GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ ĐỨC CẬY

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 7-12-20016

Bài 1

 

 

czed0-lxuaa3fii

 

 

Dẫn nhập của người dịch:

@ Từ ngày lên làm giáo hoàng đến nay, thời điểm bắt đầu loạt bài giáo lý về niềm hy vọng hay về đức cậy trông, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục đường lối của các vị tiền nhiệm (từ Đức Gioan Phaolô I) trong việc sử dụng buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần để dạy giáo lý.

@ Cho đến nay ĐTC Phanxicô đã chia sẻ 4 loạt bài về 4 đề tài giáo lý khác nhau, thứ tự như sau:

- 25 bài giáo lý về Đức Tin từ ngày 3/4/2013 đến 11/12/2013 để tiếp nối 13 bài giáo lý theo chủ đề đức tin này của ĐTC Biển Đức XVI,

- 7 bài giáo lý về 7 tặng ân của Thánh Linh (khai triển thêm theo Kinh Tin Kính trong loạt bài về đức tin trước đó) từ 9/4/2014 đến 11/6/2014,

- 34 bài giáo lý về hôn nhân gia đình từ ngày 10/12/2014 đến ngày 11/11/2015,

- 36 bài giáo lý về Lòng Thương Xót từ ngày 9/12/2015 (ngay sau ngày khai mạc Năm Thánh Thương Xót 8/12/2015) đến ngày 30/11/2016

 @ Theo chiều hướng vô tình hay chủ ý của mình, 3 loạt bài cuối cùng rất khít khao ý nghĩa với nhau:

1- Giáo lý về hôn nhân gia đình 34 bài cho thấy tình trạng khủng hoảng đầy thương tích của nhân loại ngày nay nói chung và Giáo Hội nói riêng, cần được băng bó và chữa lành;

2- Giáo lý về Lòng Thương Xót 36 bài cho thấy chỉ có LTXC, nơi Chúa Kitô và qua Giáo Hội, mới có thể băng bó và chữa lành cho nhân loại đang ở vào thời điểm của lòng thương xót hiện nay;

3- Giáo lý về niềm hy vọng cậy trông tiếp ngay sau giáo lý về lòng thương xót, vào ngay thời điểm Mùa Vọng rất thích đáng và đầy ý nghĩa, là vì để được băng bó và chữa lành bởi lòng thương xót Chúa, con người nạn nhân cần phải hy vọng cậy trông nữa mới được.

Vậy theo chiều hướng "Giêsu ơi con tin nơi Chúa" là Lòng Thương Xót này, chúng ta hãy hân hoan và chăm chú theo dõi những gì được chính vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian hiện nay là ĐTC Phanxicô, vị giáo hoàng thương xót, hướng dẫn trong loạt bài về Niềm Hy Vọng Cậy Trông được bắt đầu từ hôm nay, Thứ Tư mùng 7/12/2016.

 

"Chúng ta cần phải làm sao có thể nhìn thấy trong cuộc đời con đường của niềm hy vọng cậy trông là những gì dẫn chúng ta tìm gặp Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa đã vì chúng ta trở thành một Con Trẻ ... Lịch sử đích thực - thứ lịch sử sẽ bền vững tới muôn đời - là thứ lịch sử được Thiên Chúa viết bằng những kẻ bé mọn của Ngài"

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý mới về đề tài niềm hy vọng cậy trông Kitô Giáo. Đây là một điều rất quan trọng, vì niềm hy vọng cậy trông là điều không làm cho thất vọng. Tinh chất lạc quan là những gì còn làm thất vọng, chứ niềm hy vọng cậy trông thì không! Chúng ta cần đến niềm hy vọng cậy trông này, trong những thời buổi đen tối mà chúng ta đôi khi cảm thấy bị chao đảo chới với trước sự dữ và bạo động bủa vây chúng ta, trước nỗi đớn đau của rất nhiều người anh chị em chúng ta. Chúng ta cần phải hy vọng cậy trông! Chúng ta cảm thấy lạc loài và cũng cảm thầy chán nản làm sao ấy, vì chúng ta cảm thấy bất lực và bóng tối tăm dường như sẽ chẳng bao giờ cùng.

