GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT

TRONG NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT

 

 

Screen Shot 2016-05-18 at 9.26.26 AM

 

 

BÀI 17- VỀ DỤ NGÔN

NGƯỜI PHÚ HỘ VÀ LAZARÔ NGHÈO

 

 

 

Pope at Audience CTV

 

 

"Bỏ bê người nghèo là khinh thường Thiên Chúa!...

Ở trong cái đảo ngược của hai số phận chất chứa trong dụ ngôn

đó là mầu nhiệm cứu độ của chúng ta,

một mầu nhiệm Chúa Kitô liên kết nghèo khổ với lòng thương xót"

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

Hôm nay tôi muốn suy niệm với anh chị em về dụ ngôn người phú hộ và Lazarô nghèo. Đời sống của 2 con người này dường như đi song song với nhau, ở chỗ, thân phận sống của họ tương phản và hoàn toàn tách biệt nhau. Cửa chính của nhà người phú hộ lúc nào cũng đóng kín trước con người nghèo khổ này, một con người nằm ngoài cửa ấy, mong tìm được một chút gì để ăn từ bàn ăn của người phú hộ này. Người phú hộ ăn mặc xa hoa, trong khu Lazaro thì lại đầy ghẻ lở. Người phú hộ yến tiệc linh đình hằng ngày, trong khi Lazarô đang bị chết đói. Chỉ có những con chó rình chực và đến liếm các chỗ lở loét của ông.

Cảnh tượng này nhắc nhở chúng ta về lời khiển trách khắc nghiệt của Con Người trong cuộc Chung Thẩm là "Ta đói các người không cho Ta ăn,Ta khát các người không cho Ta uống, Ta trần truồng các người không cho Ta mặc" (Mathêu 25:42-43). Lazaro là tiêu biểu rõ ràng cho tiếng kêu âm thầm của người nghèo qua mọi thời đại cũng như cho cái tương khắc của một thế giới có vô khối kho tàng và nguồn lợi ở trong tay của một thiểu số.

Chúa Giêsu nói rằng một ngày kia người phú hộ chết đi: người nghèo và người giầu đều chết, cả hai có cùng một số phận, như tất cả chúng ta; không có ngoại lệ ở chỗ này. Thế rồi con người ấy ngước lên Abraham, van xin ngài bằng danh xưng "cha" (các câu 24,27). Như thế là người này cho mình là con cái của Abraham, thuộc về Dân Chúa. Thế mà trong đời sống người ấy lại tỏ ra chẳng để ý gì đến Thiên Chúa; trái lại, ông ta biến mình thành tâm điểm của hết mọi sự, khép mình trong thế giới xa hoa và phung phí của mình. Khi loại trừ Lazarô như thế ông ta không quan tâm gì đến Thiên Chúa hay đến Lề Luật của Người. Bỏ bê người nghèo là khinh thường Thiên Chúa! Chúng ta cần phải biết rõ điều ấy: bỏ bê người nghèo là khinh thường Thiên Chúa.

Cần phải lưu ý tới một điểm đặc biệt trong dụ ngôn này, đó là con người giầu này không có tên, ngoại trừ tĩnh từ "giầu có"; trong khi tên của con người nghèo được lập đi lập lại đến 5 lần và "Lazarus" có nghĩa là "Chúa giúp". Lazarô, người nằm ở ngay trước cửa, là một tiếng gọi sống động đối với con người giầu có này là hãy nhớ đến Thiên Chúa, thế nhưng con người giầu ấy đã không đón nhận tiếng gọi ấy. Bởi thế mà ông ta sẽ bị luận phạt, chẳng phải vì cái giầu sang phú quí của ông, mà vì không biết cảm thương Lazarô và giúp đỡ Lazarô.

