GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 

 TRONG CUỘC PHỎNG VẤN CỦA NHẬT BÁO LA CROIX PHÁP QUỐC

 

 

 

 

Le pape François avec Guillaume Goubert (C) et Sébastien Maillard (G).

 

 

NGÀY 9/5/2016 BỞI 2 PHÓNG VIÊN CỦA TỜ NHẬT BÁO NÀY LÀ

 

Guillaume Goubert và Sébastien Maillard

 

BÀI PHỎNG VẤN BẮNG TIẾNG ANH ĐƯỢC PHỔ BIẾN NGÀY 17/5/2016

 

 

Le pape François a reçu, lundi 9 mai 2016, Guillaume Goubert (C) et Sébastien Maillard (D), pour un entretien exclusif accordé à « La Croix ».

 

 

 

Về các vấn đề tiêu biểu được đặt ra liên quan đến chung Âu Châu và riêng Pháp quốc, như

Căn Gốc Âu Châu, Di Dân, Tín Đồ Hồi Giáo, Linh Mục Lạm Dụng Tình Dục, Khủng Hoảng Hôn Nhân v.v.

 

 

 

Le pape François a reçu Guillaume Goubert et Sébastien Maillard.

 

 

Vấn (Phóng Viên): Trong những bài nói của ngài về Âu Châu, ngài nói tới "những căn gốc" của châu lục này nhưng chưa từng diễn tả những căn gốc ấy như là Kitô hữu. Trái lại, ngài lại nhận định "căn tính Âu Châu" như là những gì "năng động và đa văn hóa". Phải chăng theo ngài thì câu nói "các căn gốc Âu Châu" không thích hợp với Âu Châu?

Đáp (Đức Phanxicô):Chúng ta cần phải nói về những cội rễ ở số nhiều vì có rất nhiều cội rễ. Theo chiều hướng ấy thì khi tôi nói về những cội rễ của Âu Châu, thì đôi khi tôi sợ cái giọng điệu ra như thắng thế hay thậm chí thù hằn. Bởi thế nó có tính chất quá thực dân. Tuy nhiên, Đức Gioan Phaolô II đã nói đến nó một cách thâm trầm.

Phải, Âu Châu có những cội rễ Kitô giáo và Kitô giáo có trách nhiệm cần phải vun tưới cho những gốc rễ này. Thế nhưng, cần phải làm sao để thực hiện bằng tinh thần phục vụ như trong việc rửa chân. Phận sự của Kitô giáo đối với Âu Châu là một phận sự phục vụ. Như Erich Przywara, vị đại sư Romano Guardini và Hans Urs von Balthasar, dạy chúng ta, việc Kitô giáo đóng góp cho một nền văn hóa là việc đóng góp của Chúa Kitô trong việc rửa chân. Nói cách khác, phục vụ và tặng ân sự sống. Nó không được trở thành một thứ kinh doanh có tính cách thực dân.

Vấn (Phóng Viên): Vào ngày 16/4, ngài đã có một cử chỉ mãnh liệt, ở chỗ mang những người tị nạn từ Lasbos về Roma. Tuy nhiên, liệu Âu Châu có khả năng để chấp nhận quá nhiều di dân hay chăng?

Đáp (Đức Phanxicô): Đây là một vấn nạn có tính cách công bằng và hữu trách, vì người ta không thể mở rộng cửa một cách vô lý được. Tuy nhiên, vấn nạn sâu xa hơn đó là tại sao ngày nay lại có quá nhiều di dân như vậy. Khi tôi đến Lampedusa 3 năm trước đây thì đã xẩy ra hiện tượng này rồi.

Những trục trặc ban đầu là các thứ chiến tranh loạn lạc ở Trung Đông cũng như ở Phi Châu và tình trạng kém phát triển của Phi Châu, một tình trạng gây ra đói khổ. Tình trạng xảy ra chiến tranh là vì việc chế tạo các thứ vũ khí - một thứ chế tạo được biện minh bằng mục đích để tự vệ - và nhất là do việc buôn bán vũ khí. Tình trạng quá nhiều thất nghiệp là vì không thực hiện việc đầu tư có khả năng tạo ra việc làm là những gì Phi Châu rất ư là cần đến.