Tuy nhiên, chúng ta không được để niềm hy vọng cậy trông lìa bỏ chúng ta, vì Thiên Chúa đang bước đi với chúng ta bằng tình yêu của Người. "Tôi hy vọng cậy trông Thiên Chúa ở bên tôi": tất cả chúng ta đều có thể nói như thế. Mỗi người chúng ta đều có thể nói rằng: "Tôi hy vọng cậy trông, tôi hằng hy vọng cậy trông, vì Thiên Chúa đang bước đi với tôi". Ngài bước đi và nắm lấy tay tôi mà dắt đi. Thiên Chúa không để chúng ta một mình. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự dữ và mở ra cho chúng ta con đường sự sống.

Bởi vậy cần phải suy niệm về niềm hy vọng cậy trông đặc biệt là trong Mùa Vọng này, thời điểm của niềm đợi trông, thời điểm chúng ta dọn mình đón nhận một lần nữa mầu nhiệm Nhập Thể ủi an cùng ánh sáng Giáng Sinh. Chúng ta hãy để Chúa dạy chúng ta về ý nghĩa của niềm hy vọng cậy trông. Bởi thế, chúng ta hãy lắng nghe những lời của Thánh Kinh, bắt đầu từ Tiên tri Isaia, vị đại tiên tri về Mùa Vọng, một sứ giả trọng đại của niềm hy vọng cậy trông.

Ở phần thứ hai trong cuốn sách của mình, Tiên Tri Isaia đã ngỏ cùng dân chúng lời loan báo an ủi là: "Hãy an vui, hãy cống hiến niềm an vui cho dân Ta, Thiên Chúa của các người phán. Hãy nói cùng tâm can của Giêrusalem, và hãy công bố cùng nó rằng việc phục dịch của nó đã được chấm dứt, tội lỗi của nó đã được xóa bỏ, nó đã được lãnh nhận từ tay của Chúa gấp đôi so với tất cả tội lỗi của nó. Có tiếng vang ra ở trong hoang địa là hãy dọn đường lối của Chúa! Hãy làm thẳng ngay trong hoang địa đường đi cho Thiên Chúa chúng ta! Hết mọi thung lũng cần phải được lấy đầy, hết mọi núi đồi cần phải được bạt xuống; Đất đai gập ghềnh cần phải được san cho bằng, thôn quê làng mạc nhấp nhô lởm chởm cần phải trở thành thung lũng rộng lớn. Bấy giờ vinh hiển của Chúa sẽ được tỏ hiện và tất cả mọi xác phàm sẽ cùng nhau được thấy vinh hiển ấy, bởi miệng Chúa đã phán".

Thiên Chúa Cha an ủi bằng cách khơi lên những con người an ủi, thành phần Ngài muốn sử dụng để động viên dân chúng là con cái của Ngài, loan báo rằng chiến tranh đã chấm dứt, sầu thương đã qua đi, và tội lỗi đã được tha thứ. Đó là những gì chữa lành tâm can đau thương và sợ hãi. Bởi thế, vị tiên tri này đã xin dọn đường của Chúa, cởi mở bản thân mình ra cho tặng ân cứu độ của Ngài.

Đối với dân chúng thì niềm an ủi được bắt đầu khả năng có thể bước đi theo con đường của Chúa, một con đường mới, thắng ngay và có thể đi qua, một con đường mở lối trong sa mạc, nhờ đó người ta có thể băng ngang qua nó và trở về quê hương. Vì thành phần dân chúng mà vị tiên tri này nói với đang sống trong thảm trạng lưu đầy ở Babylon, thì bấy giờ họ lại được nghe nói rằng họ sẽ được trở về quê hương của mình, qua một con đường dễ dàng và rộng lớn, không thung lũng và chẳng có đồi núi khiến đường đi làm chồn chân mỏi gối, một con đường được san bằng trong sa mạc. Thế nên. việc dọn đường nghĩa là dọn một con đường cứu độ và giải phóng không bị một trở ngại và ngăn chặn nào.