Ở phần hai của dụ ngôn này, chúng ta lại thấy Lazarô và người phú hộ sau khi chết (các câu 22-31). Ở bên kia thế giới, tình hình bị đảo lộn, ở chỗ, Lazarô nghèo được Thiên Thần mang lên Trời cho Abraham; trái lại, người phú hộ lại bị trầm luân cực hình. Bấy giờ người phú hộ "ngước mắt lên thấy Abraham từ đằng xa và Lazarô ở trong lòng của ngài". Ông ta dường như trông thấy Lazarô lần đầu tiên, thế nhưng lời lẽ của ông ta lại quay ra phản bội ông: "Lạy Cha Abraham - ông ta lên tiếng - xin thương đến tôi và bảo Lazarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi của tôi; vì tôi đang khốn cực trong ngọn lửa này". Bấy giờ người phú hộ nhìn nhận Lazarô và xin Lazarô giúp, trong khi ở đời này ông ta đã giả bộ như không thấy Lazarô. Biết bao nhiêu lần nhiều người giả bộ không nhìn thấy người nghèo! Đối với họ không có việc người nghèo hiện hữu. Trước kia ông ta đối xử tới độ từ chối Lazarô cả những gì dư thừa từ bàn ăn của mình, giờ đây ông ta lại muốn Lazarô mang đến cho ông ta một chút gì đó! Ông ta vẫn tin rằng ông ta có quyền đòi hỏi vì thân phận xã hội trước đây của ông ta. Khi từ chối không thể đáp ứng điều yêu cầu của ông ta, Abraham đích thân cống hiến cái then chốt của cả câu truyện này, ở chỗ, ngài giải thích rằng các sự lành và những sự dữ đã được phân phối để bù lại tình trạng bất công trên thế gian, và cánh cửa trong cuộc đời tách biệt người phú hộ khỏi con người nghèo đã bị biến thành "một vực thẳm khổng lồ". Bao lâu Lazarô còn ở nhà của ông ta thì người phú hộ đã có cơ hội cứu độ, bằng cách mở rộng cửa giúp đỡ cho Lazarô, thế nhưng giờ đây cả hai đều đã chết, tình trạng đã trở thành bất khả cứu chữa. Thiên Chúa không bao giờ trực tiếp kêu gọi, thế nhưng bài dụ ngôn này bắt người ta phải cảnh giác là lòng thương xót Chúa đối với chúng ta được gắn liền với lòng thương xót của chúng ta với tha nhân; khi thiếu mất tha nhân thì Thiên Chúa không tìm thấy khoảng trống trong tấm lòng khép kín của chúng ta, Ngài không vào đó được. Nếu tôi không mở rộng cửa lòng của tôi ra cho người nghèo thì cánh cửa đó vẫn cứ đóng, cả với Thiên Chúa. Như thế thì ghê sợ thay.

Tới đây người phú hộ nghĩ tới anh em của mình, những người cũng có nguy cơ tiến đến một kết cục như ông, nên ông đã xin rằng nếu được thì Lazarô có thể về báo cho họ. Thế nhưng Abraham trả lời rằng: "Họ đã có Moisen và các vị tiên tri; họ hãy nghe theo những vị ấy".

Chúng ta không được đợi chờ xẩy ra những biến cố lạ lùng rồi mới hoán cải, thế nhưng chúng ta cần phải mở lòng mình ra cho Lời Chúa là lời kêu gọi chúng ta hãy kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Lời Chúa có thể làm cho con tim cằn cỗi phục hồi và chữa lành cái mù lòa của nó. Người phú hộ biết Lời Chúa, nhưng ông ta đã không để cho Lời Chúa lọt vào lòng của ông, ông không lắng nghe Lời Chúa, bởi thế ông không thể mở mắt mình ra và tỏ lòng cảm thương con người nghèo khổ ấy. Không có sứ giả nào hay không có sứ điệp nào có thể thay thế cho người nghèo chúng ta gặp ngoài phố xá, vì ở nơi họ, Chính Chúa Giêsu đến gặp gỡ chúng ta: "Thật vậy, Ta nói cho các người hay là khi các người làm điều ấy cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta đây là các người làm cho Ta" (Mathêu 25:40), Chúa phán. Vậy, ở trong cái đảo ngược của hai số phận chất chứa trong dụ ngôn đó là mầu nhiệm cứu độ của chúng ta, một mầu nhiệm Chúa Kitô liên kết nghèo khổ với lòng thương xót.

Anh chị em thân mến, nghe bài Phúc Âm này, tất cả chúng ta, cùng với thành phần nghèo khổ trên trái đất này, có thể cùng với Mẹ Maria hát lên rằng: "Ngài đã hạ người quyền hành xuống khỏi bệ cao và đã nâng người hèn mọn lên; Ngài đã cho người đói khó no đầy thiện hảo và để người giầu có trở về tay không" (Luca 1:52-53).

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-parable-of-lazarus/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)