Nói chung thì tình trạng này đặt ra vấn đề liên quan đến một hệ thống kinh tế toàn cầu đang đi đến chỗ sùng bái tiền bạc. Đại đa số sự giầu có của nhân loại lọt vào tay của một thiểu số dân chúng.

Thứ thị trường hoàn toàn tự do mậu dịch là thứ thị trường không công hiệu. Các thứ thị trường tự chúng thì tốt đấy nhưng chúng cũng cần đến một thứ đón bẩy, một bên thứ ba, hay một chính quyền để kiểm tra và cân bằng chúng. Nghĩa là cần đến một thứ kính tế thị trường có tính cách xã hội.

Trở về với vấn đề di dân, hình thức đón nhận tệ nhất là 'khu vực hóa' họ. Trái lại, cần phải hội nhập họ. Ở Brussels, những tay khủng bố là người Bỉ, con cái của thành phần di dân, thế nhưng họ lớn lên ở một khu vực riêng. Ở Luân Đôn, vị tân thị trưởng (tờ báo chú thích thêm: đó là Sadiq Khan, con của một Tín đồ Hồi giáo người Pakistan) đã tuyên thệ nhận chức trong một ngôi vương cung thánh đường và chắc chắn gặp gỡ nữ hoàng nước này. Điều này chứng tỏ cho thấy nhu cầu của Âu Châu trong việc tái nhận thức khả năng hội nhập của mình.

Đến đây tôi nghĩ đến Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả (phụ chú: 590-604), vị đã thương thuyết với một thứ dân được cho là man di mọi rợ là những người về sau đã được hội nhập. Việc hội nhập này ngày nay lại càng cần hơn nữa, vì như hậu quả của việc vị kỷ tìm kiếm những gì là an toàn cho bản thân mình cho thấy, Âu Châu đang trải qua một vấn đề nghiêm trọng là mức độ sinh sản bị giảm sút. Một thứ trống rỗng về nhân khẩu học đang phát triển. Ít là ở Pháp, chiều hướng này ít bị ảnh hưởng vì các chính sách hướng về gia đình.

Vấn (Phóng Viên): Nỗi lo sợ chấp nhận y một phần là vì sợ Hồi giáo. Theo ngài thì nỗi lo sợ là thứ tôn giáo này bừng lên ở Âu Châu có chính đáng hay chăng?

Đáp (Đức Phanxicô): Ngày nay, tôi không nghĩ rằng đang xẩy ra một thứ lo sợ Hồi giáo như vậy mà là lo sợ ISIS và cuộc chiến xâm chiếm của nó, một cuộc chiến phần nào xuất phát từ Hồi giáo. Thật sự thì ý nghĩ xâm chiếm là những gì bẩm sinh nơi linh hồn của Hồi giáo. Tuy nhiên, cũng có thể giải thích mục tiêu này theo Phúc Âm Thánh ký Mathêu, ở đó Chúa Giêsu đã sai các môn đệ của Người đi khắp mọi dân nước, theo khía cạnh có cùng một ý hướng xâm chiếm.

Bởi thế, trước cuộc khủng bố của Hồi giáo, cần phải tự vấn về đường lối của kiểu dân chủ quá trớn của Tây phương đã xuất cảng sang các quốc gia khác, chẳng hạn như Iraq, nơi đã có sẵn một chính quyền vững mạnh. Hay ở Lybia, nơi đã có một cơ cấu về chi tộc. Chúng ta không thể thăng tiến mà không lưu ý gì tới các nền văn hóa của họ. Như một người Lybia mới đây đã nói: "Chúng tôi thường chỉ có một Gaddafi, giờ đây chúng tôi có tới 50".