Tình trạng lưu đầy là một giây phút thảm thương trong lịch sử dân Israel, khi dân này mất hết mọi sự. Họ mất đi quê hương của mình, tự do, phẩm vị và ngay cả lòng tin tưởng của họ vào Thiên Chúa nữa. Họ cảm thấy bị bỏ rơi chẳng còn hy vọng cậy trông gì hết. Thế mà, lời kêu gọi của vị tiên tri này đã tái khởi động đức tin nơi lòng của họ. Sa mạc là một nơi khó sống, thế nhưng chính ở đó lại là nơi họ mới có thể tiến bước trở về, chẳng những về quê hương của họ mà còn về với Thiên Chúa, với niềm hy vọng cậy trông và tái nở nụ cười. Khi chúng ta sống trong tối tăm, trong tình trạng khó khăn, chúng ta không thể mỉm cười, và chính niềm hy vọng cậy trông dạy chúng ta mỉm cười để tìm đường về cùng Thiên Chúa. Một trong những điều đầu tiên xẩy ra cho những con người mệt mỏi chán chường Thiên Chúa đó là họ không biết cười. Có lẽ họ cười vang lên được, hết lần này đến lần khác, cười dòn tan rộn rã, ... thế nhưng lại thiếu mất nụ cười! Chỉ có niềm hy vọng cậy trông mới cống hiến nụ cười: nó là nụ cười của niềm hy vọng cây trông tìm gặp Thiên Chúa.

Đời sống thường là một sa mạc, nơi khó mà bước đi, thế nhưng nếu chúng ta tín thác bản thân mình cho Thiên Chúa thì nó có thể trở thành mỹ miều và rộng rãi như đại lộ. Chỉ cần đừng bao giờ mất niềm hy vọng cây trông, chỉ cần tiếp tục tin tưởng, luôn luôn tin tưởng, bất chấp tất cả mọi sự. Khi chúng ta đứng trước một con trẻ, có lẽ chúng ta có nhiều vấn đề và nhiều khó khăn, thế nhưng ở bên trong lại âm thầm nở ra một nụ cười, vì chúng ta thấy mình đứng trước niềm hy vọng: con trẻ là niềm hy vọng! Vậy chúng ta cần phải làm sao có thể nhìn thấy trong cuộc đời con đường của niềm hy vọng cậy trông là những gì dẫn chúng ta tìm gặp Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa đã vì chúng ta trở thành một Con Trẻ - và Con Trẻ này sẽ làm cho chúng ta nở nụ cười, Con Trẻ ấy sẽ cống hiến cho chúng ta tất cả mọi sự!

