khác hưởng ứng, là theo đuổi tìm kiếm thành đạt hay đồng thuận mà là việc thanh tẩy cõi lòng và đời sống, là tái nhận thức được cái căn tính Kitô hữu của chúng ta, tức là một tình yêu phục vụ chứ không phải vị kỷ chỉ tìm mình. Chúng ta hãy bắt đầu cùng nhau hành trình, với tư cách là Giáo Hội, khi lãnh nhận Tro và gắn mắt của chúng ta vào Đấng Chịu Đóng Đinh. Vì yêu thương chúng ta, Người mời gọi chúng ta hãy để cho chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa và trở về với Người, hãy tái nhận thức bản thân chúng ta. 

https://zenit.org/articles/popes-homily-at-ash-wednesday-mass/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý nhấn mạnh

 

Xin mời coi thêm các video clips phụ họa sau đây

Đoạn Video Clip toàn bộ Thánh Lễ Thứ Tư Lễ Tro ngày 10/2/2016 dài 1 tiếng 40 phút 22 giây

http://www.romereports.com/2016/02/10/live-pope-celebrates-ash-wednesday-mass

Đoạn Video Clip về sự kiện Đức Thánh Cha Phanxicô nhận tro từ Đức Hồng Y Angelo Comastri dài 59 giây

http://www.romereports.com/2016/02/10/pope-francis-receives-the-ashes-from-card-angelo-comastri

Đoạn Video Clip tường trình biến cố các vị linh mục Thừa Sai Thương Xót gặp ĐTC ngày 9/2/2016 dài 2 phút 16 giây

http://www.romereports.com/2016/02/09/the-pope-to-the-missionaries-of-mercy-it-is-not-easy-to-accuse-yourself-before-another-man

Đoạn video Clip về buổi triều kiến của các linh mục Thừa Sai Thương Xót Thứ Ba ngày 9/2/2016 dài 37 phút 46 giây

http://www.romereports.com/2016/02/09/live-pope-meets-with-the-missionaries-of-mercy

 

 

quaresima