Tựu kỳ trung thì việc chung sống giữa tín đồ Kitô giáo và Hồi giáo vẫn là những gì khả dĩ. Tôi xuất thân từ một xứ sở là nơi cả hai loại tín đồ này cùng chung sống một cách tốt đẹp. Những tín đồ Hồi giáo tỏ ra tôn kính Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Goerge. Cũng thế, họ nói với tôi rằng đối với Năm Thánh Tình Thương này, các tín đồ Hồi giáo ở một nước Phi Châu đã xếp hàng dài trước ngôi vương cung thánh đường để tiến vào qua cửa thánh mà cầu nguyện cùng Đức Trinh Nữ Maria. Ở Trung Phi, trước khi xẩy ra cuộc chiến, tín đồ Kitô giáo và Hồi giáo thường sống với nhau và cần phải biết làm lại như vậy. Lebanon cũng cho thấy rằng đó là điều khả dĩ.

Vấn (Phóng Viên): Tầm quan trọng của Hồi giáo ở Pháp ngày nay, như nền tảng về lịch sử của quốc gia này, là những gì làm dậy lên các vấn nạn cứ được đặt ra liên quan đến vị thế của tôn giáo ở nơi công cộng. Ngài làm sao có thể định hình một thứ tách biệt giữa đời và đạo?

Đáp (Đức Phanxicô): Các quốc gia cần phải có tính cách thế tục. Những quốc gia có tính chất tôn giáo đi đến chỗ kết cục tệ hại. Nó đi ngược với giòng Lịch Sử. Tôi tin rằng một phiên bản về tính cách đời được kèm theo cả một thứ luật vững chắc bảo đảm quyền tự do tôn giáo là những gì cống hiến một khuôn thước để tiến bước. Tất cả chúng ta đều bình đẳng như là những người con nam nữ của Thiên Chúa cũng như nơi phẩm giá làm người của chúng ta. Tuy nhiên, hết mọi người cần phải được tự do để bày tỏ ra bên ngoài đức tin của mình. Nếu một phụ nữ Hồi giáo muốn đội khăn, thì người nữ này phải được quyền làm như thế. Cũng vậy, nếu một tín hữu Công giáo muốn đeo thánh giá. Dân chúng cần phải được tự do tuyên xưng đức tin của mình ở ngay giữa lòng văn hóa của mình chứ không phải chỉ ở bên lề văn hóa ấy.

Lời nhận định chừng mực tôi muốn ngỏ cùng Pháp quốc về vấn đề này đó là Pháp quốc đã quá trần tục mất rồi. Tình trạng này xuất phát từ cách thức coi các tôn giáo như là những thứ văn hóa hạ cấp hơn là những thứ văn hóa hoàn toàn nguyên vẹn theo quyền lợi của chúng. Tôi sợ rằng sách lược này, một sách lược được hiểu là di sản của Thời Minh Tri, tiếp tục hiện hữu. Pháp quốc cần phải tiến bước về vấn đề này để chấp nhận việc hướng về siêu việt thể là một quyền lợi cho hết mọi người. 

Vấn (Phóng Viên): Trong một bối cảnh thế tục, tín hữu Công giáo làm thế nào để bênh vực các mối quan tâm của họ về xã hội như triệt sinh an tử hay hôn nhân đồng tính?

Đáp (Đức Phanxicô): Nó tùy ngành Lập Pháp bàn luận, tranh cãi, giải thích, lý luận. Đó là cách một xã hội tăng trưởng.

Tuy nhiên, khi đã phê chuẩn một khoản luật nào đó thì chính quyền cũng cần phải tôn trọng lương tâm của dân chúng nữa. Quyền chống cưỡng theo lương tâm cần phải được tôn trọng trong mỗi một cơ cấu pháp lý vì nó là một thứ nhân quyền. Bao gồm cả đối với một nhân viên của chính quyền, họ cũng là một con người. Chính quyền cũng cần phải xem xét việc phê bình nhận định. Như thế mới là một hình thức thế tục chân thực.