Thật vậy, những lời ấy của Tiên Tri Isaia sau này được Vị Gioan Tẩy Giả sử dụng trong lời rao giảng mời gọi hoán cải của mình. Ngài đã nói như thế này: "Có tiếng kêu trong sa mạc: Hãy dọn đường của Chúa" (Mathêu 3:3). Đó là một tiếng kêu mà dường như không ai nghe thấy - ai là người có thể nghe thấy trong sa mạc chứ? - một tiếng kêu bị lạc mất vì tình trạng khủng hoảng đức tin. Chúng ta không thể chối cãi được rằng thế giới ngày nay đang bị khủng hoảng về đức tin. Người ta nói: "Tôi tin có Thiên Chúa, tôi là Kitô hữu" - "Tôi thuộc về đạo này...". Thế nhưng đời sống của anh chị em rất ư là xa vời với việc làm Kitô hữu; rất xa vời với Thiên Chúa! Tôn giáo, đức tin đã trở thành một lời diễn tả rằng: "Tôi có tin hay chăng ư?" - "Có chứ!" Tuy nhiên, vấn đề ở đây là hướng về Thiên Chúa, bằng việc hoán cải tấm lòng về Thiên Chúa và cứ thế mà tìm gặp Ngài. Ngài đang chờ đợi chúng ta. Đó là lời rao giảng của Vị Gioan Tẩy Giả: hãy sửa soạn. Sửa soạn cuộc gặp gỡ một Con Trẻ sẽ cống hiến lại cho chúng ta nụ cười. Khi Vị Tẩy Giả loan báo việc Chúa Giêsu đến, đối với dân Israel thì như thể họ vẫn còn ở chốn lưu đầy,vì họ bị người Roma đô hộ, biến họ trở thành thành phần xa lạ ngay trên quê hương của họ, bị cai trị bởi những kẻ chiếm cứ quyền năng là thành phần quyết định sự sống của họ. Tuy nhiên, lịch sử đích thực không phải là thứ lích sử được làm nên bởi thành phần quyền lực mà trái lại được hình thành bởi Thiên Chúa cùng với những ai bé nhỏ của Ngài. Lịch sử đích thực - thứ lịch sử sẽ bền vững tới muôn đời - là thứ lịch sử được Thiên Chúa viết bằng những kẻ bé mọn của Ngài: Thiên Chúa với Đức Maria, Thiên Chúa với Đức Giêsu, Thiên Chúa với Thánh Giuse, Thiên Chúa với những kẻ bé mọn. Những con người bé mọn và đơn sơ này chúng ta đều thấy bao quanh Chúa Giêsu sắp được hạ sinh, như ông Giacaria và bà Isave, những con người già lão son sẻ; Đức Maria, nàng con gái trinh trắng trẻ trung đã đính hôn với chàng Giuse, những mục đồng bị khinh dể như là đồ bỏ. Chính những con người bé mọn này, nhờ đức tin của mình đã nên cao cả, những con người bé mọn đã có thể tiếp tục hy vọng. Và niềm hy vọng cậy trông này là nhân đức của những con người bé mọn. Thành phần kẻ cả, thành phần thoái mái không biết đến niềm hy vọng cậy trông, họ không biết nó là gì.

Chính những con người bé mọn với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu mới biến đổi sa mạc lưu đầy, biến đổi cái lẻ loi cô độc chán chường, biến đổi đau khổ thành một con đường bằng phẳng để tiến bước gặp gỡ vinh hiển của Chúa. Bởi thế, chúng ta tiến đến chỗ để cho bản thân mình được dạy dỗ về niềm hy vọng cậy trông. Chúng ta hãy tin tưởng chờ đợi Chúa đến và cho dù đời sống của chúng ta có là sa mạc gì đi nữa - từng người đều biết rằng họ bước đi trong sa mạc nào - nó sẽ trở thành một vườn nở hoa. Niềm hy vọng cậy trông là những gì không làm thất vọng!

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-christian-hope/

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chỗ nhấn mạnh tự ý bằng mầu

 

 

 

”Cho dù Cửa Thánh có đóng thì cửa ngõ đích thực của lòng thương xót là Trái Tim Chúa Kitô bao giờ cũng vẫn rộng mở cho chúng ta. Từ cạnh sườn bị rạch toác của Đấng Phục Sinh tuôn ra lòng thương xót, ơn an ủi và niềm hy vọng cho đến tận cùng thời gian”

 

(ĐTC - Lễ Bế Mạc 20/11/2016)





Dẫn Nhập

  

 

"Phúc Âm Thương Xót - the Gospel of Mercy" (ĐTC Phanxicô - Bài Giảng Lễ Lòng Thương Xót Chúa ngày 3/4/2016, xem tập sách này ở trang 334) có thể nói là tất cả Sứ Điệp về Lòng Thương Xót Chúa được vị giáo hoàng "đến từ tận cùng trái đất" (ĐTC Phanxicô lời ngỏ khai triều - 13/3/2013) tận tâm và tận lực, ngay từ khi bắt đầu làm giáo hoàng, "vì thương nên được chọn" (khẩu hiệu của ngài), loan truyền cho một thế giới đang sống trong giai đoạn lịch sử của một trào lưu "văn hóa tận số / terminal culture" (ĐTC Phanxicô trả lời phỏng vấn truyền thông 30/11/2014).

 

Sở dĩ ngài là một giáo hoàng chưa từng có luôn nói năng và làm những gì liên quan đến Lòng Thương Xót Chúa, thậm chí trong cả diễn từ ngỏ cùng 200 đại biểu các tôn giáo khác ngày 3/11/2016 ở Vatican, ngài cũng nói đến Lòng Thương Xót này (xem tập sách trang 337). 

 

Lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào Lòng Thương Xót và loan truyền Phúc Âm Thương Xót là vì ngài thực sự cảm thấy "đây là thời điểm của lòng thương xót" (Tông Thư Misericordia et Misera, khoản 21, tập sách trang 41). Ở chỗ, theo ngài, loài người nói chung và Kitô hữu nói riêng, đặc biệt là đời sống hôn nhân gia đình và giới trẻ, đang mang nhiều thương tích trầm trọng cần được cứu chữa, nên Giáo Hội cần phải trở thành một bệnh viện lưu động, ở chỗ Giáo Hội chẳng những cởi mở mà còn phải xông pha, đi thật xa thật sâu, cho đến độ thà bị lem luốc và bầm dập như Chúa Kitô hơn là sợ sệt và lành mạnh (xem Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm khoản 49).

 

Theo chủ trương của vị Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót này thì chân lý đầu tiên và trên hết của Giáo Hội và cần Giáo Hội nhắm tới đó là tình yêu nhân hậu của Chúa Kitô, một Chúa Kitô từ bi nhân ái, đến để cứu vớt và phục vụ (xem Mathêu 20:28; Luca 19:10), chứ không phải là một Chúa Kitô đến để luận phạt. 

 

Bởi thế, theo tinh thần Phúc Âm Thương Xót này thì điều cần canh tân trên hết và trước hết của chung Giáo Hội cũng như của từng Kitô hữu, không phải là cơ cấu tổ chức, bảo toàn công lý và luật lệ v.v. mà là chính thái độ của Kitô hữu, một thái độ của Lòng Thương Xót Chúa và như Lòng Thương Xót Chúa, để làm sao như Người Samaritanô nhân lành có thể đến gần với nạn nhân đang quằn quại bên đường cần cấp cứu, mà loan truyền Phúc Âm Thương Xót bằng chứng từ bác ái yêu thương của mình, hầu cứu chữa thương đau của những linh hồn cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn trong một thế giới càng văn minh con người càng bạo loạn và càng như thể đang lao đầu xuống hố tự diệt vô cùng nguy hiểm.

 

Vậy thái độ đầu tiên cần phải canh tân đổi mới là gì, nếu không phải, như vị giáo hoàng thương xót luôn nhấn mạnh và thúc giục đàn chiên của ngài phải lưu tâm và thực hiện, đó là thái độ nhận mình là tội nhân, bao gồm cả các vị có năng quyền tha tội, như chính bản thân ngài cảm nhận, hơn là thái độ quan án chỉ biết luận phạt ném đá, nhờ đó chúng ta mới có thể thương cảm anh chị em đáng thương của mình như chúng ta được Chúa cảm thương, và nhờ đó chúng ta mới có thể truyền đạt Lòng Thương Xót Chúa nơi chúng ta cho họ, khiến họ nhận ra Lòng Thương Xót Chúa mà trở về với Lòng Thương Xót Chúa.

 

Tất cả Phúc Âm Thương Xót có thể được tóm gọn trong tựa đề của bức Tông Thư "Misericordia et Misera - Lòng Thương Xót và Nỗi Khốn Cùng", hay có thể diễn tả một cách rõ ràng hơn như sau: "Lòng Chúa Thương Xót Con Người Khốn Khổ". 

 

Đúng thế, Con Người Khốn Khổ chính là đối tượng, là mục tiêu nhắm đến của Lòng Thương Xót Chúa, một Lòng Thương Xót Chúa đã được hiện thân sống động nơi Chúa Giêsu Kitô, "là Chúa thật và là người thật", "là Chúa thật" ở Lòng Thương Xót, và "là người thật" ở chỗ Khốn Khổ. 