Quí vị không thể gạt đi những luận cứ của tín hữu Công giáo bằng cách nói với họ rằng họ "nói năng như một vị linh mục". Không, họ dựa vào một loại Kitô hữu nghĩ rằng Pháp quốc là một nước đã phát triển rất đáng kể.

Vấn (Phóng Viên):  Đối với ngài thì Pháp quốc như thế nào?

Đáp (Đức Phanxicô): Pháp quốc là trưởng nữ của Giáo Hội nhưng không phải là tín hữu trung thành nhất! (cười). Tuy nhiên, trong thập niên 1950, người ta cũng nói về "Pháp quốc là một xứ truyền giáo". Theo chiều hướng ấy thì Pháp quốc vẫn là một vùng sâu vùng xa cần phải truyền bá phúc âm hóa. Tuy nhiên, công bằng mà nói về Pháp quốc thì Giáo Hội ở đó quả thực có một khả năng thật là sáng tạo.

Pháp quốc cũng là một mảnh đất có nhiều vị thánh lớn, những đại tư tưởng gia như (Jean) Guitton, (Maurice) Blondel, (Emmanuel) Levinas không phải là tín hữu Công giáo, và (Jacques) Maritain. Tôi cũng nghĩ đến cả tính chất sâu xa của văn chương Pháp quốc nữa.

Tôi cũng biết ơn văn hóa Pháp quốc đã cưu mang linh đạo Dòng Tên so với trào lưu khổ hạnh hơn của Tây Ban Nha. Trào lưu này ở Pháp, được bắt đầu với Pierre Favre, đã cống hiến cho Pháp một hương vị khác, trong khi vẫn tiếp tục nhấn mạnh đến việc nhận thức về các thứ thần trí.

Cũng có những đại nhân vật Pháp quốc về tu đức, như (Louis) Lallemant, hay (Jean-Pierre) de Caussade. Và các đại thần học gia đã giúp cho xã hội Pháp quốc rất nhiều, như Henri de Lubac và Michel de Certeau. Tôi thật sự là thích hai vị cuối này. Hai tu sĩ Dòng tên có óc sáng tạo.

Nói chung, đó là những gì làm cho tôi cảm thấy mê Pháp quốc. Một đàng là tính cách thế tục quá trớn, di sản của Cuộc Cách Mạng Pháp, đàng khác Pháp lại có rất nhiều vị đại thánh.

Vấn (Phóng Viên):  Ngài yêu thích vị nào?

Đáp (Đức Phanxicô): Thánh Thérèsa Lisieux.

Vấn (Phóng Viên): Ngài đã hứa là sẽ đến Pháp. Khi nào thì chuyến đi này có thể xẩy ra?

Đáp (Đức Phanxicô): Tôi gần đây đã nhận được lời mời của Tổng Thống Francois Hollande. Hội đồng giám mục Pháp cũng đã mời tôi. Thế nhưng tôi không biết khi nào sẽ thực hiện chuyến đi này, vì năm tới là năm Pháp bầu cử, và nói chung thì qui định của Tòa Thánh không tổ chức những chuyến đi như thế trong những giai đoạn này.

Năm ngoái, đã nổi lên một ít giả thuyết liên quan đến một chuyến đi như thế, bao gồm cả việc viếng thăm Paris cùng các vùng phụ cận của nó, Lộ Đức và một thành phố chưa có một vị giáo hoàng nào đến thăm là Marseille, thành phố tiêu biểu cho một cửa ngỏ trước thế giới.

 Vấn (Phóng Viên): Như ở bất cứ ở đâu khác, Giáo Hội ở Pháp đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng về ơn gọi linh mục. Ngày nay làm thế nào để đảm trách được với con số quá ít linh mục như thế?