Đó là lý do đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, Chúa Giêsu Kitô, Dung Nhan của Lòng Chúa Thương Xót Con Người Khốn Khổ, là cốt lõi của Phúc Âm Thương Xót, được ngài liên tục dẫn giải bằng việc giảng dạy (trong các Thánh Lễ hay văn kiện huấn quyền), huấn dụ (như qua các bài giáo lý) hay chia sẻ (như qua các cuộc phỏng vấn hoặc các diễn từ), và giờ đây giáo huấn quí báu của ngài được tổng hợp lại thành tập sách "Phúc Âm Thương Xót", xin được mạo muội soạn dịch và gửi đến quí độc giả, để sử dụng như một cẩm nang làm chỉ nam và hành trang lên đường cho những cán sự của Lòng Thương Xót Chúa cũng là chứng nhân cho Lòng Thương Xót Chúa, như lòng mong ước của vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian hiện nay là Đức Thánh Cha Phanxicô, Vị Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót Chúa!

 

Thứ Sáu Đầu Tháng 2/12 Tuần Nhất Mùa Vọng 2016

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL




                                                                                   NỘI DUNG

 

 

5- Dẫn Nhập

 

 

Tông Thư Misericordia et Misera

Lòng Thương Xót và Nỗi Khốn Cùng

 

10- Lòng Thương Xót Chúa nơi Ơn Tha Thứ 

      mang lại Niềm Vui

17- Lòng Thương Xót Chúa

      nơi việc cử hành Phụng Vụ của Giáo Hội

24- Lòng Thương Xót Chúa

      nơi việc chăm sóc Mục Vụ của Giáo Hội

34- Lòng Thương Xót Chúa

      cần được tỏ hiện trong Thời Điểm Thương Xót

 

 

36 Bài Giáo Lý về Lòng Thương Xót

 

Năm Thánh Thương Xót

49- Bài 1 Năm Thánh Thương Xót: Tại sao?

55- Bài 2 Năm Thánh Thương Xót - Các dấu hiệu

Lòng Thương Xót Chúa trong Cựu Ước

61- Bài 3 Thiên Chúa Thương Xót - Danh Hiệu Thần Linh

67- Bài 4 Thiên Chúa Thương Xót - Lịch Sử Cứu Độ

73- Bài 5 Thiên Chúa Thương Xót - hành sử Công Lý

77- Bài 6 Thiên Chúa Thương Xót - Năm Toàn Xá

85- Bài 7 Thiên Chúa Thương Xót - sẵn sàng tha thứ

91- Bài 8 Thiên Chúa Thương Xót - không bao giờ ruồng bỏ

97- Bài 9 Thiên Chúa Thương Xót - trung thành bất chấp tội lỗi

103- Bài 10 Thiên Chúa Thương Xót-Thánh Vịnh 22 Thống Hối

Lòng Thương Xót Chúa trong Tân Ước

109- Bài 11 Chúa Kitô  Lòng Thương Xót 

115- Bài 12 Chúa Kitô Thương Xót - chọn viên thu thuế Mathêu

123- Bài 13 Chúa Kitô Thương Xót - tha tội người nữ thống hối

129- Bài 14 Chúa Kitô Thương Xót - Người Samaria Nhân Lành

135- Bài 15 Chúa Kitô Thương Xót - Vị Mục Tử Nhân Lành

141- Bài 16 Chúa Kitô Thương Xót - Người cha từ bi nhân ái

147- Bài 17 Chúa Kitô Thương Xót-Lazarô ở cổng nhà vị phú hộ

153- Bài 18 Chúa Kitô Thương Xót - Bà góa cần minh oan

159- Bài 19 Chúa Kitô Thương Xót - Viên thu thuế đấm ngực

165- Bài 20 Chúa Kitô Thương Xót- hóa nước ra rượu ở Cana

173- Bài 21 Chúa Kitô Thương Xót - chữa người ăn xin mù lòa

179- Bài 22 Chúa Kitô Thương Xót - chữa lành người phong cùi

187- Bài 23 Chúa Kitô Thương Xót - hồi sinh con trai mẹ góa

193- Bài 24 Chúa Kitô Thương Xót - hóa nhiều bánh nuôi dân

199- Bài 25 Chúa Kitô Thương Xót - chữa phụ nữ loạn huyết 

205- Bài 26 Chúa Kitô Thương Xót - Một Thiên Sai từ bi nhân ái

211- Bài 27 Chúa Kitô Thương Xót - hãy đến với Tôi

219- Bài 28 Chúa Kitô Thương Xót - trọn lành như Cha

225- Bài 29 Chúa Kitô Thương Xót – cứu người trộm thống hối

Lòng Thương Xót Chúa trong Giáo Hội

233- Bài 30 Kitô Giáo Thương Xót - thương người 14 bốn mối

239- Bài 31 Kitô Giáo Thương Xót - cho kẻ đói khát ăn uống

245- Bài 32 Kitô Giáo Thương Xót - cho khách đỗ nhờ và người rách rưới được mặc              

251- Bài 33 Kitô Giáo Thương Xót - viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc

257- Bài 34 Kitô Giáo Thương Xót - nhịn kẻ mất lòng ta                      

263- Bài 35 Kitô Giáo Thương Xót - lời lành khuyên người và mở dạy kẻ mê muội                   

269- Bài 36 Kitô Giáo Thương Xót: chôn xác kẻ chết và cầu cho kẻ sống và kẻ chết                                                                                  

 

Tông Sắc, 7 Bài Giảng, 2 Sứ Điệp, 1 Suy Niệm, 1 Diễn Từ 

 

277- Tổng Lược Tông Sắc Dung Nhan Thương Xót

       cho Năm Thánh Thương Xót 11/4/2015

289- Giảng Lễ Mẹ Vô Nhiễm 

       Khai Mạc Năm Thánh Thương Xót 8/12/2015 

295- Sứ Điệp Mùa Chay 10/2 – 20/3 

       Năm Thánh Thương Xót  2016

305- Giảng cho Nghi Thức 24 Giờ Cho Chúa 

       Thứ Sáu 4/3/2016 

311- Giảng Lễ Chúa Nhật Thương Khó

       đầu Tuần Thánh 20/3 

319- Suy Niệm về Thánh Giá 

       Thứ Sáu Tuần Thánh 25/3/2016 

325- Sứ Điệp Phục Sinh 

       Năm Thánh Thương Xót Chúa Nhật 27/3/2016 

333- Giảng Lễ Lòng Thương Xót Chúa 

       Chúa Nhật 3/4/2016 

339- Diễn Từ về Lòng Thương Xót 

       với 200 Đại Biểu Tôn Giáo 3/11/2016

347- Giảng Lễ Mừng Năm Thánh Thương Xót

       Các Tù Nhân Chúa Nhật 6/11/2016

353- Giảng Lễ Mừng Năm Thánh Thương Xót

       Thành Phần bị loại trừ Chúa Nhật 13/11/2016

361- Giảng Lễ Chúa Kitô Vua 

        Bế Mạc Năm Thánh Thương Xót 

        Chúa Nhật 20/11/2016 

 

Phụ Thêm

 

369- Trả Lời Phỏng Vấn về Lòng Thương Xót Chúa

393- Trả Lời Phỏng Vấn về Năm Thánh Thương Xót 

406- Hiệu Ca Tông Đồ Chúa Tình Thương 

        Hiện Thân Từ Ái

407- Thực Hiện Lòng Thương Xót Chúa cho Nỗi Khốn Cùng của nhân loại 

 


Quí vị nào cần order cuốn sách Phúc Âm Sự Sống dầy 408 trang giá 25 Mỹ kim này, do Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch, xin viết check hay money order:

Trả cho Thuy-Nga Cao-Bui và 
Gửi về địa chỉ: 12173 Highgate Court - Rancho Cucamonga, CA 91739.

Chân thành đa tạ.

Hoàn toàn FREE BƯU PHÍ gửi hạng Media.
Tuy nhiên, ai muốn gửi Priority nhanh hơn, xin gửi thêm 5 Mỹ kim.