Đáp (Đức Phanxicô): Korea là nước có thể cống hiến một mẫu gương lịch sử. Xứ sở này được truyền bá phúc âm hóa bởi những nhà truyền giáo từ Trung Hoa, những vị sau đó đã bỏ đi. Thế rồi, qua 200 năm, Korea đã được truyền bá phúc âm hóa bởi thành phần giáo dân. Nước này là một mảnh đất của các vị thánh và các vị tử đạo giờ đây có một Giáo Hội vững mạnh.

Bởi thế không nhất thiết cần phải có linh mục để truyền bá phúc âm hóa. Phép Rửa là bí tích cống hiến sức mạnh để truyền bá phúc âm hóa. Và Thánh Linh, Đấng được lãnh nhận từ Phép Rửa, thôi thúc con người ra đi, can đảm và nhẫn nại ôm ấp sứ điệp Kitô giáo. Thánh Linh là Đấng đóng vai chính của bất cứ những gì xẩy ra trong Giáo Hội, là động cơ của Giáo Hội. Quá nhiều Kitô hữu không biết đến điều ấy.

Mặt khác, mối nguy hiểm phản khắc đối với Giáo Hội đó là chính sách giáo sĩ. Đó là một thứ tội vấp phạm bởi hai thành phần, như bản tango! Vị linh mục thì muốn giáo sĩ hóa giáo dân và giáo dân đòi được giáo sĩ hóa vì giáo sĩ hóa thì dễ dàng hơn.

Ở Buenos Aires, tôi biết được nhiều vị linh mục tốt lành, bất cứ khi nào các vị thấy được một giáo dân có khả năng liền hô hào lên rằng "cho họ làm phó tế đi!" Đừng, cứ để họ làm giáo dân.

Chủ nghĩa giáo sĩ đặc biệt là những gì quan trọng ở Mỹ Châu Latinh. Nếu lòng mộ đạo của quần chúng mà mạnh mẽ thì chính vì nó là sáng kiến giáo dân duy nhất chưa được giáo sĩ hóa. Điều này là những gì thành phần giáo sĩ không hiểu.

Vấn (Phóng Viên): Giáo Hội ở Pháp, cách riêng ở Lyon, mới đây đã từng bị tan tác gây ra bởi những tích sử về gương mù tệ đoan ấu dâm. Phải làm sao với tình hình này?

Đáp (Đức Phanxicô): Đúng thật là không dễ gì mà phân xử những sự kiện ở các thập niên sau trong một bối cảnh khác. Thực tại không phải lúc nào cũng rõ ràng sáng tỏ. Tuy nhiên, có thể là không có qui định nào về những giới hạn cho Giáo Hội ở lãnh vực này. Vì hậu quả của những thứ lạm dụng này, một vị linh mục, mà ơn gọi là dẫn con trẻ đến cùng Thiên Chúa, hủy hoại bản thân mình. Ngài gieo rắc sự dữ, bất mãn, buồn nản. Như Đức Benedict XVI đã nói, cần phải tỏ ra thái độ bất dung nhượng.

Theo tín liệu tôi nhận được thì Đức Hồng Y Barbarin ở Lyon đã thực hiện những biện pháp cần thiết và ngài đã làm chủ được vấn đề. Ngài là vị can đảm, sáng tạo và truyền giáo. Giờ đây chúng ta chờ đợi thành quả của thủ tục pháp lý dân sự.

Vấn (Phóng Viên): Như thế thì Đức Hồng Y Barbarin không cần phải từ nhiệm hay sao?

Đáp (Đức Phanxicô): Không, đó là điều mâu thuẫn, thiếu khôn ngoan. Chúng ta sẽ chờ xem cho đến khi nội vụ kết thúc. Tuy nhiên, vào lúc này đây điều này chẳng khác gì là một thứ nhận lỗi.

Vấn (Phóng Viên): Vào ngày 1/4, ngài đã tiếp Đức Giám Mục Bernard Fellay, bề trên tổng quyền của Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X. Phải chăng vấn đề tái hội nhập của những phần tử huynh đoàn này vào Giáo Hội lại được cứu xét?

Đáp (Đức Phanxicô): Ở Buenos Aires, Tôi thường nói chuyện với họ. Họ chào tôi, quì xuống xin tôi ban phép lành. Họ nói họ là Công giáo. Họ yêu mến Giáo Hội.

Đức Giám Mục Fellay là một con người có thể trao đổi. Đây không phải là trường hợp vì các yếu tố khác, trường hợp hơi lạ, như Giám Mục Williamson hay những vị khác là những người đã tỏ ra cực đoan. Ngoài ra, như tôi đã nói ở Á Căn Đình, tôi tin rằng họ là những tín hữu Công giáo trên đường tiến đến chỗ hoàn toàn hiệp thông.

Trong năm thương xót này, tôi cảm thấy rằng tôi cần phải ban quyền cho các vị giải tội của họ được tha tội phá thai. Họ đã cám ơn tôi vì cử chỉ này. Trước đây, Đức Benedict XVI, vị được họ rất trọng kính, đã cho tự do cử hành lễ theo nghi thức của Công Đồng Triđentinô. Bởi thế việc đối thoại và hoạt động mới đang diễn tiến tốt đẹp.

Vấn (Phóng Viên): Ngài có sẵn sàng ban cho họ vị thế của hàng giáo phẩm hay chăng?

Đáp (Đức Phanxicô): Đó là một giải pháp khả dĩ, thế nhưng trước đó cần phải thiết lập một thỏa hiệp nồng cốt với họ đã. Công Đồng Chung Vaticanô II có giá trị của mình. Chúng tôi sẽ tiến triển từ từ và kiên nhẫn.

Vấn (Phóng Viên): Ngài đã triệu tập hai thượng nghị giám mục thế giới về gia đình. Theo ngài thì tiến trình lâu dài này đã làm thay đổi Giáo Hội rồi hay chăng?

Đáp (Đức Phanxicô): Tiến trình này đã được bắt đầu bằng một mật nghị, trong đó nó được giới thiệu bởi Đức Hồng Y Kasper, trước Thượng Nghị Ngoại Lệ vào Tháng 10 cùng năm, một thượng nghị được theo đuổi bằng một năm suy tư và bằng một Thượng Nghị Giám Mục thường lệ.

Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đã xuất phát từ các tiến trình khác nhau, khác với đường lối chúng ta đã tiến vào. Bao gồm cả tôi.

Trong tông huấn hậu thượng nghị, tôi đã tỏ ra trân trọng Thượng Nghị này tối đa. Các bạn sẽ không thấy những qui định có tính cách giáo luật ở đó về những gì người ta có thể hay không thể làm.

Nó là một suy tư thanh thản, an bình về vẻ đẹp của tình yêu, làm thế nào để giáo dục trẻ em, để sửa soạn cho hôn nhân... Nó nhấn mạnh đến các trách nhiệm có thể được khai triển bởi Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách về Giáo Dân bằng hình thức hướng dẫn.

Ngoài tiến trình này, chúng ta cần nghĩ về tính đồng hành chân thực, hay ít là ý nghĩa của đồng hành tính Công giáo. Các vị giám mục cùng với Thánh Phêrô - cum Petro và dưới Thánh Phêrô - sub Petrus. Điều này khác với đồng hành tính của Chính Thống giáo hay với đồng hành tính của Các Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp, nơi mà chỉ có vị Thượng Phụ được kể là tiếng nói duy nhất.

Công Đồng Chung Vaticano II đã bắt đầu một lý tưởng của mối hiệp thông về đồng hành tính và giáo phẩm. Điều này vẫn cần được khai triển, bao gồm cả ở tầm mức giáo xứ, tôn trọng những gì được yêu cầu đòi hỏi. Có những giáo xứ vẫn chưa có hội đồng mục vụ, hay hội đồng kinh tế vụ, ngay cả đó là những bó buộc theo giáo luật. Đồng hành tính cũng thích đáng ở tầm mức ấy.

http://www.la-croix.com/Religion/Pape/INTERVIEW-Pope-Francis-2016-05-17-1200760633

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL